29 thg 6, 2013

Những màn kịch cuối cùng

Minh Văn

Khi con người sống giả dối và không thực lòng với nhau thì người ta gọi là đóng kịch. Nhiều người cùng đóng kịch để tự dối mình dối người thì gọi là diễn kịch.

Công lý và sự thật đã không còn, niềm tin đã thực sự mất đi trong mỗi con người, đó là hiện thực xã hội Việt Nam ngày nay. Cả đất nước giờ đây đang sống những tháng ngày thê thảm nhất, dưới lừa trên, trên dối dưới – tất cả ngập chìm trong mê cung của sự lừa dối không có lối ra. Nói văn hoa hơn, thì cả xã hội Việt nam là một màn kịch lớn, và đó là những màn kịch tăm tối cuối cùng trước khi ánh bình minh xuất hiện.

Tại một kịch trường lớn nhất nước mà người ta vẫn thường gọi là “Hội trường Quốc Hội”. Ở đây họ bàn bạc những vấn đề đại sự quốc gia, có đến hàng ngàn con người từ khắp nơi tụ họp. Căn phòng được trang hoàng lộng lẫy tựa một sân khấu kịch với đủ màu sắc đỏ vàng chói mắt. Các diễn viên chính thì ngồi những hàng ghế phía trên, bên dưới là các diễn viên phụ với đủ giọng 3 miền. Đôi khi họ tranh cãi nhau chí chóe theo kịch bản để đánh lừa người dân về tính dân chủ.

Diễn viên nào quên mà đi quá tính “dân chủ” cho phép thì lập tức bị ông trùm sò (chủ tọa) nhắc nhở là hết giờ và đi lạc chủ đề chính, vị diễn viên này liền lập tức ngoan ngoãn ngồi xuống. Thấp thoáng trong đám diễn viên chúng ta có thể thấy vài ba vị sư mặc áo cà sa, mấy vị sắc phục quân đội, một ít người mặc trang phục dân tộc thiểu số...; tất cả đều được tập duyệt và tổng duyệt trước khi diễn kịch để truyền hình trực tiếp lên ti vi.

Tuy người ta chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, nhưng nếu để ý một chút trong cách xưng hô thì chúng ta sẽ biết là họ đang diễn kịch. Ấy là việc họ gọi nhau là “đồng chí”. Từ trùm sò cho tới diễn viên, hay người bị chất vấn đều gọi nhau một duộc như vậy cả. Ai cũng hiểu rằng Quốc Hội là nơi tập trung đại diện cho nhiều chính kiến, tầng lớp, địa phương khác nhau. Vì thế mà quyền và lợi ích khác nhau, dẫn đến những quan điểm và mục đích khác nhau. Không thể nào có chuyện cùng một quan điểm và ý chí được. Có thế thì người ta mới cần họp bàn và tranh luận để phát triển tính dân chủ đất nước. Ấy nhưng chỉ với một từ “đồng chí” mà họ xưng hô với nhau đã thực sự giết chết tính “dân chủ” của người dân Việt Nam. Nó để lộ ra rằng tất cả những người có mặt đều đang diễn kịch để lừa dối nhân dân, rằng họ chính là những con rối do đảng Cộng Sản tạo ra.

Cũng không khó để đoán ra là Quốc Hội đang diễn kịch, vì vị trùm sò cũng là người của đảng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Và lâu lâu để tạo cho người dân quên đi cái cảm giác là mình đang xem kịch, đảng lại nghĩ ra vài trò mới để thay đổi khẩu vị.

Lần này họ lại có một trò mới để thu hút sự quan tâm của người dân, ấy là việc “bỏ phiếu tín nhiệm”. Cái trò xưa như trái đất này ở các nước người ta làm cả thế kỷ nay, bây giờ đảng ta mới thực hiện. Rồi họ lu loa khắp cả nước rằng “Đó là một sự cách mạng lớn”, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo. Theo đó thì các đại biểu (diễn viên) Quốc Hội đi quanh một thùng phiếu để bỏ phiếu tín nhiệm theo danh sách định sẵn. Sau đó người ta công bố kết quả kiểm phiếu, đại khái là đa phần vẫn nhận được sự tín nhiệm cao, chỉ vài người hơi thấp nhưng vẫn bình chân như vại và giữ nguyên chức vụ. Cuối buổi, vị trùm sò đeo cặp kính lão vào và trịnh trọng đứng dậy tuyên bố:

- Thưa các đồng chí, kết quả kiểm phiếu cho thấy đa phần các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước vẫn nhận được sự tín nhiệm cao. Điều đó cho thấy Quốc Hội đã làm việc nghiêm túc và dân chủ, sự nỗ lực phi thường của các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước trong sự nghiệp phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân...

Rồi ngài liếc nhìn chiếc đồng hồ điện tử đắt giá mới tậu từ mẫu quốc “Trung Hoa” được treo trang trọng chính giữa kịch trường mà tuyên bố:

- Bây giờ đã đến giờ giải lao, mời các đồng chí tạm nghỉ...

Hết giờ giải lao, đám diễn viên quần chúng bên dưới lại rục rịch vào ổn định chỗ ngồi. Lần này dân chúng xem truyền hình thích thú thấy màn khẩu chiến sinh tử của các diễn viên gà nhà. Có vị phát biểu đến sùi cả bọt mép để chứng tỏ tâm huyết một lòng vì nước vì dân. Ấy thế nhưng vẫn không công hiệu, người dân vẫn lắc đầu nói với nhau: “Nói nhiều rồi, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy, chẳng thấy thay đổi gì cả”.

Màn cuối và cũng là đòn quyết định để tạo lòng tin nơi người dân, đảm bảo sự tồn vong của chế độ. Đó là việc họ tung ra vài đào kép mới, những người này được ăn mặc chải chuốt cầu kỳ theo kiểu những anh hùng thời đại. Theo đó thì họ sẽ đóng vai anh hùng dẹp bỏ tiêu cực, gánh vác trọng trách non sông trong giai đoạn mới. Qua cách họ phát biểu hùng hồn, chém mạnh tay vào không khí để đoạn tuyệt với tham nhũng, tiêu cực thì người dân đã có vẻ xuôi xuôi mà theo dõi tiếp kịch bản.

Trong khi người dân say sưa theo dõi những anh hùng mới xuất trận và đang mơ về một tương lai tốt đẹp, thì vị trùm sò lại uể oải đứng dậy cất giọng thều thào:

- Đã kết thúc buổi họp ngày hôm nay. Mời các đồng chí chuẩn bị đi ăn cỗ...

Người dân thở dài ngao ngán, họ biết rằng đó là những màn kịch cuối cùng của chế độ trước khi lùi vào bóng tối của lịch sử.


26 thg 6, 2013

Chết trong an bình

Tỳ Kheo Visuddhacara

Đôi khi, là một nhà sư, tôi được yêu cầu đến tụng kinh cho tang lễ. Tôi cảm thấy buồn cho gia quyến của người chết nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy không giúp được gì vì có quá nhiều khó xử trong vai tṛò của một nhà sư đi tụng kinh đám tang.

Một ngày nọ, một phụ nữ trẻ tuổi đến gặp tôi. Cha cô mới chết sáng hôm đó. Ông mới chỉ 42 tuổi. Cô nói với tôi bằng tiếng Phúc Kiến: “Xin mời thầy đến tụng kinh. Xin thầy mở con đường cho cha tôi”. Tôi nhìn cô ta với tất cả tấm ḷòng từ bi mà tôi có thể tập trung. Tôi có thể cảm thấy sự bối rối và đau khổ của cô. Cô khoảng chừng 20 tuổi và là một người con gái có hiếu. Trong thâm tâm tôi nói thầm với mình: “Trời ơi tôi sẽ mở đường cho người như thế nào đây? Con đường tưởng tượng nào tôi sẽ vẽ trong không khí cho hồn tưởng tượng đặt chân lên? Làm sao tôi có thể nói với người phụ nữ trẻ tuổi tội nghiệp đang ở trong tình trạng buồn phiền và bối rối rằng:” khng có con đường nào như cô có lẽ đã tưởng tượng như thế?”
Đức Phật cũng có lần ở trong tình thế như vậy và Ngài đă trả lời ra sao?
Một hôm một người trẻ tuổi lại gần Đức Phật và hỏi Ngài: “Bạch Thế Tôn, cha con chết. Xin mời Đức Phật đến và cầu nguyện cho cha con, cứu độ linh hồn ông ấy để ông ấy có thể đi lên thiên đàng. Những người Bà La Môn cử hành những nghi thức này nhưng Đức Phật lại còn mạnh hơn họ nhiều. Nếu Ngài sẽ làm điều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng về thiên đàng”.
Đức Phật trả lời, “Rất tốt, hãy đi ra chợ và đem về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ”. Người trẻ tuổi sung sướng vì Đức Phật đã hạ cố thi hành một số thần thông để cứu linh hồn cha của mình. Anh ta vội vã đi ra phố và mua các thứ mà Đức Phật bảo. Đức Phật chỉ dẫn cho anh ta để bơ vào một bình và để đá vào bình kia. Rồi ném cả hai bình đó xuống ao. Người trẻ tuổi làm theo và cả hai bình đều chìm xuống đáy ao. Rồi Đức Phật tiếp tục: “Bây giờ hãy lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình đó ở dưới ao”. Người trẻ tuổi làm theo. Hai cái bình bị đập vỡ và bơ thì nhẹ đă nổi lên còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao.
Rồi Đức Phật nói: “Bây giờ nhanh lên đi tập họp tất cả những thầy tu. Hãy nói với họ đến và tụng kinh để bơ chìm xuống và viên đá nổi lên.” Người trẻ tuổi nhìn Đức Phật, sửng sốt, nói, “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có nói thật không ạ. Chắc chắn Ngài không thể trông chờ bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Điều đó ngược lại với quy luật tự nhiên.”
Đức Phật mỉm cười và nói: “Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời LƯƠNG THIỆN thì những HÀNH VI của ông cũng nhẹ như bơ cho dù thế nào thì ông cũng lên thiên đàng. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại NGHIỆP luật thiên nhiên.
Nhưng nếu cha ngươi có một cuộc đời BẤT THIỆN thì cũng giống như hòn đá nặng, cha ngươi sẽ bị chìm vào địa ngục. Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi nữa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể gây thành khác được.”
Người trẻ tuổi hiểu ra. Anh thay đổi quan niệm sai lầm của anh và ngừng đi loanh quanh đ̣i hỏi cái không thể được.
Nụ cười của Đức Phật đã đi tới điểm: Không ai có thể cứu chúng ta, sau khi chúng ta chết. Theo NGHIỆP luật, chúng ta là sở hữu chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những hành vi của chúng ta. Những hành vi của chúng ta thực sự là tài sản của chúng ta. Chúng là chỗ nương tựa thực sự của chúng ta, là những thân nhân thực sự của chúng ta. Chúng là trung tâm từ đó chúng ta xuất phát.
Khi chúng ta chết, chúng ta không mang được dù chỉ có một xu với chúng ta, hay bất cứ thứ đồ dùng của cá nhân chúng ta. Cũng chẳng có thể mang được một trong những người thân để cùng đi với chúng ta. Giống như chúng ta đến một mình theo NGHIỆP của chúng ta thì chúng ta cũng phải ra đi một mình.

