25 thg 5, 2011

Ba người thầy vĩ đại



Ba người thầy vĩ đại

Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: "Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?"
Hasan đáp: "Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.
Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: "Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm."
Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: "Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!" Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: "Có trộm được gì không?" và ông ta đều đáp: "Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ". Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.
Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!"
Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.
Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến đã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: "Con tự thắp cây nến này phải không?" Đứa bé đáp: "Thưa phải." Đoạn ta hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?"
Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?"
Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.
Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.
(Từ Vườn Thiền)

24 thg 5, 2011

TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ



CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM
Ngô Đình Nhu

TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ

Phật dạy “TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ”. Thâm ý cao siêu của lời dạy trên bao trùm khắp vũ trụ. Sự tiến hóa của nhân loại đều căn cứ trên nguyên tắc nằm trong lời dạy trên. Có trụ mới có vị trí để mà tiến. Nhưng khi vị trí đã mất tác dụng, mà vẫn cứ cố bám để trụ vào đó thì mọi tiến hóa lại chấm dứt, và những kết quả đã thu hoạch được lại có thể bị mất.
Phải trụ vào cho đúng lúc mới tiến được. Và phải không trụ vào cho đúng lúc mới bảo đảm được vừa những thắng lợi đã chiếm, vừa con đường tiến cho tương lai.
TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ là một chân lý thể hiện trong những sự việc vĩ đại của loài người, cũng như trong các sự việc nhỏ nhặt của cá nhân trong đời sống thường ngày.
Nhiều cộng đồng đã phôi thai được một nền văn minh vì nhờ trong một lúc nào đó, các nhà lãnh đạo đã ý thức được một cách sung mãn những vị trí cần phải trụ vào. Nhưng sau đó hoặc vì sự thiếu lãnh đạo, hoặc vì thử thách, do hoàn cảnh bên ngoài đưa đến, vượt qua mức độ mà sinh lực của cộng đồng có thể ứng phó nổi, nên cộng đồng vẫn tiếp tục trụ vào một vị trí không còn là sinh lộ nữa. Do đó, nền văn minh vừa mới phôi thai, đã ngừng phát triển và lâu ngày thành cằn cỗi và chết dần như cây khô.
Các dân tộc Da Đỏ ở Bắc Mỹ đã phôi thai một nền văn minh trụ vào sự thích nghi hóa đời sống thường ngày với vũ trụ thiên nhiên bao quanh mình. Ví dụ, thay vì tìm cách chế áo dầy hoặc cách xây nhà cửa giữ được sức nóng để chống lại với giá lạnh của mùa Đông, người Da Đỏ lại chủ trương huấn luyện cơ thể từ lúc nhỏ để chịu đựng được các thời tiết.
Thái độ của người Da Đỏ là một thái độ tùng phục, cố gắng thích nghi hóa cơ thể với vũ trụ thiên nhiên. Thái độ mặc áo và xây nhà là một thái độ dùng phương tiện thiên nhiên để chế ngự thiên nhiên.
Vì đã lựa chọn con đường như vậy cho nên nền văn minh phôi thai của người Da Đỏ đã đào tạo được một loại người mà sức chịu đựng đối với thiên nhiên lên đến một mức độ phi thường. Và sự thông cảm của họ với thiên nhiên vượt đến một trình độ ít có.
Trên lĩnh vực này, người Da Đỏ đã khiến tất cả mọi người đều thán phục. Và người mà ông Baden Powell, nhà sáng lập ra phong trào hướng đạo thế giới, lấy làm mẫu là người Da Đỏ.
Tuy nhiên, sức chịu đựng của con người có giới hạn, sức mạnh của thiên nhiên lại vô bờ bến. Tự trụ mình vào công cuộc phi thường rèn luyện cơ thể để chống lại với thiên nhiên, người Da Đỏ đã dấn thân vào một con đường không có lối thoát.
Các nhà lãnh đạo Da Đỏ không nhìn thấy sự bế tắc đó nên không lúc nào nghĩ cần phải chấm dứt sự trụ vào đó. Vì vậy cho nên, vừa mới phôi thai, nền văn minh Da Đỏ đã ngưng phát triển và lần lần cằn cỗi.
Theo những tài liệu khảo cổ mà chúng ta được biết tới ngày nay thì các dân tộc ở chung quanh Bắc cực và các dân tộc ở trên các quần đảo ở Thái Bình Dương đều lâm vào một tình trạng tương tự. Tự trụ vào công cuộc mang sức chịu đựng của con người để chống lại thiên nhiên. Lúc đầu khi trụ vào vị trí đó, cộng đồng phôi thai được một nền văn minh. Nhưng khi vị trí không còn thích nghi nữa, cộng đồng không biết thoát ra đúng lúc. Lỗi lầm đó đã đưa cộng đồng đến chỗ chết.
Ví dụ dưới đậy lại còn rõ rệt hơn nữa.
Luân lý Khổng Mạnh đã tạo cho cộng đồng dân tộc Trung Hoa, một trật tự xã hội bền vững với thời gian, một cách chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Suốt trong mấy ngàn năm, trật tự xã hội kiên cố, do luân lý Khổng Mạnh tạo nên, không có cuộc chấn động nào lay chuyển nổi. Nhờ trật tự xã hội vô cùng vững chắc đó, văn minh Trung Hoa phát triển đến tột độ và soi sáng khắp cả một bầu trời. Các triều đại Trung Hoa, kể cả các triều đại Hán tộc và các triều đại ngoại lai, Mông Cổ và Mãn Thanh, đều bị chinh phục bởi sức kiên cố của trật tự xã hội của Khổng Mạnh. Các nhà lãnh đạo đều trụ vào đó và gia công xây đắp cho trật tự Khổng Mạnh càng thêm vững chắc.
Vì vậy mà cho đến khi nền văn minh Trung Hoa, vì quá trụ vào trật tự xã hội Khổng Mạnh, nên sinh lực phát triển đã suy đi, không một nhà lãnh đạo nào nhìn thấy. Mài miệt trong sự thán phục một trật tự xã hội đã cằn cỗi và thành đá, không một nhà lãnh đạo nào nhìn thấy nền văn minh Trung Hoa đã ngưng phát triển. Nếu không bị sự tấn công của Tây phương, có lẽ đến ngày nay, Trung Hoa còn ngon giấc triền miên trong cái trật tự xã hội Khổng Mạnh của mình. Trụ vào trật tự xã hội Khổng Mạnh để phát triển nền văn minh. Nhưng chính cũng vì trụ vào đó quá mức độ thời gian, nên văn minh đã ngưng phát triển.
Thâm ý của lởi Phật dạy “Trụ mà không trụ” là bao quát như vậy đó.
Nhưng trong đời sống của cá nhân, lời dạy “trụ mà không trụ” cũng chi phối sâu xa đến các hành vi thông thường.
Trong sách Gia Ngữ có chép lại đại khái như sau:
Thầy Tử Hạ một hôm hỏi Đức Khổng Tử: “Đức Khổng Tử sánh với những người học trò như Nhan Hồi, Tử Cống và Tử Lộ thì sao?”
Đức Khổng Tử trả lời: “Nhan Hồi thủ tín hơn ta. Tử Cống thuyết khách hơn ta. Tử Lộ chiến trận hơn ta.”
Thầy Tử Hạ lại hỏi: “Thế vì sao Nhan Hồi, Tử Cống và Tử Lộ lại tôn Đức Khổng Tử làm thầy?”
Đức Khổng Tử trả lời: “Vì Nhan Hồi thủ tín mà không biết phản tín. Tử Cống hay biện thuyết mà bất cập tảo biện. Tử Lộ biết dũng mà không biết khiếp, biết cương mà không biết nhu.”
Thầy Nhan Hồi biết trụ vào chữ tín mà không biết không trụ vào chữ tín.
Thầy Tử Cống biết trụ vào biện thuyết mà không biết không trụ vào biện thuyết.
Thầy Tử Lộ biết trụ vào dũng mà không biết không trụ vào dũng.
Đức Khổng Tử vượt lên trên hết tất cả vì trong mọi trường hợp, ngài biết trụ vào đúng lúc và biết không trụ vào đúng lúc.
Phải biết trụ để có vị trí phát triển, nhưng phải biết không trụ để bảo đảm cho phát triển tiếp tục.
Sự phát triển của văn minh Tây phương đến mức độ bao trùm khắp nhân loại và khắp các lĩnh vực của đời sống, như chúng ta mục kích ngày nay, là một sự kiện chưa tìm có trong lịch sử nhân loại. Sinh lực đó bắt nguồn từ chỗ người Tây phương đã thấu triệt nguyên tắc “Trụ mà không trụ” và đã đưa nó lên thành một lợi khí khoa học và sắc bén để tìm hiểu vũ trụ. Trong bất cứ ngành nào của kỹ thuật Tây phương, lịch sử phát triển của ngành đó đều mang dấu vết của nguyên tắc “Trụ mà không trụ”. Ví dụ dưới đây là thông thường nhất.
Khi quang học mới phôi thai, tất cả các nhà vật lý học Tây phương lúc bấy giờ, Descartes, Fermat, Malus, Huygens đều trụ vào thuyết “ánh sáng phát quang theo đường thẳng” để khảo sát, thí nghiệm và tìm ra những định luật của quang học hình học. Quang học hình học, như chúng ta đã biết, là những bậc thang đầu tiên và vô cùng quan trọng của quang học.
Nhưng, những thế hệ các nhà vật lý học sau đó, mục kích nhiều hiện tượng quang học mà thuyết “ánh sáng phát quang theo đường thẳng” không làm sao giải thích được. Fresnel, Young và Newton, mặc dầu vẫn công nhận sự nghiệp di sản của quang học hình học, đã nhìn thấy đúng lúc giới hạn của thuyết “ánh sáng phát quang theo đường thẳng” và nhận thức đã đến lúc không nên trụ vào đó nữa.
Nếu không trụ vào đó nữa, tất nhiên phải trụ vào một vị trí khác để tiếp tục phát triển Quang học. Do đó, thế hệ các nhà quang học này trụ vào thuyết “ánh sáng phát quang theo làn sóng” để khảo cứu thí nghiệm và cuối cùng phát minh những định luật mới về quang học vừa bao quát, vừa phong phú hơn. Tất cả sự nghiệp quang học ba động đều xây dựng trên thuyết mới này.
Giả sử thế hệ các nhà vật lý học đầu tiên không trụ vào thuyết “ánh sáng phát quang theo đường thẳng” thì sự nghiệp quang học hình học không bao giờ thành hình, và những bậc thang đầu tiên đó của ngành quang học, không bao giờ được xây dựng lên và sự phát triển của quang học không được manh nha.
Nhờ những bậc thang đầu tiên đó, thế hệ các nhà vật lý học sau mới vói tay lên được đến các hiện tượng lạ lùng đối với thuyết “ánh sáng phát quang theo đường thẳng”. Nhưng, giả sử các nhà vật lý học của thế hệ này không đập phá được sự trụ vào thuyết “đường thẳng” thì sự phát triển của quang học đã ngừng ở đó và lâu ngày sẽ cằn cỗi mà chết dần.
Nhưng trong thực tế, họ đã biết không trụ đúng lúc nên đã bảo đảm được sự tiếp tục phát triển của quang học.
Đến giai đoạn này, lịch sử phát triển của quang học cũng đủ để thuyết minh cho tính cách sắc bén của nguyên tắc “Trụ mà không trụ”, trong mọi lĩnh vực phát triển.
Nhưng, quang học còn phát triển hơn nữa. Và thành tích phát triển gần đây của quang học, lại chỉ rõ hơn nữa rằng, văn minh Tây phương đã khoa học hóa và chính xác hóa nguyên tắc “Trụ mà không trụ” để biến nó thành một kỹ thuật vô cùng hiệu quả để phát triển.
Sau thế hệ các nhà quang học ba động, một thế hệ vật lý học giả khác lại phát minh ra nhiều hiện tượng vật lý, mà thuyết “ánh sáng phát quang theo làn sóng” cũng không thể giải thích được. Cũng như lần trước, các nhà quang học chấm dứt đúng lúc sự trụ vào quang học ba động. Nhưng lần này, các nhà quang học đã xem việc không nên trụ vào quang học ba động, như là một phương pháp phát minh. Thế hệ của De Broglie lại trụ vào thuyết “ánh sáng phát quang thành ly tử di chuyển theo làn sóng” để khảo sát, thí nghiệm và phát minh nhiều định luật về quang học bao quát hơn thêm và phong phú hơn thêm. Tất cả sự nghiệp quang học xạ tử ba động đều xây dựng trên thuyết mới này. Và những phát minh tối tân nhất hiện nay về các quang tuyến đều căn cứ trên sự nghiệp quang học xạ tử ba động.
Nhưng sự nghiệp xạ tử ba động sẽ không bao giờ có, nếu sự nghiệp quang học ba động không thành hình. Và sự nghiệp ba động không bao giờ có nếu sự nghiệp quang học hình học không thành hình. Nhờ trụ mà có quang học hình học. Rồi nhờ không trụ mà có quang học phát triển. Rồi nhờ trụ mà quang học ba động thành hình. Rồi nhờ không trụ mà quang học ba động phát triển. Rồi nhờ trụ mà quang học xạ tử ba động thành hình.
Chúng ta có thể đoán rằng, cơ thức “Trụ mà không trụ” sẽ theo đó mà tiếp tục diễn tiến, và vạch con đường cho sự phát triển không ngừng của quang học.
Những sự kiện trên có giá trị, không phải riêng cho lĩnh vực quang học mà cho tất cả các ngành của khoa học Tây phương.
Những sự kiện trên có giá trị, không phải riêng cho lĩnh vực khoa học mà cho tất cả các ngành của khoa học Tây phương, nghĩa là cho tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực chính trị như chúng ta sẽ thấy dưới đây.
Tóm lại “Trụ mà không trụ” là một chân lý phát triển. Một điều đáng cho chúng ta nêu lên làm một câu hỏi, là chính Đông Phương đã tìm ra chân lý trên, nhưng vì sao văn minh Đông Phương, Ấn Độ, cũng như Trung Hoa, lại trụ vào một vị trí cố định từ mấy ngàn năm? Những trả lời câu hỏi này vượt ra rất xa khuôn khổ của lời kết luận này.
Trở lại vấn đề chính trị của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện tại, đề tài của tập sách này, chúng ta nhận thấy các điểm sau đây:
Trong tình hình chính trị thế giới hiện nay và trong trình độ tiến hóa của nhân loại hiện nay, các vấn đề của dân tộc Việt Nam, trong thời kỳ này chỉ có thể tìm được một giải đáp nếu chúng ta trụ vào vị trí dân tộc.
Đương nhiên là vị trí dân tộc mà chúng ta đã quan niệm trong suốt mấy trăm trang của tập sách này, không thể là một vị trí dân tộc bế quan tỏa cảng, hẹp và nông như dưới các triều đại quân chủ xưa kia. Vị trí dân tộc mà chúng ta quan niệm là một vị trí dân tộc nằm trong khung cảnh thế giới, với tất cả các dây liên hệ tinh thần và vật chất cần phải có.
Nhưng vị trí trụ vào phải là vị trí dân tộc.
Đến lúc nào chúng ta cần phải chấm dứt sự trụ đóng vị trí dân tộc nói đây để bảo đảm cho sự phát triển tương lai của dân tộc, đúng theo nguyên tắc “TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ”?
Chắc chắn trong thời kỳ này của cộng đồng dân tộc, chưa có sự chấm dứt nói đây. Thời kỳ này gồm nhiều thế hệ sắp đến. Chúng ta phải tin tưởng vào sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo sau này, để quyết định đúng lúc sự thôi không trụ vào vị trí hiện tại.
Các nhà lãnh đạo Cộng Sản ở miền Bắc đã trụ vào lý thuyết Cộng Sản trong thời kỳ tranh giành độc lập. Chúng ta đã thấy trong các trang trên, sự đi đúng đường một phần nào của họ trong một giai đoạn. Nhưng chúng ta cũng đã phân tích các lý do vì sao sự tiếp tục trụ đóng vào phương tiện Cộng Sản hiện nay, là một lối bế tắc cho sự nghiệp tiến hóa của dân tộc. Chẳng những như chúng ta đã phân tích, sự tiếp tục trụ đóng vào lý thuyết Cộng Sản sẽ không làm sao giải quyết được công cuộc phát triển cho dân tộc, mà lại còn mở cửa đưa các thế hệ sau này, vào một đời sống vô cùng đen tối không lối thoát.
Trung Cộng tự mình cũng chưa giải quyết được vấn đề phát triển cho dân tộc Trung Hoa. Từ ngày các sự viện trợ của Nga đã chấm dứt, các công cuộc phát triển của Trung Cộng hoàn toàn đình trệ. Do đó, tự đặt mình vào vòng ảnh hưởng của Cộng Sản, nghĩa là của Trung Cộng, các nhà lãnh đạo Bắc Việt tự mình đã từ bỏ công cuộc phát triển cho dân tộc.
Hơn nữa, sự phát triển của một khối người gần 800 triệu dân như của Trung Cộng, là một mối đe dọa cho toàn thế giới. Và vì vậy công cuộc tìm phát triển của Trung Cộng tự nó, dù mà Trung Cộng không có gây hấn với ai cả, cũng gây nhiều kẻ thù. Những người này nhất định sẽ cản trở không để cho Trung Cộng phát triển.
Các biến cố chính trị gần đây đều xác nhận sự phân tích trên. Nay nếu chúng ta gắn liền số mạng của dân tộc Việt Nam vào với số mạng của Trung Cộng thì hành động đó có nghĩa là chúng ta sẽ từ bỏ công cuộc phát triển đang cần thiết cho sự sống còn của dân tộc.
Trung Cộng giải quyết không được công cuộc phát triển của dân tộc Trung Hoa. Nhưng số người 800 triệu dân cần phải nuôi, là một thực tế không thể phủ nhận được. Sự bành trướng mà Trung Cộng bắt buộc phải thực hiện dưới áp lực nhân khẩu kinh khủng đó đã mở màn. Nếu chúng ta không thức tỉnh thì một trong những nạn nhân đầu tiên của sự bành trướng nói trên sẽ là chúng ta. Chỉ tưởng tượng đến viễn cảnh đó cũng đủ cho chúng ta khủng khiếp.
Vì vậy cho nên, công cuộc chống sự xâm lăng của miền Bắc, không lúc nào khẩn thiết cho cộng đồng dân tộc Việt Nam bằng trong lúc này.
Và vì vậy cho nên, chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc, kịp thời nhận định đã đến lúc, vì sự tiến hóa của dân tộc, không còn nên tiếp tục sự trụ đóng vào phương tiện Cộng Sản nữa.

