14 thg 8, 2013

MỐI TÌNH CHIM XANH

Duy Sâm



Chờ anh mất tuổi thanh xuân
Anh về mòn mỏi xác thân rã rời
Nuôi anh suốt cả cuộc đời
Anh đi lặng lẽ không lời ủi an
Bên kia thế giới ra sao
Hãy về báo mộng cho em yên lòng


Trước năm 1965, em là nữ sinh trường trung học Trưng Vương, Qui Nhơn. Giáng em nhỏ bé xinh xinh, lúc nào cũng tung tăng vui vẻ nên mọi người đều thương mến. Anh ở trọ cùng chung khu phố, học trên em nhiều lớp nên thường hay chỉ dẩn bài vở khi em hỏi đến.Tuy nhiên, anh chỉ coi em như em gái thôi, anh thương chị họ của em, có ý muốn nhờ em giúp đở. Để làm anh vui, em buộc lòng phải làm chim xanh, bắc nhịp cầu để anh chị gặp gỡ hẹn hò.

Nhưng cuộc tình của anh chị cũng không được êm thắm cho lắm, gia đình chị họ em giàu có và thế lực. Ba mạ chị không chấp nhận anh chàng thư sinh trắng túi này nên đã ngăn cản quyết liệt. Xong bậc trung học, anh vào Saigon học đại học, rồi nhập ngũ khi tình hình chiến sự ngày một căng thẳng. Thân trai, anh quyết lấy binh nghiệp làm đầu. Chị họ em sống trong sự kiềm chế của ba mạ, đã không thể giử trọn lời thề. Chị buộc lòng phải theo sự gã ép, lấy chồng môn đăng hộ đối theo ý muốn của ba mạ. Ngày anh trở lại Qui Nhơn, oai hùng trong bộ đồ rằn ri, cũng là ngày chị họ em bước lên xe hoa về nhà chồng. Anh đứng trong một góc tối nhà thờ, buồn rầu nhìn đoàn người hân hoan bước vào cửa giáo đường, ngậm ngùi mà muốn khóc. Em làm phụ dâu, chợt nhìn thấy anh, lòng cũng thấy nao nao nhưng không thể tiến lại gần anh để nói một vài câu an ủi. Từ đó, anh đã biến mất khỏi Qui Nhơn, thành phố đã làm con tim anh tan nát. Tuy nhiên, em thỉnh thoảng cũng dọ hỏi và theo dõi dấu chân anh. Bước chân anh như ngọn sóng thần vùi dập những nơi địch quân chiếm đóng, đem lại sự an bình cho những dân làng vô tội. Tiểu đoàn anh đã tiên phong về giải phóng cố đô Huế sau năm Mậu Thân 1968 . Rồi mùa hè đỏ lửa 1972, tiểu đoàn anh đã oai hùng tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, đẩy lui Việt cộng về lại bên kia vỹ tuyến 17. Qua năm 1975, miền trung biến động, em không còn biết tin tức gì về anh nữa.
Năm 1975 , mất nước, em vẫn ở lại Qui Nhơn, làm nghề y tá, cũng tạm sống qua ngày. Mãi đến năm 1986, một buổi sáng đi làm việc như mọi ngày, em chợt thấy một người đàn ông đi thất thểu đầu phố, nhìn dáng cũng quen quen, nhìn kỹ lại, thì ra là anh. Nhưng sao anh bệ rạc thế này, đờ đờ đẫn đẫn, chẵng nhìn ra em. Trời ơi, anh của em, tội nghiệp anh quá. Em vội mang anh về nhà, tắm rửa cho anh, để anh nghĩ ngơi ăn uống sau những ngày đói lả người. Sau vài tháng thuốc men tịnh dưỡng, anh dần dần tươi tỉnh trở lại. Anh nói năm Mậu Thân, tiểu đoàn anh đã tiên phong về giãi cứu cố đô Huế. Nhìn lá cờ vàng bay phất phới trở lại trên nền trời Cố Đô, anh chợt nhớ đến em, cô bé nhí nhảnh chắc cũng đang phiền muộn lo cho bà con xứ Huế, nhưng chỉ chợt thoáng qua thôi vì tiểu đoàn vẫn còn tiếp tục hành quân truy lùng Việt cộng đang trốn chạy. Rồi mùa hè đỏ lửa 1972, tiểu đoàn anh lại trở ra miền trung, cùng các đơn vị bạn tái chiếm lại cổ thành Quảng Trị. Tiểu đoàn anh, sau khi dựng lại ngọn cờ vàng trên cổ thành, đã thừa thắng xông lên, vượt qua cầu Hiền Lương, tiến sâu vào lòng đất địch như chổ không người. Nhưng Mỹ đã ngăn cản, bảo rằng nếu tiến thêm thì sẽ cho pháo nổ chụp đầu, buộc lòng tiểu đoàn rút quân, về trấn giử bên này sông Thạch Hãn. Anh lắc đầu nói tiếp, trò chơi chính trị của Mỹ đã làm mình mầt nước. Rồi anh lại lẩm bẩm, càng nhiều chiến công càng thêm nợ máu, là cọp biển, anh đâu thể cúi đầu trước bọn họ, cho nên đã nằm trong connect nhiều hơn nằm trên sàn gỗ. Giam anh mãi họ cũng chán, cuối cùng họ đuổi anh về để khỏi phải mất công đi chôn xác lính ngụy, thế mà cũng đã mười năm. Anh cầm tay em nói tiếp, cám ơn em, cám ơn em ngàn lần. Em đã cưu mang anh, đã cứu vớt anh, nếu không thì cái xác này chẵng biết sẽ trôi dạt về đâu. Thế rồi anh ngỏ lời cầu hôn với em. Còn nỗi miềm nào vui hơn, em đã chờ đợi anh mười mấy năm trời. Em gục đầu vào anh nức nở, giọt lệ tuôn trào, những giọt nước mắt sung sướng. Em sẽ sống chung với anh đến bạc đầu, em sẽ sinh con cho anh. Mình sẽ làm đám cưới, đơn giản thôi, khi anh hoàn toàn bình phục.

