24 thg 12, 2011

Thương Nhớ Phù Vân


Thương Nhớ Phù Vân


Hoanghaithuy

Sau khi TT. John F. Kennedy bị thảm sát. Tòa Ðô Chánh Sài Gòn đặt tên cho công trường trước Nhà Thờ Ðức Bà là “Công Trường Tổng Thống John F. KENNEDY.”. Khoảng ba tháng sau, thấy công luận không tán thành việc đặt tên này,bảng tên Công Trường John F.KENNEDY được thay bảng tên khác.

Phù vân, thật là phù vân.Tất cả chỉ là phù vân.

Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất vẫn mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó mọc lên. Gió thổi xuống phiá nam, rồi xoay về phiá bắc: gió xoay lui, xoay tới rồi gió đi, gió trở qua, trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển chẳng bao giờ đầy. Sông chẩy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.
oOo
Trên đây là đoạn mở đầu Sách Giảng Viên — Ecclesiastes — trong Kinh Thánh. Bồi hồi tưởng nhớ những năm 1982, 1983 u ám khủng khiếp ở Sài Gòn tang thương, bọn ác ôn tịch thu tất cả những kho sách Kinh Ðiển Công Giáo, Tin Lành. Khi ấy, với những người Con của Thiên Chúa, và những người đau khổ tìm đến với Chuá, sách Kinh Thánh quí hơn Vàng. Người ta mua Vàng dễ dàng, người Sài Gòn có đô-la muốn mua bao nhiêu Vàng cũng có, nhưng người ta không thể tìm mua được Kinh Thánh, vì không có nơi nào ở Sài Gòn những năm ấy có sách Kinh Thánh.
“Các ngươi sẽ đói lời Ta từ bờ biển này sang bờ biển kia!”
Thưa Ngài, đúng như Lời Ngài. Sau 1975, chúng tôi đói lời Chúa một cách thê thảm. Một nhóm tu sĩ tại gia hầu việc Chúa ở những nhà thờ Trương Minh Giảng, Tân Sa Châu, Ngã Ba Ông Tạ, in ronéo một số bài giảng, tập lịch Công Giáo năm mới, phát cho tín hữu. Mấy ông Thầy Sáu – không được CS cho thụ phong Linh mục - bị bắt vào tù với tội “in ấn bất hợp pháp“. Ra toà năm 1985 ba ông thầy can tội “in ấn” lãnh mỗi ông ba cuốn lịch.
Lễ Giáng Sinh năm 1983 trong căn gác nhỏ ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, tôi ngồi dịch sách Ecclesiastes ra tiếng Việt. Tôi viết và trình bầy như một tập sách nhỏ, đem đến tặng các bạn ở nhà thờ, các bạn truyền tay nhau đọc, ai muốn có tập sách ấy chỉ cần chép lại hay đi chụp photocopy.
Hôm nay, tôi sống xa Ngã Ba Ông Tạ, xa Nhà Thờ Chí Hoà, Nhà Thờ Ðồng Tiến, Nhà Thờ Tân Ðịnh, Nhà Thờ Dòng Chuá Cứu Thế, Vương Cung Thánh Ðường… không biết bao nhiêu ngàn cây số. Trong căn phòng của vợ chồng tôi ở Rừng Phong hiện giờ có đến bốn, năm quyển Kinh Thánh. Sách Kinh Thánh quí nhất của tôi là bản tiếng Việt mới được dịch và xuất bản tại Sài Gòn. Trong số những vị dịch giả có Linh mục Nguyễn Công Ðoan, Trưởng Dòng Tên Việt Nam.
Năm 1987, rồi năm 1989, tôi ở tù chung phòng với Cha Nguyễn Công Ðoan ở Nhà Tù Chí Hoà và Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, Xuân Lộc, Ðồng Nai. Cha Ðoan bị án tù 14 năm. Cha, cùng nhiều Linh mục, bị bắt năm 1982.
Linh mục Nguyễn Công Ðoan, Trưởng Dòng Tên Việt Nam, không có tội gì cả. Linh mục bị bọn Cộng Thành Hồ bắt giam, vu tội phản động, xử án tù 14 năm, vì chúng muốn chiếm Tòa Nhà Chủng Viện của Dòng Tên.
Cha Ðoan từ Nhà Tù Chí Hòa đến Trại Tù Khổ Sai Z 30 A trước tôi. Nhờ có điều kiện có thể giúp được Trại, và các tù nhân, những mục như cung cấp dây điện, bóng đèn, ống nước, thuốc Tây – Cha Ðoan được Quản Ðốc Trại trọng đãi, Cha đi về Sài Gòn rất thường để tìm xin những thứ trên cho Trại – khi anh Doãn Quốc Sĩ và tôi từ Nhà Tù Chí Hòa đến Z 30 A, cha Ðoan thành lập một Ban Dịch Thuật cho chúng tôi làm. Ðể chúng tôi không phải đi cuốc đất. Nhóm Linh Mục Trương Bá Cần cung cấp mỗi tháng số tiền 1 triệu đồng nói là tiền trả công dịch thuật cho chúng tôi. Số tiền này được nộp hết cho Trại. Chúng tôi: Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Doãn Quốc Sĩ, Mã Thành Công, Ưng Sơ và tôi ngồi nhà dịch sách. Cha Ðoan là Trưởng Ban Dịch. Chúng tôi dịch văn liệu về Lịch Sử Truyền Giáo ở Ðàng Trong, Ðàng Ngoài những thế kỷ xưa. Những sử liệu này do nhóm Linh Mục Trương Bá Cần cung cấp, những bản dịch nộp cho LM. Trương Bá Cần.
Những ngày như lá, tháng như mây…
Năm 1990 tôi ra khỏi tù, vợ chồng tôi sang Kỳ Hoa năm 1994. Tháng Tám 1999 Cha Ðoan, từ Sài Gòn, đi công việc Ðạo sang Vatican, Roma, Ý Quốc. Cha có ông cháu ruột là Linh mục ở Virginia, nên Cha ghé sang Hoa Kỳ, Cha đến Washington DC và Cha đến Rừng Phong gập vợ chồng tôi.
Tôi đứng đón Cha dưới hàng cây trên lối vào Rừng Phong. Từng sống với nhau ở Nhà Tù Chí Hoà, Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, nào có bao giờ tôi tưởng tượng một buổi trưa mùa hạ tôi bồi hồi đứng trong con đường vắng, đầy bóng cây, trên đất Hoa Kỳ chờ Cha Ðoan đến.
Gập nhau mừng mừng, tủi tủi, Cha cầm tay tôi mãi như không muốn buông ra. Vợ chồng tôi thấy Cha không khác chút nào qua năm năm trời kể từ ngày chúng tôi đi khỏi Sài Gòn.
oOo
Trong lần tù thứ hai của tôi — 6 năm, từ 1984 đến 1989, ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, Nhà Tù Chí Hoà, Trại Tù Khổ Sai Z 30 A — tôi ở tù chung phòng, tôi từng ăn chung với các Ông Tù Tôn Giáo:
Tu sĩ Thích Tâm Lạc, Tu sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tu sĩ Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương, Linh muc Nguyễn Công Ðoan, Trưởng Dòng Tên Việt Nam, Linh mục Nguyễn Hoàng Hai, Thư ký của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Linh mục Ngô Quang Tuyên, Thầy Sáu Trần Văn Bẩy, Mục sư Nguyễn Hữu Cương, Mục sư Hồ Hiếu Hạ, Thầy Truyền Ðạo Lê Thiên Dũng.
Tôi sống trong 6 năm, mỗi ngày vanh cát syua vanh cát — 24/24 giờ, tức suốt ngày đêm — với một số Tinh Hoa của Ba Tôn Giáo Phật Giáo, Thiên Chuá Giáo và Tin Lành. Không chỉ sống suông, tôi hoà đời sống của tôi với những buồn vui, sợ hãi, thất vọng và hy vọng của tôi với các vị tu hành tôi vừa kể. Trong 6 năm tù đầy, tôi không giúp gì được các vị, các vị giúp tôi thật nhiều. Nhiều nhất là về Tinh Thần, về Ðức Tin.
