30 thg 9, 2009

Trung Quốc ' bao giờ cũng đúng ' ?

Các hoàng đế Trung Hoa luôn coi mình là trung tâm của thế giới

Dương Danh Dy
Nhà nghiên cứu Trung Quốc

Ai cũng biết Trung Quốc là một trong mấy nước có nền văn minh sớm nhất loài người. Hơn bốn, năm ngàn năm nay, khác với một vài nền văn minh cùng thời, tuy có lúc lên lúc xuống nhưng nền văn minh Trung Quốc chưa bao giờ tàn lụi.

Trung Quốc là “nước ở giữa”, ở đó có “con trời” (Thiên tử) cai trị muôn dân. Các nước bốn xung quanh theo thứ tự được phân chia thành đông Di, tây Địch, bắc Nhung, nam Man.

Mấy tỉnh miền nam Trung Quốc ngày nay và Việt Nam được “vinh dự” thuộc hàng ngũ “nam Man” - là phiên thuộc, là chư hầu của Thiên tử. Xin lưu ý là 3 trong 4 chữ Hán: Di, Địch, Nhung, Man nói trên, có tới 3 chữ có bộ thú chỉ thú vật ở bên cạnh.

Với thuyết Chính danh của Người quân tử, con cháu cụ Khổng từ mấy ngàn năm qua và cho đến tận bây giờ, lúc nào cũng tự coi mình là người duy nhất đúng trong mọi chuyện bang giao.

Đồng hóa và bành trướng

Không biết tên gọi của bao nhiêu nước đã biến mất trên bản đồ Trung Quốc để lãnh thổ nước này từ chỗ chỉ có mấy vùng đất không lớn lắm ở một phần lưu vực thuộc sông Hoàng Hà nay đã mênh mông rộng tới 9,6 triệu km2?

Không biết bao nhiêu dân tộc đã bị đồng hoá, kể cả dân tộc đã từng vào thống trị Trung nguyên xây dựng nên triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc mà nay chỉ còn chưa tới một trăm người nói và viết thành thạo tiếng mẹ đẻ?

Tất cả quá trình bành trướng lãnh thổ, đồng hóa dân tộc bằng thủ đoạn tàn bạo hay kế độc mưu sâu đều được che đậy, mỹ hoá bằng những câu chữ tuyệt đẹp: “mở mang bờ cõi", "hoà hợp dân tộc"…

Đó là chuyện xa xưa. Chuyện bây giờ thì sao?

Mặc dù đất rộng như vậy, người ta vẫn đang kêu rên là một trong mấy nước bị mất nhiều lãnh thổ nhất thế giới, phía nào cũng mất đất thậm chí còn “mất cả phần đất thuộc nguyên một nước bây giờ”.

Đã có tới hơn 2 triệu km2 lãnh hải mà Trung Quốc vẫn nói còn mất khoảng 1,2 triệu km2 biển nữa (trong đó có khoảng 800.000km2 tại Biển Đông).

Chỉ trong vòng 17 năm, họ đã gây ra ba cuộc chiến tranh biên giới (năm 1962 với Ấn Độ; 1969 với Liên Xô và 1979 với Việt Nam).

Lần nào họ cũng chủ động đánh trước nhưng lại kêu la rằng “mình là người bị hại”.

Người Việt Nam không thể nào quên được cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979, khi họ tung 60 vạn quân chủ lực, mở cuộc tấn công trên suốt sáu tỉnh biên giới, giết hại dã man người Việt, phá hoại nặng nề cơ sở vật chất của nhân dân Việt Nam mà lại rêu rao là “đánh trả tự vệ”, là để “dạy cho Việt Nam bài học”.

Chỉ có những kẻ không còn lương tri hay những người đầu óc có vấn đề mới có thể nghe lọt tai những luận điệu đó.

Lại còn chuyện này nữa: ai nâng đỡ, ai khuyến khích, ai cung cấp tiền của và phưong tiện để Khmer Đỏ gây ra nạn diệt chủng tại Campuchia?

Thế mà thoắt một cái họ đã biến mình thành “cứu tinh”, thành người “bạn tốt” của đất nước đau thương ấy.

Lùi thời gian lại một chút để thấy thêm vấn đề.

Những bất đồng, xung đột Trung-Xô trong những năm 60 của thế kỷ trước, Liên Xô rõ ràng là có trách nhiệm, nhưng chẳng lẽ người Trung Hoa lại không có chút xíu sai lầm?

Bất đồng rồi đi đến tan vỡ liên minh giữa nước được Trung Quốc coi là đồng minh tin cậy duy nhất của mình trong thời gian Cách mạng Văn hoá được qui cho là tội của lãnh tụ Albania lúc đó là Enver Hoxha.

Ai cũng biết chỉ mình không chịu nhận

Còn nhớ trong một lần gặp một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế một nước phương Tây, trong câu chuyện, ông này không biết là hữu ý hay vô tình lặp lại: “Việt Nam xua đuổi người Hoa”.

Dù là chỗ quen biết, tôi không thể lặng im liền hỏi lại: "Ông bạn có biết chuyện người Hoa ở Indonesia năm 1956 không?"

Tuy chưa thật triệt để, nhưng có thể nói rằng người Mỹ, người Nga, những nước lớn, mạnh nếu không muốn nói là hơn Trung Quốc thì cũng không hề thua kém, cũng đã dám nhìn vào sự thực, thừa nhận một phần sai lầm trong nhiều chính sách đối ngoại của mình.

"Kịch bản vụ này đã được nhà cầm quyền Trung Quốc bê nguyên xi sang Việt Nam: dựng chuyện nhà đương cục địa phương xua đuổi người Hoa, Trung Quốc lên tiếng phản đối, cho tầu thuỷ sang đón “nạn kiều” v.v.. Bạn không tin xin đọc lại tư liệu cũ."

"Không có việc Việt Nam xua đuổi người Hoa."

Còn chuyện gần đây hơn.

Chính Trung Quốc là người đề xuất chủ trương: “Chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác, cùng hưởng lợi” tại Biển Đông, thế nhưng từ tháng 3 năm nay, họ đã cải biên tầu chiến thành tàu đánh cá để làm nhiệm vụ “tuần tra tại Biển Đông, có quyền kiểm tra, bắt giữ các tầu nước ngoài vi phạm luật, lệnh cấm của Trung Quốc”…

Một số tàu cá Việt Nam và mấy nước trong Asean đã bị bắt giữ, bị đâm chìm. Xin hỏi trên thế giới này có ai nuốt lời như vậy không? Có ai hành động ngang ngược như vậy không?

Gần đây đang rộ lên chuyện biên giới Trung Ấn căng thẳng, chuyện biên giới Trung-Myanmar, chuyện Trung Quốc bắt người thuộc công ty khoáng sản Australia vì phạm tội gián điệp, chuyện Mỹ tăng thuế lốp ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc lên 35% vì bán phá giá.

Trước các sự kiện đó đều thấy Trung Quốc nói là do “người khác không thiện ý cố tình gây ra”, là “lỗi của đối phương”, là “ người ta làm ăn không đúng luật”...

Lòng căm thù, oán hận bọn phát xít Đức, Nhật của nhân loại rất sâu sắc nhưng sự thành khẩn thừa nhận tội ác của dân tộc mình đối với các dân tộc bị hại, nhất là với dân tộc Do Thái của những người cầm quyền các thế hệ tại Đức và Nhật, nhất là Đức, sau Thế chiến 2, đã khiến nhiều người dân trong các nước bị hại lượng thứ.

Tuy chưa thật triệt để, nhưng có thể nói rằng người Mỹ, người Nga, những nước lớn, mạnh nếu không muốn nói là hơn Trung Quốc thì cũng không hề thua kém, cũng đã dám nhìn vào sự thực, thừa nhận một phần sai lầm trong nhiều chính sách đối ngoại của mình.

Thế người Trung Quốc thì sao?

Tôi đã đọc, đã nghe, đã thấy, đã biết người Trung Quốc đã, đang và chắc chắn là sẽ còn nhận sai và sửa chữa nhiều sai lầm về đối nội.
Những sai lầm “trời không dung, đất không tha” trong những năm tháng Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa… đã được phơi bày rộng rãi và được sửa chữa khá triệt để.

Những vấn đề tồn tại như sự kiện Thiên An Môn, xử lý Triệu Tử Dương v.v.. chắc chắn không thể bị bỏ qua.

Thế nhưng, đối xử với những hành vi đối ngoại thì sao?

Cho đến nay có thể khẳng định là: chưa bao giờ ngưòi Trung Quốc nhận sai về phần mình cả.

Có thể tự tin mà nói trước rằng: giả dụ thời gian tới quan hệ Trung, Triều đổ vỡ, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe từ Bắc Kinh những câu như: đó là sai lầm của cha con, cháu ông Kim, đó là lỗi của Bình Nhưỡng…

Nói như thế không bao giờ có ý phủ nhận những hành động chính nghĩa của nhân dân Trung Quốc khi hết lòng Chống Mỹ viện Triều và nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tuy nhiên, trước nhiều việc làm sai trái trong đối ngoại của họ mà ai cũng thấy, nhà cầm quyền các thế hệ Trung Quốc bao giờ cũng vẫn cho mình là đúng.

Trung Quốc nhìn từ Hà Nội



Nhân ngày quốc khánh Trung Quốc 1/10, Hồng Nga của BBC Tiếng Việt phỏng vấn nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu về Trung Quốc.

Nhìn vào quá trình phát triển 60 năm của Trung Quốc và quan hệ Việt Trung, ông Dương Danh Dy, hiện sống tại Hà Nội đặt câu hỏi về chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Thế giới quan Khổng giáo được chấp nhận ngày nay, dưới thời Trung Quốc cộng sản, là lý do, theo ông Dy khiến Bắc Kinh luôn coi mình là đúng trong mọi sự kiện, kể cả các cuộc chiến với Ấn Độ, Nga và Việt Nam.

Bát Nhã là một thành công

Hoàng đông Việt

Vấn đề Bát Nhã – Làng Mai, theo chỗ hiểu biết của tôi, không có gì khó hiểu lắm.

Xã hội Việt Nam sau bao nhiêu năm dưới ngọn cờ thống trị của chế độ cộng sản đã trở nên băng hoại hơn bao giờ hết.

Cái quái gở, xấu xa, thay vì là thiểu số như ở những xã hội khác, trở thành đa số. Cái cá biệt, bất thường trở thành bình thường. Thậm chí là một thứ quy chuẩn xã hội. Dối trá, luồn lách, bất công, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, cam chịu, v.v.

Nhà nước và viên chức địa phương chia chác, cướp đất của dân, “mua một bán trăm” lại cho tư nhân khác trước mặt họ mà họ không làm gì được ngoài khóc, biểu tình (cũng có người tự thiêu) rồi bị trói quăng lên xe hoặc bị đánh, bị bỏ tù. Không vẫn hoàn không. Mà cũng không phải để xây trường học, bệnh viện, cơ xưởng tạo công ăn việc làm gì. Có khi chỉ là sân gôn cho mấy chú lại chơi.

Nhưng ở Việt Nam người ta bảo mình là con kiến, thì mình là con kiến. Công an muốn đánh ai thì đánh, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Luật muốn hiểu sao thì hiểu. Xử án kiểu nào cũng được, miễn theo chỉ đạo (của tiền hoặc quyền, hoặc cả hai).

Trở lại chuyện Bát Nhã, Làng Mai có giấy tờ ký nhận của thầy Đức Nghi và đệ tử rõ ràng, không chỉ là giấy chuyển tiền. Về mặt luật pháp, đã có những vụ tương tự, người ở nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân trong nước đứng tên rồi họ nhận luôn. Tòa án Hà Nội, và nhiều nơi khác, sau khi xem xét chứng cớ, xử thua người “nhận lầm”. Bắt hoàn trả số tiền đã nhận.

Cho nên chỉ là những tấm bia được dựng lên mà thôi. Không có bia họ vẫn bắn trúng đích và đạt mục đích.

Ngắn gọn, nhà nước tìm mọi cớ để ép thầy Đức Nghi, qua đó ép tăng thân Bát Nhã giải tán vì thầy của họ (TS Nhất Hạnh) phát ngôn nghe không giống các AQ Việt Nam bao lâu nay mà họ quen thuộc.

Tất cả các tu sĩ tại Bát Nhã là công dân Việt Nam, sống trên đất Việt Nam trước khi xuất gia họ phải xin phép đủ đường, bây giờ bị xua đuổi đánh đập (ngay trên đất Việt Nam, dưới sự chứng minh của các ban ngành đoàn thể) và chỉ còn cách hoàn tục.

Về phía Thiền sư Nhất Hạnh, chắc chắn là một người “cứng đầu”. Rõ ràng là nhà nước muốn “mượn dao giết người”, nhưng lẽ phải thuộc về mình nên ông khuyên học trò “ngồi yên như núi”.

Trong cách phát biểu của sư cô Chân Không với báo Người Việt, và thử đọc thư của Thiền sư Nhất Hạnh, tôi hiểu là Làng Mai không có ảo tưởng “thắng” nhà nước. Hơn tám chục triệu người còn lê gối khuất phục huống chi bốn trăm người tu hành. Nhưng “đàn áp” là việc của họ, còn chúng ta, bất bạo động và bất hợp tác. Cho đến lúc họ đem xe tới, xúc mình khiêng đi thì mình phải chịu.

Quốc gia này chỉ có luật rừng, không có một cơ chế giám sát nào hết. Ai cũng biết vậy. Nhưng ít ra mình dám phản kháng bất công, còn chuyện mình bị đối xử thế nào và hoàn toàn bất lực với cái thực tế “thế nào” ấy là chuyện khác.

Xã hội Việt Nam hôm nay, là một xã hội của “hợp tác” và “phát triển”. Không thiếu gì các bạn trẻ muốn vào Đảng, “cống hiến cho tổ quốc”, không thiếu gì doanh nhân thành đạt bắt tay với chính quyền các cấp cùng nhau “xây dựng đất nước”, không thiếu gì những người buôn thúng bán bưng muốn được yên thân kiếm sống qua ngày, chia bớt phần lời ít ỏi của họ cho thuế vụ, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, hoặc bất cứ ai làm họ sợ.

Giẫm đạp lên nhau trên đường phố, trong nhà trường, công sở, hàng quán, bệnh viện, cơ quan, v.v. mà sống. Nếu không sống thì họ phải làm gì?

Một con vi trùng chỉ có thể hoành hoành trong một cơ thể suy yếu, bệnh hoạn.

Khi anh bất hợp tác với bất công, có thái độ bất tuân dân sự để sống như những người “bình thường”, anh đang làm cơ thể Việt Nam khỏe lên. Tất nhiên con vi trùng sẽ tận diệt anh.

Nếu mỗi người Việt Nam can đảm hơn một chút, dám chịu thiệt một chút, chẳng hạn ra đường đi đúng luật lệ, nếu chẳng may bị phạt thì lên kho bạc đóng tiền, không bỏ mấy chục triệu chạy trường chạy lớp chạy điểm chạy giải cho con cháu mình, không nhét dăm chục ngàn (đến như TS. Lê Đăng Doanh, còn phải chịu, huống hồ dân đen) cho anh cán bộ phường làm cái giấy khai sinh… Nói chung là “giảm thiểu”.

Nếu mỗi người Việt Nam có tinh thần “vô úy” của Bồ Tát, quan niệm “của Caesar thì trả về cho Caesar, của Thượng đế trả về cho Thượng đế” trong Tân Ước, có nhận thức “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, và nhất là có niềm tin vào các quyền cơ bản của mình, vào các giá trị phổ quát về “tự do, bình đẳng, bác ái”.

Nếu được như thế, tôi ngờ là con vi trùng sẽ sống rất chật vật.

Tóm lại, Bát Nhã, hay bất cứ tổ chức hội đoàn, cá nhân nào có khuynh hướng đi ra ngoài cái quỹ đạo của xã hội Việt Nam, là một mô hình không nên được nhân rộng. Tuy vậy, muốn cưỡng lại cũng không dễ.

