31 thg 10, 2011

Đại tá Nguyễn Hữu Duệ viết về gia đình cố tổng thống Ngô Đình Diệm



Đại tá Nguyễn Hữu Duệ viết về gia đình cố tổng thống Ngô Đình Diệm

VRNs (25.10.2011) – Sài Gòn – Ngày 02.11 tới đây là ngày giỗ lần thứ 48 của cố tổng thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và bào đệ, ngài cố vấn Giacôbê Ngô Đình Nhu. Nhiều diễn đàn mạng đã có nhiều tham luận về thân thế sự nghiệp của ngài tổng thống của nền đệ nhất Việt Nam cộng hòa. Những lời khen, tiếng chế không phải là điều VRNs quan tâm, mà điều chúng tôi thực sự muốn làm là cố gắng thu thập những tư liệu và công bố chúng, để mai sau, khi các nhà sử học chính danh với đầy đủ lương tâm nghiên cứu thì bớt phần vất vả.
Tiếp theo những gì đã giới thiệu trước đây về cố tổng thống Ngô Đình Diệm, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu những ghi chép của đại tá Nguyễn Hữu Duệ. Theo tác giả, những gì ông viết dựa trên câu chuyện giữa ông và đại sứ Ngô Đình Luyện.
VRNs xin tác giả vui lòng cho công bố bài viết này, vì hiện nay bài cũng đã được công bố trên mạng. Tuy nhiên, chính quý vị độc giả sẽ là người có trách nhiệm và bổn phận lượng định giá trị thông tin, mà quý vị tiếp nhận. VRNs không bảo chứng cho những thông tin lịch sử, mà chính chúng tôi không trực tiếp nghiên cứu.

Xin trân trọng giới thiệu.

Nhân dịp ông Ngô Đình Luyện từ Pháp qua Mỹ thăm Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đang nghỉ ở dòng Đồng Công tại Missouri, lúc ấy gần ngày giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên anh Nguyễn Văn Nghi và tôi mời ông đến San Diego dự lễ giỗ ngày 1 tháng 11, sau đó đến Orange County dự lễ vào ngày 2 tháng 11. Ông đến San Diego sớm, nên ở chơi với tôi hơn một tuần.
Khi ở nhà tôi, tối nào ông và tôi cũng nói chuyện đến khuya, có khi đến 2, 3 giờ sáng. Tôi đã hỏi ông được nhiều chuyện của gia đình, và nhiều việc quốc gia nữa, mà tôi chưa được đọc ở sách nào. Tôi xin kể ra đây để các sử gia có thêm tài liệu về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và nền Đệ Nhất Cộng Hoà do ông thành lập.

Tại sao Ông Diệm nhận lời về làm Thủ Tướng năm 1954?
Theo lời ông Luyện kể, trước đó, mỗi lần muốn thay đổi Thủ Tướng, Quốc Trưởng Bảo Đại đều mời ông Luyện đến, để nhờ thuyết phục Ông Diệm lập nội các. Nhưng Ông Diệm đều từ chối, vì biết nếu về mà còn người Pháp chỉ huy, thì cũng chả làm được gì, chẳng khác gì khi ông được mời làm thượng thư Bộ Lại ngày Bảo Đại mới lên ngôi.
Ông Luyện và Bảo Đại là bạn thân từ thuở nhỏ, cùng học với nhau thời thơ ấu ở Pháp, vì vậy hai người thân thiết với nhau như anh em ruột. Bảo Đại có nhiều người bạn Pháp cũng như ông Luyện, nhưng đối với ông Luyện thì Bảo Đại thân hơn, vì hai người cùng học một thầy người Việt Nam do triều đình cử sang dạy về lễ nghi, lịch sử và cách xưng hô cùng luật lệ của triều đình Việt Nam, hầu khi Hoàng Đế về chấp chánh thì đã sẵn sàng.
Vị thượng thư mà triều đình cử sang là người cao lớn, đen, và mắt trông hơi dữ dằn. Triều đình hy vọng nhờ vị thầy học này, Hoàng Đế sẽ nể nang hơn. Ông Luyện có nói tên vị thượng thư này cho tôi nghe, nhưng nay tôi quên mất rồi (hình như là cụ thượng Thứ thì phải)
Lúc ấy Hoàng Đế đã khá lớn, ông rất thông minh và thích thú khi học về lịch sử và quyền hạn của nhà vua. Mỗi lần ông đến học, thầy giáo phải quỳ để đón và cách xưng hô rất là kính cẩn, luôn miệng phải thưa là “Tâu Ngài”. Ngoài ra, triều đình cũng cử thêm một số thị vệ để hầu hạ Hoàng Đế nữa.
Vì được trọng vọng như vậy, đôi khi Hoàng Đế mải chơi tennis hay cưỡi ngựa mà bỏ học, ông Luyện lại được thầy sai đi mời Hoàng Đế về. Khi ông đi mời Hoàng Đế, bao giờ ngài cũng về ngay, và xin lỗi thầy. Ông Luyện và Hoàng Đế nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, xưng “mày tao” (tu-toi) với nhau. Nhưng ở trong lớp thầy Việt Nam thì nói với nhau bằng tiếng Việt, ông Luyện cũng thưa là “Tâu Ngài”. Thầy bao giờ cũng để sẵn bánh kẹo, nhất là chocolat, để Hoàng Đế và ông Luyện ăn, ngoài ra thị vệ phải hầu trà.

Ông Luyện kể thêm: Khi Hoàng Đế hồi loan, Ngài nhiều lần căn dặn ông Luyện khi về nước phải đến gặp ngài. Khi ấy ông Luyện còn phải ở lại để học thêm một thời gian nữa. Sau đó, ông đậu kỹ sư và về Việt Nam được bổ đi coi điền địa của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, ăn lương ngạch Tây nên khá giầu (điền địa là cadastre). Có lần Hoàng Đế đi kinh lý các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, có khâm sứ đi theo, các quan đi đón đông lắm, trong số đó có ông Luyện. Khi gặp ông, ngài ôm chầm lấy và la ông bằng tiếng Pháp: Tại sao khi về không đến thăm tôi? Và vẫn “tu, toi” với ông như khi ở Pháp. Ngài giới thiệu ông với ông khâm sứ rằng “Hai chúng tôi là amis d’enfance”. Và ngài bắt ông Luyện tuần tới phải về thăm ngài.
Khi ông Luyện đến thăm, ngài đón tiếp rất niềm nở và mời hoàng hậu Nam Phương ra giới thiệu, cùng giữ lại ăn cơm gia đình. Hoàng Đế cũng muốn giữ ông Luyện làm việc gần ngài, nhưng ông từ chối.
Sau đó, mỗi lần Hoàng Đế có bạn người Pháp sang thăm, Ngài đều mời ông Luyện về Huế chơi cùng các bạn cũ, và ôn lại những ngày thơ ấu ở Pháp một cách vui vẻ lắm. Sau này, Quốc Trưởng và ông Luyện thường gặp nhau ở Pháp.
Khi hội nghị Gènève bắt đầu, ông được Quốc Trưởng mời đến, và được giao cho chức vụ đặc phái viên của Quốc Trưởng, để theo dõi hội nghị và trình thẳng với Quốc Trưởng các diễn tiến của hội nghị. Ông cũng từ chối, viện lý là không có quần áo sẵn sàng và phương tiện di chuyển. Quốc Trưởng nói: “Đây là việc nước và của người bạn thân (ami), ông phải giúp tôi. Còn việc quần áo và phương tiện sẽ có người khác lo cho ông”. Nói rồi ngài gọi ông Quang và ra lệnh ông lo cho ông Luyện tất cả những gì ông cần (tôi không rõ ông Quang là ai?) Ngoài ra ông cũng lưu ý ông Luyện thông báo các diễn tiến hội nghị cho Ông Diệm hay để Ông Diệm rõ tình hình.

Ông Luyện cũng kể rằng, Quốc Trưởng có vẻ hận người Pháp lắm, vì họ đã đặt Ngài vào sự việc đã rồi, và không hề có giới chức cao cấp nào của Pháp bàn với Quốc Trưởng điều gì trước đó cả. Quốc Trưởng cũng lưu ý ông Luyện, là phải giao thiệp mật thiết với phái đoàn Mỹ ở hội nghị.
Khi hội nghị sắp kết thúc, chỉ còn bàn cãi về việc chia cắt ở vĩ tuyến nào thì ông Luyện được lệnh Quốc Trưởng liên lạc với phái đoàn Mỹ, để nhờ họ giúp cách nào giữ được Huế cho phía quốc gia.
Sau đó, Quốc Trưởng mời Ông Diệm đến để giao cho chức vụ Thủ Tướng. Ông Diệm từ chối, nhưng Quốc Trưởng cố ép, và nói ngài rất lo lắng cho số phận của những người di cư và cán bộ trung kiên của người quốc gia. Ngài thêm một điều kiện là cho Ông Diệm được toàn quyền về hành chánh và quân đội. Thêm nữa, do sự thúc giục của ông Luyện, ông Cẩn cùng Đức Cha Thục và các cán bộ ở trong nước, nên Ông Diệm nhận lời.
Tôi hỏi ông Luyện:
- Cháu có nghe nói trước khi về nhận chức, Ông Diệm đã thề hết lòng trung thành với Quốc Trưởng, phải không?
-Tôi không rõ lắm là các Thủ Tướng trước đó có phải thề giữ lòng trung thành với Quốc Trưởng không, nhưng Ông Diệm chỉ thề là hết lòng phục vụ và giữ vững nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng. Và Quốc Trưởng cũng nhắc Ông Diệm rằng bất cứ trong trường hợp nào, cũng phải đặt tổ quốc Việt Nam trên hết.
Ông Luyện có đọc cho tôi nghe câu thề bằng tiếng Pháp, vì đã lâu tôi không còn nhớ nguyên văn, nhưng tôi hiểu ý là như vậy. Cách đây ít lâu, tôi có đọc một bài của giáo sư Tôn Thất Thiện nói về việc này, và ghi rõ câu thề bằng tiếng Pháp, tôi nghĩ là đúng.
Sau đó, có cuộc nói chuyện riêng giữa Quốc Trưởng và Thủ Tướng, ông Luyện cũng có mặt. Quốc Trưởng nhắc Ông Diệm phải tìm mọi cách đẩy người Pháp đi và củng cố quân đội, đào tạo cán bộ theo người Mỹ v.v… Khi Thủ Tướng về nước, ông Luyện về theo và giúp Ông Diệm mọi việc.

Theo ông Luyện, điều khó khăn nhất là việc đối xử với các giáo phái, và tìm được cán bộ trung kiên. Ông Cẩn đã giúp rất nhiều trong việc này cho miền Trung. Trong Nam, ông Nguyễn Ngọc Thơ là người giúp Thủ Tướng rất nhiều trong việc sắp xếp nhân sự.
Việc đối phó với tướng Nguyễn Văn Hinh và các giáo phái cũng rất khó khăn. Miền Trung thì coi như ủng hộ Thủ Tướng 100%, nhưng trong Nam thì các giáo phái luôn luôn đòi hỏi Thủ Tướng mọi điều. Ngay như Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, là người ủng hộ và quý mến Ông Diệm, cũng nghe người Pháp mà phá chính phủ. Tuy nhiên, các đơn vị ở Bắc rút vào thì ủng hộ Thủ Tướng hết lòng.

Ông Luyện kể sư đoàn Nùng lúc đó đóng ở sông Mao, ông có ra gặp đại tá Wòng A Sáng để nhờ đưa hai tiểu đoàn bí mật vào bảo vệ dinh Thủ Tướng. Đại tá Sáng nhận lời ngay, và hứa nếu cần ông sẽ đem hết lực lượng Nùng vào bảo vệ Thủ Tướng. Phương tiện di chuyển không có, đại tá Sáng phải trưng dụng xe đò, xe lửa để đưa quân vào. Ngoài ra ông Luyện còn gặp trung tá Thái Quang Hoàng, là người đã rút quân ra lập chiến khu để phản đối trung tướng Hinh v.v…

Tôi hỏi ông Luyện về việc giao thiệp với người Pháp và đại sứ Mỹ ra sao, ông kể: Đại Tướng Ely là cao ủy Pháp lúc bấy giờ rất thân với đại tướng Taylor là đại sứ Mỹ, hai người mỗi lần muốn ép Thủ Tướng Diệm điều gì, đều đi cùng với nhau, mặc quân phục, và cùng một ý kiến. Ông Diệm tức lắm và gọi hai ông này là “hai chị bà sơ”. Ngoài mặt thì phải nhượng bộ, nhưng Ông Diệm cứ âm thầm theo đuổi mục đích của mình là lo cho dân di cư và tìm cách trục xuất cho được người Pháp ra khỏi Việt Nam, cùng dẹp bỏ các giáo phái võ trang.

Việc truất phế Bảo Đại.
Vẫn theo ông Luyện, Ông Diệm gặp khó khăn nhất khi ra lệnh đóng cửa các sòng bài và nhà điếm, vì không còn lợi tức nào để gửi tiền cho Quốc Trưởng hàng tháng nữa. Những người ở quanh Quốc Trưởng cũng không được Ông Diệm o bế và tặng tiền như Bảy Viễn đã làm từ xưa, nên bị gièm pha nhiều.
Cái công điện mà Quốc Trưởng gọi Thủ Tướng sang Pháp, là giọt nước làm tràn cái ly, nên buộc lòng Ông Diệm phải đối phó. Ông nghĩ nước Việt Nam mà giao phó vào tay Bảy Viễn, thì sớm muộn gì cũng mất vào tay Cộng Sản.
Khi công bố cưỡng lệnh Quốc Trưởng, ông Luyện được Thủ Tướng cử sang Pháp gặp Quốc Trưởng, để trình bày sự khó khăn của chính phủ. Ông Luyện phải đợi 3 ngày mới được Quốc Trưởng tiếp kiến. Trái với trước kia, ông Luyện muốn gặp Quốc Trưởng lúc nào cũng được.
Ông mang theo 700 ngàn đồng, là tiền quỹ đen của Thủ Tướng mà ông không dùng đến từ ngày về nước, để biếu Quốc Trưởng. Ông trình bày cho Quốc Trưởng rõ, là tình hình Việt Nam đã sáng sủa, người Pháp sẽ phải rút đi, mình đòi lại được dinh Độc Lập và việc dẹp bỏ các lực lượng giáo phái võ trang để thống nhất quân đội, thì chỉ còn là vấn đề thời gian v.v… Quốc Trưởng và ông nói chuyện rất lâu, và Quốc Trưởng không còn oán trách gì về Ông Diệm và ông Luyện nữa. Nhưng ngài nói: “Tôi biết việc này do ông Nhu bày ra !"

Việc mua Toà Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc.
Anh Trần Mạnh Phúc là tham vụ ngoại giao của Toà Đại Sứ Việt Nam tại Anh quốc và được ông đại sứ Luyện rất mến trọng, có kể với tôi (anh Phúc hiện ở San Diego) rằng:
Khi Ông Diệm có ý định viếng Anh quốc thì Bộ Ngoại Giao trình Tổng Thống nên mua một trụ sở cho Toà Đại Sứ để khi Tổng Thống viếng Anh quốc có nơi tiếp tân, vì chắc chắn Nữ Hoàng Anh sẽ tới dự. Vì muốn cho nhanh việc, nên Bộ Ngoại Giao ủy cho đại sứ Luyện lo việc này. Muốn tiến hành mau lẹ, tòa nhà dùng làm Toà Đại Sứ tạm thời đứng tên đại sứ Luyện. Dinh thự này khá lớn, tọa lạc cả một block đường, không có số nhà, nói đến là ai cũng biết đó là khu đẹp vào hạng nhất ở Luân Đôn, thủ đô Anh quốc.
Mới mua được ít lâu thì đảo chánh xảy ra nên chưa kịp sang tên cho chính quyền Việt Nam và tòa nhà này vẫn đứng tên đại sứ Luyện. (Chính phủ Việt Nam cũng có một căn nhà tại Pháp, đứng tên Vĩnh Thụy, là tên của Quốc Trưởng Bảo Đại. Sau năm 1975, nhà cầm quyền Hà Nội thu hồi căn nhà này. Nhưng về sau, người vợ đầm của Bảo Đại là Monica thắng trong vụ kiện đòi lại, rồi đem bán đi).
Sau đảo chánh, Bộ Ngoại Giao có nhờ ông Trần Mạnh Phúc đi gặp đại sứ Luyện để sang tên lại tòa nhà cho chính quyền Việt Nam. Ông Phúc gặp đại sứ Luyện và được trả lời như sau: “Tôi rất muốn làm theo Bộ Ngoại Giao yêu cầu, nhưng rất tiếc sau khi đảo chánh, chính phủ đã ra một sắc lệnh tịch thu toàn thể gia sản họ Ngô. Tất cả gia sản anh em tôi đều bị tịch thu, nên bây giờ tôi không có quyền gì sang tên căn nhà này”
Khi ông Phúc đến thăm ông Luyện tại nhà tôi, tôi có hỏi ông Luyện vụ này thì ông xác nhận là đúng.
Tôi nói với ông Luyện:
- “Theo ý cháu, tội gì mình để cho tụi Việt Cộng dùng tòa nhà này? Cụ đòi lại bán đi để giúp anh em có phương tiện kháng chiến chống lại Cộng Sản”
Ông trả lời:
- Đâu có được! Anh thấy không, anh em tôi gia sản có gì đâu! Nếu tụi tôi tham lam thì bao năm nay thiếu gì cơ hội tụi tôi làm giàu. Một tòa nhà này thì có nghĩa lý gì! Cho đến bây giờ mọi người mới hiểu cho anh em tôi.

