31 thg 10, 2009

Chuyện thiền sư và cô lái đò

Cô lái đò đưa khách qua sông.
Đò cập bến cô lái thu tiền từng người.
Sau hết đến nhà sư.

Cô lái đò đòi tiền gấp đôi.
Nhà Sư ngạc nhiên hỏi vì sao?
Cô lái mỉm cười:
- Vì Thầy nhìn em…
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp ba.
Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái cười bảo:
- Lần nầy Thầy nhìn em dưới nước.
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Lần khác nhà sư lại qua sông.
Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần.
Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái đáp:
- Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.
Nhà sư trả tiền và lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông.
Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò…
Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần nầy phải trả bao nhiêu?
Cô lái đáp:
- Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền.
Thiền sư hỏi:
- Vì sao vậy?
Cô lái cười đáp:
- Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa…
Do vậy em xin đưa Thầy qua sông mà thôi...

Người Việt Gốc Mỹ

Nguyễn Thế Thăng

Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện về một người bạn cựu chiến binh Mỹ tự xưng là “người Việt gốc Mỹ”.

Tôi biết Mike khoảng hai năm sau ngày đặt chân lên đất Hoa Kỳ. Dù hành trang sẵn có chút ít tiếng Anh từ trước 1975, tôi vẫn phải vất vả hội nhập vào xã hội mới bằng những bước chân chập chững, e dè trong độ tuổi "bất hoặc".

Thật may mắn, tôi tình cờ được gặp và quen biết Mike. Anh đã cho tôi một cái nhìn khá bao quát nước Mỹ từ phong tục tập quán đến văn hóa xã hội lẫn chính trị. Mike đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cả vật chất tinh thần để tôi có được một nghị lực, niềm tự tin, sự phấn khởi tràn trề khi bắt đầu nửa cuộc đời còn lại nơi tha phương, đất khách.

Trong buổi họp mặt cựu Chiến Binh nhân dịp Memorial Day của State Guards Association of U.S (SGAUS), bàn của tụi tôi rất ồn ào với đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất, vui nhất là những chuyện tiếu lâm xoay quanh đời sống thường nhật của người Mỹ, đặc biệt lớp tuổi về hưu phải đương đầu với nhà dưỡng lão, bệnh tật, nhất là bệnh lãng trí Alzheimer.... Hôm ấy, tôi kể chuyện một đôi vợ chồng già, Bác Sĩ nói với người vợ: tôi thấy sức khỏe ông nhà ngày càng khá hơn khi ông tìm được niềm vui nơi Thượng Đế, tin tưởng nhiều hơn vào Chúa Quan Phòng, đến nỗi, ông nghĩ Chúa đang theo giúp đỡ ông trong mọi việc, trong từng bước chân đi. Ông nói với tôi, đêm qua, khi ông vừa mở cửa nhà vệ sinh để đi tiểu thì Chúa bật đèn lên cho ông liền.... Bà vợ la lên, ngắt lời Bác Sĩ: ôi lạy Chúa tôi, ổng lại đái vào tủ lạnh của tôi rồi!!! Cả bọn cười bò lê bò càng. Cười lớn nhất là một chàng cao lớn, tóc vàng tên là Mike. Anh vỗ vai tôi:

- Ê, bạn người gốc nước nào?

- Việt Nam.

Mike bật đứng dậy, bàn tay như hộ pháp chụp lên đầu tôi, nói thật lớn, nguyên văn bằng tiếng Việt đặc sệt giọng miền nam:

- Đ.M. nãy giờ sao hổng nói?

- Ủa, anh biết tiếng Việt hả?

Mike vênh mặt lên, tay phải vỗ bồm bộp vào cái ngực đang ưỡn, vẫn dùng tiếng Việt:

- Hai lần công tác Việt Nam, đem về Mỹ một cô giáo dạy tiếng Việt tại gia từ 1972, học và nói tiếng Việt từ hồi đó đến giờ, bộ ngu lắm sao mà không biết, biết rành quá đi chứ!!

Không ngờ trong bàn lại có một số cựu chiến binh Việt Nam khác, đua nhau xổ ra những câu tiếng Việt họ còn nhớ lõm bõm: Chòi đắt ui (trời đất ơi) chào cắc Ong, mành giỏi? (chào các Ông, mạnh giỏi) Con gái Viết Nàmdde.p lám (con gái VN đẹp lắm) Ngùi Viết Nàmtót lám, đi đi mao, đin - kí đàu(người VN tốt lắm, đi đi mau, điên cái đầu !)....Riêng Mike nói tiếng Việt rất lưu loát, không hề sai một âm nào (giống như ca sĩ Delena hát tiếng Việt vậy), kể cả cách dùng chữ rất trí thức, đôi khi dí dỏm, có lúc thật tiếu lâm. Tôi đã gặp một nhân viên Bộ Ngoại Giao rành tiếng Việt đến nỗi khi tôi đùa hỏi "Anh người gì mà nói tiếng Việt ngon lành vậy" Anh trả lời tỉnh bơ "Tôi người Bắc !". Tôi cũng đã gặp một số người Mỹ chính gốc, thuộc giáo phái Mormon, họ thảo luận Kinh Thánh, đi truyền đạo Tin Lành bằng tiếng Việt thật trôi chảy, nhưng đó là nghề của họ. Còn Mike, anh nói tiếng Việt bằng cả tấm lòng: tên Mỹ của tôi là Micheal, tên Việt của tôi là Mai, theo giọng Việt Nam có nghĩa là hên, là may mắn, còn giọng Việt Bắc (?) hay Việt Trung (?) có nghĩa là hoa mai, một loài hoa rực rỡ mùa xuân ! Vợ tôi vẫn thích kêu tôi là Mai Cồ, hay Anh Cồ, hoặc Cồ ơi chỉ vì tôi bự con! Con rể của nước Đại Cồ Việt mà! Một ông thày bói VN nói số tôi phải cưới vợ họ Trần vì cả đời tôi không thích mặc áo..vv và vv ... tôi há hốc miệng ngồi nghe một chàng mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng 100% Anglo-Saxon đang chơi chữ bằng chính ngôn ngữ của tôi !!! Một đêm hội ngộ tuyệt vời, vui như chưa từng thấy từ ngày mất nước, từ ngày sống kiếp lưu vong.

Một tuần sau, Mike điện thoại mời tôi đến nhà. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: gia đình Mike gồm vợ chồng và 2 con hoàn toàn sinh hoạt theo truyền thống Việt Nam và tự nhận là người VN. Mike nói: đúng ra tôi là người Việt gốc Mỹ! Người bản xứ khi nghe tôi giới thiệu là người VN, nói tiếng VN thì họ vui lắm, vài người lúc đầu cứ tưởng nước VN ở đâu đó bên Đông Âu nên mới tóc vàng, mắt xanh! Người gốc VN lại tưởng tôi là Mỹ lai, càng vui hơn, gần gũi hơn vì có 50% máu Việt Nam trong người mà, ai cũng vui. Mike dùng chữ "vui cả làng"! Cả gia đình dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính. Sống trên đất Mỹ, Mike tâm sự, nói tiếng Anh là việc đương nhiên, thế mà nhiều gia đình VN từ vợ chồng con cái đều ra vẻ hãnh diện với mớ tiếng Mỹ đôi khi trật giọng, sai văn phạm....hoặc nói đệm, câu nào cũng chêm thêm chữ Mỹ vào, trong khi cố tình lơ lớ tiếng mẹ đẻ của mình, dễ mất gốc quá, tủi hổ ông bà tổ tiên quá, uổng phí quá. Lại có cả vài người viết văn, nhiều chữ thông thường không biết, hay giả vờ không biết, lại phải dùng tiếng Anh mới thấy dổm làm sao. Tôi rất khâm phục những gia đình còn giữ vững truyền thống tốt đẹp VN. Tôi thấy những em bé VN thật dễ thương với tiếng Việt líu lo như chim hót nhưng tôi nhìn các em với cặp mắt bình thường nếu các em nói tiếng Anh, thật bình thường vì đây là nước Mỹ, sau này khi lớn lên phải học thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh, họ sẽ hối hận. Tiếc quá, Mike chặt lưỡi, lập đi lập lại, tiếc quá !! Anh có biết "bà lang kẹt" là ai không? Thế mà một ông VN đã tuyên bố tự nhiên như người Sàigòn, vào mỗi mùa Đông, trên giường của ông phải có ít nhất hai bà lang kẹt ngủ mới đã, mới đủ ấm !?!?

Mai Liên, vợ anh, một sinh viên Đại Học Cần Thơ sinh quán Sóc Trăng. Hai người quen nhau khi Mai Liên đi học thêm Anh ngữ trong một lớp do chính Mike phụ trách phần đàm thoại và luyện giọng. Thế rồi hai người yêu nhau nhưng không thể tiến đến hôn nhân vì gia đình hai bên đều không tán thành. Mike phải xin trở lại Việt Nam lần thứ hai, kiên trì thuyết phục cha mẹ Mai Liên bằng chính tiếng Việt anh đã học được từ người tình. Cuối cùng không những cha mẹ, anh chị em của Mai Liên mà cả bà con xóm giềng cũng hài lòng với "thằng Cồ" vui tánh dễ thương lúc nào, nơi nào cũng pha trò được.

Riêng gia đình Mike lúc đầu vẫn chưa mấy thiện cảm với người dâu dị tộc. Hai vợ chồng son cố gắng sống hòa hợp với mọi người, không tỏ ra khó chịu mà còn thấy vui vui với cái tên Liên vài người cố tình đọc trại thành Alien (=người lạ). Chẳng bao lâu sau tình thế hoàn toàn đảo ngược. Khi cha mẹ Mike dọn vô nhà dưỡng lão chỉ có vợ chồng Mike thăm viếng thường xuyên. Ông bà rất cảm động, thỉnh thoảng lại công khai ngỏ lời xin lỗi Mai Liên và giới thiệu với mọi người Liên là đứa con gái yêu quý nhất. Bốn gia đình anh chị của Mike tan vỡ hết ba, sự kiện phổ thông với trên 60% gia đình Mỹ bị rắc rối trong hôn nhân. Cứ một lần li dị lại một lần chia gia tài, riết giống như chuyện thường tình. Tuy nhiên, có điều lạ là sau khi chia tay, họ vẫn liên lạc qua lại với nhau, coi nhau như bạn, không ai ghen tuông gì hết.

“Tạ ơn trời đất (Mike không dùng chữ Chúa) tôi có được một bà vợ tuyệt vời. Liên lo lắng chăm sóc tôi kỹ lắm từ mọi sinh hoạt đến từng miếng ăn hàng ngày. Tôi đã quen và rất thích thức ăn Việt Nam. Rất hợp lý nếu ta không biết kiêng cữ, cứ ăn tầm bậy là đưa đủ thứ bệnh tật vào thân thể mình thôi. Anh ăn cái gì anh sẽ như thứ ấy (1). Ăn nhiều rau, đậu, trái cây tươi, da thịt anh sẽ tươi. Anh ăn mỡ, cơ thể anh sẽ phải đeo mỡ (2). Tốt nhứt nên ăn chay. Gia đình tôi ăn chay mỗi tuần một lần, nhiều nhất là các loại rau. Đồ chay Liên làm ngon lắm. Món nào cũng ngon, cũng tốt cho sức khỏe vì Liên chỉ dùng dầu olive thay cho mỡ động vật, không mặn lắm, không ngọt quá như đồ ăn Mỹ, nhất là hoàn toàn không dùng bột ngọt. Đặc biệt nước mắm ăn riết rồi mê luôn nhưng điều cần thiết nước mắm mua ở chợ về phải đem nấu cho sôi lên rồi đổ lại vô chai xài vì trong nước mắm có thể có nhiều siêu vi trùng, nhất là siêu vi bệnh gan, các loại mắm cũng vậy. Chế độ ăn uống như thế làm sao bị phát phì như ba phần tư dân Mỹ hiện nay. Đến như con nít trên 6 tuổi thì phân nửa đã vượt quá trọng lượng được coi là mập rồi. Còn về thẩm mỹ, Anh thấy không, thông thường da người Mỹ trắng lại quá trắng, trắng nhễ nhại (?!)trắng như Bạch Tuyết nên trông có vẻ yếu đuối, bệnh tật, vì vậy họ phải đi phơi nắng ngoài biển hay vô các phòng nhuộm da trong các tanning clubs để cho da họ có màu đồng nâu hay màu bánh mật, nhìn rất khỏe mạnh, thể thao hơn, mốt thời thượng mà! Bà xã tôi được Trời Đất thương cho cái màu tự nhiên đó từ bé nên Ông Bà Ngoại sắp nhỏ mới đặt cho cái tên Mai Liên, anh đọc lái lại coi?!”

Nghe đến đây chính tôi đã phải kêu lên: chu choa mệ tổ ơi, mần răng mà cái chi mô anh cũng biết hết rứa chừ hết biết luôn. Mike hiện nguyên hình một "chú Sam" há hốc miệng "Wh...what? What d'you say?"

Ngay sau khi dành thắng lợi đem được Mai Liên về Mỹ, Mike giải ngũ. Liên đi làm 2 nghề khác nhau cho phép Mike trở lại Đại Học lấy xong bằng Kỹ Sư Điện Tử. Mike rất vui mỗi lần nhắc lại giai đoạn này: tôi sướng như Ông Trời con, ngày ngày đi học, còn Liên cực lắm, hy sinh vừa đi làm vừa lo cho tôi còn hơn Ba Má tôi ngày xưa, dĩ nhiên tôi yên tâm học xong rất nhanh.

Bên Mỹ này anh muốn học là phải được, muốn học gì cũng được, muốn lấy bằng gì cũng có, chỉ cần anh có ý thích và có ý chí. Anh có thể học toàn thời gian, bán thời gian, học hàm thụ hay học ngay cả trên online. Không có tiền thì Chánh Phủ hoặc một cơ sở, một công ty hay một tổ chức nào đó ứng tiền cho mượn nếu đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên khi nộp đơn xin việc làm, người chủ chỉ căn cứ một phần trên bằng cấp, còn phần lớn dựa trên kinh nghiệm việc làm đã qua và sự giới thiệu, phê bình của các chủ cũ. Tôi là cựu chiến binh, gần lấy xong bằng Kỹ Sư thì hãng Điện Tử Intel đã nhận trước rồi.

Năm đầu tiên tôi đi làm Liên chỉ còn làm một nghề, đến năm thứ hai Liên nghỉ việc hoàn toàn để đi học ngành Y tá. Đó là lý do chúng tôi chậm có con và chỉ có hai đứa. Bên Mỹ này nghe nhà nào có 3,4 con là thiên hạ lắc đầu, le lưỡi liền. Có bầu, sanh con thật dễ dàng nhưng khó nhất, đau đầu nhất là vấn đề giáo dục, không dạy dỗ con được thì lại đổ thừa "cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh", chưa chắc vậy đâu ! Có rất nhiều gia đình nuôi con đến 18 tuổi là bắt nó phải tự lập, nghĩa là đẩy nó ra ngoài xã hội, xét cho cùng điều này cũng có phần tốt. Vì vậy, cũng rất công bằng khi bố mẹ già yếu, đến phiên chúng nó sẽ đẩy bố mẹ vô nhà hưu dưỡng thôi! - Mai Lan ơi, ra chào chú đi con, Mike gọi. Một cô gái Mỹ đẹp như tài tử điện ảnh Hollywood tươi cười bước ra, hai tay khoanh trước ngực, đầu cúi xuống, nói bằng tiếng Việt rất chuẩn:

- Cháu tên Mai Lan, cháu chào chú. Tôi đứng dậy, Mai Lan bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay:

- Chú tên là Long, Chú rất hân hạnh được biết cháu, được quen biết gia đình cháu, một gia đình tuyệt vời, cháu là một cô gái tuyệt vời. Cháu có về VN lần nào chưa?

- Dạ, cám ơn lời khen của Chú. Cháu đã về VN hai lần. Năm rồi cháu đi VN miễn phí.

- Sao vậy?

- Cháu có hai người bạn, hai chị em, bố mẹ họ là người Việt, hai bạn cháu không rành tiếng Việt nên bao cháu đi chung về VN để làm thông ngôn. Vui quá chừng. Bà con chòm xóm dưới quê cứ nhìn cháu chằm chằm: sao kỳ quá hè, Mỹ nói tiếng Việt còn Việt đặc thì bù trất, kỳ hén !Lại nữa, Mỹ thì tên Việt còn Việt lại lấy tên Mỹ, ngộ ghê!! Cháu dịch lại cho hai đứa bạn nghe, tụi nó mắc cỡ quá, về đến Mỹ bắt đầu học tiếng Việt ngay. Ba má tụi nó kèm riết, cháu cũng dạy thêm, bây giờ nói được hơi nhiều rồi. Hè năm nay tụi cháu lại về VN nhưng lần này cháu phải trả tiền vé máy bay vì bạn cháu không cần thông ngôn nữa, thông ngôn thất nghiệp rồi !!Ông bà ngoại cùng gia đình mấy Cậu, mấy Dì thương cháu lắm. Cũng có thể sẽ có anh Liêm đi cùng.