Tam Tòa, Bát Nhã, IDS, dân oan, là những chỉ dấu trở mình của một dân tộc sống quá lâu trong “bất bình thường”, “bất bình đẳng”, “bất trắc”, “bất lực”, “bất công” và “bất nhẫn”.

Tôi cũng nghĩ như Thiền sư Nhất Hạnh, Bát Nhã là một thành công.

Hoàng Đông Việt

29 thg 9, 2009

Vài suy ngẫm về Trung Quốc


Dương Danh Dy

I. Một số điều nên lưu ý khi nghiên cứu Trung Quốc đương đại

Trung Quốc là một nước lớn, 9,6 triệu km vuông, chiếm 1/5 diện tích thế giới, 1/4 diện tích châu Á, đứng thứ 3 thế giới (sau Nga và Canada). Trung Quốc hiện có khoảng 1,3 tỷ dân (là nước đông dân nhất thế giới, chiếm khoảng 1/5 nhân loại) dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên đến 1,5 - 1, 6 tỷ dân (lúc đó sẽ đứng thứ hai thế giới sau Ấn Độ).

Trung Quốc là nước có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với 19 nước, dài trên 20.000 km, và bờ biển dài 18.000 km. Từ đầu những năm 60 đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã chủ động gây ra 3 cuộc chiến tranh biên giới trên bộ (với Ấn Độ, Liên Xô cũ và Việt Nam). Đến nay Trung Quốc còn tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ (theo phía Ấn Độ thì Trung Quốc đã chiếm của họ hàng vạn km vuông lãnh thổ, trong khi Trung Quốc cho là họ chỉ thu hồi lại phần đất mà trước đây thực dân Anh đã chiếm của họ một cách bất công). Trung Quốc đang tranh chấp về chủ quyền đảo, biển với nhiều nước, nổi bật là chủ quyền đảo Senkaku (Điếu Ngư) với Nhật Bản (hiện nay Nhật Bản đang chiếm giữ đảo này), quần đảo Hoàng Sa với Việt Nam, quần đảo Trường Sa với Việt Nam và một phần quần đảo này với Phi-líp-pin, Brunei, Malayxia, Đài Loan, với Indonesia và (Bắc) Triều Tiên, Hàn Quốc có việc phân chia lãnh hải. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (năm 1974) và 6 bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam (năm 1988). Trong tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc đã từ chỗ chưa bao giờ có, nay đã đứng vững trên quần đảo Hoàng Sa và có chỗ đặt chân trên quần đảo Trường Sa, thể hiện chủ quyền thực tế.

Trung Quốc hiện đã trở thành cường quốc kinh tế, năm 2004, GDP đạt 13.615,5 tỷ NDT (khoảng 1665 tỷ USD), sản xuất được 970 triệu tấn xi măng, 175 triệu tấn dầu mỏ, 272 triệu tấn thép, 73,28 triệu tivi màu, 30,38 triệu tủ lạnh, 66,42 triệu điều hòa không khí, 42 tỷ mét vải v.v.., kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1154,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu 593,4 tỷ USD, nhập khẩu 561,4 tỷ, xuất siêu 32 tỷ USD); dự trữ ngoại tệ đạt 609 tỷ USD (năm 2002 đạt 270 tỷ USD, năm 2003 đạt 403,3 tỷ, trong 3 năm liền tăng với tốc độ rất cao). Trung Quốc đã là nước thu hút đầu tư lớn nhất thế giới, năm 2004 đạt trên 60 tỷ USD. Việc Trung Quốc được mời vào nhóm G7 đã là hiện thực.

Sau Nga và Mỹ, Trung Quốc là cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới, có bom nguyên tử, bom khinh khí và phương tiện mang các vũ khí này tới mọi nơi trên thế giới; sau Nga và Mỹ, Trung Quốc đã tự đưa được người của mình vào vũ trụ.

Trung Quốc là một cường quốc chính trị (Nhật Bản hiện giàu mạnh hớn Trung Quốc về kinh tế nhưng Nhật Bản chưa được thế giới coi là cường quốc về chính trị) là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, là nước có ảnh hưởng không thể bỏ qua trong khu vực (Đông Nam Á và Đông Bắc Á).

Trung Quốc là một trong mấy nước có nền văn minh cổ xưa huy hoàng nhất thế giới, nền văn minh đó có lúc lên lúc xuống, nhưng trước sau vẫn nổi tiếng, xưa nay chưa bao giờ gián đoạn, và có triển vọng phát triển rực rỡ trong thế kỷ 21, Trung Quốc còn có hơn 30 triệu người Hoa ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều tỷ phú, nhiều nhà khoa học nổi tiếng v.v..

Tuy vậy, Trung Quốc đang phải đối mặt với mấy vấn đề: An toàn về dầu mỏ, an toàn về nước và an toàn về lương thực.

Mặc dù năm 2004, Trung Quốc đã sản xuất được 176 triệu tấn dầu mỏ, nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu 100 triệu tấn. Trung Quốc đã là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai, sau Mỹ. Dự kiến đến năm 2010, lượng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc mỗi ngày sẽ tăng gấp đôi, đạt 4 triệu thùng/ngày và đến năm 2030 vào khoảng 10 triệu thùng/ngày.

Nguồn tài nguyên nước của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 6% thế giới, bình quân đầu người chỉ bằng 1/4 trung bình thế giới. Dự tính vào khoảng năm 2030, Trung Quốc sẽ đạt đến đỉnh cao về sử dụng nước, và lượng nước dùng lúc đó đã đến cực hạn của nguồn nước có thể lợi dụng.

Mấy năm gần đây, trung bình mỗi năm Trung Quốc mất khoảng 300.000 ha đất canh tác, trong khi dân số mỗi năm tăng khoảng 10 triệu người, người tăng đất giảm, nên việc cung cầu lương thực ở Trung Quốc đã và sẽ luôn ở trạng thái cân bằng căng thẳng.

Trung Quốc là đất nước có đủ loại tôn giáo, trong đó đạo Phật rất được tôn sùng ở Tây Tạng, đạo Hồi ở Tân Cương, Ninh Hạ có nhiều khả năng tự phát, hoặc bị lợi dụng để phát triển thành mâu thuẫn tôn giáo, mâu thuẫn dân tộc, các tà giáo (như Pháp Luân Công...) còn có đất phát triển.

Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng mở rộng. Một bộ phận quần chúng, chủ yếu là nông dân nghèo, công nhân viên chức bị mất việc trong quá trình cải cách có tâm lý bất mãn (năm 2004 đã xảy ra nhiều vụ biểu tình, tuần hành của thôn dân ở Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Nam..) với hàng chục vạn người tham gia, gây mất ổn định cục bộ.

Qua một số số liệu và tình hình trên, có thể thấy Trung Quốc đã trở thành một cường quốc chính trị, quân sự, kinh tế trên thế giới có vai trò đặc biệt ở khu vực. Địa vị cường quốc đó ngày một lớn và triển vọng trở thành siêu cường ngang hàng với Mỹ trong khoảng hai mươi năm nữa không phải là không có khả năng.

II. Vài nhận định căn bản về liên hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam

Trước khi đề xuất kiến nghị về chính sách và đối sách có tính lâu dài, cần thấy rõ, làm rõ một số vấn đề sau:

A. Chiến lược, sách lược, sức mạnh của Trung Quốc đến năm 2020

Cần phải thấy sự tan rã của Liên Xô, kết thúc chiến tranh lạnh là một cơ hội “trời cho” đối với Trung Quốc. Để thoát khỏi thế hai cực thống trị thế giới hình thành sau đại chiến thế giới thứ hai, thoát khỏi kiềm chế của Liên Xô và Mỹ trong những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước, cấp lãnh đạo Trung Quốc (từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình) đã tìm trăm phương ngàn kế nhằm nhoi lên thành một cực, một siêu cường nhưng chưa thực hiện được. Liên Xô tan rã, một cực, một siêu cường mất đi. Đây là cơ hội vàng để Trung Quốc nhoi lên thành siêu cường mới (nước Nga còn rất yếu về kinh tế, Nhật Bản chưa đủ sức mạnh về quân sự và dã tâm chưa rõ, EU là một thực thể mạnh về kinh tế, nhưng không thống nhất v.v..) Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sự tăng trưởng lớn mạnh về kinh tế của mình có thể giữ được tốc độ cao và tương đối cao liên tục trong 40 năm (từ năm 1980 đến năm 2020) để đến lúc đó, Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu về kinh tế trên thế giới (Theo tính toán của Ngân Hàng Thế Giới năm 1997 thì đến năm 2020 GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, còn theo tính toán của Hồ An Cương – một nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc thì đến năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành một thực thể kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 22% GDP thế giới – của Mỹ lúc đó chỉ là 20%, còn nếu tính theo sức mạnh tổng hợp đất nước (tức năng lực tổng hợp của một quốc gia thông qua những hành động có mục đích nhằm theo đuổi mục tiêu chiến lược của mình)) năm 1998 của Mỹ là 22,7% của thế giới. Đứng đầu thế giới, của Trung Quốc là 7,78% đứng thứ hai thế giới trên cả Nga, Ấn Độ. Đáng chú ý là nếu năm 1980, sức mạnh tổng hợp đất nước của Trung Quốc mới bằng 1/5 của Mỹ, thì đến năm 1998, Trung Quốc đã bằng 1/3 của Mỹ, tức là trong 20 năm, Trung Quốc từ chỗ kém Mỹ năm lần rút ngắn còn ba lần thôi.

Trung Quốc cho rằng “Hòa bình và phát triển vẫn là chủ đề chính của thời đại. Sự phát triển đa cực hóa thế giới và xu thế toàn cầu hóa kinh tế mang lại cơ hội và điều kiện có lợi cho hòa bình và phát triển của thế giới. Đại chiến thế giới mới sẽ không xảy ra trong khoảng thời gian có thể dự tính được. Việc tranh thủ môi trường quốc tế lâu dài và môi trường xung quanh tốt đẹp là có thể thực hiện được”.

Ngoài những chủ trương lớn như độc lập, tự chủ, gìn giữ hòa bình, xây dựng trật tự kinh tế công bằng hợp lý, cải thiện và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, nước đang phát triển, chống chủ nghĩa khủng bố v.v.. ra, cần chú ý đến những nguyên tắc của họ: “Ai cũng không sợ, nhưng không làm mếch lòng ai “Quyết không đi đầu”...

Để thực hiện mục tiêu chiến lược “Dân giàu nước mạnh” đưa Trung Quốc trở thành siêu cường, cạnh tranh vai trò siêu cường duy nhất của Mỹ hiện nay, Trung Quốc dốc nhiều tâm sức vào việc đối phó với đối thủ hàng đầu là Mỹ và một số đối thủ tiềm ẩn khác như Nhật, Nga, Ấn Độ... Tuy vậy, Trung Quốc không “bỏ qua” Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của họ.

B. Trung Quốc muốn gì ở Việt Nam?

Việt Nam có trên 1.300 km biên giới trên bộ với Trung Quốc, ngoài ra với hơn 3.000 km bờ biển, án giữ Biển Đông, chúng ta là nước duy nhất (không kể Đài Loan) có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ khi Việt Nam tiến hành cải cách và đổi mới, đặc biệt là sau khi gia nhập ASEAN, bình thường quan hệ với Mỹ, tích cực chuẩn bị gia nhập WTO, chúng ta đã có vai trò đáng kể ở Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Đó là một sự thực mà Trung Quốc không thể xem thường. Mặc dù hai nước đã thỏa thuận xây dựng quan hệ Việt – Trung theo phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” nhưng qua những diễn biến kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, có thể thấy:

-Yêu cầu tối đa của Trung Quốc là biến Việt Nam thành một đồng minh trung thành của họ (trường hợp tốt hơn nữa là “tay sai tin cậy” của họ).

- Yêu cầu trung bình của Trung Quốc là không muốn Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, trở thành nước cạnh tranh về kinh tế với Trung Quốc ở Biển Đông, tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

- Yêu cầu tối thiểu tức là khi họ không ngăn được sự phát triển nhanh về mọi mặt của ta thì Việt Nam giữ được vị trí trung lập, không đi theo các nước lớn khác chống Trung Quốc.

Cần thấy thêm là ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay (và có thể thế hệ sau), không tin ta, một bộ phận Trung Quốc nhất là thế hệ trẻ không còn cảm tình với ta như trước (do bị giáo dục sai lệch từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đến nay), khi muốn “gây sự” với Việt Nam, Trung Quốc không cần phải chuẩn bị dư luận nội bộ. Trung Quốc là nguy cơ trực tiếp nguy hiểm nhất về lãnh thổ, lãnh hải của ta.

C. Việt Nam nên nhận thức Trung Quốc như thế nào?

Trung Quốc là một nước lớn (sẽ trở thành siêu cường) láng giềng chung đường biên giới trên bộ – biển (Mỹ là siêu cường ở xa ta, nên mức độ nguy hiểm giảm đi nhiều). Đừng quên bài học đối đầu với nước lớn láng giềng Trung Quốc trong mười mấy năm qua.

Trung Quốc là nước còn tồn tại nhiều vấn đề với ta nhất; ngoài lãnh thổ, lãnh hải, biển đạo còn các vấn đề “nạn kiều” (280.000 người rời Việt Nam, trong đó có những người có công với cách mạng Việt Nam) người Hoa (hơn 1 triệu người), nợ vay từ thời xây dựng hòa bình và thời kỳ chống Mỹ (khoảng 1,5 tỷ NDT, vừa qua dịp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đi thăm Trung Quốc, Trung Quốc đã xóa bớt cho ta còn 420 triệu NDT), những phụ nữ Việt Nam nhập cảnh phi pháp lấy chồng sinh con đẻ cái (do bị dụ dỗ và do cả tự nguyện) hiện còn đang sinh sống nhiều nơi trong Trung Quốc (chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng không ít hơn mười mấy vạn người). Khi muốn gây chuyện và gây sức ép, Trung Quốc không thiếu con bài để sử dụng.

Trung Quốc không còn chung ý thức hệ với Việt Nam. Họ không còn tinh thần quốc tế vô sản, “Đồng chí” đối với họ chỉ là mỹ từ dùng để lừa gạt những ai nhẹ dạ. Cần nhớ là trong thời gian qua Trung Quốc chưa giúp được nước nào phát triển cả.

Những người lãnh đạo Trung Quốc và ban tham mưu của họ là những bậc thầy về lợi dụng mâu thuẫn. Về chính trị, kinh tế, không bao giờ họ chỉ sử dụng một con bài, một phương án, họ luôn có con bài dự trữ. Nên ghi nhớ câu nói của người Trung Quốc: “Người tốt với ta một, ta tốt với người mười. Người xấu với ta một, ta xấu với người một trăm” và “Ta thà phụ người chứ không bao giờ để người phụ ta” (Ba cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ, Liên Xô và Việt Nam, Trung Quốc đều bất ngờ “ra tay trước”).

Mặc dù Trung Quốc đang tồn tại nhiều vấn đề, sự phát triển không đều giữa các vùng, nông dân, nông nghiệp, nông thôn chưa xử lý tốt, chênh lệch giàu nghèo ngày càng mở rộng, vấn đề dân tộc, tôn giáo đang âm ỉ, nhưng nhìn chung xã hội Trung Quốc đang trên đà phát triển ổn định. Khẩu hiệu “Chấn hưng Trung Quốc” xây dựng một xã hội hài hòa đã thấm sâu vào lòng người, với tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” Đảng cộng sản Trung Quốc còn có thể duy trì được sự lãnh đạo của mình trong nhiều năm nữa (vì Đảng này đang tự thay đổi về nhiều mặt tư tưởng, lý luận, tổ chức, chính sách..) vì vậy đừng đặt ảo tưởng vào việc Trung Quốc xảy ra động loạn lớn hay quay trở lại con đường đồng chí anh em với ta.