Thật là hãnh diện khi có người yêu là anh lính chiến can trường, nhưng cũng thật là thảm thương cho giới phụ nữ chúng em khi nhận lấy một bại tướng làm chồng trong thời buổi nhiểu nhương này. Các anh về từ trại cải tạo, nếu may mắn chân tay còn lành lặn thì ruột phổi tim gan cũng bị tổn thương nặng. Tệ hại hơn nữa, vấn đề tâm thần không ổn định tí nào. Không biết họ đã cải tạo các anh như thế nào mà các anh lúc nào cũng thấy hoảng hốt không yên. Các anh về với giấy chứng nhận nhân dân nhưng không bao giờ được đối xử như một công dân. Mỗi ngày, mỗi tuần phải đi trình diện báo cáo công an, cán bộ khu phố, không thể làm được việc gì cho ra hồn. Chúng em phải chạy vật vã ngược xuôi lo từng miếng ăn cho gia đình. Đôi khi còn phải xề xòa giã lã với công an bộ đội cho mọi việc trôi chảy êm xuôi. Tuy nhiên, trong tận cùng đau thương đó, đã lóe lên được một tia hi vọng, một niềm an ủi. Người Mỹ đã không bỏ rơi đồng minh một cách đành đoạn. Sau nhiều năm mặc cả trên bàn cờ chính trị, Việt cộng đã chấp nhận cho cựu tù cải tạo được đi tỵ nạn chính trị sang Mỹ theo diện HO. Giấy tờ tuy rắc rối, thủ tục tuy rườm rà, nhưng cuối cùng các anh cũng đã đưa được chúng em và con cái đến bến bờ tự do an toàn. Con trai đầu lòng của em vừa tròn hai tuổi thì anh cũng đã lập đủ hồ sơ hợp lệ và được chấp thuận cho đi định cư tại Mỹ. Nhờ bạn bè bảo lảnh và giúp đỡ, anh chọn về cư ngụ tai Orlando, Florida. Em lại sinh cho anh thêm một bé trai. Đời sống ở Mỹ, sống bằng tiền trợ cấp của chính phủ, tuy có chút thiếu thốn nhưng không phải chạy đôn chạy đáo kiếm ăn từng ngày như ở Việt Nam, em cũng có chút thì giờ săn sóc các con và lo từng miếng ăn giấc ngủ cho anh. Qua Mỹ hai năm thì bệnh gan của anh lại tái phát trầm trọng. Anh phải nhập viện mấy tuần, bác sĩ đề nghị thay gan cho anh và đã lập hồ sơ xin quyên tặng gan thích hợp. Trong khi chờ đợi, anh phải đi lọc máu mỗi tháng một lần. Lúc đầu phải nhờ người đưa đón, dần dần em biết lái xe, em tự lo liệu săn sóc anh. Có một điều em không bằng lòng về anh là anh uống bia, uống rượu nhiều quá. Ở Việt Nam thì anh viện cớ phải đi thù tiếp người ta để lo giấy tờ cho lẹ. Qua bên này thì bảo mình bệnh hoạn không có việc chắc chắn, phải nhờ bạn bè giới thiệu làm mấy công việc tạm thời nên cũng phải vui vẻ cả làng. Số anh không chết yểu, bệnh viện đã tìm được gan thích hợp và đã cho anh nhập viện để thay gan. Giờ đây anh không cần phải đi lọc máu mỗi tháng nữa. Tuy nhiên anh cũng lại bất chấp lời khuyên của bác sỹ, chẵng kiêng cử gì cả, vẫn lè nhè say sưa như mọi ngày. Buồn phiền nhất là những ngày các anh họp mặt thường niên. Các anh chị qua Mỹ lâu rồi, có công ăn việc làm tốt, có nhà cao cửa rộng, mời các anh chị ở xa về tạm trú để dễ bề hàn huyên tâm sự. Anh không ở xa mà cũng đến qua đêm. Sáng thì họp hành, chiều thì tiệc tùng, tối thì say sỉn chẵng biết trời trăng mây nước. Các chị bảo thôi để mấy ổng tự do một ngày, cứ mặc sức muốn làm gì thì làm, hôm sau sẽ lại vào khuôn phép. Riêng em thì chẵng thấy sướng ích chút