30 thg 11, 2009

ĐẠI NẠN TRUNG HOA THỜI TRUNG SỬ


Trần Gia Phụng
Nov 29, 2009

Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán (Trung Hoa) tại Bạch Đằng Giang năm 938 (mậu tuất) và xưng vương năm 939 (kỷ hợi), đóng đô ở Cổ Loa (thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Từ đây, nước Việt vĩnh viễn thoát ra khỏi cảnh đô hộ của Trung Hoa, nhưng các triều đình Trung Hoa vẫn tiếp tục nhiều lần đem quân sang xâm lấn nước Việt.

Lần thứ nhất (981)

Sau cuộc đảo chánh không đổ máu lật đổ nhà Đinh (968-980), Lê Hoàn lên làm vua năm 980 (canh thìn), tiếp tục đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay). Về sau, ông thường được sử sách gọi là Lê Đại Hành.

Biết tình hình Đại Cồ Việt (quốc hiệu từ thời vua Đinh Tiên Hoàng) đang xáo trộn vì chuyện đổi ngôi, vua Trung Hoa là Tống Thái Tông (trị vì 976-997) sai sứ đem thư qua khuyến dụ và đe dọa. Lê Hoàn (trị vì 980-1005) lấy danh nghĩa con của vua Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn, xin nhà Tống (Sung, 960-1279) cho nối ngôi vua cha. Tuy nhiên triều đình nhà Tống nắm rõ tình thế nước Nam, biết Lê Hoàn đã giành ngôi của Đinh Toàn, con của Đinh Tiên Hoàng, nên sai người đem một thư khác qua nói rằng “...Họ Đinh truyền nối được ba đời [ý chỉ Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Đinh Toàn], trẫm muốn cho Đinh Toàn làm thống súy, khanh [chỉ Lê Hoàn] thì làm phó. Nếu Đinh Toàn không đáng tướng tài, hãy còn tính khí trẻ con thì nên cho ngay mẹ con và thân thuộc y sang đây...”

Lê Hoàn biết không thể tiếp tục thương lượng, nên chỉ còn con đường duy nhất là chuẩn bị lực lượng để kháng Tống. Trong khi đó, quân Tống chia làm hai đường thủy bộ tiến vào nước ta năm 981 (tân tỵ). Đường bộ do Hầu Nhân Bảo cùng Tôn Toàn Hưng tiến theo ngả Lạng Sơn, còn đường thủy do Trần Khâm Tộ và Lưu Trừng từ mặt biển tiến vào bằng đường sông Bạch Đằng.

Trên đường bộ, Hầu Nhân Bảo tiến đến Chi Lăng (Lạng Sơn), trúng phải kế trá hàng, lọt vào vùng phục kích của quân Việt, và bị bắt giết. Quân Việt phản công mạnh mẽ, quân Tống thiệt hại nặng, hai bộ tướng của Hầu Nhân Bảo là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt. Sau trận Chi Lăng, các lực lượng thủy bộ của nhà Tống đều rút lui.

Tuy chiến thắng, Lê Hoàn vẫn phải sai sứ, dưới danh nghĩa của vua Đinh Toàn, sang nhà Tống năm 982 (nhâm ngọ) xin trả lại hai tướng đã bắt được, và xin triều cống. Nhà Tống chỉ phong cho Lê Hoàn làm tiết độ sứ. Mãi đấn hơn 10 năm sau vào năm 993 (quý tỵ), Lê Hoàn mới sai sứ giả trình bày với vua Tống rằng Đinh Toàn quyết định nhường ngôi cho mình. Tống Thái Tông (trị vì 976-997) biết việc Lê Hoàn nắm quyền đã lâu, nhưng không có cách gì khác hơn, nên sai sứ sang phong Lê Hoàn làm Tĩnh Hải Quân tiết độ sứ Giao Chỉ Quận Vương.

Lần thứ hai (1076-1077)

Trong thời gian nầy nhà Tống tiếp tục cai trị Trung Hoa. Vua Tống Thần Công (trị vì 1068-1085) phong cho Vương An Thạch (Wang An Shi) làm tể tướng năm 1069. Vương An Thạch (1021-1086) muốn mưu tìm một chiến công ở ngoài biên cương để hỗ trợ chính sách cải cách ở trong nước của ông ta, chuẩn bị tấn công Đại Việt.

Tại Đại Việt, nhà Lý (1010-1225) đã khá vững vàng. Triều đình vua Lý Nhân Tông (trị vì 1072-1127) biết được tin nầy, liền quyết định ra tay trước. Tháng 11 năm ất mão (1075), triều đình cử Lý Thường Kiệt đánh Khâm Châu và Liêm Châu (thuộc Quảng Đông ngày nay); và cử Tôn Đản đánh Ung Châu (tức Nam Ninh thuộc Quảng Tây ngày nay) tháng giêng năm bính thìn (1076). Sau khi hạ thành, cả hai ông cho bắt người, lấy của rồi rút lui về Đại Việt.

Tháng chạp năm bính thìn (đầu năm 1077), Tống Thần Tông sai Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ và Triệu Tiết làm Phó chiêu thảo sứ, đem quân sang trả thù. Lý Thường Kiệt chận quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu chảy qua xã Như Nguyệt, Bắc Ninh).

Quách Quỳ chuyển quân đến sông Phú Lương (khúc sông Hồng ở Thăng Long). Lý Thường Kiệt tiếp đánh, nhưng thế giặc rất mạnh. Máy bắn đá của địch phá chiến thuyền Việt, và làm cho nhiều binh sĩ nước ta tử trận. Sợ binh sĩ nãn lòng, Lý Thường Kiệt phao tin có thần nhân báo mộng và cho bốn câu thơ (bằng chữ Nho):

"Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư "
Có người dịch là:
"Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời."

Quân lính nghe được những câu thơ nầy, đều hăng hái đánh giặc. Lực lượng nhà Tống bị chận đứng. Hai bên cầm cự với nhau bất phân thắng bại. Triều đình nhà Lý đề nghị bãi binh. Nhà Tống thấy khó thắng, đồng thời binh sĩ ở lại lâu, không hạp thủy thổ, đành chấp thuận. Như thế, cuộc xâm lăng của nhà Tống đầu năm 1077 bắt nguồn từ việc Lý Thường Kiệt cầm quân gây hấn nhà Tống một năm trước đó.

Lần thứ ba (1258)

Phía tây bắc Trung Hoa, tại Mông Cổ, đại hãn Mông Kha (Mangu, trị vì 1251-1259) cử em là Hốt Tất Liệt (Qubilai) cầm quân tấn công Trung Hoa năm 1251. Hốt Tất Liệt sai đại tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai), cầm một cánh quân đánh chiếm nước Đại Lý ở Vân Nam năm 1257. Ngột Lương Hợp Thai sai sứ sang yêu cầu Đại Việt thần phục Mông Cổ, nhưng vua Đại Việt lúc đó là Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258) không chịu.

Ngột Lương Hợp Thai liền theo đường sông Thao, tiến quân đánh nước Việt tháng 12 năm đinh tỵ (qua năm 1258). [Sông Thao là tên gọi đoạn sông Hồng từ biên giới Hoa Việt đến ngã ba sông Hồng và sông Đà.] Không chịu nổi sức tấn công vũ bão của quân Mông Cổ, Trần Thái Tông bỏ kinh đô Thăng Long rút về Hưng Yên, cách Thăng Long khoảng 60 km về phía nam. Quân Mông Cổ chiếm Thăng Long, cướp phá giết hại người Việt không kể già trẻ lớn nhỏ.

Trước thế nguy, Trần Thái Tông hỏi ý kiến của Trần Thủ Độ nên hòa hay chiến. Ông cương quyết trả lời: "Đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo." Chẳng bao lâu, quân Mông Cổ không quen thời tiết nước ta, bị bệnh tật mỏi mệt. Trần Thái Tông ra lệnh phản công, đánh đuổi quân Mông Cổ về lại Trung Hoa.

Lần thứ tư (1285)

Năm 1259, Mông Kha từ trần. Hốt Tất Liệt được hội đồng quý tộc Mông Cổ bầu lên làm đại hãn năm 1260. Hốt Tất Liệt tức Nguyên Thế Tổ (trị vì 1260-1294), đổi quốc hiệu là Nguyên (Yuan), đem quân xâm chiếm hoàn toàn nước Trung Hoa vào năm 1279.(1)

Trong khi đó, tại nước ta, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Hoảng, lên làm thái thượng hoàng năm 1258 (mậu ngọ). Trần Hoảng lên ngôi tức Trần Thánh Tông (trị vì 1258-1278). Thượng hoàng Thái Tông từ trần năm 1277 (đinh sửu). Thánh Tông lên làm thái thượng hoàng, và nhường ngôi cho thái tử Trần Khâm năm 1278 (mậu dần) tức Trần Nhân Tông (trị vì 1278-1293).

Nguyên Thế Tổ sai sứ là Sài Thung (Chai Chong) sang Đại Việt cuối năm 1278, hỏi vua Trần Nhân Tông tại sao không xin phép nhà Nguyên mà tự tiện lên ngôi? Sài Thung còn buộc nhà vua phải sang chầu hoàng đế nhà Nguyên mới được yên việc. Trần Nhân Tông tiếp sứ tử tế, nhưng cương quyết không chịu sang chầu nhà Nguyên.

Năm 1282 (nhâm ngọ), nhà Nguyên cử sứ sang nói rằng nếu vua nhà Trần không sang Trung Hoa, thì cho người đại diện sang chầu. Trần Nhân Tông cử chú họ là Trần Di Ái cầm đầu phái đoàn sang triều đình nhà Nguyên. Nguyên Thế Tổ lập tòa tuyên phủ ty, đặt quan để sang giám trị các châu huyện nước ta. Nhân Tông không nhận, trả họ về Trung Hoa. Nguyên Thế Tổ liền phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, và sai Sài Thung đem 1,000 quân, hộ tống Trần Di Ái về nước. Sài Thung đi vào bằng đường Lạng Sơn. Quân nhà Trần chận đánh; Sài Thung bị bắn mù một mắt, phải quay về nước, còn Trần Di Ái bị bắt.

Lúc đó, Nguyên Thế Tổ muốn bành trướng xuống Đông Nam Á, nhân cơ hội nầy, phong cho con là Thoát Hoan (Toyan) làm Trấn Nam Vương, lấy cớ mượn đường xuống Chiêm Thành, đem quân tấn công nước Việt tháng 12 năm giáp thân (qua năm 1285). Lần nầy quân Nguyên tấn công bằng hai đường: Thoát Hoan từ phía bắc đánh xuống, Toa Đô (Sogatu) đã qua đánh Chiêm Thành bằng đường biển từ năm 1282, nay quay ngược trở lên đánh Đại Việt.

Thoát Hoan dẫn quân qua ải Chi Lăng (Lạng Sơn), nhắm Thăng Long trực chỉ. Tướng Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương) lui về Vạn Kiếp (Hải Dương, nơi sông Lục Nam và sông Thương gặp nhau). Trần Nhân Tông cho người mời Trần Quốc Tuấn đến bảo: "Thế giặc mạnh như vậy, ta hãy chịu hàng để cứu muôn dân." Trần Quốc Tuấn trả lời: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước hãy hàng."

Quân Mông Cổ đánh hạ Vạn Kiếp, tiến chiếm Thăng Long. Trần Quốc Tuấn rước vua về phía nam, xuống Thanh Hoa (sau nầy là Thanh Hóa). Toa Đô từ Chiêm Thành đem quân tiến lên, bị Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (em vua Thánh Tông) chận đánh ở cửa Hàm Tử (Đông An, Hưng Yên). Trần Quốc Tuấn liền đề nghị nhân đà thắng lợi nầy, tung quân khôi phục kinh thành. Trần Nhân Tông sai thượng tướng Trần Quang Khải (em vua Thánh Tông, anh của Nhật Duật) cùng với Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, đem quân từ Thanh Hoa đi vòng theo đường biển, ngược sông Hồng tiến đánh quân Mông Cổ tại bến Chương Dương (khu vực Thăng Long), rồi lên bộ bao vây thành Thăng Long. Thoát Hoan thua chạy lên Kinh Bắc. Trong khi đó, Trần Quốc Tuấn đánh Toa Đô tại Tây Kết (vùng Hưng Yên ngày nay). Toa Đô bị giết, Ô Mã Nhi (Omar) bỏ trốn. Trần Quốc Tuấn tiếp tục phản công, sai hai tướng Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão phục binh đánh tan quân Thoát Hoan ở Vạn Kiếp, trước khi Thoát Hoan trốn về nước.

Lần thứ năm (1288)

Tức giận về sự thất bại vừa qua, Nguyên Thế Tổ cử Thoát Hoan một lần nữa cầm quân qua đánh phục thù vào tháng 11 năm đinh hợi (1287). Quân nhà Nguyên tiến vào nước ta bằng ba hướng: ở giữa, Thoát Hoan tiến xuống Lạng Sơn; phía tây, một cánh quân từ Vân Nam theo đường sông Hồng tràn vào, do Ái Lỗ (Aruc) chỉ huy; và phía đông do Ô Mã Nhi đi trước, vượt biển Đông tiến vào sông Bạch Đằng. Theo sau có Trương Văn Hổ tải 17 vạn thạch lương cung cấp cho quân sĩ.

Lực lượng nhà Trần vẫn do Trần Quốc Tuấn tổng chỉ huy. Thoát Hoan chiếm Vạn Kiếp, sai Ô Mã Nhi theo sông Lục Đầu đánh xuống Thăng Long. Thượng hoàng cùng vua Trần Nhân Tông phải vào Thanh Hoa lánh nạn. Quân Mông Cổ đốt phá Thăng Long rồi rút lui về Vạn Kiếp.

Ô Mã Nhi đem chiến thuyền trở ra biển đón thuyền lương của Trương Văn Hổ. Ngang qua Vân Đồn (Quảng Yên, nay là Vân Hải, Quảng Ninh), Trần Khánh Dư chận đánh, nhưng quân Việt bị thua. Gặp được thuyền lương, Ô Mã Nhi cùng Trương Văn Hổ quay trở vào đất liền. Rút kinh nghiệm vừa qua, Trần Khánh Dư để cho Ô Mã Nhi mở đường đi trước, đợi đến khi Trương Văn Hổ tải lương theo sau, Trần Khánh Dư mới đổ phục binh, cướp hết lương thực và khí giới. Trương Văn Hổ bỏ trốn về Trung Hoa.

Quân Nguyên càng ngày càng cạn lương thực. Thoát Hoan kiếm cách cầu viện triều đình nhà Nguyên, nhưng Trần Quốc Tuấn đã cho chận các đường giao thông ở Lạng Sơn. Thoát Hoan liền quyết định rút quân. Tháng 3 năm mậu tý (1288) Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi xuôi sông Bạch Đằng, ra biển về trước. Trần Quốc Tuấn theo kế Ngô Quyền trước kia, sai Nguyễn Khoái dùng cọc gỗ đẽo nhọn rồi bịt sắt và cắm giữa dòng sông. Nguyễn Khoái lừa Ô Mã Nhi đến chỗ phục binh có đóng cọc, đổ quân tấn công khi thủy triều xuống. Trần Quốc Tuấn lại tăng viện, đánh tan chiến thuyền Mông Cổ, và bắt sống Ô Mã Nhi.

Được tin nầy, Thoát Hoan liền theo đường bộ rút quân về Trung Hoa. Dọc đường quân Mông Cổ bị chận đánh một vài nơi, nhưng cuối cùng Thoát Hoan cũng thoát được. Trần Quốc Tuấn hội các tướng, dẫn quân rước vua Trần Nhân Tông và thượng hoàng Thánh Tông trở về Thăng Long.

Lần thứ sáu (1407)

Năm 1400 (canh thìn), đại thần Lê Quý Ly tức Hồ Quý Ly lật đổ vua Trần Thiếu Đế (trị vì 1398-1400), chấm dứt nhà Trần. Nhà Trần bắt đầu từ vua Thái Tông (trị vì 1225-1258) đến vua Thiếu Đế, truyền được mười hai đời, trong 175 năm.

Lê Quý Ly lên làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu từ Đại Việt thành Đại Ngu, lấy lại họ Hồ là họ của tổ tiên ông, tức Hồ Quý Ly. Làm vua được một năm, Hồ Quý Ly lên làm thái thượng hoàng, nhường ngôi lại cho con là Hồ Hán Thương (trị vì 1401-1407).

Trong khi đó, bên Trung Hoa, Minh Thái Tổ (trị vì 1368-1398) qua đời năm 1398, cháu nội lên kế vị là Minh Huệ Đế (trị vì 1399-1403). Huệ Đế làm vua chẳng được bao lâu thì bị người chú, con của Minh Thái Tổ, lật đổ và thay thế, tức Minh Thành Tổ (trị vì 1403-1424). Minh Thành Tổ là một người đầy tham vọng, còn tham vọng hơn cả Minh Thái Tổ.

Bang giao Việt Hoa càng ngày càng căng thẳng vì nhà Minh đòi hỏi nhiều điều quá đáng. Năm 1404 (giáp thân), một hoàng thân nhà Trần là Trần Khang, dùng đường bộ trốn sang kinh đô Trung Hoa, đổi tên là Trần Thiêm Bình, tự xưng là con của Trần Nghệ Tông, tố cáo Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần và tố cáo những lời trần tình của Hồ Hán Thương là dối trá.

