19 thg 7, 2014

Đừng tưới nước lên gốc cây rã mục

Trần Trung Đạo

16-07-2014
Sau khi đọc bài viết “Những Cơ Hội Bị Bỏ Lỡ cho Một Liên Minh Việt Mỹ” của Gs Tương Lai
Trong bài viết mới đây Vietnam’s Overdue Alliance With America đăng trong mục Ý Kiến của Nytimes.com và bản tiếng Việt Những Cơ Hội Bị Bỏ Lỡ cho Một Liên Minh Việt Mỹ do Liêm Nguyễn dịch đăng trên nhiều trang web tiếng Việt, giáo sư Tương Lai lấy làm tiếc khi nhiều cơ hội đã bị bỏ qua cho một liên minh Việt Mỹ. Lần đầu do cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA) “giúp huấn luyện và thành lập đơn vị du kích Mỹ-Việt đầu tiên vào cuối năm 1944” và cơ hội khác khi TT Truman không phúc đáp các lá thư của Hồ Chí Minh “bày tỏ lòng ngưỡng mộ của người Việt Nam” đối với “dân tộc Mỹ vì sự đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp của Công lý và Nhân đạo quốc tế, vì những thành tựu kỹ thuật hiện đại mà người Việt Nam cảm thấy bị lôi cuốn”.

Tôi không dám phê bình trình độ chính trị học của giáo sư Tương Lai nhưng sẽ ngạc nhiên nếu ông thật sự tin rằng nếu lúc đó Truman đáp ứng lời kêu gọi của Hồ Chính Minh và quân đội Mỹ, giống như OSS từng làm, yểm trợ Việt Nam để phục hồi nền độc lập, xây dựng đất nước thì Việt Nam đã là một quốc gia dân chủ, tự do chứ đâu phải bị nô lệ trong ý thức hệ CS và bị Trung Cộng đè đầu cưỡi cổ như hiện nay.

Giáo sư Tương Lai bỏ qua mối quan hệ “tuy hai mà một” giữa Hồ Chí Minh và đảng CSTQ như vô số tài liệu cho thấy và cũng không nhắc đến những khả năng gì sẽ xảy ra với liên minh Mỹ Việt sau khi CSTQ có chiếm hết lục địa Trung Hoa năm 1949.

Quan điểm của giáo sư Tương Lai cũng có thể gây cho người đọc hiểu lầm rằng Hồ Chí Minh không hẳn là người Cộng Sản và chỉ trở thành người CS khi không có chỗ dựa nào khác trong cuộc chiến chống Thực Dân Pháp mà quên đi sự kiện chính Hồ Chí Minh từ tháng 2 năm 1920 đã “vui mừng đến phát khóc” khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin.

Lý do TT Truman không đáp ứng thư của Hồ Chí Minh

Theo tài liệu lưu trữ trong văn khố Mỹ, tổng số gồm 11 lá thư Hồ Chí Minh gởi TT Truman, Ngoại trưởng James Byrnes và Bộ Ngoại Giao Mỹ. Lá thư thứ nhất ký ngày 17 tháng 10 năm 1945 và lá cuối cùng vào ngày 28 tháng Hai năm 1946.

Ngày 12 tháng 9 năm 1946, George M. Abbott, lúc đó là Đệ nhất Tham Vụ Tòa Đại Sứ Mỹ tại Paris đã điện đàm với Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên quan tâm hàng đầu của Mỹ vẫn là gốc gác của họ Hồ. Theo báo cáo của George M. Abbott cho đại sứ Mỹ tại Pháp, Hồ Chí Minh không thừa nhận ông ta là Cộng Sản. Không những thế, ông Hồ còn chỉ ra cho George M. Abbott thấy “không một người nào trong nội các của ông ta là Cộng Sản”. Trong thực tế, các chức vụ then chốt gồm Chủ tịch (Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Quốc Phòng (Võ Nguyên Giáp), Bộ trưởng Tài Chánh (Lê Văn Hiến), Bộ trưởng Tư Pháp (Vũ Đình Hòe) trong nội các liên hiệp kháng chiến đều do các đảng viên đảng CS hay đảng Dân Chủ nắm giữ.

Khi George M. Abbott hỏi có hay không có một đảng CS tại Việt Nam, Hồ Chí Minh thừa nhận là trước đây có nhưng đã giải tán mấy tháng trước rồi. Dĩ nhiên, như viết trong báo cáo, George M. Abbott cũng biết những câu trả lời của Hồ Chí Minh chỉ là những câu nói dối.

Ngày 12 tháng Ba năm 1947, TT Harry Truman xin quốc hội chuẩn chi ngân sách 400 triệu đô la để viện trợ vũ khi cho chính phủ Cộng Hòa Hy Lạp để đánh bại phiến loạn CS và để giúp hiện đại hóa quân đội Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đối phó với đe dọa quân sự của Liên Xô. Ngăn chận làn sóng CS trên phạm vi thế giới là trọng tâm của Chủ thuyết Truman (Truman Doctrine). Lẽ ra, những lá thư của Hồ Chí Minh là cơ hội hiếm hoi để Truman đóng nút sự bành trướng của chủ nghĩa CS ở Đông Nam Á qua ngã Trung Quốc. Nhưng không. TT Truman không đáp ứng vì chính phủ Mỹ biết rõ rằng Hồ Chí Minh và đảng CS Việt Nam là một bộ phận Đông Dương của đệ tam quốc tế CS chứ chẳng quốc gia dân tộc gì.

Với đảng CS, việc thay tên đổi họ, từ một người hay thâm chí cả đảng, theo nhu cầu chiến lược mỗi thời kỳ là chuyện bình thường. Đảng CS tổ chức tinh vi và chặt chẽ đến mức dù dùng tên gì vẫn hoạt động thống nhất và tuân chỉ triệt để một cương lĩnh. Từ ngày thành lập cho đến nay, hoạt động dưới nhiều danh xưng (Đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, đảng Lao động Việt Nam, đảng Nhân dân Cách mạng ở miền Nam, đảng Cộng sản Việt Nam) nhưng hoàn toàn nhất quán về tư tưởng và mục đích cuối cùng là CS hóa toàn cõi Việt Nam như đã khẳng định nhiều lần trong các cương lĩnh đại hội của đảng CSVN. Vào thời điểm 1946, trước khi CSTQ chiếm toàn lục địa Trung Hoa, nếu Mỹ viện trợ Hồ Chí Minh sẽ nhận và nếu Mỹ lên tiếng phản đối Pháp Hồ Chí Minh sẽ cám ơn nhưng chắc chắn không bao giờ có chuyện “giải tán đảng CS” hay thành thật từ bỏ đảng CS.

Niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa CS đã đóng đinh vào nhận thức của các tầng lớp lãnh đạo CSVN. Cộng sản hóa Việt Nam là canh bạc của đời họ. Dòng lịch sử đầy tang thương của đất nước diễn ra từ đó đến nay qua các đợt khủng bố tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia, Cải Cách Ruộng Đất, đày ải nhiều trăm ngàn công nhân viên chức VNCH, đưa đất nước vào ngỏ tối độc tài lạc hậu đã cho thấy nhận định của chính phủ Truman về Hồ Chí Minh và đảng CSVN là đúng.

Năm 1954, vừa chiếm được nửa nước, chưa có một ngày ổn định và đời sống người dân miền Bắc còn quá sức nghèo, trung ương đảng CSVN đã nghĩ đến việc chiếm nửa nước còn lại. Có tổng tuyển cử? Tốt, đảng sẽ chiếm miền Nam mà không tốn nhiều xương máu. Không có tổng tuyển cử? Không sao, đảng vẫn chiếm miền Nam nhưng bằng súng đạn Nga, Tàu. Dù qua phương cách gian lận bầu cử, khủng bố cử tri hay phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” mục tiêu toàn trị vẫn không thay đổi. Sinh mạng của nhiều triệu người Việt, tương lai bao nhiêu thế hệ Việt Nam, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại không nằm trên bàn tính của Bộ Chính trị Trung ương Đảng CSVN.

Trung Cộng muốn gì?

Hôm nay, hoàn cảnh chính trị thế giới đã thay đổi. Việt Nam đang đứng trước một đế quốc thực dân mới và lần này là chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng. Như người viết đã phân tích trong các bài trước, Trung Cộng muốn Việt Nam:

Hoàn toàn lệ thuộc về cơ chế chính trị, tư tưởng.
Một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của Trung Cộng.
Trung Cộng độc chiếm toàn bộ các quyền lợi kinh tế vùng biển Đông bao gồm cả các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp.
Nội dung của mật ước Thành Đô không được công bố, tuy nhiên, các diễn biến kinh tế, chính trị và quốc phòng cho thấy ba điểm nêu trên là ba yêu sách chính mà Trung Cộng đã đưa ra trong các phiên họp vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

Về mặt kinh tế chính trị. Khi thỏa hiệp bán nước Thành Đô vừa ký kết xong, ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ viện Trung Cộng thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Ba tháng sau đó, Trung Cộng ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam và hứa sẽ bảo vệ công ty Creston bằng võ lực. Ngoài ra, Trung Cộng còn ra lịnh cấm đánh cá, thành lập các đơn vị hành chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Về mặt quốc phòng. Việt Nam theo đuổi một chính sách quốc phòng “ba không”: (1)không tham gia các liên minh quân sự, (2) không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, (3) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Đây là một chính sách quốc phòng tự sát vì chỉ có lợi cho Trung Cộng. Việt Nam là một nước nhỏ, và cũng chính vì là một nước nhỏ, những người lãnh đạo lẽ ra phải biết từng bước hội nhập vào cộng đồng nhân loại, biết nâng cao vị thế quốc gia trong bang giao quốc tế, biết linh động trong việc mở rộng các mối quan hệ song phương và đa phương, gần và xa để tạo thế đứng thuận lợi trong hòa bình và chiến lược trong chiến tranh.

Trong thế chiến thứ hai, trong số 20 quốc gia châu Âu tuyên bố trung lập chỉ có 6 quốc gia là không bị lôi kéo vào chiến tranh. Sáu quốc gia này may mắn không phải nhờ Hitler tôn trọng lời tuyên bố mà chỉ vì không nằm trên trục tiến quân của các sư đoàn Panzer Đức, rất tốn kém để chinh phục như trường Thụy Điển hay vì vị thế chính trị có lợi cho khối trục mà không cần đánh chiếm như trường hợp Tây Ban Nha dưới chế độ độc tài Francisco Franco.

