28 thg 11, 2010

Thành Cát Tư Hãn Và Con Chim Ưng


Margaret Jull Costa / Hoàng Ngọc Trâm (dịch)

Buổi sáng nọ, một chiến sĩ Mông-Cổ, Thành Cát Tư Hãn, và các thuộc hạ của ông đi săn. Những người cùng đi với ông mang theo cung tên, nhưng Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông con chim ưng mà ông yêu thích: nó sẽ bắt mồi nhanh hơn và chính xác hơn bất cứ mũi tên nào, bởi vì nó có thể bay vút lên trời cao và nhìn thấy mọi vật mà con người không thể thấy.

Tuy nhiên, mặc cho mọi cố gắng nhiệt tình của họ, họ vẫn không thể tìm thấy gì cả. Thất vọng, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, và để khỏi phải cáu kỉnh với đám thuộc hạ, ông rời nhóm, cỡi ngựa đi một mình. Họ đã ở lại trong rừng lâu hơn dự tính, và Thành Cát Tư Hãn cảm thấy vô cùng mệt mỏi và khát nước. Trong sức nóng của mùa hè, mọi dòng suối đều khô cạn, và ông không tìm được nước để uống. Thế rồi, hết sức ngạc nhiên, ông nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt ông.

Ông nhấc con chim ưng ra khỏi cánh tay, và lấy ra chiếc cốc bằng bạc mà lúc nào ông cũng mang theo bên mình. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc và, ngay lúc ông đưa chiếc cốc lên môi mình, con chim ưng bay lên và giật chiếc cốc từ tay ông rồi ném nó xuống đất.

Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu thích nên ông cho rằng có lẽ nó cũng khát nước. Ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên, lau sạch bụi đất, và lại hứng nước vào cốc. Lần này, khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công và làm đổ nước lần nữa.

Thành Cát Tư Hãn rất quý con chim, nhưng ông không thể chấp nhận sự vô lễ như thế trong bất cứ hoàn cảnh nào; không chừng có ai đó nhìn thấy cảnh này từ xa và, sau đó, sẽ kể lại cho các chiến binh của ông rằng một nhà chinh phục vĩ đại mà lại không thể thuần hoá nổi chỉ một con chim.

Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim.

Tuy nhiên, dòng nước kia cũng đã khô cạn; và Thành Cát Tư Hãn quyết định tìm một cái gì đó để uống, ông leo lên tảng đá để tìm nguồn suối. Ông kinh ngạc khi thấy quả nhiên có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nguy hiểm nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi.

Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, ôm theo xác chết của con chim ưng. Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ:

Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh.

Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ:

Bất cứ hành động nào được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại.

24 thg 11, 2010

Khi người ta gọi bác của tôi, ba tôi và anh tôi là "giặc"

Đặng Bình Diễm Chi

Trước giờ vẫn nghe câu "Thắng làm vua, thua làm giặc" và "Kẻ thắng viết nên lịch sử", nhưng chưa từng thấm thía nó như lúc này!

Ngày còn cắp sách đến trường, mỗi thứ hai đứng chào dưới cờ tổ quốc, gào lên cùng lũ bạn "...cờ in máu chiến thắng" mà không biết rằng lá cờ ấy cũng có thấm máu của người thân mình, những dòng máu bị rẻ khinh, không được thừa nhận!

Khi người ta cố nhồi nhét hình ảnh về một đấng lãnh tụ vĩ đại, toàn năng vào đầu óc non trẻ của tôi, tôi đã không kháng cự, chỉ đôi lúc tự hỏi một cách lén lút "Thật là có con người như thánh sống thế ư?". Bởi vì đôi khi những gì họ nói trước sau bất nhất. Họ chẳng bảo "Không có gì tuyệt đối và toàn vẹn" đấy sao? Hay có ngoại lệ?

Ngày đó ngây thơ đến mức nằm trong phòng đọc bài học lịch sử oang oang, không ngừng mắng chửi "ngụy", "tay sai", mà không nhớ rằng ba mình từng khoác áo lính của Việt Nam Cộng Hòa!

Khi người ta dạy cho tôi phỉ báng những người lính "ngụy", coi khinh họ như nhưng kẻ không có lương tâm, những kẻ bán rẻ tổ quốc, những con người máu lạnh, giết người không gớm tay.

Thì tôi, đã thấy những người lính sa cơ ấy rất hiền lành, là những người cha, người chồng mẫu mực, những người nông dân không ngại vất vả ngoài đồng.

Thì tôi, thấy trong ánh mắt họ một nỗi đau bất lực vì không bảo vệ được tổ quốc của mình!

Thì tôi, thấy họ loay hoay tìm cho gia đình mình một con đường tươi sáng khác để đi. Họ không ngồi đó và khóc cho một quá khứ tươi đẹp đã mất, đã bị cướp mất!

Tôi đã thấy họ dạy con họ yêu tổ quốc, yêu cội nguồn, và trân trọng tình thân! (xin đừng đánh đồng như cái cách người ta đang giả vờ tự lừa dối nhau, tổ quốc không bao giờ nên hiểu là "người chiến thắng", và "người chiến thắng" cũng không phải là tổ quốc, nếu như hôm nay tôi nói tôi chẳng có chút cảm tình nào đối với "người chiến thắng" thì không có nghĩa là tôi không yêu đất nước của tôi).

Tôi đã thấy họ tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi đất khách, nhưng cái nhìn của họ vẫn hướng về nơi này một cách khắc khoải. Bởi lẽ, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp họ đã bị đẩy đi xa quá xa nơi họ được sinh ra và lớn lên, nơi còn có những người thân còn ở lại! Họ có thể trở về, nhưng họ sẽ không trở về, tôi biết thế, không phải vì họ chê cố hương nghèo khó!

Khi người ta nói họ là những kẻ "vong quốc", tôi sẽ lắc đầu bảo rằng không phải, họ là những người "vọng quốc" (luôn luôn hoài vọng về tổ quốc của mình).

Khi người ta bảo rằng họ ở bên kia bờ biển đang tìm mọi cách phá hoại an ninh quốc gia, thì tôi lại tin rằng, họ đã bày tỏ một nỗi thất vọng khôn xiết về cách "trị quốc" của "kẻ thắng", họ đang bày tỏ niềm xót thương với những số phận đang ngày ngày tìm đến nhau trong niềm an ủi và hi vọng, dù là nhỏ nhoi. Họ đang cất lên tiếng nói giúp những những người mà họ nghĩ rằng "thấp cổ bé họng".

Không có triều đại nào vĩnh viễn, thì sao cứ mãi lừa mị nhau về cái gọi là "muôn năm"?

Khi người ta gọi bác tôi, ba tôi và anh tôi là "giặc" thì tôi vẫn cứ tự hào về họ, những người đàn ông Việt Nam đúng nghĩa!

Khi người ta gọi họ là "ngụy" thì tôi vẫn vô cùng kính trọng và yêu thương họ!

Bản chất không nằm ở tên gọi và lịch sử cũng không thuộc về kẻ chiến thắng!

Tôi sẽ ngẩng cao đầu vì là cháu, con và em của họ!

Nguồn : Facebook em Đặng Bình Diễm Chi

23 thg 11, 2010

Ủy viên Bộ Chính Trị: Ông là ai?

Nangchangchang

Hiện nay, tổ chức có quyền lực nhất của đa số các nước trên thế giới là Quốc hội. Quốc hội là cơ quan lập pháp, ngoài ra còn giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của nhà nước (gồm hành pháp và tư pháp). Tuy vậy, tại một số quốc gia cũng có Quốc hội nhưng quyền lực của nó không phải là tối cao. Ví dụ ở Việt Nam, quyền lực nằm trong tay của đảng cộng sản độc quyền toàn trị. Đảng lập ra cơ quan chóp bu gọi là Ban Chấp hành Trung ương, trong đó đầu não là Bộ Chính Trị.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo gần như mọi mặt đời sống xã hội, mọi chủ trương chính sách, từ đối ngoại đến đối nội đều xuất phát từ đây. Sau khi các nghị quyết của đảng được ban hành thì Quốc hội mới tổ chức họp, copy nghị quyết của đảng, người đọc kẻ dò chính tả và sau đó phát hành nghị quyết đóng dấu quốc hội để cho toàn dân thi hành.

Lịch sử Việt Nam thời sau 1945 chứng minh rằng, chỉ một hoặc vài câu trong nghị quyết của đảng (tuy rằng còn rất mơ hồ) là đã trở thành một chủ trương lớn của nhà nước, của chính phủ. Ngược lại, khi chính phủ ban hành một kế hoạch, chính sách mới mà gặp sự phản đối thì cứ vin vào lý do cụ thể hóa đường lối của đảng thì mọi chuyện gần như được giải quyết êm xuôi. Dù rằng, các cá nhân phản đối là những chính khách, nhà khoa học, nhà kinh tế rất nổi tiếng, nhưng khi đụng phải nghị quyết của đảng, của Bộ Chính Trị thì tất cả đều mặc nhiên gục đầu ngoan ngoãn im lặng, dẫu ai cũng biết rằng cái nghị quyết đó có nhiều điều rất vô lý.

Trở lại hai vấn đề nổi cộm của Việt Nam gần đây là bô-xít Tây Nguyên và đường sắt cao tốc bắc – nam. Dự án bô-xít Tây Nguyên bị các tầng lớp nhân dân phản đối đợt đầu tiên cách đây hơn hai năm, nhưng chính phủ tuyên bố đây là chủ trương của Bộ Chính Trị nên vẫn tiếp tục triển khai dự án. Khi hồ chứa bùn đỏ ở Hungary bị vỡ, dự án này lại dấy lên làn sóng phải đối lần thứ hai. Các vị từ chủ đầu tư TKV, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương vẫn tuyên bố xanh rờn đây là chủ trương của Bộ Chính Trị nên không thể dừng dự án. Đối với đường sắt cao tốc bắc – nam, lần đầu tiên Quốc hội bỏ phiếu phủ quyết đề án này. Tuy nhiên, gần đây nó lại xuất hiện trong văn kiện dự thảo của đảng, nếu được thông qua trong đại hội sắp tới thì chỉ cần Bộ Chính Trị ra nghị quyết là dự án sẽ tiến triển rất nhanh chóng.

Tại sao nghị quyết của Bộ Chính trị lại có quyền năng lớn đến vậy? Ai lập nên các nghị quyết “cao siêu” đó? Xin thưa: về lý thuyết đó là các ủy viên Bộ Chính Trị. Chúng ta thử liệt kê danh tánh các Uỷ viên Bộ Chính Trị đương nhiệm khóa X:

(Bấm kép vào tấm hình để xem lớn hơn)

Danh sách Uỷ Viên Bộ Chính Trị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Khoá X (2006-2011)
Nguồn: wikipedia.org
1. Nông Đức Mạnh
2. Trương Tấn Sang
3. Nguyễn Phú Trọng
4. Nguyễn Tấn Dũng
5. Nguyễn Minh Triết
6. Lê Hồng Anh
7. Phạm Gia Khiêm
8. Phùng Quang Thanh
9. Trương Vĩnh Trọng
10. Lê Thanh Hải
11. Nguyễn Sinh Hùng
12. Nguyễn Văn Chi
13. Hồ Đức Việt
14. Phạm Quang Nghị
15. Tô Huy Rứa

Hãy nhìn vào danh sách ở trên và hỏi: Ủy viên Bộ Chính trị, các ông là ai?

(Bấm kép vào tấm hình để xem lớn hơn)

Ủy viên Bộ Chính trị, các ông là ai?

Khẳng định đầu tiên: Các ông không phải là thần thánh (cộng sản là vô thần mà). Các ông là những con người trần thế cụ thể. Các ông được sinh ra như bao người khác. Các ông được cha mẹ nuôi nấng, lớn lên, học được một tí chữ, đi làm cách mạng, học tại chức lấy bằng đại học – tiến sĩ, sau đó làm quan, hàng tháng lãnh lương, định kỳ lãnh quà cáp, rồi về già chết đi cũng thành cát bụi mà thôi.

Khẳng định thứ hai: Các ông không phải vua chúa, mà cũng chẳng phải quan lại thượng thư của triều đình phong kiến (triều đình ấy các ông đạp đổ cách đây hơn nửa thế kỷ rồi). Các ông là quan cộng sản thời hiện đại, do đảng viên của đảng các ông “bầu” nên.

Khẳng định thứ ba: Các ông không phải là cán bộ tiền khởi nghĩa, không phải khai quốc công thần. Với đảng Cộng sản Việt Nam thì các ông là những kẻ hậu sinh, đóng góp của các ông là vô cùng nhỏ trong dòng thác cách mạng của họ. Các tầng lớp tiền bối của đảng đã tốn bao nhiêu công sức, xây dựng nên chế độ này, mâm cỗ đã dọn sẳn, các ông chỉ ung dung tiếp quản, ngồi vào bàn và “xơi” mà thôi.

