29 thg 4, 2013

Những hình ảnh đẹp

Tiểu Tử

Anh tôi nằm bịnh viện Saint Camille đã được mười bữa. Chiều hôm qua, ảnh gọi điện thoại về nhà, nói: «Thằng tây nằm chung phòng ra nhà thương rồi, ngày mai chủ nhựt, mầy vô đây anh em mình nói chuyện chơi». Nghe giọng ảnh “có thần” nên tôi vui vẻ trả lời: «Dạ! Mai em vô. Vợ con em đi Mỹ, chớ không thì em cũng chở tụi nó vô thăm anh». Tôi nghe ảnh cười khịt: «Một mình mầy cũng đủ cho tao vui rồi…».

Phòng anh tôi là loại phòng hai giường ở lầu ba. Ông già người Pháp cỡ hơn tám mươi tuổi nằm chung phòng với anh tôi rất khó tánh. Ổng không thích có nhiều ánh sáng vào phòng nên volet cửa sổ lúc nào cũng chỉ hé lên một chút thôi. Thấy ổng quá già lại hay gắt gỏng nên mấy cô y tá cũng nhân nhượng, chỉ kéo volet lên cao trước giờ bác sĩ trưởng đi thăm bịnh nhân, rồi lại hạ thấp xuống, sau đó! Mỗi lần tôi vào thăm anh tôi, mặc dầu chúng tôi nói chuyện nho nhỏ với nhau, ổng cũng lăn qua trở lại thở dài. Có khi còn lấy gối bịt lỗ tai nữa!

Anh tôi nói: «Tao chưa bao giờ nghe nó… tằng hắng với tao một tiếng!» .

Ông Tây đó xuất viện, chắc anh tôi nghe… nhẹ lắm nên mới vội vã gọi tôi vào chơi, để nói chuyện mà không cần giữ gìn ý tứ gì hết!

Hôm nay, volet cửa sổ được kéo lên hết nên để lộ trời cao lồng lộng và phòng đầy ánh sáng… Thấy tôi, anh tôi vui vẻ nói: «Mừng quá! Hổm rày, cứ làm thinh, bực mình thấy mụ nội! Bữa nay, tụi mình nói chuyện tự do, cho nó đã!».

Tôi nhìn anh tôi mà thấy thương: mới ngoài sáu mươi mà đã già xọm. Bao nhiêu năm tù đày của VC đã ăn mòn cơ thể của ảnh đến nỗi từ khi ảnh qua Pháp sum họp với vợ chồng tôi, ảnh cứ bịnh lên bịnh xuống hoài. Cũng may là ảnh không có vợ con nên không có những cái lo của người có gánh nặng gia đình. Và cũng may là ảnh chỉ có một mình tôi là em đã có cuộc sống ổn định nên ảnh không phải cưu mang một đứa em nào khác.

Hai anh em tôi nói chuyện vui vẻ một lúc, bỗng anh tôi nhìn trời qua khuôn kiếng cửa sổ rồi nói: «Trời đẹp quá, Cu!».

Tôi còn đang ngẩn ngơ không biết ảnh nói với ai thì ảnh cười khịt khịt: «Mầy quên mầy hồi nhỏ tên là Cu hả? ».

Tôi bật cười: cả một trời dĩ vãng bỗng hiện về rất rõ, với những hình ảnh thuở nhỏ ở nhà quê, có bà mẹ một mình trồng rau trồng cải nuôi hai thằng con, đứa lớn tên Hai đứa nhỏ tên Cu… Tôi nhìn anh tôi mà nghe rưng rức ở trong lòng. Tôi “Dạ” như cái máy! Anh tôi nói: «Bác sĩ nói anh ra ngoài chút chút được».

Tôi lại “Dạ” nhưng vẫn còn thấy tôi đang ở quê tôi, ở trong cái nhà tranh vách đất có giàn bầu vắt lên mái tranh che sàng nước nằm bên góc bếp… Tôi nói “Vậy hả anh” mà vẫn còn đứng trong vườn rau của mẹ với mấy cây mít cây ổi cây xoài, vẫn còn nhìn cái giếng có cây cần vọt để kéo nước và cái gàu đeo lủng lẳng ở đầu cây sào dài… Tôi chỉ giật mình dạ lớn khi nghe anh tôi gọi: «Cu! Ê … Cu!».

Ảnh nhìn tôi, mỉm cười: «Tao muốn mầy đưa tao đi một vòng».

Tôi “Dạ” rồi vội vã bước ra cửa. Ảnh ngạc nhiên: «Đi đâu vậy?». Tôi trả lời: «Em đi lấy cái xe lăn!».

Ảnh bật cười: «Không cần xe lăn xe liếc gì hết. Mầy lại đây, tao chỉ cho».

Ảnh tằng hắng mấy tiếng rồi nói tiếp: «Mầy đỡ tao dậy cạnh giường. Đọ… Mầy xây lưng lại thụt sát vô cạnh giường ở giữa hai chân tao nè. Đọ… Rồi mầy rùn người xuống cho tao ôm cổ mầy. Mẹ… Mầy ăn thứ gì mà mầy lớn con quá hổng biết! Rồi! Tao ôm chắc rồi! Bây giờ, mầy choàng hai tay ôm hai bắp vế của tao đây, vừa xóc nhẹ để lấy trớn vừa đứng lên. Đọ… Như vậy, người mình gọi là ‘cõng’. Ở xứ nầy, tao chưa thấy ai cõng ai hết. Có lẽ người ta không biết cõng, mầy à!».

Tôi cõng anh tôi, nhẹ hều. Ảnh nói: «Hồi nhỏ, tao cõng mầy mòn lưng, mầy đâu có biết!».

Một xúc động bỗng dâng tràn lên cổ, tôi vừa nuốt xuống vừa siết chặt hai chân anh tôi như muốn ôm lấy hết con người của ảnh để cám ơn, cái con người đang nằm trên lưng tôi đây, cái người anh đã hy sinh suốt cuộc đời không chịu lập gia đình chỉ vì muốn nuôi thằng em ăn học cho đến nơi đến chốn! Ảnh đã cõng tôi trong thời tuổi nhỏ, về sau, ảnh vẫn tiếp tục cõng tôi - dù dưới hình thức khác - cho đến ngày tôi thành nhân ra đời. Biết bao giờ tôi cõng lại anh tôi suốt hai mươi mấy năm trời như vậy?

Chúng tôi ra hành lang. Gặp một cô y tá, cô ta vội nói: «Để tôi lấy cho ông một chiếc xe lăn!».

Tôi lắc đầu: «Khỏi cần! Cám ơn cô! Anh tôi muốn tôi cõng như vầy».

Cô ta mỉm cười bỏ đi, vừa đi vừa nhìn lại, vẻ ngạc nhiên. Anh tôi nói: «Mầy thấy không? Ở xứ nầy, người ta không biết cõng là gì!».

Thật vậy, đi dài dài theo hành lang, gặp ai cũng bị nhìn với một nụ cười như muốn nói “Làm gì ngộ vậy há!” Tiếng của anh tôi vẫn đều đều nho nhỏ bên tai: «Hồi đó, năm mầy ba tuổi là năm mầy bịnh hoài nên mầy cứ nhề nhệ nhề nhệ đeo theo má đòi ẵm. Chiều nào má cũng nói “Hai! Mầy cõng thằng Cu đi hàng xóm cho má nấu cơm coi!” Vậy là dầu tao đang tưới rau tao cũng quăng đó, cõng mầy đi vòng vòng. Hồi đó, lúc nào mầy cũng ở truồng, còn tao, dầu đã hơn mười tuổi, nhưng lúc nào cũng ở trần, chỉ khi nào đi học mới máng lên mình cái áo sơ-mi. Thành ra, khi cõng mầy tao thương ở cái chỗ là nghe con cu của mầy mềm mềm nằm gọn trên da lưng tao. Nhiều khi thương quá, tao xoay người lại hun mầy trơ trất làm mầy nhột mầy cười đưa mấy cái răng non nhỏ như hột gạo! Mầy coi! Vậy mà đã hơn năm mươi năm rồi chớ bộ!».

Tôi im lặng nghe anh tôi kể mà trong đầu thấy như đang nhìn ngay trước mắt cảnh thằng anh cõng thằng em đi quanh quanh để người mẹ rảnh tay lo nấu bữa cơm chiều… … Đẹp quá! Anh tôi lại nói: “Thiệt ra, tao đâu có cõng mầy đi đâu xa. Đi lòn lòn qua mấy liếp rau mấy bờ mía rồi qua lò bánh tráng của dì Sáu Lộc. Đứng xớ rớ một chút là dì Sáu hay chị Hai Huê con của dỉ cho một cái bánh tráng nướng thơm phức”.

Ngừng một chút, anh tôi hỏi:

“Mầy còn nhớ chị Hai Huê không?”

Tôi đáp: “Dạ có. Hồi đó, chỉ ra sư phạm rồi dạy tụi em ở tiểu học”.

Anh tôi tằng hắng: “Ờ! Chỉ đó! Má khen chỉ lắm, nói: con nhỏ dễ thương, đi làm có lương mà chỉ sắm có hai cái áo dài, hỏi nó thì nó nói nó để dành tiền cất một cái quán cho má nó ra bán bì bún ít cực hơn là xay bột tráng bánh”.

Đến đây thì tôi nhớ rõ cái quán của dì Sáu Lộc: Quán nhỏ nằm cạnh cây gõ trước lò bánh tráng. Bì bún ngon có tiếng. Có điều là dì Sáu không bán rượu đế mà cũng không cho khách hàng mang rượu đế đến quán! Dân nhậu phàn nàn thì dì Sáu nói: «Tôi ghét thứ đó lắm! Cũng tại ba cái đế đó mà ông nhà tôi ba ngù té xuống bàu chết không ai hay!».

Cái quán đó về sau giao cho vợ chồng cô cháu gái của dì Sáu trong nom và được cất rộng ra thành tiệm cà phê, người ta gọi là tiệm “Cây Gõ”...

Ở cuối hành lang bịnh viện là khuôn kiếng rộng. Nhìn xuống dưới thấy nắng đầy… Cây cỏ được cắt xén sạch sẽ đẹp mắt. Tia nước tưới vườn tự động quét qua quét lại coi mát rượi. Anh tôi im lặng nhìn một lúc rồi nói: «Hồi đó, chiều nào đi học về, tao cũng phải đi tưới vườn rau. Mới có mười tuổi mà tao mạnh lắm! Cái gàu nước lớn như vậy mà tao xách chạy bon bon. Phải nói là nhờ có cây cần vọt tao mới kéo nổi cái gàu ra khỏi giếng, chớ nếu kéo bằng sợi dây dừa thì chắc tao chịu thua».

Có lẽ sợ tôi quên nên anh tôi tả cây cần vọt. Tôi vẫn để ảnh nói vì tôi thấy ảnh đang sung sướng với những hình ảnh đẹp của quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách… Tiếng của anh tôi vẫn đều đều bên tai: «Cần vọt là hai cây tre lớn bằng bắp chân đóng dính chắc vào nhau bằng những thanh ngang coi giống như một cái thang. Chân cái thang đó được chôn đứng cách giếng độ hai ba thước. Trên đầu có một cốt tròn xỏ qua hai thân tre. Bắc dính chắc trên cái cốt đó là một thân tre dài, đầu to là đầu nặng nằm đụng đất, đầu nhỏ chỉ lên trời coi giống như một đòn bẩy hay một cái đu nhún lên hạ xuống của trẻ con. Đó là cái cần. Trên đầu cần là một cây sào bằng tầm vông dài xuống gần miệng giếng, đầu dưới của sào có cái móc để móc cái gàu. Muốn lấy nước, người ta kéo cây sào thòng gàu xuống giếng đợi gàu đầy nước là kéo gàu lên, cây cần làm đòn bẩy giúp cho người kéo nước không phải ráng sức. Hay quá!»

Tôi nói đẩy đưa, cố ý để cho anh tôi nghỉ: «Dạ. Em còn nhớ cây cần vọt chớ! Hồi em lớn lên, em vẫn phụ anh tưới rau cho má, anh quên sao? Em còn nhớ hồi đó phần của em là lo tưới và châm sóc giàn bầu của má”.

Ảnh cười khịt khịt: “Ờ… giàn bầu. Trái dài lòng thòng, đi ngang phải cúi đầu để tránh...”

Rồi giọng của ảnh như vui lên: “Bầu luộc là món mà tụi mình ăn hằng ngày, mầy nhớ không? Bữa cơm nào cũng có bầu luộc, mẻ cá kho và một tô nước luộc bầu. Nước luộc bầu không có con tôm con tép gì hết, chỉ có chút muối, chút tiêu và mấy cọng hành… vậy mà tụi mình chia nhau húp ngon lành, hén Cu!”.