Để làm nhẹ áp lực Trung Cộng, Việt Nam cần có liên minh. Vâng, nhưng liên minh được với Mỹ trong vị trí tương xứng với Nam Hàn, Nhật Bản chỉ là giấc mơ ngày. Mỹ có quyền lợi ở vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương? Có. Mỹ có xung đột với Trung Cộng về ảnh hưởng kinh tế chính trị và cả quân sự trong vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương? Có. Mỹ có phê bình, lên án chính sách bá quyền Trung Cộng đối với các nước nhỏ trong vùng Nam Thái Bình Dương? Có. Tuy nhiên, với quan hệ kinh tế tài chánh quá lớn và vô cùng phức tạp giữa hai cường quốc như hiện nay, ngoại trừ xung đột sâu sắc, trầm trọng và trực tiếp về quyền lợi của Mỹ trong khu vực, Mỹ sẽ không can thiệp vào các tranh chấp song phương giữa Trung Cộng và Việt Nam hay Trung Cộng và một quốc gia nào đó của ASEAN. Trung Cộng hiểu được điều đó nên theo đuổi chính sách gặm nhấm từng mảnh nhỏ tài nguyên của Việt Nam, bao vây kinh tế Việt Nam, và tránh né việc quốc tế hóa các xung đột với Việt Nam và các nước trong vùng.

Nỗi sợ lớn nhất của Trung Cộng

Như người viết đã phân tích trong bài Để thắng được Trung Cộng, chính sách tuyên truyền thâm độc và bưng bít thông tin tuyệt đối tại Trung Cộng cho thấy mối lo sợ lớn nhất của lãnh đạo CSTQ là ánh sáng dân chủ. Trung Cộng không ngại mấy chiếc tàu ngầm kilo mà rất lo “sân sau” CSVN trở thành một nước dân chủ. Việt Nam có dân chủ trước Trung Cộng là cách tốt nhất để vô hiệu hóa sự lệ thuộc vào Trung Cộng về mặt cơ chế chính trị và tư tưởng. Độc lập chính trị là tiền đề dẫn đến độc lập chủ quyền lãnh thổ.

Với Trung Cộng, việc giải quyết xung đột lãnh thổ gắn liền với nhu cầu ổn định nội bộ. Theo nghiên cứu của M. Taylor Fravel trong tác phẩm Strong borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China‘s Territorial Disputes, trong thập niên 1960, lãnh đạo Trung Cộng nhân nhượng lãnh thổ với hàng loạt quốc gia nhỏ như Burma, Nepal, Mongolia, Bắc Hàn, Pakistan và Afghanistan chỉ vì họ cần tập trung vào việc ổn định vùng biên giới phía bắc sau cuộc xâm lăng Tây Tạng và giải quyết nạn đói sau chính sách Bước tiến nhãy vọt đầy thảm họa của Mao.

Con đường giành lại được Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là con đường dài, đầy kiên nhẫn, khai thác mọi khó khăn, mọi nhược điểm của Trung Cộng, nhưng dù làm gì cũng phải bắt đầu từ độc lập về cơ chế chính trị. Không có con đường nào khác. Như người viết đã nhấn mạnh nhiều lần, một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Cộng mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Đừng hoài công tưới nước lên gốc cây rã mục

Ba mươi chín năm qua, không chỉ đất nước đứng trước ngã ba mà nhiều người Việt quan tâm cho đất nước cũng đang đứng trước ngã ba. Không ít người, dù ngoài miệng lớn tiếng phê bình đảng trong đáy lòng vẫn nghĩ chỉ có đảng CS mới thay đổi được hướng đi của đất nước. Vì thế họ mãi lay hoay, hy vọng, chờ đợi trong mỏi mòn một bình minh không bao giờ đến.

Thay vì tìm cách cứu đảng hãy chung lưng góp sức để đẩy mạnh cuộc cách mạng dân chủ được diễn ra và thành công trong hòa bình, thuận lợi, ít lãng phí tài nguyên dân tộc. Con đường dân chủ có thể làm cho một số người chưa quen cảm thấy bở ngỡ lúc ban đầu hay ngay cả gây ít nhiều đau nhức nhưng đó là con đường của thời đại. Hãy đi cùng dân tộc và thời đại. Ý thức hệ CS chưa bao giờ lỗi thời và lạc hậu hơn hôm nay. Đừng hoài công tưới nước vào một gốc cây đang rã mục mà hãy dành để tưới lên những mầm xanh hy vọng của tương lai đất nước.

Nguồn: FB Trần Trung Đạo

9 thg 6, 2014

Xã Hội Dân Sự Phải Độc Lập Với Các Đảng Chính Trị


Ts. Nguyễn Đình Thắng 06-05-2014
http://machsong.org

Xã hội dân sự là yếu tố cần thiết cho dân chủ và phải giữ vị thế độc lập với các đảng chính trị. Theo tôi, xã hội dân sự ở trong nước đang rất èo uột và có nguy cơ bị còi và chậm phát triển vì cùng lúc bị chèn ép bởi đảng cầm quyền và các đảng chống đối.

Ở đây “đảng chính trị” là gọi chung tất cả những tổ chức chính thức nhận mình là đảng chính trị, những tổ chức ngoại vi của các đảng chính trị, và những tổ chức hoạt động với mục đích thay thế chế độ chính trị hiện hữu.

Bản chất của đảng chính trị là tham chính, là nắm quyền bính. Nếu đảng chính trị đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên lợi ích của đảng thì đấy là điều lý tưởng. Điều này đòi hỏi tinh thần trong sáng và tấm lòng quả cảm của những người lãnh đạo để luôn tự vấn và sẵn sàng hy sinh lợi ích đảng cho quyền lợi tối thượng của dân tộc. Đảng Cộng Sản là một phản thí dụ: họ đặt quyền lợi dân tộc dưới lợi ích đảng.

Nhưng không phải chỉ có Đảng Cộng Sản mới như vậy. Các đảng chính trị chống cộng cũng có thể đi vào vết xe đổ ấy:  Vì lợi ích riêng, họ có thể gây tổn hại cho sự phát triển xã hội dân sự và đẩy lùi tiến trình dân chủ hoá ở trong nước.

Vì nhu cầu phát triển nhân sự và hoạt động, một số đảng chính trị xuất phát ở hải ngoại hay ở trong nước xâm nhập các phong trào thanh niên sinh viên, các tổ chức xã hội dân sự phôi thai, và các tổ chức tôn giáo lâu đời ở trong nước để kết nạp đảng viên và “đa dạng hoá” sinh hoạt. Kết quả là các nhóm và tổ chức xã hội dân sự chân chính bị rút dần năng lực để đi đến phân hoá và biến chất. Hơn nữa, các thành viên của tổ chức xã hội dân sự được kết nạp vào đảng hay trở thành cảm tình viên của đảng vô tình gây liên luỵ cho tất cả những ai cộng tác với họ và cho toàn bộ tổ chức xã hội dân sự nơi họ xuất phát.

Để che mắt quốc tế, Đảng Cộng Sản Việt Nam dựng lên những tổ chức xã hội dân sự giả mà chúng tôi gọi là GONGOs (government-organized NGOs).Để che mắt chính quyền cộng sản, một số đảng chính trị chống đối cũng dựng lên các tổ chức xã hội dân sự giả làm bình phong và tấm chắn cho các hoạt động đảng phái. Hậu quả là không gian xã hội dân sự chân chính ngày càng bị ép hẹp lại bởi những tổ chức giả của cả hai phía. Các tổ chức xã hội dân sự chân chính, vì ít tài nguyên và năng lực, khó đứng vững và giữ tính độc lập trước sức ép hai phía giáp công này. Nhiều khi nhân sự của họ còn bị “vạ lây” trước các cuộc càn quét của nhà nước.

Mối nguy thứ ba là sự xâm nhập và lan toả của phong thái hành xử thiếu dân chủ vào môi trường xã hội dân sự đang phôi thai. Ai cũng đã rõ bản chất “phản dân chủ” của Đảng Cộng Sản. Một số đảng chính trị ở hải ngoại cũng chưa có văn hoá dân chủ. Tính cách thiếu dân chủ rất dễ nhận ra: không có việc bầu nhân sự lãnh đạo, không có cơ chế dân chủ để giải quyết các bất đồng chính kiến khác hơn là thanh trừng lẫn nhau hay tách đôi tách ba tổ chức, thậm chí có đảng còn mang tính cách gia đình trị từ đời này sang đời khác. Như một khối ung thư, nếu không chặn ngay thì phong thái thiếu hay phản dân chủ ấy sẽ lây lan rất nhanh từ các đảng viên nằm vùng ra toàn thân của tổ chức xã hội dân sự đang bị xâm nhập.

Nhưng nguy hại hơn hết là sự suy thoái đạo đức. Các đảng viên hoạt động trá hình phải luôn giả dối với chính những người bạn cộng sự và đồng hành của họ, thậm chí phải qua mặt các vị lãnh đạo trong tôn giáo của họ. Hàng ngày hàng giờ họ lạm dụng niềm tin của những người gần gũi và gắn bó nhất với họ và luôn phải nguỵ trang đối với tất cả những người mà họ tiếp xúc. Cứ phải sống không minh bạch và không thành thật, đạo đức bản thân sẽ xuống cấp. Phong trào Việt Minh là một minh chứng của sự suy thoái đạo đức ấy: người cộng sản khuynh loát phong trào yêu nước, dùng người khác cho mục đích riêng, và sẵn sàng dẫm đạp lên đồng chí rồi đến đồng bào và cả toàn dân; những ai tử tế thì bị loại trừ hay thủ tiêu, hoặc chính họ phải bỏ đi. Kết quả chỉ còn trật lại những kẻ sẵn sàng sống trong sự lừa dối và dám làm những điều tội lỗi nhất kể cả buôn dân bán nước. Nếu các đảng chống cộng cũng đi trên con đường mòn của Việt Minh, thì chắc chắn hậu quả sẽ không khác gì.

Để tránh vết xe đổ gây thảm hoạ cho dân tộc, chúng ta cần sáng suốt và thay đổi tình trạng trước khi bánh xe lún quá sâu.

Trước hết, các đảng chính trị cần tuyệt đối tôn trọng tính độc lập của xã hội dân sự, không khuynh loát các tổ chức xã hội dân sự có sẵn, và cũng không dựng lên những tổ chức xã hội dân sự trá hình. Làm được vậy là đặt quyền lợi dài lâu của toàn dân lên trên lợi ích nhất thời và cục bộ của đảng.

Chính các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước, trong đó có cả các tổ chức tôn giáo, cần sáng suốt và đặt những chuẩn mực đạo đức cho thành viên để không bị khuynh loát, và cần phân định được những tổ chức xã hội dân sự giả để tránh xa. Để giữ tính độc lập, các tổ chức xã hội dân sự chân chính cần mở rộng tầm hoạt động trực tiếp với quốc tế để giảm dần đi sự lệ thuộc vào vai trò trung gian hay nguồn tài trợ của các đảng chính trị.

Chúng ta, ở trong và ngoài nước, cần tuyệt đối tránh vết xe đổ đã dìm dân tộc vào tăm tối trong hơn tám thập niên qua. Chúng ta phải mưu cầu nền dân chủ đích thực cho đất nước.

http://machsong.org

17 thg 5, 2014

Ai đứng đằng sau giật dây?

Ngô Nhân Dụng

Ngay sau vụ công nhân biểu tình đốt phá ở Bình Dương, cả công an lẫn hệ thống tuyên truyền nhà nước đều xác định các biến cố này là “tự phát,” không ai tổ chức. Ðiều này khó hiểu, vì xưa nay mỗi lần như vậy thế nào họ cũng tố cáo những “thế lực thù địch” xúi giục và tổ chức.