Một thời để Nhớ…
Chiều nay, chiều cuối đông, trời Virginia lạnh đến 2 Ðộ C, trong phòng ấm, bình an viết những dòng chữ này, tôi bồi hồi sống lại trong cuộc sống xưa của tôi trong những Phòng Tù Số 7, Phòng Tù Số 6, Sà-lim Số 10, Sà-lim Số 6 Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Phòng Tù Số 9, Phòng Tù Số 10, Phòng Tù Số 20 Nhà Tù Chí Hòa, Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, tôi nhớ, tôi tưởng lại vẻ mặt, tiếng nói, tiếng cười của các vị ở tù cộng sản chung với tôi.
Một điều hay là từ ấy đến nay, năm đầu là năm 1984, năm cuối là năm 1989, hai mươi năm đã qua, tất cả những vị tôi vừa kể tên trên đây nay – Tháng 12 năm 2011 – đều còn sống. Và đa số các vị vẫn sống trong nước. Tôi gửi lời cám ơn và lời chúc bình an đến các vị.
Ba tu sĩ Phật Giáo Tâm Lạc, Trí Siêu, Tuệ Sĩ bị bắt vì tội ở trong Tổ Chức Âm Mưu Lật Ðổ Bàn Thờ Bác Hồ — Tổ Chức mua súng, định lập chiến khu — các thầy bị bọn Ác Cộng phang án rất nặng: Trí Siêu, Tuệ Sĩ bị án tử hình, sau xuống án tù 20 năm khổ sai, chịu án trong 15 năm mới được về chùa. Nói vì, và nhờ các tổ chức dân chủ, nhân quyền, Phật giáo Quốc Tế đòi hỏi, làm áp lực nên bọn Ác Cộng phải nới tay “ đánh “ các thầy là không đúng. Chỉ có tội thành lập tổ chức, ra tuyên ngôn, tìm mua súng, chưa giết được một thằng Ác Cộng, chưa bắn được một phát súng, chưa rải được một tờ truyền đơn, mà xử 2 án tử hình, nhiều án tù 20 năm, 18 năm, 15 năm, án nhẹ nhất là tù 4 năm, 2 người tù tử hình xuống án 20 năm, ở tù 15 năm mới được ra khỏi tù. Nó chịu áp lực, nó phải nhẹ tay chỗ nào?
Bọn VC Ma Ðầu nhờ kinh nghiệm đàn áp của hai đàn anh ác ôn của chúng là Nga Cộng, Tầu Cộng, biết khi xử vụ Tu Sĩ Già Lam Chống Cộng, chúng sẽ bị dư luận người trong nước, người nước ngoài, phản đối, cho là xử quá nặng, đòi khoan hồng, đòi giảm án. Nên chúng xử dụng đòn “dơ cao, đánh khẽ,” chúng xử thật nặng: tuyên án tử hình hai người. Rồi, chỉ 45 ngày sau, chúng đưa các Tu sĩ ra tòa xử lại: án tử hình của hai can phạm Lê Mạnh Thát, Phạm Văn Thương giảm xuống án tù khổ sai 20 năm – bỏ qua án tù chung thân – bằng cách này chúng trả lời mà không cần phải nói với những người chống chúng:
“Xin khoan hồng, khoan hồng rồi, giảm án rồi! Ðòi gì nữa!”
Bị án tù 20 năm, hai tu sĩ Lê Mạnh Thát, Phạm Văn Thương phải ở tù khổ sai 15 năm mới được trở về chùa.
Linh mục Nguyễn Công Ðoan, cùng 9 linh mục, không có tội gì cả. Bọn Ác Công muốn chiếm Tu Viện Dòng Tên nên chúng bắt các ông. Chúng chiếm Tu Viện Dòng Tên êm ru. LM. Ðoan ở tù 12 năm.
Linh mục Nguyễn Hoàng Hai, Linh mục Ngô Quang Tuyên bị bắt vì tội tổ chức vuợt biên.
Thầy Sáu Trần Văn Bẩy, đã học xong nhưng không được làm Linh mục, bị bắt cùng 2 ông thầy khác vì tội in ronéo mấy bài giảng phát cho giáo dân, và tội in ronéo tập Lịch Công Giáo. Ra toà, hai ông thầy kia lãnh mỗi ông 3 năm tù, ông chủ nhà in ronéo tù 2 năm, máy ronéo bị tịch thu. Riêng Thầy Trần Văn Bẩy, vì quen biết và ái mộ Nhà Văn Duyên Anh nên lãnh tác phẩm “Ðồi Fanta” của Duyên Anh – viết ở Sài Gòn năm 1981 – về nhà đánh máy ra nhiều tập. Ðánh máy lén, tất nhiên. Khi bị xét nhà vì “tội in ấn bất hợp pháp” bọn Ác Cộng bắt được 1 bản đánh máy “Ðồi Fanta.” Vì tội “tàng trữ văn phẩm phản động,” Thầy Bẩy bị án 5 năm tù, cộng 3 năm tù tội in ấn, tất cả là 8 năm tù.
Hai mục sư Nguyễn Hữu Cương, Hồ Hiếu Hạ, Thầy Truyền Ðạo Lê Thiện Dũng không có tội gì cả. Bọn Ác Cộng bắt các ông để chiếm Nhà Thờ Tin Lành đường Trần Cao Vân, chiếm Kho Sách Tin Lành ở Nhà Thờ An Ðông, Sài Gòn.
oOo
Tôi bị quyến rũ bởi Lời và Ý Sách Giảng Viên — những bản dịch Kinh Thánh trước dịch là Truyền Ðạo — Những Lời như Thơ, những Ý Tình man mác…
Trích trong Kinh Thánh, bản do Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn xuất bản năm 1998:
Ở dưới bầu trời này mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhẩy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.
oOo
CT Hà Ðông: Chúng ta ra đời trong Thế Kỷ Hai Mươi đẫm máu; máu đẫm thế kỷ 20 từ những ngày đầu đến những ngày cuối. Hai tai hoạ lớn nhất của loài Người cùng đến trong Thế Kỷ Hai Mươi: Hoạ Phát Xít và Họa Cộng Sản. Có nhiều quốc gia chỉ bị đau khổ vì một tai họa, Hoạ Phát Xít, hoặc Hoạ Cộng Sản, nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam bị khổ vì cả hai tai họa: bị Quân Nhật chiếm đóng, bị Cộng Sản tàn sát. Dân tộc Việt Nam đau khổ trong gần trọn Thế Kỷ Hai Mươi. Thế Kỷ Hai Mươi Mốt đến, chúng ta mong ta được hưởng một thời để yêu thương.
Thế 21 đến đã hơn 10 năm, chúng ta chưa thấy có dấu hiệu nào báo trước thời gian Ðất Nước Ta tươi sáng, dân tộc ta được hưởng an bình.
Ngược lại: trong những năm đầu Thế Kỳ 21, ta thấy nước Việt Nam của ta có thể sẽ trở thành một Tỉnh của Tầu.
oOo
Và đây những lời khuyên cuối của Vị Giảng Viên:
Giữa tuổi thanh xuân bạn hãy tưởng nhớ Ðấng đã dựng nên mình. Ðừng chờ đến ngày tai ương ập tới đừng chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói: “Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả.” Ðừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng, mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm, và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt. Ngày ấy, người giữ nhà sẽ run lẩy bẩy, chàng trai vạm vỡ phải khòm lưng các cô xay bột không còn xay tiếp vì không đủ người xay, các bà nhìn qua cửa sổ: chỉ thấy lờ mờ. Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi, người ta trổi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh. Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ, chân bước đi mà lòng thật kinh hoàng. Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xóa, loài châu chấu trở nên chậm chạp, nặng nề, trái bạch hoa hết còn hương vị. Bởi vì con người tiến đến nơi an nghỉ ngàn thu, bên đường đầy những người khóc than ai oán. Ðừng chờ đến khi sơi dây bạc đứt, bình vàng vỡ, vò nước bể ngay tại hồ chứa nước, ròng rọc gẫy, vụt rơi xuống giếng sâu. Ðừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình.