III. Một số đề nghị và đối sách

A. Những điều kiện không thể thiếu cho những chính sách và đối sách cụ thể

1) Nội bộ trước hết là ban lãnh đạo cao nhất, phải có sự đoàn kết nhất trí cao, xin dùng câu nói của Trần Hưng Đạo khuyên vua Trần, trước khi ngài mất để khái quát “Trên dưới đồng lòng, vua tôi hòa thuận”. Khó lại có thể có nổi, nhưng vẫn ao ước được một phần của thời Bác Hồ, tuyệt đại đa số nhân dân đồng lòng đánh Mỹ, tin tưởng vững chắc ở sự lãnh đạo của Đảng và của Bác, trong nội bộ lãnh đạo cao nhất dù có bất hòa, bất đồng, nhưng vẫn có thể nói công khai và chưa dám hoặc chưa thể tìm cách triệt tiêu nhau, làm hại nhau, kéo bè kéo cánh... Vì vậy đã tập trung được trí tuệ cao nhất của toàn dân, toàn Đảng vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược.

Còn bây giờ suy nghĩ của người dân vừa phức tạp, vừa phân hóa mà lãnh đạo chưa tìm được nhân tố nào để liên kết lại tạo thành sức mạnh. Ở đây có khó khăn là chúng ta đang từ nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiều vấn đề cũ đòi hỏi phải giải quyết, nhiều vấn đề mới xuất hiện mà chúng ta chưa đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để xử lý .. (thế nhưng, bài học Trung Quốc giương cao ngọn cờ “chấn hưng Trung Quốc”, “dân giàu nước mạnh” trong quyết sách những vấn đề đối nội, đối ngoại rất để chúng ta suy nghĩ).

Trong tình hình hiện nay, chỉ cần bị chụp cái mũ “phá hoại tình hữu nghị Việt-Trung” hoặc “Thân Mỹ” là nhiều sự việc đã được giải quyết một cách gọn ghẽ, và sinh mạng chính trị có thể bị đe dọa.

Không có một ban lãnh đạo đoàn kết nhất trí, tập trung được tinh hoa của dân tộc thì mọi kiến nghị về chính sách, đối sách cũng chẳng có tác dụng gì. Nhìn lại lịch sử, mỗi khi nội bộ nước ta lục đục, triều chính đồi bại, chính là lúc phong kiến phương Bắc tăng cường sức ép, yêu sách và tiến hành xâm lược, chiếm đóng. Và Trung Quốc hiện đại cũng chưa bao giờ từ bỏ tác động vào nội bộ ta.

Trong quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ, nước nhỏ ở thế bị động. Lực lượng nghiên cứu Trung Quốc ở nước ta hiện nay không ít, nhưng phân tán, rời rạc, thiếu chuyên gia đầu đàn, thiếu chuyên gia giỏi cho từng lĩnh vực. Cần có sự tổ chức, phân công, chính sách thích hợp để tập hợp được tinh hoa, giành chủ động trong thế bị động với Trung Quốc.

(2) Nói chung, chúng ta phải kiên quyết bảo vệ những nguyên tắc lớn, những vấn đề đụng chạm đến chủ quyền, đến sự tôn nghiêm của dân tộc, trong khi xử lý quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác, hiểu rõ vai trò và sĩ diện nước lớn của họ để tùy từng vấn đề, vụ việc mà có khi phải vuốt bụng nhịn, nhường họ trong một sự việc nhạy cảm cụ thể nào đó, thậm chí có khi phải tránh đường hoặc đi đường vòng, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” mà. Cần hết sức lưu ý là đừng để bao giờ lâm vào cảnh mình là người đối đầu duy nhất với Trung Quốc.

(3) Chúng ta tôn trọng Trung Quốc, hiểu rõ sức nặng nước lớn – láng giềng của họ – nhưng không vì thế mà chúng ta phải nơm nớp sợ họ, lùi bước trước sức ép của họ một cách bị động, thậm chí nhượng bộ họ một cách vô nguyên tắc.

Cần phải thấy rằng Trung Quốc không thể ép chúng ta, đối xử với chúng ta một cách quá mức để Việt Nam phải ngả sang với Mỹ. Nói giả dụ một nước Việt Nam “thân Mỹ” hùng mạnh, ở ngay biên giới phía Nam của Trung Quốc, án ngữ biển Đông (nơi 21/39 đường hàng hải Trung Quốc phải đi qua) sẽ ảnh hưởng tới an ninh của Trung Quốc như thế nào. Hơn nữa, mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là trở thành siêu cường. Siêu cường không thể không có đồng minh thân cận (như Mỹ với Anh), Trung Quốc hiện nay chưa có đồng minh thân cận (Bắc Triều Tiên không được Trung Quốc coi là đồng minh tin cậy) do đó Trung Quốc không thể từ bỏ ý đồ lôi kéo Việt Nam. Ngoài ra trong đối xử với Trung Quốc, chúng ta còn có các nước trong khu vực, một số nước lớn khác, nhiều nước đang phát triển... nên ngoài sức mạnh bản thân, chúng ta còn có sự ủng hộ của loài người tiến bộ và cả “cái thế” lựa chọn nữa. (Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta ngả hẳn về một phía để chống Trung Quốc).

(4) Trung Quốc là một nước đi tắt đón đầu tốt nhất, sẽ hoàn thành hiện đại hóa trong thời gian lịch sử tương đối (khoảng 100 năm). Trung Quốc là nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường tương đối thành công, do vậy có nhiều điều chúng ta có thể học tập, rút kinh nghiệm từ họ (ngay cả với những vấn đề không thành công). Tuy vậy cần tránh hai khuynh hướng; cho rằng cái gì của Trung Quốc cũng hay hoặc ngược lại cho rằng Trung Quốc chẳng có gì đáng học cả, để tránh bắt chước một cách mù quáng hoặc bài xích.

B. Một số kiến nghị về đối sách và chính sách

Trước khi nêu một số vấn đề cụ thể, xin tóm tắt những điều đã nói ở trên: “Trung Quốc là một nước láng giềng lớn mạnh và ngày càng hùng mạnh hơn nữa. Giữa họ và ta còn tồn tại nhiều vấn đề (có vấn đề rất phức tạp, gay cấn), họ có tham vọng lớn với ta về cả lãnh thổ, chính trị, kinh tế. Chúng ta cần tôn trọng, nhân nhượng với Trung Quốc trong những vụ việc có thể nhân nhượng được. Quyết không đi với nước khác hay nhóm nước khác chống lại Trung Quốc và không bao giờ để rơi vào thế một mình đối đầu với Trung Quốc, nhưng quyết không khiếp sợ họ, lùi bước hoặc từ bỏ những vụ việc không thể từ bỏ được. Nội bộ chúng ta đoàn kết nhất trí, tập trung được sức mạnh và trí tuệ toàn dân, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước trong khu vực và trên toàn thế giới, lớn mạnh nhanh chóng về mọi mặt là bảo đảm vững chắc cho mọi ứng xử đã, đang và sẽ xảy ra trong mối quan hệ hai nước”.

(1) Vấn đề biên giới lãnh thổ

Ngày 30/12/1999, hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất liền (có hiệu lức từ ngày 6/7/2000). Đến nay hai bên đã cắm được 400 cột mốc biên giới. Tốc độ cắm như vậy là chậm (theo tính toán sẽ có khoảng 1.100 cột trên hơn 1300km đường biên). Hiệp định đã được ký và đã có hiệu lực, thiệt hơn khó có thể sửa được, vì vậy chúng ta không nên kéo dài thời gian cắm mốc (bởi vì nước yếu hơn bao giờ cũng phải chịu phần thua thiệt, nhất là khi sự đã rồi). Qua việc ký kết Hiệp ước biên giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ, Lào, Miến Điện, thấy nói chung Trung Quốc tôn trọng đường biên giới đã ký (cũng có thể mấy nước này không có vấn đề gì gay cấn với Trung Quốc, nên họ không dùng vấn đề biên giới để gây sự...), tuy vậy có cái rõ ràng để làm cơ sở đấu tranh sau này còn hơn là không có.

(a) Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá

Ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 30/2/2004. Nói chung ký được bây giờ còn hơn sau mới ký. Tuy vậy thời hạn của vùng đánh cá chung để hơi dài (12-15 năm), Trung Quốc sẽ triệt để lợi dụng thời gian này để khai thác và gây sự. Tàu ta bé, lưới ta nhỏ hơn, phần thua thiệt đã rõ, oán trách lẫn nhau cũng không xoay chuyển được tình hình, nếu không vươn lên ngang ngửa với họ (một cách đúng luật) thì đành chấp nhận. Việc thăm dò khai thác tài nguyên trong lãnh hải thuộc chủ quyền đã phân định của ta trong Vịnh bắc bộ cần phải cảnh giác, đề phòng mọi khả năng có thể xảy ra.

(b) Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Quần đảo Hoàng Sa. Chỉ có Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền quần đảo này, hiện Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp toàn bộ (một nửa năm 1956 và nửa còn lại tháng 1 năm 1974) và ngang nhiên coi chúng là của mình. Ta không thể dùng vũ lực để thu hồi, nhưng không thể từ bỏ chủ quyền. Có thể chỉ nên đòi những đảo mà Trung Quốc đánh chiếm từ tay chính quyền Sài Gòn hồi tháng 1 năm 1974, như thế vừa tỏ ra có nhượng bộ mà vẫn có cơ sở pháp lý để thế hệ sau giải quyết vấn đề.

Quần đảo Trường Sa. Đây là nơi tranh chấp của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phi-líp-pin, Brunei, Malaysia về biển đảo và Indonesia (có thể cả Đông Timor) về lãnh hải. Hiện nay số đảo bãi ngầm mà các bên chiếm giữ là Việt Nam 21, Phi-líp-pin 8, Trung Quốc 6 và Đài Loan 1.

Chúng ta nên đòi chủ quyền một phần quần đảo này, nghĩa là ngoài 21 đảo bãi ngầm mà chúng ta đã chiếm giữ ra, ta chỉ đòi quyền ở những bãi đảo ngầm dọc theo bờ biển nước ta cho đến hết phần biển Đông. Ta không phản đối Trung Quốc thăm dò khai thác ở vùng lãnh hải sát Phi-líp-pin, Indonesia v.v.. Đây không phải là sự từ bỏ chủ quyền, việc đồng ý của Trung Quốc và Phi-líp-pin thăm dò ở vùng thuộc biển Đông nhưng cách rất xa ta là một quyết định khôn ngoan. Từ nay nên tránh một mình phản đối Trung Quốc ở những nơi xa tít tắp trên biển Đông, nhưng với những cái đã có và những cái ở sát sườn mình thì quyết không nhân nhượng.

Trong vấn đề quần đảo, Trung Quốc rất không muốn quốc tế hóa, chính vì vậy mà chúng ta cần khôn ngoan quốc tế hóa vấn đề, nhất là tìm kiếm sự “có mặt” của Mỹ.

(c) Trong vấn đề biên giới, biển đảo

Chúng ta cần công khai đến mức tối đa, tập trung được trí tuệ của toàn dân tộc. Không nên coi đó là việc làm của riêng một số người và không ai chịu trách nhiệm cả. Cụ Phan Thanh Giản thời Nguyễn sau khi kí hiệp ước cắt sáu tỉnh Nam Bộ cho xâm lược Pháp, đã phải uống thuốc độc tự vẫn. Vì vậy quyết không được coi thường dư luận.

(2) Các vấn đề hợp tác kinh tế, ngoại thương, hợp tác văn hóa, kỹ thuật v.v..

Những vấn đề nay tiến hành như thời gian qua là tương đối tốt, ngoại trừ tệ nạn buôn lậu và thu hút đầu tư của Trung Quốc chưa được nhiều.

Chúng ta đều biết, tháng 5 năm 2004, thủ tướng Phan Văn Khải thăm Trung Quốc và tháng 10 cùng năm, thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm Việt Nam. Qua hai chuyến thăm đó, hai bên đã xác định hợp tác; Hành lang Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, hành lang Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (mà theo ý tưởng của một học giả Trung Quốc, vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ gồm 10 tỉnh, thành phố sau đây của Việt Nam: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị với diện tích 58.452 km vuông và 16,8 triệu dân, còn phía Trung Quốc chỉ gồm: cảng Phòng Thành, Khâm Châu, Bắc Hải, Ngọc Lâm của tỉnh Quảng Tây và Trạm Giang, Mạo Danh thuộc tỉnh Quảng Đông, và Tỉnh Hải Nam với diện tích 113.876 kilômét vuông và 39,8 triệu người).

Ngoại trừ Trạm Giang và Mạo Danh thuộc tỉnh Quảng Đông là vùng duyên hải khá phát triển của Trung Quốc ra, hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây thuộc vùng phát triển trung bình kém của Trung Quốc (theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới năm 2000, bình quân đầu người GDP tính theo trình độ sức mua (PPP) của Quảng Tây đứng thứ 155 trên 206 nước và khu vực trên thế giới, còn Vân Nam là 149/206), nói một cách khác là sự phát triển của họ không cao hơn Việt Nam bao nhiêu.

Mở hai hành lang kinh tế và vành đai kinh tế nói trên, nếu nói là Việt nam không thu được lợi ích gì là không đúng, nhưng rõ ràng là sự thua thiệt về ta. Trước hết ta không thể chờ vào sự thu hút đầu tư vốn và kỹ thuật tiên tiến. Thứ hai, họ sẽ hút hết những nguyên liệu thô quý báu của chúng ta. Thứ ba, thông qua các hành lang và vành đai này, Việt Nam sẽ là nơi để trút hàng kém phẩm chất, hàng giả, hàng nhái của Trung Quốc thông qua con đường buôn lậu. Chưa có hai hành lang, một vành đai chúng ta đã khốn khổ vì nạn nhập “hàng lậu” của Trung Quốc, thử hỏi khi chúng hình thành tình hình sẽ ra sao. Thứ tư, hai hành lang, một vành đai có thể nói là một sự mở toang cánh cửa cho sự xâm nhập về mọi mặt của Trung Quốc một cách công khai, dễ dàng vào Việt Nam. Vấn đề an ninh quốc gia sẽ như thế nào đây?

Khi đã hợp tác thì hai bên phải cùng có lợi, ai giỏi tính toán hơn thì được phần nhỉnh hơn, nhưng phải cố gắng để không thiệt hại nhiều. Trung Quốc đã muốn thì ta không thể từ chối hoàn toàn và ta cũng không dại gì mà không hợp tác với Trung Quốc nhưng vấn đề mà hai bên cùng có lợi. Nhưng của nả của ta có nhiều đâu? Không làm thử một hành lang thôi? Các làm tốt nhất là cho tiếng, là sự biểu thị sự tôn trọng, sự không chống lại họ, và nếu là những đồng tình thì càng nên khai thác.

(3) Một vài kiến nghị và đối sách đối với Mỹ, Nhật

(a) Với Mỹ

Phải sau kết thúc chiến tranh hơn 20 năm (4/1975 – 8/1995) chúng ta mới lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Ở đây, có lỗi của người Mỹ, nhưng phải thấy là chúng ta đã để lỡ thời cơ và mắc mưu Trung Quốc trong việc sa lầy ở Campuchia. Đề nghị hãy đọc lại và suy ngẫm thật sâu, thật kỹ việc Lê Lợi – Nguyễn Trãi đã chủ động, nín nhịn và sáng suốt hơn người để nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với nhà Minh. Sau gần 20 năm chiếm đóng, giặc Minh đã gây cho nhân dân chúng ta những tội ác “trời không dung, đất không tha” như “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò trai, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chi chả. Tàn tạ cả côn trùng, thảo mộc (khác gì chất độc da cam)... chẻ hết trúc Nam Sơn không ghi hết tội ác; lấy hết nước Nam Hải không rửa hết hôi tanh”. Nhưng khi giặc đã chịu thua rút quân về nước (như quân viễn chinh Mỹ) thì mặc dù vừa qua sự tàn phá ghê gớm của chiến tranh, mối căm thù với giặc chưa nguôi, nhưng xuất phát từ lợi ích tối cao của dân tộc, Lê Lợi – Nguyễn Trãi vẫn “Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho 500 chiến thuyền (ra đến biển chưa thôi trống ngực), Vương Thông, Mã Anh phát cho vài trăm cỗ ngựa (về đến nước còn toát mồ hôi), và sau đó còn chịu cống người vàng Liễu Thăng trong một thời gian, để yên phương Bắc, xây dựng lại đất nước. Không có quyết sách này làm sao có thời thịnh trị Lê Thánh Tôn sau đó.