Nếu chúng ta hiểu rõ NGHIỆP luật, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy sống một cuộc đời LƯƠNG THIỆN quan trọng đến như thế nào trong khi chúng ta còn sống. Đợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn.

Người Lính Bất Hạnh Việt Nam Cộng Hòa

Mường Giang

Ngày Quân lực 19/6:
Viết về Người Lính Bất Hạnh Việt Nam Cộng Hòa


Hai mươi năm chinh chiến, QLVNCH đã có 250.000 người gục ngã trước đạn thù và nửa triệu thương binh chịu đời bất hạnh vì một phần cơ thể đã gửi lại sa trường. Tuy nay chính phủ cũng như QLVNCH không còn nữa, nhưng trong tâm tư của mọi người được sống sót qua cuộc đổi đời mạt kiếp, thì lý tưởng và danh dự của Người Lính càng được sáng tỏ, trong niềm hãnh diện chung của quân-dân Miền Nam.

Lịch sử của một quốc gia là những gì trung thực, mà người dân của nước đó đã ghi chép không hề thêm bớt. Nhờ vậy ta mới biết được về cuộc nội chiến của Hoa Kỳ xảy ra từ năm 1861-1865, cùng với thái độ của dân chúng và chính quyền nước Mỹ tại Miền Bắc là kẻ thắng trận, đã không hề lên án, bỏ tù hay trả thù những người Miền Nam bại trận. Ðã vậy, Hoa Kỳ còn ghi ơn tất cả những chiến sĩ của hai miền vừa nằm xuống trong cuộc chiến, vì lý tưởng riêng của họ.

Thế Chiến 2 kết thúc, Tòa Án Quốc Tế Nuremburg chỉ kết tội những đầu sỏ trong phe Trục mà không hề bắt bớ hay gây khó khăn cho quân nhân các nước Ðức-Ý-Nhật… Năm 1920, lãnh tụ kháng chiến quân Libya là Tướng Mukhta bị người Ý bắt và tử hình, nhưng chính tổng tư lệnh Ý tại Bắc Phi là người đã ở lại pháp trường để lo lắng hậu sự cho vị anh hùng dân tộc Libya, vốn là kẻ thù của người Ý lúc đó.
Tại VN, khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền tây Nam Phần năm 1867, sau đó là thành Hà Nội năm 1873. Các tướng lãnh thủ thành đương thời là Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu.. đã oanh liệt tử tiết theo thành mất và được kẻ thù là người Pháp tôn kính mặc niệm như chính các tướng lãnh của họ. Sau rốt là số phận của 500.000 quân nhân Mỹ đã tham chiến tại VN, trong số này hơn 58.000 người tử trận. Ngày nay các chiến sĩ trên đã được quốc dân Hoa Kỳ trả lại công lý và danh dự, để họ hiên ngang ưỡn ngực, cũng như an giấc nghìn thu bên cạnh ông cha, một đời liệt sĩ. Tất cả đã chết cho lý tưởng quốc gia, sống vinh quang và yên nghỉ trong danh dự.

Người lính VNCH trong suốt hai mươi năm binh lửa cũng vậy, đã phơi gan trải mật để bảo vệ cho đất nước và mạng sống của đồng bào, bị Cộng Sản quốc tế Bắc Việt xâm lăng giết hại. Tóm lại gần hết cuộc chiến, ở đâu có Cộng Sản khủng bố cướp bóc giết hại dân lành, là ở đó có sự hiện diện của người lính miền Nam. Ở đâu có bóng cờ vàng ba sọc đỏ, là ở đó người dân trong vùng chiến nạn, tìm đủ mọi cách trốn thoát sự kềm kẹp của giặc cộng, để trở về vùng quốc gia nhờ che chở đùm bọc. Ai có làm lính tác chiến hay người cán bộ áo đen Bình Ðịnh Nông Thôn, Cán Bộ Xã Hội... mới biết được thế nào là nỗi thống khổ, trên đe dưới búa, cá nằm giữa dao thớt, người dân tay không hứng hai lằn đạn bạn thù, của người VN trong thời ly loạn. Có là người dân bị kẹt trong vùng xôi đậu, lửa khói bom đạn, mới thấu hiểu đời người lính gian khổ chết chóc muôn trùng. Có là người dân quèn, nghèo sống đời cay cực, mới thương xót cho “cảnh ba đồng, ba cọc” của kiếp lính Miền Nam.

Nhức nhối và mai mỉa nhất, đó là hiện tượng “thuyền nhân tị nạn” sau ngày 30-4-1975. Ngoài tuyệt đại đa số nạn nhân đích thực của CSQT, trong số này không thiếu mặt “những tên tuổi lớn” một thời chạy theo VC đâm sau lưng người lính, những nhà văn, nhà báo, cha cố… kể cả thành phần suốt đời chỉ biết sống ký sinh vào xã hội... cũng lợi dụng “danh nghĩa người lính” để được tị nạn chính trị. Ứa gan hơn là những tên VC trà trộn trong hàng ngũ những người vượt biên, vượt biển, sau khi tới được bờ đất hứa, chúng trở mặt ngay, để lộ diện thành công an, cán bộ, đảng viên như ngày nào... để nạt nộ, hăm dọa đồng hương, qua cái đòn “nếu theo Ngụy”, sẽ không được về VN để thăm nhà, như đã thấy tới độ mù mắt khắp nơi tại hải ngoại.

Trong nỗi chịu đựng hy sinh âm thầm nhưng thảm nhất là người lính đã không bao giờ được một lời an ủi tử tế của hậu phương, để yên tâm tiếp tục cầm súng giết giặc bảo vệ cho người dân. Trái lại họ còn bị muôn ngàn bất hạnh đeo đuổi suốt cuộc chiến. Thật vậy, khi cầm súng thì cô đơn, nửa đường bị hậu phương, đồng minh và lãnh đạo phản bội bán đứng. Ngày trở về thì bị giặc trả thù đày đoạ, rồi chết âm thầm trong đói nghèo tủi nhục.

Tiếp tay với những tâm hồn thác loạn, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, là bọn báo chí quốc tế bất tài, a dua, xu thời. Nhờ vậy mà cộng sản Bắc Việt, mới có cơ hội tung hoành một mình một cõi, thao túng vẽ vời huyền thoại, bóp mép lịch sử, để đầu độc các thế hệ VN đang sống trong sự kềm kẹp của chế độ bạo tàn, độc đảng. Nhưng rồi gieo gió thì phải gặt bão, chính sự khóac lác dại khờ trên, đã đưa toàn bộ đảng cộng sản VN chìm trong cái vũng bùn ô nhục, khi bí mật lịch sử lần lượt được mọi phe phái bật mí và hồi tưởng.

Câu chuyện tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận Tết Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn,vì không thể chịu nổi hành động dã man, đẩy các trẻ em trong xóm ra làm lá chắn đỡ đạn cho đồng bọn tẩu thoát. Vì quá tức giận không kềm chế được, nên tướng Loan đã rút súng Rouleau ngắn nòng, bắn chết tên VC chỉ huy là Bảy Lốp, tại ngả ba Vườn Lài (góc đường Vạn Hạnh, Minh Mạng và Vĩnh Viễn), trước mặt phóng viên Mỹ là Eddie Asams, nên đã chụp được tấm hình này, đem bán rao khắp thế giới và nhận được giải thưởng quốc tế.