Tôi bồi hồi nhớ lại cảnh anh em tôi húp nước luộc bầu, nhứt là cái cử chỉ của anh tôi khi ảnh đưa tô sành mẻ miệng, xây chỗ miệng tô còn lành, nói: “Húp ở đây nè, Cu!”. Cha ơi…! Sao mà nó đẹp!

Thấy gần trưa, tôi cõng anh tôi đi lần về phòng. Bỗng ảnh nói: “Ý! Má kêu kìa!”.

Rồi ảnh nghẻo đầu buông thõng hai tay! Tôi đang hốt hoảng chưa biết phải làm sao thì gặp ông bác sĩ trưởng trong thang máy bước ra. Tôi vội vã gọi: “Bác sĩ! Bác sĩ! Ông coi dùm coi! Anh tôi bị gì rồi!”.

Bác sĩ rờ đầu rờ cổ anh tôi rồi lôi tôi chạy lại phòng trực y tá. Bác sĩ hướng vào trong nói “Cứu cấp”. Mấy cô y tá phóng ra đỡ anh tôi qua giường sắt có bánh xe rồi đẩy nhanh về phòng, theo sau là xe dụng cụ thuốc men. Vào phòng, một cô y tá đẩy nhẹ tôi ra ngoài, nói: “Ông đừng vào. Cảm phiền đứng đợi ở đây.” Rồi đóng cửa lại. Tôi tỳ người vào tường, nhìn quanh bối rối: hành lang trống trơn bỗng như rộng mênh mông…

Một lúc lâu sau mấy cô y tá mở cửa đẩy giường đẩy xe ra, nói chuyện tỉnh bơ. Đi sau cùng là bác sĩ trưởng. Ổng vỗ vai tôi, nói: “Không có gì hết! Chỉ bị xúc động mạnh thôi. Ông vào được rồi.”.

Tôi nói “Cám ơn” rồi thở dài nhè nhẹ như vừa trút một gánh nặng. Nhìn thấy tôi bước vào, anh tôi mỉm cười, mắt ảnh ngời sáng, nhưng ảnh vừa đưa tay ra dấu vừa nói: “Thôi! Mầy về đi! Để tao ngủ một chút”.

Nói xong, ảnh nhắm mắt mà trên môi vẫn còn nguyên nụ cười. Tôi biết: ảnh đang đi vào giấc ngủ với những hình ảnh đẹp!

Tôi bước ra, đóng nhẹ cửa lại. Hành lang dài tung hút. Chắc cũng đến giờ cho bịnh nhân ăn nên phảng phất có mùi đồ ăn. Tôi bỗng nghe thèm vị ngọt của nước luộc bầu mà anh em tôi chia nhau húp năm chục năm về trước, bây giờ sao vẫn còn nhớ. Và lạ thiệt! Nước luộc bầu quá tầm thường như vậy mà sao cũng mang đầy mùi vị của quê hương?

Tôi nuốt nước miếng…

Tiểu Tử

Nước Mỹ trong tôi

Huy Phương


Theo bản thống kê dân số của nước Mỹ năm 2010, hiện nay có 1,737,433 người Việt đang sinh sống trên nước Mỹ. Chúng ta những ai hiện nay đang sống, học hành, làm việc hay dưỡng già ở đây, đều đã trải qua một phần đời mình trên mảnh đất này, thường gọi là “tạm dung,” nhưng thực tế là vĩnh viễn.


Từ biến cố 30 tháng 4 năm 1975, những đứa trẻ sinh ra lớn lên ở đây, ngoài huyết thống ra, chúng không khác gì những đứa trẻ Mỹ. Những người trung niên còn mang theo cả một thời thơ ấu và những kỷ niệm không quên từ nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng vẫn lăn lộn với cuộc đời trên đất khách này để mưu sinh, có người thời gian sống với quê hương ngắn ngủi hơn là ở nơi quê người.

Tiểu bang California, nơi có nhiều người Việt sinh sống nhất đã rộng lớn bằng diện tích cả nước Việt Nam, nên cũng chưa có ai trong chúng ta tự hào đã đặt chân đến hết 50 tiểu bang của nước Mỹ, cũng như không ai dám nghĩ rằng mình hiểu hết những gì về nước Mỹ, dù đây chỉ là một nơi mới lập quốc hơn 300 năm. Có người cho Mỹ là anh chàng trẻ tuổi, xốc nổi, dại khờ, nhưng cũng có người công nhận nước Mỹ là ông cụ thâm trầm thường triển khai những bước đi tính toán trước cả trăm năm.

Ðối với những người già đã đến nơi này muộn màng, nhưng cả cuộc đời còn lại coi như sống chết với nước Mỹ, thường gọi là quê hương thứ hai, mà không bao giờ còn cơ hội trở về nằm trong lòng đất quê mẹ, nếu sự thực khốn nạn, chế độ Cộng Sản còn tồn tại trên quê hương vài ba mươi năm nữa.

Một người Việt về thăm lại quê hương, nơi họ đã từ bỏ tất cả để ra đi, lúc đặt chân trở lại nước Mỹ, cho rằng tâm hồn lại cảm thấy an toàn, nhẹ nhàng hơn như lúc về nhà. Một người Việt xa quê hương đã lâu trở về Sài Gòn, có dịp vào Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ, ông thú nhận khi nhìn những hình ảnh tổng thống hay ngoại trưởng của Hoa Kỳ, ông lại có cảm giác quen thuộc, an toàn hơn là những lúc lang thang ở Hà Nội nhìn hình lãnh tụ và quốc kỳ Cộng Sản. Ðó không phải là vong bản, mất gốc mà chế độ này đã nhân danh đất nước, tạo hận thù, kỳ thị, xô đẩy biết bao nhiêu người xuống biển, bỏ quê hương ra đi. Gần như chúng ta không còn lệ thuộc gì với đời sống nơi quê nhà, ngoài những tình cảm sâu đậm trong máu huyết, làm cho chúng ta gần gũi với ngôn ngữ, đời sống Việt Nam, mà chúng ta có cảm tưởng đang dần dần tách rời, cho đến một lúc nào đó trở thành xa lạ. Phải chăng vì vậy, mà đã có những đứa con ngày trước trở về, xót xa nhận ra rằng, họ đang đi, đứng trên một đất nước xa lạ, không còn là của họ nữa.

Quê hương ngày nay chỉ còn là nơi thăm viếng mà không phải là nơi để trở về. Nước Mỹ đã là nơi quen thuộc chúng ta đang sống, có gia đình, nhà cửa, công việc, bà con, bạn bè, thì làm sao chúng ta lại không có những suy nghĩ, có những câu chuyện buồn vui, hay những trăn trở về nước Mỹ. Cách đây 38 năm, chưa lúc nào, chúng ta, những người dân ở một đất nước xa xôi bên vùng trời Ðông Nam Á, cách biệt nơi này đến nửa vòng trái đất, lại có ý nghĩ rằng, một ngày kia chúng ta sẽ đến đây, sống lâu dài nơi đây, sinh con đẻ cháu nơi này, để tạo ra một nhánh người Việt lưu vong. Ðời sau, còn giữ được ngôn ngữ, phong tục hay không, lại là một điều mà nhiều người khác đang trăn trở, lo âu làm sao để duy trì, gìn giữ!

Trong cái cộng đồng gần gũi, thân mật gắn bó này, với sách vở, báo chí, truyền thông, quán xá, chợ búa, tiệm buôn, món ăn thức uống, cả cái tên vùng đất hay bảng hiệu Saigon chúng ta mang theo, đôi khi gần như quên hẳn là chúng ta đang sống trên đất Mỹ. Cả cái bữa cơm, cá mắm, canh rau, đôi đũa, chén nước mắm ớt, có khác gì ở Việt Nam. Cả cái bàn thờ nhang khói, hình ảnh tổ tiên, ông bà, cành mai, chậu lan, những cô thiếu nữ, trẻ em mặc quốc phục lên chùa ngày Tết, hồi trống, tiếng pháo Mùa Xuân làm chúng ta quên mất là chúng ta đang sống thật xa quê nhà.

Ðiều tôi muốn nói ở đây là chúng ta thường quên chúng ta đang sống trên đất Mỹ.

Ông Khổng Tử của nước Trung Hoa có ví von: “Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu mà mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy.” Một kẻ vào vườn hoa lan đầy hương thơm, lúc đầu còn nhận ra mùi hương nhưng dần dà trở thành quen thuộc, trở thành bình thường, không còn thấy hương thơm, như kẻ tiểu nhân sống với người quân tử dần dần được cảm hóa lúc nào mà không hay biết. Nước Mỹ có nhiều hương thơm như thế mà cảm giác chúng ta bị dung hòa lúc nào không hay đến nỗi không còn cảm nhận được mùi thơm nữa. Hương thơm đó là những điều tốt lành, thấm nhập vào con người chúng ta lúc nào chúng ta cũng không biết, không hề quan tâm hay nhận ra được sự khác biệt trước và sau.

Chúng ta học hỏi được ở nước Mỹ tính bảo vệ đời sống riêng tư, tôn trọng luật pháp, sống an hòa, sự tử tế và mối tương quan giữa con người và con người trong xã hội. Ðiều này không chỉ có ông Bá Dương (1920-2008), sau khi đi New York, Las Vegas hay San Francisco về, đã tường thuật lại trong cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí,” mà bất cứ người Việt Nam nào khi đi du lịch nước Mỹ về cũng nhận ra. Có người thắc mắc sao lái xe trên đường vắng vào một hai giờ sáng, gặp bảng “stop” cũng phải đừng lại, sao một đứa bé phải đi tìm cái thùng rác để vứt cái giấy kẹo nhỏ chỉ bằng hai ngón tay, sao ở đây xe hơi nhiều như thế mà không nghe một tiếng còi? Trong cái không khí dễ chịu, thanh thản, an lạc người ta cảm nhận ra khi bước chân trở lại một nơi, có một chút mỉa mai, không phải là quê nhà của mình.

Chúng ta bước đi từ môi trường tử tế, trong lành của miền Nam qua giai đoạn “thống nhất” để bước đến một xã hội hỗn loạn như hôm nay, khi mà con người tốt đẹp dần dà trở thành vô cảm, lừa lọc, gian trá, đạp lên nhau mà sống, để mưu tìm một đời sống ích kỷ cho riêng mình, mà không thấy đó là bất thường, bất nhân và vô loại.

Thì chúng ta, trong xã hội này, cũng theo lời ông Khổng Tử: “ Ở chung với người bất lương, như vào trong chợ cá ươn, lâu mà chẳng biết mùi hôi, vì mình cũng hóa ra hôi vậy!” Như người mới vào chợ cá, lúc đầu còn nghe mùi hôi tanh, dần dà quen thuộc, không còn nghe mùi tanh tưởi khó chịu nữa, như người quân tử sống với kẻ tiểu nhân, dần dần đồng hóa bởi cái xấu mà mình không hay biết. Thử hỏi một viên chức trong chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện nay, xem những chuyện cường quyền áp bức, mạng sống của người dân xuống hàng súc vật, con người chỉ biết có đồng tiền và dục vọng, tráo trở, vô đạo lý hiện nay có là điều gì làm cho con người lạ lùng, khó chịu không? Hay đó là chuyện bình thường, thấy đã quen mắt, nghe đã quen tai, đầu óc đã xơ cứng, chai đá như khứu giác của con người ở lâu trong chợ cá, còn đâu phân biệt được mùi hôi nữa!

Ðiều cuối cùng chúng tôi muốn nói là sự may mắn đã giúp ta có cơ hội không phải chỉ cho riêng mình mà cả con cháu đời sau, tránh khỏi được kiếp oan nghiệt, ra khỏi được cái chợ cá ấy, được sống trong cái “chi lan, chi thất” cái vườn lan thơm ngát, mà qua một thời gian chúng ta không còn cảm nhận được mùi thơm nữa, nhưng trên thực tế, mùi thơm đó vẫn hiện hữu.

Nhiều kẻ hãnh tiến vẫn cho rằng nước Mỹ nợ chúng ta mà quên rằng, món nợ của chúng ta, và cả con cháu đời sau đối với nước Mỹ thật khó lòng trả nổi.

26 thg 4, 2013

Đất nước có bao giờ buồn thế này chăng?