Minh Thành Tổ sai Lý Kỳ sang nước Việt thăm dò. Lý Kỳ sang nắm tình hình, rồi về nước phúc trình cuộc đảo chánh của nhà Hồ. Hồ Hán Thương gởi biểu qua nhà Minh tạ tội, và xin đón Thiêm Bình về làm vua. Năm 1406 (bính tuất) Minh Thành Tổ sai tướng Hàn Quan, đem năm ngàn quân hộ tống Trần Thiêm Bình về nước. Trần Thiêm Bình vừa về đến biên giới, liền bị Hồ Hán Thương ra lệnh bắt giết. Hồ Hán Thương cử Trần Cung Túc cầm đầu phái bộ sang Trung Hoa biện bạch về sự giả trá của Trần Thiêm Bình. Phái bộ bị nhà Minh giữ lại không cho về.

Tháng 9 năm đó (bính tuất), Minh Thành Tổ cử Chu Năng làm đại tướng, cùng hai phó tướng là Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân sang xâm lăng nước ta. Trước khi qua biên giới, Chu Năng bị bệnh từ trần, Trương Phụ được cử lên thay. Quân Minh tiến xuống thành Đa Bang (Sơn Tây), một đồn lũy được Hồ Hán Thương cho xây năm 1405 (ất dậu), làm tiền đồn bảo vệ Thăng Long. Trương Phụ và Mộc Thạnh chia nhau hai mặt tấn công Đa Bang. Khi quân Việt dùng voi phản công, quân Minh dùng hỏa pháo bắn lại. Voi sợ lửa bỏ chạy. Thành Đa Bang thất thủ, đưa đến việc thất thủ Thăng Long.

Hồ Nguyên Trừng, con trai đầu của Hồ Quý Ly, anh của Hồ Hán Thương, đem quân chận người Minh ở sông Mộc Phàm (Mộc Hoàn, Hà Nam ngày nay), nhưng bị thua phải lui về cửa biển Muộn Hải, Nam Định. Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cùng các quan bỏ chạy vào Thanh Hóa. Quân Minh đuổi theo. Hai bên gặp nhau ở Lỗi Giang, một phân lưu của sông Mã (Thanh Hóa). Quân nhà Hồ thua nữa. Hồ Quý Ly cùng hai con chạy vào Nghệ An. Tháng 5 năm đinh hợi (1407), quân Minh bắt được Hồ Quý Ly ở cửa biển Kỳ La (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), và bắt Hồ Hán Thương ở núi Cao Vọng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cùng toàn bộ gia đình họ Hồ. Quân Minh không giết cha con Hồ Quý Ly mà chỉ giải về Trung Hoa.

Cần chú ý là khi xâm lăng nước Việt lần nầy, Minh Thành Tổ đã đưa ra cho các tướng viễn chinh ba chỉ dụ đề ngày 21-8-1406, 16-6-1407 và 24-6-1407 căn dặn và nhắc nhở các tướng Minh thi hành chính sách đồng hóa của nhà Minh và tiêu diệt toàn bộ văn hóa nước Việt. Chẳng những quân Minh vơ vét của cải, vàng ngọc, mà còn tịch thu gần như toàn bộ sách vở văn chương, học thuật, tư tưởng và cả giới trí thức cũng như nghệ nhân người Việt đem về Trung Hoa. Đây là chính sách đồng hóa của nhà Minh trên toàn cõi đế quốc của họ.(Sẽ viết trong bài tiếp.)

Lần thứ bẩy (1788)

Nguyên vào năm 1786 (bính ngọ), Nguyễn Huệ dẫn quân Tây Sơn ra bắc lần thứ nhất, đánh tan quân Trịnh, tỏ ý phù Lê. Trong khi quân Tây Sơn còn ở Bắc hà, vua Lê Hiển Tông (trị vì 1740-1786) từ trần, cháu đích tôn lên thay là Lê Chiêu Thống (trị vì 1787-1788). Khi quân Tây Sơn rút về, họ Trịnh nổi lên trở lại. Lê Chiêu Thống viết thư nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh, một cựu tướng nhà Lê, nay đã đầu quân theo Tây Sơn, đang đóng ở Nghệ An, ra Thăng Long, giúp diệt trừ họ Trịnh.

Chụp lấy thời cơ, Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi nhanh chóng quân chúa Trịnh, và trở nên chuyên quyền không khác gì họ Trịnh. Được tin nầy, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai tướng Võ Văn Nhậm cùng với Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh vào cuối năm 1787 (đinh mùi). Hữu Chỉnh bị bắt giết, vua Lê Chiêu Thống bỏ trốn. Võ Văn Nhậm đặt Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận, chú của Chiêu Thống và là anh của bà Ngọc Hân (vợ Nguyễn Huệ), lên làm giám quốc, đứng đầu triều đình nhà Lê.

Vua Chiêu Thống trốn lẩn quẩn ở vùng Lạng Giang. Mẹ của vua Chiêu Thống (hoàng thái hậu) bồng con của nhà vua chạy sang Long Châu (Trung Hoa) cầu cứu nhà Thanh (1644-1911). Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị trình lên vua Thanh Cao Tông tức Càn Long (Ch'ien-lung / Qianlong, trị vì 1736-1795) rằng đây là cơ hội thuận tiện, mượn cớ giúp Lê Chiêu Thống để xâm chiếm "An Nam". Vua Càn Long, liền ra lệnh cho Sĩ Nghị động binh bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam tiến đánh Đại Việt tháng 10 năm mậu thân (1788). Tôn Sĩ Nghị chia quân làm ba đạo, vào nước ta bằng các đường Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn.
Trước sức tiến quân ồ ạt của Tôn Sĩ Nghị, Ngô Văn Sở theo kế hoạch của Ngô Thời Nhậm, một mặt cho người đưa thư đến Tôn Sĩ Nghị xin hoãn binh, vừa để kéo dài thời gian, vừa để nhử địch, một mặt khác bỏ ngỏ Thăng Long, rút quân về Tam Điệp ở Ninh Bình, bảo toàn lực lượng, chờ viện binh của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

Tôn Sĩ Nghị tiến quân đến Kinh Bắc (Bắc Ninh). Vua Chiêu Thống ra đón tiếp và cùng Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long ngày 20-11-mậu thân (17-12-1788). Hai ngày sau, 22-11 (19-12), Tôn Sĩ Nghị làm lễ tấn phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc vương.

Được tin nầy, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân ngày 25-11-mậu thân (22-12-1788), lấy hiệu là Quang Trung (trị vì 1788-1792), rồi tự mình đem quân tiến ra Bắc, nhanh chóng đánh đuổi tan tác quân viễn chinh nhà Thanh, tạo nên chiến thắng Đống Đa lịch sử (mồng 5 tháng giêng năm kỷ dậu, 1789), giải phóng Thăng Long và giữ vững bờ cõi nước ta.

Kết luận

Như thế, từ năm 939 (Ngô Quyền xưng vương) cho đến năm 1788 (Quang Trung xưng vương), trong vòng 850 năm, các triều đình Trung Hoa đã gởi quân xâm lăng nước Việt chúng ta tất cả bảy lần. Chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

1) Khi nào nước Việt có sự thay đổi triều đại, hay tranh chấp quyền lực nội bộ, hay nước Việt suy yếu, các vua Trung Hoa liền lợi dụng thời cơ để xâm lăng, nhất là khi con cháu của các triều đại bị truất phế chạy qua Trung Hoa cầu cứu.

2) Dù lúc tấn công nước Việt, lực lượng Trung Hoa rất mạnh, như dưới thời nhà Nguyên (Mông Cổ), nhà Minh, hay nhà Thanh, dù người Việt lúc đầu thất bại và phải rút lui, nhưng tổ tiên chúng ta luôn luôn cương quyết đánh đuổi xâm lăng Trung Hoa, dù phải kháng chiến gian khổ để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ tổ quốc.

3) Trong sáu lần Trung Hoa tấn công nước ta, lần đầu tiên do triều đình Trung Hoa muốn trả đũa việc Lý Thường Kiệt đem quân tấn công Trung Hoa trước. Từ kinh nghiệm nầy, sau đời nhà Lý, các triều đại từ nhà Trần trở đi, tuy cương quyết duy trì chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc, nhưng không khiêu khích, để tránh bị bắc phương trả đũa. Chỉ khi nào bắc phương xâm lăng, thì Đại Việt chống trả. Đặc biệt là sau khi đánh đuổi quân Trung Hoa về nước, Đại Việt vẫn gởi sứ thần sang Trung Hoa ngoại giao, mà ngày xưa gọi là triều cống, để tránh tái diễn chiến tranh.

4) Những kinh nghiệm chống quân xâm lược Trung Quốc đã được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trước khi từ trần năm 1300, tóm lược với vua Trần Anh Tông: "Đại khái quân giặc cậy vào trường trận, quân ta cậy vào đoản binh, đem đoản binh đánh lại trường trận, là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải xét: nếu thấy quân giặc tràn sang như gió, như lửa, thì thế giặc có thể dễ chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần, như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay, thì mình phải dùng tướng giỏi, phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà chế biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha với con một nhà, mới có thể dùng để chiến thắng được. Vả lại bớt dùng sức dân để làm cái kế thâm căn cố đế, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn." (2)

Theo Trần Hưng Đạo, Trung Hoa xâm lăng nước ta bằng hai cách: Thứ nhất, quân Trung Hoa “tràn sang như gió, như lửa”. Thứ hai, quân Trung Hoa “chiếm cứ dần, như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay”.

Trong hai cách nầy, cũng theo Trần Hưng Đạo, cách thứ nhất, tức quân Trung Hoa sang đánh nước ta như vũ bão, thì “có thể dễ chống cự được”. Ngược lại, nếu Trung Hoa tiến quân từ từ vào nước ta, theo kiểu tằm ăn dâu, chúng ta sẽ khó chống đỡ hơn. Trong trường hợp đó, theo Trần Hưng Đạo, muốn chiến thắng địch thủ thì chúng ta phải tạo nội lực quốc gia bằng cách xây dựng tình đoàn kết dân tộc (như cha với con một nhà), và nuôi dưỡng sức dân (bớt dùng sức dân) để làm kế lâu dài mà giữ nước. Tuy nhiên, muốn tạo sự đoàn kết toàn dân và muốn nuôi dưỡng sức dân, thì người dân phải được hưởng tự do, được công bình trước pháp luật, mới cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ đất nước, hăng hái bảo vệ độc lập dân tộc.

Vào giữa thế kỷ 20, Hồ Chí Minh qua Trung Hoa cầu cứu Mao Trạch Đông, để đánh thực dân Pháp. Thực dân Pháp là dân da trắng, tuy khai thác và bóc lột nhưng không ở lại sinh sống tại Việt Nam. Nhờ Trung Cộng đánh Pháp không khác gì nhờ kẻ cướp đuổi kẻ trộm. Kẻ trộm bỏ chạy thì tên ăn cướp vào chiếm nhà. Năm 1939, khi còn ở Trung Hoa, Hồ Chí Minh đã từng đọc tài liệu của đảng CSTH, theo đó Mao Trạch Đông viết rằng Việt Nam là một nước phụ thuộc Trung Hoa.(3) Mời Trung Cộng qua Việt Nam, chính là Hồ Chí Minh đã rước voi giày mả tổ.

Tập đoàn lãnh đạo cộng sản Trung Hoa (CSTH) chủ trương bành trướng, còn hơn cả các triều đình quân chủ Trung Hoa ngày xưa: thôn tính Tây Tạng, xâm lăng Tân Cương, đánh chiếm hải đảo… Năm 1979, CSTH mở cuộc tấn công đại quy mô, dạy cho CSVN một bài học, nhưng gặp phản ứng không thuận lợi. Rút kinh nghiệm từ đó, hiện nay CSTH quay qua thực hiện kế hoạch “tằm ăn dâu”. Dần dần CSTH chiếm đất phía bắc Việt Nam (ải Nam Quan), chiếm biển phía đông Việt Nam (Vịnh Bắc Việt), lấn núi phía tây Việt Nam (Trường Sơn), nghĩa là bao vây Việt Nam ba mặt bắc và đông, tây. Cộng sản Trung Hoa thực hiện được kế hoạch tằm ăn dâu phần lớn là do sự nội ứng tiếp tay của CSVN. Chuyện biên giới, chuyện biển cả, chuyện Trường Sơn, có thể thương thuyết cả ngàn năm mây bay cũng chưa xong, chuyện gì CSVN vội vã ký hiệp ước nhượng đất, nhượng biển, rồi nhượng luôn cả quyền khai thác Trường Sơn cho CSTH?

Tình trạng nầy thật nguy hiểm cho tương lai Việt Nam. Hy vọng những kinh nghiệm lịch sử của người xưa, nhất là những lời Đức Trần Hưng Đạo đã dặn dò vua Trần Anh Tông năm 1300, có thể còn hữu ích cho người Việt, nhằm tìm cách phòng bị và chống lại mối đe dọa thường trực từ Bắc phương.

Chú thích

1. Khi Hốt Tất Liệt xâm lăng Trung Hoa, đặt Trung Hoa dưới ách thống trị của Mông Cổ năm 1279 nghĩa là mặc nhiên sáp nhập Mông Cổ vào Trung Hoa. Năm 1368, Chu Nguyên Chương lật đổ nhà Nguyên (Mông Cổ), lên làm vua, tức Minh Thái Tổ (trị vì 1368-1398), lập ra nhà Minh. Nhà Minh cai trị luôn Mông Cổ. Trường hợp nầy cũng xảy ra với nhà Thanh ở Mãn Châu. Cuối đời Minh, Lý Tự Thành nổi lên ở Thiểm Tây, tự xưng vương năm 1643. Năm sau (1644), Lý Tự Thành kéo quân chiếm Bắc Kinh, vua Minh Hoài Tông (trị vì 1628-1644) tự tử. Tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế thông đồng với người Mãn Thanh (nhà Thanh) ở phía bắc, để dẹp Lý Tự Thành. Lý Tự Thành thua chạy, vua Thanh vào Bắc Kinh làm lễ đăng quang tức Thanh Thế Tổ, niên hiệu Thuận Trị (trị vì 1644-1661). Từ đó, nhà Thanh làm chủ Trung Hoa, Mãn Châu tự động sáp nhập vào Trung Hoa. Khi nhà Thanh sụp đổ sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, đất Mãn Châu cũng bị xem là thuộc Trung Hoa.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, (Chữ Nho), Hà Nội: bản dịch của Nxb. Giáo Dục, 1998, tập 1, tt. 558-559.
3. Nxb. Sự Thật, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua [tài liệu của đảng Cộng Sản Việt Nam, không đề tên tác giả], Hà Nội: 1979, tr. 16.


Thảo Khấu

Nguyễn Bắc Sơn

Buổi sáng xuất quân về hướng Bắc
Âm thầm sương sớm tóan quân ma
Qua cầu sông Lũy nhìn quanh quất
Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà

Nước reo bèo dạt mặt trời lên
Khói núi lời ca chú dế mèn
Có gió cao che đầu chiến sĩ ...
Thanh cầu gõ súng nhạc leng keng

Vì sao ta tới đây hò hét
Học trò bẻ bút tập mang gươm
Tập uống máu người thay nước uống
Múa may theo lịch sử điên cuồng

Vì sao ngươi đến đây làm giặc
Đóng trò tráng sĩ lọan Xuân Thu
Giận đời ghê những bàn tay bẩn
Đưa đẩy ngươi trong cát bụi mù

Buổi chiều uống nước dòng Ma Hý
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình

Đốt lửa đồi cao không thấy ấm
Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga
Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt
Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà

Nguyễn Bắc Sơn

Trí tuệ Việt Nam

Nguyễn Cường

“…Sau cùng và trên hết tất cả vẫn là những chứng nghiệm cuả lịch sử loài người: Sẽ không bao giờ có một xã hội thật sự Dân Chủ, Văn Minh và Giàu Mạnh, nếu như có một số nhiều (30-50%) công dân cuả xã hội đó vẫn còn bị đói, thiếu ăn hay suy dinh dưỡng trầm trọng…”

Trong khoảng thời gian chừng 10 năm trở lại đây, khi so sánh những con số thống kê về khoa học và giáo dục, Việt Nam vẫn kém hơn nhiều nước láng giềng trong khối ASEAN. Đó là lý do báo chí trong nước bắt đầu tổ chức thi đua “Trí tuệ Việt Nam” hàng năm, với phong trào khuyến học xuất hiện ở hầu hết các điạ phương. Đi xa hơn, còn thấy xuất hiện những đề tài kích động đến tự ái dân tộc cũng được cho lên diễn đàn mạng cuả các báo điện tử, để cùng độc giả thảo luận công khai, như là: “Nước Việt lớn hay nhỏ?”; “Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế tại VN”, v.v.