Sau ngày 30-4-1975 Tướng Loan tới tị nạn tại Hoa Kỳ, đã bị bọn phản chiến cùng với giới truyền thông Mỹ làm lớn chuyện. Thậm chí có DB Elizabeth Holtzman (DC/New York) và DB Harold Sawyer (CH/Michigan), đã kiện cáo, đòi Chính phủ Mỹ trục xuất tướng Loan ra khỏi Hoa Kỳ, vì tội vi phạm nhân quyền nhưng bị thất bại.

Trước và sau ngày tướng Loan từ trần 14-7-1998, người phóng viên chụp tấm hình năm xưa Eddic Adams, đã viết một bài báo xin lỗi tướng Loan vì sự ray rứt hối hận của mình, trong đó có đoạn “Ông đã làm công việc của ông, còn tôi làm bổn phận của tôi”. Ngày tướng Loan qua đời, Eddic lại viết thêm môt bài báo khác đăng trên tờ Times, đồng thời gởi tới một vòng hoa phúng điếu, trên đó có đính một danh thiếp viết tay “General, I’am so,so,so... sorry”. Bao nhiêu đó, chắc cũng đủ làm nhức óc những tên “sống nhờ người tị nạn” nhưng lúc nào cũng viết lách, làm báo ca tụng VC.

Ðau đớn nhất là trận Hạ Lào 1971, cho dù các đơn vị đã tham chiến như SD Dù, TQLC, Sư Ðoàn 1 BB, Lữ Ðoàn 1 Thiết Kỵ và Liên Ðoàn 1 BDQ có bị tổn thất nặng nề, nhưng cuối cùng QLVNCH cũng đã đạt được mục đích của cuộc hành quân, là phá hủy gần như toàn bộ các cơ sở hậu cần, tiếp liệu tại các mật khu, binh trạm tại đây. Lúc đó, chỉ có Ðại Úy Trương Duy Hy, pháo đội trưởng PDC/44, tham dự cuộc hành quân, tại căn cứ Hỏa lực 30, là tác giả quyển Hồi ký “Tử thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30, Hạ Lào” là viết sự thật. Ngoài ra tất cả bọn phóng viên Mỹ & Tây phương đều ở Khe Sanh, hằng ngày nhìn cảnh máy bay tải thương xác lính và thương binh về tới tấp. Từ đó chụp hình, diễn dịch rồi gửi về nước, nói là QLVNCH đã thảm bại tại Hạ Lào, giống như hồi Tết Mậu Thân (1968).

Riêng làng báo Sài Gòn cũng vậy, vì không có ai vào tận chiến trường để chứng kiến sự thật, nên chỉ đành “chôm chĩa tin từ báo Mỹ“ rồi “Mao Tôn Cương thành trận đánh cuối cùng không có đại bàng” rằng: “VC đâu có quân số đông đảo để đánh QLVNCH, mà chỉ sử sụng hỏa pháo. Ở đây làm gì có kho tàng như tình báo đã báo cáo láo”. Tóm lại theo họ thì QLVNCH vì sợ hỏa lực của VC nên bỏ chạy. Có đọc những tin tức của báo chí Sài Gòn lúc đó, mới thấy máu của người Lính Miền Nam đã đổ suốt cuộc chiến để bảo vệ cho “đám này”, thật là uổng phí và tội nghiệp cho những kẻ đã nằm xuống trước ngày 30-4-1975.

Nhưng người lính VNCH từ trước tới nay chỉ biết có cầm súng để chiến đấu giữ nước và bảo vệ sinh mạng cho người khác, chứ không quen viết lịch sử để ca tụng một chiều. Cho nên nếu có được một tiếng cảm ơn hay sự hồi phục danh dự, thì đó cũng chỉ là sự phản tỉnh của thế giới tự do khi đã biết được sự thật cùng ý nghĩa của cuộc chiến mà người Miền Nam phải bán mạng để chống ngăn giặc Bắc xâm lăng tới giờ phút cuối cùng. Ngoài ra còn có sự tưởng tiếc muộn màng của đồng bào hậu phương, đối với người chiến sĩ VNCH, khi chính bản thân và gia đình người dân qua cuộc đổi đời, cũng đã trở thành nạn nhân tận tuyệt, của một chế độ bạo tàn, của những con người không có nhân tính, mà hôm qua chính người dân coi như thần thánh, nên đã công khai giúp và theo chúng, đâm sau lưng đồng đội, đồng bào mình.

Trong lúc đất nước đang lâm nguy vì giặc xâm lăng phương Bắc, trong lúc gần hết thanh niên nam nữ thuộc mọi tầng lớp của xã hội miền Nam, không phân biệt sang hèn, Kinh Thượng, bỏ nhà, bỏ lớp, bỏ hết tương lai của tuổi trẻ và đời người để lên đường ra biên cương chống giặc thù; giữa lúc đất nước lầm than, muôn người khốn khổ vì chiến tranh do Hồ Chí Minh và cộng sản mang từ Liên Xô-Trung Cộng vào để giày xéo non sông tổ quốc, thì tại hậu phương Miền Nam có một số người tự nhận mình là trí thức, giáo sư, tu sĩ, hầu hết đều đang độ xuân thì, mập mạnh nhưng lại tìm cách đứng bên lề cuộc chiến bằng đủ mọi lý do để được hoãn dịch, trốn nghĩa vụ làm trai trong thời tao loạn. Nếu vì sợ chết mà trốn đi lính, thì cũng còn có thể tha thứ nhưng những hạng người này, không bao giờ chịu để yên cho đồng bào và đất nước mình đang trăn trở trong cơn đau bom đạn, hận thù, đói nghèo và ly biệt. Họ hoàn toàn không thông cảm cho ai hết, ngoài cái lý tưởng đã thu lượm được, qua sách báo tây phương phản chiến và các kinh điển nhật tụng của thiên đàng xã hội chủ nghĩa, trong lúc được sống ở hậu phương, thừa mứa vật chất, đàn bà và thời gian để đâm thọt, phá hoại những người đang liều mạng xã thân bảo vệ mạng sống thừa thãi ký sinh của mình.

Ngày nay ai cũng biết, cuộc chiến Ðông Dương lần thứ hai (1955-1975) rất đa dạng, phức tạp, khó có thể định nghĩa cho trọn vẹn. Nói chung tùy theo lý tưởng, ai muốn gọi thế nào cũng đều có ý nghĩa riêng với người trong cuộc. Cho nên với người Miền Nam VN, thì đây là một cuộc chiến đấu chống xâm lăng. Cuộc chiến này hoàn toàn khác biệt với cuộc phân tranh của hai họ Trịnh Nguyễn vào thế kỷ thứ 17, lúc đó chỉ là cuộc tương tàn nồi da xáo thịt để tranh giành quyền lãnh đạo của đất nước. Trái lại cuộc chiến lần này, người Miền Nam chiến đấu, vừa để tự vệ, vừa bảo vệ phân nửa mảnh đất VN, để khỏi bị Bắc Việt nhuộm đỏ bằng chủ thuyết cộng sản. Nhưng với bọn trí thức thiên tả, phản chiến nằm vùng lúc đó, lại trắng trợn phỉ báng, gọi QLVNCH là lính đánh thuê cho Mỹ.
Chính bọn trí thức thiên tả này đã lợi dụng quyền tự do báo chí ngôn luận của VNCH, để viết lách, bôi nhọ, xuyên tạc, tuyên truyền phá nát hậu phương, đâm sau lưng chiến sĩ tiền tuyến, đang liều chết để bảo vệ đồng bào, trong đó có cả sinh mạng ký sinh của chúng.

Cuối cùng, VNCH đã sụp đổ, kéo theo sự mất mát toàn diện mà người Việt QG đã tốn xương máu xây dựng. Người chạy thoát ra nước ngoài tuy không bị đau đớn thể xác nhưng tinh thần và sự dằn vặt, cũng đã làm cho họ điên đảo suốt quãng đời lưu vong nơi xứ người. Tội nghiệp nhất, cũng vẫn là Lính phải còng lưng cúi đầu gánh chịu những thảm tuyệt của kẻ thù man rợ, những điều mà chắc chắn thế giới tự do không hề nghĩ tới, vậy mà vẫn tới trong địa ngục trần gian của các nước Cộng Sản, trong đó có CSVN.