Sách Tham Khảo
BAINVILLE (Jacques) Histoire de France (Plon)
CHURCHIIL (S. Winston) Mémoires sur la Deuxième guerre mondiale (I à VI) (Plon)
COOMARASWAMY (Awanda K.) Hindouisme et Bouddhisme
DE GAULIE (Charles) Mémoires de Guene (I à III) (Plon)
DURANT (Will) Histoire do la Civillisation (I à IX)
ETIENNE (Gilbert) La Voie Chinoise (Tiers Monde)
FALL (Bernard) Indochine 1946-1962 (L histoire que nous vivous)
GEORGE (Piene) Géographie sociale du Monde (Presses universitaires de France)
HAYWARD (Fernand) Histoire des Papes
KOESTLER (Arthur) Le Lotus et le Robot (Calmann-lévy)
LACOUTURE (Jean) La Fin d une Guerre. Indochine 1954 (Editions du Seuil)
LE THANH KHOI Histoire du Viet Nam
MAO TSE TUNG La Guerre Révolutionnaire
MARX (Karl) Le Manifester du Parti Communiste; La Lutte des Classes
MAUROIS (André) Histoire d angletère
MENDE (Tibor) Converstions avec Nehru; Aux Pays des Moussons; Asie du Sud- est; L inde devant l orage; La Chine et son Ombre; Des Mandarins à Mao
MITTERAND (Francois) La Chine au Défi
MIGOT (André) Le Bouddha (le club francais du livre)
NEHRU (Jawaharlal) The Discovery of India; Glimses of World History (Meridian books, London)
PERROUX (Francois) L economie des jeunes nations; Industrialisation et groupement des nations
RIBBENTROP (Joachim Von) De Londres à Moscou
RUSSELL (Bertrand) La Philosophie Occidentale
SAINT PHALLES (Alexandre de) Tour du Monde (I à VI)
SCHWEITZER (Dr Albert) Les Grands Penseurs de l inde
SPENGLER (Oswald) Le Déclin de l occident (I et II) (Gallimard)
TABOULET (Georges) La Geste francaise en Indochine (I et II)
TOYNBEE (Amold) A Study of History (I à XI) (Oxford); A Study of History (Abridgement by D. C. Somerveil I et II); La civillisation à l épreuve; Guerre et Civillsation; L histoire, un Essai d interpretation (Gallimard); Le Monde et l Occident
TOURNOUX (J.) Secrets d état (Plon)
TRUMAN (Harry) Mémoires (I et II)
VU QUOC THUC Economie Communaliste au Viet Nam
ENCYCLOPÉDIE DE LA PLÉIADE Histoire Universelle (I à III); Litérature Universelle (I à III)
HISTOIRE ILLUSTRÉE DE LA RUSSIE (Gallimard)
Ghi chú của bản đồ Nam Tiến:
Từ thế kỷ 10 về trước, biên giới nước ta từ Đèo Ngang trở ra Bắc. Năm 1069 Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành, đưa ranh giới nước ta đến Cửa Việt.
Năm 1306 Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy Châu Ô và Châu Lý, tức Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay.
Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa.
Đến thời Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), Nguyễn Phúc Chủ (1675-1725) tiến chiếm đất Chiêm Thành và Chân Lạp.
Năm 1788 Nguyễn Phúc Ánh chiếm đất Gia Định, nhưng chung quanh vùng đồng bằng Sông Cửu Long còn có 12 lãnh chúa địa phương, mỗi người chiếm cứ một vùng. Phải mất một thời gian, Nhà Nguyễn mới hoàn tất cuộc bình định trên đường Nam Tiến để có lãnh thổ như ngày nay.
Ngô Đình Nhu

22 thg 5, 2011

NHỮNG BÀI HỌC GIÁ NGÀN VÀNG



Những bài học giá NGÀN VÀNG !

Xem lại những bài học giá NGÀN VÀNG
rút từ kho tàng Thế giới Sử Cận đại :

Để nhìn lại rõ hơn về Mặt thật Hồ Chí Minh và
chiến lược gia Võ Nguyên Giáp của Việt Nam cộng sản !

Từ tử thù trận đánh bất ngờ Trân Châu Cảng
Bom nguyên tử Trường Kỳ – Quảng Đảo vọng vang
Dân tộc Nhật theo Nhật Hoàng
lại chọn Mỹ làm đồng minh chiến lược,
Nhật Bản thành huyền thọai
kinh tế siêu cường thứ 2 thế giới !

Sau trận chiến Triều Tiên
Nam Hàn chơi thân Hoa Kỳ,
Đại Hàn thành con rồng châu Á !

Đài Bắc giao du thân Hoa Thịnh Đốn
Đài Loan đột biến thành con hổ Á châu ! *

Kinh nghiệm Lịch sử máu xương nhân chứng :

Hoa Kỳ chưa hề chiếm đóng xâm lược nước nào.

Mỹ chỉ xây dựng chính quyền dân chủ rồi rút lui.

Trong khi đó :

Bắc Việt học mô hình Tàu cộng,
làm Nửa Quê hương tang tóc đau thương,
Cải cách ruộng đất máu đổ,
Nhân văn Giai phẩm thanh trừng,
Lao cải học tập tù đày !

Tàu áp đặt Bình Nhưỡng Triều tiên,
Bắc Hàn thành thằng hề chí phèo
trên chính trường quốc tế !

Các bác Khờ “khờ” Me Đỏ học mô hình Tàu khựa,
đưa Cam Bốt vào thảm họa diệt chủng,
nửa dân tộc vào hỏa ngục !

Kinh nghiệm Lịch sử máu xương nhân chứng
Tàu truyền kiếp xâm lăng Việt Nam !

Tàu Cộng có chung biên giới với nước nào
là khởi xướng gây hấn với nước đó :
Xung đột biên giới Trung-Xô năm 1969
Dọc theo biên giới dài 4.380 km
nơi 658.000 quân Xô-Viết đối đầu 814.000 quân Trung Cộng
Tình anh em Cộng sản Trung-Xô vỡ trán bể đầu !

Xung đột biên giới Trung-Ấn,
Tàu cộng tấn công bất ngờ ngày 20 tháng 10 năm 1962
Cuộc chiến tranh kết thúc khi Tàu chiếm giữ trọn
cả hai khu vực tranh chấp .Và tự ý đơn phương
tuyên bố đình chiến vào ngày 20 tháng 11 năm 1962.
Hậu quả xung đột biên giới Trung-Ấn là thức tỉnh
Ấn Độ thay đổi toàn diện quân đội
Hầu chuẩn bị cho xung đột tương tự trong Tương lai
Thủ tướng Nehru tài ba phải xin chịu lỗi lớn nhất
vì không tiên liệu cuộc xâm lấn của Trung Cộng !

Chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979
Cuộc chiến ngắn nhưng vô cùng khốc liệt
Giữa hai đồng chí anh em ruột thịt Việt -Tàu
Từ ý đồ “dạy cho Việt Nam một bài học” của
Đặng Tiểu Bình láo xược,Tàu đem quân biển người
tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới :
7 quân đoàn với 21 sư đoàn tác chiến, 9 sư đoàn dự bị
Hơn 300.000 quân Tàu và 400 xe tăng ào ạt tấn công Việt Nam !

Cô phóng viên Pháp liếc mắt đưa lời
- « Miền Bắc Việt Nam có thể tránh khỏi việc
trở thành vệ tinh của Trung Quốc.
Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này ra sao ?»

- « Jamais ! Never ! Không bao giờ ! »

Chính lẽ ra,
cha anh chúng ta phải chọn Mỹ đánh Tàu mới đúng mới phải.
Cái sai lầm chiến lược đại họa suốt ngàn đời :
Nghe theo “bác” Hồ gà tàng chọn Tàu đánh Mỹ.
Hậu quả nhượng đất, mất đảo mất biển mất rừng !
Đất Nước rơi vào tụt hậu đói nghèo !
Hiểm họa sờ sờ trước mắt : Giao Chỉ Quận Thế kỷ 21 …

Than ôi !
Than ôi !
Than ôi !
TRIỆU LƯƠNG DÂN

20 thg 5, 2011

>THƯ TÌNH VIẾT MUỘN!


THƯ TÌNH VIẾT MUỘN!
Cụ Nguyễn Văn Tuyết
(cụ vừa mới từ trần ở Paris, hưởng thọ 91 tuổi)

Paris ngày 14 tháng 10 năm 20xx

Bà nó à!
À mà thôi, gọi là EM đi cho tình tứ như ngày xưa chúng mình cùng chung giường chung gối, chung cả đường đi lẫn lối về em nhá. Dù rằng nay đôi ta mỗi người một ngả, lại đông con nhiều cháu mà còn xưng hô “anh em” thì e rằng con cháu nó cười. Nhưng đây là tình thư của anh gửi tới em, lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng. Anh viết thư này từ ngày 14/10/20xx, mỗi ngày vài dòng, khổ nỗi mỗi khi viết đến tên em là như có hơi nước che mờ cặp kính nên anh đành phải buông bút, dụi mắt thở dài! Viết lâu rồi đấy mà chưa nói được gì với em! Chuyện tình trong 60 năm dễ gì nói trong vài trang giấy, kể trong vài ngày.

Thôi thì thế này nhá, nếu không xong để gửi qua đường bưu điện thì anh sẽ mang đến nơi em đang ở để trao tận tay. Anh biết nơi em ở rồi, kể từ khi em dọn về bên ấy, anh đã rất nhiều lần đi vòng quanh bên ngoài để ngắm một căn nhà 2 tầng(*) nhỏ-nhắn, xinh-xắn, mà nghe đâu em khoe với hàng xóm rằng:
- “Tôi ở tầng dưới, còn tầng trên để dành cho nhà tôi”...

Em à!
Nhớ lại ngày nào em là thiếu nữ 16 tuổi xinh tươi làng Vạn, hoa khôi huyện Yên Phong, còn anh là trai làng Đại Lâm, chúng mình cùng tỉnh Bắc Ninh, nhưng anh theo gia đình ra Hà Nội học nên không có dịp “thả thơ”
Em còn nhớ những vụ “thả thơ” này không? Dì Phách, cô em gái của em nói rằng em đẹp lắm lại là con nhà có của nên trai huyện trai làng nhiều người ngấp nghé, mỗi khi em đi chợ thì họ len lén bỏ thư vào cái làn mây em xách tay, khi về nhà mới biết, thế là mấy chị em đọc thư tỏ tình của các chàng nhát gái mà cười bò ra, nghe cũng vui đấy nhỉ. Nhưng anh thì chưa có dịp thả thơ như thế.
Khi bố anh cần người giúp ông trong việc kinh doanh nên đã bắt anh lập gia đình sớm, anh có quen biết nhiều cô gái ở Hà Nội nhưng không thương ai. Thế rồi một hôm bố anh bảo diện vào rồi đi chợ huyện Yên Phong với ông, anh hỏi bố rằng con đi chợ làm gì thì bố nói:
- Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.
Khi đến chợ rồi mới biết ngày đó em cũng đi chợ, có lẽ người lớn đã sắp xếp cho chúng mình trông thấy nhau. Nghĩ lại cũng buồn cười nhỉ, bây giờ khác xưa rồi, trai gái quen biết và yêu rồi mới dẫn cha mẹ hai bên gặp nhau.
“Anh trông thấy em đi chợ anh thương”. Bố chưa kịp hỏi ý kiến anh có bằng lòng “cô ấy” hay không thì anh vội nói trước:
- Chưa gặp đã bén hơi. Tại duyên số rồi bố ơi!
Thế là bố khuyên anh “cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha” nên anh vội nhờ người đem tặng em “một thúng xôi vò, một con lợn béo một vò rượu tăm. Tặng em đôi gối em nằm, cái chăn em đắp..” năm đó chúng mình vừa tròn 17.
Họ hàng nhà trai khen em xinh gái và có duyên, nhưng bố anh thì nói: “vợ chồng cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”, và để cho con đừng có ỷ lại nằm duỗi mà ăn nên ông cụ đã giao cho vợ chồng mình xưởng sửa chữa và cho thuê xe xích-lô.

Khởi đầu là thế, mình sống đầm ấm bên nhau, không vất vả về kinh tế nên năm 1941 em sinh con gái đầu lòng, anh đặt tên con là Trinh. Rồi lần lượt có thêm con Thục, con Thuý, cả ba xinh gái giống mẹ. Sau 3 cô con gái là em sinh liền cho anh 4 cậu con trai, tên các con là Phong, Tuấn, Quang, Anh. Đời sống gia đình đang thanh bình ấm êm, các con đi học có xích lô đưa đón thì bỗng “trời đất nổi cơn gió bụi”, em má hồng chịu nỗi chuân chuyên, bụng mang dạ chửa mà phải cùng gia đình di cư vào Nam. Vừa đến Hải Phòng thì em sinh con gái thứ tư nên mình đặt tên con là Nguyễn Thị Hải, và Hải là đứa con thứ tám cùng theo bố mẹ di cư 1954 vào vùng đất lạ.
Cưới năm 1939 tới 1954 khi di cư mới được có 8 con nên em nói còn ít. Nhớ hôm dẫn em vào bảo sanh viện, anh nắm tay em an ủi thì em mỉm cười nói:
- Anh còn phải đưa em vào bảo sanh viện tám lần nữa, vì thầy tướng số nói em sẽ có 16 người con tất cả”.
Nghe em nói xong anh cười to khiến mấy bà bầu ngồi ở phòng chờ đợi quay sang nhìn vợ chồng mình, chắc họ tưởng mình vui vì mới có con đầu lòng. Nghĩ vậy nên anh ghé vào tai em thì thầm:
- Bao nhiêu cũng được, chỉ sợ vất vả cho em thôi, còn anh thì ..lo tất.

Vào tới Saigon, gia đình mình ở số nhà 247 đường Thành Thái, Chợ Lớn, gần ngã tư Trần Bình Trọng. Em vẫn tề gia nội trợ, còn anh, xoay đủ nghề. Từ mở trường dạy lái xe hơi lúc mới vào rồi làm tôm đông lạnh ở Rạch Giá, lập trại trồng nấm rơm ở suối Lồ Ồ Dĩ An, thầu xây dựng với anhThúc, làm cho USOM, và như em biết đấy, công việc cuối cùng của anh là làm việc ở tòa Lãnh Sự Pháp Saigon, nhờ đó mà sau 30/4/1975 gia đình ta đi định cư tại Paris.
Tuy nhiên anh đã không giúp em được toại nguyện theo như lời khuyên của thầy tướng số nên trong thời gian ở Saigon, vợ chồng mình chỉ thêm được có 4 “cậu” là Tiến, Thắng, Thụy, Xương và 2 “cô” Loan, Hà, vị chi là 14 mụn con gồm 6 gái, 8 trai, còn thiếu 2 vì thế em mới nuôi thêm 2 cháu ngoại là Yến và Việt, con của Thúy để cho đủ 16 đứa.
Nay tuy không được vuông tròn trọn vẹn nhưng tất cả đã ổn định cả rồi. Hiện tại ở Mỹ có 3 cô 2 cậu, ở Pháp có 4 cậu, 3 cô. Con nào cũng có gia đình hạnh phúc một vợ một chồng và đã tặng cho em rất đông cháu nội ngoại và đã hơn 10 chắt rồi đó. Duy chỉ còn cô út Thu Hà, đẹp, thông minh hoạt bát, nhiều chàng ngấp nghé lắm nhưng con gái út của chúng mình lơ là chuyện này mà lại siêng năng nghiên cứu kinh sách nhà Phật. Tại duyên số thôi.

Anh rất hài lòng vì các con, trai gái thì hiếu thảo con dâu nào cũng coi như con đẻ, nhất là Yến, vợ Quang, hiện là chị dâu trưởng, là gương mẫu cho các em. Còn con rể ư? Các cụ xưa gọi con rể là tế-tử nên anh thấy tế-tử nào cũng tử tế cả, các anh ấy là người biết điều, lo toan mọi bề cho vợ con, lại hiền lành. Duy chỉ có chồng của Thúy, tức bố của Yến-Việt là quân nhân nên vất vả và luôn phải xa gia đình, nghèo và hơi ngang. Em nhớ không, lần đầu tiên hắn đến nhà mình thăm con Thúy mà lại ngồi gác chân mang giầy nhà binh lên bàn! Anh giận quá! Nhưng bù lại, nay mỗi lần anh sang Mỹ thăm con cháu, thì bố Việt chở anh ra khu chợ ABC mua bánh ngọt, đi ăn hủ tíu Mỹ Tho, lại còn bảo vợ chồng Việt “niềng” răng cho ông ngoại, anh thấy vui vui nên nói:
- “Khỏi niềng, răng của ông còn rất tốt và đẹp nữa, con chỉ cần bỏ vào ly nước ngâm với thuốc sát trùng cho ông là được rồi.”

Anh nói tới đâu rồi nhỉ? Thế đấy, còn minh mẫn nhưng hơi lộn xộn nên thư viết cho em cứ chuyện nọ xọ sang chuyện kia. À nhớ ra rồi, tới chỗ vuông tròn.
Anh nói không được vuông tròn trọn vẹn là vì con gái đầu lòng đã ra đi khi vừa tới Mỹ, và hai con trai hy sinh cho Tổ Quốc, cậu cả Phong bị thương ở Ban-Mê-Thuột rồi hy sinh, cậu Tuấn thì tử trận trên biển, chìm theo hộ tống hạm HQ10 trong trận hải chiến để bảo vệ Hoàng Sa chống lại quân xâm lược Trung Cộng vào ngày 19 tháng 1 năm 1974.
Em à, anh không muốn nhắc chuyện xưa làm đau lòng em khi mất đi 2 đứa con trai tuổi còn quá trẻ, nhưng cũng là một đóng góp cho đất nước như biết bao các gia đình khác. Mới đây ông HQ Đặng Thanh Long đã thay mặt Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Tổng Hội Hải Quân Hải Ngoại đem cuốn Hải Sử Tuyển Tập và Hải Sử HQVNCH đến tặng gia đình ta với bút tích ghi ở trang đầu như sau:
“Kính biếu gia đình liệt sĩ Hoàng Sa HQ Nguyễn Văn Tuấn”.

Thấm thoát thời gian mau thế đấy em nhỉ, chả cần nói nhiều thì các con cũng biết từ lúc có đứa con đầu lòng ở Hà Nội rồi có thêm cô Út Hà ở Saigon rồi gia đình ta di tản, bảo lãnh, vượt biển vượt biên mà được thế này cũng là tạ ơn trời đất lắm rồi. Nhưng bất hạnh thay, em lại bỏ anh mà đi! Dễ chừng gần chục năm rồi chứ ít sao? Lúc trước anh nhớ chính xác ngày giờ năm tháng em ra đi, nhưng sau lần anh bị té dập đầu thì trí nhớ không còn tốt. Thôi để anh mở sổ ra xem ngày nào em bỏ anh ra đi. Đây rồi, ngày 14 tháng 10 năm 2002, và anh viết lá thư này cho em cũng vào ngày 14 tháng 10, em đi đã được 8 năm rồi đó.

Em à! Anh nhớ rõ là em bị bệnh thận, đang lọc máu thì bị té dập xương chậu và sau một thời gian ngắn thì em ra đi! Ngày đó mắt anh đã khô, khi thấy con cháu vây quanh mẹ, quanh bà nức nở khóc làm anh nghẹn cổ họng.
Thôi thế cũng xong, vì hiện nay em luôn được mạnh khỏe, không còn lo lắng về bệnh tật, cuộc sống mới lại bình an, thảnh thơi mãi mãi. Nhưng cẩn thận nhá, mỗi lần “vân du” em nhớ mang theo áo ấm và gài dây an toàn kẻo gió mạnh lại thổi bay mất thôi.
Em nhớ không? Lúc sinh thời mỗi lần mang thuốc và nước đến cho em thì anh chỉ nói vắn tắt: “thuốc đây, bà uống đi”! Nay anh muốn gọi tiếng EM, nói thật nhiều lời thương yêu thì giọng anh đã khò khè, thở không ra hơi! Hối hận quá!
Khi em đi rồi mà đàn chim bồ câu cứ đúng giờ nó lại bay về đậu trên thành cửa sổ, cái của sổ của căn phòng trên tầng thứ 15 của tòa biu-dinh thuộc thị xã Alfort Ville, ngó ngay ra bờ sông Seine, từng đôi chim gù-gù sát cánh bên nhau chờ những miếng bánh mì mà em bẻ vụn ra rồi rắc cho chúng ăn.

Ngày đó anh cằn nhằn em hoài vì cái việc cho chim ăn, nó ăn rồi ị, sương mù và mưa phùn làm bánh mì thừa ướt nhão nhẹt ra rồi mốc xanh lên khiến anh lại phải dọn. Bực mình anh la thì em nhỏ nhẹ nói: “tội nghiệp chúng nó”. Thôi đành cứ để em cho chim ăn rồi anh dọn phân và thức ăn thừa kẻo gió lùa vào phòng mình hôi cứt chim. Khi em về trên đó rồi, mình anh ở lại mỗi ngày phải nhìn từng đôi chim gù gù tỉa cánh cho nhau mà nhớ em vô vàn. Đó là lý do thầm kín anh không muốn rời căn phòng này để về ở với con cháu.