Trần Mạnh Hảo

Đêm trường ma giáo mặt trời đỏ
Những dòng sông là đất nước thở dài
Chó sủa trăng nhà ai ?
Không phải vầng trăng đất nước

Tôi ngồi ngót bảy mươi năm
Chờ một lời nói thật
Bầy sói tru ý thức hệ lang băm
Người nông dân bị cướp đất phải hát bài dân chủ
Đêm đêm thạch sùng tắc lưỡi bỏ đi

Đất nước đang treo trên sợi chỉ mành
Sợi chỉ mành 16 chữ vàng và dối lừa 4 tốt (1)
Có kẻ rước giặc lên bàn thờ
Xì sụp lạy khấn tàn nhang chủ nghĩa
Những giáo điều làm cơm nguội bơ vơ

Xin cứ tự do bán lương tâm cho chó
Vãi linh hồn vào thùng rác nhân dân
Mối mọt ăn rào rào lòng rường cột
Ôi thương thay giẻ rách cũng tâm thần
Anh sẩm bạc đầu dẫn đường dân tộc
Đám gà què bàn hiến pháp cối xay

Đất nước có bao giờ buồn như hôm nay
Những thiên đường vỡ chợ
Những học thuyết đứng đường
Hoàn lương tượng đài
Hoàn lương chân lý
Nghị quyết còn trinh bạch cũng hoàn lương

Không ai đuổi cũng giật mình bỏ chạy
Nhốt hết mây trời vào hiến pháp tự do
Mơ được đứng bên lề đường
Nói một câu gan ruột
Đất nước buồn
Đất nước bị ruồi bu

Đất nước bị cầm tù trong ngực trái
Chưa kịp nghĩ một điều gì
Sao đã toát mồ hôi ?
Có nơi nào buồn hơn đất nước tôi ?

Lý tưởng của loài dơi là muỗi
Dơi bay đêm cho đất nước đỡ buồn
Không ai tin vào hoa hồng nữa
Không ai tin vào dơi nữa
Dơi trở về làm chuột khoét quê hương

Sài Gòn, 24-4-2013

25 thg 4, 2013

Chánh Nghĩa VN Cộng Hòa


Vi Anh

Sự thật là sự thật, dù Ông Trời cũng không thể thay đổi được. Điều này có thể thấy qua chánh nghĩa của Việt Nam Cộng Hoà, một sự thật mà những người Phản Chiến và Thiên Tả Mỹ cố phủ lên một lớp bụi mờ nhưng đã thất bại.

38 năm qua, mà mỗi lần tháng Tư đến, mỗi lần có sự kiện gì lớn về chiến tranh của Mỹ, là người Mỹ và người Việt hồi tưởng, hoài niệm lại Chiến Tranh VN. Khi TT Obama cử Thượng Nghị sĩ Kerry làm bộ trưởng ngoại giao, Cựu TNS Hagel làm bộ trưởng quốc phòng, có nói hai ông này là cựu quân nhân tham chiến Chiến Tranh VN như lời tuyên dương công trạng.

Như kỷ niệm ngày 29-3-2013 Mỹ rút quân ra khỏi VN, đài VOA tiếng nói chánh thức của chánh quyền Mỹ loan tải “Các tiểu bang trên khắp nước Mỹ, trong đó có Alaska và Missouri, tuần tự tuyên bố ngày 29 tháng Ba, và 30 tháng Ba là Ngày Cựu Chiến Binh Việt Nam, để tri ân những sự hy sinh to lớn của các quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.”

Còn VNCH sau khi Mỹ rút hết quân, dù CS Bắc Việt còn được lại Miền Nam và được TC và Liên xô tăng cường viện trợ theo hiệp định Paris mà Mỳ ép VNCH phải ký và chấp nhận một thứ “hoà bình da beo” để Mỹ rút quân — VNCH vẫn tồn tại đến khi Quốc Hội Mỹ dưới áp lực của Phản Chiến đành đoạn cúp viện trợ, bức tử đồng minh VNCH vào 30-4- 1975.

Số tướng, tá, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ VNCH tự tử để giữ tròn khí tiết và danh dự với Tổ Quốc và Nhân Dân, chết rất nhiều, tỷ lệ rất cao so với các quân đội vì dân chiến đấu vì nước hy sinh của các nước trên thế giới.

Hàng mấy trăm ngàn cán chính VNCH vào tù cả chục ngoài năm, số chết trong tù không ít vì bị hành hạ thể xác và tinh thần. Hàng hai triệu người Việt dùng thuyền nang vượt đại duơng, chết phân nửa ngoài biển, rúng động lương tâm Nhân Loại. Tiếng Anh thêm một danh từ ghép “boat people”.

Chánh quyền Mỹ hối hận, lương tâm cắn rứt,dang tay ra đón nhận thuyền nhân, bộ nhân tỵ nạn CS và tổ chức cho an cư lạc nghiệp.

Số sách vở viết về Chiến Tranh VN quá nhiều. Tài liệu giải mật về Chiến Tranh VN vô số. Chân lý, chánh nghĩa Chiến Tranh VN càng ngày càng sáng tỏ. Danh dự quân đội Mỹ, quân đội VNCH được phục hồi. Mỹ thua Chiến Tranh VN ngay tại nước Mỹ, trên đồi Capitol, chớ không phải ở chiến trường VN.

Trên nước Mỹ, bức tường đen, tượng đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong trong Chiến Tranh VN dựng lên rất nhiều, ở nhiều nước, nhiều thành phố Mỹ tiêu biểu như ở Little Saigon, San Jose, Texas. Chẳng những thế ở các nước khác như Úc, Canada chánh quyền sở tại đều có tượng đài vinh danh tình đồng đội cùng tác chiền ở chiến trường VN.

38 năm đã qua, độ lùi thời gian đã quá đủ để chính người dân Việt so sánh đối chiếu càng biết, càng tiếc VNCH. Kể cả báo chí của CSVN như Tuổi Trẻ ở Saigon cũ, Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng cũng thừa nhận quân nhân VNCH đã tử chiến chống quân Tàu bảo vệ Trường sa và Hoàng sa.

Người dân Việt trong ngoài nước đều thấy cuộc sống trong thời Việt Nam Cộng Hòa dù trong chiến tranh nhưng hơn hẳn thời CS Hà nội dù đã hưởng hoà bình 38 năm rồi.

Thời VNCH sống dễ dàng, khoẻ re dù có chiến tranh. Anh chạy xích lô ở Saigon sáng cũng có thể ăn tô phở, chiều có thể lai rai chơi một chai bia Con Cọp. Một giáo sư trung học lương trên sáu bảy ngàn, ở trọ và cơm tháng khỏang 500$.

VNCH là biểu tượng bảo quốc an dân. Người dân VNCH chạy giặc là chạy ra vùng Quốc Gia, chớ không bao giờ chạy vô vùng Việt Cộng. VNCH sanh ra, lớn lên tòan trong thời chiến tranh, dân chủ, tự do của VNCH mới xây dựng, còn non trẻ và trong thời chiến. Dù thế người dân VNCH, từ Bến Hải đến Cà mau thực tế và thực sự có tự do và dân chủ nhiều hơn đồng bào của mình ở ngòai Miển Bắc CS từ Bến Hải trở ra Lạng sơn Cao Bằng.

VNCH trên thực tế và pháp lý, qua hình thức và nội dung có hiến pháp, có quốc hội, có đối lập, có tam quyền phân lập, hành pháp, lập pháp, tư pháp phân nhiệm, giám sát lẫn nhau và thực thi rõ ràng. Có lấn quyền, ủy quyền nhưng có tranh đấu, có sửa chữa để hiến pháp là đạo luật tối thượng của chánh quyền VNCH.

Trong xã hội có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do cư trú, đi lại trong ngoài nước.

Có báo của tư nhân, có nghiệp đòan nhà báo, của công nhân, có biểu tình ủng hộ, biểu tình chống chánh phủ.

Dĩ nhiên không tòan thiện, tòan mỹ, nhưng có và phát triển ngày tốt đẹp hơn.

Có tham nhũng, hối lộ nhưng không trầm trọng hết thuốc chữa, biến thành quốc nạn như thời CS Hà nội. Thế mà VNCH quyết liệt thành lập một cơ quan hiến định là Giám sát Viện để bài trừ.

VNCH không có một vị tổng thống, thủ tướng, tướng lãnh, dân biểu, nghi sĩ, bộ trưởng nào của VNCH di tản ra ngọai quốc có đủ tiền mua cái nhà một triệu đồng. Có tướng người phài đi làm thợ sơn, nghị sĩ bán xăng, dân biểu đi cắt chỉ, sĩ quan, công chức đi cắt cỏ trong buổi ban đầu để nuôi gia đình, cho con đi học trong thời chân ướt chân ráo.

VNCH không có đại nạn bằng cấp giả trở thành phong trào “cao cấp” như mấy ngàn tiển sĩ “dỏm” như VNCS bây giờ.

TT Nguyễn văn Thiệu khi Mỹ bắt tay được với TC, cúp viện trợ VNCH, thân cô thế cô cũng quyết gìn giữ đất nước ông bà để lại với trận tử chiến của Hải quân VNCH ngòai đảo Hòang sa năm 1974.

Trong khi đó suốt gần hai phần ba thế kỷ ở Miền Bắc và hơn một phần ba thế kỷ ờ Miền Nam, Đảng Nhà Nước CS thống trị VN chưa bao giờ thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hoàn toàn không có phân quyền tam lập Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp gì. Chỉ Đảng Nhà Nước CS độc tài đảng trị tòan diện.

Nên 38 năm qua người Việt ở Bắc, ở Trung, ở Nam, ở hải ngọai càng biết càng tiếc Việt Nam Cộng Hòa. Vì đó là chân lý lịch sử, đó là chánh nghĩa của thể chế VNCH./.

22 thg 4, 2013

Tháng Tư, sống và chết


Huy Phương

Chết không phải là đã tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.

(Chúc Thư)

Trong một cuộc phỏng vấn với một sĩ quan VNCH đã trải qua những giờ phút kinh hoàng trên bãi biển An Dương vào ngày 26 Tháng Ba, 1975, khi một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến bị kẹt lại trên bờ biển, trước mặt là biển cả chỉ có một chiếc tàu nhỏ hải quân vào đón thương binh, sau lưng là quân thù và đạn pháo, phần lớn những người lính thất trận đã bị “chết cạn” trên bờ biển tại đây hay bị bắt làm tù binh, tôi đã đặt câu hỏi với người lính còn sống sót đến hôm nay, là điều gì khiến cho ông suy nghĩ nhất, sau ba mươi tám năm dài trôi qua?


Thẻ bài tử sĩ tìm thấy trên bãi biển An Dương. (Hình: Huy Phương)

Ðiều ông nói có thể khi mới nghe qua, chúng ta ngạc nhiên, nhưng nghĩ lại nghe thật giản dị, nhưng không khỏi xót xa:

“Ðiều ân hận của tôi là đã không được chết!”

Tôi nghĩ rằng câu nói của ông, người lính già, trong giờ phút nhắc lại chuyện cả một quân đội tan rã, bao nhiêu người đã nằm lại trên những con đường lui binh, trên những bờ biển tuyệt vọng của miền Nam, là một câu nói phát xuất từ đáy lòng, không khoa trương hay đại ngôn chút nào, bởi sự sống có trăm nghìn lần khó khăn hơn sự chết!

Bản năng sinh tồn của mọi loài là cố bám lấy sự sống. Chúng ta cũng không trách ai những ngày hỗn loạn, tìm được một chỗ trên trực thăng hay ra đi với toàn bộ gia đình an toàn trên một chiến hạm ra khơi trong khi xe tăng của địch quân đã vào đến Sài Gòn. Khi những con tàu rời bến Khánh Hội, khi những chiếc trực thăng đã bốc lên cao giữa một thủ đô đang hứng chịu những quả đạn pháo kích cùng với cảnh hỗn loạn của một giờ thất thủ, ở những nơi nào đó, có những người lính đang tuân thủ lệnh chỉ huy giữ đất một phút không rời, hay thất vọng đành quàng vai ôm nhau, chia chung cái chết.

Ba mươi tám năm sau, những người còn sống sót, bằng cách này hay cách khác, lần lượt ra khỏi đất nước, đã thật sự còn sống không hay cũng như đã chết. Có những vị tướng đã chết lẫm liệt, cho những ông tướng khác sống cuộc đời tầm thường trên đất khách, ngày hai buổi sáng chiều và chết quạnh quẽ, hay thậm chí còn quay về bợ đỡ kẻ thù.

Có những người lính đã chết trong những giờ cuối cùng để cho chiến hữu họ được sống, qua ngày đoạn tháng, trở về trên những con đường tắm máu ngày xưa, nhưng đầu óc trống rỗng, ngu ngơ như những người mất trí nhớ. Có những người còn thân thể còn lành lặn nhưng tâm thần tê liệt, trở lại rong chơi giữa số phận nghiệt ngã của đồng đội què cụt quanh mình.