Ngoại trừ một số rất ít khôn ngoan hay có thân nhân VC bảo lãnh, hầu hết các cấp Quân, Công, Cán, Cảnh của Nam VN đều chịu sự hành hạ nơi chốn lao tù. Chúng bắt tất cả Sĩ quan và cán bộ, công chức, cảnh sát VNCH vào tù, qua cái gọi là “Trại Cải Tạo” để đánh lừa thế giới, về sự dã man tàn ác đối với tù nhân chiến tranh, trái với công pháp quốc tế đã qui định. Hầu hết các trại tù đều lập ở Miền Bắc và Bắc Trung Phần, phía bên kia vĩ tuyến 17. Tại Miền Nam, trại tù nằm trong rừng núi cheo leo, ma thiêng nước độc, để lao động khổ sai, chết dần mòn vì sự hành hạ của quản giáo và nỗi cực khổ, đói lạnh nhưng ăn uống thì thiếu thốn với khẩu phần hằng ngày, chỉ lưng chén cơm gạo xấu, trộn với khoai bắp, còn những người bị biệt giam thì đói khát vì phần ăn phát rất ít. Nói chung là không còn bút mực nào để kể cho hết nỗi hận hờn tủi nhục của người tù dưới chế độ CS. Ðói quá nên người tù phải ăn tất cả những gì có trước mặt như rắn, rít, ếch nhái, chuột, trùn đất, cào cào... kể cả cỏ chai và cỏ diệu, thay cơm để đủ sức chống chọi với tử thần, lúc nào cũng như chực chờ sẵn bên cạnh:

“Ngày hành xác giữa núi rừng hoang vắng,
đêm ôm đầu thương tiếc chuyện ngày xưa
bạn bè đến đây càng lúc càng thưa
thằng nằm xuống, thằng đày sang trại khác
thằng chống lại thì xác thân tan nát
thằng bệnh đau thân xác cũng không còn
đem xác người đi phá núi dời non
đem mạng sống để gỡ mìn tháo đạn
thay trời dẫn nước vào sông đã cạn
thay trâu kéo cầy phá vỡ ruộng hoang
buổi sáng gượng vui nhìn lúa trổ bông
nửa đêm khóc thầm đời lính bất hạnh
tôi đã sống qua những ngày đói lạnh
tôi đã nhét đầy tài liệu buồn nôn
kiểm điểm nghìn câu cho tốt tốt hơn
để theo đảng biến người thành khỉ vượn.”
(thơ Mường Giang)

Lính sống bị trả thù đã đành, cho tới những người lính đã chết , CSQT cũng không tha, thì nói chi thành phần Thương Phế Binh, Cô Nhi Tử Sĩ của VNCH, lại càng bị đoạ đày thê thảm.Tất cả năm tháng dù nay đã đi vào quân sử nhưng sự thật vẫn còn nguyên trước mắt, với hai cảnh đời hiển hiện như một chứng tích nghìn đời không phai mờ: Ðó là địa ngục VN sau 38 năm bị giặc chiếm đóng và giá trị đích thực của QLVNCH từ 1960-1975, đã có rất nhiều cấp chỉ huy tài ba lẫn đạo đức, văn võ vẹn toàn, được đào tạo từ các quân trường nổi tiếng nhất vùng Ðông Nam Á thời đó gồm các Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, Bộ Binh Thủ Ðức, Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị, Các Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân và Hải Quân, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Cảnh Sát,Trường Ðại Học Quân Sự... chứ đâu phải chỉ có những tướng tá từ thời Pháp thuộc?!

Ngày xưa người Lính VN, chiến đấu trong vinh quang, khi trở về cũng thật hiên ngang, giữa cảnh phu phụ trùng phùng, nồng ấm kết lại mối tình xưa:

“...xin vì chàng, xếp bào cởi giáp
xin vì chàng giũ lớp phong sương
vì chàng tay chuốc chén vàng
vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng...”
(Chinh Phụ Ngâm Ðặng Trần Côn và Ðoàn Thị Ðiểm)

Ngày nay người chiến sĩ VNCH không có cái diễm phúc trên, vì suốt cuộc chiến hai mươi năm, ngoài mặt trận thì chống trả với kẻ thù trong nỗi cô độc; khi trở về lại bị kẻ thù đọa đầy, tù ngục và chết trong uất hận nghẹn ngào.

Thử hỏi giữa cõi đời này, có quân đội nào bất hạnh hơn QLVNCH? Ngày nay, đã có không biết bao nhiêu người, đang sống thản nhiên khắp các nẻo đường hải ngoại, mà hầu hết bản thân họ hay con cháu, hôm qua vẫn sống nhờ sự bảo bọc của lính. Không biết trong tâm tư đó, có một giây phút nào do lương tâm xao động, khiến trái tim người, chợt nghĩ tới những kẻ bất hạnh đã VỊ QUỐC VONG THÂN?

Xưa NGƯỜI LÍNH chiến đấu anh dũng trong khói lửa để bảo quốc an dân. Nay những người lính già còn sót lại sau cuộc chiến và lớp hậu duệ của lính năm nào, cũng đã và đang tiếp tục tranh đấu không ngừng, cho một ngày về QUANG PHỤC QUÊ HƯƠNG được sống thật với tự do và no ấm, như chúng ta hiện nay đang hưởng tại quê người.

“..tội nghiệp, đời trai chưa thỏa chí
sa trường dun ruổi đã phơi thây
đoàn quân hùng liệt nay về đất
hồn vẫn quanh co dẫm lối gầy
chiều chiều đứng ngóng ngàn mây nổi
mà khóc quê hương khuất bến bờ
nhớ lúc hát rừng nơi chiến địa
mộng hoàng hoa, khép giữa hư vô”
(thơ Mường Giang)

Xin nghiêng mình trước đồng đội đồng bào đã hy sinh vì đại nghĩa Dân Tộc Việt. Cũng xin chân thành biết ơn Quý Ân nhân đồng hương khắp mọi nẻo đường viễn xứ, đã và đang hướng về những người lính cũ ngày xưa, giờ họ là quả phụ, cô nhi và thương phế binh VNCH đang kẹt ở quê nhà.

Từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng 4-2013
MƯỜNG GIANG

25 thg 6, 2013

RỒI HẾT CHIẾN TRANH

Tuỏng Năng Tiến

"Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đuờng."

Hơn bốn mươi năm trước, khi cuộc chiến ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn khốc liệt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mường tượng ra một viễn ảnh thanh bình làm say đắm lòng nguời: "Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đuờng."
Sau cuộc chiến, quả nhiên, trẻ con có la cà và tụm năm tụm ba hơi nhiều trên đường phố. Chỉ có điều là tuyệt nhiên không nghe một đứa nào hát đồng dao; đã thế, phần lớn tụi nhỏ đều tham dự tích cực vào nhiều sinh hoạt không thích hợp cho lắm với tuổi thơ: bới rác, móc túi, ăn mày, bán cần sa, và nài nỉ mời khách mua... dâm – với một thứ ngôn ngữ sỗ sàng và sống sượng đến độ có thể làm đỏ mặt một người da đen hay da đỏ: “Chú ơi, chú chơi cháu đi…” (Hoàng Hữu Quýnh– Tôi Bỏ Đảng, Tập I: Bản Cáo Trạng Chế Độ Hà Nội, trang 140, 1989, trích từ Phản Tỉnh Phản Kháng Thực Hay Hư của Minh Võ, Thông Vũ xuất bản năm 1999).

Đó là những chuyện chỉ có tính cách “hiện tượng,’’ xẩy ra mấy thập niên về trước, khi hòa bình mới đuợc vãn hồi, và xã hội còn nhiều tệ đoan do tàn tích của chiến tranh và xã hội cũ để lại. Với thời gian, bản chất của chế độ cộng sản Việt Nam mỗi lúc được nhận biết rõ ràng hơn.
Từ Hà Nội, ký giả Huw Watkin tường thuật rằng “cứ năm đứa bé đang lê trên vỉa hè của ba mươi sáu phố phuờng là có một đứa... ăn xin. Bốn đứa còn lại, xem chừng, cũng bận: đánh giầy, năn nỉ người đi đường mua vé số, dắt mối, bán ma túy...”(“VIETNAM: CHILDREN SOLD INTO BEGGING, PIMPING AND DRUG DEALING”).

Cũng vẫn theo y như lời Huw Watkin thì lực lượng trẻ con đi ăn mày, làm ma cô và bán ma túy... ở Việt Nam đang dần được đưa vào tổ chức (“... recent media reports that children are being increasingly used by organized begging gangs, pimps and drug dealers”).
Chuyện này thì thằng chả nói hơi... thừa! Ở một xứ sở mà nhà nước bao biện mọi chuyện, và lãnh đạo khắp nơi – kể cả chùa chiền, giáo đuờng hay thánh thất... – làm sao để cho trẻ em (những mầm non tương lai của tổ quốc) sống vô tổ chức được, cha nội?
Trong tương lai gần, lũ trẻ thơ bụi đời ở Việt Nam (dám) sẽ được đoàn ngũ hoá – và cho thắt khăn quàng có màu sắc khác nhau – để dễ điều phối. Đại loại như, khăn quàng xanh: đánh giầy; khăn quàng tím: dắt mối; khăn quàng trắng: ma túy; khăn quàng hồng: mãi dâm; khăn quàng nâu: ăn mày; khăn quàng đỏ: thu thuế và theo dõi hoạt động, cũng như tư tưởng, của những loại khăn quàng khác!
Chiến tranh Việt Nam kết thúc cũng chấm dứt luôn sự chia cách giữa hai miền Nam - Bắc. Viễn tuợng thống nhất (cũng) đã đuợc hình dung bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn truớc đó, và cũng là một hình ảnh khiến cho không ít kẻ phải ước mơ: “Một đoàn tầu đi tỏa khói trắng hai bên đường...’’

Một lần nữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại đúng, dù vẫn chưa đúng hết. Sau cuộc chiến, quả nhiên là có đoàn tầu Thống Nhất xuôi ngược Bắc - Nam. Điều đáng tiếc là hành khách lại luôn luôn ở tâm trạng bất an. Kẻ lo bị móc túi, nếu có tí tiền. Người lo bị công an xét hỏi và tịch thu hàng hoá, nếu là dân buôn lậu. Và tất cả đều lo sợ bị ném đá vỡ đầu. Những hòn đá xanh, to bằng nắm tay, được trẻ con dọc hai bên đuờng – đợi xe lửa đi qua – thi nhau ném vun vút vào cửa sổ!

