31 thg 8, 2009

Ngày chúng ta có nhau

Diệu Trân

Nhân số trên trái đất là bao nhiêu tỷ tỷ người, tôi không theo dõi thống kê nên không biết. Nhưng theo tinh thần thi ca từ ngàn xưa đến nay thì nhân loại phải nhiều lắm. Loài người lại sợ sống cô đơn nên mỗi người tự coi mình như chỉ là nửa mảnh (mảnh gì, tùy quan niệm), luôn miệt mài đi tìm nửa mảnh kia để chia sẻ vui buồn suốt quãng đường đời dằng dặc. Làm sao trong hàng tỷ tỷ mảnh rời, có thể tìm đúng nửa mảnh kia của mình mới có thể Hai trở thành Một? Chẳng dễ đâu! Nên hợp rồi tan là một thực thể của kiếp nhân sinh.

“… Thiên hạ mang mang ai người tri kỷ
Về đây cùng ta cạn một hồ trường …”

Chàng thi sỹ lê gót tìm bạn chắc đã tả tơi tuyệt vọng mới đến với men rượu giải khuây, nhưng có biết đâu chính những cơn say lại là tấm gương soi tỏ nhất, nỗi cô đơn cùng cực. Cạn ly đầy, lại rót đầy ly cạn mà thiên hạ mang mang, biết ai tri kỷ?

“… Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương,
Nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn.
Rót về Tây phương,
Mưa phương Tây từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương,
Ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương.
Rót về Nam phương,
Trời Nam ngàn dặm thẳm,
Có người quá chén như điên cuồng …”

Tác giả bài thơ này từng được giới văn nghệ sỹ và người thưởng ngoạn đương thời, cùng hậu thế coi là “Thi sỹ của một bài thơ”; nghĩa là một người làm thơ rất nổi tiếng chỉ ở một bài thơ.

Không biết danh xưng này đúng hay sai. Riêng cá nhân tôi, không biết đến bài thơ thứ hai nào của Nguyễn Bá Trạc, ngoài bài Hồ Trường này. Khác với Lý Bạch, say khướt rồi bước ra khỏi thuyền, tưởng bóng trăng là người tri kỷ nên đã ôm trăng mà chìm sâu đáy nước; Nguyễn Bá Trạc có vẻ tỉnh táo hơn, kiên nhẫn hơn khi thành khẩn nâng ly mời khắp bốn phương, nhưng cuối cùng thì hai thi nhân cũng phải trực diện cùng một nỗi cô đơn sâu thẳm của kiếp nhân sinh mà thua cuộc

“… Nào ai tỉnh? Nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây!”

Nửa mảnh này không tìm được đúng nửa mảnh kia nên đành chịu cô đơn thì cũng tạm hiểu được. Nhưng sao lại có cảnh hai mảnh rời của nhau, tìm được nhau rồi mà lại ly tan?, như một thi sỹ nào đó (xin lỗi, tôi quên tên) than rằng:

“Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!”

Trời ơi, trong thiên hạ mang mang, hai nửa hồn tìm được nhau thì phải trở thành một linh hồn bất diệt chứ, sao nửa hồn kia lại đi, để nửa hồn này dại khờ? Mà nửa hồn kia đi đâu? Đã là nửa mảnh của hồn này rồi, bỏ đi để tìm nửa mảnh của hồn khác à!?

Có lẽ rắc rối ở đây là nhân thế cứ chập chờn quẩn quanh những bước mộng du trong suốt giấc mộng dài trăm năm khi đi tìm tri kỷ.

Bước chân không thật nên lạc bước.
Tấm lòng không thật nên lạc nhau.
Có tìm lại chốn xưa thì thềm cũ đã rêu xanh nhòa vết!
Lại một thi sỹ tan nát tâm can thế này:

“Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa,
Cho tôi về đường cũ nên thơ,
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Nhưng chỉ là giấc mơ thôi,
Nghe tình đang chết trong tôi,
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời!
Nhắm mắt, ôi sao nửa hồn bỗng thương đau,
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau,
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào ?...”

Đây là những tiếng khóc ân hận của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã được người viết nhạc Phạm Đình Chương chắp đôi cánh âm thanh cho tiếng khóc này bay bổng suốt nhiều thập niên qua, bay từ thành thị tới thôn quê, bay suốt quê hương, bay sang xứ lạ.

Những cuộc hành trình đi tìm tri kỷ quả là gian nan và thường nghẹn ngào tiếng khóc hơn là rộn rã tiếng cười, bởi ta dễ bị ảo tưởng lắm! Có mấy ai đã thực sự tự tin ở nửa mảnh hồn ngỡ là tìm được, khi tự thân mỗi tâm hồn đã là một ốc đảo cô đơn.

Khi xưa, có khoảng thời gian tôi yêu hoa tới mức xoay sở để làm chủ một tiệm hoa. Ở môi trường này, tôi được thường xuyên thấy những tấm lòng mẫn ái hướng về nhau. Một bông hồng để thay lời xin lỗi, một giỏ lan chúc tụng niềm vui, và ngay cả những vòng hoa tang chia buồn cũng là tình người đẹp đẽ. Có lần, một cô gái trẻ bước vào khi tôi sắp đóng cửa tiệm. Cô mừng rỡ:

- May quá, em đến trễ chút nữa là hỏng rồi!
- Em cần gì?
- Dạ, cô cắm cho em hai lọ hoa hồng giống nhau và chọn cho em hai tấm thiệp cũng giống nhau.

Tôi hơi lạ, nhưng cũng làm theo khách đặt hàng. Tôi cắm hoa, cô lui cui, nắn nót viết. Hoa cắm xong, cô nghiêng đầu ngắm nghía, khen đẹp, rồi giơ hai tấm thiệp, vừa khoe tôi, vừa đọc: “Ngày Mẹ có Con. Ngày Con có Mẹ”. Cô giải thích thêm:

- Hôm nay là sinh nhật em, nhưng cũng là ngày vui lớn của Mẹ vì ngày này Mẹ đã có em.

Cô gắn hai tấm thiệp vào hai lọ hoa, trả tiền xong, vui vẻ quay đi. Còn tôi, đứng lặng đến quên cả việc khóa cửa! Tôi đứng sau quầy, giữa đống hoa lá cắt tỉa còn ngổn ngang. Tôi nghĩ đến “Ngày Mẹ có Tôi. Ngày Tôi có Mẹ”. Trời ơi, thật là đơn giản. Ngày sinh nhật của mỗi đứa con phải là ngày sinh nhật của mỗi bà mẹ vì ngày đó con chào đời bằng Hình Hài, Mẹ chào đời bằng Hạnh Phúc. Mỗi đứa con ra đời, mẹ có một giấy khai sinh mang tên Hạnh Phúc. Hình hài của con và hạnh phúc của mẹ trộn lẫn nhau, Hai là Một, không gì tách rời được vì chẳng phải Mẹ Con chỉ quyện chặt Tình Yêu vô hình mà hữu hình thì, trong tế bào con có tế bào mẹ, trong xương da con có xương da mẹ, trong huyết quản con có huyết quản mẹ. Con hòa lẫn mẹ suốt chín tháng mười ngày, làm sao con chẳng là chính mẹ?

Ấy thế mà, trong hơn nửa đời người, phút tình cờ nhất, một cô gái trẻ đã cho tôi cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về Ngày Sinh Nhật như thế. Tôi dám chắc, chẳng riêng gì mình mà thiên hạ mang mang ngoài kia, những bữa tiệc sinh nhật cứ nối tiếp nhau, nhưng mấy ai nghĩ rằng, đó cũng là Ngày Sinh Nhật Của Mẹ. Có thể, những người mẹ cũng được mời đến dự, nhưng vẫn chỉ là người dự, là khách chứ không phải là Ngày Chúng Ta Có Nhau, không phải là chung-sinh, là co-arising, là nương vào nhau mà có mặt.

Mẹ và Con không thể chối bỏ nhau, không tìm ai thay thế nhau được, kể cả sự chết. Dù mẹ đã khuất, nhưng trong hình hài con vẫn có máu huyết mẹ luân lưu, nên, ở một nghĩa nào của Tri Kỷ, mẹ và con là những nửa mảnh linh hồn thủy chung nhất, thủy chung hơn tất cả những lời thề non hẹn biển, vàng đá trăm năm, mà chỉ một cơn gió u mê thoảng qua cũng đủ cuốn bay mất tích!

Tội nghiệp thi sỹ Vũ Hoàng Chương, tác gỉa hai câu thơ đầy đau thương, được chép lại nhiều nhất trên những trang lưu bút ngày xanh, lại thường bị thực tế phũ phàng đọc khác đi. Câu thơ nguyên thủy thế này:

“Em ơi, lửa tắt bình khô rượu,
Đời vắng em rồi, say với ai!”

Thực tế, nhân thế lại rất mau quên nên câu thơ tuyệt đẹp trên thường được đọc lại một cách cay đắng và không thơ chút nào là:

“Em ơi, lửa tắt bình khô rượu,
Đời vắng em rồi, say với … người khác!!!”

Cám ơn Mẹ, Ngày Chúng Ta Có Nhau.

Diệu Trân

(Ngày Mẹ có Tôi. Ngày Tôi có Mẹ-Tháng7/ 2009)

Nhà Lý dựng nước và giữ nước như thế nào?

Chánh Minh

Sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, nhà Lý cầm vận mệnh dân tộc Việt Nam trong 216 năm, đã mở mang bờ cõi, đặt nền tản cho chính thể quân chủ vững chắc. Nhà Lý đã biết tổ chức kinh tế, chính trị, và xã hội đúng lề lối, nguyên tắc nên đã đưa dân tộc chúng ta mỗi ngày đi một xa trên con đường tiến hóa. Do đó ôn lại những việc xưa mà tổ tiên ông cha chúng ta đã dựng nước và giữ nước như thế nào để ngày nay con cháu lấy đó làm niềm tin và học hỏi tưởng không phải vô ích.

Một trong những đặc tính của nhà Lý là lấy dân làm gốc, biết thương dân và xem dân như con.

Năm 1070 trời làm đại hạn, vua Lý Thánh Tông cho lấy tiền của và thóc trong kho chẩn ra cấp cho dân. Ngài đặt ra tiền dưỡng liêm để tránh sự sa ngã cho quan lại.

Năm 1065, vua Lý Thánh Tông trong một phiên xử kiện ở điện Thiên Khánh, đã chỉ vào công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo rằng: “Lòng ta yêu con ta, cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân. Dân không biết mà mắc vào hình phạt, ta rất lấy làm thương. Từ nay về sau không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất luật khoan giảm” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Mùa đông năm 1055, thấy trời giá rét vua Thánh Tông đã bảo với các quan: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu mà còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục , khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian, mà ăn không được no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không nơi nương tựa, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bửa cơm” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Lý Thái Tông là một ông vua thông minh, rất am hiểu việc quân sự và chính trị. Ngài rất lưu tâm về mọi vấn đề dân sự vì lòng thương dân. Gặp những năm mất mùa hay bị bệnh dịch, ngài xá thuế cho dân hàng hai ba năm. Về luật pháp, ngài cũng sửa đổi lại cho bớt sự gắt gao. Đại khái ngài đặc cách tra hỏi các phạm nhân, xác định các trường hợp giảm-khinh cho các người già hay vị thành niên và cho lấy tiền để chuộc tội nếu không phạm vào thập ác. Ngài đặt niên hiệu là Minh Đạo (1042) trong khi ban bố các chính sách nhân đạo của ngài. Trong lịch sử nước Việt Nam, ngài là một trong những vị vua thương dân, thương nước và lo sửa sang đức độ của nền quân chủ coi trăm họ như con. Năm sau ngài hạ lệnh bãi bỏ tục mua hoàng nam (trai từ 18 tuổi trở lên) để làm tôi tớ.

Năm 1016, trong nước được mùa, vua Lý Thái Tổ tha thuế 3 năm, sau đó 2 năm lại có việc tha thuế ruộng một lần nữa. (Việt Sử Toàn Thư-Phạm Văn Sơn).

Nhà Lý biết trọng dụng người hiền tài.

Kể từ vua Lý Nhân Tông (1072-1127), bắt đầu có các kỳ thi tam trường tức là thi ba bậc khác nhau để tuyển những người minh kinh bác học. Những ai là nho sĩ đếu phải nghiên cứu và đi sâu vào Phật học trước khi bước ra hoạn lộ. Những năm sau đó, nhà vua đặt nhà Quốc-Tử giám và các kỳ thi tuyển để kén chọn nhân tài cho hai ngành văn võ. Đáng kể Thái sư Lý Đạo Thành là người gương mẫu cho sự đoan chính và tận tâm phục vụ cho quốc gia. Hơn nữa thời đó có nhiều người hiền lương hết lòng lo lắng cho quyền lợi của nhân dân. Cứ xét việc đánh Tống bình Chiêm thì hiểu nhân tài dưới triều vua Nhân Tông rất là đáng kính. (Việt Sử Toàn Thư-Phạm Văn Sơn).

Kể từ Lý Thái Tổ, các vua biết trọng dụng kiến thức và đạo hạnh của những vị thiền sư để giúp nước như thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh và Khô Đầu v.v…

Những vị tăng sĩ được xem như lãnh đạo tinh thần cho triều đình và cả nước nên đuợc gọi là quốc sư.

Có nhiều lý do khiến các thiền sư đời Lý tham dự chính sự (tham dự chính sự mà không tham dự chính quyền, bởi vì họ không nhận chức vụ trong nội các, chỉ tới giúp ý kiến và công việc rồi về chùa). Lý do thứ nhất: họ là những người có học, có ý thức về quốc gia, sống gần gũi với quần chúng và biết được những khổ đau của người dân đang bị một chính sách đô hộ hà khắc bóc lột. Lý do thứ hai: họ không có ý muốn tranh ngôi của vua, không giành quyền bính và địa vị ngoài đời, nên vua tin họ. Lý do thứ ba: họ không cố chấp vào thuyết trung quân (trung thần bất sự nhị quân) như các nhà nho, nên họ có thể cộng tác với bất cứ ông vua nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân. Lý do thứ tư: các vua cần sức học của họ, nhất là trong các đời Đinh, Lê, các vua đều không phải thuộc giới trí thức. Nho sĩ thì chắc không có mấy người, mà lại chỉ trung thành được với một triều đại. (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-Nguyễn Lang).

Đời Lý, nhà vua biết nghe lời cố vấn của các người hiền tài trong đó phải kể đến các vị thiền sư Phật giáo nên vấn đề ngoại giao với nhà Tống rất mềm dẽo và khôn khéo.

