21 thg 9, 2012

Mỹ, Đức còn đi sau Việt cộng hàng cả chục năm.

Có một du học sinh gọi điện thoại về VN kể cho bố nghe là – Bố ơi nước Mỹ và Đức vừa đi một bước đi mới, họ đã làm một việc trong lịch sử chưa hề có.
 Lần đầu tiên nước Mỹ có một Tổng thống da màu, cha của ông ấy là một người phi châu, cha, mẹ của ông ấy đã ly dị từ lâu, ông ấy sống với bà ngoại từ nhỏ.
 Nước Đức còn đi một bước dài hơn nước Mỹ, họ vừa bầu lên một phó thủ tướng là một người VN được 2 vợ chồng Đức nhận làm con nuôi, một đứa trẻ bị bỏ rơi trở thành phó thủ tướng. Người bố ở VN bực mình trả lời cậu con 
– Mày cứ binh cho người ngoài hạ thấp người VN chúng ta, 2 cái chuyện này là bọn Mỹ và Đức bắt chước VN cả, nước VN đã làm chuyện này lâu rồi.
 Này nhé ông Nông Đức Mạnh là con của một bà dân tộc thiểu số là Nông Thị Xuân, cha của Nông Đức Mạnh là ai đéo biết, Obama đã tốt nghiệp Đại Học Harvard còn NĐM không có tốt nghiệp đại học nào hết vậy mà vẫn được làm tổng bí thư. Đấy mày thấy chưa VN tiến bộ hơn Mỹ nhiều, đừng có khen Mỹ nữa nhé. Còn nước Đức có thủ tướng là con nuôi thì đâu có gì lạ.
 Nguyễn Tấn Dũng của VN cũng đâu có cha. Mặc dù là con nuôi nhưng Phó thủ tướng Đức phải tốt nghiệp đại học rồi mới làm chính trị, còn NTD chỉ có bằng Y Tá thôi mà được làm thủ tướng, VN hay hơn Đức nhiều đừng có khen Đức Nữa nhé!

15 thg 9, 2012

Cưỡng chế ngôn ngữ


Nguyễn Hưng Quốc

Ở Việt Nam, mấy năm gần đây, có một chữ khá thịnh hành và thường gây xôn xao dư luận: “cưỡng chế đất đai”. Nhưng việc cưỡng chế ấy không phải chỉ giới hạn ở chuyện đất đai. Từ lâu, chính quyền đã có một hình thức khác: cưỡng chế ngôn ngữ. Hình thức cưỡng chế ấy có nhiều biểu hiện.

Thứ nhất, nhà cầm quyền cộng sản sử dụng ngôn ngữ như những nhãn hiệu để phạm trù hóa kẻ thù. Ngày xưa, thời kháng chiến chống Pháp, đó là những chữ “thực dân”, “Việt gian”, “địa chủ”, “cường hào” và “tư sản”; sau, thời chiến tranh Nam Bắc, đó là những chữ “đế quốc”, “chủ nghĩa thực dân mới”, “Mỹ ngụy”, “bù nhìn”, “tay sai”, “ác ôn”, “phản quốc” và “phản động”; sau năm 1975, “chủ nghĩa bá quyền”, “chủ nghĩa bành trướng”, “tư sản mại bản”, “tàn dư của chủ nghĩa thực dân” và “phản động”; gần đây, thêm hai khái niệm mới: “diễn tiến hòa bình” và “âm mưu của các thế lực thù địch quốc tế”. Đi đôi với các từ ngữ ấy ấy là vô số các ẩn dụ nhằm phi nhân hóa kẻ thù: “sài lang”, “lang sói”, “ác thú”, “quỷ dữ”, v.v.

Những nhãn hiệu ấy có ba chức năng chính: một, để chụp mũ bất cứ người nào đi ngược lại chủ trương của họ; hai, để phi nhân hóa kẻ thù: kẻ thù tồn tại không phải như những con người mà là như những khái niệm, do đó, việc tiêu diệt kẻ thù không còn nằm trong phạm trù đạo đức thông thường nữa; và ba, để dựng lên những con ngáo ộp hầu một mặt, dù dọa dân chúng; mặt khác, biện minh cho những chính sách cứng rắn, thậm chí, có tính chất khủng bố của họ. Chức năng thứ ba là thuộc tính của mọi chế độ độc tài: Họ luôn luôn cần kẻ thù, cần văn hóa chiến tranh. Nếu không có kẻ thù thì họ thêu dệt ra kẻ thù. Bóng ma của kẻ thù là một cách để vừa tập trung quyền lực vừa đánh lạc hướng dư luận. Đối diện với cái bóng ma đầy đe dọa ấy, dân chúng nói chung dễ dàng gác bỏ mọi sự hoài nghi hay ý hướng phản kháng.