Do vậy, tầu Thống Nhất đuợc “cải tiến” bằng cách rào kín mọi khung cửa bởi dây kẽm theo hình mắt cáo. Từ đó, nó trông y như những toa xe dùng để chở tù. Những đoàn tầu như thế mà đi phom phom, hớn hở hú còi, và hân hoan thơ thới, sung sướng ’’toả khói trắng hai bên đuờng’’ thì trông (e) hơi mỉa mai và (có phần) lố bịch!
> Trịnh Công Sơn chỉ gần hoàn toàn đúng khi mô tả thảm cảnh sau đây: “Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xuơng con mình...’’ Nói là “chỉ gần hoàn toàn đúng” vì cuộc chiến đã tàn từ lâu. Thế hệ của những “mẹ già lên núi tìm xuơng’’ đã qua nhưng chuyện đào bới hài cốt vẫn được tiếp tục bởi anh chị em, hay bạn đồng đội của những người đã khuất – theo như tuờng thuật của Rajiv Chandrasekaran, trên The Washington Post:’’Vietnamese Families Seek Their MIAs.”
Bài báo mở đầu bằng một câu chuyện thương tâm. Ông Nguyễn Dinh Duy tử trận ngày 29 tháng 3 năm 1975. Suốt mấy muơi năm qua, chị của ông ta (Bà Thắm) vẫn không ngừng đi tìm kiếm xác em trong... vô vọng. Ông Duy chỉ là một trong 300.000 lính Bắc Việt chết trận mất xác – và kể như là mất luôn (Duy is one of about 300,000 North Vietnamese soldiers killed in the war whose remains have not been located - and likely never will be).

Tiếp theo là một câu chuyện cảm động về tình đồng đội: “Mỗi tuần một lần, ông Ban thức dậy lúc 5 giờ sáng, leo lên chiếc xe gắn máy màu xanh lá cây đã cũ, đi đến những nơi mà ông còn nhớ khi còn là một y tá trong quân đội. Trí nhớ của ông quả tốt; mười năm qua, ông tuyên bố, đã đào được 2.000 xác chết và đã nhận diện được một nửa trong số này...’’ Vẫn theo lời ông Ban: “Là kẻ sống sót, tôi tự thấy mình phải có bổn phận với những nguời đã chết (Being still alive, I feel responsible for the dead people).

Quan niệm sống của ông Ban, tiếc thay, không được chia sẻ bởi những người hiện đang nắm quyền bính ở Việt Nam – dù họ đều là những kẻ sống sót sau cuộc chiến vừa rồi. Khi bị chất vấn về thái độ vô trách nhiệm này, giới chức có thẩm quyền của Hà Nội, ông tướng Trần Bạch Đằng nào đó đã giải thích với phóng viên Rajiv Chandrasekaran như sau: ’’...tìm kiếm những binh sĩ quá tốn kém mà tiền thì phải dùng vào việc chăm lo cho cho những kẻ còn sống sót.’’ (Dang said the cost of searching for missing soldiers must be weighed against the need to care for the survivors of the war).
>
> Vì đảng viên Cộng Sản Việt Nam là những nguời theo chủ thuyết duy vật nên không quan tâm đến những việc làm có tính cách duy tâm chăng? Nói vậy e không được ổn. Nhìn cái cách họ ’’thờ’’ ông Hồ Chí Minh thì biết. Họ có cả một Bộ Tư Lệnh để bảo vệ lăng ông ta mà. Họ đâu phải là những kẻ vô tâm và lo tốn kém.
Họ ướp xác ông Hồ và bảo trì cũng như bảo vệ nó tới cùng chỉ vì nó có giá trị như một thứ môn bài (patent) cho phép họ tiếp tục hành nghề cách mạng – hay ít nhất thì họ cũng tưởng hoặc mong như thế; còn 300.000 ngàn bộ xuơng của đám binh sĩ chết dấm chết dúi đâu đó, trong cuộc chiến vừa rồi, đâu còn một chút giá trị thực tiễn nào nữa khiến họ phải quan tâm.

Rõ ràng họ không phải là những người duy vật, cũng không phải là những kẻ duy tâm mà là những tên duy... lợi ! Hãy nhìn vào thực tế, xem cô nhi quả phụ hay bố mẹ của những kẻ đã hy sinh được “chăm lo’’ ra sao – từ nửa thế kỷ qua ?

‘’Lúc ấy nguời ta sợ nhất là nhìn thấy người phát thơ. Hàng ngày hàng trăm cái thơ báo tử để trong xắc cốt nguời cán bộ xã. Anh ta đi đến nhà nào là mang đau thương tang tóc đến nhà đó... họ sợ nhất là sau cái ’lễ truy điệu trọng thể để ’Tổ Quốc ghi công’ là họ bị đẩy ra lề xã hội, không ai nuôi dưỡng.’’ (sđd trang 136 -138).

“’Lúc ấy’’, qua đoạn văn vừa dẫn, là hình ảnh của xã hội miền Bắc vào thập niên 60 và đầu 70 - khi mà Đảng Cộng Sản Việt Nam còn cần động viên xương máu nguời dân cho chinh chiến. Cuộc chiến đã tàn. Bây giờ thì họ còn cần gì đến ai nữa? (Nói chi đến mộ phần của những tên “lính ngụy” ở Nghĩa Trang Quân Đội!)

Do đó, khi thấy một phế nhân lê la xin ăn trên hè phố Sài Gòn hôm nay đừng vội nghĩ đó là thương binh của quân đội miền Nam. Không nhất thiết như thế đâu. Bây giờ ăn mày là một cơ hội đồng đều (equal opportunity), không phân biệt tuổi tác, giới tính hay thành phần xã hội.

Ranh giới giữa kẻ thắng và người bại đã bị xoá nhòa từ lâu ở đất nước này. Nơi đây – trước đói rách, khủng bố và mọi bất công xã hội – tất cả đều bình đẳng. Việt Nam hôm nay chỉ còn một nhóm nguời thu tóm hết quyền bính, đất đai, cũng như sở hữu mọi tài sản xã hội, và cả một dân tộc bị trị vì đã bị lừa gạt trắng trợn - thế thôi.

Bài báo của Rajiv Chandrasekaran kết thúc bằng một tâm sự não lòng: “Tháng 4 năm nay khi cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm sau ngày ’giải phóng miền Nam’ và thống nhất đất nước nhiều gia đình đã đến nghĩa trang để thăm mộ thân nhân. Riêng bà Thắm thì có cảm tưởng mình bị bỏ rơi. Theo bà ta thì ’em tôi đáng lẽ phải nằm trong nghĩa trang liệt sĩ chứ đâu phải ở rừng sâu.’(My brother belongs in the Martyrs’ Cementery,’’ Tham said, ’’not out in the jungle’’).

Người ta có thể hiểu được tình thuơng yêu vô hạn của bà Thắm đối với người em vắn số nhưng thực khó mà chia sẻ với bà ta cái ảo tưởng rằng ông Nguyễn Dinh Duy là liệt sĩ. Cùng với hàng triệu nguời khác nữa, sự hy sinh của ông Duy – chung cuộc – chỉ đẩy cả một dân tộc vào cảnh lầm than và băng hoại.
Bà Thắm vẫn chưa nhận ra được rằng cái đuợc mệnh danh là cuộc chiến “chống xâm luợc’’ và “giải phóng miền Nam’’ vừa qua chỉ là những canh bạc bịp. Nhờ vào gian manh, thủ đoạn và tất cả những mánh khoé lường gạt cần thiết nên Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thắng. Còn nhân dân thì thua trắng tay.

Họ mất ráo mọi thứ, kể cả xương cốt của người thân, để đổi lấy... những bảng ghi công: Liệt Sĩ, Gia Đình Có Công Với Cách Mạng, Mẹ Việt Nam Anh Hùng... Hoặc giản dị hơn nữa là một cái bãi đất mênh mông (chi chít bia mộ) với bốn chữ “Nghĩa Trang Liệt Sĩ" treo ở cổng vào, và chấm hết.

Chỉ có thế thôi mà bà Thắm vẫn bị đứng ngoài. Bà ta có lý do để buồn, dù đó một nỗi buồn “không lấy gì làm chính đáng.’’ Buồn hơn nữa là gần một phần hai thế kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt, một số nguời Việt ở hải ngoại – những kẻ có nhiều cơ hội để nhìn vấn đề một cách khách quan hơn – vẫn tiếp tục tranh cãi và xỉ vả lẫn nhau về những chuyện rất không cần thiết và cũng chả chính đáng tí nào.

Họ giống như những nguời đàn bà nhà quê đi chợ bằng xe lam. Trên xe bị một thằng lưu manh dụ chơi bài ba lá, lột hết tiền, và đuổi xuống xe. Thay vì xúm nhau, túm cổ thằng khốn nạn, vả cho nó rụng hết răng rồi lấy lại tiền thì họ quay ra xa xả đổ thừa lỗi lầm cho kẻ này nguời nọ; sau đó, họ cãi vã và xỉa xói lẫn nhau – bằng những ngôn từ nặng nề và thô tục đến độ khó ngờ.