Việc Thủ Tướng Trung cộng Chu Ân Lai muốn có liên lạc ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Luyện kể cho tôi nghe một bí mật hết sức quan trọng mà tôi chưa nghe bao giờ. Ngày Thủ Tướng Chu Ân Lai viếng Anh quốc (tôi quên không nhớ năm nào), phái đoàn của Chu Ân Lai đông lắm, có đến hơn 100 người và được chính phủ Anh đón tiếp rất long trọng. Ông Luyện được một tham vụ ngoại giao của Toà Đại Sứ Trung Quốc đem biếu hai vò rượu “Mao Thái”, kèm thiệp của Thủ Tướng Chu Ân Lai mời dự tiếp tân ở Toà Đại Sứ Trung Quốc với sự hiện diện của Nữ Hoàng Anh.

Khi ông được đại sứ Trung Quốc giới thiệu với Thủ Tướng Chu Ân Lai, Thủ Tướng rất niềm nở, nói đã biết ông là em của Tổng Thống Việt Nam, là người ông rất kính trọng và ngưỡng mộ, xin ông Luyện chuyển lời thăm của Mao chủ tịch đến Ngô Tổng Thống. Ông Chu nói ông không có cơ hội để nói nhiều với đại sứ Luyện nhưng đã chỉ thị đại sứ Trung Quốc đến gặp đại sứ Luyện trình bầy chi tiết sau.
Sau đó, đại sứ Trung Quốc đến thăm ông Luyện ở Toà Đại Sứ Việt Nam. Đại sứ Trung Cộng nói với ông Luyện rằng chủ tịch Mao rất cảm phục lòng yêu nước và những gì Ngô Tổng Thống đã làm cho miền Nam Việt Nam được phồn thịnh như ngày nay. Ý chủ tịch Mao muốn có liên lạc ngoại giao với miền Nam Việt Nam.
Theo ý Mao Trạch Đông, trước tiên hai bên sẽ đặt liên lạc trên cấp tổng lãnh sự, sau đó sẽ nâng lên cấp đại sứ nếu tình thế cho phép. Theo Mao Trạch Đông hai bên sẽ có liên lạc chặt chẽ về văn hóa và bình thường hóa việc buôn bán giữa hai quốc gia, Trung Quốc sẽ dàn xếp để hai miền Nam Bắc Việt Nam có đại diện giữa hai miền, sau đó sẽ đi đến việc liên lạc, tiếp tế và buôn bán giữa hai miền v.v…
Ông Luyện trả lời là sẽ về trình Tổng Thống và sẽ trả lời ông đại sứ Trung Cộng sau.
Ông Luyện đã đích thân về trình Tổng Thống Diệm việc này. Sau đó gần hai tháng, ông được Tổng Thống triệu về và cho biết là sau khi đã nhờ ông đại sứ Trung Hoa Quốc gia về tham khảo ý kiến của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch. Tổng Thống cũng tham khảo ý kiến với đại sứ Hoa Kỳ thì đi đến kết luận là việc này chưa thể đồng ý trong giai đoạn này được.
Tổng Thống Diệm cũng cho ông Luyện rõ là khi ông sang thăm Đài Loan, ông và Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã giao ước với nhau rằng sẽ hết lòng giúp đỡ nhau trong việc chống Cộng và hai nước coi nhau như anh em. Tổng Thống bảo ông Luyện về trả lời đại sứ Trung Quốc rằng chính phủ Việt Nam rất cảm ơn Mao chủ tịch và xin một thời gian để sắp xếp.

Khi ông Luyện kể cho tôi nghe chuyện này, tôi chợt nhớ năm 1963, Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan là ông Tưởng Kinh Quốc (sau làm Tổng Thống Đài Loan) có bí mật sang thăm Việt Nam và thường đàm luận với Tổng Thống Diệm nhiều đêm (ông Tưởng Kinh Quốc là con Tổng Thống Tưởng Giới Thạch)
Tổng Thống Diệm cũng nói với ông Luyện rằng ông đồng ý với Tổng Thống Tưởng Giới Thạch là không bao giờ tin được Cộng Sản, vì vậy phải rất thận trọng. Ngoài ra, Việt Nam Cộng Hòa có chính sách rõ ràng là nước nào đã có Toà Đại Sứ ở miền Bắc thì Việt Nam phải rất thận trọng khi đặt liên lạc ngoại giao với nước ấy.

Tổng Thống Diệm và ông Luyện có biết trước việc đảo chánh sẽ xảy ra không ?
Tổng thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm thăm Tây Nguyên
Ông Luyện còn kể cho tôi nghe trước ngày đảo chánh độ mấy tháng, có một linh mục dòng Jesuit (Dòng Tên) ở Hoa Kỳ đã bí mật sang gặp ông. Vị linh mục này muốn giữ bí mật nên trước khi gặp ông Luyện đã ghé qua nhiều nước Âu châu rồi mới đến thăm ông Luyện. Ông Luyện và vị linh mục này gặp nhau ở một tiệm ăn ở ngoại ô Luân Đôn.
Vị linh mục này muốn cho Ông Diệm rõ là sớm muộn gì Hoa Kỳ cũng sẽ giúp cho việc đảo chánh ở Việt Nam để lật đổ Tổng Thống Diệm. Theo linh mục này thì sự việc xảy ra gần đây thôi. Ông Luyện hỏi vị linh mục này làm sao có thể ngăn chận được?

Vị linh mục này nói có hai ý kiến, theo ông thì Tổng Thống Diệm nên làm.
1. Nên nhượng bộ chánh phủ Hoa Kỳ, đồng ý tất cả những gì người Mỹ muốn qua đại sứ Hoa Kỳ. (Theo ông Luyện thì người Mỹ muốn Việt Nam nhường cảng Cam Ranh cho người Mỹ một thời gian, như Phi Luật Tân nhường cảng Subic, và để cho người Mỹ một thời gian vào Việt Nam).
2. Nếu Tổng Thống và chánh phủ Việt Nam không đồng ý thì Tổng Thống phải công khai nói ra những gì Hoa Kỳ buộc Việt Nam mà Việt Nam không thể chấp nhận được trong một cuộc họp báo, có đầy đủ ngoại giao đoàn các nước, và Tổng Thống kêu gọi các nước giúp Việt Nam Cộng Hòa chống Cộng Sản qua công hàm ngoại giao. Ông Luyện hỏi thêm:
- Theo ý linh mục thì trong hai ý kiến này, ý kiến nào nên theo?
- Ý kiến 1 vì Việt Nam khó tách rời khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ, vì mọi phương tiện chống Cộng đều do Hoa Kỳ viện trợ.
Tuy nhiên, ý kiến 2 không phải là không đúng nếu Việt Nam được các cường quốc ủng hộ và nhân dân Hoa Kỳ cũng như quốc hội Hoa Kỳ có thể thay đổi thái độ, thay vì chống đối chiến tranh; quay lại ủng hộ.

Linh mục cũng lưu ý thêm với ông Luyện rằng tình hình rất gay go từ khi vụ Phật giáo xảy ra, chắc chắn là do bàn tay của CIA dính vào. Nếu đảo chánh xảy ra ở Việt Nam sớm muộn gì cũng giống như trường hợp của Trung Hoa với Tưởng Giới Thạch vậy.
Ông Luyện vội về trình với Tổng Thống Diệm sự việc như trên. Tổng Thống có vẻ suy nghĩ và hỏi ý kiến ông Luyện, thì ông khuyên Tổng Thống nên nhượng bộ người Mỹ, vạn nhất nếu đảo chánh xảy ra dù mình có thắng thì tiềm lực của quân đội cũng bị sứt mẻ, rất có hại cho việc chống Cộng.

Cố vấn Giacôbê Ngô Đình Nhu
Tổng Thống có vẻ không lưu ý về việc đảo chánh mà phàn nàn nhiều với ông Luyện về vụ Phật giáo. Ông tỏ ra rất buồn vì người Mỹ đã nhúng tay vào vụ này. Theo tin tức đích xác ông nhận được thì ông rất lo hậu quả của vụ này giữa Phật giáo và Công giáo sẽ chống đối nhau.
Tổng Thống Diệm nói sẽ nghiên cứu kỹ việc này và bảo ông Luyện sang gặp ông Nhu để bàn thêm. Ông Luyện gặp ông Nhu và ông Nhu có vẻ chú ý và cũng đồng ý nhưng ông lo rằng người Mỹ đòi mang quân vào và sử dụng Cam Ranh thì khó được Tổng Thống chấp thuận. Ông cũng lo rằng, nếu người Mỹ mang quân vào thì Nga và Tàu sẽ giúp miền Bắc nhiều hơn và có thể cũng đem quân vào nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ là bãi chiến trường đẫm máu.
Còn việc đảo chánh thì ông không lo vì đã nắm vững quân đội và xem mặt các tướng lãnh thì thấy không ai có đủ khả năng làm việc này. Ông cũng đồng ý với Ông Diệm rằng, vụ Phật giáo sẽ làm cho dân Việt Nam chia rẽ sau này.

Ông Luyện ở lại Việt Nam hai ngày và họp với Tổng Thống cùng ông Nhu thêm một lần sau đó. Tổng Thống bảo ông Luyện cứ yên tâm về lại nhiệm sở và ông tin là mọi sự sẽ được giải quyết êm đẹp.
Ông Luyện nói với tôi: “Chắc Ông Diệm nói cho tôi yên lòng chứ kỳ này khác hẳn những kỳ trước, tôi gặp ông thấy ông buồn rầu và suy nghĩ nhiều lắm!”
- Cháu nghe nói sau đảo chánh cụ được vua Ma-Rốc cho tỵ nạn phải không? Tôi hỏi.
- Đúng, việc này làm cho tôi suýt chết đấy! Tôi đông con, các cháu lớn đều học ở Pháp và khi đi tỵ nạn chỉ có nhà tôi và mấy cháu nhỏ theo sang Ma-Rốc. Đến phi trường, tôi được ông hoàng đệ (ông kể tên mà tôi quên), em vua Ma-Rốc đón ở phi trường và đưa về ở tạm tại dinh quốc khách.
Ông biết không? cái dinh này to và đẹp vô cùng, dinh Độc Lập của mình chả thấm vào đâu. Gia nhân hàng hơn chục người, có lính gác rất trang trọng. Tôi bối rối vô cùng và nghĩ riêng tiền thưởng cho đám gia nhân này cũng sạt nghiệp mình, nên tôi trình với ông hoàng đệ rằng tôi đang gặp cơn bối rối, vì vậy tôi chỉ mong được ở một căn nhà nhỏ và đi dậy học ở đây để qua lúc này mà thôi.
Ông Hoàng đệ nói cứ ở tạm đó rồi sẽ tính sau.
Khi ở đó, ông Luyện và gia đình được phục vụ rất chu đáo và ông Hoàng đệ đến thăm luôn. Độ mấy ngày sau, ông hoàng đệ đến gặp ông Luyện, có mấy người tùy tùng đi theo và mang cả bản đồ. Ông hoàng giới thiệu với ông Luyện mấy người đi theo toàn là tổng giám đốc mấy công ty lớn ở Ma-Rốc và kỹ sư cả.
Ông ta muốn giúp đỡ cho ông Luyện có việc làm cho khuây khỏa khi ở đây, và muốn ông Luyện đầu tư (invest) vào công ty khai thác mỏ vàng ở Ma-Rốc. Ông ta nói sơ khởi, ông Luyện chỉ cần bỏ 10 triệu đô la, sau đó sẽ bỏ thêm sau, và hy vọng mỏ vàng này sẽ đem lại lợi tức hàng năm cho ông Luyện độ nửa triệu để sinh sống và có thể nhiều hơn nếu bỏ thêm vốn.
Ông Luyện nghe nói, sợ hết hồn. Nhưng nếu từ chối ngay, sợ bị hại mà khó lòng ra khỏi Ma-Rốc, nên ông vờ hỏi thêm địa điểm và cách điều hành, làm như chú ý đến việc này lắm. Sau đó ông trả lời là cho ông suy nghĩ ít lâu và cần phải bàn với bà Nhu là chị dâu ông đã. Sở dĩ ông phải mang tên bà Nhu ra là bởi trước đó, ông Nhu đã từng đại diện Tổng Thống sang thăm Ma-Rốc để đáp lễ lại việc thái tử Ma-Rốc sang thăm Việt Nam.
Ông Luyện nói: “Mình đã nghèo mà họ cứ nghĩ là mình giàu có! Ông Duệ nghĩ xem, thiên hạ cầm quyền thì giàu có đến mức nào mà anh em tôi thì có gì đâu! Tôi đang lo muốn chết để làm sao có tiền cho các con ăn học mà họ nói chuyện toàn bạc triệu, mà lại triệu đô la nữa chứ!”
Sau đó, ông Luyện phải bí mật gặp đại sứ Anh và Pháp ở Ma-Rốc, xin giúp đỡ bằng cách nào để đi khỏi Ma-Rốc về Pháp dậy học. Ông Luyện phải lấy cớ về Pháp gặp bà Nhu để bàn việc. Các đại sứ Pháp và Anh đưa ông ra tận phi trường để về Pháp.
Tôi nhớ lại cách đây ít năm, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ có kể với tôi ngày ông mới sang đây khi còn ở trại tỵ nạn, cũng có mấy người Hoa Kỳ đến tiếp xúc với ông và hứa hẹn sẽ giúp việc làm cho một số người tỵ nạn. Ông mừng lắm và hy vọng sẽ giúp đỡ cho anh em một phần nào. Một hôm, ông được họ đến đón ở trại tỵ nạn và đưa đến một khách sạn rất sang trọng, họ đưa vào phòng họp đã có sẵn bản đồ và sơ đồ. Họ cũng thuyết trình trang trọng lắm và cuối cùng đề nghị thiếu tướng Kỳ invest nhiều triệu đô la để khai thác mỏ vàng.
Tôi hỏi thêm ông Luyện:
- Chắc cụ cũng rõ việc ông Trần Văn Chương từ chức đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ và bà ấy từ chức quan sát viên thường trực ở Liên Hiệp Quốc để phản đối Tổng Thống Diệm về vụ Phật giáo? Cũng như vụ ông Vũ Văn Mẫu cạo đầu từ chức bộ trưởng ngoại giao?
- Việc ông Mẫu, tôi không rõ chi tiết, nhưng tôi biết chắc là ông ấy thấy Hoa Kỳ muốn có sự thay đổi ở Việt Nam và cũng biết Hoa Kỳ muốn Việt Nam có Thủ Tướng, ông Mẫu ngấp nghé địa vị này nên làm trước. Ngoài ra ở địa vị Ngoại trưởng, ông ấy rõ tình hình hơn ai hết.
Còn vụ ông bà Trần Văn Chương, tôi biết rất rõ. Chắc khi ở Hoa Thịnh Đốn, ông bị Hoa Kỳ mua chuộc và xúi bẩy. Trước khi từ chức, ông có viết cho Ông Diệm một thư dài, khuyên Ông Diệm nên từ chức và ông sẵn sàng thay Ông Diệm trong lúc khó khăn này. Ông Diệm giận lắm. Ông Nhu khuyên Ông Diệm cất chức ông bà Chương và bà Nhu gọi điện thoại gây gổ với ông bà Chương, dọa sẽ cắt đứt liên lạc mặc dầu là cha mẹ ruột. Theo ông Nhu kể lại thì bà Nhu trách ông Chương là luật sư mà không biết gì về hiến pháp. Nếu Tổng Thống Diệm có từ chức thì phải nhường quyền cho phó Tổng Thống chứ sao lại nhường cho ông Chương được? Ông Diệm cũng đồng ý cách chức ông bà Chương và đang tìm người thay thế thì ông bà Chương đã từ chức trước.
Gia đình tôi, ai cũng rõ việc này do bà Chương chủ động, còn ông Chương là người rất hiền lành, mọi việc trong nhà do bà ấy quyết định cả. Bà ấy có nhiều tham vọng và ngang ngược lắm. Để tôi kể ông nghe chuyện nực cười này của bà ấy.
Bà Nhu thấy tổ chức phụ nữ ở Phi Luật Tân rất thành công nên bà ấy rất muốn sang thăm để học hỏi và được bà Tổng Thống Phi chính thức mời sang. Khi đang sửa soạn thì bà Chương ở Mỹ về, và đòi tham gia phái đoàn.
Nực cười là khi gửi danh sách phái đoàn đến Bộ Ngoại Giao để xin thông hành ngoại giao thì bà ấy đòi trong thông hành của bà phải rút xuống 10 tuổi, chứ không chịu theo tuổi trong thẻ kiểm tra, nên việc này đặt Bộ Ngoại Giao vào hoàn cảnh khó xử.
Bộ Ngoại Giao không giải quyết được, nên trình Tổng Thống và ông Nhu quyết định. Ông đổng lý chuyển phiếu trình cho ông Nhu, đúng lúc ông Nhu đang đọc phiếu trình thì ông Luyện vào, ông Nhu đưa phiếu trình cho ông Luyện đọc. Ông Luyện nói đùa:
- Sao bà ấy không rút tuổi xuống hàng trăm cho được việc!
Rồi ông Luyện hỏi ông Nhu:
- Thế anh định sao?
Ông Nhu nói ngay:
- Thì còn sao nữa? Mình mà phê vào đây đồng ý cho rút tuổi thì còn thể thống gì!
Đó anh xem, thông hành ngoại giao chỉ làm cho đúng phép mà thôi, chứ chả lẽ sang Phi người ta hỏi tuổi bà ấy sao? Và chả lẽ người ta lại xem thông hành để biết tuổi người ấy? Tôi rất may là vợ tôi chỉ biết lo cho chồng con, chứ lại nhiều chuyện như gia đình bà Nhu nữa thì khổ cho Ông Diệm biết mấy!

