22 thg 12, 2013

Một Chút Quà Cho Quê Hương _ Việt Dzũng



Thân thế và sự nghiệp
Ông sinh năm 1958 tại Sài Gòn, có cha là Nguyễn Ngọc Bảy - cựu dân biểu Hạ nghị viện thời Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam, thiếu tá, y sĩ trưởng Bộ tổng tham mưu và Sư đoàn 5 Quân lực Việt Nam Cộng hòa, có mẹ là giáo viên trường nữ sinh Gia Long. Ông có một anh, một chị, và một em trai.[1] Lúc nhỏ, Việt Dzũng từng học tại Trường Trung học Lasan Taberd - nơi ông bắt đầu biểu hiện khiếu âm nhạc. Trong giai đoạn từ 1971 cho đến trước sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Việt Dzũng tham dự nhiều đại hội nhạc trẻ bên cạnh Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc,... Năm 1975, ông vượt biên tỵ nạn sang đến Singapore rồi sau sang Hoa Kỳ định cư, đến năm 1976 gia đình mới sang cùng đoàn tụ.[2] Ngay những năm đầu tiên tại Mỹ ông đã sáng tác và thắng giải Iowa Grand Ole Opry. Năm 1985 ông cho ra băng nhạc tiếng Anh Children of the Ocean hợp tác với một số nhạc sĩ Mỹ.

Đối với tân nhạc Việt Nam ở hải ngoại, ông đã sáng tác một số bài nổi tiếng như "Một chút quà cho quê hương", "Lời kinh đêm", "Tình ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn". Album Một bông hồng cho người ngã ngựa sau khi ra mắt được đón nhận rất thành công. Ông hợp tác với ca sĩ Nguyệt Ánh một thời gian, đi lưu diễn nhiều nơi ở Mỹ, Úc, Nhật Bản, Âu châu hát lên những bản nhạc tranh đấu, chống Cộng, mở đường cho phong trào Hưng ca ở hải ngoại.[2] Cũng vì việc đấu tranh chính trị mà cả hai bị nhà cầm quyền tuyên án tử hình khiếm diện ở Việt Nam.[3] Việt Dzũng với bài "Một chút quà cho quê hương" cùng với Nam Lộc (tác giả bài "Sài Gòn vĩnh biệt") được nêu danh là một trong những tên tuổi chính của dòng nhạc Việt Nam hải ngoại.[4]

Ngoài những bản nhạc gói ghém nỗi niềm ly hương và đấu tranh vốn là sở trường của Việt Dzũng,[5] ông còn có những tác phẩm tình ca vui trẻ như "Tình như cây cà rem", "Có những cuộc tình không là trăm năm" hay uẩn ức như "Bên đời hiu quạnh". Tổng cộng ông đã viết hơn 450 bài, một số ra mắt trong hai tập nhạc Kinh Tỵ nạn và Lưu vong khúc.[3] Năm 1990 Việt Dzũng lập hãng ra băng và đĩa nhạc mang tên Trung tâm Việt Productions.[2]

Ngoài hoạt động âm nhạc, Việt Dzũng còn có chân trong văn học, chủ bút nguyệt san Nhân chứng ở California. Sau ông chuyển sang đóng góp cho đài phát thanh Little Saigon Radio bắt đầu từ năm 1993 làm phóng viên và xướng ngôn viên cho đài phát thanh tiếng Việt toàn phần đầu tiên ở miền nam California.[2] Đến năm 1997 thì ông lập đài phát thanh riêng là Radio Bolsa.

Đối với các chương trình thâu hình thì Việt Dzũng cũng xuất hiện thường xuyên trong vai trò người dẫn chương trình trong các đại nhạc hội của Trung tâm Asia.

Dù ở lĩnh vực nào ông từng xuất hiện trong những cuộc vận động chống chủ nghĩa cộng sản. Ông luôn có mặt và hỗ trợ cho các công cuộc đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền cho dân tộc Việt Nam. Ông luôn sát cánh cùng các đoàn thể trẻ tại miền Nam California như Thanh Sinh Phó Đức Chính, Thanh Niên Cờ Vàng.[6][7] đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam, và ông cũng luôn vận động cứu giúp thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn. Năm 2010 ông được thượng nghị sĩ tiểu bang California là Lou Correa trao giải "Community Heroes" vì 20 năm hoạt động đóng góp cho cộng đồng.[8]

Qua đời
Việt Dzũng đột ngột qua đời tại Bệnh viện khu vực Fountain Valley ở thành phố Fountain Valley, quận Cam, tiểu bang California, Hoa Kỳ do căn bệnh tim hồi 10h35' sáng, ngày 20 tháng 12 năm 2013, hưởng dương 55 tuổi.[9]

Danh sách bài hát
Bên đời hiu quạnh (thơ Hoàng Ngọc Ẩn)
Bài tango cuối cùng
Có những cuộc tình không là trăm năm
Dấu chân của biển
Giòng cuồng lưu
Hát cho người dân oan
Khóc ru đời trinh nữ
Lời kinh đêm (ý thơ Mãn Thuận)
Một chút quà cho quê hương
Mời em về
Noel rồi! Đừng hờn anh nữa bé ơi
Ngày con về
Tình ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn
Tình như cây cà-rem
Thung lũng chim bay
Và em hãy nói yêu anh
Những đứa con của Mẹ

Băng và đĩa nhạc
Anh vẫn còn thương
Bên bờ đại dương
Bên em đang có ta
Hát cho Tự do
Hùng ca quật khởi
Lên đường
Mình ơi, đưa em về quê hương
Quê hương và em
Ru em sông núi đợi chờ
Tuổi trẻ về nguồn
Thánh ca vào đời
Thắp lửa Tự do
Thắp lửa yêu thương
Trái tim ở lại
Vuốt mặt


18 thg 11, 2013

MƯA THÁNG SÁU

Truyện ngắn chiếm giải Nhất năm 2013 của giải văn chương lớn nhất ở hải ngoại do Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt tổ chức
(Thân mến tặng các chị cùng đợt thăm tù tại Cà Tum năm 1977, để nhớ “Những tháng ngày không quên” …)

Thu Tâm
Đôi mắt mở to, trằn trọc mãi vẫn không tài nào dỗ được giấc ngủ, tôi nằm yên lặng ngó quanh căn phòng dành cho người lỡ đường của ngôi Chùa nhỏ đơn sơ . Trong yên lặng, thỉnh thoảng một vài tiếng thạch sùng tắc lưỡi không đủ làm khuấy động màn đêm. Ánh đèn điện trên trang thờ bên góc tường đủ soi sáng cả không gian chật hẹp , đồ đạc không có gì ngoài bộ ván gỗ 1m6, trên đó chật cứng bốn người lớn và hai đứa con nhỏ của tôi, nên mỗi lần cử động hay trở mình rất khó khăn.

Mỏi qúa, tôi nhè nhẹ bước xuống giường ra trước bàn thờ , tay cầm nén nhang mà chẳng biết van vái điều gì, chỉ nghe nghèn nghẹn nơi cổ họng và rồi những giọt nước mắt từ đâu bỗng tuôn rơi không kềm lại được.Tôi đứng gục đầu trước trang thờ thổn thức, tưởng nhớ tới hình ảnh người chồng thân yêu đang nằm “bệnh xá” cả tháng nay…

Giờ này chắc cũng khuya lắm rồi, mọi người đang say ngủ bởi cả ngày di chuyển mệt mỏi. Kẻ từ Saigon , người từ miền Tây, cùng gặp nhau xin tá túc qua đêm nơi này để sáng ra còn lặn lội mấy chặng đường nữa , vừa đi xe vừa lội bộ mới tới được nơi người thân đang “cải tạo”. Đứa con nhỏ của tôi giật mình khóc, thằng anh nó cũng mếu máo theo, tôi chạy lại ôm con vào lòng . Hai đứa bé hoảng hốt ôm chặt mẹ khi nghe tiếng đập ầm ầm bên ngoài.
Vị Sư Cô tay cầm tràng hạt ra mở cửa. Như một làn gió ùa vào trong, một cụ bà tóc bạc trắng, nét mặt và đôi mắt đầy nét kinh hãi bế trên tay đứa bé trai chắc cũng trạc tuổi con trai nhỏ của tôi, cả hai quần áo nhếch nhác và rách toạc nhiều chỗ lấm lem vết máu, vết bùn. Mọi người choàng tỉnh ngủ hẳn, sợ hãi ngồi hẳn dậy bởi tiếng khóc la của hai bà cháu .
-“Chúng nó giết chết hết cả nhà con cháu tôi rồi! trời ơi sao chúng nó ác qúa vậy, con cháu tôi có làm gì nên tội đâu ….!”
Bà cụ vừa kể vừa gào thét, vật vã tay chân. Đứa bé cũng khóc la thảm thiết, những vết rách trên da thịt đang rướm máu, khuôn mặt kháu khỉnh lem luốc. Thời gian này hai chính phủ đang có cuộc xung đột nên bọn người từ bên kia biên giới Miên Việt bất ngờ nửa đêm đã tràn qua tàn sát những người dân Việt vô tội để trả thù. Gia đình ngoài bà còn có con trai, con dâu và 8 đứa cháu , tất cả là mười một người. Bây giờ chỉ còn sót lại bà và đứa bé nhất này vì ngủ ở nhà sau. Khi bọn sát nhân gõ cửa và đâm lưỡi lê sát hại từng người trong nhà, bà chỉ kịp ôm cháu theo ngã sau, băng đồng ruộng, hàng rào, chạy thoát được tới đây…
Chúng tôi không cầm được nước mắt, vô cùng xót thương cho hoàn cảnh của hai nguời , nhưng chỉ biết vỗ về an ủi. Không nói ra, ai cũng nặng lòng lo nghĩ tới cuộc hành trình ngày mai.
Một lúc sau, bà cụ hầu như kiệt sức nên chỉ còn rên rỉ nho nhỏ, Sư cô đưa hai bà cháu vào phòng trong nghỉ ngơi . Đồng hồ điểm 1 giờ sáng, sự yên tĩnh trở về. Chị em chúng tôi nhìn nhau yên lặng, trong lòng mỗi người ôm một nỗi ưu tư riêng. Trong đoàn người hôm nay chỉ mình tôi là dắt theo con nhỏ, vì không nơi thân thuộc để gởi gấm nên dù đi bất cứ nơi nào hoặc bao xa cũng tay ôm tay dắt mẹ bên con …
Các chị bạn thì thầm hỏi nhau có nên đi tiếp hay trở về. Tấn thoái lưỡng nan, bởi người nào đến được Tây Ninh rồi cũng cố ven vét tiền để mua thêm thứ này thứ khác đem vào trong tù cho chồng. Bây giờ mang trở về làm sao thoát khỏi bọn “công an kinh tế”lục soát và tịch thu hàng hoá, vừa mất của vừa bị chúng kết tội thêm phiền hà.Vì luật “miệng” đưa ra cho tất cả mọi hành khách, cứ 2 kg mỗi thứ đều là “buôn lậu”. Phần tôi, lần thăm nuôi này đã phải đem bán vài vật dụng trong gia đình để mua một số thuốc trị bệnh ngoài chợ “đen”cho anh , tiền lương eo hẹp cứ hai tháng mới được lãnh nên thiếu trước trả sau là chuyện thường. Bữa nay tạm có chút đỉnh để thăm chồng, hết mấy buổi mua sắm sửa soạn, mấy đêm liền nấu nướng, chuẩn bị. Chả lẽ bây giờ lại để bị tịch thu một cách vô lý, trong khi tự bản thân và hai đứa con nhỏ phải tiện tặn từng chút biết bao ngày . Hơn nữa thiếu thuốc men thì sức khoẻ anh sẽ ra sao ?!. Mà lần này nếu mất hết lấy đâu ra tiền để mua sắm lại. Nhưng…nếu cứ đi tiếp thì làm sao vượt thoát nổi những hiểm nguy nếu có xảy ra !!!
Đầu óc rối tung, tay ôm con, lòng như tơ vò . Tôi đưa mắt thẫn thờ qua các chị bạn, rồi cúi xuống hai đứa con thơ, mấy sư cô đang có mặt nhìn tôi áy náy , một vị lên tiếng:
- “Hay là cô để các cháu ở đây chơi, nhà Chùa sẽ giữ săn sóc giúp cho đến khi nào cô trở về.! Dắt chúng theo tội nghiệp lắm.”
Lời nói đầy tình nhân ái khiến tôi suy nghĩ, nhưng làm sao yên lòng được. Vì chúng còn nhỏ qúa, vả lại hồi nào tới giờ hai đứa chưa bao giờ xa mẹ một hôm nào, nhất là phải ở cả ngày, đêm với những người lạ. Chúng sẽ khóc đến thành bệnh mất! Mà không biết chuyến đi bao lâu mới trở ra được. Mấy chị bạn đã nhất định không trở về nếu chưa gặp được chồng.
Lau khô những giọt nước mắt phân vân, “Một liều ba bảy cũng liều” Quyết định cuối cùng là “Đi”! Mẹ đâu con đó! Tôi đành cám ơn vị sư cô đưa ra đề nghị vừa rồi.