Thực tế cho thấy, nói đến “Trí tuệ” hay “Thông minh” là đề tài rất nhạy cảm và tế nhị, không chỉ dành riêng cho một dân tộc nào trên thế giới. Hầu như theo tâm lý chung, đa số đều không muốn tự nhìn nhận mình là dân tộc kém thông minh. Đồng thời, cũng không thấy có danh nhân nào dám tuyên bố công khai là dân tộc mình rất thông minh, nếu không muốn bị coi là lố bịch! Nhưng đối với dân Việt nói chung, thì quả thật là có một ngoại lệ khó hiểu. Hầu như đa số các học giả người Việt, trong cũng như ngoài nước, đã từng viết hay phát biểu là: “Dân Việt mình vốn thông minh và hiếu học!” Không biết câu nói vừa rồi có phải là hậu quả cuả một ám ảnh thường xuyên được gọi là Tự-Kỷ Ám-Thị ? Nếu không thì dựa trên cơ sở hay bằng chứng nào để nói như vậy?

Theo suy luận thông thường về khoa phân tâm học, một khi tiềm thức bên trong của con người bị ám ảnh thường xuyên và tiêu cực về một vấn đề gì, thì có thể phản ứng cho ra bên ngoài sẽ trở thành tích cực hơn. Thắc mắc chính đưa ra đây là: Có thật sự dân Việt thông minh và hiếu học, hay chỉ là một câu nói lập lại quen thuộc để thoả mãn tự ái dân tộc và làm vui lòng đám đông? Trả lời bằng cách nào đi nữa thì sự thật cũng không dễ gì chối bỏ được, và các nhà nghiên cưú thường dùng cách gián tiếp khác để nói lên sự “khôn ngoan” hay “tiến bộ” cuả một xã hội tập thể con người, bằng cách đo lường mức thịnh vượng hay năng lực sản xuất cộng chung lại cuả xã hội đó.

Cụ thể tiêu biểu chính là con số GNP (Gross National Product) hay tổng sản lượng hàng năm cuả một quốc gia. Dĩ nhiên, không ai có thể nói GNP là chỉ số thông minh trực tiếp cuả một dân tộc, nhưng cũng không có ai có thể phủ nhận con số GNP là chỉ dấu cho thấy sự giàu sang và thịnh vượng cuả một quốc gia, và quan trọng hơn hết, còn phản ánh một cách gián tiếp đến trí tuệ cuả cả một dân tộc. Bài viết này chỉ có ý định tìm hiểu vấn đề trí tuệ cuả tập thể dân Việt nói chung, không chú trọng đến một thiểu số rất ít những người Việt ngoại hạng với sự thông minh xuất chúng. Nhưng con số vài chục hay vài trăm đó chắc chắn sẽ không đủ để bù đắp vào sự thiếu hụt tài nguyên chất xám cuả cả tập thể hơn 86 triệu dân Việt.

Dân Việt có thông minh không?

Ai cũng có thể hiểu là bất cứ dân tộc nào trên thế giới, nếu đã lập quốc được và tồn tại qua cả ngàn năm lịch sử đến ngày hôm nay, thì chắc chắn họ phải là những dân tộc có một sự thông minh tối thiểu nào đó. Như vậy thì câu hỏi trên chỉ có thể đặt lại cho đúng vào trọng tâm cuả vấn đề: Dân Việt thông minh ít hay nhiều nếu so sánh với các dân tộc khác đang hiện hữu trên thế giới này?

Có hai tiêu chuẩn chính sau đây để làm cơ sở so sánh. Về vật chất là khả năng sản xuất và làm ra được nhiều cuả cải tài sản cho quốc gia, giúp nâng cao đời sống với nhiều tiện nghi vật chất cho người dân trong nước, hay nói cách khác là làm cho đời sống nhân dân thêm sung túc và đất nước giàu mạnh hơn. Tiêu biểu để so sánh phần vật chất nói trên, thì không có gì rõ rệt hơn là dùng những dữ kiện GNP được phổ biến rộng rãi hàng năm rất là khách quan và khoa học. Tuy cách tính về GNP cuả Liên Hiệp Quốc không hoàn toàn chính xác nhưng cũng phản ánh được phần nào khả năng sản xuất, bao gồm cả lao động chân tay cũng như trí tuệ cuả một quốc gia.

Cho đến thời điểm 2009 này, Việt Nam luôn bị nằm trong nhóm 60 quốc gia có GNP thấp nhất trên thế giới. Nói đúng hơn là lợi tức trung bình hàng năm cuả dân Việt thuộc vào phần ba các nước thấp nhất trong tổng số hơn 180 quốc gia, kể cả những tiểu quốc về lãnh thổ hay các thuộc điạ tự trị có dân số không quá nửa triệu dân.

Về tinh thần, một trong những thước đo khá chính xác nhất cuả sự thông minh là khả năng sáng tạo phát minh ra điều gì mới lạ về khoa học hay kỹ thuật có ích lợi cho xã hội loài người. Tiêu biểu nhất cho yếu tố trên chính là con số bằng sáng chế (Patent) sở hữu về trí tuệ, được tổ chức quốc tế công nhận và cấp cho bất cứ ai trên thế giới có sáng kiến phát minh ra sản phẩm mới và được công nhận. Cũng theo thống kê trong các năm vừa qua, cả Việt Nam với hơn 86 triệu dân chỉ sở hữu được vài bằng sáng chế, và có năm chẳng có cái nào, so với trung bình là vài chục hay vài trăm bằng sáng chế ở các nước láng giềng xung quanh, hay vài ngàn tại các nước tiên tiến như Nhật, Anh, Mỹ v.v. có được.

Ngay trên bình diện văn chương hay nghệ thuật cũng vậy, VN vẫn chưa có được một nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ hay triết gia nào đưa ra được một học thuật mới hay tư tưởng lớn, xứng đáng tầm vóc quốc tế. Ngay cả trong văn chương, với hàng trăm nhà văn trong nước mới chỉ có được 1 hay 2 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, nhưng vì nhờ nội dung mang tính phản kháng và chống đối. Ở nước ngoài, với thị trường văn chương tự do chọn lựa còn yếu kém hơn rất nhiều. Hầu như chưa có tác phẩm văn chương nào cuả các tác giả người Việt được chọn để trao tặng những giải thưởng quốc tế.

Còn có chỉ dấu nào khác, chính xác và đúng hơn, để làm thước đo trí tuệ cuả một dân tộc?

Dân Việt có hiếu học không?

Câu trả lời thành thật và ngay thẳng là đa số dân Việt chỉ có cố gắng hết sức mình, học để thi đậu và lấy được bằng cấp cho có danh vọng và đủ để làm giàu hay kiếm ăn thôi. Ngoài ra nói chung, dân Việt ít có tinh thần hiếu học hay tự nguyện học hỏi để mở mang kiến thức. Thử lấy một thí dụ cụ thể nhiều người có thể biết và kiểm chứng được về nhu cầu đọc sách cuả dân Việt. Theo nhận xét thông tin cuả một trí thức ở VN có quan hệ với Hội Nhà Văn cho biết, một đầu sách xuất bản ở VN cho dù tác giả khá nổi tiếng và có sách bán chạy nhất nước, thì nhà xuất bản cũng chỉ dám cho in ra nhiều lắm chừng khoảng 1000 cuốn (trừ các loại sách truyên truyền theo thời sự hay chính trị v.v.). Như vậy tính ra trung bình trong hơn 86 ngàn dân mới có một người bỏ tiền mua một cuốn sách hay để đọc và mở mang kiến thức!

Chưa hết, có dịp đi dạo chơi trong các thành phố lớn ở VN, nếu du khách muốn kiếm mua một tờ báo để đọc không phải là chuyện dễ dàng. Trong các nét du lịch hay các bản đồ thành phố hướng dẫn du khách ở VN, hình như không có chỗ dành cho các thư viện trừ tại vài thành phố lớn (!?). Thử để ý xem trong các toa xe lửa hạng sang, các chuyến bay dài xuyên đại dương, các bờ biển hay các chỗ công cộng giải trí, rất hiếm khi thấy các du khách người Việt đọc sách báo mà chỉ thấy ăn và ngủ hay không làm gì cả, kể cả nếu có đánh cờ hay chơi thể thao! Dường như đa số người Việt không coi chuyện đọc sách báo là một thú giải trí về tinh thần! Còn nhớ cách đây không lâu, có vị hội viên nào đó phê bình rằng Hội Nhà Văn cuả cả nước VN với hơn 80 triệu dân chỉ có khoảng chừng một ngàn hội viên, mà trong đó hơn quá nửa là nhà thơ! Con số thi sĩ VN ở hải ngoại có lẽ còn cao hơn nhiều.

Vì nghèo không có tiền mua sách báo để đọc? Câu trả lời có thể chấp nhận được nếu ở trong nước, nhưng không thể dùng cho Việt kiều đang sống tại hải ngoại. Thử xem lấy vùng Nam California, thủ đô cuả dân Việt hải ngoại làm thí dụ. Ngay tại trung tâm cuả dân Mỹ gốc Việt vùng Santa Ana-Garden Grove-Westminster, còn gọi là Sàigòn Nhỏ, có hơn cả trăm ngàn người Việt đang sinh sống với khoảng chừng hơn 80 ngàn thông thạo tiếng Việt, nhưng có không quá 3 tiệm sách và chỉ có 2 là đúng theo tiêu chuẩn cuả một “Nhà Sách”! Trong khi đó ở New York với vài chục ngàn Việt kiều, may ra lắm mới tìm thấy một tiệm sách ở phố Tàu, nhưng chủ yếu vẫn là bán những loại sách dạy học tiếng Anh, hay các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp cũ được in lại cuả tác giả Kim Dung!

Ngay cả nếu dùng những con số thống kê quốc gia cuả nước Mỹ, chính xác và đáng tin cậy hơn, người Việt ở hải ngoại hiện có khoảng 300 ngàn chuyên gia khoa học và kỹ thuật (kể cả tính luôn trình độ trung cấp) trong tổng số hơn một triệu rưỡi, thì cũng chỉ có gần 20%. Một con số khá thấp so với tất cả người Mỹ bản xứ nói chung (24%) hay các sắc dân khác (hơn 40%), như người Mỹ gốc Ấn, gốc Phi hay Indonesia v.v. Lợi tức trung bình hàng năm của Người Mỹ gốc Việt vẫn thấp nhất nếu so với các sắc dân thiểu số khác (ngoại trừ hai sắc dân Lào và Campuchia).

Nhưng điều quan trọng trên hết và chung cho tất cả những gì vừa nói, chính là một báo động cực kỳ khẩn trương cho những nhà lãnh đạo giáo dục và trí thức VN. Đã có những dấu hiệu cho thấy rõ, trí tuệ cuả dân Việt đang bị “tụt hậu” dần, nếu so với các nước láng giềng bên cạnh! Cụ thể cách đây vài năm, nếu đem so sánh mức độ thay đổi GNP cuả các nước láng giềng và các nước trong khối ASEAN với nhau, cho thấy VN có mức độ thay đổi GNP chậm nhất sau 16 năm “đổi mới” và phát triển ổn định. Đó là vào năm 2002.

Nhưng vừa mới đây sau khi coi lại bảng so sánh nói trên cho năm 2008, có hai dữ kiện không khỏi làm cho người Viết phải kinh ngạc và bàng hoàng:

1) Mặc dù GNP cuả Việt Nam có gia tăng đáng kể trong vòng 6 năm qua, VN vẫn có mức độ thay đổi GNP chậm so với đa số các nước còn lại.

2) Ngay cả hai nước láng giềng có cùng chung hoàn cảnh lịch sử chiến tranh và khó khân kinh tế, Campuchia và Lào, cũng tiến nhanh hơn và gần bắt kịp GNP cuả VN! Cụ thể từ một quốc gia nghèo có GNP chỉ bằng hơn một nửa của VN vào năm 1986, Lào và Campuchia đã có thể mang GNP tiến tới gần bằng 80% của VN trong 2008. Bình thường đúng ra thì VN phải đạt tới mức 80% này nếu so với Phi Luật Tân hay chừng 50% cuả Thái Lan, như Trung Quốc đang tiến tới gần bằng! Đã có một cái gì đó không được bình thường cho VN (!?).

Chẳng có ai ngạc nhiên khi nghe cựu lãnh tụ Singapore đã kiêu hãnh tuyên bố là VN phải mất gần cả trăm năm nữa thì may ra mới đuổi kịp Singapore! Bởi vì sau hơn 20 năm đổi mới và gia nhập sân chơi bình đẳng trên thế giới, khoảng cách biệt giữa GNP cuả VN ngày càng bị bỏ xa bởi các nước láng giềng đã thành rồng! Không còn một chút hoài nghi nào nữa, ngay cả đa số các nhà giáo dục, học giả hay trí thức trong nước cũng đều có chung một kết luận là nền giáo dục cuả Việt Nam đang bị bế tắc và tụt hậu rất trầm trọng nếu so với các nước trong khối ASEAN.

Từ đó có thể dự đoán một cách tương đối chắc chắn là trí tuệ hay chất xám cuả Dân Việt đang thật sự phát triển chậm so với các dân tộc khác trên thế giới. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục như hiện nay và nếu không có những biện pháp có tính đột phá để làm tăng tốc lên trở lại, thì trong vòng tối đa là 3,4 thế hệ nữa, Việt Nam sẽ khó giữ được chủ quyền quốc gia và chắc chắn sẽ bị “xâu xé” chia ra thành nhiều vùng ảnh hưởng, một cách gián tiếp mất luôn chủ quyền chính trị vào tay các khu vực quyền lực tương lai cuả Châu Á.

Quốc gia

GNP năm 1986

GNP năm 2002

GNP năm 2008

Tỉ suất thay đổi
Singapore 6000 24000 38900 643%
Nam Hàn 2180 9400 19500 894%
Malaysia 1700 3640 8149 479%
Indonesia 560 680 2246 401%
Philippines 598 1040 1866 312%
Campuchia 113 370 818 723%
Laos 90 310 840 933%
Trung Quốc 258 890 3315 926%
Thái Lan 770 1970 4115 535%
Việt Nam 180 410 1040 577%
Nguồn: UNDP: 2002-2008

Nếu dự đoán trên có xảy ra đúng thì cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên, vì thật ra chỉ là một sự tái diễn cuả lịch sử. Trong vòng hơn hai ngàn năm qua trên mảnh đất hình chữ S Việt Nam hiện nay, đã có ít nhất 5 vương quốc bị mất nước và chủng tộc cuả họ cũng gần như suýt bị diệt vong luôn. Đó là Vương quốc Âu Lạc thuộc chủng tộc Việt-Mường; Vương quốc Cửu Chân-Nhật Nam với các sắc dân thiểu số Thượng Lào còn sót lại trên Cao Nguyên Trung Phần; Vương quốc Chăm pa với các sắc dân Chàm; Vương quốc Phù Nam thuộc sắc dân Miên, và Vương quốc An Nam thuộc miền Nam Việt Nam cũ!

Giải pháp tối ưu

Thay vì giải thích những lý do nào đã đưa Việt Nam vào con đường “tụt hậu”, người viết muốn đi thẳng vào vấn đề những giải pháp tối ưu, vì tự nó cũng phản ánh những nguyên nhân chính một cách gián tiếp. Tất cả chỉ quy về hai tác động duy nhất là xây dựng bộ nhớ thuộc phần vật chất trong não bộ và phát triển trí tuệ theo dòng chính cuả văn minh loài người.
Vật chất (Hardware)

Vấn nạn đầu tiên là dân Việt chịu ảnh hưởng nền văn hoá Đông Phương, quá chú trọng nhiều về tâm linh hơn là vật chất, dễ đưa đến những hiểu nhầm tai hại về sự liên hệ giữa trí tuệ và vấn đề ăn uống hay khoa dinh dưỡng! Cụ thể là chỉ trong văn hoá Việt mới có những câu khinh rẻ và coi thường chuyện ăn uống, như: “Miếng ăn là miếng tồi tàn...!”. Hay “Ăn để sống, không phải sống để ăn”! v.v. Đúng là ăn để sống, nhưng muốn có đời sống tốt đẹp như thế nào thì lại tuỳ thuộc rất nhiều vào cái ăn! Hậu quả tâm lý là đa số bị nhập tâm coi nhẹ chuyện ăn uống, không chú trọng nhiều về khoa dinh dưỡng, nhất là không hiểu rằng có ít nhất 50% cuả việc ăn uống đóng góp vào sự phát triển trí tuệ cuả con người nói chung. Dù nguyên nhân chính vẫn là do bị “nghèo và đói” quá lâu, chuyện ăn cho no còn chưa có được, nói gì đến kén chọn thức ăn nhiều chất dinh dưỡng!

Nếu coi bộ máy vi-tính giống tương tự như não bộ con người, thì những gì vừa trình bày là phần “hardware” hay “con chíp”, thành phần trọng yếu số 1 cuả máy tính. Không có “con chíp” thì cũng không có máy vi tính và không có tất cả! Tương tự như trên, nếu không có một thế hệ dân Việt có đầy đủ một số lượng tối thiểu các tế bào bộ nhớ, gần bằng hay nhiều hơn các giống dân khác, thì chắc mãi mãi ViệtNam sẽ không có một hy vọng nào vươn lên thành rồâng hay cọp cuả Á châu. Điều nghịch lý là nếu ai có dịp đọc hàng ngàn bài viết cuả hàng trăm học giả người Việt, trong cũng như ngoài nước về chủ đề tương lai cuả dân Việt, thì hình như cũng chỉ thấy nói nhiều về “Software (Phần mềm)”, các chủ đề về “Caỉ cách giáo dục” hay chấn hưng và thay đổi văn hoá, nhưng chưa hề thấy có bài viết nào nghiên cứu một cách nghiêm túc và sâu rộng về khoa dinh dưỡng nói chung dành riêng cho dân Việt!