Ông Luyện cũng cho tôi biết là từ khi bà Chương từ chức thì bà Nhu cắt liên lạc với cha mẹ, kể cả khi sang thăm Hoa Kỳ để giải độc bà cũng không liên lạc. Khi bà đến Hoa Thịnh Đốn và sau này khi di cư bà cũng không liên lạc nữa.
Cũng nên nói thêm là tôi chưa hề gặp bà Luyện ở dinh Gia Long bao giờ, và cũng chưa biết mặt bà và bất cứ người nào trong gia đình bà.
Chuyện ông Mẫu, ông Đính
Còn ông Vũ Văn Mẫu, tôi được gặp ông khi ông vào trình diện Tổng Thống trước khi đi hành hương ở Ấn Độ. Mặc dầu khi gặp ông, tụi tôi vẫn đứng dậy chào một cách lễ phép, nhưng thấy dáng điệu của ông không được tự nhiên mấy khi đáp lễ. Ông vào phòng Tổng Thống không lâu lắm, độ 10 phút sau, ông sang phòng ông Nhu và ở đó khá lâu. Ông Nhu ra lệnh cho mang máy thâu băng vào để ông nói vào đó. Tôi không biết ông đã nói những gì, nhưng ông Trần Sử là bí thư của Tổng Thống, có kể với tôi rằng ông Mẫu có làm đơn xin đổi thêm 4 ngàn đô la nữa và được Tổng Thống chấp thuận. Sau này ông được làm Thủ Tướng lúc Cộng Sản sắp vào, và chưa kịp trình diện nội các thì đã bị Việt Cộng bắt.
Chuyện về tướng Đính và ông Luyện sau đây, tôi được anh em cận vệ kể lại, vì xẩy ra ngày tôi chưa về cạnh Tổng Thống.
Khi Tổng Thống lên Pleiku, lúc ấy Thiếu Tướng Tôn Thất Đính làm tư lệnh Quân khu II. Phái đoàn của Tổng Thống khá đông, có mấy vị đại sứ và cả ông Luyện đi thăm khu dinh điền. Gặp hôm trời mưa, đường trơn, Tổng Thống đã thay giầy bốt, riêng ông Luyện vẫn đi giầy thường, thiếu tướng Đính phải ra lệnh lấy giày vải nhà binh cho ông Luyện thay.
Khi mang giầy đến, Thiếu Tướng Đính bèn quỳ xuống cởi giầy cho ông Luyện trước sự ngạc nhiên của tất cả sĩ quan và phái đoàn. Sau khi đảo chánh, tôi được đổi về sư đoàn 25 làm Tham mưu phó hành quân kiêm trưởng phòng 3. Đại úy Trịnh Tiến là trưởng phòng 2 cũng kể với tôi như vậy (Đại úy Tiến lúc đó ở bộ tư lệnh Quân đoàn II, đơn vị cuối cùng của anh là Đại tá Trưởng phòng 2, Quân đoàn II)
Tôi hỏi ông Luyện việc này, ông nhận là đúng. Ông nói thêm: Chắc ông Đính nghĩ mình là con cháu trong nhà nên có cử chỉ ấy. Ông nói: Ông Đính nhận là con nuôi ông Cẩn, và gọi tôi là cậu, xưng con.
Một chuyện khác cũng liên hệ tới giầy, xẩy ra ngày Tổng Thống đi thăm khu dinh điền Tánh Linh, và ở lại đó đêm thứ Bảy. Theo chương trình sáng Chủ Nhật, Tổng Thống dậy lúc 7 giờ, và xem lễ lúc 8 giờ ở nhà thờ gần đấy. Nhưng Tổng Thống dậy sớm, bảo sĩ quan tùy viên gọi dây nói xin Cha Xứ cho Tổng Thống xem lễ sớm hơn, vào lúc 7 giờ thay vì 8 giờ. Khi ông thay quần áo, người lính đi theo lo việc này tối hôm trước đi ngủ với mấy người bạn ở đơn vị giữ an ninh chưa về kịp. Đại úy Cảnh, là sĩ quan cận vệ, vội mang giầy vào để ông thay. Thấy vậy, ông cau mày hỏi:
- Thằng nớ đâu mà phải lo việc này?
Tôi kể việc này, để quý vị độc giả có dịp biết thêm về “người và việc”. Khi đảo chánh lật đổ Tổng Thống, tướng Đính gọi là làm cách mạng để lật đổ chế độ “phong kiến gia đình trị”, trong khi tướng Đính nhận là con cháu trong nhà con nuôi ông Cẩn.
Gần đây, đọc cuốn hồi ký của tướng Đính, tôi thấy sợ cho tình người. Viết sao cũng được!
Việc Tổng Thống Diệm dùng người
Tôi hỏi ông Luyện:
- Cụ đã đọc quyển sách do ông Đỗ Mậu viết chưa?
- Có người đem cho tôi một cuốn, nhưng tôi không đọc. Tôi nghĩ đọc để mà thoải mái, chứ đọc mà bực mình thì đọc để làm gì!
Tôi hỏi thêm:
- Thế cụ nghĩ sao khi người ta phàn nàn là Tổng Thống không biết dùng người nên mới xảy ra vụ đảo chánh để đến nỗi chết?
- Thì tôi đã kể với anh rằng khi mới về, tìm được người hợp tác rất là khó. Anh xem, sau đảo chánh qua bao nhiêu là chánh phủ mà có ai thành công đâu, và có ai được khen là biết dùng người đâu! Vì mình chỉ được huấn luyện theo người Pháp, và họ nào có muốn đào tạo mình thành các cấp lãnh đạo giỏi đâu!
Tôi đồng ý với anh là Ông Diệm không dám làm mạnh để đưa các người trẻ ra, nhưng nếu làm nhanh quá sẽ gây nhiều xáo trộn và chưa chắc đã thành công. Vì vậy, ông dành mọi phương tiện cho các trường đại học, nhất là trường Võ Bị Đà Lạt, trường Quốc Gia Hành Chánh, trường Thiếu Sinh Quân, trường Quốc Gia Nghĩa Tử v.v… Hy vọng sau này đào tạo nhiều cán bộ trẻ, giỏi để gánh vác việc nước. Thật ra những người như Đính và Mậu hay Đôn, Khiêm, Minh… đều là sĩ quan cao cấp cũ, các sĩ quan trẻ thì cấp bậc còn thấp quá nên chỉ thay thế dần dần mà thôi. Đó cũng là sự khó khăn của ông để đến nỗi chết. Lại còn kéo theo cả anh Nhu và anh Cẩn tôi nữa. Gia đình tôi có 6 anh em trai, anh Khôi tôi thì Cộng Sản giết và 3 anh tôi thì bị người Quốc Gia giết, chỉ còn tôi và Đức Cha phải lưu lạc nơi quê người.
- Có bao giờ Tổng Thống và cụ nghĩ đến việc sẽ có ngày xảy ra biến cố và gia đình gặp tai biến mà lo có tiền bạc, nhà cửa ở ngoại quốc để phòng khi tai biến xảy ra không?
- Không, chưa bao giờ anh em tôi nghĩ đến chuyện này. Ông Diệm rất vững lòng tin vì ông nghĩ suốt đời ông chỉ lo cho đất nước thì việc gì ông phải lo sợ! Ông luôn luôn nhắc anh em tôi rằng mình làm việc cho quốc gia để giữ tiếng tăm cho gia đình họ Ngô từ bao đời nay rồi. Nếu lợi dụng để lo cho được giàu có thì có nghĩa gì!
Để tôi kể cho anh nghe một chuyện mà khó ai có thể tin được. Anh biết không, hồi đó, tôi xin nghỉ hai tuần lễ về thăm mẹ tôi đau, khi mẹ tôi khỏi, tôi về Saigon nghỉ. Tôi thích đánh golf nên nhiều lần lên sân golf ở gần nhà thương Cộng Hòa chơi. Tôi thường chơi với mấy bạn người Pháp, và mấy người Tàu, vui vẻ lắm, họ chơi giỏi hơn tôi nhiều. Sau khi chơi xong, thì rủ nhau đi ăn và uống rượu.
Có một lần, mấy người Tàu rủ vào Chợ Lớn ăn ở một cái cercle. Ăn cơm có nhiều món ngon lắm, nhưng đặc biệt, tôi thích nhất là mấy thứ đậu hũ. Có thứ đậu hũ ăn ngậy và béo, nhưng mùi hơi thúi, tôi chưa hề được ăn bao giờ. Tôi khen ngon, nhưng mấy người bạn Pháp thì không dám đụng đũa. Một người bạn Tàu mới ở Hồng Kông sang du lịch, nói với tôi:
- Ông sành ăn lắm! Món đậu hũ này do tôi đề nghị, rất khó làm vì rất công phu. Nhưng ở đây làm không ngon bằng Hồng Kông, nhất là do gia đình tôi làm thì ngon lắm. Tiện đây, tôi mời quý vị thứ Bảy này đi Hồng Kông nghỉ, và đến nhà tôi ăn cơm, tôi sẽ đưa quý vị đi thăm một số phong cảnh ở đó. Một người Pháp, một người Tàu và tôi nhận lời đi.
Tối hôm ấy, hắn mời khách lại nhà ăn cơm, và ngủ ở nhà hắn. Nhà rất lớn và sang trọng. Cơm ăn đặc biệt có nhiều món đậu hũ. Riêng món đậu hũ thúi, thì ngon hơn ở Chợ Lớn nhiều. Cũng có nhiều món rau xào lạ lắm. Món mặn thì chỉ có hai món cá và ngỗng quay. Ăn xong, tụi tôi chơi mạt chược đến khuya, sáng hôm sau đi ăn sáng và xem phong cảnh ở Hồng Kông. Tôi cũng đi Hồng Kông nhiều lần, nhưng không có người hướng dẫn sành sỏi nên không thích mấy. Đi chơi với hắn thì vui lắm, và ăn nhiều món lạ. Có nhiều món rất sơ sài, nhưng ngon miệng lắm, tôi chưa được ăn bao giờ.
Chiều về đến Tân Sơn Nhất, có ông phó tổng giám đốc Quan Thuế và một nhân viên ra đón ngay ở phi cảng. Ông có vẻ băn khoăn lo lắng và nói với tôi:
- Thưa cụ đại sứ, xin cụ hiểu cho sự khó khăn của tụi con. Nhưng đây là lệnh của Tổng Thống, tụi con phải thi hành. Xin cụ cho tụi con được xem hành lý của cụ.
Tôi ngạc nhiên vì xưa nay đi đâu, kể cả ngoại quốc, chưa ai khám xét hành lý của tôi cả, vì mình là nhân viên ngoại giao cao cấp đi bằng thông hành ngoại giao. Thế mà về nước mình lại bị khám xét bởi lệnh của Tổng Thống?
Tôi bình tĩnh trả lời:
- Tôi đi chơi chứ không phải đi công vụ, chả cần có lệnh Tổng Thống cũng vậy, các ông cứ làm đúng phận sự của các ông.
Tôi mang theo cái va ly mang từ Anh Quốc về, nên khá to. Sau khi khám xét xong, thấy chả có gì, anh này cứ xin lỗi tôi hoài và có vẻ lo lắng. Tôi cám ơn, lên xe ra về.
Về tới dinh Gia Long, tôi vào thẳng phòng Ông Diệm với vẻ bực bội. Gặp tôi, ông cười hỏi:
- Sao chú? Chắc khó chịu lắm phải không? Tụi nó cứ nói ra nói vào và báo cáo với tôi rằng chú đi Hồng Kông để giúp tụi Tàu chuyển bạc về Việt Nam (ngày đó tụi Việt Cộng có nhiều tiền Việt Nam để ở Hồng Kông lắm mà không sao mang vào Việt Nam được), nên tôi phải cho khám, để tụi nó khỏi xuyên tạc và sau này tụi nó không dám báo cáo bậy nữa. Và cũng để quan thuế không nể nang một người nào, cho họ dễ làm phận sự của họ.
Anh biết không? Ông (Diệm) có vẻ thích thú lắm và cười ra tiếng.
Tôi (ông Luyện) hỏi lại:
- Thế nếu tôi làm bậy thật thì anh không sợ mang tiếng sao?
- Anh em mình ở với nhau từ nhỏ đến giờ, tôi không biết tính chú sao? Nếu chú làm bậy, tôi cũng chả bênh chú.
Sau đó, tôi sang gặp ông Nhu, nghe chuyện tôi kể, ông Nhu cũng ngạc nhiên.
Tôi về phòng nghĩ còn tức, nên mời Tuyến (bác sĩ Tuyến) và Thuần (bộ trưởng phủ Tổng Thống) đến kể cho họ nghe, hy vọng họ biết ai đã báo cáo bậy về tôi. Hai ông này thề không biết gì, và tôi thấy họ ngạc nhiên hết sức, không hiểu tại sao Tổng Thống lại làm như vậy? Tuyến cho tôi biết thêm là cụ có nhiều tin báo cáo thẳng mà chính ông cùng ông Nhu cũng không biết.
Vụ nhà thầu Pháp
Ông Luyện kể cho tôi nghe một chuyện nữa:
- Có mấy người Pháp học cùng trường kỹ sư với tôi, đến phàn nàn với tôi về việc đến thầu xây cất nhà máy đường (chắc là nhà máy đường Hiệp Hòa ở Đức Hòa) bị ông Thuần, bộ trưởng phủ Tổng Thống xử ép, vì họ trúng thầu rồi mà ông Nguyễn Đình Thuần lại muốn giúp cho nhà thầu Mỹ được.
Tôi hỏi Ông Diệm tại sao lại như vậy?
Ông trả lời rằng chưa được ông Thuần trình báo. Và muốn cho công bằng, ông bảo tôi ngồi đợi ông Thuần mang hồ sơ lên trình để hỏi cho rõ trước mặt tôi.
Ông Thuần mang hồ sơ lên trình và có ý kiến là tuy nhà thầu Pháp trúng thầu thật, nhưng ông ngại nhà thầu Pháp không có kinh nghiệm và máy móc ông nghĩ là của Mỹ tốt hơn. Vả lại, tiền này là của viện trợ Mỹ, nên ưu tiên cho họ.
Thấy ông Thuần có ý chê kỹ sư Pháp học cùng trường với tôi, nên tôi hỏi lại:
- Thế đấu thầu để làm gì? Cứ theo điều lệ sách thì phải thi hành cho đúng chớ.
Ông Thuần nể tôi không dám cãi, và ông cụ lại sợ hai bên mếch lòng nhau, nên bảo:
- Thôi, việc này để tôi xem lại.
Sau tôi nghe nói người Pháp được trúng thầu. Tôi cũng biết, Tổng Thống ngoài những tin của bác sĩ Tuyến và tổng nha Cảnh sát công an, ông còn có nhiều tin của các nơi báo cáo cho ông nữa. Bác sĩ Tuyến kể với tôi nhiều lần ông gọi Tuyến lên và cho xem báo cáo về hoạt động của Việt Cộng ở Sàigòn, nơi tụi nó liên lạc và đóng quân ở các vùng nữa, mà ông Tuyến thấy nhiều tin rất đúng.
Có một lần Trung Tá Hùng là tham mưu trưởng Biệt Bộ phủ Tổng Thống và Đại Úy Bằng, là sĩ quan hầu cận được một trưởng ty Cảnh sát mời ăn ở một tiệm sang ở Sài Gòn, uống rượu say sưa làm ầm ĩ, thế mà cũng có người báo cáo đến tai ông. Ông giận lắm, gọi hai ông này lên la mắng. Lần đầu tiên tôi thấy ông la to như vậy với các nhân viên ở gần ông. Thường khi ông nói rất nhỏ nhẹ, gọi chúng tôi bằng anh, và không bao giờ la mắng, ông coi tụi tôi như trong gia đình.
Sau vụ ấy, các nhân viên cao cấp trong phủ Tổng Thống được một văn thư của ông đổng lý Quách Tòng Đức đại ý như sau: Tổng Thống dạy các nhân viên làm việc cạnh Tổng Thống phải giữ tác phong, để giữ uy tín cho phủ Tổng Thống. Cấm ngặt không được bê tha vào các nơi trà đình tửu điếm ăn uống say sưa, để dân chúng phàn nàn. Các nhân viên cao cấp đều phải ký vào văn thư để nhận rõ là đã được lệnh này. Tôi cũng phải ký, và từ đó tụi tôi chả dám nhận lời mời của ai đi ăn tiệc cả trừ khi đi với bạn bè và gia đình.
Chuyện Đức Cha Thục
Tôi cũng hỏi ông Luyện về Đức Cha Thục:
- Cháu nghe người ta đồn Đức Cha muốn lên Hồng Y, nên cố gắng hoạt động để có thêm người rửa tội vào đạo Công giáo. Chuyện này hư thực ra sao?
- Sao có vụ ấy được. Nếu Ông Diệm không làm Tổng Thống thì có thể, vì Đức Cha quá thâm niên. Những người bạn của ngài học cùng ở La Mã, nhiều người làm Hồng Y lắm, nhưng Việt Nam bị chia cắt, và Toà Thánh cũng khôn ngoan lắm; bên đời em làm Tổng Thống thì anh làm Hồng Y sao được? Có cái các ông thày tu thì ông nào cũng mong nhiều người theo đạo của mình, thấy có thêm được con chiên thì thích lắm. Đức Cha cũng vậy.
Ông Duệ biết không? Ngày học ở La Mã, Ngài có đến 4 bằng tiến sĩ, và cả trường ai cũng phục ngài. Anh biết không? Ngày Đức Cha Simon Hòa Hiền được Toà Thánh bổ nhiệm làm giám mục Sàigòn thì mọi người cũng đồn đại là Đức Cha thích về làm chỗ ấy và Tổng Thống cũng vận động với Toà Thánh về việc này. Thật ra là vô lý, vì Tổng Thống quý Đức Cha Hiền lắm. Có lần ngài gặp rắc rối về pháp lý, chính Tổng Thống phải đứng ra dàn xếp.
Một sáng ngài dậy sớm, tự lái xe đi có việc mà không gọi tài xế vì quá sớm. Rủi đụng gẫy chân một người đàn ông, mà ngài không có bằng lái xe. Gia đình họ kiện. Mặc dù vụ này không có gì to tát, nhưng về pháp lý thì rắc rối. Chả nhẽ để gọi một vị giám mục ra tòa, nên Đức Cha Thục phải nhờ Tổng Thống can thiệp cho ngài. Rất nhiều người phải đến dàn xếp với người bị nạn, để xin bãi nại và phải thu xếp cho người này một việc làm mới xong.
Ngày Đức Cha được bổ nhiệm làm tổng giám mục Huế, ông rất mừng, kể cả Tổng Thống nữa, ông nói thật là Thiên Chúa đã sắp xếp cho gia đình tôi để Đức Cha về Huế gần mẹ già và phụng dưỡng mẹ lúc cuối cuộc đời.
Còn gì đau khổ hơn cho ngài là lúc về già mà chết một lúc 3 người em và mẹ già lúc chết ông không được nhìn mặt. Thêm một việc nữa, là khi ở La Mã, đức Hồng Y bộ trưởng của Toà Thánh mời ngài đến, để xin ngài từ chức tổng giám mục Huế, và ngài sẽ nhận chức tổng giám mục của một địa phận chỉ có tên trong Kinh Thánh, nên ngài bị giao động mạnh. Vì vậy ngài bị đám của Đức Cha Lefèvre mua chuộc, mời ngài phong chức cho một số giám mục và linh mục của họ.
Chuyện bà Nhu, ông Cẩn
- Còn về bà Nhu, mọi người đồn là giàu có lắm, bà có mấy dãy phố buôn bán ở Paris và có đồn điền ở Ba Tây nữa. Tuy không tin, nhưng cháu cứ nghĩ là bà cũng có ít nhiều. Nay gặp cụ
Bà phu nhân Ngô Đình Nhu
cháu mới biết bà chả có gì.
- Bà Nhu thì bây giờ ai cũng biết bà chả có gì! May quá Đức Cha Thục có quen một bà bá tước giàu có, nên bà cho ở nhờ một thời gian, và mấy đứa con đứa nào cũng học giỏi, thành tài cả. Cháu Lệ Quyên và cháu Quỳnh đều dạy đại học ở La Mã, còn Trác thì tốt nghiệp đại học và lấy vợ rồi.
- Cháu nghe nói giữa Đức Cha và ông Cẩn ở ngoài Trung có nhiều va chạm xảy ra.
- Tôi chả tin. Anh biết gia đình tôi thế nào rồi. Đức Cha là nhất, tôi và anh Cẩn thì kém tuổi Đức Cha nhiều lắm, nên sợ ngài như cha. Ông Cẩn đâu dám va chạm với ngài. Vả lại có gì để mà va chạm? Đức Cha chỉ lo cho Giáo hội. Ngài đang chú tâm sửa lại nhà thờ Phú Cam, có để ý gì đến việc chính trị đâu!
Ngày ông Luyện ở San Diego chơi với tôi cả tuần lễ, tôi mời ông đi xem sở thú và Sea World, cùng phong cảnh trong vùng. Ông đều từ chối và nói mấy câu làm tôi cảm động.
- Anh nghĩ tôi còn vui gì mà đi xem phong cảnh? Tôi chỉ muốn đi gặp đồng hương, ai tôi cũng thích, miễn gặp người để tâm sự là tôi mừng rồi.
Vì vậy, tôi đưa ông đi thăm các Cha, cả các chùa và một số thân hào nhân sĩ ở San Diego. Gặp ông, ai cũng vui vẻ và cũng có nhiều người tới thăm ông nữa. Ông nói chuyện rất cởi mở và thành thực. Ông ngủ rất ít, chỉ độ 3, 4 giờ một ngày, và hút thuốc lá liên tục, ngày đến hai gói.
Chuyện ông Luyện
Hôm dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống và ông Nhu ở nhà thờ Linda Vista, thấy đồng bào đến chật nhà thờ và nghe Cha giảng về Tổng Thống, ông cảm động chảy nước mắt và nghẹn ngào khi lên cám ơn.
Ngày hôm sau, anh em ở Orange County xuống đón ông lên trên ấy để dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống, tôi đi cùng và ở nhà ông Cao Xuân Vỹ. Ban tổ chức có mời cả Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị dự lễ nữa. Theo anh em đề nghị thì để Thiếu Tướng Kỳ đến đón ông ra nhà thờ, nhưng ông bàn để ông đến đón Thiếu tướng Kỳ, vì Thiếu tướng Kỳ là khách, và đã từng làm phó Tổng Thống, để tỏ lòng cảm ơn và kính trọng. Tôi nghĩ ông đúng là một nhà ngoại giao.
Ông nói với tôi và anh em là được dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống ở San Diego và Orange County làm ông xúc động và an ủi vô cùng.
Hôm sau, khi đang ăn sáng thì được điện thoại là Đức Cha Thục ở dòng Đồng Công bị đau nặng và đang nằm nhà thương. Anh em ai cũng bận, nên tôi đi cùng ông sang nhà dòng Đồng Công.
Trên máy bay, khi từ toilet ra, dây lưng bị đứt, khiến quần ông muốn tụt ra, vì ông mặc đồ cũ từ ngày xưa, nay ông ốm đi nhiều. Tôi phải tháo dây lưng của tôi cho ông dùng. Tôi cảm thấy thương ông, vì ông nói rằng cả chục năm nay, ông chưa may quần áo mới và thay dây lưng.
Khi đến nơi, gặp ông Trường là chủ một khách sạn lớn ở New York sang, mang theo một bác sĩ Việt Nam (tôi nhớ bác sĩ tên là Nghiêm thì phải). Sau đó, Đức Cha bình phục dần và được các tu sĩ ở nhà dòng trông nom tận tình lắm. Khi ở nhà dòng, tôi được gặp Đức Cha Của, Cha Cao Văn Luận và mấy Cha tôi quen ở Huế nữa.
Tôi ở lại 3 ngày với ông, rồi về California. Trước khi về, tối hôm ấy ở hotel ông nói với tôi:
- Ở Việt Nam tôi chỉ gặp ông vài lần và không biết nhau nhiều, sang đây vì ông thương ông cụ mà lo cho tôi hết lòng, tôi thật cảm ơn ông nhiều và không bao giờ quên được những ngày ở gần nhau.
Tôi thưa: Như vậy cụ rõ là anh em thương Tổng Thống đến mức nào.
Ông mở ví, móc hết tiền ra, và nói:
- Như tôi đã kể với ông là tôi nghèo lắm, khi đi chỉ mang theo có 600 đô la, và chưa tiêu một đồng nào. Vé máy bay và khi ở New York được ông Trường lo cho, đến San Diego được ông lo cho mọi thứ, kể cả vé máy bay sang đây. Nay tôi đề nghị chia đôi số tiền này, ông lấy 300 đô la gọi là tiền tôi góp vào tiền máy bay ông mua cho tôi. Thật chả đủ vào đâu, nhưng là tấm lòng của tôi.
Tôi từ chối:
- Cụ càng nghèo, con càng thương cụ. Chắc nếu cụ giàu có như gia đình của các Quốc Trưởng khác, chắc gì cụ đã cần đến con. Con xin cụ cứ tự nhiên, để con có chút kỷ niệm với cu, và để nhớ đến Tổng Thống.
Ông nắm tay tôi và chảy nước mắt, làm tôi cảm động.
Khi về Pháp, ông viết cho tôi một lá thư khá dài để cám ơn, nhắc lại cái dây lưng, và nói sẽ giữ suốt đời để làm kỷ niệm.