oOo
Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả !
Trên đây là bản dịch tiếng Việt theo bản văn Kinh Thánh Cổ. Ðây là bản văn trên viết bằng tiếng Anh hiện đại, trích từ Good News Bible, Nhà Xuất Bản American Bible Society:
So remember your Creator while you are still young, before those dismal days and years come when you will say: “I don’t enjoy life.” That is when the light of the sun, the moon and the stars will grow dim for you, and the rains clouds will never pass away. Then your arms, that have protected you, will tremble, and your legs, now strong, will grow weak. Your teeth will be too few to chew your food, and your eyes to dim to see clearly.
Your ears will be deaf to the noise of the street. You will barely be able to hear the mill as it grinds or music as it plays, but even the song of a bird will wake you from sleep. You will be afraid of high places and walking will be dangerous. Your hair will turn white; you will hardly be able to drag yourself along, and all desire will be gone.
We are going to our final resting place, and then there will be mourning in the streets. The silver chain will snap, and the golden lamp will fall and break; the rope at the well will break, and the water jar will be shattered. Our bodies will return to the dust of the earth, and the breath of life will go back to God, who gave it to us.
Useless, useless, said The Philosopher. It is all useless…
Vậy hãy nhớ đến Ðấng Tạo Tác ra anh trong khi anh còn trẻ, trước khi những ngày, những năm sầu thảm đến và anh nói: “Tôi sống không lạc thú.” Ðó là khi ánh mặt trời, ánh mặt trăng và ánh sáng những ngôi sao mờ đi với anh, và mây đen cơn mưa không bao giờ tan đi nữa. Khi ấy cánh tay anh, những cánh tay vẫn bảo vệ anh, sẽ run run, và đôi chân anh, lúc này đang mạnh, sẽ trở thành yếu. Răng anh sẽ còn quá ít để có thể nhai thức ăn, mắt anh sẽ quá mờ để có thể nhìn rõ. Tai anh sẽ điếc với những tiếng động ngoài đường phố. Anh sẽ chỉ còn nghe được mơ hồ tiếng cối xay đang xay hay tiếng nhạc đang trổi, nhưng chỉ cần tiếng hót của con chim cũng làm anh thức giấc. Anh sẽ sợ hãi những nơi cao, việc đi lại sẽ trở thành nguy hiểm. Tóc anh sẽ bạc trắng; anh gần như chỉ còn có thể sống vất vưởng, và tất cả những ham muốn đều mất.
Chúng ta đi đến nơi an nghỉ cuối cùng, có tiếng than khóc bên đường. Sợi dây bạc sẽ đứt, chiếc đèn vàng sẽ rơi, sẽ vỡ, sợi dây thừng ở giếng sẽ đứt và bình nước sẽ tan tành. Thể xác ta sẽ trở về với bụi của đất, hơi thở của ta sẽ trở lại với Thượng Ðế, Người đã ban nó cho ta.
Vô ích, vô ích. Nhà Hiền Triết nói. Tất cả là vô ích.
oOo
Tại Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, một chiều Mùa Giáng Sinh, tôi nhớ quê hương, tôi tiếc thương tuổi trẻ, tôi viết bài này, tôi gửi bài viết này đến Linh Mục Nguyễn Công Ðoan, Thầy Sáu Trần Văn Bẩy, Tu sĩ Thích Tâm Lạc, Tu sĩ Thích Trí Siêu, Tu sĩ Thích Tuệ Sĩ, Giáo Sư Mã Thành Công, Kỹ Sư Lê Công Minh. Các vị tôi vừa kể hiện sống ở trong nước.
Và tôi gửi bài này đến Lâm Tới, anh Con Dzởm Phòng 10 Nhà Tù Chí Hòa của tôi, nay Tới là Chuyên Viên Bảo Hành Phi Cơ Không Người Lái của Không Lực Hoa Kỳ.
Tôi từng được ở tù chung phòng nhà tù Cộng Sản ở quê hương tôi với các vị trên đây, các vị Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ, Nguyễn Công Ðoan, Lê Công Minh, Trần Văn Bẩy, Mã Thành Công hiện sống ở Sài Gòn. Mục sư Nguyễn Hữu Cương, Mục sư Hồ Hiếu Hạ, Thầy Truyền Ðạo Lê Thiên Dũng nay là Mục sư, đang hầu việc Chúa ở Hoa Kỳ.
Việc dù có án tù phản động 8 năm nhưng nay Thầy Sáu Trần Văn Bẩy đã trở thành Linh mục, dù bị Cộng Sản phang án tù tử hình nhưng rồi Người Tù Trí Siêu Lê Mạnh Thát cũng trở thành Viện Trưởng Viện Phật Học, làm tôi nghĩ:
Trong nhiều năm sau năm 1975, bọn Bắc Công vênh váo: “Ai thắng ai?”
Với câu hỏi này chúng muốn nói – theo giọng đàn anh Nga Cộng của chúng: “Duy Vật thắng Duy Tâm!”
Việc Thầy Sáu Trần Văn Bẩy trở thành Linh mục, Tù Tử Hình Trí Siêu Lê Mạnh Thát trở thành Viện Trưởng Viện Phật Học, việc Chủ Nghĩa Cộng Sản bị nhân dân Nga vứt vào hố rác, việc tượng Lenin, tượng Stalin bị dân Nga cho ra nằm ở miệng cống, việc bọn đảng viên Cộng sản bỏ Ðảng, tôi – CTHÐ – nghĩ:
“Duy Tâm thắng Duy Vật.”
Rõ hơn: “Tôn giáo thắng Vô thần.”
“Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo còn mãi với Loài Người ”
“Bọn Cộng Vô Thần chỉ hoành hành được một thời.”
oOo
Thân kính chúc quí vị và quý quyến Một Mùa GIÁNG SINH VUI và HY VỌNG.
CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG Rừng Phong, sáng Ngày 22 Tháng 12, 2011.
oOo
Tôi gửi bài viết trên đây đến Linh mục Trần Văn Bẩy lúc 4 giờ chiều ngày 21 Tháng 12, 2011. Sáng nay – 22 Tháng 12, 2011 – tôi nhận được Thư Trả Lời của Linh Mục Trần Văn Bẩy:
“Cám ơn Thiên Chúa đã "đoái thương nhìn tới" những phận hèn làm người của từng anh em chúng ta. Tout est Grace ! Như lời Nữ Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu. Cám ơn Bác đã nhớ đến người anh em này là người đã có lúc chia vui, sẻ buồn với Bác trong một hoàn cảnh quá đỗi đặc biệt... Nhưng đó là hồng ân Chúa ban để ta nên người hơn trong Ðức Tin và trong niềm cậy trông vào Chúa.
“Cầu chúc hai Bác đầy tràn ân sủng của Chúa trong những ngày Mừng Chúa đến năm 2011 này.
Thân ái, LM Giuse Trần Văn Bảy”
CTHÐ: Xin cám ơn Thiên Chúa.