Khẳng định thứ tư: Các ông có trình độ học vấn cũng thường thường như bao người khác. Theo lí lịch trích ngang thì 9/15 ông có trình độ đại học, 6/15 ông có trình độ tiến sĩ. Nếu xét về học vấn thì các ông chỉ là hạt cát trong giới trí thức đông đảo của nước Việt. Tuy nhiên, khi nhìn vào quá trình công tác thì không hiểu một số ông đi học bằng cách nào, thời gian nào để học, thời gian nào dành cho công tác. Nếu đi học chính quy ngay ngắn, thì mất 4-5 năm mới lấy bằng đại học, 4-5 năm làm tiến sĩ. Đã đi học thì không thể công tác, vậy chẳng hiểu tại sao thời gian đi học đó lại được ghi là thời gian cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, thời gian đi học đó lại được lãnh lương, lại được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội – y tế?

Khẳng định thứ năm: Các ông không có tài năng đặc biệt. Đối với các chính trị gia, tài năng của họ thường được biểu hiện qua công việc họ làm hàng ngày và được soi xét khá kỹ qua truyền thông đại chúng. Với các ông, ngoại trừ những việc thể hiện trong bóng tối, bí mật mà dân chúng chưa được biết, còn những gì diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật thì tài năng của các vị chỉ ở mức trung bình của xã hội. Hãy nhìn “tứ trụ triều đình” sô diễn cũng đủ để quy nạp cho các vị còn lại. Về đối nội, đi tới đâu “tứ trụ” cũng rao mãi cụm từ đã dùng hàng chục năm nay “trồng cây gì? nuôi con gì?”. Về đối ngoại, dù đi thăm quốc gia nào cũng ca “quan hệ kinh tế chưa tương xứng với quan hệ chính trị” v.v. Do ngoại ngữ yếu kém, nên khi đi bên cạnh nguyên thủ các quốc gia khác thấy các ông lóng ngóng mà dân Việt cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng. Đã vậy, khi phát biểu thì lộng ngôn, diễn văn được soạn sẵn cho các ông đọc thì không sao, nhưng nếu các ông trổ tài hùng biện thì ôi thôi, hoặc là không ai hiểu ý các ông định nói gì, hoặc là chỉ ôm bụng cười mà thôi.

Khẳng định thứ sáu: Các ông cũng không được can thiệp hoặc cấy ghép các yếu tố sinh học để có thể gây đột biến gen trở thành “siêu nhân”. Trong hồ sơ của các ông không có thông tin nào đề cập đến điều này.

Khẳng định thứ bảy: Các ông không phải là vô sản, các ông cũng có gia đình, con cái học hành đỗ đạt, làm quan to, giàu có cả, không ai nghèo. Các ông đều là triệu phú đô la, dầu rằng tiền lương thực nhận của các ông cũng thấp, người cao nhất hưởng hệ số lương 13 (13 x 750.000đ = 9.750.000 đ/tháng). Chẳng biết các ông tích tụ tư bản bằng cách nào? Giả sử có được bản kê khai tài sản minh bạch thì chắc có lẽ nhiều người dân nước Việt sẽ bị sốc nặng về sự giàu có của các ông.

Nói tóm lại là:
1. Các ông không phải thần thánh: nên các ông không thể có quyền lực vô hình.

2. Các ông không phải vua chúa phong kiến: nên các ông không thể có quyền lực hữu hình mặc định của xã hội trình độ thấp.

3. Các ông không phải các bộ tiền khởi nghĩa, khai quốc công thần nên các ông không thể có quyền lực của sự kính trọng.

4. Các ông không có học vấn cao siêu nên các ông không có quyền lực của sự cả nể.

5. Các ông không có tài năng xuất chúng nên các ông không có quyền lực của sự kính nể.

6. Các ông không có đột biến gen để thành siêu nhân nên các ông không có quyền lực của sự khiếp sợ.

7. Các ông không phải vô sản, các ông có gia đình hạnh phúc giàu có nên các ông không có sự vô tư tuyệt đối khi ban hành các quyết sách (“tiểu nhân” có thể can thiệp vào công việc của các ông).

Với bảy khẳng định nêu trên đối chiếu vào 15 vị ủy viên Bộ chính trị khóa X sao lại thấy xót xa cho nước Việt. Mang danh là bộ tham mưu tối cao ban hành, nhưng các nghị quyết của đảng xa rời thực tế cuộc sống, đi ngược lại lợi ích người dân và của dân tộc, vậy mà người Việt buộc phải răm rắp tuân theo.

Thực sự các ông chỉ được mã bề ngoài, làm sao những con người này lại làm nên các nghị quyết của đảng được. Tại sao lại nói như thế? Vậy ai là người làm nên các nghị quyết đó?

Xin thưa, đó là các tập đoàn lợi ích đứng sau đảng. Họ có thể là đảng viên và cũng có thể là người ngoài đảng. Họ trốn trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân, hoặc của nước ngoài. Họ hiện diện ở các văn phòng trung ương đảng, quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ; các cơ quan tham mưa cấp bộ, cấp ngành. Ai muốn gặp lãnh đạo cao cấp thì phải thông qua họ, nộp “lệ phí”, họ chấp thuận thì được vào yết kiến, nếu không thì xách dép ra về. Họ cho phép công văn, thư từ đến đúng địa chỉ người nhận hay vào sọt rác. Họ thêm thắt, biến hóa từ ngữ trong các nghị quyết của đảng nhằm mang lại lợi ích cho một nhóm người nào đó.

Họ tiếp cận cán bộ từ cấp cao nhất đến công chức cấp thấp. Chúng ta còn nhớ, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải từng thổ lộ rằng một tập đoàn xây dựng Trung Quốc vào tận văn phòng chính phủ để đề xuất làm sân vận động quốc gia Mỹ Đình khiến cựu Thủ tướng “bối rối”. Ngay cả cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiết lộ, có cá nhân vào gặp ông khi về bỏ lại bì thơ 5000 đô la trên bàn làm việc. Họ tới chúc tết ông Lê Khả Phiêu, chụp hình dinh cơ, vườn “rau sạch” nhà ông rồi tung lên mạng internet. Thử hỏi họ coi các ông ra gì? Các bộ ngành họp đánh giá tổng kết hiệu quả kinh tế của nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhưng ông chủ tịch tập đoàn PETROVIETNAM quát rằng “các ông đến để nghe, chứ không đến để bàn thảo” thế là tất cả im phăng phắc, nhận phong bì ra về.

Các tập đoàn lợi ích này can thiệp rất sâu vào việc soạn thảo đường lối, quyết sách lớn của đảng cho đến đến các văn bản cấp thấp hơn như bộ-ban-ngành, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của mọi giai tầng trong xã hội. Ở cấp cao, họ lũng đoạn Quốc hội, chính phủ để thông qua kế hoạch phá hội trường Ba Đình để xây mới, mở rộng thành phố Hà Nội, họ vẽ ra hàng trăm chương trình cấp nhà nước để họ thâu tóm các khoản chi ngân sách có giá hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tỷ đồng. Họ can thiệp vào quy hoạch phát triển các vùng, quy hoạch đô thị, họ còn quyết cả quy hoạch chiến lược phát triển ngành nghề. Bộ công thương đề xuất lộ trình thị trường hóa ngành điện nhưng ông EVN bác là kế hoạch đó rơi vào quên lãng. Hãy nhìn Vinashin, 4 năm đốt hết hơn 5 tỷ đô la, vậy mà không ai biết, không ai trong Bộ Chính Trị dám hó hé lên tiếng trong thời gian quá dài, đợi đến khi “tập đoàn” này tan vỡ, mới hùng hồn tuyên bố “xử lý” v.v. Ở tầm thấp hơn, họ còn thò vòi bạch tuộc để thực thi những vụ việc đáng gọi là “vô liêm sĩ” như hạn chế xe ba gác. Bà con nghèo tích cóp mua được xe ba gác máy, họ phán một câu là bà con dẹp ngay xe ba gác của mình, phải mua xe ba gác Tàu, hoặc họ cho vay tiền mua xe ô tô vận tải nhỏ. Đã qua hai năm từ ngày chính sách nọ có hiệu lực, các ông hãy ra đường nhìn xem các xe ba gác Tàu nó hoạt động như thế nào, bây giờ nó còn tệ hơn cái ba gác ngày xưa của họ mà các ông bắt dẹp đi. Người dân nào bị lừa mua ô tô tải nhỏ thì giờ làm quần quật không đủ trả lãi ngân hàng.

Chính các tập đoàn lợi ích này đã biến các ông ủy viên Bộ Chính Trị thành những con rối trên sân khấu chính trị nước Việt hiện tại mà thôi. Họ lợi dụng sự “ngây thơ” của các ông để thao túng chính sách và trục lợi trên thân người dân Việt.

Thực ra, các ông có gì đâu ngoài cái “xác phàm” ấy. Nguyên thủ các nước sau một nhiệm kỳ là thần sắc thay đổi hẳn, đầu kỳ trai tráng, cuối kỳ xác xơ. Còn các ông thì ngược lại, đầu kỳ vàng vọt, cuối kỳ bảnh bao béo tốt, gần bảy chục tuổi hết mà không thấy một sợi tóc bạc trên đầu (ngoại trừ 2 ông), mái tóc lúc nào cũng đen nhánh, chải chuốt, xịt keo bóng mượt. Chẳng biết có phải các ông “hồi xuân” do bổng lộc quá nhiều hay do nhuộm tóc đen thành “trai tráng phong độ”. Nhưng phong độ để mà làm gì? để “đú đởn” với ai?

Vậy mà bao nhiêu năm trời 86 triệu dân lại ngoan ngoãn phục tùng “chiếu chỉ” của các ông mà không hiểu tại sao? động cơ nào?

Ủy viên Bộ Chính Trị là tinh hoa hay đại họa của nước Việt?

Nangchangchang
Sài Gòn, tháng 11/2010
Nguồn: Blog DanLamBao

Một bài viết không có tựa

Joyce Anne Nguyen

Có đôi khi suy nghĩ, tôi chợt cảm thấy có lẽ mình nên bỏ tất cả. Bỏ tất cả việc viết lách này. Có rất nhiều lý do để tôi không nên tiếp tục viết.
Tôi 16 tuổi, ở tuổi này như những người đồng trang lứa tôi nên chú tâm học hành và có những mối quan tâm phù hợp với lứa tuổi.

Tôi không bị ép buộc phải lên tiếng, và tôi không đủ tư cách để lên tiếng và kêu gọi người khác phải đứng dậy tranh đấu cho quyền lợi cá nhân và thay thế một chế độ khác với những nhà cầm quyền khác, bởi dù gì tôi cũng đang sống ở nước khác, tôi là kẻ hèn nhát đứng từ xa hò hét kêu gọi, khi có chuyện tôi không phải cam chịu gì cả, và tôi nói gì cũng được, gào gì cũng được.

Có đôi khi tôi cảm thấy nhục nhã và ghê tởm với bản thân. Và có lẽ sự im lặng là lựa chọn tốt hơn cho tôi. Có nhiều lúc tôi cảm thấy như vậy. Dù tôi có viết hàng trăm, hàng ngàn bài, cũng không có điều gì xảy ra. Mọi việc đều diễn ra như vậy. Vô số người đã viết, vô số người đã lên tiếng, vô số người đã đấu tranh và cống hiến cho phong trào đấu tranh dân chủ, nhưng cũng không có gì thay đổi. Việc viết lách của tôi nói chung cũng không có lợi gì. không tạo nên một sự thay đổi. Cũng không thuyết phục hay lôi kéo được ai. Rất nhiều người cũng đã bảo Việt Nam không cần những người như tôi, và thay vì chê bai chế độ, không đóng góp, có lẽ tôi nên ngậm họng và sống cho đất nước tôi đang sống.

Có đôi khi tôi cảm thấy mình là một kẻ hèn nhát. Dĩ nhiên khi ở VN, tôi không viết, ý tôi là tôi có viết về những bức xúc trong xã hội nhưng không viết về chính trị chẳng phải vì tôi sợ, mà trong nước tôi chưa kịp thấy nhiều để ý thức được người dân trong nước không may mắn như thế nào. Chỉ khi được đến một đất nước khác và đi một số nơi, tôi mới thấy một số điều và so sánh, tôi mới bắt đầu viết về chủ đề này. Nhưng có lẽ tôi nói chung cũng vẫn là một kẻ hèn nhát to miệng, kêu gọi người dân trong nước đứng lên phản kháng, trong khi mình đã an toàn.