HÀNH TRÌNH GIAN NAN

Chuyến xe lam chất đầy hành khách đưa chúng tôi rời bến Tây Ninh từ sáng đến gần trưa thì vào đến “Càtum”. Đoạn đường phủ mờ bụi và sóc mạnh nên mọi người cứ ngã chúi lên nhau, đôi lúc đang đi bỗng xe nhảy dựng lên, đầu một vài người bị dộng mạnh lên mui xe đau điếng. Chúng tôi cùng đùa với tên đặt cho địa danh và con đường đang đi là “Cà Tưng”. Hai đứa con ngồi hai bên đùi khiến tôi tê dại cả người, c ăng thẳng sợ con bị thương vì những va chạm mạnh nên tôi càng thêm mệt mỏi. Một người thanh niên trẻ bên cạnh thấy vậy nên đỡ giúp tôi cháu bé. Thằng bé không biết mệt cứ cười toe toét nhe mấy cái răng sữa, ngọng nghịu nói đủ thứ. Dù chỉ biết mặt bố một lần từ lúc sinh ra gần hai năm nay, chẳng hiểu đã nghe từ đâu mà bé đã biết nhiều chuyện về người cha vắng mặt :
-“Chú biếc Bố coong hông, coong i xăm (thăm) bố đó, Bố bị bộ đội bắc chù (t ù) zồi, coong héc (ghét) bộ đội nắm ! Coong hương (thương)bố nắm…”
Mọi người phì cười , thằng bé thấy được chú ý nên càng ra sức huyên thuyên. Không khí trên xe có những tiếng cười vui nên bớt căng thẳng mệt mỏi, nhưng riêng tôi lại lo lắng với sự ngây thơ thật thà của trẻ thơ. Từ ngày vắng anh, ba mẹ con sống đơn độc, khép kín, luôn lo sợ sự bất trắc xảy đến. Vì “tai vách mạch rừng” khiến chỉ dám tiếp xúc với người cùng hoàn cảnh, nín lặng trước mọi điều bất công. Trong cuộc sống eo hẹp khó khăn đã khiến một số nhỏ chị em không chịu đựng nổi, hoặc bị bọn Công an , cán bộ dồn vào thế phải tùy thuộc chúng. Bọn chúng trong tay đầy quyền hành, đem thủ đoạn mưu mô đối phó với những người đàn bà trẻ yếu đuối, khờ khạo trong hoàn cảnh mới, liệt chúng tôi vào thành phần “gia đình Ngụy có tội với nhân dân”, luôn rình mò , dòm ngó, đe nẹt . Chúng tôi phải bươn chải khắp nơi, cố gắng vượt qua bao nhiêu cơ cực, đề phòng và né tránh bao cạm bẫy hầu an toàn mang được miếng ăn bữa no bữa đói về cho con, cho gia đình. Chỉ trông mong vào sự che chở của Phật Trời , của ơn trên để sống còn mà nuôi con dại, cha mẹ già.
Riêng tôi, còn để thoát qua những cặp mắt đầy ác tính đó, hàng ngày đã tự hóa thân thành một thiếu phụ lem luốc lôi thôi, dù tuổi đời mới hai mươi mấy. Đầu tóc bù rối, áo quần luộm thuộm, lùng thùng với chiếc nón rách tả tơi lụp xụp che khuất mặt mỗi sớm tối đi và làm về, hoặc khi phải ra ngoài. Chỉ còn thêm ít … vết lọ nồi trét trên mặt nữa chắc người thân yêu nhất cũng chẳng thể nhận ra !!
Đôi lúc ngắm mình trong gương, tôi không biết nên cười hay nên khóc !!
*****
Cà tum đây rồi, chiếc xe dừng lại nơi gọi là “bến “ ,chỉ lèo tèo vài chiếc xe chở khách (loại xe máy có đóng thêm một khung gỗ đàng sau để chuyên chở ), rất đúng nghĩa với tên được gọi là “Lôi” đứng bơ vơ giữa gió bụi vắng tanh. Chắc hành khách chỉ là những chị em đi nuôi chồng hay thân nhân như chúng tôi. Vài con chó ốm tong teo lang thang quanh những đống rác chí choé dành nhau tìm thức gì có thể ăn được. Lòng tôi như chùng xuống theo màu xám khung trời … Đoạn đường đi tới còn dài, chúng tôi lại vội vã chia nhau lên từng chiếc “xe “.
Cứ hai người cùng với hàng hoá đi chung một chuyến , chiếc xe ngộ nghĩnh ì ạch “lôi”chúng tôi ngã sấp ngã ngửa trên con đường đất “sống trâu” gồ ghề ,sình lầy đầy những ổ gà ngập nước mưa sâu hoắm. Hai bên đường lác đác dăm mái nhà đơn sơ nửa tranh, nửa tôn lụp xụp chen giữa những thửa ruộng cuối mùa, càng tăng thêm phần tiêu điều của một vùng quê nghèo nàn, hẻo lánh. Thỉnh thoảng một vài người dân địa phương chân đất ,quần áo nhếch nhác tay bế con nhỏ , cạnh mấy đứa bé trần truồng đứng ngơ ngác nhìn đoàn xe kỳ khôi chúng tôi đi qua với đôi mắt tò mò. Bụi mù theo gió lốc xoáy lên cao rồi cuốn tròn quanh đoàn người khốn khổ, mặt mũi chúng tôi đều lem luốc phờ phạc, tóc tai xác xơ như những tên hề hoá trang vụng về sau đêm hát. Mọi người nhìn nhau cười không ra tiếng!!
Đoạn đường tuy không bao xa nhưng cũng hơn 3 giờ chiều mới đến Bố Túc. Tên gọi mà chúng tôi chưa hề được nghe nhắc tới bao giờ.
Từ đây , vì không có xe nào chịu chuyên chở giúp nữa, nên chúng tôi phải gồng gánh lội bộ 6 km đường đất mới tới được nơi để ngủ qua đêm . Đến lúc này ai nấy đều uể oải cả ,nhưng đành phải cố gắng. Một tay bế đứa con nhỏ, trên lưng là chiếc balo căng phồng nặng trĩu đến còng gập cả người, còn tay kia thì kéo lê chiếc bao 50 kg chật cứng. Đứa con lớn mới hơn bốn tuổi của tôi nắm áo mẹ lúp xúp bước thấp bước cao chạy theo sau, nhưng làm sao hơn khi tôi cũng gần như kiệt sức với số hàng hóa đang mang trên lưng, trên tay. Tôi nhủ thầm tiếng xin lỗi với con và nói nhỏ : “mẹ con mình cố lên chút nữa rồi sẽ được gặp bố nghe con” Bé nhìn mẹ mếu máo không dám khóc, nhưng nước mắt tôi thì đã chan hoà từ bao giờ...
Những bóng người lem luốc nặng nề lê bước bên nhau trong ráng chiều hiu hắt, không ai còn đủ hơi mà chuyện trò nổi. Vài tiếng qụa kêu vọng lại càng tạo cho bầu không khí thêm thê lương. Bầu trời càng lúc càng xuống thấp hơn, đám mây vần vũ trên trời như đe doạ cơn mưa ập tới bất ngờ . Mẹ con tôi cố gắng lắm nhưng vẫn bị bỏ lại đàng sau một đoạn xa dù các chị bạn cố tình đi chậm lại để chờ.
Vừa đi vừa nghỉ rồi cũng đến được đích khi hoàng hôn đã bao phủ nhạt nhoà cảnh vật. Những người dân thật thà chất phác rất nhiệt tình giúp đỡ. Sau khi lo cho hai con tắm và ăn uống xong, soát lại trong túi chỉ chừa đủ tiền xe cho chuyến về, tôi bắt chước họ, mua thêm con gà, luộc chín. Nấu miếng xôi để mai mang vào cho chồng xong tôi định đi nghỉ. Ngày mai còn phải khởi hành sớm vì từ đây đi tới cổng trại cả 4 km đường cũng mất nhiều thời gian. Họ sẽ nhận đơn lúc 9 giờ sáng, cỡ 11 giờ là được thăm.

ĐOẠN TRƯỜNG

Trời khuya dần, hai đứa bé quá mệt mỏi vừa đặt xuống giường là ngủ say sưa. Trằn trọc mãi, tôi ra ngồi trước hiên căn nhà lá nhìn làn mưa rơi trong màn đêm u tịch, lòng bồi hồi nghĩ tới anh. Những giọt nước mưa mát lạnh theo làn gió hắt vào mặt càng làm tôi tỉnh táo, dù rằng xác thân đã rã rời. Tiếng chó nhà ai sủa vang phá tan sự tĩnh lặng của đêm đen, giờ này chắc các anh cũng đang thao thức mong cho mau sáng để được gặp mặt vợ con hay thân nhân…
- Chạy mau, chúng nó tới nơi rồi …”
Tiếng la thất thanh của ai đó kèm theo tiếng chân người chạy cùng tiếng chó sủa liên hồi, tôi hoảng hốt đứng bật dậy . Ngoài đường từng chiếc xe bò chất chồng cả người lẫn đồ đạc đang rộn ràng chạy qua, bóng tối bị đẩy lùi bởi những ngọn đuốc sáng rực khắp nơi. Tôi đứng chết trân giữa cửa không biết làm gì. Trong nhà mọi người đã thức giấc đang gói ghém đồ đạc chất lên xe bò (hình như ở đây gia đình nào cũng có sẵn loại xe này), tiếng kêu gọi nhau í ới vang rền cả xóm. Các chị em bạn cũng tay ôm tay xách chạy ra ngoài, thấy tôi đứng lớ ngớ họ la lớn thúc dục. Tôi nghẹn ngào khi nhìn hai đứa con thơ và đống đồ đạc bên cạnh. Bủn rủn tay chân, làm sao đây! Tôi ngẩn ngơ tê dại ngồi xuống ôm con khóc không ra tiếng trong khi mọi người lăng xăng. Vợ chồng người chủ nhà la to:
- Cô để một túi đồ và bỏ thằng con lớn lên xe tui chở đi cho, còn cô bồng thằng nhỏ mà chạy theo sau. Lẹ lên không thì chết hết đó.
Cuống cuồng làm theo người chủ nhà tốt bụng, chỉ còn chiếc balo và đứa con nhỏ . Tôi cố chạy theo nhưng đôi chân hình như không còn biết nghe lời , cứ qụy xuống trên mỗi bước đi. Chiếc xe chở đứa con lớn càng lúc càng bỏ xa tôi, mấy chị bạn nóng lòng thấy tôi cứ thụt lùi phía sau nên la lớn:
-Chị phải hy sinh mà giữ mạng mình với con trước, vất bớt đồ đạc đi cho nhẹ mà chạy. Chứ đi kiểu này thì tụi tui cũng chết theo chị luôn đó!
Tôi nào muốn liên luỵ đến mọi người, dù trong lòng rất phân vân lo lắng. Trong chiếc balo này có một ít qùa của chị em bạn gởi nhờ đem giúp nữa, không biết mai này giải thích với họ ra sao cho khỏi bị hiểu lầm đây. Để bớt áy náy lương tâm, tôi nhờ chị bạn mở nắp balo sau lưng tôi vất bỏ bất cứ vật gì nằm trên cùng. Một phần ba số lượng rồi mà hình như vẫn không thấy nhẹ đi chút nào. Lưng tôi vẫn đau gập cả xuống , thằng bé con sợ hãi nên bám chặt cứng một bên hông nhức nhối. Bóng tối và sự yên lặng phủ trùm vạn vật, đoàn người chạy loạn cùng những bó đuốc bập bùng đã ở đâu đó xa tít đàng trước mặt từ lúc nào. Tôi kéo lê lần mò từng bước chân đau nhức, tê mỏi trên con đường gồ ghề, ngã chúi đầu mỗi lần vấp phải những ổ gà, hất cả thằng con nhỏ xuống đường khiến nó khóc thét lên vì đau đớn. Ôm chặt con thơ, ruột gan người mẹ như đứt từng đoạn. Có 6 km đường mà sao đi hoài không tới !!
Gần 3 giờ sáng, cổng trại giam mở đón chúng tôi vào nhưng chỉ được dừng lại ở ngay sau cánh cổng. Tôi trải chiếc khăn lông lớn mang theo lên bãi cỏ cho hai con nằm , ngồi bên cạnh quạt muỗi chờ sáng . Một rừng người yên lặng nằm ngồi la liệt chung quanh. Đến 5 giờ, mấy tên “cán bộ” ra lệnh cho chúng tôi phải trở về khu nhà dân vì không còn nguy hiểm nữa . Lại rồng rắn kéo nhau quay lại!
Chỉ kịp lau mặt mũi thay quần áo cho ba mẹ con , rồi ăn chút lót dạ xong là chúng tôi tiếp tục gánh gồng , tay mang tay xách trở lại đoạn đường cũ vừa đi qua. Lúc này trời đã sáng tỏ, trên mặt đất ngổn ngang bao nhiêu đồ đạc thức ăn bị vất bỏ hồi khuya. Tôi bất ngờ tìm lại được vài món qùa còn nhớ được . Tuy cả đêm hầu như không chợp mắt nhưng bao nhiêu mỏi mệt lúc này tan biến đâu mất, hàng hóa trên lưng, trên tay cũng nhẹ hơn bao giờ ... Hai đứa bé tíu tít vui đùa chạy trên đường, sự vô tư của con thơ cho tôi niềm hạnh phúc ngọt ngào trong nỗi xót xa vô tận.
Ba mẹ con ngồi ngơ ngẩn trong phòng đợi, người đi thăm đã lần lượt ra về mà sao tên chồng tôi vẫn chưa được gọi đến.. Một ý nghĩ chợt đến khiến tôi muốn nghẹt thở vì sợ hãi, hay là có chuyện bất trắc xảy ra cho anh, hay anh bị chuyển đi trại khác rồi?! Hỏi tên cán bộ ngồi canh gác thì hắn nói, vì anh bị bệnh không tự đi được từ bệnh xá ra tận đây , mà lúc này anh em đi “lao động” hết , phải chờ có người về “võng” anh ra . Đành chờ tiếp mà ruột gan tôi nóng như lửa. Ngổn ngang những lo lắng , hay anh bị bệnh nặng qúa họ không cho thăm, mà trễ qúa sợ khi gặp xong sẽ không còn xe về! Tôi xin phép có 3 ngày mà hôm nay đã là ngày cuối, nếu nghỉ lâu sẽ không làm đủ số lượng hàng bắt buộc. “Tiêu chuẩn” 12 kg gạo mỗi tháng bị cắt thì lấy gì cho con ăn ?! Trăm thứ lo âu lộn xộn lúc này ! Thời gian cứ chầm chậm trôi trong sự yên lặng đầy nghi vấn trong tôi.
Không thể ngồi yên, tôi đánh bạo tới xin tên CS :
- Cán bộ có thể cho tôi tự đi vào trong bệnh xá thăm chồng tôi được không?
Hắn trả lời là đường rừng dài tới 6 cây số , lại nhiều rắn rết rất nguy hiểm nên không thể đi được. Tôi chán nản trở về chỗ ngồi lòng buồn rười rượi. Người đi thăm đã ra về hết từ bao giờ, chỉ còn trơ trọi ba mẹ con ngồi buồn rầu trong dãy nhà dành cho thăm nuôi tù bằng tre nứa trống trải. Đêm nay mẹ con tôi sẽ ra sao, nhìn hai đứa con thơ gầy ốm vất vả theo mẹ mấy ngày nay , tim tôi buốt nhói !

NIỀM VUI HÒA LẪN NỖI ĐAU

Chiều xuống dần, những đám mây đen vần vũ kéo báo hiệu trời lại sắp đổ mưa, định lấy gì cho con ăn đỡ đói thì tên cán bộ tới báo cho hay đã có anh em đi lao động về, và lát nữa chồng tôi sẽ ra đến. Hai đứa bé nghe tin mừng rỡ reo lên , nhịp tim tôi bỗng nhiên rộn ràng …
Ôi ! người chồng thân yêu của tôi kia ư? Sao nhìn không ra anh nữa rồi ! Người bạn dìu một bên nách, còn anh thì vừa bò vừa lết bằng hai đầu gối đang tiến đến gần. Tôi chết sững người, bóng chiều nhạt nhòa và mắt ngập lệ xót xa… Chiếc balo trên lưng bỗng dưng nặng trĩu đè gập người tôi xuống. Anh và tôi cùng qùy đối diện, bốn mắt nhìn nhau nghẹn ngào không nói được nên lời, chỉ nghe tiếng ríu rít vô tư của hai đứa con thơ. Đâu đó tiếng chim kêu buồn thảm như muốn buông lời cảm thông !
Cố run run đứng thẳng giữa hai dãy bàn, vòng tay ôm hai đứa con trai nhỏ, anh úp mặt vào má chúng nghẹn ngào. Những giọt nước mắt của người đàn ông cương nghị ngày nào nhòe ướt mặt con thơ. Hai đứa trẻ đưa bàn tay bé xíu chùi nước mắt cho cha rồi oà khóc theo người cha tội nghiệp!
- Hết giờ rồi!
Tiếng tên VC vang lên cướp mất niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của gia đình bốn người chúng tôi..
Tâm hồn như đóng băng, đôi mắt tôi mờ hẳn và hầu như không còn nhận thức được điều gì đang xảy ra xung quanh…
Hai đứa bé mếu máo níu, ôm chặt người anh không chịu buông, tim tôi như nghẹn thắt …
Ngoài kia trời đang mưa rơi...rơi ! .