Có những chiều Hè hoàng hôn nắng úa, đứng ngắm hình em treo trên tường, anh thì thầm: “sao em không nói với anh” rồi ngó qua cửa sổ anh bỗng thấy như có mưa phùn chiều Đông, thì ra mắt anh mờ và anh cảm thấy lạnh lẽo!
Tất cả đồ dùng của em còn để nguyên chỗ cũ, nhìn đâu cũng thấy em vì thế các con xin dọn cho gọn gàng thì anh không cho. Bẩy cô cậu thay nhau thuyết phục bố về ở với các con nhưng anh nhất định không muốn rời xa nơi này, tuy không còn là tổ ấm nhưng còn cái ghế em ngồi, còn cửa sổ mà em đứng rắc bánh mì cho chim ăn. Anh không thổ lộ những điều thầm kín đó mà chỉ nói:
- “Bố còn khỏe, tự lo cho mình được mà, các con cứ yên tâm”.
Mà anh còn khỏe thực, mỗi sáng không còn lái xe ra Paris 13 để ăn hủ tíu và mua báo Văn Nghệ Tiền Phong nữa thì anh đi bộ quanh phòng, đi dăm ba bước anh dừng lại nghỉ dăm phút, cứ như thế mỗi giờ cũng đi được hơn một vòng. Anh cũng vẫn ăn được, mỗi ngày cô Hải mang cơm nóng canh sốt sang cho bố rồi dọn dẹp nhà của, Hải về thì cô út Hà sang lo mọi việc giấy tờ về sức khỏe của bố. Cậu cả Quang tuy ít nói nhưng phân công đâu ra đó cho các em trai Thắng Thụy Xương luân phiên trực đêm bên bố và chở bố đi Paris 13, khu phố Việt, phố Tàu.

Tuy sống độc thân nhưng anh không cô độc, mỗi thứ Bẩy và Chúa Nhật là con trai gái dâu rể, cháu nội ngoại kéo nhau về tụ họp trong căn phòng nhỏ này. Khi trước còn khỏe thì anh nấu một nồi phở thật to, nay thì mỗi con mang theo một thứ, căn phòng không chỉ ấm cúng mà còn nóng lên nữa ấy chứ. Những lúc đó thì anh lại nghĩ đến em, để cho con cháu vui chơi, anh lẳng lặng đi nằm, ứa nước mắt vì sung sướng nghe tiếng cười của con cháu nhưng cũng ứa nước mắt khi thiếu tiếng em! Thì ra “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, ông nuôi bà.
Cách nay khá lâu, anh đang vịn tường để đi vào phòng tắm thì bị té, các con vội đưa đi cấp cứu, bệnh viện khám phá ra một mạch máu trong đầu bị nghẽn khiến anh té chứ không phải tại anh vô ý.
Nhớ mãi hôm ấy thấy em đến thăm anh trong bệnh viện, anh vội vàng ngồi dậy, ba chân bốn cẳng chạy ra đón em và anh bị vấp té, choàng mở mắt thì biết anh vừa nằm mơ và giận quá tại sao mình không cẩn thận để bị té rồi tỉnh lại mà không được nắm tay em. Vừa lúc đó anh nghe cô ý tá nói:
- Từ nay cụ phải dùng cái này.
Ngó xem thì ra là cái gậy chống, ở cuối có 4 chân bịt cao su. Nếu anh chống gậy này mà đi thăm em thì đúng là “ba chân bốn cẳng rồi”.! Anh không thích chống gậy, trông giống ông cụ quá! Đối với anh, em vẫn còn khỏe và còn trẻ, người cõi tiên thì “trẻ mãi không già” mà.

Nằm bệnh viện được mấy ngày thì anh đòi về nhà, nhớ căn phòng quá, nhưng các con không cho, lựa khi các con không có mặt, anh “ba chân bốn cẳng” vào phòng bác sĩ trực năn nỉ xin xuất viện và họ “đắc-co”
Về nhà được mấy ngày thì anh lại “ba chân bốn cẳng” mang hoa đến tặng em, nhưng gõ của hoài mà không nghe tiếng ai trả lời, hình như mấy cô tiên đưa em vân du trên cẩu Vồng hay du Nguyệt Điện thì phải. Rõ chán! Cả đời ở bên nhau, anh chưa bao giờ tặng em một cánh hoa, tại anh thấy em là hoa đẹp rồi. Anh mong sớm có ngày được đoàn tụ cùng em nắm tay nhau tung mây lướt gió.


Sống với nhau hơn 60 năm, “sáu mươi năm cuộc đời” được 14 mặt con mà mình chưa bao giờ “to tiếng” với nhau, cằn nhằn thì có, nhưng chưa một lần em phải buồn phiền vì anh uống rượu, hút thuốc, đánh bạc và lăng nhăng, vì anh không thích những thứ đó, vì anh đã có em. Tính đến nay xa em đã 8 năm, thời gian cũng quá đủ suy ngẫm về thói đời hay coi thường hạnh phúc đang có sẵn trong tay mà không biết vun quén. Anh đang mong ngày tái ngộ.
Cầu được ước thấy, mới tuần trước đây anh đang đứng vịn tường tập thể dục thì tự động ngã, bệnh viện cho biết những mạch máu li ti trên đầu bị vỡ, các con bao quanh lo lắng và bác sĩ họ đang cố gắng nối lại, nhưng anh nói:
_ “Thôi”.
Sống với con cháu như vậy là quá đủ rồi, lo cho các con như vậy cũng tạm ổn, nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống thì không ai bằng. Tuy các con không giầu có gì, nhưng đủ ăn và hạnh phúc, nhất là các con một vợ một chồng, như đũa có đôi và anh chị em thương yêu nhau. Anh nói với các con:
_ “Các con như đũa có đôi, để ba về với mợ chứ, căn phòng trên lầu nơi mợ ở dành cho ba đã có sẵn tiện nghi rồi, các con đừng lo lắng và bịn rịn nữa. Chúc các con ở lại bình an, đùm bọc và thương yêu nhau như từ trước tới nay”.

Em à! Hôm nay là ngày 14 tháng 9 năm 2010, chỉ còn đúng một tháng nữa là trùng vào ngày em đi, 14/10, bác sĩ cũng vừa báo cho biết họ sẽ “búc” vé cho anh. Như vậy là mọi việc đã sẵn sàng tốt đẹp, anh không mang theo gì cả. Khi nào có vé thì anh sẽ gọi phôn cho em biết để mở cửa cho anh vào. Nếu em nghe không rõ tiếng người mà chỉ thoáng phì phò tiếng gió thì biết đó là lúc anh đã cất cánh.
Hẹn gặp em một ngày rất gần.
Vĩnh biệt các con và các cháu cùng các chắt.
Nguyễn văn Tuyết.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
(*) Mộ 2 tầng, ai đi trước nằm tầng dưới, ai đi sau nằm tầng trên

Ba mươi sáu năm qua


Ba mươi sáu năm qua
Ngày 30-4-1975, một ngày kinh hoàng nhất đối với đa số người dân miền nam nước Việt khi họ thấy xe tăng và bộ đội Cộng Sản tràn vào tiếp thu Sài Gòn, ai nay mường tượng ra một tương lai đen tối mù mịt sẽ diễn ra tại mảnh đất này: đói khổ, thóc cao gạo kém, mất tự do, sưu cao thuế nặng, bị trả thù, lưu đầy….Mặc dù cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng nhưng người Sài gòn chỉ biết đây là những người ngọai lai, xâm lược, họ biết rằng đất nước của mình đã bị đạo quân từ bên ngoài tới chiếm đóng.


Từ sau 1954, Việt Nam chia ra làm hai nước, một nước ở phía trên vĩ tuyến 17, hay trên sông Bến Hải và một nước ở dưới vĩ tuyến và dòng sông nhỏ này. Từ những năm đầu thập niên đã diễn ra cuộc chiến tranh giữa hai nước: miền Bắc được Cộng sản quốc tế trợ giúp vũ khí đạn dược đã mở cuộc chiến tranh dưới danh nghĩa “giải phóng” chiếm cho được vựa lúa miền Nam để cứu đói miền Bắc đã và đang thiếu thốn thực phẩm, lúa gạo trầm trọng. Cuộc chiến mở rộng bắt đầu từ 1964, 1965 khi miền Bắc công khai đưa quân vào miền Nam để chiếm cho được mảnh đất phì nhiêu béo bở này. Tình hình chiến sự trở nên tàn khốc trong khoảng 10 năm từ 1965 cho tới 1975, đó là cuộc chiến giữa một nước nghèo đói lạc hậu miền Bắc VN và một nước sung túc tiến bộ ở miền Nam VN. Miền Bắc có ưu thế ở chỗ họ được CS quốc tế viện trợ vũ khí dồi dào, vô hạn định và một dân số đông đúc, họ có cơ hội thuận tiện để đẩy hàng triệu thanh niên vào cuộc chiến.

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề nhiều trăm ngàn người trong những năm giữa và cuối thập niên 60, nhưng miền Bắc vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu, họ có ưu thế của kẻ nghèo đói không sợ chết, dù tổn thất bao nhiêu cũng không đáng kể miễn là chiếm được vựa lúa miền Nam VN. Sau khi nướng hơn một triệu thanh niên họ đã đạt được mục tiêu, chinh phục được miền Nam sung túc.

Khi mới vào tiếp thu Sài gòn họ nói “Đế quốc Mỹ bại trận, dân tộc ta là kẻ chiến thắng”, miệng nói hòa giải dân tộc nhưng trên thực tế sau khi thắng trận họ đã thỏa thuê mãn nguyện tha hồ mà vơ vét, chiếm đoạt nhà cửa, ruộng đất, quí kim, hàng hóa… Cựu đảng viên Cộng Sản Bùi Tín đã gọi đây là một cuộc ăn cướp vĩ đại. Nhà cửa, tài sản của dân di tản đương nhiên thuộc về quân chiếm đóng dù họ còn thân nhân ruột thịt, tất cả những nhà lớn đều thuộc về quân chiếm đóng, chủ nhà phải dọn đi ở những căn nhà nhỏ lý do phó thường dân không được quyền ở những nhà rộng lớn, cao tầng.

Có người nói đây là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa Tư bản và Cộng Sản, người cho đây là cuộc chiến chống Đế Quốc xâm lược, người nói đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, hai miền Nam Bắc đã được các siêu cường uỷ nhiệm, nhưng sự thực đã quá rõ ràng, nó chỉ là một cuộc “chiến tranh ăn cướp” giữa một nước nghèo đói lạc hậu và một đất nước giầu có tân tiến. Nước nghèo ra sức đánh thí mạng để cướp của cải vật chất bên kia, để chiếm cho được mảnh đất phì nhiêu rồi tha hồ mà vơ vét, bóc lột… Nước nghèo đói chỉ biết lấy lưỡi lê và họng súng để theo đuổi cuộc chiến tranh ăn cướp lâu dài, họ chủ trương chính quyền đẻ ra từ họng súng.

Khi chiếm được miền Nam, cán bộ Cộng Sản tươi cười với đồng bào nói nào hoà bình thống nhất rồi, nào hai miền cùng xoá bỏ hận thù và cùng nhau xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh. Thế nhưng họ không bao giờ bỏ được bản chất gian trá có từ hồi mới cướp chính quyền mùa thu 1945, chiếm xong Sài Gòn hoa lệ, đạo quân chiến thắng vội vã chở hết vàng bạc, quí kim của ngân hàng, tháo gỡ các máy móc trong các cơ xưởng, bệnh viện, vét hết các kho dụng cụ, hàng hoá, máy móc hiện đại….chở ra Bắc. Số vàng bạc quí kim vơ vét được vào túi các quan cán bộ gộc hết, họ vơ vét nhanh gọn y như đàn cào cào châu chấu phá hoại mùa màng, sau cơn trấn lột tập thể vĩ đại ấy miền Nam chỉ còn là một mảnh đất nghèo xơ xác. Thực tế chứng tỏ tại châu Âu, nước Đức sau khi thống nhất, Đông Đức đã trở thành gánh nặng cho Tây Đức, họ gồm hàng tá khuyết điểm: lười biếng, gian trá, lạc hậu, ngu xuẩn… và tình hình Việt Nam cũng y hệt như thế, miền Bắc đã dựa hẳn vào miền Nam để sống.

Một hai năm sau ngày 30-4-75 Cộng Sản đánh tư sản hai lần để lấy nhà cho cán bộ, đổi tiền ba lần, chính quyền đã vét cạn sạch túi tiền người dân, kế đó họ phát động chiến dịch đẩy dân chúng đi kinh tế mới để dãn dân ra khỏi thành thị ngõ hầu có chỗ đưa dân từ miền Bắc vào. Kế hoạch chiếm nhà dân đã được kẻ chiến thắng hoạch định một cách tinh vi khoa học. Những người đi vượt biên dù thoát hay không thoát đều bị lấy nhà, những nhà lớn, nhà mặt đường của dân cải tạo liên hệ chế độ cũ hầu hết bị tịch thu, họ lấy tất cả nhà cửa tài sản của những người đi chính thức. Sau ngày 30-4-75 một hai tháng, họ lùa các viên chức, sĩ quan chế độ cũ vào các trại cải tạo lâu dài rồi đẩy miền Nam tới chỗ nghèo nàn cùng cực để không thể trỗi dậy chống lại họ. Người Sài Gòn mỗi ngày một nghèo, nhiều người phải bán nhà với giá rẻ mạt cho kẻ chiến thắng để lấy tiền đong gạo sống qua ngày. Cán bộ cao cấp từ miền Bắc kéo nhau vào Nam chiếm nhà của kẻ bại trận, cán bộ lớn chiếm nhà lớn, cán bộ nhỏ chiếm nhà nhỏ rồi tha hồ mà vơ vét cho đầy túi tham.

Thấm thoắt đã 36 năm trôi qua, đời sống kinh tế miền Nam ngày nay cao hơn những năm thập niên 80, 90 rất nhiều nhờ Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và nhờ các nước giầu Đài Loan, Hoa Kỳ, Tây Âu, Đại Hàn, Nhật…vào đầu tư cộng với tiền đô la của Việt kiều ở ngọai quốc gửi về dồi dào. Đời sống có khá hơn xưa nhưng cái hố chênh lệch giầu nghèo lại sâu gấp bội lần tình trạng xã hội trước 1975. Trong khi những bà mẹ nghèo khổ tay bế con, tay bán vé số thì những đảng viên quyền thế có cơ ngơi, nhà mặt đường, trong nhà lúc nào cũng có cả triệu đô la tiền mặt, mấy nghìn lượng vàng. Các quan to tỉnh ủy, ủy viên trung ương đảng đã thành phú gia địch quốc có khách sạn, nhà hàng, đất đai, cơ sở thương mại, sản xuất….tài sản của họ có thể lên tới hàng trăm triệu đô la hoặc hơn thế. Nhiều người khi mới vào Nam chỉ mang theo có một manh chiếu rách nay đã trở thành những triệu phú đô la, xe ngựa nghênh ngang.

Nay người nghèo tại các tỉnh đổ sô lên Sài gòn và các thành phố lớn làm công nhân, họ chen chúc nhau thuê phòng trọ, hàng chục người một phòng nhỏ xíu với mức lương thấp 100 đô la hàng tháng, sau khi trả tiền phòng, tiền ăn họ chẳng còn dư đồng nào, những người cùng khổ này làm lụng vất vả nhưng chỉ đủ bỏ vào mồm. Đời sống thành thị tương đối còn khá, tại miền quê người dân lam lũ vật lộn với cuộc sống đắt đỏ, một hiện tượng phổ thông tại các nước kém mở mang, người nghèo ngày càng khốn khổ, người giầu ngày càng giầu thêm.

Mặc dù mức sống đã được nâng cao nhưng gần đây Thủ tướng CSVN nhìn nhận Việt Nam vẫn là một nước nghèo, thật vậy lợi tức đầu người VN nay vào khỏang 1,000 đô la một năm, trên thực tế chỉ bằng một nửa, hoặc một phần ba của các nước Phi châu như Ai cập, Lybia, Tunisie… nếu so với các nước láng giềng tại Đông Nam Á thì VN còn thua xa hơn nữa.

Nay người miền Bắc kéo vào Sài Gòn và các thành phố lớn tại miền Nam rất đông, họ là những người giầu có và quyền thế nhất Sài Gòn hiện nay, làm chủ hầu hết các nhà cửa to lớn của Sài Gòn và các nhà hàng lớn, các cơ sở thương mại, các cơ quan nhà nước… Họ là những cán bộ cao cấp và bà con thân thuộc được đưa vào đây để tranh dành hết những chức vụ béo bở, những công việc hái ra tiền. Tại các cửa hàng lớn, các cơ quan chỗ nào cũng thấy toàn là Bắc Kỳ, đó là giai cấp giầu có thống trị tại Sài Gòn hiện nay. Kẻ chiến thắng lấy đi tất cả, Winner takes it all, họ hưởng đủ tất cả lạc thú trên đời, biệt thự, xe hơi, rượu ngon, gái đẹp… không còn thiếu thứ gì.

Cho tới nay bộ mặt đổi đời của miền Nam càng lộ rõ hơn bao giờ hết bộ, kẻ thắng trận ngày càng giầu có, vơ vét, tập trung tài sản của nhân dân vào trong tay, bà con của họ cũng được chia chác những chức vụ béo bở, cơ sở làm ăn lớn tha hồ mà đớp hít… trong khi ấy người dân miền Nam, những kẻ bại trận ngày càng khốn khổ, trừ những người có thân nhân ở nước ngoài trợ giúp, đa số phải làm lụng đầu tắt mặt tối vì miếng cơm manh áo. Người miền Bắc nay đã trở thành giai cấp thống trị người miền Nam, họ tước đoạt tài sản nhà cửa của người miền Nam, đuổi người miền Nam đi các vùng kinh tế xa xôi khỉ ho cò gáy. Những kẻ bị áp bức bóc lột đành ngậm đắng nuốt cay, chịu khuất phục trước lưỡi lê và họng súng của đạo quân chiến thắng.

Đã một phần ba thế kỷ trôi qua, người miền Nam ngày nay dù là lớp người cũ hay lớp trẻ em sinh sau đẻ muộn vẫn nhìn chính quyền CS, nhìn người miền Bắc như đạo quân chiếm đóng, như bọn xâm lăng đã tước đọat tài sản, quyền sống của họ. Dù nói cùng một thứ tiếng, viết cùng một văn tự nhưng không hẳn phải là một quốc gia, thời xa xưa, Xuân thu, Chiến Quốc, thời Tam Quốc nước Tầu đã chia làm nhiều nước Tần, Sở, Yên, Ngô… và bây giờ Bắc Hàn, Nam Hàn cũng là hai quốc gia riêng biệt, châu Mỹ La Tinh cùng nói tiếng Tây Ban Nha, Trung Đông cùng nói tiêng Ả Rập nhưng đã chia làm mấy chục nước. Người miền Nam VN xa xưa không muốn thống nhất với miền Bắc cũng như Nam Hàn hiện nay không muốn thống nhất với Bắc Hàn lý do nước tân tiến sung túc không muốn mang cái gánh nặng lạc hậu trên vai.

Nay CS đưa ra luận điệu ru ngủ dân miền nam như hãy để Việt Nam Cộng Hòa lùi vào quá khứ, hãy quên đi lá cờ vàng, chúng ta hãy bắt tay nhau cùng xây dựng lại những vết thương do chiến tranh để lại, cùng nhau xoá bỏ hận thù nhưng người miền Nam lớp già cũng như lớp trẻ vẫn tiếc nhớ đất nước của họ, tiếc những cái họ đã mất từ bao năm qua:
Tự do. Cái mất mát lớn nhất của người miền Nam phía dưới vĩ tuyến 17 là mất tự do, trước hết là tự do ngôn luận, thời xa xưa tại nước Việt Nam Cộng Hòa… báo chí được quyền chỉ trích sai trái của chính phủ, người dân được nói cái mình muốn nói, được biểu lộ sự phản kháng, biểu tình chống chính phủ, được thành lập đảng phái đối lập, được tự do hội họp. Người dân được quyền tự do tư tưởng, được đọc và viết điều mình muốn, sách báo không bị kiểm duyệt hoặc chỉ bị kiểm duyệt hạn chế, người dân được đọc sách báo nhập từ ngọai quốc trái với tình trạng ngày nay, sách báo hải ngọai gửi về bị vất vào thùng rác. Người dân VNCH được tự do cư trú, muốn ở đâu thì ở, muốn đi đâu thì đi nhưng nay họ phải chịu chỉ định cư trú, theo chế độ hộ khẩu, bị chính quyền địa phương giám sát, theo dõi nghiêm ngặt. Từ mấy chục năm nay quân chiếm đóng đã tước đọat hết mọi quyền tự do của người dân miền nam nước Việt.