nào. Anh về nhà thì chẳng còn hay biết gì nữa. Nếu may mắn không nhập viện thì cũng phải nằm liệt giường mấy ngày, khiến em và các con phải chạy đôn chạy đáo bỏ cã công ăn việc làm. Mấy năm trước Cali tổ chức đại hội Mũ Xanh. Một cọp biển bị mắc cạn, ung thư đến giai đoạn cuối nên các cọp biển từ khắp nơi đều tụ họp về để gặp lại chiến hữu lần cuối. Các bạn anh đã gởi vé máy bay mời anh sang gặp lại người chiến hữu đã vào sinh ra tử cùng anh. Anh kể lại, hôm đó các anh đã cùng nhau kéo lá cờ vàng lên cột cờ của tòa thị sảnh mà tưỡng chừng như đang cùng nhau dựng lại lá cờ vàng trên cổ thành Quảng Trị ngày nào. Thật là cảm động, ai cũng muốn rơi lệ. Năm đó, nếu quân đội Mỹ không ngăn cản, đoàn quân của anh đã Bắc tiến, có lẽ lich sử đã thay đổi, đã không tệ hại tang thương như bây giờ. Buổi chiều thì dự tiệc tại nhà hàng sau khi đã cùng nhau thăm viếng người chiến hữu sắp sửa ra đi. Tiệc tùng văn nghệ cũng rềnh rang. Sau đó thì tụ lại nhà một cọp biển đàn anh, chén thù chén tạc, chia nhau từng mẩu thuốc lá, nhớ lại những trận chiến oai hùng cho đến khi rã rời không còn hay biết gì cả. Hôm sau, chẳng biết làm thế nào mà anh đã lên được máy bay, bay trở lại được Florida bởi vì đón anh ở phi trường Orlando, thay vì đưa anh về nhà, đã phải đưa vào thẵng bệnh viện cấp cứu. Anh nằm mê man cả tuần, bạn anh ở Cali, đã được phủ cờ vàng mà anh chẵng hề hay biết. Anh tỉnh lại, chỉ buồn buồn nói nhỏ, thôi mày đi trước, từ từ tao cũng sẽ theo sau. Em khóc lóc, xin anh hãy chừa rượu, xin anh đừng làm khổ mẹ con em thêm nữa. Nhưng anh bảo anh đã kiên cữ trong trại cãi tạo cã chục năm rồi, bây giờ tuổi đời đã trên sáu bó, như vậy cũng thọ lắm rồi, hãy để anh yên tĩnh, anh sẽ ra đi bình yên. Em thôi không ngăn cản anh nữa, cứ để mặc anh tùy tiện. Anh cũng đã thôi không uống rượu, tuy nhiên sức khỏe ngày một yếu kém và anh đã ra đi sáu tháng sau đó. Anh đã được phủ cờ vàng, đã được bạn bè khóc lóc đưa tiễn theo lễ nghi quân cách. Giờ đây giỗ đầy năm của anh, bạn bè anh đã đến thăm, thắp nén hương cho anh và ra về, chỉ còn lại em bên bàn thờ của anh. Chỉ còn mình em bên anh, em cảm thấy cô đơn vô cùng. Các con đã lên đại học rồi, căn nhà thật lạnh lẽo, buồn quá anh ơi. Nhiều khi em thật hối hận, cứ than trách anh hoài. Thà rằng cứ để anh nằm rên rỉ bên em, cứ để em lau những giọt mồ hôi khi anh lên cơn sốt, hay khi đắp nước đá hoặc cho anh uống thuốc mỗi ngày, em còn cảm thấy yên tâm và hạnh phúc không như bây giờ. Bây giờ anh có thảnh thơi không anh ? Chắc anh đã gặp lại đầy đủ các chiến hữu của anh ? Các anh có được hưởng phước thanh nhàn không anh ? Hay các anh đã thành những thiên thần âm thầm chống lại loài cộng nô nay đã trở nên quỉ dữ đang nghe lệnh Satan đi quậy phá khắp nơi ? Cuộc chiến giữa thiện và ác có lẽ sẽ không bao giờ cùng. Nhưng anh ơi, dù anh ra sao, dù anh thế nào, dù anh ở nơi đâu, em cũng nhớ anh quá . Xin anh hãy về trong giấc mơ với em nhiều hơn, em chỉ mòn mỏi trông chờ anh mỗi đêm mà thôi. Xin anh hãy về với em đêm nay...