Việc ngoại giao với nhà Tống thời đó rất là êm đẹp, nhà Tống đã 2 lần sắc phong Lý Thái Tổ, do đó nhà vua mới có thì giờ đánh dẹp các mối loạn trong nước và đánh thắng quân Chiêm Thành ở trại Bố Chính (thuộc Quảng Bình). (Việt Sử Toàn Thư-Phạm Văn Sơn).

Năm 1078, vua Lý Nhân Tông mở cuộc giao hảo với Bắc triều. Sứ thần Đại Việt đưa 5 con voi đã thuần sang cống vua Tống và đòi lại những châu huyện ở miền Cao Bằng. Triều Tống ưng thuận với điều kiện triều Lý phải trả lại cho Tống những người dân các châu Khâm, Liêm, Ung do quân Lý bắt giữ năm 1075. Sau khi quân Tống rút khỏi Quảng Nguyên, người Tống biết được châu này có mỏ vàng và tiếc của nên làm hai câu thơ như sau:

Nhân tham Giao-Chỉ tượng
Khước thất Quảng Nguyên kim.


Mùa hạ năm 1084, vua Nhân Tông lại phái Binh bộ Thị lang Lê văn Thịnh sang yêu cầu Tống phân chia lại địa giới và trả nốt mấy huyện Tống còn giữ lại.

Đến đây chúng ta thấy việc ngoại giao của nhà Lý bấy giờ rất khéo léo và rất sành về tâm lý. Nhà Lý đã áp dụng chính sách đòi dần để tình thế giữa hai nước vừa xung đột với nhau bớt căng thẳng. Triều Lý tiến dần như tằm ăn dâu, quả nhiên việc thương thuyết đem lại được đầy đủ kết quả như ý muốn.

Năm 1161, nhà Tống đổi Giao-Chỉ quận thành An-Nam-quốc và phong cho vua Lý Anh Tông làm An-Nam quốc-vương. (Việt Sử Toàn Thư-Phạm Văn Sơn).


Nhà Lý đã mở mang bờ cỏi về phía Nam và không để mất một tấc đất về phía Bắc.

Năm 1068, vua Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt đại thắng quân Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ nhưng không giết. Đổi lại, Chế Cũ xin dâng 3 châu Bố Chính, Mai Linh và Địa Lý. Nên nhớ lãnh thổ phía nam của Đại Việt trước đó chỉ đến Nghệ An.

Triều Lý Nhân Tông biết được ý đồ nhà Tống, ngoài mặt thì giữ tình hòa hảo nhưng bên trong vẫn đợi dịp xâm lăng Đại Việt mà từ lâu Tống xem như miếng mồi béo. Ngoài ra, lúc này Tống lại đang kẹt vào chuyện binh đao với Liêu, Hạ chưa xong, nên việc đánh Đại Việt phải ngừng lại. Năm 1076, triều Lý xét đánh trước có lợi hơn, nên sai Lý Thường Kiệt chỉ huy thủy quân, còn Tôn Đản phụ trách lục quân chia 3 đường tiến đánh Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu. Tổng kết 3 trận đánh Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu, quân dân Trung quốc bị hại vào khoảng 7 vạn người và có trên 200 người bị bắt đem về Đại Việt cùng nhiều của cải bi tịch thu. Đây là trận đánh oai hùng nhất đối với triều Lý và cũng là một trận vẻ vang nhất trong lịch sử của chúng ta vì người Trung Hoa thời đó và ngay đến bây giờ vẫn nghĩ rằng nước Đại Việt hay Việt Nam đem quân đánh phá miền Hoa Nam nước Tàu cũng như châu chấu đá xe. Bởi thế mới có câu phong dao:

Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng.

Việt Sử Toàn Thư-Phạm Văn Sơn)

Nói tóm lại, với những vị vua có từ tâm và những người xuất gia biết lo giáo dục sự thực hành đạo từ bi trong dân chúng , đời sống xã hội thời Lý trở thành thuần từ và đẹp đẻ. Đạo đức và từ bi đã không làm cho dân nghèo nước yếu; trái lại, những yếu tố này đã tạo nên phú cường. Những chiến thắng Chiêm Thành và Tống quốc , sự vắng mặt của bạo động trong nhân gian và trong cung khuyết, sự gần gũi của vua với dân: những điều đó nói lên được đặc tính của xã hội đời Lý. Thiền sư Pháp Thuận đã nói trước điều đó :

Vận nước như giây quấn
Trời Nam ôm thái bình
Đạo đức ngự cung điện
Muôn xứ hết đao binh.

Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-Nguyễn Lang).

Chúng ta ôn lại những gì người xưa đã làm như các vua đời Lý biết lấy “dân vi quý” làm cơ bản để đưa quốc gia sống trong cảnh thanh bình thịnh trị, biết cách dựng nước và giữ nước không để mất một tấc đất mà tổ tiên đã để lại, với hy vọng rằng các vị lãnh đạo Việt Nam ngày nay hãy đọc lại lịch sử thời Lý để chiêm nghiệm, học hỏi và áp dụng một cách sáng suốt hầu có thể giúp dân sống an lạc, xã hội bớt đi những tệ đoan và đưa nước ta theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.

Chánh Minh
Quận Cam, USA 30-8-2009

Thức giấc cùng Trung Quốc

Ted C. Fishman
Nguyễn Ước chuyển dịch


Napoléon có lời nhận xét nổi tiếng rằng khi Trung Quốc thức giấc, thế giới sẽ run sợ. Dĩ nhiên Trung Quốc không bao giờ thật sự thiếp ngủ. Trên thế giới, có những nước có thể bị tả một cách tương đối là như đang ngủ. Trung Quốc hầu như không là một trong những nước ấy.

Suốt thế kỷ vừa qua, Trung Quốc lâm vào tình trạng hỗn loạn không kém bất cứ xứ sở nào. Nó bị tả tơi vì những cuộc nội chiến và các cuộc xâm chiếm thuộc địa. Tiếp theo cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, cuộc Cách mạng Cộng sản của Trung Quốc đã buông cương cho các chính sách có tính ý thức hệ với sức mạnh lớn lao nhằm lập đi lập lại trật tự cuộc sống riêng tư lẫn công cộng và thường dẫn tới kết quả tai họa. Từ đầu tới cuối chương trình kinh tế được gọi là Bước đại nhảy vọt trong hai năm 1959 và 1960, một giai đoạn trong đó Trung Quốc như thể người đang ngủ đối với thế giới bên ngoài, năm chục triệu người răm rắp tuân theo các chính sách của chính quyền, rời bỏ hẳn nông trang để di chuyển vào một tương lai kỹ nghệ. Sự phá vỡ ấy góp phần gây nên một nạn đói lớn lao nhất do con người tạo ra, với tổng số người chết đói trên 30 triệu.

Cách mạng kỹ nghệ của Trung Quốc

Ngày nay, chắc chẳng ai có ý kiến sai lầm rằng Trung Quốc là nước đang ngủ. Trung Quốc hiện trông có vẻ rất khác, khác tận gốc, so với nó trước đây, khi bị cai trị bởi những kẻ duy ý thức hệ cộng sản nghiêm ngặt nhưng quá khứ đó cũng mang lại kết quả phần nào cho sinh lực hiện tại của xứ sở. Suốt hai thập niên vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc là một trong những phép lạ trên thế giới. Các con số thì có chút mơ hồ nhưng theo báo cáo của các cơ quan quốc tế thì mức tăng trưởng của Trung Quốc bình quân là 9% trong suốt thời kỳ 20 năm. Một mức tăng trưởng đủ nhanh để có thể đưa lợi tức trung bình tại Trung Quốc lên gấp 4 lần và tạo ra giai cấp trung lưu có thể chiếm tới một phần tư tổng số dân một tỉ người.

Ngày nay, dân chúng Trung Quốc chuyển dịch hơn bao giờ hết với 300 triệu nông dân và cư dân sống tại các làng quê đang kỳ vọng thế hệ sắp tới của họ sẽ chuyển lên sống ở các thành phố lớn. Lần này kết quả của di chuyển sẽ không phải là nạn đói. Các nông trang của Trung Quốc vẫn sản xuất tốt và cư dân mới của các thành phố gởi tiền về cho thân nhân nơi quê cũ. Từ lúc bắt đầu các cải cách có tính thị trường và người dân được phép lao động bên ngoài các kỹ nghệ bị nhà nước kiểm soát, người Trung Quốc mở ra 125 triệu cơ sở làm ăn. Tổng số hiện hành là 85 triệu. So với nước Mỹ, nơi người dân sống trong nền kinh tế thị trường từ hơn ba thế kỷ nay với 26 triệu cơ sở làm ăn hoặc tính theo đầu người thì có tỉ lệ xấp xỉ với Trung Quốc.

Trung Quốc mở cửa

Sự tiến bộ đầy kinh ngạc của Trung Quốc không chỉ do vấn đề mở cửa mà còn do vấn đề chuyển mọi cơ chế hướng tới kinh tế thị trường, và trên hết, nối kết với hệ thống thương mại thế giới.

Sự thịnh vượng mới của Trung Quốc chịu một ơn nghĩa nào đó đối với sự thất bại của các chính sách xã hội thuở trước. Các nhà sản xuất trên thế giới càng ngày càng chọn Trung Quốc làm nơi cư trú của họ và những khách mua hàng trên thế giới cần nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trị giá hàng trăm tỉ Mỹ kim mỗi năm, đều nhận thấy mình có lợi thế trong tình trạng nghèo khổ tràn lan khiến người lao động lương rẻ phải vào làm trong các xí nghiệp mới lập để sản xuất những hàng hóa có tổn phí thấp nhất thế giới. Mỉa mai thay, thành công của Trung Quốc trong suốt 20 năm qua lại mắc món nợ cay đắng đối với sự cai trị hà khắc của những kẻ theo Mao-ít, những kẻ đã tạo ra các tiền đề cho một lực lượng sản xuất có kỷ luật, phí tổn thấp, để ngày nay phục vụ các nhà tư bản của Trung Quốc và của thế giới.

Vì cách mà Trung Quốc hiện đang sắp đặt các sinh lực của nó, nó là một xứ sở tiêu biểu cho phần còn lại của thế giới với những cơ hội lớn lao nhất cùng những hiểm họa cũng lớn lao không kém. Tính từ sự trỗi dậy của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ trong cuộc Cách mạng Kỹ nghệ vào thế kỷ 19, không một xứ sở nào thách thức phần thế giới còn lại một cách lẹ làng và đầy sức mạnh trên nhiều mặt trận như Trung Quốc

Thách thức của Trung Quốc

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì phức tạp. Hoa Kỳ cần cân nhắc từ mọi góc độ bất cứ hành động nào có tác động lên những quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc, như thế giới dần dần nhận ra, có thể cướp mất bất cứ công việc hãng xưởng nào của gần như bất cứ xứ sở nào trong bất cứ ngành kỹ nghệ nào. Năm 2005, Trung Quốc cho thấy nền tài chánh đang gia tăng của nó khiến nó có thể hành xử trên khắp thế giới. Ngày nào cũng như ngày nấy, Trung Quốc có tới 2 tỉ công khố phiếu của Hoa Kỳ. Tháng Năm vừa qua, Lenovo, công ty khổng lồ chế tạo máy điện toán do nhà nước Trung Quốc làm chủ, đã thỏa thuận xong việc thương lượng để sở hữu phân xưởng sản xuất máy điện toán cá nhân của IBM, và như thế, biến Lonovo thành công ty chế tạo máy điện toán cá nhân lớn thứ ba trên thế giới. Sang tới tháng Sáu, một trong những công ty dầu hỏa lớn của Trung Quốc gần như do chính quyền làm chủ, CNOCC [Công ty khai thác dầu hỏa viễn duyên Trung Quốc] đánh một quả ngoạn mục dù cuối cùng không đạt kết quả: nó đưa ra giá 18,5 tỉ Mỹ kim để mua UNOCAL, một công ti dầu lửa khổng lồ của Mỹ.

Liệu những đề xuất đó có thể không làm cả thế giới rúng động? Trung Quốc đã thành khách mua hàng hóa kỹ nghệ và tài nguyên thiên nhiên, với tính háo thắng và được chào đón hầu như khắp thế giới. Quả thật, hãy để sang một bên Hoa Kỳ trong bức tranh thương mại của Trung Quốc thì thấy Trung Quốc đang bị thâm hụt mậu dịch lớn lao với các nước khác trên thế giới khi nó mua những gì cần thiết để xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ nghệ và đô thị. Nhưng việc hiến giá để mua UNOCL gây rúng động toàn bộ chính quyền Hoa Kỳ, và Quốc hội Mỹ phải vội vã chận đứng bằng quyền lập pháp để cuối cùng chấm dứt cuộc thương lượng.

Thành tố Nhân dân tệ

Vào tháng Bảy năm 2005, Trung Quốc chiếm lĩnh hàng đầu các bản tin trên báo chí thế giới khi chính phủ của nó điều chỉnh cách mà nó định giá đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc vẫn thường bị công kích về việc giữ cố định hối suất tiền tệ của mình quá thấp so với đồng Mỹ kim. Ðề xuất mới này là một cử chỉ có phần nào hướng tới điều mà các viên chức tài chánh thế giới cổ vũ từ lâu.

Ðiều chỉnh tiền tệ của Trung Quốc lên chưa tới 3% chỉ là một thay đổi nhỏ nhưng nó là tin lớn tại Hoa Kỳ và châu Âu, nơi chế độ tiền tệ của Trung Quốc gây lạm phát cho trị giá của đồng Mỹ kim và đồng Euro khiến các nhà sản xuất tại Âu Mỹ khó cạnh tranh với các công ty Trung Quốc. Biện pháp tiền tệ ấy chứng tỏ rằng Trung Quốc, từng có thời bị xem là một nước có chính sách ngoại giao vụng về và các chính sách kinh tế vừa ra lệnh vừa kiểm soát, ngày nay có đủ khả năng tinh tế cả ngoại giao lẫn tài chánh. Với chỉ một cú lao xuống đột ngột, Trung Quốc trông như thể có thiện ý để cho các nhà phê bình quốc tế thường chỉ trích nó — thí dụ Ngân khố Hoa Kỳ — thấy rằng nó có thể nhân nhượng tới một mức nào đó trước nhu cầu của các đối tác thương mại, trong khi nó đồng thời cũng đang thận trọng phục vụ cho các nhu cầu của chính nó.