Thu Tâm
Những ngày tháng không quên.

3 thg 9, 2013

NỖI LÒNG QUỲNH HOA

Duy Sâm
Nơi góc vườn em sống đời buồn tủi
Người rời em chẳng một chút tiếc thương
Để mặc em với nắng hạ chiều đông
Thân quặn quọi sau cơn mưa tới tấp

Em tội chi Người cứ mãi đọa đày
Có phải chăng bởi đời hoa ngắn ngủi
Mới nở rộ rồi lại mau gục xuống
Chỉ một đêm đã tàn một kiếp hoa

Nhớ khi xưa sung sướng mang em về
Bạn quí lắm mới cho một cành nhỏ
Mua chậu đẹp Người đặt em trong đó
Người bón phân tưới nước mỗi ngày ngày
Người mừng rở khi thấy mầm nẫy nở
Mới năm đầu em điểm một nụ hồng
Người hớn hở cứ chỉ trỏ trầm trồ
Rồi hoa lớn thân cong thật ẻo lả

Người mang em vào phòng khách đợi chờ
Rồi mĩm cười nhìn cánh hoa lay động
Bên tách trà đượm thắm hương em tỏa
Người mơ màng như bước vào động tiên

Năm sau nữa em trên đà nẫy nở
Người thay chậu cho em thêm hơi thở
Em quặn mình với những cánh hoa to
Người thẫn thờ như thấy đêm quá ngắn

Kinh tế Mỹ đã đến hồi suy thoái
Người vật vã thay đổi job liên hồi
Còn giờ đâu thức trắng cả canh thâu
Nhìn hoa nở cho tâm hồn xúc động

Rồi một hôm mang về vài cành nhỏ
Người bón phân từng chậu như em xưa
Hoa Quỳnh Mỹ mau đâm chồi nẫy lộc
Chỉ một năm đã trổ búp đầy cành
Đến đầu hè những cành hoa rộ nở
Cam đỏ vàng mỗi chậu một màu hoa
Tuy hương sắc không lộng lẫy như em
Nhưng tuổi xuân kéo được đôi ba ngày

Đủ cho Người mời bạn bè lối xóm
Đến cùng xem cùng chỉ trỏ tán dương
Hoa em nở Người không còn biết đến
Để mình em run rẫy giữa đêm thâu

Tuần sau đó Người dời em nơi khác
Để khoảng trống hoa bạn khoe hương sắc
Người đặt em trong góc phía sau vườn
Cho côn trùng cấu xé giữa màn đêm

Em buồn tủi nhưng không hề oán trách
Người không nở mang em vất vệ đường
Để xe rác mang em về nghiền nát
Xác thân em chỉ đáng để làm phân

Ân tình đó em luôn ghi nhớ mãi
Dù cho sống trong khổ nhục đắng cay
Dù cho Người không còn đoái hoài tới
Cũng gắng gượng nở một bông hoa nhỏ
Những cánh hoa sẽ rung lay từng cánh
Và hương thơm sẽ tỏa một góc vườn
Để Người thấy tình em luôn quyến luyến
Luôn tiếc nuối những thời khoảng xa xưa

Nhưng Người ơi nắng hè nghiệt ngã quá
Cánh thân tàn không thể gắng gượng thêm
Hoa em chưa kịp nở đã lụi tàn
Đã gục đầu trong khổ nhục điêu linh

Người hởi xin Người chờ sang năm tới
Em sẽ nở một đóa hoa thật lớn
Em vững tin kỳ tích rồi sẽ đến
Để cho em được trả chút ân tình

14 thg 8, 2013

MỐI TÌNH CHIM XANH

Duy Sâm



Chờ anh mất tuổi thanh xuân
Anh về mòn mỏi xác thân rã rời
Nuôi anh suốt cả cuộc đời
Anh đi lặng lẽ không lời ủi an
Bên kia thế giới ra sao
Hãy về báo mộng cho em yên lòng


Trước năm 1965, em là nữ sinh trường trung học Trưng Vương, Qui Nhơn. Giáng em nhỏ bé xinh xinh, lúc nào cũng tung tăng vui vẻ nên mọi người đều thương mến. Anh ở trọ cùng chung khu phố, học trên em nhiều lớp nên thường hay chỉ dẩn bài vở khi em hỏi đến.Tuy nhiên, anh chỉ coi em như em gái thôi, anh thương chị họ của em, có ý muốn nhờ em giúp đở. Để làm anh vui, em buộc lòng phải làm chim xanh, bắc nhịp cầu để anh chị gặp gỡ hẹn hò.

Nhưng cuộc tình của anh chị cũng không được êm thắm cho lắm, gia đình chị họ em giàu có và thế lực. Ba mạ chị không chấp nhận anh chàng thư sinh trắng túi này nên đã ngăn cản quyết liệt. Xong bậc trung học, anh vào Saigon học đại học, rồi nhập ngũ khi tình hình chiến sự ngày một căng thẳng. Thân trai, anh quyết lấy binh nghiệp làm đầu. Chị họ em sống trong sự kiềm chế của ba mạ, đã không thể giử trọn lời thề. Chị buộc lòng phải theo sự gã ép, lấy chồng môn đăng hộ đối theo ý muốn của ba mạ. Ngày anh trở lại Qui Nhơn, oai hùng trong bộ đồ rằn ri, cũng là ngày chị họ em bước lên xe hoa về nhà chồng. Anh đứng trong một góc tối nhà thờ, buồn rầu nhìn đoàn người hân hoan bước vào cửa giáo đường, ngậm ngùi mà muốn khóc. Em làm phụ dâu, chợt nhìn thấy anh, lòng cũng thấy nao nao nhưng không thể tiến lại gần anh để nói một vài câu an ủi. Từ đó, anh đã biến mất khỏi Qui Nhơn, thành phố đã làm con tim anh tan nát. Tuy nhiên, em thỉnh thoảng cũng dọ hỏi và theo dõi dấu chân anh. Bước chân anh như ngọn sóng thần vùi dập những nơi địch quân chiếm đóng, đem lại sự an bình cho những dân làng vô tội. Tiểu đoàn anh đã tiên phong về giải phóng cố đô Huế sau năm Mậu Thân 1968 . Rồi mùa hè đỏ lửa 1972, tiểu đoàn anh đã oai hùng tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, đẩy lui Việt cộng về lại bên kia vỹ tuyến 17. Qua năm 1975, miền trung biến động, em không còn biết tin tức gì về anh nữa.
Năm 1975 , mất nước, em vẫn ở lại Qui Nhơn, làm nghề y tá, cũng tạm sống qua ngày. Mãi đến năm 1986, một buổi sáng đi làm việc như mọi ngày, em chợt thấy một người đàn ông đi thất thểu đầu phố, nhìn dáng cũng quen quen, nhìn kỹ lại, thì ra là anh. Nhưng sao anh bệ rạc thế này, đờ đờ đẫn đẫn, chẵng nhìn ra em. Trời ơi, anh của em, tội nghiệp anh quá. Em vội mang anh về nhà, tắm rửa cho anh, để anh nghĩ ngơi ăn uống sau những ngày đói lả người. Sau vài tháng thuốc men tịnh dưỡng, anh dần dần tươi tỉnh trở lại. Anh nói năm Mậu Thân, tiểu đoàn anh đã tiên phong về giãi cứu cố đô Huế. Nhìn lá cờ vàng bay phất phới trở lại trên nền trời Cố Đô, anh chợt nhớ đến em, cô bé nhí nhảnh chắc cũng đang phiền muộn lo cho bà con xứ Huế, nhưng chỉ chợt thoáng qua thôi vì tiểu đoàn vẫn còn tiếp tục hành quân truy lùng Việt cộng đang trốn chạy. Rồi mùa hè đỏ lửa 1972, tiểu đoàn anh lại trở ra miền trung, cùng các đơn vị bạn tái chiếm lại cổ thành Quảng Trị. Tiểu đoàn anh, sau khi dựng lại ngọn cờ vàng trên cổ thành, đã thừa thắng xông lên, vượt qua cầu Hiền Lương, tiến sâu vào lòng đất địch như chổ không người. Nhưng Mỹ đã ngăn cản, bảo rằng nếu tiến thêm thì sẽ cho pháo nổ chụp đầu, buộc lòng tiểu đoàn rút quân, về trấn giử bên này sông Thạch Hãn. Anh lắc đầu nói tiếp, trò chơi chính trị của Mỹ đã làm mình mầt nước. Rồi anh lại lẩm bẩm, càng nhiều chiến công càng thêm nợ máu, là cọp biển, anh đâu thể cúi đầu trước bọn họ, cho nên đã nằm trong connect nhiều hơn nằm trên sàn gỗ. Giam anh mãi họ cũng chán, cuối cùng họ đuổi anh về để khỏi phải mất công đi chôn xác lính ngụy, thế mà cũng đã mười năm. Anh cầm tay em nói tiếp, cám ơn em, cám ơn em ngàn lần. Em đã cưu mang anh, đã cứu vớt anh, nếu không thì cái xác này chẵng biết sẽ trôi dạt về đâu. Thế rồi anh ngỏ lời cầu hôn với em. Còn nỗi miềm nào vui hơn, em đã chờ đợi anh mười mấy năm trời. Em gục đầu vào anh nức nở, giọt lệ tuôn trào, những giọt nước mắt sung sướng. Em sẽ sống chung với anh đến bạc đầu, em sẽ sinh con cho anh. Mình sẽ làm đám cưới, đơn giản thôi, khi anh hoàn toàn bình phục.

Thật là hãnh diện khi có người yêu là anh lính chiến can trường, nhưng cũng thật là thảm thương cho giới phụ nữ chúng em khi nhận lấy một bại tướng làm chồng trong thời buổi nhiểu nhương này. Các anh về từ trại cải tạo, nếu may mắn chân tay còn lành lặn thì ruột phổi tim gan cũng bị tổn thương nặng. Tệ hại hơn nữa, vấn đề tâm thần không ổn định tí nào. Không biết họ đã cải tạo các anh như thế nào mà các anh lúc nào cũng thấy hoảng hốt không yên. Các anh về với giấy chứng nhận nhân dân nhưng không bao giờ được đối xử như một công dân. Mỗi ngày, mỗi tuần phải đi trình diện báo cáo công an, cán bộ khu phố, không thể làm được việc gì cho ra hồn. Chúng em phải chạy vật vã ngược xuôi lo từng miếng ăn cho gia đình. Đôi khi còn phải xề xòa giã lã với công an bộ đội cho mọi việc trôi chảy êm xuôi. Tuy nhiên, trong tận cùng đau thương đó, đã lóe lên được một tia hi vọng, một niềm an ủi. Người Mỹ đã không bỏ rơi đồng minh một cách đành đoạn. Sau nhiều năm mặc cả trên bàn cờ chính trị, Việt cộng đã chấp nhận cho cựu tù cải tạo được đi tỵ nạn chính trị sang Mỹ theo diện HO. Giấy tờ tuy rắc rối, thủ tục tuy rườm rà, nhưng cuối cùng các anh cũng đã đưa được chúng em và con cái đến bến bờ tự do an toàn. Con trai đầu lòng của em vừa tròn hai tuổi thì anh cũng đã lập đủ hồ sơ hợp lệ và được chấp thuận cho đi định cư tại Mỹ. Nhờ bạn bè bảo lảnh và giúp đỡ, anh chọn về cư ngụ tai Orlando, Florida. Em lại sinh cho anh thêm một bé trai. Đời sống ở Mỹ, sống bằng tiền trợ cấp của chính phủ, tuy có chút thiếu thốn nhưng không phải chạy đôn chạy đáo kiếm ăn từng ngày như ở Việt Nam, em cũng có chút thì giờ săn sóc các con và lo từng miếng ăn giấc ngủ cho anh. Qua Mỹ hai năm thì bệnh gan của anh lại tái phát trầm trọng. Anh phải nhập viện mấy tuần, bác sĩ đề nghị thay gan cho anh và đã lập hồ sơ xin quyên tặng gan thích hợp. Trong khi chờ đợi, anh phải đi lọc máu mỗi tháng một lần. Lúc đầu phải nhờ người đưa đón, dần dần em biết lái xe, em tự lo liệu săn sóc anh. Có một điều em không bằng lòng về anh là anh uống bia, uống rượu nhiều quá. Ở Việt Nam thì anh viện cớ phải đi thù tiếp người ta để lo giấy tờ cho lẹ. Qua bên này thì bảo mình bệnh hoạn không có việc chắc chắn, phải nhờ bạn bè giới thiệu làm mấy công việc tạm thời nên cũng phải vui vẻ cả làng. Số anh không chết yểu, bệnh viện đã tìm được gan thích hợp và đã cho anh nhập viện để thay gan. Giờ đây anh không cần phải đi lọc máu mỗi tháng nữa. Tuy nhiên anh cũng lại bất chấp lời khuyên của bác sỹ, chẵng kiêng cử gì cả, vẫn lè nhè say sưa như mọi ngày. Buồn phiền nhất là những ngày các anh họp mặt thường niên. Các anh chị qua Mỹ lâu rồi, có công ăn việc làm tốt, có nhà cao cửa rộng, mời các anh chị ở xa về tạm trú để dễ bề hàn huyên tâm sự. Anh không ở xa mà cũng đến qua đêm. Sáng thì họp hành, chiều thì tiệc tùng, tối thì say sỉn chẵng biết trời trăng mây nước. Các chị bảo thôi để mấy ổng tự do một ngày, cứ mặc sức muốn làm gì thì làm, hôm sau sẽ lại vào khuôn phép. Riêng em thì chẵng thấy sướng ích chút nào. Anh về nhà thì chẳng còn hay biết gì nữa. Nếu may mắn không nhập viện thì cũng phải nằm liệt giường mấy ngày, khiến em và các con phải chạy đôn chạy đáo bỏ cã công ăn việc làm. Mấy năm trước Cali tổ chức đại hội Mũ Xanh. Một cọp biển bị mắc cạn, ung thư đến giai đoạn cuối nên các cọp biển từ khắp nơi đều tụ họp về để gặp lại chiến hữu lần cuối. Các bạn anh đã gởi vé máy bay mời anh sang gặp lại người chiến hữu đã vào sinh ra tử cùng anh. Anh kể lại, hôm đó các anh đã cùng nhau kéo lá cờ vàng lên cột cờ của tòa thị sảnh mà tưỡng chừng như đang cùng nhau dựng lại lá cờ vàng trên cổ thành Quảng Trị ngày nào. Thật là cảm động, ai cũng muốn rơi lệ. Năm đó, nếu quân đội Mỹ không ngăn cản, đoàn quân của anh đã Bắc tiến, có lẽ lich sử đã thay đổi, đã không tệ hại tang thương như bây giờ. Buổi chiều thì dự tiệc tại nhà hàng sau khi đã cùng nhau thăm viếng người chiến hữu sắp sửa ra đi. Tiệc tùng văn nghệ cũng rềnh rang. Sau đó thì tụ lại nhà một cọp biển đàn anh, chén thù chén tạc, chia nhau từng mẩu thuốc lá, nhớ lại những trận chiến oai hùng cho đến khi rã rời không còn hay biết gì cả. Hôm sau, chẳng biết làm thế nào mà anh đã lên được máy bay, bay trở lại được Florida bởi vì đón anh ở phi trường Orlando, thay vì đưa anh về nhà, đã phải đưa vào thẵng bệnh viện cấp cứu. Anh nằm mê man cả tuần, bạn anh ở Cali, đã được phủ cờ vàng mà anh chẵng hề hay biết. Anh tỉnh lại, chỉ buồn buồn nói nhỏ, thôi mày đi trước, từ từ tao cũng sẽ theo sau. Em khóc lóc, xin anh hãy chừa rượu, xin anh đừng làm khổ mẹ con em thêm nữa. Nhưng anh bảo anh đã kiên cữ trong trại cãi tạo cã chục năm rồi, bây giờ tuổi đời đã trên sáu bó, như vậy cũng thọ lắm rồi, hãy để anh yên tĩnh, anh sẽ ra đi bình yên. Em thôi không ngăn cản anh nữa, cứ để mặc anh tùy tiện. Anh cũng đã thôi không uống rượu, tuy nhiên sức khỏe ngày một yếu kém và anh đã ra đi sáu tháng sau đó. Anh đã được phủ cờ vàng, đã được bạn bè khóc lóc đưa tiễn theo lễ nghi quân cách. Giờ đây giỗ đầy năm của anh, bạn bè anh đã đến thăm, thắp nén hương cho anh và ra về, chỉ còn lại em bên bàn thờ của anh. Chỉ còn mình em bên anh, em cảm thấy cô đơn vô cùng. Các con đã lên đại học rồi, căn nhà thật lạnh lẽo, buồn quá anh ơi. Nhiều khi em thật hối hận, cứ than trách anh hoài. Thà rằng cứ để anh nằm rên rỉ bên em, cứ để em lau những giọt mồ hôi khi anh lên cơn sốt, hay khi đắp nước đá hoặc cho anh uống thuốc mỗi ngày, em còn cảm thấy yên tâm và hạnh phúc không như bây giờ. Bây giờ anh có thảnh thơi không anh ? Chắc anh đã gặp lại đầy đủ các chiến hữu của anh ? Các anh có được hưởng phước thanh nhàn không anh ? Hay các anh đã thành những thiên thần âm thầm chống lại loài cộng nô nay đã trở nên quỉ dữ đang nghe lệnh Satan đi quậy phá khắp nơi ? Cuộc chiến giữa thiện và ác có lẽ sẽ không bao giờ cùng. Nhưng anh ơi, dù anh ra sao, dù anh thế nào, dù anh ở nơi đâu, em cũng nhớ anh quá . Xin anh hãy về trong giấc mơ với em nhiều hơn, em chỉ mòn mỏi trông chờ anh mỗi đêm mà thôi. Xin anh hãy về với em đêm nay...


