29 thg 12, 2015

Về Thăm Mộ Chàng

"
Thơ: Tâm Tiễn - Phổ nhạc: Liên Bình Định - Hòa Âm: Quang Đạt Studio

Về Thăm Mộ Chàng

Hôm nay về nghĩa trang
Hoa dại mọc ven đường
Cỏ xanh ươm sắc úa
Nắng vàng nhuộm mầu tang

Anh nằm xuống nơi đây
Cho nhân thế hao gầy
Nơi Tiếc-Thương muôn thuở
Người bỏ cuộc chua cay

Lối mòn em lững thững
Buồn chân bước mênh mang
Tìm không ra nấm mộ
Ngày xưa đã chôn chàng

Cỏ mọc nhìn hoang vắng
Gió lay cụm hoa vàng
Em trong tà áo trắng
Là mầu tang em mang

Thẫn thờ em quanh quẩn
Rồi khi thấy được chàng
Mộ bia đà xiêu vẹo
Hao mòn vì thời gian

Em ngồi bên mộ chàng
Lòng suy tưởng miên man
Nhớ thương bao kỷ niệm
Vùi theo những hoang tàn

Tay em vờn lọn cỏ
Mọc quanh những chân nhang
Mà dùng dằng không nỡ
Nhổ đi để buồn chàng

Những lọn cỏ vô tri
Từng thay thế em vì
Chàng không ai bầu bạn
Cho vơi sầu phân ly

Ba nén nhang em thắp
Một là để yêu chàng
Hai là xin tạ lỗi
Vì xa vắng khói hương

Nén sau cùng em gởi
Tâm tư xuống suối vàng
Linh hồn và hơi thở
Em cùng những yêu thương

Khi đã đền nợ nước
Là trả lại quê hương
Biết bao nhiêu hệ lụy
Của người trai chiến trường

Chàng yên bề mộ lạnh
Em khăn trắng tang chồng
Từ nay đành nguội lạnh
Làm thiếu phụ non sông

Mộ chàng em đã đắp
Cho đầy với núi sông
Ngàn nén nhang em thắp
Cho khói vờn thu phong

Thôi xin chàng ở lại
Hòa mình với nước non
Em về ôm tuổi dại
Làm góa phụ không con...

Tâm Tiễn

23 thg 6, 2015

Cách Viết Hoa Trong Tiếng Việt

Đào Văn Bình

Đôi khi trong đời người ta, viết văn chỉ vì nhu cầu thôi thúc chứ thực ra nhà văn chưa chắc đã nắm vững một số kỹ thuật hoặc nguyên tắc viết văn. Ngay chính bản thân tôi cũng rơi vào trường hợp như vậy.

Ðiều này cũng dễ hiểu vì tôi không tốt nghiệp hoặc chưa theo học một truờng hoặc một lớp dạy viết văn nào. Mặc dầu tôi đã trải qua sáu năm đại học nhưng ở đại học người ta không chấm điểm theo nghệ thuật viết văn mà chấm điểm theo nội dung bài vở. Cho nên khi khởi đầu viết tác phẩm “Những Sự Thực Không Thể Chối Bỏ” năm 1987 thì kỹ thuật viết văn của tôi như nguyên tắc viết hoa, cách chấm câu v.v.. hoàn toàn là của Lớp Ðệ Thất, Ðệ Lục với lời dạy của thầy, cô trong môn Việt Văn rất đơn sơ mà tôi chỉ còn nhớ lõm bõm.

Sau mười năm sống ở Mỹ tức khoảng năm 1995 và sau khi đã làm việc trong các trường học, theo dõi các bài giảng dạy viết văn của học sinh Mỹ, đọc các sách biên khảo về văn chương Hoa Kỳ tôi mới bắt đầu hiểu một số vấn đề như quy tắc viết hoa:

I. Quy tắc viết hoa trong văn chương Việt Nam

Trước khi nói về nguyên tắc viết hoa trong văn chương Hoa Kỳ chúng ta thử tìm hiểu xem nguyên tắc viết hoa của văn chương Việt Nam như thế nào. Theo tôi, khi tổ tiên chúng ta còn xử dụng tiếng Hán để làm văn tự thì chắc chắn không có quy tắc viết hoa. Khi chữ quốc ngữ được sáng tạo thì quy tắc viết hoa của chúng ta đã được mô phỏng hoặc bắt chước theo lối viết hoa của văn chương Pháp.

Thế nhưng quy tắc mà chúng ta ứng dụng hoặc bắt chước lại hỗn loạn và không thống nhất. Tôi không hiểu lỗi này do cha ông chúng ta không có một Hàn Lâm Viện để đặt một quy tắc thống nhất hoặc giả đây là lỗi của nhà văn, nhà xuất bản, của ban biên tập, của người sắp chữ (sau này là người đánh máy)? Riêng bản thân tôi, cho mãi tới năm 2000 – tức là sau 15 năm viết văn tôi mới chính thức tuân thủ lối viết hoa thống nhất theo văn chương Hoa Kỳ.

Ðiều này qúy vị độc giả có thể nhận thấy trong cuốn Ký Sự 15 Năm xuất bản năm 2000. Chứ còn 5 tác phẩm về trước, lối viết hoa của tôi hoàn toàn không thống nhất và hết sức lộn xộn. Sau đây là lối viết hoa trong văn chương Việt Nam theo thứ tự thời gian mà tôi đưa ra như những điển hình.

1)Viết hoa theo Việt Nam Tự Ðiển Khai Trí Tiến Ðức (1931):
Chỉ viết hoa chữ đầu, chữ sau không viết hoa và có gạch nối giữa các chữ. Thí dụ:
Kinh-dương-vương
Hà-nội, Hà-nam, Hà-tĩnh, Giáo-sư, Giáo-sĩ, Hương-giang, Nga-la-tư, Thái-bình-dương
Thế nhưng: A-di-đà-Phật (chữ Phật cuối cùng lại viết hoa)

2) Lối viết hoa không thống nhất trong Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng:
-Tên người: Viết hoa cả họ, tên và chữ lót theo văn chương Mỹ nhưng vẫn có gạch nối theo lối cũ. Thí dụ: Dương-Huy, Nguyễn-Thiết-Thanh, Nguyễn-Yên. Thế nhưng ở một chỗ khác lại viết: Dương-thị-Mai (chữ thị không viết hoa)

-Tước hiệu, chức vụ: Thường không viết hoa và rất lộn xộn. Thí dụ:
cụ tú Ninh-Bắc, cụ tú Lãm, ông hàn Thanh
nhưng ở một chỗ khác lại viết Bà Cán, ông Tham Lộc
(Tham ở đây là một tước vị lại viết hoa)

-Ðịa danh, dinh thự, công viên, thành phố, trường học:
Khái Hưng chỉ viết hoa chữ đầu và vẫn có gạch nối theo lối cũ. Thí dụ:
Phúc-yên, Hà-nội, chùa Bách-môn
Thế nhưng ở những chỗ khác tất cả lại viết hoa. Thí dụ:
Thạch-Lỗi, Quan-Thánh, Phú-Thọ, Trù-Mật, Ninh-Bắc, Nam-Ðịnh, Gia-Lâm

Các con đường, con sông Khái Hưng viết hoa cũng không thống nhất: Thí dụ:
đường Quan-Thánh (Quan Thánh viết hoa)
Sông Tô-lịch (sông lại viết hoa, lịch lại không viết hoa)
Ngày, tháng Khái Hưng không viết hoa. Thí dụ: thứ bảy

3) Lối viết hoa của Nhất Linh trong Bướm Trắng:
-Về địa danh, Nhất Linh chỉ viết hoa chữ đầu và có gạch nối theo lối cũ. Thí dụ:
Sầm-sơn, Hà-nội, Khâm-thiên, Chợ-lớn
Thế nhưng Sài Gòn có chỗ lại viết:
Sài gòn (không gạch nối)
Sài-gòn (có gạch nối)
Nhật bản (không gạch nối)

-Về tên người Nhất Linh viết hoa theo lối Mỹ. Thí dụ:
Bác-sĩ Trần Ðình Chuyên (không gạch nối, chữ lót viết hoa)
Nhưng ở một chỗ khác lại viết: Vũ-đình-Trương (có gạch nối và chữ lót lại không viết hoa)

4) Lối viết hoa không thống nhất của Thanh Tịnh trong Quê Mẹ:
-Các địa danh chỉ viết hoa chữ đầu và có gạch nối.
Thí dụ: phá Tam-giang, trường Mỹ-lý, Trung-kỳ, Hà-nội

Thế nhưng ở một chỗ khác lại viết:
Trường Mỹ-lý (trường viết hoa mà không phải ở đầu câu)
làng Hòa ấp (lại không có gạch nối)
chùa Ðồng Tâm (chữ tâm lại viết hoa và không có gạch nối)

-Chức vụ chỉ viết hoa chữ đầu. Thí dụ: Hương-thơ
Thế nhưng ở những chỗ khác lại viết:
ông đốc (đốc không viết hoa)
ông Huyện Phong (hai chữ sau lại viết hoa)
Miếu Thần Ðá (tất cả lại viết hoa)
miễu Thánh (chữ miễu không viết hoa)

-Các tên người đều viết hoa theo lối Mỹ nhưng có gạch nối. Thí dụ:
Hoàng-Thiên-Y, Khổng-Tử, Lý-Tịnh, Na-Tra
Nhưng ở một chỗ khác lại viết:
Lê Bá Xuân (không gạch nối)