Luật pháp. Người dân VNCH đã được luật pháp bảo vệ tài sản tính mạng, có tòa án, có luật sư bào chữa, người dân chỉ bị bắt giam tối đa 24 giờ đồng hồ nếu không có bằng cớ phạm pháp, nay họ có thể bị công an nhà nước bắt giam vì bất cứ lý do gì hoặc chỉ là tình nghi. Họ có thể bị giam giữ vô thời hạn mà không cần đưa ra tòa xét xử, phải có án, người dân có thể bị chính quyền, bị kẻ thống trị cướp đoạt đất đai tài sản mà không thưa kiện ai được. Sau 30-4-1975, trại tập trung, nhà giam mọc lên như nấm tại miền Nam, hàng trăm ngàn người bị lùa vào trai tù dưới danh nghĩa cải tạo mà không hề được xét xử, họ bị giam giữ lâu dài có người lên tới mười mấy năm trời. Sống trong xã hội áp dụng luật rừng hiện nay, người miền Nam ai cũng nơm nớp lo sợ, họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào không có lý do, chỉ một sự tình nghi hoặc tư thù với cán bộ có thể bị giam giữ lâu dài.
Đạo đức. Người dân miền Nam nay tiếc nhớ xã hội có kỷ cương đạo lý của VNCH ngày xưa, trước 1975, miền nam là một xã hội có tổ chức nghiêm chỉnh, chịu ảnh hưởng sâu xa của giáo lý Khổng Mạnh, con người có nhân phẩm, gia đình và học đường giáo dục đạo đức luân lý cho con em để trở thành con người tốt của xã hội. Nay thì khác hẳn, xã hội đương thời sô bồ, băng hoại phản đạo đức luân lý, phim ảnh khiêu dâm đồi bại lan tràn, đĩ điếm, bia ôm, đầy rẫy cả thôn quê thành thị, con gái bị bán đi làm đĩ khắp nơi. Con người ngày nay chỉ biết có đồng tiền, lửa đảo, lưu manh trộm cướp, băng đảng lộng hành, trẻ nít chửi thề tục tĩu ngay tại học đường, tham nhũng hối lộ từ trên xuống dưới, có người nói giả thử chế độ CSVN sụp đổ, người ta phải mất ít nhất là ba thế hệ mới xây dựng được xã hội lành mạnh như xưa.

Tài sản. Nhiều người mất cơ mất nghiệp, nhiều người xưa là thương gia, đại phú bị quân chiếm đóng lấy nhà tịch thu tài sản đuổi đi vùng kinh tế mới rồi trốn về Sàigòn với tấm thân tàn ma dại. Nhiều người khá giả có nhà lớn hoặc nhà mặt đường đi vượt biên không thoát bị quân chiếm đóng lấy nhà nay nghèo khốn nghèo khổ tiếc nhớ thời oanh liệt xa xưa. Những người có tài sản làm việc cho chế độ cũ phải vào trại tập trung cũng bị chính quyền “mượn nhà”ở nay tiếc nhớ thủa vàng son của mình….

Giáo dục, Y tế – Khoảng 1980, trong một phiên họp nhân viên tại bệnh viên Vũng Tầu, một chị dược sĩ gốc ngoài Bắc vào đã phát biểu:

“Chế độ Ngụy mà chúng ta đánh đổ nó nhưng nó đào tạo các chuyên viên như kỹ sư bác sĩ giỏi hơn chúng ta”

Thật vậy nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 đã đào tạo các chuyên viên khoa học kỹ thuật tương đương với các nước tân tiến và đã được chính phủ Pháp công nhận có giá trị ngang hàng. Văn bằng trung học VNCH đã theo đúng chương trình của người Pháp, việc thi cử rất nghiêm chỉnh, văn bằng trung học, đại học cũng đã được coi ngang hàng với văn bằng bên Pháp, việc thi cử dưới trung học nhất là thời Đệ nhất cộng hòa thập niên 60 có phần còn khó khăn hơn ở ngọai quốc. Nay người gốc miền Nam vẫn tiếc nhớ một thời giáo dục vàng son của họ vì nền giáo dục hiện nay của quân chiếm đóng đã sản xuất ra một lô những văn bằng “lèo”, thạc sĩ, tiến sĩ nhiều như lá mùa thu, các quan to Thứ trưởng, Tỉnh ủy, huyện ủy đều có thể mua bằng tiến sĩ “ma”, thạc sĩ “lèo”, nạn bằng giả bằng ma tại VN ngày nay không còn gì xa lạ. Học sinh từ tiểu học lên trung học, đại học VNCH hồi xưa đều được học miễn phí, chỉ riêng bậc trung học có thêm trường tư thu học phí, ngày nay trẻ em thất học nhiều vì không có tiền đóng học phí. Trước 1975, nhà giầu hoặc những người có tiền khi ốm đau nặng đi bệnh viện tư, người nghèo đã có nhà thương thí của chính phủ lo. Nay lấy danh nghĩa xã hội chủ nghĩa để mị dân, chính quyền CS chỉ biết thu thuế, không mảy may để tâm tới phúc lợi người dân, các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi bệnh nhân phải có tiền, không có tiền thì chịu chết, đi học, chữa bệnh phải có tiền, cái gì cũng phải mất tiền.

Bình đẳng. Mặc dù có một số khuyết điểm nhưng VNCH trước đây tương đối là một xã hội công bình, tuy có nạn bè phái nhưng người có tài đức dù thân cô thế cô vẫn có cơ hội tiến thân điển hình là Giáo sư Nguyễn Văn Bông. Xuất thân từ người con thông minh trong một gia đình nghèo tại miền quê, Bông đã phải làm lao động thêm để lo đèn sách, lớn lên anh ta xuất dương du học, làm bồi tầu, khuân vác cực nhọc rồi thành công vẻ vang, đậu tiến sĩ, thạc sĩ, làm tới chức Viện trưởng một Học viện lớn, nếu sống dưới chế độ CSVN hiện nay, tột đỉnh cuộc đời của ông ta chỉ có thể làm một thầy giáo làng quèn mà thôi.

Từ 1975 cho tới nay, sự học hành, công ăn việc làm chỉ con cái cán bộ, đảng viên hoặc những người từ miền Bắc vào mới được ưu tiên, con cháu các cựu quân nhân, viên chức chế độ cũ hoặc phó thường dân Nam bộ vẫn bị kỳ thị phân biệt đối xử nặng nề, chính quyền CS duyệt xét lý lịch đương đơn rất kỹ. Những công việc tốt, lương cao, béo bở hái ra tiền… chỉ dành cho các đảng viên hoặc họ hàng thân thuộc, những người từ miền Bắc vào Nam còn những việc xương xẩu, làm chỉ đủ bỏ vào mồm mới đến tay thành phần chế độ cũ hoặc phó thường dân Nam bộ.

Nay người dân phía dưới sông Bến Hải vẫn tiếc nhớ một thời vàng son của miền Nam nước việt nhưng cái thời ấy nay đã chết rồi, nó chỉ còn để lại một tiếng vang, vang bóng một thời. Quân chiếm đóng đã tàn nhẫn bế mạc cái thời huy hoàng ấy, mặc dù họ lớn tiếng kêu gọi xóa bỏ hận thù nhưng người miền Nam vẫn không thể quên những hành động trắng trợn của họ tại mảnh đất này.

Quân chiếm đóng có thực sự muốn xoá bỏ hận thù hay không? Họ xóa bỏ hay đào sâu thêm cái hố sâu hận thù đã vốn dĩ sâu thăm thẳm từ bao năm qua? Người Việt Hải ngoại chúng ta hòa hợp với quân chiếm đóng, đem tài nguyên tài năng về Việt Nam xây dựng quê hương hay là để củng cố thêm quyền lực và tài sản cho bọn thống trị, để họ vơ vét thêm tài sản nhân dân cho đầy túi tham và đè đầu cưỡi cổ nhân dân miền Nam thêm nhiều thế kỷ nữa? Trước mắt chúng ta thấy họ vẫn ngoan cố như tự bao giờ, trước sau như một.

Địa vị của quân chiếm đóng, của bọn thống trị vẫn phải được củng cố vững mạnh hơn bao giờ hết bằng lưỡi lê và họng súng.

Trọng Đạt

17 thg 5, 2011

MỘT NGÀY VIỆT NAM

MỘT NGÀY VIỆT NAM

Cho Đi Là Hạnh Phúc




Cho Đi Là Hạnh Phúc

Ngô Hiếu

Cuộc đời của Yu Penguin (Dư Bành Niên) từ một
người nghèo bán rong trên đường phố trở thành
ông trùm bất động sản Hồng Kông đã là một điểm
đáng chú ý nhất. Sau đó, ông cụ 88 tuổi đã có
thêm một hành động hiếm hoi gây sốc
tại Trung Quốc nơi mà ngày càng trở nên
một xã hội vật chất nhiều hơn:
Ông Bành Niên đã cho tất cả.

Nói rằng hy vọng sẽ làm gương cho những nhà giàu
Trung Quốc khác, Dư Bành Niên đã họp báo trong
tháng Tư để thông báo việc ông tặng 3.200.000.000
nhân dân tệ cuối của ông (khoảng 500 triệu USD)
cho một tổ chức từ thiện do ông thành lập 5 năm
trước đó để hỗ trợ cho dự án chính ông gầy dựng –
cấp học bổng cho sinh viên, tái thiết sau trận
động đất Tứ Xuyên năm 2008, và trả chi phí giải phẫu
cho những bệnh nhân, như ông, bị đục thủy tinh thể
(đục nhân mắt – cataract).

“Đây là mó quà tặng cuối cùng của tôi,” ông công bố.
“Tôi không còn có gì hơn để cho nữa.”

Với đóng góp đó, ông Bành Niên đã trở thành người
Trung Quốc đầu tiên hiến tặng hơn 1 tỷ đô-la cho
từ thiện, tính đến nay ông đã đóng góp gần 1,3 tỷ USD
tiền mặt và bất động sản cho Viện Dư Bành Niên .

Cả Trung Quốc choáng váng, câu hỏi đến một cách
nhanh chóng, “Những người con của ông không
nổi giận vì ông đã cho đi cả gia tài của họ sao?”
“Tụi nó không phản đối ý định này, ít nhất không phải
trước quần chúng,” ông Dư Bành Niên, người lập dị,
nói, cười, khi được hỏi các câu hỏi một lần nữa
trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông
trên đỉnh khách sạn Panglin 57 tầng ở thành phố
Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc.

“Nếu con tôi có khả năng, chúng không cần tiền của tôi,”
ông Bành Niên giải thích. “Nếu con tôi không có năng lực,
để lại cho nhiều tiền chỉ làm hại chúng.”

Để bảo đảm chuyện đó sẽ không xảy ra, ông đã bổ nhiệm
ngân hàng HSBC làm quản lý tài sản cho Viện Dư Bành Niên
và quy định rằng không cổ phần của Viện sẽ không
thể được thừa kế, bán đi hay đem đầu tư.

Trong một xã hội mà chủ nghĩa tư bản chỉ mới 30 tuổi,
và cống hiến cho từ thiện còn là một khái niệm mới mẻ
hơn nữa, Dư Bành Niên nói một trong những mục tiêu
chính của ông trong việc hiến tặng tài sản của mình
là để làm gương cho những người Trung Quốc giàu có khác.
“Mỗi người đều có một cái nhìn khác nhau về tiền.
Một số làm những điều tốt với nó, một số người giàu
không phải gì với nó... Mục tiêu của tôi là làm người
đi trước, là người tiên phong khuyến khích người giàu,
trong và ngoài Trung Quốc, để làm một cái gì từ thiện.”

Người hảo tâm lập dị
Thật là dễ để mô tả ông Bành Niên là một người kỳ quặc.
Tóc của ông nhuộm màu đen tuyền và chải bồng lên.
Ông thường xuyên mặc áo trắng kiểu Mao với đôi giày
màu trắng mà những đứa cháu Tây học của ông phải
lặng lẽ rúm người. Bàn làm việc của ông, ở ngay
giữa một văn phòng cùng với hàng nửa tá nhân viên
của Viện; mặt bàn đầy những vật linh tinh như
một bát trái cây nhựa, máy đếm tiền, và một cặp
mô hình máy bay song đấu, một của Trung Quốc, một của Mỹ.

Ít khoe khoang tài sản – ông sống tại khách sạn Panglin
và ăn hầu hết các bữa ăn của mình trong hàng buffet –
nhưng ngồi bên dưới một bức chân dung khổng lồ của
mình đang mỉm cười. Một cái đĩa khổng lồ in hình ảnh
của ông đặt dựng đứng trên bàn của ông, nhìn thẳng
vào bất cứ ai đang ngồi trước mặt.

Kỳ dị như thế, nhưng khó ai có đặt câu hỏi
về sự hào phóng của Dư Bành Niên. Ông Dư, người được
xếp hạng người giàu thứ 432 tại Hoa lục, đã đứng đầu,
4 năm liên tiếp, danh sách những nhà hảo tâm hàng đầu
Trung Quốc trong Báo cáo Hurun – và chắc chắn sẽ đứng
vị trí đó một lần nữa trong năm nay – lãnh đạo bằng cách
làm gương bằng lế hoạch hiến tặng quy mô lớn đã
lặng lẽ lây lan trong một số ngày càng tăng
của những người giàu sụ của Trung Quốc.

Từ người khố rách đến đại gia
Ông Bành Niên nói rằng niềm đam mê làm từ thiện
là kết quả của nguồn gốc đói nghèo của chính mình.
Sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Nam, phía Nam
Trung Quốc, ông tới Thượng Hải từ thuở còn là
thanh niên, hy vọng tìm được vận may. Nhưng không,
ông đã trở thành người kéo xe và bán nữ trang rẻ tiền
trên hè phố cho đến khi ông bị bắt vào năm 1954 –
bị cáo buộc oan uổng rằng ông xuất thân từ một gia đình
địa chủ giàu có – và bị kết án ba năm tù ở một trung tâm
“cải tạo tư tưởng.”

Sau khi được thả, cuối cùng ông đã bắt được
một cơn gió may mắn khi được cấp giấy phép hiếm hoi
để du lịch sang Hồng Kông. Ông tìm được việc lau dọn
tại một công ty lớn, và mặc dù không biết nói
tiếng Anh hoặc tiếng Quảng Đông, ông từ từ lên đến
một vị trí quản lý cấp thấp, và chắt chiu d
ành dụm suốt thời gian đó.

Trong thập niên 1960, ông Bành Niên và một số bạn
gộp tiền lại và mua bất động sản đầu tiên của họ,
khởi đầu của một sự nghiệp mới mà ông đã làm ra
hàng triệu đồng vì biết buôn bán khôn ngoan
để sau này bán lại với giá gấp 20 lần hoặc
nhiều hơn giá gốc. Khi vốn liếng đã nhiều,
ông nổi tiếng tại Hồng Kông với danh hiệu
“Vua khách sạn ái tình”– một cái tên ông ghét cay
ghét đắng – vì có nhiều khách sạn của ông đã được
cho khách thuê theo giờ. Ông cũng nổi tiếng vì đã mua
được căn nhà cuối cùng của ngôi sao phim công phu
Lý Tiểu Long đã ở trước khi qua đời, một tài sản
Dư Bành Niên sau đó tặng lại cho chính quyền
Hong Kong làm một viện bảo tàng.

Hiến tặng, một bài học đắng cay
Nhưng ở nông thôn Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Hồ Nam,
quê quán của ông, ông Dư Bành Niên nổi tiếng
một cách rất khác. Mỗi năm trở về quê Lâu Để (Loudi) trong
kỳ nghỉ Hội Xuân, ông đều lì xì phong bì đỏ
đựng tiền mặt cho người già và kẻ nghèo.

Những chuyến về quê đó đã dạy ông bài học đầu tiên
về những nguy hiểm của việc hiến tặng từ thiện.
Vào một năm, ông nhờ quan chức chính quyền địa phương để
giúp ông cho tiền vào mỗi phong bì với 400 nhân dân tệ.
Sau đó ông mới biết đã có rất nhiều tiền ông tặng
người nghèo đã vào túi của các quan chức tham nhũng,
và cho đến ngày nay, ông nhấn mạnh rằng tiền ông
hiến tặng phải trực tiếp đến tay người nhận mà
không qua bất kỳ tổ chức từ thiện khác hoặc cơ quan
chính phủ nào. “Ở Trung Quốc, tôi làm từ thiện
bằng chính đôi mắt và bàn tay của mình. Tôi
không tin ai hết,” ông nói.

Ông Dư Bành Niên bắt đầu làm việc từ thiện quy mô
rộng lớn hơn sau khi bị bệnh đục nhân mắt và đã được
giải phẫu chữa lành đôi mắt của mình vào năm 2000. Sau
đó, khi tìm hiểu về bệnh cataract, ông thấy rằng
hàng năm có đến 400.000 người Trung Quốc bị đục
thủy tinh thể, và nhiều bệnh nhân không có
đủ khả năng chi trả tiền phẫu thuật.

Ông rất cảm động và quyết định chi 10 triệu đô-la
hàng năm cho phòng khám cataract di động đến những
vùng xa xôi nhất của Trung Quốc để thực hiện những ca
phẫu thuật. Tấm hình quá khổ của ông – với đôi mắt đã khỏi
– ở bên hông của chiếc van “Mắt sáng”, đã thực hiện
hơn 150.000 ca mổ cataract trên khắp Trung
Quốc từ năm 2003 đến nay.

Dư Bành Niên nói niềm đam mê mới nhất của ông
là giáo dục. Ông nói rằng ông muốn phần lớn tiền
từ các khoản hiến tặng gần đây nhất của ông,
cũng như lợi nhuận từ các khách sạn và các tài sản khác,
ông đã tặng cho Pengnian Yu Foundation, dành
cho học bổng. “Một số cho học sinh nghèo,
số khác cho sinh viên giỏi mà tôi muốn
khuyến khích, kể cả sinh viên nước ngoài
muốn du học tại Trung Quốc,” ông nói.
“Giáo dục rất quan trọng cho quốc gia,
liên quan rất chặt chẽ đến sự thịnh vượng
và mức sống.”

Một dự án kế thừa
Ông Yu tự hào khi nghe tên ông đề cập bên cạnh
những nhà hảo tâm nổi tiếng phương Tây như Bill Gates
và George Soros – cũng như Li Kashing ở Hong Kong, nhà
hảo tâm nổi tiếng nhất của châu Á đã cho đi
1,4 tỷ USD trên tài sản ước tính
khoảng 21 tỷ đô-la – nhưng Dư Bành Niên thích nêu lên
việc đã đi một bước xa hơn vì ông đã cho đi
tất cả tài sản của mình. Tuy nhiên, ông công nhận ông cũng
không sẵn sàng để trở lại đời sống khó khăn thời còn trẻ.

“Tôi không phải là người nghèo, chưa. Tôi vẫn còn
có một thẻ tín dụng – một thẻ tín dụng Mỹ – và tôi có
một phòng VIP tại khách sạn này. Và tôi đi máy bay ghế
hạng nhất. Tôi cho phép mình được thế,” ông mỉm cười nói.

Dư Bành Niên nói, cháu nội của ông, Dennis Pang,
lắng nghe với cả sự tôn trọng và trìu mến. Là một
trong những người để kế thừa một số tài sản,
Ông Pang thừa nhận rằng ban đầu ông đã hoang mang
vì ông nội của mình khăng khăng cho đi tất
cả những gì ông đã làm ra. Nhưng khi nhận
công việc trợ lý cá nhân của ông nội mình,
và thấy tận mắt những việc tốt mà
Yu Pengnian Foundation đã làm được.