4 thg 8, 2013

Nhờ đâu vẫn còn nước Việt Nam?

Ngô Nhân Dụng
Các nhà nghiên cứu lịch sử nước ta, sau khi viết về thời Bắc thuộc ai cũng muốn giải thích tại sao dân Việt Nam không bị Hán hóa sau một ngàn năm bị đô hộ. Trần Trọng Kim viết chương “Kết quả của thời Bắc Thuộc” trong Việt Nam Sử Lược nhấn mạnh đến ý chí của tổ tiên: “Hết thời Bắc thuộc rồi thì người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với người Tàu.” Sử gia Lê Thành Khôi trong Histoire du Việt Nam giải thích rằng hiện tượng người Việt bảo tồn được tiếng nói là một sức mạnh đề kháng bền bỉ nhất. Sử gia Keith Taylor, trong cuốn The Birth of Vietnam, đồng ý về yếu tố ngôn ngữ; ông ghi nhận thêm sự phát triển của Phật Giáo trong thời Bắc thuộc là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự hình thành nước Việt Nam. Trong cuốn Nhìn Lại Sử Việt (tập I) Lê Mạnh Hùng nêu thêm các yếu tố kinh tế, xã hội. Ông nhắc tới tình trạng tập trung dân số rất đông ở vùng Ðồng Bằng Sông Hồng, với nền tảng kinh tế vững chắc; dựa trên hai lợi thế đó, tổ tiên chúng ta bảo vệ được một nền văn minh cổ truyền trong hai thế kỷ đầu tiếp xúc với người Hán; nhờ thế về sau khả năng đề kháng càng vững mạnh hơn. Tất cả những ý kiến trên đều có lý. Nhưng người Việt học sử dân tộc vẫn còn tò mò muốn biết rõ hơn. “Cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng” mà Trần Trọng Kim nói, thực ra đó là gì, nhờ đâu tổ tiên chúng ta có được, và đã được thể hiện như thế nào?