Giải pháp tối ưu cho hai vấn nạn trên chỉ có thể thực hiện bởi nhà nước. Bằng các phương tiện truyền thông và bộ máy tuyên truyền, nhà nước cần phải động viên giúp đỡ người dân cũng như huấn luyện các chuyên gia về khoa dinh dưỡng. Đây chỉ là giải pháp nhằm vào khoảng 10% dân Việt có được may mắn ăn no mặc đủ và có đầy đủ phương tiện tài chánh. Trường hợp muốn đi xa hơn nữa cho toàn dân là phải có một ngân sách dành riêng hàng năm để hỗ trợ cho các chương trình trọng điểm. Bằng cách bổ sung thêm một vài sinh tố và khoáng chất cần thiết trong các loại thực phẩm cơ bản như gạo, mắm hay muối, đặc biệt nhất là các loại thức ăn nhẹ đóng trong bao bì hay thực phẩm dành riêng cho trẻ em. Không có gì khó làm hay khác thường, nếu trong các thùng muối ăn hàng ngày cuả dân Việt, đặc biệt có được bổ sung thêm một số lượng nhỏ các khoáng chất cần thiết như I-ốt, Vôi (calcium) hay Ma-nhê (magnesium), v.v.

Trên hết và quan trọng nhất là phải có một chiến lược quốc gia hàng đầu dành cho khoảng 10% dân số nói trên. Một nhà nước của dân đúng nghĩa thì cần phải cấp tốc đưa ra những khuyến cáo về thực phẩm dinh dưỡng, những sinh tố và khoáng chất cần thiết để phát triển về não bộ dành riêng cho người dân ở mỗi địa phương, đến từng đơn vị điạ lý nhỏ nhất là quận huyện. Thí dụ cụ thể là đa số dân các vùng miền Trung Nam, nhất là từ Bình Định vào tới Bình Thuận, thường bị thiếu nhiều các khoáng chất sắt và vôi (?). Lý do là vì đa số các con sông hay nguồn nước phát xuất rất gần từ dãy Trường Sơn, không chảy qua các vùng đất có quặng sắt hay vôi. Thêm vào, rặng núi quá cổ về niên đại cách đây trên cả triệu năm, nên các khoáng chất trên lớp đất bề mặt không còn nhiều sau hàng mấy trăm ngàn năm bị mưa gió bào mòn và cuốn trôi phần lớn các khoáng chất màu mỡ theo ra biển.

Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao các dân tộc miền núi trên cao nguyên thường kém trí nhớ hơn các dân tộc sống ở vùng đồng bằng. Do vì trên cao nguyên chỉ có thể dùng nguồn nước mưa nên cơ thể thiếu quá nhiều khoáng chất, khác với nước sông suối hay ao hồ ở đồng bằng mang nhiều phù sa nhờ đã chảy qua hàng trăm ngàn cây số đất đai mầu mỡ.

Cũng do bởi thiếu quá nhiều khoáng chất sắt trong máu, nên não bộ cuả phần đông trẻ em thuộc các vùng miền cao nguyên Trung Nam bộ nói trên bị chậm phát triển, và dĩ nhiên là không thích học nhiều hay dễ bị chán học, vì không có đủ trí nhớ tốt cho chuyện học hành. Chưa nói đến ngay cả nếu người lớn thiếu khoáng chất sắt lâu dài, cũng dễ đưa đến tình trạng mất trí nhớ hay bệnh lẫn trí. Nhẹ nhất là lười tư duy và thiếu khả năng sáng tạo.

Minh chứn gcụ thể là đa số các cư dân miền Bắc, thiếu ít hay không bị thiếu các khoáng chất sắt, nhờ phù sa cuả con sông Hồng thường xuyên chảy qua vùng chứa mỏ quặng sắt, nên dòng sông thường có mầu hồng đỏ. Nói vậy không phải là dân sống ở các vùng đó không bị thiếu các khoáng chất cần thiết khác. Tuỳ theo kết cấu điạ hình và văn hoá ẩm thực mà mức độ thừa thiếu cuả các loại khoáng chất tại mổi điạ phương có thể được áp dụng nhiều hay ít.

Tóm lại, ngay từ thời lịch sử xa xưa, chất xám hay tế bào bộ nhớ cuả con người đã phát triển tuỳ thuộc rất nhiều vào vấn đề ăn và uống. Ăn để hấp thụ nhiệt lượng và chất sinh tố (Vitamin), còn uống là để hấp thu các khoáng chất thiên nhiên, như cát với xi măng, phải có đủ cả hai mới xây dựng nên căn nhà cuả tri thức.

Tinh thần (Software)

Sau cùng, dù vấn nạn về phần “Vật chất” (hardware) vẫn là trở ngại lớn nhất do bởi đa số xem thường, không chịu tìm hiểu hoặc không có đủ kiến thức và trình độ để khai thác. Tuy nhiên, một khi đã hiểu rõ hay nhận thức được vấn đề rồi thì lại rất dễ dàng khắc phục, do kết quả hiển nhiên dựa trên thực tế kiểm chứng được bởi các phương pháp khoa học thực nghiệm. Ngược lại, về phần “Tinh thần” (Software) dù có mang đến sự tốt đẹp hay không, cũng là do phần lớn những thay đổi tư duy về giáo dục, rất khó thấy được kết quả liền mà phải cần một thời gian ít nhất là 1 hay 2 thế hệ. Chính vì vậy nên khó thực hiện và luôn gặp phải sự chống đối quyết liệt cuả các nhóm bảo thủ về giáo dục, không muốn thay đổi thói quen của tư duy hay những gì đang thụ hưởng. Một lần nữa, cần phải có sự quyết tâm thay đổi cuả những nhà lãnh đạo về giáo dục!

Muốn nói đến phần trí tuệ thì phải nghĩ đến hai kết quả mong muốn là kiến thức hiểu biết và tư duy sáng tạo. Có thể ví kiến thức hiểu biết giống như hạt ngọc trai được tích luỹ và kết tinh sau quá trình làm việc miệt mài với thời gian, nhất là không phải con Sò nào trong thiên nhiên cũng sẳn sàng cho ra ngọc. Tuy vậy, tích luỹ kiến thức dù có khó nhưng cũng còn dễ hơn gấp ngàn lần so với tư duy sáng tạo và có thể ví như đem hạt ngọc trai so với viên đá kim cương quý hiếm.

Con số thống kê trung bình cho thấy, phải có hàng ngàn khoa học gia thì mới mong có được một nhà khoa học xuất sắc ngoại hạng có công trình phát minh ra điều gì mới lạ hay sở hửu một vài bằng sáng chế. Nhưng đó là thống kê dành cho các cường quốc và không thể nào áp dụng được cho Việt Nam. Lý do là vì con số thống kê cuả Việt Nam nếu có, cũng phải đi theo sau một vài con số không ở phía trước! Do đó, để tìm kiếm giải pháp tối ưu thì không có cách nào hay hơn là trở về với lý thuyết căn bản cuả sự sáng tạo.

Làm sao để có nhiều những bộ óc sáng tạo? Cụ thể cho dễ hiểu hãy lấy thí dụ máy vi tính. Để có được giải pháp tối ưu nhiều khi máy tính phải chạy qua cả hàng trăm ngàn hay cả triệu phép tính, theo các kết hợp khác nhau. Tương tự như vậy, não bộ cuả một người thường xuyên tư duy bằng một chuỗi liên tục những câu hỏi và trả lời. Mỗi câu hỏi cần một câu trả lời dưới dạng chung là những tín hiệu, tiêu cực (Âm) hay tích cực (Dương). Những câu trả lời có tích cực hay không là dựa trên những dữ kiện đã được lưu giữ trong tế bào nhớ cuả não bộ, kết quả cuả những năm tháng dài học hỏi và rút kinh nghiệm. Tích luỹ hết tất cả những tín hiệu trả lời cho ra càng nhiều “Dương” hay tích cực thì giải pháp càng gần với tối ưu, hay ngược lại là bế tắc không tìm ra giải pháp nào tốt hơn và đành chiều theo cái gọi là số phận hay định mệnh (!).

Sau cùng, nếu tiếp tục tư duy để tìm kiếm thêm những giải pháp khác lạ hay tốt đẹp hơn nữa, thì đó chính là bước khởi đầu cho sự sáng tạo. Cụ thể như một kỹ sư cơ khí về xe luôn tư duy và tìm cách để làm tăng khoảng cách di chuyển hay năng xuất cuả xe cho mổi lít nhiên liệu tiêu thụ, hay một công nhân trong xí nghiệp tìm ra cách để giảm chi phí cho nguồn vốn nguyên liệu. Như vậy không nhất thiết cần phải có một trình độ học vấn thật cao để có được những tư duy sáng tạo.

Sáng tạo là một kết quả cuả quá trình tư duy thường xuyên và hội tụ vào một chủ đề nào đó, do thói quen hay bản năng đã được huấn luyện. Một thành quả nhân tạo nhiều hơn là thiên phú hay di truyền, dù di truyền có thể đã giúp khá nhiều trong giai đoạn đầu, qua cấu trúc cuả bộ nhớ tốt. Một cá nhân hay tập thể bình thường có thể được giáo dục và huấn luyện để có nhiều khả năng tư duy sáng tạo, rồi từ đó có thể giúp thay đổi vận mạng cuả chính mình hay cho cộng đồng xã hội chung quanh.

Đi tìm một phương pháp tối ưu cho Giáo Dục-Đào Tạo

Gần đây nhà nước VN đã bắt đầu thực hiện kế hoạch xây dựng một số trường đại học “đẩng cấp quốc tế” với mục tiêu góp phần đào tạo khoảng hai chục ngàn tiến sĩ trong vòng 12 năm (?). Nếu nhà nước hỗ trợ và quyết tâm thực hiện với bất cứ giá nào, thì hy vọng chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu dù có kéo dài bao lâu hay chậm hơn thời hạn 2020 như đã lên kế hoạch. Thế nhưng hãy nhìn vào thực tế một đất nước với dân số khoảng chừng 100 triệu (vào năm 2020), dù có vài chục ngàn Tiến sĩ thực đi chăng nữa trong lúc đại đa số nhân dân và đội ngũ công nhân hay chuyên viên yếu kém, thiếu khả năng tư duy sáng tạo, thì kết quả cũng sẽ là một con số không đáng buồn. Giống như một đạo quân chỉ có tướng tài mà thiếu quân tinh nhuệ, chắc chắn sẽ bị thua trận trong các cuộc chiến về kinh tế toàn cầu này!

Chưa nói đến nạn chảy máu chất xám nếu những nhà khoa học thực tài với tư duy sáng tạo đó lại không được trọng dụng hay có được những phương tiện máy móc tối tân và các thành phần cộng tác viên giỏi để cùng làm việc. Nếu không được như vậy thì chắc sẽ là “dọn cỗ cho người ta xơi” hết những nhân tài và tinh hoa cuả đất nước! Nên nhớ về một quy luật lịch sử không thay đổi là những nền văn minh lớn thường là nơi chốn tụ hội lại cuả các nhân tài trên thế giới.

Hiện nay các nhà tư vấn nước ngoài hầu như đều nhất trí với nhau là VN cần phải có một lực lượng nòng cốt các chuyên viên trung cấp (2 năm cao đẳng) và cao cấp (4, 5 năm đại học) có khả năng và đủ tiêu chuẩn trên bốn ngành công nghệ mũi nhọn như: Máy và tự động hoá, Điện tử, Sinh Hoá và Tin học, để phát triển bền vững theo kịp với đà tiến bộ khoa học kỹ thuật cuả các lân bang láng giềng. Muốn được vậy, con số ước chừng phải có là từ 5 đến 10 % dân số hay ít nhất là khoảng 5 triệu vào năm 2020 (Ở Mỹ hiện nay là khoảng chừng 24 % chung cho tất cả toàn dân số). Suy ra từ đó, không còn có cách nào khác hơn là phải khẩn trương cải tổ lại hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước để đáp ứng với nhu cầu! Một thống kê sơ khởi cho thấy dù có tất cả gần 70 trường đại học và cao đẳng ở VN hiện nay, giả sử nếu đào tạo cho ra trường hàng năm khoảng 100 ngàn chuyên viên đạt chuẩn quốc tế thì cũng mất ít nhất là 4, 5 chục năm nữa.

Trong vài năm qua, tất cả các nhà giáo dục uy tín trong nước đều có đưa ra một đề nghị chung là VN cần phải có một sự cải cách giáo dục toàn diện. Nhưng cho đến giờ, sau một thời gian dài nghiên cứu và sau khi bản dự thảo chiến lược giáo dục 2020 ra đời, cũng còn chưa thấy có một biến chuyển tích cực nào! Ngay cả khi bộ GDĐT đưa ra khuyến cáo là các giáo viên nên bỏ dần cách dạy “Thầy đọc – Trò chép”, thì cũng chưa thấy có ai đưa ra được một phương pháp mới nào hay hơn để thay thế.

Trở ngại chính cuả dân Việt suốt trong thế kỷ 20 vừa qua là phải chạy theo các mô hình giáo dục cuả nước ngoài mà quên mất, hay bỏ qua đi lời khuyên chí tình cuả tiền nhân về tinh hoa cuả giáo dục. Điều đáng ngạc nhiên là những bí quyết chân truyền về giáo dục cuả dân Việt suốt hơn hai ngàn năm và phải trả giá bằng “Máu và Nước Mắt” đó, thì chẳng có gì là cao siêu hay khó hiểu, mà lại nằm ở trong câu nói thường ngày cuả bất cứ người dân Việt nào, ở bất cứ đâu trên thế giới! Đó chính là câu nói cuả các bậc cha mẹ... lo nuôi con “ăn học” nên người; và lời khuyên răn các thế hệ con cháu là phải... lo “học hỏi” cho đến nơi đến chốn! Suy ra thì bí quyết chân truyền cuả giáo dục Việt chỉ vỏn vẹn gồm có hai từ kép là “ăn học” và “học hỏi”, hay rút gọn lại thành ba từ đơn giản chính theo thứ tự sau đây là Ăn – Học – Hỏi!

Ngạc nhiên? Nghi ngờ? Thắc mắc? Lịch sử con người chẳng phải đã làm đúng như vậy trong cả ngàn năm qua sao? Câu trả lời là: Đúng vậy! Chẳng có gì mới lạ cả. Nhưng cái khác nhau chính là cách làm, như đem so sánh cái ăn cuả người tiền sử sống trong hang động cách đây cả ngàn năm với cái ăn cuả người khách trong một nhà hàng sang trọng 5 sao tại một đô thị văn minh hiện nay. Chính vì nhờ cách làm khác nhau đó mà qua nhiều thế hệ, đã biến một trường học tầm thường thành ra trường có chất lượng đẳng cấp quốc tế.

Chuyện “ Ăn” thì đã trình bày rồi, chỉ xin nhấn mạnh thêm ở đây để tránh sự hiểu nhầm là cần phân biệt giữa ba trường hợp: Ăn cho no đầy bụng thì khác với ăn cho có đầy đủ các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể khoẻ mạnh, có sức khoẻ tốt để làm việc. Nhưng quan trọng hơn hết mà dân Việt đang khẩn trương cần đến ngay không phải chỉ là ăn cho no, mà chính là ăn thế nào để phát triển tối ưu não bộ, nhất là cho công việc tái tạo sinh ra nhiều thêm các tế bào nhớ cuả bộ não. Liên hệ và sự khác biệt giữa hai trường hợp sau khá phức tạp và dễ bị hiểu nhầm. Rất ít người hiểu rằng một trí tuệ thông minh thường dễ cho ra một sức khoẻ tốt, hơn là chuyện làm ngược lại.

Trở lại với chuyện “Học” thì hầu như ai cũng có kinh nghiệm hay biết hết rồi. Tuy nhiên, nếu như ai cũng muốn bỏ cách dạy “Thầy đọc, Trò chép” thì quả là một sự hiểu nhầm đáng trách. Bởi vì đó chỉ là một phương tiện giáo dục cơ bản không thể không sử dụng trong phương pháp dạy học. Ông “Thầy” ở đây không thể chỉ được hiểu phải là ông thầy bằng xương bằng thịt đang đứng trước lớp học, mà còn có thể ám chỉ là cuốn sách, bạn học cùng lớp, cái máy tivi truyền hình hay ngay cả cái maý tính xách tay, v.v. Đó là cách để truyền đạt kiến thức từ một nguồn tri thức đến với học trò hay đến với một đối tượng khác đang tiếp thu. Tất cả thuần tuý chỉ là “một chiều”! Vấn đề chính là sau khi tiếp thu được kiến thức “một chiều” rồi, người nhận hay “Trò” sẽ xử lý như thế nào mới là điều đáng nói, và cũng chính vì vậy mới đưa đến thắc mắc để “Hỏi”.