Bằng việc nâng trị giá Nhân dân tệ, Trung Quốc tự ban cho nó có thêm sức mua trên các thị trường tài nguyên thế giới. Trong lãnh vực năng lượng, trị giá thấp của tiền tệ Trung Quốc đặt nó ở thế bất lợi trong thị trường năng lượng thế giới. Sự kiện này hầu như không phục vụ các mục tiêu của một nước đang bị trói tay vì điện lực và xăng dầu cho xe hơi xe tải. Trung Quốc thiếu điện kinh niên. Nhà nước thường bắt các công ty hoặc các thành phố để đèn lờ mờ nhằm giúp các hạ tầng cơ sở điện lực bắt kịp nhu cầu. Số lượng ô-tô của Trung Quốc đang tăng cực nhanh. Tới năm 2025, ước lượng Trung Quốc sẽ dùng khoảng 14 triệu thùng dầu mỗi ngày — gấp đôi con số tiêu thụ hiện nay. Việc nâng tiền tệ Trung Quốc lên cao hơn tỉ giá thấp một cách giả tạo, giúp cho người tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc mua thêm điện và góp phần giữ cho lạm phát xuống thấp.

Việc đánh giá lại tiền tệ ấy cũng là tin lớn cho các nước châu Phi, châu Mỹ La-tinh, và châu Á, những nơi đang cung cấp cho Trung Quốc nguyên liệu thô và được hưởng lợi khi khách hàng Trung Quốc có thêm sức mua. Thế nhưng họ phải trả giá cho sự thịnh vượng của mình. Khi Trung Quốc thiết lập được các cơ sở sản xuất của nó thì nó cũng lấy mất công việc sản xuất có phí tổn rẻ hơn của các nước đang phát triển và các nước phi kỹ nghệ hóa trong khi các nước ấy đã và đang phấn đấu suốt nhiều thập niên qua để đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Thí dụ, Indonesia nhận thấy rằng công nghệ làm giày của nó từng có thời phát đạt nay hoàn toàn mất vào tay Trung Quốc.

Vô địch trong các chế độ bất trị

Ảnh hưởng ngày càng tăng trên thế giới cả hai mặt chính trị lẫn kinh tế làm phát sinh những vấn nạn khó khăn cho các nước khác. Ngay cả Hoa Kỳ cũng là nước không chắc tìm được một chiến lược quốc gia về phương sách đối phó với ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc vốn thường làm cho Hoa Kỳ bực mình vì bị tổn thương ảnh hưởng.

Trung Quốc đang quyết chí lập quan hệ bền vững với với các chế độ mà Hoa Kỳ cùng các cường quốc khác lâu nay muốn cô lập. Các chế độ tàn bạo ở Myanmar (Miến Ðiện trước đây), Sudan, Zimbabwe đều hưởng lợi nhờ sự ủng hộ của Bắc Kinh và các lợi ích kinh doanh của Trung Quốc. Nhưng về lâu về dài, những quan hệ ấy có thể chứng tỏ cho thế giới thấy là chúng tiêu cực. Là nhà vô địch trong số các chế độ bất trị, Trung Quốc có thể đóng vai trò mà các nước khác không thể đóng. Thí dụ, nó là nước chủ nhà cho các cuộc đàm phán sáu quốc gia hồi tháng Chín đưa tới kết quả Bắc Hàn hứa từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Nhân quyền

Tuy thế, suốt thời gian vừa qua, ý nguyện của Trung Quốc trong việc làm dịu bớt các chế độ ít thơm tho của thế giới có thể dùng để đánh giá thấp thành tích của ÐCSTQ trong việc đi theo con đường riêng của nó về nhân quyền. Từ lâu, Trung Quốc không muốn chấp nhận toàn bộ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền - một lãnh vực mà các siêu cường khác có thể tuyên bố là họ đang giữ vị trí cao hơn. Dân chủ, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và sự cai trị của luật pháp, may mắn lắm mới còn là những mục tiêu xa xăm tại Trung Quốc. Thay vào đó, chính quyền hùng hổ tấn công nhằm dập tắt các cuộc phản kháng, trong khi tìm cách nhấn mạnh các tiến bộ kinh tế và sự ổn định xã hội của nhân dân như một tổng thể.

Trong năm 2005, theo tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), Trung Quốc có hành động mạnh mẽ chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo, cấm hành đạo, xuất bản sách báo và tập quán y phục của thiểu số theo đạo Hồi Uighur ở miền tây tỉnh Tân Cương. Phật tử Tây Tạng tiếp tục chịu những qui định nghiêm ngặt, cắt giảm những ngày lễ tôn giáo của công chúng và cấm nhiều nghi thức truyền thống. Hồi tháng Bảy, Bắc Kinh tuyên bố sẽ chỉ định vị Ðạt Lai Lạt Ma sắp tới. Tổ chức Quan sát Nhân quyền cũng tường trình rằng một số nhóm Tin lành và Pháp Luân công, một tổ chức tâm linh có nhiều tín đồ bị bắt giam mà không được xét xử công bằng, bị tống vào các trại lao cải hoặc bị giao cho các viện tâm thần. Vào đầu năm 2005, Bộ Ngoại giao Mỹ cho công bố bản báo cáo năm 2004 của Bộ về nhân quyền tại Trung Quốc. Bản báo cáo ấy ghi nhận rằng “chính quyền duy trì những nghiêm cấm chặt chẽ về tự do ngôn luận và tự do báo chí, và đợt bắt giam vào cuối năm đó là dấu hiệu cho thấy một chiến dịch mới nhắm vào các nhà văn nổi tiếng và các nhà bình luận chính trị.”

Những bất định

Với sức mạnh liên tục của mình, Trung Quốc dàn trải sự bất định trên cả hai lãnh vực chính trị lẫn kinh tế. Ðang có những nghi ngờ rộng rãi rằng không biết sự tăng trưởng của Trung Quốc có kéo dài không và không biết môi trường kinh doanh của nó có đáng tin cậy không?

Một số quan tâm tập trung quanh tâm trạng của người dân Trung Quốc, những kẻ dĩ nhiên phải chung chia sự bất định đó hơn ai hết, và sẽ là những kẻ đầu tiên chịu đau khổ nếu trật tự xã hội và kinh tế bị sụp đổ. Mặc dù di chuyển và gởi tiền về cho gia đình, hàng trăm triệu người dân Trung Quốc nói chung bị gạt ra ngoài phép lạ kinh tế, và tệ hơn nữa, cảm thấy mình bị nó trừng phạt. Theo các thống kê của Liên hiệp quốc, số người nghèo nhất chiếm 20% trong tổng số 1,3 tỉ dân và chỉ chiếm 4,7% tổng số lợi tức, trong khi những người những người giàu nhất cũng chiếm 20% tổng dân số lại chiếm số lợi tức trên một nửa (> 50%).

Tại Trung Quốc, những cuộc phản kháng vẫn tiếp tục gia tăng, thường xuyên hơn và nhiều người tham gia hơn. Vào tháng Bảy năm 2005, Chu Dũng Cương, Bộ trưởng Công an của Trung Quốc, được tường trình qua hãng Reuters rằng, có 74.000 “sự cố tập thể” (biểu tình và nổi loạn) xảy ra trong năm 2004, tăng so với 58.000 vụ năm 2003 và 10.000 vụ năm 1995. Những sự cố ấy chủ yếu bị giới hạn tại địa phương; ÐCSTQ vẫn thừa sức mạnh cưỡng bách và động viên cải thiện, giữ không cho những người bất đồng chính kiến vượt quá ranh giới địa phương để liên kết nhau và lớn mạnh thành phong trào.

Ðảng lập được thành tích về sự tăng trưởng kinh tế lạ thường, thế nhưng sau những biện pháp hứa hẹn và trình diễn mà chỉ có ý nghĩa kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khỏi vùng đất mơ mộng của nó, kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2005 lại tăng trưởng tới hơn 9,4% so với nửa đầu của năm 2004. Những đảo lộn xã hội và kinh tế thường là kết quả của những nhân tố mà thế giới ít biết tới, và thật là điên rồ khi tiên đoán có phần nào chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không chịu một sự đảo lộn nghiêm trọng vào một thời điểm sớm sủa nào đó. Kinh tế của xứ sở này có trên một tỉ “biến số” với ý nguyện tự do ngày càng tăng, và gần như hết thảy mọi người đều thấy cuộc đời mình bị phá vỡ một cách có ý nghĩa vì sự thay đổi.

Quan hệ với các nước khác

Ngoại trừ những gì không biết ở bên trong Trung Quốc, một số bất định về tương lai Trung Quốc có xuất xứ từ sự bất định về cách mà các nước khác có thể hành động đối với Trung Quốc, đặc biệt Hoa Kỳ. Thí dụ, trên mặt trận kinh tế, năm 2005 Quốc hội Hoa Kỳ đã tranh luận kịch liệt về thuế xuất nhập khẩu và những nghiêm cấm trên hàng hóa của Trung Quốc, ngăn không cho các công ty Trung Quốc thâm nhập vào các công ti sáp nhập của Hoa Kỳ và chơi trò mua lại công ty, đồng thời thảo luận về sự đáp trả mối đe dọa quân sự xuất phát từ Trung Quốc trong tương lai.

Cũng thế, Nhật Bản hiện đối mặt với sự bất định ngày càng tăng trong quan hệ của nó với Trung Quốc. Năm 2005, người Trung Quốc bùng phát bạo động nhắm vào những lợi ích của Nhật Bản tại Trung Quốc và duy trì những trao đổi ngoại giao căng thẳng do việc Nhật Bản không chịu xin lỗi về những tàn ác mà họ gây ra tại Trung Quốc trong thế kỷ vừa qua. Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều tiếp cận vấn đề với sự thôi thúc mãnh liệt của tinh thần dân tộc chủ nghĩa, và sự thù nghịch của đôi bên dường như ngày càng tăng, không tránh khỏi.

Một đốm có thể coi như sáng là sự cải thiện quan hệ của Trung Quốc với Ðài Loan, dù quan hệ này chẳng phải không có vấn đề lớn. Năm 2005, cả hai xứ sở tiếp tục cùng nhau khiêu vũ một cách tinh tế mà cho đến nay, giữ cho hòn đảo ấy được độc lập trên một qui mô lớn. Về mặt tiêu cực, Trung Quốc vào tháng Ba vừa qua, đã thông qua đạo luật cho phép dùng vũ lực chống lại Ðài Loan nếu vùng đất đó chính thức tuyên bố độc lập đối với lục địa. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy cả Trung Quốc lẫn Ðài Loan đều có thể đang muốn cân nhắc những chuẩn bị mang tính cấu trúc để đem cả hai tới gần nhau hơn. Bằng một đề xuất cảm động nhưng nặng tính tượng trưng, Trung Quốc tuyên bố vào tháng Năm rằng cho phép du khách lục địa được viếng thăm Ðài Loan.

Thức giấc nhìn thách đố

Trong hầu hết các cách mà Trung Quốc thách thức Hoa Kỳ và thế giới, các chiến lược làm thế nào để bám trụ cạnh tranh với Trung Quốc và làm thế nào để phồn vinh khi những phát triển của nước mình sẽ thành công hơn nữa nếu không tùy thuộc vào việc Trung Quốc đang cố ý gây ảnh hưởng lên các lợi ích của thế giới. Ðúng hơn, những nước cạnh tranh với Trung Quốc phải tìm ra giải pháp cho riêng mình. Thế giới, và có lẽ đặc biệt Hoa Kỳ, làm hết sức để tránh lăng mạ xứ sở đó. Ðằng sau những gì có tính kinh tế mà thế giới đang sợ hãi Trung Quốc thì có điều gì đó ngưỡng mộ. Sự điều hành nền kinh tế mạnh mẽ của xứ sở ấy đã đem hàng trăm triệu người dân ra khỏi vực sâu đói nghèo hun hút. Nó đã bắt đầu tạo ra một giai cấp trung lưu rộng lớn nhất. Và nó lúc này là nơi tọa lạc của một số cơ sở sản xuất tốt nhất, so với bất cứ nơi nào.

Một số người phản đối cái nhìn ấy và vạch ra rằng Trung Quốc vẫn là một nước cộng sản bị điều hành bởi giới tinh hoa chỉ chăm lo cho quyền lực của mình hơn là chăm lo cho người dân Trung Quốc. Ðiều ấy chẳng cần phải chối cãi. Tuy nhiên, chú mục vào tính tiêu cực thì rất ít để ý tới sự tiến bộ gây kinh ngạc của Trung Quốc và không đưa ra được chiến lược tốt nhất để ứng xử với nó. Bằng việc xem Trung Quốc như quỉ dữ thì phần còn lại của thế giới sẽ ít hưởng lợi. Chúng ta hẳn sẽ tiến hành tốt hơn trong việc nghiên cứu, và có thể miễn cưỡng ngưỡng mộ những sức mạnh đang càng ngày càng tăng của xứ sở ấy - và dĩ nhiên, nhân dân năng động của nó. Nói cách khác, bằng nhiều cách không chỉ Trung Quốc cần nhận ra, mà phần còn lại của chúng ta cũng cần nhận ra.

Có thể đọc thêm:

* Peter Hays Gries, China’s New Nationalism: Pride, Politics, and Diplomacy (Tân dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc: lòng tự hào, sinh hoạt chính trị và ngoại giao), University of California Press, 2004.
* Kellee S. Tsai, Back-Alley Banking: Private Entrepreneurs in China (Giao dịch ngân hàng cửa hậu: các doanh gia tư nhân ở Trung Quốc), Cornell University Press, 2002.
* Rachel DeWoskin, Foreign Babes in Bejing: Behind the Scenes of the New China (Những người ngoại quốc thơ dại ở Bắc Kinh: hậu trường của Trung Quốc mới), W.W. Norton and Co., 2005.

Ted C. Fishman xuất thân là một doanh nhân. Ông là tác giả nhiều cuốn sách viết về Trung Quốc, trong đó có sách bán rất chạy, nhan đề China, Inc.: How the Rise of the Next Superpower Challenges America and the World (Liên hiệp công ty Trung Quốc: Sự trỗi dậy của một siêu cường sắp tới thách thức Mỹ và thế giới như thế nào) 2005. Các bài viết của ông xuất hiện trên The New York Times Magazine, The Times of London, USA Today, và nhiều sách báo khác.