Thứ hai, đặc biệt suốt cả hai cuộc chiến tranh, 1946-54 và 1954-75, là quân sự hóa các hoạt động ngôn ngữ trong đời thường. Văn học nghệ thuật biến thành hoặc “chiến trường” hoặc “mặt trận” hoặc “trận tuyến”; tác phẩm là “vũ khí”; viết lách là “tiến công”; “nhà thơ cũng phải biết xung phong”; “viết bài thơ trên báng súng”; “vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy / bên những dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”; giới cầm bút biến thành “đội ngũ”, hình thành nên cái gọi là “đội quân văn nghệ” hay “lực lượng sáng tác”, ở đó mọi người đều là những “chiến sĩ cầm bút” và đều tuân theo một “cương lĩnh chiến đấu” và cùng nhau “hiệp đồng chiến đấu”. Thơ trào phúng được xem là một “binh chủng đặc biệt” trong khi các bài ký sự hôi hổi sức nóng của đời sống thực được xem là một “mũi xung kích” hoặc “mũi nhọn tiến công” của nền văn học mới. Một nhà thơ hay một nhà văn trung thành với một vùng sáng tác nào đó thì được gọi là “bám trụ”; đi tiên phong trong một lãnh vực nào đó thì biến thành “ngọn cờ”; tập trung vào việc đả kích địch thì được ví với việc “nổ súng”; thường xuyên phê phán địch thì được biểu dương là “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Trong thơ, có những “bài thơ rực lửa chiến đấu”; trong âm nhạc, có “tiếng hát át tiếng bom”.

Vượt ra ngoài phạm vi văn học, ở các lãnh vực khác, cũng thế. Một đám đông, dù chẳng liên quan gì đến quân sự, cũng được gọi là “đội quân”: “đội quân thất nghiệp”. Làm quang đất đai thì gọi là “giải phóng mặt bằng”. Một chương trình có nhiều người tham gia và được nhà nước cổ vũ thì được gọi là “chiến dịch” (ví dụ: “chiến dịch làm sạch đường phố”). Ngày mở đầu của những chiến dịch như vậy thường được gọi là “ra quân” (“Hà Nội ra quân chống ùn tắc giao thông”). Trấn giữ một địa điểm nào đó để làm nhiệm vụ, cho dù chỉ là nhiệm vụ phòng chống lũ lụt, cũng được gọi là “đóng chốt” hay “trực chiến” (“Chính quyền, các cơ quan chủ quản đã cử người đóng chốt, trực chiến tại những địa điểm nhiều nguy cơ lũ tràn về”) (1). Cách thức ăn uống đặc biệt cho một loại người nào đó trở thành “chế độ” ăn uống. Tự mình dằn vặt suy nghĩ để đi đến một quyết định quan trọng nào đó thì được gọi là “đấu tranh tư tưởng”. Tố Hữu có hai câu thơ tả một cánh đồng hợp tác xã ở miền Bắc: “Hãy xem! Đồng ruộng cũng chỉnh tề thế trận / Lúa đứng thẳng hàng quyết tâm năm tấn.” Một nhà thơ nào đó, hình như là Trinh Đường, có câu thơ tả tình yêu: “Tình yêu anh, em ạ, cũng lên nòng.”

Thứ bahành chính hóa ngôn ngữ. Ở xã hội nào cũng có lớp từ vựng hành chính riêng. Xưa, có các từ sớ, tấu, chiếu, chỉ, bẩm, báo, trình, với những “quan”, những “cụ”, những “thầy” các loại. Xã hội ngày nay cũng vậy. Cũng có “cán bộ”, có “đồng chí”, có “báo cáo”, có “phương án giải quyết”, có “đăng ký” và “quản lý”, v.v. Chỉ có vấn đề là, khác với các nơi và thời khác, dưới chế độ cộng sản, lớp từ hành chính ấy cứ tràn ra đời sống hàng ngày. Ở mọi nơi. Kể cả những nơi quan hệ giữa người và người không có chút hành chính gì cả.

Cũng có khi đó là chủ trương chung của nhà cầm quyền: Để xây dựng một xã hội mới với những con người mới, và đặc biệt, những quan hệ mới, người ta cổ vũ việc sử dụng lớp từ hành chính trong mọi trường hợp. Bạn bè là “đồng chí” của nhau. Những người “đồng chí” ấy không chuyện trò với nhau: Họ “trao đổi” hoặc “báo cáo” cho nhau, rồi “tự phê” và “phê bình” nhau. Sau những “báo cáo” và những “phê bình” ấy, người ta không cần hiểu rõ: Người ta chỉ cần “quán triệt”. Nếu một người còn hoang mang, người khác sẽ tiếp tục giúp “đả thông tư tưởng”. Con trai và con gái không gặp nhau: họ “phát hiện” ra nhau; họ không yêu nhau: họ có “quan hệ tình cảm” với nhau; họ không làm đám cưới với nhau, họ chỉ “đăng ký kết hôn”. Ngày xưa, chỉ có các nhà tư tưởng mới “tư duy” (Tôi tư duy vậy tôi hiện hữu, “Cogito ergo sum”, Descartes), bây giờ, trong quần chúng, ai cũng “tư duy” nên mặt mày ai cũng “khẩn trương” và cũng đầy “bức xúc”, nhất là khi gặp một “sự cố” gì đó mà người ta chưa có “phương án giải quyết”.