MÓN QUÀ GIÁNG SINH



MÓN QUÀ GIÁNG SINH

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

Có lẽ chẳng mấy người còn nhớ trước đây 2 chục năm, đúng vào ngày lễ Chúa Giáng Sinh 25 - 12, trên thế giới đã xẩy ra một biến cố quan trọng, rất quan trọng đáng cho chúng ta ghi nhớ . Tôi đã có ý hỏi thử vài người bạn xem có ai nhớ ra không. Họ lục lọi các ngăn tủ trí óc và đều lắc đầu. Con người mau quên thật. Nếu tôi không vì tò mò thì chắc cũng đã quên luôn.

Biến cố tôi muốn nói đến là đây. Vào sáng sớm ngày 25 tháng 12 năm 1991, ông Mikhail Gorbachev Tổng Bí Thư đảng CS Liên Sô, chủ tịch nước Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết USSR (Union of Soviet Socialist Republics) loan báo từ chức. Ông tuyên bố giải tán văn phòng chính phủ và trao tất cả quyền hành lại cho ông Boris Yeltsin. Ngay đêm hôm đó, lá cờ búa liềm của Sô Viết tại điện Kremlin được hạ xuống lần cuối cùng. Và ngày hôm sau, Hội Đồng Sô Viết Tối Cao chính thức thừa nhận việc giải tán Liên Bang và cũng tự giản tán chính mình. Ngày 31 tháng 12 sau đó, một số định chế chưa được bàn giao cho chính quyền mới cũng ngưng hoạt động. Trong khi đó, các nước cộng hoà trong Liên Bang cũng lục tục thừa nhận vai trò của chính quyền trung ương tại Mạc Tư Khoa.