Trở lại câu trả lời của người lính già, ông nói ngày xưa, nếu nằm lại với anh em trên bãi biển, cái chết đến một cách thật dễ dàng, nhưng cái sống bao nhiêu năm nay quả là khó, vì không biết sống thế nào cho đáng sống, cho khỏi hổ thẹn với chính mình, nhất là khi nghĩ đến những người đã chết ngay trước mặt mình, đã chết ngay sau lưng khi mình đã may mắn được ra đi.

Sống phải chăng không dễ, vì sự sống còn mang nặng nghĩa vụ với những người đã chết.

Chúng tôi xin nhắc lại một câu chuyện cũ. Ngày 21 Tháng Sáu, 1945, khi quân đội Nhật không giữ được Okinawa, tại bộ tư lệnh của đơn vị tại Mabumi, Tướng Mitsuri Ushijima đã viết thư trình lên Thiên Hoàng Hiro Hito báo cáo về tình hình chiến sự tại Okinawa và tạ tội không giữ được đảo, trước khi tiến hành việc mổ bụng tự sát, ông đã nói với Ðại Tá Hiromichi Yahara:

“Ðại Tá Yahara, ông cũng như tôi lẽ ra phải tự sát. Nhưng tôi ra lệnh cho ông ở lại. Nếu ông chết, sau này còn ai có thẩm quyền để kể lại về trận chiến Okinawa này. Mặc dù sống sau khi thua trận là nhục nhã, nhưng đây là lệnh từ cấp chỉ huy của ông!”

Yahara do đó là sĩ quan cao cấp bên phía Nhật sống sót sau trận đánh và về sau ông đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề “Trận Ðánh Vì Okinawa.” Như vậy, sống còn phải chăng cũng là một nghĩa vụ?

Lòng dũng cảm không chỉ dành cho những vị anh hùng đã tự sát. Sống cũng cần lòng dũng cảm. Từ ba mươi tám năm nay có những người sống trong sợ hãi, tê cứng tứ chi và đầu óc. Họ sợ khi trở về Việt Nam bị công an làm khó dễ, họ sợ con cái của họ còn ở bên kia sẽ bị liên lụy, họ sợ sẽ không được trở về để thăm viếng người thân, nếu ở bên này họ có một cử chỉ hay lời nói nào chống lại hay gây bất lợi cho chế độ trong nước. Toàn là những cái sợ cho lợi lộc của bản thân. Chúng tôi cũng xin nói thêm đây không phải là một người dân bình thường, tình cờ một đêm nọ, có mặt trên bãi biển, là điểm hẹn của những người vượt biển, nên bị lùa xuống ghe, bất đắc dĩ phải bỏ nước ra đi, mà họ là những người quyết định chọn cái chết để tìm con đường sống, hay đã đánh đổi bằng những năm tháng tù đày khốn khổ nơi chốn rừng thiêng nước độc. Họ cũng không phải là những người lính vô danh, những người này có hoạt động trong các hội đoàn, có tên tuổi, có chức vị.

Một lần tôi có hẹn phỏng vấn với một cán bộ xây dựng nông thôn trên một chương trình truyền hình về quá trình hoạt động của đơn vị ông trước năm 1975. Trước giờ thu hình, tôi gọi điện thoại cho ông, ở đầu dây bên kia, vợ ông trả lời “ông không có nhà.” Tôi ngỡ rằng ông đang trên đường đến đài truyền hình, nhưng khi tôi xưng danh tánh, bà vợ cho tôi biết “ông đã đi xa - out of town!” Trời đất! Mới hôm qua đây, ông “ừ è” với tôi, mà chỉ trong thời gian, chưa đến 24 tiếng đồng hồ, ông đã trốn chạy một buổi phỏng vấn, cũng là trốn chạy cái dĩ vãng mà ông thường tự cho là hào hùng ngày xưa, chỉ vì một nỗi sợ hãi nào đó, mà bản thân ông không đủ can đảm nói thật với tôi là ông sợ.

Một người nữa đang sống, bề ngoài có vẻ hào hùng nhưng còn sợ hãi. Ðây là một cựu sĩ quan có chức vụ trong một hội đoàn cựu quân nhân, và vào dịp Tháng Tư năm nay, tôi muốn mời ông lên một chương trình nói về những ngày “lui binh.” Ðến giờ thu hình, không thấy ông đến, sốt ruột, tôi gọi cho ông. Ông trả lời vắn tắt, trong khi đèn đuốc, sân quay, chuyên viên và cả tôi đang chờ ông: “Tôi bận, không đến được!”

Ông biết truyền thông đi xa, có khi về tận bên kia, cẩn thận ẩn mình đi là tốt. Có điều tôi không hiểu sao ông lại dấn thân đi làm việc cộng đồng, trong khi lòng ông đầy sự sợ hãi. Ông muốn về Việt Nam chăng, hay là ông còn mẹ, còn em mà ông lấy cớ muốn bảo vệ họ, sự sợ hãi lớn lao đến dường ấy hay sao? Bây giờ mà cái bóng ma cộng sản còn lởn vởn bao trùm lên đời sống của ông, một người đã cao bay xa chạy, trong khi tuổi trẻ ở trong nước, những người dân bị phản bội, sống giữa kìm kẹp tù đày, vẫn không hề biết sợ hãi là gì!

Tướng McArthur nói: “Old soldiers never die; they just fade away - Người lính già không chết; họ chỉ phai nhạt dần đi.” Chết đã đành, sống mà phai nhạt, mờ dần trong quên lãng như cỏ cây, thì còn gì buồn hơn nữa!

Chết và sống, điều gì khó hơn?

17 thg 4, 2013

Nói như Vẹt


Nói như Vẹt

© Nguyễn Qúy Đại

Từ nhỏ tôi từng nghe người ta nói, nuôi con nhồng hay sáo cho ăn thịt mỡ, ăn ớt, lấy lá tre cắt một chút lưỡi, dạy nó sẽ nói được tiếng người. Tôi chỉ nghe tiếng chim ca hót ngoài trời, nhưng chưa được nghe các loại chim nói tiếng người. Tết vừa qua gia đình tôi tới thăm anh chị ở Houston, các con của anh chị trưởng thành ra trường đi làm xa nên nhà rộng và trở nên vắng lặng. Lúc trước chúng tôi đến thăm có hai con chó rất đẹp, hiền dễ thương ngồi dưới chân tôi giờ nầy không còn nữa, anh chị cho biết đi làm cả ngày ngoài tiệm Furniture, 2 con chó ở sân sau bị bọn ăn trộm bỏ thuốc độc chết, cạy cửa nhà ăn trộm nên bây giờ nuôi chim cho vui.

Ở Việt Nam đời sống còn nghèo nên có người ăn trộm, sang xứ văn minh nầy cũng không thiếu người lười biếng, không muốn đi làm mà thích đi ăn trộm mới là chuyện lạ…thỉnh thoảng cũng có những trường hợp cướp của giết người bị ngồi tù rục xương hay tử hình trên ghế điện. Đời sống tập hợp xã hội là vậy, sống đàng hoàng ở đâu cũng phải đổ mồ hôi để trả nợ áo cơm, tiền không rơi từ trên trời xuống. Người Việt tỵ nạn đến Mỹ với 2 bàn tay trắng làm nên sự nghiệp sau 38 năm thật thành công, nơi nào có người Việt sinh sống nơi đó trở nên phồn thịnh, nhà cửa vườn tược đều to lớn, có thể xứ Mỹ đất rộng nên đời sống phát triển và hội nhập dễ hơn các quốc gia Âu Châu? Ngoài vườn những cây hoa đào, cây táo đang nở rộ màu hồng mơn mởn bên hồ nước xanh dưới đáy còn rong rêu và những chiếc lá khô…Chủ nhà không có thời giờ dọn dẹp, thay nước vì sáng từ 9 gìờ đi cho đến 21 giờ về nhà, làm sổ sách cho tới nửa đêm, tuần lễ 7 ngày không nghỉ.
Nhà rộng hơn 300 m², trong khi ở Đức hai người chỉ cần khoảng 70-80 m² là đủ. Nhà của anh chị không có trẻ em, bỗng nhiên tôi nghe tiếng nói thánh thót cuối phòng khách “ba mẹ về“, con Papagei màu xanh xinh đẹp anh chị nuôi từ lúc nó còn nhỏ, dạy nó nói được mấy câu thông thường, phải nhốt nó trong cái lồng lớn nếu nó bay ra ngoài cắn phá tùm lum. Con vẹt lấy mỏ kéo trên song sắt chuồng làm tiếng chuông điện thoại reo và nó nói tiếp “VC xấu“ nghiã là Việt cộng xấu. Cả nhà đều cười, chính quyền CSVN thường kết tội những người đối lập là phản động…Còn con vẹt nầy gọi họ Việt cộng xấu, chắc chắn họ đập đầu nó từ lâu.
Hàng ngày chị chăm sóc cho nó ăn và dạy nó nói, chị ghét bọn CS sau 30.4.1975 cướp tài sản đuổi gia đình chị đi vùng kinh tế mới, mẹ chị phải xuống Vĩnh Long làm nhà lá nhỏ bên một dòng sông sống tạm. Đứa em gái út không quen tắm sông bị nước cuốn chết. Người em khác vượt biên bị mất tích trên biển Đông…Gia đình chị và các em trai còn nhỏ, không có ai tham gia chính quyền VNCH, ba mất sớm mẹ mở tiệm bán vải và áo quần để nuôi các em ăn học, “giải phóng miền Nam“ gia đình chị là nạn nhân của chế độ, bị kết tội “tư sản mại bản“…May mắn sau khi chị thành hôn với anh cùng vượt biển tới Thái lan, định cư Hoa Kỳ từ năm 1978, lúc nào chị cũng bị ám ảnh với buổi sáng thuở nào đám thanh niên nam nữ là đoàn viên thanh niên CS tới ở trong nhà, kiểm soát sợ tẩu tán tài sản, sau đó tịch thu nhà đuổi đi kinh tế mới. Dù 38 năm trôi qua, hơn 34 năm sống ở đất nước tự do nầy, nhưng vẫn còn ghét CS vừa ăn cướp vừa la làng. Sau khi thống nhất đất nước, đảng CS cai tri sai lầm trầm trọng như: cải cách công thương nghiệp, đánh tư sản, đổi tiền, bế môn toả cảng, làm tàn lụi nền kinh tế miền Nam đi ngược lại với lợi ích dân tộc VN, nên chị dạy con vẹt chửi VC cho đỡ buồn…“
Đổi đời mỗi gia đình miền Nam không ít thì nhiều đều phải gánh chịu cảnh bi đát, khốn cùng trong những hoàn cảnh khác nhau như Sĩ quan, công chức của VNCH bị kết tội “ngụy quân, ngụy quyền“ tập trung đi cải tạo, khốn nạn thay có nhiều nơi tịch thu tài sản đuổi vợ con họ đi kinh tế mới…ngày nay nếu về thăm Việt Nam, trở lại căn nhà cũ không khỏi ngậm ngùi rơi nước mắt, tài sản của mình trước đây bị sang đoạt cho cán bộ CS. Dù nay có tin đồn có thể lấy lại được nhà nhưng nếu có lấy được thì cũng phải tốn tiền hối lộ, đút lót, đắt hơn mua một căn nhà mới!