Việc hành chính hóa ngôn ngữ ấy làm xóa mờ ranh giới giữa cái riêng và cái chung, tính chất cá nhân và tính chất tập thể, kích thước xã hội và kích thước chính trị trong đời sống con người. Từ cái nhìn bên ngoài, chúng ta dễ thấy việc hành chính hóa ngôn ngữ ấy là một sự hài hước, thậm chí, lố bịch, do đó, nó trở thành đề tài của các truyện cười nhạo báng chế độ, kiểu nói chuyện với bố mẹ hay anh em bạn bè mà dùng chữ “báo cáo”; xin kết hôn mà dùng những chữ to tát như “đăng ký” hay “quản lý đời em”; hối thúc một người nào đó mà dùng chữ “hãy khẩn trương lên”… Tuy nhiên, từ cái nhìn trong cuộc, với việc phổ cập của lớp từ vựng hành chính trong đời sống hàng ngày như vậy, nhà cầm quyền đã thành công trong việc nhồi sọ quần chúng, biến mọi người thành một thứ công cụ như được đúc ra từ một cái khuôn duy nhất: người ta không còn sự riêng tư và sự độc đáo nữa.

Thứ tưtạo nên những từ mới hoặc áp đặt lên các từ cũ một nội dung mới hoàn toàn trái ngược hẳn với hiện thực vốn có. Ví dụ cho loại này nhiều vô cùng: thay cho chữ “trại tù”, họ gọi là “trại học tập” hay “trung tâm phục hồi nhân phẩm”; thay cho chữ “nhồi sọ”, họ gọi là “cải tạo tư tưởng”; thay vì gọi thẳng là tịch thu đất đai của địa chủ, họ dùng chữ “cải cách ruộng đất”; thay vì gọi thẳng tịch thu tài sản của người giàu, họ gọi là “đánh tư sản”; thay cho chữ “làm quan”, họ tự xưng là “đầy tớ nhân dân”; thay cho chữ “độc tài”, họ lại gọi là “làm chủ tập thể”; cán bộ đồi trụy, thay vì nói đồi trụy, họ dùng chữ “hủ hóa”; đối với hiện tượng tham nhũng hay thoái hóa của đảng viên, thay vì dùng chữ “nhiều”, họ dùng chữ “không ít” hoặc “một bộ phận”; thay vì thừa nhận thất bại trước các thử thách, họ dùng cách nói “từng bước khắc phục”; thay vì “bắt lính”, họ gọi là “đi nghĩa vụ quân sự”; thay vì nói đánh chiếm Campuchia, họ nói họ đang làm “nghĩa vụ quốc tế”; thay vì nói “bế tắc”, họ dùng chữ “hạn chế tất yếu”; những gì họ thích thì họ gọi là “bản chất” và “khách quan”; những gì không thích thì họ gọi là “hiện tượng” và “chủ quan”.

Gọi như thế, người ta bất chấp cả sự thật. Chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới và những mặt trái của nó đã được vạch trần và đã trở thành hiển nhiên với mọi người, họ vẫn tiếp tục gọi nó là “tiến bộ”, là “đỉnh cao”, là “ưu việt” và là “quy luật phát triển” của lịch sử. Không có tự do bầu cử và cũng không có bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý nào, người ta vẫn khăng khăng nhân danh “ý nguyện của toàn dân” để duy trì sự độc quyền lãnh đạo của mình. Suy nghĩ cũ mèm mà vẫn cứ ba hoa là “đổi mới tư duy”. Gần đây, họ gọi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn là các cuộc “tụ tập tự phát” của quần chúng; tàu Trung Quốc đâm nát tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ngoài Biển Đông được gọi là “tàu lạ”; những vấn đề nhà cầm quyền không muốn nghe thì gọi là “nhạy cảm”, v.v.