- Liêm là ai?

- Anh Hai cháu. Ảnh tên là Uy Liêm.

- Có phải đó là phiên âm tiếng Việt của chữ William không?

- Dạ đúng

- Thế anh cháu thích tên nào?

- Cả nhà cháu thích tên Uy Liêm hơn vì đa số tên riêng của Mỹ không có ý nghĩa gì hết, thường được bắt chước từ trong Kinh Thánh. Còn tên VN có lồng nghĩa trong đó, có khi mang cả ước vọng của cha mẹ đặt ở người con.

- Vậy Uy Liêm nghĩa là sao? Tôi giả vờ hỏi.

- Uy là uy phong, uy nghi, uy quyền, uy lực... còn Liêm là liêm chính, liêm sỉ, thanh liêm. Người có quyền uy thì phải liêm chính. Người ta khi có chút quyền chức thường hay sanh tật xấu, rồi tham nhũng, rồi phách lối. Ba má cháu muốn anh Hai khi nào có địa vị lớn thì phải sống thanh liêm.

- Anh hai cháu đã có địa vị lớn chưa?

- Dạ ảnh chỉ mới là Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến đang chiến đấu ở Iraq. Còn 4 tháng nữa ảnh sẽ xong nghĩa vụ, khi trở lại Mỹ, được nghỉ phép, anh Hai sẽ theo tụi cháu về thăm Ngoại.

- Anh Hai có biết tiếng Việt không?

- Hết sẩy Chú ơi, dù dở nhứt nhà nhưng cũng gần ngang tầm với Ba cháu ...

Mike ngồi nghe tôi khảo hạch cô con gái, miệng cứ tủm tỉm cười. Tôi thật sự cảm động, nếu không nói là choáng váng, cứ ngây người ra. Giả sử có ai đó kể tôi nghe về một gia đình như thế này, về một cô gái Mỹ thế này, về một Đại Úy Đại Đội Trưởng TQLC Mỹ như vậy... chắc chắn tôi không thể tin vì tôi đã phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh trái ngược.

Có lần, vừa bước vô nhà một người bạn VN, ngay tại phòng khách treo một tấm bảng bằng carton với chữ: "No Vietnamese!" tôi ngập ngừng, hơi tái mặt, rồi lẳng lặng, chẳng nói chẳng rằng bước ra ngoài. Chủ nhà chạy theo đon đả. Tôi nuốt nước miếng cho dằn cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng rồi chậm rãi: có phải ông không muốn tiếp khách người VN hay ông không cho phép ai ngồi trong phòng đó nói tiếng Việt ? Anh ta phân bua: tôi chỉ muốn bà Xã và các cháu luyện tiếng Anh cho thật nhuyễn để mau thành dân Mỹ thôi !?!? Vậy nếu ông vào một nhà hàng, một công viên, lên máy bay, xe lửa, xe buýt hay vô nhà một người Mỹ nào đó, ông thấy hàng chữ này, ông hiểu nó thế nào?!?! Cách đây vài chục năm, khi tình trạng kỳ thị chủng tộc còn tồn tại trên đất nước Mỹ, người ta thường thấy trên xe buýt hay công viên có đeo bảng: No dogs and negroes (cấm chó và người da đen). Đến thập niên 60 mới chấm dứt. Bây giờ ông treo "No Vietnamese" trong phòng khách nghĩa là làm sao?!?!

Ông ta gỡ bảng xuống liền. Ông bà này nghe nói qua Mỹ có mấy năm đã về VN xum xue, bà con bên nhà ngạc nhiên thấy ông và gia đình lột xác nhanh quá, sức mạnh một đại cường quốc có khác. Bên này cả hai ông bà đi làm vệ sinh, quét dọn trường học, về VN khoe làm trong ngành giáo dục nên rất ít nói tiếng Việt. Riêng dân Mỹ hay người VN tại Mỹ chỉ nghe âm Mít đặc, không cần nhìn, đều biết ngay ông chánh gốc là "dân địa phương" Alaska vì, mười câu hết chín, ông đều nhắc đến tên một thành phố lớn của Tiểu Bang này: Du nô (3). Nhưng thôi, đây là đất nước tự do mà! Tự do dân chủ với lưỡng đảng đàng hoàng.

Mike thường nói đùa với tôi "coi dzậy chứ hổng phải dzậy mà còn quá cha dzậy nữa" khi đề cập đến hệ thống lưỡng đảng của Hoa Kỳ hiện nay. Cứ nhìn vô gia đình Thống Đốc Tiểu Bang California: Ông chồng Schwarzenegger thuộc đảng Cộng Hòa trong khi bà vợ lại theo Dân Chủ. Khi làm việc, hai đảng kiểm soát lẫn nhau như vợ theo dõi chồng, như chồng để ý coi chừng bà vợ. Nhưng khi có những sự kiện trọng đại liên quan đến an ninh đất nước, đến sự tồn vong của quốc gia, đến sự sống còn của dân tộc Hoa Kỳ thì hai đảng chỉ là một như sau vụ 9/11 mấy năm trước đây. Hình như có một thứ siêu chính quyền đâu đó quyết định tất cả, tương tự ảnh hưởng nội ngoại trên hai vợ chồng giữ cho hạnh phúc lứa đôi bền vững, từ đó nuôi dạy con cái thành công, kinh tế gia đình thịnh vượng, cho nước Mỹ chỉ mới hơn 200 năm lập quốc đã tiến lên bá chủ hoàn cầu. Nước Mỹ đang đứng nhất trên toàn thế giới về mọi phương diện nhưng rất tiếc, nhất luôn về vô luân thường, vô đạo lý và nhất luôn về cả lãnh vực tội phạm!

Đấy, Mike hướng dẫn cho tôi nhiều, rất nhiều điều, nhiều chuyện. Chúng tôi ngày càng thân hơn khi biết tôi ngày xưa cũng có một thời gian đi dạy học. Vợ chồng Mike và cháu Lan lại thích tìm hiểu sâu xa tiếng Việt hơn qua những từ ngữ Hán Nôm mà tôi đã được Ông Ngoại, một Cử Nhân Hán Văn, khoa thi cuối cùng, dạy dỗ. Nhờ vợ chồng Mike, tôi thực sự hội nhập vào xã hội Mỹ lúc nào không hay. Từ sự nhiệt tình giới thiệu của Mike, tôi được một chân Technician trong hãng Merix ở Forest Grove. Một năm sau, Mike khuyến khích và hướng dẫn vợ chồng tôi mua một cơ sở kinh doanh riêng ngay trung tâm thành phố Tigard đến nay đã tròn 12 năm.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi nhanh như những áng mây ngoài khung trời rộng. Thênh thang như giấc mơ Hoa Kỳ của gia đình tôi liên tiếp nở hoa. Cho đến một ngày... Tin như sét đánh ngang tai. Hai vợ chồng Mike vừa qua đời trong một tai nạn xe! Cháu Lan gọi báo cho tôi bằng tiếng được tiếng mất, tức tưởi, nghẹn ngào. Một anh Mễ nhập cư bất hợp pháp say rượu lái xe vào đường cấm ngược chiều. Xe Toyota Camry của vợ chồng Mike nằm bẹp dí dưới gầm chiếc xe tải F350 chở đầy đồ nghề làm vườn cắt cỏ. Toán cấp cứu phải cưa xe mới đem được hai người ra nhưng cả hai đều đã tắt thở vì sức va chạm quá mạnh và vì vết thương quá nặng.... Lại thêm một nhức nhối của người Mỹ trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp... lại thêm một vết đen tệ nạn say rượu, say xì ke lái xe DUII (4) ngày càng nhiều....

Tang lễ thật đơn giản gồm đa số người quen gia đình, bạn bè làm chung Intel với Mike và đồng nghiệp trong bệnh viện của Mai Liên. Cháu Uy Liêm được thông báo từ Iraq về để vừa kịp nhìn cha mẹ lần cuối trước khi đóng nắp quan tài. Trời Oregon chiều nay mưa buồn day dứt. Nghĩa trang Finley Sunset Hills với những dốc thoai thoải quay về hướng Tây, về hướng Thái Bình Dương mà tận cùng bên kia bờ có một vùng đất mang tên VN, quê hương yêu dấu của Mike và Mai Liên suốt cả đời người. Gió buốt miên man như xoáy sâu vào tận xương tủy. Như chưa bao giờ. Vài tia sáng yếu ớt long lanh trên những ngọn cỏ đầm đìa. Mắt tôi nhạt nhòa trong cái lạnh tái tê. Cũng xong một kiếp trong vô lượng luân hồi. Một chút gì đó có lẽ hai người đang hài lòng là vẫn còn được đi chung với nhau, vẫn còn được tay trong tay, cùng qua một thế giới khác, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn. Ít nhất về vật chất bây giờ xác hai người vẫn còn được nằm bên nhau, hai ngôi mộ song song, cùng nhìn về quê hương VN tít mù xa thẳm cuối chân trời.

Riêng tôi lòng trĩu nặng mối ân tình chưa thanh thỏa. Trong suốt cuộc đời còn lại, dù còn sống trên đất Mỹ này, hay giang hồ đó đây, hình ảnh tươi vui khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực, gương mặt dễ thương, cử chỉ ân cần, lời nói nhã nhặn nhiệt tình và đặc biệt ân nghĩa của vợ chồng Mike đã dành cho gia đình tôi chắc chắn sẽ khó phai mờ.

Cám ơn Michael Erickson. Cám ơn Mailiên Trần.

Xin tạm biệt.

30 thg 10, 2009

Tổng Cục 2: Lá bài chinh phục Việt Nam của Trung Quốc?

Trần Bình Nam

“… Cuộc trấn áp nặng tay những phát biểu hay các bài báo chống Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay báo hiệu sự đấu tranh trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam trước đại hội 11 dự tính triệu tập vào năm 2011…”

Từ Đại hội 10 của đảng cộng sản Việt Nam dư luận đã được nghe nhiều giới chức cao cấp trong đảng cộng sản như các tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Nam Khánh kêu gọi đảng giải quyết vấn đề TC2. Nhưng rồi mọi việc vẫn rơi vào im lặng một cách khó hiểu. Hôm 12 tháng 9 trong một bài báo nhan đề: “Chinese shadow over Vietnamese repression” (Cái bóng của Trung Quốc sau lưng những cuộc đàn áp tại Việt Nam) trên tờ báo mạng Asia Times (12/09/2009), ký giả Shawn W. Crispin đã giải thích phần nào sự khó hiểu này. Sau đây là các điểm chính của bài báo.

Cuộc trấn áp nặng tay những phát biểu hay các bài báo chống Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay báo hiệu sự đấu tranh trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam trước đại hội 11 dự tính triệu tập vào năm 2011 làm cho dư luận thế giới và đồng bào trong ngoài nước quan tâm đến vai trò của Tổng Cục 2 (TC2). TC2 là một bộ phận tình báo độc lập của đảng, trên nguyên tắc có nhiệm vụ theo dõi và đàn áp mầm chống đối đảng ở trong nước.

Trong mầy tuần vừa qua công an Việt Nam đã bắt bớ những nhà báo và những người chơi blogger viết những bài báo có tính cách chống báng Trung Quốc, kể cả những vụ Trung Quốc khai thác bauxite trên cao nguyên miền Trung Việt Nam và việc lấn chiến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nỗ lực dập tắt sự chống đối Trung Quốc của đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu sau Hội Nghị APEC họp tại Hà Nội năm 2007, và sau đó Việt Nam trở thành hội viên của Tổ chức Mậu dịch Thế giới (World Trade Organization – WTO).

Chính quyền cộng sản đã bắt blogger Điếu Cày với tội nguỵ tạo “trốn thuế”. Ông Điếu Cày đã dùng blog chống cuộc rước đuốc Thế Vận mùa hè 2008 (tổ chức tại Bắc Kinh) qua Sài Gòn. Mới đây công an Việt Nam đã bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang vì cô đã viết bài nói về sự tranh chấp đất đai giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bài viết của cô trên mạng đã bị lấy xuống.
Hệ thống Những Nhà Báo Việt Nam Tự Do (Free-Journalists Network of Vietnam) cho biết cô Trang đặc biệt được công an theo dõi vì cô tiết lộ có một giới chức Trung Quốc đã áp lực giới chức Việt Nam đàn áp các tiếng nói không thân thiện với Trung Quốc. Những bloggers khác cũng bị bắt giữ chỉ vì cho ảnh của mình mặc T-shirt có dòng chữ “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” lên mạng.

Nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích tại sao chính quyền đảng cộng sản Việt Nam lại mau mắn bênh vực Trung Quốc như vậy. Một giả thuyết nói rằng đầu năm 2009, trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam thiếu dự trữ ngoại tệ và đã được Trung Quốc bí mật cứu nguy. Đổi lại, Việt Nam đã ưu tiên cho Trung Quốc khai thác bauxite tại cao nguyên Việt Nam.

Giả thuyết khác cho rằng sự đàn áp hiện nay là thể hiện sự tranh chấp giữa hai khuynh hướng trong đảng cộng sản Việt Nam giành quyền kiểm soát nghị trình của Đại hội đảng thứ 11 dự trù triệu tập đầu năm 2011. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang là đối tượng đánh phá bởi nhóm thân Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích tin rằng Dũng có thể sẽ mất chỗ đứng vì nhóm thân Trung Quốc cho rằng Dũng quá thiên về kinh tế thị trường do ảnh hưởng của Hoa Kỳ và đã làm cho Việt Nam bị kéo vào cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Ngoài ra Dũng có lối lãnh đạo cá nhân không phù hợp với lề lối lãnh đạo tập thể không xuất hiện tên tuổi như truyền thống của đảng.

Nhưng quyết định đi vào con đường cởi mở kinh tế thị trường đã được thống nhất y kiến từ lâu. Cho nên cuộc tranh chấp hiện nay chỉ là tranh chấp quyền và lợi. Và theo một vài nhà phân tích khác nó mang màu sắc một cuộc tranh chấp để tranh thủ ảnh hưởng trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khá tế nhị. Hai nước đánh nhau trong một trận chiến đẫm máu năm 1979. Gần đây Việt Nam lại hoàn toàn theo đường lối của Trung Quốc, cởi mở kinh tế và bóp chặt chính trị, thẳng tay đàn áp mọi khuynh hướng tự do kể cả giới truyền thông.

Các nhà đấu tranh dân chủ tin rằng, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng sau lưng phong trào đàn áp những tiếng nói của nhân dân chống Trung Quốc gần đây. Và TC2 là bàn tay nối dài của Trung Quốc. Trong thập niên 1990 Trung Quốc đã trang bị những phương tiện tối tân nhất cho TC2 để theo dõi tình cảm và suy tư của quần chúng, ngay cả các giới chức cao cấp của đảng, và gần đây trang bị phương tiện điện toán để theo dõi mọi thông tin trên mạng và internet. TC2 là động cơ của các cuộc đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ và tôn giáo gần đây.

Một nhà đấu tranh hải ngoại nói rằng ai cũng biết TC2 là bàn tay nối dài Trung Quốc dùng để đàn áp tình cảm chống Trung Quốc tại Việt Nam. Vấn đề Trung Quốc ảnh hưởng đến chính sách của Việt Nam là một điều hết sức nhạy cảm và người Việt trên toàn thế giới đều tỏ ra bất mãn.

Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh cầm đầu TC2 gần như ngoài sự kiểm soát của đảng, cũng như nhạc phụ của Vịnh, ông Đặng Vũ Chính, một người có khuynh hướng thân Trung Quốc cầm đầu ngành Tình báo Quân sự trong thời gian Việt Nam đi giây giữa Trung Quốc và Liên bang Xô Viết trong thời kỳ còn cuộc Chiến tranh Lạnh.

Vịnh là nhân vật thân Trung Quốc quan trọng nhất trong đảng do Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Phạm Quang Nghị cựu bộ trưởng bộ Thông Tin và Giáo dục cầm đầu. Tô Huy Rứa và Phạm Quang Nghị đều là Uỷ viên Bộ chính trị. Rứa làm việc chặt chẽ với Trung Quốc trên mặt ý thức hệ.

Giáo sư Carlyle Thayer người Úc châu, một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam đã tiên đoán một cách chính xác trong một bài viết ông viết tháng Giêng năm 2008 rằng: “Tô Huy Rứa vào Bộ chính trị có nghĩa là đảng cộng sản Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp kiềm chế các nhà trí thức, giới đại học, nhà báo và các những ai giỏi tin học”. Tô Huy Rứa có tham vọng trở thành Tổng bí thư đảng qua đại hội 11 khi Nông Đức Mạnh nghỉ hưu, mặc dù Tô Huy Rứa còn quá trẻ.

Nguyền Chí Vịnh là Trung tướng và đang chạy vạy để lên Đại tướng, có thể - qua tranh chấp nội bộ - sẽ xoay xở để vào Trung ương đảng và giành chức Bộ trưởng Quốc phòng tại Đại hôi 11. Nhóm thân Trung Quốc đang ra sức vận động để kiểm soát hoàn toàn nghị trình của đại hội 11.

