29 thg 7, 2009

Hãng thông tấn của Trung Quốc cho rằng “bất ổn được che đậy” trên Biển Nam Trung Hoa nay đã lộ rõ


Bản tin của Hãng thông tấn Zhongguo Tongxung She đóng tại Hong Kong

Bắc Kinh, 13-7 (ZTS) – Vấn đề Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] có một lịch sử dài lâu. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã cam kết giải quyết vấn đề này trong một thái độ ôn hòa và đã cố gắng gian khổ để kiến tạo nên môi trường xung quanh ổn định và hòa bình. Hoàn cảnh hiện nay trong toàn khu vực Biển Nam Trung Hoa là tương đối ổn định. Tuy nhiên, những nan đề ẩn khuất đã trở nên dễ nhận thấy.

Trong số ra mới đây nhất của tờ “World Vision” đã dẫn lời Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hải Nam về Biển Nam Trung Hoa, nói rằng những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trên Biển Nam Trung Hoa và vị trí chiến lược quan trọng của vùng biển này trong vai trò là một tuyến hải hành đã làm cho Biển Nam Trung Hoa trở thành một tâm điểm cho cuộc tranh đua nóng bỏng đối với tất cả các bên trong tương lai. Tranh cãi về Biển Nam Trung Hoa liên quan tới Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực (ví như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Bruney). Song, các quốc gia ở xa vùng biển này – ví dụ như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ – cũng đã hăng hái can dự vào cuộc tranh chấp. Khu vực này vẫn còn ổn định, giờ đây phải chịu ảnh hưởng của nhiều bên. Các quốc gia láng giềng trong khu vực đã theo đuổi một chiến lược rất rõ ràng trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa: làm phức tạp vấn đề Nam Sa [Trường Sa] đến mức đẩy Trung Quốc vào giữa tình thế đặng chẳng đừng và quá quắt đối với Trung Quốc tới mức phải giải quyết vấn đề này ngay tức khắc.

Việc phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên đã gây nên cuộc đua tranh nổi lên trên Biển Nam Trung Hoa

“Tranh chấp ở Nam Sa quanh vấn đề chủ quyền quần đảo này và quyền pháp lý của vùng biển này, thực chất, là một sự câu kết quanh những lợi ích chiến lược và đua tranh đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên,” theo nhận xét của Chủ tịch Wu Shicun. Các quốc gia quanh Biển Nam Trung Hoa đã đẩy mạnh việc thăm dò và khai thác dầu lửa và khí gas tự nhiên, đã công khai mời chào đấu giá, và mời các công ty dầu quốc tế tới khai thác. Các nước láng giềng trong khu vực đã khai thác được ít nhất là 50 triệu tấn dầu lửa mỗi năm từ Biển Nam Trung Hoa, bằng với sản lượng hàng năm của mỏ dầu Daqing. Các quốc gia trong khu vực đã mâu thuẫn với nhau trong việc phân chia Biển Nam Trung Hoa – một khu vực cho thấy có các mỏ dầu chồng lấn lên nhau. Các nước này tiếp tục bành trướng phạm vi khai thác của mình, mà phần lớn trong số đó là nằm bên trong phạm vi đường ranh giới truyền thống của Trung Quốc.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Giáo sư Feng Yongfu tin rằng Trung Quốc – với tư cách là một cường quốc lớn trong khu vực – cần phải giữ vị thế vượt trội trong khu vực này. Trung Quốc không nên ngồi chờ các nước khác thực hiện các kế hoạch khai thác chung những nguồn tài nguyên này. Thay vào đó, Trung Quốc cần phải có sáng kiến đề xuất và thực hiện một kế hoạch chứng tỏ sự hiện diện của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở Nam Hải, trong tiến trình khai thác tài nguyên thiên nhiên trên Biển Nam Trung Hoa.