Có thể nói, với những cách dùng từ hoặc định nghĩa từ ngang ngược như vậy, người ta tiến hành một cách quy mô, kiên trì và có hệ thống một cuộc cưỡng chế trong lãnh vực ngôn ngữ. Hậu quả là nó làm thay đổi hẳn ý nghĩa của rất nhiều từ quen thuộc hoặc làm cho chúng trở thành rỗng tuếch, không còn mang một ý nghĩa gì cả. Những chữ như “cách mạng”, “giải phóng”, “công bằng”, “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tiến bộ”, “phát triển”, “đỉnh cao trí tuệ”, “làm chủ tập thể”, “quần chúng”, “nhân dân”, thậm chí, cả chữ “yêu nước”… đều nằm trong trường hợp như thế. Ngay cả những chữ đơn giản như “đúng” và “sai”, “thật” và “giả”, “tiến bộ” và “lạc hậu”, “tốt” và “xấu”… cũng không còn nguyên nghĩa của chúng nữa. Trong các cặp đối lập ấy, khái niệm thứ nhất bao giờ cũng được sử dụng cho đảng, hoặc rộng hơn chút, cho “phe ta”; còn khái niệm sau bao giờ cũng thuộc về phe địch. Không có ngoại lệ. Đã là địch thì phải sai, phải giả, phải xấu và phải lạc hậu. “Ta” thì, ngược lại.

Trong cuốn phim tài liệu Chuyện tử tế, Trần Văn Thủy đi hỏi ý nghĩa hai chữ “tử tế” và “vĩ đại”, hầu như ai cũng lúng túng. Bây giờ thử hỏi những người Việt Nam bình thường những từ như “tình hữu nghị” hay “láng giềng tốt” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thực sự có nghĩa là gì, hẳn ai cũng thấy hoang mang. Khi những người yêu nước, vì công phẫn trước những thái độ uy hiếp ngang ngược và trắng trợn của Trung Quốc xuống đường biểu tình, bị chính quyền, cũng nhân danh lòng yêu nước, trấn áp, đánh đập, bắt bớ, sỉ nhục và bị xem như một “thế lực thù địch”, người ta không còn thấy đâu là ranh giới giữa yêu nước và bán nước nữa. Bài thơ “Lẫn lộn lung tung” của Bùi Giáng, làm trước năm 1975, có giá trị như một sự tiên tri:

Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây.

***
Chú thích:

1. Ví dụ này và ví dụ trên được dẫn lại từ bài “Dấu vết chiến tranh trong tiếng Việt” của Nguyễn Đức Dân trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 2.9.2012

http://www.voatiengviet.com/content/cuong-che-ngon-ngu/1506742.html

12 thg 9, 2012

Một Bài Thơ Không Đề Tựa (đọc dễ chảy nước mắt )


Phạm Đức Nhì

Tự Do như muối
Hạnh Phúc như đường
Khi còn đang ăn đủ miếng ngọt miếng ngon
Khó thấy giá trị của hạt đường hạt muối

tôi sống ở miền Nam
nhìn dòng đời trôi nổi
nở lại tàn
bao nhiêu mùa hoa
hai nền Cộng Hoà
một cuộc chiến tranh dài đẫm máu
tôi đã dốc lòng chiến đấu
bảo vệ tự do
dưới lá cờ
nền vàng ba sọc đỏ

tiếc thay trong đội ngũ
chúng tôi có ít những Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam
mà lại khá nhiều Nguyễn Vĩnh Nghi, Nguyễn Văn Toàn
nên lính mất niềm tin
dân chán nản
những kẻ có lòng
lắc đầu ngao ngán
rồi nước Mỹ đồng minh, xưa là bạn
nay trở mặt lọc lừa
quên lời hứa năm xưa
bỏ mặc « tiền đồn của thế giới tự do »
thất thủ

kẻ thù đưa tôi lưu đày biệt xứ
rồi khua chiêng gióng trống ăn mừng
đám trí thức, sinh viên, học sinh
xưa trốn vô bưng
mơ một thiên đường trên trái đất
nay ngồi trên khán đài nghếch mặt
« Thiên đường đang ở trong tầm tay »
Má Hai
xưa đào hầm nuôi cán bộ
nay hớn hở
« Tụi nó dzià mình chắc có tương lai »
bà Tám con chết trận Đồng Xoài
hãnh diện lãnh bằng gia đình liệt sĩ
những nhà văn, nhà thơ, xưa chống « cuộc chiến tranh phi lý »
(đâm sau lưng người lính Cộng Hoà )
nay chìa bút ra
xin viết bài ngợi ca chế độ mới
đám thanh niên xưa trốn chui trốn nhủi
ở hậu phương
xanh mặt khi nghe nhắc tới chiến trường
nay tự nhận đã yêu thầm cách mạng
những người dân bình thường
xưa gặp lính khi ghét khi thương
lúc buồn ngồi chửi đổng
« Tao chửi cả thằng Tổng Thống
xá gì lính tráng tụi bay »
nay cũng ngập ngừng vỗ tay
nhưng mắt nhìn quanh lấm lét
họ chưa có câu trả lời dứt khoát
muốn đợi một thời gian