Năm 2006 đại hội 10 của đảng, nhóm Nguyễn Tấn Dũng đang lên, nhóm thân Trung Quốc chưa đủ mạnh và TC2 bị nhiều tai tiếng nên Vịnh không được vào Trung ương đảng.

Năm 2001 một số đảng viên cao cấp của đảng tố cáo TC2 nghe lén điện thoại của các đảng viên cao cấp khác, và hôm nay sẽ không ngạc nhiên nếu TC2 đang thu thập một hồ sơ của Nguyễn Tấn Dũng để lật Dũng trong Đại hôi 11, dành chỗ cho người thân Trung Quốc.

Tin đồn được khéo léo đưa lên mạng nói Dũng lợi dụng kiếm tiền trong vụ khai thác Bauxite, và con gái và rể của Dũng lợi dụng chức vụ thủ tướng của Dũng để tranh thủ vị trí ưu tiên trong việc giải tư các cơ sở quốc doanh.

Theo sự nghiên cứu của giáo sư Thayer, TC2 trên nguyên tắc là một cơ sở tình báo trung lập (giữa các đảng viên) thật ra đã nhúng tay vào hoạt động phe cánh. Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã dùng hồ sơ (của các đảng viên khác) do TC2 thu thập để tranh thủ vị trí ưu tiên cho người của Phiêu trước ngày tổ chức Đại hội 9 năm 2001.

Năm 2004 hai tướng hồi hưu Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Nam Khánh đã công khai yêu cầu điều tra các hành động mờ ám của TC2 như “bịa đặt nói xấu, đe doạ, tra tấn và ám sát chính trị”. TC2 còn cho tiết lộ các tin tức nguỵ tạo tố cáo một số giới chức cao cấp của đảng cộng sản làm việc cho Trung ương tình báo (CIA) của Hoa Kỳ. Vụ được nói đến nhiều nhất là vụ T-4 gây nhiều xôn xao tại đại hội 10 (2006) khi TC2 xì tin cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt và tướng Võ Nguyên Giáp từng hợp tác được trả lương với CIA.

Tướng Giáp đã mạnh mẽ phủ nhận những điều tố cáo của TC2 và tháng 6 vừa qua chính thức yêu cầu Ban Bí thư Trung ương đảng cho mở lại cuộc điều tra về mối quan hệ giữa TC2 và Trung Quốc. Đảng vẫn im lặng trước đòi hỏi của tướng Giáp như trước đây từng im lặng. Đảng sợ một cuộc điều tra sẽ tạo ra một sự đổ vỡ nội bộ.

Năm 2004 Trung ương đảng ban hành chỉ thị xác định các cơ quan tình báo kể cả TC2 phải làm việc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước và sự kiểm soát của Quốc Hội, nhưng những ai quan sát tình hình Việt Nam đều biết TC2 của Vịnh vẫn làm việc dưới ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ cần củng cố thế lực trong vùng (Á châu – Thái Bình Dương), Trung Quốc càng nỗ lực gây chia rẽ nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Một đảng cộng sản đoàn kết có thể đi đến quyết định liên minh với Hoa Kỳ và sẽ cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ Cam Ranh.

Các chỉ dẫn cho thấy đảng cộng sản Việt Nam đang cố giữ thế thăng bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu một chiến hạm Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam thì một chiến hạm khác của Trung Quốc sẽ được mời đến thăm sau đó. Năm 2008 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công du Hoa Kỳ thì một tháng trước Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vội vàng đi thăm thân hữu Trung Quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak tại Việt Nam vừa lên tiếng bày tỏ sự quan tâm của ông đối với các vụ bắt giữ các nhà báo và đàn áp truyền thông. Mười sáu (16) dân biểu Hạ nghị viện Hoa Kỳ cũng vừa đệ nạp một Quyết Nghị kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các bloggers và tôn trọng sự tự do thông tin qua internet.

Hiện nay Trung Quốc là một cường quốc đang lên, có tiền đầu tư khắp nơi trên thế giới và sẽ là người chủ nợ rộng lượng của Việt Nam. Hơn nữa nhóm thân Trung Quốc trong đảng đang được củng cố thế lực. Cho nên người ta tin rằng những tiếng nói chống Trung Quốc tại Việt Nam sẽ được nhóm thân Trung Quốc mạnh mẽ tìm cách dập tắt.

Trần Bình Nam
14/09/2009

Từ Bauxite Đến Uranium: Tiến Trình Đô Hộ Việt Nam

Sách sẽ Ra Mắt vào cuối tháng 10-2009

Lời Bạt


Trước hết, Nhóm thực hiện giới thiệu cuốn sách "Từ Bauxite Đến Uranium: Tiến Trình Đô Hộ Việt Nam Của Trung Cộng" và xin được trình diện cùng Quý vị . Qua quyển sách, cũng như sau khi đọc xong, Quý vị có thể thẩm định được vấn đề qua nhiều góc độ khác nhau dưới lăng kính của từng tác giả.

Tuy nhiên, một điều khẳng quyết là, dù soi rọi vấn đề dưới nhiều suy nghĩ độc lập, kết luận rốt ráo của GS Trần Minh Xuân, TS Phan Văn Song và TS Mai Thanh Truyết đã hội tụ vào một điểm duy nhứt là Trung Cộng đang trên đường tiến chiếm Việt Nam dưới nhiều hình thức như kinh tế, chính trị, xã hội, và lãnh thổ, thực hiện đường lối do Mao Trạch Đông chủ xướng ngay sau khi chiếm toàn lãnh thổ nội địa của Trung Hoa vào năm 1949.

Chính Mao Trạch Đông đã lợi dụng sự non trẻ của Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc, để chiếm đóng và xáp nhập East Turquistan thành tỉnh Tân Cương năm 1949, và Tây Tạng năm 1959. Tiếp theo sau đó là chính sách đồng hóa bằng cách di dân người Hán vào hai vùng trên và lần lần áp đặt cơ sở hành chành, quản trị xã hội. Tất cả đều do người Hán điều hành. Và cho đến hôm nay, dân bản xứ Tây Tạng và Tân Cương trở thành một dân tộc thiểu số trên chính quê hương mình.

Nhưng có một điều mà Trung Cộng (TC) không ngờ tới là dù chính sách có tinh vi đến đâu, sự đàn áp có dã man đến đâu, tất cả cũng không bóp chết được tinh thần dân tộc tự quyết của người bản địa. Chính vì vậy, đất nước Tây Tạng vẫn vẫn luôn bất ổn và cuộc nổi dậy đẩm máu gần đây nhứt là vào năm 2008, và Tân Cương vào tháng 7, 2009. Mặc dù đàn áp tối đa bằng cách bắn trực xạ vào đám đông, nhưng điều chắc chắn là người dân ở hai nơi nầy sẽ không lùi bước trước họng súng và tiếp tục đấu tranh dành lại độc lập cho dân tộc mình. Và chính sách Hán hóa tiệm tiến của TC đã thất bại hầu hết ở những miền đất nước không thuộc về Hán tộc.

Trở về Việt Nam, Hồ Cẩm Đào cũng đang tiếp nối chính sách của Mao Trạch Đông. Mặc dù không rập khuôn như ở hai nơi kể trên, nhưng đường lối chung vẫn không thay đổi. Đứng trước tiến trình toàn cầu hóa ngày hôm nay, TC, từ hơn thập niên trở lại đây đã tập trung đánh mạnh vào kinh tế và phát triển Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau:

* Triệt hạ và làm tê liệt một số công nghệ cần thiết cho Việt Nam như công nghệ làm đường và giấy bằng cách cho du nhập quy trình và máy móc sản xuất lỗi thời (dĩ nhiên là có sự đồng thuận hay ăn chia của cs Việt Nam) và không có hiệu quả kinh tế. Kết luận là hai công nghệ nầy bị tê liệt và tiêu tốn nhiều tỷ Mỹ kim và Việt Nam vẫn tiếp tục nhập cảng hai loại nguyên liệu nầy từ TC và các quốc gia khác.
* TC đem vào Việt Nam dưới hình thức chính thức hay không chính thức (tức là nhập lậu) hàng may mặc, thực phẩm, thậm chí cả trái cây và rau đậu và bán với giá rẽ mạt đánh bạt hầu hết sản phẩm của nông dân và ngành tiểu thương Việt Nam vì không cạnh tranh lại giá cả.
* Về nhân sự, TC đã thực hiện một chính sách "di dân" và "dành lao động" bằng cách xâm nhập vào các hảng xưởng tử Bắc chí Nam, đến tận mũi Cà Mau. Chính sách xâm thực nầy tạo nên khủng hoảng lao động không nhỏ cho Việt Nam, điển hình là các khu chế xuất hay khu công nghiệp, hàng loạt công nhân Việt bị sa thải với lý do là không ký được giao kèo với nước ngoài, nhưng ngược lại thâu nhận công nhân người Hán.
* Ngoài các nhận định trên, quan trọng hơn cả là việc đồng hóa theo chính sách tầm ăn dâu, TC âm thầm khuyến khích người Hán tại Việt Nam cưới vợ Việt hay người Thượng ở cao nguyên với mục đích lần lần tạo nên một đạo quân thứ năm tại đây khi hữu sự. Nên nhớ hiện tại tỷ số chênh lệch trai/gái ở Trung Hoa là 119/100; do đó, việc làm nầy cũng nhằm mục đích giải quyết nạn trai thừa gái thiếu trên.

Tất cả các vấn nạn trên đây, cs Việt Nam đã biết rất rõ và đã biết từ lâu. Trong cuốn sách "Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua" do nhà xuất bản Sự Thật đã nhận định chính sách thay đổi của Trung Cộng ngay từ trang đầu như sau:"Sự thay đổi đó không phải là điều bất ngờ, mà là sự phát triển lô-gích của chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của những người lãnh đạo Trung Quốc.."

"Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng cần phải chiến thắng thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ".

Và phần kết luận của nhận định về chính sách của TC là:"Muốn như vậy, nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc vào Trung Quốc".

Cách đây 30 năm, cs Việt Nam đã thấy rất rõ chính sách của TC trên với một tư tưởng chỉ đạo là chủ nghĩa đại dân tộc, với một chính sách là ích kỷ dân tộc, và với một mục tiêu chiến lược là chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chủ nghĩa bá quyền nước lớn. Thế mà, tại sao, ngày hôm nay, 30 năm sau, Bộ chính trị đảng cs Việt lại cam tâm cúi đầu khuất phục trước TC?

Từ hơn một năm nay, biết bao nhiêu việc làm, quyết định sai trái của đảng CS trong quá trình phát triển và bảo vệ đất nước đã làm toàn dân chao đão, điêu đứng từ người nông dân chất phác cho đến những người Thượng thiểu số, từ người lao động cần cù cho đến chị buôn gánh bán bưng, từ em sinh viên học sinh cho đến những nhà trí thức, tất cả đã đứng lên, nói lên những lời phản kháng qua nhiều động thái khác nhau. Nhưng tựu trung, vẫn là tiếng nói vô vọng của những người con Việt.

Lãnh đạo CS Việt vẫn tiếp tục mũ ni che tai, vẫn "yêu những gì chân thật, vẫn ghét những gì dối trá", vẫn tiếp tục đến viếng Tân Rai ngày 18/8/2009 và công bố, sau khi khánh thành công trình nầy sẽ mang lại 120 triệu Mỹ kim hàng năm, con số không biết đã được tính toán từ căn bản nào?( nhà máy Tân Rai được "Thủ Tướng" tuyên bố là năm 2010 sẽ được khánh thành và bắt đầu sản xuất(?)). Trong lúc đó, rừng thiêng vẫn còn văng vẳng tiếng rên xiết của 732 gia đình đang bị mất đất, mất ruộng, mất nhà từ hơn hai năm nay, còn đang chịu cảnh màn trời chiếu đất và sống lây lất qua ngày.

Và tệ hại hơn nữa là ngày 10/8/2009 cột mốc biên giới của TC lại được chính thức lấp đặt tại đão Bảy Cạnh, một đão lớn ở Côn Đão mà lãnh đạo Việt Nam vẫn im thin thít..

CS Việt Nam đã đánh mất Hoàng Sa, nhiều đão ở Trường Sa, đã đánh mất hàng ngàn Km2 ở vùng biên giới Bắc Việt, mất Ải Nam Quan, mất thác Bản Giốc. Lãnh hải bị thu hẹp và hoàn toàn mất chủ quyền trên biển Đông. Và hiện nay, đang mất dần Cao nguyên Trung phần Việt Nam qua việc khai thác bauxite của TC.

Còn gì nhục nhã cho bằng khi nhìn thấy người dân đánh cá quỳ lạy trước họng súng của TC.

Còn gì bỉ ổi cho bằng sử dụng "người dân bức xúc" để đàn áp bà con công giáo ở Quảng Bình.

Phải chăng tinh thần Việt tộc của người cộng sản Việt Nam không còn nằm trong não trạng của họ nữa?

Phải chăng chủ nghĩa giáo điều cộng sản đã đã biến thái họ thành những con người không còn giữ được bản sắc dân tộc của một quốc gia có chủ quyền để trở thành "con dân" của Đại Hán?

Phải chăng ngày hôm nay, một khi đã rút tỉa tài nguyên của quốc gia, nguyên khí của dân tộc để trở thành một nhóm tư bản đỏ, bị chính nhân dân ruồng bỏ, họ phải cam tâm bán đứng Đất và Nước cho Đại Hán?

Và còn bao nhiêu phải chăng khác nữa, tất cả chỉ nói lên tính cách phản dân tộc của một thiểu số cầm quyền.

Mà, một khi đã phản dân tộc, chắc chắn hậu quả "tất yếu" dân tộc dành cho sẽ là một hậu quả hết sức thảm khốc.

Bây giờ và từ nay, cũng chưa muộn để những người cộng sản lầm lạc trở về với dân tộc, trở về cội nguồn của một dân tộc có truyền thống chống xâm lăng của Bắc phương hơn bốn ngàn năm qua.

Cánh cửa vẫn còn mở rộng cho những người còn lại một chút nhất điểm lương tri.

Nhóm Thực Hiện

Từ BAUXITE đến URANIUM


Từ BAUXITE đến URANIUM của Mai Thanh Truyết, Trần Minh Xuân, Phan Văn Song

Uyên Hạnh

TỪ BAUXITE ĐẾN URANIUM không là một quyển sách có mục đích nói về tiến trình đơn giản của việc khai mỏ 2 quặng chất, mà là tiếng chuông thức tỉnh ròn rã ngân vang âm thanh cảnh báo của những nhà khoa học, thức giả Việt Nam trước tai biến trầm trọng hiên thời của đất nước chúng ta. Những bài viết có tính cách chuyên môn lồng trong dữ kiện chính trị hiên thời trở thành những trang sách mang một giá trị lịch sử. Tác giả đi sâu vào tất cả mọi vấn đề của hiện tình đất nước qua nhiều thời điểm sôi động, đặc biệt của hai năm nay, như các vấn đề Biển Đông, Bauxite, Uranium, Tình báo Trung Quốc, Âm mưu thôn tính Việt Nam, Tự do ngôn luận và báo chí, thái độ của nhà nước Việt Nam với vấn đề tranh đấu cho Tự do Dân chủ…

TỪ BAUXITE ĐẾN URANIUM là một quyển sách dày gần 600 trang, do Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, Tiến Sĩ Trần Minh Xuân, và Giáo Sư Phan Văn Song cùng viết. Với nội dung của 36 bài viết rất giàu sự kiện, đặc biệt với tính cách chuyên môn, tấm lòng sôi sục cho an nguy đất nước, cùng những nhận định sắc bén đã chỉ rõ, vạch trần, phân tích, dẫn chứng và bình luận về hiện trạng gay go nguy hiểm của Việt Nam.