Có lẽ tôi nên im lặng. Và mọi người cùng im lặng.

Chúng ta hãy cùng ngồi yên và chấp nhận hoàn cảnh, với suy nghĩ mọi nước đều có vấn đề, khó khăn riêng, và mỗi chế độ đều có cái tốt cái xấu của nó.

Chúng ta hãy cùng im lặng và lờ đi những vấn nạn của đất nước, với an ủi rằng đất nước dù sao cũng đang tiến bộ.

Chúng ta hãy cùng im lặng và tin tưởng rằng việc im lặng chấp nhận sẽ giúp đất nước bình yên.

Chúng ta hãy dùng từ “nhạy cảm” để né tránh mỗi khi bất kỳ ai đề cập đến vấn đề an ninh lãnh thổ.

Chúng ta hãy tập trung học hành, làm việc và đừng quan tâm đến chính trị.

Chúng ta hãy ngồi yên đó, để TQ kéo sang tiến hành dự án bauxite ở Tây Nguyên, hủy hoại môi trường sống, giết chết sinh vật, gây bệnh tật cho đồng bào ta, và từ từ chiếm phần trung tâm của đất nước ta.

Chúng ta hãy ngồi yên đó, để TQ thuê rừng đầu nguồn và chấp nhận tất cả những hậu quả của nó như sự ảnh hưởng đến sinh thái và lũ lụt, và để dân TQ kéo sang Việt Nam sống.

Chúng ta hãy ngồi yên đó, và để đồng bào ta bị đánh cướp hoặc giết chết ngoài biển Đông.

Chúng ta hãy ngồi yên đó, để tấm bản đồ lưỡi bò đi khắp TG, và mọi người dần dần tin rằng biển Đông thuộc về TQ, HS- TS thuộc về TQ.

Chúng ta hãy nhắm mắt lại, và ngưng việc đọc báo đi, để tưởng tượng rằng không có điều gì tồi tệ xảy ra và đất nước vẫn đang phát triển.

Nhưng liệu tôi, và bạn có thể làm được thế không ?

Nếu muốn, tôi có thể quên Việt Nam đi. Tôi có thể chỉ nên sống cho Na Uy. Và bất kỳ cái gì khác. Bạn cũng vậy. Nhưng liệu chúng ta có thể làm được như thế không ?
Mọi chuyện có lẽ sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều nếu không có những vấn đề với TQ. Bây giờ ai cũng biết tình hình giữa TQ và Việt Nam đã nghiêm trọng như thế nào. không , đừng nói với tôi Việt Nam là nước nhỏ. không , đừng nói với tôi Việt Nam xui xẻo nằm quá gần một đất nước đầy tham vọng bá quyền như TQ. Việt Nam không phải là nước nhỏ duy nhất phải chống chọi với một nước lớn. Việt Nam không phải là nước duy nhất nằm gần TQ. Tôi biết tôi không thể làm được gì cả. Tôi là một cá nhân, và một cá nhân chỉ là được những việc nhỏ nhặt trong giới hạn của một cá nhân. Nhưng nếu nhiều cá nhân gộp lại? “Don’t wait for leaders; do it alone, person to person.”- Mother Teresa. Nếu Việt Nam phải đối mặt với TQ, nếu nhân dân Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ mất nước, ai sẽ cứu Việt Nam ngoài chính người dân VN? Mỹ ư? Ồ không bạn ạ, người Mỹ chỉ làm những gì tốt nhất cho nước Mỹ, đừng quên Mỹ đang mắc nợ TQ, và đừng quên không có lý do cụ thể nào để Mỹ phải giúp đỡ VN. Hay một vị Bụt hiện ra hỏi “Vì sao con khóc?” và phẩy cây phất trần biến điều ước trở thành hiện thực? Phật có câu “No one saves us but ourselves. No one can and no one may. We ourselves must walk the path.”

“It’s a dirty world out there, but if no one agrees to do the cleaning, the whole country goes down a shit house.”- Vikas Swarup.

Tôi đủ tỉnh táo để hiểu những bài viết của tôi không đem lại một sự thay đổi cụ thể nào. Có một số người đã hỏi thẳng, tôi nhận được bao nhiêu tiền để viết. Tôi cảm thấy hổ thẹn cho họ. Tôi sẽ không giải thích, tôi chỉ đơn giản trích một câu của Isabel Allende “How can one not write about war, poverty and inequality when people who suffer from these afflictions don’t have a voice to speak?” Nếu bạn hoàn toàn cho rằng việc viết lách là vô bổ, đừng quên trong chiến tranh không phải ai cũng tham gia chiến đấu, có những người chiến đấu bằng ngòi bút. Có những người đóng góp theo cách riêng của họ.

Mọi người biết việc viết lách không đem lại ích lợi gì nhiều. Vô số người đã viết. Vô số người đã lên tiếng. không có gì được thay đổi. Bản kiến nghị phản đối dự án bauxite được rất nhiều người ký tên cuối cùng cũng bị bỏ mặc. Những người biểu tình phản đối TQ bị bắt. Blogger bị bắt và bỏ tù. không có gì được thay đổi. Nhà nước vẫn tiếp tục làm việc của họ. Họ vẫn chặn facebook. Họ vẫn kiểm soát thông tin. Họ vẫn cấm nhắc tên Hoàng Sa Trường Sa trên game online. Họ vẫn treo băng rôn chúc mừng quốc khánh TQ. Họ vẫn xử tù người bất đồng chính kiến. Họ vẫn tiến hành dự án bauxite Tây Nguyên. Họ vẫn tiến hành dự án điện hạt nhân. Họ vẫn cho thuê TQ thuê rừng đầu nguồn. Họ vẫn.. Họ vẫn…

Nhưng thay vì đặt câu hỏi tại sao tôi lại viết dù biết việc lên tiếng không đem lại ích lợi, tại sao bạn không hỏi vì sao đã rất nhiều người lên tiếng nhưng vẫn không có điều gì thay đổi?
Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ hoàn toàn không quan tâm đến nhân dân? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không cho phép nhân dân biểu tình hoặc chỉ đơn giản là cất tiếng nói? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ gạt ngang không đếm xỉa đến bản kiến nghị phản đối một dự án gây tác hại trầm trọng đến môi trường, sự sống, và cả an ninh, lãnh thổ đất nước? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ chặn blog, chặn website? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi dân oan khiếu kiện, họ không bao giờ giải quyết? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không đầu tư công sức vào nền giáo dục, tiếp tục những trò cải cách chạy vòng quanh không cần thiết, bằng cách lấy kiến thức năm này đắp vào năm khác và quay vòng? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không giải quyết vấn đề tham nhũng trầm trọng và giải thích Việt Nam không phải là nước tham nhũng nhất TG và quốc gia nào cũng có? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không màng đến vấn đề giao thông, để hàng chục ngàn người chết mỗi năm vì tai nạn giao thông, và phần lớn vì đường sá chật chội, đầy “lô cốt”, kém chất lượng và gây ra nhiều cái chết phi lý? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ xem nhân dân là con cái không được phép cãi lời và “hàng xóm” không cần can thiệp? Họ là những người lãnh đạo như thế nào mà họ lên nắm quyền khi nhân dân không biết họ là ai để bầu cho họ? Họ là những người lãnh đạo như thế nào mà họ dù làm bất kỳ điều gì, vẫn tiếp tục giữ cái ghế của mình? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ e ngại mọi sự so sánh và kết luận đó là vọng ngoại và phản quốc? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không dám nhìn thẳng vào khuyết điểm và huyễn hoặc nhân dân rằng mọi đất nước đều có vấn đề riêng và đất nước ta đang ngày càng tiến bộ?

Ở đây tôi chỉ muốn nói lên vấn đề ý thức. Tôi không có ý định tung hô nước ngoài như nhiều người sẵn sàng chụp mũ. Tôi chỉ đưa ra một vài so sánh. Trong ý thức người dân cũng như người lãnh đạo ở những quốc gia có tự do dân chủ, nhà nước được nhân dân bầu lên, và tồn tại vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Nhân dân đóng thuế nuôi các ông lãnh đạo, và khi các ông làm việc không tốt, các ông phải nghe phê bình, và có thể bị phế truất. Có rất nhiều người vẫn thường lầm lẫn giữa khái niệm yêu nước và yêu nhà nước. Tất cả đơn thuần chỉ là trò chơi đánh tráo khái niệm. một kiểu áp đặt thường thấy. Quốc gia dân tộc là cái trường tồn. Nhà nước là cái tồn tại tạm thời. Khi 2 cái đi ngược nhau, tôi không nghĩ tôi nên chọn cái ngắn thay vì cái dài. Có nhiều người sẽ bảo tôi là kẻ vô ơn. Rằng tôi sinh ra và lớn lên dưới chế độ này, tôi ăn cơm trong chế độ này, tôi đi học trong chế độ này, tôi phải mang ơn thay vì phản chủ. một lần nữa phải nhấn mạnh, đây chỉ là vấn đề ý thức. không biết vì lý do gì, dường như người dân Việt Nam có thói quen thường sợ hãi và mang ý thức mình đang mang ơn nhà nước. Trong khi thực tế nhà nước lập ra để lèo lái đất nước, và đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Tôi phải biết ơn à? Tôi đã nhìn thấy các ông lãnh đạo như thế nào. Một tờ báo chính thức trong nước từng viết, phải mất 175 năm để Việt Nam đuổi kịp Singapore, với điều kiện Singapore đứng yên- điều này là không thể. GDP cũng tụt hàng trên thế giới. Tôi phải biết ơn đất nước vì đã độc lập, tự do, hạnh phúc à? Ta độc lập mà ta không dám nhắc đến mối quan hệ VN - TQ? Ta độc lập mà ta không dám biểu tình chống TQ? Hạnh phúc? Hạnh phúc mà sau này vô số người vẫn tìm cách bỏ đi, bằng cách này hay cách khác, hôn nhân, du học, lao động hợp tác, làm giấy tờ giả…? Hạnh phúc mà đa phần những người đã đi đều không muốn về nước sống?

Tôi sẽ bị xem là kẻ hèn nhát. Tôi không dám ở ngay trong nước hô hào. Tôi thừa nhận, có nhiều lúc tôi đã tự cảm thấy mình là một kẻ hèn nhát. Tôi đi. Tôi không ở lại. Nhưng cách đây không lâu, ở trường tôi có buổi giới thiệu về một số trường ĐH ở Na Uy và ở những nước khác như Anh, Úc, Mỹ, New Zealand… có một tấm bảng có dòng chữ lớn: “Do something for your country: LEAVE.” May mắn được đi, tôi có những quyền tôi không thể có trong nước. May mắn được đi, bằng những bài viết, dù có thể là vô bổ, tôi đóng góp một phần nào đó. May mắn được đi, tôi có cơ hội mở rộng tầm nhìn, và so sánh sự khác biệt giữa hai thế giới (tôi thích nói là hai thế giới). Những người e ngại sự so sánh không thể nhìn thẳng vào những khuyết điểm và hạn chế của bản thân để chỉnh sửa và tiến bộ. So sánh là cần thiết. So sánh dẫn đến cạnh tranh. Cạnh tranh giúp phát triển. Thử tưởng tượng, nếu cả một khu vực bạn sống chỉ có một tiệm giày. Bạn không còn lựa chọn nào khác, dù đẹp dù xấu bạn cũng phải vào đó mua giày. Nhưng nếu có khoảng chục tiệm giày, à không nhất thiết, có 2 tiệm giày thôi cũng được, bạn được quyền lựa chọn vào tiệm A hay tiệm B, và để thu hút khách hàng, mỗi tiệm dĩ nhiên phải cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tương tự với chính trị. Ồ vâng bạn sẽ nghĩ tôi là đứa tâm thần khi so sánh chính quyền với tiệm giày, nhưng tôi chỉ đang phân tích. Nếu có nhiều đảng, các đảng phải cạnh tranh nhau, đưa ra nhiều chính sách vì nhân dân và đất nước, và người dân dĩ nhiên sẽ bỏ phiếu cho cái đảng có nhiều chính sách tối ưu hơn. Nhưng nếu chỉ có một đảng duy nhất, và đặc biệt những người lãnh đạo không bao giờ bị bắt lỗi, không bao giờ bị phê bình, không bao giờ bị phế truất, các ông muốn làm bao lâu cũng được, ngồi đó bao lâu cũng được. không phải rõ ràng là trong trường hợp đó, cái đảng duy nhất này có thể làm bất kỳ điều gì, kể cả những việc có hại cho đất nước sao?