Sau cùng, “Hỏi” mới chính là yếu tố quan trọng nhất để cho ra giải pháp tối ưu về GDĐT. Có ba chủ thể: Thầy, Trò và Xã hội (Bao gồm luôn cả cha mẹ, bạn bè hay đồng nghiệp) như sau:

• Thầy hỏi là để ôn lại khả năng và kiểm soát kết quả học tập cuả Trò.

• Trò hỏi là để tìm kiếm và tự học để tích luỹ kiến thức cho chính mình.

• Xã hội hỏi là để đánh giá thực tài hay để kiểm chứng lại khả năng cuả Thầy và Trò.


Tổng hợp cả hai cách “Thầy đọc, Trò chép” (TĐTC) và “Tự Học Hỏi”(THH) đó theo đúng tỷ lệ tối ưu sẽ cho ra một nền giáo dục và đào tạo hoàn hảo có chất lượng như mong muốn. Cụ thể thí dụ như một đề nghị sau đây để xét nghiệm:

• Tiểu học: (TĐTC) 100- 80% / (THH) 0 – 20%. Nghĩa là bắt đầu từ mẩu giáo (TĐTC) 100% / (THH) 0%, sẽ tăng / giảm dần đến lớp 5 là (TĐTC) 80% / (THH) 20%. Tiếp tục:

• Trung học cơ sở (Cấp 2): (TĐTC) 80 – 70% / (THH) 20 – 30%

• Trung học phổ thông (Cấp 3): (TĐTC) 70 – 60% / (THH) 30 – 40%

• Bậc Đại học: (TĐTC) 60 – 40% / (THH) 40 – 60%

• Bậc Cao học: (TĐTC) 40 – 20% / (THH) 60 – 80%

• Bậc Tiến Sĩ: (TĐTC) 20 – 0% / (THH) 80 – 100%

Nếu có thể áp dụng đúng như trên đến Bậc Cao học Tiến Sĩ thì chắc sẽ không cần phải đi nhập cảng một chương trình giáo dục đào tạo nào ở nước ngoài. Tuy nhiên, nếu trong những bước đầu còn yếu kém về những kiến thức cơ bản thì cũng cần phải có những ông Thầy đủ tiêu chuẩn về chuyên môn để dìu dắt và hướng dẫn.

Bí mật cuả Tư Duy Sáng Tạo

Một thí dụ cụ thể: Hãy chọn một người có trí khôn trung bình và yêu cầu người đó cố gắng đặt ra 100 câu hỏi quy về một chủ đề chính nào đó, như “Trái Đất” chẳng hạn. Thời gian để đặt ra được 100 câu hỏi về chủ đề Trái Đất có thể làm cho đối tượng phải mất một thời gian khá lâu, chừng vài ngày, vài tuần lễ hay vài tháng (?), không thể biết chắc được. Nhưng điều có thể biết chắc được là sau khi làm xong 100 câu hỏi, đối tượng có thể có được một kiến thức chuyên sâu về Trái Đất, và biết đâu trong đó sẽ có một vài ý tưởng rất mới lạ và khác thường, được gọi là ý tưởng sáng tạo! Như vậy, nếu muốn có nhiều công dân giàu tư duy sáng tạo, thì không có gì khác lạ hơn là huấn luyện những thế hệ trẻ có thói quen “Tự Học Hỏi” cùng với bản tính “tò mò tri thức” về khoa học.

Ngày nay khoa học đã chứng minh “Vật chất” và “Năng lượng” chỉ là một sự thay đổi hay hoán chuyển hình trạng cuả sự vật, tuy hai nhưng vốn là một. Chính nhờ vậy, có thể hiểu một cách tương tự cho “Chất xám” và “Trí tuệ” cuả loài người, hay nói cách khác, chỉ số cuả sự thông minh là một hàm số tuỳ thuộc vào mật độ và số lượng cuả các tế bào nhớ trong não bộ. Đồng thời, mật độ và số lượng cuả các tế bào nhớ cũng là một hàm số thay đổi theo tỷ lệ thuận với ba thông số: “Ăn”, “Học” và “Hỏi”!

Sau cùng và trên hết tất cả vẫn là những chứng nghiệm cuả lịch sử loài người: Sẽ không bao giờ có một xã hội thật sự Dân Chủ, Văn Minh và Giàu Mạnh, nếu như có một số nhiều (30-50%) công dân cuả xã hội đó vẫn còn bị đói, thiếu ăn hay suy dinh dưỡng trầm trọng.

Nguyễn Cường

Kẻ bị mất phép thông công

Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức Nguyễn Mạnh Tường

Một người con ưu tú của Việt Nam bị đầy doạ dã man bởi đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ vì đã dám phê phán những sai lầm của lãnh đạo và dám cỗ võ cho dân chủ. Cuốn tự truyện cho thấy với người cộng sản không có gì là giá trị ngoài lợi ích của Đảng và quyền lợi của những người lãnh đạo mà thực chất là những kẻ độc tài, tham tàn không đếm xỉa gì đến quyền lợi của Tổ Quốc và Nhân Dân. Họ đã phản bội lại sự hy sinh của những người cộng sản thế hệ Điện Biên và hàng trăm ngàn người yêu nước đã nằm xuống để đánh đuổi Thực Dân.

Lời người dịch:
Cuốn tự truyện Kẻ bị mất phép thông công được cụ Nguyễn Mạnh Tường hoàn tất năm 1991 viết bằng tiếng Pháp, được dịch ra tiếng Anh năm 2008[*]. Đã gần hai mươi năm trôi qua, nhiều người trong nước vẫn chưa có dịp đọc tác phẩm này, lý do đơn giản là chưa ai dịch nó ra tiếng Việt và phổ biến. Tôi mạnh dạn trong khả năng giới hạn của mình cố gắng dịch cuốn sách, không biết có lột được hết những ý của cụ Tường một cách chính xác hay không, nên rất mong người đọc chỉ cho những chỗ dịch chưa được thoát. Mong muốn lớn nhất của người dịch là bản dịch này sẽ được hai giới quan tâm:

- thứ nhất là nhân dân Việt Nam hiểu rõ cụ Nguyễn Mạnh Tường là một người con tài ba, chí tình yêu nước thương dân, cả đời hy sinh cho Dân Tộc, đã bị đoạ đầy hơn ba mươi năm chỉ vì đã dám nêu lên những sai lầm của đảng Cộng Sản đặc biệt là trong vụ Cải Cách Ruộng Đất kinh hoàng ở miền Bắc trong những năm 1954 – 56 và đã dám cổ vũ, chứ chưa nói đến đấu tranh, cho dân chủ.

- thứ hai là những người cộng sản Việt Nam, những người vẫn còn lấy lời thề vì dân vì nước làm trọng. Họ nên đọc và nghiền ngẫm những gì mà giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã viết. Rất nhiều điều vẫn còn là sự thật, rất nhiều điều giáo sư NMT đã báo động từ những năm đầu giành Độc Lập hiện nay vẫn đang tiếp tục xảy ra và còn trầm trọng hơn.

Vì trung chính, yêu nước thương dân, dám phê phán lãnh đạo mà giáo sư NMT và vợ con phải chịu nhiều đau khổ bởi sự tàn bạo của những người cộng sản.

Người cộng sản hô hào giải phóng “nô lệ thế gian” nhưng hơn ai hết, những người cộng sản Việt Nam chính là những người nô lệ tự nguyện, nô lệ được trùm che dưới hai chữ “anh em” với Tàu, Liên Xô. Anh bảo em nghe, nghe đến độ thằng anh bảo gì làm nấy, kể cả việc mất đất, mất đảo, nhận cả một đội quân thứ 5 của Tàu vào cao nguyên, và nhiều nơi khác. Họ đã bị cái vòng kim cô 16 chữ vàng cộng thêm vàng thật chúng cho mang về đầy túi, để rồi họ làm tất cả để vừa lòng người anh, kẻ thù truyền kiếp.

Cuối cuốn tự truyện, giáo sư đã đặt hai câu hỏi cho người cộng sản Việt Nam:[indent]
1. Vì sao các ông lại sợ hãi dân chủ?
2. Giữa quyền lợi của Đảng và quyền lợi của Tổ Quốc, các ông chọn phía nào?
[/ident]
Những người cộng sản thuộc thế hệ Điện Biên đã ra đi kháng chiến, một lòng vì Tổ Quốc Việt Nam thân yêu mà hy sinh cả cuộc đời để đánh đuổi Thực Dân Pháp giành lại Độc Lập cho dân tộc. Thế hệ trong sáng đó nay không còn mấy người. Rất mong, tuy không nhiều hy vọng, là những con em, những kẻ kế thừa của những người cộng sản Điện Biên kia nhớ đến cha ông mà giữ mình sao cho xứng đáng. Rất mong những người lãnh đạo chóp bu ngày nay còn biết giữ mình trước hai chữ Chiêu Thống, dấn thân vào con đường “dân bầu, dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Dù ai có nói đông tây, dù đa nguyên đa đảng, nếu các anh làm được những chuyện tốt lành cho dân tộc, dân sẽ bầu cho các anh. Nếu các anh cứ tiếp tục tham lam, tham quyền cố vị, dùng bạo lực đàn áp nhân dân, các anh là những người biện chứng chắc phải hiểu chuyện gì sẽ xảy ra.

Người dịch: Nguyễn Quốc Vĩ
Paris ngày 23 tháng 11 năm 2009

29 thg 11, 2009

Việt Nam và Trung Quốc nắm giữ chìa khóa cho vấn đề Biển Đông

Đường đỏ là vùng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; Đường xanh là các khu vực kinh tế EEZ theo Công ước LHQ về Luật biển; Các đảo xám là nơi có tranh chấp. Ảnh: BBC

Phương Loan
27/11/2009

Lần đầu tiên Trung Quốc buộc phải đưa bản đồ tuyên bố chủ quyền hình chữ U trên Biển Đông lên Liên hiệp quốc, bản đồ mà Trung Quốc vốn luôn chỉ giữ kĩ trong túi mình. VietNamNet ghi nhận ý kiến của các học giả bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông đang diễn ra tại Hà Nội.

Việt Nam chuẩn bị tốt hơn

Đánh giá việc Việt Nam cùng Malaysia trình bản đăng kí thềm lục địa mở rộng lên LHQ là "một bước đi tuyệt vời, khiến Trung Quốc bất ngờ", GS Ramses Amer, (Thụy Điển) nói nhận định, tất cả những "động thái gây ầm ĩ" gần đây của Trung Quốc đều gắn với việc đăng kí này.

Việc cấm tàu cá ra khơi, bắt giữ ngư dân khi tránh bão ở quần đảo Hoàng Sa... chỉ là biểu hiện của sự "phản ứng thụ động" của Trung Quốc. Bản chất của vấn đề ngư dân là câu chuyện chủ quyền, vấn đề chính trị, ngoại giao. Trung Quốc chỉ tìm mọi cách để nhắc nhở và khẳng định ai là chủ ở Biển Đông.

Lần đầu tiên Trung Quốc buộc phải đưa bản đồ tuyên bố chủ quyền hình chữ U trên Biển Đông lên Liên hiệp quốc, bản đồ mà Trung Quốc vốn luôn chỉ giữ kĩ trong túi mình. Trong khi đó, chính các học giả Trung Quốc cũng không hiểu thực sự đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra thể hiện điều gì.

Cách phản ứng của Trung Quốc cũng cho thấy khả năng lựa chọn phản ứng cũng rất hạn chế, chỉ có thể làm những điều nhỏ trong cách nói của quan hệ quốc tế. Trên thực tế, các đảo đều đã có quốc gia chiếm giữ. Muốn tăng sự hiện diện, Trung Quốc không có cách nào khác là gây chiến với một nước khác đang chiếm giữ đảo, điều mà Trung Quốc không muốn và điều kiện quốc tế hiện nay cũng không cho phép. Lựa chọn tốt nhất cho các nước là giữ nguyên trạng.

Cũng theo GS Ramses Amer, nó cũng cho thấy Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt hơn, kĩ lưỡng hơn Trung Quốc trong việc đăng kí thềm lục địa mở rộng.

Khó có giải pháp

Đánh giá tình hình Biển Đông, các học giả cho rằng những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa nhiều bên liên quan đang có xu hướng tăng lên. Các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo đó là những hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp.

GS Mark J. Valencia (Mỹ) cho rằng, bầu không khí chính trị ở Biển Đông đã khác xa so với những năm 1980-1990. Căng thẳng đang tăng lên. Trong tâm lý của các quốc gia liên quan, các đảo nhỏ, đảo đá cũng rất quan trọng. Thậm chí, Trung Quốc còn chiếm cả các đảo ngầm, vốn chìm trong nước biển khi thủy triều lên.

Giáo sư người Anh, ông Geoffrey Till cho rằng, tranh chấp Biển Đông đặc biệt phức tạp khi có nhiều bên liên quan, và sự tham gia ngày càng nhiều cả các chủ thể phi nhà nước như các công ty đa quốc gia, các ngư dân... Ông Geoffrey bày tỏ quan ngại về mối căng thẳng gia tăng và có những phức tạp mới.

Cùng chia sẻ góc nhìn này, GS Carl Thayer, HV Quốc phòng Australia nhận xét, từ 2007 đến nay, tranh chấp Biển Đông đã chuyển từ điểm nóng ưu tiên thấp sang điểm nóng được ưu tiên trung bình trong các vấn đề an ninh khu vực bất chấp tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên biển Đông DOC đã được kí năm 2002. Những căng thẳng gần đây, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc đã đưa tới khả năng vấn đề Biển Đông một lần nữa là điểm nóng trước mắt nếu không được quản lý tốt.

Ông Kazunime Akimoto, nguyên chuẩn đô đốc hải quân, Quỹ nghiên cứu chính sách đại dương Nhật Bản lưu ý, nếu tranh chấp nóng xảy ra, kinh tế của các nước sát vùng Biển Đông sẽ nguy hiểm. Các quốc gia Đông Á đều liên quan đến Biển Đông. Nếu một nước độc chiếm Biển Đông, nó sẽ tác động không chỉ ở khu vực mà an ninh toàn thế giới.

Các học giả nhất trí rằng, xung đột lợi ích quốc gia, lịch sử tranh chấp phức tạp của Biển Đông, cách diễn giải khác nhau về Luật Biển 1982, báo cáo về thềm lục địa kéo dài, cạnh tranh giữa các nước lớn, xuất hiện nhiều chủ thể trong vùng Biển Đông, tăng cường lực lượng hải quân, chủ nghĩa dân tộc hướng vào vấn đề chủ quyền là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình hình phát triển phức tạp hơn và việc giải quyết tranh chấp khó khăn hơn.

Việt Nam và Trung Quốc nắm giữ chìa khóa cho vấn đề Biển Đông

Nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng đi qua biển Đông.

Cho rằng "các nước cần xác định vị trí của mình, quản lý xung đột sau đó là xác định cách thức để xử lý xung đột", nhưng theo ông Ramsess Amer, việc này không dễ, nhất là khi các bên vẫn chưa xác định chính xác chỗ đứng của mình, cũng như tuyên bố của các bên liên quan. "Không xác định rõ, việc đàm phán là bất khả thi".

Ông Nazery Khalid, Học viện Hàng hải Malaysia lạc quan rằng các quốc gia đều nhận thấy tầm quan trọng của việc cùng làm với nhau và cùng sử dụng Biển Đông như nền tảng cho sự thịnh vượng.

Theo Gs Carl Thayer, các quốc gia trong khu vực nên triển khai sáng kiến tổ chức thảo luận ở cấp quan chức cấp cao về Công ước Luật Biển quốc tế để làm rõ hơn những vấn đề vẫn còn chưa rõ ràng trong xung đột. Các cuộc đối thoại này cần đưa ra cơ sở pháp lý cho các tuyên bố về vùng thềm lục địa mở rộng và những hoạt động mà các tàu quân sự nước ngoài được làm ở vùng đặc quyền kinh tế ở quốc gia khác.

Ông Carl Thayer cũng tư vấn, ASEAN nên ủng hộ các quốc gia ven biển Đông can dự cùng Trung Quốc trong một vòng đàm phán ngoại giao mới để nâng vị thế của DOC trở thành COC.

Theo Gs Mark J. Valencia, đã có tiến triển lớn trong việc xây dựng sự thống nhất trong ASEAN, đưa Trung Quốc tham gia đối thoại với toàn khối ASEAN. Trước đó, trong thời gian dài, Trung Quốc chỉ đối thoại, đàm phán tay đôi với từng nước. Kết quả của quá trình này là việc đưa ra tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông DOC.

Phải mất 8 năm các nước mới đạt được DOC - bước tiến mới cho an ninh khu vực, thế nhưng nó cũng mới chỉ dừng ở nguyên tắc mang tính mềm, không có tính ràng buộc.

Ông Ramses Amer lưu ý, dù là DOC hay COC thì giống như bất cứ văn bản quốc tế nào, nó sẽ không khiến các nước từ bỏ chủ quyền đã được tuyên bố của mình. Nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông là cần thiết, nhưng cần có thiết chế mạnh mẽ hơn, tạo khung pháp lý để hành xử, Gs Amer nói.