Tôi xin phép nhà văn Lữ Giang trích mấy dòng trong cuốn sách: “Những bí ẩn lịch sử đằng sau cuộc chiến Việt Nam” để kết luận nhận xét về Tổng Thống Diệm, và anh em của người:
“Tất cả những người trong dòng họ Ngô đều có lòng yêu nước nồng nàn. Cả dòng họ đều nuôi quyết tâm để giành lại độc lập cho quê hương và không khuất phục trước mọi khó khăn. Cụ Ngô Đình Khả bị sa thải vì không hướng dẫn vua Thành Thái theo ý muốn của người Pháp, và không ký tên vào tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái vị theo lệnh của khâm sứ Pháp. Ông Ngô Đình Khôi bị mất chức vì có các hoạt động chống Pháp và bị giết vì mưu toan ngăn chận sự thống trị của Cộng Sản trên đất nước. Ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị hạ sát vì chống lại việc Hoa Kỳ muốn can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam.”

Nguyễn Hữu Duệ

26 thg 10, 2011

Học Làm Người Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa




Học Làm Người Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa
Chu Thập

Quê hương thì ai cũng nhớ cũng thương. Dù chùm khế ngọt có héo đi, dù cây đa cũ bên đò xưa có thay đổi, dù con sông bờ ruộng có bị lấp đi...quê hương ấy vẫn cứ sống mãi trong ký ức và tiềm thức của tôi. Nhà văn Sơn Nam đã có lý để viết: “phong sương mấy độ qua đường phố, hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Sau 30 năm xa cách, tôi cũng trở về Việt nam với tâm trạng ấy và ra đi cũng với tâm trạng ấy.

Tôi không thể nào không thương nhớ quê hương. Nhưng tôi không sợ bị kết án là vong bản để nói rằng tôi không thể nào hòa nhập trở lại vào cuộc sống ở quê hương. Sau đúng một tháng đi “xâm nhập thực tế” từ Nam chí Bắc, bằng mọi phương tiện di chuyển thượng vàng hạ cám từ máy bay đến taxi, xe đò, xe buýt, xe ôm, xe xích lô, thuyền bè, tiếp xúc với hầu hết mọi giai cấp xã hội, tôi vẫn chưa thấy mình “tốt nghiệp” từ trường học làm người Việt nam XHCN. Tôi vẫn cảm thấy lạc lõng ngay trên chính quê hương của mình.

Suốt một tháng sống ở quê hương, theo lời ông bà dạy, tôi đã bắt đầu lại bài học vỡ lòng là “học ăn”. Trong trường XHCN hiện nay, đây là môn khó nuốt nhứt đối với tôi. Về Việt nam để ăn cho thỏa thích là chuyện có thể hiểu được đối với nhiều người Việt hải ngoại. Ai mà chẳng thèm các món đặc sản ở quê hương. Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng về khoản này. Hàng ăn ở Việt nam không thiếu. Thật không ngoa để nói rằng cả nước Việt nam hiện nay là một “hàng ăn”. Trên vỉa hè và ngay cả trên đường phố, dọc theo những con lộ ở thôn quê, chỗ nào cũng có tiệm cà phê và quán ăn. Đó là chưa kể những gánh hàng rong. Đồ ăn, món nhậu và thức uống được dọn ngay trước mặt mình vào bất cứ lúc nào trong ngày.

Đầu thập niên 80, mới đến Pháp, tôi thực sự thất vọng và cảm thấy bơ vơ trong xã hội mới: đi tìm một hàng quán là chuyện trần ai. Giá cả thì lại làm cho những người tỵ nạn chân ướt chân ráo phải dội ngửa. Đó là chưa kể ngày chúa nhựt: phố xá đóng cửa im thin thít. Có đói thì cũng đành phải bóp bụng mà kéo lê từng bước mỏi mệt đến hằng bao cây số may ra mới tìm được một tiệm ăn bình dân.

Đến Ý tôi lại càng bực mình hơn: cứ từ hai giờ trưa đến bốn giờ chiều, mọi quán sá đều đóng cửa. Mặc cho du khách có réo gọi, người ta vẫn cứ tỉnh bơ ngủ trưa đã.

Ở Việt nam XHCN hiện nay thì trái lại, muốn ăn cái gì cũng có, muốn ăn giờ nào cũng được, muốn ngồi ăn ở đâu cũng chẳng ai cười. Có lần trên một chuyến taxi, tôi nêu thắc mắc với người tài xế: tại sao ở VN người ta “ăn nhậu” liên tục như thế? Anh trả lời rằng đa số người Việt nam hiện nay sống rất hiện sinh. Anh giải thích rằng người Việt nam ăn nhậu xả láng là vì không muốn nghĩ đến ngày mai vàcũng chẳng có ngày mai mà nghĩ. Kiếm được đồng nào xài đồng đó. Đó là chủ trương sống của rất nhiều người Việt nam hiện nay. Không chỉ có những cán bộ phì nộn, ăn mặc bảnh bao hay các đại gia và giai cấp nhà giàu mới mới ăn nhậu, xem ăn nhậu như thủ tục đầu tiên, người dân lao động, những kẻ ăn không ngồi rồi cũng ăn nhậu và ăn nhậu suốt ngày, suốt đêm.

Sau một tháng về thăm Việt nam, đứng lên bàn cân, tôi sụt ký thấy rõ vì không muốn và không dám ăn một cách “thỏa thích” như mọi người. Tôi thực sự cảm thấy ái ngại mỗi khi bước vào một nhà hàng sang trọng. Giá cả không quá cao nếu so với Úc và các nước văn minh. Nhưng trong một đất nước mà thu nhập bình quân của một người lao động phổ thông vẫn còn ở mức dưới 5 Mỹ kim một ngày thì một bữa ăn trong một nhà hàng giá đến vài chục Mỹ kim, chưa kể tiền bia rượu, thì đây hẳn là một cách tiêu xài xa xỉ chỉ dành riêng cho giới nhà giàu mới trong xã hội.

Tôi không thấy thoải mái để bước vào các nhà hàng sang trọng . Cơm đường cháo chợ thì ê hề. Nhưng ngặt một nỗi, vì đã lỡ học cái thói vệ sinh của các nước văn minh cho nên có thèm nhỏ rãi tôi cũng đành ăn hàm thụ. Trong những ngày đầu, bị tào tháo rượt một lần, tôi tởn tới già. Cùng lắm, muốn ăn món tủ, nhà tôi đành phải mua rau cỏ về nhà rửa sạch với thuốc rửa rau mà chúng tôi mang theo từ Úc, rồi đem ra nhà hàng ăn thay vì ăn rau của họ trước con mắt khó chịu của người xung quanh. Ngoài ra, xuất xứ của các thứ thịt cá được dọn ra trong các hàng quán cũng khiến tôi nghi ngại. Những con thú chết vì bệnh thay vì đem chôn được xẻ thịt ra bán trong chợ là chuyện có thật được chính báo chí Việt nam phanh phui. Thịt quay treo lủng lẳng trên đường phố đầy bụi bậm và ngày này sang ngày khác là chuyện mà tôi thấy trước mắt mỗi khi xuống đường. Ngay chợ Đồng xuân, nhà tôi đã vô tình chứng kiến cảnh người ta xẻ thịt bò ngay trên nền chợ lầy lội nước.