Như thế có lạ không? Một đế quốc hùng mạnh như Liên Sô không ai đánh mà tan, tự động tan rã. Xưa nay từ cổ chí kim, không có nhà độc tài nào tự ý rút lui khỏi quyền lực. Không một đế quốc nào bị sụp đổ khi sức mạnh cơ bắp của nó vẫn còn trong tình trạng sung sức. Một chính quyền độc tài toàn trị chỉ có thể bị hạ bệ qua hai cách, một là do quân đội làm đảo chánh, và hai là do sức mạnh liều chết của toàn dân. Một đế quốc hùng mạnh như Liên Sô, với quân đội được trang bị hiện đại vào bậc nhất nhì trên thế giới, cùng với kho vũ khi hạt nhân trong tay thì không có lý do gì nó lại tự tan rã được. Hồng quân Liên Sô không làm đảo chánh. Nhân dân Nga cũng không xuống đường áp lực ông Gorbachev phải ra đi. Có người giải thích rằng Liên Sô sụp đổ vì nền kinh tế kiệt quệ. Đúng là kinh tế Nga kiệt quệ thật, vì một đàng phải thi đua võ trang quá tốn kém với Hoa Kỳ, đàng khác lại phải nuôi báo cô nhiều đảng CS khác và nhà nước chư hầu cũng kiệt quệ không kém. Nhưng nếu bảo rằng Liên Sô tan rã vì kinh tế kiệt quệ thì làm sao giải thích được tình trạng Trung Cộng và Việt Cộng vào hai thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Hai nước này còn kiệt quệ hơn nhiều so với Liên Sô mà vẫn trụ được? Câu hỏi đặt ra là, như vậy phải giải thích việc sụp độ của Liên Bang Sô Viết như thế nào mới hợp lý, sự việc xẩy ra cứ như là tự nhiên vậy? Câu trả lời chính xác nằm ở đâu?

Chỉ cần biết sơ qua về CS thôi cũng hiếu rằng các chế độ đều được điều hành theo phương thức “tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách”. Nghĩa là tập thể Bộ Chính Trị của đảng là cơ quan đầu não đưa ra mọi quyết định về đường lối chính sách quốc gia. Tổng bí thư (TBT) đảng hay chủ tịch nước chỉ là những ngưòi thi hành đường lối chính sách đó. Kinh nghiệm và lịch sử cho thấy, khi TBT đảng mà cá tính yếu và kém nghị lực thì nguyên tắc tập thể chỉ huy còn được phần nào tôn trọng. Nghĩa là tiếng nói của các ủy viên Bộ Chính Trị còn được tôn trọng. Ngược lại nếu TBT là một con người có cá tính mạnh, giầu bản lãnh, và triệt để chuyên chính thì các ủy viên khác trong BCT chỉ là những ông phỗng đá. Từ kinh nghiệm đó, giả sử như, vào ngày 25-12-1917, người nắm gĩữ chức TBT đảng CS Liên Sô không phải là Gorbachev, mà là Lenin, Stalin, Kruschev, Brezhnev, hay ít ra là Putin hiện nay thì liệu biến cố có xẩy ra không? Chắc chắn là không. Vậy tại sao lại là Gorbachev vào thời điểm đó. Cho là Gorbachev đi nữa thì hàng loạt các câu hỏi tiếp theo đặt ra là, với đường lối tập thể chỉ huy, những thành viên khác trong BCT chịu để cho ông ta được tự ý hành động hay sao? Lại còn các tư lệnh quân đội, và cả cơ quan mật vụ KGB nữa? Họ chịu để cho ông Gorbachev quyết định giải tán đảng CS và chính quyền liên bang sao? Lý do gì khiến những người này không tranh chấp, không chống đối, mà cũng răm rắp từ chức đồng loạt như thế? Đó là một điểm thắc mắc rất đáng quan tâm.

Người viết cũng rất thắc mắc về điểm này, nhưng không tìm ra được lý do để giải quyết. Câu trả lời cuối cùng chỉ có thể tìm ra được từ lãnh vực tôn giáo. Chúng tôi muốn nhắc đến biến cố Đức Mẹ hiện ra năm 1917 tại Fatima. Xin nói ngay rằng, người viết tuy là một tín hữu công giáo, nhưng không dựa vào đức tin tôn giáo để đi tìm giải đáp cho vấn đề, mà bằng vào lý lẽ dựa trên những sự việc cụ thể để đi đến kết luận.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ nhỏ nhà quê tại cánh đồng Cova Da Iria làng Fatima nước Bồ Đào Nha (Portugal). Đức Mẹ cho biết Ngài từ trời đến và sẽ còn hiện ra với các em mỗi tháng cho tới tháng 10 thì Ngài sẽ làm một phép lạ để chứng minh rằng việc Ngài hiện ra với các em là việc có thật. Ngày 13-10-1917 là ngày hiện ra lần chót. Như đã hứa trước, Đức Mẹ làm phép lạ mặt trời nhảy múa trước sự chứng kiến của khoảng 70 ngàn người hiếu kỳ, phóng viên báo chí, cùng cả một số những người cộng sản vô thần. Trong tất cả các lần hiện ra, Đức Mẹ nhắn nhủ các em một điều quan trọng là Ngài xin mọi người hãy xám hối và đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc tai họa khắp nơi trên thế giới, chiến tranh sẽ lan tràn, chết chóc nhiều hơn nữa, và Giáo Hội Công Giáo sẽ bị bách hại nặng nề. Còn như nếu loài người biết xám hối và từ bỏ con đường tội lỗi thì nước Nga sẽ hồi đầu trở lại. Nên biết rằng, ngày 13-7 khi Đức Mẹ cảnh giác về vấn đề cộng sản Nga thì bọn Bolchevik chưa chính thức lên cầm quyền tại nước Nga. 5 năm sau đó tức là ngày 28 tháng 12-1922 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết USSR mới chính thực thành lập. Điểm quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, người chuyển Thông Điệp của Đức Mẹ không phải là một chính khách tiếng tăm, hay một nhân vật có thế giá nào để có thể bảo đảm chữ tín, mà chỉ là những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi, nhà quê, lại mù chữ. Chúng chẳng biết nước Nga là ai và ở đâu, không hiểu CS là gì, không biết nói dối, và không hề có tham vọng.