Hơn nữa, như GS Valencia phân tích, dù có DOC, xu thế cạnh tranh giữa các bên vẫn đang gia tăng nhất là để tiếp cận và sử dụng các nguồn lực từ biển. Sự cạnh tranh nguồn lực kết hợp với chủ nghĩa dân tộc sẽ làm cho tình hình khó giải quyết hơn.

Theo ông Valencia, Việt Nam và Trung Quốc chính là hai chủ thể nắm giữ chìa khóa cho tranh chấp Biển Đông. Nếu hai nước đạt được thỏa thuận, các nước trong ASEAN cũng sẽ nối gót.

Hồi ký 10 ngày tạm giữ (2-12.9.2009)của blogger Mẹ Nấm

LTS: Blogger Mẹ Nấm - tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - đã bị tạm giữ ngày 2/9/2009 và được thả vào ngày 12/9/2009. Cùng với blogger Người buôn gió và phóng viên Phạm Đoan Trang, chị bị bắt và thẩm vấn về điều mà cơ quan công an nói là có dấu hiệu xâm phạm an ninh quốc gia.



Đã trải qua nhiều ngày sau biến cố đáng buồn trong cuộc đời, tôi vẫn chưa lấy lại được trọn vẹn cảm xúc của mình.

Trạng thái tinh thần những ngày này là vô cảm, không vui cũng chả buồn, không còn biết bản thân mình muốn gì, cần gì nữa.

Lạ thật, tôi không hoảng sợ, nhưng dường như có một nỗi buồn cứ lớn dần lên từng ngày trong lòng mình, nó âm thầm gặm nhấm tâm hồn và cả suy nghĩ của mình, khiến con người mình bị ô xy hóa, bị trơ trơ.

Tôi cố dành thời gian để ngẫm nghĩ và nhìn lại những ngày đã đi qua để tìm lại chính bản thân mình, tìm lại khao khát và ước mơ về một cuộc sống có sự hiện diện của sự thật, công bằng và bác ái.

Xin được trân trọng gọi tên chuỗi ngày đáng buồn ấy là “Những ngày J yêu dấu”.

****

7:53 ngày 28 tháng 8 năm 2009

Thật lòng là đang muốn khóc, muốn gào thét khi biết mình không thể làm gì để chia sẻ gánh nặng với gia đình anh G.

Tôi biết, ở đâu đó có một người làm mẹ, làm vợ như tôi đang cần một bờ vai để chia sẻ, một chỗ để tâm tình, để trút bớt chất chứa phiền muộn trong lòng.

Tôi biết, mà không làm được gì ngoài những lời an ủi chị. Biết làm gì hơn, khi chính tôi cũng là một người tù dự khuyết trong cái xã hội này???

Ở đâu đó có những người đang hỉ hả vui sướng vì họ cho rằng những người tù dự khuyết như chúng ta phải trả giá cho ý nghĩ, tư tưởng và hành động của mình.

Yêu nước mà phải trả giá liệu có chua xót quá không tôi, một người Việt tự xưng là mình yêu nước bằng cái lưng??

Yêu sự thật, nói lên những điều mà người ta muốn giấu, là tội trọng ở đất nước này sao??

Chưa bao giờ thấy xót xa như lúc này!

BỐN NGÀY SAU,

Ngày 2 tháng 9 năm 2009,

Nghỉ lễ, mọi người kéo nhau ra đường tụ tập, nhậu nhẹt.

Buồn và mệt mỏi, chỉ muốn nằm đọc cái gì đó để giải tỏa bớt những suy nghĩ đang dồn nén trong đầu.

Mọi người trong gia đình có vẻ căng thẳng vì suốt từ sáng đến giờ có khá nhiều nhân vật lạ lảng vảng quanh nhà. Cửa nhà ông đảng viên già hàng xóm cũng mở toang thì phải, lạ thật, sao lúc này lắm người đi nhầm nhà vậy ta?

17h10 ngày 2 tháng 9:

Chồng gọi, thông báo một tin chẳng vui vẻ gì mấy. Có giấy mời đi uống trà cung đình vào 8h sáng thứ Hai ngày 3 tháng 9 năm 2009.

Thật là ngộ nghĩnh, bởi xét về mặt pháp lý, mình chả có dây mơ rễ má gì với chỗ bạn chồng đang làm. Hộ khẩu thường trú nhà mình lại càng không liên quan gì đến bạn chồng, họa chăng hai đứa chỉ dính với nhau bằng tờ giấy đăng ký kết hôn có ghi địa chỉ của bạn chồng hẳn hòi ra đấy.

Bực đến nỗi muốn chửi thề, log in vào blog, để lại mỗi cái msg cho bạn bè biết mình có hẹn uống trà để mọi người yên tâm cái đã.

20h30 ngày 2 tháng 9 :

Tự nhiên thấy lo lắng, gọi lại cho chồng để dặn bạn í tối ghé về đưa giấy triệu tập cho mình kẻo sáng mai lại quên.

Bạn chồng thông báo giờ phải lên công an tỉnh để làm việc theo yêu cầu.

21h15 : Điện thoại bạn chồng, chuông reo, không ai nhấc máy.

22h00 : Không nhấc máy.

22h30 : Chập chờn lúc ngủ lúc thức, lại gọi, lại không ai nhấc máy.

23h30 : Chồng gọi, chưa kịp bắt điện thoại thì nghe tiếng chó sủa. Mẹ ra mở cửa nên mình nằm luôn.

Nghe tiếng người, tiếng chó, tiếng ồn ào nên phải choàng dậy.

Nhà lố nhố người, tổ trưởng tổ dân phố, công an phường và nhiều người mặc thường phục. Họ yêu cầu kiểm tra hộ khẩu.

Một người hỏi đến tên mình, rồi yêu cầu mình đứng dậy nghe đọc lệnh bắt khẩn cấp.

Mình vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn nên yêu cầu được nghe lại.

Đến lúc này vẫn chưa thể tin được là mình bị bắt, theo điều 258 của Bộ luật hình sự, lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích quốc gia.

Mình nhìn chồng mình đang ngồi trên ghế, chẳng nói được câu gì, bởi không thể tin được là sau khi bị mất liên lạc với chồng khoảng 2 tiếng rưỡi thì chính chồng mình là người dắt những người đang ngồi kia về nhà để đọc lệnh bắt mình.

Thật không thể tin nổi, mình hoàn toàn không có phản ứng gì ngoài việc đề nghị mọi người giữ im lặng cho Nấm ngủ…

Không hiểu tại sao lúc này điều khiến mình sợ hãi nhất là Nấm sẽ thức dậy rồi con sẽ òa khóc trước những gì đang diễn ra, rồi con sẽ bị chấn thương tâm lý. Không hiểu làm sao mà đầu óc mình chỉ nghĩ đến mỗi việc đó.

Công an tiến hành lục soát nhà, mình cũng chẳng buồn vào phòng để chứng kiến.

Không thể tin được là mình đã và đang bị bắt ngay trong nhà của mình.

Công an đề nghị đóng cửa lại và không cho mọi người vào, nhưng mình lại muốn mở cửa, cả dì mình cũng thế, bởi mình không sợ xấu hổ, càng có nhiều người biết mình bị bắt thế này thì càng đỡ phải giải thích sau này.

Không hiểu làm sao mà đầu óc mình cứ như một tờ giấy trắng tinh như thế này.

00h20′ : Mọi việc hoàn tất, mình bị dẫn ra xe, có ai đó còn đề nghị là còng tay mình. Sao cũng được, đằng nào thì mình cũng đã và đang bị bắt. Cuối cùng thì họ không còng tay.

Sự thật là mình đã bị bắt.

Xe chạy đến trụ sở công an phường, mẹ mình chạy xe máy theo đến tận đó. Thật lòng là mình không muốn nhìn thấy cảnh này, những người trên xe bảo mẹ mình nên chạy đến nhà riêng của hai vợ chồng mình, bởi họ cũng sẽ bắt đầu khám xét khẩn cấp bên đó.

00h30′: Mình đã làm cả nhà không ngủ.

00h45: Tại công an tỉnh Khánh Hòa, đêm yên lặng, thật không thể tin được, mình đã bị bắt đến đây.

Trong một căn phòng lớn, mình bắt đầu bị thẩm vấn.

Thật lòng là mình đang buồn ngủ đến chết đi được, mọi câu hỏi xoay quanh vấn đề in áo, chuyển áo, và mặc áo.

Cái áo thun Thành Công màu xanh lá cây có chữ STOP BAUXITE – NO CHINA / HOÀNG SA – TRƯỜNG SA là của Việt Nam / Người Việt Yêu Nước – Giữ lấy màu xanh và an ninh cho Việt Nam.

Tại sao mình dại dột đến thế?

Tại sao mình làm những công việc như thế?

Mình có khả năng ngoại ngữ tốt, có trình độ tin học, mình có thể kiếm được một công việc đủ nuôi sống bản thân???

Tại sao? Tại sao? Có rất nhiều câu hỏi tại sao như thế được đặt ra, mình đã trả lời những câu hỏi thế này khá nhiều lần rồi cho nên giờ mình không muốn lặp lại nữa.

Mình đang buồn ngủ, và mình chỉ muốn ngủ.

Cứ thế, những câu hỏi tại sao, những lời phân tích, chứng minh, dẫn giải cứ kéo dài.

Mình thấy hơi buồn cười là những người này đang cố dẫn dắt mình vào nếp nghĩ tất cả những gì mình đã làm đều chỉ vì tiền.

Xen kẻ giữa những câu hỏi là những khoảnh khắc trắng tinh trong đầu mình, bởi mình chỉ muốn ngủ.

NGÀY J THỨ NHẤT : 3/09/2009

4h sáng

Thế là trời sáng, mình đã chợp mắt được khoảng 10 phút sau khi gục xuống bàn vì chịu không nổi. Mình được đề nghị là ra sân để đi loanh quanh một vòng cho tỉnh ngủ. Có lẽ người làm việc với mình cũng không tỉnh táo hơn mình là mấy.

Mình cảm thấy đau nhói ở dạ dày, vậy là nó đã quay trở lại, bệnh đau bao tử, sau một đêm thức trắng.

6h30

Có người hỏi mình muốn ăn gì, mình đang đau, có lẽ bánh mì mềm và sữa nóng là thích hợp.

Mình không đói, chỉ thấy bụng đau nhói, mình sắp không chịu được nữa rồi thì phải.

Có một cuộc điện thoại, họ hỏi mình ai là người gọi, làm sao mà mình biết được? Có vẻ họ lúng túng vì không biết xử lý tình huống này thế nào thì phải? Họ hỏi mình, mình sẽ nói gì khi mình nghe điện thoại? Mình hỏi lại: Vậy anh muốn em nói gì?? Không biết giờ này có ai biết mình bị bắt chưa nhỉ?

Lại có điện thoại và cả tin nhắn nữa, họ lại đang bàn bạc về việc liệu có để mình nghe điện thoại hay không.

Sau này, khi được nhận lại điện thoại, mình phát hiện ra rằng, tất cả các tin nhắn và các cuộc gọi trong ngày 3 tháng 9 đều đã bị xóa sạch.

Thật là sáng ngời chính nghĩa.

7h30

Mình chịu không nổi những cơn đau này, đề nghị được nhai Malox để giảm đau và để tỉnh táo, có vẻ họ không tin là mình bị đau thì phải?

Kệ, mình đau và mình chỉ cần biết có thế.

Ăn sáng, nhai thuốc và ngồi đợi, mình nằm ngủ ngay trên ghế trong phòng vì không chịu nổi.

Có nhiều người đi ra, đi vô phòng, những người trẻ nhìn mình ái ngại.

Mệt và đau, mình chẳng cần quan tâm nữa.

Sự thật là mình vẫn không thể tin được là mình đã bị bắt.

10h30

Một phụ nữ trung niên và một bạn nữ trẻ hơn đến đưa mình sang khu trạm xá của công an để khám vì mình chịu không nổi.

Trên đường đi họ hỏi có phải mình đang mang thai hay không? Mệt đến nỗi không muốn trả lời…

Bác sĩ nhấn vào xung quanh bụng mình và hỏi tiền sử bệnh đau dạ dày.

Kết luận: có triệu chứng đau, nhưng chưa thấy dấu hiệu đau.

Mình muốn chửi thề quá đi mất bởi cái kiểu khám bệnh lạ đời này.

Đau dạ dày mà khám bằng tay và siêu âm.

Trở về khu vực công an tỉnh, mình đã bớt đau nhờ nhai 4 viên Malox.

Nhiều người bắt đầu tham gia thẩm vấn mình.

Họ muốn tranh luận một cách khoa học, nhưng hễ mình bắt đầu tranh luận là bị cắt ngang vì không đủ thời gian, và không phải lúc.

Ngộ nghĩnh thiệt.

Đến giờ ăn trưa, họ mua cơm hộp cho mình. Mình nghĩ là phải cố ăn một chút để lấy sức, nhưng sự thật là mình đang rất đau nên việc ăn uống giống như một gánh nặng. Tính ra từ sáng đến giờ, có khoảng 5 người đã tra hỏi mình, mình đã nhận đó là ý tưởng in áo và mặc áo thun phản đối dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên là của mình và mình phụ trách việc thực hiện ý tưởng đó.

Họ nói với mình rằng, việc khai thác bauxite là một chủ trương lớn và đúng đắn của đảng, chỉ riêng việc mình phản đối dự án đó và kêu gọi mọi người cùng phản đối là đã đủ kết tội mình vi phạm lợi ích quốc gia rồi. Họ nói, đảng và chính phủ cân nhắc từng phần của dự án, lợi ích của quốc gia được tính đến ở đây là của nhiều người chứ không phải một nhóm người. Ảnh hưởng đến nguồn nước, đến môi trường đó là phạm trù khoa học, hãy để các nhà khoa học chứng mình. Mình đã đưa dẫn chứng từ những lời cảnh tỉnh của các khoa học gia có uy tín, từ những bài viết trên mạng. Họ nói rằng, mình đã không biết cách chắt lọc thông tin, hay nói một cách văn vẻ là mình bị ngộ chữ.

14h00

Họ giải thích việc mình tham gia nhóm Người Việt Yêu Nước là sai trái và yêu cầu mình hợp tác, mình đã giao nộp tiền quỹ in áo mà mình giữ. Họ đề nghị gia đình đến gặp. Mình đã được nhìn thấy mẹ, và mình đã chịu không nổi khi mẹ khóc. Chút cứng cỏi và lạnh lùng còn sót lại đã rơi đâu mất, mình thấy thật yếu đuối khi đứng trước mặt mẹ mình, cảm giác có lỗi với gia đình dâng lên khiến mình nghẹn lời.

Mẹ về. Họ làm việc với mình thêm một lúc nữa, rồi đưa ra quyết định tạm giữ 3 ngày.

Họ nói mình không cần mang theo chăn màn vì ở trong trại tạm giữ có đầy đủ, và mình có mang theo tiền nên sẽ mua ở đó những gì cần thiết.

15h40

Xe đưa mình đến trại tạm giam công an tỉnh Khánh Hòa.

Mệt, đói và buồn ngủ khiến mình không còn tỉnh táo nữa.

16h20

Trại tạm giam – nhiều ánh mắt nhìn mình dò xét. Nhiều người chép miệng, tắc lưỡi khi nghe đến tội danh “xâm phạm lợi ích” quốc gia của mình.

Mặc kệ, mình đã quá mệt mỏi.

Trại tam giam – nơi mà phẩm giá của con người là món hàng xa xỉ, không cần biết đã bị kết án hay chưa, khi bước chân vào trại thì những ứng xử của người với người sẽ không tuân theo quy tắc, chuẩn mực. Lịch sự, tôn trọng – hai từ này có lẽ sẽ không bao giờ xuất hiện trong từ điển của những người nơi đây. Giờ thì mình lờ mờ hiểu ra, vì sao những phạm nhân khó có thể tái hòa nhập với cộng đồng, họ không chịu nổi và sẽ bị thay đổi hay mài mòn bởi ánh nhìn dè bỉu, thái độ khinh khi ngay những ngày còn ở trong tù.

Sau khi kiểm tra, lục soát đồ đạc, người ta cho phép mình mang theo bàn chải và một cái khăn mặt. Mình đi chân không vào phòng tạm giữ.

Một căn phòng khoảng 12m2, có một người ở trong đó, mình là người thứ hai.

Mệt mỏi và đói khát, mình ngủ ngay sau khi chào hỏi chị ở chung phòng.

Đêm đầu tiên trong tù đã trôi qua trong giấc ngủ không mộng mị.

NGÀY J THỨ HAI : 4/09/2009

Không biết là mấy giờ, mình đoán có lẽ khoảng 5-6 giờ sáng bởi nhìn theo ánh mặt trời hắt qua ô thông gió phía trên buồng giam.

Mình nằm nghĩ và vẫn không thể tin được là mình đang ở trong tù.

Mình không muốn suy đoán gì trong lúc này, bởi mình không thể biết chuyện gì sẽ sẽ xảy ra và mình tự nhủ, mình sẽ chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Mình không làm phương hại đến ai, không làm gì sai trái với lương tâm. Mình không có tội, mình phải bám lấy cái suy nghĩ này.