5) Lối viết hoa không thống nhất của Hoàng Văn Chí (1964):
Về tên các quốc gia: Viết hoa theo lối Mỹ nhưng vẫn có gạch nối. Thí dụ:
Việt-Nam, Ðông-Nam-Á, Ðông-Dương, Hòa-Lan
Nhưng ở nhiều chỗ khác chỉ viết hoa chữ đầu:
Hoa-kỳ, Thái-lan, Ấn-độ, Trung-cộng, Tây-tạng,

Tên các nhân vật: Có lúc viết hoa theo lối Mỹ nhưng vẫn có gạch nối. Thí dụ:
Khuyển-Dưỡng-Nghị, Tôn-Văn, Vương-Dương-Minh
Thế nhưng ở những chỗ khác lại viết:
Phan-đình-Phùng, Tôn-thất-Thuyết (chữ lót không viết hoa)

-Nhóm, hội đoàn, đoàn thể: Viết hoa không thống nhất, chỗ có gạch nối, chỗ không. Thí dụ:
Phong trào Cần-Vương
Phong trào Ðông Du (không gạch nối)
Phong trào Văn-Thân
phong trào cộng sản (cả bốn chữ lại không viết hoa)

-Các địa danh viết hoa cũng không thống nhất.
Thí dụ: Thượng-Hải, Hồng-Kông, Trà-Lùng, Hàng-Bông, Làng Cổ-Am, Yên-Báy, Hải-Phòng
Thế nhưng ở những chỗ khác lại chỉ viết hoa chữ đầu mà thôi. Thí dụ: Hà-nội, Quảng-châu, Quảng-nam, Lạng-sơn, Dương-tư, Nam-đànv.v…

6) Lối viết hoa của Duyên Anh trong Về Yêu Hoa Cúc (1970):
-Ðại lược về tên người, địa danh, tên trường học, tước hiệu Duyên Anh viết hoa theo lối Mỹ và bỏ gạch nối.
Thí dụ: Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Mai Thảo, Nguyên Sa, Ðinh Hùng, Hàn Mặc Tử
Ðại Học Văn Khoa, Ðà Lạt, Hà Nội, Mỹ Tho
Thế nhưng còn hai chữ Sài Gòn thì Duyên Anh có lúc viết Sài-gòn (có gạch nối, chữ gòn không viết hoa), rồi có lúc lại viết Sài gòn (không gạch nối)

-Tên các tờ báo, tạp chí lối viết hoa cũng không thống nhất. Thí dụ:
nhật báo Ðồng Nai, tuần báo Kịch Ảnh
tức là các chữ nhật báo, tuần báo không viết hoa)
thế nhưng lại viết: Ðông Dương Tạp Chí (tạp chí lại viết hoa)

-Các tác phẩm văn chương chỉ viết hoa chữ đầu, chữ sau không viết hoa (tức theo lối cũ). Thí dụ:
Ngày về, Lạnh lùng, Chân trời cũ
Nhưng ở chỗ khác lại viết Tiêu Sơn Tráng Sĩ (tất cả đều viết hoa)

7) Lối viết hoa không thống nhất của Hoàng Khởi Phong trong Người Trăm Năm Cũ (1993):
Hoàng Khởi Phong là cựu chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp Chí Văn Học trong khoảng thời gian từ 1989-1990. Dĩ nhiên với chức năng này ông phải đọc lại và coi lại rất nhiều bài viết thế nhưng lối viết hoa của ông cũng không thống nhất – điển hình qua tác phẩm Người Trăm Năm Cũ.

-Các tước vị hoặc ngôi thứ trong gia đình đều viết hoa như:
Ðề Thám, Cai Kinh, Cả Huỳnh, Cả Tuyển, Tổng đốc Lê Hoan…
Thế nhưng ở nhiều chỗ khác, các tước vị lại không viết hoa:
Thí dụ: vua Hàm Nghi, tướng Voyron, quan ba Lambert…

-Các điạ danh, cách viết hoa cũng không thống nhất:
Thí dụ: Phủ Lạng Thương, tỉnh Hà Ðông, huyện Nhã Nam
(Phủ, huyện, tỉnh đều là đơn vị hành chánh thế mà phủ viết hoa còn tỉnh và huyện lại không viết hoa).

-Các biến cố lịch sử đáng lý phải viết hoa lại không viết hoa.
Thí dụ: Cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chiến khu Yên Thế. Ðáng lý phải viết: Cuộc Khởi Nghĩa Yên Thế, Chiến Khu Yên Thế.

8) Lối viết hoa không thống nhất của Tạ Chí Ðại Trường trong Tạp Chí Văn Học năm 2000:
Tạ Chí Ðại Trường là cây viết chủ lực cho Tạp Chí Văn Học sức học rất uyên bác nhưng cũng lại không để ý đến quy tắc viết hoa. Thí dụ:
Công Giáo (tất cả đều viết hoa)
Thế nhưng ở chỗ khác lại viết: Tam giáo (chữ giáo không viết hoa)
Tự Ðức kí Dụ: Ðáng lý kí viết hoa lại không viết hoa.
truờng Bảo hộ (chữ hộ không viết hoa) nhưng lại viết trường Chu Văn An (chữ an lại viết hoa)
Hồng vệ binh maxít phương Ðông: (chữ phương không viết hoa). Thế nhưng ở một chỗ khác lại viết:
Văn Minh Tây Phương (chữ phương lại viết hoa)
Hồng quân Trung Quốc (chữ quân đáng lý viết hoa lại không viết hoa)
Cộng hòa Ðại Hàn (chữ hòa đáng lý viết hoa lại không viết hoa)

Phong trào Không liên kết Thế giới thứ Ba: Các chữ trào, liên kết, giới, thứ – đáng lý phải viết hoa lại không viết hoa.

9) Lối viết hoa của Nguyễn Hưng Quốc trong Tạp Chí Văn Học năm 2000
Nguyễn Hưng Quốc là cây viết chủ lực cho Tạp Chí Văn Học. Là một nhà bình luận văn học rất kỹ lưỡng thế nhưng Nguyễn Hưng Quốc cũng không chú ý đến quy luật viết hoa.

-Tên các tác phẩm đều viết hoa như:
Truyện Kiều
Thơ Mới của Hoài Thanh
Thế nhưng ở một chỗ khác lại viết:
thơ Nguyễn Công Trứ (chữ thơ không viết hoa)

-Các tên nhóm, hội đoàn đều viết hoa như:
Nhóm Sáng Tạo (chữ nhóm viết hoa)
trường phái Phê Bình Mới (đáng lẽ chữ trường phái cũng phải viết hoa)
Rồi ở một chỗ khác lại viết:
nhóm Ngôn ngữ học tại Moscow (đáng lý phải viết: Nhóm Ngôn Ngữ Học tại Moscow


II. Quy tắc viết hoa trong văn chương Hoa Kỳ

Trong văn chương Hoa Kỳ, viết hoa gọi là “capital letter ”, còn viết chữ thường gọi là “lower case”. Ðây là quy tắc thống nhất được áp dụng ở khắp mọi nơi. Ít khi thấy nhà văn, nhà thơ, nhà báo Hoa Kỳ vi phạm quy tắc này. Nguyên do chính là vì xã hội của họ đã ổn định cả hai trăm năm nay, việc gì cũng đã trở thành quy củ, nề nếp, có trường ốc. Ngoài ra tờ báo nào, nhà xuất bản nào cũng có một ban biên tập chịu trách nhiệm về vấn đề này chứ không “tự biên tự diễn, tự đánh máy, tự in, tự sáng chế” như chúng ta.

Giới thiệu quy tắc viết hoa trong văn chương Hoa Kỳ ở đây không có nghĩa là cái gì của Mỹ cũng nhất. Quy tắc nào cũng tốt cả nhưng với điều kiện phải thống nhất. Không thể ở đầu trang viết:Phong trào Ðông du rồi ở cuối sách lại viết Phong Trào Ðông Du. Nếu cứ tiếp tục viết lộn xộn như thế này thì con cháu chúng ta cũng sẽ tiếp tục thừa kế cái lộn xộn đó và hậu quả là cả ngàn năm sau nền văn chương Việt Nam vẫn cứ tiếp tục lộn xộn làm người ngoại quốc điên đầu khi nghiên cứu văn chương Việt Nam. Sau đây là quy tắc viết hoa trong văn chương Hoa Kỳ:

1) Tên người:

Thí dụ: Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Lê Chân, Ông Tô Hiến Thành, Ông Cao Bá Quát, Ông Tôn Thất Thuyết, Bà Ðoàn Thị Ðiểm, Ông Ðặng Trần Côn, Cô Nguyễn Thị Giang, Cô Bắc.

2) Các con vật mình nuôi và thương mến/thú cưng (pet):

con Vàng, con Vện, con Loulou, con Cún, con Bống

3) Các chức vụ, tước hiệu và các chữ tắt của tên:

Thí dụ: Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sử Gia Lê Văn Hưu, Chúa Sãi, Chúa Trịnh, Bà Huyện Thanh Quan, Ðô Ðốc Tuyết, Cai Tổng Vàng, Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo Sư Nguyễn C. Hách, GS. Phạm B. Tâm, Ðại Sứ Cabot Lodge, Tiến Sĩ Kissinger, Tổng Thống Roosevelt.