sau vài năm
cuộc hôn nhân qua tuần trăng mật
đã đầy nước mắt
và những tiếng nấc nghẹn ngào
đám trí thức vô bưng năm nào
tức giận thấy mình bị bội phản
buông lời phản kháng
kẻ vô khám Chí Hoà
người bị quản thúc tại gia
đưổi gà cho vợ
thiên đường ước mơ sụp đổ

má Hai
đã quen dần với bo bo, với sắn với khoai
như người dân miền Bắc
những cán bộ xưa má nuôi trong hầm bí mật
đã ra lệnh bắt má mấy lần
má không đủ ăn
lấy đâu đóng thuế

bà Tám ôm tấm bằng Gia Đình Liệt Sĩ
bụng đói meo
làng trên xóm dưới ai cũng nghèo
tình người hiếm hơn hồi đó
bà ra mộ con ngồi nhổ cỏ
khóc thầm

những văn nhân
một thời phản chiến
« ngộ biến tòng quyền »
cố bẻ cong ngòi bút
nhưng với văn thơ, với nhạc
quen phóng túng tự do
sao chịu nổi gông xiềng
lại tiếc những ngày trời rộng thênh thang
muá bút

đám thanh niên hèn, khoác lác
tưởng được chế độ mới tin dùng
bị đi lao động quốc phòng
thanh niên xung phong
làm việc không công nơi rừng sâu nước độc
cháy da vàng mắt
đói lòng

những người dân
xưa chửi vung chửi vít
nay im thin thít
chẳng dám hé môi
một số kẻ lỡ lời
bị đi « tù không án »
khi cán bộ xưng tụng bác Hồ, ca ngợi Đảng
họ cao giọng hoan hô
vỗ tay thật to
nhưng bụng thầm ao ước được sống lại những ngày xưa cũ

sau ba mươi tháng tư, đớn đau tủi hổ
là gia đình người lính Cộng Hoà
kể bị cướp nhà
người bị cướp đất
con bị đuổi học
vợ mất sở làm
chồng đi tù biệt tăm
đi họp, cán bộ Cộng Sản mỉa mai nhiếc móc
ra đường bị lườm dọc nguýt ngang

đến khi ruộng vô tập đoàn
gạo vải sữa đường bán theo tiêu chuẩn
nhà máy công ty hãng xưởng
trờ thành quốc doanh
công an khu vực đầy quyền hành
thực thi chính sách nhân hộ khẩu
người dân chịu đời không thấu
mà chẳng dám than vãn kêu ca
bấy giờ gia đình người lính Cộng Hoà
mới nhận được những tia nhìn thiện cảm
nghĩ đến con, đến chồng, đến cha
trong nhà tù Cộng Sản
họ hãnh diện ngẩng đầu

hôm nay giữa trời cao
được thấy lá Vàng Ba Sọc Đỏ
phất phới bay trong gió
tôi muốn khóc thật to
tôi muốn hét lên
« Đây Hạnh Phúc ! Đây Tự Do ! »
Mà thuở nào tôi đã buông tay đánh mất
để phải chôn tháng năm tươi đẹp nhất
của cuộc đời
trong các trại tù rải rác khắp nơi
trên đất nước
họ hàng tôi, đồng bào tôi
những ai không đi được
mấy chục năm trường
gánh chịu đau thương
uất hận tủi hờn
nhìn quê hương tan nát
mẹ Việt Nam ơi ! Những đứa con lưu lạc
đã nhận rõ lỗi lầm
đang đấu tranh âm thầm
cho một ngày quang phục

sẽ còn nhiều khó nhọc
để dành lại giang san
từ tay bọn Cộng Sản tham tàn
nhưng kìa ! Phất phới bay trong gió
vẫn như ngày nào
lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ
mà sao hôm nay chính nghĩa sáng ngời
chẳng cần một lời luận bàn lý giải

tôi đứng lặng nhìn, lòng khoan khoái
lá cờ vẫn còn đây
thì quê hương ơi ! Sẽ có một ngày.

Phạm Đức Nhì
Viết tại San Leon sau một lần dự lễ dựng kỳ đài tại Houston

10 thg 9, 2012

Thủ tướng Singapore nêu chuyện biển Đông tại Trung Quốc

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có ý kiến với các lãnh đạo Trung Quốc rằng hình ảnh quốc tế của nước này quan trọng hơn những lợi ích ở biển Đông.


Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (phải) đón Thủ tướng Lý Hiển Long tại Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Ông Lý vừa có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 6 ngày, kết thúc hôm 7.9. Ngoài các cuộc gặp gỡ với những lãnh đạo cao cấp nhất ở Bắc Kinh - trừ Phó chủ tịch Tập Cận Bình - ông Lý cũng đi thăm nhiều dự án lớn của Singapore ở các tỉnh khác. Tại Bắc Kinh ngày 6.9, ông có cuộc đối thoại ở Trường Trung ương Đảng với khoảng 300 quan chức cấp cao nước chủ nhà. Ông Lý đã phát biểu bằng tiếng quan thoại đến 40 phút, theo sau là phần hỏi đáp mà ông trả lời bằng tiếng Anh.

