27 thg 2, 2011

Đâu Là Chỗ Thực Sự Đáng Sợ Của Nước Mỹ?


(Đây là phần lược dịch bài nói ngày 11/9/2002 của ông Lưu Á Châu, hiện đang là Chủ nhiệm chính trị bộ đội Không quân của Quân khu Bắc Kinh.)
Trong quá khứ, vì để giúp Trung Quốc thoát khỏi ách thống trị thực dân mà Mỹ đánh bại Nhật, họ có cống hiến lớn đối với tiến bộ văn minh của xã hội Trung Quốc.
Hai nước Trung Quốc- Mỹ không có xung đột lợi ích căn bản. Ngày nay, do lợi ích của Mỹ rải khắp toàn cầu nên 2 nước có xung đột. Nhưng chúng ta vẫn phải dùng tấm lòng đạo đức để bình xét sự vật chứ không thể kích động. Tôi từng nói rằng đối với Nhật, một nước từng tàn sát mấy chục triệu đồng bào ta, mà chúng ta thường xuyên nói 2 nước "phải đời đời kiếp kiếp hữu hảo với nhau". Thế thì chúng ta có lý do nào để căm ghét nhân dân Mỹ từng giúp ta đánh bại Nhật?

Đâu là chỗ thực sự đáng sợ của nước Mỹ?

Tuy rằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới, khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới, nhưng tôi cho rằng những cái đó không đáng sợ. Nghe nói máy bay tàng hình của Mỹ thường xuyên ra vào bầu trời Trung Quốc rất thoải mái, nhưng điều ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Cái đáng sợ của họ không phải là những thứ ấy.

Năm 1972, tôi học ở Đại học Vũ Hán, lên lớp giờ chính trị. Một thầy giáo khoa chính trị nói: "Nước Mỹ là đại diện của các nước tư bản mục nát, suy tàn, đã sắp xuống mồ, hết hơi rồi." Tôi, một sinh viên công nông binh mặc bộ quân phục, đứng ngay lên phản bác: "Thưa thày, em cảm thấy thầy nói không đúng ạ. Tuy rằng nước Mỹ không giống Trung Quốc là mặt trời nhô lên lúc 8- 9 giờ sáng, nhưng Mỹ cũng chẳng phải là mặt trời đang lặn gì gì đó, mà là mặt trời lúc giữa trưa ạ."
Thầy giáo bực mình, tái mét mặt ấp úng nói: "Cái cậu học sinh này, sao dám nói thế hả!" Ông ấy không hỏi tôi tại sao lại nói thế, mà dùng một chữ "dám". Lúc đó tôi thấy hết tâm trạng của ông.
Chính là cái nước tư bản mục ruỗng suy tàn ấy vào thập niên 90 thế kỷ trước đã lãnh đạo cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Tôi tốt nghiệp đại học đúng vào lúc bắt đầu cải cách mở cửa. Tôi lại có một quan điểm: Nước Mỹ là quốc gia do hàng chục triệu con người không yêu tổ quốc mình hợp thành, nhưng họ đều rất yêu nước Mỹ. Hồi ấy rất nhiều người lãnh đạo vừa chửi Mỹ vừa gửi con cái mình sang Mỹ. Một sự tương phản lớn!

Nói một thôi một hồi rồi, vậy thì cái đáng sợ của Mỹ là ở đâu? Tôi cảm thấy có ba điểm.

Điểm thứ nhất, không thể coi thường cơ chế tinh anh của Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người quyết sách đều là tinh anh. Bi kịch của Trung Quốc chúng ta, lớn đến nhà nước, nhỏ tới từng đơn vị, phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có cương vị, có cương vị thì không có đầu óc.

Nước Mỹ ngược hẳn lại, cơ chế hình tháp của họ đưa được những người tinh anh lên. Nhờ thế, 1 là họ không mắc sai lầm; 2 là họ ít mắc sai lầm; 3 là mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng sửa sai. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, mắc sai lầm rồi thì rất khó sửa sai.

Mỹ dùng một hòn đảo Đài Loan nhỏ xíu để kiềm chế Trung Quốc chẵn nửa thế kỷ. Nước cờ này họ đi thật linh hoạt, thật thần kỳ. Một Đài Loan làm thay đổi hẳn sinh thái chính trị quốc tế. Điều tôi lo ngại nhất là bộ khung chiến lược phát triển Trung Quốc trong thế kỷ mới sẽ vì vấn đề Đài Loan mà biến dạng. Ngày nay, đối với các dân tộc có thế mạnh thì tính quan trọng của lãnh thổ đã giảm nhiều, đã chuyển từ tìm kiếm lãnh thổ sang tìm kiếm thế mạnh của quốc gia.

Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế. Tạo thế là gì? Ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng dân thì khẳng định đất đai anh sở hữu sẽ bị mất. Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược.

Tôi nhiều lần nói là trung tâm chiến lược của Mỹ sẽ không chuyển sang châu Á đâu, song điều đó không có nghĩa là Mỹ không bao vây Trung Quốc. Rất nhiều bạn chỉ thấy Mỹ bao vây Trung Quốc về quân sự, cũng như rất nhiều người chỉ thấy khoảng cách chênh lệch về KHKT và trang bị vũ khí giữa 2 nước mà chưa nhìn thấy sự mất cân đối nghiêm trọng hơn sự lạc hậu về trang bị trên mặt chiến lược lớn, nhất là trên tầng nấc ngoại giao.

Sau vụ 11/9, Mỹ nhanh chóng chiếm Afghanistan trong vòng 2 tháng, từ phía Tây bao vây Trung Quốc. Sức ép quân sự của Nhật, Đài Loan, Ấn Độ cũng chẳng bớt đi. Xem ra chúng ta giành được từ vụ 11/9 một số lợi ích trước mắt, song các lợi ích đó không quá 1- 2 năm có thể biến mất. Tôi cho rằng bao vây chiến lược đối với Trung Quốc là một kiểu khác, không phải là quân sự mà là siêu việt quân sự.