Những câu chuyện nói như vẹt trong đời sống tại miền Nam sau 1975, có lẽ chúng ta khó quên. Cán bộ CS tuyên truyền nói như một cái máy, người nào cũng một luận điệu như nhau, “xã hội chủ nghiã ưu việt“, “đỉnh cao trí tuệ…“. Trong các trại tập trung cải tạo thì cán bộ quản giáo, chính trị viên cũng nhai đi nhai lại những đề tài giống nhau, đảng bảo sao nói vậy. Không khí sinh hoạt miền Nam bị chùng xuống, thảm thương bởi đàn vẹt bay từ phương Bắc vào Nam. Thời trước người quốc gia không thích CS thì gọi “nói như vẹm“, ngày nay phải nói là „cộng sản nói như vẹt“
Người làm việc cho cơ quan nhà nước các ngành như: Bưu điện viễn thông, du lịch… muốn tiến thân phải vào đảng, trường đảng đào tạo phải nói như đảng, đảng biến con người trở thành một công cụ, tư tưởng và suy nghĩ phải một chiều theo đảng dạy… Hiện nay chúng ta thấy nhà nước tổ chức bầu cử Quốc Hội, đó chỉ là trò giả dối và lừa bịp. Với hình thức bầu cử Quốc Hội, những dân biểu đều do đảng đưa ra “Khi Đảng đồng ý, chấp nhận thì mới thực hiện quyền tự ứng cử, đảng cử dân bầu.” cử tri không biết mặt người được ứng cử là ai, họ đã và đang làm được gì cho dân, cho nước. Cử tri không có quyền lựa chọn nào hơn là bỏ cho người đã ghi sẵn trong danh sách, thật là trò hề thời đại. Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam không dám cho phép thế hệ trẻ tài giỏi có đạo đức ra ứng cử, tranh cử độc lập để cử tri chọn lựa lãnh đạo đất nước? Nhìn bề ngoài Việt Nam cũng có Quốc Hội, dân biểu đại diện cho dân nhưng đại đa số là nghị gật, dân biểu bù nhìn, như con vẹt nói theo đảng, làm theo đảng, chỉ một vài dân biểu dám nói lên một số nguyện vọng chính đáng của nhân dân như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết? Nhưng có lẽ họ chỉ là “ một con Én không làm nổi mùa xuân“
Những con vẹt đã quen với cái lồng của mình đâu biết bên ngoài là bầu trời bao la tươi đẹp, như con ngựa bị bịt mắt chỉ nhìn thấy một quãng đường…Việt Nam của thế kỷ 21 vẫn còn những con vẹt làm người của XHCN. Thế giới văn minh, các quyền tự do căn bản của con người về dân sự và chính trị được tôn trọng và bảo đảm được ghi trong Công ước Quốc tế. Dù Việt Nam chính thức tham gia Công ước này vào năm 1982 nhưng những quyền tự do đó bị gạt bỏ ra ngoài và chủ trương cai trị giáo điều của đảng CSVN. Việt Nam không có tự do báo chí, không có những cơ quan truyền thông độc lập, hầu hết là báo quốc doanh, đều do nhà cầm quyền và đảng kiểm soát. Báo chí các đài truyền hinh, tuyền thanh là phương tiện tuyên truyền cho đảng mà thôi. Thế hệ trưởng thành sau 30.4.1975 bị nhồi sọ bởi tư tưởng CS, thành phần trẻ trí thức yêu nước chỉ đếm trên đầu ngón tay! Xã hội CS tạo ra con người sợ hải, vô cảm, chỉ biết đua đòi vật chất làm sao có được nhiều tiền dù đồng tiền dơ bẩn, bất lương …dẫn dắt con người đến môi trường ăn chơi, hưởng thụ để nhà cầm quyền dễ bề cai trị. Lịch sử bị bóp méo, như cờ Trung cộng in trên sách tham khảo, sách tập đọc và gần đây là sách giáo khoa, sách đọc tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục, lại quên Hoàng Sa, Trường Sa, việc đài truyền hình VTV1 đưa hình cờ Trung cộng có thêm một ngôi sao, Người Việt xem phim Tàu, đọc sách Tàu, xài hàng Tàu, việc đó là nguy cơ sẽ bị nô dịch văn hóa Tàu. Hệ thống giáo dục chỉ trọng bằng cấp, nạn mua bán bằng dỏm, bằng ma…Làm giá trị những sinh viên tài giỏi chăm học có bằng thật bị lu mờ bởi vàng thau lẫn lộn …vì vậy bằng Đại học Việt Nam cũng như giấy bạc lưu hành trong nước không có giá trị ở nước ngoài.

Sau 38 năm thống nhất đất nước, người Việt trong nước có miệng ăn không có miệng nói. Nói ra thì bị bịt miệng, bằng chứng linh mục Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa tại Huế, bị công an bịt miệng kéo ra khỏi phòng xử trước các giới truyền thông thế giới. Đó là một hình ảnh chứng minh chế độ độc tài của CS Việt Nam không để cho bất kỳ ai khác nói lên tiếng nói đối lập. Hình ảnh nầy ở trong nước là chuyện bình thường, vì nó xảy ra khắp nơi trên đất nước, Nhưng bức hình bịt miệng nầy đối với người Việt sống ở các quốc gia tự do trên thế giới là một sự sỉ nhục đối với dân tộc Việt Nam.
Cán bộ tham nhũng hối lộ có hệ thống từ trên xuống dưới, cái dù che cái cán. Chúng bao che lẫn nhau, cướp đất, cướp nhà làm giàu trên xương máu của nhân dân. Thử xem lương tháng của cán bộ đảng CSVN bao nhiêu mà họ đưa con, cháu du học tại các đại học Mỹ đắt tiền, không dưới 30 ngàn dollar một năm, mua nhà, mua xe, sống vương giả xài tiền như nước. Trong lúc người dân đời sống không đủ ăn, bệnh không tiền mua thuốc, con cái thất học đi bán vé số, đánh giày, kiếm tiền sống lây lất qua ngày!
Đất nước phát triển về du lịch, những khu giải trí ăn chơi, nhà hàng khách sạn mọc lên như nấm, Sài Gòn ngày nay „đủ các món ăn chơi từ Thiên đường đến Hạ giới“. Ngược lại thiếu bệnh viện chăm lo sức khỏe cho dân nghèo, bệnh nhân phải nằm một giường 2 người, phải tự mua thuốc, phải lót tay tiền cho bác sĩ để được chửa bệnh! xã hội đầy dẫy bất công đời sống đạo đức bị băng hoại, nhìn lại Việt Nam phát triển còn chậm so với các nước láng giềng. Nhà cầm quyền Việt Nam được các quốc gia Tây phương và LHQ cứu đói giảm nghèo mỗi năm hàng tỷ USD, chưa tính người Việt hải ngoại gửi về trên 8 tỷ USD. Mở cửa để hưởng tiền viện trợ nhưng cửa tự do dân chủ thì khép kín! Đời sống của người dân ở cao nguyên các vùng nông thôn còn nghèo đói, học sinh phải đu dây qua sông đi học…
Đảng CSVN luôn đánh bóng chế độ có tự do, nhưng thực tế đảng chủ trương đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, tiếp tục thi hành chính sách độc tài, bắt bỏ tù hàng ngàn người điển hình là những vụ án phi công lý „bản án đã định trước khi ra tòa“ bị kết tội theo điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền và điều 88 tuyên truyền chống lại nhà nước. Những người tù lương tâm như: Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Thị Phong Tần, Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, 14 Thanh Niên Công Giáo yêu nước… Đau đớn thay nhiều người bị án tù gần 30 năm như ông Nguyễn Hữu Cầu bị bỏ quên trong nhà tù không được ân xá. Công an cũng như côn đồ dùng vũ lực đàn áp, đánh đập người tham gia biểu tình chống Trung cộng và thường xảy những vụ đánh chết người, bắt đàn bà, con gái cỡi truồng để khám xét…những hành động thiếu đạo đức, thiếu văn hóa chỉ có ở Việt Nam.
Ngày 11.4.13, một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam diễn ra ở văn phòng quốc hội Hoa Kỳ. Qua cuộc điều trần này cho thấy tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng bị vị phạm một cách trầm trọng. Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 http://danchua.org/3336.0.html, cũng như góp ý của 72 trí thức (gọi tắt là Kiến nghị 72) ký thỉnh nguyện thư đòi hỏi thay đổi điều 4 để đưa đất nước đến tự do dân chủ. Nhà cầm quyền CSVN sợ mất đảng, mất quyền lợi để vinh thân phì gia, nên ra lệnh cho tổ dân phố, công an khu vực đến từng nhà là hình thức ép người dân phải đồng ý với Hiến pháp 1992. Nhiều người cho biết họ lo sợ nếu góp ý trái với ý đảng CS, thì sẽ bị trù dập, gây khó dễ và bị mất việc. Cái sợ đã đưa không ít người đến thờ ơ, vô cảm. Họ thờ ơ đến nổi không biết tại sao nhạc sĩ Việt Khang, Điếu Cày… bị tù.
Dân tộc VN đã chịu quá nhiều khổ đau, đến bao giờ thoát được chế độ độc tài, đảng trị để có đời sống đủ các quyền tự do căn bản của con người … Hơn hai thập niên qua kinh nghiệm ở các quốc gia Đông âu như: Đông Đức, Balan, Tiệp, Hung Gia lợi…các dân tộc nầy đã đoàn kết một lòng đồng loạt đứng lên đấu tranh lật đổ bạo quyền, đem lại tự do, độc lập mà không cần đến súng đạn. Đối với Việt Nam, chỉ có giới trẻ trong nước cùng toàn dân không phân biệt tôn giáo đoàn kết tranh đấu bất bạo động và với sự tiếp tay của toàn thể người Việt hải ngoại để có thể đưa đất nước sớm đến tự do và dân chủ…
© Nguyễn Qúy Đại

11 thg 4, 2013

Sắt son

Phạm Tín An Ninh

Không ngờ tôi lại là người bưng tấm ảnh chị Ngà theo sau quan tài của chị. Và cũng chính tôi là người đào huyệt chôn chị. Đám ma của chị có lẽ là một đám ma buồn nhất mà tôi chứng kiến. Có cái chết nào lại không buồn. Những ngày ở trong trại “cải tạo”, tôi đã từng khiêng xác vài người bạn tù đi chôn ở ven triền núi hoang vắng đến lạnh lẽo, trong cảnh nhá nhem của buổi chiều đông trên khu núi rừng Việt Bắc.

Nhưng đó là chuyện trong tù, còn hôm nay ngay trên làng quê mình, chị Ngà đến nơi an nghỉ cuối cùng mà không có một người ruột thịt tiễn đưa, ngay cả cái áo quan cũng do bà con láng giềng góp tiền mua cho chị.

Chị nằm bên cạnh cha mẹ cùng người em trai, trên một ngọn đồi đầy những cỏ may và cây hoa bộng giếng, nhìn xuống cái làng quê mà gần cả một đời chị sống quanh quẩn ở đây, cô đơn, lặng lẽ.

Chôn cất xong, mọi người ra về, tôi nán lại, dựng tấm bia bằng gỗ trước mộ chị. Khi ngồi một mình nắn nót viết cái tên của chị lên tấm gỗ, nước mắt tôi ràn rụa, mơ hồ như thấy mình đang trở về cái thời nào đó thật xa xăm.

Ngày xưa cha tôi làm thầy giáo, dạy trường Pháp Việt. Tôi mồ côi mẹ từ lúc mới lên ba, cho nên những ngày đi dạy học ông thường dắt tôi theo. Đến lớp, ông giao tôi cho mấy anh, chị học trò lớn của ông để tôi vừa chơi vừa học. Nhờ vậy mà lúc còn bé tí xíu tôi đã biết “con ngựa cheval nhảy qua hòn núi montagne ăn cỏ herbe uống nước de l’eau “.

Trong số các anh chị dạy tôi học, tôi thích nhất là chị Ngà. Chị là con gái lớn của ông bà Tần, chuyên nuôi tằm, bán tơ, một gia đình thuộc hàng khá giả trong làng, có ngôi nhà ngói lớn, ở cách nhà ông bà nội tôi chỉ mấy cái vườn cây. Chị Ngà có làn da trắng, mái tóc thật dài. Lúc nào gặp tôi chị cũng cười và nói năng nhỏ nhẹ. Nghe cha tôi nói lại, chị hiền lành ngoan ngoãn và học rất giỏi, nên là một trong số học trò cưng của cha tôi. Thấy tôi mồ côi mẹ, lại là con của thầy mình, nên chị rất thương tôi. Ngay cả những ngày nghỉ, chị cũng thường ghé lại nhà ông bà nội, dắt tôi đi chơi, mua cho tôi mấy con bò, con gà bằng đất. Có điều tôi ít khi đến nhà chị, vì rất sợ những con tằm. Tôi bảo đó là những con sâu, mặc dù chị tốn bao nhiêu công sức để nói về lợi ích của con tằm đã làm nên tơ lụa, và những con bướm đẹp đẽ đang bay ngoài vườn kia là hoá thân từ chính những con tằm. Nhưng lúc ấy tôi nghĩ là chị đã kể từ một chuyện thần thoại nào đó nên không tin những điều chị nói.

Cả một thời ấu thơ, lớn lên ở nhà ông bà nội, ngoài cô Út ra, chị Ngà là người mà tôi gần gũi nhiều nhất. Chị có một người em trai tên Ngọc, lúc nhỏ tôi rất phục tài đá banh của anh. Gần như không trận bóng nào có anh mà thiếu tôi trong hàng khán giả nhi đồng. Nhờ anh mà đội bóng cùa làng tôi giữ chức vô địch mấy năm liền trong huyện. Tôi mê anh đá banh, nhưng nhiều cô gái trong làng thì mê anh đẹp trai, cao lớn. Sau này anh đăng vào lính thủy quận lục chiến. Nghe nói anh đánh giặc hăng lắm, nên mới ba năm đã lên tới chức trung sĩ. Lâu lâu về phép dắt theo cô bồ có mái tóc quăn, trông anh oai phong lắm.