Một vấn đề cần đặt ra đây để đối chiếu. Vì sao Trung Quốc bất ngờ, chủ động gây ra cuộc chiến tranh biên giới, giết hại khá nhiều chiến sĩ đồng bào ta, tàn phá nhiều cơ sở vật chất và nhà cửa ở các thị xã thuộc các tỉnh biên giới (chưa kể việc họ còn giúp bọn Khờ-me Đỏ đánh úp ở biên giới nước ta và cuộc chiến đấu sau khi ta vào Campuchia làm rất nhiều chiến sĩ và đồng bào ta bị hy sinh, mang thương tật. Nghe nói ở Campuchia, tổn thất, thương vong về người của chúng ta bằng cả cuộc chiến tranh chống Pháp). Thế mà họ không hề có một lời xin lỗi, một tý đền bù, còn trịnh thượng ra điều kiện cho chúng ta khi bình thường hóa quan hệ (sao lại có sự đối xử không công bằng với hai nước như vậy?)

Cần thấy rằng nước Mỹ không phải là kẻ thù truyền thống của ta, họ lại ở rất xa ta, không có tham vọng về lãnh thổ của ta và không có nhiều vấn đề gay cấn với ta như với Trung Quốc. Là một siêu cường, Mỹ có thể hiện nước lớn của mình, chúng ta cần tôn trọng họ, chí ít cũng như đối với Trung Quốc. Khách quan mà nói Mỹ (một số nước phát triển ở Tây Âu, Nga, Nhật ...) đang là những người kiềm chế hành vi quá khích ở Trung Quốc; không có cuộc cấm vận sau sự kiện Thiên An Môn (tháng 4/198) mà cuộc cấm vận về quân sự còn kéo dài đến tận bây giờ, và những tuyên bố của Mỹ, chưa ai biết là Trung Quốc đã và sẽ làm gì ở biển Đông.

Vì thế cần nhanh chóng đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, giáo dục. Cần nghiêm chỉnh học tập tinh thần của cha ông, rửa mặt cho người Mỹ, dù là đã muộn, nhưng muộn còn hơn không. Tất nhiên Trung Quốc không vừa lòng nếu ta cải thiện mối quan hệ với Mỹ hơn nữa, tuy vậy chúng ta không đi với Mỹ để làm hại lợi ích của Trung Quốc thì họ cũng khó ngăn cản, mà cản cũng không được nếu ta khôn khéo tính tóan bước đi phù hợp. Cải thiện hơn nữa quan hệ với Mỹ sẽ còn góp phần hòa giải dân tộc, thu hút tốt hơn nữa chất xám và vốn của Việt Kiều (thử hỏi mỗi năm không có vài ba tỷ USD kiều hối bằng tiền mặt gửi về, tình hình cân bằng ngoại tệ của ta sẽ ra sao).

(b) Với Nhật Bản

Trong quá khứ, Nhật Bản đã chiếm đóng nước ta và gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945, nhưng người Nhật đã có bồi thường và tỏ ra có lỗi. Từ sau khi nước ta thống nhất, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhất là trong thời gian gần đây. Mọi người đều biết Nhật Bản là cường quốc kinh tế số hai thế giới hiện nay, dù mấy năm nay sự phát triển có phần chững lại, nhưng Nhật Bản vẫn là nước có tiềm năng dồi dào về vốn và kỹ thuật, Nhật Bản là một trong vài nước đủ sức giúp ta phát triển nhanh chóng. Nước ta cách xa Nhật Bản, không tồn tại vấn đề gay cấn. Cũng như ta, Nhật Bản đang có vấn đề tranh chấp về biển, đảo với Trung Quốc, (Nhật đang chiếm giữ đảo Seikaku mà Trung Quốc tự nhận là của mình với cái tên Điếu Ngư). Người Trung Quốc còn thù dai tội ác của Nhật Bản gây cho họ trong thời gian xâm lược (1937 - 1945) như cuộc tàn sát đẫm máu nhân dân Nam Kinh, việc sử dụng người Trung Quốc làm thử nghiệm vũ khí vi trùng... Nhật Bản cũng đang tỏ ra lo lắng trước sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Chúng ta đang ở thế nếu tiến gần Mỹ sẽ bị Trung Quốc “không bằng lòng” và nếu gần Trung Quốc sẽ bị Mỹ “không ưa”, và cả hai nước đều biết ta sẽ không đi với nước này chống nước kia, nên họ sẽ cùng ép ta, chúng ta chống đỡ xoay xở rất khó. Đó là một thực tế khách quan. Chính vì vậy mà nâng quan hệ về mọi mặt, nhất là về hợp tác kinh tế, kỹ thuật với Nhật Bản lên tầm cao mới là vấn đề có ý nghĩa trọng đại.

Thi hành những chính sách, đối sách trên không bao giờ nằm mục đích chống lại Trung Quốc. Chúng ta chỉ muốn người láng giềng lớn mạnh này để yên cho chúng ta làm ăn theo sự lựa chọn có lợi nhất cho chúng ta mà không làm tổn hại đến họ – chúng ta có đủ điều kiện thuận lợi trong, ngoài để làm được điều đó. Nhưng thời gian thuận lợi khó có ấy chỉ còn độ 10 – 20 năm nữa thôi. Cần thấy rõ điểm này để đoàn kết nội bộ hơn nữa, tập trung được ý chí toàn dân hơn nữa, vận dụng tốt quan hệ với nước ngoài hơn nữa, nhanh chóng xây dựng đất nước ta giàu mạnh lên.

Ngày 30/3/2005

Tài liệu tham khảo

1/ Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 16, năm 2002.

2/ Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc tại kỳ họp Quốc Hội tháng 3 năm 2005.

3/ “Đại chiến lược Trung Quốc” năm 2002.

4/ “Báo cáo vấn đề Trung Quốc” năm 2001.

Và một số chuyên đề, đề tai về Trung Quốc mà tác giả đã viết hoặc tham gia.

* Nguyên là viên chức nhiều thập kỉ trong ngành ngoại giao Việt Nam. Trước khi về hưu năm 1996, ông là Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tất nhiên mọi nhận định, ý kiến trong bài này là của riêng tác giả, hoàn toàn độc lập với quan điểm chính thức hay không chính thức của chính phủ Việt Nam, hiện tại cũng như trong quá khứ.

Mẹ Nấm từ giã blog


Click chuột vào hình trên để đọc được rõ hơn

Lê Quí Đôn đi sứ nước Thanh

Hoàng Xuân Hãn

Nếu ai xét lịch sử Nam tiến của dân tộc Trung Quốc, thì không thể không ngạc nhiên trước sự ngày nay còn có nước Việt Nam tự chủ trong khi các bộ lạc "Man-di" đã bị thôn tính từ triền sông Dương Tử đến sơn tuyến từ Ấn Độ sang Đông Hải nước ta. Các nước ở phương Nam đã không bị quận huyện, chính nhờ sơn tuyến ấy, chỉ trừ đất Lạc Việt thì có năm đường thủy lục từ biên giới Bắc, châu vào trung nguyên triền sông Nhị, lớn chỉ bằng một phủ của Trung Quốc mà thôi.

Sự tồn tại ấy đã nhờ vào các đức tính thông minh, bền bỉ, tự hào của con cháu Lạc dân; biết học tập văn hóa người mà không để thâu hóa; biết lợi dụng hình thế, thời tiết, khí hậu nước mình; biết thừa cơ thế yếu tạm thời của Trung Quốc mà giải phóng nước mình; biết khống chế Nam thùy không để Trung Quốc lừa gạt liên minh để phân tán thế lực ta; biết thâu hóa những dân tộc hoặc cá nhân dị chủng, kể cả những người đến đô hộ mình; và biết nhún nhường, hòa hảo đối với Trung Quốc khi họ không tỏ ý xâm lăng. Với ý thức ấy, các triều đại nước ta đã nhận quan điểm Thiên Triều và Phiên Quốc, cũng như Triều Tiên, Lưu Cẫu, Miến Điện, vân vân ; nghĩa là coi đất mình là Hoàng Đế Thiên Triều phong cho, để làm phên giậu ngăn cản ngoại xâm cho Trung thổ. Vậy muốn làm vua "chính thức" ở Phiên Quốc, phải được Thiên Triều thừa nhận bằng cách ban sắc phong và ấn; khi mất thì kẻ quyền nối phải cáo ai và phải cầu phong. Đáng lí mỗi năm phải tới Thiên Triều ra mắt một lần, nhưng cũng có thể sai phái bộ thay mình mang phẩm vật tới cống, ấy là lễ tuế cống. Nước ta ở xa, cho nên lễ ấy được giảm dần: lễ vật ít, thời kì ba năm một lễ và đưa tới sáu năm một lần. Với những điển lễ không phiền hà và tốn kém bao nhiêu, mà Bắc thùy được yên, và khi có nội loạn hoặc ngoại xâm, vua mình có chỗ cầu cứu. Vì vậy, ngày xưa khi chưa có luật lệ ngoại giao quốc tế, những hình thức phụ thuộc này được coi là dĩ nhiên.

Những người cầm đầu sứ bộ đều chọn trong đám Triều quan trong ngoài năm mươi tuổi, đời Lê ít ra cũng đậu tiến sĩ giỏi văn từ, mẫn tiệp, hoạt bát. Người được chọn coi sự ấy là một danh dự rất cao. Ngoài những lợi lộc như thăng thưởng phẩm hàm, cung cấp bổng lộc, còn là dịp độc nhất được du lịch nước ngoài, nhất là nước mà họ đã chịu văn hoá hoàn toàn, viếng những xứ, thăm những chùa đền thờ những vị tên tuổi rất quen qua sử sách; lại có dịp ngâm vịnh những cảnh cũng rất quen qua các thi hào, được tiếp xúc với các văn nhân Trung Quốc hoặc Triều Tiên. Lúc về, cũng có thể đem về một số sách và đồ dùng hiếm lạ. Sự sáu năm chỉ mới có ba người được hân hạnh ấy, làm cho cái danh "phụng sứ" được đề cao hơn hết các phẩm tước của vua ban. Khi về, phần lớn góp những sự kiến văn có ghi chép, những thi văn thù ứng và đề vịnh, thành sách để lại cho con cháu và bạn hữu.

Gần cuối triều Lê, đời Cảnh Hưng, hai lễ tuế cống năm 1756 và 1759 cử hành từ kinh đô Thăng Long vào đầu năm 1760. Vả chăng ở nước ta, trước đó 20 năm, đã có chuyện đổi vua mà giấu Thiên Triều. Nguyên là, năm 1735, khi vua Long Đức (Thuần Tông) mất, chúa Trịnh Giang lập em vua lên ngôi với niên hiệu Vĩnh Hựu. Vua Thanh cũng chịu sắc phong. Nhưng đến năm 1740, có phe đảng lập kế truất Trịnh Giang để lập Trịnh Doanh và nhân đó bỏ vua Vĩnh Hựu mà lập con vua trước, với niên hiệu Cảnh Hưng. Việc này tất nhiên không để vua Thanh biết. Vậy thì vua Cảnh Hưng ở ngôi trong 20 năm mà không có sắc phong của vua Thanh. Đối với Thanh, ta vẫn phải lấy tên vua Vĩnh Hựu để giao thiệp, và đối nội thì vua này được tôn làm Thái Thượng Hoàng. Trong khi đang sửa soạn việc tuế cống này, Thái Thượng Hoàng mất (8-6 Kỉ Mão 1759). Triều đình ta nhân dịp, xin phó thêm sứ vụ: việc cáo ai và cầu phong.

Sứ bộ gồm : chánh sứ Trần Huy Mật 45 tuổi, người huyện Đông Sơn xứ Thanh Hóa, đậu tiến sĩ năm 1736; giáp phó sứ (phó sứ số 1) Lê Quí Đôn 33 tuổi, người huyện Diên Hà xứ Hải Dương, đậu bảng nhãn khoa 1752; và ất phó sứ (phó sứ số 2) là Trịnh Xuân Chú 55 tuổi, người huyện Đông Ngạn xứ Kinh Bắc, đậu tiến sĩ khoa 1748. Công chức phụ tá gọi là hành nhân, có 9 người, 3 thông sự (phiên dịch), 2 trung thư (thư kí), 2 y viện (y sĩ) và 2 người thường vụ. Các sứ lại được chọn một số tùy nhân để giúp việc riêng, số là 11 người; và có thể đem theo một người bà con thân cận gọi là môn tử. Lần này với 2 môn tử, sứ bộ gồm tất cả 25 người.

Ngày 28 tháng giêng năm Canh Thìn 1760, sứ bộ qua sông Nhị, đi đường bộ tiến lên Lạng Sơn, rồi tới Ninh Minh là bến đò đầu tỉnh Quảng Tây. Từ đó xuống thuyền, định theo đường sông đến Bắc Kinh, qua Nam Minh, Ngô Châu, Quế Lâm; vượt các cống Linh Cừ nối sông Quế với sông Tương, rồi xuôi dòng đến hồ Động Đình, xuôi sông Dương Tử đến Nam Kinh; chuyển sang sông đào Vận Hà thẳng lên Bắc, vượt Hoàng Hà rồi tới vùng Bắc Kinh. Đến đây đã mùa đông, sông bị giá đóng, sứ bộ phải lên bộ. Ngày mồng 8 tháng 12 mới tới Bắc Kinh. Sứ bộ lưu ngụ Bắc Kinh gần ba tháng, làm trọn các nhiệm vụ sứ thần: hành các lễ Tiến Biểu (dâng tờ trình tuế cống) và Cáo Ai (10-12), lễ Triều Kiến (chào Vua Càn Long, 15-12), lễ Triều Hạ (mừng năm mới 1-1 năm Tân Tị 1761), lễ Yết Văn Miếu (cốt để điều-tra các lệ nghi và tự-khí, 10-l)

Sứ bộ muốn xin về gấp để đón các sứ thần vua Càn Long sai sang phong vương cho vua Cảnh Hưng. Nhưng phải đợi đến ngày mồng 1 tháng 3 mới xuống thuyền về. Lại bị những kẻ tiễn về, lợi dụng sự hộ tống Nam Sứ để buôn bán lậu muối dọc đường, cho nên ngày 24 tháng 12 mới về đến Thái Bình gần bến đổ bộ để về nước. Lệ xưa, quá ngày 23 tháng chạp, thì các việc quan đều đình. Cho nên sứ bộ phải lưu lại trong những ngày tết, và có lẽ phải đợi đến ngày 28 tháng giêng mới qua cửa Nam Quan về nước.