Đem đặt liền nhau ba sự kiện: 1. Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cảnh giác về đại họa CS Nga, 2. đảng Bolshevik đoạt chính quyền tại Nga đem đại họa đến cho nhân loại, và 3. Liên Sô tự dưng từ bỏ chủ nghĩa CS, chúng ta thấy được gì? Như đã trình bầy trên, tôi cho rằng cả ba không phải là những sự kiện rời rạc, mà quả thực chúng liên hệ với nhau có tính cách hữu cơ. Đảng CS Liên Sô lên cầm quyền tại Nga và nó tự động giải tán, chỉ được coi là những diễn biến tự nhiên của lịch sử trong trường hợp nếu không có việc Đức Mẹ Hiện ra tại Fatima cảnh báo về những sự kiện đó trước. Nhưng bởi vì đã được Đức Mẹ cảnh báo trước nên các biến cố kia đã trở nên bằng chứng hùng hồn của sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và, Thiên Chúa đã can thiệp trực tiếp vào đời sống trần gian này của con người. Nếu đã tin tưởng vào lối giải thích này thì cái nôi của CS thế giới là đảng CS Liên Sô và Liên Bang Sô Viết tự động giải tán vào ngày 25-12-1991 phải được coi như một món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại nhân ngày lễ Ngài xuống thế sinh ra làm người.
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Christmas 2011