7h20

Có người đến gọi tên mình và bảo mình chuẩn bị “đi cung”. Đây là một từ ngữ mới, đi cung, tức là đi ra ngoài làm việc với cơ quan an ninh điều tra.

Ánh sáng chói chang và không khí thật trong lành, mình cảm nhận được điều này thật rõ ràng.

Có hai người đợi mình sẵn ở phòng trên lầu, lại tiếp tục làm việc.

Họ giải thích là mình đã sai khi tham gia nhóm Người Việt Yêu Nước, điều này không được phép. Chưa kể đến việc mình in ấn và phân phát áo thun, đó là sai luật quảng cáo và tuyên truyền.

Họ đã nói với mình “Nếu có thành lập một chính phủ mới, thì những người như mình chắc chắn là sẽ không có chân trong đó”. Cha mẹ ơi, mình không biết phải trả lời sao ngoài một nụ cười. Bởi những điều họ nói nó khiến mình nghĩ đến giọng văn trào phúng của Azít Nêxin quá.

Mình đang sống, đang thở và mình yêu bầu không khí đó. Mình muốn nó xanh tươi và đẹp đẽ, mình muốn con mình và thế hệ sau mình cũng như thế, nên mình phản đối dự án khai thác bauxite, chứ nó liên quan gì đến chính phủ mới nhỉ? Họ đang đề cao hay cười nhạo mình vậy ta???

Phản đối việc khai thác bauxite thì liên quan gì đến Hoàng Sa -Trường Sa? Mình phải giải thích cho họ bao nhiêu lần nữa là tất cả có liên quan đến nhau bởi yếu tố NO CHINA nhỉ??

Mình bắt đầu thấy mệt mỏi, bởi trong các cuộc tranh luận, mình luôn luôn bị cắt ngang bởi những lý do đại loại như: chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này vào một dịp khác, chúng ta không có thời gian….

Thật sự, bây giờ đây, mình ngồi đây và vẫn không thể nào tìm ra được câu trả lời cho việc họ cho rằng mình đã bị lôi kéo, lợi dụng.

Bởi thật sự nếu có một thế lực thù địch nào đó, hẳn nhà nước phải cám ơn họ vì đã để mình và nhiều người trẻ khác thức tỉnh với lòng yêu nước và sự quan tâm đối với môi trường xung quanh mình.

Tất cả sự vật đều có sự liên quan đến nhau không nhiều thì ít, vậy tại sao họ lại đang cố tách rời nó và buộc mình cũng phải nghĩ như họ.

11h30: Bụng đau nhói, mình nhớ ra là từ tối qua đến giờ mình chưa ăn gì. Mình yêu cầu được ăn cháo, nhưng không có, bởi đã quá giờ yêu cầu thức ăn trong trại tạm giam. Họ hẹn mình buổi chiều sẽ có cháo.

12h00: Về phòng giam, mình cố ngủ sau khi trao đổi với chị ở cùng phòng. Chị ấy động viên mình rất nhiều, và chị rất ngạc nhiên với tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia” hay nói theo ngôn ngữ của chị ấy là tội “chống Trung Quốc” của mình. Chị nói, ở trại tạm giam này không án kinh tế thì là án ma túy, hay án trộm cắp, tội của mình chắc mới có lần đầu quá.

1h30: Lại làm việc, lại xoay quanh vấn đề hội nhóm và động cơ của mình.

Mình đã nói: những gì mình làm là hoàn toàn không vụ lợi. Họ không tin mình đâu, bởi theo lời họ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức những người có sự nghiệp, học vấn, tiếng tăm đều bị danh vọng và quyền lực dẫn đường và thôi thúc. Họ cho rằng mình cũng như vậy thôi.

Hết một buổi chiều, mình đã trải qua ngày thứ hai xa gia đình.

16h00: Trong phòng giam, vẫn không có cháo, mình chỉ ăn được một muỗng cơm rồi thôi. Mình trao đổi với chị cùng phòng về cuộc sống, về ước mơ, về ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Chẳng hiểu chị có nghĩ được những gì mình nghĩ hay không, nhưng chị rất nhẹ nhàng với mình. Điều này làm mình giảm bớt lo lắng và thoải mái hơn.

Đêm ở trại giam thật yên tĩnh, không biết giờ này ở nhà Nấm làm gì nhỉ? Mọi người chắc là đang lo lắng và hốc hác đi vì mình.

Không dám nghĩ tiếp nữa.

Mình bắt đầu cầu nguyện, xin được bình an và tín thác mọi việc vào tay Chúa.

NGÀY J THỨ BA : 05/09/2009

7h30 :

Hôm nay, nếu mình nhớ không lầm là ngày khai giảng.

Có người đến đưa mình “đi cung”. Lần này mình được ra ngoài trại giam, về lại công an tỉnh.

Họ bắt đầu hỏi mình về mối quan hệ với báo chí, mình quen ai, ai là người đứng sau lưng mình bị bắt, ai trong gia đình là người sẽ thay mình trả lời phỏng vấn báo chí…??? Làm sao mình trả lời họ được khi chính mình đến giờ cũng không tin được là mình đã bị bắt, làm sao mình có sự chuẩn bị khi mình không hề nghĩ đến việc như thế này?

Họ hỏi mình về chị Hà Giang – phóng viên đài RFA – người đầu tiên thực hiện cuộc phỏng vấn lúc mình bị PA38 mời đi làm việc.

Họ hỏi mình về một người nào đó nói tiếng Pháp, làm cho RFI hay tổ chức nào đó. Mình không biết người này, mãi đến sau này mới phát hiện ra, họ đã nghe điện thoại của mình lúc mình rời công an tỉnh, và họ đã xóa toàn bộ những chi tiết này khi trao trả điện thoại cho mình.

Họ bảo : mình sẽ được gặp mẹ, gặp chồng và gặp Nấm, với điều kiện mình phải động viên gia đình không được trả lời báo chí nước ngoài.

Mình không đồng ý, bởi mình không biết chuyện gì đang xảy ra ngoài kia. Mình lại càng không muốn gặp Nấm lúc này, bởi nếu gặp con rồi phải quay trở lại trong trại giam, mình sẽ tạo ra một vết cắt thật sâu trong lòng con và cả trong lòng mình. Mình không chịu nổi điều này đâu.

Việc mình từ chối không gặp gia đình dường như khiến họ ngạc nhiên.

Có một người đã nói là mình khẳng khái. Mình không nghĩ là họ khen mình, bởi tiếp theo câu đó ông ấy nói rằng ông ấy nghĩ mình sẽ không hạnh phúc, bởi một người phụ nữ như mình thường rất khó có hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.

Họ khen chồng mình là một người hiền lành và hiếm có.

Họ khuyên mình nên làm tròn bổn phận của một người vợ.

Bổn phận ở đây là như thế nào nhỉ? Họ có sống cuộc sống của mình không? Có chăm sóc gia đình mình không? Họ là ai mà cho mình cái quyền quyết định thay cuộc sống của một người khác nhỉ??

Hạnh phúc tùy thuộc vào cảm quan và đánh giá của từng người, thế mới có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” chứ.

Mình đề nghị họ không nhắc đến gia đình mình, bởi đó là khía cạnh riêng tư.

Thật lòng là mình muốn nói cho họ biết, việc họ gửi giấy mời, tra hỏi chồng mình trước khi bắt giam mình cũng là một nguyên nhân khiến mình và chồng mình khó gần nhau hơn.

Họ có hỏi han đến việc ăn uống trong trại giam của mình, và họ tỏ vẻ bất ngờ vì mình không có chăn màn để ngủ, không có cháo để ăn theo yêu cầu.

Rồi họ giải thích là mỗi cơ quan có một cơ cấu và cách làm việc khác nhau.

Giờ thì mình bắt đầu hiểu ra cái cơ cấu đó, và mình chợt nghĩ đến việc phải nhìn những gì họ làm thay vì tin vào những gì họ nói.

Mình bắt đầu cân nhắc đến việc đối mặt với họ, bởi thực sự là mình không biết mình sẽ bị giam cho đến lúc nào.

16h00 :

Họ đưa mình trở lại trại giam. Chị ở chung phòng vẫn đang đợi cơm mình, vẫn chưa có cháo, và mình ăn được hơn nửa chén cơm. Có vẻ mình đã đỡ đau vì hai đêm gần đây đã ngủ được.

Mình nói chuyện với chị khá nhiều, nhưng mình nghĩ là chị sẽ không hiểu được những gì mình nói. Mình bắt đầu chỉ cho chị lý do mình phản đối sự có mặt của Trung Quốc ở Việt Nam từ việc chỉ ra sự gian dối và tàn ác khi những món hàng Trung Quốc đang âm thầm tàn phá sức khỏe của dân mình, khi nông sản của Trung Quốc tràn ngập thị trường làm phá giá và ảnh hưởng đến dân mình. Hai chị em đã nói chuyện rất nhiều, cuối cùng thì chị cũng đồng ý với mình là Trung Quốc nó ác.

Đêm ở trại giam sao mà dài dằng dặc. Ở nhà, mình chỉ cần ngồi máy tính một lúc là đã đến giờ ngủ, còn ở đây, mình nói chuyện, mình ngủ, mình giật mình vài lần mà trời vẫn chưa sáng.

Ngày thứ tư mình xa gia đình.

NGÀY J THỨ TƯ : 06/09/2009

7h30 :

Mình lại đi ra ngoài trại giam.

Họ lại nói với mình về việc gia đình trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

Mình thật sự mệt mỏi.

Họ nói mẹ mình khóc lóc van xin tha thiết. Có gì lạ đâu?? Mẹ mình chỉ có một mình mình, và mình là đứa cháu được cả nhà thương yêu.

Họ yêu cầu mình log in vào blog. Họ bảo : nếu mình không đưa password thì họ có cả một bộ phận để tìm ra pass, nhưng thôi, nếu mình tự nguyện đưa thì họ sẽ ghi nhận.

Mình thấy pass của blog chẳng có gì là quan trọng, thậm chí cả pass email cũng thế, bởi không có pass, thì mình cũng đã bị bắt, đằng nào chả vậy?

Lập cập mãi mà họ chẳng log in vào multiply của mình được.

Họ sử dụng đường truyền ADSL của VNPT, các trang vượt tường lửa cũng chậm rì, và họ bắt mình ngồi đợi.

Mình chỉ cho họ cách dùng Ultralsurf để vào cho lẹ.

Vào blog mình, họ không tìm được những thứ cần tìm. Có một người bạn nhảy vào phần instant message của multiply để chat với mình.

Họ hỏi mình cách mình thường chat, sau vài câu, tự dưng bạn kia im lặng, thế là họ cho rằng mình đã làm ám hiệu với bạn kia.

Niềm vui hiếm hoi trong ngày hôm nay khi tranh thủ liếc tin trong phần Inbox của blog là mình biết anh G. đã được thả.

Họ không cho mình đọc cụ thể tin này, nhưng với mình thế là đủ, bạn bè mình được tự do, niềm vui này cứ như một cơn gió thổi mát tâm trí mình.

Sau khi ăn trưa, họ tiếp tục nói chuyện với mình.

Họ tái khẳng định là mình bị dụ dỗ, lôi kéo, bởi mình đã bày tỏ tâm tư và những bức xúc của mình, của gia đình, của những người mình biết mình chứng kiến lên blog.

Họ cho rằng, mình không đánh giá, không lường hết được âm mưu sâu xa của nhóm Người Việt Yêu Nước khi phát triển kế hoạch in áo, phân phát áo và mặc áo.

Họ cho rằng việc mình in áo chỉ là bước đầu, từ 100 áo sẽ in thành 1000, hay 10000 áo, sẽ phân phát khắp các tỉnh thành, và đến một giờ G nào đó thì tất cả sẽ cùng mặc áo.

Họ đánh giá hành động này như một việc biểu tình, và sẽ khiến đất nước bị lộn xộn.

Cho đến giờ phút này họ vẫn chưa giải thích được cho mình vì sao chỉ có mặc áo mà đất nước lộn xộn.

Quả thật là khó hiểu.

Và mình cảm thấy hơi buồn cười vì họ cho rằng mình có động cơ chính trị hay những gì đại loại tương tự như thế.

15h00 : Họ đưa cho mình một tờ giấy trên đó có dòng chữ : Quyết định gia hạn tạm giữ (từ 15h ngày 06/09/2009 đến 15h ngày 9/09/2009).

Vậy là mình chắc chắn sẽ ở tù thêm ba ngày nữa.

Mình đón nhận tin này thật bình thản bởi mình không hề trông đợi hay hy vọng chuyện tốt đẹp hơn sẽ xảy ra.

Về lại trại giam, vẫn không có cháo, và mình dặn chị cùng phòng là đừng yêu cầu cháo cho mình nữa, bởi họ sẽ không nấu cháo như đã hứa.

Trời mưa, lạnh, mình không có chăn màn, và chị cùng phòng đã cho mình đắp chung mền.

Ngủ chập chờn bởi quá nhiều muỗi.

Mình nằm và suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong ngày hôm nay.

Mình không biết mình đã đúng hay sai khi chọn cách im lặng không đối kháng.

Mình chưa bao giờ trải qua cái cảm giác này, cô đơn và mệt mỏi.

Từ ngày đầu bị bắt đến giờ, mình chưa bao giờ thấy hối hận vì đã in áo và mặc áo.

Mình hối hận vì mình không cẩn thận, làm liên lụy bao nhiêu người. Hối hận vì mình cứ nghĩ là những việc mình làm đơn giản, không có tội, là cách thức bày tỏ ý chí và nguyện vọng của mình với đất nước.

Mình hối hận vì mình không nghiên cứu luật thật cẩn thận, hối hận vì đã suy nghĩ thật đơn giản. Nếu người ta muốn bắt mình, hẳn họ sẽ không bao giờ tin mọi chuyện đơn giản như vậy. Phải có âm mưu, có thế lực thù địch lôi kéo thì mới thành câu chuyện, nếu mình không đi theo hướng này, không biết bao giờ câu chuyện mới chấm dứt.

Thật sự lúc trở về phòng giam là lúc mình mệt mỏi nhất.

Ngày thứ năm mình xa gia đình.

NGÀY J THỨ NĂM : 07/09/2009

7h sáng:

Có một em trai là tù tự giác vào đưa phiếu thăm nuôi cho mình.

Vậy là chị cùng phòng với mình đã nói đúng, thứ Hai họ sẽ cho người nhà gửi đồ cho mình.

Mẹ gửi cho mình tiền, quần áo và đồ ăn.

Họ chỉ cho đem đồ ăn vô phòng còn tất cả gửi lại.

Mẹ có nhắn rằng mẹ yêu mình, mọi người tin mình.

Vậy là đủ.

Mình thấy rất bực bội vì tính đến hôm nay họ chỉ cho phép mình đem vào một bồ đồ duy nhất, và nó đang bốc mùi. Hôm kia và hôm qua mình đã xin thêm một bộ quần áo nữa, nhưng họ chưa cho.

Nếu có ai hỏi mình ở tù thế nào, có lẽ mình sẽ nói là không thấy khổ. Bởi nổi đau khổ lớn nhất là mất tự do đã phải gánh chịu, thì làm gì có sự đau khổ nào có thể lớn lao hơn nữa?

Thức ăn trong tù rất tệ, có lẽ nhờ vậy mình giảm cân nhanh, quần Jean đã rộng thấy rõ.

Mình không kịp nhận đồ đạc vì họ bảo mình phải ra ngoài công an tỉnh.

8h sáng :

Mình lại “đi cung”.

Lần này liên quan đến vịêc gia đình, họ muốn mình trình bày nguyên nhân từ những bài viết về Câu lạc bộ Thanh niên Vĩnh Hải trên blog – mối dây có thật liên kết mình và thế giới thông tin lề trái.

Mình không có hứng thú mấy, bởi họ nói sẽ đề đạt và xem xét. Lại thêm một lời hứa nữa trong muôn ngàn lời hứa.

Họ nói với mình rằng : sai phạm ở đâu sẽ sửa đổi ở đó, vấn đề là thời gian. Nói vậy thì có khác gì đâu, ai sai người đó sửa, đâu có một cơ quan hay đại diện nào chịu trách nhiệm thanh tra thật rốt ráo đâu? Nếu không có kỷ cương hay chế tài thì làm sao giải quyết được sai phạm?

Họ đổ lỗi cho những người dân oan bị lôi kéo, bị lợi dụng, nhưng họ có chịu bỏ thời gian ra để lắng nghe, để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những người đó không?

Một gia đình đang yên ấm, có nhà cửa, có công ăn việc làm nay phải nai lưng ra thuê lại chính nền nhà của mình để giữ xe kiếm sống? Cuộc sống, tương lai, ước mơ, hoài bão của những người trong gia đình đó sẽ đi đâu, về đâu?

Nhà nước, đảng, chính phủ có sống thử một ngày cuộc sống của họ chưa? Ai sẽ chịu trách nhiệm và trả lại quãng thời gian chờ đợi công lý được thực thi cho họ???

Tất cả những giải thích lòng vòng và ngụy biện của họ không thể phỉnh phờ được mình hơn nữa.