Trong bài viết “Ai không muốn được tự do?”, tôi đã có đề cập đến sự tự do. Vấn đề chỉ là khái niệm về tự do. Khi con người đã sống quá lâu trong một xã hội nơi họ không được phép có tư duy độc lập và phát biểu ý kiến thực sự của mình, họ dần dần quên mất lẽ ra là con người, họ nên có quyền cất tiếng nói. Trong nghệ thuật, nếu có khuôn mẫu định sẵn và một dây xích kìm hãm, người nghệ sĩ không thể làm việc với toàn bộ khả năng của mình. Thiếu tự do, con người bị kìm hãm, khả năng bị giới hạn. Cũng như trong đời sống. Albert Camus từng nói “A free press, of course, can be good or bad, but most certainly, without freedom, a press will never be anything but bad.” Nói mỗi nước đều có tự do dân chủ, chỉ là chế độ khác biệt nên sự dân chủ có màu sắc khác nhau chỉ là lối né tránh cái thực tế chẳng có tự do dân chủ. Nói mỗi nước đều có vấn đề, không có chế độ nào hoàn hảo chỉ là một lối lấp liếm không dám nhìn thẳng vào những khuyết điểm của mình.

Đúng, không có chế độ nào 100% hoàn hảo. Nhưng cho đến nay, qua thời gian, đến sự tiến bộ hiện nay của loài người, chế độ dân chủ được xem là lựa chọn tốt nhất. Nhưng có lẽ con chim bị nhốt quá lâu trong lồng khi nhìn thấy cửa mở cũng rụt lại không dám bay ra thế giới rộng lớn bên ngoài. Có lẽ con người sợ hãi sự thay đổi. Thay vì góp sức vào một sự thay đổi, thay vì đứng lên bảo vệ cho quyền lợi của chính bản thân mình, họ ngồi yên chấp nhận thực tế và họ cách lơ đi những vấn nạn của đất nước. Erich Fried có câu nói nổi tiếng được viết ngay trên phần còn sót lại của bức tường Berlin tôi đã may mắn có dịp thấy tận mắt: “He who wants the world to remain as it is doesn’t want it to remain at all.”

Nếu muốn, tôi có thể đáp máy bay về nước, có thể để bị bắt và ngồi tù, lúc đó mọi người sẽ biết đến tôi, sẽ cuối cùng công nhận tôi chứng minh được những gì mình đang nói thay vì khoác lác phô trương, sẽ cuối cùng ban cho tôi một danh hiệu, hay một tấm bằng khen để sau này ra tù tôi treo trong nhà và tự hào giới thiệu mỗi khi khách đến, nhưng liệu điều ấy có giúp ích được gì không ? Ý tôi không phải bảo việc ngồi tù là vô bổ. Tôi rất nể trọng và kính phục những người đã dám lên tiếng và chấp nhận việc ngồi tù là một cái giá của việc tranh đấu của mình. Tôi thực sự rất nể trọng họ. Và cảm thấy những gì mình làm chẳng là chút gì so với những gì họ đã làm. Và nhiều lúc cảm thấy bản thân là một kẻ hèn nhát đáng ghê tởm.

Nhưng..

Đừng bảo tôi im vì tôi sống ở Na Uy.
Đừng bảo tôi im vì tôi 16 tuổi.
Đừng bảo tôi im và bảo tôi chưa đủ trải nghiệm.
Đừng bảo tôi im và bảo tôi thiếu hiểu biết.
Đừng bảo tôi im và kết tội tôi chỉ copy và paste.
Đừng bảo tôi im vì bạn im.


Joyce Anne Nguyen
2/3/2010

16 thg 11, 2010

Việt Nam và Mỹ, ai cần ai hơn?

Bà Hillary Clinton đã có nhiều chuyến thăm Đông Nam Á trong thời gian gần đây.

Là một nền kinh tế có mức độ tăng trưởng khá cao trong vùng thời gian qua, trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế trên thế giới, song liệu Việt Nam cần tới Mỹ hơn hay là cường quốc kinh tế hàng đầu này phải cần tới Việt Nam hơn tại Đông Nam Á.

Chủ đề này đã được cây viết Jonathan Tepperman dành nhiều thời lượng phân tích ở bài báo mới nhất trong tháng 11 của ông trên tờ báo Mỹ chuyên về nghị luận chính trị và các vấn đề quốc tế The Atlantic có tựa đề "Obama làm bạn với các quốc gia chuyên quyền ở châu Á."

Sau khi cho rằng Tổng thống Mỹ đã ít nhiều tỏ ra 'mềm mỏng' trước các cường quốc như Nga và Trung Quốc, đặc biệt trên địa hạt dân chủ và nhân quyền, phó chủ biên quốc tế của tờ New York Magazine nhận định, chính sách này không nhất quán ở nơi khác, đặc biệt với Việt Nam.

"Việt Nam vẫn là một nước nhỏ và yếu. Dù đây là một đối tác mới của Mỹ cả về kinh tế và chiến lược. Với thu nhập quốc nội tăng chừng 7% vào quý trước, vốn làm cho nước này trở thành một trong các nền kinh tế nóng nhất ở châu Á..." tác giả viết.
"Nhưng mặc dù các cải cách kinh tế của Hà Nội, Việt Nam vẫn còn là một thể chế khá độc tài, thậm chí tổ chức Human Right Watch còn gọi đây là một trong những quốc gia có sự đàn áp sâu sắc nhất ở châu Á."

Cựu phó chủ biên của tờ Foreign Affairs Magazine còn xác nhận qua bài báo rằng trong thời gian hai năm qua, chính phủ Việt Nam đã "tiến hành các vụ đàn áp rộng khắp", o ép và bỏ tù nhiều nông dân phản đối nạn mà ông gọi là 'cướp đất' ở đồng bằng Sông Cửu Long, "chế áp các giáo dân công giáo và các chủ chăn" ở các giáo sứ "phản đối việc tịch biên, quốc hữu hóa đất đai và tài sản của nhà thờ".

"Nhiều nhà hoạt động người Thượng chống lại việc chính phủ kiểm soát các nhà thờ, cũng như hàng trăm nhà hoạt động chính trị ôn hòa đã bị bắt giữ," Tepperman viết.

Sau khi ghi nhận tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo cho các nhà sản xuất Mỹ cơ hội hưởng giá nhân lực lao động thấp trong so sánh với mức giá lao động của Trung Quốc đang nhanh chóng tăng giá, tác giả bài báo trên The Atlantic nhận xét:

"Nhưng đối phó với Việt Nam thì dễ hơn. Mỹ có đủ sức để ép nước này mạnh hơn trên các giá trị cơ bản của tự do chẳng hạn, bằng cách hướng cho các hợp tác làm cho Việt Nam phải nhẹ tay hơn, vì lý do đơn giản là Việt Nam cần Mỹ hơn là Washington cần Hà Nội rất nhiều."

Điều kiện làm bạn


Cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton, vừa tới thăm Việt Nam tuần vừa qua.

Theo hướng nhận định này, tác giả lý giải trước hết rằng trong khi kinh tế Việt Nam đang "nóng và tăng trưởng" thì nền độ lớn của nền kinh tế "vẫn còn nhỏ nhoi" với quy mô còn thấp hơn một nửa so với Thái Lan.

Lý do tiếp theo là do Việt Nam "là quốc gia đặc biệt bị đe dọa bởi hành vi ngày một hiếu chiến của Trung Quốc, nhất là với các tuyên bố đòi chủ quyền với lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông."

"Điều này có nghĩa là Việt Nam đang rất muốn có bạn bè mới tại thời điểm hiện nay và có thể chịu 'ngậm đắng nuốt cay' chấp nhận một số điều kiện, nếu như không có cơ hội nào khác," bài bào khẳng định.
Và nếu Hà Nội từ chối, và đây là lý do thứ ba cần chú ý, thì Washington có rất nhiều các đối tác tiềm năng khác ở khu vực này của thế giới

Ở phần cuối bài viết, Tapperman trích lại ý của tờ New York Times nhận định chính quyền của Tổng thống Obama quan tâm tới việc gây dựng các liên minh trong khu vực châu Á vào thời điểm hiện nay là để "cân bằng trước một Bắc Kinh ngày một gia tăng sức nặng của nó trên trường quốc tế."

Và tác giả cho rằng với toàn bộ những lý do trên, Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton hoàn toàn có đủ tự tin để chuyển một thông điệp như sau tới Hà Nội, trong thời điểm hiện nay:

"Quý vị muốn có bạn phải không? Rất tuyệt vời. Chúng tôi rất vui nhận quý vị làm bạn. Thế nhưng
làm bạn với Hoa Kỳ có nghĩa là quý vị phải tuân theo một số quy tắc cơ bản. Mà đầu tiên là quý vị phải chấm dứt bắt nạt công dân của mình

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101116_obama_asia_vn.shtml

SẮC KHÔNG

Hoàng Đạo (1906-1948),

- Tôi nghiệm ra rằng các nhà tu hành, theo tôn giáo vùng nào cũng vậy, đều có một vẻ mặt riêng. Nhà sư ta vừa gặp, tôi thấy hao hao giống nhiều vị cố đạo tôi quen; họ đều có một khuôn mặt khắc khổ, không sao lẫn được.

- Tôi không dám chắc. Đời các nhà sư bình tĩnh, phẳng lặng như ao tù thì họ còn đau đớn gì mà nét mặt khắc khổ được. Theo ý tôi...
Cương ngắt lời bạn. Chàng nói bằng một giọng trầm, như chứa chất một tin tưởng rất chắc chắn:
- Anh lầm.
Cương ngừng một giây, nhìn ánh mặt trời yếu ớt chiếu ngang vào gác chuông, thủng thỉnh nhắc lại:
- Anh lầm. Anh có quan sát mặt biển cả bao giờ không? Những buổi chiều sắp có giông bão, mặt biển yên lặng lạ lùng. Nhưng chính lúc ấy, những làn sóng ngầm rất bạo liệt đương chuyển động cả đáy biển. Đời nhà sư cũng vậy, anh ạ, chỉ phẳng lặng ở bên ngoài.
Thái cười mai mỉa:
- Và cả ở bên trong nữa!
Cương không trả lời, mắt lơ đãng nhìn vào quãng không. Sự tịch mịch chung quanh tăng lên dần với bóng chiều. Thái nhìn bạn:
- Anh nghĩ gì mà thờ thẫn cả người ra thế?
- Tôi nghĩ đến một câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu, và vai chủ động là một nhà sư sống một đời phẳng lặng như anh vừa nói. Đến mãi bây giờ, tôi vẫn không quên được. Câu chuyện người khác cho là rất tầm thường nhưng tôi thấy hàm một ý nghĩa rất xâu xạ Anh biết chùa N... Ở vùng Bắc đấy chứ? Nhưng có lẽ anh không biết: anh có hay vãn cảnh chùa chiền đâu! Một ngôi chùa hẻo lánh vắng vẻ gấp trăm cảnh chùa này. Chùa làm trên sườn đồi, trong đám thông gió, mặt nhìn xuống một con sông nhỏ. Chung quanh là đồng ruộng chạy mãi đến tận chân trời. Mênh mông êm tĩnh, anh ạ. Chiều chiều, lúc mặt trời lặn, nghe chuông chùa thong thả rơi từng tiếng một, đến anh cũng phải cảm thấy tâm hồn tiêu tan vào sự buồn nản vô cùng của hư không. Mỗi tiếng ngân vang đi rất xa, lắng tai như nghe thấy sự rung chuyển của không khí trong êm lặng. Tôi chưa thấy một ngôi chùa nào tĩnh mịch hơn: dẫu linh hồn đương xúc động mạnh đến đâu, ở đấy cũng phải trở lại bình tĩnh với sự bình tĩnh vô cùng của cảnh chùa.

Trụ trì chùa N... là một vị sư ông ngoài ba mươi tuổi, ít nói, ít cười, vẻ mặt lạnh lùng, và một chú tiểu ngây thơ, mộc mạc. Sư ông không biết ở đâu đến, nhưng thật là một vị sư cần mẫn, lúc nào cũng tụng kinh, niệm Phật. Ở vùng ấy, ai cũng mến phục, có lẽ kính nể sư ông nữa; thấy sư ông bao giờ cũng trịnh trọng nghiêm trang, người ta thì thầm bảo nhau rằng sư ông là một vị chân tu đã đến cõi Nát bàn ngay trong thời hiện tại.
Cuộc đời của sư ông êm ả quá, ngày này sang ngày khác trong sự tĩnh mịch phẳng lặng. Mặt ao tù, như anh bảo. Nhưng thật ra là mặt biển khi lặng sóng.