4) Ngôi thứ trong gia đình:

Thí dụ: Cô Bảy, Bác Ba, Bà Cả Tề, Thím Năm, Cô Ba Bến Tre, Cô Năm Phỉ, Út Trà Ôn.

5) Ðịa danh, dinh thự, công viên, thành phố, quận:

Thí dụ: Thành Phố Ðà Lạt, Dinh Ðộc Lập, Phủ Thủ Hiến, Phủ Thủ Tướng, Tòa Thị Chính Nha Trang, Công Viên Tao Ðàn, Vườn Hoa Con Cóc, Vườn Hoa Chéo, Công Viên Tao Đàn, Chùa Hương Tích, Thành Phố Hải Phòng, Quận Hương Điền, Quận Châu Thành Mỹ Tho, Xã An Hội …

5) Bến, cảng, phi trường:

Thí dụ: Phi Trường Tân Sơn Nhất, Ga Hàng Cỏ, Bến Vân Ðồn, Bến Sáu Kho, Bến Ðò Bính, Bến Ðò Lèn, Bến Nhà Rồng, Cảng Hải Phòng

6) Ðường:

Thí dụ: Ðường Trần Hưng Ðạo, Xa Lộ Biên Hòa, Quốc Lộ 1, Liên Tỉnh Lộ 7, Hương Lộ 8…

7) Chợ:

Thí dụ: Chợ Bến Thành, Chợ Ðồng Xuân, Chợ Tân Ðịnh, Chợ Bà Chiểu, Chợ Lớn, Chợ Huyện Thanh Vân…

8) Núi, đèo, cửa ải:

Thí dụ: Núi Hoàng Liên Sơn, Núi Sam, Núi Ba Vì, Núi Ngũ Hành, Núi Ông Voi, Núi Ngự, Ðèo Hải Vân, Ðèo Cả, Ải Nam Quan…

9) Sông, thác, hồ, suối:

Thí dụ: Sông Hồng, Sông Mã, Sông Chu, Sông Hương, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Than Thở, Hồ Ba Bể, Thác Bản Giốc, Suối Giải Oan…

10) Vịnh, biển, đảo:

Thí dụ: Vịnh Hạ Long, Vịnh Cam Ranh, Rạch Cái Cối, Vũng Rô, Quần Ðảo Hoàng Sa, Quần Ðảo Trường Sa, Ðảo Tây Sa, Côn Ðảo, Hòn Bà, Hòn Chồng, Hòn Vọng Phu, Phá Tam Giang.

11) Ngày tháng:

Thí dụ: Tháng Giêng, Thứ Hai, nhưng mùa thu, mùa xuân (các mùa lại không viết hoa)

12) Ngày lễ:

Thí dụ: Lễ Hai Bà Trưng, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Ðán, Tết Ðoan Ngọ, Ngày Thiếu Nhi Toàn Quốc, Ngày Quốc Tế Nhân Quyền…

13) Nhóm, hội đoàn:

Thí dụ: Nhóm Sáng Tạo, Nhóm Ngàn Lau, Hội Ðua Ngựa Phú Thọ, Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hội Ái Hữu Gò Công, Câu Lạc Bộ Lướt Sóng, Môn Phái Vovinam, Môn Phái Thiếu Lâm, Trường Phái Siêu Thực, Trường Phái Dã Thú, Trường Phái Ấn Tượng.

14) Ban nhạc:

Thí dụ: Ban Thăng Long, Ban Tiếng Tơ Ðồng, Ban The Rolling Stone, Ðoàn Cải Lương Hương Mùa Thu, Ðoàn Thoại Kịch Tiếng Chuông Vàng.

15) Báo chí, tựa đề các cuốn sách, thơ, bài báo, vở kịch, bức hoạ, bản nhạc, truyện, cuốn phim và tựa đề của một bài viết:

Thí dụ: Nam Phong Tạp Chí, Tạp Chí Bách Khoa, Nhật Báo Người Việt, Ðoạn Tuyệt, Thơ Vũ Hoàng Chương, Truyện Kiều, Kịch Lôi Vũ, Trường Ca Con Đường Cái Quan, Cầu Sông Qwai…

16) Thánh thần và kinh sách:

Thí dụ: Trời, Phật, Chúa, Ðức Thánh Trần, Bà Chúa Liễu Hạnh, Mẹ Âu Cơ, Kinh Kim Cang, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Kinh Coran, Kinh Cựu Ước..

17) Miền, vùng của một đất nước (nhưng không phải để chỉ phương hướng). Thí dụ:

Miền Nam, Miền Bắc, Miền Trung, Vùng Cao Nguyên, Miền Tây, Vùng Tây Bắc, Bắc Bình Ðịnh…

18) Các biến cố lịch sử, tài liệu, mốc thời gian:

Thí dụ: Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ, Ðệ II Thế Chiến, Thời Kỳ Chiến Tranh Lạnh…

Thời Kỳ Bắc Thuộc, Thời Kỳ Trịnh – Nguyễn Phân Tranh, Thời Kỳ Phục Hưng, Nhà Hậu Lê, Bình Ngô Ðại Cáo…

19) Ngôn ngữ, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo:

Thí dụ: Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Hoa Ngữ, Nhật Ngữ, Việt Ngữ

Thái, Nùng, Dao, Mèo, Kinh, Thượng, Mường, Ra-Ðê, Việt, Hoa v.v…

Việt Tịch, Pháp Tịch, Ấn Tịch…

Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Ấn Ðộ Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo…

20) Tên các con tàu, xe lửa, máy bay hoặc nhãn hiệu xe hơi:

Thí dụ: Tuần Dương Hạm Yết Kiêu, Khu Trục Hạm Vạn Kiếp, Hàng Không Mẫu Hạm Trần Hưng Ðạo…La Dalat, Citroyen, Toyota v.v…

Thiên Lôi (Thunderchief), Con Ma (Phantom)

21) Chữ đầu của câu trích dẫn:

Thí dụ: Trần Bình Trọng dõng dạc nói, “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.”

Xin quý vị nào nghiên cứu về văn phạm Việt Nam đóng góp thêm ý kiến để sau này có thể hình thành một quy tắc viết hoa thống nhất cho văn chương Việt Nam.

Đào Văn Bình

(Trích Tuyển Tập 20 Năm Viết Văn xuất bản năm 2004)

21 thg 4, 2015

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VNCH

Nam Nguyên/RFA
Bốn mươi năm trước, vào ngày 30/4/1975, cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 2 thập niên đã kết thúc. Cuộc chiến quốc-cộng đã làm 2 triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam-Bắc bỏ mạng cùng sự hy sinh của hơn 58 ngàn người thuộc lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh.

Nam Việt Nam lúc đó đã kết thúc sứ mệnh "tiền đồn của thế giới tự do" một cách nhanh chóng và cay đắng. Những ngày cuối cùng của VNCH đã diễn ra như thế nào?

Vỡ trận
Tháng 3/1975 trước thực tế tiềm lực quân sự suy yếu, đạn dược chỉ còn đủ dùng trong 30 ngày, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu quyết định tái phối trí lực lượng. Tuy vậy quyết định triệt thoái khỏi cao nguyên Trung phần tức Quân khu II và cách thức mà các tư lệnh chiến trường thực hiện nó là một sai lầm lịch sử. Sự hỗn loạn dẫn tới việc mất luôn cả khu vực Quân khu I ở phía Bắc Việt Nam Cộng Hòa, Huế rồi Đà Nẵng thất thủ và sự sụp đổ dây chuyền kéo dài tới quê hương của Tổng thống Thiệu là Phan Rang.

Trước áp lực từ nhiều phía, ngày 21/4/1975 Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu quyết định từ chức và rời khỏi Việt Nam hai ngày sau đó.

"Thưa đồng bào, anh chị em chiến sĩ cán bộ các cấp, tôi tuyên bố từ chức tổng thống và theo Hiến pháp, Phó Tổng thống Trần Văn Hương sẽ đảm nhận chức Tổng thống..."

Khi nhà giáo Trần Văn Hương trở thành vị Tổng thống thứ ba của chế độ VNCH, thì cũng là lúc mặt trận Xuân Lộc tuyến phòng thủ cuối cùng của Saigon đã vỡ, các lực lượng của VNCH can trường chịu thiệt hại nặng và giữ vững được 12 ngày đêm.

Bàn giao - Diễn văn lịch sử

Giữ chức Tổng thống VNCH được 5 ngày và bất lực trước tình hình sụp đổ nhanh chóng, ngày 26/4/1975 Tổng thống Trần Văn Hương yêu cầu Quốc hội tìm người thay thế mình, một người mà theo ông có đủ khả năng tìm giải pháp vãn hồi hòa bình hòa giải dân tộc. Quốc hội VNCH ra nghị quyết chỉ định Đại tướng Dương Văn Minh vào chức vụ Tổng thống. Trên thực tế Hiến pháp VNCH đã không còn được thi hành từ thời điểm này.