“Trước khi đến đây, tôi đã bối rối. Nhưng bây giờ
khi thấy những người mà ông tôi giúp, tôi hiểu rằng
đó là một sự đặc biệt,” ông Pang nói. Con trai của Dư
Bành Niên, cả hai trong tuổi 60, đều là thành viên
Hội đồng Quản trị của Viện.

Ông Yu vui mừng có sự hỗ trợ của gia đình,
nhưng nói rằng ông sẽ làm việc từ thiện của mình
dù có sự chấp thuận hay không của họ.
“Tôi không quan tâm những gì người khác nghĩ.
Hiến tặng tiền của mình làm cho tôi hạnh phúc.
Tôi đã từng là người nghèo.”

Thế nào là sung sướng?
Ngạn ngữ cổTrung Hoa có câu: Biết đủ là đủ,
Không biết Đủ thì Thế nào mới là Đủ.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu " Đứng núi này
trông núi nọ" vì nghĩ rằng núi đó cao hơn,
Mỹ, Anh có câu "Cỏ nhà hàng xóm luôn luôn
xanh hơn" cũng là có y khuyên ta biết đủ,
chẳng nên "Mơ cây cao bóng dài" mà than thở.

Chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn
số mình không tốt, không thể giàu có được.
Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy
vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi :

-Chàng trai, sao trông cậu buồn thế,
có việc gì không vui à?
-Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ,
vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.
-Nghèo ư, cháu là một người giàu đó chứ ?
-Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.
-Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, ta trả cháu
3 đồng tiền vàng cháu có đồng ý không?
-Không ạ.
-Giả như ta chặt một bàn tay của cháu,
ta trả 30 đồng tiền vàng, cháu có chịu không?
-Không bao giờ.
-Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả
cháu 300 đồng tiền vàng, cháu thấy thế nào?
-Cũng không được.
-Vậy ta trả cháu 3000 đồng tiền vàng
để cháu trở thành ông lão như ta, già cả,
lú lẫn được không?
-Đương nhiên là không.
-Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu
30,000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng
sống của cháu, cháu thấy thế nào?
- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu
cháu cũng là một người giàu có.

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường
than thân trách phận mà không thực sự
hiểu ra mình còn hạnh phúc hơn
rất nhiều người khác. Bạn hãy xem :

- Nếu sáng mai tỉnh dậy, cảm thấy mình khỏe mạnh,
thì bạn đã hạnh phúc hơn rát nhiều người không
còn cơ hội sống đến ngày mai.
- Nếu bạn còn cảm nhận được vẻ đẹp của một ngày
nắng mới, thì bạn đã hạnh phúc hơn hàng triệu
người khác không may mắn được nhìn những vẻ đẹp
giản dị của đời thường.
- Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua sự tàn phá
của chiến tranh, sự đơn độc, lạnh lẽo trong nhà tù,
chưa bị đói rét rình rập, thì bạn đã hạnh phúc
hơn 500 triệu người trên trái đất.
- Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn,
bạn có quần áo để mặc, có tiền để tiêu xài,
thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người nghèo
đói vô gia cư trên thế giới.
- Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng,
thì bạn đã được xếp vào nhóm 8% những
người giàu nhất thế giới.
- Nếu bố Mẹ bạn vẫn còn sống, và sống vui vẻ
hạnh phúc bên nhau, thì bạn thuộc số ít nhóm người
hạnh phúc nhất trên thế giới.
- Nếu trên khuôn mặt bạn lúc nào cũng nở nụ cười
tươi tắn, bạn luôn cảm thấy lạc quan yêu đời,
thì bạn là người vô cùng hạnh phúc bởi
trên thế giới có rất nhiều người muốn
lạc quan như bạn mà không được.
- Nếu bạn được ôm người thân vào lòng hay
được chia sẻ cùng họ những tâm sự của mình,
thì bạn đã là người hạnh phúc hơn nhiều
người khác không bao giờ nhận được tình yêu
thương từ người khác.
- Nếu bạn vẫn còn nhận được những lời chúc phúc
từ những người xung quanh, thì bạn đã hạnh phúc
hơn rất nhiều người cô đơn, không người thân thuộc.
- Nếu bạn đọc được những dòng chữ này,
thì bạn đã hạnh phúc hơn 2 tỷ người không
thể đọc được trên thế giới.

Sau khi bạn đọc xong những dòng chữ này,
bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười :
" Hóa ra, mình cũng là một người giàu có và hạnh phúc".

Ngô Hiếu

14 thg 5, 2011

Ông già bươi rác



Ông già bươi rác

Tiểu Tử

Thành phố Hồ Chí Minh quang vinh vẫn còn rất nhiều rác. Hồi thời trước, Sài Gòn đã có nhiều rác, nhưng so với bây giờ thì… thua xa. Rác bây giờ chẳng những nhiều hơn mà còn… rải rác hơn. Điều này chẳng có gì khó hiểu hết. Bởi vì, trong chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa, cái gì của ta cũng đều hơn của lũ chúng nó cả: rác của chúng nó là rác tư bản, rác ngụy, còn rác của ta là rác… nhân dân, do nhân dân, từ nhân dân mà ra. Có chính nghĩa, hơn là lẽ tất nhiên!

Vậy, ở một đống rác khá lớn nằm trên vỉa hè một con đừơng khá rộng trong thành phố, có một ông già ngồi ung dung như đang ngồi ở một nơi sạch sẽ! Ông già đó tuổi cỡ ngoài tám mươi, có chòm râu bạc giống râu bác Hồ. Ổng đội mũ tai bèo, mặc bộ đồ bà ba đen, mang dép cao su đúc. Ổng ngồi trên một ghế bằng nhựa nhỏ, thấp, loại ghế ngồi cho trẻ con. Ổng cầm cây gậy trúc dài bươi bươi rác, mắt nhìn châm chú chỗ đang bươi, mặc cho đàn ruồi bay lên đáp xuống như giành rác với ổng! Lâu lâu, ổng nói một mình: "Nó nằm lẫn đâu đây hè! Mẹ bà nó!".
Đường này lúc nào cũng đông ken. Xe đạp, xe gắn máy, xe hơi… hai luồng chen nhau chạy, giành mặt đường mà chạy, lòn lách lấn ép, bóp kèn inh ỏi. Chạy đầy đường như vậy mà chẳng ai nhìn thấy ở trên đỉnh đống rác cao nhòng đó có một ông già… Cho đến người đi bộ trên vỉa hè cũng chẳng thấy ai để ý đến ổng hết! Hơn hai chục năm sống quen với quá nhiều nghịch lý, con người ta không còn nhạy cảm trước những sự bất bình thường. Bởi vì cứ nhìn riết rồi quen con mắt, nên không thấy chướng, cứ nghe riết rồi quen lỗ tai nên không thấy ồn, cứ ngửi riết rồi quen lỗ mũi nên không thấy hôi. Đó là một quy luật. Tiếp theo đó là một quá trình đi xuống dốc của con người, vừa nhanh vừa gọn, bởi vì nó dễ ợt hà!
Ông già lâu lâu ngừng bươi rác, móc túi lấy bọc ni-lông thuốc rồi chậm rãi vấn hút. Điếu thuốc của ổng to bằng ngón tay cái, nên mỗi lần ổng nhả khói là thấy mù mịt, làm như đống rác đang ngún cháy vậy!
Trong khi ổng hút thuốc, ổng không bươi rác. Làm như hút thuốc là qua giai đoạn ổng nghỉ xả hơi! Ổng xoay người ra nhìn thiên hạ chạy loạn dưới đường giống như ổng đang ngồi xem kịch. Một lúc sau ổng nói một mình: “Thiệt… không giống ai hết!” Mà thiệt! Người ta chạy đi đâu mà lúc nào cũng thấy chạy đầy đường. Người nào cũng hối hả. Người nào cũng bóp kèn. Kẹt không kẹt gì cũng thấy bóp kèn! Làm như nếu không bóp kèn thì xe sẽ… không chạy vậy! Còn luật lệ giao thông thì hầu như không có. Mạnh ai nấy chạy. Tay mặt tay trái gì cũng… như nhau. Đàn ông đàn bà gì cũng chen lấn lòn ép… như nhau. Chẳng ai nhường ai hết. Đàn ông con trai có người ở trần bận quần xà-lỏn, có người lại mặc quần áo gin, bên trong có sơ-mi và áo gi-lê giống như đang ở xứ lạnh! Còn đàn bà con gái thì phần đông ăn mặc không để… hở một chỗ nào hết. Áo pô-lô ngắn tay, quần dài, găng tay cao tới… nách, đội kết loại đấu thủ dã cầu, mang kiến đen, bịt mặt bằng chéo vải thêu bông hoa hay có ren giống đàn bà á-rập! Nếu có mặc áo dài thì cũng mang găng tay ngắn, rồi đội kết, rồi kiến đen, rồi bịt mặt! Thành ra không nhìn ra được ai là ai hết!
Hút tàn điếu thuốc, ông già lại quay về đống rác, châm chỉ bươi. Một lúc lại nói: "Mẹ bà nó! Tao bươi riết rồi cũng ra. Làm gì rồi cũng thấy!".
Một cô gái nhỏ xách tới xô rác đổ xuống làm lũ ruồi lúc nhúc bay lên, thấy ông già ngồi đó, cô hỏi:
- Bộ ông không sợ hôi sao mà ngồi đó vậy?
Ông già cười mũi:
- Thời bây giờ, ở đâu mà không hôi không thúi, hả? Nó tràn đồng thì ngồi ở đâu cũng vậy thôi.
Cô gái lại hỏi:
- Thấy ông bươi bươi. Bộ ông mất cái gì hả ?
Ông già ngừng tay, hỏi lại:
- Mất hả? Mất cái gì? Còn khỉ gì đâu mà mất !
- Vậy chớ ông bươi rác làm gì? Rác bây giờ đâu còn có gì đâu mà lượm.
Ông già cầm gậy trúc gõ gõ vào đống rác làm lũ ruồi hốt hoảng bay lên vù vù.
Ổng hạ giọng:
- Tao bươi rác để kiếm mấy thằng Việt Cộng mà hồi đó tao nuôi tao giấu trong nhà.
Có vẻ thấy ông già… khùng quá nên cô gái bỏ đi, vừa đi vừa nói:
- Họ là con người chớ bộ chuột bọ gì đâu mà ông tìm trong đống rác!
Ông già nhìn theo, nói lớn:
- Mà tao có nói tụi nó là con người đâu?
Tiếng của ông bị chìm lấp trong tiếng ồn hỗn tạp của đường phố, nên chẳng gợi được sự chú ý của ai hết. Ổng nhìn quanh, thở dài, rồi tiếp tục bươi…
Một thanh niên đang đi trên vỉa hè bỗng tấp vô đống rác vạch quần định đứng tiểu, một tay chống nạnh, trên môi phì phà điếu thuốc. Ông già nói lớn:
- Coi chừng! Nó phóng lên nó cắn sứt à!
Gã giật mình, vội vã buông quần bước đi như chạy. Vừa đi vừa nhìn lại, nét mặt còn đầy sợ hãi ! Ông già không nhìn theo, cũng không cười. Làm như điều ông nói là điều có thật chớ không phải đùa. Cho nên nghe ổng nói tiếp:
- Cái lũ khốn nạn này có thứ gì mà tụi nó không đớp!
Ổng nói mà đầu gậy vẫn không ngừng bươi. Bầy ruồi nhặng vẫn bay lên đáp xuống, đáp xuống bay lên, lúc nha lúc nhúc…
Gần trưa, một người đàn bà đứng tuổi từ trong hẻm gần đó bước ra đi lại đống rác, thưa:
- Mời ông Hai về ăn cơm.
Ông già nói “ờ” rồi chống gậy đứng lên đi. Người đàn bà cúi lấy cái ghế nhỏ, xách đi theo phía sau ông, im lặng. Cả hai đi lần vào hẻm.
Con hẻm mới vào thấy rộng thấy thẳng, hai bên có phố lầu hai ba từng kiến trúc hiện đại, từng nào cũng thấy có máy lạnh lòi ra coi rất… văn minh! Hai dải phố lầu này kéo dài vào hẻm độ ba bốn mươi thước. Sau đó là một khúc quanh thẳng góc, rồi con hẻm chỉ còn lại không tới hai thước bề ngang, chạy quanh co rồng rắn vào tuốt bên trong tiếp nối với những con hẻm nhỏ khác không biết từ đâu tới mà cũng thấy… rồng rắn quanh co! Ở đây, nhà cửa lụp xụp hẹp té, khác hẳn với mặt tiền đồ sộ lộng lẫy. Đó là một thế giới khác, một thế giới nghèo khó núp sau cái thế giới phồn vinh bên ngoài. Người ta không thể nghĩ rằng nó nằm ngay trong lòng thành phố, cái thành phố mang tên Người từ hơn hai mươi năm…
Ông già và người đàn bà bước vào một căn nhà nhỏ hẹp của khu hẻm rồng rắn. Ông già nói:
- Tao bươi hoài mà chưa gặp thằng nào hết.
Một người đàn ông trong nhà nói cho lấy có:
- Vậy hả ông Hai ?
- Tụi nó chui rúc lì lắm. Mẹ bà nó! Hồi đó mà tao biết như vầy, tụi nó có chung vô quần trốn, tao cũng cởi quần tao giũ cho chết cha tụi nó hết!
… Người đàn ông trong nhà là cháu của ông già bươi rác, kêu ổng bằng ông chú, còn người đàn bà là vợ hắn. Hai vợ chồng đã trộng tuổi nhưng chưa có con. Họ lãnh may gia công quần áo cho một công ty may mặc, nên trong nhà lúc nào cũng nghe tiếng máy may chạy xành xạch suốt ngày. Họ ngủ trên cái gác lửng nhỏ bằng hai chiếc chiếu, còn ông già thì có cái ghế bố kê trong góc nhà. Nhà nhỏ xíu nên chỉ có một bóng đèn điện treo ở giữa.
Hai vợ chồng người cháu đem người ông về nuôi trong nhà từ ngày ổng ra tù cách đây hơn bảy năm…
Theo lời kể lại của người cháu thì “ông chú” ngày xưa là một nhà doanh thương - đại doanh thương - Ổng độc quyền nhập cảng vỏ ruột xe gắn máy, xe hơi, xe máy cày. Ổng có mấy kho hàng lớn ở Khánh Hội, một văn phòng ba từng lầu ở Chợ Cũ, một vi-la to ở đường Phan Thanh Giản và một vi-la vừa vừa nằm khuất trên một đồi thông ở Đà Lạt. Vợ và hai con ổng đều ở bên Pháp để làm một “đầu cầu” bên đó. Còn bên này ổng có một bà nhỏ lo về giao tế, xã hội và nhân viên. Lâu lâu, ổng bay qua Âu Châu thăm vợ con và làm việc với các hãng chánh ở bên đó.
Ổng nhiều thế lực lắm. Người cháu nói: “Hồi đó, tôi đang làm thợ may cho nhà may X thì bị động viên. Vậy mà ổng kéo tôi ra cái rẹt! Có điều làm tôi không hiểu là ổng như vậy mà trong nhà ổng nuôi Việt Cộng. Ngay như cái nhà trên Đà Lạt mà ổng dùng cho mấy ông lớn mượn, từ anh quản gia đến chị bếp đến mấy người
làm vườn đều là cán bộ Việt cộng ráo. Ổng nuôi họ như vậy cho đến năm 1973 họ mới lần lượt rút đi…”.
Hồi tháng tư 1975, ổng không di tản. Còn nói: “Cách mạng chớ bộ ăn cướp giết người đâu mà sợ!”. Sau đó mấy người ổng nuôi có về thăm, ổng cũng đãi đằng hậu hĩ. Vậy mà khi cách mạng “đánh tư sản mại bản”, ổng cũng bị “đánh” tơi bời, tài sản bị tịch thâu hết còn bị đi tù cải tạo nữa. Vợ lớn của ổng chết ở bên Pháp, bà vợ nhỏ đi chui rồi mất tích ở biển Đông. Còn hai đứa con, sau này có người quen từ Paris về cho biết, đã phung phí hết tiền của mà ổng đã để cho họ bên đó rồi dọn nhà đi mất. Thành ra đi thăm nuôi ổng chỉ còn có vợ chồng người cháu thợ may…
Khi ông chú được thả ra khỏi tù - nghĩa là nhà nước xét thấy ổng đã hoàn toàn được cải tạo - ổng đã trở thành một người khác: một người mất trí! Người cháu nói: “Hồi đem ổng về ở với tụi tôi, tôi cũng ngại. Sợ ổng chê. Nhưng rồi ổng vẫn ở tự nhiên, không phàn nàn gì hết, tụi tôi cũng mừng. Rồi lo không biết chịu đựng ổng nổi không. Nhưng rồi thấy ổng không có điên loạn như những người điên khác nên tụi tôi cũng yên tâm. Ổng không nói gì hết, tối ngày bắc ghế ngồi dưới mái hiên hút thuốc đọc sách hoặc ngồi cả giờ nhìn đường hẻm như người ta châm chú coi ti-vi! Vậy mà lâu lâu ổng cũng nói nhiều câu làm mình ngạc nhiên tưởng như ổng là người bình thường. Khi mình thử hỏi tiếp, khơi lại thời cũ thì ổng lại ngẩn ngơ. Thấy tội nghiệp! Thiệt ra, người ta chỉ thấy ổng điên là khi nào ổng đi bươi đống rác, cứ hai ba hôm là ổng đi bươi…”
Và như vậy, “ông Đại Doanh Thương” đó bây giờ ngồi bươi đống rác giống như ổng bươi lại dĩ vãng của ổng, một dĩ vãng mà rác rến vun đầy. Ổng đâu biết rằng, đối với nhà nước cách mạng, ổng cũng chỉ là một thứ rác rến mà nhà nước đã vứt bỏ trên lề xã hội, không hơn không kém…
Tiểu Tử

13 thg 5, 2011

Lòng trắc ẩn và sự hổ thẹn



Lòng trắc ẩn và sự hổ thẹn
Hoàng Ngọc Diệp
(Những tâm sự gửi đến các con ruột và con nuôi của bố)



Hoàng Ngọc Diệp là một người Việt ở nước ngoài. Ông về Việt Nam sống và mong cống hiến tâm sức để xây dựng đất nước đã gần 20 năm nay. Đây là những dòng tâm sự về hiện tình đất nước mà ông viết cho con trai của mình trên facebook.
Chúng tôi thấy sự xác đáng, chân thành và đau đớn trong bài viết này. Xin giới thiệu đến quý độc giả mục Đối Thoại.
Tiền Vệ