Một mùa xuân kia, mơn mởn như má cô gái dậy thì. Hai cây đào trồng cạnh ngôi chùa và mấy cụm mẫu đơn thi nhau nở hoa; mùi hoa cam, hoa bưởi ở ngoài vườn, gió đưa vào chùa, pha trộn với mùi hương trầm; những chòm lộc non xanh rờn chung quanh chùa; tất cả sắc và hương của cỏ cây gặp tiết mới nở giãn ra, đầm ấm, say sưa như men rượu.

Thiện nam tín nữ rập đến chùa lễ bái và vãn cảnh. Trong mưa phùn, những mẫu quần áo rực rỡ làm tươi hẳn cảnh chùa vốn lạnh lẽo quạnh hiu, khiến cho ai nấy đều có cái cảm tưởng là cả đến ngôi chùa cũng sống lại với mùa xuân.

Trong những ngày vui vẻ ấy, dễ thường chỉ có sư ông là vẫn thản nhiên lãnh đạm, không cười nói, tâm trí bận theo đuổi một giấc mộng xa xôi huyền bí. Đời của sư ông về bề ngoài, vẫn bình tĩnh một cách dị thường. Ai có tinh ý lắm mới nhận thấy sư ông gầy đi, mắt sâu hơn, má hóp thêm. Người ta bảo đó là vì sư ông thức khuya nhiều quá, và kể chuyện với nhau rằng có đêm, những đêm hương thơm của cỏ hoa nồng nàn quá, trong làng đã đổ canh tư rồi mà vẫn còn nghe tiếng mõ đều đều vọng ra ngoài đồng vắng.
Một ngày về cuối xuân, trời mưa bụi, không khí ấm và nóng như báo trước những ngày hè sắp tới; một ngày người ta thấy chân tay rời rã, máu đọng lại trong các mạch. Khách thập phương đến lễ đông, nên sư ông bận trên chùa từ sớm, hương trầm nghi ngút xông lên suốt cả buổi.
Mãi đến quá ngọ, sư ông mới xuống nghỉ dưới gian nhà tổ. Sư ông ngồi yên, hai tay mỏi mệt đặt lên cặp đùi gầy, mắt mở to nhưng không trông thấy gì hết.
Bỗng chú tiểu ở ngoài chạy vào, vừa thở vừa nói:
- Bạch cu... hai người đến vãng cảnh chùa ban nãy a... Họ đem nhau đến sau tháp, bẩm cái tháp lớn a...
- Thật thế à? Gọi ông Lý mau!
Sư ông đứng phắt dậy, mắt sáng quắc, mặt tái đi, và chân tay run bật lên.
ở ngoài, mưa đã tạnh. Một mảnh trời lộ ra sau những đám mây xám. Một ngọn gió êm, lơi lả đưa lại hương thơm nhẹ của cỏ hoa. Nhưng sư ông không còn vẻ thản nhiên lúc thường; trong khi đợi lý dịch, sư ông cuồng lên như một con thú dữ; đi đi lại lại trong phòng một cách nặng nề hấp tấp.
Vừa thoáng thấy Lý trưởng, sư ông chạy xốc ra:
- Mô phật! Nhờ chư ông bắt giùm. Thật họ làm dơ bẩn cả nhà chùa.
Sư ông hối chú tiểu dẫn đường đi ngay để bắt cặp gian phu dâm phụ. Những nét bình thản trên mặt sư ông, ai cũng trông thấy rõ đã rối loạn vì lòng phẫn nộ:
- Bắt lấy chúng nó!
Nhưng tiếng động đã đánh thức cặp tình nhân đang mê mải say sưa. Thấy bóng người, họ vội vàng lẩn trốn. Người đàn ông nhanh chân chạy thoát, chỉ còn lại người đàn bà bị bắt dẫn đến trước mặt nhà sư.
Sư ông đăm đăm nhìn người đàn bà từ đầu đến chân như nhìn kẻ thù. Đôi mắt sắc của sư ông sáng lên theo dõi từng cử chỉ của cô ả; dừng lại một giây trên đôi vai tròn trĩnh để hở trong chiếc áo chưa cài hết khuy, rồi nhìn thẳng vào khuôn mặt trát đầy phấn và cặp môi đỏ chót. Nét mặt sư ông tỏ ra vẻ giận dữ và khinh bỉ đến cực độ.
Cô ả ăn mặc lòe loẹt như một gái giang hồ, vẻ mặt lo lắng, hai tay chắp lại van xin, mắt nhớn nhác nhìn sư ông và mọi người như năn nỉ.
- Xin cho dẫn lên huyện!
Tiếng nói rít, đầy oán hận của sư ông khiến ai nấy giật mình. Lý trưởng lưỡng lự một giây.
- Trời chiều mất rồi, bạch cụ. Có dẫn lên huyện cũng không kịp.
Hay là... cụ cho giam tạm ở chùa cho đến mai.
- Không thể được ạ.
Nhà sư nhất định từ chối và nhờ vậy cô ả kia được tha, sau một hồi xỉ mắng. Sư ông nhìn cô ả sửa lại vành khăn, xốc lại quần áo rồi lủi thủi bước ra khỏi Tam quan.

Đêm hôm ấy, sư ông thức khuya lắm. Tiếng mõ cứ đều đều đổ dồn vào yên lặng. Và hôm sau, người ta ngơ ngác kháo nhau rằng sư ông đã bỏ chùa ra đi, không biết là đi đâu. Người thì bảo sư ông hóa điên, người suy nghĩ hơn, bảo sư ông không muốn tu ở một ngôi chùa đã ô uế, trốn đi tìm một ngôi chùa khác, tĩnh mịch hơn.
Sự thật không ai ngờ đến cả. Sư ông đã cởi trả áo nhà chùa, trở về với đời nghiệp chướng.

Cương ngừng lại, châm thuốc hút một hơi dài. Làn khói quyện lấy hai người. Thong thả, ở trong chùa, ngân nga tiếng chuông thu không, như điểm cuộc đời yên lặng trong cảnh tịch mịch hư vô.
Thái yên lặng nhìn bạn. Cương đưa mắt nhìn theo khói thuốc bay, chậm rãi nói:
- Đấy anh xem. Cuộc đời phẳng lặng của sư ông chùa N... là hầu hết cuộc đời của các nhà tu hành. Phẳng lặng ngoài mặt, nhưng bên trong rối loạn vô cùng. Thật là một bãi chiến trường. Bãi chiến trường của tín ngưỡng và dục vọng. Đè nén dục vọng không phải dễ dàng; trái lại, nhà tu hành mỗi lúc mỗi đau khổ lắm mới giữ được mình. Cuộc chiến đấu càng lâu càng tăng vẻ mãnh liệt; phần nhiều thì ngọn lửa lòng cháy một ngày một bốc, cho đến lúc làn gió nhẹ bên ngoài thổi qua cũng đủ làm bùng to lên.

Những ngày xuân ấm là những ngày đau khổ nhất cho các nhà tu hành; chung quanh họ, từ bông hoa ngọn cỏ cho đến muông thú, thấy đều say mê trong thanh sắc, trong dục vọng, riêng các nhà sư phải sống theo nhịp một điệu riêng, điệu của hư vô, của cõi chết. Nhưng nhắm mắt lại, chắc họ còn cảm thấy gió xuân mơn trớn như chiếc hôn nhẹ, và lúc gõ mõ tụng kinh, nhiều hình ảnh khêu gợi chắc đương lả lơi trước mắt.

Tôi nghĩ mà thương sư ông chùa N... ngày rằm tháng giêng. Những dáng điệu vô tình lả lơi của các cô gái đi trẩy hội, màu áo và hình sắc, mùi phấn và nước hoa lẫn vào hương trầm, ngần ấy thứ thừa sức cám dỗ một người, và người bao giờ cũng yếu đuối. Anh đừng tưởng sư ông phẫn nộ nhìn cô gái giang hồ là vì không tôn trọng luân lý: sư ông lúc đó đương chống giữ với sự cám dỗ bên ngoài, và vì thế sinh ra thù oán đến căm hờn nguồn rễ của dục vọng, người đàn bà. Lúc sư ông nhìn một cách ghê tởm và khinh bỉ thân thể cô gái giang hồ, tôi chắc là lúc thân thể sư ông rung động vì dục vọng bị đè nén, và sư ông đã ghê tởm và khinh bỉ chính người sư ông mà không biết. Ngọn lửa nhóm trong lòng sư ông đã cháy lâu rồi, không thể dập tắt được. Đôi vai tròn lẳn của cô ả chỉ là một giọt dầu đổ thêm vào đám lửa đương ngùn ngụt...
Ngừng một giây, Cương buông từng tiếng một, như vừa nói vừa nghĩ:
- Sư ông bỏ chùa là phải.
Chung quanh hai người, trời đã bắt đầu tối sẫm. Thái nghe tiếng bạn nặng nề rơi vào quãng không, như hàm súc một sự cảm động rất mạnh nhưng ngấm ngầm.
Chàng đột ngột hỏi:
- Sao anh biết rõ tâm lý nhà sư ấy thế?

Cương không trả lời. Chàng mỉm cười, đôi mắt nhìn vào trong đêm như nhìn một ký vãng mù mịt. Thái ngạc nhiên nhìn, và bỗng nhận rõ mặt Cương nổi bật lên trong tối, mắt sâu, má hóp, vẻ khắc khổ như mặt kẻ tu hành.

9 thg 11, 2010

Kissinger đã đấm ngực thú tội

Lê Thành Nhân

Kissinger đã đấm ngực thú tội: Sự thảm bại tại Việt Nam năm 1975 là do Hoa Kỳ chớ không phải do VNCH.
Trong vòng chỉ 3 tháng nay một loạt biến động lớn lao về chánh-trị, ngoại-giao và quân-sự đã dồn dập diễn ra trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương.

- Ngày 23-7-2010 Nữ Ngoại-trưởng Hilary Clinton nhân danh đại cường quốc Hoa Kỳ long trọng khẳng định tại Hội-nghị ASEAN ở Hà Nội: ”Hoa Kỳ xem Đông Nam A là khu vục thuộc lợí ích quốc gia của Hoa Kỳ về các phương diện anh ninh, kinh-tế, thương mại.” - Ngày 24-9-2010, Tổng thống Obama đích thân triệu tập và chủ tọa Hội-nghị thượng-đỉnh tại New York (Second ASEAN Leaders Meeting) với các người đứng đầu các nước ASEAN để chủ động kết hợp các nước ấy trong một thế chiến lược mới. Một bản Tuyên bố chung (Joint Statement) quan trọng đã được công bố, và Tổng thống đã bỗ nhiệm ngay một Đặc sứ thường trực bên cạ nh ASEAN tại Trụ sở của ASEAN tại Jakarta .

- Chỉ 5 ngày sau: ngày 29-9-2010: Bộ Ngoại-giao Hoa Kỳ tổ chức một cuộc hội-thảo ngay tại Bộ Ngoại giao tại DC dưới sự điều hợp của Đại-sứ Brynn với đề tài “Kinh nghiệm Hoa Kỳ tại Đông Nam Á” (The American Experience in Southeast Asia : Historical Conference) trong đó diễn giả chính là Henry Kissinger. - Trong khi chúng tôi đang viết bài nầy thì các đại diện ngoại giao, quân-sự cao cấp của các nước thuộc ASEAN và Hoa Kỳ, Nhựt, Úc, Ấn-độ, v.v...đã bắt đầu Hội nghị các Tổng-trưởng Quốc-phòng (ADMM plus) tại Hà Nội từ ngày 12-10-2010 rồi tiếp tục với những phiên họp riêng giữa các thành viên ASEAN và các cường quốc trong vùng: Hoa Kỳ, Nhựt bản, Ấn độ, Úc, v.v...Phiên họp ngày 28-10-2010 là một phiên họp cao cấp quan trọng với sự tham dự của NT Clinton.

Giữa lúc đó thì chiến hạm Hoa Kỳ tiến sát và tập trận dọc thềm lục địa Á Châu từ Biển Nhựt Bản xuống Ấn-độ dương…có lúc vào tận cảng Tiên Sa (Đà Nẳng) của Việt Nam .

Tất cả những diễn biến đó không phải là những điều ngẫu nhiên.

Trong bài nầy chúng tôi chỉ chú trọng đến cuộc hội-thảo tại Bộ Ngoại-giao ngày 29-9-2010 để tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của các lời phát biểu của Henry Kissinger tại cuộc hội-thảo này (Đọc giả có thể tham khảo bài tường trình ngày 6-10-10 của Người Việt Online)

Các ý-kiến của Kissinger phát biểu trong cuộc hội-thảo nói trên được tóm gọn như sau: “Sự thảm bại tại Việt Nam năm 1975 là do Hoa Kỳ chớ không phải do VNCH.”