Chiều 28/4/1975 lễ bàn giao giữa hai ông Trần Văn Hương và Dương Văn Minh được tổ chức tại Dinh Độc Lập. Nam Nguyên của ban Việt ngữ RFA lúc đó là Đặc phái viên của Hệ thống Truyền thanh Quốc gia đã thực hiện cuộc Trực tiếp Truyền thanh cuối cùng của mình từ Dinh Độc Lập. Đoạn ghi âm lịch sử mà quí thính giả sắp nghe là những lời của Tổng thống Trần Văn Hương đan xen với tường thuật của Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến thuộc Hệ thống Truyền thanh Việt Nam:

Tổng thống Trần Văn Hương: "...Làm thế nào cho dân được sống yên...làm thế nào cho máu đừng đổ thịt đừng rơi thì công của Đại tướng đối với hậu thế sẽ lưu lại đời đời, dầu thế nào tôi thiết nghĩ đất nước này không bao giờ quên công lao đó của đại tướng...(vỗ tay)

Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến : "...Sau khi nguyên Tổng thống Trần Văn Hương đọc xong bài diễn văn trao nhiệm, chúng tôi nhận thấy một sĩ quan đã gỡ huy hiệu Tổng thống hai con rồng bay xuống...và thay thế bằng một huy hiệu Tổng thống mới với hình một hoa mai năm cánh...Đây là Phóng viên Hệ thống Truyền thanh Việt Nam, quí thính giả đang theo dõi Trực tiếp Truyền thanh lễ trao nhiệm chức Tổng thống VNCH giữa ông Trần Văn Hương và cựu Đại tướng Dương Văn Minh...Thưa quí thính giả vào lúc này bên ngoài dinh Độc lập chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Saigon đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước..."

Một trong hàng triệu thính giả đã nghe cuộc trực tiếp truyền thanh lịch sử ngày 28/4/1975 là ông Nguyễn Quốc Thái, một nhà báo thuộc nhóm tạp chí Hành Trình, Đất Nước và Trình Bầy. Ba tờ báo này do một nhóm trí thức công giáo được cho là thiên tả chủ trương và có khuynh hướng đối lập với chính phủ. 40 năm sau cuộc bàn giao lịch sử giữa hai vị Tổng thống Trần Văn Hương và Dương Văn Minh, từ Saigon ông Nguyễn Quốc Thái cho biết cảm nhận của ông vào thời điểm chiều 28/4/1975:

"Lúc đó tôi biết mọi chuyện đã xong rồi; có một hiển hiện rõ ràng là tất cả những người có thể giữ lại miền Nam thì đã rời khỏi miền Nam. Đây là một cuộc bàn giao theo sắp xếp, nhưng có người hoang tưởng rằng việc đảm nhận chức vụ đó có thể trao đổi thỏa thuận với phía bên kia là Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam... Nếu nhìn lại cuộc bàn giao đó thì thấy rằng đây là một cái gạch nối quá ngắn, mà chỉ làm một cái việc đã được sắp xếp, đã được hứa hẹn trong hoang tưởng của người nhận trách nhiệm lúc đó."
Khí tiết Việt Nam: tướng chết theo thành

4 thập niên sau ngày sụp đổ của Miền Nam Tự do dưới danh xưng Việt Nam Cộng Hòa, nhiều tài liệu lịch sử đã được bạch hóa cho thấy Hoa Kỳ chỉ mong muốn việc rút quân của họ được an toàn trong một khoảng thời gian nhất định và thích hợp; tương lai của VNCH hầu như đã được quyết định trong Hiệp định Paris 27/1/1973. Nam Việt Nam rơi vào số phận nghiệt ngã vì bị đồng minh bỏ rơi, những mật ước của Tổng thống Nixon với TT Thiệu đã đi vào quên lãng. Hoa Kỳ đã không can thiệp quân sự khi phía Cộng sản vi phạm Hiệp định Paris lấn chiếm lãnh thổ với những cuộc tấn công qui mô.

Vào những ngày cuối cùng của Nam Việt Nam, Đại tướng Dương Văn Minh được xem là người thích hợp nhất để nhận trách nhiệm ra lệnh đầu hàng; mặc dầu bản thân ông Minh và bộ tham mưu của ông có thể có những người vẫn còn tin vào giải pháp chính phủ liên hiệp như Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Nhậm chức chưa đầy 48 giờ, Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, tuyên bố của ông được phát đi trên hệ thống Truyền Thanh Quốc gia vào buổi trưa ngày 30/4/1975.

"Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam...Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận Lễ bàn giao Chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào..."

Sau khi Đài Phát Thanh Saigon lập đi lập lại lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh, cũng như nhật lệnh tương tự của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người được bổ nhiệm làm phụ tá cho Trung tướng Vĩnh Lộc vị Tổng Tham mưu trưởng sau cùng, quân đội đã thi hành lệnh giao nạp vũ khí cho những người chủ mới của đất nước. Nhiều vị tướng lãnh, sĩ quan cao cấp đã tuẫn tiết sau lệnh đầu hàng như Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn tướng Trần Văn Hai...

Xe tăng Cộng sản Bắc Việt tiến vào khuôn viên Dinh Độc Lập, bộ đội xe tăng treo lá cờ của Mặt trận Giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11g 30 trưa ngày 30/4/1975, đánh dấu sự cáo chung của chế độ VNCH. Miền Nam tự do hay VNCH là một chế độ được xây dựng bởi những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và được Hoa Kỳ hỗ trợ. Chế độ ấy trải qua hai nền cộng hòa và tồn tại được 21 năm. Cuộc chiến Quốc - Cộng giữa những người cùng chung giòng máu nhưng khác ý thức hệ đã làm thiệt mạng hơn hai triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam-Bắc. Phía đồng minh của VNCH, 58.000 quân nhân Mỹ tử trận cùng hàng ngàn binh sĩ khác của các nước đồng minh như Nam Hàn, Thái Lan, Úc và Tân Tây Lan.
Tiếp thu dinh Độc Lập

Thưa quí thính giả, cũng là một sự tình cờ lịch sử, khi cờ của Mặt trận Giải phóng đã tung bay trên Dinh Độc Lập, thì các đại diện chính trị của bên Cộng sản chưa vào tới Saigon để tiếp nhận Chính quyền. Do vậy ông Bùi Tín lúc đó là Trung tá trong vai trò một nhà báo Cộng sản Bắc Việt, cũng là người có cấp bậc cao nhất và được bộ đội xe tăng ủy quyền vào Dinh gặp Chính quyền Dương Văn Minh. Ông Bùi Tín hiện nay tỵ nạn chính trị ở Pháp. Năm 2005 từ Paris ông Bùi Tín kể lại giây phút lịch sử khi ông giáp mặt ông Dương Văn Minh và toàn thể nội các Vũ Văn Mẫu:

SB: " Tôi là người đầu tiên tiếp xúc, ông Dương Văn Minh và tất cả đứng dậy...ông Minh nói là chúng tôi chờ quí vị tới từ sáng nay, đặng chuyển giao chính quyền....Tôi có trả lời là, tất cả chính quyền các ông không còn nữa qua cuộc tấn công của chúng tôi...cho nên không thể bàn giao cái gì đã không còn nữa..."

Do sự kiện cựu Đại tá Bùi Tín, Phó Tổng biên tập báo Nhân dân đã tỵ nạn chính trị khi sang Pháp dự Hội Báo L'humanité năm 1990, kể từ đó báo chí Hà Nội tường thuật những câu chuyện hoàn toàn khác với lời kể của ông Bùi Tín.

Vào những thời khắc sau cùng của chế độ VNCH, chuyện gì xảy ra ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ? Câu hỏi này đã được chúng tôi đặt ra với ông Robert Funsett, người vào thời điểm đó đang là Người Phát Ngôn cho Bộ Ngoại Giao Mỹ. Năm 2005 ông Funsett kể lại với Ban Việt Ngữ chúng tôi như sau:

"Ðúng giờ này, vào chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975, giờ Washington tức rạng sáng 30/4 theo giờ Việt Nam, Sài Gòn bắt đầu sụp đổ. Từ Trung Tâm Ðiều Hành ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Phillip Habib và tôi nói chuyện lần cuối cùng với ông Ðại Sứ Graham Martin.

Ðại Sứ Martin chưa muốn rời Việt Nam, vì ông ta muốn kéo dài thì giờ để có thể cứu thêm những người khác. Cuối cùng, chúng tôi phải chỉ thị ông đại sứ phải rời nhiệm sở. Ông đại sứ Martin nói chuyện với chúng tôi và tôi còn nhớ là ông ta bảo là sẽ lên sân thượng của Tòa Ðại Sứ, dùng trực thăng để ra hạm đội. Không đầy một giờ đồng hồ sau đó, đại sứ Martin gọi điện lại báo đã ra tới hạm đội bình yên."
Đồng minh bội ước

Sau 4 thập niên từ khi chấm dứt chiến tranh các tài liệu hồ sơ của Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã được bạch hóa. Số phận của Việt Nam Cộng Hòa đã được định đoạt và Nam Việt Nam sẽ chỉ tồn tại cho đủ thời gian để Hoa Kỳ rút chân khỏi cuộc chiến một cách an toàn. Đây là một thực tế phũ phàng của lịch sử. Việt Nam Cộng Hòa có cái giá phải trả khi hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ.