Khi tôi từ giã quê lên tỉnh học, cũng là lúc chị Ngà ra nghề làm cô giáo, dạy một lớp nhỏ trường làng, rồi lấy chồng. Tôi cũng vinh dự được mời, và quà cưới tôi cho chị hôm ấy là bức tranh chân dung của chị do chính tay tôi vẽ. Tưởng chồng chị là ai, hoá ra là anh Phúc,cũng là học trò của cha tôi, học trên chị một lớp, người cùng làng. Nghe nói anh học giỏi, nhưng thầm lặng, ít nói và không thích giao du với bạn bè. Anh là con trai một của bà ba Tịnh. Bà góa chồng từ lúc nào tôi không biết. Chỉ nghe người ta bảo ông Tịnh theo vợ bé, là một cô đào trong gánh hát rong, rồi biệt tăm luôn.

Anh Phúc thi đậu lấy bằng primaire, nhưng viện cớ mẹ goá con côi, nên không đi làm công chức như những người khác, mà lại tự mình khai thác một khu vườn bên kia sông Gốc, trồng nhiều loại cây và có ao nuôi cá. Trong làng ai cũng khen anh biết tính toán và có lòng hiếu thảo.

Trong đám học trò của cha tôi cũng có vài anh khác ngắm nghé chị Ngà, nhưng vâng lời cha mẹ, chị lấy anh Phúc, bởi anh là con một của bà mẹ góa, được nhà nước cho miễn dịch, khỏi phải đi lính xa nhà, để chị còn được gần gũi săn sóc ông bà khi đến tuổi già. Đám cưới nhà quê, nhưng khách khá đông, mà hầu hết là bạn học của hai người và cũng là học trò của cha tôi.Trong lễ cưới, sau khi cô dâu chú rể lạy tạ cha mẹ hai bên, rồi xin được lạy cha tôi một lạy để đền ơn sư. Cha tôi cầm tay anh chị dặn dò nhiều thứ, tôi không nhớ hết, chỉ còn mang máng hai tiếng thủy chung.

Từ ngày chị Ngà lấy chồng tôi ít có dịp gặp lại chị. Mặc dù nhà chồng chị cũng không xa mấy, nơi ven làng, bên con sông Gốc, mà phía bên kia sông là khu vườn của anh Phúc và cánh rừng tiếp giáp với dãy trường sơn.

Tôi gặp lại chị đúng vào một ngày buồn. Chỉ đứng nhìn chị ấy khóc. Anh Ngọc, em trai duy nhất của chị, bị tử trận đâu trong Rừng Sát. Cha mẹ chị ngất xỉu khi nhận chiếc quan tài mà không hề được báo trước. Đám ma hôm ấy nghiêm trang lắm, có cả ông quận và mấy anh lính bồng súng chào đi theo. Tôi dìu chị đi sau linh cửu, tiễn đưa anh Ngọc đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Điều làm tôi – và nhiều người – ngạc nhiên là trong đám ma của anh Ngọc, không ai nhìn thấy mặt anh Phúc, chồng chị. Mọi người thì thầm “cha nào con nấy, chắc là lại mê con đào hát nào, bỏ con Ngà rồi! ’’

Tội nghiệp cho chị và oan cho anh Phúc. Vì trước đó mẹ anh Phúc đã thay mặt con trai xin lỗi gia đình sui gia, bởi anh Phúc ốm nặng bất ngờ phải nằm bệnh viện.
Hai tháng sau, một trận lụt lớn tràn qua làng tôi, kéo theo một số nhà cửa và trâu bò, nhưng không có ai chết, ngoại trừ cái tin anh Phúc bị nước cuốn đi, khi anh còn ở khu vườn bên kia sông Gốc, chưa kịp về nhà. Mẹ anh Phúc rước thầy ngồi đồng đi tìm xác anh Phúc suốt mấy ngày liền, nhưng người ta nghĩ là xác anh đã trôi ra biển.
Trong nhà cũng lập bàn thờ, nhưng chị Ngà nhất định không chịu để tang. Chị bảo linh tính báo cho chị biết là anh Phúc, chồng chị vẫn còn sống. Có thể trôi giạt đến một nơi nào đó rồi được người ta cứu như câu chuyện nàng Thúy Kiều mà chị thường đọc cho cha mẹ chị nghe…

Tôi rời quê vào Sài gòn học, rồi sau đó đi lính. Lâu lâu nghỉ phép về quê, tôi tìm đến thăm chị. Sau ngày cha mẹ mất, chị nghỉ dạy học, bán ngôi nhà ngói lớn của ông bà, đem tiền bạc về xây lại ngôi nhà mẹ chồng thành ngôi nhà lớn ba gian, mua luôn cả khu vườn bên cạnh có trồng đủ loại cây ăn trái. Chị dành lại một số tiền mở một nhà máy xay xát nhỏ, nuôi bà mẹ chồng bị đau bệnh mấy năm nay, chỉ nằm một chỗ.
Trong làng, có người thì bảo chị ấy “khôn nhà dại chợ, bán nhà cha mẹ để gây dựng nhà chồng, và mang cả bàn thờ cha mẹ, em út sang bên ấy, không sợ tủi hổ vong linh”. Nhưng cũng có người, trong đó có ba tôi, thì khen chị, bảo là “xuất giá thì phải tùng phu, con Ngà nó làm vậy là đúng theo sách thánh hiền !”

Không hiểu có phải vì chị nghe lời dặn dò của ông Thầy, từng khai tâm và dìu dắt chị nên người, thuộc lòng hai chữ thủy chung, nên dù chồng đã biệt tích từ lâu, chị vẫn ở vậy, thờ phụng nhà chồng, trong lúc chị vẫn còn trẻ và có nhan sắc trong vùng. Có mấy ông thầy giáo ở xa đổi tới từng mon men đến chị nhưng chị khước từ.
Ngày mẹ chồng chết, cũng chỉ có mỗi một mình chị mặc áo tang. Nghe nói cái đám ma đúng vào một ngày gió mưa, ảm đạm. Người ta không chỉ thương cho người chết, chẳng có chồng con trong phút lâm chung, mà còn tội nghiệp cho cả cô dâu, một mình cô đơn đi sau quan tài, tiễn đưa bà mẹ chồng về nơi chín suối, mà cũng đưa cuộc đời mình vào chốn quạnh hiu.

Chiến tranh càng lúc càng leo thang. Sau ngày mấy ông tướng nghe theo Mỹ hạ bệ và giết hai anh em ông Ngô đình Diệm, không biết đất nước có thực sự khá hơn không, nhưng ở quê tôi thì không còn bình yên như trước nữa. Một vài người làm việc trong chính quyền bị ám sát. Cứ vài ba tuần lại có một cuộc đụng độ giữa các toán dân vệ với quân du kích. Ba tôi phải bỏ quê, về sống ở thành phố, giao ngôi nhà từ đường của ông bà nội cho cô Út tôi chăm nom thờ phượng.

Tôi về phép thăm ba tôi đúng vào ngày giỗ ông nội, nên hai cha con cùng về thăm quê. Tôi gặp chị Ngà khi vừa bước chân vào nhà ông nội. Chị đến đây từ sáng sớm, phụ cô tôi dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, chùi bóng mấy bộ lư đồng và mấy tấm liễn. Thấy ba tôi, chị vòng tay cúi đầu thưa Thầy như cái hồi còn bé. Chị nắm tay tôi, miệng nở nụ cười. Nhưng nhìn trong đôi mắt chị, tôi thấy phảng phất buồn.

Không biết ba tôi thay đổi quan niệm từ lúc nào, sau đám giỗ, ông bảo tôi tìm chị Ngà, dặn chị ở lại cho ông nói chuyện. Ông khuyên chị Ngà nên bước thêm bước nữa, hy vọng còn sinh đẻ được để có mụn con, hầu tránh cảnh tuổi già đơn chiếc, chẳng có ai lo lắng cho mình. Hôm ấy tôi cũng phụ họa nhiều điều và hứa sẽ làm mai cho chị. Lần này Chị không một mực khước từ, nhưng xin để tang mẹ chồng cho đủ ba năm. Tôi giận chị nhưng cũng cảm phục tấm lòng thủy chung của chị.

Tháng tư bảy mươi lăm, khi chị Ngà chưa mãn tang mẹ chồng, thì cả miền nam để tang cho đất nước. Cái “đại thắng mùa Xuân” của những người Cộng sản đã gây biết bao nhiêu thê lương tang tóc. Ba tôi bị bắt trong lúc tôi còn theo đơn vị từ Cao nguyên“di tản chiến thuật” vào các địa danh xa lạ ở tận Long An tham dự những trận đánh cuối cùng cô đơn và buồn tẻ.

Miền Nam mất. Trong lúc những người Cộng Sản ngơ ngác hò reo chiến thắng, tôi lặng lẽ quá giang đủ các loại xe trở về quê. Tìm tới trại tù Đá Bàn, một mật khu lúc trước nằm sâu trong núi, nơi ba tôi bị giam giữ, nhưng cuối cùng tôi vẫn không được phép gặp ba tôi. Tôi về nhà ông nội thăm bà cô út và thắp hương từ biệt trước bàn thờ gia tộc.

Cô tôi đau lòng cho biết, người ký lệnh bắt ba tôi là một anh học trò của chính ông ngày trước. Anh bỏ nhà lên núi rồi tập kết ra Bắc. Bây giờ đang giữ một chức vụ khá lớn trong Uỷ Ban Quân Quản.

Cô tôi chưa kể hết câu chuyện thì chị Ngà đến. Chị nắm chặt hai bàn tay tôi, không nói điều gì. Tôi thấy chị đang khóc. Tôi nghĩ là chị thương và lo lắng cho cha con tôi trong cái cảnh sa cơ này. Tôi lấy lại bình tĩnh, chưa kịp nói lời trấn an, thì chị nhìn tôi nghẹn ngào:

- Em, em.. xin Thầy và em tha thứ cho chị. Chị không ngờ.., chị thật sự không ngờ.
Và chính tôi cũng không ngờ. Anh học trò ký lệnh bắt cha tôi chính là anh Phúc, chồng của chị. Tôi rút nhanh tay ra khỏi bàn tay của chị.

Dường như đây là lần đầu tiên trong đời, nhìn những giọt nước mắt – mà lại nước mắt của một người rất gần gũi thân quen – lòng tôi dửng dưng không hề xúc động. Tôi có cảm giác đắng cay của một người bị lừa gạt và phản bội. Tôi giận cho tình đời và thầm ân hận là cha tôi đã từng “nuôi ong tay áo”.

Tôi từ biệt làng quê và bà cô cả một đời nuôi nấng chăm lo cho tôi từ thời tấm bé, bước vào trại “cải tạo” với ngổn ngang trăm mối trong lòng. Tự dưng tôi mất mát gần như tất cả mọi thứ trên đời, kể cả những tình cảm mà tôi cứ ngỡ là nó sẽ không bao giờ mai một.

Hơn tám năm trong nhiều trại tù từ nam ra bắc, bị hành hạ đói khổ khốn cùng. Tôi sống còn có lẽ là nhờ những giấc mơ về quá khứ. Trong đó tôi bắt gặp lại hầu hết bóng dáng những người thân yêu của cái thời hạnh phúc. Và khuôn mặt xinh đẹp hiền hậu dễ thương của chị Ngà vẫn thường hiện lên rõ nét, mặc dù khi đầu óc tỉnh táo, tôi đã cố gắng xua đuổi hình ảnh ấy ra khỏi ký ức mệt mỏi của mình. Tôi thương chị mà hận chị. Tôi nghĩ là chị đã đồng lõa với nhà chồng để lừa gạt chúng tôi hơn mười mấy năm qua.

Ra khỏi tù, tôi không được phép về sống chung với vợ con ở thành phố Ninh Hòa, quê vợ. Lý do hết sức đơn giản là : chính quyền ở đó không nhận tôi tạm trú. Công an tỉnh bắt buộc tôi phải về “trình diện chính quyền”nơi sinh quán. Tôi lại một mình khăn gói về quê cũ, mà ở đó chỉ còn một bà cô già goá bụa sống âm thầm trong ngôi nhà từ đường có mái ngói âm dương của ông bà nội tôi để lại.

Nghe tin tôi về, bà con hàng xóm đến thăm. Mới hơn tám năm mà trông ai cũng già nua, khắc khổ. Trong số đó tôi để ý một người đàn bà, đứng ngoài cửa nhìn tôi, đôi mắt thất thần, đầu tóc rối bù, áo quần rách rưới bẩn thỉu. Tôi ngờ ngợ nhớ tới một người. Nhưng khi vừa đứng lên định bước tới hỏi thăm, thì bà ta vụt chạy về phía sau vườn. Tôi ngẩn người khi cô tôi bảo nguời đàn bà ấy chính là chị Ngà, vợ anh Phúc ngày xưa.