Yếu tố quan trọng nhất giúp tổ tiên người Việt không bị Hán hóa có lẽ là, trước khi người Hán tới, dân Việt đã có sẵn một nền nếp trong cuộc sống chung, gọi là văn minh. Tổ tiên chúng ta đã có bản sắc văn hóa đủ vững chắc, nhiều đời trước khi bị chiếm đóng rồi bị đô hộ trực tiếp. Tổ tiên người Việt đã xây dựng một đời sống xã hội đủ chặt chẽ để họ có thể tự hào về chính mình. Nhờ thế họ không bị hấp dẫn, không bị cuốn chìm vào lối sống mà người phương Bắc đem tới, bắt phải theo. Ngoài những yếu tố chủ quan, như ngôn ngữ, chủng tộc, phong tục riêng, tinh thần bất khuất, vân vân, chúng ta còn thấy những điều kiện khách quan cũng thuận lợi cho ý thức dân tộc thành hình và phát triển. Có nhiều yếu tố bên ngoài hỗ trợ dân tộc Việt Nam. Vị trí nước ta ở ngã ba Châu Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương giúp cho dân Việt tiếp nhận nhiều nguồn văn minh trước khi gặp người Hán; cho nên bản sắc thêm vững chắc và bền bỉ đủ để tự vệ. Nhiều biến cố chính trị, kinh tế vào mỗi thời, ở Trung Quốc hay trong vùng Ðông Nam Á, cũng tình cờ tạo cơ duyên thuận lợi cho các cố gắng giành tự chủ của người Việt. Các điều kiện địa dư, khí hậu do thiên nhiên cống hiến góp thêm những hàng rào ngăn cản khiến người Hán bành trướng xuống tới biên giới nước Việt thì bị ngăn lại.

Chúng ta càng thấy rõ sức đề kháng mạnh tiềm ẩn trong dân tộc Việt khi hiểu những “sức mạnh mềm,” với chữ viết và các định chế chính trị, luân lý, tư tưởng của nền văn minh Trung Hoa mà họ dùng để đồng hóa sau khi chinh phục. Họ đã Hán hóa bao nhiêu sắc dân khác sống ở phía Nam Trường Giang, còn gọi là sông Dương Tử; vùng đất trước đời Tần còn đứng ngoài Trung Quốc. Khác với tổ tiên người Việt, các nhóm dân cư miền Hoa Nam nay đã hoàn toàn hòa nhập vào một quốc gia với khối người Hán từ phương Bắc. Con cháu họ bây giờ tự nhận là người Hán, hãnh diện là thành phần của một quốc gia đông dân nhất thế giới, với một nền văn minh cổ và tồn tại liên tục nhất trong lịch sử nhân loại. Còn người Việt Nam thì nuôi niềm hãnh diện khác: Họ giữ được một quốc gia độc lập không chịu biến thành người Hán. Có người sẽ hỏi: Giữa hai con đường này, làm dân một nước nhỏ độc lập, hay làm dân của một nước lớn như Trung Quốc, con đường nào tốt hơn, nghĩa là giúp cho người dân sống yên lành, hạnh phúc hơn? Tổ tiên người Việt Nam chọn con đường độc lập vì đã gây nên ý thức dân tộc và quyết tâm tự chủ. Lựa chọn đó có thể gọi là “phúc ấm” do tổ tiên để lại, cho chúng ta bây giờ hãnh diện nhận mình vẫn là dân Việt.

Việc tìm hiểu các nhân duyên khiến dân tộc Việt Nam vẫn còn độc lập sẽ giúp chúng ta hiểu công trình của bao nhiêu thế hệ trước, sẽ biết ơn tổ tiên và tin tưởng ở tương lai dân tộc. Nếu sau một ngàn năm Bắc thuộc dân Việt vẫn tồn tại, thì bây giờ cũng không lo sẽ mất. Ðã không bị đồng hóa thành người Hán, tổ tiên chúng ta còn thu hút được các di dân từ miền Bắc tới học sống theo mình, trở thành người Việt. Chúng ta sẽ thấy biến chuyển quan trọng nhất trong thời Bắc thuộc không phải là hiện tượng người Việt chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Các nước khác ở Á Ðông không bị đô hộ ngày nào mà cũng vẫn tự nguyện tìm học những điều hay của nền văn minh đó. Ảnh hưởng Khổng Giáo trên nước ta không phải là một điều đáng ngạc nhiên. Nếu nước Việt Nam không bao giờ bị lệ thuộc người Hán thì chắc chắn tổ tiên chúng ta cũng vẫn tìm học; không khác gì các dân tộc Triều Tiên và Nhật Bản. Khổng Giáo chỉ được triều đình nhà Lê đề cao từ những thế kỷ 15.