Bị Washington cắt viện trợ quân sự và kinh tế, VNCH đơn độc trong cuộc chiến chống cộng. Vào năm 1975 không có nhiều người ở miền Nam tự do thấy trước là số phận của mình đã được các siêu cường sắp đặt. Khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và ra đi, quân dân VNCH chịu nhiều nỗi thống khổ với muôn vàn oán hận ông. 15 năm sau sự sụp đổ của VNCH, xuất hiện tại California Hoa Kỳ năm 1990, cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đăng đàn trả lời chất vấn của cộng đồng người Việt. Sau đây là một trích đoạn những biện giải của ông Nguyễn Văn Thiệu:

" Tổng Thống Nixon có nói nếu như không có vụ Watergate thì tình trạng Việt Nam không đến nỗi như vậy. Chúng ta tin hay không tin là quyền của chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ làm việc trên sự kiện người ta cúp viện trợ quân sự, cúp viện trợ kinh tế, ngoại giao thì áp lực và không có phản ứng mãnh liệt. Trong lúc đó Nga Xô và Trung Cộng thì tăng cường viện trợ cho cộng sản và họ thừa thắng xông lên để xâm chiếm miền Nam đặt thế giới và Hoa Kỳ trước một việc đã rồi. Cho nên tôi phải từ chức, cái hành động mà tôi từ chức ngay lúc đó chính tôi cũng đã thấy khó chịu rồi. Nhưng mà tôi không có một sự lựa chọn nào khác, nếu như tôi còn ngồi thì tôi mang tội với nhân dân, là vì ông còn ngồi mà Mỹ không viện trợ bởi vì ai nấy cũng được cho hiểu như vậy, vì ông còn ngồi mà Việt Cộng không thương thuyết, phải có Dương Văn Minh lên mới được thương thuyết vì ông còn ngồi mà chiến tranh còn triền miên chết chóc. Tôi thấy lịch sử sẽ chứng minh cái đó trúng hay trật, cái đó để cho lịch sử và nhân dân, nhưng bổn phận của tôi là một Tổng thống lúc đó tôi phải ra đi."

Lịch sử đã sang trang từ 40 năm qua, những người chịu trách nhiệm hay là chứng nhân một giai đoạn lịch sử của VNCH đều đã khuất bóng. Việt Nam đã thống nhất từ năm 1976 nhưng 40 năm qua những người cộng sản chiến thắng đã tự ru ngủ mình, theo cách nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

4 thập niên sau chiến tranh, vào tháng 3/ 2015 Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận Việt Nam phát triển quá chậm, kém xa 6 nước sáng lập ASEAN, hiện nay có nhiều lãnh vực còn thua kém cả Lào và Campuchia.

Nước Việt Nam thống nhất đã 40 năm nhưng vẫn còn quá nhiều câu hỏi được đặt ra về sự tụt hậu cũng như vấn đề dân chủ, dân quyền và nhân quyền.

Nam Nguyên/RFA

15 thg 3, 2015

Nhật ký Biển Đông: Chiến tranh lạnh lan qua Á Châu

Đào Văn Bình
(California ngày 15/3/2015)

Nhật ký Biển Đông trong hai tuần tháng ba ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau: NewsMax ngày 1/3/2015: “Theo bản tường trình thuộc báo chí Kuwait, vào năm 2014,Tổng Thống Obama dự trù bắn rơi máy bay Do Thái nếu những máy bay này tiến hành oanh tạc các cơ sở hạt nhân của Ba Tư.
- Theo bản tường trình của Al-Jarida, chính lời đe dọa - được cho là như vậy- đã khiến Thủ Tướng Benjamin Netanyahu hủy bỏ kế hoạch oanh tạc đã được soạn thảo.
-Voice of Russia ngày 1/3/2015: Trong bài viêt “Khủng hoảng Ukraine và những cơ hội cho Trung Quốc” Vasily Kashin nhận định, “Huy động mọi nỗ lực hòng răn đe quân sự và cô lập Nga về ngoại giao, Hoa Kỳ khó có thể cùng lúc mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Nam Á. Như vậy, Trung Quốc sẽ có cơ hội tích lũy thêm tiềm lực và củng cố vị thế trong nền chính trị quốc tế.”

-Reuters (Paris) ngày 2/3/2015: “Sau cuộc họp với Tổng Thư Ký NATO vào ngày Thứ Hai, Tổng Thống Pháp Francois Hollande nhắc lại nhu cầu ngưng bắn ngay lập tức tại Ukraine và rút vũ khí nặng ra khỏi đường biên giới giao tranh. Thỏa hiệp Minsk là giải pháp duy nhất để tái lập hòa bình.”

-YahooNews ngày 2/3/2015: Trong bài viết nhan đề “Xem lại hiến pháp: Liệu Hạ Viện hành động bất hợp pháp khi mời Netanyahu? (Constitution Check: Did the House act illegally in inviting Netanyahu?), Lyle Denniston (1) viết, “Đáng lý ra các lãnh đạo lập pháp Hoa Kỳ phải suy nghĩ kỹ hơn khi đưa ra lời mời. Mặc dù nó không vi phạm văn tự của Hiến Pháp. Nhưng chắc chắn nó vi phạm nguyên tắc chỉ có một tiếng nói cho một quốc gia trong vấn đề đối ngoại và các lãnh đạo ngoại quốc không thể lựa chọn hoặc muốn thương thảo với quốc hội hay thương thảo với tổng thống.” (U.S. congressional leaders probably should have given this invitation more thought. Although not a violation of the letter of the Constitution, it certainly seems to violate the idea that the nation speaks with one voice on foreign policy and that foreign leaders cannot choose whether they prefer to deal with Congress or the president.) Thực ra Lyle Denisson muốn giảm nhẹ tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Nếu nói “vi hiến” thì ghê gớm quá! Nhưng rõ ràng Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định “quyền ngoại giao thuộc về hành pháp, tức tổng thống”. Nay Quốc Hội giành lấy quyền đó thì vi hiến đã rành rành ra đó rồi! Chẳng hạn ngày mai tổng thống làm luật mà không thông qua Quốc Hội thì có vi hiến không? Dầu sao thì Lyle Denission chỉ phân tích được sự kiện chứ không nêu được bản chất của vấn đề. Do cấu trúc “lưỡng đảng” và “check and banlance” đã khiến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trở thành “lưỡng đầu” tức lập pháp lúc nào cũng có thể can dự vào chính sách đối ngoại của tổng thống khiến tình hình rối beng. Sự kiện “Boehner và Netanyahu” đánh dấu bước khởi đầu suy thoái nghiêm trọng về quyền lực đối ngoại của tổng thống Mỹ trên chính trường quốc tế. Chẳng hạn khi tổng thống Hoa Kỳ ký kết hiệp ước hợp tác chiến lược hay hợp tác an ninh với một quốc gia nào đó, trong cuộc họp báo, một ký giả có thể cắc cớ hỏi, “Thưa tổng thống, tổng thống đã xin phép quốc hội để ký kết hiệp ước này chưa? Liệu trong tương lai, quốc hội Hoa Kỳ có mời thủ lãnh đối lập của quốc gia này đọc diễn văn tại quốc hội để chống lại hiệp ước không?” Thêm vào đó, VOA tiếng Việt ngày 10/3/2015 loan tin, “Ngoại trưởng Iran nói rằng lá thư của các thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa cảnh báo là thỏa thuận hạt nhân có thể có với Iran có thể bị hủy bỏ một khi Tổng thống Barack Obama rời khỏi chức vụ cho thấy Hoa Kỳ không đáng tin cậy.Tại Tehran, Ngoại trưởng Javad Zarif nói với đại hội chuyên gia, cơ quan hàng đầu của các giáo sĩ Iran, rằng lá thư của 47 thượng nghị sĩ Mỹ là không có tiền lệ và không phù hợp với nguyên tắc ngoại giao. Ông Zarif nói thêm rằng thật ra, nó cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể tin nước Mỹ. Quan hệ đối ngoại của Mỹ với các chính phủ khác hầu như lúc nào cũng được thực hiện bởi các vị tổng thống và các nhà ngoại giao; và sự can thiệp trực tiếp của các nhà lập pháp qua lá thư đó đã gặp phải sự đả kích gay gắt của Tổng thống Obama.Tổng Thống Obama cho rằng thật là mỉa mai khi thấy một số thành viên Quốc Hội muốn có cùng mục tiêu với những thành phần cứng rắn ở Iran.” Báo USNews ngày 10/3/2015 cho rằng bức thư của 47 thượng nghị sĩ gửi cho Iran đã vi phạm luật lệ (GOP Senators Probably Broke Law With Iran Letter).

Còn ABC News nói rằng, theo một sồ giáo sư dạy luật và nhà bình luận, hành động của 47 thượng nghị sĩ có thể là một tội phạm (might be a crime). Căng thẳng hơn nữa, AFP ngày 11/3/2015 loan tin, “155,000 người đã ký thỉnh nguyện thư gửi Tòa Bạch Ốc yêu cầu truy tố 47 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tội phản nghịch khi gửi thư cho các nhà lãnh đạo Ba Tư về những thương thảo về nguyên tử đang diễn ra.” Như vậy nội tình nước Mỹ ngày càng rối beng và không còn ra thể thống gì nữa? Người ta có thể truy tố một công dân nào đó về tội phản nghịch chứ làm sao có thể truy tố 47 thượng nghị sĩ đương quyền về tội phản nghịch được? Quyền tự do phát biểu bất khả xâm phạm của các dân biểu và thượng nghị sĩ ở đâu? Có thể quy kết các ông này hành động điên khùng và vi hiến cho nên văn thư nói trên hoàn toàn vô giá trị xong rồi từ từ để nội vụ “chìm xuồng” Cộng Hòa và Dân Chủ, Tổng Thống và Quốc Hội cùng nhau rút ra bài học cho quyền lợi của nước Mỹ. Càng làm lớn chuyện ra, nước Mỹ càng xấu hổ vì nước Mỹ vẫn thường tự hào và “lên lớp” cho toàn thế giới về tinh thần thượng tôn luật pháp “Due Process of Law” và có một nền chính trị tân tiến và hữu hiệu nhất. Ngày 12/3/2015, theo AFP, Ngoại Trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã trách cứ các thượng nghị sĩ Cộng Hòa là bức thư làm suy giảm niềm tin của Iran trong cuộc thương thảo trong đó có Đức tham dự. Như vậy câu chuyện đổ bể tùm lum. Tôi sợ rồi đây sẽ còn nhiều quốc gia khác lên tiếng chê bai, bình phẩm về nền chính trị Hoa Kỳ.