Buổi tối, sau khi dắt tôi lên căn nhà thờ thắp hương lạy ông bà, cô tôi đóng kín cửa, khêu ngọn đèn dầu, ngồi kể cho tôi bao nhiêu nỗi niềm tâm sự.

Cha anh Phúc – theo lời tiết lộ sau này từ những đồng chí thân tín của anh Phúc – thực ra không hề theo một ả hát rong nào cả, mà bỏ làng vào bưng từ khi anh Phúc mới lên mười. Ông đã chết từ lâu, nhưng hàng năm vợ con vẫn nhận được thư ông do một vài người lạ mặt mang tới. Trong mấy lá thơ, hầu hết là “động viên” tinh thần anh Phúc nối gót cha đi làm “kách mệnh”. Trước khi lên núi, anh Phúc làm quen, rồi tỏ ra yêu chị Ngà, nhưng thực ra đó là kế hoạch đã được các“đồng chí thủ trưởng “ giao cho anh Phúc phải thi hành, để giải quyết việc nuôi nấng mẹ của Phúc, mà bọn họ biết là bà đã trở thành goá bụa từ lâu rồi.

Những ngày làm vườn bên kia bờ sông, anh Phúc đã hoạt động cho phía bên kia. Dưới căn hầm trong khu vườn là sào huyệt từng che dấu cho nhiều cán bộ. Sau một trận tấn công chiếm trụ sở xã bất thành, sợ hành tung bại lộ, anh Phúc đã lên núi rồi tập kết luôn ra Bắc, sau khi dựng lên vở kịch chết trôi trong trận lụt năm nào.
Tất cả mọi việc không phải chỉ để qua mắt mọi người, mà còn đánh lừa cả chị Ngà. Chị nhẹ dạ cả tin, nên ban đầu cứ tưởng chồng mình còn sống bị trôi giạt ở đâu đó, nên vẫn chờ đợi trong hy vọng. Sau một thời gian dài bặt vô âm tín, chị mới nghĩ là anh đã chết. Tội nghiệp, chị không hề biết là mình đã bị lừa dối để uổng phí cả một đời xuân sắc.

- Thế bây giờ ông Phúc ở đâu và vì sao chị Ngà lại ra nông nỗi? Tôi hỏi.

- Sau ngày “giải phóng” chưa đầy một tháng, thằng Phúc đưa vợ con từ ngoài Bắc vô đây, giành lấy ngôi nhà do công sức của con Ngà gầy dựng, trong đó phần lớn là tài sản của chính cha mẹ nó. Con Ngà phải ra phía góc vườn che một cái chòi tranh để trú nắng trú mưa.

- Còn cái máy xay xát ở đâu mà trông chị nghèo khổ đến như vậy ? Tôi thắc mắc
- Họ mang vào hợp tác xã. Thời gian đầu họ cho con Ngà làm công nhân xay lúa, nhưng lại trả lương bằng bo bo. Chỉ sau vài tháng tất cả các máy xay xát tâp trung về huyện, nó bị mất việc.

- Bây giờ gia đình ông Phúc vẫn còn bên ấy? Con không muốn có ngày gặp mặt ông ta.

- Thực ra nó giành nhà, nhưng chỉ ở một vài tháng rồi cho gia đình một“đồng chí”nào của nó cũng từ ngoài Bắc vào tá túc, trong khi chờ chia chác những ngôi nhà lớn mới tịch thu. Sau đó thằng Phúc bán cả nhà lẫn vườn tược lại cho người khác, vào thành phố nhận một chức hàm lớn hơn. Con Ngà nó phát điên từ dạo ấy. Ngày nghe tin ba con chết trong trại tù cải tạo, nó như một kẻ không hồn. Ban đêm, người ta nghe tiếng nó gọi Thầy ơi, Thầy ơi rồi khóc nức nở.

Tôi theo cô Út, đi dọc theo phía sau mấy khu vườn, tìm đến chị Ngà. Trong căn chòi lụp xụp tối tăm, chị Ngà đang ngồi thẫn thờ trên cái giường tre như một pho tượng cũ. Trên đầu giường có ba tấm ảnh của cha mẹ chị và anh Ngọc, em chị, nhem nhuốc, úa màu. Không ngờ cái ngày đổi đời, người chồng biệt tăm bao nhiêu năm bây giờ bỗng dưng về, trở thành ông lớn thì cuộc đời của chị lại tàn tạ bi thảm như hôm nay. Tôi ngồi xuống bên cạnh chị, ôm đôi vai gầy còm của chị mà trong lòng tựa hồ như bao nhiêu vết chém.

- Chị Ngà ơi, chị vẫn mãi mãi là chị của em mà. Em thương chị và sẽ lo lắng cho chị.
Chị Ngà ngồi bất động. Rồi bất ngờ òa lên khóc. Cô cháu tôi càng dỗ dành an ủi, chị lại càng khóc to hơn, tôi nghe tiếng ấm ức nghẹn trong cổ họng chị.

Tôi năn nỉ, khóc lóc với chị bao nhiều lần mới đón được chị về ở chung trong nhà ông nội. Tôi mang mấy tấm ảnh của cha mẹ chị và anh Ngọc về để một góc trên bàn thờ gia tộc. Từ ngày ấy chị khá hơn xưa. Những lúc ngồi tâm tình với cô cháu tôi, chị vui vẻ bình thường như thuở còn con gái, nhưng cũng có nhiều đêm khuya chị ngồi trước bàn thờ lẩm bẩm một mình và khóc sụt sùi. Từ ngày có chị, tôi cũng thấy mình đỡ bớt cô đơn, và có lúc còn thấy mình hạnh phúc trở lại với cái thời thơ dại.
Vậy rồi chị lìa bỏ thế gian này cũng thật bất ngờ. Buổi sáng thức dậy sớm, tắm rửa xong chị thay quần áo mới, kẹp lại mái tóc, trông chị trẻ ra. Cả ngày hôm ấy chị cười đùa hồn nhiên vui vẻ, ngồi ôn lại bao nhiêu kỷ niệm của những ngày tôi còn bé, và chị còn là cô học trò cưng của ba tôi. Khi vui, trí óc chị trở nên minh mẫn lạ thường. Chị còn nhớ bao nhiêu điều mà chính tôi đã quên từ lâu lắm. Trước khi đi ngủ, chị còn ôm đầu tôi vào lòng, nhại một câu hát đã lâu “ may mà có em đời còn dễ thương..”. Và sau đêm hôm ấy, chị không bao giờ thức dậy nữa.

Trước ngày vượt biển, phải cắt ruột bỏ quê mà đi, tôi đến nghĩa trang gia tộc thắp hương cho ông bà và mẹ tôi, rồi đến thăm mộ chị cuối cùng. Trong lúc cầm ba nén hương đứng trước mộ chị, tôi nghĩ đến thuyết luân hồi của nhà Phật, và hình dung bây giờ chị Ngà đang sống ở một thế giới khác, xinh đẹp và rất hạnh phúc với một người chồng xứng đáng, bởi chị là một nguời đàn bà thánh thiện, sắt son.

Một con bướm trắng không biết từ đâu bay lại đậu trên tấm bia bằng gỗ, mà chính tay tôi đã dựng lên cho chị, nhịp nhịp đôi cánh rồi vụt bay theo cơn gió lốc, biến mất trong bầu trời xanh.

(Viết vào ngày giỗ thứ hai mươi của chị Ngà)
Phạm Tín An Ninh

8 thg 4, 2013

Nữ Trung Tá Gốc Việt Gặp Lại Người Cứu Mạng Sau 41 Năm

Trung tá Hải quân Kimberly M. Mitchell cùng Sơ Mary và Sơ Vincent

Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi nằm trên xác mẹ trên Đại Lộ Kinh Hoàng; em đang trườn người trên bụng mẹ tìm vú để bú nhưng mẹ đã chết từ bao giờ. Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân.

Bao năm trôi qua, em bé mồ côi mẹ nay trở thành Trung Tá trong Quân Lực Hoa Kỳ còn người Thiếu úy TQLC sang Hoa Kỳ theo diện HO nay đang định cư tại tiểu bang New Mexico. Hai người vừa gặp nhau sau 41 năm bặt vô âm tín. Ngày Thứ Ba 2 tháng 4, 2013 vừa qua, nhân dịp sang California dự lễ cưới, người Thiếu Úy TQLC này đã kể cho phóng viên Viễn Đông câu chuyện cảm động và ly kỳ ngay tại khách sạn nơi ông đang tạm cư ngụ.Người Thiếu Úy TQLC tên là Trần Khắc Báo.

Vào thời điểm 1972 ông còn độc thân và phục vụ tại Đại Đội Vận Tải Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, được biệt phái sang Phòng 4 của Sư Đoàn làm sĩ quan phụ trách chuyển vận. Vào sáng 1 tháng 5 năm 1972, Thiếu Úy Báo được lệnh cấp trên, cùng một số đồng đội mở cuộc hành quân để giúp di chuyển Tiểu Đoàn 7 TQLC ra khỏi vùng vừa bị thất thủ thuộc tỉnh Quảng Trị vì một số đông quân nhân bị thất lạc không tìm thấy vị chỉ huy của họ. Ngoài ra, ông cũng xin lệnh giúp di tản các Quân, Dân, Cán, Chính khác đang tìm đường chạy về phía nam sông Mỹ Chánh là nơi quân đội VNCH còn đang trấn giữ; ông được cấp trên chấp thuận.Khi đơn vị ông đến cầu Mỹ Chánh (Quảng Trị) thì nơi đây là phòng tuyến cuối cùng của VNCH để ngăn chặn quân Cộng Sản Bắc Việt tràn xuống phía Nam. Ông đã chỉ huy 20 quân xa GMC thực hiện cấp tốc cuộc di tản suốt ngày. Đến khoảng 4 hay 5 giờ chiều ông Trần Khắc Báo nhìn thấy thấp thoáng bên kia cầu còn một người đang ôm chiếc nón lá thất thểu đi qua với dáng điệu hết sức mỏi mệt. Ông định chạy qua giúp người này nhưng vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 TQLC đang trách nhiệm trấn giữ tại đó la lớn: “Cây cầu tao đã gài mìn, có thể nổ và sẵn sàng phá hủy khi thấy chiến xa Việt Cộng xuất hiện, đừng chạy qua, mày sẽ bị bỏ lại bên đó không về lại được đâu nghe!”
Ông cố nài nỉ: “Đại Bàng chờ em một chút, cho em cứu người cuối cùng này.”
Và ông chạy đến đưa người này qua cầu. Thấy người này đi không nổi, thất tha thất thểu mà tay còn cố ôm vòng chiếc nón lá, Thiếu Úy Báo nói đùa: “Đi không nổi mà còn mang theo vàng bạc châu báu gì nữa đây cha nội?”
Người ôm vòng chiếc nón lá nói với Thiếu úy Trần Khắc Báo: “Em là lính Quân Cụ thuộc Tiểu Khu Quảng Trị, trên đường chạy về đây em thấy cảnh tượng hết sức thương tâm này, mẹ nó đã chết từ bao giờ không biết và nó đang trườn mình trên bụng mẹ nó tìm vú để bú, em cầm lòng không được nên bế nó bỏ vào chiếc nón lá mang đến đây trao cho Thiếu Úy, xin ông ráng cứu nó vì em kiệt sức rồi, không thể đi xa được nữa và cũng không có cách gì giúp em bé này.”
Nói xong anh ta trao chiếc nón lá có em bé cho Thiếu úy Báo.Ngừng một chút, ông Báo nói với chúng tôi: “Mình là người lính VNCH, mình đã được huấn luyện và thuộc nằm lòng tinh thần 'Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm' nên lúc đó tôi nghĩ trách nhiệm của mình là lo cho dân nên tôi nhận đứa bé và nói với người lính Quân Cụ: 'Thôi được rồi, để tôi lo cho nó, còn anh, anh cũng lo cho sức khỏe của anh, lên GMC đi để chúng tôi đưa anh về vùng an toàn.'”
Sau đó, người sĩ quan TQLC ôm em bé leo lên chiếc xe Jeep chạy về Phong Điền, cách đó khoảng 20 cây số.
Trên đường đi, ông Báo cảm thấy rất bối rối vì em bé khóc không thành tiếng vì đói, khát mà ông thì còn là một thanh niên trẻ (lúc đó mới 24 tuổi) chưa có kinh nghiệm gì nên ông hỏi người tài xế, bây giờ phải làm sao?
Người tài xế tên Tài trả lời: “Ông thầy cho nó bú đi! Ông thầy không có sữa thì lấy bi đông nước chấm đầu ngón tay vào nước để vào miệng nó cho nó bú.”
Ông Báo làm theo lời chỉ và em bé nín khóc rồi nằm im cho đến khi ông đưa em vào Phòng Xã Hội của Lữ Đoàn TQLC.
Tại đây, gặp Thiếu tá Nhiều, Trưởng Phòng 4 TQLC, ông trao em bé cho Thiếu tá Nhiều và nói: “Thiếu tá, tôi có lượm một em bé ngoài mặt trận, xin giao cho Thiếu tá.”
Ông này nhìn ông Báo cười và nói: “Mày đi đánh giặc mà còn con rơi con rớt tùm lum!”
Ông Báo thanh minh: “Không! Tôi lượm nó ngoài mặt trận; nó đang nằm trên xác mẹ nó.”
Thiếu tá Nhiều bảo: “Thôi, đem em bé giao cho Phòng Xã Hội để họ làm thủ tục lo cho nó.”
Sau đó, ông Báo đưa em bé cho một nữ quân nhân phụ trách xã hội. Cô này nói với ông: “Thiếu úy giao thì Thiếu úy phải có trách nhiệm, vì em bé này ở ngoài mặt trận thì Thiếu úy phải cho nó cái tên và tên họ Thiếu úy nữa để sau này nó biết cội nguồn của nó mà tìm.”
Lúc đó, ông còn độc thân nhưng trong thâm tâm ông vốn nghĩ rằng sau này khi ông cưới vợ, nếu có con gái ông sẽ đặt tên là Bích, nếu con trai ông sẽ đặt tên là Bảo, nên sau khi nghe người nữ quân nhân nói, ông Báo đặt ngay cho em bé cái tên là Trần Thị Ngọc Bích. Sau đó ông trở về đơn vị và cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt cho tới tháng 3/1975, đơn vị ông bị thất thủ cùng Lữ Đoàn 2 TQLC ở Huế và ông Báo bị Việt cộng bắt làm tù binh.
Mãi đến năm 1981 ông được chúng thả về gia đình và bị quản chế. Tháng 9/1994 ông được sang định cư tại thành phố Albuqueque, tiểu bang New Mexico...