4 thg 8, 2013

Nhờ đâu vẫn còn nước Việt Nam?

Ngô Nhân Dụng
Các nhà nghiên cứu lịch sử nước ta, sau khi viết về thời Bắc thuộc ai cũng muốn giải thích tại sao dân Việt Nam không bị Hán hóa sau một ngàn năm bị đô hộ. Trần Trọng Kim viết chương “Kết quả của thời Bắc Thuộc” trong Việt Nam Sử Lược nhấn mạnh đến ý chí của tổ tiên: “Hết thời Bắc thuộc rồi thì người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với người Tàu.” Sử gia Lê Thành Khôi trong Histoire du Việt Nam giải thích rằng hiện tượng người Việt bảo tồn được tiếng nói là một sức mạnh đề kháng bền bỉ nhất. Sử gia Keith Taylor, trong cuốn The Birth of Vietnam, đồng ý về yếu tố ngôn ngữ; ông ghi nhận thêm sự phát triển của Phật Giáo trong thời Bắc thuộc là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự hình thành nước Việt Nam. Trong cuốn Nhìn Lại Sử Việt (tập I) Lê Mạnh Hùng nêu thêm các yếu tố kinh tế, xã hội. Ông nhắc tới tình trạng tập trung dân số rất đông ở vùng Ðồng Bằng Sông Hồng, với nền tảng kinh tế vững chắc; dựa trên hai lợi thế đó, tổ tiên chúng ta bảo vệ được một nền văn minh cổ truyền trong hai thế kỷ đầu tiếp xúc với người Hán; nhờ thế về sau khả năng đề kháng càng vững mạnh hơn. Tất cả những ý kiến trên đều có lý. Nhưng người Việt học sử dân tộc vẫn còn tò mò muốn biết rõ hơn. “Cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng” mà Trần Trọng Kim nói, thực ra đó là gì, nhờ đâu tổ tiên chúng ta có được, và đã được thể hiện như thế nào?

Yếu tố quan trọng nhất giúp tổ tiên người Việt không bị Hán hóa có lẽ là, trước khi người Hán tới, dân Việt đã có sẵn một nền nếp trong cuộc sống chung, gọi là văn minh. Tổ tiên chúng ta đã có bản sắc văn hóa đủ vững chắc, nhiều đời trước khi bị chiếm đóng rồi bị đô hộ trực tiếp. Tổ tiên người Việt đã xây dựng một đời sống xã hội đủ chặt chẽ để họ có thể tự hào về chính mình. Nhờ thế họ không bị hấp dẫn, không bị cuốn chìm vào lối sống mà người phương Bắc đem tới, bắt phải theo. Ngoài những yếu tố chủ quan, như ngôn ngữ, chủng tộc, phong tục riêng, tinh thần bất khuất, vân vân, chúng ta còn thấy những điều kiện khách quan cũng thuận lợi cho ý thức dân tộc thành hình và phát triển. Có nhiều yếu tố bên ngoài hỗ trợ dân tộc Việt Nam. Vị trí nước ta ở ngã ba Châu Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương giúp cho dân Việt tiếp nhận nhiều nguồn văn minh trước khi gặp người Hán; cho nên bản sắc thêm vững chắc và bền bỉ đủ để tự vệ. Nhiều biến cố chính trị, kinh tế vào mỗi thời, ở Trung Quốc hay trong vùng Ðông Nam Á, cũng tình cờ tạo cơ duyên thuận lợi cho các cố gắng giành tự chủ của người Việt. Các điều kiện địa dư, khí hậu do thiên nhiên cống hiến góp thêm những hàng rào ngăn cản khiến người Hán bành trướng xuống tới biên giới nước Việt thì bị ngăn lại.

Chúng ta càng thấy rõ sức đề kháng mạnh tiềm ẩn trong dân tộc Việt khi hiểu những “sức mạnh mềm,” với chữ viết và các định chế chính trị, luân lý, tư tưởng của nền văn minh Trung Hoa mà họ dùng để đồng hóa sau khi chinh phục. Họ đã Hán hóa bao nhiêu sắc dân khác sống ở phía Nam Trường Giang, còn gọi là sông Dương Tử; vùng đất trước đời Tần còn đứng ngoài Trung Quốc. Khác với tổ tiên người Việt, các nhóm dân cư miền Hoa Nam nay đã hoàn toàn hòa nhập vào một quốc gia với khối người Hán từ phương Bắc. Con cháu họ bây giờ tự nhận là người Hán, hãnh diện là thành phần của một quốc gia đông dân nhất thế giới, với một nền văn minh cổ và tồn tại liên tục nhất trong lịch sử nhân loại. Còn người Việt Nam thì nuôi niềm hãnh diện khác: Họ giữ được một quốc gia độc lập không chịu biến thành người Hán. Có người sẽ hỏi: Giữa hai con đường này, làm dân một nước nhỏ độc lập, hay làm dân của một nước lớn như Trung Quốc, con đường nào tốt hơn, nghĩa là giúp cho người dân sống yên lành, hạnh phúc hơn? Tổ tiên người Việt Nam chọn con đường độc lập vì đã gây nên ý thức dân tộc và quyết tâm tự chủ. Lựa chọn đó có thể gọi là “phúc ấm” do tổ tiên để lại, cho chúng ta bây giờ hãnh diện nhận mình vẫn là dân Việt.

Việc tìm hiểu các nhân duyên khiến dân tộc Việt Nam vẫn còn độc lập sẽ giúp chúng ta hiểu công trình của bao nhiêu thế hệ trước, sẽ biết ơn tổ tiên và tin tưởng ở tương lai dân tộc. Nếu sau một ngàn năm Bắc thuộc dân Việt vẫn tồn tại, thì bây giờ cũng không lo sẽ mất. Ðã không bị đồng hóa thành người Hán, tổ tiên chúng ta còn thu hút được các di dân từ miền Bắc tới học sống theo mình, trở thành người Việt. Chúng ta sẽ thấy biến chuyển quan trọng nhất trong thời Bắc thuộc không phải là hiện tượng người Việt chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Các nước khác ở Á Ðông không bị đô hộ ngày nào mà cũng vẫn tự nguyện tìm học những điều hay của nền văn minh đó. Ảnh hưởng Khổng Giáo trên nước ta không phải là một điều đáng ngạc nhiên. Nếu nước Việt Nam không bao giờ bị lệ thuộc người Hán thì chắc chắn tổ tiên chúng ta cũng vẫn tìm học; không khác gì các dân tộc Triều Tiên và Nhật Bản. Khổng Giáo chỉ được triều đình nhà Lê đề cao từ những thế kỷ 15.

Hiện tượng đáng kể nhất trong một ngàn năm Bắc thuộc là quá trình chuyển hóa các di dân người Trung Hoa sang nước ta, bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, họ đã dần dần hòa nhập vào khối người Việt ở địa phương; chính họ cũng góp phần bảo vệ và xây dựng nước Việt. Lâm Ngữ Ðường từng công nhận chính các di dân thuộc các sắc tộc “Rợ Hồ” từ phương Bắc tràn xuống vùng sông Hoàng Hà trong nhiều thế kỷ đã “góp máu,” giúp cho dân tộc Trung Hoa cường tráng, hùng mạnh gấp đôi. Người Hoa di dân sang nước ta trong một ngàn năm cũng đóng góp cho dân tộc Việt nhiều như vậy.

Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục làm người dân Việt, tiếp tục bảo vệ một nước Việt Nam?

Tìm hiểu niềm bí nhiệm đó, chúng ta càng thông được “cái nghị lực riêng và tính chất riêng” của tổ tiên mình, như Trần Trọng Kim nhận xét. Tổ tiên không những để lại một mảnh đất và một nền nếp văn hóa để chúng ta sống với nhau; mà còn để lại cả cái nghị lực và tính cách riêng mà họ đã nung nấu suốt ngàn năm Bắc thuộc.

Ngẫm nghĩ về lịch sử thời Bắc thuộc thì phải tin là nước Việt sẽ không bao giờ mất được. Ngàn năm trước đã không mất thì ngàn năm sau chắc chắn sẽ không mất. Ngàn năm trước, tổ tiên từng chịu đựng những áp lực lớn, nghĩ đã thấy rợn mình. Thế mà vẫn đứng vững. Bây giờ dân mình đông hơn, ý thức dân tộc vững chắc hơn, kinh nghiệm dày dạn hơn. Loài người bây giờ cũng văn minh hơn và liên đới chặt chẽ với nhau hơn, không để cho nước lớn hiếp nước nhỏ.

Hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa có thể sống bên nhau trong hòa bình và lòng tôn kính nếu nước Việt Nam vẫn giữ được chủ quyền của mình, không quá tùy thuộc vào Trung Quốc. Khi hai quốc gia đều sống trong dân chủ tự do thì những xung đột biên giới, biển, đảo, cũng sẽ được giải quyết một cách ôn hòa. Trên thế giới, chưa thấy hai quốc gia tự do dân chủ gây chiến tranh với nhau bao giờ. Vì khi người dân nắm quyền quyết định những việc quan trọng, thì bình thường họ sẽ thấy gây chiến tranh chỉ có hại, bên nào cũng bị thiệt. Trên quan điểm kinh tế, chiến tranh không bao giờ đạt được những lợi ích đủ lớn để bù lại những phí tổn phải chịu đựng. Hiện nay, bên cạnh nước Việt Nam cũng không phải chỉ có một cường quốc duy nhất, như thời Bà Trưng hay thời Ngô Quyền. Trên thế giới sẽ không còn nước lớn nào đi chiếm các nước nhỏ mà các nước khác đứng ngoài coi; vì quyền lợi kinh tế đều dính líu đến nhau.

Nước Việt Nam sẽ không bao giờ mất. Ðiều đáng lo không phải chỉ là mình còn được độc lập hay không. Ðáng lo hơn nữa là nước mình chậm tiến quá, trong khi những nước chung quanh, kể cả Trung Quốc, đang tiến rất nhanh. Ðáng lo hơn hết, là dù nước mình vẫn còn nhưng dân mình không đuổi kịp các nước trên thế giới về kinh tế, chính trị và cả văn hóa. Làm sao để kinh tế nước ta có thể tiến lên; để dân mình được sống tự do; để nền nếp đạo lý trong xã hội không tiếp tục suy đồi; để nước mình có thể so sánh ít nhất cũng ngang hàng với các nước đã phát triển vùng Á Ðông?

Nghiền ngẫm lại lịch sử ngàn năm Bắc thuộc chúng ta càng thấy rõ bổn phận của mình đối với các thế hệ tương lai.

Ngô Nhân Dụng

26 thg 7, 2013

Người Việt ở Mỹ biểu tình chống Chủ tịch CSVN Trương Tấn Sang

Người Mỹ gốc Việt biểu tình đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam

Người Việt ở Mỹ biểu tình chống Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang bên ngoài Nhà Trắng, sáng hôm 25 tháng 7. Photo: RFA

Hôm thứ Năm 25/7, có đông đảo đồng hương Việt Nam từ vùng thủ đô Washington và các cộng đồng người Việt tự do hải ngoại quy tụ về Washington D.C. để biểu tình nhân khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Toà Bạch Ốc.