Nhịn đói trên xứ Mỹ


Cam Ly Ng. T. Mỹ Thanh



Hai người bạn gặp nhau lần đầu tại phi trường Hongkong. Xuân đi từ Sài Gòn. Thu đến từ Hà Nội. Việc hẹn nhau và cách thức nhận diện nhau cũng thật dễ dàng vì họ đã làm quen và dặn dò nhau nhiều lần qua điện thoại.
Xuân lớn hơn Thu một vài tuổi. Hai người cùng ngạc nhiên khi thấy người kia có nét hao hao giống mình. Những e ngại hầu như đã biến đâu gần hết. Từ đó cho đến khi vượt đoạn đường bay mười mấy giờ đồng hồ đến San Francisco, họ đã trở nên đôi bạn. Thêm một đêm bay nữa, họ đến Atlanta, Georgia.
Hai người không có thời gian nghỉ. Sáng hôm mới đến, lo xong chỗ ở là họ phải đến CDC (Centers for Disease Control and Prevention) trình diện ngay. Rồi thì bắt tay vào việc: học hành và làm việc trong phòng thí nghiệm. Tuy vậy, không phải mới đến trung tâm là đã thành "cư dân" của trung tâm ngay đâu! Mỗi người được phát một thẻ "visitor" (khách) để tạm thời được ra vào trung tâm. Họ được hẹn ngày hôm sau đi làm "fingerprint" (lấy dấu tay) ở một địa điểm khác, rồi sau đó sẽ được chụp ảnh để làm một cái badge (phù hiệu) để đeo trên áo, từ đó mới được coi như "nhân viên tạm" trong thời gian đi tu nghiệp, và thế có nghĩa là được quyền mang một thẻ "khóa magnetic" (khóa từ tính) để ra vào các cửa, đến phòng thí nghiệm; và rồi cũng như những nhân viên thực thụ của trung tâm, họ được ăn uống ở cafeteria, được tham dự các buổi báo cáo khoa học...
Đối với Xuân, tuy chưa sống ở Hoa Kỳ nhưng Xuân đã tìm hiểu nhiều về xứ sở này qua người chị ruột đã sống ở California từ hơn hai mươi năm nay. Còn với Thu, tất cả đều mới lạ và đáng ngạc nhiên. Tiếng Anh của Thu không mấy lưu loát. Thu bảo Thu phải nhờ Xuân giúp nhiều. Không sao đâu! Xuân đã quen làm việc với các chuyên gia ngoại quốc. Xuân đã từng làm thông dịch viên cho các chương trình y tế. Xuân sẵn sàng giúp cô bạn mới từ nay sẽ sống với mình. Và như thế, mặc nhiên, họ đã coi nhau như hai người bạn, hai chị em.
Ngày đi làm fingerprint, hai chị em được đưa đến một tòa nhà nằm trên một ngọn đồi. Nhiều người đã có mặt ở đó. Chờ đợi rồi cũng đến lượt mình. Xuân và Thu đã làm xong. Nhưng người tài xế lo việc đưa đón hai người bị một tai nạn nhỏ, không đến đón được. Thế nên Xuân và Thu phải đi lang thang trong sân, hết nhìn người đến kẻ đi rồi lại ngắm hoa cỏ. Ồ phải chi mình rành đường một chút thì chắc sẽ đi đón xe bus mà về. Hai chị em lại an ủi nhau "Không sao đâu!", rồi lại đi dạo chơi.
Tòa nhà nằm trong một khuôn viên thơ mộng. Một nơi có thật nhiều hoa. Từ lúc đặt chân đến Hoa Kỳ tới nay, qua ngày thứ nhì, hai bạn mới có dịp ngắm một quang cảnh mới mẻ. Không khí trong lành và những bông hoa thắm tươi gợi Xuân nhớ nhiều đến Đà Lạt. Trên đỉnh đồi này nhìn xuống, thấy những con đường xinh xắn uốn lượn. Atlanta thật đẹp!!! Nhưng đó chỉ mới là vùng đồi núi vắng vẻ mà thôi, hai bạn vẫn chưa biết phố xá là như thế nào, chỉ nhớ lúc ở phi trường về có đi ngang qua khu downtown với những ngôi nhà cao trang trọng còn im ngủ trong sương sớm...
Đến một lúc cảm thấy đói, không còn muốn đi dạo nữa, hai bạn bắt đầu nghĩ tới việc tìm nơi mua thức ăn. Nhưng thật lạ, nhìn quanh không có một tiệm ăn nào, cũng không có một cái máy bán bánh kẹo tự động nào. Hai bạn bảo nhau:
- Giá mà có được một tiếng rao hàng nhỉ!
- Đúng rồi! Phải chi có một gánh hàng rong...
Nói như thế rồi cùng nhìn nhau cười thú vị.
Và rồi đến một lúc không thể cười được nữa, hai bạn cùng ngồi xuống ghế. Xuân nhìn Thu, thấy nét mặt bạn không còn vẻ hồng hào như sáng nay. Và chợt Xuân nghe tay chân mình bủn rủn. Ôi, đói quá! Mỗi đứa một tô sữa với cereal buổi sáng sớm, giờ đây nghe bụng trống rỗng. Mình lại vô ý không mang theo chút bánh kẹo gì để dằn bụng, cứ tưởng đi một chút rồi về ăn trưa. Ở đây là cơ sở thuộc cảnh sát, mình đâu có thể vào bên trong tòa nhà. Xung quanh cũng không có một ngôi nhà nào khác nữa. Không chợ búa, không tiệm tùng. Hai bạn thất vọng, cùng cầu mong có ai thay cho người tài xế để đến đón họ về. Nhưng hoàn toàn im lặng. Không có chiếc xe nào mang dấu hiệu của CDC xuất hiện như họ mong.
Xuân đề nghị:
- Thôi mình nói chuyện vậy. Đi không nổi vì sẽ hao năng lượng. Nhưng ngồi mong ngóng thì mệt mỏi lắm!
Thu cười nhẹ:
- Phải chị ạ! Nói chuyện cho quên đói.
- Hồi còn bé, mỗi khi đói mà chưa được ăn... thì chị hát.
- Ô, vậy à? Em thì ít khi chịu nhịn đói. Nhưng em nghe bố em kể về nạn đói năm 1945.
- Chị cũng nghe ba má mình kể lại. Đó là trận đói khủng khiếp nhất của nước mình. Lúc ấy chị và em đều chưa sinh ra.
Thu đưa tay vuốt nhẹ một bông hoa, giọng lâng lâng:
- Nghĩ cũng lạ chị nhỉ! Hai chị em mình có duyên với nhau thật, học khác ngành mà rồi được đi tu nghiệp cùng một nơi. Ở hai miền xa lắc mà bỗng thấy gần như hai chị em một nhà.
- Vâng, thì bây giờ mình đã ở cùng một phòng, ăn cùng một mâm nữa. Thu hãy nói cho chị biết vì sao em được chọn qua đây học.
- Em ấy à? Em được cho đi tu nghiệp ở đây là vì bố em làm chức lớn trong ngành, việc đề nghị cho em đi rất dễ dàng. Còn chị?
- Chị ư? ...Chị không có thân thế gì cả. Chị được cho đi là vì... chị qua được những vòng tuyển chọn, có chấm điểm, có bằng chứng hẳn hòi.
- Vậy là chị may đấy! Có nhiều người làm giấy tờ xong vẫn hụt đi.
- ...Thì chị đã từng....
Xuân ngưng lại, không muốn nói tiếp. Vì Xuân nhận thấy nét mặt của Thu thật dễ mến. Thu chắc cũng đã biết nhiều những mẩu chuyện như vậy, mình kể thêm một chuyện nữa mà làm gì! Kinh nghiệm về những lần bị dìm hồ sơ, bị cướp học bổng đi tu nghiệp, đi học, vẫn còn rõ ràng với Xuân lắm. Đơn giản chỉ vì Xuân là người sống trong miền nam, không có thân thế. Xuân tự hỏi không biết rồi với cái bề ngoài dễ mến của Thu và tính nhẫn nhịn của Xuân, hai người bạn này có thể sống hòa đồng được với nhau trong một thời gian khá dài hay không? Hai hoàn cảnh thật khác biệt, cả về nguồn gốc gia đình lẫn bối cảnh xã hội.
Xuân chợt thở dài. Xuân cũng không ngờ mình đang ngồi ở đây, và rồi sẽ được học hành, làm việc ở trên xứ Mỹ trong một thời gian ngắn. Xứ Mỹ, quê hương thứ hai của gia đình người chị ruột, những người đã đến bến bờ này bằng mồ hôi và nước mắt, trên con thuyền tả tơi dập vùi trong sóng gió. Hơn hai mươi năm sau, em của chị đi sang xứ Mỹ bằng máy bay, tất cả đã thật khác. Chỉ có một điều không khác: đó là hoàn cảnh của đất nước vẫn không thay đổi bao nhiêu.
Không biết lặng yên bao lâu, rồi cả Xuân và Thu cùng ôm bụng. Cái đói lại đến! Xuân chợt nhớ thật rõ một bài văn được học hồi trung học, bài "Đói" của Thạch Lam. Thuở nhỏ Xuân không mường tượng ra cái đói là ghê gớm thế nào mà ông Thạch Lam mô tả hay đến thế. Một bài văn ngắn đã đi vào chương trình giáo khoa. Có đoạn Xuân đọc gần như thuộc nằm lòng: "Sinh rùng mình khi nghĩ đến trước cái mãnh liệt của sự đói, chàng cảm thấy sự cần dùng của thân thể trấn áp đuợc hết cả những lệ luật của tinh thần... Mùi xào nấu đồ ăn ở dưới sân nhà đưa lên làm cho chàng khó chịu vô cùng. Sinh cúi đầu trên bao lơn nhìn xuống xem họ làm bữa cơm chiều. Các thức ăn tuy tầm thường, nhưng Sinh lấy làm lạ rằng chàng chưa bao giờ thèm muốn những cái đó như chàng thèm muốn bây giờ". Bây giờ thì có thể tưởng tượng được rồi đây! Không biết là do đói hay do ánh nắng chiều sắp tắt chiếu thẳng vào mặt làm cho mắt hai bạn như mờ đi. Ôi! Qua Mỹ, đi tu nghiệp, có xe đưa đón, mà lại nhịn đói như thế này! Chuyện này mà kể ra chắc không ai tin. Không hẹn mà cả hai lại cùng đứng lên. Nhưng Xuân cảm thấy không còn sức. Còn Thu kêu lên nho nhỏ:
- Ôi giời ơi!
Xuân đang ỉu xìu nhưng cũng bật cười khi nghe tiếng than đó. Vừa lúc ấy chiếc xe mang dấu hiệu CDC hiện ra. Xuân vỗ tay. Còn Thu reo lên thất thanh:
- Sống rồi!!!

*
Từ hôm sau đôi bạn luôn nhắc nhau đừng coi thường chuyện ăn uống. Mỗi sáng khi ăn điểm tâm Xuân đều bảo Thu:
- Ăn nhiều nhiều một chút, trưa lỡ có ráng làm việc không có thì giờ nghỉ để ăn, thì cũng không bị đói.
Còn Thu thì cẩn thận hơn, mỗi ngày đều tự tay gói ghém một ít bánh cookies, chips hay chocolate đem theo cho cả hai chị em. Nhìn những thức ăn đó, hai bạn nhớ đến buổi chiều khi đi làm fingerprint về đến nhà, người lả đi, hai bạn kịp thấy hai túi quà của người thư ký nhà trọ đưa cho hôm qua, chưa kịp mở. A, thì ra là "túi thức ăn cứu đói"! Nhà trọ đã dành cho mỗi người khách mới đến một túi như thế, bên trong có một phong bánh đậu phọng, một phong kẹo, một gói mì ăn liền, một gói trà, một gói cà phê và một gói đường. Hai bạn nhìn nhau rưng rưng nước mắt. Người ta thật chu đáo. Thế mà mình đã không biết đến điều này.
Gọi là nhà trọ cho gọn, thật ra nơi Xuân và Thu cư ngụ trong suốt nửa năm ở Atlanta là một tòa nhà gần giống như khách sạn, nhưng trả tiền ở từng tháng, phòng ngủ riêng, còn thì sử dụng nhà bếp và phòng ăn chung nên có được bầu không khí như ở gia đình.
Villa International, tên của nhà trọ là thế. Xuân và Thu hay gọi tắt tên nhà là "Villa". Dần dần Xuân và Thu có dịp tìm hiểu thêm về Villa mới biết đây là nhà trọ lập ra do Hội Thánh Tin Lành để giúp đỡ những người đi học và tu nghiệp, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, có nơi ăn ở rẻ và thân mật...
Villa International là một khu nhà hai tầng nằm ngay dưới chân đường đồi, hơi khuất sau một ngõ quanh. Có một khu đậu xe rộng rãi, rồi đến một khoảng sân xinh xắn với những bàn ghế nho nhỏ để mọi người có thể ngồi nghỉ chân. "Đi về Villa"! Sống nửa năm ở đó, nghe cũng thân ái khi gọi như vậy, giống như "đi về nhà". Sáng dậy sớm, chuẩn bị ăn nhẹ rồi đi bộ qua CDC chỉ mất 5 phút. Trưa ăn tại cafeteria của trung tâm. Chiều về Villa nấu nướng với nhau và ăn tối. Đêm thì xem TV chung dưới phòng sinh hoạt, hoặc chơi bi-da, hoặc đọc sách trong thư viện. Và cũng có một nhà nguyện nho nhỏ dành cho những ai muốn vào cầu nguyện.
Những cư dân của Villa đến từ khắp năm châu. Họ dễ hòa nhập với nhau trong bầu không khí thân thiện một "home-away-from-home". Ngày ngày họ tỏa ra hai nơi để học và làm việc: CDC và trường đại học Emory. Cả hai nơi này đều gần Villa nên tất cả cư dân đều không phải sắm xe hơi hay bận tâm về các lộ trình xe bus. Rồi thì băng qua một con đường nhỏ, lên dốc một ngọn đồi khác là họ có thể đến một siêu thị để mua sắm thức ăn về dự trữ và nấu ăn hàng ngày. Cuối tuần lại có những tình nguyện viên làm việc trong Hội Thánh đến để lái xe đưa họ đi phố mua sắm hoặc du ngoạn các danh lam thắng cảnh. Muốn đi đâu khác nữa thì mọi người đã có xe lửa, xe bus. Và những chuyến xe bus của vùng này, đến và đi rất đúng giờ, mà cũng rất đặc biệt: rất vắng khách, ngoại trừ lúc giờ tan sở thì có hơi đông một chút, còn thường thì chỉ có một hay hai người khách là cùng, nếu không muốn nói là nhiều lúc chỉ có người tài xế trên xe.
Những tháng ngày học hành và làm việc cũng khá bận rộn. Tuy vậy, Xuân và Thu cũng dành thời gian những dịp lễ để đi thăm bà con. Xuân có khá nhiều thân nhân ở rải rác khắp Hoa Kỳ, còn Thu chỉ có một người dì trước kia đi học ở Đông Đức rồi sau khi nước Đức thống nhất đã xin qua Mỹ ở lại. Xuân ít khi bàn đến chuỵên thời sự với Thu. Xuân không muốn những điều tế nhị ấy làm ảnh hưởng đến hòa khí tốt đẹp giữa hai bạn. Những người có duyên với nhau mới gặp được nhau. Cùng làm việc trong khoa học, thế là đủ rồi! Xuân tự dặn mình như thế và cảm thấy tâm yên ổn. Hằng đêm, hai chị em cùng ôn bài, bàn luận về công việc làm trong ngày, và rảnh rang thì cùng chia xẻ những câu chuyện về gia đình, chồng con. Xuân có hai cô cậu nhóc đang học trung học, còn Thu mới có một con trai hai tuổi. Nói chuyện về con cái bao giờ cũng là những đề tài vui và chẳng có gì để né tránh cả.