Những thái độ của các cường quốc lớn xứng đáng với mối quan tâm của chúng ta

Mới đây, tất cả các nước phía đông nam trừ Indonesia – như Philippines, Malaysia và Việt Nam – đã thiết lập các cơ quan đặc biệt nhằm bảo vệ các quyền lợi trên biển của họ và thậm chí đã sử dụng lực lượng quân sự kiểm soát các vùng biển liền kề. Vào cuối năm ngoái, chính phủ Indonesia đã lập một nha đặc biệt thực hiện các vụ bắt giữ nằm trong Bộ Hàng hải và các Vấn đề về Nghề cá. Cơ quan này đã được trang bị gần 30 chiếc tàu giám sát và với một viên tướng hải quân nhằm phối hợp tất cả các bên trong các hoạt động. Những chiếc tàu của cơ quan này đã nhiều lần xâm phạm các vùng lãnh hải truyền thống của Trung Quốc để bắt giữ và đẩy đuổi các tàu cá của Trung Quốc. Theo tờ International Herald Tribune, các nước này đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc đang đánh bắt cá hợp pháp trong những vùng biển này và đã phóng thích họ; điều này đã tái phạm lặp đi lặp lại nhiều lần. Nó đã biểu lộ thực sự sự kiểm soát và quyền pháp lý của họ trên vùng biển này; và tiêu biểu cho một dạng tuyên bố chủ quyền tối cao theo ý họ.

Thái độ của các cường quốc lớn trên thế giới như Hoa Kỳ và Úc – là xứng với sự chú ý của chúng ta. Theo tờ Kuala Lumpur Security Review, vị chỉ huy lực lượng phòng thủ, Thống chế Không quân Anggus Houston, đã tuyên bố với tạp chí này rằng mối quan tâm của nước Úc ở Biển Nam Trung Hoa nằm trong việc duy trì sự ổn định trên khắp khu vực, trong đó có quần đảo Nam Sa, vì vậy mà tuyến hải hành này – cũng là một trong những tuyến đường biển có tầm quan trọng toàn cầu – có thể tiếp tục được mở ngỏ và tự do sử dụng. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates mới đây đã nói rằng vị thế của Hoa Kỳ trong cuộc tranh cãi quanh vấn đề chủ quyền của Quần đảo Nam Sa là: “Hoa Kỳ không có bất cứ thái độ nào.” Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã gửi bốn tàu chiến được trang bị hệ thống phòng vệ tới hướng dẫn một cuộc tập trận chung với các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Nam Trung Hoa, là hoạt động hiếm khi xảy ra trước đây.

Theo tạp chí này, phạm vi hoạt động của Malaysia trong cuộc diễn tập này đã bắt đầu trong 10 ngày cuối tháng Sáu. Trong hoạt động này, Hoa Kỳ đã gửi tới 1.600 sĩ quan và binh lính, hai tàu chiến được trang bị hệ thống phòng vệ tổng hợp – mà Trung Quốc gọi là “Xiafei” và “Zhongyun” – những phi cơ săn tàu ngầm cũng như những loại chiến đấu cơ F/A-18 Hornet. Vào ngày 28 tháng Sáu, những chiến hạm từ Hoa Kỳ và Malyasia đã tiến vào Biển Nam Trung Hoa và hướng dẫn một cuộc tập luyện theo đội hình. Các chuyên gia về tàu chiến Hoa Kỳ nói rằng ý nghĩa của sự có mặt của các chiến hạm được trang bị hệ thống phòng vệ của Hoa Kỳ ở Biển Nam Trung Hoa cho thấy rằng một khi có một cuộc chiến tranh nổ ra, chiến hạm Hoa Kỳ có thể tạo nên một chiến khiên phòng thủ trên không ở Biển Nam Trung Hoa.

Nguồn: Hãng thông tấn Zhongguo Tongxun She, Hong Kong, Trung Quốc ngày 13-7-2009

Hiệu đính: Trần Hoàng

Mỹ tăng cường thế bao vây Trung Quốc và biện pháp ứng phó của Bắc Kinh


Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thời gian gần đây, trước sự điều chỉnh chiến lược quân sự của Mỹ và tình hình diễn biến phức tạp ở Triều Tiên, Afghanistan, Pakistan, Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], có nhiều dư luận cho rằng Mỹ đang tăng cường thế bao vây đối với Trung Quốc. Phản ánh xung quanh vấn đề này, bài viết đăng trên Mạng Tin tức Quốc phòng của Trung Quốc mới đây bình luận:

1. Lý do đòi hỏi Mỹ phải có điều chỉnh chiến lược

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có vị trí ngày càng quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đang đe doạ đến vị trí chiến lược của Mỹ ở khu vực này. Tình hình bán đảo Triều Tiên đang rất căng thẳng trước thái độ cứng rắn của các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đặc biệt là sau khi nước này thử hạt nhân và liên tiếp phóng tên lửa. Tình hình Biển Nam Trung Hoa đang có diễn biến rất phức tạp, tranh chấp giữa các nước xung quanh ngày càng trở nên quyết liệt, nhất là từ sau ngày 13/5/2009, thời hạn các nước đệ trình dự án thềm lục địa ngoài 200 hải lý lên Liên hiệp quốc.

Từ đầu năm 2008 đến nay, Taliban quay trở lại, phát động tấn công quy mô lớn ở khu vực miền Nam Afghanistan, trên thực tế nó đã khống chế rất nhiều khu vực, đã hình thành thế bao vây đối với thủ đô Cabun. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng là ảnh hưởng của Taliban nhanh chóng phục hồi và ngày càng lớn mạnh đối với các khu vực của Afghanistan, phạm vi hoạt động đã vượt qua biên giới kép dài đến nội địa Pakistan. Thế lực của Taliban ở Pakistan cũng phát triển vô cùng mạnh mẽ, Taliban ở Pakistan và Afghanistan đã bắt tay nhau, dẫn đến tình hình an ninh ở khu vực này ngày càng căng thẳng. Ngoài ra, Taliban ở Pakistan không những liên tiếp vượt biên giới tập kích quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan mà còn tăng cường tập kích tuyến cung cấp hậu cần cho quân đội Mỹ và NATO. Sự trỗi dậy của Taliban ở hai nước này cũng tạo môi trường thuận lợi cho Al-Qaeda.

Trong tình hình mạng lưới Al-Qaeda ở Iraq bị tấn công nghiêm trọng, các t chức Al-Qaeda ở một số khu vực khác ngoài Iraq và Trung Đông cũng bắt đầu mở rộng hoạt động và cũng đã có một bộ phận đến Afghanistan. Theo số liệu thống kê, năm 2008, thương vong của quân đội Mỹ đóng tại Afghanistan đã tăng lên 35%. Là biểu tượng cho thành quả chống khủng b của Mỹ, Washington không cho phép Afghanistan sụp đổ. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Michael Mullen đặc biệt nhấn mạnh “thành công của Taliban trực tiếp đe doạ an ninh và lợi ích của Mỹ”. Giành thắng lợi trong cuộc chiến Afghanistan vẫn là nhiệm vụ quan trọng cơ bản của Mỹ.

Trước tình hình như vậy, đòi hỏi Mỹ phải có điều chỉnh chiến lược quân sự nhằm bố trí lại lực lượng để thực hiện mục tiêu chiến lược của mình.

2. Điều chỉnh chiến lược của Mỹ đã hình thành vòng vây quân sự xung quanh Trung Quốc

Cùng với việc điều chỉnh chiến lược quân sự, quân đội Mỹ mượn danh nghĩa chống khủng bố để không ngừng gia tăng ảnh hưởng quân sự đối với các nước xung quanh Trung Quốc. Giới truyền thông cho rằng hành động này của quân đội Mỹ là nhằm tiến hành khống chế chiến lược mới đối với Trung Quốc.

Mặc dù tình hình Đài Loan có xu hướng hoà hoãn, ổn định và đã làm giảm áp lực can thiệp quân sự của Mỹ đối với quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, nhưng trước tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, với danh nghĩa là giữ lời hứa bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã tăng cường lực lượng và trang bị phương tiện ở hai nước này để đối phó với Bắc Triều Tiên. Đây cũng chính là cơ hội để Mỹ mở rộng phạm vi ảnh hưởng vào sâu trong trung tâm chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Viễn Đông, tức là chuyển từ “phong tỏa chuỗi đảo” đối với Trung Quốc ở khu vực Viên Đông sang “áp chế chiến lược” phạm vi ngày càng lớn đối với Trung Quốc.

