16 thg 6, 2009

Trung Quốc trên đường vươn tới siêu cường


Vừa đón tiếp các vị khách Mỹ lại chuẩn bị sang Nga họp với các đại diện "tai to mặt lớn", lịch trình bận rộn của các nhà ngoại giao Trung Quốc phản ánh điều mà giới quan sát đánh giá là thời khắc lên ngôi của Bắc Kinh trong vai trò một siêu cường.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đang khiến phương Tây lúng túng sẽ giúp Trung Quốc giành lấy vị thế lớn hơn trên thế giới, nhưng cũng cảnh báo rằng nước này chưa thể đánh bật vị trí thống lĩnh của Mỹ cũng như của đồng USD.

"Ban lãnh đạo (Trung Quốc) hoàn toàn nhận thức được rằng nước Mỹ sẽ duy trì vị thế thống trị bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay", Zheng Yongnian, giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, thường qua lại Trung Quốc, nhận xét. "Trung Quốc nhận thấy các cơ hội để leo lên, nhưng vẫn còn xa mới có thể trở thành siêu cường thống lĩnh".

Sức mạnh của nước này sẽ được thể hiện rõ rệt hơn tại cuộc họp cấp cao trong tuần này giữa 4 nền kinh tế mới nổi mạnh nhất thế giới hiện nay, gồm Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nga (nhóm BRIC). Bốn nước này có thể sẽ thảo luận về những cách thức giảm thiểu sự phụ thuộc vào Mỹ, xa rời trái phiếu chính phủ Mỹ và đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành loại tiền dự trữ có tính toàn cầu.

Tuần trước, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithener tới Bắc Kinh để trấn an các vị chủ nhà rằng khối tài sản bằng đôla của họ vẫn an toàn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tuyên bố rõ rằng họ muốn thấy một đồng USD mạnh.

Tuy thế, Trung Quốc hiểu rõ rằng cuộc chơi đã thay đổi. Khả năng gây ảnh hưởng ngày càng lớn của nước này chứng tỏ vai trò lớn hơn của họ trên trường quốc tế. Việc nhiều chính phủ nước ngoài nhìn vào khả năng thúc đẩy kinh tế của Trung Quốc đã làm nảy sinh câu hỏi về việc nước này sẽ sử dụng đến mức độ nào khoản tiền tiết kiệm khổng lồ và sức tăng trưởng của mình, trong một thế giới đang chịu đựng cuộc khủng hoảng, để đạt mục đích mở rộng ảnh hưởng quốc gia.

"Lúc đầu, có sự không chắc chắn về mức độ ảnh hưởng tầm chiến lược do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra", Yan Xuetong, chuyên gia nổi tiếng về quan hệ quốc tế thuộc đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, nói.

"Nhưng giờ đây chúng ta có thể chắc chắn rằng khủng hoảng giúp nâng vị thế quốc tế của Trung Quốc. ... Với việc ngày càng nhiều nước hỏi đến tiền của Trung Quốc, thì tầm ảnh hưởng của chúng ta ngày càng mở rộng".

Một số người theo chủ nghĩa quốc dân ở Trung Quốc nói rằng khủng hoảng kinh tế đánh dấu chấm hết đối với vai trò thống lĩnh của Mỹ, nhưng hầu hết giới phân tích nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào thị trường khổng lồ của Mỹ và không có đủ sức mạnh để có thể phủ nhận vai trò của Washington. Bắc Kinh hy vọng đẩy mạnh tiềm lực kinh tế, an ninh, tầm ảnh hưởng khu vực và ngoại giao mà không phương hại đến vị thế của Mỹ và các đồng minh, ông Zheng nói.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục leo lên trên các nấc thang", chuyên gia nói. "Nhưng họ không muốn một cuộc cách mạng làm thay đổi hệ thống hiện có".

Thay vào đó, Trung Quốc theo đuổi một chiến lược khôn khéo hơn bằng cách mở rộng mạng lưới của những mối quan hệ kinh tế thiết yếu, song phương và đa phương, dành cho những quốc gia đang gặp khó khăn.