Bạn xem đấy, mấy năm gần đây các nước xung quanh Trung Quốc tới tấp thay đổi chế độ xã hội, biến thành cái gọi là quốc gia "dân chủ". Nga, Mông Cổ thay đổi rồi, Kazakhstan thay đổi rồi. Cộng thêm các nước trước đây như Hàn Quốc, Phillippines, Indonesia, lại cộng thêm vùng Đài Loan. Đối với Trung Quốc, sự đe doạ này còn ghê gớm hơn đe doạ quân sự. Đe doạ quân sự có thể là hiệu ứng ngắn hạn, còn việc bị cái gọi là các quốc gia "dân chủ" bao vây là hiệu ứng dài hạn.

Điểm thứ hai, sự độ lượng và khoan dung của nước Mỹ. Bạn nên sang châu Âu, sau đó sang Mỹ, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn: Sáng sớm, các đường phố lớn ở châu Âu chẳng có người nào cả, còn tại Mỹ sáng sớm các phố lớn ngõ nhỏ đều có rất nhiều người tập thể dục, thậm chí cả ngày như thế. Tôi có một câu nói: Tập thể dục là một phẩm chất, tập thể dục đại diện cho một kiểu văn hoá khí thế hừng hực đi lên. Một quốc gia có sức sống hay không, chỉ cần xem có bao nhiêu người tập thể dục là biết.

Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần lót để mặc. Hồi ở Mỹ tôi có mua một chiếc quần cộc cờ sao vạch. Tôi thường xuyên mặc chiếc quần ấy. Tôi mặc nó là để khinh miệt nó, là để trút giận, là một dạng trút sự bực bội và thoả mãn về tâm lý. Người Mỹ mặc nó là sự trêu chọc bỡn cợt, bản chất khác. Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ nước mình ngoài phố. Đới Húc [7] nói: Nếu một quốc gia có thể đốt cả quốc kỳ của mình thì anh còn có lý do nào đi đốt quốc gia ấy nữa?

Điểm thứ ba, sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức. Đây là điều đáng sợ nhất. Vụ 11/9 là một tai nạn. Khi tai hoạ ập đến, thể xác ngã xuống trước tiên, nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp tai nạn thể xác chưa ngã mà linh hồn đã đầu hàng. Trong vụ 11/9 có xảy ra 3 sự việc đều có thể để chúng ta qua đó nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ. Việc thứ nhất, sau khi phần trên toà nhà Thương mại thế giới bị máy bay đâm vào, lửa cháy đùng đùng, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Khi mọi người ở tầng trên qua cửa thoát hiểm chạy xuống phía dưới, tình hình không rối loạn lắm.

Người ta đi xuống, lính cứu hoả xông lên trên. Họ nhường lối đi cho nhau mà không đâm vào nhau. Khi thấy có đàn bà, trẻ con hoặc người mù tới, mọi người tự động nhường lối đi để họ đi trước. Thậm chí còn nhường đường cho cả một chú chó cảnh. Một dân tộc tinh thần không cứng cáp tới mức nhất định thì dứt khoát không thể có hành vi như vậy. Đứng trước cái chết vẫn bình tĩnh như không, e rằng không phải là thánh nhân thì cũng gần với thánh nhân.


Việc thứ hai, hôm sau ngày 11/9, cả thế giới biết vụ này do bọn khủng bố người A Rập gây ra. Rất nhiều cửa hàng, tiệm ăn của người A Rập bị những người Mỹ tức giận đập phá. Một số thương nhân người A Rập cũng bị tấn công. Vào lúc đó có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, tiệm ăn của người A Rập hoặc đến các khu người A Rập ở để tuần tra nhằm ngăn chặn xảy ra bi kịch tiếp theo.

Đó là một tinh thần thế nào nhỉ. Chúng ta thì từ xưa đã có truyền thống trả thù. Thành Đô nơi tôi ở, ngày xưa Đặng Ngải [8] sau khi chiếm được Thành Đô, con trai của Bàng Đức [9] giết sạch giá trẻ gái trai gia đình Quan Vũ. Trả thù đẫm máu, lịch sử loang lổ vết máu không bao giờ hết.

Việc thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767 bị rơi ở Pennsylvania vốn dĩ bị không tặc dùng để đâm vào Nhà Trắng. Sau đấy hành khách trên máy bay vật lộn với bọn khủng bố nên mới làm máy bay rơi. Vì lúc ấy họ đã biết tin toà nhà Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc bị máy bay đâm vào nên họ quyết định không thể không hành động, phải đấu tranh sống chết với bọn khủng bố.

Cho dù trong tình hình ấy họ còn làm một chuyện thế này: Quyết định biểu quyết thông qua có nên chiến đấu với bọn khủng bố hay không. Trong giờ phút quan hệ tới sự sống chết ấy, họ cũng không cưỡng chế ý chí của mình lên người khác. Sau khi toàn thể mọi người đồng ý, họ mới đánh bọn không tặc. Dân chủ là gì; đây tức là dân chủ. Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh. Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới.

24 thg 2, 2011

Lời di chúc cho muôn đời con cháu


VUA TRẦN NHÂN TÔN
"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.

Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc muôn đời cho con cháu.”