Tựu trung, các hàng ăn ở Việt nam kinh doanh bằng mọi giá, bất kể các tiêu chuẩn vệ sinh và chuẩn mực đạo đức. Xét cho cùng, nếu ăn uống là thể hiện của văn hóa một đất nước, thì điều được gọi là “văn hóa ẩm thực” của Việt nam hiện nay cũng nói lên sự dối trá và lừa gạt vốn tràn lan trong xã hội. Muốn có chỗ ăn ngon, sạch, đúng giá thì chỉ có nước nhờ người quen mách bảo.

Tôi thấy mình chưa thuần thục trong bài “học ăn” ở Việt nam. Sang đến chuyện “học nói” thì tôi lại càng thấy mình “ngọng” hơn. Cả nước Việt nam không chỉ là một “hàng ăn” mà còn là một khu triển lãm các khẩu hiệu. Từ thành thị đến thôn quê, từ các đường phố sang trọng đến các con hẻm tồi tệ bẩn thỉu, ở bất cứ ngõ ngách nào, du khách cũng có thể đọc được những khẩu hiệu. Từ việc ca tụng đảng cộng sản Việt nam quang vinh đến nếp sống văn minh, xem ra người Việt nam xã hội chủ nghĩa sống bằng khẩu hiệu hơn với thực tế. Quả thực, đi đâu tôi cũng thấy “mưa sa trên mầu cờ đỏ” và bơ vơ trong rừng khẩu hiệu. Lạc lõng hơn nữa khi mở các kênh truyền hình chính của Việt nam. Cái giọng Bắc hoàn toàn khác với giọng Bắc “năm mươi tư” không thể không làm cho tôi nghe đau lỗ tai. Phải nói thật sự có một “Nước Bắc” xâm chiếm Miền Nam Việt Nam và áp đặt không chỉ ý thức hệ mà còn cả văn hóa, ngôn ngữ và giọng nói. Trước 75, trong miền Nam làm gì có chiếc xe “ô tô”, “ điện ô tô” hay “xe con” hay làm gì có chuyện “đảm bảo”. Tôi thấy rõ chuyện “thực dân mới” ấy trên chuyến bay từ Hà nội về Sài Gòn. Thông thường các cô tiếp viên của các hãng không dân dụng Á châu đều có một sắc đẹp đủ để đại diện cho đất nước của mình. Nhưng trong chuyến bay của hãng Jetstar từ Hà nội vào Sài Gòn hôm đó, tôi hoàn toàn thất vọng vềcô tiếp viên trưởng. Với “nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai”, nếu cô được chọn làm tiếp viên trưởng của chuyến bay thì chắc chắn cô chỉ có thể là “con ông cháu cha” mà thôi. Tôi lại càng nghĩ rằng tôi không đoán sai điều đó,bởi vì khi cô mở miệng nói với hành khách bằng tiếng “Nước Bắc” thì tôi chẳng hiểu gì “sốt”. Đến khi cô “dịch” sang Anh ngữ thì tôi lại càng “điếc” và không biết cô nói tiếng nước nào.

Nói như thế không có nghĩa là tôi giỏi và nói tiếng Anh rành đến độ quên tiếng mẹ đẻ. Thật ra, vấn đề tiếng Việt của tôi ở Việt nam không phải là “nói” cho bằng là “hiểu” cái lối nói “xa lạ” hiện nay của nhiều người Việt nam. Không kể đến chuyện người ta cho vào bảo tàng viện hai tiếng “xin lỗi” và “cám ơn”, cái cách ăn nói cộc lốc, thiếu lịch sự, thiếu lễ độ, thiếu cả văn minh... của người Việt nam XHCN vừa làm cho tôi đau lỗ tai vừa làm cho tôi đau lòng. Đau lòng thực sự bởi vìcái lễ giáo và nét đẹp của cách nói năng được nhào nặn từ bao thế hệ đã hầu như hoàn toàn bị xóa bỏ. Tôi rất sợ vào chợ để mua hàng. Tôi sợ khi phải sờ đến một món hàng và hỏi một câu, mặc dù đã cố gắng để tỏ ra lịch sự hết sức có thể. Tôi sợ là bởi vì lúc nào mình cũng có thể được đáp trả bằng một tràng câu nói như chửi vào mặt.

Quả thật, một tháng có lẽ chưa đủ để tôi “học nói” lại trong Việt nam XHCN hiện nay. Sau chuyện “học ăn, học nói”, tôi lướt qua chuyện “học gói học mở” để đi thẳng vào một chuyện tối quan trọng trong những ngày sống ở Việt nam: đó là chuyện “học đi”.

Tôi còn nhớ: cách đây vài năm, nhân một cuộc họp APEC được tổ chức tại Hà nội, một nữ phóng viên Phi luật tân tháp tùng phái đoàn chính phủ Phi, đã ghi lạihai nhận xét mà cô cho là tâm đắc nhứt trong chuyến thăm Việt nam:một là con trai Việt nam không đẹp, hai là: ai muốn tự tử cứ “đi bộ” băng qua các đường phố ở VN.

Cả hai điều, tôi đều thấy đúng cả. Tuần cuối cùng ở Sài Gòn, không biết làm gì, tôi bắt xe buýt đi Thủ Đức, Biên Hòa. Tại đây tôi được dịp nhìn thấy làng đại học của Miền Nam Việt nam. Có cả một trường đại học quốc tế (International University) mà tôi không biết của nước nào. Nhưng phải nói là nhận xét của cô phóng viên người Phi thực là chính xác: trong đám nam sinh viên, rường cột và tương lai của đất nước, chen chúc trên xe buýt hay đi bộ đến trường, tôi chỉ nhìn thấy những tấm thân ốm o, còm cõi, nhỏ bé và những gương mặt thiếu sức sống và sự tỏa sáng. ( Ôi ! Thật là nhục nhã cho các đấng Sinh viên VN !!! )

Nhưng trở lại với bài “học đi” mà tôi đã cố gắng học trong những ngày lê bước ở Việt nam. Phải nói ngay rằng người Việt nam XHCN hiện nay rất ít đi bộ. Không cần phải nhìn cách tôi ăn mặc hay nghe tôi nói chuyện mà chỉ cần thấy tôi đi bộ hay băng qua đường là biết rõ tôi không phải là người Việt nam XHCN. Ở Việt nam, cứ bước ra khỏi nhà thì hầu như ai cũng cỡi xe gắn máy hay ít nhứt trèo lên xe ôm. Tôi không biết mình có quá chủ quan không khi nói rằng có lẽ không nơi nào trên thế giới có nhiều xe gắn máy cho bằng Việt nam, không có nơi nào trên thế giới bị ô nhiễm cho bằng các đường phố ở Việt nam và dĩ nhiên cũng không có nơi nào trên thế giới “nguy hiểm” cho khách bộ hành cho bằng VN. Quả thật, nếu muốn tự tử một cách dễ dàng, chẳng cần phải nhảy cầu, trầm mình xuống sông, rơi từ cao ốc, uống thuốc ngủ hay thắt cổ: chỉ cần hiên ngang băng qua đường ở VN cũng đủ để đi thẳng vào thế giới khác ngay.

Ở Việt nam luật đi đường nào cũng có, nhưng chẳng ai tuân giữ và khách bộ hành là hạng người rẻ nhứt trong xã hội. Ở Việt nam, công an giao thông đứng đầy đường, nhưng không phải để hướng dẫn về giao thông mà chỉ để được người lái xe “hối lộ” hay “mãi lộ” theo đúng nghĩa. Hôm giỗ cụ Nguyễn Trung Trực, bị kẹt trong một rừng người hỗn loạn thiếu điều đạp lên nhau tại Rạch giá, tôi không sao tìm thấy bóng một cái “áo vàng”.

Tôi vẫn nhớ mãi chuyến đi từ Vũng Tầu ra Nha Trang. Tài xế của chuyến xe, như anh tự giới thiệu, một người Thanh Hóa đã từng là công an. Nói chung, những tài xế người “Nước Bắc” có lối lái xe phải nói là “mất dạy” và lối nói năng cũng “mất dạy” hơn tài xế Miền Nam. Suốt chuyến đi, vì ngồi sau lưng anh, tai tôi bị tra tấn vì những câu văng tục liên hồi của anh. Nhưng được bộ nhớ của tôi ghi nhận kỹ nhứt là lúc anh trả lời cho một hành khách muốn xuống trước đồn công an gần một cổng trường tiểu học. Anh nói: “Làm gì có đồn công an gần một trường học. Chẳng có thằng ngu nào lại đi xây một trường học bên cạnh một đồn công an, bởi vì làm như thế thì trẻ con sẽ phải làm chó trước khi kịp“học làm người”.

Tôi đã học được rất nhiều bài học trong một tháng đi “thực tế” ở Việt nam. Nhưng bài “học đi bộ” thì tôi đành bỏ cuộc. Mỗi lần băng qua đường mà còn lành lặn, tôi xem như một phép lạ. Theo tôi, lối giao thông ở Việt nam thể hiện đúng cách sống của người Việt nam XHCN hiện nay: ở đâu người ta cũng có thể luồn lách và tránh né miễn là được việc và dĩ nhiên được việc cho bản thân mình trước đã. Người khác có sống chết ra sao cũng mặc kệ.

Về thăm lại quê hương tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Phải nhìn nhận, sau 30 năm “xây dựng” xã hội chủ nghĩa, có một số dấu hiệu của phát triển: nhiều cao ốc hơn, nhiều đường sá hơn, cuộc sống vật chất và tiện nghi có khá hơn. Nhưng thật đáng buồn cho một đất nước khi sự phát triển hỗn loạn đã bóp nghẹt và chà đạp những giá trị tinh thần và luân lý. Nói như ai đó, phần “con” trong "con-người" Việt nam XHCN đã phát triển hơn, nhưng phần “người” thì lại ngày càng nhỏ lại.

Nghĩ như thế mà buồn cho quê hương!

--

24 thg 10, 2011

HÀ NỘI TRONG KÝ ỨC



HÀ NỘI TRONG KÝ ỨC
PHAN LẠC TIẾP

Bác tôi là một người hoạt bát, tướng mạo uy nghi, ăn nói dõng dạc. Theo những điều được kể lại thì bác tôi còn là một người có chí khí hơn người. Trong cuốn Hữu Bằng Xã Chí của Sơn Trung Đồ Nhật Tân nói về chí khí của bác tôi như sau: “Làm trai thứ nhất khai quốc, thứ nhì khai mỏ...” Và bác tôi đã khai mỏ than ở Hòa Bình, đặt tên là mỏ than Cao Phong. Và để tiện đi lại, bác tôi còn mở một hãng xe hàng cũng đặt tên là Cao Phong chạy đường Hà Nội - Hòa Bình. Mỏ than của bác tôi, như được nói lại, rất trúng, khai thác rất tốt. Thấy thế, Tây ỷ thế mạnh chiếm mất mỏ than này. Bác tôi đưa đơn kiện từ Tòa án Đông Dương, qua Pháp rồi cuối cùng tới Tòa án Quốc Tế. Cuộc kiện cáo kéo dài bao nhiêu năm, qua nhiêu biến đổi của thời cuộc, đến năm 1949, Tòa án Quốc Tế xử cho bác tôi thắng kiện, nhưng mỏ than ấy ở Hòa Bình đang chìm đắm trong chiến tranh, và lúc ấy bác tôi đã già. Nhận được phán quyết của Tòa án Quốc Tế, bác tôi sai anh Hai tôi đọc và dịch lại, rồi cười xòa. Vẫn theo sự kể lại, ngoài việc khai mỏ, bác tôi đã mở nhà máy sản xuất trà, hầu cạnh tranh với trà Chính Thái bên Tàu. Vì theo bác tôi biết thì người Tàu họ mua trà của người Việt mình ở vùng Thái Nguyên, đem về Hà Nội sao tẩm và đóng bao Chính Thái. Họ muốn bán giá nào cũng được. Người mình lại ưa những thứ của Tàu, nên trà của bác tôi không được dân chúng ưa thích, nên cũng thất bại...
Nhưng, vẫn theo sự kể lại, thuở ấy, đầu thế kỷ này, lúc Tây mới qua, sĩ phu Bắc Hà phân tán. Kẻ thì nồng nhiệt nêu lẽ Cần Vương, người thì phát động phong trào Đông Du. Một số người khác thì tương kế, tựu kế, học ngay cái hay của Tây để mở mang dân sinh, đất nước. Thuở ấy, ở Bắc Kỳ người ta nhắc đến việc kinh doanh đường biển của ông Bạch Thái Bưởi, cùng lúc ấy là việc khai mỏ của bác tôi... Vì, dù thế nào, giữa một xã hội lạc hậu, chậm tiến, các cụ đã nhìn thấy sự văn minh của Tây, như câu vè thời ấy:

Thằng Tây nghĩ nó cũng tài
Chế ra đèn điện thắp hoài năm canh.
Thằng Tây nghĩ nó cũng sành
Chế ra tàu điện chạy quanh phố phường.

Thật thế, với ngọn dầu lạc lù mù, sánh sao được với đèn điện. Đèn dầu lạc thì le lói, ra trước gió là tắt. Đèn điện thì sáng suốt đêm, sáng cả lúc mưa, lúc bão ở giữa trời. Đi lại, xưa là đi võng, đi cáng, phiền hà diệu vợi. Xe hơi ít người có, nhưng dân chúng Hà Thành có xe điện lanh canh chạy khắp phố phường, phải coi là “Tây nó tài” thiệt chứ. Tiếc là bác tôi sinh bất phùng thời. Trí thì có mà thời thì không. Tuy thế, lúc bé, ở làng quê hẻo lánh, gia đình bác tôi là tượng trưng cho cả một sự thành công. Bác tôi buôn bán giàu có Buôn vỏ từ Nam ra Bắc. Làm đại lý sợi Nam Định để bán lại cho một số tỉnh ở Bắc Kỳ. Với dân làng thì vừa bán chịu sợi để dân làng làm nghề dệt vải. Vải dệt xong lại bán chịu vỏ xó để nhuộm vải thành màu nâu, bán lên mạn ngược và khắp các tỉnh Trung Du. Thầy tôi thì đưa khung cửi máy về làng, cải thiện kỹ thuật dệt vải. Làng tôi các năm 30, 40 phất lên rất nhiều. Nhà ngói xây lên thành nhà Tây hai tầng. Xe đạp nhà nào cũng có mấy chiếc đi lại từ quê ra tỉnh ngày mấy chuyến. Lúc ấy thì bác tôi cho xây lại ngôi từ đường theo kiểu mới, có nhờ kiến trúc sư từ Hà Nội vẽ kiểu. Nhà hai tầng, có hai ban công, từ đó nhìn qua ngọn tre tuốt ra cả Đồng Mát và bao quát khắp làng. Bác tôi cũng cổ xúy đắp lại đường sá và cho lát gạch khắp các lối đi. Nhờ thế từ Hà Nội về quê bác tôi có thể đi xe hơi nhà về tận Ngã Ba. Xe hơi hòm màu tím, đỗ ở giữa làng, mùi ét-xăng thơm lừng. Trong cái tủ ở phòng khách, tôi lục được một chồng sách in quảng cáo về các kiểu ô-tô. Tôi còn nhớ một câu lục bát thế này:Nào ai muốn sắm ô-tô