Tại sao họ xác nhận về tính “tự phát” nhanh chóng, không cần phải nghiên cứu, điều tra một thời gian nào cả? Câu trả lời tự nhiên là: Họ không cần điều tra, vì họ biết đây không phải là những hành động tự phát. Ai ra lệnh cho cả guồng máy nói cùng một giọng nói dối như vậy?

Ðể trả lời những câu hỏi này, cần kiểm điểm coi các sự kiện đã diễn ra như thế nào.

Trước hết, có thể khẳng định rằng các cuộc biểu tình bạo động ở Bình Dương ngày Thứ Ba, 13 Tháng Năm, 2014, không do công nhân phát động mà họ đã bị sách động. Nhiều nguồn tin khác nhau trên mạng cung cấp các thông tin cho ta thấy điều đó. Chẳng hạn, một số chủ nhân người Trung Quốc đã cho công nhân được nghỉ làm việc trong buổi sáng hôm đó. Ðây là một chuyện bất thường, không có lý do nào cả. Cùng trong buổi sáng, một số người không phải công nhân đã vào các nhà máy kêu mọi người đi biểu tình. Công nhân hưởng ứng ngay vì trong lòng đã chứa sẵn uất ức; và họ nghĩ việc này không nguy hiểm vì được chính quyền khuyến khích. Tâm lý họ được chuẩn bị rồi, vì hai ngày trước đó ai cũng biết các báo, đài, loan tin về những vụ biểu tình chống Trung Cộng ở Hà Nội, Sài Gòn, Ðà Nẵng, Huế, vân vân, mà không ai bị đàn áp.

Hai chi tiết trên chứng tỏ có đám người lợi dụng tình cảm uất ức của công nhân, kêu họ đi biểu tình. Lại thêm các chi tiết khác bất thường hơn nữa. Chẳng hạn, trên các con đường đám biểu tình đi qua cảnh sát công an hoàn toàn vắng mặt. Có blogger nhìn thấy “một chiếc xe Matiz bí ẩn” mang cờ đỏ “búa liềm và ngôi sao” dẫn đầu đoàn biểu tình. Cờ búa liềm là biểu tượng uy quyền của đảng Cộng sản, các công nhân càng yên tâm tiến bước. Nhiều blogger ghi nhận có đám đầu gấu dẫn đầu đi lật đổ nhiều chiếc xe và container của các công ty, rồi đốt cháy, nhưng chúng không cướp của; chứng tỏ chúng đang thi hành những mệnh lệnh quan trọng hơn, chỉ nhằm khích động đám đông đốt, phá. Một nhạc sĩ đã ghi lại: “...một người đàn ông bí ẩn, mặc áo công nhân, phất tay liên tục,” hoặc “một anh người Bắc, đội nón bộ đội và đeo kính đen” ra lệnh cho đám người mang “dùi cui gỗ có hình dạng như điếu cày.” Việc đốt phá không phân biệt các nhà máy là của người Trung Quốc, Ðài Loan, Nhật Bản hay Hàn Quốc; chắc chắn do cố ý chứ không phải vô tình. Một chi tiết không biết xác thực tới đâu, cho biết: Những người chỉ huy “chạy trên các xe có biển số 36,” và trên xe mang theo “ống sắt, xà beng, cờ trống,” vân vân. Số xe 36 là của tỉnh Thanh Hóa.

Với các chi tiết được nhiều người quan sát đưa ra như trên, chúng ta có thể xác định: Công nhân đã được khích động đi biểu tình; nhưng các vụ cướp phá là do một đám khác cố ý gây ra, không phải do công nhân khởi xướng. Nhiều đồng bào trong nước cũng như ở hải ngoại đã kêu gọi các công nhân bình tĩnh, đừng đốt, đừng giết người Trung Quốc. Thực ra, không công nhân nào chủ mưu các hành động đó. Cho nên blogger Người Buôn Gió và Tiến Sĩ Nguyễn Quang A đã đặt câu hỏi: “Có ai đó đứng đàng sau giật dây cuộc bạo động.”

Họ có thể dễ dàng “đứng đàng sau giật dây,” thực hiện âm mưu của họ; vì họ biết dân Việt Nam đang sẵn sàng xuống đường chống Trung Cộng. Những kẻ giật dây đó là ai? Những người đó là ai? Âm mưu của họ nhắm mục đích nào?

Những kẻ chủ mưu phải là người có đủ uy thế hoặc quyền lực; có như vậy họ mới có thể yêu cầu các chủ nhân người Trung Quốc cho công nhân nghỉ làm việc. Hơn nữa, họ có khả năng sai khiến một đám quân đầu gấu chuyên nghiệp. Vì thế, có người tin rằng đám người “đứng đàng sau giật dây” thuộc hàng cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam, từ trung ương hoặc địa phương.

Nhưng có người nào trong đảng Cộng sản muốn gây ra cảnh hỗn loạn như ở Bình Dương, lan ra Bắc đến tận Hà Tĩnh? Trong đám lãnh đạo cộng sản hiện nay có kẻ nào muốn gây loạn để lật đổ bọn nắm quyền, cho nhóm khác lên thay? Hoặc có người muốn gây loạn khiến quân đội phải can thiệp, sau đó quân đội sẽ lên nắm quyền? Chúng ta đã thấy đám côn đồ lợi dụng biểu tình đi đốt phá ở Bình Dương bị quân đội ngăn cản đã phải chuyển hướng qua Biên Hòa, chứng tỏ quân đội có khả năng dẹp loạn. Lần đầu tiên xe tăng đã xuất hiện trên đường phố Sài Gòn kể từ năm 1975 khiến dân chúng ngạc nhiên. Hiện tượng đó có chuẩn bị cho một chế độ quân phiệt lên thay chế độ cộng sản hay không?

Nhưng giả thiết “phá trong nội bộ” trên đây ngầm hiểu rằng những kẻ “đứng đàng sau giật dây” muốn thay thế cả bộ máy thống trị bằng một nhóm khác, với đường hoàn toàn lối mới. Hơn nữa, theo giả thuyết này thì những kẻ chủ mưu chấp nhận nguy cơ không ai kiểm soát được cảnh hỗn loạn lan tràn, dẫn tới cảnh chế độ tan rã.

Trong đảng Cộng sản có người nào hiện nay sẵn sàng làm liều như thế hay chưa? Người ngoài khó biết được. Nếu có, thì số người này rất ít, và chắc họ không có đủ quyền thế để có khả năng sai khiến, chỉ huy nhiều tay sai đầu gấu như thế, trong lúc đám công an đứng ngoài không can thiệp. Trừ khi chính các tay trùm công an chủ mưu. Bọn chỉ huy công an đã quen sử dụng côn đồ đàn áp đồng bào từ hàng chục năm nay.

Khi xét lại giả thiết nội bộ phá lẫn nhau để giành quyền, chúng ta thấy một điều khó tin nhất, là dù ai chủ mưu thì họ cũng phải thấy nhiều mối rủi ro, nguy hiểm. Thứ nhất là các phe tranh quyền sẽ chịu chung số phận nếu các cuộc bạo loạn khiến cả chế độ tan rã. Thứ hai là kinh tế sẽ suy sụp dù ai lên nắm quyền thay đám lãnh tụ hiện nay. Lâu nay Cộng sản Việt Nam vẫn khoe chế độ của họ tạo được “ổn định chính trị.” Nay thì ai cũng biết một xã hội không thể nào ổn định khi trong dân chúng chất chứa bao nhiêu bất công, oan ức. Có người nào trong đám lãnh tụ cộng sản, cả các tay chỉ huy công an, sẵn sàng chấp nhận hai thứ rủi ro đó hay không? Có lẽ bản năng sinh tồn sẽ ngăn cản không cho người ta làm liều như vậy.

Cho nên nhiều người nghĩ rằng các cuộc bạo loạn vừa qua không do một phe nào trong đảng Cộng sản Việt Nam chủ mưu. Thay vào đó là giả thuyết chính hệ thống tình báo Trung Cộng đứng đằng sau giật dây các cuộc bạo động. Gián điệp Trung Cộng hiện đang len lỏi khắp nơi, hoạt động bên trong và bên ngoài chính quyền. Họ không cần ra mặt mà có thể đứng đàng sau giật dây cả đám công an, mật vụ và đầu gấu. Giả thiết này có vẻ đáng tin, khi chúng ta nhận ra rằng chính quyền Bắc Kinh rất có lợi khi các cuộc bạo loạn tuần qua xảy ra.

Tình báo Trung Cộng chắc chắn biết trước người Việt Nam sẽ sôi máu khi họ đưa giàn khoan dầu HD-981 vào chiếm biển nước ta. Một chứng cớ mới được tiết lộ cho thấy hai tháng trước đó, một xí nghiệp lớn của Trung Quốc đã được báo động. Chứng cớ này là một bản văn do công ty Hua Wei gửi cho các nhân viên của họ ở Việt Nam vào ngày 8 Tháng Ba năm 2014. Trong văn thư gửi qua Internet, ban giám đốc ra lệnh nhân viên của họ đang làm việc ở Việt Nam hãy về nước, và đưa gia đình ra khỏi Việt Nam để tránh nguy hiểm. Cuối văn thư còn ghi ba số điện thoại để liên lạc nếu cần cấp cứu.

Ðược hỏi về văn thư trên, ban giám đốc Hua Wei nói rằng việc họ báo động nhân viên là có thật, nhưng không liên can gì tới các biến cố HD-981, lúc đó chưa xảy ra. Nhưng tại sao họ lại biết những mối nguy hiểm từ hai tháng trước? Công ty Hua Wei mua bán trong 150 quốc gia khắp thế giới; cho nên họ phải nhận được những tin mật quan trọng mà các công nhỏ không biết. Người nào đưa tin cho họ, chắc phải thuộc hàng quan chức cao cấp của đảng Cộng sản Trung Hoa, biết trước kế hoạch HD-981. Họ có thể đoán rằng khi giàn khoan vào Biển Ðông thì người Việt sẽ phản đối mạnh mẽ.

Nhưng làm sao họ đoán trước được rằng cuộc chống sẽ đưa tới tình trạng đốt, phá các nhà máy và tìm giết người Trung Hoa. Mối hiểm nguy chết chóc là căn bản khiến Hua Wei gửi thư báo động. Chính quyền Bắc Kinh làm sao biết chắc sinh mạng người Trung Hoa sẽ bị đe dọa, trong khi kinh nghiệm cho họ thấy các cuộc biểu tình chống Trung Cộng trong hàng chục năm qua đều ôn hòa mà vẫn bị chính quyền Cộng sản Việt Nam đàn áp, ngăn cấm.

Họ có thể biết trước được nếu chính họ chủ mưu gây ra cảnh hỗn loạn. Ðiều này có thể tin được khi chúng ta suy nghĩ theo lối nhà trinh thám đi tìm thủ phạm một vụ giết người. Ai được lợi nếu nạn nhân chết, những người đó được xếp vào loại tình nghi.