*
Một buổi trưa, khi Xuân và Thu đang đứng trong hành lang, một người đến trước mặt hai bạn, nhìn đăm đăm một chút rồi bỏ đi. Xuân kịp nhận ra chị là một phụ nữ đứng tuổi người Việt Nam. Chị đẩy một chiếc xe trên có một cái thùng to và các dụng cụ quét dọn cùng các chai hóa chất tẩy rửa. Bóng chị khuất sau khúc quanh dẫn đến khu nhà vệ sinh. Xuân và Thu hơi băn khoăn nhìn theo. Thu thắc mắc hỏi:
- Nơi đây có nhân viên người Việt sao chị? Em tưởng chỉ có người đi học như chị và em....
Thu bỏ lửng câu nói. Xuân im lặng. Chính Xuân cũng tự hỏi không biết người công nhân vệ sinh ấy là ai, gia cảnh thế nào. Trong đầu của Xuân vẽ ra nhiều giả thuyết.
Bẵng đi vài tuần lễ, có một em trai nét mặt sáng sủa đến tìm hai bạn trong lab, ngỏ lời thay cha mẹ em mời hai bạn cuối tuần đến nhà em dùng cơm. Em cũng là người Việt, đang thực tập trong CDC chuẩn bị ra trường đại học. Tuy có hơi ngần ngại nhưng Xuân nhận lời, Thu thấy thế cũng đồng ý theo.
Ngày gặp gỡ tại nhà của em trai sinh viên cũng là ngày hai bạn được biết mẹ của em chính là người phụ nữ trong hành lang hôm nọ. Những lạ lùng bỡ ngỡ nhanh chóng qua đi. Xuân và Thu được tiếp đãi với một bữa cơm Việt Nam thật ngon lành và... khá thịnh soạn. Trong ngôi nhà gọn gàng và đầm ấm, cha mẹ của em sinh viên không e ngại khi tâm tình cùng hai bạn.
- Chúng tôi sang Mỹ theo diện H.O. Hai cô thấy đó, chúng tôi rất khó khăn trong hoàn cảnh mới. Nhưng chúng tôi không ngại. Ông xã tôi bao năm tháng ở trong "tù cải tạo", tự học nghề mộc, nay xin làm công nhân trong một xưởng đóng bàn ghế. Tôi không có vốn liếng Anh văn, nên chấp nhận làm "nghề janitor". Làm gì cũng được, miễn được sống lương thiện và có tiền. Chúng tôi vất vả kiếm tiền nuôi các cháu học lên tới đại học và dành dụm mua nhà, mua xe. Đâu có gì phải xấu hổ, phải không các cô?
Xuân không nói gì, chỉ gật đầu cảm động. Nhưng Thu đang thấm nước mắt và nói hơi nghẹn ngào:
- Em cảm phục anh chị lắm. Đồng tiền anh chị làm ra, thật quý báu. Bởi vì... nó thật sạch sẽ.

*
Thu theo Xuân đi đến thăm nhà những người thân của Xuân thường hơn. Hai bạn siêng ra phố, vào ăn tiệm Việt Nam và đem những tờ báo về đọc. Thu càng ngày càng tỏ ra đăm chiêu, trầm mặc.
Nhiều khi hai bạn nhắc lại cái ngày bị nhịn đói và cười ngặt nghẽo. Có hôm đứng lại trước một shelter, Xuân chỉ vào những người đang sắp hàng nhận thức ăn và bảo bạn:
- Thật ra bảo là qua Mỹ nhịn đói cho nó lâm ly ai oán, chứ ở Mỹ không lo đói, phải không Thu? Tụi mình đói có một bữa, đâu thấm gì so với cái đói của những người trong tù, cái đói của những em bé thất học lang thang ở đầu đường xó chợ, cái đói triền miên của những người dân, đói không chỉ miếng ăn, mà còn đói nhiều thứ khác, đói tự do, đói sự thật....
Xuân nghẹn lời. Xuân không muốn nói thêm nữa...
Thời gian thấm thoát qua nhanh. Hai bạn trở về Việt Nam. Những quyến luyến với các thành viên của Villa từ nhân viên cho đến người trọ học thật sâu sắc làm Xuân và Thu thấy rất bùi ngùi. Xuân cũng bịn rịn chia tay với gia đình người chị ruột qua cuộc thăm ngắn tại Cali. Rồi từ đó, Xuân và Thu, hai người bạn, hai chị em khác họ, cũng nói lời tạm biệt để sau đó kẻ nam, người bắc.
Xuân đã có một quyết định. Nhìn tận mắt đất nước và con người tự do ở Hoa Kỳ, Xuân đã nhờ chị xúc tiến giấy tờ bảo lãnh đang chờ đợi. Xuân hiểu rằng ra đi đồng nghĩa với việc bỏ tất cả để làm lại từ số không. Cũng như những người bất chấp nguy hiểm đi trên sóng gió ngày trước vậy. Cũng như cha mẹ của em sinh viên kia vậy. Vợ chồng Xuân cũng sẽ như thế. Nhưng các con của Xuân sẽ có cả một chân trời của cơ hội.
Hơn năm năm sau, vào cái ngày gia đình Xuân sắp rời Việt Nam, Xuân gọi điện thoại ra Hà Nội thăm Thu và vắn tắt báo tin. Đầu giây bên kia, giọng của Thu ướt sũng như chìm trong nước mắt:
- Em chúc mừng chị, chúc mừng gia đình chị. Chị biết không, từ ngày đi tu nghiệp về, em đã có một cái nhìn khác đối với cuộc đời mà em vẫn sống. Ở đây, em sống trong một tầng lớp danh vọng, chức quyền, no đủ đến thừa mứa. Nhưng em ao ước mình cũng được ra đi như chị, để cho con em được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn cái xã hội gian dối này. Chị ơi! Nếu được ban cho một điều ước, em xin ước rằng: "Em ước được là một "người làm nghề janitor" như người phụ nữ mình gặp trong CDC, chỉ để cho con em được giống như con của chị ấy, chỉ thế mà thôi!".

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh


28 thg 8, 2009

Buôn gì .....buôn gì ????

NGƯỜI buôn gió về đâu.....

Theo nguồn tin đã được xác định thì sáng ngày 27/08/2009, cơ quan an ninh điều tra đã triệu tập blogger Người Buôn Gió đến làm việc về những vấn đề an ninh quốc gia.

20h cùng ngày, cơ quan điều tra đã dẫn giải Người Buôn Gió về nhà và đọc lệnh khám xét nhà riêng. Điều cần bàn là khi khám xét nơi ở của Người Buôn Gió, chỉ có mặt vợ anh chứng kiến.

Cơ quan an ninh đã niêm phong, tịch thu hai máy tính của Người Buôn Gió và một số giấy tờ theo họ là có liên quan.

Lý do mà cơ quan an ninh đưa ra là Người Buôn Gió có liên quan đến việc in ấn áo, và viết các bài viết về tình hình tại Thái Hà và Tam Toà.

Hiện tại gia đình không được biết Người Buôn Gió đang ở đâu?

Entry cuối cùng của Người Buôn Gió có gián tiếp đề cập đến vấn đề này:
Ru con nước Vệ

Đức Tổng Giám Mục Cao Đình Thuyên và Người Buôn Gió
Có thể lắm chứ!... Kẻ sĩ có người từng cay đắng nói rằng. Ở xã hội này mỗi công dân là một người tù dự khuyết.

Có thể lắm chứ!... Vào một ngày nào đó, ở nước Vệ xa xăm mãi ngoài giáp biển kia, tên Lái Gió sẽ bị công sai triều đình đến đóng gông xiềng, dẫn giải về lao chịu tội. Tội gì thì nước Vệ có nhiều lắm !....

Con trai của Lái Gió lủi thủi bám tay mẹ đi thăm bố. Như cách đây 35 năm Lái Gió bám tay mẹ mình đi thăm bố trong nhà lao. Lúc ấy hình như Lái Gió cũng bằng con trai của hắn bây giờ…. Định mệnh có thể lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác….

Trong nhà lao nước Vệ, Lái Gió không có tiền để mua quà cho con, có thể hắn chỉ còn cách viết thơ về cho con. Như nhiều năm xa xưa hắn đã từng viết thơ cho mẹ già vậy. Lời thơ cho con có thể rằng:

À ơi ! cái cò mày ngủ cho ngoan
Bố còn gánh nợ trần gian chưa về… à ơi!...
Trần gian cay đắng trăm bề
Bởi chưng phận bọt… à ơi!...
Bởi chưng phận bọt…. mà ê chề nhớ con!...
À ơi !...
Con ơi ! sóng đánh mạn thuyền
Gió thì phiêu bạt tận miền xa xăm
À ơi !....
Đèo cao, núi thẳm, rừng ngàn
Bố đi lòng chất muôn vàn thương con
À ơi !....
X-cà-fè...

27 thg 8, 2009

TNS Webb: Mỹ phải tạo thế 'quân bình' với TQ ở Ðông Nam Á

VOA News
19/08/2009

Thượng nghị sỹ Jim Webb đang mở chuyến công du đến 5 quốc gia Đông Nam Á. Hôm chủ nhật tại Miến Điện, ông Webb đã vận động để một công dân Mỹ được trả tự do vì ông này đã lén đến thăm bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ phe đối lập. Hôm thứ tư ông đã đến Việt Nam, nơi đây ông nói là Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn để tạo thế quân bình với Trung Quốc trong khu vực. Từ Hà Nội, Thông tín viên Matt Steinglass tường trình cho đài VOA như sau.

Thượng nghị sỹ Webb đã đến Việt Nam trong chuyến viếng thăm 2 ngày để tăng cường mối quan hệ ngày càng phát triển hơn với quốc gia cộng sản này.

Người dân Việt Nam ngày càng lo ngại về những lời tuyên bố của Trung quốc nhận chủ quyền trên 80% vùng biển phía nam Trung Quốc.

Việt Nam và 5 quốc gia Đông Nam Á khác đã tranh cãi về lời tuyên bố đòi chủ quyền này. Thượng nghị sỹ Webb nói rằng Hoa Kỳ cần phải đứng về phía các nước Đông Nam Á đó.

Thượng nghị sĩ Webb nói: “Hoa Kỳ cần phải xác định rõ hơn khi nói đến bảo vệ chủ quyền của những vùng này. Và tôi không nhất thiết có ý muốn nói đến hành động quân sự, tôi muốn nói đến lập trường ngoại giao của chúng tôi, lập trường của chúng tôi trong tư cách một quốc gia, và sẵn lòng là một lực lượng, không phải để chống lại, nhưng là một lực lượng để cân bằng với Trung Quốc trong khu vực này.”

Thượng nghị sỹ Webb từng phục vụ trong lực lượng Thủy Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam và hiền thê của ông là một người Mỹ gốc Việt.

Đã từ lâu ông cổ vũ cho mối quan hệ thân thiết hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và trong tháng bảy năm nay ông đã chủ tọa một buổi điều trần về vụ tranh chấp vùng biển phía nam Trung Quốc.

Trong chuyến thăm lần này của ông, nhiều tờ báo của nhà nước Việt Nam mới cho đăng nhiều bài tố cáo Trung Quốc về những tuyên bố nhận chủ quyền lãnh thổ của họ.

Chuyến thăm của thượng nghị sỹ Webb lần này cũng nằm trong khuôn khổ của nỗ lực rộng lớn hơn của Hoa Kỳ để tạo dựng lại những mối quan hệ với khu vực Đông nam Á.

Tính cho tới nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã thực hiện 2 chuyến viếng thăm đến đây trong năm nay.

Thượng nghị sĩ Webb nói: “Nhân dân Hoa Kỳ có cảm tưởng tốt về khu vực này. Nhưng chúng tôi đang cố gắng nhấn mạnh đến cảm nghĩ đó và Ngoại trưởng Clinton cũng đang nhấn mạnh đến mức độ thiết yếu của khu vực này đối với Hoa Kỳ như thế nào.”

Mới đây Việt Nam đã bắt giam nhiều người viết blog và những người bất đồng chính kiến.

Thượng nghị sỹ Webb cho biết ông đã không nêu vấn đề này lên với giới lãnh đạo Việt Nam trong chuyến đi này.


TQ yêu cầu Mỹ bớt theo dõi vùng biển Trung Quốc

http://www.voanews.com/vietnamese/2009-08-27-voa23.cfm
27/08/2009

Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ giảm bớt các hoạt động theo dõi quân sự dọc theo vùng biển Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo hôm thứ Năm, nói rằng các hoạt động thăm dò của Mỹ tại đặc khu kinh tế của Trung Quốc đã dẫn đền nhiều đối đầu quân sự.

Thông cáo cho biết: cách giải quyết những trường hợp đối đầu trên biển giữa 2 nước là Mỹ phải giảm bớt và cuối cùng phải ngưng hẳn các hoạt động trong khu vực.

Lời đòi hỏi được đưa ra vào lúc chấm dứt 2 ngày thảo luận tại Bắc Kinh giữa các giới chức quân sự 2 nước.

Chưa rõ phản ứng của Hoa Kỳ trước việc này như thế nào nhưng trước đây Washington từng nói là Hải quân Mỹ có quyền đi ngang qua đặc khu kinh tế để thu thập các dữ liệu thăm dò.

Các đặc khu kinh tế kéo dài khoảng 370 kilomet từ bờ biển trở đi. Nhưng luật quốc tế cho phép các quốc gia khác có một số quyền, ví dụ như tập trận, trong vòng đặc khu kinh tế.