Sách đi vào nhiều sự kiện thực tiễn và rất chi tiết để chúng ta đạt được cái nhìn khó thấy. Sách trình bày những hư chiêu, chiến thuật dương đông kích tây được sử dụng như “liên hoàn chiêu thức” tung hỏa mù, mục đích che đậy những hành động mờ ám để đẩy Việt Nam vào một cái chết tàn nhẫn. Qua những bài viết về hiện trạng tại Việt Nam, nhất là thời gian của năm 2009 với nhiều đề tài cập nhật về quá trình BAUXITE và URANIUM, các chuyên gia cho ta thấy rõ hiểm họa nặng nề đang phủ lên đất nước Việt Nam, và dấu giày xâm lăng của Bắc Kinh đang hiện diện tại Việt Nam, một cách âm thầm, nhưng qua những chứng minh và phân tích của sách, lại hằn rõ ở các mặt trận như đất liền, biển cả, quân sự, chính trị, tình báo, kinh tế, công nghiệp…

“Cuộc Xâm Lăng Không Tiếng Súng” của Trung Quốc qua các lãnh vực

Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết với những chứng liệu cụ thể trong bài “ĐỘC TỐ ĐỎ…” đã nêu rõ thảm họa Tây Nguyên, do Chinalco của Trung Quốc thực hiện gây ô nhiễm và độc chất sẽ đi vào sông Sérépók, di chuyển xuống thượng nguồn sông Đồng Nai và đặc biệt là thành phố Sài Gòn gây hại không khí và nguồn nước cung cấp cho 30 triệu cư dân, đưa đến những chứng bệnh như mô não bị hủy họai (encelopathy), bị lõang xương, thiếu máu, và có thể bị chứng Parkinson…Bụi đỏ gây ung thư phổi và làm biến dạng tử cung...” Một người dân sống gần lò luyện nhôm của Chinalco ở Tây Tạng, đất nuớc bị Trung Quốc cưỡng chiếm và là nơi bị Trung Quốc xả rác phóng xạ kể rằng: “Khói bao phủ sườn đồi. Nếu chúng tôi để lừa hay cừu ra gặm cỏ, răng của chúng trở nên vàng khè và giòn, rồi rụng hết…”

Ngòai sự kiện ô nhiễm môi trường sống của người dân tại Việt Nam, dự án Tân Rai và Nhân Cơ cùng 6 dự án khai quặng mỏ bauxite khác ẩn tàng một âm mưu chính trị của Trung Quốc, đó là việc tiến chiếm Việt Nam dưới tình trạng “Không có tiếng súng nổ ngòai biên cương, không có tiếng kêu cứu trước công luận quốc tế… “

Một trong 36 bài viết trong sách, là bài “Phải Thắc Mắc và Đừng Im Lặng” đã được tiến sĩ Trần Minh Xuân đưa ra sự kiện “700 tờ báo và 1 Tổng Biên Tập” và những vấn đề xảy ra trong giới báo chí, rõ rệt nhất trong vụ việc tháng 4/2009. Sách cũng cho chúng ta cơ hội cùng nhìn lại những sự kiện như vụ Nguyễn Tiến Trung, Trần Kim Anh, Lê Thị Công Nhân, Lê Chí Quang, Lê Trần Luật, Lê Công Định và rất nhiều người khác nữa đã bị quy trách vi phạm điều 88. Điển hình là vụ việc ngày 22.6.2009 luật sư Lê Công Định bị xóa tên khỏi danh sách Luật sư đòan, không còn quyền “kiện Bắc Triều trước Tòa án hình sự Quốc tế” và luật sư Lê Chí Quang không còn có thể kêu gọi người dân “Hãy Cảnh Giác Với Bắc Triều”, đã thấy rõ lý do vì sao lại không có tiếng kêu cứu trước công luận quốc tế. Sách đi sâu vào vấn đề Bát Nhã, vấn đề vi phạm điều 88, vấn đề báo chí như một phối hợp tung hỏa mù, giúp cho công cuộc xâm lăng Việt Nam của Trung Quốc được trôi chảy. Tất cả các hư chiêu nhằm mục đích đánh lạc hướng đấu tranh của nhân dân Việt, chống lại vụ khai thác Bauxite và sự việc Trung Quốc đưa một nhân lực hùng hậu cùng “khí cụ, dụng cụ khai thác quặng mỏ” (?!) tràn ngập đồi núi thị thành Việt Nam.

Một bước triển khai mang thực chất của đôi hia bảy dăm, vì tầm vóc rộng lớn trong sự kiện “hợp thức hóa” sự hiện diện của đội ngũ công nhân và binh lính Trung Quốc được đưa vào đóng chiếm vùng Cao Nguyện Trung phần.

Trong bài “Việc Khai Thác Quặng Bauxite Ở Việt Nam: Lợi Hay Hại?” Tiến sĩ Mai Thanh Truyết chứng minh và vạch rõ thêm mưu đồ trên đây. Theo tin cập nhật được đăng trong sách nầy, chỉ riêng tại hiện trường khu khai thác Tân Rai ở xã Lộc Thắng hiện có trên 1.000 công nhân chuyên viên Trung Quốc. Được biết tính đến nay tổng số người Trung Quốc có khỏang 100.000 người, đã hiện diện khắp các khu vực khai mỏ. Chúng ta cũng đồng thời nhận thấy được sự kiện công nhân Trung Quốc tràn vào các công nghệ khác như Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh với trên 4.000 nhân công. Công ty Nhiệt điện Hải Phòng với trên 2.000 nhân công. Công ty than Nông Sơn trên 600 công nhân. Công ty Điện Đạm Cà Mau có trên 1.000 công nhân .v.v… Thật đáng lo ngại!

Theo những nêu dẫn cùng nhận định của các khoa học gia tác giả, Trung Quốc được nhà cầm quyền Việt Nam giao khoán việc khai thác quặng mỏ Bauxite tại Cao Nguyên Trung phần, với những đặc quyền ngọai hạng. Bài viết nêu rõ mọi thủ tục tiến hành để thực hiện một công trình khai thác và sản xuất đều vượt ra ngoài khuôn khổ của Bộ Luật Môi Trường của Việt Nam. Các bài viết diễn bày rõ ràng các dữ kiện tại Việt Nam sẽ đem lại một kết quả tai hại nặng nề là chúng ta đang mất Việt Nam, gói trọn trong câu bình phẩm của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết: Việc làm nầy chắc chắn sẽ được khắc ghi vào những trang sử đen tối nhất của Việt Nam thời Hiện Đại!

Theo ước tính của Hội Đồng Năng Lượng Thế Giới (World Energy Council), trữ lượng Uranium trên thế giới là 13,792 triệu tấn, trong đó Việt Nam chứa 1,7% tức 237.300 tấn. Trung Quốc không khai thác bauxite mà là khai thác quặng mỏ uranium. Trung Quốc sử dụng hai vùng khai thác bauxite nầy như một âm mưu để hợp thức hóa sự hiện diện của công nhân, chuyên viên, và thậm chí những quân nhân tình báo chiến lược để chiếm đóng và khai thác tất cả lợi điểm của vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Qua công ty Chinalco, nhà cầm quyền Việt Nam đã tạo ra cơ hội cho Trung Quốc đem nguồn nhân sự đóng cùng khắp ở Việt Nam. Dự án khai thác quặng mỏ bauxite chỉ là nuớc cờ Trung Quốc cố tình đánh lạc hướng thế giới, để thôn tính Việt Nam.

Muốn biết hiện tình Việt Nam rõ ràng hơn xin mời đọc “Từ Bauxite đến Uranium”. Hãy cùng tìm hiểu để cùng họat động hướng về một giải pháp cứu nguy đất nước, chận đứng gót giày xâm lăng của Trung Quốc.

Làm thế nào để chận đứng gót giày bạo hành xâm lăng của Trung Quốc

Muốn bảo vệ một đất nước phải biết nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia và dân tộc. Khi độc lập và tự do được mọi người qúy trọng giữ gìn, các cường quốc với ý đồ xâm lăng khó có thể diệt được ý chí quật cường của cả một dân tộc. Một quốc gia khư khư giữ nguyên chế độ độc quyền lãnh đạo, thẳng tay đàn áp đối lập, đầy đọa người dân trong cảnh nghèo đói, chậm tiến và thất học, để không còn ai có thể chống đối lại họ được, sẽ là một chính thể đưa dân tộc đến họa diệt vong. Bởi vì một chính thể chuyên chế hay độc tài sẽ là lợi khí cho kẻ ngoại xâm. Tiêu diệt người lãnh đạo là mục đích đầu tiên và chính yếu của các cường quốc xâm lăng. Tiêu diệt lọai người lãnh đạo chuyên chế như thế không khó, tiêu diệt ý chí quật cường của cả một dân tộc mới là vấn đề nan giải.

Nhiệt huyết và sự dũng mãnh can cường của dân tộc Việt đã chứng minh rõ ràng qua các giai đọan lịch sử của công cuộc chống ngọai xâm. Từ nhà Trần đánh đuổi quân Mông Cổ, cho đến nhà Lê đánh bại quân Minh và Quang Trung chiến thắng Mãn Thanh. Lãnh đạo yêu nước thương dân, tòan dân yêu chuộng tự do và độc lập là khí cụ bền vững sắc bén nhất phá tan sự bạo hành và ý đồ cưỡng chiếm của ngọai bang.

Với tình hình hiện thời, Việt Nam phải biết vận động giới truyền thông và dư luận thế giới. Phải khéo léo cho thế giới thấy được rằng đây là một hiểm họa chung của các nước, không riêng gì Việt Nam. Chúng ta phải biết sử dụng Diễn Đàn Liên Hiệp Quốc để tạo hỗ trợ cho Việt Nam, vận động quốc tế cùng hợp lực ngăn chặn sự bành trướng và mộng bá chủ hòan cầu của Trung Quốc. Ngoài việc chúng ta sẽ cứu thóat đất nước Việt Nam khỏi sự xâm lăng của Trung Quốc, sẽ còn đẩy lùi được bước chân tàn độc của chiến tranh, bóng tối của nghèo đói, của ô nhiễm bệnh họan, để kiến tạo nên một kỷ nguyên của hữu nghị, hợp tác, hòa bình và thịnh vượng cho toàn thế giới.

Trong mỗi trang sử, trong ký ức, trong tim óc chúng ta còn ghi rõ các thời kỳ thống trị tàn khốc của giặc Tàu. Chúng ta không cúi đầu buông xuôi, chấp nhận cho Trung Quốc gian xảo ngang nhiên bạo ngược cưỡng đọat Việt Nam.

Đọc TỪ BAUXITE ĐẾN URANIUM đi qua bao sự kiện chúng ta không khỏi dấy lên niềm thương nỗi hận. Nhưng chính từ trong niềm xót xa đau cho một Việt Nam đang bị đọa đày bị chà đạp, sẽ là ý hướng quật khởi. Chúng ta phải đồng lòng phản kháng chống lại móng vuốt và âm mưu cùng mánh khóe của nhà cầm quyền Trung Quốc trong manh tâm xâm chiếm Việt Nam. Chúng ta sẽ đạp đổ mộng xâm lăng của Trung Quốc. Chúng ta không khuất phục, không chấp nhận cho Trung Quốc tiếp tục thực hiện việc chiếm đọat Việt Nam bằng một “Cuộc Xâm Lăng Không Tiếng Súng”.

Nguyện cầu anh linh tiền nhân, hồn thiêng non nước Việt phù hộ những kẻ lầm đường lạc lối nhận chân sự thật, để không còn mê lầm làm kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ.

Đọc “Từ BAUXITE đến URANIUM” để thấu rõ tình hình đất nước. Đọc để hun đúc tình yêu tổ quốc và trách nhiệm của con dân nước Việt. Đọc để có cùng một nhận định, rằng, chúng ta là người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mình phải tri ân suốt cuộc sống, chúng ta phải đồng tâm sát cánh ủng hộ những người đang xả thân cứu nước, tranh đấu chống bạo quyền, để bảo vệ một Việt Nam không bị Trung Quốc làm ô nhiễm và dũng mãnh đạp đổ ý đồ xâm lược của họ. Chúng ta phải tranh đấu và giữ vững một Việt Nam của chúng ta và cho thế hệ con cháu chúng ta.

UYÊN HẠNH

Sách giá 30 USD tại Hoa Kỳ. Âu Châu và Canada 40 USD (kể cả cước phí)
E-mail liên lạc: environ@gmail.com
Địa chỉ liên lạc: Dr. Truyet Mai
2210 S. Azusa Ave, West Covina
CA 91792
USA

29 thg 10, 2009

Cõi chết không buồn

Đỗ Thị Thuấn

"Lá Thư Từ Bên Kia Thế Giới"

Xin thưa ngay cùng các bạn, tôi là một người đàn ông có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc, từ lúc thiếu thời cho đến khi kể cho các bạn nghe câu tự chuyện có vẻ huyền bí này. Nhưng thực sự, tất cả đã xảy ra mà diễn tiến đúng như những gì tôi sắp kể, không hề có ý thêm bớt, đặt điều.

Các bạn tin hay không tin, cũng không phải là điều thật sự cần thiết, vì ý của tôi là chỉ muốn được có cơ hội nói ra tất cả những cảm giác khác thường của một người đã chết đi sống lại trong một khoảng thời gian khá dài ngay tại xứ sở được tiếng là văn minh tiến bộ nhất này, mà đối với lý luận khoa học, chưa bao giờ có sự thừa nhận chính thức, cho dù chính mắt họ là những người đã có mặt bên cạnh tôi từ khi tôi được đưa vào bệnh viện cho đến khi tôi được các bác sĩ khám nghiệm chứng nhận đã sống lại và đã trở về sinh hoạt như bao nhiêu người bình thường ...

Chưa hết, còn chính mắt bè bạn, thân nhân vợ con tôi là những nhân chứng sống nữa cơ mà. Tất cả, họ đã chứng kiến tận mắt và vẫn đang hiện diện nơi đây. Tôi chắc họ cũng chẳng ngại ngùng gì để sẵn sàng làm chứng cho điều tôi tự thuật về "một lần ra đi và một lần trở lại" của một xác chết hồi sinh, trở lại sống kiếp người bình thường ...

Sáng hôm ấy là ngày sinh nhật thằng con út của tôi. Mẹ nó và con chị, cùng với cả các bác các anh chị cô chú trong gia đình nội ngoại của chúng tôi ở đây, từ cả tháng trước đã sắp đặt một chương trình vui chơi cho nó. Xem vậy mà tôi chỉ là một nhân vật phụ trong những dịp tổ chức như thế này trong gia đình cho nên tôi chỉ cần thi hành đầy đủ những gì mà vợ con tôi đề nghị. Quan trọng nhất là việc làm tài xế lái xe cho mẹ nó và 2 cháu. Muốn đi đâu họ cứ việc nói, tôi chở đi ngay, còn bao nhiêu chuyện khác, mọi người đã sắp đặt toan tính đâu vào đó cả.

Nhiệm vụ "then chốt" của tôi chỉ có vậy, cho nên, cá nhân tôi, tự nhiên được nhờ ơn vợ con họ hàng, các anh các chị thương yêu "kẻ sĩ", đâm ra sung sướng, chẳng phải quán xuyến chuyện gì. Mỗi khi có hội hè đình đám trong gia tộc là tôi cứ lè phè, không bị mệt đầu óc tính toán này kia. Muốn đi đâu làm gì tuỳ ý với cái máy gọi (pager) phải luôn luôn mở (turn-on). Và như thế, bổn phận tài xế của tôi, nhất thiết, không thể lơ là. Lý do cũng dễ hiểu vì các con còn bé, vợ tôi thì suốt gần 20 năm làm bạn với màn ảnh computer ở sở cũng như ở nhà nên đôi mắt nàng có đẹp và quyến rũ thật nhưng lại bị cận thị quá nặng nề nên thời tiết và ban đêm mà bảo nàng lái xe đi đâu, kể như ... xúi trẻ con đi ăn cướp nhà băng ở đất Mỹ.

Lễ sinh nhật của thằng con tôi được mẹ nó, các bác các cô, các anh chị nó ấn định vào cuối tuần để cho mọi người trong nhà có thời giờ đến tham dự vui chơi ăn uống, đánh bài "mà chược", "xì phé", ca hát "karaoke". Buổi sáng thứ Bảy đó, giống như bao nhiêu vụ hội hè đình đám gia tộc chúng tôi đã làm như một thói quen không bao giờ thiếu ở xứ Mỹ này, điện thoại trong nhà gọi đi order thức ăn ở nơi chuyên làm thức ăn đãi tiệc, có lúc chuông reo inh ỏi của các chị em bạn gái trong nhà gọi đến từ những vùng lân cận, chẳng có lúc nào ngưng, đường dây cứ thế mà bận liên tục ...

Dù tôi không có nhiệm vụ phải dậy sớm cũng không thể nào ngủ nướng thêm được với một buổi sáng rộn rịp như thế này, đành phải ra khỏi cái giường êm ấm. Định gọi một anh bạn thân, xuống cái quán quen ở khu Bolsa uống cà phê tán láo, cũng không thể xen vào "đường dây điện thoại đỏ" đang được vợ tôi và các cô em xử dụng liên hồi.

Tôi chẳng lấy thế làm phiền não về chuyện này giống như tôi đã từng không phiền não trước hàng trăm thứ chuyện xảy ra hàng ngày trên đất Mỹ, bèn ra phòng ăn cầm ly cà phê sữa còn ấm vợ tôi đã pha sẵn, rồi tôi lững thững với gói thuốc lá bước ra sân sau, chỗ cái bàn bằng nhựa trắng ngồi uống cà phê một mình, ngắm khung cảnh ẩn hiện qua làn sương mai ở dưới cuối chân đồi đang được ánh nắng đầu ngày điểm cho một màu vàng trác tuyệt.