14 thg 2, 2011

Bạn Tù Ơi

11 nước có nguy cơ trở thành Ai Cập khác


Nhân loại vui trong cùng một niềm vui của nhân dân Ai Cập. Pháo bông không chỉ bắn lên từ quảng trường Tahrir tự do nhưng cũng được bắn lên ở các nước Phi châu và bắn lên từ trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Ảnh hưởng của cách mạng Ai Cập rộng lớn đến nổi Giáo sư xã hội học Hasan Yahya đã ví cách mạng dân chủ Ai Cập 2011 tương đương với cách mạng Pháp 1789 vì cả hai đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người …
Cơn thủy triều dân chủ đang dâng cao trên khắp thế giới hiện nay là bước phát triển khoa học trong quá trình tiến hóa của loài người. Các cố gắng của các nhà độc tài, các đảng độc tài chỉ để tạm thời xoa dịu làn sóng công phẫn trong nhân dân nhưng chính họ cũng hiểu chân lý thời đại: dân chủ là văn minh, độc tài là lạc hậu. Những phân tích dưới đây dựa theo danh sách của ký giả Gregory White, Business Insider 11 nước có nguy cơ trở thành Ai Cập khác (11 Countries At Risk Of Becoming The Next Egypt):

Moroco: Morocco theo chính thể quân chủ lập hiến trong đó nhà vua là lãnh đạo quốc gia nhưng bị chi phối bởi hiến pháp. Trong số các quốc gia vùng Bắc Phi, Morocco là nước đã có nhiều cải thiện chính trị trong những năm vừa qua. Tuy nhiên nạn thất nghiệp 25% trong thế hệ những người vừa tốt nghiệp đại học, và 9.1% trong lực lượng lao động nói chung, đang là một mối lo rất lớn cho vua Mohammed Đệ Tứ và chính phủ. Nếu tình trạng lạm phát không được kiểm soát và tình trạng thất nghiệp không được giải quyết, khả năng bộc phát một cuộc cách mạng dân chủ toàn diện có thể diễn ra tại vương quốc 32 triệu dân này.
Jordan: Giống như Morocco, Jordan cũng là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến. Vua Abdullah Đệ Nhị bin al-Hussein cai trị quốc gia này từ sau cái chết của vua cha Hussein vào 1999. Dân số Jordan vào khoảng 6 triệu theo thống kê 2009. Tình trạng lạm phát tại Jordan hiện nay là 6.1% và thất nghiệp toàn quốc tại mức 14%. Một mối lo ngại của nhà vua là có đến 40% dân số Jordan dùng Internet rất tích cực. Hưởng ứng các cuộc biểu tình tại Tunisia trước đây, nhân dân Jordan cũng đã đứng lên. Vua Abdullah phản ứng bằng cách giải tán chính phủ và hứa thực hiện các cải cách kinh tế cấp bách để mong làm dịu sự bất mãn trong dân chúng. Theo giới quan sát chính trị, nếu vua Abdulla không thực hiện các cải cách như đã hứa một cách kịp thời, số phận của vương quốc này không biết sẽ ra sao.
Syria: Trong hai tuần qua, Bashar al-Assad, nhà lãnh đạo độc tài xứ Syria như ngồi trên than đỏ. Tình trạng nhân quyền tại Syria còn tệ hại hơn Ai Cập nhiều. Sau khi Assad cha qua đời vào tháng Sáu 2000, quốc hội bù nhìn Syria đã thay đổi hiến pháp, hạ mức tuổi để cho phép Bashar al-Assad khi đó mới 34 tuổi lên làm Tổng Thống và lãnh đạo đảng Ba’ath cầm quyền. Bashar al-Assad đắc cử tổng thống lần nữa không có đối thủ với tỉ lệ 97.6% tổng số phiếu bầu. Một tỉ lệ rất quen thuộc với cử tri Việt Nam. Hai tháng qua, giới trẻ tại Syria rục rịch đứng lên đòi dân chủ. Các thành viên Facebook và Twitter cung cấp tin tức sốt dẻo cho tuổi trẻ khắp nơi. Họ dự tính tổ chức các ngày tập hợp chống chính phủ được gọi là Ngày Thịnh Nộ (Day of Rage) tại Syria. Theo các quan sát viên chính trị, Syria là một trong những mục tiêu hàng đầu của phong trào dân chủ Bắc Phi hiện nay.
Saudi Arabia: Không giống như trong chế độ quân chủ lập hiến, chế độ quân chủ tại vương quốc dầu hỏa này là quân chủ tuyệt đối. Không có đảng phái chính trị nào được phép hoạt động. Hoàng gia, đông đến 25 ngàn người, nắm giữ hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính phủ. Hoàng gia Saudi Arabia nhiều lần bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng tố cáo tình trạng tham ô và lạm quyền tại nước này. Vua Abdullah bin Abdul-Aziz của Saudi Arabia là một ông vua già nua, bịnh hoạn, bảo thủ và là người đang dung dưỡng nhà độc tài Ben Ali của Tunisia. Vua Abdullah phản ứng giận dữ trước làn sóng cách mạng tại Ai Cập và kết án những người biểu tình là “những kẻ xâm nhập”. Các lực lượng chống đối hoàng gia Saudi Arabia đang ngấm ngầm hoạt động khắp nơi và đe dọa chiếc ngai vàng của vua Abdullah.
Iran: Iran là một nước Cộng Hòa Hồi Giáo với Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad được dân bầu một cách dân chủ. Tuy nhiên, chế độ gọi là dân chủ tại Iran không thể xác định rõ ràng dân chủ theo kiểu nào vì quốc gia này trên thực tế đặt dưới sự lãnh đạo bởi Lãnh Tụ Tối Cao Ali Khamenei, không những có quyền tuyệt đối về tôn giáo mà cả chính trị. Tình trạng thất nghiệp tại Iran rất cao, 14.6%. Mặc dù chính phủ tìm cách ngăn chận, số thành viên Twitter và Facebook mỗi ngày một tăng nhanh. Những cuộc biểu tình của giới trẻ trong lần bầu cử tổng thống mới đây phần lớn được điều động qua Facebook và Twitter. Cho đến nay, chính phủ Iran thành công trong việc trấn áp các cuộc nổi dậy, tuy nhiên nếu mức độ lạm phát 13.5% tiếp tục gia tăng, khả năng một cuộc bùng nổ toàn diện sẽ xảy ra.