Trong vụ đi sứ lần này, Lê Quí Đôn đã soạn một sách chép hết sức tường tận mọi sự việc, mọi văn từ và đề là BẮC SỨ THÔNG LỤC gồm 4 quyển: Quyển 1 chép tất cả mọi việc và mọi công văn có liên quan đến sứ vụ trong thời kì trù bị (20-l0 Mậu Dần 1758 - 20-12 Kí Mão 1759). Quyển 2 và quyển 3 chép hành trình đi đến Bắc Kinh, các việc làm dọc đường và lúc ở Bắc Kinh; rồi chép hành trình đi về đến quá Nam Kinh. Chẳng may hai quyển nầy có lẽ đã mất. Quyển 4 kể hành trình khi về, từ Sa Châu, trên sông Dương Tử đến Thái Bình trên sông Tả Giang (từ ngày 26-6 Tân Tị 1761 đến quá 7-1 Nhâm Ngọ 1762). Trong quyển nầy, tác giả chép nhật kí, ghi rõ tên đất, tên người, độ đường, câu chuyện vân vân. Qua đó ta thấy rằng quả thật Lê Quí Đôn là một nhà học giả lỗi lạc, có óc khoa học, thiết thực, cụ thể, đủ mọi tài về văn chương, biết làm thơ, biết kể chuyện, biết kí tải, biết giao thiệp. Không những về lí học, mà cả về sử học, lúc mới hơn 33 tuổi mà đã tinh tường. Ông có trí nhớ lạ thường. Chính ông kể lại, trong khi tham quan mọi nơi, ông đọc các câu đối các biển, lúc về thuyền nhẩm lại đều nhớ hết. Tục truyền rằng ông đọc sách gì một lần đủ nhớ luôn, kể cả những sổ bạ. Người ta lại kể chuyện rằng có lúc ông đọc một bia bị nước lũ dâng chóng ngập chân, ông đã đọc ngang từ dưới lên trên, mà khi về ông cũng chép lại bài bia được. Ví với ngày nay những kẻ có thể đánh cờ trầm mấy chục ván một lần, hay những người tính nhẩm những phép nhân chia hàng chục con số, thì ta thấy rằng những chuyện kể về trí nhớ của ông không ngoa. Từ thủa nhỏ, ông đã nổi tiếng thần đồng. Thi đậu tam khôi (ba lần đầu: ở tỉnh, ở kinh và ở cung điện) trong khi cha, là Lê Phú (sau đổi ra Viết) Thứ đang làm quan Triều và cũng xuất thân Tiến Sĩ. Tuy vậy, ông cũng không đậu đại khoa sớm như hai thần đồng đời Trần: Nguyễn Hiền (13 tuổi) và Nguyễn Trung Ngạn (16 tuổi). Nhờ vậy, ông đã có thời giờ đọc và viết sách nhiều trước lúc ra làm quan. Khoa Nhâm Dần 1752 chỉ có 6 tên trên bảng ; ông đứng đầu với bực Bảng Nhãn (năm bực là : Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, Hoàng Giáp và Tiến Sĩ). Tuy bực rất cao, nhưng ai cũng cầm chắc ông đáng bực Trạng Nguyên, nhưng trong bài thi có câu hỏi một chuyện chính trị đời Đường Thái Tông mà Đường Thư không chép và chỉ có ghi trong sách Trinh Quan Chính Yếu. Riêng ông, ông rất tiếc vì tủ sách nhà vốn có sách ấy nhưng có người mượn mất.

Chuyện ông được đi sứ, thì cũng lẽ tất nhiên. Trong bài Đề Từ sách Bắc Sứ Thông Lục, ông kể chuyện rằng : « Khi ta mới tám chín tuổi, học sách Luận Ngữ (Khổng Tử) với cha, đến câu « Làm việc biết điều đáng thẹn, đi sứ bốn phương mà không làm nhục mệnh Vua, như thế có thể gọi là kẻ Sĩ » cha tôi hỏi : « Mầy có thể làm như vậy không ? » Tôi đáp : « Chỉ biết thẹn là khó mà thôi. Còn đi sứ làm vẻ vang Nước nhà, làm trọng mệnh Vua, thì có khó gì ? » Cha tôi cười mà bảo: « thằng bé này có hào khí ! » và dạy rằng: « Ý khí thì cố nhiên nên hào, nhưng không nên quá. Nên không nhún, không rời phẩm cách, nhưng phải nhã nhẵn, nhẹ nhàng, đừng để lộ ra một chút thô suất » Tôi thưa : « vâng.»

Trong tựa sách trên, tựa viết năm 1763, ông lại kể rằng:

« Ở nước Nam ta, tiền bối đi sứ có để lại nhiều tập thơ nhưng chưa ai kể lại các sự việc. Năm Vĩnh Hưu Đinh Tị (1737). Tổn Trai tiên sinh họ Lê (Lê Hữu Kiều, người huyện Đường Hào, đậu Tiến Sĩ khoa 1715) được sung phó sứ đi mừng vua Càn Long lên ngôi, có chép việc sử, nhật trình, đường đi, thơ văn thù ứng, vấn đáp và các sự tích, phong tục nghe thấy, viết thành sách đề là Sử Bắc Kí Sự. Khi ta chưa đậu, ông từng đưa cho ta xem và bảo : « Đây là sách ta lược biên để có thể mang theo trong túi áo. Cậu ngày sau chắc sẽ được chọn đi sứ. Cậu nên sẽ tiếp tục chép nhiều thêm để cho được nhiều sự trạng và lời văn vẻ hơn ».

Theo các chuyện trên, nhiều người đoán trước rằng ông sẽ phụng sứ. Năm 1758, ông được triều đình đề cử trong số sáu người đưa chúa Trịnh Doanh lựa chọn. Trong bài Đề Từ, ông kể rằng: " Chúa thật không muốn ta đi xa. Mùa thu năm Kỉ mão (1759) Chúa bảo Cổn quận công rằng muốn lưu ta ở lại để hầu chính sự; rồi hỏi ý ta. Ta quì tâu: « Cám ơn Thánh Thượng muốn tài bồi cho. Tôi, trên luyến Vua, dưới nhớ cha, há lại không muốn xin ở lại. Nhưng tôi nghĩ rằng từ xưa làm quan, ất nên lịch duyệt cho đủ. Ba năm đi về cũng không phải là lâu. Vậy xin vẫn được đi sang xem chính trị của Thượng Quốc ra sao, nhân vật họ ra sao ? » Chúa bằng lòng ".

Vì còn ít tuổi, chức tước chưa cao, cho nên ông chỉ được sung phó sứ số một, nhưng kì thật thì trong các cuộc ứng đối, ông đứng hàng đầu. Trong phần nhỏ sách kí sự của ông còn lại, ta cũng thấy người Trung Quốc để ý đến ông hơn chánh sứ nhiều. Lời ông viết nối trong Đề Từ: " Từ trước đến nay, văn thần được tuyển đi sứ là trên dưới 50 tuổi. Mà tôi vâng mệnh đi lần này, tuổi mới hơn 30, bề ngoài còn hăng hái sỗ sàng. Tự vui thích chơi bời bay nhảy, cảm tình với xưa, tò mò với nay. Đến đâu cũng đề vịnh (xướng họa với chánh sứ đến vài trăm bài). Đến những chỗ công sảnh, nhà quan, hễ thấy đối liễn, thơ đề trên quạt, ta đều nhẩm ghi để khi về thuyền sao lại . Ta lại được các bậc cao sĩ phu Trung Châu đem thi từ thân tặng. Cho nên trong lúc này có ghi nhiều văn từ thấy ở các công thự, ở phong cảnh núi sông, những lời hỏi đáp với các quan liêu ".

Sự thành tựu của sứ vụ, thì ông tự phê bình trong Đề Từ : " Ta vừa qua Nam Quan, liền gặp quan Tuần Kiêm họ Tra đưa thơ thách họa. Dọc đường gặp các quan liêu, bậc cả, sĩ phu đặt những câu hỏi hóc búa, họ bắt bẻ tranh luận như là kẻ địch. Lại có sứ Triều Tiên, quan Khâm Sai bạn tống đều là những bậc văn hào. Họ đã không coi mình là người nước ngoài mà khinh, đã tiếp chuyện nhiều lần. Tôi may nhờ hồng phúc, dùng văn tự nói chuyện, may khỏi bị khinh khi, mà còn được tán khen. Các sách Quần Thư Khảo Biện và Thánh Mô Hiền Phạm Lục là những sách tôi soạn trước 30 tuổi, được các người thích và giữ như của quí. Vậy mới biết lòng người không khác nhau. Lấy lòng thành thật chính trực đãi nhau, lấy văn tự làm quen nhau thì người bốn bể đều là anh em cả ... Vả chăng nếu mình rụt rè, tự coi mình là người nơi xa vắng, ít giao tiếp, ít nói năng thì bị người ta khinh bạc, mà dùng tiếng Di Ngôn Di Sứ (lời mọi, sứ mọi) mà chỉ chúng ta ".

Chính vấn đề các viên chức Thanh ở biên giới vẫn luôn luôn dùng tiếng DI (mọi) để trỏ người mình, kể cả sứ thần, là một điều mỗi lúc sứ ta sang, đều phải tranh biện phản đối và đòi cải cách. Khi đi về đến Quế Lâm, sứ bộ gửi tờ trình cho viên Tuần phủ Quảng Tây xin cho các viên chức sắp gặp sứ bộ, thôi dùng chữ DI. Đại ý tờ trình như sau : Trong các công văn và khi tiếp đón sứ thần mọi nơi đều gọi hai tiếng An Nam . " Thế mà ngày chúng tôi đến cửa Quan, quan đạo Tả Giang tới mở khóa, sứ thần vào lạy Long Đình, thì lễ sinh xướng lễ chỉ hô : Di quan, Di mục, trỏ rõ sự nghiêm ngặt, làm chúng tôi hổ thẹn rất sâu. Đến khi tới Nam Ninh, yết quan Đạo Đài, đến Ngô Châu yết quan Hiệp, giữa đám đông người mà vẫn dùng chữ DI ". Sứ thần xin theo lệ đời Ủng Chính thứ 9 (173l) giới thiệu các sứ thần bằng chức danh. Viên Bố Chánh biện luận một cách khôn khéo rồi nhận lời, như ta sẽ thấy trong tờ trình của sứ bộ gửi về chúa Trịnh Doanh.

Tờ trình nầy rất quí, vì được làm bằng tiếng Việt, có lẽ để người Thanh không đọc được, nếu chúng tò mò. Tuy cả ba sứ thần cùng kí tờ nầy, nhưng tôi tôi tin rằng chính Lê Quí Đôn đã thảo. Cũng như trong các văn kiện bằng nôm thời xưa, bài trình nầy thường dùng Hán văn xen vào trong câu Việt ngữ. Tôi sẽ viết những phần ấy bằng chữ nghiêng và kèm lời tôi diễn nôm ở sau trong vòng đơn. Sau đây tôi sẽ trích một vài đoạn (Toàn bài đã được in với chử nôm trong Tập san Sử địa số 6, Sàigòn 1967) :

" Tháng 10 ( năm Tân Mão 1761) ngày mồng 7, chúng tôi đến Quảng Tây tỉnh thành (Quế Lâm) ... Ngày mồng 9, quan phủ Quế Lâm xuống khám thuyền (xét đồ quốc cấm đem về nước). Kì trước, chúng tôi tiến quan (qua cửa Nam Quan) với vào chí kiến (chào) quan Nam Ninh, thì nó cũng chiếu cựu lệ, nó xướng rằng : « Di quan kiến » (quan mọi chào). Kì nầy chúng tôi cũng có đầu văn (nộp thư) nơi quan vũ viện đạo đạt tình diêu xin hành văn đạo, phủ, hễ nghi chú văn thư, đình DI QUAN tự (đến quan Tuần Vũ, kể rõ thắc mắc, xin gửi tờ sức cho các đạo, các phủ, bảo: phàm trong nghi lễ, văn thư, sẽ thôi dùng chữ di quan, nghĩa là Quan mọi). Tối hôm ấy, quan Bố Chánh họ Diệp (tên Tồn Nhân) truyền hai quan bạn tống (quan Thanh đi kèm sứ bộ) với thông sự (phiên dịch) lên Công đường; trước hỏi: « Ủy vấn Cống sứ nhất lộ tân khổ ? » (thăm hỏi các Cống sứ, dọc đường khó nhọc không). Sau lấy trình văn bảo rằng: « Nghiện cá thậm hảo, thuyết đắc hoạt lí. Đạn cổ ngữ văn : THUẤN sinh ư Gia phùng, đông di chi nhân dã; Văn vương sinh ư Kì chu, tây di chi nhân dã. DI tự nguyên phi khinh mạn Quí quốc. Kim Sứ thần dĩ thử vi ngôn, dĩ mông Vũ đài chuẩn doãn, hành nhất giác công văn, truyền Tả giang đạo cấp các phủ, tự hậu đình hô DI tự xưng AN NAM quốc sứ ...» (Văn này rất hay, nói rất đúng lí. Nhưng lời xưa đã nói : vua Thuận sinh đất Gia phùng, là người mọi phía đông; vua Văn vương sinh đất Kì Chu, là người Mọi phía Tây. Dùng chữ Di vốn không phải để kinh nhờn Quí quốc. Nay sứ thần đã đem sự nầy bày tỏ nên lời thì đã được nhờ ơn quan Tuần vũ bằng lòng nghe. Đã gửi một ống công văn truyền cho đạo Tả giang và các phu, dặn từ rày về sau đừng hô chữ DI nữa, và gọi là Cống sứ nước AN NAM. Sứ có thể về nước thưa với Quốc vương được rõ. . .)

" Vả tiết nầy, chúng tôi trộm xem quan Trung Quốc có lòng kính trọng Bản quốc, dĩ cập kì sứ (vì đó trọng cả sứ ta). Từ ngày chúng tôi tiến Kinh, Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Giang Nam, Sơn Đông, ngũ tỉnh ấy, quan Tổng đốc, Tuần vũ đều đặc ủy thuộc liêu, quan viên hộ tống. Khi khởi lục, thì duyên đồ châu huyện bôn tẩu cung ứng, trương mạc kết thể (khi lên bộ thì dọc đường các quan châu huyện chạy cung cấp đồ ăn đồ dùng, trương màn kết vải màu để đón rước). Khi vào triều hạ (chầu mừng vua Càn Long) thì quan Nội các, Lục bộ đại-thần đều tựu vấn, hữu lời tưởng lao (tới hỏi thăm, có lời khen lao). Mấy (với) như cống sứ Cao Li cống sinh nước Lưu Cầu, gặp chúng tôi cũng hỏi han thư từ vãng phục. Kẻ thì rằng lập chí trung hậu, kẻ thì rằng Văn vật chi thịnh. Chúng tôi đều tùy sự đối đáp. Chuyện đối là sứ thần chức phận, chúng tôi không dám ghi lai lịch phiền độc (kể chi tiết làm nhàm tai).

" Chúng tôi bồi thần tam viên, với hành nhân cửu danh, tùy nhân thập tam danh (ba sứ thần, 9 phái viên, 13 tùy phái) muôn nhờ hồng phúc đều được bình ninh. Như môn tử (con em) chúng tôi cũng có đem sang, cũng đều được mạnh khoẻ cả. Chúng tôi gửi dộng (tâu) lạy BỀ TRÊN muôn muôn năm. Tư cẩn khải (nay kính thưa) ".

Tờ khái này có lẽ viết ngày 13 tháng Chạp năm Tân Mão 1761. Sứ bộ tưởng trước Tết sẽ về đến nhà, nhưng phải đợi gần một tháng ở Thái Bình, quan Thanh mới chịu mở cửa Quan. Tiếc rằng bản Bắc Sứ Thông Lục đã bị mất phần cuối, cho nên ta không còn biết hành trình từ Thái Bình về và có quả thật bọn biên lai Trung Quốc có bỏ tiếng DI chăng. Tuy vậy phần còn lại cho ta biết nhiều câu chuyện giữa Lê Quí Đôn với các nhân vật nước Thanh khi phải đợi lâu và ăn Tết ở Thái Bình. Sau đây sẽ kể một vài chuyện.

Chuyện khám thuyền - Khi thuyền về đến Quế Lâm, theo lệ, quan Thanh xuống khám thuyền để tịch thu các vật và sách cấm. Đồ cấm có vũ khí và diêm tiêu dùng làm thuốc súng. Các cống sứ phải làm tờ cam kết, trong đó có nói :

" Năm Càn Long thứ 25, chúng tôi vâng mệnh Quốc vương mang tuế cống và tờ biểu và nghi vật tới dâng. May được Thánh ân ban cho quốc vương vải vóc, trong đó có thứ đoạn hoa Đại Mãng, Thổ Qua. Còn như diêm tiêu, quân khí và tất cả những món hàng cấm thì không hề mang về. Đó là điều chúng tôi cam-kết là thật ". Tất cả sứ bộ phải khai các sách đã mua, rồi phải gánh các hòm sách lên Trạm Ân Đình. Quan Thanh giữ lại một số, rồi bảo khai giá tiền mua để được bồi thường. Trong số sách bị thu có bộ UYÊN GIAM LOẠI HÀM là một thứ tự vựng bách khoa về văn học gồm 450 quyển, vua Khang Hi sai soạn. Lê Quí Đôn phải làm đơn xin trả lại, viện lẽ rằng trong sứ vụ Phạm Khiêm Ích (1724) vua Ủng Chính đã ban bộ sách ấy cho vua mình. Quan Thanh bằng lòng, nhưng giữ lại 23 bộ sách khác trị giá chỉ hơn 4 lạng bạc. Đó là những sách có tính cách chính trị, kinh tế, bói toán, địa lí, y khoa, thần tiên. Của riêng Lê Quí Đôn, có 5 sách bị thâu : Phong Thần Diễn Nghĩa, Nam Du Bắc Du, Uyên Hải Tử Bình, Tử Vi Đẩu Số và Mai Hoa Dịch Số. Qua những tên sách nầy ta có thể đoán rằng ông tin bói toán và thích tiểu thuyết phong thần.