Như những lần trước đây, ở những nơi chốn, diễn đàn khác, bố sẽ tâm sự và gửi gắm tới các con những gì bố ưu tư và đau buồn! Bố đưa lên diễn đàn này không những để các con đọc mà còn để các bạn trẻ khác của bố và của các con cũng chia sẻ. Nhân, con giúp bố dịch cho chị Amy của con nhé!
Một câu chuyện nhỏ về lòng trắc ẩn
Vào các năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, bố có dịp cùng đi hoặc tổ chức đưa các phái đoàn cấp lãnh đạo nhà nước thăm và làm việc ở các nước trong khu vực. Có lần đến Hong Kong cùng một số vị bên Bộ Lao động và Bộ Kế hoạch – Đầu tư, bố cố tình sắp xếp để sáng Chủ nhật, ngày cuối của chuyến đi, đưa họ đi ăn sáng; để đến nhà hàng, mọi người phải đi bộ qua hai công viên nhỏ từ khách sạn.
Khi đi ngang qua hai công viên này, phái đoàn thấy lạ vì sao có quá nhiều phụ nữ da ngăm đen, như họ đến từ Việt Nam hay Philippines, đang tụ tập tại đó với nhau. Phái đoàn dừng lại chụp hình với những người này, hỏi ra thì quả là họ đến từ Philippines để làm người ở đợ (còn gọi một cách nhẹ nhàng là người giúp việc nhà) cho các gia đình tại Hong Kong.
Trong khi ăn sáng, bố kể cho phái đoàn biết hoàn cảnh của những người đi làm người giúp việc nhà này, bố cho biết họ may mắn hơn những phụ nữ Việt Nam đi làm người ở đợ tại các nước khác, vì Hong Kong, qua gần một thế kỷ dưới sự quản lý của Anh Quốc, đã xây dựng được hệ thống theo dõi và quản lý những người giúp việc tại Hong Kong; tất nhiên vẫn xảy ra một số vụ hành hạ và xâm phạm tình dục, nhưng ít hơn rất nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan. Bố còn cho họ biết, qua nghiên cứu của Hiệp hội Bảo vệ phụ nữ thế giới, thì hầu hết những phụ nữ này sẽ không thể tìm được một gia đình hạnh phúc nếu họ đi ra khỏi nước và trở về khi còn trẻ, và gia đình sẽ đổ vỡ chia ly, hoặc không thể lập gia đình nếu họ đi và về khi ở tuổi trên 30.
Sau đó bố hỏi họ một loạt câu hỏi như “Tại sao chúng ta xuất khẩu những người đi ở đợ mà báo chí ca ngợi các kỷ lục xuất khẩu lao động?”, “Quý vị có sẵn sàng đưa chị em gái hay con gái của mình đi làm người giúp việc nhà tại Đài Loan không”, “Nhà nước và quý vị có thấy việc xuất khẩu phụ nữ Việt Nam đi ở đợ là một sự hổ thẹn của đất nước không?”, v.v. Mọi người đều tỏ ra rất buồn. Vài người thì giận dữ với bố vì cho rằng bố không biết gì về hoàn cảnh đất nước và đã xúc phạm họ! Tất nhiên, bữa ăn sáng không còn vui, rồi mọi người ra về trong im lặng.
Mười mấy năm qua, số người đi xuất khẩu lao động theo diện này vẫn cứ tiếp tục, mặc dù những bài báo nói về chuyện này đã giảm, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch gì để bảo vệ cho họ; mặc dù như vậy, bố vẫn hằng mong nhà nước sớm xây dựng được các kế hoạch đào tạo và tìm công việc làm cho họ tại chính đất nước Việt Nam mình.
Cho đến nay bố vẫn cứ lo lắng, băn khoăn, thỉnh thoảng mất ngủ về những số phận này! Bố tin chắc trong mấy trăm ngàn người đang đi ở đợ, hay lao động chân tay cấp thấp nhất ở nước ngoài, phải có những người bà con của bố và của các con trong số này!
Với bố, đây là một trong vô vàn điều trắc ẩn cần phải có trong mỗi công dân Việt Nam, từ cấp lãnh đạo cao nhất xuống tới ngay những người có số phận đen tối này! Các con có lòng trắc ẩn cho những số phận này hay những số phận khác còn đáng thương hơn nữa đang sống ngay tại đất nước mình không? Có đủ lòng trắc ẩn để chuyển nó thành năng lực để nhắc nhở, thúc đẩy các con phát triển và dấn thân mỗi ngày không? Các con phải luôn nhắc nhở bản thân mình nhé!
Một câu chuyện về sự hổ thẹn
Tại các thành phố lớn trên khắp nước, giờ đây, nơi nào cũng nhiều nhà lầu, nhiều chung cư trung bình hay cao cấp; hầu hết các công chức nhà nước từ cấp trưởng phòng trở lên, nhất là các cấp phó giám đốc sở trở lên, đều có nhà riêng, cho con đi du học nước ngoài, có vài cái nhà hay miếng đất thêm để làm của cho con. Trên đường phố thì đầy xe hơi các loại, trong đó có khá nhiều xe vô cùng đắt tiền, nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn, và vài thành phố lớn khác. Có luôn cả những chiếc xe mà chính các bạn nước ngoài của bố phải ngạc nhiên là người Việt Nam mình làm sao mua nổi, vì ngay cả chính họ, những doanh nhân triệu phú USD, cũng chưa dám nghĩ tới!
Mỗi ngày chi tiêu của rất nhiều “thiếu gia”, “trung gia” hay “đại gia” thường lên đến vài chục triệu đồng, nhưng hình như họ không phải làm gì vất vả hay nặng nhọc hết!
Quả thật đời sống của người dân nói chung ở chừng mức nào đó rất phát triển, nhất là so với thập niên 1980 hay đầu thập niên 1990. Còn đời sống của các vị lãnh đạo cấp quốc gia thì khỏi phải bàn! Bố đã gặp nhiều trường hợp kinh lắm. Cái cách họ cho con đi học, cách mua sắm nhà cửa, xe hơi để phục vụ cho các con của họ ở nước ngoài, thì các gia đình trung lưu, và ngay cả thượng lưu từ các nước khác cũng gửi con đi du học cùng trường không thể nào sánh nổi!
Mặt khác, nhìn chung xã hội Việt Nam mình thì những người nghèo lại còn quá nhiều! Sự cách biệt giữa những gia đình giàu có, chức quyền và đại đa số người dân còn lại càng ngày càng xa! Chỉ cần một trong những chiếc xe hơi của một gia đình giàu có là dư sức để cho cả một đại gia đình nghèo đang sống trong cùng thành phố có thể có nhà ở và con cái được đi học cả đời! Các con có bao giờ thắc mắc về điều này không? Các con có nhìn thấy sự vô tâm hay vô tình và bất bình đẳng của tầng lớp cao, tầng lớp lãnh đạo, đối với đa số nhân dân không?
Điều làm cho bố hổ thẹn nhất, phẫn nộ nhất, đó là chuyện xảy ra cách đây vài ngày!
Khi có những dấu hiệu thế giới sẽ đưa Việt Nam mình ra khỏi danh sách các nước nghèo, thì ngay lập tức lãnh đạo nhà nước, ông Thủ tướng, đã phát biểu, giải thích với thế giới rằng “Việt Nam vẫn còn là nước nghèo”[*], nhằm để thế giới tiếp tục giữ nước mình trong danh sách các nước nghèo.
Lý do là vì họ muốn vẫn tiếp tục được nhận viện trợ!
Hình như họ cho rằng Việt Nam mình làm ăn mày thế giới là chuyện tốt chăng? Trời ạ, hay còn tệ hơn nữa, có khi họ cho việc cố gắng thuyết phục thế giới để Việt Nam mình nằm trong danh sách các nước ăn mày là một công lao lớn của họ đối với đất nước?
Các con hãy cùng bố thử đánh giá đất nước mình vào thời điểm 2011 này nhé:
Việt Nam đã thống nhất hơn 36 năm, không còn phân tranh, chia rẽ, nội chiến hay bị xâm lược nữa nhé, ngoại trừ một cuộc chiến nhỏ ngắn ngày với Trung Quốc (cái đất nước láng giềng mà ngày nay người ta còn gọi một cách giễu cợt, để cười ra nước mắt, là Nước Lạ) vào năm 1979, nhưng cuộc chiến đó cũng đã 32 năm rồi. Như thế không thể lấy mãi lý do vì chiến tranh mà nước mình nghèo đói, phải không nào?
Việt Nam hiện là một trong vài nước xuất khẩu nông thủy sản dẫn đầu thế giới. Việt Nam còn có các nguồn tài nguyên quan trọng khác đang được khai thác. Như vậy, trên nguyên tắc Việt Nam không thể đói và nghèo được!
Ai cũng biết chúng ta có rất nhiều người tài giỏi trong gần 90 triệu người Việt ở trong nước và ở nước ngoài, từ chiến lược gia cho EU, các khoa học gia trong gần như mọi lĩnh vực làm việc tại các trung tâm khoa học thế giới, các nhà quản trị, kinh tế, giáo sư đại học, bác sĩ, luật sư, v.v. nhiều vô số kể. Như vậy, trên nguyên tắc, không thể bảo Việt Nam không có nguồn nhân lực nòng cốt để tiếp tục nằm trong tình trạng lạc hậu và quản lý quốc gia yếu kém nữa.
Như vậy tại sao Việt Nam mình vẫn còn lạc hậu, vẫn còn có thể – theo lời ông Thủ tướng – được chứng minh là nghèo đói?
Vì tham nhũng chăng?
Đúng!
Nhưng gốc của tham nhũng từ đâu ra?
Do trời sinh, do người dân thiếu lòng tự trọng và tham lam, hay do tính đặc quyền từ một lối “cơ cấu” và “cơ chế” bởi guồng máy quyền lực?
Đừng đổ cho ông Trời nhé! Cũng đừng đổ cho nhân dân, vì người dân của hầu hết mọi quốc gia đều rất đơn giản, họ chỉ làm theo những gì guồng máy lãnh đạo làm và chính quyền cho phép hay lỏng lẻo trong quản lý mà thôi!
Thế thì còn lại là vấn đề “cơ cấu” và “cơ chế” của guồng máy lãnh đạo!
Vì thiếu nhân tài chăng?
Sai, nhưng thực tế thì Đúng!
Sai là vì mình có rất nhiều nhân tài, nhưng Đúng trên thực tế vì guồng máy lãnh đạo chỉ sử dụng những người trong “cơ cấu” cho dù họ yếu kém, bất tài hơn những người bên ngoài cơ cấu!
Phải chăng guồng máy quyền lực hiện nay không có ý định thay đổi để tận dụng nguồn lực bên ngoài này cho dù họ đã cho thấy sự bất lực của “cơ cấu” mà họ tạo ra?
Vì thiếu sản phẩm sản xuất trong nước chăng?
Sai, nhưng thực tế thì có khác! Sai vì mình là một trong vài nước dẫn đầu sản xuất và xuất khẩu nông thuỷ sản và nhiều mặt hàng khác, nhưng trên thực tế hầu hết đều chỉ là cung cấp ở mức nguyên liệu thô hay gia công với giá thành thấp nhất!
Phải chăng là vì các công ty không có khả năng? Hay guồng máy nhà nước không biết quản lý để giúp họ khắc phục và nâng cao giá trị sản phẩm?
Như vậy, nếu ta nghiêm túc đặt Việt Nam mình là nước nghèo đói và lạc hậu, thì phải tự mình nghiêm túc tìm hiểu tạo sao và tự khắc phục nó!
Ngay sau khi chiến tranh, thế giới cho nước mình là nghèo đói thì có thể chấp nhận được. Nhưng sau mấy chục năm thống nhất, khi thế giới dự tính đưa nước mình ra khỏi danh sách các nước nghèo đói, thì lãnh đạo nước lại đại diện cho đất nước tự biện giải để tiếp tục nằm trong danh sách các nước nghèo đói, hầu tiếp tục làm một đất nước ăn mày!
Như vậy thì làm sao công dân Việt Nam mình có thể có một niềm tự tin, niềm hãnh diện để góp sức và tận lực phát triển?
Đúng ra, khi nhận được dự tính đưa nước mình ra khỏi danh sách các nước nghèo đói, chúng ta nên xem nó là một tin vui; mọi người dân Việt Nam mình phải hoan nghênh và hãnh diện về khả năng tự phát triển thoát nghèo để tiếp tục thay đổi, tiếp tục chuyển mình! Như vậy mới là một quốc gia có danh dự, có lòng tự trọng và có khả năng tự lực phát triển, phải không nào?
Trong lịch sử nước Việt Nam mình đã có nhiều lần chịu nhục! Nhưng những lần đó đều là vì sự áp chế của bọn xâm lăng nước ngoài.
Nhưng lần này thì khác, các con nhớ giùm bố, đây sẽ là lần nhục nhã nhất trong lịch sử của Việt Nam!
Vì lãnh đạo nước mình tự nguyện chịu nhục với thế giới bằng cách tự nguyện xin làm một đất nước ăn mày, một dân tộc ăn mày, chứ không chịu chấp nhận sự kiện Việt Nam đã có khả năng thoát nghèo đói, hay chấp nhận sự kiện guồng máy lãnh đạo yếu kém trong khả năng lãnh đạo đất nước!
Họ đã chứng tỏ rằng họ không còn lòng tự trọng để là những đại diện và lãnh đạo đất nước Việt Nam mình!
Và bố, thế nào đi nữa, bố vẫn xem mình là một người Việt Nam, một con dân của dân tộc Việt Nam trong huyết thống, thì bố đau khổ và nhục nhã quá!
Nay bố già rồi, không còn nhiều sức lực và thời gian nữa; bố cũng không còn là công dân Việt Nam về mặt pháp lý, để đóng góp nhiều như mong muốn và khả năng cho phép, nhưng các con là công dân Việt Nam, các con còn cả một tương lai lâu dài, các con phải hứa với bố là khi trưởng thành các con sẽ luôn có lòng trắc ẩn cho những người dân đen, và đóng góp hết sức mình làm thay đổi guồng máy đần độn, thối nát và vô liêm sỉ này, để Việt Nam mình không còn là dân tộc ăn mày thế giới nữa nhé!

Bố thương các con lắm!
H. N. D.

11 thg 5, 2011



Ghi chép trong ngày 10-5-2011
VIỆT NAM CỘNG HÒA,CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ HOA KỲ
Nguyễn Cao Quyền


LTS: Ông Nguyễn Cao Quyền từng là một viên chức cao cấp trong chính quyền VNCH. Tốt nghiệp khóa 1 Trừ Bị Nam Định và khoá 51-53 trường Saint Cyr (Pháp), đỗ cử nhân luật và cao học tiến sĩ kinh tế Đại học Luật khoa Sài Gòn (1963), thẩm phán Tòa Án Quân Sự, Đại tá Chánh thẩm Tòa Án Đặc Biệt (1966-1968), Cố vấn ngoại giao tại Paris (1968-1974), Nha Thông Tin Báo Chí Bộ Ngoại Giao (1974-1975), Sau năm 1975, ông bị đưa đi tù cải tạo (1975-1985), rồi sau đó sang định cư tại Maryland, Hoa Kỳ từ năm 1990. Ông từng là Chủ tịch Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị vùng Hoa Thịnh Đốn, nguyên Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, nguyên Chủ Tịch Cộng Đồng VN vùng Hoa Thịnh Đốn (1996-1998). Ông còn viết nhiều bài khảo luận về kinh tế, chính trị được phổ biến rộng rãi. Ban biên tập nhật báo Cali Today hân hạnh giới thiệu bài viết này đến qúy độc gỉa.