-AFP (Washington) ngày 3/3/2015: “Theo bản báo cáo mới nhất vào Thứ Ba, lực lượng an ninh A Phú Hãn chịu tổn thất nặng nề trên chiến trường và một số lớn binh sĩ đã từ nhiệm hoặc rời bỏ đơn vị. Giữa Tháng 10, 2013 và Tháng 9, 2014 khoảng 1300 binh sĩ A Phú Hãn bị giết và 6200 bị thương.” Đây là tin đáng buồn cho Mỹ và NATO. Cuộc chiến A Phú Hãn khởi đầu từ năm 2001 do liên quân Mỹ cầm đầu gồm 42 quốc gia quân sự hùng mạnh nhất hành tinh này, với kết quả 2000 lính Mỹ chết, chi phí gần 1200 tỉ đô-la vừa cho chiến trường vừa viện trợ vừa để huấn luyện quân đội A Phú Hãn. Năm 2014, Mỹ tuyên bố cuộc chiến chấm dứt, rút quân và để lại một quân đội với thành tích chiến đấu như trên. Nếu lực lượng Taliban tiếp tục lớn mạnh, để cứu nguy Kabul, có lẽ Mỹ phải nhảy vào một lần nữa như cuộc chiến ở Iraq. Thế mới hay, Mỹ có thể đánh bại và tiêu diệt một chính quyền như Iraq, Afghanistan, Libya trong chớp nhoáng nhưng chính quyền do Mỹ lập lên không có khả năng đề kháng lại sức chiến đấu dai dẳng của lực lượng kháng chiến và thường xụp đổ hoặc đất nước bị chia cắt hoặc triền miên bất ổn.

-Business Insider ngày 3/3/2015: Trong bài viết “Nga và Ai Cập càng xích gần lại nhau hơn nữa” (Russia and Egypt just got even closer) tờ báo cho biết hai quốc gia sẽ tiến hành tập trận hải quân chung trên Địa Trung Hải và Ai Cập sẽ tuyển chọn sĩ quan để được huấn luyện tại học viện quân sự Nga. Quan hệ Mỹ-Ai Cập đã xấu đi kể tử khi Tướng al-Sisi đảo chính lật đổ chính quyền dân cử của Ô. Morsi năm 2013. Hiện nay Mỹ cũng đang lên án nhà cầm quyền quân sự Thái Lan đã lật đổ chính quyền hợp pháp của Bà Yingluck khiến chính quyền này ngả dần sang Trung Quốc. Thực ra việc đảo chính lật đổ các chính quyền ở Ai Cập và Thái Lan chỉ là chuyện chính trị nội bộ của người ta và thế giới chẳng ai quan tâm vì nó không ảnh hưởng tới an ninh khu vực, nhưng Mỹ cứ can thiệp vào vì Mỹ tự cho mình “thiên chức” bảo vệ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới. Chính vì thế mà Mỹ cứ mất dần đồng minh.

-AP (Seoul): Truyền thông Nam Hàn cho hay Đại Sứ Hoa Kỳ Mark Lippert bị tấn công khi đang diễn thuyết và được đưa vào bệnh viện. Đài tuyền hình YTN trình chiếu hình ảnh Lippert bi rạch ở má và cổ tay nhưng vết thương không nguy tới tính mạng. Truyền hình YTN cho biết hung thủ có tên Kim Ki-jong đã bị bắt sau sau đó. Theo cảnh sát, người đàn ông vung con dao cạo và miệng hô khẩu hiệu hống nhất Nam- Bắc Hàn. Những người biểu tình chống Mỹ tại Hán Thành (Seoul) mới đây đã lên tiếng chống đối những cuộc tập trận hằng năm của Mỹ và Nam Hàn mà Bắc Hàn nói rằng được chuẩn bị cho cuộc xâm lăng. Còn Hán Thành và Hoa Thịnh Đốn nói rằng những cuộc tập trận kéo dài tới cuối Tháng Tư chỉ có tinh tự vệ và thường xuyên.” Hãng AP nói thêm, vụ tấn công vị đại sứ Hoa Kỳ cho thấy tính bạo lực trong xã hội Nam Hàn, một số người sẵn sàng hy sinh tính mạng để bày tỏ quan điểm của mình. Trong khi đó thành phần khuynh tả (2) cũng tức giận vì sự hiện diện quân sự Mỹ ở Bán Đảo Triều Tiên.

-Yahoo News ngày 5/3/2015: “Một thống kê lạnh người. Theo Bộ Cựu Chiến Binh, hai mươi hai (22) cựu chiến binh Hoa Kỳ tự tử một ngày. Nạn nhân mới nhất, Đại Úy Trừ Bị Không Quân Jamie Bruette trẻ tuổi nhất có năm con, sau hai lần tăng phái tham dự chiến trường Afghanistan và sau 11 năm phục vụ trong không quân. Nguyên do khiến các cựu chiến binh tự tử là vì chứng “post-traumatic stress disorder” PTSD (3) là chứng rối loạn thần kinh kéo dài do gặp phải những biến cố gây chấn động cân não. “ Nhưng theo một thống kê khác của năm 2007 khoảng 18 cựu chiến binh Hoa Kỳ tự tử mỗi ngày.

-AP ngày 5/3/2015: “Thủ Tướng Ý Đại Lợi viếng thăm Moscow vào Thứ Năm trong một nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa Nga- Tây Phương bị tổn thương vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Hầu hết các lãnh đạo Phương Tây đều lánh xa Moscow khi bang giao đã xuống tới mức thấp nhất kể từ Chiến Tranh Lạnh. Chuyến thăm viếng của Thủ Tướng Matteo Renzi phản ảnh mong muốn cải thiện quan hệ song phương về kinh tế đã bị tổn hại vì Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt lệnh cấm vận và những biện pháp trả đũa của Nga.”

-BBC tiếng Việt ngày 6/3/2015: Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius trong dịp viếng thăm Đại Học Quốc Gia Hà Nội tuyên bố, “Không có điều gì là không thể” trong quan hệ giữa hai nước, chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam bay cao và bay xa hơn nữa.”

-AP (Tel-Aviv, Israel) ngày 7/3/2015: “Vài chục ngàn người đã xuống đường biểu tình tại Quảng Trường Tel Aviv giương cao biểu ngữ ‘Do Thái Muốn Thay Đổi’ và kêu gọi thay thế Thủ Tướng Netanyahu trong cuộc bầu cử vào 17 Tháng 3 tới đây. Cuộc biểu tình do nhóm bất vụ lợi tổ chức kêu gọi thay đổi những chính sách ưu tiên của quốc gia và yêu cầu chính phủ tái tập trung vào các vấn đề như y tế, giáo dục, gia cư/nhà ở và giá sinh hoạt của người dân.”

-AFP ngày 8/3/2015: “Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc cam kết tiến hành hợp tác kinh tế và ngoại giao với Nga cho dù Phương Tây áp đặt lệnh cấm vận Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine và nhấn mạnh rằng mối liên hệ dựa trên nhu cầu hỗ tương/hai bên đều có lợi.

-AFP ngày 8/3/2015: “Trên sàn/boong tàu Hàng Không Mẫu Hạm Charles de Gaulle, Tướng Demsey- Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ bênh vực nhịp độ không kích chống lại Nhà Nước Hồi Giáo IS và cảnh cáo rằng leo thang oanh tạc và gửi thêm binh sĩ Hoa Kỳ tới Iraq và Syria là một sai lầm và thay vào đó ông đề nghị một chiến lược kiên trì để chống nhóm IS. Theo Tướng Dempsey, mở rộng oanh kích có thể khiến thường dân thương vong và IS lấy cớ đó để tuyên truyền.” Lời thú nhận của Tướng Dempsey cho thấy số thường dân chết trong các vụ oanh kích ở Iraq và Syria rất cao khiến Nhóm IS lấy cớ đó kêu gọi chí nguyện quân trên toàn thế giới. Hiện nay Nhóm Boko Haram ở Nigeria đã gia nhập và nguyện trung thành với Nhà Nước Hồi Giáo IS. Tại Libya, hai chính quyền cùng tranh nhau cai trị đất nước, và các nhóm chủ chiến có liên hệ mật thiết với al Qaida và Nhà Nước Hồi Giáo IS tung hoành không một thế lực nào ngăn cản được. Các nước như Hoa Kỳ, Anh và Ý Đại Lợi đã đóng cửa tòa đại sứ tại Tripoli.