Hiện tượng đáng kể nhất trong một ngàn năm Bắc thuộc là quá trình chuyển hóa các di dân người Trung Hoa sang nước ta, bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, họ đã dần dần hòa nhập vào khối người Việt ở địa phương; chính họ cũng góp phần bảo vệ và xây dựng nước Việt. Lâm Ngữ Ðường từng công nhận chính các di dân thuộc các sắc tộc “Rợ Hồ” từ phương Bắc tràn xuống vùng sông Hoàng Hà trong nhiều thế kỷ đã “góp máu,” giúp cho dân tộc Trung Hoa cường tráng, hùng mạnh gấp đôi. Người Hoa di dân sang nước ta trong một ngàn năm cũng đóng góp cho dân tộc Việt nhiều như vậy.

Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục làm người dân Việt, tiếp tục bảo vệ một nước Việt Nam?

Tìm hiểu niềm bí nhiệm đó, chúng ta càng thông được “cái nghị lực riêng và tính chất riêng” của tổ tiên mình, như Trần Trọng Kim nhận xét. Tổ tiên không những để lại một mảnh đất và một nền nếp văn hóa để chúng ta sống với nhau; mà còn để lại cả cái nghị lực và tính cách riêng mà họ đã nung nấu suốt ngàn năm Bắc thuộc.

Ngẫm nghĩ về lịch sử thời Bắc thuộc thì phải tin là nước Việt sẽ không bao giờ mất được. Ngàn năm trước đã không mất thì ngàn năm sau chắc chắn sẽ không mất. Ngàn năm trước, tổ tiên từng chịu đựng những áp lực lớn, nghĩ đã thấy rợn mình. Thế mà vẫn đứng vững. Bây giờ dân mình đông hơn, ý thức dân tộc vững chắc hơn, kinh nghiệm dày dạn hơn. Loài người bây giờ cũng văn minh hơn và liên đới chặt chẽ với nhau hơn, không để cho nước lớn hiếp nước nhỏ.

Hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa có thể sống bên nhau trong hòa bình và lòng tôn kính nếu nước Việt Nam vẫn giữ được chủ quyền của mình, không quá tùy thuộc vào Trung Quốc. Khi hai quốc gia đều sống trong dân chủ tự do thì những xung đột biên giới, biển, đảo, cũng sẽ được giải quyết một cách ôn hòa. Trên thế giới, chưa thấy hai quốc gia tự do dân chủ gây chiến tranh với nhau bao giờ. Vì khi người dân nắm quyền quyết định những việc quan trọng, thì bình thường họ sẽ thấy gây chiến tranh chỉ có hại, bên nào cũng bị thiệt. Trên quan điểm kinh tế, chiến tranh không bao giờ đạt được những lợi ích đủ lớn để bù lại những phí tổn phải chịu đựng. Hiện nay, bên cạnh nước Việt Nam cũng không phải chỉ có một cường quốc duy nhất, như thời Bà Trưng hay thời Ngô Quyền. Trên thế giới sẽ không còn nước lớn nào đi chiếm các nước nhỏ mà các nước khác đứng ngoài coi; vì quyền lợi kinh tế đều dính líu đến nhau.

Nước Việt Nam sẽ không bao giờ mất. Ðiều đáng lo không phải chỉ là mình còn được độc lập hay không. Ðáng lo hơn nữa là nước mình chậm tiến quá, trong khi những nước chung quanh, kể cả Trung Quốc, đang tiến rất nhanh. Ðáng lo hơn hết, là dù nước mình vẫn còn nhưng dân mình không đuổi kịp các nước trên thế giới về kinh tế, chính trị và cả văn hóa. Làm sao để kinh tế nước ta có thể tiến lên; để dân mình được sống tự do; để nền nếp đạo lý trong xã hội không tiếp tục suy đồi; để nước mình có thể so sánh ít nhất cũng ngang hàng với các nước đã phát triển vùng Á Ðông?

Nghiền ngẫm lại lịch sử ngàn năm Bắc thuộc chúng ta càng thấy rõ bổn phận của mình đối với các thế hệ tương lai.

Ngô Nhân Dụng

12 THÁNG ANH ĐI