Libya: Libya là quốc gia chịu đựng dưới bàn tay sắt của Muammar al-Gaddafi. Nguồn lợi tức thu nhập chính của Libya là dầu hỏa. Mức thất nghiệp 30% hiện nay tại Libya được xem là một trong những nước có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất vùng Bắc Phi. Libya nằm ngay giữa Ai Cập và Tunisia, hai quốc gia đã phát khởi cách mạng dân chủ thành công. Muammar al-Gaddafi lo ngại cách mạng sẽ tràn qua biên giới bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn nữa, gần 80% trong dân số 6 triệu của Libya sống tập trung tại các khu vực đô thị đông đúc nhưng không có công ăn việc làm. Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế mới đây tố cáo nhà cầm quyền Libya đã bắt giam nhà văn Jamal al-Hajji sau khi ông gởi lên Internet một lời kêu gọi dân chúng Libya biểu tình chống độc tài. Các cuộc biểu tình nhỏ đã bùng nổ tại các thành phố Darnah, Benghazi, Bani Walid. Hiện nay, Muammar al-Gaddafi chưa tỏ ra quá cứng rắn vì muốn đo lường thái độ của dân chúng. Với tình trạng thất nghiệp 30% như hiện nay, dù cứng rắn hay không, ngày tàn của chế độ độc tài Muammar al-Gaddafi chỉ là vấn đề thời gian.
Yemen: Nạn thất nghiệp tại Libya tuy cao nhưng không phải là cao nhất. Yemen có mức thất nghiệp cao đến 40% và lạm phát 5.4%. Yemen với 28 triệu dân, là quốc gia nghèo nhất và chậm phát triển nhất của bán đảo Á Râp. Yemen trên danh nghĩa là một nước cộng hòa với tổng thống Ali Abdullah Saleh được bầu trong cuộc tuyển cử khá trong sạch vào 2006, nhưng nhiều quan sát viên quốc tế xem Yemen là một nước thiếu an ninh nhất. Yemen là nơi trú ẩn của các phần tử thuộc tổ chức khủng bố Al Qaeda. Trở ngại chính để phát triển Yemen không phải vì nghèo khó mà thôi mà còn vì tình trạng tham nhũng trầm trọng trong cơ chế lãnh đạo. Ảnh hưởng từ làn sóng cách mạng tại Tunisia, khoảng 10 ngàn người đã biểu tình tại thủ đô Sana. Không giống như các cuộc biển tình tương đối ôn hòa tại Ai Cập, cuộc cách mạng tại Yemen có thể dẫn đến đổ máu vì rất nhiều người tham gia biểu tình có võ trang.
Pakistan: Pakistan là quốc gia Cộng hòa Hồi giáo nhưng người dân luôn sống trong bất an, đe dọa. Tuy chia xẻ rất nhiều thăng trầm với các nước Hồi Giáo châu Phi nhưng Pakistan là quốc gia nằm phía Nam Á. Mức lạm phát hiện nay tại Pakistan là 15% và mức thất nghiệp theo thống kê năm 2010 là 14%. Chính phủ của Thủ Tướng Yousaf Raza Gillani đã tỏ ra yếu kém trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế như đã chứng minh trong trận lụt vừa qua. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, Pakistan phải vay từ các nguồn tài chánh quốc tế hơn 100 tỉ đô la để cứu vãn nền kinh tế. Quân đội Pakistan, lớn thứ bảy trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định nhưng nếu tình trạng kinh tế tiếp tục đi xuống, các phong trào chống chính phủ ở mức độ rộng lớn có thể sẽ bùng nổ. Lưu ý, trong hơn nửa phần sau của thế kỷ thứ 20, Pakistan là quốc gia đã trải qua nhiều kinh nghiệm đảo chánh đẫm máu.
Venezuela: Quốc gia có tên đầy đủ là Cọng Hòa Bolivarian Venezuela, Nam Mỹ. Tổng thống Hugo Chávez đang lãnh đạo Venezuela trên cơ sở của một liên kết các đảng tả phái, trong đó có cả đảng Cộng Sản Venezuela . Là một quốc gia có công nghiệp dầu hỏa phát triển cao và chiếm một phần ba Tổng Sản Lượng Nội Địa nhưng 30% dân số Venezuela sống dưới mức 2 đô la một ngày. Dầu hỏa tại Venezuela là nguồn lợi kinh tế chính nhưng cũng là nguồn gốc cho tình trạng tham nhũng có truyền thống tại Venezuela. Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index) năm 2010 xếp Venezuela vào hạng 164, tức nhóm 15 nước tệ hại nhất trong 178 quốc gia được đánh giá. Tình trạng lạm phát hiện nay cao đến mức 27.2% và thất nghiệp 8.1%. Một số nhà phân tích cho rằng Venezuela không chỉ phải đối diện với cách mạng dân chủ trong nước thôi mà, với chính sách chống Mỹ hiện nay của tổng thống Hugo Chávez, Venezuela còn đối diện với viễn ảnh trở thành một Chile thời Allende khác.
Việt Nam: Việt Nam là một trong năm quốc gia còn sót lại của chủ nghĩa toàn trị Mác Lenin đã mờ vào quá khứ tại châu Âu. Mặc dù cơ chế nhà nước về hình thức có ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng lãnh đạo của cả ba ngành đều cùng một đảng. Tệ hại hơn Ai Cập, tại Việt Nam, mọi quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, tôn giáo, báo chí đều bị ngăn cấm. Tổ chức liêm chính toàn cầu ( Global Integrity) xếp Việt Nam vào hạng “Nghèo” trong bảng đánh giá được công bố năm 2009. Và cũng tệ hại hơn Ai Cập, tại Việt Nam, tình trạng tham nhũng, con ông cháu cha trong cơ chế chính trị vô cùng trầm trọng. Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index) xếp Việt Nam vào hạng 116 trong 178 quốc gia và với chỉ số 2.7 trên 10, trong khi đó Ai Cập được xếp hạng 98 và chỉ số 3.1. Đứng cùng hạng thứ 116 với Việt Nam là ba quốc gia nghèo nhất Phi Châu Ethiopia, Guyana và Tanzania.