Tình trạng hỗn loạn ở Việt Nam rất lợi cho chính quyền Trung Cộng. Nếu biết trước dân Việt Nam sẽ chống đối giàn khoan HD-981, thì phản ứng tốt nhất của Bắc Kinh là vô hiệu hóa các cuộc chống đối này trước dư luận, làm sao cho cả thế giới thấy dân Việt chống Trung Quốc là một lũ người bạo động, kém văn minh, không tôn trọng các quy tắc pháp luật và đạo đức. Muốn vậy, hãy đẩy cho phong trào chống đối chuyển sang tình trạng vô kỷ luật, tham tàn, phi pháp, và phi đạo đức. Khi đó cả phong trào phản đối của nhân dân Việt Nam sẽ bị vô hiệu. Cả thế giới sẽ bỏ rơi dân Việt Nam, chính quyền Trung Cộng được tự do hành động ở Biển Ðông.

Nhưng Trung Cộng không chỉ nhắm mục tạo ra hình ảnh xấu xa nhất cho dân Việt Nam để họ chiếm cảm tình của thế giới loài người. Các cuộc bạo loạn còn có thể gây ảnh hưởng xa hơn, là phá hoại cả nền kinh tế Việt Nam. Các cuộc biểu tình chống Trung Cộng đã bị biến hóa thành những cuộc bạo động, cướp bóc và giết người. Nhưng nguy hiểm nhất là bọn chủ mưu đã đi tấn công cả các công ty không phải của người Trung Hoa trong lục địa. Một hệ quả thấy ngay, là chính quyền ở Hồng Kông, Ðài Loan, Singapore đã phản đối và cảnh cáo dân chúng của họ không nên tới Việt Nam. Nếu giới đầu tư ngoại quốc mất tin tưởng, rút lui khỏi Việt Nam, thì không biết bao giờ kinh tế mới phát triển?

Công ty Formosa Plastics Group đang thiết lập một nhà máy thép hàng lớn nhất tại tỉnh Hà Tĩnh, với số vốn đầu tư lên tới 20 tỷ đô la, là một công ty tư của Ðài Loan, không liên can đến Cộng sản Trung Quốc, nhưng vẫn bị đầu gấu tấn công và nhiều người bị giết. Làm sao các công ty khác tin tưởng được rằng họ chắc chắn tránh được tình cảnh đó?

Bây giờ chúng ta hiểu được một lời đe dọa trên một tạp chí của đảng Cộng sản Trung Quốc; khi họ báo trước rằng Bắc Kinh sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học” khác. Bài học mới này là đánh cả nước Việt Nam bằng đòn kinh tế, thay vì dùng vũ lực như năm 1979.

Giả thuyết tình báo Trung Cộng là bọn đứng đàng sau giật dây các vụ bạo động có cơ sở đáng tin hơn là giả thuyết trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam phá lẫn nhau.

Nhưng giả thuyết Trung Cộng chủ mưu vẫn có một “lỗ hổng” cần giải thích: Tại sao Trung Cộng lại phá hoại cả hình ảnh “ổn định giả tạo” và làm suy yếu nền kinh tế Việt Nam như vậy, mà không lo cả chế độ cộng sản ở Việt Nam sẽ tan vỡ? Nếu còn sống thì đảng Cộng sản Việt Nam vẫn trung thành làm theo ý Bắc Kinh hơn bất cứ một chính phủ mới nào ở Việt Nam. Có lẽ nào Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh đám đàn em của họ, sau khi đã nuôi nấng Cộng sản Việt Nam từ Hội nghị Thành Ðô năm 1990 đến nay?

Sự thật là Bắc Kinh không cần đến đảng Cộng sản Việt Nam nữa, họ sẵn sàng vứt bỏ, như vứt một đôi giầy cũ nát. Họ đã đạt được nhiều lợi thế sau khi ký kết các bản hiệp định về biên giới, trên đất liền và trên biển. Họ có nhiều quyền lợi cao hơn là duy trì một chế độ mang tên cộng sản ở nước láng giềng. Ngay cả những việc như khai thác bô xít, buôn lậu qua biên giới, vân vân, cũng chỉ là những quyền lợi kinh tế nhỏ, so với những quyền lợi lớn khi làm chủ được nhiều phần Biển Ðông hơn.

Cho nên, để đánh phủ đầu phong trào biểu tình phản đối vụ HD-981, và đánh đòn chí tử vào triển vọng đầu tư, phát triển ở Việt Nam, Trung Cộng có thể đã chủ mưu sai khiến đám đàn em trong Cộng sản Việt Nam gây bạo động, giết người trong các cuộc biểu tình, từ Bình Dương đến Hà Tĩnh. Những người tham dự cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật, 18 Tháng Năm này phải hết sức bảo vệ trật tự, kỷ luật, và coi chừng đám đầu gấu sách động gây loạn.

16 thg 5, 2014

Trung Cộng toan tính gì?

Ngô Nhân Dụng

Việc đưa giàn khoan HD 981 tới “lô 143” trong vùng biển Việt Nam không thể là do một công ty CNOOC đề ra. Quyết định này phải xuất phát từ một tính toán của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Tại sao Bắc Kinh muốn “gây sự” với Việt Nam vào thời điểm này? Họ tính toán những gì? Người Việt cần tìm hiểu các động cơ của Trung Cộng trong hành động ngang ngược này. Cần biết bên địch muốn gì để có thể đoán trước các nước cờ của họ trong thời gian sắp tới, ngõ hầu biết cách đối phó thích hợp.
Giàn khoan HD 981 mới bắt đầu hoạt động vào năm 2011; từ đó đến nay chỉ hoạt động ở ngoài khơi Hồng Kông mà không đi hơn. Trước đây Cộng sản Trung Quốc từng ký hợp đồng cho các công ty nước ngoài tìm dầu, khí trong vùng biển Hoàng Sa. Nhưng các công ty Âu Mỹ đã rút lui khi được Việt Nam cho biết đang tranh chấp chủ quyền tại đó. Trung Cộng hợp tác với các công ty ngoại quốc giầu kinh nghiệm và trường vốn thì có lợi hơn; vì các công ty Trung Quốc còn kém trong kỹ thuật tìm tòi dầu khí ở dưới đáy biển sâu. Công việc phức tạp, nhiều rủi ro vì chi phí cao mà kết quả không chắc chắn. Năm nay, Trung Cộng phải tự đem giàn khoan tới tìm dầu tại “lô 143.” Nhưng mục đích của hành động này không thuần túy để dò tìm dầu lửa. Giới lãnh đạo Bắc Kinh còn nhắm nhiều mục tiêu khác. Nếu trong sáu tháng, một năm, họ rút giàn khoan về, vì vùng biển này không đáng công sức và phí tổn, thì nhiều mục tiêu khác, từ gần tới xa, cũng đã đạt được. Chúng ta không thể giả thiết họ chỉ nhắm vào một mục tiêu trước mắt.

Kế hoạch của Bắc Kinh về lâu dài gồm hai mặt. Về chính trị, họ muốn làm chủ vùng biển Ðông Nam Á, gây ảnh hưởng trên các quốc gia trong đó. Về kinh tế họ muốn chiếm đoạt các tài nguyên, đặc biệt là các mỏ dầu và khí đốt vì nhu cầu nền công nghiệp đang lên; đồng thời kiểm soát con đường hàng hải thiết yếu đối với kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan và Hàn Quốc. Nói chung, mục tiêu của họ là mở rộng biên cương ảnh hưởng về phía Nam, tiếp tục tham vọng của các đế quốc từ thời nhà Tần, nhà Hán cho tới nhà Ðại Thanh.

Người Việt Nam đã có kinh nghiệm về tham vọng của các triều đình phương Bắc. Trong quá trình bành trướng về phương Nam từ hơn 200 năm trước Công Nguyên cho tới thế kỷ thứ 20, đế quốc Hán tộc chỉ phải dừng lại khi gặp một “nút chặn” ngăn cản. Nút chặn đó dân tộc Việt, với tinh thần tự chủ và óc quật cường, Ðứng Vững suốt một Ngàn Năm bị đô hộ. Người Việt Nam cần giải thích cho các nước Ðông Nam Á biết vai trò “nút chặn” của dân tộc mình. Việt Nam đã tạo một hàng rào bảo vệ các nước khác không bị người Hán tràn lấn phương Nam trong hai ngàn năm qua. Các nước Ðông Nam Á phải đoàn kết cùng dân Việt đề kháng chống tham vọng của đế quốc Hán tộc.

Sau ngàn năm Bắc thuộc, đế quốc vẫn tiếp tục xâm lăng trong thế kỷ 15, nhà Minh, và thế kỷ 18, nhà Thanh. Trước khi Ðại Chiến Thứ Hai chấm dứt, ông Tưởng Giới Thạch xin đồng minh cho ông đưa quân vào nước ta, từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, để tước khí giới quân Nhật đầu hàng. Trong thời dân Việt đánh Pháp, Mao Trạch Ðông viện trợ đảng Cộng sản Việt Nam để thực hiện kế tràn xuống Ðông Nam Á. Năm 1952, Mao bác bỏ chủ trương đánh chiếm các thành phố vùng đồng bằng của đảng Cộng sản Việt Nam. Mao cho mở mặt trận ở Lào và Campuchia; để cộng sản ba nước Việt, Miên, Lào liên kết lại, do các cố vấn Trung Cộng chỉ đạo. Cùng lúc đó các đảng cộng sản Thái, Mã Lai, Indonesia được Trung Cộng giúp đỡ; thực hiện kế hoạch nhuộm đỏ vùng Ðông Nam Á. Ðảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục theo con đường bành trướng cũ, mặc dù bây giờ họ không còn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản nữa.

Mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh vẫn là chiếm ảnh hưởng trùm trên vùng Ðông Nam Á, như ao cá sau nhà của họ. Họ cần tháo gỡ cái “nút chặn” trên con đường bành trướng của người Hán trong hai ngàn năm qua, là một nước Việt Nam độc lập. Hành động đưa giàn khoan dầu HD 981 tức Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển nước ta trước hết là một thử thách khả năng đề kháng của người dân Việt Nam còn mạnh tới mức nào. Ðó cũng là một cuộc trắc nghiệm xem đảng Cộng sản Việt Nam phản ứng ra sao. Chính sách của Bắc Kinh vẫn là “mềm nắn, rắn buông,” tùy phản ứng của đối thủ mà thay đổi.

Ngoài thử thách nhắm vào người Việt, Bắc Kinh còn muốn thăm dò phản ứng của thế giới khi chứng kiến cảnh Trung Cộng trâng tráo chèn ép một nước láng giềng nhỏ hơn. Trước hết, họ muốn xem phản ứng của chính quyền Mỹ ra sao trong một tình thế khó xử. Ông Obama mới khẳng định những liên hệ quân sự của Mỹ với các nước Nam Hàn, Nhật Bản, và Philippines. Trong khi dư luận đang bàn tán về chính sách Mỹ “chuyển trục sang Á Châu” thì Trung Cộng gây hấn với Việt Nam để các nước Ðông Nam Á thấy rõ Mỹ không hề phản ứng mạnh. Ngoài ra, Bắc Kinh nhân dịp này cũng thách đố các nước ASEAN xem họ có dám đứng ra bênh vực một nước hội viên đang bị xâm lấn hay không.