Trước khi tới cái bàn nhựa kê ở góc sân, tôi đảo bước chân theo thói quen dọc theo con suối nhân tạo mà tôi đã mất nhiều tốn kém và công phu thuê mấy người "Landscaper" (thợ làm cây cảnh cho tư gia) đến xây dựng cho, từ ngay khi chúng tôi mua căn nhà giá cả khá cao nằm trên đỉnh đồi này, nên trong khuôn viên sau căn nhà chúng tôi có một khung cảnh tương đối sang trọng nên thơ và đẹp mắt với một hòn non bộ đầy màu sắc, các loại cây cảnh Tàu xoả tàng lá đó đây bên dòng suối quanh co nước chảy róc rách với lũ cá cảnh xanh trắng đỏ vàng, chung quanh khu vườn đầy hoa tươi rực rỡ.

Tôi bước trên những phiến đá gập ghềnh còn đọng ướt, trơn trợt sương đêm. Bỗng nhiên bàn chân trái của tôi vô ý bước lọt vào giữa 2 cục đá, ly cà phê bên tay trái, gói thuốc lá và cái bật lửa bên tay phải của tôi bất ngờ bị hất tung lên trời, cả người tôi mất thăng bằng ngã ngang trên con suối nhỏ mà bờ suối không quá rộng, ở bên kia cũng có những cục đá xếp lô nhô lên như chờ đợi đón lấy cái đầu của tôi sẽ đập xuống một cách vô tình chưa đầy một phút đồng hồ.

Tôi nghe một tiếng rầm thật to, thật vang động trong đầu tôi rồi không còn biết gì ở thực tại mà tôi vừa hiện diện nữa.

Hồn Lìa Thân Xác Lấn Quấn Bên Vợ Con

Người tôi ngay sau phút ấy không còn trọng lực nữa, tôi nghe nhẹ hẩng trong không gian, việc xê dịch, đi đứng khoan thai thật thảnh thơi dễ dàng, không còn chút trở ngại nặng nề cùng với một cảm giác lâng lâng hạnh phúc. Từ một khoảng 180 độ đằng trước mặt, tôi có thể nhìn rõ tất cả những gì hiện ra trước mắt.

Nhưng 180 độ phía sau lưng, mỗi khi ngoái đầu nhìn lại, tôi chỉ thấy một vùng sương trắng dầy đặc, không có bất cứ vật thể gì. Tôi còn nghe được rõ ràng mọi người đang nói chuyện với nhau lao nhao láo nháo hết sức ồn ào. Vợ tôi đang cuống cuồng trả lời những gì các ông bà Mỹ đến lập thủ tục, điều tra. Thường nhật nàng vốn là một phụ nữ có đầy nghị lực, không khóc lóc dễ dàng, nhưng giọng nói và tia mắt lúc này thì quá đỗi phiền muộn, trông thật là tội nghiệp. Hai đứa con của tôi thì vô cùng thê thảm, chúng quấn quít bên cạnh cái xác của tôi giống như lúc thường có tôi nằm ngủ và chúng thì lẩn quẩn ở bên hoặc xem video con nít, hoặc xoay quanh những món đồ chơi điện tử trong nhà. Giờ đây chúng im lìm không nói gì cả. Chúng cứ dán mắt vào thân thể nằm thẳng đơ của tôi đặt nằm trên một chiếc băng ca, sắp sửa được chuyển ra chiếc xe cấp cứu đang cùng đậu chung với xe cứu hoả, xe cảnh xát, đèn chớp loang loáng trước sân nhà.

Tôi được chuyển vào một bệnh viện lớn, qui mô nhất ở gần nhà một cách khẩn cấp sau khi vợ tôi ký tên trên những văn kiện hành chánh theo đúng thủ tục bình thường. Rồi bốn năm vị bác sĩ nam nữ người Mỹ cùng với một nữ bác sĩ giải phẫu người Việt Nam bu lại chung quanh xác tôi. Tuỳ theo phương vị của từng người, họ đang làm những thủ tục khảo nghiệm. Sau cùng, trên tờ báo cáo y khoa sơ khởi, họ giải thích cho vợ con cùng các anh chị họ hàng trong thân quyến tôi nghe :

- Ông ta bị té đập mạnh đầu vào một viên đá nhọn. Tình trạng hôn mê tê liệt nặng nề nhưng chưa chết vì thân nhiệt vẫn còn, cho nên chúng tôi sẽ cho áp dụng những phương pháp cấp cứu hiện đại nhất để hy vọng giữ được mạng sống của ông ta.

Một hai ngày sau, hồn của tôi cũng chẳng cần ngó ngàng gì tới thân xác cũ của tôi vẫn còn nằm cứng đơ trong phòng hồi sinh với cả chục y sĩ, y tá suốt ngày đêm khám nghiệm, theo dõi, hết sức lo lắng, tận tình. Nhìn thấy vợ con tôi hằng ngày buồn phiền ủ rũ sa sút bên cạnh xác tôi, tôi cảm thấy ái ngại và thương xót họ tận cùng nhưng không thể làm hay nói gì hơn được.

Đã mấy lần tôi đến đứng trước mặt vợ và ôm lấy 2 đứa con đầy yêu dấu của tôi để nói với nàng rằng tôi không có sao cả, tôi lúc nào cũng ở cạnh họ và có lẽ chỉ ít hôm nữa là tôi có thể trở về, nhưng thật là oái oăm, họ không hề nghe được những gì tôi đã nói, cảm được những gì tôi đã làm như là tôi đã ôm từng đứa con, xoa đầu, nắm tay và hôn chúng, giúp cho vợ tôi tránh suýt đi đụng phải một cái cột đèn trong khu « parking lot » của bệnh viện và giúp mở khoá phòng ngủ cho họ lúc trở về đến nhà. Có lẽ vì quá xúc động và còn đang bị ám ảnh về tai nạn chết chóc của tôi nên họ không hề để ý. Thậm chí, hai đứa nhỏ nhà tôi, khi vắng tôi trong những đêm đi ngủ, chúng cứ trằn trọc lăn qua xoay lại trên giường và không ngủ được, tôi đã ôm lấy chúng thì thầm với chúng bên tai như thường lệ thì dường như chúng chỉ cảm được ở trong lòng mà không hề biết tại sao mình đang được an ủi vỗ về, chừng đó mới chịu nằm im rồi chìm dần vào giấc ngủ cho đến sáng hôm sau, nhỏm dậy ngó quanh quất trong phòng, câu đầu tiên chúng hỏi mẹ là :
- Bố đâu ?

Mẹ nó, lệ ướt lưng tròng trên đôi mắt mất ngủ, sưng vù và đỏ hoe vì thầm khóc đã mấy đêm, chỉ nhỏ nhẹ nói :
- Các con dậy sửa soạn tắm rửa ăn uống rồi vào với bố ở nhà thương, nhanh lên, mẹ đã hẹn với bác sĩ ở đó rồi !

Hai đứa con tôi lầm lũi rủ nhau đi vào phòng tắm. Thằng út còn bé, không thể với tay lấy được cái bàn chải đánh răng riêng biệt mẹ nó để ở trên cao nên đang cố gắng nhón gót lên lấy, nhưng bàn tay bé nhỏ của nó vẫn không thể nào với tới được. Cố nhưng lấy không được, cu cậu tức quá cằn nhằn. Tôi đứng nhìn nó mà phát phì cười, vội lấy cái bàn chải đưa dùm cho nó, nhưng hỡi ôi ! Bàn tay tôi chỉ đặt vào không mà thôi, chiếc bàn chải bé nhỏ lọt qua bàn tay tôi như lọt vào khoảng không vô ảnh, tôi cũng chẳng giúp gì được cho con trai tôi dù chỉ là một việc hết sức bình thường như vậy.

Tuy thật gần gũi vợ con cùng tất cả mọi người thân thiết, chia xẻ với họ tất cả mọi điều, nhưng tôi không có cách nào tham dự và làm cho họ nghe, họ thấy được ý mình muốn gì. Tôi nản chí rời khỏi họ và bắt đầu một mình đi phiêu bạt khắp nơi với ý nghĩ tại sao hồn tôi không lợi dụng hoàn cảnh này để chu du mọi nơi, mọi chốn mà lúc sinh thời, mình từng mong ước được đặt chân đến hoặc trở lại những vùng đất cố hương mà đã gần 20 năm qua, vì lưu lạc và sinh kế, tôi đã chưa thể trở về thăm viếng lại. Nhất là cái làng Cồn Tròn hiền hoà bé nhỏ nằm cạnh ven biển thuộc Tỉnh Nam Định miền Bắc nước Việt Nam, nơi mà cho đến bây giờ bao nhiêu hình ảnh cùng kỷ niệm thời thơ ấu thần tiên vẫn còn in dấu trong tâm khảm của tôi.

Những kỷ niệm đẹp đẽ và êm đềm đến độ xót xa mỗi khi tôi hồi tưởng lại hoặc tiếc thầm cho quãng đời thơ dại của các con, các cháu của tôi ở nơi xứ lạ quê người, chúng đã đánh mất hẳn đi nhiều cơ hội được sống và trải qua những ngày tháng bé thơ, những hình ảnh thiên nhiên chân chất vẹn toàn, không hề vương vấn chút gì về những tiến bộ văn minh cơ khí, cho dù so với thời đại của tôi, đời sống vật chất của chúng tôi đầy đủ hơn rất nhiều. Nghĩ xong là tôi quyết định làm theo ước muốn.

Đi Vào Cõi Chết

Nhưng tôi quên chưa kể cho các bạn nghe về những giây phút đầu tiên khi hồn tôi rời khỏi thân xác. Nó thật là hữu ích và mang tính chất khác thường. Hữu ích, theo ý tôi suy luận, là để cho chính tôi hoặc các bạn, sau này nếu có một lần nào đó, trong giờ phút lâm chung hồn phải lìa khỏi xác, thì mình đã biết trước để không bị bỡ ngỡ và làm theo một số qui cách, hoặc chuẩn bị cho một chuyến đi vĩnh cửu, không vướng những phiền bận sau này về một chuyển nghiệp tái sinh.

Như đã kể cho các bạn nghe ở phần mở đầu câu chuyện có vẻ huyển hoặc này. Tôi bị mất trọng lực một cách tự nhiên, rồi gần như không còn cảm thấy bất cứ điều gì nữa. Nhưng thực sự không hẳn là như vậy. Có nghĩa là tôi vẫn còn có riêng ý thức của tôi, vẫn còn biết thật rõ rệt tôi là một thực thể đang bị một sức hút vô hình cuốn đi thật nhanh và thật mạnh, mạnh đến đỗi tôi tưởng không có gì có thể cản lại được. Trong tia nhìn mọi người mọi vật, tôi có thể thấy thấu suốt tất cả mọi thứ được che dấu bằng gỗ, bằng xi măng hay bằng các loại vải vóc y phục trên thân thể mọi người.

Ngay lúc bấy giờ, có khoảng 5 vùng hào quang màu sắc khác nhau với các luồng ánh sáng từ sáu cõi cùng phóng hiện ra ở quanh tôi và dường như vùng ánh sáng nào cũng có một sức hút riêng rẽ, như sẵn sàng để hút lấy tôi và cuốn vào, sau đó sẽ ra sao thì tôi không được biết. Tôi tự hỏi : "đây là những vùng hào quang và ánh sáng gì ? Có nên hoà nhập vào nó ?". Mãi về sau khi được sống lại, tìm đọc các loại sách thông thiên huyền bí, tôi mới có cơ hội hiểu được ý nghĩa của các hào quang và ánh sáng đó như sau :

- Luồng ánh sáng mờ là của Chư Thiên.
- Luồng ánh sáng màu lục mờ là của A-Tu-La.
- Luồng ánh sáng màu vàng mờ là của loài người.
- Luồng ánh sáng xanh mờ là của loài xúc sanh.
- Luồng ánh sáng đỏ mờ là của loài quỷ.
- Luồng ánh sáng xám mờ khói là của địa ngục.


Riêng tôi lại bay bổng, lửng lơ và thoát đi bằng một tốc độ siêu phàm, trôi ra một không gian biệt lập, chỉ có một bên là bóng tối mênh mông và một bên là dày đặc sương mù, cũng mênh mông không kém. Tôi chới với trong cõi không vô tận. Tuy không cảm thấy gì đáng lo sợ, nhưng cũng có hơi chút quản ngại về những giây phút sắp tới của mình.

Bất đồ, tôi như được một sức mạnh đẩy tới vòng bên ngoài chung quanh các vị Trì Minh với vô số các nhóm Không Tiến Nữ (tiên giới). Nào là các vị Không Tiến Nữ của tám chỗ hoả táng, Không Tiến Nữ của 4 giai cấp ta bà, Không Tiến Nữ của 3 nơi tạm trú, Không Tiến Nữ của 30 vị chí thánh cùng của 80 chỗ hành hương, rồi đến các vị anh hùng, nữ anh hùng, các thiên tướng, các thiên thần bảo vệ đức tin nam nữ, mỗi vị được trang sức với 6 món mang trên người : một tấm phướn to lớn hình như làm bằng da người, tàn che và cờ hiệu cũng làm bằng da người. Những vị này vừa đốt mỡ người cho khói bay lên vi vút, vừa mang vô số nhạc cụ và làm cho vang động thiên giới bằng cách khua, đập hay rung các loại nhạc cụ ấy cho chúng phát ra những âm thanh huyên náo, mạnh mẽ đến nhức óc đinh tai. Các vị này cũng nhảy múa theo các nhịp điệu khác nhau. Họ xuất hiện, dường như để nghênh đón những người vừa mới lìa đời, hiền lương hoặc tội lỗi.

Tôi nhìn thấy vô số con người đã có mặt ở nơi tụ hội này. Họ tuần tự đến đây trước tôi, sau tôi liên tục thật đông đảo, đủ mọi màu da sắc tộc, đủ cả giai cấp lớn bé già trẻ giống như một ngày hội cực kỳ lớn ở trên dương trần. Lần lượt, tất cả mọi người được các vị Thiên Tướng nêu trên đón và đưa vào 2 ngõ chính : cuốn hút lên không gian 9 tầng hoặc lao sâu xuống 7 tầng địa ngục, để rồi sau đó sẽ như thế nào thì tôi không có cơ hội được biết.

Các luồng hào quang, ánh sáng vẫn liên tục chiếu sáng, nhã nhạc, âm thanh vang động cùng khắp cõi trời. Từng làn gió mát mẻ quyện theo hương thơm ngào ngạt toả rộng cùng khắp mọi nơi. Tôi đứng nhìn mãi, chẳng thấy ai ngó ngàng chi đến mình, cũng không hề bị cuốn hút vào các luồng ánh sáng ngũ sắc để đi sâu xuống hoặc đi lên một cõi nào đó của tầng trời, tôi đang ở cõi an nhiên tự tại vô cùng, bèn lang thang bồng bềnh xoay chuyển tâm thức về miền tục giới.

Bạn không thể nào tin được hiện tượng hết sức lạ lùng xảy đến cho tôi trong tâm thức như thế này. Đó là, mỗi khi tôi nghĩ đến bất cứ nơi nào, người nào dù còn sống hay đã chết, ở trần gian hay âm giới với ước muốn chân thành tôi muốn được giáp mặt hoặc được hiện diện nơi đó, thì chỉ trong vòng một « séc-na » ngắn ngủi là tôi đã được toại nguyện tức thì, có nghĩa là, nghĩ đến ai, nơi nào hoặc những ao ước về cảm xúc, ngay lập tức, tôi cảm nhận được liền một cách rõ ràng đầy đủ và trọn vẹn hơn cả lúc thường.

Như tôi đã kể cùng các bạn rằng lúc còn bình thường ở dương trần, tôi vẫn nuôi một ước vọng là được trở về thăm lại làng Cồn Tròn của tôi ở tận Bắc Việt, nơi chôn rau cắt rốn cùng những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi ấu thơ. Tôi cũng đã được về, chỉ trong khoảnh khắc. Nhưng tôi đã thất vọng não nề vì làng cũ còn, nhưng cảnh làng sau hơn 40 năm dâu biển, chẳng còn chút gì là dấu tích năm xưa. Tôi đã cố gắng vận dụng tất cả tiềm thức để cố tìm lại một vài di tích, địa thế trong làng thì tôi đã làm được điều đó. Như con sông nhỏ chảy quanh trong làng ra một cái lạch lớn thì đã bị lấp bằng từ thuở nào.

Bên cạnh con sông nhỏ về hướng Tây Bắc, có cây đa gốc bự cả chục người ôm là cơ ngơi gia phả của cha mẹ tôi hồi trước với một ngôi nhà chính 5 gian, có bàn thờ Thiên Chúa ngự trị trang trọng ở giữa nhà, 2 bên là những phòng ngủ có cửa sổ nhìn ra cái sân lót gạch màu đỏ khang trang, gồm một cái bể lớn chứa nước mưa mát lịm dùng để ăn uống cho cả nhà quanh năm không bao giờ cạn, có những cây cau già cao ngất ngưởng, cạnh đó, là một dãy nhà ngang nối liền nhà trên với nhà dưới gồm có bếp, nhà kho, nhà cho các anh chị gia đinh cư trú, ở trong nhà và bên ngoài khu vực đó là chuồng nuôi heo thành giống như một cái hình chữ U. Sau dãy nhà bếp là một vườn cây xum xuê hoa trái quanh năm với một hàng rào tre trúc ngập lá vàng.