Để đối phó với tình hình diễn biến hết sức phức tạp ở Afghanistan, chính quyền Obama đã nhanh chóng đưa ra quyết định rút quân có trật tự tại Iraq và tăng thêm 17.000 quân đến Afghanistan để dần dịch chuyển trọng tâm chiến lược và mặt trận chống khủng bố quốc tế do Mỹ lãnh đạo từ Trung Đông, Tây Á đến Afghanistan và Pakistan. Mục đích chủ yếu của chiến lược mới này là tăng thêm lực lượng ở Afghanistan, ủng hộ và tăng cường tác dụng tấn công quân sự của Pakistan, gia tăng viện trợ phi quân sự và động viên lực lượng quốc tế tham gia đối với Pakistan và Afghanistan, đồng thời tăng cường sự hợp tác với hai nước này.

Có bình luận phân tích kế hoạch chống khủng bố ở Afghanistan và Pakistan của chính quyền Obama không phải là mục đích duy nhất của chiến lược dịch chuyển về phía Đông của Mỹ, mà còn có lợi ích chiến lược địa duyên. Là một siêu cường, việc kiểm soát được Afghanistan là mong muốn của Mỹ nhiều năm nay. Trên cơ sở chiếm lĩnh Afghanistan, để tiến vào Pakistan, từ đó tăng cường sự tồn tại của quân đội Mỹ ở vành đai quan trọng Á-Âu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, mượn sự điều chỉnh này để khống chế Trung Quốc. Đây là một trong những mục tiêu phức tạp và lâu dài của Mỹ.

Đông Nam Á là khu vực vô cùng quan trọng trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, mặc dù Mỹ tuyên bố không trực tiếp can dự vào tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa, nhưng Mỹ sẽ không bỏ qua quyền lợi của mình ở khu vực biển Nam Trung Hoa. Xuất phát từ mục tiêu chiến lược của mình, Mỹ đã tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước ASEAN nhằm duy trì sự có mặt của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, diễn tập quân sự của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không ngừng gia tăng, điều này đánh dấu Mỹ bắt đầu mượn diễn tập quân sự liên tục để từng bước hoàn thiện bố trí chiến lược ở khu vực này. Mỹ cũng đã tiến hành diễn tập quân sự liên hợp với một số nước tại biển Nam Trung Hoa. Ngày 18/6/2009, Mỹ đã tiến hành cuộc diễn tập “CARAT-2009″ với các nước Philippines, Singapore, Bruney, Thái Lan, thời gian dài ba tháng với quy mô chưa từng thấy trong diễn tập hàng năm. Các học giả cho rằng hải quân Mỹ đã cử 4 tàu chiến đến cùng với hải quân 6 nước Đông Nam Á diễn tập liên hợp quân sự là điều chưa từng có trong lịch sử nhằm mục đích thông qua diễn tập tăng cường khả năng tác chiến liên hợp với các nước đồng minh, duy trì quân đội Mỹ ở tiền duyên khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đe doạ đối thủ chiến lược tiềm tàng.