Có thể nói, Trung Cộng đã trắc nghiệm thành công. Họ thấy phản ứng rất nhẹ, gần như hờ hững của Mỹ và các nước ASEAN, khi nghe chính quyền cộng sản Việt Nam kêu cứu.

Nước Mỹ không có nhu cầu can thiệp vào quan hệ Việt Trung. Trong thập niên 1950, sau khi Cộng sản Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, Mỹ muốn ngăn chặn không cho khối cộng sản nuốt chửng các nước Ðông Nam Á, nên giúp miền Nam Việt Nam. Nhưng khi Nga Xô và Trung Cộng công khai chống lẫn nhau, chính quyền Mỹ đã giao thiệp trực tiếp với Bắc; Việt Nam không còn là một địa điểm chiến lược quan trọng nữa. Năm 1974, khi Hải Quân Trung Cộng tấn công chiếm Hoàng Sa của nước ta, hạm đội Mỹ ở ngay bờ biển Philippines vẫn không can thiệp, họ còn làm ngơ không cứu các quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bị đắm tàu. Năm nay, chắc chắn Mỹ phải biết trước việc Trung Cộng đưa HD 981 tới vùng biển nước ta, vì giàn khoan này phải di chuyển trong hàng chục ngày, đi từ đâu, theo hướng nào, chắc chắn vệ tinh nhân tạo của Mỹ đã chụp hình cho các cơ quan tình báo Mỹ phân tích nhưng họ không hề báo động cho chính quyền Việt Nam cũng như Philippines; cũng không tiết lộ tin tức cho các nhà báo.

Ðối với quyền lợi của nước Mỹ, những tài nguyên nằm dưới đáy Biển Ðông thuộc chủ quyền nước nào không quan trọng. Ðiều quan trọng là dù nước nào làm chủ, các công ty Mỹ được tham dự vào công việc khai thác bình đẳng với các quốc gia khác. Và Mỹ muốn bảo vệ đường hàng hải được an ninh không bị gián đoạn. Trái với lời tuyên truyền của Bắc Kinh, nước Mỹ không có nhu cầu ngăn cản việc phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ngược lại, khi các nước giầu có hơn thì sẽ mua hàng hóa đắt tiền của Mỹ nhiều hơn. Sau Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ không ngăn cản mà còn giúp cho các nước đối thủ cũ là Ðức và Nhật Bản phục hồi kinh tế. Người Mỹ tin tưởng vào sức mạnh kinh tế của họ, sức mạnh đó đặt trên hệ thống giao thương tự do. Trong chính sách ngoại giao, các dân tộc không có bạn mà cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi quốc gia mà thôi.

Cho nên, đối với biến cố giàn khoan HD 981 phản ứng của chính phủ Mỹ vẫn chỉ nằm trong đường lối cũ của họ. Chính phủ Mỹ không có ý kiến về chủ quyền trên các hòn đảo tranh chấp; họ chỉ yêu cầu không gây nổ súng, không làm giao thông đường biển mất an ninh. Và họ kêu gọi các cuộc tranh chấp phải được giải quyết bằng pháp luật. Bắc Kinh không mong gì hơn.

Phản ứng của các nước ASEAN còn đáng thất vọng hơn nữa. Ðáng lẽ trong hội nghị ở Naypyitaw, thủ đô Miến Ðiện các nước này phải tỏ ra đoàn kết với Việt Nam hơn. Nhưng bản thông cáo chung của hội nghị cũng nói những điều tổng quát không khác gì thái độ của chính phủ Mỹ. Chúng ta không thể chỉ trích thái độ hững hờ của các nước Ðông Nam Á. Từ xưa đến nay, chính quyền Việt Nam lúc nào cũng nhất thiết theo chủ trương chỉ nói chuyện “song phương” với Trung Cộng. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra hoàn toàn hững hờ trước các cuộc tranh chấp giữa Trung Cộng và Malaysia, Philippines. Ðến khi “giặc vào nhà” mới kêu cứu, nhưng vẫn vừa tố cáo vừa xin hòa.

Trung Cộng đã thắng khi các nước ASEAN và Mỹ không có một hành động nào cụ thể. Họ có thể tiếp tục kéo dài tình trạng giằng co hiện nay ở Lô 143 trong một thời gian dài nữa. Ðây là hành động “dạy cho đảng Cộng sản Việt Nam một bài học,” nhưng theo cách mới. Nhưng Trung Cộng có thể kéo dài trò mèo vờn chuột này cho đến bao giờ?

Chính dân Việt Nam sẽ quyết định. Trong ngày Chủ Nhật vừa qua, dân chúng Việt Nam đã được phép biểu tình công khai “chống Trung Quốc xâm lược.”
Ðảng Cộng sản bất đắc dĩ phải cho phép, vì không cho không được. Nhưng các cuộc biểu tình, từ Nam ra Bắc, đã mở ra những cánh cửa mới cho những người Việt yêu nước! Ai cũng biết, từ mười năm nay những người Việt tham dự biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng cũng chính là những người tha thiết muốn cho dân tộc được hưởng cuộc sống tự do dân chủ. Người đi biểu tình chống Trung Cộng đã bị đảng Cộng sản đàn áp bao năm qua. Ðiếu Cầy, Tạ Phong Tần, tới Ðinh Nguyên Kha, vân vân, nay vẫn bị tù, cho nên muốn chống Trung Cộng xâm lược thì phải chống cả bè lũ độc tài lệ thuộc 16 chữ vàng.

Những cuộc biểu tình khắp nước từ Chủ Nhật vừa qua giống như một vị thần trong chuyện cổ tích đã thoát ra khỏi cây đèn thần của Aladin. Không ai có thể nhét vị thần vào trong cây đèn trở lại được nữa. Phong trào này sẽ gia tăng cường độ, càng đàn áp càng mạnh hơn. Tiêu biểu trong phong trào này, nhà báo Huy Ðức viết rằng đã tới lúc đảng Cộng sản Việt Nam phải xét lại chính sách giao thiệp với Bắc Kinh, và từ bỏ không bắt chước mô hình kinh tế của Trung Cộng. Huy Ðức thấy biến cố giàn khoan 981 có thể là động cơ thúc đẩy đảng Cộng sản quay đầu trở lại với dân tộc Việt, đánh đuổi quân xâm lược Bắc Kinh.

Với đà phát triền của phong trào chống đối, này, sẽ tới lúc đảng Cộng sản Trung Quốc thấy họ phải ra tay cứu mạng các đàn em trong đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu không đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tự tan vỡ hoặc bị lật đổ. Trung Cộng sẽ thấy duy trì một chế độ cộng sản dễ bảo ở Hà Nội là con đường ít tổn phí nhất trên con đường gây ảnh hưởng trong vùng Ðông Nam Á. Ngược lại, nếu tiếp tục con đường uy hiếp, tới lúc nước Việt Nam có một chính quyền thật sự do dân chúng bỏ phiếu bầu lên, thì chính quyền đó chắc chắn sẽ “khó bảo” hơn. Con đường tồi tệ nhất là xâm lăng bằng vũ lực. Sẽ tốn tiền bạc, mạng sống, và phải đối đầu với một dân tộc đã quen đánh du kích từ thời Triệu Quang Phục. Xâm lăng Việt Nam sẽ khiến tất cả các nước vùng Á Ðông và Ðông Nam Á bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang để tự vệ. Tất cả các nước đó sẽ giảm bớt việc thương mại với Trung Quốc; kinh tế nước Trung Hoa sẽ đứng khựng lại. Các nước Ðông Nam Á sẽ cùng Mỹ và các nước Âu Châu viện trợ vũ khí cho người Việt kháng chiến.

Cho nên, nếu trong những ngày tháng tới dân Việt tiếp tục biểu lộ tinh thần quật cường, nếu Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục kiên nhẫn và dũng cảm bảo vệ mặt biển di sản của tổ tiên, thì sẽ tới ngày chính Bắc Kinh sẽ phải xuống thang. Không thể đoan chắc ngày nào chuyện đó sẽ xảy ra. Vì tất cả tùy thuộc thế cân bằng lực lượng; giữa khả năng đề kháng của dân tộc Việt và tham vọng lớn nhỏ của các hoàng đế nhà Hán nhà Ðường. Người Việt đang sống lại kinh nghiệm của tổ tiên trong hai ngàn năm đối đầu với các bạo chúa phương Bắc; lại nghe tiếng sóng Bạch Ðằng, tiếng ngựa hí ở Ải Chi Lăng. Các hoàng đế nhà Minh, nhà Thanh đã từng phải bỏ tham vọng thôn tính nước Việt, tìm đường gỡ thể diện tháo lui. Nhưng dù Trung Cộng rút lui sớm hay muộn, vị thần trong cây đèn đã thoát ra ngoài, dân Việt không thể nào cúi đầu chịu nhục nữa.

19 thg 3, 2014

TÂM TÌNH NGƯỜI LÍNH GIÀ H.O


Từ cửa sổ nhìn xuống sân bệnh viện
Những hàng cây vàng đỏ gió rung rinh
Cánh lá rơi lác đác cuối chiều đông
Ngẫm phận mình tái tê chiều xế bóng

Nhớ khi xưa trên chiến trường nam bắc
Dãy Trường Sơn đã mòn gót quân hành
Đời chiến binh ta nguyện hiến thân mình
Cho tổ quốc cho nhân dân an lạc

Có ngờ đâu phận dân nước nhược tiểu
Phải quay cuồng theo thế lực ngoại bang
Đồng minh vì quyền lợi của riêng mình
Đã bội ước khiến quân dân rúng động

Tướng bất tài lo co giò chạy trước
Để lại ta với một đám tàn quân
Tuy có lòng nhưng làm sao chiến đấu
Chẵng lẽ nào lấy đá chọi xe tăng

Đành vậy thôi, đành cởi áo chinh y
Trại Cải Tạo ta chịu kiếp lưu đày
Việt cộng chê chính quyền ta thối nát
Độc lập rồi sao dân vẫn lầm than?

Trại Cãi Tạo đã đành ta gian khổ
Vợ con ta cũng lâm cảnh đọa đày
Kinh Tế Mới thiêu rụi cả tương lai
Nghĩ đến con lòng ta đau rướm máu

Cũng may thay Mỹ còn chút lương tri
Dùng dollar khỏa lấp những lổi lầm
Thế lực Mỹ cưu mang Tù Cải Tạo
Cho ra đi lánh xa Thiên Đường Đỏ

Ta ra đi cho vợ con bớt khổ
Cho con ta có được chút tương lai
Ngẫng mặt lên nhận ánh sáng quang minh
Phát huy tinh thần Việt cho mai hậu

Thân xác ta mòn mỏi theo năm tháng
Cơn bệnh này rối cũng sẽ lành thôi
Nhưng hồn ta quằn quại mãi không yên
Hận vong quốc vẫn còn trong tâm khảm


Viết thay cho người bạn già H.O
Duy Sam

28 thg 2, 2014

Nếu Việt Nam Cộng Hòa thắng Việt cộng

Lê Phú Nhuận

Vừa nhận được một e-mail đề cập đến câu hỏi: “TRONG TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM CỘNG HOÀ THẮNG QUÂN CỘNG SẢN VIỆT NAM, THÌ LIỆU TÌNH HÌNH CÓ KHÁC HƠN CHÚT NÀO CHĂNG? ” Tôi là lính, nên xin trả lời rất nhanh và rất đơn giản, ngay bây giờ, và dễ nhận thấy.