Kêu gọi VN thả tù nhân chính trị

Theo ước tính thì có khoảng 2 ngàn đồng hương VN từ các cộng đồng, đoàn thể, đảng phái người Việt tự do hải ngoại hiện diện tại công viên La Fayette đối diện Toà Bạch Ốc để phản đối nhà cầm quyền VN cũng như lưu ý chính phủ Obama và đánh động công luận thế giới về việc Hà Nội ngày càng gia tăng đàn áp tự do, dân chủ, nhân quyền; tuỳ tiện bỏ tù dài lâu và hành hung nhiều nhà bất đồng chính kiến, lãnh đạo tôn giáo, giới bloggers, nhất là những người yêu nước phản đối phương Bắc xâm lấn lãnh hải, lãnh thổ VN; kêu gọi Hoa Kỳ đặt ưu tiên vấn đề nhân quyền trong cuộc thương thảo với VN; áp lực Hà Nội thả tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm; ngưng hành động cưỡng chiếm đất đai của người dân, chấm dứt tình trạng độc tài, quốc nạn tham nhũng…

Hiện diện tại cuộc biểu tình, ông Đoàn Hữu Định, Chủ tịch Cộng đồng VN vùng thủ đô Washington, Virginia, Maryland lên tiếng:

"Chúng tôi đến đây với tất cả phái đoàn người Việt từ khắp nơi đến - ở Hoa Kỳ, Canada cũng như từ bên Pháp qua. Lời chúng tôi muốn nhắn gởi trước nhất là tới Tổng thống Obama để cho ông Trương Tấn Sang biết là nhân quyền phải được tôn trọng. Quyền tự do ngôn luận của người dân bất khả xâm phạm. Và với tất cả tiếng nói đối kháng trong nước đang bị cầm tù, thì ông Trương Tấn Sang cùng chính quyền VN phải tức khắc thả những người đó ra. Đồng hương VN hải ngoại đòi hỏi ông Trương Tấn Sang phải thấy rõ rằng sự luồn cúi TQ của VN hiện giờ là không thể chấp nhận được. Chủ quyền VN phải được tôn trọng. Về vấn đề chủ quyền đất nước, nếu phía Hà Nội thấy qua đây cầu viện Mỹ mà Mỹ không chấp nhận, thì chính thể đương quyền cũng như đảng CSVN phải rút lui để cho có một cuộc bầu cử - toàn dân bầu ra một chính phủ hợp pháp và dân chủ."

Tham dự cuộc biểu tình, BS Đỗ Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ cho biết ý kiến:

"Nhân dịp Chủ tịch CSVN qua thăm viếng Toà Bạch Ốc, chúng ta – những người Việt khắp nơi, kể cả những người Việt trong nước – rất muốn lên tiếng nói với ông Trương Tấn Sang rằng ông phải lắng nghe, để ý đến quyền lợi của dân tộc VN, đó là tự do, dân chủ, nhân quyền được tôn trọng; làm thế nào để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ VN. Đó là chúng tôi muốn nói với ông Trương Tấn Sang và giới lãnh đạo VN phải tôn trọng những quyền của người dân Việt, phải trả lại quyền cai trị cho người dân. Đồng thời, với tư cách người Mỹ gốc Việt, chúng tôi cũng muốn nói với Tổng thống Obama rằng ông nên nghĩ tới quyền lợi của đa số người dân Việt Nam, làm thế nào giúp cho dân tộc VN trong nước chúng tôi hưởng được tự do dân chủ thực sự. Và mọi cuộc thương thảo với ông Trương Tấn Sang, Tổng thống Obama cũng nên đặt nhân quyền là quan trọng qua những điều kiện ràng buộc, chứ không nên bỏ qua vấn đề nhân quyền, tự do, dân chủ khiến người dân Việt phải gánh chịu sự áp bức của chế độ CS hiện nay."

Ông Nguyễn Văn Tánh thuộc Ban Tổ chức Biểu tình, hiện là Cố vấn Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ, lưu ý:

"Với khái niệm là người dân nước Việt trong giai đoạn cực kỳ quan trọng này, chúng ta phải lên tiếng chống đối những lãnh đạo CSVN như Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng…Họ là những người đã dâng đất, dâng biển cho ngoại bang và thực hiện những điều trái với một nước tự do, dân chủ, hoàn toàn sai lạc với chủ quyền quốc gia. Bởi vậy chúng ta phải hợp sức trong giai đoạn này để đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền cho tất cả dân tộc VN, không thể để cho TQ tiếp tục lấn chiếm lãnh hải, biển đảo của chúng ta nữa. Chúng tôi quyết tâm đấu tranh, thực hiện những điều mong muốn của toàn nước Việt – trong cũng như ngoài nước."

Những ý kiến vừa rồi có thể nói là tiêu biểu và thể hiện nguyện vọng của đồng hương người Việt biểu tình mà chúng tôi tiếp xúc. Trong khi đó, chúng tôi cũng nhận thấy sự hiện diện rải rác đó đây của người phương Tây tại địa điểm biểu tình. Khi được hỏi về tình trạng vi phạm nhân quyền hiện nay tại VN, một phụ nữ Mỹ cho biết:

"Hôm nay tôi mới biết. Người dân VN bị chính quyền ngược đãi chỉ vì họ chỉ trích chính phủ, họ phản đối những gì mà chính phủ VN hành động độc tài. Và cả người dân ở nơi đây cũng phản đối chính phủ Mỹ buôn bán với VN cho đến khi nhân quyền ở VN được tôn trọng."

Người Việt ở Mỹ biểu tình chống Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang bên ngoài Toà Bạch Ốc, sáng hôm 25 tháng 7. RFA PHOTO..

Mặc dù sự hiện diện của Chủ tịch Trương Tấn Sang tại Hoa Kỳ được biết nhằm thảo luận với Washington về những vấn đề như mối quan hệ an ninh-kinh tế, việc VN gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên TBD (TPP), hành động của TQ tại biển Đông, việc Hà Nội muốn mua võ khí sát thương của Hoa Kỳ, và cả vấn đề nhân quyền, nhưng, nếu so với những lãnh đạo tiền nhiệm của VN đi Hoa Kỳ, thì chuyến Mỹ du của ông Trương Tấn Sang hiện giờ khiến thế giới đặc biệt quan tâm và báo động về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở VN.

Chẳng hạn như Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch lưu ý rằng số nhân vật bất đồng chính kiến, lãnh đạo tôn giáo, các bloggers tại VN bị án tù oan khuất, dài lâu trong 6 tháng đầu năm nay nhiều hơn so với toàn bộ năm 2012. Tổ chức này thúc giục hành pháp Mỹ phải can thiệp cụ thể tình cảnh tù đày của những nhà bất đồng chính kiến, từ Blogger Điếu Cày, TS Cù Huy Hà Vũ, LS Lê Quốc Quân cho tới các thanh niên yêu nước như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha. Giám đốc Á Châu của Human Rights Watch, ông John Sifton, nhấn mạnh rằng Hà Nội không thể biện minh cho hành động đàn áp những nhà bất đồng chính kiến.

Trong thời gian gần đây, nhiều nhà lập pháp Mỹ ngày càng mạnh mẽ phản đối tình trạng VN liên tục đàn áp nhân quyền.

Các tổ chức nhân quyền thế giới cùng công luận trong và ngoài nước cũng không quên lên án Bộ Luật hình sự với những điều khoản chung chung, mơ hồ, tạo điều kiện cho nhà cầm quyền VN tuỳ tiện bỏ tù những người yêu nước về những tội danh như “tuyên truyền, âm mưu lật đổ chính quyền”, “phá hoại tình đoàn kết quốc gia”, “lạm dụng các quyền tự do, dân chủ để phương hại đến lợi ích của nhà nước, nhân dân”…

Cuộc biểu tình trước Toà Bạch Ốc diễn ra sau khi trước đó một ngày, tức hôm thứ Tư vừa rồi, Cộng đồng Người Việt Quốc gia ở Miền Đông Hoa Kỳ phối hợp với Cộng đồng Người Việt Liên bang Hoa Kỳ hỗ trợ cho cộng đồng Philippine tại hải ngoại biểu tình rầm rộ trước trụ sở LHQ ở New York để phản đối hành động TQ xâm lấn lãnh hải, biển đảo của VN và Philippines cũng như đe doạ lãnh hải của những nước thuộc vùng Đông Nam Á.

Thanh Quang tường trình từ Thủ đô Washington.

17 thg 7, 2013

Chui Đầu Vào Thòng Lọng Trung Quốc

Ngô Nhân Dụng
Tuần trước, ông Bùi Tín, cựu phó chủ bút báo Nhân Dân (Hà Nội) hiện đang tị nạn tại Pháp, viết một bài nhận xét về bản “Tuyên bố chung” giữa Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình, ký ngày 21 Tháng Sáu vừa qua tại Bắc Kinh: “Không hề có một chữ nào (xác định) về Hoàng Sa, Trường Sa là đất Việt Nam bị cưỡng chiếm bằng vũ lực. Không một lời yêu cầu nào đòi bảo vệ tính mạng tài sản của ngư dân Việt Nam trong vùng biển quốc gia của mình. Không một lời bác bỏ nào đối với cái ‘lưỡi bò’ phi pháp trên bản đồ Trung Quốc. Chủ quyền quốc gia đã bị hoàn toàn từ bỏ.”

Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ cũng công bố một bản Nhận Ðịnh về cùng vấn đề này, ngài viết: “Tuyên bố chung tại Bắc Kinh không hề có một dòng nào xác định việc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoặc hàng nghìn cây số trên đất dọc biên giới, đặc biệt tại Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, v.v. hay đòi hỏi Trung Quốc hoàn trả biển và đất đã xâm chiếm.
Những lời lên án trên khiến dư luận chú ý hơn đến văn kiện mà hai ông Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình đã ký sau một chuyến công du ba ngày. Trong thực tế, xưa nay người Việt ở trong và ngoài nước không mấy khi chú ý đến các bản thông cáo chung của lãnh tụ hai đảng Cộng Sản, vì biết trước rằng đó thường chỉ gồm những lời tuyên truyền trống rỗng.

Nhưng khi vị tăng thống thứ năm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phải viết rằng Hội Ðồng Lưỡng Viện của giáo hội “vô cùng quan ngại về nội dung bản tuyên bố chung này” thì mọi người Việt Nam yêu nước phải cùng chia sẻ nỗi lo lắng đó. Mặc dù bản tuyên bố chung có nhắc đến quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản, Trương Tấn Sang đã ký kết với tư cách là chủ tịch nhà nước Việt Nam, nhân danh cả đất nước và dân tộc Việt Nam.

Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ phải cảnh cáo: “Với kẻ cướp đã vào chiếm đóng một góc nhà rồi, ông chủ tịch nước vẫn ‘nhất trí’ với mưu kế của kẻ xâm lăng…” Giống như nhà báo Bùi Tín viết: “Lũ giặc bành trướng được coi là bạn bè thân thiết nhất, là đồng chí tin cậy nhất.” Ông lên án: “Chưa bao giờ có sự đầu hàng nhanh chóng và nhục nhã đến như vậy.”

Ðầu hàng nhanh chóng như thế nào? Chỉ trong ba ngày, ông Trương Tấn Sang đã ký tên vào một văn kiện dài bốn ngàn chữ, trong đó đề cập đến hàng chục bản văn khác về việc hợp tác giữa hai nhà nước; và hai bên cũng ký kết nhiều văn bản mới khác nữa. Chỉ trong ba ngày, họ đã xem lại để “nhất trí hợp tác” thi hành rất nhiều văn kiện. Trong đó có, thí dụ, “Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại Giao; Ðối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng; Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp Ðịnh Văn Hóa Việt-Trung giai đoạn 2013-2015; Kế hoạch công tác năm 2013 của ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền hai nước,” vân vân. Hai bên còn thảo luận và “nhất trí” về việc “hoàn thành việc xây dựng trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực. Hai bên nhất trí tổ chức Liên Hoan Thanh Niên Việt-Trung lần thứ 2 vào nửa cuối năm nay;” lại “tăng cường hơn nữa hợp tác” giữa các bảy tỉnh của Việt Nam và bốn tỉnh của Trung Quốc ở hai bên biên giới. Bao gồm mọi lãnh vực, chỉ trong ba ngày đã ký kết xong.

Hãy nhìn vào danh sách các văn kiện mới được Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình cam kết với nhau, với các “thỏa thuận” cũ được duyệt xét, sửa đổi, bất cứ người nào có suy nghĩ cũng phải tự hỏi làm sao họ “thỏa thuận” với nhau nhanh chóng như vậy? Xin kể ra mấy bản văn mới ký: Một “Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc Phòng hai nước Việt Nam-Trung Quốc;” một “Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc;” một “Thỏa thuận giữa Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam và Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.” Lại thêm, “Thỏa thuận giữa Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam và Tổng Cục Giám Sát Chất Lượng, Kiểm Nghiệm, Kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu;” “Ðiều lệ công tác của ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc;” “Bản ghi nhớ giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc về việc thành lập trung tâm văn hóa tại hai nước;” “Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2013-2017 giữa liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc;” “Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới vịnh Bắc bộ;” đặc biệt còn có một bản “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc;” và nhiều thỏa hiệp hợp tác kinh tế khác. Tất cả đều được ký kết trong chuyến thăm trong ba ngày.

Trong trường bang giao quốc tế, ít có hai quốc gia nào lại ký kết với nhau, cùng một lúc, nhiều văn kiện “hợp tác” bao trùm đủ các lãnh vực sinh hoạt của quốc dân như vậy. Hai nước Canada và Mỹ đã sống bên cạnh nhau một cách hòa bình hơn hai thế kỷ, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao lãnh vực nào cũng hợp tác với nhau. Nhưng họ cũng chưa bao giờ ký kết cùng một lúc nhiều thứ cam kết ràng buộc nhau, sau ba ngày thăm viếng như vậy!

Phải nhấn mạnh đến các điều liên quan đến quân đội, vì quân đội nước nào cũng là lực lượng bảo vệ quốc gia. Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang ký kết, hứa hẹn với nhau sẽ “…làm sâu sắc thêm hợp tác giữa quân đội hai nước… đi sâu trao đổi kinh nghiệm công tác đảng và chính trị trong quân đội, tăng cường đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ.” Chúng ta phải chú ý tới việc “đào tạo cán bộ” trong quân đội, đặc biệt về “công tác đảng” và “chính trị,” nghĩa là giáo dục, đào tạo não bộ của các sĩ quan trong quân đội. Theo tinh thần những cam kết này, chúng ta có thể thấy tái diễn cảnh “rèn cán chỉnh quân” mà Hồ Chí Minh đã đem vào Việt Nam trong thời kháng chiến chống Pháp: Việc huấn luyện chính trị và nhồi sọ lý thuyết Mác Lê Nin và tư tưởng Mao Trạch Ðông cho các sĩ quan trẻ Việt Nam có thể sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Cộng; hoặc đưa họ sang Trung Quốc thụ huấn các giáo điều tương tự! Chính trong các đợt “rèn cán chỉnh quân” bắt đầu từ những năm 1950, sau khi Hồ Chí Minh đưa tư tưởng Mao Trạch Ðông lên hàng lý thuyết chỉ đạo cho đảng Lao Ðộng, mà rất nhiều sĩ quan trẻ tài ba đã bị nghi kỵ, bị hạ tầng công tác, nhường chỗ cho thành phần bần cố nông được các cố vấn Trung Cộng chấp thuận.

Tuy việc nhồi sọ các cán bộ trong quân đội là điều đáng lo ngại nhất, nhưng bản Tuyên bố chung của Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang còn mở rộng chương trình “đồng hóa” về tư tưởng, về lý luận bao trùm hầu hết các lãnh vực khác, không giới hạn trong quân đội. Họ ký kết như sau: “Hai bên… nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai ban đối ngoại và ban tuyên giáo, tuyên truyền của hai đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ đảng và nhà nước. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tổ chức tốt hội thảo lý luận hai đảng lần thứ 9, tăng cường hơn nữa trao đổi kinh nghiệm về xây dựng đảng và quản lý đất nước… ở mỗi nước.”