6 thg 12, 2011

CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA



CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA .
Chữ Nghĩa Việt Cộng
Người Lính Già Oregon
1.
Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng mới vào miền Nam, cũng như bây giờ. Chúng bày ra nhiều danh từ quái dị, ví dụ “bức xúc”, không biết từ tiếng nào ra (đúng nghĩa là “cần kíp”, nhưng người dân lại dùng như “khó chịu, bực bội”: nghe nó nói, tôi bức xúc quá) hoặc “ẩm thực”, từ Việt Hán, trong khi đã có sẵn chữ Việt thuần túy “ăn uống”, hoặc “lô-gích” bởi tiếng Pháp logique, nghĩa tiếng Việt là “hợp lý”. Thật là dốt mà hay nói chữ.
Vốn sắt máu, VC dùng những danh từ mang giọng tranh đấu, đàn áp, bắt bớ. Từ ngữ vô tội bỗng bị “nâng cao quan điểm”, trở thành phương tiện phô bày bản chất võ biền nằm trong tiềm thức của chúng. Vài ví dụ:
- giải phóng mặt bằng; giải phóng chất khí
- quản lý đời em, quản lý đời anh (lấy vợ, lấy chồng?)
- xử lý hạt giống; xử lý từ xa (remote control?) ; xử lý văn bản
- khống chế tốc độ; khống chế chi tiêu
- giáo án (thay vì bài dạy)
Vân vân...
Tương tự chữ chém trong từ ngữ dưới chế độ phong kiến ngày xưa, như theo một chuyện khôi hài ta thường được nghe kể: Thay vì nói “đang cắt khoai ăn”, một vị thuộc hoàng tộc đã trả lời: “Mệ đang chém củ khoai.”
Từ ngữ VC chuyển biến, đổi màu như cắc kè tùy theo lập trường, hoàn cảnh. Cũng là phi công nhưng của “ngụy” thì trở thành giặc lái, của bọn chúng là chiến sĩ lái. Đối với Trung Cộng, khi còn là tay sai, VC nâng bi hết cỡ: nào là “đồng chí anh em”, “tình hữu nghị Việt-Trung thắm thiết, môi hở răng lạnh, đời đời bền vững”, “trăng Trung quốc sáng hơn trăng Mỹ [đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ]”. Khi bị Tàu Cộng đánh cho tơi bời ở biên giới cuối thập niên 70 thì chúng chửi các “đồng chí anh em” là “bọn bành trướng Bắc Kinh”, “chủ nghĩa Xi-ô-nít (sionisme) xâm lược”. Khi đã bán đất, bán biển cho Trung Cộng, và ở cái thế đầy tớ, VC sợ bọn này đến mức không dám viết “tàu Trung quốc bắn chìm thuyền đánh cá Việt Nam”, mà gọi là “tàu lạ”.
2.
Tuy nhiên, khi cần lừa bịp, bọn lãnh đạo VC không ngần ngại dùng cả kho từ ngữ nghe rất xây dựng, ngọt như mía lùi: đi tù thì chúng gọi là đi học tập (cải tạo). Một nhà văn bạn đồng tù của tôi, nguyên là nhân viên Việt Tấn Xã, thỉnh thoảng ghé tai, nói nhỏ:
- Tao phải đề nghị cái thằng viết bức thông cáo kêu gọi quân nhân “ngụy” đi trình diện học tập cải tạo sau ngày 30/4/75 được lãnh giải Nobel về văn chương láu cá...
- ?
- Chúng bắt binh sĩ, hạ sĩ quan tập trung “học” tại chỗ ba ngày, rồi cho về thật. Sĩ quan cấp úy cũng "được" đi học, và đem theo lương thực đủ 10 ngày. Cấp tá mang theo lương thực đủ một tháng. Thì thử hỏi bố ai mà không tin?
Nuốt một hớp nước cho đỡ tức, anh ta tiếp:
- Mới đây, thằng cha X đứng lên hỏi: “Thưa cán bộ, tại sao trong thông cáo trình diện, Cách mạng nói học tập mườì ngày, mà bây giờ học đã hơn một năm rồi, chúng tôi chưa được về?” Thằng quản giáo cười khinh khỉnh, trả lời tỉnh bơ: “Đâu, anh chỉ tôi xem chỗ nào trong thông cáo Cách mạng nói các anh “học tập mười ngày”? Thông cáo chỉ bảo “mang theo lương thực đủ mười ngày”. Anh thấy không, mười ngày ăn hết thì Cách mạng cung cấp tiếp kia mà!”
Cứng họng. Anh bạn VTX lắc đầu chép miệng:
- Tiên sư chúng nó, đau như hoạn, tức như bò đá. Tao cũng không rõ, tại chúng mình ngu, hoặc tại chúng nó quá lưu manh?
Ngừng một giây, anh ta phun tiếp:
- Hoặc là tại người quốc gia mình quá ngay thẳng, nếu không nói là ngây thơ, nên suốt đời bị chúng nó lừa, từ 1945 tới hôm nay.
Có thể anh ta nói đúng: cho đến bây giờ, một số người tỵ nạn chúng ta vẫn còn ngây thơ trước từ ngữ của VC, bị bịp hoài mà vẫn chưa tởn. Ngày nay, sau khi chạy trối chết ra tới hải ngoại, an toàn rồi, mà bọn VC vẫn đuổi theo phá đám, dụ dỗ, lần này bằng những lời đường mật, dĩ nhiên, đầy dẫy trong Nghị quyết 36, nào là Việt Kiều, “khúc ruột ngoài ngàn dặm”, “bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam” (thay cho “bọn vượt biên là ma cô, đĩ điếm” trước kia), nào là “quê hương là chùm khế ngọt”,“hãy hoà giải hòa hợp, xóa bỏ hận thù”, nào là “hãy đem tiền bạc và chất xám về xây dựng đất nước, đầu tư đi, làm từ thiện đi, về mua nhà mua đất, hưởng già đi, gái Việt Nam bây giờ đẹp lắm, đẹp lắm...”
3.
Tại trại cải tạo Vĩnh Phú, có anh bạn đồng nghiệp tại trường Đại Học CTCT Đà Lạt, tên Nhung, kiếm đâu ra được chức thủ kho dụng cụ lao động, cũng nhàn và ấm thân. Một hôm, anh ta kể, một tên công an vẻ phách lối đến mượn cái xẻng. Theo thủ tục ai mượn cũng phải ghi tên vào sổ. Thủ kho, người Bắc, lịch sự hỏi:
- Xin cán bộ cho biết quý danh.
Tên nọ không hiểu "quý danh", há mồm, ngơ ngác, suy nghĩ một hồi, rồi đột nhiên sừng sộ:
- Anh vi phạm nội qui. Ai cho anh nói tiếng nước ngoài hử?
Nhung sửng sốt, á khẩu. May phước, nhờ các bạn đồng tù xúm vào thông dịch giùm, anh ta mới thoát nạn, sau khi bị xỉ vả tận tình:
- Bây giờ mà anh vẫn còn ôm chân đế quốc, dùng toàn là chữ tư bản, phản động.
4.
Ngày Chúa Nhật tù nhân thường được nghỉ lao động. Nhưng thỉnh thoảng bọn cán bộ bắt làm cái mà chúng gọi là “lao động xã hội chủ nghĩa”, kiểu volunteering ở Mỹ, ví dụ đào “ao cá Bác Hồ”, "trồng cây Bác Hồ", "trồng rau cải thiện". Coi như mất toi một buổi sáng. Tôi đang nằm ngủ nướng, anh tù đội trưởng, tên Dũng, đến vén mùng lôi dậy:
- Đề nghị anh thức dậy đi lao động xã hội chủ nghĩa.
Tôi cự nự:
- Anh đề nghị, nhưng tôi từ chối, được không?
Dũng là một đội trưởng tốt, đấu dịu:
- Trong từ ngữ tụi nó, đề nghị có nghĩa là bắt buộc đó cha nội. Không biết mà cứ lý sự hoài, khổ quá!
5.
