15 thg 6, 2009

The Old Guitarist của Picasso


Bùi Bảo Trúc

Bạn ta,
Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đẹp cùng cỡ với nguyên bản 123x83cm mang về treo trong phòng làm việc.

Bức The Old Guitarist được vẽ trong khoảng đầu thế kỷ 20, khi Picasso còn đang trong thời kỳ xanh, Blue Period, của ông.

Picasso bắt đầu vẽ những bức tranh buồn bã và bi đát của Blue Period sau khi một người bạn của ông, Casagemas, tự tử chết ở Paris. Trong thời gian này, đời sống của Picasso cũng hết sức chật vật, khó khăn. Ông tìm được cảm thông với hoàn cảnh buồn thảm của những người nghèo khó, bệnh hoạn, bần cùng của Paris thời đó. Năm 1902, có những lúc ông không có lấy được một đồng bạc trong túi. Ông vẽ một loạt những bức họa bi thảm như La vie, Le Repas Frugal...

Bức The Old Guitarist vẽ một người đàn ông già còm cõi, chiếc áo rách một miếng ở vai cúi đầu xuống, tay cầm cây đàn ghi ta.

Thùng đàn mầu nâu là mầu gọi là tươi tắn nhất trong toàn bức họa. Tất cả những thứ khác đều mầu xanh đen xám đậm.

Người đàn ông già khuôn mặt khắc khổ, hai tay gầy guộc, chiếc cổ khô đét, đôi chân xếp chéo như một bộ xương. Chiếc đàn làm đầy khoảng trống chung quanh cái hình hài cô đơn và còm cõi đó.

Lúc Picasso vẽ bức họa này, thì phong trào Tượng Trưng đang rất "en vogue" ở Âu châu. Văn chương thời ấy đưa ra nhiều nhân vật khiếm thị nhưng lại có khả năng nhìn thấu được những điều người có thị giác tốt vẫn không thấy được.

Người đàn ông chơi đàn ghi ta của Picasso là một người mù. Cây đàn của ông không có dây. Ông đánh một bài nhạc chỉ một mình ông nghe thấy. Ông nhìn thấy những gì chung quanh không nhìn được.

Người nhạc sĩ mù sống trong cảnh cô đơn tột cùng tăm tối của ông. Nhưng trong bức họa của Picasso, ông vẫn là một người đàn ông hạnh phúc. Ông có âm nhạc của riêng ông. Những bản nhạc chỉ mình ông nghe thấy khi ông dạo chúng trên cây ghi ta không dây mà cũng không phím.

Càng nhìn bức tranh của Picasso, tôi càng thắc mắc về người đàn ông già này. Làm sao ông sống? Ông có đi hát dạo trên những con đường ở Paris? Ông đứng ở cửa lên xuống của trạm métro nào? Ai nghe được nhạc của ông mà quăng tiền cho ông? Ông đã sống trong cảnh đen tối như thế trong bao nhiêu năm?

Ai đem tôi đến chốn này?
Ban đêm thì tối, ban ngày thì đen...

Hai câu hát của người đàn ông cầm đàn đi hát dạo trong Thềm Hoang của Nhật Tiến là hai câu thảm nhất. Ngày như đêm, đêm là ngày. Nhân vật chỉ than có một câu: ai đem tôi đến chốn này...

Không biết người nhạc sĩ của Picasso, người hát dạo của Nhật Tiến khi được cho nhìn thấy họ sẽ như thế nào? Stevie Wonder và Ray Charles đều có lần nói là không muốn có lại thị giác. Cả hai đều nói là họ sợ nhìn thấy những điều không như những thứ họ đã "nhìn" thấy suốt những năm dài đen tối.
Cũng như Tản Đà tỉnh mộng ra lại chán đời, tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.

Tôi nghĩ người nhạc sĩ ghi ta của Picasso cũng vậy. Chưa chắc ông ta muốn nhìn thấy mọi thứ. Mặc dù đời sống chắc chắn phải khốn khó, đi lại, sinh sống làm sao với đôi mắt như thế.

Chắc ông không muốn đổi đôi mắt ông đang có để lấy đôi mắt của tôi chẳng hạn. Và tôi thì chắc cũng không đổi lấy đôi mắt của ông.

Sống ở đây ba chục năm, nhìn thấy con cái lớn khôn, lũ cháu xinh đẹp, đi cùng khắp mọi nơi, sống tự do phơi phới, làm đủ mọi thứ chuyện như thế sao nói là ba mươi năm sống trong bóng tối?

Hay là có những người khác chúng ta, khác bạn, khác tôi nên mới nói rằng ba mươi năm qua là ba mươi năm sống trong bóng tối?

Nói vậy là nói láo. Thảm hơn là chưa bị dí khẩu súng vào màng tang mà đã phải bẻ cong sự thật đi để đầu hàng, nịnh bợ không cần thiết như thế.

The Old Guitarist của Picasso, tôi yêu biết chừng nào.


12 THÁNG ANH ĐI