Vào năm 1998, Hoa Kỳ và Trung Quốc có ký một hiệp định khung về hoạt động quân sự trên biển nhằm giải quyết các vụ đối đầu nhưng từ đó đến nay thỉnh thoảng vẫn xảy ra những trường hợp tranh chấp.

Năm 2001, một máy bay do thám của Mỹ đã đụng một máy bay phản lực chiến đấu của Trung Quốc, buộc máy bay Mỹ phải đáp xuống một căn cứ Không quân của Trung Quốc.


Tâm là gì, nó ở đâu trong cơ thể...?


Tâm Hà Lê Công Đa dịch

Lời Người Dịch : Tâm là gì? Trong chúng ta chắc có nhiều người đã từng được nghe giai thoại Thiền học liên quan đến câu chuyện "an tâm" giữa Bồ Đề Đạt Ma và Tổ Huệ Khả. Khi Tổ Huệ Khả thỉnh cầu Bồ Đề Đạt Ma, “Xin Thầy an tâm cho con.” Bồ Đề Đạt Ma bảo, “Ngươi đem tâm của ngươi ra đây để ta an cho.” Tổ Huệ Khả bối rối, “Nhưng con không thể tìm ra nó.” Bồ Đề Đạt Ma cười bảo, “Thì ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.”

Sự bối rối của Tổ Huệ Khả cũng là sự bối rối của tất cả chúng ta. Cho đến nay Tâm vẫn là một khái niệm trừu tượng. Có tâm hay không? Nếu có, tâm nằm ở đâu trong mỗi con người? Phải chăng tâm chính là thần thức, một danh từ mà Phật giáo Tây Tạng thường hay dùng để chỉ một cái gì đó như là một chủng tử -tích lũy tất cả nghiệp quả của một cá nhân- sẽ rời bỏ xác thân khi ta chết để đầu thai hay đi về một cảnh giới khác?

Những câu hỏi này không phải chỉ được đặt ra cho những người Phật tử mà còn cho cả giới khoa học nói chung. Dưới mắt nhìn khoa học, cái tâm này nếu hiện hữu tất phải nương tựa vào thân xác để tồn tại. Trong con người, não bộ là bộ phận chủ quản của ý thức, của tư duy, thế nên cái tâm này nếu có, não bộ phải là ngôi nhà lý tưởng để tâm trú ngụ, hay nói một cách khác hơn, tâm chỉ là sự nối dài của não bộ. Trên căn bản của cái nhìn này, khi ta chết, não bộ ngưng hoạt động, cái tâm này cũng phải biến mất theo.

Cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa tâm và thân, như thế, đã kéo dài từ bao thế kỷ qua. Sam Parnia, Bác sĩ chuyên khoa hồi sinh, Giám đốc Dự án “Human Consciousness Project” và là tác giả cuốn “Chuyện Gí Xảy Ra Khi Chúng Ta Chết,” đang cố gắng để giải quyết cuộc tranh luận này. Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 10/08 dành cho AOL, Bác sĩ Parnia đã cho chúng ta một ý niệm căn bản về trường hợp cận tử cũng như phương pháp khoa học thực nghiệm được áp dụng hiện nay trong việc khảo cứu về tâm. Ông đã chứng minh cho ta thấy một điều: Tâm có mặt, hiện hữu như một thực thể độc lập đối với não bộ. Kết quả này vô hình chung đã hoàn toàn phù hợp với những gì được mô tả trong “Tử Thư” của Phật giáo Tây Tạng về việc thần thức lìa bỏ xác thân trong giờ lâm tử. Đây là một bước tiến quan trọng của khoa học trong nỗ lực nghiên cứu về tâm. Từ viên gạch lót đường này, khoa học đang bắt đầu có những bước đi mới vào ngưởng cửa bí mật này.

Tốt nghiệp Đại Học Y Khoa St. Thomas, Luân Đôn, BS Parnia là người sáng lập Consciousness Research Group tại Đại học Southampton, Anh quốc. Cùng với Tiến sĩ Peter Fenwick, những công trình nghiên cứu của ông về Kinh Nghiệm Cận Tử (NDE - near-death experiences) đã gây được sự chú ý của dư luận, không phải chỉ riêng ở Anh quốc mà trên toàn thế giới. Công trình ngiên cứu này đã được trình bày trong một tác phẩm xuất bản mơi đây: “What Happens When We Die: A Groundbreaking Study into the Nature of Life and Death.” LCĐ.

Làm sao bác sĩ có thể giải thích được trường hợp cận tử?

Cho đến nay, bằng chứng cho thấy là khi trái tim ngừng đập, máu sẽ không còn luân lưu trong cơ thể, tất cả đều đi vào trạng thái bất động. Não bộ chấm dứt hoạt động trong vòng 10 giây sau đó. Một điều khá thích thú là –khi chúng tôi, những bác sĩ điều trị, cố gắng tìm cách can thiệp vào bằng cách xoa bóp ngực, cho thuốc, kích thích trái tim- mặc cho tất cả những nỗ lực này có thể kéo dài hàng chục phút hay cả giờ, các cuộc nghiên cứu đều cho thấy là chúng ta vẫn không thể nào bơm đủ liều lượng máu cần thiết vào não bộ để cho nó hoạt động trở lại.

Vậy thì điều gì đã xảy ra cho tâm ở giây phút này? Cụ thể hơn, trong trường hợp của tôi, điều gì đã xảy ra cho bệnh nhân mà tôi đang điều trị? Cái tâm của y có còn ở đó hay không? Chúng ta nghĩ rằng tâm cũng sẽ chấm dứt hoạt động chỉ trong vòng vài giây đồng hồ. tuy nhiên một điều thích thú là, trong 5 cuộc nghiên cứu độc lập khác nhau -một là của tôi- có từ 10 đến 20 phần trăm những người đã được công nhận chết lâm sàng, người ta vẫn ghi nhận được có những dấu hiệu về một số hoạt động của tâm. Nó cho thấy một điều rằng, ở trong con người có một số loại hình ý thức nào đó vẫn còn hiện diện cho dù não bộ đã không còn hoạt động nữa.

Những điều mà họ mô tả được gọi là kinh nghiệm cận tử. Đây là cảnh giới chủ quan, giống như ỏ trong giấc mơ. Thông thường, họ bảo rằng, “Tôi đã thấy một cái đường hầm, Tôi đã thấy ánh sáng.” Chúng ta không thể nào thẩm định được những điều này. Tôi không thể nào nói rằng giấc mơ của bạn là thực hay không thực. Một số người sau khi được hồi sinh đã kể lại rằng họ đã thấy quang cảnh bác sĩ và y tá đang làm việc với những chi tiết đặc thù. Thế thì câu hỏi đặt ra là –nó có xảy ra đúng như vậy không? Có thực sự như vậy không? Những Bác sĩ và y tá tại hiện trường đều xác nhận về những điều mà bệnh nhân mô tả là đúng. Điều này có nghĩa là bệnh nhân khi sống lại đã nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra. Vậy thì họ đã thực sự trông thấy? Trông thấy bằng cách nào? Hoặc giả lúc đó tâm của họ đang thực sự lơ lửng ở một nơi nào đó trên trần nhà?

Điểm quan trọng ở đây là, không ai với đầu óc bình thường lại có thể phủ nhân kinh nghiệm này đã xảy ra. Câu trả lời dễ dàng nhất thì cứ cho rằng đây chỉ là một tró chơi của tâm, một cái ảo ảnh. Nhưng vấn nạn là, khi sống lại họ đã nói cho chúng ta biết tất cả những gì đã thực sự xảy ra tại phòng hồi sinh. Thế nên khó mà cho rằng đây chỉ là một ảo ảnh. Người ta chỉ có thể giải thích rằng sự việc như thế xảy ra vào ngay thời điểm khi não bộ vừa ngưng hoạt động hay là vừa mới phục hồi. Chẳng hạn như bạn nằm mơ thấy mình đang sống ở một nơi nào đó cả hàng năm trời, nhưng nó chỉ có thể xảy ra trong thời gian thực tế chưa tới một phần triệu giây đồng hồ. Cũng vậy, ngay lúc não bộ bắt đầu ngưng hoạt động, bạn liền có ngay cái kinh nghiệm nhanh chóng tại hiện trường và cảm tưởng như là mình đã có mặt ở đó trong suốt thời gian. Tuy nhiên vấn đề ở đây là, hãy tạm gác qua một bên những chuyện đường hầm và ánh sáng, những bệnh nhân sống lại đã kể cho chúng ta nghe những chi tiết rất đặc thù, “Nó có thể đã xảy ra vào khoảng 9:15AM.” Và những sự kiện mô tả đã xảy ra trong khoảng từ 10 đến 20 phút.

Một cách giải thích khác là họ thực sự trông thấy mọi việc. Họ đã nhắm mắt và chuyện xảy ra là có thể họ mở mắt ra lại ở một lúc nào đó và chúng bắt đầu tích lũy dữ kiện rồi não bộ thu lượm những dữ kiện này. Điểm then chốt của cách lý giải này là bệnh nhân đã thực sự trông thấy mọi chuyện đang xảy ra.

Tâm vẫn còn là một bí mật. Chúng ta không thể hiểu được. Có thể tâm là phi-cục-bộ với não bộ. Nếu bạn đem vấn đề này hỏi những nhà vật lý lượng tử thì có thể như vậy bởi vì chúng ta hiểu rằng ở mức độ này, mọi sự vật có tính phi-cục-bộ. Chúng ứng xử trong một cách thế có vẻ không giống ai.

Bác sĩ hy vọng đạt được những gì thông qua công trình nghiên cứu này?

Tiến bộ về y khoa? Một sự hiểu biết sâu sắc hơn về cái chết?
Tất cả những gì mà chúng ta làm trong lãnh vực y khoa đều mang đến phúc lợi cho xã hội. Nếu bạn bỗng dưng khám phá ra một phương thuốc điều trị bệnh ung thư, đó là một bước tiến của y khoa nhưng chung cuộc vẫn là một bước tiến của xã hội. Đây là một công trình nghiên cứu y khoa sẽ mang đến phúc lợi cho toàn xã hội. Công việc này khá quan trọng bởi vì những hiểu biết của chúng ta về tâm và não rất ít oi. Trong đa số trường hợp, chúng ta không thể tách lìa chúng. Chỉ trong trường hợp chết lâm sàng hoặc bị đứng tim, tâm và bão bộ mới có thể tách rời khỏi nhau. Và nếu như chúng có thể được tách rời ra thì vấn đề này sẽ có những tác động đến khoa thần kinh học.

Phần lớn công việc mà chúng tôi đang làm là nghiên cứu những gì xảy ra cho não bộ cùng phương thức mà chúng tôi có thể cải thiện vấn đề hồi sinh đối với trường hợp đứng tim, cải thiện phương thức trông nom những bệnh nhân tim vừa mới ngưng đập. Nếu chúng tôi mang được bệnh nhân trở lại với đời sống kịp thời, sẽ tránh được cho họ những thiệt hại về hệ thần kinh, những hư hỏng về trí não, và những bất bình thường khác.

Nó thực sự mở ra một viễn cảnh vô tận. Một đằng là chuyên về tim và đằng khác là khoa thần kinh học. Một cách tổng quát, nó sẽ mang phúc lợi đến cho mọi người.

Trường hợp cận tử (NDE)

Bằng cách nào bác sĩ có thể xác nghiệm tính cách đúng đắn về những kinh nghiệm xảy ra mà bệnh nhân cận tử mô tả lại?

Chúng tôi cho thiết trí một bộ phận giống như cái kệ ở ngay phía trên đầu giường của bệnh nhân. Phía bề mặt của cái kệ quay xuống dưới -tức là phía mà bạn có thể trông thấy khi đang nằm ngữa ở trên giường quay mặt nhìn lên- có một cái hình tam giác. Ở phía kia, tức là phía mà bạn chỉ có thể trông thấy được khi ở trên trần nhà nhìn xuống (bệnh nhân không thể trông thấy được), có vẽ một bức tranh tương đối phức tạp.

Hãy hình dung bạn đang nằm trên giường bệnh viện mà ở phía trên mình là một cái kệ. Nếu người nào đó (tức là bệnh nhân kể lại về kinh nghiệm cận tử) sau khi sống lại và mô tả là họ đã thấy một hình ảnh nào đó, trường hợp này như đã nói ở trên là một trò chơi của tâm, một ảo ảnh. Nếu họ bảo rằng họ trông thấy một cái hình tam giác, thì có thể là bởi vì họ đã mở mắt ra. Còn nếu khi sống lại họ cho biết là đã nhìn thấy cái bức tranh phức tạp kia, điều này có nghĩa là ý thức (tâm) của họ tiếp tục tồn tại.

Trong công trình nghiên cứu này chúng tôi muốn cho thiết trí khoảng từ 50 đến 100 cái loại kệ này, tối thiểu ở khoảng 25 bệnh viện. Chúng tôi đã thực hiện được khoảng một nữa -phần lớn là tại Anh quốc. Chúng tôi cũng có 9 trung tâm tại Hoa Kỳ, và chúng tôi đã tiên phong thử nghiệm phương pháp này tại Anh từ 18 tháng nay. Trong khi chúng tôi không thể nào tiên đoán được lúc nào thì trường hợp đứng tim sẽ xảy ra, chúng tôi nghĩ rằng nơi có khả năng xảy ra là phòng cấp cứu và phòng bệnh nhân nguy kịch. Một khi đã được thiết bị xong, chúng tôi chỉ làm công việc theo dõi. Và rồi chúng tôi phỏng vấn những người sống lại. Nếu chúng tôi có thể bắt gặp được trường hợp đứng tim đúng lúc, chúng tôi có thể cho gắn máy theo dõi não bộ.

Chúng tôi cũng đang sử dụng một phương tiện kỹ thuật tối tân hiện nay trong việc khảo sát não bộ gọi là INVOS [in-vivo optical spectroscopy] dùng để đo lượng oxy trong não. Tất cả những cuộc nghiên cứu trước đây đều cho biết là dù cố gắng cách nào chúng ta cũng không thể đưa đủ lượng máu cần thiết vào não. Làm sao để bạn biết được chuyện này? Biết đâu có thể đã có đủ máu ở trong não nhưng tại vì bạn không biết mà thôi. Với INVOS, chúng ta sẽ biết một cách chính xác bao nhiêu máu đã được bơm vào não và như thế chúng ta có thể ghi nhận được mối liên hệ tương quan với trường hợp cận tử. Đây là điều chưa từng được thực hiện trước đây.

Cho đến nay loại dữ kiện nào mà bác sĩ đã thu lượm được?