Tốt thì nhất hiệu Pơ-Giô bấy giờ.Bác tôi thì hoạt bát và kinh doanh như thế, nhưng lại chỉ có một người con trai độc nhất, mà tất cả chúng tôi được gọi là Anh Trưởng. Gọi là “anh”, nhưng anh cũng gần ngang tuổi thầy tôi. Cứ như tôi biết, thì anh được hai bác tôi cưng chiều hết mực, cho đi học trường Tây, nhưng lại chẳng đỗ đạt gì, cả ngày chỉ quanh quẩn với mấy quân cờ tướng, lúc thì nắn nót một vài bài lưu thủy, hành vân qua cây đàn nguyệt. Nhưng cả cờ ca đàn đều làng nhàng, chả có gì đặc sắc. Hai bác tôi buồn. Khi anh em tôi được sinh ra, cũng như anh lớn của bác Hai tôi nữa đều được bác tôi cưu mang, bác bảo “Đứa nào học được cứ ra sức mà học, bác nuôi”. Ý bác tôi mong có con cháu nối cái chí ngang dọc kinh doanh của bác tôi. Trong các con cháu có anh Luông, con bác Hai tôi và anh Hai tôi. Cả hai đều được bác tôi nuôi cho ăn học tại Hà Nội từ bé. Lúc tôi học xong lớp dự bị, được ra Hà Nội ở nhà bác tôi là năm 1945. Nhà bác tôi đông, khách khứa buôn bán tấp nập. Tôi như lạc vào giữa một rừng người, bơ vơ. Tôi lột bỏ cái áo sa đen, để mặc quần xọc, đi giày ba ta, hoặc dép cao su Con Hổ đi học. Chính lúc ấy anh Luông là người để ý đến tôi nhất. Hôm vào lớp học, cô giáo ra một bài luận tả “Hà Nội vào mùa cách mạng”, tôi lúng túng quá. Anh Luông đã giảng cho tôi cách vào bài, cách dàn bài, cách kết luận. Anh bảo, gì thì gì, việc gì cũng phải có đủ các yếu tố nó xảy ra tại đâu, lúc nào, như thế nào... Như câu thơ “Gà vừa gáy sáng rạng đông”, là tả lúc ngày bắt đáu lúc gà gáy sáng, ở nhà quê tôi đã thu thập được lời chỉ dạy ấy, và bài luận của tôi được cô giáo phê là “khá”.Cũng thời gian ấy tôi đã thấy được giữa Hà Nội xa hoa là những người dân từ các tỉnh lũ lượt kéo về và rải rác nằm chết đói ở các hè phố. Tôi cũng đã thấy đoàn ngựa cao, to của Nhật tiến vào Hà Nội. Rồi là quán Tàu kéo sang. Quân Tàu đi trên xe hơi cắm cờ sao trắng, quân Tàu đi bộ, chân quấn sà cạp quảnh gánh, một bên là súng, một bên là quần áo. Quân Tàu đói, phù thủng, lê lết, thật là hèn. Lúc ấy, bọn trẻ con Hà Nội có câu hát, dựa theo điệu của bài Tiến Quân Ca: “Đoàn quân Tàu Ô đi sao mà ốm thế. Bước chân phù lang thang trẽn đường Việt Nam, là sao trắng phấp phới...”. Tôi cũng đã thấy những thanh niên Hà Nội nô nức đi biểu tình, đông nghẹt ở phố Tràng Tiền, tụ họp trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Tôi cũng đã thấy đoàn quân du kích từ chiến khu tiến về Hà Nội. Và từ đó, dân Hà Nội líu lo bài “Nhớ Chiến Khu”:

Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều

Bên đèo tiếng suối reo, đoàn quân réo...Tôi đã thấy quân Pháp từ Hải Phòng, kéo qua cầu Long Biên tiến vào thủ đô Hà Nội ngày 19 tháng 5 năm 1946. Tôi cũng đã thấy những thanh niên Thủ Đô đội mũ ca-lô vàng, gác ở các đầu phố, trong đó có các anh tôi, bạn bè của anh tôi. Tôi đã thấy Hà Nội sửa soạn tản cư. Dân Hà Nội đục tường từ nhà nọ sang nhà kia để sửa soạn cho ngày toàn quốc kháng chiến. Tôi thấy nhiều quá, và càng lúc càng bị cuốn hút vào những biến động kinh khiếp của chiến tranh. (Các điều ấy tôi đã kể thấp thoáng qua cuốn Quê Nhà, 40 năm trở lại). Ở đây tôi nhớ đến anh Luông, con trai độc nhất của bác Hai tôi. Người đã săn sóc chỉ bảo tôi rất chi li khi tôi vừa từ quê ra tỉnh. Và, giờ đây tôi có đôi phút khả năng diễn tả sự việc, phải chăng tôi bắt đầu từ lời chỉ dẫn của anh Luông tôi.

Anh Luông không cao, có lẽ hơi thấp thì phải. Chân hơi vòng kiềng. Tóc hơi quăn, nói rất là nhanh, và có cái tật là vừa nói vừa lấy tay ấn vào một lỗ tai rung rung, như anh bị ngứa tai lắm thì phải. Lúc ấy, năm 1945, anh đã có gia đình và đã có hai con, một gái và một trai. Cháu trai có tật nói lắp bắp. Anh làm việc tại Viện Đại học Hà Nội. Lương bổng chắc cũng nhì nhằng. Anh đi làm bằng xe đạp, và chị Luông, vợ anh là một cô hàng guốc ngay ngoài cửa chợ Đồng Xuân. Chị cao, gầy, tuy là con gái Hà Nội thật đấy mà răng vẫn là răng đen. Con gái Hà Nội lúc ấy hầu như vẫn chưa lột bỏ hẳn cái áo tứ thân của đồng nội, ăn mặc vẫn nhiều màu nâu hơn là những màu sắc tươi tắn khác, như câu vè lúc ấy:Tân thời chả đáng là bao

Năm xu đôi guốc, một hào đôi hoa.

Con gái Hà Nội đi guốc. Và chị Luông tôi là cô hàng guốc. Phải chăng chị đã đóng góp một cách cụ thể vào vẻ đẹp của con gái Hà Thành. Chị ngồi trước một gian hàng nhỏ, la liệt các kiểu guốc đủ kiểu. Đôi guốc gỗ một, gỗ vông, quai da là của đàn ông chân chỉ. Guốc gỗ, sơn then, phẳng đáy vẫn là của đàn ông, loại đàn ông có ăn có học. Bên cạnh đó vẫn có các đôi dép da trâu cũ, cho các bà nhà quê. Nhưng phần lớn guốc của chị là guốc cho các cô. Guốc cao gót sơn then đen bóng, quai chéo, đóng bằng cái đinh tán lớn, là guốc cho các bà, các cô tân thời. Một vài đôi guốc gót thật là cao, gót nhọn, người ta bảo “gái nhảy mới đi loại guốc này”. Nhưng vui mắt nhất là các đôi guốc cho trẻ con, đủ cỡ, đủ màu. Êm ả như đôi guốc sơn dầu có vẽ hình con cá vàng trong lòng guốc, ấy là guốc cho các cô gái nhỏ, lên bảy, lên mười. Sặc sỡ màu sơn xanh đỏ, quai tím, quai vàng là guốc cho các em còn bé, lên ba, lên năm... Chị ngồi thoăn thoắt, vừa bán vừa cầm cái búa đóng quai vào guốc.Nhát búa nào cũng chỉ một nhát là đinh lút cán, đinh không cong queo. Chị buông búa, lấy con dao to bản và có hình như một quả xoài, chị đưa một đường, phần quai guốc thừa rơi ra ngọt xớt. Lúc ấy tôi mới ngoài 10 tuổi, ra cửa hàng của chị để xem chị bán hàng thì ít mà để chị gọi quà cho ăn thì nhiều. Thấy tôi, chị cười, “ăn bún nhá...” Không để tôi trả lời, chị gọi ngoái ra phía sau, gọi bà bán bún: “Này, cho em tôi một tô bún riêu...” Bát bún riêu cua, loại bát loe miệng, thắt lại ở giữa gọi là bát chiết yêu. Những lọn bún nhỏ, trắng ngần cuốn lại với nhau như những quả trứng, một mảng gạch cua màu nâu được múc khéo léo nằm ngay giữa bát, bên cạnh vài miếng cà chua đỏ nấu hơi nhừ. Vài cọng húng xanh ngắt được bày lên. Bát bún bốc khói nghi ngút. Nước bún thì nóng mà các lọn bún lại lạnh, nên ăn bún vào mùa đông cũng ngon vì thấy được vị ngọt, nóng và hơi cay của nước canh. Mùa hè nuốt lọn bún lạnh vào thấy mát cả ruột Và hàng bún chả nữa. Những gắp chả được lật qua lật lại. Mỡ nhỏ xuống các miếng than hồng, bốc khói bay thơm lừng...

Năm 1946, cả Hà Nội tản cư. Chúng tôi có quê, nên về quê lánh nạn. Tôi thích lắm. Được trở lại quê nhà sung sướng bao nhiêu. Những hôm trời không có trăng, nhìn về Hà Nội một vùng ánh sáng, mà nhớ đến câu hát một thời “Hà Nội mà cháy khói lửa ngập trời”.

Chị Luông tôi từ Hà Nội về quê, có đem theo được một số hàng là guốc đủ loại. Tất nhiên, không thiếu hộp đinh, cái búa và con dao hình quả xoài. Chị đem ra chợ Nửa bày bán. Tết đến, hàng của chị thật đông, bán chưa đến hôm chợ Tết chị đã hết hàng. Vì không có ai làm guốc cung cấp cho chị nữa, chị thu dọn hàng. Nhưng năm ấy, năm 1947, Tết đến, dù là Tết kháng chiến làng tôi rộn ràng tiếng guốc của chị Luông tôi. Tôi cũng có một đôi guốc mới. Nhưng sau Tết, sau những đêm liên hoan đón mừng bộ đội, cả vùng lại rộn rịp lo tản cư. Người thành thị thì lặng lẽ “dinh tê” về thành. Cuộc sống mỗi lúc mỗi thêm khắc khổ và lo lắng. Anh Luông tôi thì ở lại Hà Nội chiến đấu “quyết giữ Hà Nội thủ đô ta”. Nhưng mấy tháng sau, anh cũng như các thanh niên thuộc trung đoàn Thủ Đô đã bỏ Hà Nội. Anh Luông tôi đã về lại được quê gặp được vợ con. Anh lại ở ít ngày rồi lại phải “theo anh em đi công tác”. Chị Luông tôi và hai con và bà cụ thân sinh ra chị sống giữa làng Nửa mà lo lắng, bơ vơ. Guốc đã bán hết, lấy gì mà sống. Một đêm, tôi thấy chị thổi cơm thật khuya, nắm lại. Quần áo buộc lại gọn gàng vào mấy cái bị. Và sáng ra, lúc tôi tỉnh dậy, nhà đã vắng. Tôi biết gia đình chị đã lặng lẽ dinh tê về Hà Nội.

Gia đình chị đã về Hà Nội, còn anh Luông tôi thì đi biệt tăm. Cuộc chiến mỗi lúc mỗi gần. Rồi Tây về càn quét. Rồi du kích đêm đêm bắc loa kêu gọi mọi người đi đào đường để cho xe tăng địch khỏi đi lại được. Rồi các người khả nghi bị giết. Tiếng súng lẻ loi ban đêm. Những ai có máu mặt, có uy tín một chút là sợ hãi, chưa biết khi nào du kích đến bắt đi. Một hôm anh Luông tôi ở đâu về, cùng với mấy người bạn nữa. Người thì có cái sáo, người thì có cái kèn Harmonica, người thì có cái đàn Mandoline. Tất cả đều là thanh niên Hà Nội, và trong đó có một chị, tóc cắt ngắn, mặc áo nâu nhưng thắt chẽn ở lưng. Họ về, Thầy tôi bảo làm cơm đãi. Ao cá trước nhà, ban sáng cá nổi lên bóp bọt. Lấy cái lưới xúc lên. Con thì rán, con thì nấu với khế chua và thì là. Họ ăn vui lắm. Cơm xong, các người khác đi ra đình làng để sửa soạn cho buổi nói chuyện và liên hoan ban tối. Anh Luông tôi ở lại, nằm đắp chăn lên cơn sốt. Cơn sốt xong, anh lại tỉnh như không. Thầy tôi gọi anh lên nhà trên, nói với anh điều gì đó, tôi không biết. Nhìn vẻ mặt hai người lúc đi ra hiên, tôi chắc là không vui. Thầy tôi vào gian bên, mở tủ ra, lấy lọ thuốc ký ninh màu vàng, đưa cả cho anh và nói: “... ấy là chú thấy thế thì nói thế. Anh nên suy nghĩ cho kỹ. Thời buổi nào thì cũng lấy nhân nghĩa làm trọng. Chứ cứ như thế này... thôi, chú cho cả lọ thuốc này, cất đi mà dùng. Nhớ là khi phải dùng đến nó thì nhớ đến lời chú nói mà về...” Anh Luông tôi cầm ống thuốc, cất vào túi áo trong “cám ơn chú”, rồi lấy ba lô đi ra đình. Anh đi lặng lẽ, buồn bã, bước những bước lặng lẽ từ cổng trong tới cổng ngoài. Trước khi rẽ mặt ra đường cái, anh dừng lại, ngoảnh lại nhìn tôi, anh đưa tay vẫy vẫy, rồi bước đi. Tôi đứng đó rất lâu. Khi nhìn lại, tôi thấy Thầy tôi vẫn đứng ở trước hiên nhà, vẻ mặt lặng lẽ. Không hiểu sao trong tôi lúc ấy bỗng trống vắng thế nào. Và đó là hình ảnh cuối cùng tôi có với anh Luông. Anh, sau đó, nghe đâu đi vào mặt trận Hạ Lào, và không bao giờ về nữa. Không biết anh có dịp dùng đến các viên thuốc ký ninh quý hiếm mà Thầy tôi đã để dành cho anh?Như bao nhiêu thanh niên thời đại, anh Luông đã vì yêu nước mà ra đi. Bao nhiêu người đã ra đi và chẳng trở về. Làng tôi sau đó phải trải bao nhiêu là cay đắng, tang thương. Tôi lớn dần lên và trở ra Hà Nội học lại. Chị Luông tôi lại là bà hàng guốc ở cửa chợ Đồng Xuân. Mỗi lần đến thăm chị, tôi không còn dám ngồi ăn bún nữa, mà chị cũng chẳng mời nhiều. Chị đã coi tôi là người lớn. Chị khi vắng khách có hỏi tôi: “Từ quê, em có tin gì của anh không...” Chị thở dài buồn bã... “Anh đi như thế đã mấy năm.”