Ðọc những lời cam kết bao gồm đủ các lãnh vực từ quân sự đến “đào tạo cán bộ đảng và nhà nước,” đến “Ðối ngoại, Tuyên giáo, Tuyên truyền” như trên, chúng ta cảm thấy có một “âm mưu đồng hóa” của đảng Cộng Sản Trung Quốc; mà họ đang được đảng Cộng Sản Việt Nam tích cực ủng hộ để thi hành. Chưa kể tới những cam kết giữa hai đảng cộng sản khi nhắc tới các tranh chấp đang xảy ra trên biển Ðông; sẽ bàn trong mục này vào dịp khác.

Nhà báo Bùi Tín cũng nhận thấy: “Ðọc kỹ các văn bản, có cảm giác như Việt Nam đã hội nhập vào trong lòng Trung Quốc. Tuy hai mà một. Hòa nhập triệt để về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, về đối ngoại, về an ninh, trị an xã hội, về đảng, nhà nước, về quân đội, về công tác đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quân đội.”

Có thể nói, Cộng Sản Việt Nam đang tiếp tục đưa cả nước chui đầu vào trong cái thòng lọng do Trung Cộng đưa ra. Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ giải thích sự hợp tác mật thiết giữa hai đảng cộng sản hiện nay đã “xuất phát từ ý thức nô lệ của ông Hồ Chí Minh khi ông làm bài thơ tuyên truyền ‘Cứu Trung Quốc thị cứu tự kỷ’ (Cứu Trung Quốc là tự cứu mình) đưa đăng trên báo Cộng Sản Tàu Cứu Vong Nhật Báo năm 1940 tại Quế Lâm.” Chúng ta thông cảm với Hòa Thượng Quảng Ðộ khi ngài viết: “Người con Phật không thể khoanh tay đứng ngó hay chỉ thắp hương cầu nguyện, mà phải đem từng biệt nghiệp chuyển hóa cộng nghiệp ác hành.”

Hơn tám mươi triệu người Việt Nam cũng không thể chỉ “khoanh tay đứng ngó hay chỉ thắp hương cầu nguyện!”

10 thg 7, 2013

Đông Đô Đại Phố - China Town ở Việt Nam

Âm Mưu Thâm Độc

Đất nước ta có 54 dân tộc anh em đang sinh sống và hình thành một xã hội, một nước Việt Nam. Ngoài dân tộc Kinh nguồn gốc Lạc Hồng, trong số các dân tộc anh em đó thì người Hoa chiếm một phần không nhỏ. Đa số người Hoa có mặt ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 70s của thế kỷ thứ 17, tuy rằng từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên cũng đã có rồi nhưng con số không đáng kể.

Năm 1671 Mạc Cửu đến vùng Man Khảm nay là Hà tiên khai khẩn đất hoang lúc này còn quyền kiểm soát của Vương quốc Khmer. Sau đó Mạc Cửu thần phục nhà Nguyễn-Mạc. Cửu cũng là một trong thành phần phản Thanh phục Minh.

Năm kỷ mùi 1679 tổng binh Thành Long Môn Quảng Tây Dương Ngạn Địch, phó tướng Huỳnh Tấn cùng các tổng binh khác vùng Châu Cao, Châu Liêm, Châu Lôi thuộc Quảng Đông là Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình dấy lên phong trào phản Thanh phục Minh và cuối cùng bị quân nhà Thanh đánh tan bỏ chạy, dẫn binh tướng theo đường biển vào Đà Nẵng qui hàng chúa Nguyễn và xin làm dân Việt. Họ được chúa Nguyễn nhận và cho vào khai khẩn vùng đất phương Nam, một vùng trù phú nhưng hoang vu và đầy chướng khí - dưới sông sấu lội trên bờ cọp kêu. Đó là vùng Định Tường-Gia Định (Đông Phố) Đồng Nai, Biên Hòa (Cù Lao Phố)... Cộng đồng người Hoa này chuyên về thương mại và khai khẩn đất hoang và được gọi là người Minh Hương (có nghĩa là hương hỏa của nhà Minh). Đến năm 1827 vua Minh Mạng sợ động chạm đến nhà Thanh nên đổi chữ hương trên thành chữ hương khác nghĩa là làng và được gọi là làng trong sáng nên từ đó có câu:

Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng,
Đố ai lịch sự bằng làng Minh Hương?

Từ đó người Hoa sinh sống rải rác các vùng kể trên và một bộ phận không nhỏ tập trung về vùng Sài Gòn-Bến Nghé khi vùng Phiên Trấn-Bến Nghé-Sài Gòn được hình thành vào năm 1698. Khu Gia Thạnh Chợ Lớn được người Hoa khuếch trương thương mại mua bán sầm uất và phần lớn qui tụ nhiều ở khu vực bao gồm Quận 5,11,10,6,8 thuộc Tp Sài Gòn ngày nay. Nơi đây cộng đồng người Hoa sinh hoạt tất cả mọi mặt văn hóa, thương mại, tôn giáo, giáo dục và các dịch vụ khác. Trong quá trình này họ đã xây dựng những ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ông, các trường học và các hội quán. Khu thương mại Chợ Lớn sau bị cháy được xây lại và gọi là chợ Bình Tây nhưng dân Sài Gòn vẫn quen gọi là Chợ Lớn mới cùng các dãy phố mua bán sầm uất nhất là trung tâm Quận 5, Quận 6.

Sỡ dĩ tôi lan man ngược dòng lịch sử người Hoa ở VN là muốn mở ra một tầm nhìn xa hơn về thời gian ban đầu của công cuộc mở đất phương Nam để lượng giá âm mưu Hán hóa Việt Nam của Trung Quốc và những quan tâm cần có đối với những vùng nhạy cảm như trên.

Sau vụ biên giới Việt-Trung 1979 rồi vịnh Bắc bộ, kéo dài đến biên giới Tây Nam, rừng núi Tây nguyên nóc nhà của đất nước VN và liên tục các trận hải chiến từ năm 1974,1988 và những năm gần đây khắp vùng biển đông thềm lục địa VN, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Lưỡi bò Trung Quốc đã và đang liếm dần da thịt của tổ tiên ta. Từ khi Tây Nguyên một dãi điệp trùng tập đoàn CSVN cam tâm bán nước giao cho Trung Quốc khai thác tài nguyên chiếm đóng thì lực lượng người Trung Quốc tràn ngập vùng rừng núi cao nguyên.

Các gói thầu EPC trên cả nước hết 90% là của Trung Quốc thực hiện. Trên cơ sở này Trung Quốc ngang nhiên đưa nguyên vật liệu (hay vũ khí) đội ngũ kỹ thuật (hay chuyên gia cố vấn chính trị, quân sự) và kể cả lao động phổ thông (hay quân lính) một cách hợp pháp - rải rác chiếm lĩnh tất cả những nơi trọng yếu mà chuyên gia quân sự của Trung Quốc với danh nghĩa chuyên viên kỹ thuật đã định sẵn. Những nơi này phía VN, từ cán bộ đến các thành phần khác và dân chúng đều không được vào; có nghĩa là bất khả xâm phạm. Đây là mối nguy cực kỳ lớn mà đảng CSVN không thấy được hay có thấy cũng không dám hé môi vì chủ trương thần phục Thiên triều.

Tình hình biển đảo, biên giới là vậy. Một mối đe dọa khác cũng không kém phần nguy hại; đó là Trung Cộng đã cài người vào các hải cảng, các vùng bờ biển trọng yếu của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua với sự làm ngơ hoặc âm thầm hợp tác của một số các quan chức đảng CSVN. Người Trung Quốc đã ngang nhiên tự do thoải mái, lập nên những cơ sở nuôi và bán buôn hải sản ngay bên sườn hải cảng tối quan trọng Cam Ranh, cảng Vũng Rô nổi tiếng là yếu điểm trên vùng biển dọc dài của Việt Nam. Từ đây, với tầm nhìn của các nhà quân sự, gián điệp thì chuyện gì sẽ đến với chúng ta?

Công An CSVN luôn vênh váo khua môi với tất cả các nước trên thế giới là có một trình độ nghiệp vụ cao, nhạy bén, tinh tường. Đối với nhân dân thì một mảnh nhỏ để che chỗ kín thì công an cũng đều biết rõ. Nồi cơm xoong cá nhà nào ra sao, ăn gì, sướng khổ đều không qua khỏi cặp mắt cú vọ của an ninh. Nhà nào có người thân đến ở thăm chơi một vài ngày không khai báo là có giấy công an gọi lên tra xét ngay. Thế mà trong một thời gian dài người của Trung Quốc xâm nhập vào vùng trọng yếu, đội lớp ngư dân nuôi hải sản, lấy vợ sinh con đẻ cái ở Cam Ranh mà bộ máy công an không hề hay biết!? Một điều thật vô lý, ngàn lần vô lý.

Bây giờ vỡ lẽ ra, nhân dân cả nước đều biết. Sự kiện bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ công du tới VN mà điểm đầu tiên lại là cảng Cam Ranh cũng cho thấy tầm quan trọng về mọi mặt, nhất là quân sự, của cảng Cam Ranh. Trước sự lên tiếng của dư luận, các quan chức của đảng CSVN mới phải thừa nhật, "vào cuộc" điều tra nhưng vẫn tuyên bố... chuyện không có gì nghiêm trọng, đồng thời dàn xếp cho một vài tên Trung Quốc chuồn êm như con sâu "Chí Dũng" bò đi trong đêm trường lúc mà nhân dân đang chìm trong ác mộng.

Tại Sài Gòn với hơn 500 ngàn Hoa kiều sinh sống, nếu có người của Trung Quốc trà trộn vào, vàng thau lẫn lộn - tuy rằng Hoa kiều đã bao đời gắn bó và xem Việt Nam là quê hương thứ hai- sẽ tạo thêm nhiều hệ luỵ.


Ngoài Sài Gòn thì các tỉnh rải rác với số lượng cũng không nhỏ người Hoa sinh sống, như Đồng Nai 95 ngàn, Sóc Trăng 65 ngàn, Bạc Liêu 20 ngàn, Bình Dương 19 ngàn, Bắc Giang hơn 18 ngàn v. v... Tổng cộng dân số người Hoa gần đến 1 triệu người. Số người Hoa này đa phần tập trung ở thành phố, hầu hết kinh doanh thương mại, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hầu như ít nhiều có đủ trên 63 tỉnh thành cả nước. Xem như thế thì ta cũng thấy cái khó khăn phức tạp một khi Trung Quốc ý đồ manh nha thôn tính nước ta.

Đây chính là mối lo sinh tử của Việt Nam khi tập đoàn bành trướng Bắc Kinh triển khai các mũi xung kích từ Tây Nguyên, Tây Nam, biên giới phía bắc và suốt dọc dài hơn 3000 KM bờ biển, kết hợp đoàn binh công nhân trá hình ở các dự án trên khắp nước, cùng với khối người Trung Quốc đang lẫn lộn với những người Việt gốc Hoa - cùng lúc phát pháo báo hiệu giờ "G"... còn tại Ba Đình thì các quan thái thú của đảng CSVN đã sẵn sàng giao nộp bản dư đồ tổ quốc và nhận ấn chư hầu. Thôi rồi đất nước VN ta ơi!!!

Những âm mưu mà tập đoàn Bắc Kinh soạn sẵn cho chương trình Hán hóa Việt Nam không phải chỉ trong một lúc mà nó kéo dài từng bước một như những sự kiện đã nêu.

Đông Đô Đại Phố-Một China Town ở VN

Đây là một trong những cái vòi bạch tuột của Trung Quốc len lỏi vào Việt Nam bằng cách kết hợp với tập đoàn tư bản đỏ, các quan chức CSVN để xây dựng một China Town tại Bình Dương. Nằm trên một diện tích 26ha trong một thành phố mới, nơi mà dự kiến sẽ là trung tâm đầu não của tỉnh. Trong lúc này xu thế của các tỉnh miền Đông nam bộ như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương... sẽ xây dựng một khu vực thành phố mới đặc biệt để dời các cơ quan hành chánh, đầu não của tỉnh về nơi đó.

Riêng Bình Dương thì nơi đó đã sắp đặt sẵn ngay trong dự án, một khu dành riêng cho khu phố Trung Quốc! Đây rõ ràng là một quyết định xuất phát từ một âm mưu có hệ thống. Khi xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng cơ sở cho chương trình dời đô thì công trình China Town cũng được song hành!?

Đây là một dự án đầu tiên được xây dựng dành riêng cho cộng đồng người Hoa, nhưng thực chất là mượn danh nghĩa Hoa kiều để thực hiện mưu đồ dài hạn của Trung Quốc trong kế hoạch Hán hóa Việt Nam. Khu Đông Đô Đại Phố tập trung nhiều hạng mục như các khu nhà ở, văn phòng, phố ăn uống, thương mại mua sắm cùng các cơ sở giáo dục, thông tin, dịch vụ và các khu liên hợp thể thao tín ngưỡng... Tất nhiên là kiến trúc mang đậm sắc thái văn hóa Trung Hoa. Rõ ràng, từng bước Trung Quốc đã và đang gầy dựng những hạt mầm, những vương quốc riêng cho Đại Hán trên đất nước VN, làm hậu phương cho mưu đồ lớn hơn là thêm sao trên nền cờ bá quyền của chúng.

Nhìn xa hơn, những đặc khu của người Hán-Trung Quốc trên đất Việt sẽ có một đặc quyền và sẽ có luật lệ riêng của nó một khi VN đã là thuộc quốc hoặc vùng lãnh thổ của thiên triều. Lúc bấy giờ người VN sẽ không được tự do hoặc tuyệt đối không được vào những đặc khu đó. Những nơi giải trí vui chơi sẽ có cửa nhỏ dành riêng cho người VN và thú vật vào. Còn cửa chính là của người Hoa. Giống như tình cảnh người TQ trong thời gian bị Bát Cường xâu xé tả tơi trong những năm đầu thế kỷ trước. Với sự tàn độc và gian manh của cộng sản Trung Quốc thì không việc gì mà chúng không làm được. Trước mắt tại Đà Nẵng đã có một Casino, và tại Mống Cái nơi địa đầu biên giới phía bắc đã có một sân Golf mà hai nơi này dân VN không được vào từ mấy năm qua.

Bây giờ với những âm mưu thành lập các đặc khu cho Trung Quốc nằm chung trong những nơi mà các tỉnh thành chuẩn bị dời đô cũng là một tính toán của cộng sản Trung Quốc lẫn Việt Nam. Theo dự tính của bọn cướp nước và bán nước là không trước thì sau những cơ quan đầu não, hành chính, quân sự, an ninh của tỉnh thành đó cũng phải bàn giao cho các thái thú thiên triều tiếp quản mà thôi. Vì vậy khi xây dựng khu hành chính mới phải kèm theo một China Town.

Độc hại hơn nữa là trước mắt khu Đông Đô Đại Phố sẽ có những nơi vui thú như xóm Bình Khang... mà bọn chúng cố tình gieo vào đầu, tiêm vào máu thanh thiếu niên nam nữ VN những chất vô cùng độc và di hại về sau cho nhiều thế hệ để đánh gục bao lớp trẻ VN. Mục tiêu lại giống như cuộc chiến tranh nha phiến vào những năm 40s của thế kỷ 19 mà Trung Hoa lúc đó đã đắng cay nếm phải và kết quả là phải ký 2 điều ước Nam Kinh và Bắc kinh bán cả Hương Cảng, Tân Giới, Cửu Long cho Hoàng Gia Anh thời hạn 99 năm dưới triều vua Đạo Quang và Quang Tự.