13 thg 6, 2013

Bài Diễn Văn Của Cô Cung Hoàng Kim, Hoa Hậu Toàn Quốc Hoa Kỳ 2012-2013


Kính Thưa Quý Vị,
Qua Lịch Sử, chúng ta được học là nên ghi nhớ lấy các Tư Tưởng, hơn là Con Người. Vì con người có thể thất bại. Con người có thể bị bắt giữ, bị giết chết và quên lãng, nhưng dù năm tháng trôi qua, một tư tưởng vẫn có thể tồn tại và thay đổi cả thế giới. Chúng ta không thể tiếp xúc, va chạm, hoặc giữ lấy một tư tưởng trong tay mình. Tư tưởng không biết đổ máu và không biết đau đớn, nhưng nó tiếp tục sống và hiện hữu với thời gian…

38 năm đã trôi qua kể từ khi Saigon thất thủ, nhưng chúng ta vẫn tụ họp ở đây hôm nay, tưởng niệm về sự mất mát quê hương xinh đẹp của mình. Tuy nhiên, có thể không đáng kể lắm về việc mất đi mảnh đất, mà đáng kể hơn nhiều, là Sự Mất Tự Do, Mất Đạo Đức, Và Sự Mưu Cầu Hạnh Phúc Cho Dân Tộc Việt Nam.

Là một nữ sinh viên 22 tuổi, sắp tốt nghiệp hạng Danh Dự, từ University of Texas (UT) vào Tháng 5, 2013, tôi tự hào là cư dân Texas, và hơn thế nữa, hãnh diện mình là người Mỹ gốc Việt. Dĩ nhiên tôi rất ý thức là gia đình tôi đến Hoa Kỳ vì sự lựa chọn chính trị, với tư cách là Người Tỵ Nạn, nạn nhân của chế độ Cộng Sản Việt Nam, chứ không phải vì lý do kinh tế vật chất.

Đằng sau lớp sơn “dân chủ” mỏng và rẻ tiền, Việt Nam bây giờ vẫn có đủ những đặc tính của Cộng Sản độc tài, mà các quốc gia tân tiến như Hoa Kỳ không thể tin được là những chuyện này còn tồn tại. Không có cơ sở thông tin nào do tư nhân làm chủ, tất cả từ báo chí, đài truyền hình, và ngay cả các chương trình ca nhạc giải trí, đều do nhà nước kiểm soát. Các người trong đảng Cộng Sản tự phong mình là “lãnh đạo” cầm quyền. Hậu quả là luật lệ không được thi hành, công an và quân đội Việt Cộng bảo vệ đảng, không bảo vệ dân, và người dân khổ sở...
Tôi thật đau xót khi nghĩ đến những cô gái đồng trang lứa với tôi ở Việt Nam hôm nay, bị mang bán ra nước ngoài, hoặc phải làm việc quá sức. Họ bị mắc bẫy trong cuộc sống đầy dẫy lạm dụng về tình dục, đói khổ, làm việc kiệt sức, nói chung là một cuộc sống đầy máu và nước mắt.

Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, tôi được đi học và được làm công việc tôi thích: làm người kể chuyện bằng cách tường-thuật tin tức về những gì xẩy ra chung quanh tôi. Tôi nhận thức, được sống trong một xứ sở tự do ở đây, là một đặc ân. Nhưng sự tự do nầy có được, với cái giá rất cao. Sau cùng, Năm Mươi Tám Ngàn Chiến Binh Hoa Kỳ, Ba Trăm Ngàn Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa Đã Hy Sinh Cho Miền Nam Việt Nam. Họ đã ngã xuống cho tôi được đứng đây hôm nay, trước mặt quí vị. Năm Trăm Ngàn Thuyền Nhân Việt Nam đã chết trên Biển Đông, trong khi cố gắng vượt thoát để hy vọng có Cuộc Sống Tự Do như tôi hôm nay. Những người đàn ông, phụ nữ, thanh niên, và các trẻ em, đã chiến đấu cho một Lý Tưởng hoặc một Tư Tưởng, Không Bao Giờ Mất.

Nhưng Tư Tưởng này là gì? Đó là một Nguyên Tắc về Nhân Quyền, Dân Chủ, Công Lý, và Tự Do. Nó cung cấp cho dân Việt sự yên bình trong tâm hồn và không phải khiếp sợ nhóm cầm quyền cộng sản như hiện nay. Họ có thể ngủ yên an toàn ban đêm, không phải lo toan cho có bữa ăn ngày hôm sau, hoặc bị nhốt tù vì Ý Tưởng Được Độc Lập, như Cựu Đại Úy VNCH Nguyễn Hữu Cầu, Nhà Báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, như Nông Dân Đoàn Văn Vương, như Ca Nhạc Sĩ Việt Khang, Blogger Tạ Phong Tần, nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, và còn biết bao nhiêu người khác nữa... Họ đang gánh chịu ngục tù Cộng Sản, vì họ dám đứng lên tranh đấu cho Nhân Quyền và Độc Lập ở quê hương Việt Nam, chống lại Tầu.

Đối với thế hệ trẻ, những người được sinh ra và nuôi dưỡng trong một xã hội tự do, thì Sự Tự Do Giống Như Khí Trời Bao La. Chúng ta hiếm khi nghĩ đến nó vì Sự Tự Do luôn luôn có sẵn đó. Nhưng đối với 90 triệu người Việt đang sống trong một đất nước Cộng Sản, tràn đầy áp bức và ngăn cấm, Sự Tự Do Không Hề Hiện Hữu.

Nếu Có Ai Cần Ghi Nhớ Và Bảo Vệ Tư Tưởng Nầy, Đó Chính Là Chúng Ta, Những Người Tỵ Nạn Miền Nam Việt Nam. Chúng ta phải tranh đấu để ghi nhớ Tư Tưởng Tự Do và Nhân Quyền nầy, vì nó sống mãi trong thâm sâu, tận đáy lòng ta. Đó Là Một Giấc Mơ Rực Lửa. Lúc đầu, nó là ngọn lửa rất đẹp, thường bùng cháy dữ dội, nhưng rồi dần dần vơi đi... Tuy nhiên, khi ngọn lửa Tư Tưởng Tự Do được phát triển lâu dài, nó giống như than đốt, nóng bỏng, cháy thâm sâu xuống dưới, và không sao dập tắt được nữa…
Austin, Texas, Ngày 27/4/2013
CUNG HOÀNG KIM

7 thg 6, 2013

Những Bàn Chân Nổi Giận


Nhật báo hàng đầu của Mỹ New York Times hôm 6/6 cho đăng bài xã luận với tiêu đề "Vietnam's Angry Feet" do giáo sư Tương Lai, một giáo sư ngành xã hội học từng làm cố vấn cho 2 thủ tướng Việt Nam từ năm 1991 đến năm 2006, viết. Xin giới thiệu đến độc giả bản tiếng Việt của bài viết do giáo sư cung cấp.

Tương Lai
Tháng trước, Tòa Án tỉnh Long An Việt Nam đã kết án nặng nề hai sinh viên yêu nước ở độ tuổi 20. Trong những tội danh bị áp đặt có tội "nói xấu Trung Quốc". Những cáo buộc này đã chạm vào điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế người Việt Nam là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Người ta phẫn nộ vì như thế là ai đó đã hợp đồng với Trung Quốc xâm lược để quay lại đàn áp người yêu nước. Bi kịch lớn nhất của một số người lãnh đạo Việt Nam là sự ám ảnh về cái gọi là "cùng chung một ý thức hệ xã hội chủ nghĩa" nên đã không quyết liệt đáp trả những thủ đoạn bành trướng nham hiểm và những hành động xâm lược ngang ngươc của Trung Quốc. Họ lại quyết liệt đàn áp những người yêu nước, bóp nghẹt dân chủ, bưng bít thông tin và khủng bố tư tưởng công dân mình. Đầu tuần này, công an Hà Nội đã đàn áp một cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bắt nhiều người, hành hung, đánh đập họ, trong đó có cả phụ nữ.

Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về truyền thống bất khuất, quật cường của mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước trong vị thế oái ăm, sát cạnh một láng giềng khổng lồ chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng bành trướng nhằm nuốt chửng Việt Nam. Đất nước này đã từng chìm đắm cả nghìn năm Bắc thuộc. Trong cái đêm dài đau đớn ấy, kẻ thù luôn tìm cách đồng hóa dân tộc Việt. Và chúng đã thất bại.

Việt Nam đã từng đánh bại đế quốc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII và những kẻ xâm lược khác trong thế kỷ XV, XVIII và XX. Bản lĩnh dân tộc Việt đã được hun đúc qua những cuộc chiến tranh khốc liệt chống ngoại xâm. Nhưng hôm nay, bất chấp luật pháp quốc tế và chà đạp trên nguyên tắc và đạo lý, Trung Quốc đã ngang nhiên thực hiện mộng bành trướng trên Biển Đông, cái "lưỡi bò" ham hố và bẩn thỉu đang thè ra chực nuốt cả vùng biển rộng lớn, nơi có trữ lượng dầu mỏ đủ đáp ứng cơn khát nguyên liệu của một nền kinh tế đang cố ngoi lên vị thế siêu cường. Nơi đây cũng là con đường huyết mạch trên biển để Trung Quốc thực hiện tham vọng của họ.