-Business Insider ngày 10/3/2015: “Theo một số nguồn tin từ Trung Quốc và Đài Loan, các giới chức Hoa Lục đã xác nhận là đất nước này đang tự đóng một hàng không mẫu hạm (HKMH) thứ hai. HKMH Liêu Ninh theo các chuyên viên quân sự có tính huấn luyện hơn là khả năng tác chiến.”

-Reuters ngày 12/3/2015: “ Tờ Finacial Times cho biết, Liên Hiệp Âu Châu hỗ trợ quyết định của Euratom (Cộng Đồng Năng Lượng Nguyên Tử Âu Châu) ngăn chặn thỏa hiệp nhà máy nguyên tử trị giá 12 tỉ euro giữa Hung Gia Lợi và Nga. Hành động này có thể làm cho tình hình giữa Nga và Brussels trở nên tệ hại hơn.”

-Business Insider ngày 13/3/2015: “Trang nhất của tờ Financial Times (Anh Quốc) vào sáng Thứ Sáu đã đi một bản tin làm mọi người ngạc nhiên phản ảnh căng thẳng ngoại giao hiếm thấy giữa các giới chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ và Anh Quốc - chính phủ Anh bị Hoa Kỳ cáo buộc là thường xuyên “chiều theo ý” của Hoa Lục - một cường quốc đang lên.” Chiều theo Trung Quốc ở đây có nghĩa là: Anh Quốc chúc mừng Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (Asia Infratructure Investment Bank) do Trung Quốc thiết lập và ngỏ ý gia nhập ngân hàng này vốn là đối thủ của World Bank do Hoa Kỳ khống chế. Thứ hai, Anh Quốc tự chế không công kích Hoa Lục khi phong trào biểu tình ở Hongkong nổ ra. Thứ ba, tuyên bố sẽ không có cuộc gặp gỡ nào nữa với Đức Dalai Lama sau cuộc tiếp xúc vào năm 2013 gây phẫn nộ từ phía Hoa Lục.” Thế mới hay dù là đồng minh chí cốt nhưng vẫn có mâu thuẫn về quyền lợi như thường. Và hành động của Anh Quốc khiến Hoa Kỳ chạm tự ái vì đã nâng cao vị thế của Hoa Lục và làm suy giảm ngôi vị “võ lâm chí tôn” của mình.

-Bloomberg News ngày 13/3/2015: “Việt Nam bắt đầu xây dựng hệ thống điện gió (Wind Farm) tại Tỉnh Darlac thuộc Vùng Cao Nguyên trị giá 281 triệu đô-la, có công xuất 120-megawatt. Công ty General Electric của Hoa Kỳ sẽ cung cấp 60 turbines . Đợt đầu được phát điện vào năm 2016. Còn Vestas Wind Systems - một công ty điện gió lớn nhất thế giới đã ký khế ước trị giá 436 triệu đô-la để xây dựng hệ thống điện gió tại Sóc Trăng vào năm 2016.”

-AP (Tokyo) ngày 13/3/2015: “Nhật Bản và Pháp vừa ký thỏa hiệp hợp tác và chuyển giao kỹ thuật - mở đường cho việc chế tạo máy bay không người lái và những thiết bị không người lái khác trong khi Nhật đang tìm cách mở rộng vai trò quân sự trên quy mô quốc tế.”

Nhận Định:

Trong hai tuần qua, những diễn biến mới nhất cho thấy cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới giữa Nga và Mỹ ngày càng quyết liệt và lan rộng từ Âu Châu sang Á Châu.

1) The World Post ngày 2/3/2015 trong bài báo nhan đề “Tại Ukraine, Hoa Kỳ đang trả giá cho một Chiến Tranh Lạnh Mới” (In Ukraine, U.S. Is Forfeiting New Cold War) tác giả Shai Franklin viết, “Không, Liên Bang Sô-viết không tái xuất hiện. Nhưng Liên Bang Nga đang tự khẳng định mình là ai và một Chiến Tranh Lạnh Mới đã mở màn. Mặt trận đầu tiên của cuộc chiến tranh này là Ukraine. Những gì mà Hoa Kỳ phản ứng đang ảnh hưởng tới hành động của Nga và cả Âu Châu suốt phần còn lại của thế kỷ. Trừng phạt kinh tế Nga là một niềm an ủi tệ hại nếu chúng ta vẫn còn để Ukraine sụp đổ về tài chính lẫn quân sự.” (No, the Soviet Union isn't coming back. However, the Russian Federation is reasserting itself and a new Cold War has already opened. The first front in this war is Ukraine. How the United States responds now will influence how Russia acts and how Europe evolves for the rest of this century. Punishing Russia economically is poor consolation if we still allow Ukraine to collapse financially and militarily.)

2) Voice of Russia ngày 7/3/2015: “Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, Ô. Vitaly Churkin tuyên bố sự xuất hiện của quân đội Mỹ ở Ukraina có thể trở thành thảm họa.”

3) BBC Âu Châu ngày 8/3/2015: “Henry Kissinger- Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói với BBC tuần rồi là Nga và NATO cần nghiêm túc tìm kiến giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, nếu không thì nguy cơ Chiến Tranh Lạnh có thể là không tránh khỏi.” Vào ngày 9/3/2015, Hoa Kỳ đã gửi hằng trăm xe bọc thép và chiến xa tới các quốc gia vùng Baltic bao gồm Estonia, Latvia và Lithuania để ngăn chặn sự đe dọa từ Nga. Các quốc gia này đều đã gia nhập Liên Minh Âu Châu và NATO. Theo Business Insider, một cuộc thăm do mới nhất của Levada Center cho thấy hơn 81% dân Nga nhìn Hoa Kỳ với con mắt không thiện cảm (negative). Con số này gia tăng gấp đôi so với năm ngoái.”

4) The Fiscal Times ngày 10/3/2015: “Moscow thông báo sẽ ngưng mọi sự liên hệ tới thỏa hiệp về vũ khí ký kết khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Thỏa Ước Về Quân Đội Quy Ước Âu Châu (The Treaty on Conventionnal Armed Forces in Europe) được ký năm 1990 bởi 16 quốc gia NATO và 6 quốc gia thuộc khối Warsaw nhằm hạn chế quân số, chiến xa, pháo binh và những thiết bị quân sự phi -nguyên-tử đóng ở Âu Châu.” Đây là điềm không tốt báo hiệu sự bất ổn triền miên cho Âu Châu và cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới giữa Nga và Phương Tây (Mỹ &NATO) thật sự bắt đầu.

5) Value Walk ngày 11/3/2015 trong bài viết có tựa đề “Nga và Hoa Kỳ Đang Lao Tới - Có Thể Là Cuộc Chiến Tranh Nguyên Tử” (Russia, U.S. Heading Towards A Possible Nuclear War) đã trích dẫn lời của Ô. Jack Matlock- Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nga dưới thời Tổng Thống Reagan như sau: “Hoa Kỳ không có lợi ích nào khi can thiệp vào Ukraine để chấp nhận một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Nếu như có một đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia thì là như thế. Tổng Thống Obama phải công khai ngưng cuộc đọ kiếm tay đôi với Vladimir Putin. Matlock mô tả mối liên hệ hiện tại Nga-Mỹ là độc hại. Ưu tiên lớn nhất của Phương Tây là tái lập mối quan hệ dân sự với Moscow.” Còn Ramsey Clark - cựu Bộ Trưởng Tư Pháp của Ô. Obama, năm ngoái đã gửi một bức thư ngỏ cho tổng thống của mình trong đó nói, “Không có gì nguy hiểm hơn là hành động hung hăng của Mỹ/NATO đưa quân tới sát biên giới Nga.”

6) Reuters (Washington) ngày 11/3/2015: “Hoa Kỳ vừa yêu cầu Việt Nam ngưng không cho Nga sử dụng căn cứ không quân cũ của Hoa Kỳ ở Cam Ranh để tiếp dầu cho những máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang bom nguyên tử nhằm phô diễn sức mạnh quân sự ở vùng Châu Á Thái Bình Dương, điều này phơi bày sự căng thẳng ở Washington trong khi mối liên hệ nồng ấm với Hà Nội đang diễn ra vững chắc.”

Với sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược của Nga bay trên không phận Guam và được tiếp dầu tại Căn Cứ Cam Ranh cho thấy lần đầu tiên trong 25 năm (1990-2015) Nga xác định sự hiện diện quân sự của mình tại Đông Nam Á để đáp trả lại kế hoạch lấn dần tới biên giới Nga của Mỹ và NATO. Như thế cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới đã không còn giới hạn ở Âu Châu và bắt đầu lan qua Á Châu. Một khi đã lan qua Châu Á, những tình huống sau đây có thể xảy ra:

-Trung Quốc “mừng hết lớn”. Mừng thứ nhất là Mỹ sẽ phải tập trung nỗ lực để đối đầu với Nga do đó không còn khả năng kiềm chế Hoa Lục. Mừng thứ hai là khi tình hình Á Châu nát bét- người theo phe này, kẻ theo phe kia là điều kiện thuận lợi để Hoa Lục tung hoành. Khi Đông Nam Á yên bình và đoàn kết sẽ vô cùng bất lợi cho Trung Quốc.