Chuyện bút đàm với học giả Trung Quốc - Ngoài những nhịp dọc đường, Lê Quí Đôn tiếp chuyện với những quan địa phương, tặng thơ đáp câu đối, hoặc đàm đạo thường xuyên, Bắc Sứ Thông Lục còn giữ được lời ghi những buổi bút đàm với một Nho gia và sử gia có học uyên thâm, là CHU BỘI LIÊN bấy giờ được phái đến Quảng Tây chấm hương thi. Ý chừng y đang khảo cứu về địa dư vùng Nam qua lịch đại; cho nên y hỏi Lê Quí Đôn về sự biến cải địa danh ở nuớc ta từ đời Tần Hán đến đời Minh. Ông trả lời rất đầy đủ , ghi đến hơn 2000 chữ. Đọc qua, ngày nay chúng ta thấy ông đã thuộc những phần địa chí trong các sử thư Trung Quốc. Không những ông đã dẫn chứng lấy trong Nhị Thập Tứ Sử, mà còn dẫn những ngoại thư như Giao Quảng Xuân Thư của họ Vương và Nhĩ Thu của Trương Tân. Không những ông bàn địa dư Giao Chỉ mà còn so sánh với sử địa Triều Tiên. Trái với nhiều học giả nước ta đời xưa, ông đã để ấn tượng là người uyên bác về quốc sử khi mới hơn 30 tuổi. Ông lại đưa hai quyển sách đã soạn, Thánh Mô Hiền Phạm Lục và Quần Thư Khảo Biện cho Chu xem và xin đề tựa. Chu đã thấy rằng ông có chí, học rộng, cảm thấy nước ta có văn học, và " tiếc rằng Quế Đường (hiệu ông) sinh ở Nam Phiên, không thể ở lâu tại Trung Châu. Nếu được ở Trung Châu vài năm, cùng thầy có tiếng đạo đức văn chương giảng giải và nghiên cứu để tìm tình tứ Chu Công, Khổng Tử, thì ta không thể lường được ông sẽ tiến đến đâu " (Xem tựa sách Thánh Mô Hiền Phạm Lục). Qua câu phê bình đạo mạo của một văn gia đứng tuổi ớ Trung Châu đối với một dân phiên thổ, tuy đậu bảng nhãn, nhưng trẻ vào bậc học trò mình, ta cảm thấy sự ngạc nhiên và kính nể của người cao sĩ Trung Quốc đối với Lê Quí Đôn và đối với nước ta. Nguyên Thủy Chu Bội Liên đã nghe người khác mách rằng sách Thái Tử Tuyên Kí nói rằng An Nam thờ Giải Tấn (một quan nhà Minh sai sang cai trị nước ta sau khi Hồ Quí Li bị bắt. Xem tập-san Khoa-học Xã hội số 4 trang 121) và coi y như bậc Thánh, cho nên khinh thường trình độ văn học nước ta. Y có nói đến sự ấy trong bài tựa dẫn trên. Vì vậy Lê Quí Đôn đã phải biện bác dông dài, kể những người nước ta có văn danh trước khi Giải Tấn tới, Trương Hán Siêu, Nguyễn Bá Quát, Nguyên Trung Ngạn, Phạm Sư mạnh, Chu Văn An đời Trần. Trước nữa đời thuộc Đường, đã có bảy người đậu Tiến Sĩ và Khương Công Phụ lại đậu chế khoa. Cho đến những người Minh sang cai trị An Nam, thì Hoàng Phúc còn để tiếng lại; chứ Giải Tấn thì không ai biết đến.

Ông nói tiếp: « Nó là một khách thương qua chơi, sao có thể đến Quốc tử giám (Văn miếu), mà biết rõ điển chương, văn hiến của nước tôi » (trong Thuyết Linh nói An Nam không thờ Khổng Tử, mà thờ Giải Tấn).

Chuyện kiến trúc thành quách - Chu Bội Liên chấp nhận lời biện bác ấy rồi chuyển sang hỏi về cửa thành.

Y hỏi : « Tôi nghe nói rằng thành xứ Phù Nam (Cam-bu-chia) có bốn cửa, cửa Tiền hướng Đông. Thấy chép như vậy trong sách Giang Đông Cựu Sự, nhưng tôi lấy làm nghi, vậy cửa Tiền ở Quí quốc quả như thế không ? »

Ông đáp : « Từ xưa, dựng đô lập ấp, phải xem âm dương, xét trời đất, nhắm trước sau, thẩm cao thấp; kết-quả là chưa có cửa Tiền thành nào không quay về hướng mặt trời. Ngày xưa, đương triều nhà Nguyên trước, có thể cửa Tiền ở thành Phù Nam ngảnh về Đông, nhưng tôi không thể biết (Lê Quí Đôn có lẽ đã đọc sách Chân Lạp Phong Thổ Kí của Chu Đạt Quan đời Nguyên tả thành Angkor). Còn như Đô Thành nước tôi, thì cùng một chế với thành quách xưa nay. Vả chăng, chín cửa thành Kinh sư (Bắc Kinh) và những dinh thự sáu bộ và các Tự, các Viện đều bởi quan thái-giám nước tôi tên Nguyễn An xây nên đời Vĩnh Lạc Việc ấy được chép trong sách Hoàng Minh thông kỉ. Nhân tiện xin trình ».

Chu nói : « Quí quốc có nhiều người tài nghệ như thế, mà tôi nghe rằng hiện nay, các trị sở tại trấn, phủ, huyện đều không có thành quách, là tại sao ? »

Lê Quí Đôn đáp : « Sách Hán chí chép : Giao chỉ có hơn 60 thành. Gần đây, trong khoảng triều Minh cai trị, cũng đắp hơn 20 thành. Không phải rằng nước tôi không biết giữ nếp cũ, nhưng ban đầu, khi quốc triều (Lê) mới lập, đã san bằng hết. Chỉ ở trấn thị, đắp luỹ đất mà thôi . Tôi trộm nghĩ rằng đó bởi có thâm ý...»

Chu hỏi : « Tại sao ? »

Đáp : « Nước nhỏ tôi và nước lớn Ngài, sự thể không giống nhau. Nay may được Thánh triều ôm ấp vỗ về, hai nước thành một nhà, không phải trở lại lo nữa. Nhưng trong buổi đầu triều Nguyên và triều Minh, bị tụi biên thần tham công mà sinh sự với nước tôi. Chúng tôi sợ bị đột nhập. Nếu tụ nhau ở trong một thành, ngồi để chịu vây đánh, thì chẳng là kế hay. Dân chúng là lính, làng mạc là của. Nếu ở linh tinh phân tán, thì muốn đánh cũng không chỗ nào mà đánh, muốn cướp cũng không thấy đâu mà cướp. Trái lại, nhân chỗ họ mà phá rối, đặt phục mà cản đường. Làm như vậy mới có thể giữ nước ».

Những câu trả lời trên thật là lí thú. Một mặt, nhờ Lê Quí Đôn nhắc lại, chúng ta được biết cái cửa Thiên An Môn cùng 8 cửa khác của thành Bắc Kinh là công trình của người nước ta, cũng như doanh thự trong thành. Việc nầy người Trung Quốc đời nay vẫn biết. Một mặt khác, ông đã giải thích một cách chí lí chiến lược " của không nhà trống ", phân tán du kích, để cảnh giác người Thanh. Chu Bội Liên phải khen rằng: « Sứ quân biện cực tài ! Nhưng cuối cùng, tôi cho rằng như thế không bằng xây thành quách làm hiểm trở mà tự thủ ... ! »

Rồi sau khi Lê Quí Đôn lí luận bác thuyết Việt Thường hiến bạch trị cho Chu Vương và Chu Vương cho xe chỉ nam, Bội Liên mừng rỡ mà khen : « Bàn luận thật là khoái, khiến người thán phục và kính trọng ! ».

Và ngày nay, đọc đến đây, cũng phải thán phục một người trẻ tuổi, học tiếng nước ngoài, phải theo đòi cử nghiệp, mà đã kiến thức mông mênh, lí luận chắc chắn, ứng đối mẫn tiệp như Lê Quí Đôn. Thật ông đã làm đúng như lời hứa với cha khi tám chín tuổi: làm vẻ vang Nước nhà.

Mùa đông năm Kỷ mùi

Hoàng Xuân Hãn

Hoàng Sa -Trường Sa

Chuyện 35 năm trước
Lữ Giang


Báo Tuổi Trẻ online từ 8 đến 14.9.2009 đã đăng một thiên ký sự về trận đánh Hoàng Sa giữa Hải Quân VNCH và Trung Quốc năm 1974 do Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức, Đảo Trưởng Hoàng Sa, và Thượng Sĩ Lê Công Bảy, giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 kể lại. Bài ký sự đã được viết rất nghiêm túc, Đây là chuyện chưa từng xẩy ra trên các báo chí ở trong nước. Phải chăng “khi tổ quốc lâm nguy” thì “chiến tuyến” không còn nữa? Cả hai ông Nguyễn Văn Đức và Lê Công Bảy đều là “chiến sĩ VNCH” còn ở lại trong nước.

Chuyện làm đảo trưởng Hoàng Sa chúng ta chưa hề được nghe đến, nhưng trận hải chiến giữa Hải Quân Trung Quốc và Hải Quân VNCH, chúng ta đã nghe các đàn anh của Thượng Sĩ Lê Công Bảy kể lại nhiều rồi. Tuy nhiên, mỗi người nhìn vấn đề dưới những khía cạnh khác nhau. Câu chuyện Thượng Sĩ Lê Công Bảy kể lại cũng có nhiều chi tiết chưa từng được nghe, có thể góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử. Vì thế, chúng tôi xin tóm lược lại dưới đây hai câu chuyện nói trên.

ĐẢO TRƯỞNG ĐẢO HOÀNG SA

Mở đầu thiên ký sự, báo Tuổi Trẻ đã giới thiệu như sau:

“Hơn 35 năm trước, những người con đất Việt đã nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển trời Tổ quốc. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Bây giờ nhắc lại, mắt họ rưng rưng, tim họ nghẹn lại khi Hoàng Sa vẫn còn trong tay nước ngoài.

“Từ số báo này, Tuổi Trẻ đăng tải hồi ức của những người từng canh giữ biển trời Hoàng Sa 35 năm trước. Thời gian dài trôi qua, nhưng những gì tận mắt họ chứng kiến, những gì họ trực tiếp tham gia không thể phai mờ trong tâm trí.”

Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức đã được Biệt Khu Quảng Đà cử đi làm Đảo Trưởng đảo Hoàng Sa cách đây 40 năm do Sự Vụ Lệnh số 1445/BCH/TK/75/5/4 ngày 14.10.1969 do Trung Tá Lê Tri Tín, Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Quảng Nam ký, cùng với 34 quân nhân thuộc Trung Đội Hoàng Sa. Lúc đó anh mới 22 tuổi.

Được hỏi ông có lo lắng gì trước lúc lên đường làm nhiệm vụ hay không, ông trả lời:

“Tại sao phải lo lắng? Đó là đất của cha ông mình để lại, là máu mủ thân yêu của tổ quốc nên chúng tôi ra đi như lẽ bình thường, hiển nhiên. Chẳng có chút gì phải lo sợ khi chúng tôi đi trong tâm thế của một người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Khi đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, thuộc về người Việt, đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi”.

Một ngày cuối tháng 10-1969, ông Đức cùng trung đội Hoàng Sa gồm 34 người và bốn nhân viên khí tượng rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường làm nhiệm vụ. Sau hơn 24 giờ lênh đênh trên biển, Hoàng Sa thân yêu hiện dần lên trước mắt ông. Ông Đức nhớ lại:

“Lúc đầu biển khá êm, nhưng khi rời đất liền được khoảng hơn 100km thì sóng lớn dần. Từ xa Hoàng Sa hiện lên giữa nền xanh của đại dương. Bao bọc quanh Hoàng Sa là những rạn san hô rộng lớn, vì thế chúng tôi không thể cặp tàu vào được mà phải dùng canô để chuyển quân và quân trang vào đảo. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8m, tường dày 2m dành cho đảo trưởng.

“Trong phòng làm việc của đảo trưởng có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của chúng tôi đã được ghi lên đó, đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt. Xung quanh đảo là những rừng cây, tuy không to lớn nhưng cũng đủ để che chắn nắng gió cho lính đảo. Hình ảnh lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất tuyệt đẹp của tổ quốc nơi xa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ y nguyên. Xúc động lắm”.

Ông Nguyễn Văn Đức kể tiếp:

“Nhiệm vụ của chúng tôi là đo đạc, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu thông trong vùng. Trang bị vũ trang lúc ấy không nhiều, chỉ có hai khẩu đại liên 50mm nhưng anh em vẫn kiểm soát được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tàu bè quốc tế ngang qua đều tôn trọng chủ quyền của chúng ta, và chúng ta cũng sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp bão tố. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng canô đi qua các đảo lân cận để chơi vì cảnh quan ở đây rất hữu tình. Đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Duncan, đảo Drumond... chúng tôi đều đã đặt chân đến”.

Trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng gắn bó với mảnh đất xa xôi của tổ quốc, Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức nói:

“Khi thủy triều xuống, cả rạn san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Mỗi khi nhớ đất liền, anh em lại lấy vài cành san hô bỏ vô chậu, bắt vài con cá nhỏ ngồi ngắm nghía bên tách cà phê đen. Có sống ở đảo mới thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ. Thời tiết ở đây khá ôn hòa nhưng gió mạnh lắm, nhiều khi anh em bị gió đẩy ngã sóng soài. Tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em thấy vui và hãnh diện khi được trấn giữ biển đảo quê nhà”.

Ông cho biết có hai di tích ở đảo Hoàng Sa ông không thể nào quên. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà anh em lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chút an bình giữa sóng gió. Ông kể:

“Mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như được gần lại. Hơn nữa, mùi nhang khói như gợi lên những tiềm thức về quê cha đất tổ, nhớ về nguồn cội. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại. Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa, là nắm xương của những người con Việt đã nằm xuống sau những lần đụng độ với âm mưu xâm lược của ngoại bang.

“Ở đó còn có cả hài cốt của những ngư dân từ miền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh. Và cũng có cả những nắm xương của lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục khi âm mưu đánh chiếm đảo. Có một điều là chúng tôi không phân biệt địch ta khi họ đã ngã xuống, mỗi ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên những nấm mồ hoang. Có lẽ đó là một nét đặc biệt của người Việt mình, là một hành xử đầy tính nhân văn, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” mà mỗi người Việt chúng ta còn lưu giữ được từ dòng máu Lạc Hồng!”.

Ngày 19-1-1974, ngày quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa là ngày ông Đức cảm thấy đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Ông xúc động kể lại:

“Khi hay tin Hoàng Sa bị quân Trung Quốc tước đoạt bằng vũ lực, tôi đau đớn đến mức nước mắt không thể chảy được, lòng dạ như ai xát muối. Tôi biết ngoài kia những đứa con của đất Việt sẽ phải đổ máu vì quê hương. Tôi đau vì một mảnh đất tuyệt đẹp và giàu có của nước nhà đã bị ngoại bang vô cớ cướp đoạt. Đó là nỗi đau của một người con đất Việt!”.

TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA

Ông Lê Công Bảy cho biết ông là Thượng Sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 (chiến hạm tối tân nhất của Hải Quân VNCH thời bấy giờ) với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối hành quân. Hiện ông là bảo vệ của Đài truyền hình VN tại Sài Gòn.

Ông kể lại với báo Tuổi Trẻ rằng với chức danh nói trên, lúc nào (trong nhiệm sở tác chiến hay hải hành) ông đều phải có mặt thường xuyên trên đài chỉ huy, thường xuyên bên Hạm Trưởng Vũ Hữu San (trung tá Hải Quân, hạm trưởng). Nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ghi lại nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải, xác định vị trí của chiến hạm, đồng thời nhận và chuyển những tài liệu bằng đèn và cờ. Ông cho biết:

“Hôm ấy, ngày 16.1.1974, gió mùa đông bắc thổi mạnh trên biển Đông. Biển động mạnh. Chiến hạm chúng tôi đang tuần tiễu vùng biển Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến cù lao Ré (đảo Lý Sơn). Đây đã là ngày thứ 14 lênh đênh trên biển. Chỉ còn một ngày nữa chiến hạm sẽ được về Đà Nẵng nghỉ bến, anh em thủy thủ đoàn rộn ràng nghĩ đến ngày được vào đất liền.

“Chưa kịp dùng cơm trưa thì từ trung tâm truyền tin đưa lên đài chỉ huy một công điện thượng khẩn: Lệnh cho tàu về ngay Đà Nẵng. 17 giờ tàu về đến quân cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa). Hạm Trưởng San và Đại Úy Diên - trưởng khối hành quân, được lệnh lên họp khẩn cấp ở Trung Tâm Hành Quân Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. Từ Trung Tâm Hành Quân, hạm trưởng điện về tàu lệnh cho Ban Ẩm Thực lên bờ đi chợ (tiếp tế lương thực).

“20 giờ Hạm Trưởng San về tàu. Lệnh cấm trại 100% được ban ra. Ban cơ khí chuẩn bị bắt ống để nhận dầu và nước ngọt. Đến 21g, hai chiếc xe GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược xuất hiện. Lần đầu tiên trước mắt tôi được chứng kiến một toán quân mặc quân phục lạ lùng. Sau một hồi dọ hỏi tôi mới biết đây là Lực Lượng Biệt Hải. Tôi được lệnh từ Đại Úy Diên chuẩn bị hải đồ đi Hoàng Sa. 23g, tàu khẩn cấp rời cảng Tiên Sa trực chỉ Hoàng Sa. Tôi cảm giác có một chuyện gì lớn lao sắp xảy ra.”

Ông Lê Công Bảy kể tiếp như sau:

11g30 ngày 17-1, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã có mặt tại quần đảo Hoàng Sa. Trước đó ngày 16-1, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 do Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đã có mặt tại Hoàng Sa.

HQ-4 tiến gần đảo Vĩnh Lạc. Còi tác chiến vang lên, tất cả thủy thủ đoàn đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. 14 giờ, trung đội biệt hải được lệnh rời tàu trên ba xuồng cao su, 20 phút sau trung đội biệt hải đã đổ bộ lên rìa đảo an toàn và nhận lệnh tiến sâu vào đảo lục soát.

Báo cáo từ đoàn quân gửi về: Không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước.

Các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ giả lên, hóa ra chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo mà ai đó đã dựng lên để chứng tỏ có người Trung Quốc đã sống và chết trên đảo mà thôi. 16g30, lực lượng biệt hải được lệnh rút về tàu.

Đến buổi chiều, phòng chiến báo rằng theo dõi qua hệ thống ra đa tầm xa đã phát hiện hai mục tiêu trên biển đang di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa. Từ nóc đài chỉ huy, các bộ phận quan sát bằng ống nhòm đã nhìn thấy hai tàu chiến lạ. Trung tâm chiến báo được lệnh theo dõi và báo cáo thường xuyên mọi hoạt động, hướng đi, khoảng cách của hai tàu trên.

Đêm 17 rạng 18-1 là một đêm cực kỳ căng thẳng. Còi nhiệm sở tác chiến báo động suốt đêm. Phía Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ-16 dùng tín hiệu cảnh cáo: Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay! Phía Trung Quốc đáp trả, cho rằng Hoàng Sa là của họ.

Sáng 18-1, chiến hạm HQ-4 của chúng tôi tiến về đảo Cam Tuyền. Lúc 8g, trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi lục soát chỉ phát hiện những nấm mộ mới đắp không hài cốt y như ở đảo Vĩnh Lạc.

Đến 11g, đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ Trung Quốc xâm nhập và tiến gần đến đảo Hoàng Sa, tàu HQ-4 và HQ-16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi tiến đến gần tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc, tàu HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi, nhưng cả hai tàu Trung Quốc cố tình khiêu khích.

Tàu HQ-4 tiến thẳng đến một tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc. Trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm. Tàu được trang bị hai thượng liên (một đằng trước mũi và một đằng sau lái tàu), ngoài ra có rất nhiều súng AK-47. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá Trung Quốc để xua đuổi.

Hai bên đánh nhau bằng... võ mồm. Thấy không tác dụng, tàu HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng vào tàu Trung Quốc, mũi tàu HQ-4 và neo mũi vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết của Hải Quân VN, họ vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá vũ trang còn lại.

Cũng trong sáng 18-1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 do Trung Tá Hải Quân Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng được lệnh tăng cường ra Hoàng Sa. Cùng đi trên HQ-5 có Đại Tá Hà Văn Ngạc, được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Ngoài ra, đi theo tàu có một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của Hải Quân).

Lúc 15g30 chiều 18-1, lệnh Đại Tá Ngạc cho ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng. Khoảng 16g, có hai tàu chiến Trung Quốc bắt đầu khiêu khích, cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16. Đội hình bị chia cắt không thể tiến lên được vì các tàu rất gần nhau, các khẩu đại bác sẵn sàng nhả đạn nhưng không ai được lệnh nổ súng.

Đêm 18 rạng ngày 19-1, tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Tình hình dịu hơn khi tàu Trung Quốc rút lui về hướng bắc.

Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng đã ra chi viện cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa.

Tình hình tại biển Đông đột ngột trở nên căng thẳng vào ngày 11.1.1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, Hải Quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Trong các ngày kế tiếp, phía Trung Quốc bất ngờ đổ người lên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đến ngày 15-1-1974, quân Trung Quốc đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond)...

Lúc 6g sáng 19-1-1974, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã tiến sát đảo Quang Hòa và trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ khẩn cấp lên đảo. Không một tàu chiến nào của Trung Quốc phát hiện được HQ-4 và tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5.

Khi gần đến đảo, bằng ống nhòm và mắt thường từ đài chỉ huy, chúng tôi đã phát hiện doanh trại mới toanh và cột cờ có cờ Trung Quốc. Hai mươi phút sau, lực lượng biệt hải đổ bộ lên đảo (mặt đông nam). Lực lượng đổ bộ cắm cờ Việt Nam lên bờ cát và hốc đá, rồi khẩn cấp tiến vào bên trong đảo. Trong khi đó, lực lượng người nhái vẫn còn ngoài xa chưa vào được vì HQ-5 không thể vào sát bờ, gió mùa đông bắc thổi khá mạnh, các xuồng cao su bị sóng gió giật dữ dội không vào bờ được. HQ-5 phải thả tàu cứu hộ xuống để kéo các xuồng cao su vào. Từ đài chỉ huy, bộ phận quan sát chúng tôi đã phát hiện một tàu Trung Quốc đang đổ bộ một đội quân đông đảo lên phía bắc đảo, hàng trăm quân Trung Quốc ồ ạt vào đảo rất nhanh vì xuôi gió.

Thế rồi báo cáo bất lợi dồn dập gửi về đài chỉ huy tàu HQ-4. Một số đông quân Trung Quốc nấp sau các tảng đá chĩa thẳng mũi súng vào đội hình biệt hải. Trên mặt biển lúc ấy, chúng tôi thấy tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 và hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đang tiến về rìa tây nam đảo, theo sau là bốn tàu chiến Trung Quốc đang tiến vào đội hình của ta. Tình hình bắt đầu căng thẳng, báo hiệu một trận đụng độ sinh tử không thể nào tránh khỏi. Trong khi đó ở phía bắc đảo, những chiếc tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc tiếp tục cho đổ người ồ ạt lên đảo của ta.

Và họ nổ súng trước. Vào lúc 8g30, một loạt đạn đại liên và cối 82 bắn vào đội hình người nhái Việt Nam làm hai binh sĩ tử thương và hai bị thương. Nhưng chỉ huy phía Việt Nam không thể ra lệnh cho các tàu nổ súng vì lực lượng người nhái đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Lúc đó, sát bên tàu HQ-4 của chúng tôi đã xuất hiện hai tàu chiến Kronstadt của Trung Quốc mang số hiệu 274 và 271 sơn màu xám đen, trang bị đại bác 100 li và nhiều đại bác 37 li. Các họng súng đại bác Trung Quốc đều đang chĩa thẳng vào tàu HQ-4.

Các tín hiệu bằng đèn hiệu được liên tục chuyển đến HQ-4. Chúng tôi nhận những tín hiệu từ tàu Trung Quốc và trình cho hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San. Nghe xong một nội dung cực kỳ khiêu khích từ tàu Trung Quốc, hạm trưởng San tức thì đỏ mặt, quát tháo ầm ĩ. Quay sang chúng tôi, ông ra lệnh không nhận tín hiệu từ tàu Trung Quốc nữa.

Tần số liên lạc bị phá rối, trên hệ thống bộ đàm chỉ nghe toàn tiếng Hoa. Đại tá Hà Văn Ngạc, lúc đó đang ở trên chiến hạm HQ-5, được giao toàn quyền hành động. Đại Tá Ngạc ra lệnh: Tất cả đại bác đều phải hướng lên đảo. Khi nhận lệnh bắn thì tất cả khai hỏa lên đảo, dọn đường lập đầu cầu để biệt hải và người nhái đổ bộ tái chiếm đảo. Hạm trưởng Vũ Hữu San gằn từng tiếng trong bộ đàm: “Trình đại bàng, tôi là quân nhân, tôi chấp hành quân lệnh nhưng hiện nay nước cờ đã bị lộ, không còn yếu tố bất ngờ, muốn đổ bộ lên chiếm đảo trước mắt phải tiêu diệt lực lượng trên biển trước khi tính đến việc đổ quân, hiện nay số tàu địch gấp đôi tàu ta, quân địch đã đổ bộ từ sáng đến giờ đầy trên đảo, ta chỉ có hai trung đội thì làm sao thành công được?”. Rồi hạm trưởng San nói tiếp: “Tôi là quân nhân, tôi chấp nhận hi sinh vì Tổ quốc, nhưng...”.

Ông cúp máy và ra lệnh: “Tất cả khẩu súng nhắm thẳng vào tàu địch!”.

Đúng 10g20, bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 đồng loạt khai hỏa. Như đã chuẩn bị trước, Hạm Trưởng Vũ Hữu San ra lệnh “bắn”. Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì trúng đạn, vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa.

Chiến hạm HQ-4 chạy uốn lượn như con rắn, hết sang phải lại sang trái nên đã tránh được loạt đạn đại bác của đối phương. Thế rồi các cột nước bùng lên, đạn rít xung quanh tàu vèo vèo. Một mảnh đạn phạt lủng đài chỉ huy, văng ra trúng chân Trung Úy Roa đang cố gắng theo dõi tàu Trung Quốc qua màn hình ra đa. Thượng Sĩ Nhất Giám Lộ Ry trúng mảnh đạn nơi cánh tay trái. Hạ Sĩ Giám Lộ Phấn, xạ thủ đại liên 30 trên nóc đài chỉ huy, bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ cả áo. Tiếng la ơi ới của các anh em bị thương vọng lên đài chỉ huy.

Tuy nhiên, chiến hạm HQ-4 vẫn vững vàng trong cuộc hải chiến. Đài quan sát trên nóc báo cáo có tàu Trung Quốc đang đuổi theo. Tôi nhìn ra phía sau vừa thấy hai tàu chiến Trung Quốc. Liền lúc đó từ mạn phải HQ-5 cắt đuôi HQ-4 rồi phóng thẳng vào hai tàu đối phương. Những khối cầu lửa từ mũi HQ-5 bắn ra (đại bác 127 ly) bay thẳng vào tàu Trung Quốc. Một chiếc trúng đạn bốc cháy, một chiếc quay ngang và sau đó lãnh đủ hàng loạt đạn từ HQ-4.

Nhưng ngay lúc đó, thông tin từ HQ-5 cho biết ụ tháp đại bác 127 ly của tàu này đã bị trúng đạn, ba quân nhân tử thương, hai bị thương nặng. HQ-4 vòng lại yểm trợ HQ-5. Không thấy tàu HQ-16 và HQ-10 đâu cả. Liên lạc mãi với hai tàu này vẫn không được.

Thật ra lúc ấy tàu HQ-10 đã bị thương nặng. Tàu này nhỏ, cũ kỹ, các khẩu đại bác xoay trở bằng tay nên bị trúng liền hai quả 100 ly từ tàu Trung Quốc.

HQ-4 và HQ-5 quay đầu về hướng Nam. Sau đó một giờ không còn thấy HQ-5 ở đâu. HQ-5 do máy yếu và một máy bị trở ngại chưa kịp khắc phục nên “rớt” lại đâu đó. Trên biển HQ-4 trở nên lẻ loi một mình. Đó cũng là lúc Hải Quân Trung Quốc tung xuống một lực lượng rất mạnh từ đảo Phú Lâm gần đó và từ căn cứ ở đảo Hải Nam. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, Hạm Trưởng Vũ Hữu San đã vẽ một đường trực chỉ về Đà Nẵng.

Khoảng 16g30, tôi đang trong giấc ngủ sâu vì đã mấy hôm không chợp mắt thì còi tập họp vang lên. Tất cả thủy thủ đoàn tập họp đầy đủ nghe thông báo: “Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu được lệnh quay lại Hoàng Sa. Nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, chiến đấu đến cùng để giữ đảo”. Nhìn sau lái tàu, tôi biết tàu đang quay lại và hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả đều bất động, không ai nói với ai một lời nào trước giờ phút cảm tử này.

Tôi vào phòng hải đồ phía sau đài chỉ huy mệt lả và thiếp đi, đến khi thức dậy trời tối hẳn, Trung Sĩ Nhất Giám Lộ Khiết cho biết tàu đang quay đầu về Đà Nẵng. Anh nói Hạm Trưởng San báo cáo thẳng với tư lệnh hải quân là HQ-4 không còn khả năng chiến đấu, lương thực cạn, cơ số đạn không còn đủ để tác chiến, các khẩu đại bác đều có trục trặc... Lệnh từ đất liền: Các tàu quay về, hủy bỏ lệnh tấn công tái chiếm Hoàng Sa.

5g30 sáng 20-1 HQ-4 về đến cảng Tiên Sa, 9g tàu HQ-5 tiến vào vịnh Đà Nẵng. Lúc 12g30, tàu HQ-16 bị thương nặng, từ từ tiến vào vịnh với sự trợ giúp của hai tàu lai dắt biển.

Ông Lữ Công Bảy kết luận:

“Trận hải chiến Hoàng Sa chỉ kéo dài hơn 30 phút, nhưng nỗi đau ấy vẫn làm quặn thắt trái tim chúng tôi dù 35 năm đã trôi qua.”

Bây giờ cả Hoàng Sa và Trường Sa không còn nữa. Trung Quốc coi hai đảo này như “món nợ” mà đảng CSVN phải trả cho Trung Quốc khi nhận viện trợ của Trung Quốc để chiếm miền Nam.

Lữ Giang

Thư trả lời đại sứ CSVN Nguyễn Tâm Chiến

THƯ TRẢ LỜI ĐẠI SỨ CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN TÂM CHIẾN
VỀ VIỆC VINH DANH LÁ CỜ VIỆT NAM CỘNG HÒA VÀ DỰ ÁN TƯỢNG ĐÀI CHIẾN SĨ TỰ DO TẠI TB WASHINGTON.