Những đoạn viết sau đây sẽ trình bày một số sự kiện chính trị đưa dẫn đến việc những quân nhân VNCH bị Hà Nội tập trung cải tạo, mô tả chính sách cải tạo của CSVN sau năm 1975 và sau cùng đề cập đến thiện chí của Hoa Kỳ trong việc giải thoát tù cải tạo và cho họ cùng gia đình sang sinh sống tại Hoa Kỳ và tại những nước dân chủ trên thế giới.
I – GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ CHUNG CỦA HOA KỲ VÀ VIỆT NAM
Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam kể từ thập niên 1940 nhưng sự can thiệp này chỉ trở thành tích cực bắt đầu từ thập nhiên 1950. Sau khi Thế Chiến 2 chấm dứt và cục diện chính trị thế giới đã hình thành rõ rệt với hai khối Tự Do và Cộng Sản kình chống nhau trong một mô thức được goi là Chiến Tranh Lạnh thì tại Hoa Kỳ tổng thống D. Eisenhower tuyên bố rằng chiến tranh Đông Dương không còn là chiến tranh thuộc địa mà là cuộc chiến giữa Cộng Sản và Thế Giới Tự Do. Từ đó Hoa Kỳ viện trơ cho Đông Dương càng ngày càng nhiều để đánh trả lại Việt Minh hầu ngăn chặn sự bành trướng của phe cộng sản do Liên Xô và Trung Cộng lãnh đạo.
Sau Hiệp Định Genève 1954 ( chia cắt Việt Nam thành 2 miền Nam, Bắc,) Hoa Kỳ biến miền Nam thành tiền đồn chống Cộng. Tình nghĩa đồng minh mặc dù thắm thiết nhưng tới lúc cần tự mình đảm nhiệm cuộc chiến, Hoa Kỳ đã không do dự loại bỏ tổng thống Ngô Đình Diệm để được rảnh tay mang quân vào Việt Nam và Mỹ hóa chiến tranh. Ngày 8-3-1965 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng mà không hề thỏa hiệp trước với chính phủ Saigon. Số quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam lớn dần theo thời gian và có lúc đã lên tới nửa triệu người.
Đến khi Hoa Kỳ cần oanh tạc Bắc Việt thì họ lại tạo ra sự kiện tàu Maddox. Tuy nhiên với những trận mưa bom trên đất Bắc và những chiến dịch lùng diệt rất quy mô tại miền Nam, Hoa Kỳ vẫn không đạt được mục tiêu và bị sa lầy. Số binh sĩ Mỹ tử trận tại miền Nam càng ngày càng gia tăng và số phi cơ bị bắn hạ tại miền Bắc cũng lên cao ( 1621 chiếc từ 1961 đến 1966 ).
Cuối năm 1967 nước Mỹ chìm trong xáo trộn và phân hóa vì chiến tranh Việt Nam.Tổng thống Johnson quyết định ‘’Việt Nam Hóa ‘’ cuộc chiến . Được tăng cường, quân lực Việt Nam Cộng Hòa ( VNCH )lần lượt thay thế quân lực Hoa Kỳ trong những trách vụ hành quân quan trọng.
Chiến tích lẫy lừng nhất của quân lực anh hùng này là chiến thắng Tết Mậu Thân ( 1968 ) Chiến thắng này bẻ gẫy kế hoạch tổng tấn công/tổng nổi dậy của tướng c.s Võ Nguyên Giáp và phá tan huyền thoại ‘’bách chiến bách thắng’’ của quân đội cộng sản Bắc Việt. Gần 60.000 quận cộng sản tung vào trận địa đã bị tiêu diệt hết phần nửa chỉ trong một tháng giao tranh. Phần còn lại bị thanh toán gần hết khi cuộc chiến chấm dứt. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, người ta ghi nhận bên phía VNCH chỉ có 4954 chiến sĩ hy sinh.
Sau chiến thắng Tết Mậu Thân, quân lực VNCH tự đảm nhiệm trọng trách tác chiến để quân Mỹ có thể rút về nước. Cuộc hành quân thần tốc vào Campuchia để truy lùng Việt Cộng và tiếp cứu Lon Nol, chiến dịch Lam Sơn 719 cắt đứt đường tiếp liệu của cộng sản, cuộc tử thủ An Lộc được ví như trận Verdun của Pháp, cuộc tái chiếm cổ thành Quảng Trị tranh nhau với binh sĩ cộng sản từng thước đất, đã chúng minh một cách hung hốn khả năng tác chiến và tinh thần dũng cảm của quân lực anh hùng ấy.
Song song với những chiến tích lẫy lừng của quân đội, công cuộc ‘’Bình Định và Phát Triển Nông Thôn ‘’cũng ở trên đà thành công tốt đẹp. Vào những năm đầu của thập kỷ 1970, theo cuộc thăm dò của Hamlet Evaluation Survey (HES) do các cố vấn Hoa Kỳ thực hiện khắp miền Nam Việt Nam thì trong 1333 xã ấp cuối cùng do chiến dịch Accelerated Pacification Campaign (APC) đảm trách, 1035 xả ấp đã có an ninh và 80% dân số miền Nam đã được sống trong vùng chính phủ kiểm soát.
Chương trình Viẽt Nam Hóa Chiến Tranh đang đi vào giai đọan thành công thì trên thế giới xảy ra một biến cố làm cho chương trình này đứt dọan và cuộc chiến thắng của VNCH bị bỏ lỡ. Năm 1969, trên sông USSURI , dọc theo biên giới Đông Bắc Trung Hoa, Liên Xô và Trung Cộng đã động binh giáp chiến. Sự kiện này chứng minh cho Hoa Kỳ thấy rằng sự nứt rạn, từ năm 1953, giữa hai đảng cộng sản anh em là có thật và Hoa Kỳ đã không bỏ lỡ cơ hội tìm cách ly gián để làm suy nhược hang ngũ đối phương.
Chiến lược toàn cầu của Mỹ thay đổi từ giờ phút đó. Những cuộc vận động ngoại giao và chính trị dồn dập xảy ra nhằm hỗ trợ mục tiêu chiến lược vừa nói :
-Ngày 9-7-1971 Kissinger có mặt ở Bắc Kinh và được Chu Ân Lai tiếp kiến.
-Ngày 25-10-1971 tại Đại Hội Đồng thứ 26 của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan để bắt tay với Trung Cộng.
-Ngày 21-2-1972 tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon thăm viếng Trung Quốc trong 7 ngày.
-Ngày 28-2-1972 Thông Cáo Chung Thượng Hải ra đời. Tổng thống Nixon tuyên bố đây là ‘’một tuần lễ’’sẽ làm thay đổi thế giới ‘’.
Sự thay đổi thế giới khởi sự bằng tiến trình rút quân Hoa Kỳ khỏi Việt Nam.Bill Sullivan, phụ tá của Henri Kissinger tại hòa đàm Paris tuyên bố rằng :’’…người Trung Hoa đã khai thông với chúng ta. Làm cho người Trung Hoa tách rời khỏi Liên Xô và nghiêng về phiá chúng ta quan trong hơn nhiều việc chiến thắng ở Việt Nam. ‘’
Điều không may cho miền Nam Việt Nam.là đúng vào lúc chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh đang thành công tốt đẹp thì, trên bàn cờ chính trị thế giới, Hoa Kỳ thay đổi chiến lược toàn cầu, còn trong nước thì làn sóng chống chiến tranh dâng lên như nuớc thủy triều. Cả một thế hệ xuống đường vào năm 1968, gồm toàn những thành phần trẻ mới vào đời, chiụ ảnh hưởng tiểu thuyết hiện sinh của Hemingway và Fitzerald. Họ sợ hãi. Một loại sơ hãi đặc biệt chỉ tìm thấy trong các xã hội giàu có. Đó là thứ sợ hãi trách nhiệm vì ham hưởng thụ và không chịu ràng buộc vào bất cứ vấn đề gì. Hoa Kỳ thay dổi chiến lược toàn cầu một phần vì muốn lợi dụng sự phân hóa trong khối cộng sản quốc tế nhưng phần khàc cũng tại áp lực của phong trào phản chiến trong nội địa.
Về phía miền Nam Việt Nam thì mặc dầu chiến đấu oanh liệt và thắng lợi như vậy, rốt cuộc quân lực VNCH đã phải tủi hờn rã ngũ để nhìn Việt Cộng chiếm trọn quê hương. Họ đã là thành phần phải trả giá đắt nhất cho một sự phản bội. Họ không thua vì hèn kém mà thua vì lộ đồ bại trận đã được đồng minh Hoa Kỳ vạch sẵn từ lâu.
Vào giờ phút hấp hối của VNCH, khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, 5 vị tướng tài ba và đảm lược nhất của quân đội đã tuẫn tiết theo truyền thống hào hùng của ông cha. Đó là các tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn 4, Lê Văn Hưng, tư lệnh phó Quân Đoàn 4, Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư Đòan 5, Trần Văn Hai, tư lệnh Sư Đoàn 7 và Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân Đoàn 2.Trong hàng sĩ binh sĩ cấp dưới cũng không ít những tấm gương hiên ngang và khí phách tương tự. Điểm son này cần ghi lại cho các thế hệ mai sau vì là một trong những nét kiêu hùng của nòi giống.
II – TIẾN TRÌNH CẢI TẠO
a/ THỦ ĐỌAN LỪA DỐI THAM ĐỘC CỦA CSVN:
Khi đồng minh Hoa Kỳ tháo chạy trước đà tiến quân của cộng sản Bắc Việt, họ đã để lại đằng sau 980.000 người lính của quân lực VNCH, những quân nhân đã từng sát cánh với binh sĩ Hoa Kỳ bảo vệ biên cương của thế giới Tự Do.
Vào giờ VNCH hấp hối thảm cảnh ‘’sống chết mặc bay ‘’diễn ra vô cùng chua sót. Người ta dẫm lên nhau chạy trốn cộng sản không kể gì đến sinh mạng và tài sản vì Hoa Kỳ không có một chương trình di tản nào tương xứng với tình nghĩa đồng minh. Khởi thủy Mỹ chỉ muốn di tản 50.000 người. Vào phút chót số nhân mạng được may mắn cứu vớt mới nhích lên được con số 130.000. Họ muốn moị chuyện diễn ra nhanh chóng cho xong việc.Người ta đoán được tâm trạng này qua lời nguyền rủa rất tàn nhẫn của Henri Kissinger :’’ Sao chúng không chết phứt cho rồi’’( Why don’t these people die fast ? ). Như vậy,chỉ cần làm một con tính nhỏ người ta có thể thấy ngay là hơn 800.000 binh sĩ của quân lực VNCH đã là nạn nhân của chế độ cải tạo của cộng sản Việt Nam.
Chỉ vài ngày sau khi chiềm trọn miền Nam, những người cộng sản đã lùa quân nhân, công chức và thành viên đảng phái quốc gia vào tù bằng một thủ đoạn vô cùng hèn hạ. Trong một buổi ra mắt mừng chiến thắng, tướng cộng sản Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh ( Saigon ) với dụng ý hiểm độc đã tuyên bố trước báo chí một câu mà những người bị cải tạo không thể nào quên ‘’ Đối với người Việt Nam không có ai là kẻ chiến thắng hay chiến bại. Chỉ có đế quốc Mỹ là bị đánh bại mà thôi.’’ Vì lời tuyên bố đường mật này mà các quân nhân, công chức và thành viên đảng phái quốc gia đã tự nguyện đi học tập cải tạo với số lương thực tự túc là 10 ngày hay 1 tháng tùy theo cấp bậc, chức vụ.
Thế rồi một tháng trôi qua, không ai được tha. Khi giải thích sự việc này, bọn cai tù cộng sản, dương dương tự đắc nói rằng :’’Đó là nghệ thuật của Cách Mạng bắt các anh vào tù chứ làm gì có chuyện trả tự do, sau 1 tháng giam giữ, cho các con người có nợ máu với nhân dân như các anh. Các anh còn phải cải tạo dài dài.’’. Biết mình bị lừa nhiều người đã tự tử. Môt số người khác tìm cách trốn trại để rồi cũng bị bắt lại và đánh chết thảm thương như những con vật.
Sau một năm áp dụng lao động khổ sai cho chế dộ cải tạo, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam, trước khi bị Hà Nội giả tán, công bố chính sách 12 điểm quy định thời gian cải tạo là 3 năm. Sự công bố này lại mang hy vọng cho những người đã mất hết tin tưởng vào viễn ảnh của một ngày về đoàn tụ với gia đình.
Đến cuối năm 1978 thì cái hy vọng mong manh nói trên lại tan tành ra mây khói.Thời gian cải tạo 3 năm như lời cộng sản hứa đã chấm dứt, song chẳng thấy ai được tha về.Trái lại, trong thời gian này, đa số đã bị lưu đầy lên những vùng rừng núi Bắc Việt ma thiêng nước độc với thân tàn ma dại và tinh thần sa xút đến cùng cực. Một làn sóng tự tử thứ hai lại xảy ra, nhưng lần này bên cạnh những xác chết vì thất vọng còn có thêm nhiều xác chết khác vì đói khát và bệnh tật.
Vợ con của những người bị bắt đi cải tạo cũng trở thành nạn nhân của các biện pháp kỳ thị và ngược đãi. Họ bị đuổi khỏi nơi cư trú và phải đi vùng kinh tế mới giữa những rừng núi hoang vu không có một chút tiện nghi tối thiểu cần thiết cho đời sống. Con cái họ bị kỳ thị gắt gao khi thi cử và không được phép vào đại học. Nhà cửa của họ bị cán bộ cộng sản chia nhau chiếm đoạt, tiền bạc của họ ở ngân hàng cũng không được phép lấy ra. Trong cơn túng quẫn những phụ nữ trẻ đẹp đã bị dồn vào thế làm lẽ mọn cho cán bộ cộng sản để có phương tiện nuôi thân và nuôi con còn nhỏ dại. Những người khác, rủ nhau chạy ùa ra biển, đem sinh mạng của chính mình và của con cái mình để đổi lấy tự do. Phong trào ‘’thuyền nhân tị nạn cộng sản ‘’ đã đánh động lương tâm nhân loại vì trong số hàng triệu ngưòi liều chết ra đi, gần một phần nửa đã nằm trong bụng cá hoặc làm mồi cho hải tặc.
b/NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CẢi TẠO ( KINH NGHIỆM BẢN THÂN )
- Những ngày đầu giam lỏng : Sau khi trình diện để được ‘’học tập cải tạo’’chúng tôi được chở bằng xe bus đến Long Thành. Nằm trên đường Saigon-Vũng Tầu, không cách xa thị xã Biên Hòa là bao nhiêu, trại giam Long Thành là một cô nhi viện cũ bị cộng sản trưng dụng làm nhà tù.
Trong những ngày đầu, chúng tôi tương đối được tự do, ăn uống không thiếu thốn vì ngoài lương thực mang theo 1 tháng chúng tôi còn có thể mua thực phẩm tại căng tin của trại. Chúng tôi cũng chưa phải lao động mả chỉ phải học tập 10 bài chính trị và viết tự kiểm. Các bài học chính trị là những tài liệu đơn giản kể tội Mỹ-Ngụy, tuyên truyền lý thuyết cộng sản và phổ biến chính sách khoan hống nhân đạo của chính phủ cách mạng. Những buổi học tập này nhằm gieo vào đầu óc chung tôi mặc cảm tội lỗi để chúng tôi nhận tội và an tâm cải tạo lâu dài. Thỉnh thoảng cũng có cán bộ cao cấp từ trung ương về thuyết trình những đề tài chính trị và quân sự có tính cách vừa khoe khoang vừa đe dọa.
Cái mà những người cộng sản muốn đạt được không phải là vấn đề cải tạo chúng tôi thành những người ủng hộ chế độ mà chủ yếu là khai thác chúng tôi qua những bản tự kiểm để biết thêm tin tức về các mặt tình báo và tài nguyên của miền Nam. Trong thời gian làm tự kiểm cán bộ cộng sản đối xử với chúng tôi rất hòa nhã và tử tế. Họ khuyến khích khai thành thật với bằng chứng cụ thể và tố cáo thật nhiều để đái công chuộc tội với cách mạng. Phải nhìn nhận rằng về mặt khai thác này những người công an cộng sản rất lành nghề và làm việc có hiệu qủa cao.
Sau một tháng cải tạo không ai được tha . Đợt tha đầu tiên, gồm một số ít người có gia đình biết chạy chọt tiền bạc, chỉ xảy ra vào đầu năm 1976 trước khi chúng tôi bị lưu đầy ra Bắc. Chiến dịch lưu đầy này được cộng sản chuẩn bị chu đáo vì họ có thời gian một năm để xắp xếp và thực hiện. Các trại tù miền Bắc được xây cất thêm hoặc dồn lại để có chỗ tiếp nhận chúng tôi.Phương tiện chuyên chở thì gồm vừa hàng không vừa hàng hải. Chuyến máy bay duy nhất chở tù chính trị ra Bắc nhằm mục đích quảng cáo cho chế dộ và đánh lừa dư luận để người ta không để ý tới những chuyến hải hành khủng khiếp tiếp theo.
Sau khi những quân nhân và công chức cao cấp của VNCH đuợc chở bằng máy bay đi rồi chúng tôi được di chuyển từ Long Thành lên trại giam Thủ Đức. Cảnh tù đầy đầu tiên đến với chúng tôi tại trại giam này.Chúng tôi bị lùa vào những phòng giam chật chội thiếu vệ sinh, có cửa sắt khóa chặt dưới con mắt kiểm soát cú vọ của những người công an cộng sản với nét mặt căm thù và hống hách. Hai tháng không hoc tập, không lao động, chỉ ngồi ăn làm cho số lương thực dự trữ cuả chúng tôi dần dần khô cạn. Viễn tượng đói khát bắt đầu xâm chiếm tâm hồn nhưng mỗi người trong chúng tôi cứ phải thúc thủ với ý nghĩ riêng của mình mà không dám chia sẻ với ai vì sợ bị gán cho tội nói xấu chế độ. Chúng tôi ý thức rằng cuộc đời phiêu lưu gian khổ sẽ bắt đầu từ đây.
- Chuyến hải hành khủng khiếp :Thế rồi việc gì phải đến đã đến. Tại trại giam Thủ Đức, một đêm, chúng tôi bị đánh thức dậy, nhận lệnh sắp xếp quân áo để chuyển trại, bị còng tay và chở bằng xe hơi lên bến Tân Cảng Saigon. Tại đây một chiếc tàu thủy to lớn đã chờ sẵn. Chúng tôi bị lùa vào những hầm tâu dành cho súc vật, nằm chờ tàu nhổ neo để bắt đầu chuyến hành trình ra Bắc.Bóng tối của hầm tàu che dấu những giọt nước mắt tuôn ra vì lo sợ, đau buồn và tủi nhục.
Trong suốt ba bốn ngày đêm lênh đênh trên mặt biển chúng tôi phải thu hết can đảm và nghị lực để chịu đựng sự tanh tưỏi và hôi hám của hầm tàu. Ban đêm hầm tối đen như mực. Ánh sáng chỉ lọt qua những kẽ hở khi mặt trời ló rạng. Khi tàu chuyển máy ra khơi, phần đông anh em tù nhân bị say sóng và nằm mê man bất tỉnh. Cao điểm của cảnh khổ cực này xảy ra chỉ một ngày sau khi chuyến hải hành khởi sự. Ví say sóng, nôn mửa và bài tiét nhiều nên lượng bài tiết lớn hơn những thùng chứa đựng khiến phân và nước tiểu cứ tự do đào thoát ra ngoài và len lỏi vào chỗ nằm của các tù nhân mỗi khi tàu chao đảo.
Khi tàu cập bến Hải Phòng, mở nắp hầm ra, những người cai tù sa sẩm mặt mày vì mùi hôi thối sông lên nồng nặc. Họ tức tốc đóng cửa hầm lại, đi lấy khẩu tranh đeo vào mũi miệng rồi mới tiếp tục công việc chuyển tù lên đất. Riêng đối với tù nhân thì khi bước ra khỏi hầm tầu ai cũng có cảm giác như vừa từ địa ngục được bước lên thiên đàng, một cảm giác chết đi sống lại.
Thoát được cảnh hầm tàu hôi hám chúng tôi liền bị còng tay và nhồi nhét vào những chiếc xe hơi bịt bùng không cho nhìn thấy cảnh vật bên ngoài. Xe chạy rất lâu trong đêm tối. Mãi gần sáng chúng tôi mới được lệnh ra khỏi xe và nhập trại. Những người công an canh gác cho chúng tôi tắm rửa ngay ở miệng một giếng nước, giặt rũ qua loa rồi hối thúc chúng tôi vào những phòng giam kiên cố cuả nhà tù. Sau khi cửa sắt đóng lại và khóa chặt, họ nói vọng vào từ bên ngoài : ‘’Các anh đến đây an toàn rồi, bây giờ chỉ còn việc an tâm cải tạo để chờ ngày được chính phủ khoan hồng’’. Nói xong họ bỏ đi chỉ còn lại hai người công an trẻ cầm sung gác.
Hói thăm hai người công an trẻ chúng tôi được biết trai này là trại Quảng Ninh, nằm trên rừng núi cao và nhìn ra vịnh Bắc Việt. Trại này hoàn toàn cách ly khỏi xã hội bên ngoài vì đường giao thông rất khó khăn. Xã hội thu hẹp của chúng tôi bây giờ chỉ gồm có ba thành phần :nhóm tù cải tạo chúng tôi mới đến, những người tù hình sự bị giam giữ từ lâu và những người cai tù có nhiệm vụ canh giữ.
Ngày đầu tiên đến trại Quảng Ninh, chúng tôi có cảm tưởng hình như thời gian trôi nhanh hơn thường lệ.Mới sáng đấy mà đã tối ngay. Khí lạnh của độ cao rừng núi thấm vào phòng giam và vào cơ thể con người. Khi màn đêm đổ xuống, trong phòng chì còn lại một ngọn đèn dầu leo lắt và những tiếng thở dài não nuột trong im lặng buồn tanh và ghê rợn.
- Tiến trình diệt chủng bắt dầu : Sáng hôm sau chúng tôi bị phân chia thành đội để bắt đầu làm quen với lao động. Mỗi đội, 30 người, do một đội trưởng là tù nhân và một quản giáo là cán bộ công an phụ trách.Khi đội đi lao động , công an vác súng đi kèm.