Chính ở hàng rào tre trúc này là thiên đường thơ ấu của anh chị em chúng tôi suốt thời kỳ thơ ấu với những giấc ngủ trưa hè êm đềm thơ mộng hoặc là chỗ trốn bắt chơi đùa, nghịch ngợm. Cũng là lối đi riêng biệt kín đáo để trốn tránh cha mẹ, do anh chị em chúng tôi tự làm lấy để có chỗ đi về nhà mỗi khi phạm lỗi, chúng tôi bị la mắng, có khi ôn bài học hay cùng ăn và ngủ chung nhau cũng chính ở nơi đây, dưới gốc cây sung thật sai trái năm nào.

Phía sau nhà là cái ao mênh mông của cha tôi nuôi và dụ bắt cá vào ao trong những mùa nước lũ hàng năm từ một cánh đồng ngay đó chảy vào. Đến thời kỳ di cư vội vã, cha tôi đã thả xuống ao biết bao nhiêu lư đỉnh thau đồng mâm bạc quí giá, là những tài sản mồ hôi nước mắt của gia đình và tài kinh thương của ông thì nay cũng chẳng còn, giờ chỉ là bình địa với một nhà máy chế tạo muối từ nguồn nước biển ở cạnh trong làng mọc lên.

Thậm chí đến ngôi giáo đường cổ kính với tháp cao, ngạo nghễ giữa bầu trời, nơi anh em chúng tôi và lũ trẻ trong làng leo lên đó đánh đáo bắt chim, nghe tiếng sáo diều, nay cũng đã thay đổi. Gác chuông đã bị sập từ năm nào và giáo đường thì tiêu điều hoang phế. Dân trong làng, cố nhiên, tôi không thể nào biết được một ai, thành ra xa lạ hết, chẳng bù với bốn chục năm xưa, niềm thân ái với tất cả mọi người trong làng đã trở thành một sợi dây thân tình gắn bó, không chuyện gì vui buồn sướng khổ xảy ra mà ở nhà này mà nhà kia không biết, để chia xẻ, ủi an. Bờ biển năm xưa bằng phẳng với những hàng thông chạy dài trên bãi cát trắng phau trải ngập lá thông khô sù sì, giờ bỗng mọc lên những cây cầu tân lập chạy xa ra ngoài biển dùng để tiếp nhận và chuyên chở hải sản ...

Hồn Về Thăm Sài Gòn

Ngao ngán trong lòng với giấc mộng về thăm quê cũ, tôi bèn nghĩ đến một quê hương thứ hai "Sài Gòn" thì ngay lập tức tôi đã đứng giữa bùng binh của chợ Sài Gòn có công trường Quách Thị Trang. Tượng Quách Thị Trang cũ nay không còn, thay vào đó là một cái "kiosque" với đầy khẩu hiệu mang những ý nghĩ kỳ cục ở chung quanh. Không khí bụi bậm, ồn ào và ngộp thở giữa ánh nắng chói chang của mùa hạ với những cơn mưa bóng mây ào xuống bất chợt ... Đường phố nhà cửa cũ kỹ tiêu điều với phần lớn là xe đạp, xe gắn máy dầu, xe hơi chen chúc nhau bò qua lấn lại, nhớp nhúa ghê hồn.

Ngắm làm gì cái phố xá hỗn tạp và nghèo nàn tả tơi này. Tôi nghĩ đến con đường Trương Minh Giảng khi xưa. Tìm mãi mà cũng không thấy tên đường nào như vậy, dù chính đây là cây cầu bắt ngang con lạch nước đen ao tù, nối liền Trương Minh Giảng với đường Trương Minh Ký về hướng nhà thờ thánh Thomas, nhà thờ Tân Sa Châu, Lăng Gia Cả rồi đến khu phi trường. Tôi không thể nào lầm lẫn hay quên những địa điểm này được. Nhưng tên các con đường nay đã được đổi thành tên các chiến sĩ anh hùng của chế độ mới. Chính vậy mà tôi ngỡ đã bị lầm.

Căn nhà lầu của gia đình tôi xưa kia nay vẫn còn đó, nhưng kiểu cách, màu sơn căn nhà cũ nay đã thay đổi hoàn toàn. Nơi đây, cha mẹ tôi đã, cách nhau khoảng 3-4 năm thở hơi cuối cùng với một nguyện vọng được trông thấy mặt tôi lần cuối, nhưng tôi đã không về trong giờ các Cụ lâm chung. Cha mẹ tôi, dù đã được ơn chết lành giống như người say ngủ theo như thư từ hình ảnh mà các em tôi gởi sang Mỹ cho tôi trước đây, dù sao, lúc về trời, các cụ cũng không khỏi ngậm ngùi vì không được thấy mặt tôi lần cuối, đứa con trai mà hai Cụ thương yêu và đặt nhiều kỳ vọng nhất trong gia đình.

Ngay tức khắc, tôi đảo mắt đi tìm hình bóng hai Cụ trong âm giới, nhưng nào thấy đâu. Tôi định bụng sẽ đi kiếm vị phán quan giữ sổ thiên tào để tìm ra cha mẹ sau khi thăm viếng gia đình các em các cháu của tôi.

Tôi liên tưởng ngay đến phía trong căn nhà thì thấy cô em gái của tôi, nay đã là một bà già thật sự với số tuổi trên 40 một vài năm gì đó, đang ngồi trên võng với một đứa trẻ còn phải ẵm trên tay. Tôi biết đứa trẻ này là cháu nội của Thư, cô em gái ngang ngược của chúng tôi ngày nào ...

Cô Thư với đứa cháu Nội, con của thằng cháu Thăng (con trai trưởng vợ chồng Thư) kháu khỉnh và đẹp như thiên thần đang đong đưa à ơi trên võng. Còn chồng của Thư, chú Thịnh thì đang mải miết với cái tiệm làm xe đạp ở gần khu Lữ Gia Phú Thọ. Chú Thịnh, lúc này trông cũng tươi tốt với cái hàm râu quai nón, đang "điều binh khiển tướng" trong phân xưởng chế tạo của mình. Thằng cháu Thăng thì giờ đây đã là một ông kỹ sư chuyên môn về trồng trọt. Vợ nó, một cô gái tuổi ngoài hai mươi cũng khá xinh đẹp và trẻ trung, cũng đang tíu tít bận rộn trong một ngân hàng.

Còn chú Khoa, em trai kế của tôi, có vợ đã sang Mỹ với tôi, đi cùng tàu với 2 đứa cháu trai là con chung của Khoa, nhưng nay vợ Khoa đã bỏ nó đi lấy chồng khác người Hawaii, bỏ Khoa ở lại Việt Nam. Khoa cũng đã lấy một cô gái trẻ đẹp từ Hà Nội vào Nam. Hai vợ chồng Khoa xem ra cũng hạnh phúc, công việc làm ăn có vẻ là một anh nhà giàu với hai ba cửa hàng bán đồ điện tử, máy hát.

Tôi nhìn thấy vợ chồng chú ấy, nhưng cả hai lại rất vô tình, không đếm xỉa gì đến tôi lúc đó với tâm trạng thật nôn nao khó tả vì được gặp lại những người thân yêu.

Tôi liên tưởng đến người bạn thân, anh Nguyễn Đình Kính nhà ở số - đường Hai Bà Trưng - Tân Định. Giờ đây Kính đã nghiễm nhiên là một ông trung niên râu tóc bạc phơ um tùm, trông y như một ông Tây mũi tẹt, anh đã lấy lại phong độ của một ông công tử khi xưa với cửa hàng gia truyền chuyên làm nệm da ghế cho xe hơi các loại.

Tôi nhớ lại tất cả kỷ niệm năm xưa với gia đình người bạn chí cốt này cùng 2 cô em gái tên Hồng và Hạnh. Hồng thì đã đi tu ngay từ năm học xong đại học. Còn Hạnh thì nay cũng đã hết giận tôi, nàng vẫn giữ nguyên nhân dáng của một cô chủ nhà, tiểu thư và đài các, trên đôi mắt long lanh ngấn lệ thuở nào nay còn vương in nỗi buồn vạn cổ, thân thể của Hạnh chỉ hơi đẫy đà và vết sẹo trên lưng vì đạn pháo kích hồi Tết Mậu Thân nay chỉ còn lại một vết mờ trên tấm lưng tròn trịa, trắng mềm như tuyết, khiến tôi không dám để mãi tầm mắt âm lực có thể trông thấy thấu suốt mọi loại y phục che thân của con người trên thân thể lồ lộ của Hạnh.

Tôi nhìn Hạnh mà nghe tâm tư xao động với những kỷ niệm tình ái hiện về. Thôi, Hạnh ạ ! Âu cũng là duyên mệnh phù du. Dạo ấy, tôi vừa mới ra trường quân sự, người ngợm đen như hòn than, đầu tóc nhẵn thín như vị sư, hướng đời chưa biết dọc ngang may rủi bởi chiến tranh sẽ như thế nào. Chỉ vì tội nghiệp Hạnh nên tôi làm tuồng, giả vờ cứng cỏi, từ chối hôn nhân với nàng theo lời đề nghị của cha mẹ tôi và gia đình của Hạnh. Nàng giận tôi, buồn riêng suốt nhiều năm tháng cho đến lúc tôi đến được Mỹ đã gần 4 năm. Kính báo tin cho tôi biết Hạnh đã lấy thằng Hoàng, con trai cụ Cử Phán, hắn là một luật sư, nay đang là cố vấn pháp luật cho nhà nước đương thời, nhưng 2 vợ chồng Hạnh, Hoàng không sanh được đứa con nào hết.

Tôi và Kính đều hiểu rõ lý do tuyệt tự này từ lúc thằng Hoàng còn đi học. Nó ỷ nhà giàu, ăn chơi hoang đàng chi địa, bị bịnh và sẽ không thể có con. Nhưng nó dấu Hạnh, không cho Hạnh biết lý do này cho nên Hạnh chỉ buồn vì không có con mà không hề biết tại sao vợ chồng nàng lại hiếm muộn như vậy, suốt đời nàng cứ đi hì hục khấn vái, mà trời đất lại chẳng động tâm. Tôi nhìn thằng Hoàng dâm tặc đang ngồi trong văn phòng riêng tại toà án với đám nữ thư ký xoắn xuýt hai bên, đã biết hắn từng làm cho Hạnh khổ sở thật nhiều. Tôi trừng mắt nhìn hắn, tiến lại định cho hắn cái tát nên thân, song khổ nỗi, tôi vốn chỉ là một hồn ma vô hình, tôi không thể nào làm được bất cứ chuyện gì cần đến dương lực của một con người trên trần thế.

Tôi tiến lại chỗ Hạnh đang ngồi hong nắng. Tấm thân Hạnh trắng ngần, gương mặt êm đềm với đôi mắt đen đậm buồn suốt kiếp. Cô người ở từ trong bưng ra một tách trà nghi ngút khói, đặt trên chiếc bàn lim bên cạnh cây đàn dương cầm của Hạnh, rồi khép nép bước vào nhà trong. Tôi đứng trước mặt nàng, lòng rộn lên bao nhiêu là xúc động. Bỗng Hạnh có ý đứng lên. Tôi tự chế không dám động tĩnh gì, bèn đến bên Hạnh thì thầm nho nhỏ :
- Chào Hạnh anh đi. Rồi tôi hôn nhẹ lên mái tóc Hạnh ướp đẫm hương trầm của tôi ngày nào.


Phán Quan Cõi Âm Nói Chuyện Quả Báo

Rồi tôi nghĩ đến việc phải đi tìm cha mẹ.

Bỗng một vị phán quan hiện ra trước mặt, sửng sốt ngó tôi :
- Tại sao anh còn ở lại chốn này ? Số của anh chưa đến ngày đến tháng, chỉ là một sự lầm lẫn của người giữ sổ thiên tào mà thôi. Hãy mau trở về, vợ con anh và mọi người đang bấn loạn vì không biết phải xử trí ra sao với cái xác của anh vẫn còn hơi nóng.

Tôi khúm núm trình rõ sự tình cùng ước nguyện truy tìm tông tích của cha mẹ. Vị phán quan già chậm rãi nói với tôi :
- Người cha già mà anh đang đi tìm đó chính là thằng con út của anh bây giờ. Ông già của anh trong giờ chết, vẫn còn quá nhiều luyến ái vì chưa được gặp anh. Sau khi cứ lần lữa mãi không chịu đi, thiên tào đã cho ông ta đầu thai làm con trai của anh để cho thoả lòng thương nhớ.

Tôi ra vẻ không tin. Vị phán quan ôn tồn :
- Anh hãy trở về nhập lại thân xác rồi xem kỹ trên cánh tay phải và chỗ thiên căn trên đỉnh đầu của con anh, sẽ có in những dấu tích của cha anh khi còn sinh tiền. Còn bà mẹ anh, nhờ hiện nghiệp suốt đời khổ hạnh và chay tịnh, bố thí làm phúc nên bà ta đã thoát ra khỏi vòng luân hồi tử sanh, hiện bà ta là tiên nữ ở cõi thứ sáu của tầng trời. Anh không còn cơ duyên gặp lại nữa.

Tôi muốn nhân cơ hội hy hữu này nấn ná trò chuyện với vị phán quan để tìm biết thêm về một số điều bí ẩn của con người còn tồn tại ở trên dương thế. Vị phán quan bắt tôi phải hứa không được tiết lộ qui luật nhà trời và ông đã cho tôi được biết riêng rất nhiều điều hết sức quý báu. Những điều đó thật ra, khi còn tại thế, không những tôi mà muôn triệu người khác đã thấy, đã đọc nhan nhãn trong các bộ kinh Phật, kinh Chúa cả rồi. Chỉ có điều là con người quá ư là ngạo mạn, miệt thị cả thánh thư cho nên rất nhiều người có đời sống mà xem như đã chết, có đọc đó mà chẳng hiểu biết, mở mang được điều gì cho phần tư duy thánh thiện rồi cứ như một dòng sông chảy xiết chẳng có lúc ngừng để gạn lọc cho đến ngày tận số về trời, lãnh lấy những nghiệp báo của đời sau.

Chỉ sang những cửa ngục đoạ hình, vị phán quan phân giải cho tôi thấu hiểu từng loại tội phạm với những khổ hình đau khổ, kể sao cho xiết. Tôi nhận được nhiều khuôn mặt nhân dáng thân sơ. Tôi nhớ ra được rõ rệt từng thành quả của họ đã tạo nghiệp ở đời. Có người tôi ngỡ ăn ngay ở lành, thì tại nơi đây, họ đang cam tâm thọ án. Chả là vì khi còn sống, những người này quá khôn khéo che đậy những tội ác của họ mà thôi.

Lại có những người trước đây tôi có định kiến, xem họ là những người xấu, ở nơi đây họ lại là những hồn lành, hưởng phước đời đời nếu họ không còn trong vòng tử sinh tái kiếp, chỉ vì họ là những người trung trực không hề gian dối che lấp những ý nghĩ và hành động thật sự trong lòng.

Nhưng đa số những vong hồn khi còn sống là những kẻ thất thế nghèo nàn, sa cơ lỡ vận, thường bị những hàm oan thống khổ, khi về trời, họ lại được đền bù và an ủi bằng tất cả ân phước của đấng tối cao.

Vị phán quan nhìn tôi chằm chằm :

- Thấy rồi thì nên sám hối, không được tự dối chính bản thân ngươi. Nếu không ngục tối cực hình dành cho nhà ngươi không phải là điều không thể có. Hãy mau quay gót trở về.

Lòng tôi cảm động bồi hồi. Hứa với phán quan sẽ quay về nhập xác, trở lại dương trần cam tâm đền trả cho hết kiếp phàm nhân sau khi cố nài nỉ xin được ít phút giây tìm lại những người quen biết đã lìa đời. Phán quan vui lòng chấp thuận. Tôi cúi đầu lạy tạ để đi ra.

Hồn phách tôi siêu thăng đến khắp cõi ta bà, lâng lâng thanh thản, nhẹ nhàng tựa như sương khói không chút vướng bận suy tư. Trong suốt khoảng thời gian này, tôi không hề còn lại chút gì thuộc trạng thái vui buồn khổ ải, ưu tư của suốt bằng ấy năm tháng đằng đẵng với kiếp làm người, cũng không hề bận tâm về con đường sinh, lão, bệnh. Chỉ có mỗi một niềm thanh nhẹ hân hoan vui vẻ tận cùng. Liên tưởng đến đâu, nơi đó đã hiện ngay ở trước mặt rồi. Ao ước điều gì hạnh phước gì nó đã xảy đến ngay trong tiềm thức hư vô. Ngôn ngữ và cảm giác nơi đây là ngôn ngữ và cảm giác được kinh qua bằng một cách thức vô hình. Chỉ cần có sự ước ao đã hẳn nhiên biến thành sự thật tức thì.

Tôi đã gặp được hầu hết những người quen biết thân sơ, cả những cá nhân tôi chỉ nghe tăm tiếng của họ lúc sanh tiền mà chưa bao giờ có cơ hội thân thiết. Tất cả đều có mặt nơi đây.