1. Trước hết, dù là giả thuyết, câu hỏi sai từ trong căn bản . Miền Nam không tấn công miền Bắc , nên không thể có chiến thắng. Sau khi ký hiệp định đình chiến 1954 , miền Nam lo xây dựng đất nước, ổn định đời sống toàn dân, chỉ muốn sống trong hoà bình .

Ngay từ lúc đó , cộng sản VN đã gài người ở lại , nằm vùng , chuẩn bị sẵn cho cuộc xâm chiếm miền Nam , với sự viện trợ tối đa của cả Nga, lẫn Tầu như đã thấy . Mầm mống chiến tranh , cội nguồn của bao tội ác , hi sinh hàng triệu sinh mạng đồng bào cả nam lẫn bắc , xướng máu chất chồng , bom đạn khói lửa ngút trời . . . xuất phát từ kẻ chủ chiến , từ kẻ xâm lăng , không phải từ phía chống đỡ , phải tự vệ . Rõ như ban ngày !

Đặt câu hỏi theo kiểu này là một lối lập lờ đánh lận con đen, để lừa bịp, để đánh tráo , nhì nhằng giữa hai phe đánh nhau. Vì vậy phải bác bỏ câu hỏi ấy ngay từ đầu , trước khi thử đi vào giả thuyết chỉ để cho rõ bản chất của hai chế độ .

2. Giả dụ rằng, trong trường hợp mà miền Nam thắng vào tháng Tư 1975, thì tôi đoan chắc tình hình tốt hơn nhiều, nhiều lắm, và ai cũng có thể hiểu được, không chút gì ngụy biện. Tôi nói theo kiểu lính nên rất dễ hiểu.

- Này nhé. Lúc ấy người dân miền Nam giàu hơn người dân miền Bắc rất nhiều. Dân miền Nam không thể nào có ý nghĩ quái đản là ra Bắc để vơ vét , lấy về , mà trái lại sẽ rất vui vẻ mang quà ra bắc cho thân nhân, đồng bào mình ngoài đó. Sẽ không có cảnh đài, đồng, đạp như đã thấy. Hàng triệu dân miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 chắc chắn sẽ hối hả mang đủ thứ về quê cho bà con mình. Cuộc tương phùng sẽ rất cảm động, rất thân tình, rất vui mừng, chứ không phải ngỡ ngàng như đã thấy.

- Chính quyền miền Nam là một đồng minh trong thế giới Tự Do , tôn trọng quyền tư hữu , nên cũng sẽ không có cảnh đánh tư sản , kiểm tra , cướp của , cướp nhà như CS đã làm đối với dân miền Nam. Nếu chưa thể nâng mức thu nhập ở miền Bắc lên ngang với đời sống ở miến Nam thì cũng không có cảnh chặt ngang cho tất cả nghèo như nhau. Cũng không có cảnh đuổi dân đi vùng kinh tế mới để chiếm nhà, cướp đoạt tài sản, như đã thấy .

- Các cơ sở nhà nước, các khu vực quân sự sẽ không bị ai chiếm đoạt vì luật pháp VNCH không thừa nhận quyền sở hữu cho bất cứ cá nhân hay đảng phái nào. Do đó sẽ không có cảnh con ông, cháu cha nào chiếm đoạt công thự, đất đai nhà nước làm của riêng, như đã thấy .

- Miền Nam đang được nhiều nước tân tiến, giàu có ủng hộ, nên họ sẵn sàng viện trợ để tái thiết sau chiến tranh. Lúc ấy , nền kinh tế miền Nam tự nó đã không hề thua sút các nước tại Á Châu , lại có dịp vươn mình lên, phát triển hơn, ngay tức khắc , không hề bỏ lỡ cơ hội hàng chục năm, để dân phải thiếu cả gạo để ăn, phải ăn bo bo, bột mì . . . như đã thấy .

- Điều quan trọng nhất là Tình Người trong thời kỳ chuyển tiếp. Sẽ không bao giờ có một tinh huống tàn nhẫn, vô nhân đạo như đã thấy. Điều này thuôc về bản chất của hai chế độ. Cộng sản là giết lầm hơn bỏ sót, đào tận gốc, trốc tận rễ, truy cứu lý lịch ba , bốn đời , dù chỉ là đứa bé mới cắp sách đi học, dù là thầy tu, dù là giáo viên, là bác sĩ, y tá . . .

Miền Nam thì khác hẳn, nên mới có nhiều Việt cộng nằm vùng trong mọi cơ quan, ngay cả trong thời gian chiến tranh.

Thế thì miền Nam sẽ giải quyết cách nào đối với các cán binh , cán bộ miền Bắc ?

Đang khi còn chiến tranh mà miền Nam còn áp dụng chính sách Chiêu Hồi, hễ buông súng, bỏ ngũ, cam kết lương thiện làm ăn, thì tự do sinh sống như mọi người. Dĩ nhiên phải trình diện, giao nộp toàn bộ vũ khí, khai báo lý lịch để thiết lập hồ sơ cá nhân, xác định nơi cư trú và lần lượt trả về nguyên quán với gia đình, như thủ tục chiêu hồi vẫn làm trong nhiều năm, như đã thấy.

Và dù có người nào bị tạm giữ trong một thời gian chắc cũng không phải đói mờ, đói mịt , khoai sắn cũng không đủ no như dưới thời công sản. Gia đình cũng sẽ không bị cấm đoán, hạn chế việc tiếp tế thăm nuôi như đã thấy. Và chắc chắn sẽ không có màn lừa bịp mười ngày thành ba năm, rồi bảy, tám, mười, mười lăm năm, như đã thấy! Và sẽ không có hàng ngàn nhà tù từ Nam tới Bắc như đã thấy!

Cần nhấn mạnh một điểm rất nhân bản của miền Nam là thủ tục bảo lãnh người thân. Gia đình nào có người thân bị bắt vì hoạt động cho cộng sản, nếu chịu đứng ra bảo lãnh trách nhiệm, thì phần lớn sẽ được cứu xét cho về với gia đình, ngay trong lúc chiến tranh. Hầu như gia đình nào cũng có thân nhân ở bên này hay bên kia.

Sau chiến tranh, bà con miền Nam sẽ được khuyến khích đứng ra bảo lãnh cho thân nhân trong hàng ngũ cộng sản, trở về với gia đình. Chế độ cộng sản không khuyến khích thủ tục ấy, ngay cả cha-con, vợ-chồng, anh-em. Trái lại, họ khuyến khích, thúc đẩy thân nhân đi vào tù “học tập ” cho tốt , “lao động” cho giỏi , để khỏi bị đảng nghi ngờ , như đã thấy !

Nhìn sự kết hợp hai miền đông-tây của Đức , người ta có thể hình dung ra phần nào cảnh kết hợp hai miền Nam-Bắc , dù không nhất thiết phải giống y như thế .

Phần quan trọng hơn nữa là Tổ Quốc Việt Nam đã không bị mất nhiều phần lãnh thổ về tay Tầu cộng , vì không bị lệ thuộc vào “đồng chí vĩ đại” phương bắc , – kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt. Sẽ không mất ải Nam Quan, không mất một phần thác Bản Giốc , không phải dấu giếm đồng bào mình , lén lút ký kết hiệp ước biên giới với rất thiệt thòi cho dân tộc mình , như đã thấy !

Tóm lại, theo cái nhìn của một người lính già, rất đơn giản nhưng rất thật, từ đời sống vât chất đến đời sống tinh thần, theo giả thuyết trên, thì nếu miền Nam thắng , thực tế tốt hơn rất nhiều.

Tôi cố tình lập lại nhiều lần ba chữ “như đã thấy” để chứng minh đó là một thực tế rất dễ nhận thấy .

Và nếu (vẫn nếu) như thế, thì giờ này tớ đang nghỉ hưu ở Sàigòn !./-

NLG 73 - LÊ PHÚ NHUẬN

26 thg 2, 2014

Công an Ukraine quỳ gối xin tha lỗi

Ngô Nhân Dụng

Nhân dân Ukraine thắng, cựu Tổng Thống Viktor Yanukovych thua, đang chạy trốn. Hơn ba tháng trước đây, cả ông Yanukovych và những người chống ông, không ai ngờ chuyện có ngày xảy ra. Bắt đầu, là một cuộc biểu tình nho nhỏ. Tháng 11 năm 2013, Tổng Thống Yanukovych bất ngờ tuyên bố ngưng bàn thảo về bản hiệp ước thương mại với Liên Hiệp Âu Châu (EU) mà hai bên đang chuẩn bị ký kết. Mấy trăm người, đa số là sinh viên, xuống đường phản đối. Họ không đòi ông tổng thống từ chức, chỉ đòi ông trở lại với chính sách thân thiện với EU mà nước Ukraine đã theo đuổi từ sau khi độc lập.

Tại sao các bạn trẻ này nổi giận? Có phải vì họ tính toán, thấy liên kết kinh tế với Châu Âu thì lợi hơn hay không? Chưa chắc. Nhưng họ đã thấy cảnh ông Yanukovych sang Nga bí mật gặp Tổng Thống Vladimir Putin, được Putin hứa cấp viện 15 tỷ đô la; khi về nước lập tức đổi chiều chữ U, cắt đứt liên hệ với Âu Châu. Chắc nhiều người cảm thấy nhục! Ukraine mới được độc lập từ năm 1990, sau nhiều thế kỷ bị các Nga hoàng thống trị, rồi bị nhập vào Liên Bang Xô Viết. Các hoàng đế Nga, trắng và đỏ, đã tìm cách tiêu diệt văn hóa Ukraine, di dân Nga sang đó; lưu đày các nhà chính trị, giới trí thức và văn nghệ sĩ lên Siberia nếu họ chống lại. Stalin dùng dân Ukraine làm thí nghiệm tập thể hóa nông nghiệp, khiến mươi triệu người chết đói. Người Ukraine nghĩ về chính phủ Nga cũng giống như người Việt Nam đối với các chính phủ bên Tàu. Hai đợt “cải tạo,” và “thanh trừng” của Stalin, (năm 1929-34 và 1936-38) đã giết chết gần 700,000 dân Ukraine. Trong đó đã giết 80% giới trí thức, văn nghệ; và ba phần tư các sĩ quan cao cấp. Vâng lệnh Putin quyết định tách xa Châu Âu khiến Yanukovych bị dân Ukraine khinh thường. Biểu tình đòi giao thương với Châu Âu là một cách bày tỏ thái độ với chính phủ Nga!