Rồi cuộc chia đôi đất nước. Bao nhiêu người đi Nam, chị, gia đình chị không đi. Chị chẳng yêu gì Cộng Sản cả nhưng chị muốn chờ anh Luông tôi. Chị ở lại. Và chúng tôi đi Nam. Thấy chúng tôi đi, gia đình nhà bác tôi đi, chị bồn chồn, chị nói trong nghẹn ngào... “Anh Luông, anh Luông sao mà chẳng có tin tức gì vậy... anh có về không?” Chị ở lại, những người kháng chiến trở về. Những thanh niên của Hà Nội. Bạn bè của anh tôi lần lượt về. Kẻ còn người mất. Nhưng anh Luông tôi thì không bao giờ về nữa. Anh đã bỏ mình đâu đó trên đường đi Lào. Nỗi thất vọng của chị Luông được gửi qua mấy dòng bưu thiếp vào Nam, rồi thôi. Chị trở thành góa phụ của một chiến sĩ văn hóa đã bỏ mình trong cuộc chiến kháng Pháp. Cháu tôi, thằng Khang dù chẳng mong muốn đã được là con của người chiến sĩ đã hy sinh ấy. Trong gian khổ và đắng cay, thôi thì được cái gì hay cái đó. Suốt mấy chục năm qua, và qua một cuộc chiến mới, cháu tôi đã lớn lên, cháu đã được những gì đã phải làm những điều gì? Bây giờ, sau hơn 40 năm xa cách, khi cuộc chiến đã tàn, tôi đã trở lại miền Bắc đã thăm lại Hà Nội, thăm lại làng xưa, người cũ. Tôi nhớ đến anh Luông. Dù đã được người này, người khác nhắc nhở: “Chú nên ý tứ. Dù gì thì Khang, con anh Luông cũng có chút chức phận, là Đảng viên...” Người khác nói: “Giờ thì khác, đã khá, có lúc buồn lắm. Dãy nhà thờ đấy, chia năm xẻ bảy. Từ cái bát hương đến câu đối, thôi thì tranh giành, chia chác đến đau cả ruột...” Biết thế, tôi vẫn muốn đến thăm chị Luông và Khang. Dù thế nào chị ấy vẫn là chị tôi, Khang vẫn là cháu tôi.Gia đình chị ở ngoại ô Hà Nội, trong một khu mà sau khi rẽ từ đường lớn, chúng tôi đi vào những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo bên các ao bèo và rác bẩn. Một căn nhà ngói khá tươm tất, đấy là nhà của Khang. Nhà vắng, Khang không có nhà. Anh em tôi đi qua một cái sân nhỏ, vào nhà sau: “Chị Luông ở đây...” Vén bức mành mành lên, mắt tôi hoa lên, chưa nhận được rõ, nhưng tôi nghe có tiếng hỏi: “Ai, ai đấy?” Đúng là tiếng của chị Luông. Cùng lúc ấy, mắt tôi đã thuần với vẻ u tối trong căn nhà, chị Luông vén tấm màn nhìn ra. Chúng tôi khựng lại, khựng lại bao lâu tôi không biết. Rồi tôi lên tiếng trước. “Chị Luông, em đây, em từ Mỹ về thăm nhà, đến thăm chị đây...” Chị Luông vén làn tóc xõa, mở to mắt rồi kêu lên: “Trời ơi! Em, em về thật à...” Chị lần ra mép giường, rồi tiếp tục kêu lên: “Trời ơi, sướng quá, phúc đức quá, bao nhiều năm xa cách...” Hai anh em tôi kéo cái ghế nhỏ ngồi đối diện với chị. Tôi lấy bao thư, trao chị chút quà. Chị cầm lên, nhìn thoáng qua rồi bỏ xuống bên cạnh giường. Chị lại nói: “Trời ơi, phúc đức quá...”, rồi chị bỗng bưng mặt và nức nở. Nỗi xúc động của chị òa vỡ và tuôn chảy bồi hồi. Một lúc lâu chị buông tay xuống vén lại mái tóc lòa xòa. Chị cười, chị nói: “Anh chẳng về, chẳng sống mà về... “ Rồi chị lại nức nở: “Biết thế tôi đã đi Nam, đã đưa cháu đi Nam...”Rồi chị ho sặc sụa, như lộn cả ruột gan lên, và vẫn dàn dụa nước mắt. Tôi cầm bàn tay chị. Bàn tay nhăn nheo và sần sùi, khô cứng. Tôi nói từ tốn: “Số kiếp cả. Em đã mấy phen tưởng chết. May còn sống được...” Chị ôm ngực, như cố trấn áp cơn ho, cơn đau. Tóc xõa ra che kín cả mặt. Một hồi lâu chị ngồi yên lại và chị nhìn tôi, cười. Nụ cười lệch lạc. Chị bảo: “Thế hôm nay nghỉ à...” Tôi hơi choáng váng và băn khoăn thấy chị nói thế. Chị lại nhìn tôi, cười, chị bảo: “Này, ăn bún nhá. Bún mới ra đây. Để chị gọi bún cho em ăn. Bún nhà nhất chợ Đồng Xuẩn đấy...” Rồi chị cười hả hả rồi chị ho. Mắt chị lạc thần. Chị lại tiếp tục nói lâm nhâm, tôi nghe câu được, câu chăng... “Anh cũng sắp về rồi đấy, em ạ...” Anh em tôi lùi ra một chút, và biết là chị vừa mê sảng.Giữa lúc ấy thì Khang về. Khang nhạy vào, vừa hốt hoảng, vừa bỡ ngỡ nhìn chúng tôi, và lễ phép thưa: “Thưa hai chú, tới thăm mẹ cháu. Có nghe chú về, cháu chưa lên chào, chú đã đến. Xin chú thứ lỗi cho chúng cháu...” Bao nhiêu năm xa cách, đứa nhỏ rụt rè, nói lắp, con của anh Luông tôi, giờ là một vị trung niên râu tóc hơi dài, má cao, da đen nhơm nhớp mồ hôi. Khang mời chúng tôi lên nhà. Vừa lúc ấy vợ Khang cũng vừa về đến. Chưa vào đến sân đã thấy tiếng chị tất tả chào. Khang giới thiệu vợ anh với chúng tôi. Qua tuần trà nước, tôi có nói: “Cháu ra sau xem mẹ cháu ra sao. Nhớ là chú có chút quà để trong bao thư trong giường mẹ cháu.” Vợ Khang tất tả đi ngay. Một thoáng đã trở lại, trên tay cầm bao thư. Chị nói: “Chú từ bên Mỹ về, xa xôi, tốn kém quá lại còn cho mẹ cháu quà…” Tôi đảo mắt lên tường, lác đác một vài cái bằng khen, đỏ lòe màu cờ. Tôi nhìn lên bàn thờ. Đôi cây nến chơ vơ. Hình anh Luông tôi ở giữa. Đúng là anh. Tấm hình này lúc bé tôi có thấy: Anh mặc áo vest trắng, thắt cà vạt đen, ngồi nghiêng người chồm ra phía ống ảnh, hơi cúi cúi nên mắt ngước lên. Rõ nhất là làn tóc rợn mấy lớp, kiểu của con trai Hà Nội năm chục năm qua. Tôi nhìn rất lâu. Tôi muốn thắp một nén hương lên bàn thờ anh, muốn nói với anh vài lời, nhưng không hiểu sao tôi lại ngần ngại, lúc ấy thì Khang đang cúi xuống rót nước. Tôi nhìn thấy cả làn tóc trên mái đầu Khang, tuy có rối và khô nhưng rất giống mái tóc trên tấm ảnh của anh Luông tôi trên bàn thờ. Tôi nhìn ra sân. Mảnh sân gạch cũ. Mấy chậu cây khô ít được săn sóc. Và cuối sân là bức tường vôi long lở. Có tiếng con chim sáo thảng thốt ở đầu hồi. Lòng tôi như lạc đi, như vừa tìm thấy một thời khắc nào xa cũ lắm. Tôi nhớ đến anh Luông quá. Khang cất tiếng mời tuần nước thứ hai. Tôi hỏi qua về gia cảnh. Khang thưa “... Dạ thì nhờ bố cháu mất, chúng cháu cũng được có đôi chút hơn người. Cháu đi làm. Vợ cháu cũng đi làm, lại tranh thủ mở được cửa tiệm nhỏ nên cũng đỡ vất vả…” Anh Cả tôi chen vào “Là hai anh chị đều là Đảng viên nên con cháu gái lại được đi Nga học. Cháu học giỏi lắm, học về văn chương Nga, sắp tốt nghiệp trở về...”



Mấy hôm sau, vợ chồng Khang lên chỗ tôi tạm trú thăm vợ chồng tôi. Cả hai ăn mặc chỉnh tề. Chồng thì mặc com-lê cà-vạt. Vợ mặc áo dài. Lúc đến nhà anh Cả tôi, như đã hẹn, tôi đi chơi chưa về kịp, cả hai vợ chồng vẫn ngồi đợi cả giờ. Tôi xin lỗi về sự trở về chậm trễ này. Khang nói, cẩn trọng: “Thưa chú thím. Chú thím về thăm Tổ Quốc và bà con thật là quý lắm. Chú thím đừng ngại gì cả, xưa khác, bây giờ khác. Hơn nữa, dù thế nào cháu vẫn là con của bố cháu, là cháu của của chú...” Mọi người cười vui. Khang lại tiếp lời: “Giờ đất nước đã đổi mới, nước ta và nước Mỹ đã có bang giao. Biết đâu có khi chúng cháu lại được qua công tác bên Mỹ, và sẽ có dịp được đến thăm chú thím và các em...” Mọi người lại cười và có ai nói: “Thật đấy. Biết thế nào được...” Vợ chồng tôi chỉ cười vui, đưa đẩy câu chuyện. Đã biết lời phát biểu của Khang rất có thể xảy ra thật, mà tôi vẫn chột dạ, lo lắng thế nào. Khang cười, nói như có vấp váp, nhưng có đôi chút lôi cuốn, phảng phất giọng nói của anh Luông. Tôi cười và nói: “Thôi thì gặp nhau thế này đã là quý lắm. Bao năm chiến tranh tàn khốc quá. Sống được là may. Nay lại được gặp nhau, được nhìn nhau thế này... Thôi hãy biết thế...”

Chúng tôi tiễn vợ chồng Khang ra về. Hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe gắn máy. Lúc Khang dắt xe ra lề đường, cúi xuống đạp máy, rồi ngẩng lên, lấy tay gãi gãi vào mái tóc bên tai, giống hệt như anh Luông ngày nào. Tôi nhìn ra, Hà Nội buổi chiều, những mái nhà đen thẫm, ngói lô xô, một mảnh trời vàng rực. Một làn gió đâu đó thổi tới thoảng chút hơi lạnh lúc ngày sắp tắt. Lòng tôi bàng hoàng. Tôi nhớ đến anh Luông quá đỗi. Anh nằm xuống ở góc rừng nào. Trong những ngày đau ốm trên đường hành quân, anh chắc đã dùng đến các viên ký ninh mà Thầy tôi đã cho. Anh đã nghĩ gì, đã nhớ gì đến lời căn dặn, anh đã nghĩ gì đến vợ con...

Golden Asia DVD 2 : Hùng ca sử Việt-Hội nghị Diên Hồng

21 thg 10, 2011

CHẾT: Điểm cuối cùng của một nhà độc tài .



CHẾT: Điểm cuối cùng của nhà độc tài Gaddafi
Nguyễn Công Bằng

Ngày hôm nay, 20/10/2011, lịch sử ghi thêm sự sụp đổ của một chế độ độc tài trong vòng mười tháng qua (nước thứ ba sau Tunisia và Ai Cập). Ông Muammar al-Gaddafi đã bị tử thương và Libya hoàn toàn được giải phóng. Biến cố này khẳng định một thực tế là: Chỉ có vũ lực mới đánh thắng được một chế độ độc tài đã cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực. Quá trình cuộc cách mạng này có nhiều điểm đáng để chúng ta cùng chiêm nghiệm.

Cuộc cách mạng Libya bắt đầu bằng lời kêu gọi trên Internet "cho các cuộc biểu tình được tổ chức nhằm hỗ trợ các quyền tự do rộng rãi hơn ở Libya" của ông Jamal al-Hajji, một nhà văn và cũng là nhà bình luận chính trị. Khi cuộc biểu tình bị đàn áp dã man, người dân Libi đã chống trả mãnh liệt và chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang. Ý chí to lớn và cứng cỏi của những người nổi dậy ban đầu đã giúp phát triển nhanh chóng số người đấu tranh thành một lực lượng có khả năng lật đổ nhà cầm quyền; và nhờ tầm vóc đó, trở thành một thực thể chính trị được các siêu cường ủng hộ nhiệt liệt.
Chỉ sau 10 ngày kể từ biến động bộc phát, Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (một chính phủ lâm thời của quân cách mạng) đã được thành hình ở vùng tạm chiếm. Sau gần 6 tháng ngắn ngủi, quân cách mạng chiếm được thủ đô Tripoli. Và đúng hai tháng sau, sinh mạng của nhà độc tài bị kết liễu trong trận chiến cuối cùng ở quê hương ông, đánh dấu ngày nước Libya hoàn toàn được tự do.
Thành công này nhắc nhở thế giới rằng: Ngày nay nhân loại thường chuộng giải pháp ôn hoà để giải quyết các khủng hoảng chính trị; nhưng đối với những chế đệ độc tài bất chấp đạo đức, lẽ phải, công lý và kể cả công pháp quốc tế, thì giải pháp duy nhất để lật đổ nó là bằng vũ lực. Không một chính phủ hay cơ quan nhân quyền, truyền thông nào gọi những người nổi dậy Libi là quân khủng bố, mặc dù cuộc cách mạng vũ trang ở Libya gây thương vong cho hơn 20 ngàn thường dân (theo thông tin từ Wikipedia). Không những thế, quốc tế hết lòng ủng hộ cuộc nổi dậy, và một số siêu cường như Pháp, Anh, Mỹ đã công khai yểm trợ quân trang, quân dụng và vũ khí. Liên Hiệp Quốc cũng đã đứng về phía quân nổi dậy từ những tháng trước. Điều đáng lưu ý là tương tự như trường hợp Iraq và A-Phú-Hãn, các siêu cường Pháp, Anh, Mỹ đã không thể dùng áp lực nhân quyền hay ngoại giao để dân chủ hoá Libya.
Yếu tố dẫn đến sự ủng hộ của quốc tế và cả nhân dân Libi là sự quyết tâm của lực lượng nổi dậy. Nếu như 500 người biểu tình trước Sở cảnh sát Benghazi bỏ cuộc khi bị đàn áp dã man, thì chắc chắn đã không có cuộc nổi dậy vũ trang ở chín tháng trước. Nếu như những nhóm chiến sĩ tự do nhỏ bé ban đầu không chiến đấu một cách kiên cường, thì lực lượng này đã không tạo đủ dũng khí, hùng lực để quy tụ hàng chục ngàn chiến sĩ khác cùng tham gia. Người ta phải nghiêng mình ngưỡng mộ lòng dũng cảm của lực lượng nổi dậy (chủ yếu từ dân thường như giáo viên, sinh viên, luật sư, công nhân dầu mỏ, và đội ngũ binh lính đào thoát từ quân đội Libya) đã nhất quyết không ngại hy sinh dù tổn thất nhân mạng tăng đến con số 7.000 chiến sĩ tử trận. Họ đã tự chứng tỏ rằng: Khi một dân tộc dám chết vì tự do thì họ sẽ thoát khỏi sự cai trị độc tài, và xứng đáng để được hưởng tự do.
Nhưng quan trọng không kém là những đoàn thể, tổ chức khác xuất xứ đã chấp nhận đứng chung với nhau trong một "chính phủ lâm thời" để cùng chiến đấu cho một thành công chung.
Mặt khác, chỉ 9 tháng trước đây, không một ai ở Libya và trên thế giới có thể tiến đoán được là vào mùa Thu năm nay, chế độ độc tài hơn 40 năm cầm quyền ngông nghênh ở Libya sẽ sụp đổ. Bộ máy cai trị tinh vi và tàn bạo của chế độ này đã nghiền nát không biết bao nhiêu nỗ lực đối lập, và làm thất bại kế hoạch mưu sát của vài nước lớn thù nghịch với chế độ trong bốn thập niên qua. Nhưng kết cuộc chứng minh rằng: Một khi khát vọng tự do đủ mạnh để thu hút sự dấn thân của nhiều người cùng hoài bảo, thì cuộc biểu tình xảy ra với số đông đã tạo thành biến động lớn đủ để vực cả một dân tộc đa chủng đứng dậy đồng thanh chiến đấu với độc tài. Số phận của ông Gadhafi đã được định từ ngày người dân của xứ này bước qua nỗi sợ hãi và chấp nhận cái Chết để giành lại Tự do. Trong quá trình này, những thành phần trung thành với chế độ đã bị bánh xe cách mạng nghiền nát như số phận của ông Gaddafi.
Nói tóm lại, sự sụp đổ của cả ba chế độ độc tài ở Tunisia, Ai cập và Libya đều có cùng một mẫu số chung là khát vọng tự do và ý chí quyết thắng của nhân dân các nước này. Tình hình Syria có thể cũng sẽ có những chuyển biến tốt đẹp hơn sau cuộc cách mạng thành công ở Libya.
Đối với Việt Nam chúng ta, không ai muốn chiến tranh xảy ra và không ai muốn máu sẽ phải đổ, dù là máu của những người lãnh đạo độc tài đầy tội lỗi. Chúng ta muốn chấm dứt chế độ độc tài bạo ngược hiện nay bằng con đường chuyển thể ôn hoà, để dân chủ hoá xã hội và đa đảng hoá bộ máy nhà nước mà không phải tốn xương máu. Nhưng cho đến nay, bộ máy cầm quyền vẫn bất chấp ý kiến xây dựng của những nhà trí thức có tâm huyết, và bao nhiêu lời kêu gọi chân thành của những người đối lập hết sức ôn hoà. Không những thế, họ còn đàn áp, bắt bớ, giam cầm một cách thô bạo nhiều người yêu nước. Cùng lúc đó, chế độ này đã chà đạp chủ quyền quốc gia bằng hành động trấn áp những người muốn lên tiếng bảo vệ non sông.
Thái độ và hành động của tập đoàn cầm quyền hiện nay ở nước ta đang tự đưa số phận của họ vào ngỏ cụt. Đảng CSVN có lẽ nên nghiềm ngẫm lời của Giáo sư Fawaz Gerges nhắn gửi đến những nhà độc tài khác về cái chết của Gaddafi, rằng: "Nếu các ông đàn áp người dân của các ông, nếu các ông không tham gia vào xã hội dân sự của chính các ông, và nếu các ông duy trì quyền lực trong nhiều năm, điều này sẽ là cuối cùng của các ông."
Hy vọng sao đất nước ta sẽ được dẫn đến dân chủ tự do bằng con đường Tổng Tuyển Cử Tự Do, thay vì là một cuộc chiến với máu xương và nước mắt! Lá phiếu Dân Chủ là con đường tốt đẹp nhất để có Hoà bình - Tự do - Ấm no và Tiến bộ mà sẽ không phải đổ máu, và không gây đổ vỡ cho những gì mà xã hội đã xây dựng được. Mong thay!
Viết nhân ngày Libya được hoàn toàn giải phóng .
(20/10/2011)

Trời hỡi làm sao cho khỏi… Lọa???



Trời hỡi làm sao cho khỏi… Lọa???

Nguyễn Ngọc Tư



Lúc rày nghe nói ngư dân nước mình bị tàu Lọa ăn hiếp, bắt bớ, đánh đuổi dữ quá, sông quê mình bị Lọa bóp họng từ xa, đất quê mình bị Lọa che lấn từng tấc một… tinh thần dân tộc của chú Tư bừng bừng trỗi dậy, chú liền họp mặt gia đình thông báo từ nay cấm không xài đồ của nước Lọa nữa, không lý gì nó bức hiếp chà đạp mình vậy mà mình cứ nhơn nhơn xài đồ Lọa, làm giàu cho nó.

- Phải chống lại sự xâm lăng của Lọa ngay từ trong nhà mình – Chú nói với sự quyết tâm ngút ngất.