Em bé Mồ Côi Gặp May Mắn

Em bé Trần Thị Ngọc Bích được Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC đem đến Cô Nhi Viện Thánh Tâm Đà Nẵng giao cho các Dì Phước chăm sóc.
Số hồ sơ của em là 899. Một hôm có ông Trung Sĩ Hoa Kỳ thuộc binh chủng Không Quân phục vụ tại phi trường Đà Nẵng tên là James Mitchell vô Cô Nhi Viện xin nhận một trong các em tại đây làm con nuôi. Bé Trần Thị Ngọc Bích may mắn lọt vào mắt xanh của ông James Mitchell và trở thành thành viên của gia đình này từ đó đến nay.
Sau khi rời khỏi binh chủng Không Quân, ông James Mitchell trở về Hoa Kỳ vào năm 1972. Ông quyết định mang theo đứa con nuôi Trần Thị Ngọc Bích, lúc đó em mới được 6 tháng. Hai ông bà Mitchell đặt tên Mỹ cho em là Kimberly Mitchell. Em ở tại trang trại của gia đình tại Solon Springs, tiểu bang Wisconsin. Kimberly Mitchell lớn lên tại đây và được bố mẹ nuôi rất thương yêu, coi như con ruột. Em được đi học, tham gia thể thao và vào hội thanh niên. Lớn lên em vừa đi học vừa phụ giúp cha mẹ nuôi bò và làm phó mát. Cái tên Trần Thị Ngọc Bích đã bị quên lãng từ đó, và Kimberly Mitchell cho biết, mỗi khi nghe ai nói gì về Việt Nam, cô thường tự hỏi, Việt Nam là đâu nhỉ?
Khi đã có trí khôn, Kimberly Mitchell nhận thấy mình không phải người Mỹ như bố mẹ, không phải con lai, không phải người Tàu. Cô không biết mình là người nước nào và cứ mang cái thắc mắc đó mãi mà không ai có thể trả lời cho cô.
Một hôm, Kimberly Mitchell đánh bạo hỏi bố: "Con muốn biết con người gì, nguồn gốc con ở đâu? Tại sao con lại là con bố mẹ?”
Bố nuôi James giải thích cho cô: "Con là người Việt Nam, bố mẹ xin con từ trong viện mồ côi ở Đà Nẵng, Việt Nam. Nếu con muốn tìm nguồn cội của con, con có thể về Đà Nẵng, may ra tìm được tông tích của gia đình con.”
Ngay từ khi Kimberly còn học lớp ba, bố nuôi em đã muốn sau này cho Kimberly gia nhập Không Quân nhân khi cô được chọn tham dự hội thảo về nghệ thuật lãnh đạo dành cho những học sinh xuất sắc. Nhưng rồi định mệnh xui khiến, cô lại theo Hải Quân.
Trong thời gian theo học, Kimberly Mitchell phải bỏ học một năm vì bố nuôi qua đời năm 1991 trong một tai nạn tại trang trại của gia đình. Sau đó cô trở lại trường và tiếp tục học.
Năm 1996 cô tốt nghiệp Cơ Khí Hàng Hải và phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ và hiện nay mang cấp bậc Trung Tá, Phó Giám Đốc Văn Phòng Trợ Giúp Quân Nhân và Thân Nhân tại Ngũ Giác Đài.
Năm 2011, Kimberly Mitchell trở về cố hương trong vai một nữ Trung Tá Hải Quân, Quân Lực Hoa Kỳ, mong gặp lại người thân.

Đến Viện Nuôi Trẻ Mồ Côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng, cô may mắn gặp được Sơ Mary, người tiếp nhận cô năm 1972 từ một nữ quân nhân Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC.
Giây phút thật cảm động, nhưng Kimberly chỉ được Sơ Mary cho biết: “Lúc người ta mang con tới đây, con mới có 4 tháng và họ đặt tên con là Trần Thị Ngọc Bích. Họ nói mẹ con đã chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng, con được một người lính VNCH cứu đem đến đây giao cho Cô Nhi Viện rồi đi mất, vì lúc đó chiến tranh tàn khốc lắm.”
Kimberly không biết gì hơn và cô quay trở lại Mỹ. Sau khi đã biết mình là người Việt Nam, thỉnh thoảng cô viết trên website câu chuyện của mình.

Cuộc hội ngộ sau 41 năm với chiếc nón lá mà 41 năm trước, Trần Thị Ngọc Bích đã được cứu sống bởi các chiến sĩ VNCH. Trong hình, gia đình ông Trần Ngọc Báo và nữ Trung tá Kimberly Mitchell (quàng khăn hình Quốc kỳ VNCH )- ảnh TP/VĐ chụp lại.

Gặp Lại Cố Nhân

Ông Trần Khắc Báo đưa cho chúng tôi xem một số hình ảnh, một số báo tiếng Việt và mấy tờ báo tiếng Anh đăng hình cuộc gặp gỡ giữa gia đình ông và cô Trần Thị Ngọc Bích, và nói: “Sau khi ra tù Việt Cộng, tôi cũng cố tìm hiểu xem em bé Trần Thị Ngọc Bích nay ra sao, kể cả người lính Quân Cụ năm xưa, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín.
Một hôm tình cờ tôi đọc được một bài viết của tác giả Trúc Giang trên tờ Việt Báo Hải Ngoại số 66 phát hành tại New Jersey, tác giả kể lại câu chuyện đi Mỹ của một em bé trong cô nhi viện Đà Nẵng mang tên Trần Thị Ngọc Bích.
Đọc xong tôi rất xúc động pha lẫn vui mừng, vì có thể 80, 90% cô Ngọc Bích đó là do mình cứu và đặt tên cho cô.”
Sau đó, ông nhờ người bạn tên là Đào Thị Lệ làm việc trong New York Life, có chồng người Mỹ và có em cũng ở trong Hải Quân Hoa Kỳ, liên lạc tìm kiếm Mitchell.
Và chính cô Đào Thị Lệ là người đầu tiên trực tiếp nói chuyện với Trần Thị Ngọc Bích đang làm việc tại Ngũ Giác Đài.
Theo ông nghĩ, có thể cô Mitchell bán tín bán nghi, không biết chuyện này có đúng không hay là chuyện “thấy sang bắt quàng làm họ” như ông cha mình thường nói. Nhưng sau khi nói chuyện với ông Trần Khắc Báo, Mitchell quyết định tổ chức một cuộc hội ngộ trước các cơ quan truyền thông.
Cô xin phép đơn vị và mời được 7 đài truyền hình cùng một số phóng viên báo chí từ Washington, D.C cũng như nhiều nơi về tham dự.
Cuộc hội ngộ, theo ông Báo cho biết, hoàn toàn do cô Kimberly Mitchell quyết định, địa điểm là trụ sở Hội Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New Mexico vào Thứ Sáu, ngày 29.8. 2012.
Cô đến phi trường vào tối Thứ Năm 28.8, gia đình ông Báo ngỏ ý ra phi trường đón nhưng cô cho cô Đào thị Lệ biết là cô không muốn gia đình đón ở phi trường cũng như đưa vào khách sạn. Cô muốn dành giây phút thật cảm động và ý nghĩa này trước mặt mọi người, đặc biệt là trước mặt các cơ quan truyền thông, và cô muốn ông Báo mặc bộ quân phục TQLC như khi ông tiếp nhận cô đưa đến Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC cách nay 41 năm.

Giây phút đầy xúc động

Gia đình ông Trần Khắc Báo gồm vợ và con gái cùng có mặt.
Khi ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hỏi cô Kimberly Mitchell: "Cô đến đây tìm ai?”
Cô trả lời: "Tôi muốn tìm ông Trần Khắc Báo.”
Vị Chủ Tịch quay sang ông Báo đang mặc quân phục và giới thiệu: "Đây là ông Trần Khắc Báo.” Lập tức, Kimberly Mitchell Trần Thị Ngọc Bích tiến lại ôm lấy ông Báo và cả hai cùng khóc nức nở.
Giây phút xúc động qua đi, cô Kimberly hỏi ông Trần Ngọc Báo: "Ông là người đã cứu mạng tôi, tôi mới có ngày hôm nay; tôi xin cám ơn ông, và bây giờ ông muốn gì ở tôi?”
Ông Trần Khắc Báo nói: “Thực sự bây giờ tôi chỉ muốn cô nói với tôi một lời bằng tiếng Việt, cô hãy kêu tôi là “Tía”. Vì tất cả các con tôi đều gọi tôi bằng Tía, tôi xem cô cũng như con tôi, tôi chỉ mong điều đó.”
Và ông mãn nguyện ngay, khi Kimberly Mitchell gọi “Tía”.
Ông nói với chúng tôi: “Bấy giờ tôi thực sự mãn nguyện.”
Trả lời các câu hỏi của chúng tôi, ông Trần Khắc Báo cho biết, cô Kimberly chưa lập gia đình và cô có hứa sẽ thường xuyên liên lạc với gia đình ông. Ông có nhắc cô Kimberly điều này, rằng cô không phải là đứa trẻ bị bỏ rơi. Cô đã được những người lính VNCH có tinh thần trách nhiệm cứu sống trên bụng mẹ cô đã chết, và chính ông đã đặt tên cho cô là Trần Thị Ngọc Bích. Ông cũng mong rằng sau này, cô có thể trở lại Quảng Trị, may ra có thể tìm ra tung tích cha cô hoặc người thân của mình.
Ông Trần Khắc Báo cũng cho biết, ông mất liên lạc với người lính Quân Cụ từ lúc hai người giao nhận đứa bé đến nay.
Trong cuộc hội ngộ, trả lời câu hỏi của các phóng viên Hoa Kỳ, nữ Trung Tá Kimberly Mitchell cho biết:" cô có hai cái may:
-Cái may thứ nhất là cô được tìm thấy và mang tới trại mồ côi .
-Cái may thứ hai là được ông bà James Mitchell bước vào trại mồ côi và nói với các Sơ rằng, ông muốn nhận em bé này làm con nuôi.”
Câu chuyện sau 41 năm kết thúc tốt đẹp, cô Trần Thị Ngọc Bích đúng là viên ngọc quý trên Đại Lộ Kinh Hoàng như ý nguyện của người đã cứu mạng em, vì chính cô đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt khi cố gắng học hành để trở nên người lãnh đạo xuất sắc trong Quân Lực Hoa Kỳ, một quân lực hùng mạnh vào bậc nhất thế giới. Người quân nhân binh chủng Quân Cụ và người sĩ quan TQLC Trần Khắc Báo đã thể hiện tinh thần của một quân nhân Quân Lực VNCH , luôn đặt Tổ Quốc - Danh Dự và Trách Nhiệm trên hết.

12 THÁNG ANH ĐI