Nhưng tuỳ theo mệnh nghiệp của từng người. Ở chốn này, có người thì quằn quại thọ phạt khổ hình. Sau đó, sẽ bị đoạ làm kiếp tái sinh, tuỳ theo phước báu, công tội lúc sinh thời.

Có rất nhiều người khi sống, phải cam chịu nghèo khổ lam lũ nhọc nhằn, hoặc từng bị những hàm oan đố kỵ, nhưng vẫn nhất mực cam tâm, không kình chống lại hiện nghiệp mệnh trời. Nay họ là những chư liệt vị thuộc giới chư thiên cao cả, hạnh phúc tột cùng, bay bổng nhẹ nhàng với thiên đường trăm hồng nghìn tía, nhởn nhơ nhàn nhã ung dung, đàn ca múa hát đúng thật là cảnh giới viên mãn siêu thăng tịnh độ của cõi Thiên Đường.

Có những vong hồn nam nữ dung mạo no đầy rượu thịt, thú tính dâm ô, mưu thần chước quỷ, hãm hại đồng loại chúng sanh để thu tóm bổng lộc uy quyền, vơ vét cái ăn cái mặc, cùng bao nhiêu danh lợi vốn là của chung đem về cho riêng mình, cùng những tật xấu xa đê tiện, ngôn khẩu giết người, dèm pha đố kỵ, lợi dụng trí lực, hành hạ đồng loại, họ đang bị quằn quại bi thương, bị banh da lóc thịt, rên xiết kêu khóc đêm ngày, ăn uống thì được cho ăn như loài ngạ quỷ, toàn là thịt hôi thúi máu thiu, diện mạo kinh khiếp khác hẳn lúc thường ... Thân thể thì loã lồ ngày đêm dòi bọ đục rữa, nhất là với những vong hồn có tiền kiếp dâm ô, đĩ điếm, dối gạt quanh co.

Phán quan cho biết, của cải thực phẩm cùng hạnh phúc là của chung nhân loại. Tại sao xảy ra cảnh kẻ giàu người nghèo ? Tại sao có nạn người uy quyền kẻ nô lệ. Những người này đã dùng mưu thần chước quỷ, phế bỏ luật trời, nên bây giờ sau khi chết, họ phải trả quả và sẽ bị đoạ vào hậu kiếp tái sinh, họ sẽ phải làm loại súc sanh đê tiện, làm thân trâu ngựa hùm beo rắn rít vì những tội lỗi tham dục tàn nhẫn tạo nghiệp trên đời.

Trở Về Nhập Xác

Trước bối cảnh kinh hoàng như vậy, hồn tôi bỗng lạc vào một vầng sáng màu vàng nhạt mênh mông lai láng. Tai thoáng nghe những âm thanh quen thuộc của mấy chục năm làm người. Tôi lại nhìn thấy xác của tôi trong một căn phòng hồi dưỡng với năm sáu người mà tôi đã trông thấy họ ở thế giới bên kia. Họ đã chết thật rồi vì tôi đã thoáng nhìn thấy họ bị cuốn sâu vào từng luồng ánh sáng vô biên, đi mãi ngàn năm và không thể trở lại được nơi này, còn tôi thì tự nhiên bị đẩy bật ra khỏi sức hút của những luồng ánh sáng đó, đi phiêu bạt đó đây rồi được phán quan khuyến cáo phải trở lại gấp nơi này để nhập xác.

Nhưng tôi tự tìm mãi mà không thấy được cửa sinh tử môn nằm giữa đỉnh đầu thì làm sao tôi có thể nhập vào thân xác ? Đợi mãi cũng chẳng làm được gì vì cửa sinh môn đang bị bịt kín bởi một cái nón có trang bị những dụng cụ duy trì sự sống cho cái xác của tôi. Tôi nhìn thấy một cái cửa phụ nằm ở kẽ xương quai hàm bên vai trái, tuy nhỏ và rất đau đớn khi hồn tôi nhập vào, nhưng còn cách nào hơn cơ chứ !
Nắng ngoài sân bệnh viện đã lên cao. Hàng ngàn tiếng lao xao báo hiệu một ngày làm việc tất bật của khu bệnh viện lớn lao này. Vợ và hai đứa con của tôi thì đang ngồi đợi chờ ở "front-desk" trong bệnh viện, họ đến để tiếp tục kiên nhẫn ngồi canh bên cạnh cái xác còn nóng hổi của tôi.

Dường như hôm nay là thời hạn chót để các vị bác sĩ chuyên khoa về tử thi họp bàn quyết định về số phận của cái xác không hồn này. Chính nhờ vào những tiến bộ của khoa học mà ngoài nhiệt độ duy trì cho cái xác thoi thóp sống, nó còn không bị thối rữa như những xác chết bình thường sau chừng 5 ngày cho đến hơn một tuần lễ.

Xem lại lối vào chỗ khớp xương quai xanh một lần nữa rồi tôi vận hết sức, dùng nội lực để len vào. Một cảm giác đau đớn tận cùng toả khắp hồn tôi trong một khoảnh khắc nhanh chóng. Thoát nhiên, cảm giác đau đớn đó chuyển động và chạy ran khắp cái thân xác đang nằm bất động ở trên giường.

Trạng thái đầu tiên tôi ghi nhận được khi hồn tôi trở về với thân xác cũ đã nằm bất động gần trọn một tuần là cơn buồn phiền ngột ngạt và còn có một sức nặng nề ghê hồn trì kéo nặng nề trên toàn thân thể. Tôi như bị kềm hãm trong một cái khuôn không cách thoát ra được. Sau đó là xúc giác đau đớn trĩu nặng ở trên đầu, phía sau ót. Tôi nhớ lại rồi. Điều này không có gì là khó hiểu. Đó chính là vết thương sau sọ chưa thực sự lành lại sau khi được các vị tây y chữa trị và khâu lại vết nứt bên ngoài.

Sức trì kéo nặng nề tôi vừa kể vẫn bao phủ trong toàn thân tôi. Ngoài sự đau đớn ở vết thương trên đầu, tôi cảm thấy toàn thân như rũ liệt, rồi cơn đói bổ đến cồn cào. Bao tử của tôi hoàn toàn trống rỗng sau nhiều ngày được các y sĩ tẩy uế. Thân thể của tôi chỉ được dinh dưỡng bằng những phương thức vật lý y khoa trị liệu cho nên giờ đây nó bắt đầu làm việc với những đòi hỏi cấp bách nêu trên.

Ngước đôi mắt mệt mỏi nhưng vô cùng tỉnh táo nhìn lên trần phòng với những hộp đèn néon trắng dịu, tôi vẫn nhớ như in chuyến hành trình thần tiên vừa qua từ cõi âm đầy khác lạ trở về. Linh hồn tôi không có dấu hiệu hoặc dư vị nào của thương tích, vẫn mạnh mẽ bình thường. Nhưng cái xác của tôi thì thật sự yếu đuối, bởi nó bị thương và bất động đã mấy ngày qua. Vận dụng nghị lực, tôi cố nhổm người lên, đảo mắt nhìn chung quanh căn phòng hồi dưỡng im lìm với những thân người nằm ngay đơ bên trong làn vải trắng. Hình ảnh này tôi đã thấy ban nãy khi tôi trở về, nên không lấy gì làm lạ.

Tôi còn có thể đoán chắc, có hai cái xác, một ở cuối phòng là một cô gái người Mỹ và một là người đàn ông gốc Do Thái đang nằm cách tôi hai xác nữa. Cô gái Mỹ bị lăn té trên thang lầu và người đàn ông Do Thái thì bị nghẽn mạch máu. Họ bị "chết giả", bị hôn mê, và họ cũng sắp sửa "trở về", sắp sửa hồi tỉnh giống y như tôi vừa mới hồi tỉnh. Tôi từng nhìn thấy họ ở thế giới bên kia. Cơn đói trần gian khiến tôi vô cùng khổ sở và liên tưởng ngay đến thói quen bó buộc phải ăn uống của người trần. Tôi mong vợ con tôi thật chóng trở vào để giúp tôi trở về nhà cũ. Mùi nhà thương khiến tôi ngộp thở lắm rồi, lại còn bị hành hạ bởi những cơn đau đớn và cái đói kỳ khôi.

Ngay lúc đó, ổ khoá lách cách kêu lên. Cánh cửa phòng hồi dưỡng mở ra. Tôi thấy bóng dáng vợ tôi ủ rũ và rất mệt mỏi bước vào, đi cùng với người gác nhà thương và một hai gia đình người Mỹ khác. Tôi cố gắng nhúc nhích để cho vợ tôi biết rằng tôi đã hồi tỉnh, đã "trở về" mới đúng. Quả nhiên, nàng nhận ra ngay và oà lên khóc um sùm vì quá mừng rỡ khiến người gác phòng hồi dưỡng hiểu ra ngay rằng có một xác chết đã 5, 6 ngày nay bỗng hồi sinh.

Ông ta chụp lấy cái điện thoại ở trên tường và thông báo ngay lập tức cho vị y sĩ trực hôm đó là một nữ bác sĩ người Trung Hoa. Bà ta cùng 4, 5 vị bác sĩ đàn ông khác xuống tận chỗ, khảo nghiệm lại "tử thi" hồi sinh của tôi rồi ra lệnh cho y tá đẩy chiếc giường của tôi trở lại phòng cấp cứu hôm nào để làm không biết bao nhiêu là thử nghiệm khác để xác nhận rằng thể xác của tôi đã hoạt động lại hết sức bình thường, ngoại trừ vết thương trên đầu cần được tái khám đúng hẹn và phải uống thêm thuốc trong một vài ngày nữa ở nhà thương.
Đợi đến lúc không còn ai hiện diện, tôi nói quả quyết với vợ tôi :
- Anh không có sao cả. Chỉ hơi nhức đầu và mệt mỏi mà thôi. Em cố gắng tìm đủ mọi cách đưa anh về nhà, khung cảnh và mùi vị nhà thương làm cho anh sợ lắm. Đi đi em ! Đi tìm bà bác sĩ người Tàu năn nỉ bà ta chắc sẽ có kết quả.

Cuối cùng vợ tôi đã đạt được sự thành công với điều kiện nàng phải ký giấy cam kết, chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc này. Tôi gật đầu ra dấu cho nàng cứ ký giấy cam kết. Sau đó, vợ tôi dìu tôi đứng dậy khoác hai tay tôi lên vai 2 cô y tá đỡ tôi ngồi lên chiếc xe lăn, rồi đẩy tôi ra xe đã được nàng lái đến đậu sẵn tại cửa chánh bệnh viện để trở về nhà.
- Thật là một phép lạ vô thường vì lời khấn nguyện van vái thần linh Chúa Phật liên tiếp nhiều ngày đêm của em và 2 con cho anh được thoát khỏi tai nạn ngặt nghèo và quả là linh hiển. Em đã được các vị thần linh nhận lời, anh đã hồi tỉnh.

Tôi im lặng nhìn dáng vẻ của vợ tôi nghiêm trang thành khẩn kể lại những gì mà nàng đã tận sức để níu kéo lại đời sống của người chồng đầu ấp tay gối. những ý nghĩ của tôi thì giữ kín trong lòng không nói gì với nàng cả. Tôi không nỡ làm tiêu tán đức tin thánh thiện của nàng đối với các đấng bề trên. Bởi tôi đã bị chết đi và sống lại một cách tình cờ, không phải vì thượng đế không linh hiển mà chỉ vì định mệnh cuộc đời của tôi chưa đến lúc phải ra đi. Thần linh không hề can dự vào số phận của một đơn vị quá bé nhỏ là tôi.

Đó chỉ là một tai nạn bất ngờ để cho tôi có một cơ hội bằng vàng đi về bên kia thế giới, thăm thú, và tìm hiểu xong rồi lại được trở lại trần gian để đi hết kiếp người.

Tôi thầm cảm tạ ơn trời ở điểm, số tôi chưa đến, còn được sum vầy đoàn tụ với vợ con để mà kiểm chứng thêm những hiểu biết về cõi âm luôn luôn mang tính cách bí mật muôn đời. Ngoài điều này ra, cõi phàm trần thực chẳng có gì đáng để cho tôi cần phải luyến tiếc đến nỗi chuốc lấy ngàn vạn khổ đau. Vì có mấy ai chịu chấp nhận một sự thật là cuộc sống chính là con đường đang được rút ngắn để trở về, trở về chốn quê hương vĩnh cửu, xoá sạch những vướng vít, nợ nần với thế gian.

Sáng Suốt ?

Người Buôn Gió 2009/10/26

Người nông phu ở nước Vệ đưa vợ đi sinh đứa con đầu lòng, đến nhà thương bị bọn lương y ăn lộc của triều đình gây khó dễ. Nạt nộ hành hạ, hiểu ý nông phu đưa bạc đút lót. Chật vật mãi rồi cũng sinh được con. Do bọn lương ý tắc trách đứa bé bị viêm phổi từ mới sinh, ho hen suốt. Nuôi nấng thật cực nhọc. Kẻ ấy mới than rằng :
- Đến đứa bé mới lọt lòng, nhân chi sơ tính bản thiện. Mới chào đời đã phải gặp cảnh nhiễu nhương, liệu sau này có nguyên bản thiện được không ?

Lời ấy đến tai học giả triều đình nhà Vệ, bọn học giả ấy nói rằng :
- Xã hội nào mà chả có mặt nọ, mặt kia. Phải cố gắng vượt lên, trưởng thành để xây dựng đất nước phồn vinh mới là người có ý chí.

Kẻ nông phu nuôi con đến ngày cắp sách tới trường. Thầy giáo ăn lương triều đình, lúc dạy ở trường thì dấu nghề. khi dạy thêm ở nhà mới dùng ngón nghề ra. Lại giao những bài làm ở trường giống bài dạy thêm ở nhà, học trò đứa nào đi học thêm của thầy thì làm tốt, đứa không đi bị thầy cho điểm kém. Hiểu ý nông phu nai lưng ra làm cho con đi học thêm của thầy. Rồi đủ loại phí xây trường, tham quan, thăm hỏi, quỹ này nọ. Nông phu than rằng :
- Tiên học lễ, hậu học văn. Trẻ con đến trường cốt học đạo làm người trước sau mới trau dồi kiến thức.Giờ lễ toàn là lễ vật, liệu học thế này có thành người tốt hay không ?

Học giả triều đình nhà Vệ vốn toàn kẻ ngồi không một chỗ mà uyên bác, không nỡ trách nông phu hạn hẹp trình độ, mới dạy bảo rằng :
- Xã hội nào chả có mặt nọ, mặt kia. Đi học phải biết gác bỏ những thứ tiêu cực đó mà tiếp thu kiến thức, ấy mới là rèn luyện bản lĩnh.

Nông phu nuôi con ăn học mười mấy năm rồi cũng xong. Đứa con đi làm gặp cảnh tham nhũng, hối lộ, bè phái. Kiến thức chả dùng được vào việc gì vì ở chốn công sở nước Vệ người ta cần dùng những người biết khéo léo, gian dối, hùa theo để trục lợi chứ không cần người có kiến thức. Đứa con than rằng :
- Thế này làm sao mà đóng góp gì cho đất nước được.

Nông phu bấy giờ cũng đã uyên thâm chả kém gì bọn học giả nước Vệ, nói với con rằng :
- Thôi con ạ, mình khéo léo làm sao để tốt cho bản thân mình, cốt để có bổng lộc cho thân mình sướng là được rồi. Chuyện đất nước phát triển có triều đình lo. Con cứ làm theo lời các quan trên, vừa ổn định nền tảng chính trị xã hội, vừa có miếng mỏ về nhà thế không phải là bậc trí giả hay sao ?

Chuyện nhà nông phu đến tai đại thần tuyên huấn Tôn Dưa, ngài nói với các học giả rằng :
- Nông phu ấy thật là hiểu lẽ sống trên đời, nếu ai cũng như vậy thì đất nước ta mới có cơ hội phát triển.

Lời đại thần Tôn Dưa lọt ra ngoài dân gian. Nhiều người tò mò mới đến tìm nông phu tìm hiểu lẽ sống ở đời là gì. Nông phu nói rằng :
- Ở nước Vệ này đơn giản biết triều đình sáng suốt, mà triều đình sáng suốt thì chính sách ban ra cũng tất nhiên là sáng suốt. Những người răm rắp làm theo chỉ thị sáng suốt thì hẳn là người sáng suốt. Còn phản biện, hoài nghi, xét đoán hẹp hòi tất chỉ là bọn kém sáng suốt.

Quan tuyên huấn nước Tề sang Vệ truyền kinh nghiệm giáo dục tư tưởng, khi về kể lại chuyện người nông phu nước Vệ dạy con. Tề Bá Vương nghe xong cười sằng sặc vỗ ngai mà nói :
- Để ngày hôm nay người Vệ phải dạy con như thế, há người Tề ta không phải là sáng suốt hay sao ?