Lập trường của Singapore

Về quan hệ với Trung Quốc, ông Lý nói thẳng: “Đa số dân Singapore là người Hoa. Nhưng bao quanh chúng tôi là những quốc gia mà người Hoa chiếm thiểu số và vị trí của họ là một vấn đề chính trị tế nhị. Vì vậy, chính sách ngoại giao của chúng tôi là hành động độc lập dựa trên các lợi ích quốc gia của mình. Chúng tôi trân trọng quan hệ gần gũi với Trung Quốc và với các nước khác”.
Đứng trên lập trường đó, ông Lý nhìn nhận quan hệ Trung Quốc - Mỹ là quan hệ quan trọng nhất đối với mỗi bên và cả thế giới. “Toàn bộ khu vực chúng ta sẽ bị ảnh hưởng tùy thuộc vào sự phát triển của quan hệ này”, ông nói. Giữa lúc xuất hiện nhiều ý kiến về sự yếu đi của Mỹ, Thủ tướng Singapore chỉ ra rằng: “Mỹ không phải là quốc gia đang đi xuống. Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường trong một tương lai có thể dự đoán được”. Lý do, theo ông, là nước Mỹ có sức bật và sức sáng tạo tuyệt vời nhờ những người nhập cư. “Tất cả 8 người gốc Hoa từng đoạt giải Nobel đều là công dân hoặc cuối cùng cũng trở thành công dân Mỹ”, ông nhắc nhở.

Bất chấp vị trí khách mời ở Bắc Kinh, Thủ tướng Singapore nói: “Mỹ có những lợi ích chính đáng ở châu Á và có một vai trò ở đây mà không nước nào có được”. Vai trò đó, theo ông, không chỉ nhờ sức mạnh quân sự và kinh tế, mà còn vì những lý do lịch sử. “Đó là lý do nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương hy vọng Mỹ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, và Singapore tin tưởng như vậy”, ông nói.

Giữ gìn hình ảnh

Ông Lý cũng thẳng thắn bày tỏ lo lắng rằng những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực cũng như nền kinh tế, hoạt động giao thương đường biển của Singapore. “Singapore có lập trường rõ ràng và nhất quán trong vấn đề biển Đông. Chúng tôi không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền nên không đứng về bên nào. Nhưng chúng tôi có những lợi ích sống còn ở đó”, ông phát biểu.

Ông đề nghị: “Tranh chấp chủ quyền và quyền khai thác các nguồn lợi ở biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình theo công pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về luật Biển”. Ông cũng kêu gọi ASEAN đoàn kết và thống nhất để tránh tình trạng các thành viên bị buộc phải chọn theo một thế lực nào đó. Bằng không, “Đông Nam Á sẽ trở thành đấu trường mà chẳng ai chiến thắng cả”, ông cảnh báo. “Biển Đông là trái tim của ASEAN. Vì vậy, nếu ASEAN không giải quyết được vấn đề tranh chấp thì uy tín của khối sẽ bị hủy hoại”. Bản tuyên bố lập trường 6 điểm của ASEAN về biển Đông vào ngày 20.7 là một tiến bộ, và “chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ cùng ASEAN sớm đối thoại về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông”, ông Lý nói.

Trong phần trao đổi với các quan chức nước chủ nhà, ông Lý cũng chỉ ra rằng những hành động của Trung Quốc ở biển Đông sẽ được các nước lấy làm cơ sở đánh giá ý nghĩa thực chất của việc nước này đang mạnh lên. Vì vậy, ông kỳ vọng Bắc Kinh sẽ “kéo dài giai đoạn trỗi dậy” bằng cách góp phần tạo dựng hòa bình và thịnh vượng cho chính mình, châu Á và cả thế giới, thay vì gây quan ngại như cách họ đang làm. “Các bãi cạn là quan trọng, các giếng dầu là quan trọng, các mỏ khí dưới lòng biển Đông cũng quan trọng. Nhưng hình ảnh dài lâu của Trung Quốc, không chỉ đối với ASEAN mà với cả thế giới, là cực kỳ quan trọng", ông Lý nhắc nhở.

Thục Minh
(VP Singapore)

2 thg 9, 2012

Sáu mươi bảy năm và bi kịch to lớn của cả dân tộc

Song Chi/Người Việt

Cứ vào ngày 2 Tháng Chín hàng năm, nhà cầm quyền Việt Nam lại long trọng tổ chức lễ kỷ niệm.
Báo chí nhà nước, nhất là những tờ đậm tính đảng như Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng... sẽ lại có những bài tổng kết, nhai lại những luận điệu cũ. Chẳng hạn như Việt Nam qua chặng đường dài hơn 6 thập kỷ “dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng cộng sản đã liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” ra sao.