Lại nói đến việc ký thỉnh nguyện thư kêu gọi dừng dự án khai thác bauxite, họ nói rằng bao nhiêu người tham gia ký tên có ai hành động giống mình đâu? Họ quên rằng, không một con người nào giống con người nào. Mỗi người sẽ có con đường và hành động khác nhau khi thấy yêu cầu của mình không được đáp ứng. Họ nói : mình thật là dại dột. Ừ, mình chịu, mình cũng nghĩ như thế. Con người khác con vật ở chỗ có suy nghĩ và có ước mơ. Minh chấp nhận dại dột để được khác con vật. Mình xác định rằng, những việc mình đã làm mình phải chịu trách nhiệm, không được để ảnh hưởng đến bất kỳ người nào nữa.

Một ngày “đi cung” ở công an tỉnh trôi qua thật nhanh, mình mệt mỏi vì phải di chuyển.

16h00 :

Trở về phòng giam, mình ăn được một chén cơm vì có đồ ăn của gia đình gửi vào.

Sự thật không thể chối cãi là mình luôn tìm cách xóa nhòa hình ảnh của Nấm, của gia đình ra khỏi đầu mình trước mỗi giấc ngủ.

Mình muốn mình thật tỉnh táo khi họ buộc mình phải lựa chọn.

Họ luôn nhắc đến chồng mình, như một lời cảnh tỉnh, hạnh phúc của mình là chồng mình, và mình đang không biết cách nắm giữ hạnh phúc đó.

Có một điều tra viên đã hỏi mình “liệu có phải là mình có một người khác ngoài chồng mình không?” – Chả hiểu anh ta hỏi để làm gì, nhưng đó là một câu hỏi riêng tư và là một câu hỏi tế nhị. Người lịch sự sẽ chẳng bao giờ hỏi nhau câu này, huống chi mình và anh ta chẳng phải là bạn bè thân thiết. An ninh quốc gia liên quan đến cả tình yêu, tình ái???

NGÀY J THỨ SÁU : 8/09/2009

5h sáng :

Mình không tài nào ngủ được, mình thật sự không hiểu nổi, tại sao họ lại bắt mình?

Vì mình bị lôi kéo, bị dụ dỗ nên mình phải trả giá?

Hay vì họ nghĩ mình biết nhiều hơn họ tưởng?

Mình đoán rằng, ngoài kia, bạn bè mình không ai tin được rằng mình bị bắt.

Mình đã quá mệt mỏi vì việc phải di chuyển, và vì không có quần áo sạch để thay.

8h:

Lại “đi cung”, nhưng lần này ở lại trại tạm giam.

Trong các bản tường trình hôm qua và hôm nay, họ đề nghị mình dừng viết blog mẹ Nấm, không nói xấu chủ trương và chính sách của đảng, không đả kích các cơ quan an ninh nữa.

Mình thật sự không ngờ tới điều này, lại càng không ngờ hơn nữa khi sau này được biết, họ cũng đề nghị chồng mình viết cam kết y như thế.

11h30 : Ăn trưa, cơm thật khó nuốt, mình cố gắng ăn vì chị cùng phòng đã bảo, muốn ra ngoài thì phải đủ sức khỏe.

2h : Lại làm việc tiếp, nội dung lần này lại xoay quanh chiếc áo thun trắng cổ xanh, phía trước có dòng chữ “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Lê Dũng – người phát ngôn của bộ ngoại giao Việt Nam) bằng tiếng Anh. Sau lưng có dòng chữ mà mình rất thích : 2009 Invaded Vietnam Islands – Kill Vietnamese Fishermen / Shame on you – BEIJING – Shame on you. Cái áo này mình nhận được sau khi thấy ảnh anh G. đăng trên blog. Họ thu được cái áo này trong nhà riêng của mình. Mình rất thích và đã mặc cái áo này khá nhiều lần.

Họ nói họ thích cái áo đó, và nếu mình chưa mặc thì họ sẽ mặc.

Thật là ngụy biện, nếu cái áo đó không có tội, tại sao họ liên tục chất vấn mình nãy giờ về nó.

Và nếu thực sự họ muốn thế giới biết đến sự bành trướng xâm lược của Trung Quốc tại sao họ lại tịch thu cái áo đó của mình?? Nó có liên quan gì đến bauxite đâu? Có liên quan gì đến an ninh quốc gia đâu? Sao họ bắt mình chính tay viết lên đó??

Mình thảng thốt nhận ra rằng, họ đang triệt tiêu tinh thần phản kháng của mình.

Họ muốn người nhà mình nhận ra rằng, những hành động như mặc áo phản đối của mình là rắc rối, là có tội.

Thật là ngụy biện khi họ nói với mình rằng chính phủ đang ngày đêm khéo léo trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc để đấu tranh giành chủ quyền biển đảo.

Lẽ ra họ phải ủng hộ, khuyến khích phong trào mặc áo vì Hoàng Sa – Trường Sa của mình chứ???

NGÀY J THỨ BẢY : 9/09/2009

Hôm nay là ngày hết lệnh tạm giam thứ nhất của mình.

Chị cùng phòng nói rằng mình sẽ được thả vì mình không có tội.

Mình tin là mình không có tội, còn việc được thả hay không thì mình không nghĩ tới, bởi mình không muốn trông đợi vào bất cứ điều gì.

Hôm nay mình được gặp chồng mình, vì họ gọi lên chứng kiến việc kiểm tra máy vi tính.

Họ tịch thu ở nhà mình hai cái máy vi tính và một số băng đĩa, đồ đạc cá nhân.

Mất vài tiếng để kiểm tra, và họ không tìm thấy gì trong máy tính của mình.

Mình cũng quen với việc bị niêm phong và lục soát tài liệu trên máy tính, sau lần làm việc với PA38.

Lại hỏi, lại nhắc lại, lại xoay quanh ý thức và nhận định.

Mình xác định là trôi theo dòng nước, mình nhận những gì mình đã làm và hy vọng là nó sẽ không ảnh hưởng gì đến ai.

Ăn trưa, chồng về đi làm, mình thấy lòng thật bình thản, bởi mình xác định việc mình là tự do và ý chí của mình, không liên quan đến chồng hay bất kỳ người nào trong gia đình mình cho nên mình không muốn để cảm giác lưu luyến nó đè bẹp mọi suy nghĩ cá nhân.

Đằng nào thì mình cũng bị bắt rồi, tính tới tính lui cũng chỉ là thiệt hại, vậy tại sao phải tính toán làm gì cho mệt đầu?

15h20 :

Họ đưa cho mình tiếp một tờ giấy khác : Quyết định gia hạn tạm giữ lần 2 – từ 15h00 ngày 9/09/2009 đến 15h00 ngày 12/09/2009.

Mình nhẩm tính, vậy là cũng y chang như anh G. Có lẽ mình sẽ bị giam giữ lâu hơn 9 ngày.

Không buồn cũng chẳng vui.

Mình trở về trại giam trong tinh thần đã được chuẩn bị sẵn.

Có vài người mặc đồ công an nhìn mình theo kiểu dò xét, mình nhìn thẳng vào mắt họ, tại sao mình phải sợ họ khi mình không làm điều gì sai trái?

Mình ngạc nhiên vì phản ứng này của bản thân. Có lẽ mình đang chai lỳ.

NGÀY J THỨ TÁM : 10/09/2009

Trời đã sáng, mình không biết là mấy giờ, và cả khoảng thời gian mà mình đánh dấu cho những ngày trên cũng là ước lượng chứ không chính xác.

Mình suy nghĩ mãi về việc có người đã hỏi mình “Tại sao mà mình thù ghét công an đến vậy?” – Có lẽ họ tự rút ra kết luận đó sau khi đọc bài viết của mình.

Mình cũng chẳng buồn tranh luận nữa.

Sự thật là mình không thù ghét họ, bởi mỗi người có một công việc, và tính chất của công việc phụ thuộc vào đặc thù của nó. Họ làm vì cuộc sống, vì quyền lợi, vì mục tiêu cuộc đời của họ. Làm sao có thể thù ghét những thứ có nguồn gốc, có cội rễ sâu xa như vậy. Mình đồng ý với một người trong số họ khi ông ta cho rằng “tôi theo cách mạng từ bé, nên tôi không chấp nhận ai nói xấu cách mạng”. Đó là lý tưởng, và phàm đã là người phải sống có lý tưởng. Tuy nhiên, mình biết chắc rằng, ông ấy sẽ không lý giải được cho mình những góc khuất của lịch sử, những sự thật mà người ta buộc phải che giấu vì quyền lợi cá nhân của những người thắng cuộc.

Lịch sử phải được nhìn nhận bằng sự thật, dù có đau thương, mất mát hay uất hận thì cũng phải viết lại lịch sử bằng sự chân thật vốn có của nó.

Che giấu, bẻ cong lịch sử nhằm phục vụ mưu đồ chính trị là tội ác, là cách cư xử của những người tiểu nhân.

Mà đã là tiểu nhân thì không thể lãnh đạo được dân tộc.

8h:

Họ đưa mình đi lăn tay và chụp hình. Mình ngạc nhiên và thắc mắc vì mình đang bị tạm giữ. Và họ giải thích rằng theo quy định của trại giam họ buộc phải làm thế.

Cán bộ trại giam một lần nữa khẳng định : mình thật là dại dột, mình đã tự bôi đen vào lý lịch của mình.

8h30 :

Lại đi cung.

Họ muốn mình viết lại bản tường trình, vì theo họ bản hôm qua mình viết chưa thuyết phục lắm, viết ngắn quá.

Ừ thì viết, đằng nào mà mình chẳng đang ở trong tù, viết thêm một bản tường trình nữa thì chắc tội cũng chẳng nặng thêm mấy.

Có ba điều mình phải xác định là :

1- Mình bị lôi kéo, lợi dụng.

2- Mình chủ quan, không tìm hiểu.

3- Cam kết không viết blog nữa.

Trong đầu mình cứ lấn cấn hoài chuyện không viết blog, buồn nhỉ!

Buổi chiều mình được họ cho phép gặp gia đình, là mẹ và chồng, mình dứt khoát không gặp Nấm, bởi mình biết, nếu nhìn thấy con lúc này, cái vỏ bọc cứng rắn của mình sẽ bị sụp đổ, mình sẽ đau đớn hơn bao giờ hết khi nhìn vào mắt con.

Gặp mẹ, cảm giác tội lỗi lại dâng lên trong lòng, nó như con quái vật tồn tại ngay trong lòng mình hằng đêm và giờ đây là lúc nó trỗi dậy tàn phá cơ thể mình, tàn phá tinh thần mình.

Mình muốn mẹ biết mình khỏe, mình ổn.

Chỉ vậy thôi.

Trở về phòng giam, mình yêu cầu được đem thêm quần áo vào, họ không cho. Tính đến hôm nay, ngày thứ 8 trong tù, mình có hai bộ đồ để thay đổi.

NGÀY J THỨ CHÍN : 11/09/2009

7h:

Lại ra ngoài công an tỉnh đi cung.

Hôm nay không tra hỏi, chỉ nói chuyện và làm công tác tư tưởng.

Họ đề nghị mình đọc bản tường trình để quay phim, và mình không cầm giấy đọc, họ sẽ ngồi phía bên kia bàn để cầm giúp mình.

Họ yêu cầu mình đọc chậm và thật tự nhiên.

Mình cũng cố hết sức để hợp tác.

Tự nhiên trong lúc đọc, mình nghĩ đến anh Định, nghĩ đến Trung, mình hiểu cảm giác mà họ đã trải qua.

Mình xác định là mình không có con đường, không có lý tưởng để đấu tranh, nhưng những khó khăn mà mình phải đối mặt và trải qua những ngày gần đây thật là khủng khiếp.

Mình hiểu, họ chắc hẳn đã rất khó khăn để đi đến quyết định cuối cùng.

Một điều lạ lùng là những ngày gần đây, mình không thấy mệt mỏi với không khí trong phòng giam nữa.

Có vẻ như mình đã chấp nhận sự thật là mình đang ở trong tù.

Mình thấy bình thản và yên ổn hơn những ngày trước rất nhiều.

Trong phòng giam, đêm thật dài, ngày mai là ngày hết hạn tạm giữ. Chắc hẳn họ sẽ đưa thêm một cái lệnh nào đó, chị cùng phòng nói rằng, hết hai lệnh tạm giữ là đến lệnh tạm giam, ngày mai mình nhất định được thả. Mình đâu có tội gì đâu.

Mình không muốn nghĩ đến điều này, bởi mình không thích suy đoán.

Mình tập trung tinh thần vào việc tự an ủi mình học cách chấp nhận việc sẽ xảy ra.

Ngày mai, dù có thế nào đi nữa thì mình vẫn sẽ vui vẻ chấp nhận.

Và ngày mai, nhất định mình phải yêu cầu gặp gia đình để hỏi về vấn đề luật sư.

Mình sẽ phản kháng vào ngày mai.

NGÀY J THỨ MƯỜI : 12/09/2009

Trời mờ sáng, mình không ngủ được nên dậy và bắt đầu đi lại.

Mình ngồi và bắt đầu suy ngẫm lời Chúa.

Mình cầu nguyện và tin rằng dù gánh có nặng thế nào đi nữa thì Chúa cũng sẽ không bỏ rơi mình.

Mình thấy mình tự tin đến lạ

Trời trưa, im ắng, hôm nay ngày đầu tiên không đi cung.

Chị lại an ủi mình, rằng em sẽ được thả vì em không có tội.

Mình thấy thương chị quá, những ngày qua nếu không có chị, có lẽ sẽ rất khó khăn.

Hai chị em bắt đầu ăn trưa với nhau, mấy bạn phòng bên cũng hỏi thăm về mình.

Thật là kỳ lạ, họ không ghét mình, mà xét cho cùng thì mình cũng đâu có làm gì tội lỗi với họ.

Chị hỏi mình rằng “ra tù em có phản đối Trung Quốc” nữa không?

Mình nhắc lại rằng : em sẽ phản đối đến cùng, cả việc khai thác bauxite nữa.

Nếu nhà nước không cho phản đối thì sáng nào thức dậy em cũng sẽ nhìn vô gương để tự nhắc mình rằng em không đồng ý với điều đó.

Vậy thì em sẽ bị bắt dài dài.

Có lẽ là như vậy thật.

Ngày hôm nay sao quá dài, mình đếm từng vạt nắng trên ô thông gió và nằm đoán giờ.

14h20 :

Cửa mở, và có người yêu cầu mình mang đồ ra.

Hai chị em chỉ kịp ôm nhau thật chặt mà không kịp nói gì.

Chị xiết tay mình.

Ra ngoài đã có sẵn hai người đứng chờ mình, họ đợi mình làm thủ tục lấy đồ đạc và tiền ký gửi. Mình nhận lại mọi thứ mà không buồn kiểm tra.

Mình không tin là họ thả mình, lỡ họ đem mình qua chỗ khác nhốt thì sao?

Đừng vui mừng quá sớm, phải tỉnh thức.

Hai người đi xe máy chở mình về đến công an tỉnh.

Họ gọi mẹ mình đến và đưa quyết định trả tự do.

Họ nhắc nhở mình về chuyện viết lách và tham gia hội nhóm.

Mình chả thấy vui sướng hay mừng rỡ gì cả.

Mình ngạc nhiên vì lúc bị bắt mình không tin đó là sự thật và bây giờ khi được trả tự do mình cũng lại một phen ngỡ ngàng nữa.

Cứ như một trò chơi vậy đó.

Vậy là mình đã tự do sau 9 đêm 10 ngày trong tù.

Mẹ vui mừng đến chảy nước mắt.

Hai mẹ con ra về và ghé nhà thờ cầu nguyện.

Mọi người vui mừng, gia đình vui mừng, lại có người hàng xóm chảy nước mắt khi ôm lấy mình.

Họ thực sự khiến mình tin rằng mình không có tội.

Mình ôm Nấm trong lòng và cảm xúc vỡ òa.

Mình biết tình yêu mình dành cho con lớn lao lắm, chỉ có nghĩ đến con, đến tương lai của con mình mới có đủ tỉnh táo và can đảm như lúc này.

Vậy là mình đã tự do.

——————–

Giờ đây, ngồi trước máy vi tính để gõ lại những dòng này, mình không thể nào hiểu nổi được hai chữ tự do trong “quyết định trao trả tự do” mà mình được nhận.

Tự do là quyền hiến định của con người, đâu phải là thứ tự do được ban phát???

Tự do nếu được ban phát cho con người có khác nào thứ tự do giành cho những con chim trong lồng kiểng kia? Tự do có hạn định???

Nếu mình có tự do, tại sao mình phải ứa nước mắt, khi viết bức thư chia tay bạn bè blog?

Nếu mình có tự do lựa chọn sao mình phải bật khóc khi tuyên bố mình rút lui khỏi cuộc chơi?

Nếu mình có tự do tại sao mình lại cảm thấy uất ức và nghẹn đắng?

Mình đã trải qua những giây phút thật khó khăn và kinh khủng trong cuộc đời dù muốn hay không thì nó cũng sẽ theo mình hết quãng đời còn lại.

Vì vậy mình sẽ phải ghi nhớ “những ngày J yêu dấu” này – những ngày đánh dấu sự trưởng thành trong nhận thức của mình.

Hết.

12 THÁNG ANH ĐI