Quan hệ Hoa Kỳ - Ba Lan: Bài học khi chơi với cường quốc

Lê Diễn Ðức
(Viết riêng cho Người Việt)

Ðêm 20 Tháng Tháng Mười, năm 2009, chiếc máy bay Air Force Two chở Phó tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden hạ cánh xuống sân bay quân sự Okecie, thủ đô Warsaw, mở đầu chuyến công du bốn ngày tại các nước Ba Lan, CH Czech và Romania.

Phó Tổng Thống Joe Biden tới đây mang theo thông điệp mới của chính phủ Hoa Kỳ nhằm trấn an dư luận các nước cựu cộng sản Ðông Âu, sau khi Hoa Kỳ, vào ngày 17 Tháng Chín, 2009, quyết định hủy bỏ kế hoạch lá chắn chống hỏa tiễn tại Ba Lan và CH Czech. Vì vậy chuyến công du mang ý nghĩa lớn trong chính sách đối ngoại của Tổng Thống Obama với khu vực này.

Quyết định kỳ lạ

Vào đúng giữa đêm, giờ Ba Lan, ngày 16 Tháng Chín, 2009, Tổng Thống Obama gọi điện thoại cho thủ tướng CH Czech, sau đó cho thủ tướng Ba Lan, thông báo Hoa Kỳ từ bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn tại hai nước.

Thủ Tướng Donald Tusk đã không nói chuyện với Obama và đề nghị ngày hôm sau. Sau này, ông giải thích rằng, ông không thể tiếp nhận một vấn đề quan trọng như thế khi chưa hội ý với các cố vấn và ngoại trưởng.

Người ta nói, có thể lúc ấy Thủ Tướng Tusk làm động tác trì hoãn, bởi vì 17 Tháng Chín, là ngày lễ kỷ niệm 70 năm quân đội Liên Xô xâm chiếm Ba Lan. Cuộc tấn công vào Ba Lan nằm trong thỏa thuận bí mật giữa Liên Xô và Ðức Quốc Xã theo Hiệp ước Rribbentrop-Molotov, ký ngày 23 Tháng Tám, 1939, hai tuần trước khi Ðức đánh Ba Lan, mở màn Ðệ Nhị Thế Chiến.

Ngày 17 Tháng Chín là điểm mốc của trang sử bi thảm mà dân tộc Ba Lan trải qua với tổn thất gần sáu triệu mạng người, bằng một phần tư dân số. Tiêu biểu nhất là cuộc thảm sát tập thể gần 30 ngàn quân nhân Ba Lan tại rừng Katyn bởi Stalin và chiến dịch tắm máu cuộc khởi nghĩa Warsaw năm 1944 của Hitler làm hơn 200 ngàn thường dân và gần 20 ngàn binh sĩ Ba Lan bị chết và mất tích, thủ đô Warsaw bị hủy hoại gần 90%.

Báo chí Ba Lan và ngay cả Washington Post của Hoa Kỳ đều phê phán cuộc gọi điện thoại gấp gáp vào giữa đêm của Tổng Thống Obama.

Người Ba Lan không tin rằng nội các của Barack Obama không biết đến ngày “nhạy cảm” này, bởi vì mới 17 ngày trước, đại diện của Hoa Kỳ, Tướng Jamse Jones, giám đốc Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia đã tới Ba Lan dự lễ 70 năm ngày bùng nổ Ðệ Nhị Thế Chiến. Chính Jamse Jones đã chứng kiến sự bất đồng về nguyên nhân bùng nổ chiến tranh trong hai bài phát biểu của Tổng Thống Ba Lan Kaczynski và Thủ Tướng Nga Putin.

Ngay ngày 17 Tháng Chín, một loạt báo chí tại Nga khen ngợi hành động của Tổng Thống Obama. Tờ “Pravda” chạy tít lớn: “Cú điện thoại giữa đêm của Obama đã thay đổi thế giới.”

Trên tờ “Wprost,” một trong bốn tuần báo lớn ở Ba Lan, đăng bài “Cái tát cho Ba Lan,” phỏng vấn Paul Kengor, giáo sư của City College từ Pensylvania. Paul Kengor là tác giả của cuốn sách “Ronald Reagan và sự lật đổ chủ nghĩa Cộng Sản”. Ông nói: “Tuyên bố (của Obama) đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm cuộc xâm lăng Ba Lan của Hồng Quân Liên Xô là sự ngu ngốc khủng khiếp, gây nên cú sốc chính trị, ngoại giao và là sự đểu cáng. Ronald Reagan chắc chắn bật dậy dưới mồ.”

Tình yêu mù quáng?

Năm 1989, sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, Ba Lan xác định chính sách hội nhập Liên Hiệp Châu Âu và xem Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược. Nhờ sự giúp đỡ hiệu quả của Hoa Kỳ, Tháng Ba, 1999, Ba Lan trở thành thành viên chính thức của NATO. Người Ba Lan cảm thấy mình được tách ra khỏi ảnh hưởng truyền kiếp của nước Nga từ nhiều thế kỷ nay. Từ đây bắt đầu giai đoạn mới trong mối tình và sự đam mê của Ba Lan với đất nước cờ hoa.

Ngay sau khi giành được độc lập, chủ quyền, năm 1990, Ba Lan đơn phương hủy bỏ chiếu khán nhập cảnh cho công dân Hoa Kỳ.

Mười ngày sau thảm kịch WTC, Ba Lan là một trong vài nước đầu tiên tuyên bố sát cánh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Khi cuộc chiến Afghanistan và Iraq nổ ra, bỏ qua tranh cãi với nhiều nước Châu Âu, Ba Lan tham chiến cùng Hoa Kỳ với quân số đứng hàng thứ hai, sau Anh Quốc, hơn toàn bộ quân số gộp lại của các nước khác phần Ðông Âu, thậm chí hơn cả những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Ðức...

Trong cuộc đấu thầu mua máy bay, Ba Lan cũng làm ngơ trước các đơn chào hàng hấp dẫn của Anh, Thụy Ðiển, Ðức, Pháp để ký hợp đồng hàng trăm triệu đô la mua F-16 của Hoa Kỳ.

Kế hoạch xây dựng lá chắn chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ từ mấy năm nay đã làm chính phủ Ba Lan phấn chấn. Theo giải thích của Hoa Kỳ, hệ thống lá chắn không nhắm vào Nga mà chỉ để bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ, ngăn chặn sự tấn công của những quốc gia khiêu khích như Iran hay Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, đề tài này luôn là con bài trong cuộc chơi trên sân khấu chính trị của người Nga. Họ cho rằng hệ thống đặt sát biên giới Nga đe dọa an ninh và đối lại sẽ cho triển khai tên lửa Scander trên Kaleningrad, vùng lãnh thổ của Nga giáp Ba Lan.

Trên thực tế, với 10 giàn phóng, hệ thống chống hỏa tiễn nếu được đặt ở Ba Lan cũng khó có khả năng phòng thủ nếu hỏa tiễn từ phía Nga bắn đi hàng loạt. Tuy nhiên, sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ cùng với hệ thống lá chắn mang tính bảo đảm lớn về mặt chính trị, nâng cao vị thế của Ba Lan. Cho nên Ba Lan đã làm tất cả để đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ trước khi Tổng Thống W. Bush kết thúc nhiệm kỳ. Tháng Tám, 2008, tại thủ đô Warsaw, Ngoại Trưởng Condoleezza Rice long trọng ký kết với phía Ba Lan cùng với những lời chúc mừng thân thiện.

Chỉ sáu tháng sau khi nhậm chức, mực ký chưa ráo, Tổng Thống Obama đột ngột hủy bỏ kế hoạch. Người Ba Lan nhận tin này trong sự bàng hoàng và xem đây là sự “phản bội” - như cái tít lớn choán hết trang nhất của nhật báo “Faks.” “Faks” cho rằng, Hoa Kỳ “đã bán đứng Ba Lan cho Nga” và là “Nhát dao đâm sau lưng,” câu nói cay đắng của người Ba Lan nhắm vào Hiệp Ước Ribbentrop-Molotov giữa Stalin và Hitler.

Lech Walesa, cựu thủ lĩnh Công Ðoàn Ðoàn Kết nói, “Người Mỹ chỉ lo cho lợi ích của mình. Tất cả chúng ta bị lợi dụng vào những mục đích của họ.” Và ông nói thêm: “Chúng ta phải xem xét lại cái nhìn đối với Hoa Kỳ và phải quan tâm đến lợi ích riêng của mình.”

“Weekly Standard” cho rằng, quyết định hủy bỏ hệ thống lá chắn là “sự đầu hàng của Hoa Kỳ trước Nga.”

Bình luận viên Kwiecien của nhật báo “Dziennik” trong bài “Chúng ta trả giá cho tình yêu mù quáng” viết: “Người Mỹ là vậy! Chúng ta trao cho họ con tim, còn họ... trao cho chúng ta hóa đơn thanh toán tiền mua F-16. Chúng ta đã dâng hiến cho tình yêu này bất chấp ngăn cản của bạn bè Châu Âu về kế hoạch lá chắn. Chúng ta dám chấp nhận quan hệ căng thẳng với Sa Hoàng Putin. Còn người Mỹ? Họ không muốn tiếp tục, chỉ hứa suông và bây giờ làm tất cả để quay ngược lại. Ðây là mối tình bệnh hoạn của Ba Lan trước nước Mỹ.” Rồi ông kết luận, “Chúng ta đã có bài học lịch sử cho tương lai. Chúng ta phải làm tất cả để thế hệ mai sau không bị tổn hại vì chúng ta lãng quên sai lầm và có thái độ ngớ ngẩn trước lịch sử bi thảm. Chúng ta phải biết cân đối lại quan hệ của mình trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. Tìm kiếm sự an ninh bằng thiện chí của Washington qua những nụ cười và cái bắt tay chẳng mang lại ý nghĩa gì.”

Nhật báo “Polska The Times” với bài “Người Mỹ sẽ phải thay đổi thái độ” của Agaton Kozinski dẫn lời của Michael Codner, giám đốc Viện Nghiên Cưú Quốc Phòng Hoàng Gia Anh (RUSI), “Obama không muốn hệ thống lá chắn với lý do đơn giản: bởi vì W. Bush thích nó.”

Trong khi đó, cũng trên “Polska The Times,” Tổng Biên Tập Pawel Fafara với bài “Sai lầm to lớn của Hoa Kỳ” nhận định, “Với một nước Nga sẵn sàng xâm chiếm nước láng giềng có chủ quyền (Georgia Tháng Tám, 2008), các nhà báo bị bắn vào đầu không tìm ra thủ phạm, luôn mang ý chí tái lập đế chế và bành trướng khu vực, làm sao Obama có thể cùng xây dựng được hòa bình thế giới. Thế giới hôm nay khác hẳn sau cuộc khủng bố World Trade Center, nhân nhượng trước chủ nghĩa đế quốc Nga sẽ đưa lại những hậu quả đau xót.”

Cựu Thủ Tướng CH Czech Topolanek nói trên tờ “Lidove Noviny”, “Sự thay đổi thái độ của Washington là bước chuyển đưa CH Czech và Ba Lan về lại vị trí được biết từ 100 năm qua, có nghĩa rằng, thiếu sự bảo đảm an ninh, đồng minh và đối tác, cũng như tạo nên những mối hiểm nguy.”

So sánh hệ thống lá chắn với “Chiến tranh giữa các vì sao” của Ronald Reagan, “The New York Times” cho rằng, quyết định của Tổng Thống Obama là đứng đắn, nhưng Obama phải bảo đảm cho Ba Lan và CH Czech sự bảo hộ về an ninh.

Hoa Kỳ sửa sai

Phản ứng mạnh mẽ của Ba Lan đã làm Washington lúng túng và thúc đẩy chính phủ Obama lên tiếng.

Ron Asmus, giám đốc Trung Tâm Ðại Tây Dương của “German Mashall Fund” nói, “Chúng tôi đã phạm sai lầm. Chúng tôi phải sửa chữa nó.” Khi hỏi về bài “Chấm dứt một cuộc tình” trên báo “The Economist” rằng, quan hệ Ba Lan-Hoa Kỳ đã bị xấu đi, ông nói nhận định này bị phóng đại và “Quan hệ giữa chúng tôi ở giai đoạn quá độ. Chúng tôi đang trong tiến trình xây dựng điều gì đó mới hơn.”

Ba ngày sau quyết định của Obama, Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã trấn an Ba Lan. Bà khẳng định Hoa Kỳ không hề “cất vào tủ” hệ thống lá chắn mà sẽ triển khai hệ thống khác, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn. Bà nói Ba Lan và Hoa Kỳ “kết nối với nhau bằng trách nhiệm chung của đồng minh NATO và những liên hệ lịch sử, kinh tế, văn hóa”. Nhắc lại điều 5 của Hiệp Ước Washington, bà tuyên bố, “Tấn công London hay Warsaw đồng nghĩa với tấn công New York hay Washington.”

Sau phản ứng của phía Hoa Kỳ, chính phủ Ba Lan tìm cách làm lắng dịu dư luận. Các nhà chính trị khuyên dân chúng bình tĩnh, tự chế và không nên làm tổn thương người Mỹ. Sếp Ủy BAN AN NINH Quốc Gia Szczyglo có cái nhìn thực tế. Ông nói, “Thậm chí mối tình không được đáp lại tương xứng, chẳng ai muốn ôm âu yếm chúng ta. Chúng ta cần Mỹ hơn là Mỹ cần chúng ta.”

Một số nhà phân tích nói rằng, Ba Lan vẫn phải tiếp tục giữ quan hệ hợp tác gần gũi với Hoa Kỳ. Ba Lan không có lựa chọn nào khác từ bối cảnh lịch sử. Họ không tin rằng Hoa Kỳ hoàn toàn từ bỏ kế hoạch phòng thủ mà chỉ tạm “treo” để nhận được sự hỗ trợ của Nga trong vấn đề vận chuyển hậu cần cho mặt trận Afghanistan hay hồ sơ hạt nhân với Iran và Bắc Triều Tiên.

Lời kết

Tại Warsaw trong ngày 21 Tháng Mười, 2009, Phó Tổng Thống Joe Biden đã cam kết hợp tác với Ba Lan, CH Czech trong kế hoạch phòng thủ mới thay cho hệ thống “Ground Based Interceptor” của cựu Tổng Thống Bush. Ðây là hệ thống bao gồm các tên lửa SM-3 1B (Standard Missile 3) sẽ đặt trên lãnh thổ Ba Lan cho đến năm 2015, phối hợp với hệ thống di dộng Aegis trên các chiến hạm tại biển Ðịa Trung Hải và biển Bắc. Như vậy, hệ thống mới có hiệu quả tác chiến hơn nhiều so với hệ thống cũ, không những chỉ ngăn chặn tên lửa tầm xa mà còn cả tên lửa tầm ngắn và trung bình, bảo vệ được Hoa Kỳ cũng như tất cả các thành viên NATO. Bộ Ngoại Giao Ba Lan còn tiết lộ rằng, Hoa Kỳ và Ba Lan đã “gần điểm kết” của thỏa thuận SOFA-Supplement (Status of Forces Agreement) cho phép quân đội Hoa Kỳ có mặt trên lãnh thổ Ba Lan.

Mặc dù chưa thể đưa ra những chi tiết cụ thể về thời hạn triển khai, kỹ thuật, nhưng mọi đổ vỡ từ hôm 17 Tháng Chín đến nay dường như được hàn gắn lại bằng chuyến công du của Phó Tổng Thống Joe Biden.

Tỏ lòng biết ơn với Joe Biden, Thủ Tướng Ba Lan nói, “Chúng tôi đánh giá rất cao nhận định của vị khách Hoa Kỳ rằng, Ba Lan cần thiết trong kế hoạch toàn cầu, không phải chỉ với tư cách một nhà nước cần được giúp đỡ. Chúng tôi cố gắng trong con mắt của người Mỹ là đối tác năng động và cùng chung trách nhiệm.”

Joe Biden đáp lại, “Tôi tin tưởng rằng, việc cải thiện quan hệ với Nga không đánh đổi bằng cái giá phải trả của Ðông Âu. Ba Lan là đồng minh chủ chốt và là người bạn của chúng tôi. Người Mỹ gốc Ba Lan là một trong những bộ phận của cộng đồng dân tộc Mỹ. Trong gia đình tôi ở Delawere, tôi là người mang món nợ với họ - năm 1972, khi tôi 29 tuổi và lần đầu tranh cử vào Thượng Nghị Viện trong một cuộc đọ sức ngang ngửa, họ đã giúp tôi giành được chiếc ghế thượng nghị sĩ. Không bao giờ tôi quên điều này.”

Trong một cuộc gặp mặt chính thức mà Phó Tổng Thống Joe Biden nói ra những lời như trên chứng tỏ sự trung thực từ phía mình. Hy vọng rằng, quan hệ Ba Lan và Mỹ sau những ngày dậy sóng sẽ lại yên lành và là cuộc tình vừa bằng tình yêu, vừa bằng sự sáng suốt của cả hai bên.

Warsaw, ngày 22 Tháng Mười, 2009

12 THÁNG ANH ĐI