Những “Đông Đô Đại Phố” này khi màn đêm buông xuống, những cuộc vui bất kể thời gian, khi tất cả quay cuồng theo cơn lốc điên rồ mà quên đi mối thù vong quốc.

Biết bao bướm lả ong lơi...
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm...

Thương nữ bất tri vong quốc hận.
Cách giang do xướng hậu đình hoa!

(Kiều - Nguyễn Du)

Trong tương lai rất gần, nếu nhân dân VN không nắm tay cùng nhau đứng lên đạp đổ độc tài hèn với giặc ác với dân thì họa mất nước sẽ không tránh khỏi. Người dân Việt Nam sẽ không còn được làm chủ trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

David Thiên Ngọc

6 thg 7, 2013

Mỹ - Trung Quốc đang tiêu lòn ?



Bài "Biển Đông : Mỹ - Trung hòa dịu, nhiều nước Đông Nam Á quan ngại"do đài RFI cho phổ biến ngày 1/7/2013 đã làm nhiều người Việt chống cộng ngạc nhiên, vì nó hoàn toàn khác với những gì các bình luận gia chống cộng ở hải ngoại đang rao truyền trên các các cơ quan truyền thông, đó là Mỹ đang xoay trục về Đông Nam Á để bao vây Trung Quốc về cả quân sự lẫn kinh tế.

Những điều đáng lo ngại

Bài báo nói trên đã nhận định :

"Sự chú ý muộn màng của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đến một khu vực từng được người tiền nhiệm ưu tiên đã làm dấy lên quan ngại từ nhiều nước nhỏ trong vùng, vốn chờ đợi hậu thuẫn mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ để giải tỏa sức ép ngày càng mạnh của Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

"Mối quan ngại tại Đông Nam Á lại càng tăng vào lúc Washington - bị phân tâm vì hồ sơ Trung Đông - đang cố gắng tìm kiếm một quan hệ hòa dịu hơn với Bắc Kinh, mà biểu hiện nổi bật là cuộc họp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình tại California hồi tháng 6/2013".

Tổng thống Obama và chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với nhau những gì khiến các quốc gia Đông Nam Á lo ngại ?

Chúng tôi xin nhắc lại,trong cuộc gặp gỡ hôm 7/6/2013, tổng thống Obama nói : "Mỹ hoan nghênh sự vươn lên của Trung Quốc. Trên thực tế, sự phát triển của Trung Quốc cũng là lợi ích của Mỹ. Mỹ tin tưởng rằng, một Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và ổn định không chỉ tốt cho Trung Quốc mà còn cho cả Mỹ và cộng đồng quốc tế".

Ông Tập Cận Bình trả lời : "Tôi và tổng thống Obama gặp nhau để vạch ra tương lai cho quan hệ Trung-Mỹ và thiết kế kiểu quan hệ mới. Năm ngoái khi tới thăm Mỹ tôi đã từng nói, Thái Bình Dương rộng lớn đủ không gian dung nạp cả hai nước lớn Trung - Mỹ chúng ta, và bây giờ tôi vẫn cho là như vậy" (Tân Hoa Xã ngày 8/6/2013).

Qua hai lời tuyên bố này,một số nhà phân tích đã đặt ra hai câu hỏi:

(1) Phải chăng đã có một sự thỏa thuận ngầm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông ? Nếu Trung Quốc từ bỏ việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và tôn trọng quyền tự do hàng hải trên Biển Đông,Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào vấn đề Biển Đông?

(2) Phải chăng việc Trung Quốc đẩy mạnh cuộc tranh chấp về quần đảo Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông trong những tháng đầu năm nay là để làm vật đối chác với Mỹ khi chủ tịch Tập Cận Bình gặp tổng thống Obama?

Nhiều nhà quan sát tin rằng các cuộc thao diễn quân sự giữa Mỹ với một số nước Á Châu trên Thái Bình Dương vừa qua và lời tuyên bố triển khai "Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương" của Hoa Kỳ chỉ là một cách trấn an.

Con đường Hoa Kỳ đi tới

Trong bài "The Future of US - Chinese Relations, Conflict Is a Choice, Not a Necessity" (Tương lai của quan hệ Mỹ - Trung Quốc, xung đột là một sự lựa chọn, không phải là một điều cần thiết) được đăng trên tạp chí Foreign Affairs tháng 3 và tháng 4 năm 2012, tiến sĩ Henry A. Kissinger đã bàn về sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước hết ông nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào ngày 19/1/2011. Trong cuộc gặp gỡ này hai bên đã đưa ra một bản tuyên bố chung cam kết chia sẻ "một mối quan hệ Mỹ-Trung tích cực, hợp tác và toàn diện".Hoa Kỳ đã nhắc lại rằng Hoa Kỳ "hoan nghênh một Trung Quốc phú cường và thành công và đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề thế giới". Trong khi đó, Trung Quốc "hoan nghênh việc Hoa Kỳ là một quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực".

Nếu so sánh lời cam kết giữa Obama và Hồ Cẩm Đào năm 2011 và lời cam giữa Obama với Tập Cận Bình năm nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xích lại với nhau gần hơn.

Khác với khi xâm nhập vào các quốc gia nhược tiểu, Kissinger cho rằng khi xâm nhập vào Trung Quốc, chính quyền Mỹ đã không bao giờ tìm cách làm thay đổi thực tế của Trung Quốc như một trong những quốc gia lớn trên thế giới, về nền kinh tế và văn minh. Tại sao?

Tại vì tại các nước nhược tiểu như Việt Nam Cộng Hòa trước đây hay Iraq, Lybia, Ai-cập... hiện nay, Hoa Kỳ có thể dùng viện trợ, hệ thống tình báo và quân sự để thay đổi chính thể ở các nước đó theo ý muốn của Hoa Kỳ, nhất là đưa bọn tay sai lên cầm quyền và chi phối toàn bộ, còn Trung Quốc quá to lớn về cả lãnh thổ, văn hóa lẫn kinh tế, nên Hoa Kỳ khó làm được chuyện đó. Nhưng cũng có thể Kissinger đưa ra nhận định như vậy là để trấn an Trung Quốc.

Kissinger nói thêm : "Mỹ sẽ làm tốt để nhớ rằng ngay cả khi GDP của Trung Quốc là tương đương với Hoa Kỳ, nó sẽ cần phải được phân bố trên một dân số gấp bốn lần lớn, lão hóa,và tham gia vào các biến đổi trong nước phức tạp gây ra bởi sự tăng trưởng và đô thị hóa của Trung Quốc".

Do đó, Hoa Kỳ không lo sợ Trung Quốc có thể vượt lên trên Hoa Kỳ.

Kissinger khuyên : "Cả hai bên nên mở cửa cho việc nhận thức các hoạt động của nhau như là một phần bình thường của đời sống quốc tế và không phải chính nó là một nguyên nhân để báo động".

Bài này rất dài, chúng tôi chỉ mới tóm lược một số nét chính.

Hà Nội phản ứng nhanh

Theo dõi chuyến đi của Tập Cận Bình, Hà Nội tiên đoán được số phận của các quốc gia nhược tiểu trong vùng Biển Đông trong những ngày sắp tới, nên đã cố gắng tìm một lối thoát.

Ngày 19/6/2013, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã sang Bắc Kinh và chiều hôm đó, 10 "văn kiện hợp tác" đã được ký kết giữa Hà Nội và Bắc Kinh, trong đó có thỏa thuận thăm dò dầu khí chung trong Vịnh Bắc Việt : mở rộng khu vực xác định từ 1.541 km2 lên thành 4.076 km2.

Ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết : "Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba".

Ngày 21/6/2013, hai bên đã đưa ra một thông cáo chung nói rằng hai bên nhất trí cùng nhau thực hiện tốt "Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" được ký kết trong chuyến thăm này, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước đạt được tiến triển mới.

Đầu tháng 7 này, ông Vương Đình Huệ, trưởng ban Kinh tế trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam lại dẫn một phái đoàn qua Trung Quốc để "tìm hiểu kinh nghiệm quản lý kinh tế của nước láng giềng".
Tưởng cấn nhắc lại, theo bản tin của hãng thông tấn Kyodo ngày 21/1/2012, trong cuộc viếng thăm Việt Nam vào tháng 12/2011, ông Tập Cận Bình, lúc đó còn là phó chủ tịch nước, đã cảnh cáo nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam "không được dựa vào Mỹ trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông". Thế nhưng trong khi chủ tịch Trương Tấn Sang qua Trung Quốc, Hà Nội cho thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, đến Washington gặp tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ. Phát ngôn viên của tướng Dempsey cho biết "ngoài các vấn đề khu vực [Châu Á-Thái Bình Dương], hai ông Dempsey và Đỗ Bá Tỵ còn thảo luận về chính sách chuyển dịch trọng tâm về khu vực của chính quyền Obama".

Như vậy, mặc dầu có sự cảnh cáo của Bắc Kinh, Hà Nội vẫn tiếp tục chơi trò đu dây.

Mỹ không chọn xung đột

Chúng ta nhớ lại, ngày 10/1/2012 một nhóm tác giả thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới đã đưa ra một tài liệu có đề tựa là "Hợp tác từ Sức mạnh : Hoa Kỳ, Trung Quốc và Biển Nam Trung Hoa". Trong tài liệu này, các tác giả đã kêu gọi Washington thi hành chính sách hợp tác trong thế mạnh trên Biển Đông để tránh xung đột và bảo vệ tự do đi lại cùng độc lập của các nước nhỏ hơn.

Nhiều người tin rằng tài liệu này được đưa ra là nhắm ngăn chặn Hoa Kỳ bỏ rơi các nước trong Biển Đông, nhầt là Philippines và Việt Nam. Vấn đề được đặt ra là Hoa Kỳ đang tiến tới hợp tác với Trung Quốc "trong thế mạnh" hay bằng "quan hệ hòa dịu" ?

Hiện nay, ngoài những lời tuyên bố suông, chúng ta chưa thấy Washington có hành động cụ thể nào cho thấy Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn sự lộng hành của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 1/7/2013 khi đến dự hội nghị ASEAN tại Brunei, ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ nói một cách vu vơ : "Với tư cách là một quốc gia ở Thái Bình Dương và là cường quốc trong khu vực này, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và an ninh, tôn trọng luật pháp quốc tế, trao đổi thương mại không bị ngăn cản và tự do hàng hải tại Biển Đông".

Ông còn tái khẳng định : "Hành động chúng tôi không nhằm làm chủ hoặc chống lại một nước nào".

Ngoài việc bận lo vấn đề Trung Đông và xây dựng lại sự hợp tác với Âu Châu, Hoa Kỳ còn nhận thấy rằng những quyền lợi của họ tại Trung Quốc còn lớn hơn gấp nhiều lần quyền lợi của 10 nước ASEAN cộng lại, nên xung đột với Trung Quốc về Biển Đông không có lợi gì. Còn vấn đề khai thác dầu lửa tại Biển Đông, các chuyên gia ước tính Trung Quốc phải cải tiến kỹ thuật ít là 20 năm nữa mới khai thác được. Vì vậy, trong hiện tại, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào Biển Đông trừ khi Trung Quốc ngăn chặn hải lộ quốc tế trên biển này, một điều ít ai tin rằng có thể xảy ra.

Lời nhận định của ôngEllen Tordesillas, một nhà phân tích kỳ cựu của Philippines, được coi là chính xác : "Mặc dù Mỹ muốn ngăn chặn thế lực của Trung Quốc, nhưng nước này sẽ không muốn làm kẻ thù của người khổng lồ Châu Á. Họ cũng không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa Philippines và Trung Quốc".

Hà Nội chắc chắn cũng đã có nhận định như thế đối với Việt Nam, vì Hoa Kỳ đã có cam kết bảo vệ Philippines chứ chua hề có cam kết như thế đối với Việt Nam.

Lữ Giang (4/7/2013)

3 thg 7, 2013

TÔI YÊU NƯỚC MỸ

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

Cứ mỗi năm xứ người mừng “Độc Lập”
Pháo mừng vui, gợi nhớ quá cố hương...
Chồng cải tạo, gia cảnh lắm đoạn trường
Hãi hùng, âu lo, dật dờ, ngao ngán...

Sau quê hương rơi vào tay Cộng sản
Từng lớp lớp người hớt hãi bôn đào
Vượt biển khơi, trời thịnh nộ thét gào
Sấm gầm gừ, sóng ầm ầm giận dữ!

Kể từ đó chúng tôi đời lữ thứ
Tạm dừng chân hoang đảo, nước tự do
Thuyền nhân thoát nạn, đỡ sợ, bớt lo
Liên Hiệp Quốc với tấm lòng hoan hỉ

Chín tháng sau, gia đình tôi vào Mỹ
Nhà bốn người, chồng vợ cùng hai con
Xứ lạ quê người, buồn tủi héo hon…
Thương nhớ cha mẹ, họ hàng, chòm xóm…

Nhớ bờ sông cây bần nhiều đom đóm
Xuồng câu tôm le lói bóng đèn chông
Giọng hò lơ cô lái thả xuôi dòng
Trẫy chợ Tết, trời nửa đêm về sáng

Thời Cộng Hòa không ai buồn cấm cản
Sĩ, nông, công, thương… tự chọn cho mình
Có người vào trường đào tạo chiến binh
Công, tư chức, kẻ bán buôn, ruộng rẫy…

Dân miền Nam sống ấm no thoải mái
Trường dạy nghề, thầy lớp học sẵn sàng
Đường tiến thân lớp trẻ, rộng thênh thang
Vì tương lai, tiền đồ dân tộc Việt…

Khi đến phi trường Mỹ, rồi mới biết
Vợ, chồng, con ốm đói như thây ma
Đôi dép mòn, bộ đồ cũ dính da
Hải đảo bịnh đau, héo hon sức kiệt

Nước Mỹ với tôi vạn điều khác biệt
Phong tục, tập quán, tiếng nói… ngu ngơ
Trong bao giấy, vỏn vẹn bốn hồ sơ
Không của cải, không đồng xu dằn túi!

Xứ người giàu sang … chạnh lòng buồn tủi!
Thương kẻ quyết tâm trốn bỏ quê hương
Với Cộng nô không cùng lối, chung đường
Đổi tự do, sống còn trong cõi chết...

Tháng lại năm qua… cày không biết mệt!
Việc bộn bề đỡ phiền não… băn khoăn
Nếp sống hài hòa, vượt những khó khăn
Con trẻ vô tư, đến trường chăm học…

Tâm hồn chúng thảnh thơi hồng tuổi ngọc
Sống vững vàng, với bằng cấp chuyên môn
Gia đình an vui, thoải mái tâm hồn…
Lòng ngay thẳng, không nghĩ suy tạp nhạp

Có như thế thân tâm luôn an lạc
Gẫm cuộc đời như gió thoảng mây bay
Ngày đến đây chỉ có trắng đôi tay!
Siêng năng, mới hòa đồng dân bản xứ!