Nhân dân Việt Nam và thế giới công chính đã chờ đợi câu nói đó từ 35 năm rồi, nay mới được thốt ra từ chính cửa miệng của Henry Kissinger, vào một thời điểm và tại một địa điểm có tính toán. Bởi vậy, nó có một giá trị vô cùng quan trọng. Nó trả lại danh dự cho hàng triệu chiến sĩ tự do của VNCH, từ nguời dân đen đến cấp lãnh-đạo cao nhứt. Nó giải oan cho hàng triệu linh hồn người Việt đã hi sinh cho Tự do. Nó trả lại DANH DỰ VÀ CHÍNH NGHĨA cho toàn thể Quân Dân VNCH từng bị bọn phản chiến và truyền thông bất lương bôi lọ.

Xin nhắc lại: Henry Kissinger là người chịu trách nhiệm về chánh sách ngoại giao của Hoa Kỳ từng đưa đến việc bán đứng VNCH cho Bắc Việt qua Hiệp-định Paris 1972, sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Đông dương 1975, và giao cho Trung Cộng làm “cai thầu khu vực” với bản Tuyên ngôn Thượng Hải (1972.)

Nixon và Kissinger bị mù mắt vì cái thị-trường khổng lồ béo bỡ của Hoa Lục, không ngần ngại phản bội lại đồng minh của mình. Cảnh tượng xót xa, bẽ bàng nhứt là Đệ 7 Hạm đội Hoa Kỳ nhẫn tâm án binh bất động, đứng nhìn hải quân TC cưỡng chiếm Hoàng Sa của đồng minh VNCH hồi tháng Giêng 1974. Ngày nay, khi Trung cộng trở mặt, sử dụng Hoàng Sa làm pháo đài khống chế Đông Nam Á và Thái Bình dương thì nước Mỹ mới mở mắt và nhận thấy hối hận về sự phản bội đồng minh VNCH của mình 35 năm trước.

Thực vậy, dân tộc Việt Nam là nạn nhân gánh chịu hậu quả thảm khóc nhứt của chánh sách Nixon-Kissinger với “Ngày 30 tháng 4 năm 1975.” Chính chánh-sách đó đã đưa gần 30 triệu nhân dân Miền Nam tự do vào cảnh điêu linh, thống khổ, nhà tan cửa nát, con mất cha, vợ mất chồng, kẻ thì bỏ xác trong ngục tù CS, người thì làm mồi cho hải tặc hoặc vùi thây dưới đáy biển. Không bút mực nào tả hết những tội ác của cộng đảng VN đối với gần 30 triệu dân Miền Nam từ 1975 đến nay.

Lời tuyên bố của Kissinger hôm nay, tuy rất ngắn, nhưng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng: “Sự thảm bại tại Việt Nam năm 1975 là do Hoa Kỳ chớ không phải do VNCH.”

Bằng những lời phát biểu ngày 29-9-2010 tại ngay thủ đô nước Mỹ, lãnh đạo nước Mỹ hiện nay dường như muốn nhờ Kissinger thay mặt nước Mỹ (Bộ Ngoại giao tổ chức) nói lên lời tạ tội và sám hối của nước Mỹ đối với gần một triệu sinh linh của chế-độ VNCH đã chết oan uổng, trong đó hơn nửa triệu đồng bào vượt biên chìm dưới đáy biển, hàng trăm ngàn Dân Quân-Cán-Chính VNCH chết trong các trại tập trung lao-động khổ sai, cộng với hàng trăm ngàn vợ con họ chết trong các “vùng kinh-tế mới” vì đói rét, bệnh tật và rắn rết.

Tại hội-nghị các Bộ-trưởng Quốc-phòng ASEAN (ADMM Plus) họp sau đó tại Hà Nội ngày 12-10-2010, Bộ-trưởng Quốc-phòng Hoa Kỳ Robert Gates đại ý tuyên bố ngay trước mủi của tên BTQP Trung cộng: ”Hoa Kỳ sẽ nhận trách nhiệm bảo đảm an ninh và tự do cho tất cả các quốc-gia ĐNA, nhứt là hải lộ xuyên Biển Đông, vì khu vực nầy thuộc quyền lợi quốc-gia của Hoa Kỳ về các phương diện an ninh, kinh-tế và thương mại.” Trong khi đó thì tàu chiến Hoa Kỳ trang bị vũ khí nguyên-tử đang tập trận với hải quân Nam Hàn ngoài khơi vùng biển của Trung cộng.

Gần hai tỷ dân trong khu-vực Á châu –Thái-Bình-dương thở phào, nhẹ nhỏm! Vì, từ nay, cái “lưỡi bò” hung hăng của tên bá quyền Hán tộc bổng teo lại thành……cái lưỡi gà bé tí tẹo! Không ai còn nghe các tướng lãnh TC khoác lác vung vít về sức mạnh quân sự của CHNDTQ và tham vọng độc chiếm Biển Đông của chúng. Không ai còn nghe cái loa khoác lác của Bộ Ngoại giao TC hàng ngày bô bô lên tiếng đe dọa các quốc gia tiếp giáp với “cái lưỡi bò đói khát”, nhứt là Việt Nam, Nam Dương, Phi-luật-tân, Brunei. Ngay sau khi Bộ-truởng QP Hoa Kỳ tuyên bố như trên, phát ngôn nhân của con cọp giấy Trung cộng bèn rêu rếu thông báo trả tự do vô điều kiện cho 9 ngư dân của đảo Lý sơn/Quảng Ngải bị chúng bắt giữ gần đảo Hoàng Sa cả tháng trước đó.

Các sự kiện trên đây chứng minh là vì cả tin nơi những tính toán sai lầm của tên con buôn chính-trị Kissinger, nước Mỹ phải để gần 40 năm (1972-2010) mới học được cái chân-lý đơn giản: Người CS marxist dù Nga hay Tàu hay Việt, chúng đều phản phúc như nhau. Nhờ sự giúp đỡ trong 40 năm qua của Hoa Kỳ nước Tàu mới thoát khỏi tình-trạng đói khát, lạc hậu và bắt đàu hơi khấm khá. Nhưng chưa chi thì chúng đã quay lại định ăn tươi, nuốt sống người thi ân cho mình. Đó là bản chất của người Cộng-sản Marxist. Hai dân tộc Đức và Nhật cũng được Hoa Kỳ giúp đỡ tái thiết sau chiến tranh, nhưng họ không mang tính phản phúc đó.

Vấn đề mà chúng ta muốn bàn hôm nay là: vì cần mua bán, đổi chác với Trung cộng để trục lợi, bọn chánh khách vô liêm sĩ ở Hoa Thạnh Đốn, đã ra sức gán cho VNCH đủ thứ tội: nào là quân đội không chịu chiến đấu, nào là công chức tham nhũng, v.v…Bọn chánh khách bất lương Âu châu thì kết tội VNCH là tay sai Mỹ chỉ vì ganh ghét với Hoa Kỳ. Nếu quân dân VNCH không chịu chiến đấu thì làm sao giữ người Việt Quốc-gia càng sáng tỏ hơn bao giờ hết. Bây giờ thì không một ai còn nghi ngờ nữa: VNCH còn là còn tất cả! VNCH mất là mất tất cả! Chúng ta đòi hỏi lịch sử và nhân dân thế giới phải trả lại sự công bằng và danh dự cho Quân Dân VNCH, từ người thứ dân cho đến các cấp lãnh đạo Quốc-gia. Trong nội bộ người Việt, yêu cầu những kẻ vô ý thức hay bị CS tuyên truyền tẩy não trong 35 năm qua hãy chấm dứt những luận điệu tự phỉ nhổ mình bắng cách gọi các vị lãnh đạo Quốc-gia, các tướng lãnh của VNCH bằng thằng nọ, thằng kia. Cái cuộc “đổi đời” năm 1975 đã biến “THẰNG thành ÔNG” và đem “ÔNG xuống làm THẰNG” nay đã chấm dứt rồi, vì đó là cái thang giá trị Marxist trong đó “trí thức không bằng cục phân” (lời Mao Trạch Đông.) Thang giá trị (échelle des valeurs) của một xã hội Việt Nam văn minh đạo đức truyền thống phải được tái lập để làm nền tảng cho một nước Việt Nam hậu Cộng-sản. Chúng tôi sẽ bàn đến “hệ thống giá trị chân chính” của người Việt trong một bài khác.

Hải ngoại, ngày 28-10-2010 Lê Thành Nhân

- Ngày 23-7-2010 Nữ Ngoại-trưởng Hilary Clinton nhân danh đại cường quốc Hoa Kỳ long trọng khẳng định tại Hội-nghị ASEAN ở Hà Nội: ”Hoa Kỳ xem Đông Nam A là khu vục thuộc lợí ích quốc gia của Hoa Kỳ về các phương diện anh ninh, kinh-tế, thương mại.”

- Ngày 24-9-2010, Tổng thống Obama đích thân triệu tập và chủ tọa Hội-nghị thượng-đỉnh tại New York (Second ASEAN Leaders Meeting) với các người đứng đầu các nước ASEAN để chủ động kết hợp các nước ấy trong một th�=E1��ng được Miền Nam đến 1975, khi mà Mỹ và Trung cộng ngã giá xong vụ buôn bán bẩn thỉu trên đầu nhân dân Việt Nam?

Ngoài ra, sau tháng 4, 1975, nhiều tướng lãnh liêm sĩ Hoa Kỳ đã viết lại hồi ký công nhận tinh thần dũng cảm và khã năng chiến đấu xuất sắc của QL/VNCH. Chúng ta không cần lặp lại ở đây. Còn nếu nói: vì tham nhũng mà chánh quyền VNCH sụp đỗ thì cứ hỏi chả lẽ nhà nước CHXHCN hiện nay ở VN ít tham nhũng hơn VNCH ngày trước? Thế tại sao nó còn nguyên đó hơn 35 năm nay? Cũng trong cùng thời gian với VNCH ai cũng biết ở các lân bang như Thái Lan, Phi Luât Tân, Nam Dương tình trạng tham nhũng trầm trọng hơn cả chục lần, nhưng có nước nào sụp đổ đâu!

Tóm lại, các chánh khách thiển cận, mù quáng của nước Mỹ lúc bấy giờ đã “hi sinh” quyền lợi của đồng minh VNCH với ảo tưởng đổi lấy một thị-trường béo bỡ của nước Tàu. Nhưng sự thật phủ phàng hôm nay là chính cái nước Tàu mà nước Mỹ vỗ béo đó đã đang quay lại ăn thịt nước Mỹ để giành ngôi vị đệ nhứt cường quốc trên thế giới. Và nước Mỹ ngày nay đã tỉnh ngộ, đang trở lại làm y chang cái công việc mà Quân Dân VNCH đã làm trước 1975, tức là chiến đấu chống đế quốc CS Trung quốc. Thế thì VNCH đã bị bức tử một cách oan uổng. Nhờ giương cao ngọn cờ chống lại bá quyền Trung cộng, bảo đảm an-ninh và tự do cho khu vực nên hiện nay Hoa Kỳ đang được nghênh đón trở lại Việt Nam như là môt “hiệp-sĩ.” Như vậy bọn CSVN không còn coi Hoa Kỳ là “đế-quốc xâm lược” nữa. Trái lại chúng coi Hoa Kỳ là vị cứu-tinh, và trả lại danh dự cho nước Mỹ.

Thế còn công lao hi sinh chiến đấu của Quân Dân Miền Nam để ngăn chận làn sóng đỏ của Nga, Tàu trong hơn 50 năm thì sao?

Vì thế, Quân Dân VNCH đòi hỏi nước Mỹ và thế giới phải trả lại danh dự cho họ vì họ đã hi sinh chiến đấu cho Tự do và An ninh của cả thế giới mà đã bị đối xử bất công bằng sự phản bội và bức tử oan uổng năm 1975.

Trên thực tế thì nhân dân Việt Nam trong nước đã làm việc nầy từ khi bọn “cách mạng” đặt chân vào Miền Nam vì, đối với mọi người dân trong nước thì cái gì của “ngụy” cũng tốt hơn “cách mạng”: bác sĩ “ngụy” cũng giỏi hơn, nhạc “ngụy” cũng hay hơn, nhân bản hơn, nếp sống “ngụy” cũng văn minh hơn, người dân “ngụy” cũng ấm no, hạnh-phúc hơn, v v...