Vì thế, những “bàn chân nổi giận” đã rầm rập xuống đường biểu tình chông Trung Quốc xâm lược. Cùng với những cuộc biểu tình ấy, những khiếu kiện tập thể của nông dân cũng dồn dập bùng lên. Sự nối kết giữa tầng lớp trí thức với giới trẻ ở đô thị và nông dân – những người bị đẩy vào cuộc sống đói nghèo vì mất đất sản xuất khi người ta nhân danh "sở hữu toàn dân" để tước đoạt quyền sở hữu mảnh đất cha ông họ để lại mà không được đền bù thỏa đáng. Cùng với điều đó, mạng lưới thông tin qua Internet đã trỗi lên như nấm sau cơn mưa biểu thị tinh thần yêu nước bất chấp mọi đàn áp đang đang mở ra một cục diện mới.

Sự nổi giận của người Việt Nam lại càng tăng lên khi một số những người lãnh đạo lùi bước trước những hành động tội ác của Trung Quốc xâm lược Việt Nam nhưng lại quyết liệt đàn áp người yêu nước đấu tranh đòi dân chủ và tự do. "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa " là một khái niệm rất mơ hồ, những người lãnh đạo lại dùng nó để duy trì một hệ thống chính trị đã quá lỗi thời.


Nếu không có những đổi mới ở thập niên 80, nền kinh tế tập trung có lẽ đã đưa Việt Nam đi đến bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, những cải cách kinh tế đó đã bị đình trệ vì không có cải cách chính trị song hành. Tuy nói rất nhiều về một nhà nước "của dân do dân và vì dân" nhưng người ta chưa bao giờ muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự đúng với ý nghĩa đích thực của nó.

Với cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Việt Nam đã nhận được sự đồng cảm, lòng tôn trọng và ngưỡng mộ của nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đáng tiếc là từ đỉnh cao của chiến thắng, người ta lại duy trì một hệ thống chính trị lạc hậu và một hệ tư tưởng giáo điều nên nền kinh tế Việt Nam đã không thể phát triển mạnh mẽ như nó cần làm và có đủ điều kiện để làm. Để rồi họ trở thành thành mục tiêu phê phán của cộng đồng quốc tế về đàn áp dân chủ và vi phạm nhân quyền.

Chính vì một số nhà lãnh đạo Việt Nam bị "cái mũ kim cô" của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán siết chặt nên đã đẩy đất nước ra khỏi quỹ đạo dân chủ để gánh chịu lạc hậu và lạc điệu so với thế giới văn minh, một thế giới mà Việt Nam đang rất cần hòa nhập để đất nước có điều kiện phát triển.

Ấy thế mà từ lâu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội để thay thế bằng một "Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc" man rợ nhằm nuôi dưỡng mộng bành trướng của cha ông họ mà họ chưa bao giờ từ bỏ. Cho nên, cái gọi là "cùng chung ‎ ‎thức hệ" mà ai đó đưa ra chỉ là cái bình phong che đậy cho tham vọng quyền lực, nhằm giữ bằng được cái ghế mà họ đang ngồi. Những ngôn từ đạo đức giả được đưa ra, rồi mười sáu chữ bịp bợm về "láng giềng hữu nghị" được tung hứng chỉ là trò khôi hài.

Nhằm bảo vệ cái ghế quyền lực của một số người đang giành được những vị thế quan trọng, để củng cố và mở rộng những lợi ích béo bở của mình, người ta đang quay lưng lại với nhân dân. Một số trí thức và nhân sĩ, trong đó có người viết bài này, đã đưa ra hàng loạt kiến nghị về thực thi dân chủ và nhân quyền trong Hiến pháp nhằm hướng tới việc tạo ra một hệ thống chính trị thực sự dân chủ. Tuy nhiên, đề xuất của chúng tôi đã gặp phải những lời lăng mạ và vu khống trên các tờ báo chính thống được chỉ đạo sát sao.

Người ta đã không thấy được rằng, một khi phong trào yêu nước chống ngoại xâm gắn kết được với cuộc đấu tranh dân chủ và thực hiện quyền con người đã được ghi vào trong Hiến pháp, sẽ đẩy tới những bước hợp trội trong sự phát triển, tạo ta những đột phá không lường trước được, hình thành một cục diện mới, đưa đât nước đi lên.

Cho nên, càng sử dụng bạo lực và đàn áp, càng cho thấy sự phi dân chủ, vô nhân tính của những người sử dụng nó.

Người lãnh đạo nắm bắt được cục diện mới, nhanh nhạy đáp ứng được lợi ích dân tộc, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và trước hết, sẽ nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ của dân và sự đồng tình của bạn bè quốc tế.

Ngược lại, nếu tiếp tục quay lưng lại với dân, nấp dưới chiêu bài ý thức hệ đã lỗi thời, bám chặt mô hình toàn trị phản dân chủ, chỉ cốt giữ cho được cái ghế quyền lực đã rệu rã và đưa đất nước vào ngõ cụt không lối thoát, thì sự cáo chung là điều không thể tránh khỏi.

5 thg 6, 2013

Lá thư gửi thầy giáo của Tổng thống Abraham Lincoln


Tổng Thống Abraham Lincoln (1809-1865) còn được biết dến với tên Abe Lincoln, tên hiệu Honest Abe) là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 16, người đã dẫn dắt nước Mỹ vượt qua cuộc nội chiến Hoa Kỳ, và là người đã chấm dứt chế độ nô lệ tại quốc gia này. Tiếc thay, cũng bởi không thỏa hiệp với cái ác, ông đã bị ám sát chết ngày 15/4/1865
Tổng Thống Abraham Lincoln đã viết một lá thư gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học, xin trích đăng lại lá thư nổi tiếng ấy. Mặc dầu lá thư chỉ dừng lại trên phương diện nhân bản, nhưng cũng đáng để chúng ta suy nghĩ và nhìn xa hơn nữa về lãnh vực đức tin để tìm một phương thế giáo dục tốt nhất cho con em chúng ta.

Kính gửi Thầy !

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin Thầy hãy dạy cho cháu biết: cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm.

Xin thầy hãy dạy cháu biết cứ mỗi kẻ ghét bỏ ta thì ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với năm đô la nhặt được trên hè phố.

Xin thầy hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ.

Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất.

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh bay trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.

Xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng thà bị điểm kém còn hơn gian lận trong thi cử.
Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã, và cứng rắn với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo thời thế.

Xin hãy dạy cho cháu biết, phải lắng nghe tất cả mọi người, nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc lấy những gì tốt đẹp…

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã… Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt.

Xin hãy dạy cho cháu biết chế diễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người trả giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin hãy dạy cho cháu biết ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng.

Xin hãy đối xử với cháu nhẹ nhàng nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu, bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên một con người cứng rắn.

Xin hãy giúp cháu có được sự can đảm để không dung thứ sự sai trái, và giúp cho cháu có đủ sự bền chí để là người dũng cảm.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng, cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân, bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy. Nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình, nếu được vậy con trai tôi quả là một cậu bé hạnh phúc và may mắn !
Abraham Lincoln

2 thg 6, 2013

Chiêu Hồn Nước

Phạm Tất Đắc


(Bài thơ được làm năm 1927 lúc tác giả 18 tuổi)