Trong những ngày đầu chúng tôi chỉ phải lao động nhẹ chẳng hạn như trồng rau hoặc cuốc sắn gần khu trại giam. Dần dần chúng tôi phải đi xa và phải lao động nặng nhọc hơn chẳng hạn như vào rừng lấy gỗ làm nhà. Sau nhiều ngày làm quen với khung cảnh sinh hoạt trong trại chúng tôi thấy rằng mỗi trại tù cộng sản là một đơn vị kinh tế độc lập. Tù nhân phải lao động để nuôi cán bộ canh giữ mình, để xây trại giam hãm mình và để cung cấp tiện nghi cho khu gia đình là khu vợ con cán bộ ở. Nhà nước không cần chi phí gì nhiều cho trại tù nên nếu nói rằng dưới các chế độ cộng sản nhà tù nhiền hơn trường học thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Bị lưu đầy ra Bắc chúng tôi mất hết liên lạc với gia đình, cho nên mọi nguồn tiếp tế lương thực đều bị cắt đứt. Lao động cả ngày mệt nhọc, chúng tôi chỉ được trại cho ăn 2 bữa, với mỗi bữa hai chén cơm đầy sạn thóc và một ít rau muống luộc.Ngoài hai bữa cơm ra chúng tôi không có thứ gì khác để nuôi sống cơ thể. Mỗi ngày anh em tù nhân nhìn nhau chỉ còn biết thở dài.Ai cũng gầy ốm đi trông thấy.
Ở trại Quảng Ninh chừng hơn một tháng, tôi và một số tù nhân khác bị chuyển đi trại Thanh Cẩm. Trại này nằm trong vùng Bái Thượng, trên thượng nguồn sông Mã, sau những giẫy núi Lam xanh biếc.Từ trại sang biên giới Lào ước lượng chỉ vài cây số. Đến đây chúng tôi bị giam chung với khoảng 700 anh em tù chính trị khác và trong trại cũng có cả một số tù hình sự. Tôi bị giam ở trại này liên tục cho đến ngày được tha về.
Tại trại Thanh Cẩm, chế độ lao động còn khắt khe và nặng nhọc hơn ở trại Quảng Ninh. Dưới mũi súng canh gác của công an gốc dân tộc Mường, chúng tôi phải đi rất xa để lấy cát làm nhà. Mỗi chuyến vừa đi vừa về vào khoảng 3 cây số. Mỗi ngày phải đi ba chuyến mà chỉ đươc ăn có 4 chén cơm với vài cọng rau muống luộc thì sức nào chiụ nổi.Nếu đội nào không đi xe cát thì phải xe đá hoặc vào rừng đẵn luồng vác về cho cán bộ làm nhà. Những người lao động ở trại cưa, trại mộc cũng không sung sướng gì hơn. Cả ngày quần nhau với những cây gỗ lớn, cưa sẻ liên hồi hoặc đục đẽo luôn tay thi lấy năng lượng đâu mà bù đắp. Cuốc đất trồng khoai ngô mới là mệt vì đất núi bạt ngàn mà nhân công thì thưa thớt. Ấy là chưa kể nhũng vụ gánh phân đi bón nặng gẫy sương sườn và chốc lở sương vai.
Sức người có hạn còn nhu cầu của trại thì mỗi ngày môt tăng thêm. Bên cạnh những cái chết vì tại nạn lao động như bị đá núi đè, lợp nhà té xuống đất hay bị cây luồng đâm thủng bụng, dần dần người ta thấy xuất hiện những cái chết vì đói, vì thiểu lực.Sau hơn ba năm bị lưu đầy ra Bắc anh em tù nhân chôn nhau, vì chết đói, đã chật cả một phần đồi sắn. Có một thời gian, trong tâm tư và trước mắt mọi người cái chết đã trở thành quen thuộc, không gây sợ hãi và cũng không gây súc động. Tù nhân chờ đợi Thần Chết đến thăm như chờ đợi một sự giải thoát.
Chính sách bắt lao động khổ sai kết hợp với bỏ đói là phương cách giết người tinh vi và thâm độc của những người cộng sản. Đó là sự nhẫn tâm và tàn ác nhất mà con người có thể đối xử với con người.
- Một vài cảnh đói ngoài tưởng tương : Xin kể ra đây vài cảnh đói mà người bình thường sống ngoài xã hội, cho dù óc tưởng tượng có xúc tích đến đâu, cũng không thể nào nghĩ tới :
Một hôm nhân lúc đội tù đang lợp nhà, thình lình anh em tù nhân phát giác một ổ rắn dưới tấm lá tranh. Tức thì một anh hô to ‘’Rắn, Rắn’’. Tiếng hô vừa rứt, đám tù nhân nhanh như cắt đã vây quanh ổ rắn và chỉ trong nháy mắt, bằng tay không, các anh đã bắt hết những con rắn độc, bẻ cổ vứt đi và nhét phần còn lại vào túi áo. Trong giờ giải lao, được phép của cán bộ canh giữ, các anh đã nổi lửa rồi đem rắn ra nướng và ăn ngon như chưa bao giờ ngon thế. Không phải chỉ có rắn mà cả rết, cả chuột, cả cóc nhái, sên ốc…nghĩa là tất cả những con gì cử động mà để cho các anh trông thấy thì đều chịu chung một số phận.
Một hôm khác, nhân ngày Chủ Nhật, không phải lao động, các tù nhân ôm bụng đói đang thiu thiu ngủ thì một anh nghe tiếng chuột con kêu trên mái nhà. Không bỏ lỡ cơ hội, anh liền chồm giậy, gọi thêm 2 người khác rồi cả ba, khiêng bàn, công kênh nhau lên bắt chuột. Họ bắt được một ổ chuột con hãy còn đỏ hỏn, chia nhau ăn sống như nhai những củ sâm.Mặc cho máu mê trào ra ngoài miệng trông như ác qủy, các anh thản nhiên nhai ngấu nghiến như không màng gì tới hoạt cảnh ghê rợn tạo nên.
Một buổi chiều sau khi đi lao dộng về, chúng tôi thấy một anh bạn tù nhân sắp chết đói đang ngồi bên một dòng nước tiểu chảy ta từ phía những thùng phân nổi trong cầu tiêu. Nhìn kỹ thấy anh đang bắt mấy con kiến, tha những mảnh ngô chưa tiêu kịp, di chuyẻn từ cầu tiêu về tổ. Anh lượm những mảnh ngô đó bỏ vào mồm rồi tha cho những con kiến để chúng tiếp tục làm công việc vận tải mà anh thèm muốn. Chương trình cướp ngô của kiến anh chỉ thực hiện được có một ngày. Ngày hôm sau anh trút hơi thở cuối cùng vì quá đói.
Bằng chính sách bỏ đói kết hợp với lao động khố sai những người cộng sản đã giết tù cải tạo mà không cần đem ra trường bắn, không cần nhốt vào lò hỏa thiêu như người Đức Quốc Xã đã làm. Họ cũng chẳng cần tạo ra những cảnh ‘’tắm máu’’ làm gì.
- Một chuyện tù vượt ngục : Trại cải tạo Thanh Cẩm có một khu kiên giam dành cho những thành phần được cộng sản coi là đặc biệt nguy hiểm. Những người bị giam trên khu này không phải lao động nhưng bị cùm chân ban đêm khi đi ngủ. Có một thời gian, tôi cũng là một tù nhân của khu vực kiên giam này. Nhờ không phải lao động nên tôi mới sống sót đến ngày nay. Tại đây tôi còn giữ lại một kỷ niệm hãi hùng mà suốt đời không bao giờ quên được, kỷ niệm liên quan đến một chuyện tù vược ngục.
Là những tù nhân không có ngày về và bị bỏ đói triền miên hết ngày này qua tháng khác, chúng tôi cam tâm kéo dài cuộc sống bị đầy ải và hoàn toàn tuyệt vọng giữa rừng núi hoang vu của biên giới Lào-Việt. Khi màn đêm đổ xuống, khu kiên giam lạnh lẽo và tĩnh mịch, nặng nề như một nhà quàn chất chứa những xác người chưa chết. Ban ngày, chúng tôi đau đớn nhìn nhau như nhìn những bộ xương khô biết cử động.Viễn tượng của ngày xum họp với gia đình, từ lâu, đã hoàn toàn tan biến. Tương lai duy nhất còn lại là sự chờ đợi ngày về với tổ tiên.
Thế rồi, một biến cố kinh hoàng đã xảy ra. Đêm ấy là đêm 1 tháng 5 năm 1979, đêm liên hoan của cộng sản nhân dịp lễ Lao Động. Bọn công an trẻ thuờng chểnh mảng trong nhiệm vụ canh gác mỗi khi có liên hoan. Bỗng nhiên trong bầu không khí tĩnh mịch của đêm khuya, chúng tôi nghe phát ra từ phòng giam bên cạnh, một âm thanh đào tường đều đều như máy chạy. Thỉnh thoảng lại có tiếng người rầm rì động viên nhau như hối giục.
Chúng tôi hiểu ngay đó là một kế hoạch trốn trại đang được tiến hành. Trong cơn tuyệt vọng, các anh mới đến từ trại Quyết Tiến, đang chọn đi vào chỗ chết để tìm đường sống. Mọi người trong phòng giam bên này đều nhắm mắt cầu nguyện cho các bạn đó thành công.
Đêm càng khuya chúng tôi càng hồi hộp. Âm thanh đào tường nghe mồi lúc môt yếu dần. Gà bắt đầu gáy sáng mà âm thanh vẫn còn tiếp tục.Khi âm thanh chấm dứt thì ánh nắng đã luồn qua khung cửa sắt chật hẹp của phòng giam.
Đang lo lắng cho số phận của mấy anh em trốn trại, chúng tôi giật mình vì những tiếng súng báo động nổ rến. Rồi tiếng chân người xô chạy về thượng nguồn song Mã xen lẫn với những tiếng la hét vọng lại từ xa. Trong phòng lúc đó không biết ai đã thở dài và thốt ra hai tiếng ‘’thất bại’’. Chúng tôi đau đớn chia sẻ sự thất bại đó và lo sợ đến tột cùng khi nghĩ tới những biện pháp trả thù của bọn công an cộng sản trong cơn tức giận.
Khi trời sáng hẳn, phòng giam của những người trốn trại bị công an lục soát rất kỹ. Một tên công an thản nhiên nói với đồng bọn :’’Thằng Tiếp chết rồi ‘’. Anh Đặng văn Tiếp là một cựu trung tá của không lực VNCH và dân biểu quốc hội trước khi miền Nam sụp đổ.Nghe hung tín đó chúng tôi đau đớn lặng người. Những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má như một lời vĩnh biệt. Tất cả các anh khác bị bắt lại hết và bị đánh đập tàn nhẫn. Hai ngày sau, anh Lâm Thành Văn chết theo anh Tiếp. Riêng cha Nguyễn Hữu Lễ may mắn sống sót dù bị đả thương rất nặng. Sau 13 năm cải tạo, linh mục Lễ hiện đang phụ trách một họ đạo ở Tân Tây Lan.
Bài học của Bắc Kinh : Vào khoảng đầu năm 1979, tại trại Thanh Cẩm, anh em tú cải tạo chết đói khá nhiều. Trong khi ai cũng cam tâm chờ chết thì một đêm chúng tôi nghe thấy những bài bình luận lạ tai phát ra từ những loa tuyên truyền ngoài cổng trại. Sau nhiều ngày theo dõi tin tức chúng tôi được biết giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có sự xích mích nặng nề.
Bắc Kinh đang chuẩn bị cho Việt Nam một bài học. Một quân đoàn Trung Cộng, trải dài trên 600 cây số tại biên giới phía Bắc sẽ xâm lăng Việt Nam và sẽ tiến vào Hà Nội trong vài ngày. Không khí chiến tranh bao chùm cả nước. Lệnh tổng động viên được ban hành và bộ đội đang di chuyển cấp tốc từ Campuchia về biên giới Việt-Trung. Các trại cải tạo nằm sát biên giới như Quyết Tiến, Phong Quang…được di tản sâu vào nội địa. Trại Thanh Cẩm phải nhận thêm một số tù nhân đến từ trại Quyết Tiến.
Chiến tranh đã thật sự xảy ra nhưng quân Trung Cộng, sau khi làm cỏ, mấy tỉnh miền biên giới, chỉ tiến đến Việt Trì rồi rút về nước. Hà Nội không bị bao vây và công hãm.
Bài học của Bắc Kinh đã cứu sống rất nhiều tù cải tạo, đó là điều mà ít người biết tới.Vì có bài học này nên chính sách cải tạo khắc nghiệt của Hà Nội có đôi phần nới lỏng. Sau 4 năm bị cắt đứt mọi liên lạc với gia đình, chúng tôi được viết thư và nhận đồ tiếp tế trở lại. Không những thế, gia đình còn được phép đến trại thăm gặp và trong vài trường hợp đặc biệt tù nhân cải tạo còn được phép ở lại suốt đêm ngoài nhà khàch để sinh hoạt với gia đình.
Một chuyện khác mà không ai ngờ tới là những gói qùa tiếp tế không những đã cứu sống chúng tôi khói chết đói mà cón cho chúng tôi cơ hội cải tạo những bộ óc chậm tiến của những người tự cho có nhiệm vụ cải tạo chúng tôi.
Mỗi đợt khám quà của tù nhân là một dịp để các cán bộ làm quen với thế giới bên ngoài qua những đồ tiếp tế.Lần đầu tiên khám qùa một anh cán bộ trẻ thấy một gói lạp xưởng đòi tịch thu.Chúng tôi hỏi tại sao thì được trả lời :’’Tịch thu, vì các anh không được phép mang nến ( đèn cày) vào trong trại’’. Tội nghiệp, từ bé tới lớn anh chưa được ăn lạp xưởng bao giờ nên tưởng lạp xưởng là đền cày.
Những thứ lạ mắt như những cuốn giấy vệ sinh trắng muốt, những chai sà bông nước, những lon cà phê-sữa bột, những viên thuốc Tây xanh đỏ đựng trong những lọ có nắp khó mở….đều là những thứ mà trại thấy cần phải giữ lại để nghiên cứu. Sau này khi biết những thứ đó không có gì nguy hiểm và thỉnh thoảng lại được chúng tôi ‘’kỷ niệm’’(nghĩa là cho theo ngôn từ cộng sản) các công an trẻ dần dần làm thân và thường muốn nghe chúng tôi kể những chuyện của thế giới bên ngoài, trong giờ lao động. Kỷ luật trại giữa cán bộ và tù nhân cũng không còn gay gắt như trước nữa.
Ngày một số anh em chúng tôi được trả lại tự do ( 1985 ) những người công an trẻ đến chia tay bằng một câu nói cảm động :’’Thôi các anh về mạnh khoẻ rồi đi ngoại quốc. Chúng tôi thì còn ở đây chưa biết đến bao giờ.’’. Ngay lúc đó chúng tôi chưa nắm bắt được thông điệp ‘’rồi đi ngoại quốc ‘’ nhưng chúng tôi hiểu ngay rằng những thanh niên cộng sản đó đã bắt đầu tỉnh ngộ sau thời gian mấy năm được chúng tôi cải tạo.
III – CHIẾN DỊCH GIẢI THOÁT TÙ CẢI TẠO
Có một thời gian, công an trại thường chỉ mặt chúng tôi và hăm dọa nhiều lần :’’ Nếu bọn Mỹ không chịu bồi thường 3 tỷ 2 thì các anh sẽ còn cải tạo mút mùa.’’. Câu hăm dọa này không làm chúng tôi lo sợ mà, trái lại, làm chúng tôi mừng thầm vì đoán rằng có thể ở bên ngoài xã hội đang diễn ra một cuộc thương lượng giũa Hoa Kỳ và Việt Cộng để giải thoát chúng tôi khỏi cảnh tù đầy. Cho dù đây chỉ là một hy vọng rất mong manh nhưng chúng tôi cứ bám viú lấy nó như người sắp chết đuối vớ được cọc, để có lý do và can đảm tiếp tục cuộc sống.
Thế rồi, không bao lâu sau, sự ước đoán của chúng tôi được thân nhân vào thăm xác nhận là đúng. Từ đó, trong lòng chúng tôi, ngày nào cũng như mở hội. Hy vọng được về xum họp với gia đình có nhiều triển vọng trở thành sự thật.
Tôi được trả tự do vào cuối năm 1985, sau 10 năm 4 tháng 10 ngày bị cộng sản bỏ tù. Hội nhập lại vào xã hội bên ngoài, tôi được biết vào năm 1976, Kissinger đã tuyên bố :’’Hoa Kỳ đang chuẩn bị bình thường hóa bang giao với Việt Nam ‘’. Việc bình thường hóa bang giao không thành vì trong cuộc đàm phán ở Paris vào đầu năm 1977 Hà Nội khăng khăng đòi Hoa Kỳ phải trả 3250 triệu Mỹ Kim để bồi thường chiến tranh. Lẽ cố nhiên là Hoa Kỳ bác bỏ đòi hỏi vô lý đó vì Hà Nội đã không tôn trọng hiệp định Paris năm 1973.
Nền kinh tế của Việt Nam mỗi ngày một sa sút. Sự vô hiệu của kinh tế hoạch định và tình trạng sa lầy trong chiến tranh Campuchia khiến chế độ Hà Nội đứng trên bờ vực thẳm. Trung Cộng đã trở thành thù nghịch còn Liên sô thì cũng đang gặp khó khăn nên không biết nương tựa vào ai. Hoa Kỳ là sinh lộ duy nhất còn lại. Làm găng không được, Hà Nội bắt đầu đấu dịu.
Đầu thập niên 1980, cả Phạm văn Đồng lẫn Nguyễn Cơ Thạch đều bắn tiếng là sẽ thả tù cải tạo nếu Hoa Kỳ tiếp nhận. Hà Nội dùng tù cải tạo như phương tiện măc cả để xin viện trợ của Hoa kỳ. Hoa Thịnh Đốn đáp ứng và diễn tiến của chiến dịch giải thoát tù cải tạo được ghi nhận như sau.
Ngày 11-9-1984 ngoại trưởng George Schultz chính thức yêu cầu Hà Nội trả tự do và cho phép các tù nhân chính trị được định cư tại Hoa Kỳ. Ba tuần sau tổng thống Reagan gủi văn thư chính thức đến các bộ ngoại giao, an sinh và tư pháp về việc thâu nhận những người tù cải tạo Việt Nam.
Hoa kỳ đồng ý gặp đại sứ Võ Đông Giang của Hà Nội tại Nữu Ước. Cuộc đàm phán tiến hành trong bí mật.
Tháng 7 năm 1988 phái đoàn Robert Funseth, phụ tá thứ trưởng ngoại gao Hoa kỳ, đi Hà Nội họp với phụ tá bộ trưởng ngoại giao Việt Cộng Trần Quang Cơ để bàn về việc trả tự do cho tù chính trị và đưa họ đi định cư tại ngoại quốc.
Ngày 30-7-1989, ông Robert Funseth và Vũ Khoan, thứ trưởng ngoại giao Việt Cộng ký kết tại Hà Nội văn kiện về việc định cư tù cải tạo.
Qua thỏa hiệp này 3000 tù cải tạo và gia đình đã đến Hoa Kỳ trong những tháng đầu tiên của năm 1990. Chương trình định cư này trù liệu đưa ra nước ngoài 400.000 người thì 20% đã đến bến tự do năm 1990, 30% năm 1991, 30% năm 1992, 10% năm 1993 và 10% còn lại vào những năm kế tiếp.
Dựa theo các tài liệu đáng tin cậy người ta cũng được biết là trong số quân nhân VNCH được sang Mỹ định cư sau thời gian cải tạo thì 61% là cấp úy, 35% là cấp tá và tướng và 4% là viên chức chính phủ.
Con số những người chết trong các trại cải tạo chưa được xác định là bao nhiêu. Tài liệu của Khu Hội Tù Nhân Chính Trị Hawaii, thiết lập ngày 20-4-1993 đưa ra một con số rất thiếu sót là 587 người. Đây chỉ là một phần nhỏ của số ‘’tử vong vì cải tạo’’ trong thực tế.
Cũng theo một tài liệu khác chưa dầy đủ thì số trại cải tạo CSVN thiết lập trên toàn quốc sau năm 1975 là 80 trại ( bao gồm cả 2 trại ở các đảo Côn Sơn và Phú Quốc ).
Quyết định của Cộng Sản Việt Nam đưa quân cán chính VNCH đi cải tạo lâu dài sau năm 1975 là một sai lầm trầm trọng. Sau khi chiếm miền Nam, đáng lý ra Hà Nội phải biết lợi dụng thời kỳ vàng son này để hòa hợp hòa giải dân tộc và xây dựng tương lai phồn thịnh cho đất nưốc.
Giữa tháng 5-1975, bộ trưởng ngoại giao 5 nước ASEAN họp thường niên tại Kuala Lumpur đã bày tỏ ý muốn thiết lập bang giao với các nước Đông Dương. Trong thông cáo chung ngày 24-7-1975 Phi Luật Tân và Thái Lan minh định rõ là các căn cứ quân sự của nước ngoài trong khu vực chỉ là tam thời và khối SEATO sẽ giải tán.
Vào thời gian đó Nhật cũng trù liệu một ngân khoản 1600 triệu Mỹ Kim để giúp 5 nước ASEAN và 3 nước ĐÔNG DƯƠNG xây dựng khu thịnh vượng chung Đông Nam Á. Tiếp theo, tháng 8 năm 1977, Nhật lại kêu gọi sự hợp tác thân hữu giữa các nước trong vùng kể cả Miến Điện, và hứa viện trợ 5 tỷ Mỹ Kim cho kế hoạch phát triển Đông Nam Á tành một khu vực phồn vinh.
Sau khi gia nhập Liên Hiệp Quốc, Việt Nam còn được gia nhập Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế với một khoản vay mượn đầu tiên là 35 triệu Mỹ Kim. Ngân Hàng Thế Giới cũng xúc tiến kế hoạch giúp đỡ Việt Nam phát triển kinh tế thời hậu chiến. Thừa kế chỗ trống của VNCH, Hà Nội còn là hội viên của ngân hàng phát triển Á Châu.
Trong bối cảnh đó nếu không có chính sách cải tạo sai lầm thì nhân dân hai miền Nam Bắc đã cùng dồn nỗ lực vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện việc hoà hợp hòa giải dân tộc để nhanh chóng đưa đất nước đến cảnh phú cường.
Bị Hoa Kỳ giăng bẫy CSVN đã xé bỏ hiệp định Paris và xâm chiếm miền Nam để rồi liền sau đó lại bị Trung Cộng giăng bẫy nhử sang Campuchia và bị sa lầy ở đó. Hậu qủa của những quyết định mù quáng này là một nước Việt Nam kiệt quệ và tụt hậu, cam tâm làm chư hầu một lúc cho hai thế lực thù địch. Cắt đất dângTrung Quốc để duy trì mạng sống chính trị và qùy gối ôm chân Hoa kỳ để kiếm miếng ăn. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc lại có một thòi kỳ nhục nhã như hiện nay.

Đối với Hoa Kỳ, bỏ rỏi miền Nam Việt Nam trong trận đồ quốc tế để thắng Liên Xô và làm tan rã khối cộng sản là một vấn đề chiến lược. Tiến hành chiến dịch giải thoát tù cải tạo Việt Nam để họ được sang sinh sống và đoàn tụ tại Hoa Kỳ là một vấn đề của lương tâm. Đứng về phương diện quyền lơi cuả Hiệp Chủng Quốc mà xét thì trong cả hai việc làm này Hoa Kỳ đều khôn ngoan và thắng lợi.

Nguyễn Cao Quyền

12 THÁNG ANH ĐI