Mối quan tâm của hàng triệu người Việt Nam hiện nay là kiếm miếng ăn hàng ngày. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Truyền hình sẽ lại chiếu những hình ảnh về cái ngày 2 Tháng Chín năm 1945, những bộ phim tài liệu so sánh đất nước hồi đó và bây giờ đã phát triển vượt bực như thế nào. Các lãnh đạo lại xuất hiện, với những bài diễn thuyết hùng hồn về ý nghĩa của ngày độc lập, về hạnh phúc của dân tộc Việt Nam được có sự dìu dắt lãnh đạo của đảng...

Và cuối cùng chốt lại, “...Nhân dân Việt Nam cương quyết tiếp tục đi theo con đường đã chọn lựa là tiến lên chủ nghĩa xã hội, dưới ánh sáng tư tưởng của học thuyết Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường. Kiên quyết đập tan mọi âm mưu chống phá, diễn biến hòa bình đòi đa nguyên đa đảng của các thế lực thù địch trong ngoài” vân và vân.

Chỉ có điều, càng ngày dường như người dân càng ít quan tâm đến ý nghĩa thật sự của những dịp “lễ, giỗ chính trị” và những bài thuyết giáo hùng hồn của các ông lãnh đạo.

Với đa số người dân bình thường, ngày 2 Tháng Chín chỉ còn là một ngày mà người ta vui mừng vì được nghỉ làm, ai có tiền thì đi chơi, không có tiền thì nằm nhà nghỉ cho khỏe.

Với đa số người dân bình thường ở Việt Nam bây giờ, cuộc sống là một cuộc chạy đua vất vả với cơm áo gạo tiền hàng ngày.

Một cuộc đua mà trong đó người dân luôn luôn bị hụt hơi vì vật giá cứ chạy đằng trước họ một quãng xa. Trong khi hành trang của họ thì bị oằn xuống bởi gánh nặng thuế má chất chồng, do phải trả những món nợ khổng lồ gây ra bởi sự tham nhũng, lãng phí và làm ăn kém cỏi của nhà nước.

Cái gánh ấy còn nặng thêm bởi muôn ngàn nỗi lo nỗi sợ do trót phải sống trong một cái xã hội mà sự bình an trong tâm hồn, sự an toàn cho bản thân hay những khái niệm về tự do dân chủ là điều xa xỉ còn sinh mạng con người thì rẻ như bèo.

Với một gánh nặng như vậy, con người chỉ còn có thể chúi mũi đuổi theo cái vòng cơm áo hàng ngày. Chẳng hơi đâu mà nghĩ đến giấc mơ xã hội chủ nghĩa hay kịp hoàn hồn để vui sướng với “những thành tựu rực rỡ nhờ ơn đảng và nhà nước”!

Trong khi đó, những ai quan tâm đến vận nước, theo thời gian, ngày 2 Tháng Chín trở thành nỗi xót xa day dứt.

Theo thời gian, những luận điệu tuyên truyền kiểu như “dù sao đảng cộng sản cũng có công lao lớn đối với đất nước, dân tộc là đã giành được độc lập, đánh thắng hai đế quốc to Pháp, Mỹ, thống nhất đất nước, giữ vững sự hòa bình ổn định chính trị và đưa Việt Nam phát triển như ngày hôm nay...” dần dần không còn thiêng nữa.

Những thông tin từng một thời bị bưng bít, những tư liệu lịch sử... đã được tiết lộ khá nhiều với những ai muốn tìm biết sự thật.

Ðã từng có những câu hỏi nếu đảng cộng sản không giành được chính quyền, nếu như không có cái ngày 2 Tháng Chín năm 1945, nếu Việt Nam không đi theo con đường do đảng cộng sản lãnh đạo... số phận đất nước và dân tộc Việt Nam sẽ như thế nào.

Tất nhiên, sẽ không có cuộc chiến tranh với Pháp, không có vụ Cải Cách Ruộng Ðất, vụ Nhân Văn Giai Phẩm, miền Bắc không phải đói nghèo đến thế do hậu quả của nền kinh tế bao cấp.

Ðất nước sẽ không bị chia cắt 2 miền. Không có cuộc chiến tranh Nam Bắc với Mỹ là đồng minh hỗ trợ cho miền Nam và Liên Xô, Trung Quốc cùng toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa hỗ trợ, tiếp tế cho miền Bắc. Không có cái giá thống nhất phải trả bằng mấy triệu người ngã xuống và một đất nước hoang tàn.