Nhân vụ Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang là Pam Roach đưa ra hai nghị quyết tại Thượng Viện Tiểu Bang. Nghị quyết thứ nhất là công nhận lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa cũ; nghị quyết thứ hai ủng hộ dự án xây tượng đài tại tiểu bang Washington kỷ niệm các chiến sĩ chiến đấu cho Tự Do.

Sau đó Nghị Sĩ Roach nhận một bức thư từ Đại sứ Cộng sản Việt Nam phản đối cả hai Nghị quyết trên. Ông Terrell A. Minarcin đã đánh máy lại thư Nguyễn Tâm Chiến và viết thư trả lời..

Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Washington D.C. đã phản ứng một cách điên cuồng, nên đã phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng về ngoại giao và bang giao quốc tế, trong đó có việc xâm phạm vào công việc nội bộ của công dân và đất nước Hoa Kỳ.

Sau đây là thư phản đối của Nguyễn Tâm Chiến, Đại Sứ Cộng sản Việt Nam gửi Thượng Nghị Sĩ Pam Roach, tiểu bang Washington .

Kính thưa Thượng Nghị Sĩ Roach:

Với sự quan tâm đặc biệt mà tôi viết thư này gửi ông liên quan đến một nỗ lực thứ hai nhằm thừa nhận lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa cũ được trình bày trong văn kiện SJM8045. Đây là để tái khẳng định rằng nhân dân và chính phủ Việt Nam không thể chấp thuận với dự án xây dựng Tượng Đài. Tôi xin chia sẻ với ông về ý nghĩ của tôi.

Thứ nhất, dự án Tượng Đài đi ngược lại những quy ước quốc tế và thực tiễn. Bây giờ, cái gọi là Việt Nam Cộng Hòa đã không còn tồn tại, hơn ba mươi năm qua, lá cờ của nó đã không còn chỗ đứng hợp pháp tại Việt Nam. Giống như một số văn bản hoặc nghị quyết, ngôn ngữ của dự án Tượng Đài Kỷ Niệm rõ ràng đã phủ định sự hiện hữu của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vối Hoa Kỳ từ năm 1995.

Thứ hai, kể từ khi khởi đầu của giai đoạn mới của sự bình thường hóa và hòa giải với quý quốc vào năm 1995, Việt Nam đã làm hết sức mình để đẩy lùi quá khứ và nhìn về phía tương lai, phấn đấu để xây dựng một quan hệ mà đôi bên đều có lợi. Trong tiểu bang của ông, hãng Boeing đã bán máy bay cho Việt Nam và Cảng Seattle vẫn là một cảng chị em với cảng Hải Phòng của miền Bắc Việt Nam trong chương trình trao đổi. Theo ý tôi, dự án Tượng Đài Kỷ Niệm, dấu hiệu làm sống lại quá khứ của hận thù và buồn đau, không phục vụ cho lợi ích của cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ hoặc tiểu bang Washington.

Thứ ba, với một chính sách kiên định, Việt Nam hoan nghênh sự tham gia năng động của Việt kiều trong việc mở rộng quan hệ có lợi cả hai bên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và sự hội nhập hữu hiệu của họ vào dòng sinh hoạt chính lưu của đời sống Mỹ.Việt Nam hy vọng mãnh liệt rằng cộng đồng của người Mỹ gốc Việt, khoảng gần năm mươi ngàn đã chọn tiểu bang của ông làm quê hương mới, sẽ cũng tiếp nhận tinh thần thân hữu và hợp tác.

Sau hết, ở cấp liên bang vị Ngoại Trưởng và các giới chức cao cấp Hoa Kỳ đã luôn luôn tuyên bố rằng Hoa Kỳ không công nhận lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa cũ. Trong cuộc họp với tôi vào mùa hè vừa qua, Thống Đốc Gary Locke đã nói ông ta và tiểu bang Washington ủng hộ sự gia tăng quan hệ hai bên cùng có lợi giữa tiểu bang Washington và Việt Nam .

Như ông có thể nhớ lại, Nghị Quyết Thượng Viện loại này số 8659 đã bị rút lại sau cuộc duyệt xét vào mùa xuân vừa qua, khi những ý tưởng này được đưa ra bàn thảo.

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng; tôi tin dự án Tượng Đài Kỷ Niệm, một khi được cơ quan lập pháp của ông thông qua, sẽ đâm bổ vào chính Hiến Pháp Hoa kỳ là nền tảng trao quyền hành cho việc thi hành chính sách đối ngoại duy nhất trong hệ thống liên bang. Vả lại, bằng sự kêu gọi công nhận lá cờ cũ ấy như là lá cờ chính thức duy nhất của nhân dân Việt Nam , nó sẽ làm cho quyền tự do phát biểu bị nghi ngờ.

Dưới ánh sáng của những nhận xét này, tôi thành kính yêu cầu ông đừng hành động hỗ trợ cho dự án Tượng Đài Kỷ Niệm.

Tôi cảm ơn ông về sự quan tâm và hợp tác.

Với lòng kính trọng cao nhất của tôi.
Ký tên : Nguyễn Tâm Chiến,
Đại Sứ.

THƯ PHÚC ĐÁP TỪ WASHINGTON STATE

Thưa Ông Đại Sứ,

Tôi vừa nhận được một bản sao của thư ông gửi đến Nghị Sĩ Pam Roach đề ngày 10-2-2004. Tôi xin trả lời thư đó.

Nếu bất cứ một nước nào khác viết bức thư này, thì sẽ đơn thuần một chuyện buồn cười. Nhưng đây lại là của nước ông, Ông Đại Sứ, nước Cộng sản Việt Nam . Nước ông chưa bao giờ tôn trọng hoặc thành thật tuân theo những thủ tục và quy định của bất cứ một thỏa hiệp quốc tế nào mà nước ông đã ký kết vào. Tuy nhiên, nước ông sẽ chỉ núp đằng sau các Thỏa hiệp ấy khi nào chúng thích hợp cho quyền lợi của nước ông. Khi có những cá nhân, chẳng hạn như bản thân tôi hoặc Ông M. Benge, hoặc các tổ chức như Ân Xá Quốc Tế, Ủy Ban Tự Do, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, cáo buộc quý quốc với vô số hành động vi phạm nhân quyền hoặc tổn hại, thì lập tức quý quốc đáp lại bằng cách nói rằng những vấn đề mà chúng tôi đang quan tâm tới là những vấn đề nội bộ và rằng chúng tôi đã can thiệp vào chính sách của quý quốc. Thế cũng được. Ở đây, với quá trình được sắp đặt, chính ông đang can thiệp vào Tiểu bang Washington về những vấn đề không liên quan gì đến ông cả. Sao mà chúng tôi vinh danh sự đóng góp của các cá nhân hoặc các cộng đồng dân tộc ở đây tại Washington lại là ăn nhập đến ông. Xin hãy từ bỏ hành động can thiệp vào những vấn đề nội bộ của chúng tôi.

Ông muốn chúng tôi công nhận và vinh danh lá cờ của ông. Lá cờ đại diện cho một quốc gia đã thực hiện những cuộc tàn sát diệt chủng, huynh đệ tương tàn và buôn bán nô lệ quốc tế. Tôi, với tư cách một cư dân của tiểu bang Washington , không thể nào tha thứ hành động ấy. Sao ông dám đòi hỏi tôi làm? Làm như thế sẽ đưa tôi đến sự đồng lõa với những tội ác lớn lao chống nhân loại của nước ông.

Ông nói rằng dự án Đài Tưởng Niệm phủ định sự tồn tại của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam . Nó chẳng làm được việc nào như thế đâu. Đối lại với các bảo tàng viện và đài tưởng niệm của nước ông, Đài Tưởng Niệm này bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những người đã trả cái giá cao nhất cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền trong nước Việt Nam Cộng Hòa cũ. Ngọn cờ của Việt Nam Cộng Hòa từ đó được công nhận như là ngọn cờ của tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền trên khắp thế giới. Các màu sắc của nó thật là tiêu biểu. Ba sọc đỏ tượng trưng cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Trong lúc màu vàng nói lên sự quý giá biết bao của những lý tưởng ấy, màu đỏ tượng trưng cho sự đổ máu để bảo vệ những lý tưởng đó. Cả trong quá khứ và cả đối với những người sẽ bảo vệ những lý tưởng ấy cho đến chết. Tôi, trước hết, hân hạnh công nhận lá cờ Tự Do và tỏ lòng vinh danh nó. Tôi cũng sẽ hân hạnh công nhận lá cờ của ông khi ông công nhận lá cờ của chúng tôi. Trước khi ấy, đối với tôi, lá cờ của ông tượng trưng cho giết hại, khủng bố, ngược đãi, tráo trở, buôn bán nô lệ và vi phạm nhân quyền.

Ông tuyên bố rằng ông đang cực kỳ nỗ lực để đẩy lùi quá khứ. Vâng, với nước của ông, hồ sơ quá khứ là sự xâm phạm tất cả các tiêu chuẩn của hành động văn minh, nên tôi hoàn toàn hiểu được mong muốn đẩy lùi quá khứ của ông. Sau hết, mục đích về sự thừa nhận của ông chỉ bị tổn thương bởi những hành động quá khứ của nước ông.

Tất cả các cư dân của tiểu bang Washington sẽ cảm thấy sung sướng hơn để mở bàn tay thân hữu và hợp tác khi nước ông có đầy đủ Tự Do, Dân Chủ và mở rộng Nhân Quyền cho tất cả người dân Việt Nam. Trước khi đó, xin hãy tránh khỏi công việc nội bộ của chúng tôi.

Dự án Đài Tưởng Niệm không phải là một lời tuyên bố của chính sách ngoại giao. Nơi mà ông lấy ra cái ý tưởng đó ngoài phạm vi của tôi. Một lần nữa, ông lại cố gắng làm mờ tối vấn đề. Những gì mà nhân dân Mỹ làm không mắc mớ gì tới ông.. Đây là một vấn đề nội bộ của tiểu bang Washington do những công dân bình thường vinh danh những người đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền, là những lý tưởng đáng nguyền rủa đối với chính phủ chuyên chính bạo ngược của ông. Đó là những lý tưởng mà lá cờ nền vàng với ba sọc đỏ đã tượng trưng.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn kỹ vào những gì mà nước ông đã làm và đang tiếp tục làm.

Cộng sản Việt Nam đã tham gia vào hành động diệt chủng. Nó đã chính thức bắt đầu suốt trong cuộc Chiến Tranh Đông Dương lần thứ hai. Chính nước ông đã tuyên chiến Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai. Theo định nghĩa lúc bấy giờ, đó là một cuộc chiến tranh. Như vậy, nước ông bị ràng buộc bởi những Quy Ước Genève về cách đối xử với Tù binh chiến tranh. Thế nhưng, như tôi đã nói trước đây, nước ông chưa đủ thành thật và tôn trọng đối với những nguyên tắc căn bản của bất cứ một hiệp định quốc tế nào mà nước ông đã ký vào.

Sự đối xử với tù binh chiến tranh của các ông đã chứng minh cho điều đó. Ngoài ra, các ông đã hành quyết ít nhất là 11 tù binh Hoa Kỳ đang bị các ông giam giữ. Đó là một tội phạm chiến tranh và diệt chủng.. Cho đến ngày nay, các ông vẫn cố tình phạm tội diệt chủng. Hãy lấy trường hợp của Lý Tống, một người Mỹ gốc Việt. Các ông đã tìm cách can thiệp vào tòa án và luật pháp của Thái-Lan và yêu cầu Thái-Lan hãy hành quyết Lý Tống.. Tội danh của ông ta là gì? Nói cho dân Việt Nam về Tự Do là một trường hợp mà các ông không thể nào tha thứ được.

Cộng sản Việt Nam đã tham gia và tiếp tục tham gia vào cuộc huynh đệ tương tàn. Việc này đã khởi đầu vào năm 1956 khi chế độ Cộng sản tại Hà Nội phát động chương trình Cải Cách Ruộng Đất. Trong lúc có thể dễ dàng trút trách nhiệm lên kẻ khích động của Cộng sản Quốc tế là Hồ Chí Minh, thì kiến trúc sư thực sự là Trường Chinh. Đã có bao nhiêu người Việt Nam chết dưới cuộc tàn sát này? 10,000? - 50,000? - 100,000? Nhiều hơn? Ngay cả chỉ có một nạn nhân của cuộc tàn sát này, cũng đã tạo nên cảnh tương tàn huynh đệ rồi. Cuộc tàn sát nhắm vào người thiểu số Việt Nam tại miền Tây Bắc Việt Nam cũng cùng một loại (với cải cách ruộng đất). Mục đích của cuộc tàn sát này là xóa sạch chủng tộc số người Việt Nam thiểu số đã giúp cho người Pháp. Tôi nhắc đến điều này là để chứng minh rằng các ông đã tiếp tục chính sách này sau khi kết thúc Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai với sự bắt đầu chính sách cưỡng bách tái định cư những người Việt Nam đã cộng tác với Việt Nam Cộng Hòa cũ tại những vùng mà các ông thản nhiên gọi là Vùng Kinh Tế Mới. Các ông tiếp tục chính sách diệt chủng hiện nay dưới dạng ngược đãi và khủng bố tôn giáo, nó cũng là một bằng chứng hiển nhiên về vi phạm nhân quyền. Bất cứ một người nào bị giết hại trong cuộc tàn sát này cũng là nạn nhân của chính sách diệt chủng và tương tàn của nước ông.

Hãy nhìn vào sự gắn bó của nước ông trong hành động buôn bán nô lệ. Nhiều lần trong cuộc Chiến Tranh Đông Dương lần thứ hai và cả sau đó, nước ông bán người Mỹ, bán đồng minh và tù binh Việt Nam qua nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Xô-Viết. Một bằng chứng, năm 1983, nước ông bán 275 người Mỹ và 27,000 tù binh Việt Nam qua Liên-xô để trừ nợ đã vay trong chiến tranh. Đây là một vi phạm quá trọng đại đối với nhân quyền và là một tội ác chống nhân loại. Đã có nhiều lần nước ông bán người Mỹ, đồng minh và tù binh Việt Nam qua Liên-Xô, nhưng mỗi một lần số lượng không nhiều lắm.

Nước ông có thể giải quyết nhiều trường hợp Tù Binh/Người Mất Tích Trong khi làm nhiệm vụ một cách dễ dàng bằng cách mở các hồ sơ quân đội và Công an của nước ông. Nhưng nước ông đã không làm chỉ vì không có lợi lộc gì trong việc giải quyết nhân đạo vấn đề tình cảm này. Nước ông tống tiền nước Mỹ cho lợi nhuận riêng và hưởng thụ. Tại sao? Bởi vì nước ông nhận thấy rằng Tổng Thống Nixon đã hứa viện trợ tái thiết cho nước ông khoảng 4 tỷ 3 đô-la. Điều này có thể xảy ra, nước ông có thể nhận được số tiền này một cách dễ dàng, nếu chịu công bố hồ sơ và danh sách tù binh của nước ông cho các gia đình và cho thế giới. Ít ra việc này cũng có thể làm giảm nhẹ một phần nào trong số tội ác của nước ông.

Rồi thì ông dám trơ tráo đòi hỏi rằng người Mỹ đừng can thiệp vào công việc nội bộ của ông và đòi vinh danh lá cờ của nước ông. Với hồ sơ của nước ông, lẽ ra ông nên vui mừng là đã không bị đưa ra xét xử bởi một Tòa án Quốc Tế về những tội ác chống nhân loại mà nước ông đã phạm.

Vậy thì, xin đừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chúng tôi trong việc vinh danh những người đã chết vì Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Xin đừng xen vào để xem làm sao chúng tôi vinh danh những công dân đã đóng góp vào sự an sinh và no ấm của Tiểu bang chúng tôi.

Terrell A. Minarcin

Concerned Citizen for Freedom, Democracy, and Human Rights for Vietnam .

Bản dịch của NGUYỄN-CHÂU

12 THÁNG ANH ĐI