Nhưng chỉ có các sinh viên tỏ thái độ; các chính trị gia đối lập không tổ chức cuộc biểu tình. Nhiều lãnh tụ đối lập cũng vẫn muốn thân thiện với Nga. Dân thủ đô Kiev cũng không tham dự. Chắc vì họ thấy cuộc biểu tình này rồi sẽ chẳng đưa tới kết quả nào; sau khi các “ông lớn” đã đi đêm với nhau. Mọi chuyện bất ngờ thay đổi sau khi ông Yanukovych đàn áp.

Viktor Yanukovych đã nắm chính quyền nhiều lần. Người to như ông hộ pháp, tài sản giầu bậc nhất nước, mười năm trước ông đang làm thủ tướng, vừa đắc cử tổng thống, thì dân Ukraine cũng biểu tình chống bầu cử gian lận. Ông khuyên vị tổng thống đàn áp nhưng không được nghe, cho nên cả hai mất chức. Cuộc Cách Mạng Mầu Cam đưa Viktor Yushchenko lên ghế tổng thống và bà Yulia Tymoshenko làm thủ tướng. Năm 2006 ông lại liên minh với mấy đảng khác, và trở lại ngồi ghế thủ tướng. Năm 2010 thì ông đắc cử tổng thống!

Ðối với một nhà chính trị hoạt đầu, nắm chính quyền chỉ là một cơ hội trục lợi; mà từ bốn năm nay ông Yanukovych đã tích lũy được tài sản khổng lồ cho gia đình, con cái, các đại gia ghét ông nhưng cũng sợ ông. Chế độ Dân Chủ đối với ông là một cuộc chơi banh giữa các nhà chính trị cùng với các đại gia, họ chia nhau ghế, tranh cướp tài sản quốc gia; anh nào cũng tham lam và lạm dụng quyền hành như anh nào. Còn người dân, đến ngày bỏ phiếu sẽ mê hoặc họ, đánh lừa họ, họ tin rằng dân chúng ở đâu cũng vậy.

Theo bản năng sẵn có, ngay lập tức Viktor Yanukovych thẳng tay đàn áp đám sinh viên phản kháng. Kinh nghiệm mười năm trước nhắc nhở ông là phải tiêu diệt biểu tình ngay từ đầu. Các sinh viên bị đánh, bị bắt, đám đông bị dẹp tan. Hậu quả bất ngờ, là phản ứng của dân chúng Kiev. Họ phẫn nộ trước cảnh đàn áp, và họ đến ủng hộ với các sinh viên. Họ vẫn còn nhớ quyền lực của người dân trong cuộc Cách Mạng Mầu Cam mạnh thế nào. Ngay sáng hôm sau, hàng trăm ngàn người xuống đường, kéo tới tràn ngập công trường Maidan, ở trung tâm thủ đô, và cứ thế tiếp tục ngày này sang ngày khác. Cuộc biểu tình ngày càng đông đúc hơn; vì những người biểu tình rất trật tự, theo đúng kỷ luật, khiến cho không những dân chúng Ukraine mà cả thế giới cũng kính trọng. Họ dựng lều, làm hàng rào, đồng ca những bài hát yêu nước. Ðêm sang ngày, trong nhiệt độ dưới số không.

Phong trào phản kháng đã tự chuyển biến, như con nhộng hóa thành con ngài, con sâu biến thành con bướm. Người dân không những đòi phải tái lập giao thương với Châu Âu, mà đòi quyền được sống xứng đáng với tư cách công dân một nước độc lập. Xã hội Công dân xuất hiện, nhiều người lên tiếng tố cáo guồng máy chính trị thối nát, tham nhũng, và bất lực trước các khó khăn kinh tế, làm cho đất nước nghèo, nghèo và hèn! Ukraine là một miền đất phì nhiêu nhất trong Liên bang Xô viết thời xưa. Công nghiệp tiến bộ, 99% dân biết chữ, tỷ lệ người đi học đại học cao bậc nhất thế giới, cái máy computer đầu tiên của Liên Xô được sáng chế ở Ukraine! Vậy mà trong hai chục năm qua các nhà chính trị đã làm tiêu tán hết cả những di sản quý báu của tiền nhân, đưa đến cảnh phải sang Nga “ăn xin” ông Putin, và trả giá bằng cách bất ngờ đoạn tuyệt với EU! Các chính trị gia đã làm cho dân nghèo, làm cho cả dân tộc thành hèn yếu!

Dân trung lưu Ukraine lại đứng dậy, mười năm sau cuộc Cách Mạng Mầu Cam, cuộc cách mạng sau đó đã bị các chính trị gia chiếm đoạt và lợi dụng. Cả ông tổng thống và các chính trị gia đối lập đều không ngờ lòng dân trào lên nhanh như vậy. Ông Yanukovych không nói chuyện với dân chúng biểu tình, mà mời các lãnh tụ đối lập tới thương thuyết; dùng chiến thuật trì hoãn để xoa dịu dư luận thế giới. Dân vẫn biểu tình ngoài trời, trong không khí mùa Ðông giá lạnh, trong hai tháng trời.

Cố vấn của ông Putin đã công khai khuyên Yanukovych hãy thẳng tay đàn áp. Yanukovych đã học được phép chống biểu tình của ông thầy Putin. Ngày 16 Tháng Giêng, ông ban hành luật cấm biểu tình, ai chống chính phủ sẽ bị trừng trị bằng luật hình sự. Nhưng người dân Ukraine can đảm hơn ông tưởng. Trong ba ngày, gần một trăm người bị giết. Ngày 22 Tháng Giêng 2014, các thanh niên, sinh viên bắt đầu dùng gạch, đá, chai xăng chống lại công an. Công an an nổ súng. Mấy chục người chết. Bầu không khí thủ đô và ở công trường Maidan thay đổi, sau khi máu chảy. Người dân không sợ hãi mà còn mạnh bạo và cương quyết hơn. Yanukovych bèn rút lại đạo luật cấm biểu tình, bắt ông thủ tướng từ chức để chạy tội; mời một lãnh tụ đối lập thuộc đảng của bà Tymoshenko lên thay nhưng không được. Yanukovych bay sang Nga dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Ðông.Tình hình êm dịu kéo dài, chắc nhờ Putin đã yêu cầu Yanukovych không được làm cho tin tức cuộc chơi mùa Ðông bị lu mờ so với tin tức Ukraine trên các báo đài khắp thế giới.

Những thanh niên lãnh đạo cuộc biểu tình đã chọn đúng thời điểm Putin đang lo thế vận hội mà phản công. Họ tự lập ra một Ðoàn Thanh Niên Tự Vệ, điều động dân dựng hàng rào kháng cự, tự võ trang, chuẩn bị đối đầu với đám công an xung phong. Chính quyền có lúc dọa đem cả quân đội tới đàn áp biểu tình, nhưng các tướng lãnh vẫn đứng ngoài cuộc tranh chấp chính trị. Yanukovych tiếp tục “câu giờ” bằng các cuộc thương thuyết với các đảng đối lập. Có lúc họ đã đạt được thỏa hiệp, sửa Hiến Pháp để trao quyền cho Quốc Hội nhiều hơn, chấp nhận cho Yanukovych có thể tiếp tục làm tổng thống đến cuối năm nay mới bầu cử. Trong khi đó bộ trưởng Công An tuyên bố đã phát “súng trận” cho công an, sẵn sàng giết. Khi các lãnh tụ đối lập công bố kết quả cuộc thương thuyết, nhiều người dân hô đả đảo. Một thanh niên đọc tên một người bạn cùng ở trong Ðoàn Thanh Niên Tự Vệ, cả anh ta với vợ và con nhỏ đã bị công an bắn chết. “Không thể thỏa hiệp! Yanukovych phải từ chức ngay!”

Trong thời gian đó, ở trong Quốc Hội, các đại biểu đảng viên của ông Yanukovych đã thấy gió đổi chiều. Một số thỏa hiệp với các đại biểu đối lập thay đổi Hiến Pháp, họ làm luật trả tự do cho bà Tymoshenko. Ngày Thứ Tư, sinh viên đánh nhau với công an cảnh sát. Ngày Thứ Năm, công an an xung phong Berkut dùng đạn thật bắn chết hàng chục người biểu tình, các đại biểu Quốc Hội thấy phải hành động. Một đại biểu đối lập đề nghị một lời kêu gọi công an ngưng bắn dân. Phe chính phủ phản đối, cảnh đấm đá lẫn nhau diễn ra. Ðể thay đổi không khí, một đại biểu đề nghị một phút tưởng niệm các người đã chết, bên dân cũng như bên công an. Trong không khí tĩnh lặng đó, chỉ nghe thấy tiếng hơi thở của mình, chắc nhiều người đã thay đổi ý kiến. Quốc Hội thông qua lời kêu gọi công an ngưng bắn dân.

Hình như các công an chỉ chờ cơ hội đó. Ngày Thứ Sáu, họ lặng lẽ giải tán. Khi đoàn biểu tình tiến tới trụ sở các bộ, các sở, cảnh sát, công an đã bỏ trống, đường phố thuộc về người dân. Sáng sớm Thứ Bảy, Yanukovych cùng gia đình bỏ trốn. Ông đến một tỉnh miền Ðông, nơi nhiều người gốc Nga sống, xưa nay vẫn là hậu cứ của ông. Ông tính qua biên giới sang Nga, nhưng lính biên phòng ngăn lại. Ông đưa tiền hối lộ, họ từ chối.

Yanukovych không ngờ cơ sự xảy ra như vậy. Các nhà chính trị đối lập cũng không ngờ. Trước đó, người ta vẫn lo Ukraine sẽ xảy ra nội chiến, vì tinh thần ái quốc của dân ở phía Tây rất mạnh, còn dân ở phía Ðông vẫn thân Nga hơn. Nước Georgia, trước cũng thuộc Liên Xô như Ukraine, đã từng bị quân Nga tấn công, rồi kéo hai vùng tách ra đòi tự trị, và thân Nga. Nhưng sau khi một chính phủ lâm thời thành lập ở Kiev, các tỉnh miền Ðông tuyên bố sẽ tuân phục chính quyền trung ương. Vùng Crimea, vốn trước kia thuộc nước Nga, chỉ được trao cho Ukraine từ năm 1954, nhiều người gốc Nga kéo đến bảo vệ tượng Lenin, sợ dân Ukraine tới kéo đổ. Nhưng chính quyền Crimea cũng tuyên bố sẽ không ly khai.