Nước Mỹ trợ giúp người nghèo mọi thứ
Có tự do, có bình đẳng, nhân quyền…
Được mở hãng xưởng, những việc tư, riêng…
Miễn đừng phạm pháp, hoặc phiền người khác

Mỹ trong tôi, là bầu trời ấm mát
Là tấm lòng của biển độ thế nhân
An ổn tâm linh, sức khỏe, tinh thần…
Vì như thế… nên tôi yêu nước Mỹ!

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

2 thg 7, 2013

Hoa nở cho người

Quý Thể

Tên thực: HỒ PHƯỚC QUẢ Sinh năm 1940, Hội An, Quảng Nam Tiến sĩ luật khoa, thẩm phán V.N.C.H. Đã công bố hơn 300 tác phẩm văn học nhiều thể loại. Đã nhận khoảng 50 giải thưởng văn học lớn nhỏ trong và ngoài nước. Hiện sống “thanh bần lạc đạo” tại Massachusetts. Hoa Kỳ

Nằm trên giường, chưa ngủ, Thuý giật mình quay lại nói với chồng :
-Còn việc này, tí nữa quên.
-Việc gì ?
-Hồi bốn giờ chiều nay tôi đi đưa đám ma ông Cả.
Thọ vẫn dán mắt vào sách, hỏi :
-Chôn rồi sao? Tôi tưởng mai mốt.
-Ừ, chôn rồi, mua đất ở núi Sạn, xa quá, chỉ có họ hàng với mấy người bạn thân đi đưa.
-Không chờ con cháu về sao? Nghe nói có anh con trai làm gì đó lớn lắm ở ngoài Hà Nội, có về kịp không ?
-Không, được giờ tốt thì di quan, với lại mùa hè nóng nực, mới có một ngày rưỡi mà đã trở mùi, ruồi lằn bay vào đầy nhà.

Thọ hỏi mấy câu, tiếp tục đọc sách, vơi anh hỏi han như thế đã là đủ, anh thuộc người vô tâm, ít chú ý tới việc người khác. Thuý gắt:”Đã nói chuyện xong đâu…”.Anh hỏi còn chuyện chi nữa, Thuý nói :
-Có việc quan trọng, tôi vừa sực nhớ ra. Bà Cả dặn tôi về nói với anh qua nhà bà bê mấy chậu hoa về trồng.

Thọ hỏi bà ta bán hoa? Không, bà Cả nói từ ngày ông Cả đau ốm không chăm sóc, người nhà chẳng rảnh rang, cây cối xác xơ cả, tội nghiệp.Anh đem về mà trồng.

Bấy giờ Thọ mới chịu đặt sách xuống hỏi :
-Ông già mù đó mà có trồng hoa ư ?
-Có.
-Hoa gì ?
-Hoa hồng.
Thọ nhíu mày suy nghĩ, nói một mình, người sáng mới thấy đường trồng cây, bắt sâu , tưới nước, nhổ cỏ, bón phân. Người sáng mới nhìn hoa nở, thưởng thức vẻ đẹp của hoa. Người mù trồng hoa làm chi ?
Thuý nói:
-Người có mắt ngắm hoa, người mù không thấy, thưởng thức hương thơm. Với lại trồng hoa là cái thú vui của mình, đâu cần hoa trả công. Nghe nói lúc sinh thời ông cụ quí mấy chậu hoa lắm. Sau khi bệnh tình đã nặng, biết không qua khỏi, ông bảo bà qua nói với anh đem hoa về bên này mà trồng. Ông nói anh là người có học, hiểu biết nhiều về hoa, yêu hoa. Bà nói tới đó thì nghẹn ngào không thốt lên lời được nữa.

Thọ kinh ngạc và cảm động, ông cụ đó không quen biết nhiều với anh tại sao lại hiểu rõ anh đến thế. Thọ hỏi :”Thực à?”. Thuý nói, chuyện người ta trối trăn quan trọng ai dám đùa. Thôi, ngày mai thuê xe đem về bên này chăm sóc giùm ông cụ. Đến ngày kỵ giỗ đem hoa tới cúng là cụ vui lòng rồi.

Thọ đứng lên, vẻ xúc động, hoa gì? Thuý bực mình, gắt. Tôi đã nói rồi, hoa hồng. Thọ lại hỏi, biết rồi, nhưng hồng gì, giống gì, màu sắc nào, hoa hồng biết bao nhiêu giống. Thuý nói tôi có sành hoa đâu mà hỏi, mai sáng qua bên đó rồi biết. Bà Cả nói sáng nào dù trời ấm hay rét ông Cả cũng thức dậy từ lúc tửng bưng sáng ra vườn chăm sóc hoa. Người mù như ông làm việc khổ hơn người sáng rất nhiều.Ông luồn tay vào giữa khóm hồng đầy gai sờ mó từng chiếc lá, cành cây, tìm lá vàng, bắt con sâu. Hoa trả công cho người bằng những đóa hoa ngát hương.
Thọ hỏi lại lần nữa :
-Không sành hoa hồng, nhưng ít nữa cũng biết nó màu g?
-Đủ kiểu, đủ dạng, to có, nhỏ có, toàn một màu trắng.
-Thọ gật gù như tìm ra chân lý. Người mù có cần chi màu sắc, ông cụ chọn hoa màu trắng trồng là phải rồi. Xưa nay trời đất sinh mọi thứ hoa màu trắng đều thơm, không có sắc thì phải có hương. Những loại hoa nở ban đêm đều có màu trắng để thu hút đám côn trùng hoạt động về đêm. Tội nghiệp ông lão mù…

Ngày hôm sau Thọ tới nhà ông Cả, anh thấy một vườn cây chít khăn tang. Bà Cả trông thấy anh khóc to hơn. Anh không biết phải an ủi làm sao. Anh nói, thôi để lại đây, mỗi ngày cháu tới chăm sóc vườn hoa cho cụ. Bà Cả bảo đem đi, để lại thêm đau lòng. Bà nói thế nhưng khi thấy Thọ bưng mấy chậu hoa hồng lên xe, bà oà khóc chạy vào nhà.

Đem hoa về với con mắt sành hồng như anh, Thọ phân biệt được nhiều gống hoa. Hồng Elisabeth cành và thân cây khẳng kheo, không gai, hoa to, cánh mỏng, màu hồng nhạt, rất thơm, nước ngoài người ta dùng làm nước hoa. Hồng Ariana thân và lá to khoẻ, hoa vạm vỡ, cánh hoa dày giống như làm bằng bột, màu hoàng yến, không thơm .Hồng Mscara màu da cam thơm và bền, có khi cả mười ngày hoa mới héo. Có điều Thọ rất lấy làm lạ, theo chỗ anh biết các thứ hoa này thường thường có màu. Chưa bao giờ các giống hoa này có màu trắng. Thế nhưng các chậu hồng ông cụ đều ra hoa toàn trắng, thực là điều không thể giảng giải nổi.

Chỉ mới nhìn qua mấy chậu hồng anh cũng đã cảm nhận được tấm lòng của người trồng hoa. Mỗi cây mỗi cành mỗi chậu đều có bàn tay chăm sóc chu đáo, không một lá úa, cành khô, cọng cỏ, đất với phân trong chậu cũng được chọn lọc kỹ càng. Người sáng mắt dù có yêu hoa cách mấy chưa chắc đã làm được như thế.

Một thời gian sau, dưới bàn tay chăm sóc của Thọ mấy chậu hồng ngày nào cũng trổ bông. Chỉ có điều bao nhiêu chậu, bao nhiêu giống hồng đều ra hoa màu trắng. Có lần Thọ nhìn vườn hồng trách :
-Toàn một màu trắng, cái màu tang tóc, chán chết!
Và rồi Thọ ao ước :
-Phải chi hoa nở cho ta vài đoá hồng tươi thắm thì sung sướng biết mấy !
Một đêm Thọ đang ngủ rất say bị Thuý lay vai, Thuý nói thầm :
-Dậy đi! Hình như có ăn trộm.
Thọ giật mình tỉnh dậy, lắng nghe, nói :
-Không phải ăn trộm. Tôi nghe như tiếng chuột rúc rích.
Thuý nói :
-Không phải tiếng người lớn hay tiếng chuột. Tôi nghe như tiếng lũ trẻ con chơi giỡn ngoài sân, nơi đặt mấy chậu hồng của ông Cả.

Mờ sáng hôm sau, hai người hé cửa ra nhìn. Trời ơi! Cả một vườn hồng đỏ thắm, thơm ngát./.

Quý Thể

29 thg 6, 2013

Những màn kịch cuối cùng

Minh Văn

Khi con người sống giả dối và không thực lòng với nhau thì người ta gọi là đóng kịch. Nhiều người cùng đóng kịch để tự dối mình dối người thì gọi là diễn kịch.

Công lý và sự thật đã không còn, niềm tin đã thực sự mất đi trong mỗi con người, đó là hiện thực xã hội Việt Nam ngày nay. Cả đất nước giờ đây đang sống những tháng ngày thê thảm nhất, dưới lừa trên, trên dối dưới – tất cả ngập chìm trong mê cung của sự lừa dối không có lối ra. Nói văn hoa hơn, thì cả xã hội Việt nam là một màn kịch lớn, và đó là những màn kịch tăm tối cuối cùng trước khi ánh bình minh xuất hiện.

Tại một kịch trường lớn nhất nước mà người ta vẫn thường gọi là “Hội trường Quốc Hội”. Ở đây họ bàn bạc những vấn đề đại sự quốc gia, có đến hàng ngàn con người từ khắp nơi tụ họp. Căn phòng được trang hoàng lộng lẫy tựa một sân khấu kịch với đủ màu sắc đỏ vàng chói mắt. Các diễn viên chính thì ngồi những hàng ghế phía trên, bên dưới là các diễn viên phụ với đủ giọng 3 miền. Đôi khi họ tranh cãi nhau chí chóe theo kịch bản để đánh lừa người dân về tính dân chủ.

Diễn viên nào quên mà đi quá tính “dân chủ” cho phép thì lập tức bị ông trùm sò (chủ tọa) nhắc nhở là hết giờ và đi lạc chủ đề chính, vị diễn viên này liền lập tức ngoan ngoãn ngồi xuống. Thấp thoáng trong đám diễn viên chúng ta có thể thấy vài ba vị sư mặc áo cà sa, mấy vị sắc phục quân đội, một ít người mặc trang phục dân tộc thiểu số...; tất cả đều được tập duyệt và tổng duyệt trước khi diễn kịch để truyền hình trực tiếp lên ti vi.

Tuy người ta chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, nhưng nếu để ý một chút trong cách xưng hô thì chúng ta sẽ biết là họ đang diễn kịch. Ấy là việc họ gọi nhau là “đồng chí”. Từ trùm sò cho tới diễn viên, hay người bị chất vấn đều gọi nhau một duộc như vậy cả. Ai cũng hiểu rằng Quốc Hội là nơi tập trung đại diện cho nhiều chính kiến, tầng lớp, địa phương khác nhau. Vì thế mà quyền và lợi ích khác nhau, dẫn đến những quan điểm và mục đích khác nhau. Không thể nào có chuyện cùng một quan điểm và ý chí được. Có thế thì người ta mới cần họp bàn và tranh luận để phát triển tính dân chủ đất nước. Ấy nhưng chỉ với một từ “đồng chí” mà họ xưng hô với nhau đã thực sự giết chết tính “dân chủ” của người dân Việt Nam. Nó để lộ ra rằng tất cả những người có mặt đều đang diễn kịch để lừa dối nhân dân, rằng họ chính là những con rối do đảng Cộng Sản tạo ra.

Cũng không khó để đoán ra là Quốc Hội đang diễn kịch, vì vị trùm sò cũng là người của đảng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Và lâu lâu để tạo cho người dân quên đi cái cảm giác là mình đang xem kịch, đảng lại nghĩ ra vài trò mới để thay đổi khẩu vị.

Lần này họ lại có một trò mới để thu hút sự quan tâm của người dân, ấy là việc “bỏ phiếu tín nhiệm”. Cái trò xưa như trái đất này ở các nước người ta làm cả thế kỷ nay, bây giờ đảng ta mới thực hiện. Rồi họ lu loa khắp cả nước rằng “Đó là một sự cách mạng lớn”, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo. Theo đó thì các đại biểu (diễn viên) Quốc Hội đi quanh một thùng phiếu để bỏ phiếu tín nhiệm theo danh sách định sẵn. Sau đó người ta công bố kết quả kiểm phiếu, đại khái là đa phần vẫn nhận được sự tín nhiệm cao, chỉ vài người hơi thấp nhưng vẫn bình chân như vại và giữ nguyên chức vụ. Cuối buổi, vị trùm sò đeo cặp kính lão vào và trịnh trọng đứng dậy tuyên bố:

- Thưa các đồng chí, kết quả kiểm phiếu cho thấy đa phần các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước vẫn nhận được sự tín nhiệm cao. Điều đó cho thấy Quốc Hội đã làm việc nghiêm túc và dân chủ, sự nỗ lực phi thường của các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước trong sự nghiệp phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân...

Rồi ngài liếc nhìn chiếc đồng hồ điện tử đắt giá mới tậu từ mẫu quốc “Trung Hoa” được treo trang trọng chính giữa kịch trường mà tuyên bố:

- Bây giờ đã đến giờ giải lao, mời các đồng chí tạm nghỉ...

Hết giờ giải lao, đám diễn viên quần chúng bên dưới lại rục rịch vào ổn định chỗ ngồi. Lần này dân chúng xem truyền hình thích thú thấy màn khẩu chiến sinh tử của các diễn viên gà nhà. Có vị phát biểu đến sùi cả bọt mép để chứng tỏ tâm huyết một lòng vì nước vì dân. Ấy thế nhưng vẫn không công hiệu, người dân vẫn lắc đầu nói với nhau: “Nói nhiều rồi, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy, chẳng thấy thay đổi gì cả”.

Màn cuối và cũng là đòn quyết định để tạo lòng tin nơi người dân, đảm bảo sự tồn vong của chế độ. Đó là việc họ tung ra vài đào kép mới, những người này được ăn mặc chải chuốt cầu kỳ theo kiểu những anh hùng thời đại. Theo đó thì họ sẽ đóng vai anh hùng dẹp bỏ tiêu cực, gánh vác trọng trách non sông trong giai đoạn mới. Qua cách họ phát biểu hùng hồn, chém mạnh tay vào không khí để đoạn tuyệt với tham nhũng, tiêu cực thì người dân đã có vẻ xuôi xuôi mà theo dõi tiếp kịch bản.

Trong khi người dân say sưa theo dõi những anh hùng mới xuất trận và đang mơ về một tương lai tốt đẹp, thì vị trùm sò lại uể oải đứng dậy cất giọng thều thào:

- Đã kết thúc buổi họp ngày hôm nay. Mời các đồng chí chuẩn bị đi ăn cỗ...

Người dân thở dài ngao ngán, họ biết rằng đó là những màn kịch cuối cùng của chế độ trước khi lùi vào bóng tối của lịch sử.


12 THÁNG ANH ĐI