Thời gian đầu mới ra Bắc, sĩ quan tù nhân bị giam ở những trại do “bộ đội” quản lý được dựng lên cấp thời bằng gỗ, tranh, nứa. Dãy hố vệ sinh được đào phía sau nhà (khác với những trại Công an sau này, như Vĩnh Phú, phòng tiêu tiểu cất ngay trong mỗi buồng). Ban đêm, tiểu tiện, đại tiện tù nhân phải xách đèn ra trước vọng canh, hô to, xin phép vệ binh. Những thằng vệ binh, đa số gốc nhà quê, nói ngọng, dùng nhiều thứ thổ ngữ địa phương khác nhau.
Tại trại Hoàng Liên Sơn, thường xuyên có tiếng vang lên trong đêm trường lạnh lẽo:
- Báo cáo cán bộ, tôi xin đi tiểu.
Vệ binh gác hỏi:
- Đi tiểu là đi đâu?
- Là đi tè, tức đi đái đó...
- Đi đái thì nói đi đái, còn văn vẻ đi tiểu với đi đại... Được.
Đêm sau, rút kinh nghiệm, một tù nhân khác xin phép một thằng vệ binh khác:
- Báo cáo cán bộ, tôi xin đi đái.
Tiếng từ vọng gác:
- Đi đái... anh ăn nói kém văn hóa quá.
- Vậy cán bộ bảo tôi nói thế nào?
Thằng vệ binh:
- Đi giải.
Một đêm khác, một cải tạo viên khác:
- Báo cáo cán bộ, tôi xin đi giải...
Tiếng vệ binh:
- Không được. Đi đái thì nói đi đái. Giải gì? Giải rút hả? Dân Nam bộ mà cũng tập nói tiếng Bắc. Nói lại.
Được lời như cởi tấm lòng, anh cải tạo viên la lớn:
- Báo cáo cán bộ, tôi xin đi đái.
Âm “ái... ái... ái” vọng lên trên dãy núi Hoàng Liên Sơn trong đêm vắng lặng, nghe “khẩn trương”, đau khổ.
- Được.
Cũng may, vào thời kỳ đó, đa số sĩ quan còn trẻ, còn khỏe, thận tốt, nên ráng nhịn được. Nhưng những ông già trên sáu bó, đứng tranh luận về chữ nghĩa kiểu này, giữa trời sương lạnh, chưa kịp đến hố đã “giải phóng” ra quần mất rồi.
6.
Chuyện bị Tào Tháo rượt sau đây thì bất kể tuổi tác, già trẻ, nhiếp hộ tuyến sưng hay không sưng. Cũng tại trại Hoàng Liên Sơn, cũng lại chuyện chữ nghĩa. Một cải tạo viên, vì buổi chiều lén ăn sắn sống, nên đang đêm bị đau bụng, xách đèn chạy vội ra vọng gác, khá xa.
- Báo cáo cán bộ, tôi xin đi cầu.
Thằng vệ binh, giọng còn trẻ:
- Không được. Giờ này anh đi ra cầu nàm cái gì, có ý đồ gì?
Anh bạn ta, Nam kỳ rặt:
- Hổng phải đâu, đi cầu là đi ỉa đó. Lẹ lẹ giùm lên cán bộ, tui chịu hết nổi rồi...
- Không được, anh phải học cách ăn cách lói cho đúng văn hóa, nghe chửa: tôi xin phép đi đại tiện. Các anh toàn nà người có tú tài hai, tú tài ba mà không biết dùng chữ cho đúng và nịch sự. Anh lói nại đi...
Bạn ta trả lời, cộc lốc:
- Thôi khỏi cần nữa. Xong rồi.
- Anh lói xong rồi nà xong cái gì?
Bạn ta đùng đùng nổi giận, la lớn, dường như không sợ gì nữa:
- Là ỉa ướt quần rồi đó cha !. Không tin cha cứ trèo xuống mà hưởi. Đau bụng thấy mụ nội mà cứ lèng èng quoài.
“Sự cố đột xuất” không mấy thơm tho này, và sự hy sinh vĩ đại của bạn ta, hôm sau, đến tai quản giáo đội, không ngờ lại có kết quả tốt, ngoài dự liệu. Theo lệnh trên, kể từ đêm đó, khi cải tạo viên cầm đèn xin phép ra hố tiêu, nói kiểu nào, lính gác phải cho đi, không hạch hỏi gì nữa.
7.
Một bữa, vác một bó nứa to tổ chảng ở rừng về, tôi bị té xỉu, và được chuyển vào đội Rau Xanh của mấy ông già lụ khụ, ốm yếu ho hen, loại sứt cán gãy gọng, và vì trẻ nhất tôi được chỉ định làm trưởng tổ hốt phân, mỗi bữa ít nhất năm chuyến, đem giao cho một tổ khác chế biến thành nước tưới rau, hoặc ủ thẳng trên các luống khoai. Trước khi xuất quân, tên quản giáo lên lớp:
- Có bốn thứ phân: phân bắc, phân chuồng, phân xanh. Các anh phải lấy ba thứ này cho đầy đủ chất lượng. Còn phân đạm, hay u-rê là phân cao cấp, ta chưa dùng đến.
Phân chuồng (trâu bò) và phân xanh (lá cây ngâm mục) thì ai cũng hiểu. Riêng phân bắc tên quản giáo không cắt nghĩa. Một anh tổ viên, gốc Quảng, giơ tay hỏi:
- Thưa coáng bộ, còn pheng béc là pheng chi?
Tên quản giáo nhìn anh chằm chằm, rồi dằn từng tiếng:
- Có thế mà không hiểu. Phân bắc là phân tươi...
- Pheng tươi là pheng chi, coáng bộ ?
- Là cứt chứ còn gì nữa. Hỏi mãi.
Sau khi tên quản giáo đi, một anh già trong đội lên tiếng cắt nghĩa :
- Mấy cha biết tại sao tụi nó gọi cứt là phân bắc mà không là phân nam, phân trung không?
- Làm sao biết được!
- Tại vì ở ngoài Bắc, cứt quý như vàng, cho nên tụi nó giành lấy hết, cả trong chữ nghĩa tụi nó cũng không chừa cho ai.
8.
Tại trại Vĩnh Phú, tôi được Linh mục Trần Thanh Cao, cựu tuyên úy, giỏi nhạc, vui tính, có quen biết ngoài đời, “chiếu cố” bốc về đội văn nghệ mới thành lập do ông làm đội trưởng, để tỵ nạn lao động vài tháng, mặc dù tôi dốt đặc về ca nhạc kịch. Nhân tài, cũng cỡ tôi, được biệt phái từ các đội. Ðội được lệnh trình diễn giúp vui một phái đoàn thanh tra trung ương sắp đến thăm trại.
Cha Cao cho tôi vào ban hợp ca, bè alto là bè hỗn tạp, ngang phè phè. Ông khuyến khich các ca viên:
- Ăn sắn và hút thuốc lào mà hát như vậy là được rồi!
Một hôm trại phó đến thăm. Ban hát đang tập một bài có nhắc Hồ Chí Minh và hang Pắc Pó, hay ao sen, ao cá gì đó, do cha Cao đặt hòa âm thành bốn bè, mỗi bè tập riêng. Hắn chăm chú nghe ca sĩ bè alto của tôi dượt, vui vẻ, rồi bỗng nhăn mặt, gọichaCaolại,giậndữquát :
- Anh bôi bác Cách mạng đấy phỏng? Tên Bác kính yêu như thế mà... mà anh dám đổi nà Hô, Hố, Hộ, Hổ như thế thì... thì nà anh nếu náo thật!
Cha phân trần, nhưng hắn gạt đi:
- Bỏ, bỏ tất ! Bè với không bè !
9.
Một sĩ quan đồng tù kể: được thả về, anh hành nghề xe ôm. Nhờ bộ mã phi công đẹp trai còn sót lại sau tám năm cải tạo, anh lọt vào mắt xanh của một em “cán bộ gái” tại một cơ quan nọ, Bắc kỳ hai nút chánh hiệu.
Anh nóí:
- Tao tranh thủ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến lên chiếm mục tiêu ngay. Vì lần đầu lụp chụp, tao khóc ngoài quan ải, nên thấy quê, mới rụt rè hỏi nhỏ em, “em thấy thế nào?”
- Rồi em trả lời sao? tôi nôn nóng hỏi.
Anh bạn thở dài:
- Mẹ kiếp, còn đang ôm nhau, em bật ngồi dậy, nghiêm nét mặt, và lên lớp y chang mấy thằng quản giáo của mình trước kia. Em bảo: "Cơ bản thì anh làm tốt đấy, có chất lượng. Nhưng về mặt tiêu cực, em chưa thấy có ấn tượng sâu sắc, anh chưa biểu hiện phấn đấu năng nổ để khống chế tốc độ. Rút kinh nghiệm, lần sau, anh cần khắc phục sự cố tốt hơn" !!!...

Người Lính Già Oregon

12 THÁNG ANH ĐI