Một chế độ độc tài trông bên ngoài có vẻ rất kiên cố; đã sụp đổ nhanh chóng. Dân Ukraine đã giành lại quyền độc lập tự do thật sự. Nhưng bây giờ đến lúc xây dựng lại nền dân chủ, họ sẽ phải rút kinh nghiệm quá khứ. Chế độ Dân Chủ chỉ là một hình thức tổ chức cho xã hội. Nội dung là tự do, công bằng, và quyền tham dự của người dân vào việc đất nước. Dân Ukraine không có kinh nghiệm sống dân chủ, sau mấy thế kỷ sống dưới các chế độ chuyên chế của các Nga hoàng và các lãnh tụ cộng sản. Sau khi được độc lập và xóa bỏ chế độ cộng sản, chính quyền rơi vào tay đám chính trị hoạt đầu. Bọn họ cầm quyền nhưng cải tổ kinh tế rất chậm chạp để bảo vệ quyền lợi giới quyền quý, chương trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước chỉ làm giầu cho chính họ, gia đình, và phe đảng. Tham nhũng tràn lan. Các đại gia gây ảnh hưởng trên guồng máy cai trị.

Bây giờ dân Ukraine sẽ phải bắt đầu lại xây dựng dân chủ tự do từ những bước đầu. Sống dân chủ tự do khó hơn người ta tưởng. Nhưng chắc chắn sống tự do vẫn hơn làm nô lệ. Vì vậy hàng trăm thanh niên Ukraine đã đổ máu hy sinh. Trong ngày Thứ Bẩy, trong lúc các nhà chính trị đang bàn nhau lập chính quyền mới, dân thủ đô Kiev đã tổ chức tang lễ cho những người đã khuất. Ngày hôm qua, cả thế giới được nhìn thấy hình ảnh những người công an Ukraine quỳ gối xin tạ lỗi với nhân dân, vì nhiều đồng đội của họ đã bắn chết dân.

13 thg 2, 2014

Bài thơ gửi Anh bộ đội

Anh và Tôi

Anh là bộ đội cụ Hồ miền Bắc..
Tôi là anh lính Cộng Hoà miền Nam ..
Ta gặp nhau trên một đất nước tan hoang
Nơi chiến địa, ngút ngàn khói lửa ..

Mẹ tôi mỗi chiều chờ tin con tựa cửa
Mẹ anh gục đầu quỵ ngã giữa đấu trường
Bao mái đầu già, tóc bạc thảm thương ..
Bao mái đầu xanh, lên đường nhập cuộc..

Khẩu AK trên đôi tay gầy guộc..
Mắt căm thù anh tiến bước căm gan..
Vượt Trường Sơn, anh xẻ núi, băng ngàn
Quyết giải phóng miền Nam, vui lòng " bác "...

Đây miền Nam! Ruộng đồng xanh bát ngát
Người lính miền Nam không một lúc nào quên
Bảo quốc, an dân, kinh nhật tụng đầu tiên ..
Ưu tiên một trong sáu điều tâm niệm ..

Nhưng hôm nay..!! Tiếng AK át lời kinh cầu nguyện ..
Ngơ ngác kinh hoàng câu chuyện Mậu Thân ..
Tiếng súng chen vào tiếng pháo đầu xuân ..
Xác mai vàng trộn xác dân đẫm máu ..

Em bé thơ chẳng kịp khoe quần áo
Đã vội lìa đời mắt thao láo, mở trừng ..
Mẹ già nua, mờ khoé lệ rưng rưng ..
Lặng lẽ khóc giữa... trùng trùng lửa đạn..

Bác Hồ cười..!! Ôi giọng cười.... điên loạn
Mắt long lanh như ngàn vạn yêu tinh ..
Có phải chăng " bác " đang hiện nguyên hình ...
Vâng, chính bác..!! Hồ Chí Minh đích thị

Bác là người, hay là ma là quỷ ..
Là yêu tinh, hay " tay anh chị " Trường Sơn ..
Ai làm gì mà bác cứ ..... căm hờn
Cứ đòi tiến trên con đường chủ nghĩa ..

Trong đầu bác đầy âm mưu độc địa
Dối gạt anh, bác đã " phịa " đủ điều ..
Dân miền Nam bị kìm kẹp trăm chiều ..
Anh lên đường và tin theo ........ lời bác ..

Ta gặp nhau trên chiến trường tan nát
Ôi kiếp con người giữa đạn lạc, tên bay ..
Vũ khí giết người của Nga, Mỹ , Tầu , Tây
Nhưng lại nằm trên đôi tay người... Việt .!!

Hè đỏ lửa, anh hăng say cuồng nhiệt ..!!
Vào Bình Long, anh quyết giết chúng tôi..
Bạn bè tôi, gãy cánh giữa lưng trời ..
Đồng chí anh cũng thây phơi chật đất..

Anh hăm hở vào Nam theo lời bác ..
Tay anh xâm câu " Sinh Bắc , tử Nam " ..
Tôi thương mẹ già một nắng hai sương ..
Viết vào vai câu " Xa quê hương , nhớ mẹ"

Nghe bác Hồ, anh căm thù Mỹ Nguỵ
Anh hận tôi tận xương tuỷ, tim gan ..
" Bác " dạy anh, anh thù cả ...... thế gian
Và anh tin lời " ngọc vàng " của ... " bác "

Lời Mẹ tôi dạy nhiều điều ...... hơi khác ...
Dạy thương yêu, sống bát ngát tình người
Dạy thứ tha , lấy 9 bỏ làm 10 ..
Dạy vươn lên, mỉm cười trong nghịch cảnh

Đôi mắt Mẹ hiền từ như bà thánh ..
Bảo tôi đừng tập xấu tánh, thù dai ..
Không dạy căm thù, nên tôi chẳng biết phải thù ai ..
Giờ chúng ta gặp nhau ngoài chiến trận

Anh bắn tôi, lòng anh tràn thù hận ..
Đạn tôi đi, kèm một chút bâng khuâng ..
Cánh tôi rơi, anh hớn hở reo mừng ..
Anh gục ngã, thoáng lòng tôi bất nhẫn ..

Tuổi trẻ Việt Nam, lớn lên trong chiến trận
Là đớn đau, chua xót lẫn hận thù ..
Ôii cuộc đời ..!! Một bể khổ thiên thu..
Thiên đường bác hứa, thiên đường mù không lối thoát

Hôm nay đây, toàn dân Nam ngơ ngác ..
Đường " bác " đi, bi đát đến thảm thương
Bắc, Trung, Nam, giờ... bí lối cùng đường
Lê lết sống đời .... vất va, vất vưởng ..

Bác tưởng mình là con " rồng ", con " phượng " ..
Nhưng " bác " chỉ là con ..... " vượn " Trường Sơn ..
Bác hận đời, " bác " nuôi mãi căm hờn ..
Ăn trúng gì ..!! Mà " bác " lên cơn say máu ..

" Bác " gian hùng từ khi còn thơ ấu ..
" Bác " làm bao nhiêu điều xấu vì tiền ..
Chó săn Tây, " bác " làm điềm chỉ viên ..
" Bác " bán đứng bao người hiền yêu nước

" Bác Hồ " ơii ..!! Có phải chăng kiếp trước
"Bác" là tên bạo ngược Mạc Đăng Dung !!?
Hay " bác " là Lê Chiêu Thống hiện thân !?
Cõng rắn về cắn nhân dân lần nữa ..!!??

Lại là " bác ", " Người ruồi " gieo máu lửa .
Đường " bác " đi, chẳng có cửa nào ra ..
Lăng Ba Đình, còn lại một thây ma ..
Vào xem " bác ", tên cùng hung cực ác ..

Sử ghi " bác ", Hồ Chí Minh bán nước ..
Cả biển Đông không rửa được danh nhơ..
Vẫn còn ghi, và mãi chẳng phai mờ
Lừng danh " bác ", tên tội đồ dân tộc ..

Này anh bộ đội ..!!
Lẽ nào số anh cung .......... nô bộc ......
Nên " bác " Hồ cứ đầu độc tỉnh bơ
" Bác " dùng anh như một thứ .... gia nô ..
Xúi anh làm chuyện điên rồ cho " bác " ..

Nếu có dịp, anh dừng tay một lát ..
Nghĩ thử xem tội ác đến từ đâu ..!!??
Sẽ thấy ngay hình ảnh ... " bác " Minh Râu
Kẻ tình nguyện theo Tầu làm ..... đầy tớ ..

Này anh bộ đội ..!! Hãy luôn luôn ghi nhớ
Đất nước nghìn năm, sao lại nỡ đem dâng
Lịch sử oai hùng, từ Đinh, Lý, Lê, Trần
Quyết không nhượng cho ngoại nhân 1 tấc

Thế mà hôm nay Hoàng Sa kia biến mất ..
Tiếp theo sau, Bản Giốc cũng không còn
" Bác " Hồ ơi ..!! Tội " bác " chất tầy non
Bia đá mòn, nhưng vẫn còn ... bia miệng

Nó ô nhục như cột đồng ..... Mã Viện ..
Nó kinh hoàng như câu chuyện năm xưa ..
Đến bao giờ mới rửa sạch vết nhơ ..
Cho đất nước, không ngờ ... sinh ra "bác"

Này anh bộ đội ..!! Hãy dừng tay chốc lát
Nghe chuyện kinh hoàng hơn cả ... Pháp thực dân ..
Súng trên tay, hãy tự cứu lấy bản thân ..
Quay nó lại, xoá đi niềm hối hận ..

Cợ hội đến, khi số trời chuyển vận ..
Thì những tên trùm , táng tận lương tâm
Đã từ lâu hút cạn máu nhân dân ..
Phải trả lời trước cán cân lịch sử ..

Này anh bộ đội từng vào sinh, ra tử ..
Thấy hay không ..!!? Lũ quỷ dữ lộng hành
Đất nước mình giờ đã nát tan tành ..
Anh không biết, hay anh đành ... giả điếc

Bao nhiêu năm trong hận thù , chém giết
Xương máu dân đã cạn kiệt suy tàn..
Có nghe chăng muôn triệu tiếng oán than
Giòng suối lệ dân nước Nam đang chảy ..

Khẩu AK nằm trên tay anh đấy ..
Sẽ nhiệm mầu gấp mấy chiếc ... đũa thần
Quay súng về để cứu lấy muôn dân ..
Và cứu cả chính bản thân anh nữa ..

Còn phần tôi , dù hôm nay ... ngã ngựa
Nhưng nếu trời còn tựa chút sức tàn..
Cũng tiếp tay xây dựng lại giang san
Dù tan nát, dù muôn ngàn đổ vỡ ..

Cũng cố gắng đến tận cùng hơi thở ..
Mới mong tìm ánh sáng ở tương lai ..
Dân Việt mình mới thấy được ngày mai ..
Và mới mong sánh vai cùng thế giới ..

Mới mong thoát cảnh u mê tăm tối ..
Xuống tuyền đài không thẹn với cha , ông
Hãy nắm tay cùng góp sức chung lòng ..
Vực thẳm hôm nay mới mong qua khỏi ..!!

Phúc Trần

19 thg 1, 2014

Hoàng Sa -Trườngsa với cựu Thiếu Tá Phạm văn Hồng

Thiếu Tá Phạm văn Hồng , nhân chứng , người có mặt trên đảo Hoàng sa sẽ tiết lộ nhiều chi tiết gay cấn trong vụ Trung cộng tiến đánh Hoàng trường sa.



12 THÁNG ANH ĐI