Cuối cùng, sau khi chiếc mặt nạ của đảng CSVN kể công đánh ngoại xâm Pháp, Mỹ để giành độc lập bị rơi xuống đất, để lộ cái mặt thật của những kẻ bán nước đem tổ quốc dâng cho Tàu thì cái chính nghĩa bảo quốc của Quân Dân VHCN, của Người Việt Quốc-gia càng sáng tỏ hơn bao giờ hết. Bây giờ thì không một ai còn nghi ngờ nữa:

VNCH còn là còn tất cả!
VNCH mất là mất tất cả!

Chúng ta đòi hỏi lịch sử và nhân dân thế giới phải trả lại sự công bằng và danh dự cho Quân Dân VNCH, từ người thứ dân cho đến các cấp lãnh đạo Quốc-gia. Trong nội bộ người Việt, yêu cầu những kẻ vô ý thức hay bị CS tuyên truyền tẩy não trong 35 năm qua hãy chấm dứt những luận điệu tự phỉ nhổ mình bắng cách gọi các vị lãnh đạo Quốc-gia, các tướng lãnh của VNCH bằng thằng nọ, thằng kia. Cái cuộc “đổi đời” năm 1975 đã biến “THẰNG thành ÔNG” và đem “ÔNG xuống làm THẰNG” nay đã chấm dứt rồi, vì đó là cái thang giá trị Marxist trong đó “trí thức không bằng cục phân” (lời Mao Trạch Đông.) Thang giá trị (échelle des valeurs) của một xã hội Việt Nam văn minh đạo đức truyền thống phải được tái lập để làm nền tảng cho một nước Việt Nam hậu Cộng-sản.

Chúng tôi sẽ bàn đến “hệ thống giá trị chân chính” của người Việt trong một bài khác.

Hải ngoại, ngày 28-10-2010
Lê Thành Nhân

7 thg 11, 2010

TRUTH OF CHINA INVASION OF SENKAKU ISLAND

TRUTH OF CHINA INVASION OF SENKAKU ISLAND 1.flv



TRUTH OF CHINA INVASION OF SENKAKU ISLAND 2.flv



TRUTH OF CHINA INVASION OF SENKAKU ISLAND 3.flv



TRUTH OF CHINA INVASION OF SENKAKU ISLAND 4.flv



TRUTH OF CHINA INVASION OF SENKAKU ISLAND 5.flv



TRUTH OF CHINA INVASION OF SENKAKU ISLAND 6.flv


2 thg 11, 2010

Chúng ta đã chiến thắng tại Việt Nam


Robert S. McElvaine
(Nguyễn việt Việt dịch)

Hiểu biết thấu triệt vấn đề Việt Nam xãy ra hơn 40 năm trước là một vấn đề trọng đại và thật hữu ích ngay khi chúng ta đang nhìn lại, xem xét tương lai những liên hệ của chúng ta tại A Phú Hãn. Tháng trước 09/2010, tuần báo Newsweek chạy trang tít câu chuyện "Làm sao chúng ta đã (có thể) chiến thắng tại Việt Nam".

Điều này thật rõ ràng và dể hiểu đối với tôi sau ba cuộc viếng thăm trong vòng hai năm tại đất nước này, gồm chuyến đầu tiên cho người lớn do tôi hướng dẫn vào tháng giêng, và sau đó vào tháng năm với nhóm sinh viên trường cộng đồng Millsaps và bài học thực sự bắt đầu, đó là phải bỏ đi nhóm chữ 'có thể' trong phần đề tài. "Chúng ta đã chiến thắng tại Việt Nam" .

Hoa Kỳ đã chiến thắng tại Việt Nam. Cuộc chiến thắng của người Mỹ, cuộc chiến thắng đã phải trì hoãn hơn 40 năm sau, cuối cùng đã hoàn toàn thành đạt, hoàn chỉnh dù những cố gắng ngăn cản của Lyndon Johnson và Richard Nixon.

Hoa Kỳ đã thất bại trong cưộc chiến tranh, nhưng một cách quyết định Hoa Kỳ đã chiến thắng cuộc chiến hòa bình. Cuộc chiến đấu, như Tổng thống Johnson đã từng nói, là để phần cho người Việt, cho tâm trí của người dân tại Việt Nam. Tâm trí của người dân không thể nào chiến thắng được bằng vũ khí, bằng bom đạn mà phải bằng tư tưởng, bằng tâm tư và bằng văn hóa.

Chừng nào cuộc chiến càng kéo dài, nó càng mất đi tính chất quân sự, chúng ta đã thua. Một khi Hoa Kỳ ngưng cuộc chiến, Hoa Kỳ có thể không mất đi một nền hòa bình trong chiến đấu. Và nếu Hoa Kỳ không tham dự cuộc chiến trong tuyến đầu tiên, thì Hoa Kỳ có thể chiến thắng cuộc chiến tranh văn hóa này sớm hơn.

Chủ nghĩa Cộng Sản đã chiến thắng trận chiến đầu qua cuộc chiến du kích. Hoa Kỳ cho đến nay đã chiến thắng một trận chiến rộng lớn hơn, trận chiến giành tim óc, tâm trí của con người qua một trận chiến tranh du kích văn hóa.
Qua cuốn sổ vi-sa, chúng ta đọc "Cộng Hòa xã Hội chủ nghĩa Việt Nam". Hiện thực là ngày nay, quốc gia này là "Không Cộng Hòa tư bản Việt Nam " (The Capitalist Non-Republic of Vietnam.) Hệ thống chính trị độc đảng đầy hiệu lực, và những cố gắng nửa vời, liên tục nhằm ngăn chặn tin tức đến với người dân. Đôi lúc, bạn vào được Facebook, đôi lúc bạn không vào được. Đôi lúc, những CNN và BBC mở trên TV, đôi lúc không có.

Một trong những kênh của các đài truyền hình trong một khách sạn tại Hội An trong suốt chuyến đi tháng 5 năm 2010 là những chương trình thời trang Victoria's Secret trình chiếu thâu đêm. Tôi đoán là họ dùng để thay thế các chương trình CNN hay BBC và chính phủ nghĩ là những người đẹp trình diễn trong quần lót như vậy thì thay thế cho những tin tức đúng đắn, có thể làm giảm đi những than phiền về việc chặn đứng, ngăn ngừa mọi thông tin.

Một người đàn bà mà chúng tôi hỏi về những cấm đoán, hạn chế và những đọa đày dưới sự cai trị hà khắc của người Cộng Sản sau nhiều thập niên kể từ khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản vào năm 1975, thì được trả lời bằng một câu, đủ tóm lược tình trạng Việt Nam ngày nay: "Nhưng bây giờ--cũng được"( but now it's O.K! ).

Còn phần chủ nghĩa xã hội trong tên chính thức của đất nước này, nó cũng giống như những kẻ đã gọi Tổng thống Obama là một kẻ theo chủ nghĩa xã hội. Ở đây, chủ nghĩa tư bản ngự trị khắp nơi và người ta có thể nhìn thấy.

Dù bất cứ cái gì xãy ra, thì Việt Nam, quốc gia Cộng Sản trước đây, cho đến nay vẫn giữ nguyên trạng thái bất động, ù lì. Nhằm duy trì gia sản chủ thuyết Mác Xít của họ, họ không thích diễn tả hiện thực sinh động thường ngày bằng ngôn từ chủ nghĩa tư bản, bởi vậy thay vào họ nói "nền kinh tế thị trường" .

Việt Nam ngày nay ít xã hội hơn tiểu bang nhà Mississippi của tôi nữa. Tôi nói thật đó. Chúng tôi thực rất cần một hệ thống y tế phổ quát trên toàn nước Mỹ, nhưng chúng tôi cung cấp dịch vụ y tế cho người nghèo. Trường công lập chúng tôi vẫn được ưu đãi, nhưng hệ thống giáo dục tự do vẫn rộng mở cho đến hết bậc trung học. Chúng tôi có hệ thống an ninh xã hội. Không như ở Việt Nam, nơi người nghèo phải trả mọi chi phí về y tế cũng như phải trả mọi chi phí để giáo dục con em từ cấp trung học trở lên, và cũng phụ cấp phần nhỏ cho người cao niên đã làm việc trong chính quyền CS.
Tôi mong ước thấy Hồ Chí Minh xoay vòng trong quan tài lộng kiến khi chúng tôi viếng ông ở Hà Nội, nhưng ông đã biến mất để thản nhiên không còn dính dáng hay đối diện lại sự sụp đổ của cuộc cách mạng do ông khởi xướng mà đã từng mang tên "cuộc cách mạng văn hóa tư sản vĩ đại" .

Tự do là chứng truyền nhiễm, tự lan truyền vô hạn. Nó cũng như vi trùng tự phát, tự sinh, nhưng tự do không có thể nào được chuyển hóa thành vũ khí và lan truyền bằng chiến tranh. Tình trạng ở A Phú Hãn thì phức tạp và khó khăn hơn nhiều, và những bài học ở Việt Nam không có thể nào áp dụng được. Nhưng chúng ta, ít nhất cũng hiểu rõ những bài học đó là gì .

Đó là lý do tại sao tôi đã bỏ dụng ngữ "có thể". Làm thế nào chúng ta, Hoa Kỳ đã chiến thắng ở Việt Nam bằng cách chấm dứt cuộc chiến hơn 35 năm trước.

Nguyễn việt Việt dịch

Đổi Đời

Ð. m. cây bông
Mày không lao động
Ai trồng chật chỗ
Hãy nhổ xem sao
Máu trào thiên cổ!
Sao trên Rừng


Đổi Đời

Trần Công Nhung
(Trích Thăng Trầm của tác giả in 2004)

Thông thường, đổi thay là mong mỏi có một tình trạng khá hơn. Cách mạng là làm thay đổi, phá bỏ cái tệ hại xấu xa, tiến lên cái tốt đẹp hơn. Sau năm 75 toàn Miền Nam, mọi giai tầng xã hội bị đảo lộn vị thế hình thái một cách nhanh không tưởng. Người ta gọi đó là sự Ðổi Ðời.

Từ một công chức xuống công nhân, từ một bác sĩ thành anh chạy xe thồ, từ một cô giáo trở thành chị bán hàng rong, v.v. Sự đổi đời đã khiến mọi người ngẩn ngơ lo sợ, rồi tìm cách trốn sự đổi đời... thà chết với cuộc đời cũ còn hơn. Vì không chấp nhận sự đổi đời nên bao nhiêu người đã vào tù. Có người bị tù 1 lần, người 2 lần, có người vào tù ra khám như cơm bữa. Tôi cũng lãnh một lần tù.

Ngay đêm hẹn gặp với anh chủ ghe để tìm cách tránh cảnh đổi đời, tôi đã bị bắt đưa thẳng vào Trung Tâm Thẩm Vấn Nha Trang, nói nôm là nhà tù chấp cung. "Ðồng bọn" với tôi có gia đình Vĩnh Phát, Hòa Lạc, Mỹ Hưng… hết thảy chừng 30 người lớn bé. Họ toàn nhà buôn có tiếng ở thành phố Nha Trang, riêng tôi là giáo chức. Ðêm đó đúng là đêm kinh hoàng. Lúc lùa chúng tôi lên xe, một công an xô đẩy chúng tôi như thú vật và bảo: "Nhớ thành thật khai báo để sống thêm vài năm nữa".

Tôi bị nhốt vào xà lim số 2 chung với một can phạm giết người. Tôi không tưởng tượng được cuộc đời lại có giây phút tối tăm đến vậy. Không những thân xác ê ẩm thảm hại mà tinh thần cũng tê liệt đông cứng. Tôi nằm bất động suốt đêm, đến chiều hôm sau mới nghe tiếng người bạn tù:

- Ráng ăn chút cơm đi. Ðã vào đây là phải cố sống chờ ngày ra.

Thêm một thứ âm thanh văng vẳng không rõ lắm:

- Cọc, cọc... chú mới vào tên gì, tội gì?

- Có ăn uống nói năng gì đâu mà biết.

- Bình tĩnh chú ơi, nếu tội chú rõ ràng thì mau ra lắm.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi cho người tù chung phòng biết trường hợp của mình.

Lát sau lại nghe tiếng gõ cọc cọc phía vách bên kia:

- Khuyên chú ấy ăn uống cho có sức.

- Vượt biển, nhà giáo.

- Tưởng gì chớ vượt biển họ hỏi cung xong là cho ra phòng chung (nhiều người). Phòng của chú trước đây giáo sư Trần Văn Tây nằm, Tỉnh Trưởng Lý Bá Phẩm cũng đã ở đó.

Nghe tên Trần Văn Tây tự nhiên tôi thấy tinh thần tỉnh lại. Trần Văn Tây cùng dạy chung trường. Ðây đâu phải dành riêng cho mình. Tôi hỏi vọng sang người tù bên kia vách:

- Ông Tây nằm đây bao lâu?