Trung Quốc: Giống như Việt Nam, vận mệnh Trung Quốc nằm trong tay của một đảng chính trị độc tài toàn trị. Trung Quốc hiện có mức thất nghiệp thấp nhưng đang đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng. Giá cả thực phẩm tăng quá cao gây bất mãn trong các tầng lớp nhân dân. Các chuyên viên kinh tế ước lượng một công nhân Trung Quốc trung bình phải dành một nửa tiền lương để mua thức ăn. Trung Quốc có tất cả yếu tố để cách mạng dân chủ bùng nổ ngoại trừ thất nghiệp. Sau 20 năm tung toàn bộ lực lượng lao động rẻ mạt để thao túng nền kinh tế thế giới, kinh tế Trung Quốc đang chậm lại theo quy luật. Giống như chính sách Nhật Bản xâm thực Trung Quốc để thỏa mãn nhu cầu nguyên liệu trong đầu thế kỷ 20, Trung Quốc đang mở rộng chính sách xâm thực kiểu mới sang Phi Châu. Trung Quốc không có đồng minh kinh tế lẫn chính trị để làm đối lực cho trục liên kết Mỹ-Nhật-Ấn dân chủ. Trong thời gian cách mạng dân chủ bùng nổ tại Trung Đông, Trung Quốc khóa chặt các cánh cửa thông tin vì sợ tinh thần Thiên An Môn sống dậy trong tuổi trẻ.
Hai chục năm trước, những gì đang xảy ra tại Bắc Phi có lẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến Venezuela hay Việt Nam. Nhưng thế giới đã đổi thay và đang từng bước toàn cầu hóa. Hai tuần nay, hàng triệu người sống trong các chế độ độc tài trên thế giới say mê theo dõi những gì tuổi trẻ Ai Cập đang làm. Nhân loại vui trong cùng một niềm vui của nhân dân Ai Cập. Pháo bông không chỉ bắn lên từ quảng trường Tahrir tự do nhưng cũng được bắn lên ở các nước Phi châu và bắn lên từ trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Ảnh hưởng của cách mạng Ai Cập rộng lớn đến nổi Giáo sư xã hội học Hasan Yahya đã ví cách mạng dân chủ Ai Cập 2011 tương đương với cách mạng Pháp 1789 vì cả hai đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người.

Nguồn Danlambao

9 thg 2, 2011

Sách lược quânsự mới của HoaKỳ tập trung vào Châu Á

http://www.voanews.com/vietnamese/news

Sách lược quân sự mới vạch ra vai trò mà Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ đóng trong việc bảo toàn đất nước trong những năm tới đây

Hôm qua, quân đội Hoa Kỳ công bố văn kiện về sách lược toàn bộ mới từ 6 năm nay, kêu gọi phát triển một lực lượng tập trung nhiều hơn vào Châu Á, là nơi mà văn kiện này cho rằng sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng, và bầu không khí sách lược đang thay đổi nhanh chóng. Thông tín viên VOA Al Pessin tại Ngũ Giác Đài đã nói chuyện với một trong các tác giả của sách lược và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thế giới ngày nay đề ra một bầu không khí an ninh biến chuyển nhanh chóng và đầy khó khăn, đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo từ phía quân đội Hoa Kỳ, một chính sách có liên quan đến sức mạnh dân sự và quân sự, và thêm quan hệ đối tác với các nước trên khắp thế giới, theo như Sách lược Quân sự Toàn quốc.

Văn kiện 21 trang do ban lãnh đạo quân đội cấp cao nhất của Mỹ công bố xây dựng trên các sách lược đã được công bố bởi các nhà lãnh đạo dân sự của Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài. Sách lược quân sự vạch ra vai trò mà Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ đóng trong việc bảo toàn đất nước trong những năm tới đây.

Ông Roberti cho biết: “Chúng ta phải bố trí lực lượng ở những nơi nào ta nghĩ sẽ có nguy cơ, để chống lại loại nguy cơ mà chúng ta trông đợi sẽ xảy ra.”

Đó là nhận định của Phó Đề đốc John Roberti, thuộc Văn phòng Sách lược và Chính sách của quân đội. Ông nói sách lược mới tập trung vào Châu Á bởi vì kinh tế toàn cầu đang chuyển hướng qua khu vực này, nơi có những sức mạnh quân sự đang nổi lên, và đang xảy ra thay đổi về chính trị.

Ông Roberti nói: “Ta cần phải nhìn vào vị thế quốc phòng ở đó, các khả năng của chúng ta có sẵn ở đó, các mối bang giao, các quan hệ hợp tác, các đồng minh của chúng ta, và tập trung vào khu vực đó để duy trì an ninh. Tôi sẽ không tập trung vào nơi nào có nhiều hay ít binh sĩ hơn, mà vào các khả năng và việc bố trí các khả năng đó ở khu vực này.”

Sách lược chú ý đặc biệt vào Trung Quốc, và nói rằng quân đội Hoa Kỳ phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp lại điều được gọi là 'các khả năng chống tiếp cận', mà Trung Quốc đang bành trướng nhanh chóng. Những khả năng đó có thể đe dọa đến các con đường thương mại và hạn chế khả năng của quân đội Hoa Kỳ thực hiện những gì mà các nhà lãnh đạo Mỹ có thể ra lệnh cho họ phải làm.

Văn kiện cũng liệt kê các yếu tố như phổ biến vũ khí, toàn cầu hóa, các thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, tội phạm trên mạng, tình trạng thiếu hụt tài nguyên, dịch bệnh, các vụ tranh chấp mậu dịch và các tổ chức cực đoan bạo động như những yếu tố chính trong môi trường sách lược toàn cầu – tất cả, theo ông Roberti, đều hiện diện tại Châu Á.

Ông Roberti nhận xét: “Sự gặp gỡ của các thách thức đó làm nẩy sinh ra một nguy cơ mà muốn đối phó, chúng ta phải theo một chủ trương khác đi, phải hoạch định khác đi và chắc chắn ta phải tính tới trong các kế hoạch hiện thời.”