Hăm lăm triệu trẻ già trai gái,
Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng.
Cũng cửa nhà cũng giang san,
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời !
Nghĩ lắm lúc đương cười hóa khóc,
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang.
Vạch trời thét một tiếng vang,
Cho thân tan với giang san nước nhà.
Đồng bào hỡi! Con nhà Hồng Việt,
Có thân mà chẳng biết liệu đời.
Tháng ngày lần lữa đợi thời,
Ngẩn ngơ ỷ lại ở người, ai thương!
Nay sóng gió bốn phương dữ dội,
Có lẽ nào ngồi đợi mãi sao?
Đồng bào trút giọt máu đào,
Thương ôi! Tội nghiệp ai nào xót đây!
Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn!
Mà xót thương đến chốn Nhị, Nùng.
Xưa nay vẩn lắm anh hùng,
Dọc ngang trời đất vẫy vùng bể khơi.
Xưa nay vốn lắm người hào kiệt,
Trong một tay nắm hết sơn hà.
Nghìn thu gương cũ không nhòa,
Mở mày mở mặt con nhà Lạc Long.
Non sông vẫn non sông gấm vóc,
Cỏ cây xưa vẫn mọc tốt tươi.
Người xem cũng dáng con người,
Cũng tai, cũng mắt như đời khác chi.
Cảnh như thế tình thì như thế !
Sống làm chi, sống để làm chi?
Đời người đến thế còn gì,
Nước non đến thế, còn gì nước non !
Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ,
Trông non sông lã chã dòng châu,
Một mình cảnh vắng đêm thâu,
Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san.
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt,
Tiếng cuốc kêu thức gọi anh hùng.
Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng,
Tôi chiêu Hồn cũ lại cùng non sông!
Hồn hỡi Hồn, con Hồng cháu Lạc!
Bấy lâu nay giặc giả chiến tranh,
Bấy lâu thịt nát xương tan,
Bấy lâu tím ruột thâm gan vì Hồn.
Hồn hỡi Hồn ! kìa non nước cũ,
Bấy nhiêu lâu mặt ủ mày châu.
Bấy lâu ngậm tủi nuốt sầu,
Bấy lâu hèn kém vì đâu hỡi Hồn.
Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc,
Ngẩm năm châu khôn khóc nên lời.
Đêm khuya cảnh vắng êm trời,
Khôn thiêng chăng hỡi ! Hồn thiêng Hồn về.
Hồn trở về, đừng mê mẩn nữa !
Tính nết xưa phải sửa từ giờ.
Hồn về Hồn cố cho nhờ,
Anh em Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam.
Hãy trở về chớ vì rượu thịt,
Chớ tham nhà cao tít nhiều từng.
Kìa con chim ở trong rừng,
Kiếm mồi đâu có lạc chừng quên cây.
Hồn trở về đừng say sắc đẹp,
Mà nặng tình kẻ khép phòng thu.
Đường đường một đấng trượng phu,
Lẽ đâu Hồn chẳng đền bù non sông.
Hồn trở về chớ mong giàu có,
Mà ước ao xe nọ ngựa kia.
Nghênh ngang mũ áo râu ria;
Trăm nghìn năm vẫn còn bia miệng cười.
Hồn cố về cõi đời chớ chán,
Mà vội đem lòng nản việc trần.
Bát cơm tấm áo manh quần,
Hồn ăn Hồn mặc nợ nần thế gian.
Hồn trở về bấm gan mà chịu,
Cảnh biệt ly tình hiếu đôi đường.
Cao nhân, trí ở bốn phương,
Lẽ đâu Hồn chịu vấn vương xó nhà.
Hồn trở về nguyệt hoa chi nữa,
Mà thoi đưa lần lữa tháng ngày.
Xưa nay những kẻ tỉnh say,
Lòng mê có nghĩ việc hay bao giờ!
Hồn Nước về chớ chờ sức yếu,
Hồn Nước hãy định liệu dọc ngang.
Hay Hồn bảo chẳng biết đàng,
Hay Hồn không muốn vội vàng làm ngay.
Hay Hồn sợ tai bay vạ gió,
Hồn Nước đành phải bỏ non sông !
Hoặc Hồn quen thói phục tòng,
Nên Hồn cam chịu làm giòng ngựa trâu.
Hoặc hồn chỉ cháo rau no đói,
Mà Hồn chẵng mong khỏi cơ hàn.
Hoặc Hồn đã trãi lầm than,
Mà Hồn đánh mất cái gan tung hoành?
Hoặc Hồn ở thị thành phố xá,
Hoặc Hồn núp túp lá lều tranh?
Hoặc Hồn trong chốn rừng xanh,
Hoặc Hồn lẩn quất ở quanh sơn hà?
Hoặc Hồn ở nước nhà chật hẹp,
Hoặc Hồn đi ẩn núp nước người?
Đêm khuya cảnh vắng im trời,
Khôn thiêng chăng hỡi, Hồn ơi Hồn về.
Hồn Nước về đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa phải sửa từ giờ.
Hồn về, Hồn cố cho nhờ,
Con dân Hồng Lạc cõi bờ Việt Nam.
Còn chi sung sướng vẻ vang,
Bằng đem da ngựa sa tràng bọc thây.
Hồn trở về làm ngay ý muốn,
Chớ rụt rè sớm muộn nào nên.
Lẽ thường thành bại đôi bên,
Chớ đo đắn quá mà quên việc mình.
Hồn trở về hy sinh quyền lợi,
Mà tận tâm đối với nước non.
Dù cho thịt nát xương mòn,
Cái bầu nhiệt huyết vẫn còn như xưa.
Hồn Nước trở về đừng mơ ác mộng,
Để Hồn trở thành ra giống ngựa trâu.
Hồn về Hồn kíp đòi mau,
Tự do hành động mặc dầu dọc ngang.
Hồn trở về bền gan dốc trí,
Chớ có thèm cái vị cao lương.
Tháng ngày dưa muối rau tương,
Chớ tham rượu thịt mà nương nhờ người.
Hồn trở về xoay trời đất lại,
Hồn trở về tát hải đạp sơn !
Chớ nề gió kép mưa đơn !
Mà đem gan chọi với cơn phong trần !
Hồn Nước hỡi! Xa gần nghe thấy,
Thì vùng lên ! Kíp dậy mà về.
Hoặc Hồn ở chốn thôn quê,
Hoặc là Hồn ở phủ kia lầu nầy?
Nước non cũ bấy nay khao khát,
Ngày nầy qua ngày khác lại qua,
Mấy phen lệ nhỏ máu sa,
Mấy phen xót xót xa xa lòng vàng.
Mong Hồn tỉnh Hồn càng không tỉnh;
Mong Hồn về, Hồn định không về.
Non sông Hồn bỏ lời thề,
Cho non sông chịu trăm bề lầm than.
Hồn hỡi Hồn! Giang san là thế,
Giống Lạc Hồng tôi kể Hồn hay:
Kể từ Hồn lạc đến nay,
Đêm đêm khóc khóc, ngày ngày than than.
Cũng có kẻ trên ngàn nhỏ máu,
Cũng có người nương náu phương xa.
Nhiều người bỏ cửa bỏ nhà,
Cũng người lo nghĩ tuyết pha mái đầu.
Cũng có kẻ làm thân trâu ngựa,
Cũng có người đầy tớ con đòi.
Cũng thằng buôn giống bán nòi,
Khôn thiêng chăng hỡi! Hồn coi cho tường…!
Có mồm nói, khôn đường mà nói,
Có chân tay, người trói chân tay,
Mập mờ không biết dở hay,
Ù ù cạc cạc, công nầy việc kia.
Hồn hỡi Hồn! Đêm khuya canh vắng,
Hồn nghe có cay đắng hay không?
Tôi đây cùng giọt máu hồng,
Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên.
Trông thấy cảnh mà điên mà dại,
Trông thấy tình mà dại mà điên
Mà sao không thể ngồi yên?
Sa câu gan ruột tôi biên mời Hồn.
Hồn nghe thấy nên chồn tấc dạ,
Hồn nghe xong nên khá mà về.
Chớ đừng tỉnh tỉnh mê mê,
Chớ đừng đo đắn trăm bề sâu nông.
Hồn trở về non sông nước cũ,
Mà mau mau giết lũ tham tàn,
Mau mau giết lũ hại đàn,
Túi tham cướp hết bạc vàng của dân.
Hồn trở về cho dân tỉnh lại,
Không ngu ngu dại dại như xưa.
Không còn khó nhọc sớm trưa,
Không còn nắng nắng mưa mưa dãi dầu.
Hồn trở về mau mau Hồn hỡi!
Hồn trở về tôi đợi tôi mong.
Hồn về dạy dỗ con Rồng cháu Tiên.
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt.
Dân không còn nước mất sao còn?
Hỡi Hồn Nước nước non non!
Hồn về tôi sẵn lòng son giúp Hồn.
Tôi đây cũng không khôn cho lắm,
Nhưng cũng không dại lắm cho nhiều.
Tôi nay chỉ một lòng yêu,
Nên mong nên mỏi nên Chiêu Hồn về.
Hồn hỡi Hồn! Hồn về Hồn hỡi!
Hồn hỡi Hồn! Hồn hỡi Hồn ơi!
Đêm khuya cảnh vắng êm trời.
Khôn thiêng chăng hỡi Hồn ơi Hồn về!
Bút viết xong tai nghe miệng đọc.
Miệng đọc xong giọt ngọc nhỏ sa.
Nhỏ sa nên chữ hóa nhòa,
Hóa nhòa nên mới in ra nghìn tờ.
In nghìn tờ mà đưa công chúng,
Công chúng xem mong bụng đổi dần.
Để rồi thúc kẻ xa gần
Rằng mau nên trả nợ nần non sông!...

Tác giả: Phạm Tất Đắc

Phạm Tất Đắc sanh ngày 15 tháng Năm năm 1909 tại làng Rũng Kim, tổng Công Xá, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông là con trai của ông Phạm Văn Hạnh và bà Lê Thị Giáo. Năm 1923, ông học trung học Bảo Hộ Hà Nội (trường Bưởi). Năm 1926, tại Hà Nội có cuộc lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh (mất ở Sài Gòn), ông tham gia phong trào bãi khóa, đeo băng đen để tang cụ Tây Hồ nơi tay áo. Năm 1927, ông tham dự lễ truy điệu cụ cử Lương Văn Can (nguyên hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) vừa mất. Sau đó, ông viết bài “Chiêu Hồn Nước”, được nhà in Thanh Niên xuất bản.

Sách ra vài hôm, ông và người quản lý nhà in bị chánh quyền thực dân Pháp bắt giam. Khi ra trước tòa án, viên chánh án người Pháp hỏi ông ai xúi viết bài thơ nầy, ông khẳn khái trả lời:

- “Đầu tôi nghĩ, tay tôi viết, công việc nầy hoàn toàn do tôi.”

Bọn thực dân Pháp kết tội ông và giam ông trong nhà tù “trừng giới”. Lúc ấy, ông vừa được 18 tuổi. Sau ba tháng giam ông ở Bắc Giang, thực dân Pháp đem ông về Hà Nội, giam ông tại khám Hỏa Lò.

Ngày 16 tháng Năm năm 1930, lúc ông được 21 tuổi, Pháp thả ông về. Từ đó, ông bịnh hoài. Ông mất ngày 24 tháng Tư năm 1935 tại đường Luro, Hà Nội, thọ 26 tuổi.

12 THÁNG ANH ĐI