- Chưa đầy tháng, tội chú cao lắm một tháng thôi.

- Sao anh biết?

- Ðã ở đây trên gần cả năm, ai ra vào, lâu mau cháu biết hết. Vượt biển chỉ chờ chấp cung xong là cho đi lao động.

Tôi nghĩ bụng, tay này sao rành quá vậy, hay là cò mồi để khai thác tù?

- Anh tên gì? Sao nằm lâu vậy?

- Thiên, nghi "giụt" lựu đạn giết cán bộ.

- Sao nghi anh? Sao nhốt lâu?

- Cháu là Thủy Quân Lục Chiến, năm ngoái trong Cam Ranh có vụ "giụt" lựu đạn giết cán bộ xã, công an điều tra, lính ngụy nên nghi, họ bắt cháu tại ga Nha Trang.

- Gia đình biết không?

- Không.

- Trời đất! Sao không cho biết?

- Thêm lo chớ được gì? Chừng nào thả thì thả?

- Sao lâu vậy?

- Không nhận tội, nhốt hoài.

- Vậy nhận mà ra.

- Khùng sao chú, không làm mà nhận?

Tôi nghĩ, anh này rất khí khái, đáng mến. Tôi bắt chước gõ vào vách 3 cái:

- Bao nhiêu tuổi?

- Hăm lăm.

- Nói lớn không sợ công an?

- Giờ này làm gì có công an?

- Sao biết?

- Bốn giờ họ ăn cơm, đi chơi, đánh banh cả rồi. Chú dạy trường nào?

- Võ Tánh.

- Ði chưa mà bị bắt?

- Chưa, mới ra bãi.

- Lường gạt hay bị lộ.

- Lường gạt.

- Nhẹ, tháng là cùng.

Không ngờ qua câu chuyện tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần, tôi bắt đầu ăn. Ăn ngon lành. Một vắt cơm, một tô canh rau muống lẫn mấy con cá liệt bằng ngón tay, chỉ một nhoáng là sạch bách. Tôi dùng đầu giây nịt, gạch lên vách đánh dấu mỗi ngày qua, một gạch, 2 gạch, 3 gạch....

Người tù chung xà lim cho tôi biết anh đã dùng rựa chém chết một cán bộ xã, vì tên này lợi dụng thế lực ve vãn vợ anh. Theo tôi, anh không phải loại người hung ác, nhưng lắm khi bị thách thức quá đáng, người ta cũng dễ cuồng trí. Mấy hôm sau anh chuyển đi nơi khác. Còn một mình tôi, Thiên càng nói chuyện nhiều hơn. Tuy không thấy mặt mũi nhau nhưng qua tiếng nói, tôi hình dung anh là một thanh niên lanh lợi, có tinh thần hào hiệp nghĩa khí. Mỗi ngày, sau tiếng kẻng tan sở buổi chiều là Thiên rủ tôi "đi uống cà phê". Anh biết hầu hết các quán cà phê ở Nha Trang. Từ Chiều Tím góc Bà Triệu và Yersin, đến cà phê Lá Ða Xóm Mới, hương vị mỗi nơi như thế nào, không khí mỗi chỗ ra làm sao, Thiên mô tả rành mạch. Nhờ vậy, tôi bớt buồn lo và dần dà nhận ra vận số của mình phải thế. Ông Ân Quang đã nói trong Tử Vi của tôi từ năm 72 rằng rồi tôi sẽ thay đổi nghề nghiệp. Ðúng thật, nghề đi dạy thành nghề đi tù.

Hơn tháng nay, ngày nào tôi cũng bị dẫn lên phòng chấp pháp để khai cung. Mỗi khi nghe tiếng giày lộp cộp, tiếng chùm chì khóa leng keng là người cứ muốn nổi da gà. Cảnh nhà tù trong tác phẩm Chín Tầng Ðịa Ngục của nhà văn Liên Sô cũng y hệt như vậy, cũng những âm thanh nghe lạnh người.

Khai cung, tôi chẳng có gì để dấu nhưng họ không tin, họ quyết tôi đã đi nước ngoài, có nhận vàng của nước ngoài để làm gián điệp (chuyện không tưởng), bởi không, sao tôi có nhiều máy ảnh có những bằng nhiếp ảnh ngoại quốc.

- Anh khai thật thì được khoan hồng.

- Thưa cán bộ tôi đã thành thật khai.

- Anh đã đi nước ngoài mấy lần, và những nước nào?

- Dạ chưa hề được đi nước nào cả.

- Sao anh có bằng cấp nước ngoài?

- Ðó chỉ là những bằng nhiếp ảnh, tôi gởi ảnh đi dự thi, họ cấp. Trong miền Nam không thiếu gì người như vậy.

- Ai cấp tiền bạc cho anh?

- Tôi chỉ dạy học, lãnh lương.

- Lương anh bao nhiêu mà anh sắm nhiều máy móc thế, nói láo.

- Thời Mỹ đồ đó bán đầy chợ trời rẻ như cho, Nha Trang chỉ mình tôi chơi ảnh nên tha hồ mua.

Anh cán bộ làm thinh. Cứ vậy mà ngày nào tôi cũng phải trả lời chừng ấy chuyện. Phải công nhận anh chấp pháp rất kiên nhẫn. Anh có khuôn mặt choắt như mặt chuột, tái xanh, hàm răng khít rịt khi nói. Lúc đầu tôi rất ghét phải đối diện với anh, về sau thấy dễ chịu. Ít ra có anh tôi cũng được ra ngoài hít thở khí trời, được thấy những đám mây bay qua, được nhìn mấy con chim sẻ nhảy tung tăng. Dần dà tôi thấy anh có phần mến tôi. Anh không to tiếng, trong lối tra hỏi có vẻ hiểu biết hơn. Tôi chợt nghĩ ra một cách....

- Tôi khuyên anh khai thật đi.

- Cán bộ bảo tôi khai thật cái gì, tôi đã khai hết rồi.

- Anh nhận vàng của nước nào? Ði những nước nào? Làm việc cho nước nào?

- Tôi đã nói hết sự thật, nếu cán bộ không tin, xin hỏi nhà văn Võ Hồng, tôi là giáo viên trường ổng. Tôi sống ở đây bao nhiêu năm làm gì ổng đều biết.

Không ngờ nhờ câu trả lời đơn giản thế mà chỉ một tuần sau tôi được ra khỏi cát-sô ở chung với nhiều người (1). Tôi không nhớ ngày, ấy là một ngày đẹp trời, có tiếng kêu: “Trần Công Nhung dọn hết tư trang ra ngoài”. Cửa cát sô mở, người công an lạnh lùng nhìn tôi: “Ði”. Tôi vội vàng làm theo như máy, chẳng biết đi đâu, lành hay dữ. Tôi theo anh bộ đội vòng qua một khu nhà dài, anh mở cửa phòng số 10, đẩy tôi vào. Lúc cánh cửa vừa đóng là bao nhiêu người tù trong phòng ùa về phía tôi, hỏi thăm tin tức. Họ cứ tưởng tôi là người mới toanh từ ngoài vào cho nên ai cũng muốn biết những tin tức thời sự. Những câu hỏi để lộ tâm trạng mong chờ một thế cờ. Nhưng thấy không có gì mới lạ nên ai nấy giãn ra, chỉ còn hai người ngồi lại với tôi: ông Nguyễn Ðức Giang (Chách sở Giáo Dục), Trần Minh Thanh (giáo viên). Thanh đã nhanh nhẹn làm một tô mì khô đãi tôi: Bánh tráng sống bẻ vụn, rưới nước mềm, cho cám gạo vào rồi trộn đều với xì dầu. Tôi không ngờ tô mì chế biến đơn giản mà ngon. Sau 3 hôm ra nhà tù chung, tôi được gọi đi lao động. Nhốt trong tù mà được đi lao động là một phúc lớn. Ra ngoài như được về với tự do, được hít thở thoải mái, được ăn no hơn... Cho nên ai cũng ước đi lao động.

Người cán bộ đến nhận tôi đi làm không mặc sắc phục công an. Anh ăn mặc như nhân viên dân chính. Trông anh hiền lành và còn trẻ. Ðối diện trại giam, bên kia đường là Ty Công An. Lúc đưa tôi băng qua đường, người cán bộ nói:

- Chú xui xẻo, đi được thì sướng, cháu đã đi nước ngoài cháu biết.

Tôi ngạc nhiên, và nghi anh "thả bong bóng" khai thác gì đây. Tôi im lặng. Anh lại tiếp:

- Hôm bắt chú có cháu. Những tài liệu của chú ở Ty chiếu mấy đêm để nghiên cứu. Chú chuẩn bị tư tưởng chớ lâu đó.

Tôi nghĩ anh này có thể thực tâm, vì đã xem qua tài liệu của tôi và hiểu tôi phần nào. Tuy nhiên tôi vẫn yên lặng thăm dò, lòng bàng hoàng nghĩ đến những ngày sắp tới. Công việc anh giao tôi là kẻ một biểu ngữ: "Tiếp nhận lẵng hoa bác Tôn" (Tôn Ðức Thắng). Trong lúc tôi lay hoay làm thì người cán bộ lại nói nhỏ:

- Chú muốn nhắn gì về cho thím thì lát nữa viết ít chữ cháu đem về cho.

Tôi nhìn anh tin tưởng và thầm cảm ơn. Tôi nói:

- Nếu cán bộ giúp đuợc thì tôi vô cùng biết ơn.

Ðến trưa anh cho tôi miếng giấy, sẵn cây bút chì kẻ bảng tôi ngoáy mấy hàng tin cho nhà tôi. Anh lại bảo:

- Chú muốn thăm gia đình, cháu sẽ nói thím đứng chỗ nhà đợi, lúc đi làm, qua đường chú sẽ thấy.

Tôi cảm ơn nhiều lần và thật sự tin người công an có lòng tốt này. Hôm sau đi làm, lúc băng qua đường, nhà tôi và các cháu đứng sẵn trong nhà đợi. Bổng tôi nghe: "Phì Phì, Ba kia Phì, chạy ra mau" thằng bé 3 tuổi chạy về phía tôi, tôi ẳm cháu lên và nước mắt dàn giụa. Ngay lúc ấy người bộ đội trên bốt gác cao, lên đạn rắc rắc đồng thời quát: "Bỏ xuống, bỏ xuống". Tôi vội vàng để thằng bé xuống và lẳng lặng đi theo anh công an. Ngày kế tiếp, không ai đến gọi tôi đi làm nữa. Hai tuần sau, vào một buổi sáng sớm, cửa phòng mở, một anh công an đứng hô dõng dạc:

- Những người có tên sau đây thu dọn tư trang ra xếp hàng ngoài sân:

- Lê văn T, Nguyễn chí Ð, Trần B...

Tôi hồi hộp chờ tên mình. Ði đâu không cần biết, rời khỏi chỗ đang bị nhốt là mừng.

- Phan Hòa L, Trần Minh Thanh, Trần Công Nhung...

Tuy vẫn là tù mà sao sung sướng thế, tưởng như vừa được xướng danh đậu Tú Tài. Chúng tôi ôm đồ ra ngồi ngoài sân, chung với số người đã kêu. Những câu hỏi chuyền tai nhau:

- Ði đâu?

- Chuyển trại.

- Trại nào?

- Ai biết!

- Như không.

"Ê không được nói chuyện", anh công an quát về phía có tiếng xầm xì. Lát sau lại có tin: "Ði A 30", "Ði Ðồng Găng". Chắc chắn là đi, nhưng đi đâu thì không ai biết. Cuối cùng đa số chúng tôi được gọi tên lần nữa để lên một xe tải. Toàn bộ đám vượt biên lên chung một xe. Lúc tấm bạt phía sau tủ xuống và ràng cẩn thận thì xe chuyển bánh. Tôi cố tìm một kẽ hở để nhìn ra ngoài. Ðịnh hướng xem đi đâu. Mấy phút sau chiếc xe đi ra hướng Bắc. Có người cả quyết đi A 30.

Bốn giờ chiều, chúng tôi được thả xuống một trại cải tạo giữa rừng núi xa lạ lạnh lẽo: Trại A 30, Tuy Hòa. Quang cảnh nhà tù bây giờ xa hẳn phố thị và khoảng khoát hơn. Nhà từng dãy, những người tù trong bộ đồng phục xanh đi lại thong thả, họ tò mò nhìn chúng tôi mà không dám đến gần. Chúng tôi được dẫn vào hội trường của trại để học bài học đầu tiên: "Nếp sống văn minh trong tù". Tôi thật sự đổi nơi ăn chốn ở, đổi nếp sống, đổi cách suy nghĩ. Ðổi Ðời.

12 THÁNG ANH ĐI