Ngoài việc phát triển các khả năng chiến đấu thích nghi, sách lược nói rằng quân đội Hoa Kỳ phải dẫn đầu trong việc quy tụ các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác dân sự cũng như quân sự của nước ngoài, kể cả các tổ chức phi chính phủ, để giải quyết những vấn đề đe dọa đến an ninh và ổn định.

Đặc biệt, sách lược kêu gọi hợp tác với các tổ chức khu vực ở Châu Phi và Nam Mỹ để thăng tiến an ninh và ổn định trong những vùng đó. Và mặc dầu được viết trước khi diễn ra các vụ bạo động hiện thời ở Tunisia và Ai Cập, văn kiện này đã nêu ra sự cần thiết phải giải quyết tình trạng bất ổn tiềm tàng ở Trung Đông, bởi vì các vấn đề về chính quyền, và các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đang chuyển biến.

Văn kiện này nằm trong khuôn khổ một cái nhìn trước vào những ưu tiên của quân đội Hoa Kỳ sau các cuộc chiến tranh ở Iraq, nơi theo dự kiến lực lượng Hoa Kỳ sẽ rút đi trong năm nay, và Afghanistan, nơi quân đội Hoa Kỳ sẽ bắt đầu rời khỏi cũng trong năm nay, với mục tiêu là cuộc triệt thoái đáng kể trước năm 2014.

Các nhà lãnh đạo quân đội sẽ sử dụng sách lược này như một cơ sở kế hoạch, kể cả những yêu cầu về chương trình vũ khí mới hay mở rộng có phần chắc sẽ rất khó nhận được sự tài trợ, căn cứ vào bầu không khí dự chi tại Quốc hội Hoa Kỳ.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/us-military-02-09-2011-115629059.html

5 thg 2, 2011

Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua

Câu chuyện về bài thơ
“Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua”

Trần Trung Ðạo

Sáng nay tôi nhận nhiều email từ thân hữu và độc giả. Tất cả đều kèm theo bài thơ tôi viết gần 20 năm trước, bài thơ Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua và một mẫu tin Ðể nhớ Mãnh sư Nguyễn Mạnh Tường. Là một trong những người quan tâm đến sức khỏe của đại tá và nhận được tin cập nhật mỗi ngày từ một người bạn ở DC, anh Bùi Mạnh Hùng, tôi biết đó là tin không đúng. Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường còn sống và đang phục hồi sức khỏe.

Internet như một vết dầu loang nhanh chóng. Một cây diêm nhỏ có khả năng tạo thành cơn bão lửa. Giờ phút này, nhiều người biết sức khỏe của Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường đang có những dấu hiệu khả quan, nhưng cùng lúc nhiều người khác lại rưng rưng nước mắt nhớ đến những ngày chiến đấu dưới quyền đại tá. Giờ phút này, nhiều thân hữu của ông đang vui mừng vì sáng nay khi vào thăm, thấy đại tá đã nhận ra mình, nhưng đồng thời cũng có những bạn tù đã một thời chia từng củ khoai lang thối, từng chén cháo lỏng với ông ở Hoàng Liên Sơn đang dõi mắt hướng về California xa xôi trong ngậm ngùi chua xót vì nghĩ rằng sẽ vỉnh viễn không còn có ngày gặp lại nhau.

Tôi không biết ai là người đầu tiên gởi bài thơ ra kèm theo tin không đúng nhưng chắc chắn vị đó đã gởi ra với một tấm lòng chân thành. Bài thơ thay cho tiếng than của số phận lạc loài, thay cho lời phân ưu tưởng tiếc, thay cho những giọt nước mắt từ những đôi mắt tưởng đã khô, nhỏ xuống để tiễn đưa một người lính Việt Nam Cộng Hòa vừa mờ đi theo bóng thời gian.

Hoàn cảnh của đại tá và của người lính già trong bài thơ rất giống nhau. Cả hai cựu tù nhân Cộng Sản đều ở San Jose và cả hai đều không có thân nhân trong giờ phút qúa cần một bàn tay ấm của các con, một lời an ủi của người vợ cũ dù vì một lý do nào đó phải chia tay nhau. Điều khác nhau trong câu chuyện của hai người lính là Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường còn sống nhưng người lính già kia đã chết, chết thật, chết cô đơn trong một chiều mưa trên freeway 101 San Jose.

Tôi không nhớ chính xác ngày tháng nhưng khoảng cuối năm 1993. Một buổi chiều, bạn tôi, lúc đó đang sinh hoạt trong Tổng Hội Sinh Viên Bắc California gọi thăm. Cậu ta kể tôi nghe một câu chuyện cảm động vừa xảy ra ở San Jose. Một anh HO bị xe cán chết khi vô tình tìm cách băng qua freeway 101. Anh đến Mỹ chưa được bao lâu và tưởng xa lộ ở Mỹ giống như quốc lộ ở Việt Nam. Cảnh sát đưa xác anh vào nhà khám nghiệm và sau đó tìm cách thông báo thân nhân. Anh không có thân nhân. Anh sang Mỹ một mình theo diện HO. Vài người quen của anh đến nhà xác để xin được nhận về chôn cất. Tất cả đều bị từ chối vì không ai có đủ thẩm quyền trực hệ. Gần một tháng sau, vợ của anh từ Việt Nam ký giấy ủy quyền cho một người bạn của anh ở San Jose. Xác của người lính già đó cuối cùng mới được đem ra và an táng.

Mỗi ngày trên nước Mỹ này có hàng trăm người bị xe cán chết. Chỉ riêng trong năm 2009, gần 34 ngàn người chết có liên hệ đến tai nạn xe hơi. Anh ra đi như một chiếc lá rơi, rất vội vàng như anh đã đến. Xác anh nằm chơ vơ như một con sóc nhỏ chết bên đường. Không ai dừng lại. Không ai tiếc thương. Nhưng với tôi, anh là hình ảnh của dân tộc Việt Nam, một dân tộc cô đơn và chịu đựng, một dân tộc có nhiều cách chết hơn cách sống. Tôi khóc cho anh bởi vì sẽ không ai khóc cho người Việt ngoài người Việt và cũng sẽ không ai cứu vớt dân tộc Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam. Và tôi tin sự sống sẽ nẫy mầm từ nỗi đau thương, cũng như hy vọng sẽ lớn lên từ tận cùng thống khổ mà dân tộc chúng ta đã và đang phải trải qua.