Chỉ là những dữ kiện rất mực tiên khởi. Chúng tôi chỉ mới bước vào giai đoạn điều chỉnh một cách tốt đẹp phương pháp nghiên cứu này. Chúng tôi mới có một số nhỏ đối tượng nghiên cứu và muốn nâng con số này lên 1,500 người. Lý do là tỷ lệ những người có kinh nghiệm cận tử, sống sót qua cơn đứng tim, rất là ít oi, chỉ khoảng 2%. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải có rất nhiều bệnh nhân và bệnh viện để công trình nghiên cứu này có thể đạt được kết quả. Không những người sống sót đã hiếm mà trong số những người này, kinh nghiệm về cận tử lại càng hiếm hơn.

Tâm vẫn là một bí mật hàng đầu

Hồi nào thì bác sĩ quan tâm đến chuyện có sự phân cách giữa tâm và não bộ?

Tôi bắt đầu quan tâm đến vấn đề này khi còn là một sinh viên y khoa, mười lăm năm trước đây. Khi mà bạn -những y tá, bác sĩ- phải đối diện và có những quyết định liên quan đến những vấn đề sống chết (cụ thể như có nên thực hiện việc hồi sinh cho bệnh nhân này không?), tất cả đều chỉ đơn thuần dựa trên những ý kiến chủ quan, và dĩ nhiên là có một sự mù mờ trong đó

Trong năm cuối cùng trước khi tốt nghiệp, tôi đã chứng kiến một số lượng bệnh nhân bị đột tử vì đứng tim. Trong đó có một trưởng hợp đặc biệt, đó là một bệnh nhân mà tôi đã từng quen biết trước đây. Một hôm, tôi vừa mới rời phòng anh ta chừng 30 phút vì anh ta trông có vẻ khỏe khoắn thì nhận được cấp báo là có một trường hợp đứng tim xảy ra. Bất hạnh thay, trường hợp đó lại chính là anh ta.

Bây giờ nhớ lại, khi thấy anh ta nằm bất động ở trên giường tôi không khỏi khởi lên suy nghĩ: “Chuyện gì đang xảy ra cho cái tâm và ý thức của anh ta? Anh ta có thể nghe hay nhìn thấy chúng tôi không?” Tôi đã từng nghe những mẩu chuyện như vậy về những người có kinh nghiệm cận tử, thế nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính thức của khoa học. Tôi nghĩ đó là giây phút quyết định của đời tôi.

Ngay cả lúc còn là một sinh viên y khoa tôi đã rất thích thú trong việc tìm hiểu tâm là gì, và mối liên hệ của nó với não bộ ra sao. Tại sao chúng ta là một nhất thể toàn vẹn như là những cá nhân với những nhân cách, cảm xúc, tình cảm? Trước đây tôi tin rằng tất cả đều bị cắt đứt, khô kiệt (khi một người chết) cho đến khi tôi bắt đầu nhìn sâu chi tiết vào vấn đề này. Có thể nói đây là lãnh vực cuối cùng của khoa học hoàn toàn chưa được khám phá.

Thế thì, trên quan điểm cá nhân, bác sĩ tin rằng tâm là cái gì?

Ngay bây giờ, dĩ nhiên, tôi không có câu trả lời cho bạn. Tâm vẫn là một bí ần hàng đầu. Mặc dầu đa phần mỗi con người chúng ta không ngừng phóng thích những hoạt động điện tử, nhưng không ai đưa ra được một thí nghiệm hay là một bằng chứng khả tín nào về cơ chế vận hành sinh học.

Nếu tôi bảo bạn nhìn vào một cái tế bào não ở trong kính hiển vi và bảo rằng, “Cái tế bào não này đang suy nghĩ hay đang mệt mỏi,” chắc bạn sẽ tự bảo mình, “Cái ông này ăn nói ba trợn. Làm sao mà nó có thể sản xuất ra một tư tưởng, ý nghĩ được.” Chuyện gì xảy ra khi bạn nối kết, 2 hay 100, hay 1,000 hoặc 1 triệu tế bào não lại với nhau? Những tư tưởng phát xuất từ đâu? Không ai biết. Không ai có thể giải thích. Điều này đưa ta đến vấn nạn trong việc tìm hiểu về ý thức.

Hiện đang có hai khuynh hướng liên quan đến vấn đề này. Một phe thuộc khuynh hướng cổ điển, quy ước hơn, cho rằng có những hoạt động điện-hoá xảy ra trong não bộ, nhưng họ không thể giải thích được như thế nào. Còn phe kia thì thú nhận rằng đó là một thực thể mà khoa học chưa khám phá được cho nên không thể giải thích tiến trình được biết của não bộ. Cũng chẳng khác gì toán học và trọng lực. Bạn không thể phân chia trọng lực ra thành những mảnh nhỏ. Trọng lực là trọng lực.

Có thể nói có đến khoảng chín mươi chín phần trăm thời gian của đời sống, bạn không thể nào tách rời tâm và não ra khỏi nhau. Tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm hoi, bạn có thể làm được việc này bởi vì não hoàn toàn ngưng hoạt động và bạn có thể quan sát được những gì xảy ra đối với tâm. Nếu quan điểm của phe thứ nhất là đúng -rằng đó là những hoạt động của tế bào não - thế thì khi bạn cho não ngừng hoạt động, cái tâm cũng sẽ phải biến mất theo. Cũng giống như ánh sáng, khi bạn tắt điện, ánh sáng tắt theo, khi bạn mở điện, ánh sáng trở lại. Và như vậy, một khi bạn tắt điện mà ánh sánh vẫn còn –có nghĩa rằng nó không phải là nguồn của ánh sáng. Đây là một thực thể khoa học hoàn toàn mới mẻ. Nghiên cứu vấn đề này rất mực thú vị bởi vì đây có thể là lần duy nhất chúng ta có mọi câu trả lời dứt điểm cho một câu hỏi đã từng được nêu lên từ thời Hy Lạp cổ. Người ta đã không ngừng tranh luận nhau về vấn đề này qua mọi nền văn minh trên thế giới. Và bây giờ họ vẫn tiếp tục tranh luận, cũng cùng một vấn đề đó, và cũng cùng hai phe đó.

Tâm Hà Lê Công Đa chuyển ngữ

Chuyện gì xảy ra khi chúng ta chết? What happens when we die?

Huỳnh Kim quang chuyển ngữ

Người chết nhìn thấy mọi việc xảy ra chung quanh
Thứ tư 18.09.2008, bác sĩ Sam Parnia, một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu khoa học về cái chết, và các đồng nghiệp của ông trong Kế Hoạch Ý Thức Của Con Người đã công bố việc nghiên cứu quy mô đầu tiên của họ: một khám phá trong 3 năm về sinh học bên kia những kinh nghiệm “thoát xác.” Nghiên cứu, được biết như là sự tỉnh thức (tỉnh thức trong sự phục hồi sự sống ý thức), gồm sự kết hợp của 25 trung tâm y tế lớn khắp Châu Âu, Canada và Hoa Kỳ và khảo nghiệm khoảng 1,500 người sống trở lại trong trường hợp tim ngừng đập. Báo TIME đã nói chuyện với bác sĩ Parnia về nguồn gốc của kế hoạch, những hoài nghi và sự khác biệt giữa tâm thức và não bộ. Sau đây là phần đối thoại của phóng viên báo TIME và bác sĩ Parnia.

Thứ tư 18.09.2008, bác sĩ Sam Parnia, một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu khoa học về cái chết, và các đồng nghiệp của ông trong Kế Hoạch Ý Thức Của Con Người đã công bố việc nghiên cứu quy mô đầu tiên của họ: một khám phá trong 3 năm về sinh học bên kia những kinh nghiệm “thoát xác.” Nghiên cứu, được biết như là sự tỉnh thức (tỉnh thức trong sự phục hồi sự sống ý thức), gồm sự kết hợp của 25 trung tâm y tế lớn khắp Châu Âu, Canada và Hoa Kỳ và khảo nghiệm khoảng 1,500 người sống trở lại trong trường hợp tim ngừng đập. Báo TIME đã nói chuyện với bác sĩ Parnia về nguồn gốc của kế hoạch, những hoài nghi và sự khác biệt giữa tâm thức và não bộ. Sau đây là phần đối thoại của phóng viên báo TIME và bác sĩ Parnia.

Những loại phương pháp nào được dùng trong kế hoạch này để cố gắng và xác định kinh nghiệm “cận tử” (ngay trước lúc chết) của con người?

Khi trái tim của bạn ngừng đập thì không còn máu đưa lên não bộ. Và như thế điều xảy ra là trong khoảng 10 giây, hoạt động của não bộ ngừng hẳn - như bạn có thể hình dung ra. Tuy nhiên, một cách khó hiểu, 10% hay 20% những người đã được sống lại từ thời điểm đó, có thể là một vài phút hay lâu hơn 1 tiếng đồng hồ, phúc trình là có ý thức. Như thế điều chính yếu ở đây là, những điều này là thực, hay nó là một thứ không thật? Do vậy cách duy nhất để nói thật hay giả là có các hình ảnh chỉ có thể nhìn thấy được từ trên trần nhà và không có nơi nào khác, bởi vì họ nói rằng họ có thể nhìn thấy mọi việc từ trên trần nhà. Nếu chúng ta có được một loạt từ 200 đến 300 người đã được bệnh viện tuyên bố là chết, và họ có thể sống trở lại để kể cho chúng ta nghe những gì chúng ta đã làm và có thể thấy những hình ảnh đó, điều ấy xác định ý thức thật sự tiếp tục hoạt động ngay cả lúc não bộ không còn chức năng hoạt động nữa.

Bằng cách nào kế hoạch này có mối tương quan với nhận thức của xã hội về cái chết?

Thông thường người ta nghĩ cái chết như là một khoảnh khắc - bạn chỉ có thể là chết hay sống. Đó là định nghĩa xã hội mà chúng ta có. Nhưng định nghĩa của bệnh viện mà chúng ta dùng là khi trái tim ngừng đập, cuống phổi ngừng làm việc, và như là một hệ quả chính não bộ ngừng hoạt động. Khi các bác sĩ rọi đèn pin vào con ngươi của người nào đó, nó cho thấy rằng không có một phản ứng nào xuất hiện. Sự phản ứng của con mắt được qua trung gian của hệ thống não bộ và đó là khu vực mà giữ chúng ta còn sống. Nếu nó không hoạt động, thì điều đó có nghĩa là chính não bộ không hoạt động. Ở thời điểm đó, tôi gọi một y tá vào phòng để tôi có thể xác chứng rằng bệnh nhân này đã chết. 50 năm trước, người ta đã không thể sống lại được sau thời điểm đó.

Bằng cách nào kỹ thuật thách thức với nhận thức rằng cái chết là một khoảnh khắc?

Hiện nay, chúng ta có kỹ thuật mà được cải tiến để chúng ta có thể mang con người sống lại. Thực tế, có nhiều loại thuốc đang được cải thiện ngay bây giờ - ai biết được chúng sẽ có được chế tạo cho thị trường hay không - điều đó có thể thực sự làm chậm tiến trình tổn thương tế bào não và cái chết. Hãy tưởng tượng bạn già xuống nhanh đi 10 năm, và bạn là một bệnh nhân, trái tim của bạn vừa mới ngưng đập, thì loại thuốc này thật kỳ diệu làm sao! Và thực sự điều nó tạo ra là, làm chậm lại mọi thứ để những điều đã không thể xảy ra một giờ trước đây, bây giờ xảy trong 2 ngày. Vì những sự tiến bộ của thuốc tây, chúng ta cuối cùng có rất nhiều vấn nạn về đạo đức.

Nhưng điều gì xảy ra đối với con người ở thời điểm đó? Cái gì thật sự diễn ra? Bởi vì không có máu lưu thông, các tế bào đi vào tình trạng không giữ được sự sống còn cho chính chúng. Và trong vòng 5 phút, chúng bắt đầu hủy diệt hay thay đổi. Sau một giờ sự tổn hại thì quá mức to lớn đến nỗi nếu chúng ta có tái khởi động lại nhịp tim và mạch máu, người chết cũng không còn có thể sống được, bởi vì các tế bào đã biến đổi quá nhiều. Rồi thì các tế bào tiếp tục đổi thay để trong vòng vài ngày toàn thân thật sự phân hủy. Như thế không phải một khoảnh khắc, nó là một tiến trình mà thật sự bắt đầu khi trái tim ngừng đập và đưa đến sự hoại diệt toàn bộ cơ thể, sự phân hủy của tất cả tế bào.

Tuy nhiên, cuối cùng, vấn đề là gì? Điều gì diễn ra đối với tâm thức con người? Cái gì xảy ra đối với tâm và thức con người trong thời gian của sự chết? Tâm thức có phải ra đi ngay tức khắc khi trái tim ngừng đập? Có phải tâm thức không hoạt động trong 2 giây đầu tiên, 2 phút đầu tiên? Bởi vì chúng ta biết rằng các tế bào còn tiếp tục biến đổi trong thời gian đó. Tâm thức có phải ngưng hoạt động sau 10 phút, sau nửa giờ, sau một giờ? Đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa biết.

Quan điểm đầu tiên của bạn là gì như với một số người đã phúc trình về kinh nghiệm thoát xác?

Cởi mở và rất bình dị. Bởi vì những gì bạn nhìn thấy là, trước hết, họ là những người chân thật hoàn toàn, những người không tham cầu tiếng tăm hay sự chú ý. Trong nhiều trường hợp họ không hề nói với bất cứ người nào khác về điều ấy bởi vì họ sợ người khác suy nghĩ về họ là thế này thế nọ. Tôi có khoảng 500 trường hợp của những người mà tôi đã phỏng vấn kể từ khi lần đầu tiên tôi bắt đầu cách nay hơn 10 năm về trước. Nó phù hợp với những kinh nghiệm, thực tại của những gì họ đã diễn tả. Tôi đã nghiêm túc trình bày với các bác sĩ và y tá, những vị đã có mặt và nói rằng các bệnh nhân này đã nói với họ đúng như những gì đã xảy ra, và họ đã không thể giải thích điều đó. Tôi thật sự đã viết về một vài người đó trong cuốn sách của tôi 'Điều Gì Xảy Ra Khi Chúng Ta Chết' bởi vì tôi muốn mọi người có được cả 2 khía cạnh - không chỉ khía cạnh của người bệnh mà còn bên các bác sĩ - và nhìn thấy các bác sĩ cảm nhận như thế nào khi một người bệnh đã chết sống trở lại và kể cho nghe những gì đã diễn ra. Có một chuyên viên về chứng rối loạn tim mạch mà tôi đã nói chuyện, người ấy nói rằng ông ta đã không kể cho ai nghe về điều đó bởi vì ông ấy không thể giải thích bằng cách nào mà bệnh nhân (đã chết) có thể diễn tả chi tiết những gì vị chuyên viên này đã nói và làm. Vị chuyên viên ấy nói rằng ông ta rất kinh ngạc bởi điều đó mà ông ta đã quyết định không suy nghĩ đến nó nữa.