Không có những chính sách sai lầm về kinh tế sau chiến tranh dẫn đến việc hàng triệu người bỏ nước ra đi, hàng triệu người khác nằm lại mãi mãi dưới lòng biển sâu. Kinh tế miền Nam bị đánh sập lùi lại hàng chục năm và cả nước suýt đứng bên bờ vực chết đói trước khi mở cửa về kinh tế.

Không có cuộc chiến Tây Nam với Campuchia và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc; Hoàng Sa, Trường Sa, thác Bản Giốc, hàng trăm kilomet lãnh thổ dọc biên giới phía Bắc và hàng trăm dặm lãnh hải không bị mất.

Việt Nam không bị tụt hậu hàng chục, thậm chí hàng trăm năm so với các nước láng giềng. Quan trọng nhất, Việt Nam không bị trói chặt, lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc từ chính trị cho đến kinh tế, và đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược như hiện nay...

Nếu và nếu...

Không ai có thể quay ngược thời gian, quay ngược bánh xe lịch sử. Cũng chẳng có ích gì để nhắc mãi những chữ “nếu.”

Chỉ là để những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, những kẻ bồi bút, cũng như những ai còn tin vào những gì nhà cầm quyền nói, hiểu rằng có phải nếu không có đảng thì dân tộc Việt Nam không có được ngày hôm nay hay ngược lại.

67 năm kể từ ngày đảng cộng sản tuyên bố nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, tức nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bây giờ, chỉ mong sao người dân ngày càng hiểu ra nhiều vấn đề.

Mong những ai đã có dịp đi du lịch sang các nước có mô hình thể chế tự do dân chủ, có thể so sánh người Việt Nam đang sống như thế nào và Việt Nam hiện đang tụt hậu về mọi mặt ra sao so với nước khác.

Mong những ai chưa từng đi du lịch bất cứ đâu, nhưng chỉ cần tìm hiểu qua các kênh thông tin bên ngoài, cũng nhận ra bi kịch của đất nước và sự thiệt thòi của dân tộc Việt Nam. Và nguy cơ tụt hậu càng xa lẫn nguy cơ mất nước khi còn tiếp tục đi theo mô hình thể chế chính trị hiện tại do đảng cộng sản lãnh đạo.

Ngay cả những ai không có cả thì giờ, điều kiện tìm hiểu thông tin bên ngoài, thì thực tế cuộc sống hàng ngày đã là những câu trả lời sinh động nhất.

Dân tộc này đã đổ máu quá nhiều, đã hy sinh vài thế hệ cho tham vọng cướp và giữ chính quyền của đảng cộng sản, nhưng cho đến ngày hôm nay, những ai thực sự được lợi từ cái giá quá đắt này?

Là những ông quan to quan nhỏ, tầng lớp tư bản đỏ, những kẻ tiếp tục thay thế tầng lớp phong kiến địa chủ cường hào ác bá ngày xưa để ngồi lên đầu lên cổ nhân dân, với mức độ còn tệ hại hơn. Người nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị, công nhân viên chức, trí thức văn nghệ sĩ... tiếp tục bị bóc lột, bị khinh rẻ, chà đạp.

Ðất nước chưa bao giờ bị tàn phá đến vậy bởi một hệ thống chính quyền đã tạo ra và dung dưỡng, bao che cho bọn tham nhũng, bọn cướp ngày ngang nhiên vơ vét, bán tháo tất cả từ tài nguyên thiên nhiên, tài sản, lãnh thổ lãnh hải của đất nước. Cho đến từng đồng tiền đóng thuế, tiền gửi tiết kiệm... mồ hôi xương máu của nhân dân.

Ðất nước tiếp tục bị tàn phá bởi những kẻ bất tài, ngu dốt và tham lam, phá nát từ thiên nhiên, môi trường, đạo đức xã hội, văn hóa cho đến cái đẹp, cái thiện, thế giới tâm linh, nhân tính trong từng con người.

Chỉ cần nhìn từ cuộc sống trong xã hội Việt Nam hàng ngày cũng có thể nhận ra cái bi kịch hiện tại vô cùng to lớn của cả dân tộc.

Ðể hiểu rằng chỉ có người Việt Nam tự cứu lấy mình, cứu lấy dân tộc và đất nước.

Trước khi quá trình tàn phá được thực hiện trọn vẹn, để lại cho tương lai một đất nước tan hoang, rỗng ruột và những gánh nợ khổng lồ.

Trước khi quá trình xâm lược dần dần không tốn một viên đạn của nhà cầm quyền Trung Quốc cộng với sự tự nguyện cam tâm làm tay sai của nhà cầm quyền Việt Nam hoàn tất. Và người Việt Nam một buổi sáng thức dậy bàng hoàng nhận ra một chu kỳ Bắc thuộc mới lại bắt đầu!

12 THÁNG ANH ĐI