Ở nhà chú Tư, lệnh chú là lệnh trời. Thím Tư là ngừơi đầu tiên cảm nhận trời sập cái rầm xuống đầu mình, tối tăm mày mặt, cái phim Lọa “yên yên mông mông” mà thím đang coi đang tới khúc chia ly mùi mẩn gay cấn. Nhưng giờ trong nhà đang có chiến dịch tẩy chay hàng Lọa, nên ti vi hầu như không hoạt động. Chú để cái búa cạnh nó, chú nói, hễ phát hiện ra ai coi phim Lọa, nghe nhạc Lọa là chú bửa… ti vi cho tan nát đời con… chip luôn.

Tánh chú nói là làm, ai cũng ớn. Bàn thờ nhà chú giờ chưng toàn trái cây héo, bởi trái cây mà tươi rói căng mọng chắc chắn là từ bên Lọa chở qua. Đồ chơi của thằng Tu Ti cháu nội chú bị đem bán ve chai hơn một nữa do “made in Lọa”. Thằng Sáu buộc phải cho không cái điện thoại Lọa mua có hơn một triệu mà coi được ti vi, nghe nhạc lồng lộng, nó mua lại cái di động hiệu Nó Kìa. Đem về chú Tư săm soi rồi hét lên, cha chả cái thằng Sáu, điện thoại này cũng sản xuất ở Lọa nghen mậy. Thằng Sáu mặt xanh như tàu lá, chạy đi đổi lại cái điện thoại Việt cho chắc ăn. Mấy bữa sau đọc báo thấy điện thoại nhãn Việt toàn đặt hàng gia công bên Lọa, thằng Sáu kêu chú Tư cho năm triệu, cỡ tiền đó mới mong hàng không liên quan tới đất nước ất ơ kia. Chú Tư đổ mồ hôi hột, nhưng cố bấm bụng vì những đồng bào đau khổ của mình, vì yêu nước mình nên mua điện thoại… Nhật Bản cho con nó xài.

Rắc rối đâu chỉ có vậy, cái phim Việt “Thái Sư Trần” nhưng quay cảnh bên Lọa, cả son phấn trên mặt diễn viên cũng do người Lọa phết lên. Chú Tư tức mình nói với thằng Hai, tao chống mắt coi làm phim Lý Thường Kiệt thì đi quay ở đâu, tại vì ông Kiệt này chống nước Tống, tức là tiền thân của nước Lọa, họ đâu có ngu mà cho mình qua đất họ quay phim chửi họ. Thằng Hai cười, cũng chưa biết sao à tía, tại vì phim lịch sử nước mình hay mặc nhầm quần áo của Lọa lắm, nói chuyện giống y phim Lọa nói, sao tía cự được, tía có sống ở một ngàn năm trước đâu.

Chú Tư cảm thấy ngán ngẩm lắm rồi, tối qua thím Tư mặc cái áo ngủ mỏng tang mới mua, liếc qua mà chú nóng bừng ngây ngất, ai dè áo mang mác Lọa, làm chú mất hứng quá chừng. Ngó qua ngó lại trong nhà thấy cái gì cũng của Lọa, chén ăn cơm, ly uống nước, hột gà, hột quẹt, đèn pin, tới cây đập ruồi của made in Lọa nữa là sao là sao là sao? Chú vừa tống chúng ra ngoài đống rác vừa kêu trời.

Nhà trống trơ, vợ con chú ủ rủ, đồ Lọa bị đẩy ra khỏi nhà mang theo bao nhiêu vui thú trên đời, không phim Lọa ti vi chẳng có gì để thím coi, con Út Chín phải lén đọc mấy tờ “Nhí Nhảnh”, “Nhí Nhố” ở ngoài đường, đem về nhà chú Tư thấy trong đó toàn là hình diễn viên Lọa là chết chắc, Út Mười không có con sâu nhồi bông gòn để ôm ngủ, nó trằn trọc đêm đêm. Một bữa thằng Hai đòi đổi tên, chớ tên nó lai Lọa quá, gì mà Hà Đại Cương, phải đổi lại là Sông LớnCứng, thằng Ba Hà Đức Minh thì đổi là Sông Nết Sáng, thí dụ vậy… Mà tía cũng phải đổi thành Sông gì đó nghen. Con đi hỏi thủ tục đổi tên rồi, đóng chín dấu, qua bốn cửa là xong, nhà mình thuần Việt. Nhưng con lo mấy cái đơn xin không biết viết sao cho nó Việt hết cỡ, thí dụ "Độc lập - tự do - hạnh phúc" thì mình viết là "một mình sung sướng thoải mái" được không?

Chú Tư ngã vật ra chết giấc. Cũng may nhà còn sót lại chai dầu cù là nhập bên.. Lọa mới đánh gió lay tỉnh chú được. Thiệt tình!

19 thg 10, 2011

KHI CẢ MỘT DÂN TỘC TRỞ NÊN HÈN NHÁT, SỢ HÃI…


KHI CẢ MỘT DÂN TỘC TRỞ NÊN HÈN NHÁT, SỢ HÃI…
Nguyễn thiếu Nhẫn


Sau cuộc biểu tình ngày 24-7-2011, phóng viên của các đài phát thanh và các trang mạng nước ngoài cũng đã phỏng vấn về chuyện vì sao ở Hà Nội thì mọi người rầm rộ xuống đường trong khi thành phố Sàigòn thì lại im lìm, bất động.

Nguyên nhân, theo bài báo thì, vì:

“Sự thiếu vắng những gương mặt cột trụ lớn như Lê Hiếu Đằng, HuỳnhTấn Mẫm, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Viện… đã khiến cho những thanh niên kiên trì xuống đường vào những chủ nhật sau đó không khỏi cảm thấy bơ vơ, nhất là khi so sánh với Hà Nội có hẳn một danh sách các trí thức tên tuổi liên tục lên tiếng kêu gọi và cùng xuống đường với người dân thủ đô. Cũng tin báo chí cho biết: "Nhà cầm quyền đàn áp biểu tình ở Sàigòn mạnh hơn vì lo sợ những diễn tiến phức tạp ngoài tầm kiểm soát có thể xảy ra trong các cuộc biểu tình.”

Nhiều người biểu tình thừa nhận: “Cái đó cũng có thể, tại vì Sàigòn đúng là phức tạp hơn. Nếu tình hình không siết chặt thì dễ dẫn đến nhiều vấn đề vì lịch sử cũng đã như vậy rồi.”

Trong khi đó thì, chính một người trong những người được gọi là “những gương mặtcột trụ lớn” đã xuất hiện trong cuộc biểu tình tại Sàigòn lần thứ nhất là ông người Pháp André Manras có tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, người viết bài hãnh diện khoe là đã cùng các ông Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm… “chống Mỹ cứu nước” lại viết về “nguyên nhân sự vắng mặt của… những gương mặt cột trụ” này như sau:

“…Đừng mong rằng tôi sẽ làm giống như một số người bạn của tôi, cựu tù nhân chính trị của chế độ Sàigòn. Nhân danh một quá khứ quang vinh, họ im lặng cam chịu chấp nhận những khốn khổ thê thảm hiện tại. Họ sợ phải lên tiếng cùng với thế hệ thanh niên của họ đang xuống đường. Họ bám víu vào hình ảnh đầy hào quang của họ trong quá khứ và nhắm mắt trước những hình ảnh hiện tại vì sợ bị chóng mặt hay buồn nôn. Tôi rất mến những người bạn này, nhưng cũng rất thương cho họ. Chắc họ khổ tâm lắm! Khổ tâm hơn tôi nhiều. Chắc họ cũng cảm thấy rất rõ những hy sinh ngày trước của mình bị phản bội, được tán tụng mỗi ngày chỉ để bị chà đạp thô bạo hơn! Tôi đơn giản hy vọng rằng những hành xử man rợ và phản quốc, mà những hình ảnh cuộc biểu tình ngày 17-7 tại Hà Nội đã cho tôi thấy sẽ đánh thức dậy lòng can đảm của tuổi hai mươi của họ - và làm cho họ khoẻ mạnh hơn. Tuổi trẻ hôm nay cần đến một hình ảnh sống động và đàng hoàng của họ!”.

“Có điều gì lớn hơn sự sợ hãi khiến cho giới tinh hoa của dân tộc chưa bước xuống đường phố nhiều hơn để cất tiếng thét hòa với dòng người biểu tình đòi hỏi công bằng cho Tổ Quốc?”

Không biết câu trả lời của giáo sư Nguyễn Huệ Chi với phóng viên Mặc Lâm đã có thể giải đáp phần nào câu hỏi trên đối với “giới sĩ phu Bắc Hà”?

Theo tôi, trích đoạn trong bài viết của ông Hồ Cương Quyết tức André Mandras về “những gương mặt cột trụ lớn” như những Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi… những kẻ đã lợi dụng tự do, dân chủ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa để xách động biểu tình “chống Mỹ cứu nước” đã quá đủ để trả lời “vì sao thành phố Sàigòn của miền Nam anh dũng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước” nay lại im lìm như một thây ma trong thời kỳ chống Trung Cộng chiếm đất, lấn biển!

Để rõ hơn, xin mời nghe thêm “ông trí thức” Tiêu Dao Bảo Cự (TDBC), một ông trí thức miền Nam “đã từng góp công chống Mỹ cứu nước” nói về chuyện “Từ kiến nghị, tuyên cáo đến biểu tình và vai trò của trí thức Việt Nam” như sau:

“Từ chỗ là người trong guồng máy, trong chế độ, một số trí thức, văn nghệ sĩ đã chuyển sang vị trí đối lập, đối kháng với những người cầm quyền. Trí thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt những người có uy tín với công chúng, chỉ là một số ít, dĩ nhiên thuộc loại “trói gà không chặt” nhưng sức mạnh của họ chính là ý nghĩa của biểu tượng và nguồn cảm hứng. Sự có mặt của họ trên đường phố, bàn viết, sáng tác của họ lưu truyền trên các mạng chắc chắn sẽ khơi động sự thức tỉnh cho rất nhiều người, nhất là lớp trẻ có học. Trí thức, văn nghệ sĩ (không phải là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp) không thể trực tiếp lãnh đạo biểu tình thành công nhưng có thể góp phần thức tỉnh và thôi thúc hàng ngàn, hàng vạn các bạn trẻ xuống đường”.

Tội nghiệp! Ngày xưa, khi sống ở miền Nam, ông TDBC và những-người-cùng-đi-một-đường với ông không cần phải viện dẫn khuôn vàng thước ngọc nào của các ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu để làm khiên, làm mộc khi viết bài phê bình chính phủ.

Nay, sau 36 năm sống ở nước Việt Nam xã nghĩa, ông trí thức này lôi những câu nói từ thời kháng chiến chống Pháp của “Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của ông ta” (mà ai cũng biết chính ông HCM và chủ nghĩa cộng sản là căn nguyên bao nhiêu đau thương, tang tóc cho đất nước VN trong 66 năm qua) ra để che chắn cho bài viết như sau:

“Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó
nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”

Ai cũng biết đây là việc làm “ruồi bu” của anh “trí thức nửa mùa” TDBC khi dùng “lá bùa HCM” để làm “bảo kê” cho mình!

Đây cũng chính là bằng chứng HÈN NHÁT VÀ SỢ HÃI mà đa số những người được gọi là trí thức VN mắc phải. - Ngay cả người phải nói là rất can đảm là Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ!

Ông ta đã can đảm trong những việc làm và can đảm ngay trong 2 phiên tòa xét xử của cái gọi là Toà án xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà ông ta là bị cáo. Ai đời bị cáo mà lại khuyến cáo Viện kiểm sát: “Nói to và dõng dạc lên nào!” khi người đại diện cái Viện này ấp a, ấp úng lí nhí kết tội ông ta.

Thế nhưng, ông ta vẫn phải che chắn cho mình cái gọi là “Tinh thần Chủ tịch HCM sống mãi trong sự nghiệp của những người đấu tranh cho tự do, dân chủ ở VN”.

Xin mời nghe một văn nghệ sĩ miền Nam là hoạ sĩ Bách Việt thố lộ sự sợ hãi của mình như sau:

“Bởi vì từ ngày xưa đến giờ, từ cái ngày nào tôi cũng không rõ lắm, những người dân VN mình mang một nỗi sợ, một nỗi sợ Công An (CA). Sợ lắm ! Sợ không biết như thế nào nữa, ngày xưa người ta hù dọa mấy đứa con nít, ví dụ khi nó khóc, nó cười hay nó quậy phá gì đó là hù dọa nó bằng cách có ông kẹ ổng bắt, nhưng hôm nay người ta chỉ cần nói có Công An bắt là nó sẽ nín.
Đó là hình ảnh ông CA là ông kẹ, nên cái nỗi sợ của mỗi người khi bước ra ngoài là cái tiếng nói của mình là dường như không thể, không thể! Nên lần đầu tiên cho tôi cái cảm giác là tôi có thể bước ra ngoài đường và thể hiện cái tinh thần của bản thân, la lên được tiếng nói của bản thân tôi, cái sự tự do mà tôi thấy,và lúc đó tôi thấy hạnh phúc thật sự tôi đã lật đổ được sự lo sợ. Và tôi nghĩ rằng nếu tất cả mọi người còn mang cái nỗi lo sợ đó thì coi như là im lặng và sự mất mát về một tâm địa lớn thì chuyện đó sẽ xảy ra. Quan trọng là mình phải không còn sợ sệt gì vế cái chuyện CA nữa, bởi vì CA họ cũng chỉ là con người VN, mà họ làm việc cho chính quyền VN, vậy tại sao phải sợ họ khi mình thể hiện lòng yêu nước của
mình”.

(Trích “Hà Nội biểu tình, Sàigòn im tiếng”, Mai Khôi Thông tín viên RFA)

Như nhiều người biết từ thập niên 50, hai trí thức hàng đầu là luật sư Nguyễn Mạnh
Tường và triết gia Trần Đức Thảo đã về nước tham gia kháng chiến chống Pháp.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã bị “đì” sống trong cảnh nghè khổ cho đến chết vì đã đọc bài “Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất - Xây dựng quan điểm lãnh đạo”.

Triết gia Trần Đức Thảo cũng cùng chung số phận như luật sư Nguyễn Mạnh Tường vì dính líu đến vụ Nhân văn Giai phẩm, phải mất cả vợ và đã phải sống một cuộc đời nghèo khổ cho đến chết.

Và những nhà văn, nhà thơ dính líu trong vụ Nhân văn - Giai phẩm số phận ra sao và họ đã công khai thú nhận là họ đã “sợ” ra sao, xin không nhắc ra đây.

“Tôi không hề tham gia Mặt Trận Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, luôn luôn ưu tư đến việc giành độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm người trí thức. Mà người trí thức muốn độc lập thì không nên tham chính. Người trí thức phải đứng về phía nhân dân chứ không đứng về phía chính quyền”

Đây là lời tuyên bố của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, tác giả quyển “Kẻ bị khai trừ” (Un excommunié).

Có bao nhiêu trí thức trong nước đứng về phía nhân dân? Và có điều gì lớn hơn sự sợ hãi khiến cho giới tinh hoa của dân tộc chưa bước xuống đường phố nhiều hơn, để cất tiếng thét hòa với dòng người biểu tình đòi hỏi công bằng cho Tổ Quốc khi đất nước đang có nguy cơ bị xâm chiếm bởi Trung Cộng?

Không phải chỉ có giới tinh hoa của dân tộc là những người mà người ta thường gọi là sĩ phu, trí thức sợ hãi, mà ngay cả gần 90 triệu nhân dân VN cũng sợ hãi nếu không muốn nói là hèn nhát và mê muội!

Bao nhiêu người dám phát biểu như họa sĩ Bách Việt đã phát biểu?

Nhưng vì sao mà dân tộc VN hèn nhát và sợ hãi như ngày nay? Đó chính là cái “chính sách công an trị” để thực hiện cái mà ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN gọi là “bạo lực chuyên chính”. Đảng CSVN đã cướp chính quyền từ họng súng. Và quyền lực sinh ra từ họng súng!

Thời nào cũng vậy, chữ CÔNG AN CỦA CHẾ ĐỘ HỒ CHÍ MINH luôn luôn gợi lên hình ảnh bạo ngược, chà đạp nhân phẩm con người; trong khi tuyên truyền thì lúc nào cũng đẹp đẽ: bởi dân, do dân, vì dân v.v…

Chuyện thằng Trung Tướng CA Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CA Hà Nội họp báo biện bạch về chuyện thằng Đại úy CA chó đẻ Phạm Hải Minh đạp vào mặt thằng đảng viên biểu tình yêu nước Nguyễn Chí Đức là bằng chứng mới nhất cho thấy
HÌNH ẢNH BẠO NGƯỢC, CHÀ ĐẠP NHÂN PHẨM CON NGƯỜI KHIẾN MỌI NGƯỜI PHẢI SỢ HÃI, HÈN NHÁT của chế độ CÔNG AN TRỊ của đảng CSVN!

“Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo đói, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỹ và mê muội”.

Xin mượn nhận xét này của tác giả Vũ Đông Hà trong bài viết “Người Tù Chiến Thắng” viết về TS/CHHV để kết luận cho bài viết này.

NGUYỄN THIẾU NHẪN

12 THÁNG ANH ĐI