Tại sao bạn nghĩ rằng có một sự khẳng định như thế đối với các nghiên cứu như nghiên cứu của bạn?

Bởi vì chúng tôi đang cố vượt qua các biên giới của khoa học, chúng tôi đang thử thách những tin tưởng và nhận thức mà đã được xác định. Nhiều người chấp chặt ý tưởng cho rằng, có gì đâu, khi bạn chết, là bạn chết; nó là như vậy. Chết là một khoảnh khắc - bạn biết đó hoặc là bạn chết hoặc là bạn sống. Tất cả những việc này thì không có giá trị khoa học, nhưng chúng là nhận thức xã hội. Nếu bạn nhìn lui lại cuối thế kỷ 19, các nhà vật lý ở thời đó đã ứng dụng luật chuyển động của Newton, và họ thật sự cảm thấy rằng họ đã có tất cả câu trả lời đối với mọi việc có mặt trong khắp vũ trụ. Khi chúng ta nhìn thế giới chung quanh mình, các lý thuyết vật lý của Newton thì đã hoàn toàn đầy đủ. Nó giải thích hầu hết mọi sự kiện mà chúng ta chung đụng. Nhưng rồi nó đã được khám phá ra rằng khi bạn quan sát sự chuyển động ở những cấp độ thật nhỏ - nhỏ hơn cấp độ của các nguyên tử - thì các luật của Newton không còn ứng dụng được nữa. Một lý thuyết vật lý mới cần phải có, từ đây, chúng ta cuối cùng đi đến lý thuyết vật lý về hạt vi thể. Nó đã gây ra nhiều tranh luận - ngay cả chính nhà bác học Einstein cũng đã không thể tin nó.

Bây giờ, nếu bạn quan sát tâm, ý thức và não bộ, sự xác tín rằng tâm và não bộ giống nhau là điều đúng đối với hầu hết mọi hoàn cảnh, bởi vì trong 99% trường hợp chúng ta không thể tách rời tâm và não bộ ra; chúng hoạt động chính xác cùng một thời điểm. Nhưng rồi có một số sự kiện cực kỳ điển hình, như khi não bộ ngưng hoạt động, chúng ta thấy niềm xác tín này có thể không còn thực nữa. Như thế một khoa học mới thì được cần đến trong cùng phương cách mà chúng ta phải có một lý thuyết vật lý về vi thể. Sự tăng tốc hạt trong thử nghiệm CERN vừa qua có thể đưa chúng ta trở về nguồn gốc của mình. Nó có thể dẫn chúng ta trở về lại khoảnh khắc đầu tiên của vụ nổ Big Bang, sát na khởi thủy. Với nghiên cứu của chúng tôi, lần đầu tiên, chúng tôi có kỹ thuật và phương tiện để có thể trắc nghiệm sự kiện này. Để nhìn thấy được điều gì xảy ra ở giây phút cuối cùng của chúng ta. Điều gì đó còn tiếp tục hiện hữu nữa không?

Huỳnh Kim Quang chuyển ngữ.

http://www.time.com/time/health/article/0,8599,1842627,00.html

26 thg 8, 2009

Nick Vujicic, Một Con Người Đáng Nễ

Thuỵ Vi

Khi chúng ta có dịp đối diện với Nick Vujicic, một chàng thanh niên trẻ tuổi không có hai tay, lẫn hai chân, thì có lẽ chúng ta sẽ cảm ơn Thượng Đế quá ưu đải ban cho chúng ta một thân thể vẹn toàn, nhưng chúng ta cũng sẽ cảm thấy thẹn thùng vì chúng ta không có được cái nghị lực vô biên, vượt qua số phận như người thanh niên mà tôi sẽ kể lại dưới đây:

Khi Nick vừa lọt lòng, mọi người có
mặt từ Bác Sĩ, Y Tá và cha mẹ của cậu bé hết sức sững sốt trước một hình hài không có đủ tay chân như những đứa trẻ bình thường, và chính các nghiên cưú gia chuyên về Y Khoa cũng không làm sao giải thích nỗi tình trạng hiếm hoi này. Tuy nhiên cha mẹ anh đã hết sức bình tĩnh và hoạch định một chương trình nuôi dưỡng thật đặc biệt và kiên nhẩn giúp đứa con kém may mắn biết sống một đời sống tự lập.

Ngay từ lúc 18 tháng tuổi, cha của Nick đã cho contập bơi, rồi sau đó tập chơi goft, lướt song. Lúc Nick được sáu tuổi, bà mẹ đã tự chế ra những dụng cụ bằng plastic để giúp con mình viết chử, và cả hai vợ chồng quyết định không gửi con vào một trường học của những đứa trẻ khuyết tật mà gửi nó vào một trường học bình thường.

Có lần Nick khôi hài và cho biết anh thật may mắn khi Trời cho anh một bàn chân ló ra nhỏ xiú mà anh ví đó là cái dùi trống mà khi xuống nước sẽ biến thành chân vịt để anh có thể vẫy vùng và cũng nhờ bàn chân nhỏ đó mà cha anh đã tập cho anh xử dụng computer.

Có khoảng thời gian khi lên 8 tuổi, nhìn lại mình,
anh đâm ra buồn chán đến muốn tự vẫn, nhưng nhờ cha mẹ và bạn bè cứ hết sức khuyến khích và anh vượt qua được chính mình. Anh vào đại học và tốt nghiệp cử nhân về tài chánh.

Với niềm tin thật mãnh liệt và với sự kiên trì khuyến khích của gia đình, Nick trở thành biểu tượng của nghi lực trên toàn thế giới. Năm 1990 Nick được chính phủ ÚC trao giải Danh Dự về sự bền chí tuyệt vời của anh. Anh được nhiều hiệp hội trên nhiều quốc gia mời đến thuyết trình.

Trong mùa Xuân năm nay, Nick từ Melbourne, Australia đến diển thuyết tại Detroit, và vợ chồng đứa con gái và đứa cháu ngoại của người viết may mắn được chụp chung với người đàn ông đáng kính nể này. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ đầy sức sống và nghe kể những thành tích khiếp hồn của Nick, con gái của tôi nói một cách thán phục “ Những kết qủa mà chúng ta làm được từ bấy lâu nay tưởng đâu to lớn lắm, nhưng chỉ là hạt cát trước Nick mà thôi”

Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông

Biên Khảo Xóa Đi Những Tự Ti Về Nền Văn Minh Cổ Việt Nam

Ở Việt Nam, nhiều người đi du lịch Trung Quốc, thăm Tử Cấm Thành về thường so sánh rằng: “…Thiệt là hoành tráng! Điện Thái Hòa ở Huế của mình thua xa. Tàu nó văn minh thiệt!...”. Còn những người hay đọc lịch sử thì cho rằng: “… người Tàu họ có Khổng Tử, Lão Tử, những vĩ nhân văn hóa tầm cỡ thế giới. Họ phát minh ra giấy, thuốc súng. Họ văn minh hơn mình, nên đã đô hộ và tìm cách đồng hóa mình. Văn hóa Việt ảnh hưởng văn hóa Tàu rất rõ…”

Từ những lý luận này, nhiều người rút ra kết luận là mình không văn minh bằng Tàu, nên lép vế hơn Tàu là đúng rồi!

Chuyện nước lớn tìm cách dùng vũ lực để thôn tính nước nhỏ hơn là chuyện thường tình của lịch sử nhân lọai (trong đó có cả Việt Nam lấy đất Chiêm Thành). Nhưng nếu từ đó rút ra kết luận là nước lớn luôn văn minh hơn nước nhỏ thì chưa chắc! Có thực sự là nền văn minh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng của nền văn minh Trung Hoa không?

Tôi bắt đầu nghi ngờ sự thật này khi nghiệm ra trường hợp của Tây Tạng: nếu những nỗ lực dành độc lập ngày hôm nay của người Tây Tạng thất bại, thì chừng vài trăm năm nữa nước Tàu sẽ là cái nôi cuả một nền văn hóa Phật Giáo uyên thâm của nhân lọai! Cách đây chừng một tháng, tôi được dự buổi ra mặt sách “Việt Nam: Văn Minh Suối Nguồn Phương Đông” của nhà báo Du Miên. Biên khảo này giúp cho tôi có một cái nhìn mới về hai nền văn minh Việt Nam, Trung Hoa…

Một chút về tác giả: nhà báo Du Miên sang Mỹ vào năm 75. Hiện là chủ bút của tờ Thời Báo. Là một thành viên đắc lực của phòng trào Hướng Đạo Việt Nam từ trước 75 cho đến khi ra hải ngọai. Đã viết một số biên khảo trước đây dưới bút hiệu Lê Thanh Hoa. “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” là cuốn sách biên khảo đầu tiên của anh được xuất bản.

Một cách tổng quát, cuốn sách đã đưa ra nhiều dẫn chứng để đi đến hai kết luận quan trọng:

- Nền văn minh của dân tộc Bách Việt tồn tại song hành, độc lập với nền văn minh Trung Hoa. Thậm chí, người Tàu đã từng học hỏi từ nền văn minh Việt, do dân tộc này đã hình thành một xã hội định cư, nông nghiệp trước cả tộc Hán.

- Một vài sự kiện làm vẻ vang lịch sử Trung Hoa như việc xây dựng thành Bắc Kinh, phát minh ra giấy lại là do người Việt thực hiện, nhưng người Tàu không công bố chi tiết này.

Điểm cần nhấn mạnh ở đây là tác giả đã sử dụng tài liệu của chính sử sách Trung Hoa, cùng một số nguồn thông tin từ các tạp chí Mỹ có uy tín, trung lập để làm bằng chứng. Chứ nếu lấy sử Việt Nam ra làm cơ sở thì sẽ kém thuyết phục. Hãy điểm qua một số dẫn chứng quan trọng từ trong sách:

- Theo bản đồ History Of China 5,000 B.C. của tạp chí National Geographic uy tín của Hoa Kỳ. Theo tài liệu này, Việt Tộc (Yue) đã định cư ở vùng châu thổ sông Trường Giang/Dương Tử trong khỏang thời gian đó, là dân tộc trồng lúa đầu tiên của thế giới. Trong khi người Tàu vẫn còn đời sống du mục mãi cho đến 1,000 B.C. Dân Bách Việt bị người Tàu đánh đuổi, xâm chiếm, đồng hóa, phải lùi dần về phương Nam. Chỉ còn Lạc Việt, tức Việt Nam, chi trưởng của Việt Tộc là còn tồn tại độc lập đến ngày hôm nay.

- Theo Sử Ký Tư Mã Thiên, thì Tổ Nhà Chu Cổ Công Đản Phụ đã cho hai thái tử của mình xuống đất Việt, cắt tóc xâm mình để học hỏi nền văn minh của dân tộc này

- Theo Thượng Thư, pho sử cổ nhất của Tàu, thì vua Nghiêu đã cho người sang đất Việt, học người Việt cách xem thiên văn, cách làm lịch và văn tự.

- Một trong những niềm hãnh diện lớn nhất của người Tàu là Khổng Tử. Trong Kinh Thi, Khổng Tử đã đưa Phong Dao Việt vào để dạy luân lý đạo đức cho xã hội Trung Hoa thời đó. Phong Dao Việt được xếp vào hàng chính phong để khuyên dạy dân Tàu, thế mới thấy nền văn hóa Việt cao quí biết bao.

- Theo The Cambridge History Of China, kiến trúc sư trưởng xây dựng thành Bắc Kinh là Nguyễn An, một người gốc Việt, bị sứ Tàu bắt (người tài) đem về làm họan quan vào thế kỷ 15

- Trên trang internet chính của Đài Phát Thanh Bắc Kinh có đăng truyện về Thái Luân, nhà phát minh ra giấy, một trong 4 đóng góp quan trọng của nền văn minh trung Hoa cho nhân lọai (cùng với thuốc súng, la bàn, kỹ thuật ấn lóat). Theo Bách Việt Tiên Hiền Chí, cuốn sử Tàu mà người Tàu dấu nhẹm suốt 500 năm qua, Thái Luân là người Việt, sinh ra trên đất Việt và làm quan dưới triều Hán.

Trong tòan bộ cuốn sách, tác giả ít đặt nặng phần lý luận, mà đưa ra rất nhiều tài liệu để đối chiếu, chứng minh. Mọi thứ đều minh bạch theo kiểu “nói có sách, mách có chứng”, để ai cũng có thể nghiên cưú thêm.

Biên khảo này của anh Du Miên đặt ra nhiều công việc phải tiếp nối. Nên đem công trình này về Việt Nam để các nhà sử học trong nước tham khảo. Người trong nước cần nghiền ngẫm cuốn sách này nhiều hơn người Việt ở hải ngọai. Biên khảo cũng nên dịch ra tiếng Anh để có thể phổ biến rộng rãi hơn trên phạm vi quốc tế.

Cuốn sách không chỉ muốn lôi kéo người đọc đi tìm lại một quá khứ huy hòang đã mất của dân tộc Việt. Bởi vì hiện tại và tương lai mới là cái mà chúng ta cần quan tâm hơn. Người Mỹ chỉ có hơn 200 năm lịch sử, thế mà bây giờ nước Mỹ vẫn là cường quốc số 1 của thế giới, cho dù các nước ở Cựu Lục Địa chế diễu họ là “kém văn hóa”. Nước Trung Hoa ngày hôm nay đã là cường quốc kinh tế, quân sự, là một thế lực chính trị tòan cầu làm Mỹ, Nhật, Liên Au phải kiêng dè. Còn nước Việt Nam chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới? Câu hỏi này luôn làm cho chúng ta đau lòng. Đọc “Việt Nam: Văn Minh Suối Nguồn Phương Đông”, chúng ta sẽ có một cái nhìn mới về vị thế của dân tộc Việt trong quá khứ, để từ đó xóa đi những mặc cảm không đáng có của chúng ta so với lịch sử Trung Hoa. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tại của một nước Việt đáng buồn ngày hôm nay, để biết rằng những Người Việt yêu nước còn rất nhiều thứ phải làm cho tương lai của dân tộc…
Đoàn Hưng

12 THÁNG ANH ĐI