Dưới đây là nhạc và thơ:

Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua, Nhạc sĩ Phan Ni Tấn phổ, ca sĩ Duy Hùng live from Toronto, Canada

NGƯỜI LÍNH GIÀ VỪA CHẾT ÐÊM QUA

Người lính già Việt Nam
Vừa mới chết đêm qua
Trên đường phố San Jose bụi bặm
Anh đã đi bao nhiêu nghìn dặm
Ðến nơi đây chỉ để chết âm thầm
Không một phát súng chào
Không cả một người thân
Không ai nói với anh một lời tiễn biệt.

Người lính già Việt Nam
Như con thú hoang lạc loài
Trên freeway nhộn nhịp
Một tiếng rên thảng thốt chảy trong mưa
Một chiếc lá cuốn đi theo cơn gió cuối mùa
Một tiếng nấc rã rời trong đêm vắng.

Vợ anh đâu?
Sao không về đây vuốt mắt
Con anh đâu?
Sao không đến vấn khăn tang
Anh ra đi như anh đến
Rất vội vàng
Chẳng còn ai trên đời để khóc.

Nhân loại văn minh có nhiều cách sống
Nhưng đồng bào tôi có những kiểu chết rất lạ đời
Người vợ mang thai
Ôm lấy chồng cùng nhảy xuống biển khơi
Ðể khỏi phải rơi vào tay giặc Thái
Cho sóng biển Ðông nghìn năm còn ru mãi
Một bài ca chung thủy vọng về Nam
Ðể mỗi sớm chiều khi thủy triều dâng
Tổ quốc sẽ được bồi thêm
Bằng máu anh thịt chị.

Có những bà mẹ nửa đêm thức dậy
Ði bán máu mình mua gạo nuôi con
Ðường về chưa tới đầu thôn
Bà gục chết không kịp nhìn mặt con lần cuối
Ðứa con út cũng chết dần trong cơn đói
Miệng còn thì thào hai tiếng “Mẹ ơi !”
Những giọt máu tươi đã giết chết hai người
Sẽ đọng lại trong nghìn trang lịch sử
Cho nước sông Hồng bao giờ cũng đỏ
Như màu máu Mẹ Việt Nam.

Ðêm qua thêm một đứa con
Vừa mới chết trên đường phố San Jose nhộn nhịp
Anh không chết ở Hạ Lào, Bình Long, Cửa Việt
Anh không chết ở Hàm Tân, Suối Máu, Hoàng
Liên Sơn
Chết ở đây đất lạ sẽ thêm buồn
Trên mộ bia anh thêm một dòng chữ Mỹ.

Một người Việt Nam sinh nhầm thế kỷ
Và chết cũng nhầm nơi
Ðêm nay bên kia bờ trái đất xa xôi
Quê hương anh vẫn còn chìm trong lửa đỏ.

Tôi gởi anh đôi dòng thơ
Từ trái tim của một thằng em nhỏ
Cũng lạc loài lưu lạc như anh
Chúng ta, hai chiếc lá chung cành
Bay phơ phất trước từng cơn bão tố
Ngủ đi anh bình yên nơi chín suối
Ðau thương nầy em sẽ viết thay anh.


Trần Trung Ðạo

1 thg 2, 2011

Cách mạng không cần lãnh tụ

Trần Giao Thủy

Trong cuộc lật đổ chế độ độc tài vừa xẩy ra ở Tunisia và gần hơn nữa, trong cuộc biểu tình đang có cả 10.000 người và ngày càng đông hơn tại quảng trường Tahrir (Giải Phóng) ở thủ đô Cairo của Egypt ai là thủ lãnh, ai chủ động và lãnh đạo?

Trong những nhóm này, sinh viên,những người hoạt động trên mạng internet, chuyên viên vận động quần chúng, chính khách đối lập, hay Tổ chức Hồi giáo chính thống, ai là thủ lãnh?

Cố tìm, cố gắn nhãn lãnh đạo cho một trong những nhóm vừa nêu đều không thành công. Tại sao thế? Cách mạng, nổi dậy nhưng tại sao có thể không có lãnh đạo được?

Thế mà sự kiện đó vẫn đang xảy ra. Ngày thứ ba, người dân Ai Cập hứa hẹn sẽ nói với chế độ độc tài hiện tại, “cút đi”, bằng sự có mặt của hàng triệu người đag đổ về quảng trường Giải Phóng.

Ngày xưa Pháp có Robespierre, Mỹ có George Washington, hôm nay lãnh đạo cách mạng đang xảy ra ở Egypt là toàn dân. Ai cũng có thể là người lãnh đạo và cũng không ai là người lãnh đạo. Một cuộc cách mạng theo tổ chức mặt phẳng (flat organisation).

Mở những trang báo, xem đài, đọc tin trên mạng trong suốt tuần qua phóng viên quốc tế đã cho thế giới thấy dân Ai Cập tổ chức vùng lên như thế nào. Phóng viên Nic Robertson của CNN đã giới thiệu với khán giả một cuộc họp bí mật để tổ chức giữ an ninh cho người biểu tình ở Tahrir diễn ra trong một cao ốc ở Alexandria, thành phố lớn thứ nhì ở Egypt.