-Nam Hàn cũng vô cùng khó xử. Nếu không đi với Mỹ thì áp lực về các mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự sẽ hết sức nặng nề. Nếu liên minh với Mỹ chống Nga thì Bắc Hàn sẽ là mũi nhọn tấn công. Khi đó mộng chống Nga chưa thành mà đất nước đã tan nát rồi. Vì quyền lợi tối thượng của đất nước có thể Nam Hàn sẽ giữ vị trí trung lập. Hiện Nga đang tổ chức “Năm Hữu Nghị” với Bắc Hàn và Ô. Kim Chính Ân sẽ thăm Nga vào Tháng 5 này.

-Vị thế của Nhật Bản lại càng khó xử hơn nữa. Nếu theo Mỹ chống Nga, Nhật Bản sẽ phải liên tục đối đầu với hai ông bạn làng giềng khổng lồ, đất nước căng thẳng, kinh tế suy thoái vì chạy đua vũ trang. Nếu không nghe lời “ông anh Mỹ” thì lấy ai răn đe Trung Quốc cho Nhật Bản đây? Ngoài ra, nếu Nhật Bản chỉ chống Trung Quốc không thôi thì đối với Việt Nam không có vấn đề. Nhưng nếu Nhật Bản chống Nga thì sẽ gây khó cho Việt Nam. Hiện nay Đức đang vận động để Nhật cùng tham gia với Âu Châu để cấm vận Nga. Nhức đầu quá!

-Một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện chắc chắn sẽ đứng trung lập vì không dại gì “giơ đầu chịu báng”. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy theo phe nào cũng chết.

-Hai quốc gia có thể sẽ liên minh với Mỹ để chống Nga, đó là Phi Luận Tân và Tân Gia Ba.

-Còn Việt Nam thì đương nhiên ở vào tình thế khó xử nhất rồi. Đi với Mỹ thì bị Mỹ ép và từ từ mất chủ quyền. Không đi với Mỹ thì không đủ khả năng kiềm chế Hoa Lục ở Biển Đông và phát triển kinh tế. Trong khi mối liên hệ có tình cách lịch sử, lâu bền về mọi mặt với Nga vô cùng quan trọng - về chính trị, ngoại giao lẫn quân sự. Nga đã và đang cung cấp những vũ khí tối cần thiết cho Việt Nam để xây dựng quốc phòng, giúp Việt Nam huấn luyện thủy thủ và căn cứ sửa chữa tầu ngầm tại Cam Ranh, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thiết lập trung tâm không gian, chia xẻ những tức quân sự qua trung tâm thông tin hỗn hợp, giúp Việt Nam đóng tàu chiến, thành lập đại học kỹ nghệ quốc phòng… Nếu nghe theo lời Mỹ thì phá vỡ liên minh chiến lược với Nga, điều mà Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận. Qua thực tiễn lịch sử và địa lý chiến lược của Á Châu ngày hôm nay mà nói - nếu Việt Nam nổ ra một cuộc xung đột quân sự thì người giúp Việt Nam nhiều nhất là Nga chứ không phải Mỹ vì Mỹ đã “thề” là sẽ không bao giờ dính líu vào một cuộc chiến ở Châu Á nữa. Vậy thi vần đề là: Trong tình thế hiện tại, nếu Việt Nam cần Mỹ hơn Nga, Việt Nam sẽ nhượng bộ. Ngược lại, nếu Việt Nam cần Nga hơn Mỹ thì Việt Nam sẽ không nhượng bộ. Đây là vấn đề vô cùng tế nhị mà Hoa Thịnh Đốn phải thấy Việt Nam không phải là Nam Hàn hay Nhật Bản hễ Mỹ nói thì phải nghe theo. Trong mấy năm qua, các tàu chiến Mỹ đã ra vào Cam Ranh để sửa chữa, bảo trì và tiếp vận. Do đó hai bên phải tương thảo trong âm thầm chứ không thể ồn ào qua các cuộc họp báo hoặc gây áp lực theo kiểu “loudspeaker diplomacy”. Theo tôi, Việt Nam có thể sẽ yêu cầu Nga giảm bớt các chuyến bay để “chiều lòng” Mỹ chứ không ra lệnh chấm dứt các chuyến bay ghé Cam Ranh để tiếp dầu. Tuy nhiên nếu cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới Nga - Mỹ ngày càng trở nên quyết liệt, thế giới sẽ chia đôi theo lằn ranh Đông-Tây, lúc đó Việt Nam, do nhu cầu sinh tử, sẽ ngả theo Nga nhưng vẫn không chống Mỹ. Vào ngày 12/3/2015, theo BBC tiếng Việt, Ô. Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mua bán Vũ khí, một viện nghiên cứu phi chính phủ nằm tại Moscow nói rằng “Việc ám chỉ phi cơ Nga có thể được tiếp nhiên liệu từ căn cứ ở Vịnh Cam Ranh và rằng các phi cơ này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là tuyên bố khiêu khích và vô căn cứ, và đề nghị của Mỹ về Cam Ranh là thô lỗ.” Ngày 13/3/2015, BBC tiếng Việt loan tin, “Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: Chúng tôi lấy làm khó hiểu vì các bình phẩm của quan chức Mỹ rằng hành động của Không Quân Nga, gồm việc dùng cơ sở hạ tầng ở Cam Ranh, Việt Nam để tiếp nhiên liệu, có thể dẫn tới ‘căng thẳng khu vực gia tăng’.”

-Thế nhưng Mỹ cũng ở vào tình thế vô cùng khó khăn. Nếu ép Việt Nam mà Việt Nam không nghe, thì Mỹ sẽ không giúp Việt Nam nữa hoặc trả đũa hoặc bao vây, cấm vận, lật đổ. Nhưng khi Việt Nam suy yếu đi, tức không còn khả năng ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông thì Phi Luật Tân lâm nguy. Lúc đó Mỹ phải lui về cố thủ ở Guam - tức biên giới phòng thủ từ xa của Mỹ co lại, chiến tranh nếu xảy ra là xảy ra trên đất Mỹ chứ không còn ở nơi xa lắc xa lơ nữa. Đó là cơn ác mộng của Mỹ. Do đó nếu Mỹ có giúp Việt Nam là tự giúp mình, tự biến Việt Nam thành một “tiền đồn tự nhiên” ngăn chặn Trung Quốc…chứ không phải Mỹ hoàn toàn thương xót Việt Nam. Xin nhớ cho không một đại cường nào đem tiền của giúp một quốc gia nhỏ bé mà hoàn toàn vô tình hay bất vụ lợi. Ngay cả vấn đề giúp đỡ thiện nguyện, người cho cũng có chủ ý chứ không phải hoàn toàn vì lòng từ bi hay bác ái. Trên thế gian này, thánh nhân rất hiếm, còn phàm phu tục tử thì nhiều lắm.

Dù muốn dù không, cuộc đối đầu Nga-Mỹ sẽ ảnh hưởng toàn cầu và sẽ gây thảm họa cho nhân loại. Thế mới hay thân phận các nước nhỏ muôn đời là khốn khổ, “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” lơ mơ là tan nát do tham vọng - có khi cuồng điên của các đại cường. Trong bài viết “Chiến Tranh Lạnh Nga-Mỹ Lù Lù Trước Mắt” phổ biến ngày 4/7/2014 tôi đã viết, “Năm xưa Ban AVT có bài hát khôi hài dí dỏm, “như hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ” sau đổi thành “như Nga với Mỹ có thương nhau bao giờ ” sao mà đúng thế. Thực ra không phải chỉ có Nga-Mỹ mới ghét nhau mà bất cứ một đại cường nào cũng chẳng bao giờ “thương” một đại cường khác. Nguyên do, đại cường nào cũng muốn mình bá chủ. Mỹ đang là bá chủ thế giới và lúc nào cũng muốn duy trì ngôi vị ấy muôn đời. Nga thì muốn phục hồi uy thế và sức mạnh của thời Liên Bang Xô-viết và có tiếng nói trong những vấn đề quốc tế. Còn Hoa Lục thì đang muốn vươn lên để giành ngôi bá chủ với Mỹ. Trong cuộc tranh giành ngôi vị “võ lâm chí tôn” đó, ông nào cũng muốn liên kết đồng minh hoặc dụ dỗ, lôi kéo các nước nhỏ vào phe mình. Do đó trong cuộc “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” sắp tới đây, nước nhỏ nào không có bản lãnh hoặc thiếu suy tính sẽ tự chuốc lấy tai họa.”

Đào Văn Bình
(California ngày 15/3/2015)

Chú thích:
(1) Lyle Denniston là cố vấn nghiên cứu của Trung Tâm Hiến Pháp Quốc Gia Hoa Kỳ

(2) Khuyn tả, khuynh hữu có rất nhiều nghĩa: Chống Mỹ là khuynh tả, theo Mỹ là khuynh hữu. Có thiện cảm với các phong trào cộng sản là khuynh tả, thiện cảm với chủ nghĩa tư bản là khuynh hữu.Ngả theo quyền lợi của giai cấp nghèo khổ (khuynh hướng xã hội) là khuynh tả, ngả theo quyền lợi của các đại công ty tư bản là khuynh hữu.Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, theo Mỹ và NATO là khuynh hữu, theo Nga là khuynh tả.

(3) Posttraumatic stress disorder (PTSD) is a serious mental condition which is a lasting consequence of traumatic events.

12 THÁNG ANH ĐI