"Trong việc đối phó với khủng hoảng, Trung Quốc tập trung vào các nước láng giềng trong khu vực", Qin Yaqing, Phó chủ tịch Học viện Ngoại giao Trung Quốc và là cố vấn của chính phủ, nói.

Trong lúc đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính toàn cầu tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng đóng góp lớn nhất của nước này cho thế giới chính là duy trì sự tăng trưởng kinh tế. Đối nội vẫn là hòn đá tảng trong chính sách của nước này. Tuy nhiên kể từ đó, Bắc Kinh cũng tiến hành một loạt việc như hoán đổi tiền tệ, tín dụng đổi dầu và cam kết viện trợ đối với nước ngoài. Điều này được cho là hơi xa rời chủ trương mà ông Đặng Tiểu Bình đưa ra cho thời gian Trung Quốc bị cô lập sau sự kiện 1989 và sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, đó là Trung Quốc phải "tranh thủ thời gian nuôi sức mạnh".

"Đã có những cuộc tranh luận cẳng thẳng, liệu Trung Quốc có nên có một bề nổi ngoại giao năng động hơn trên thế giới. Khi khủng hoảng xảy ra, điều đó trở nên cần thiết", Gregory Chin, chuyên gia về chính sách ngoại giao Trung Quốc, thuộc York University của Canada, nói. "Họ không thể tiếp tục ẩn mình như chiến lược của ông Đặng nữa".

Loạt hành động đầu tiên của Bắc Kinh trong việc giúp đỡ các nước chống chọi với khủng hoảng diễn ra vào tháng 12, khi cho phép hoán đổi ngoại tệ với Hàn Quốc. Cuối tháng ba, Bắc Kinh đã hoán đổi với 5 quốc gia, từ Indonesia tới Argentina, với tổng giá trị 95 tỷ USD.

Trung Quốc cũng cam kết cung cấp tín dụng 45 tỷ USD để đổi lấy nguồn cung cấp dầu thô dài hạn, cho các nước Nga, Brazil, Venezuela và Angola vay tiền. Đặc biệt, Trung Quốc cam kết đầu tư 50 tỷ USD vào IMF dưới hình thức trái phiếu đặc biệt, và mang đên 38,4 tỷ USD cho một quỹ ở châu Á.

Những khoản tiền đó có tác dụng thúc đẩy thương mại và tất nhiên có ảnh hưởng về chính trị, các chuyên gia người Trung Quốc và cựu quan chức nước này khẳng định.

"Trung Quốc giờ đây có thể dùng đến dự trữ ngoại tệ của mình trong khi các nước phương tây đang ốm yếu, có thể phân phát viện trợ đến những nước đang vật lộn với khó khăn và nhờ đó giành được tình bằng hữu hay đối tác", Zhen Bingxi, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc ở Washington, nhận xét.

Sóng đôi quyền lực? Chưa đến lúc

Ngày càng có nhiều người nói đến một chính sách ngoại giao tham vọng hơn của Trung Quốc, nói đến công thức G2, trong đó Bắc Kinh và Washington cùng đóng vai trò lớn nhất trong định hình chính trường và kinh tế quốc tế. Tuy nhiên cho đến nay có vẻ vẫn giữ khoảng cách với Washington, dù cơ hội thu hẹp khoảng cách đang có nhiều. Bắc Kinh xem thế lực của Mỹ dù bị sứt mẻ vẫn là quá lớn để có thể sánh vai. Thuyết ẩn mình của ông Đặng vẫn còn hiệu nghiệm.

"Tầm ảnh hưởng về kinh tế của Mỹ có thể bị suy giảm, nhưng sức mạnh kinh tế cũng như sức mạnh tổng thể quốc gia vẫn vượt xa các quốc gia khác ít nhất là trong 10 hoặc 20 năm nữa", Yuan Peng, chuyên gia của Viện Trung Quốc thuộc Học viện Quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh, nhận định.

Mai Trang (theo Reuters)

12 THÁNG ANH ĐI