Trong phòng họp là năm thanh niên, tuổi dưới 30, thông thạo anh ngữ; trên tường không thấy treo khẩu hiệu, cũng không có cờ đảng mà chỉ có tranh vẽ một đôi thanh niên nam nữ (có lẽ là người yêu) trên tường. Người phát ngôn là ai? Một thanh niên, có lẽ xuất hiện lần đầu trên màn hình thế giới. Anh từ tốn trình bày với phóng viên Robertson tình hình tổ chức để giữ an ninh ra sao, hợp tác với quân đội như thế nào và anh cũng cho biết hiện đang có rất nhiều “ủy ban nhân dân” (Popular Committee) đang tự phát và cùng nhau làm việc để đưa cuộc biểu tình bất bạo động đến thành công. Người thanh niên “vô danh” chắc chắn không phải là một chính khác, không phải là một lãnh đạo giáo phái và cũng chẳng là một “nhà dân chủ” nào của Egypt.

Cách đây vài tháng, có ai đoán được Tunisia sẽ thành công như đã? Có nhà phân tích chính trị thế giới nào đã lên tiếng cho hay là cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống độc tài Mubarak phải rút lui khỏi chính trường đã được toan tính, dự liệu từ trước hay cho đó là chương trình của những bộ óc lãnh đạo cách mạng Egypt đã vạch ra? Câu trả lời là không. Không ai có thể đoán hay quy nạp như thế vì sự thật không phải như vậy.

Nền công nghệ hiện đại, mạng xã hội điện tử đã đưa tận tay người dân những “vũ khí” cách mạng của thế kỷ 21. Người dân tự chủ động tình hình bằng điện thoại di động, bằng text chat, Tweet, video, YouTube, bằng email. Họ làm tin từng phút, đưa tin từng giờ ra cho cả thế giới biết – hoàn toàn ngoài vòng kiểm soát của nhà nước độc tài. Ở Ai Cập, bây giờ không có lề trái cũng không có lề phải, cả xa lộ thông tin là của người dân đến khi chính quyền Mubarak cắt đường truyền của Noor Group, hãng cung cấp dịch vụ internet sau cùng còn hoạt động đến 11 giờ đêm giờ Cairo, hôm thứ Hai; Hành động tuyệt vọng của nhà nước độc tài đó có lẽ cũng đã quá muộn.

Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, khẩu hiệu, biểu ngữ, truyền đơn không xuất phát từ máy in của chính đảng, không rập khuôn chính sách của bất cứ tổ chức nào; từ nội dung đến hình thức cuộc nổi dậy của người dân Ai Cập thay đổi từng giờ để thích ứng với hòan cảnh ngay thời điểm đó, đặc biệt không có hình ảnh lãnh tụ được công kênh kể cả Mohamed ElBaradei, người được giải Nobel Hòa Bình (2005) mới trở lại quê nhà và đang tham gia cuộc biểu tình.

Cảnh sát có quản thúc ElBaradei tại gia cũng không làm thay đổi cục diện vì đang có hàng ngàn thanh niên thiếu nữ khác, trẻ hơn, text nhanh hơn, làm và đưa tin cùng tổ chức giỏi hơn đang làm việc khắp nơi để đòi cho được một xã hội Egypt mới mà ở đó dân thực sự làm làm chủ.

Ngay hôm nay, ngày cuối tháng đầu năm 2011, người dân Ai Cập chưa có một thể chế dân chủ nhưng chính những người đang tổ chức và tham gia biểu tình ở quảng trường Giải Phóng đang thực sự sống những giây phút dân chủ. “Đây là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời tôi,” một thanh niên trong đám biểu tình nói với báo giới nước ngoài.

Một điểm khác cũng cần được nhắc đến là sự tham gia của phụ nữ, phụ nữ Hồi Giáo. Tuy không nhiều như thanh niên, nhưng phụ nữ Egypt đã có mặt, và họ có từ thiếu nữ với áo quần thời trang đến các cụ bà trùm khăn, mặc áo choàng đen từ đầu xuống chân. Lời hù dọa của chính khách lân bang là Ai Cập có cơ lùi lại là một xã hội bị thần quyền (Hồi Giáo cực đoan) cai trị chỉ làm nhiễu sóng trong giây lát.

Chắc chắn, những phụ nữ Egypt có mặt tại cuộc biểu tình cả tuần nay không phải để chuẩn bị cho một xã hội ở đó chồng của họ sẽ đem về nhà thêm ba người đàn bà khác làm vợ. Đó là điều khẳng định.

Cách mạng mặt phẳng với công nghệ thông tin là điều mà John Robb - một kỹ sư, cựu phi công, một lý thuyết gia quân sự, chuyên gia chống khủng bố đồng thời cũng là doanh nhân, là blogger, là tác giả - mô tả là những cuộc nổi dậy nguồn mở (open source insurgencies). John Robb 46 tuổi.

Chính phủ quân phiệt ở Burma có thể giam Aung San Suu Kyi khiến cách mạng dân chủ ở Miến Điện bị đình trệ nhiều năm. Hồ Cẩm Đào và đồng đảng chận đường dân chủ hóa Trung Hoa bằng cách giam giữ những trí thức đòi dân chủ ma Liu Xiaobo là trường hợp điển hình. Chính quyền độc tài ở Egypt sẽ phải bắt ai đây để ngăn chận biển người đang đổ về Cairo? Biết ai mà bắt. Cho hệ thống xe lửa ngưng hoạt động hôm nay cũng chỉ là một phản ứng run đầu gối trước tiếng kêu đòi dân chủ đang vang vọng khắp bầu trời Cairo. Những tập đoàn độc tài tại Á Châu hẳn đang chú tâm theo dõi kỹ diễn biến ở thủ đô này.

Thời đại ngồi chờ lãnh tụ dẫn đầu đi làm cách mạng đã qua. Người Ai Cập đang cùng nhau trên đường xây dựng xã hội mới, một xã hội dân chủ.

Khi nào dân chủ sẽ đến với Ai Cập? Chưa ai dám nói; nhưng trên gương mặt người dân ở Cairo không thấy hằn sâu những nét nhăn của lo âu và sợ hãi.

Đây là một bài học lịch sử mới cho mọi người hôm nay và thế hệ mai sau.

12 THÁNG ANH ĐI