Xuất phát từ mục đích chính trị của các bên, hợp tác quân sự giữa Mỹ và Việt Nam gần đây ngày càng xích lại gần nhau. Theo tin mới nhất mà quân đội Mỹ tiết lộ, mùa Thu năm nay, không quân Mỹ sẽ đến Việt Nam triển khai diễn tập tìm kiếm cứu nạn. Đây là lần đầu tiên không quân Mỹ đến Việt Nam kẻ từ sau khi chiến tranh kết thúc, cũng là lần đầu tiên hành động loại này được thực hiện trong nội địa Việt Nam. Theo nguồn tin trên mạng của chính phủ Mỹ, gần đây Mỹ và Việt Nam đã tiến hành “đối thoại chính trị và quốc phòng an ninh” lần thứ hai tại Washington. Sau hội đàm, hai bên đã ra “tuyên bố chung” nhấn mạnh “sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoà bình, ổn định và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương”, vấn đề “làm thế nào để tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội hai nước” cũng được đưa vào trong nghị trình. Đây là điều không thể coi thường.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hiện nay Mỹ đang có nhu cầu thuê lại quân cảng Cam Ranh, nếu trở thành hiện thực, Mỹ sẽ có 3 căn cứ xung quanh biên Nam Trung Hoa, cộng với căn cứ Guam và căn cứ hải quân ở Singapore, hình thành thế bao vây tam giác ở biển Nam Trung Hoa. Mỹ cũng sẽ sớm xây dựng 2 “chuỗi đảo” chiến lược ở Thái Bình Dương, nếu như Mỹ thuê được căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam, sẽ góp chặt yết hầu ở biển Nam Trung Hoa. Sức khống chế và khả năng điều động binh lực của căn cứ Cam Ranh đều cao hơn tất cả mọi căn cứ hải quân của Trung Quốc đối với bất cứ một đảo bãi nào ở biển Nam Trung Hoa.

Phía Tây Bắc Trung Quốc, NATO cũng đã có mặt. Trong tháng 5/2009, NATO đã tiến hành diễn tập quân sự tại Grudia. Các nhà bình luận quân sự quốc tế cho rằng mặc dù các cuộc diễn tập quân sự này là của NATO, nhưng các nước chủ yếu của NATO như Đức, Pháp, Italia không tham gia. Ngược lại, các nước tham gia diễn tập, đại bộ phận là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây như Grudia, Ukraina, còn có một bộ phận là của các nước khối Warsava trước đây như Hungari, Séc. NATO mở rộng về phía Đông, không những mở đến cửa ngõ nước Nga, mà còn mở rộng đến cửa ngõ Trung Quốc. Ngoài ra, ở Đông Nam Á còn có “bóng dáng của NATO”, đó là đồng mình quân sự Mỹ-Nhật-Hàn, hiện nay còn có thêm Austraylia, Ấn Độ.

Như vậy, điều chỉnh chiến lược của Mỹ đã hình thành thế bao vây đối với Trung Quốc, vòng vây “hình mặt trăng mới” mà Mỹ xây dựng hình như không giảm, mà ngày càng thắt chặt, hiện chỉ còn thiếu mỗi khu vực phía Bắc của Trung Quốc.

3. Trung Quốc ứng phó với điều chỉnh chiến lược của Mỹ

Giới học giả Trung Quốc cho rằng bất kể ý đồ chiến lược của Mỹ như thế nào, nhưng cuối cùng khu vực điểm nóng nhạy cảm toàn cầu hiện đã xuất hiện hòa hoãn xung đột quân sự và cân bằng chiến lược tạm thời. Trung Quốc nên dựa theo thời thế, nắm chắc cơ hội để thực hiện mục tiêu chiến lược trỗi dậy hòa bình, tranh thủ điều chỉnh bố trí chiến lược của Mỹ, tích cực tiến hành ứng phó chiến lược toàn diện, xây dựng nước giàu quân mạnh. Chủ yếu chú ý tới một số mặt chiến lược sau:

- Lợi dụng thái độ của Mỹ yêu cầu Trung Quốc cứu trợ kinh tế, lấy chiến lược “thực lực kinh tế khôn khéo” để ứng phó với “thực lực ngoại giao khôn khéo” của Mỹ, lấy Hội nghị thượng đỉnh G20 và chấn chỉnh lại IMF làm đột phá khẩu, tranh thủ mở rộng quyền được tuyên bố của Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế quốc tế, nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ ở Đông Nam Á, dẫn đến có sức ảnh hưởng quốc tế, đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Lấy thực lực kinh tế mạnh mẽ để xây dựng và củng cố hệ thống quốc phòng, an ninh ổn định vững chắc.

- Đẩy nhanh tiến trình phát triển hòa bình và thống nhất Đại Trung Hoa đối với hai bờ eo biển Đài Loan. Tăng cường toàn diện hiệp thương, lôi kéo và hợp tác giữa Hiệp hội quan hệ hai bờ và Quỹ giao lưu hai bờ, hợp tác và hội nhập quốc tế, từng bước thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, hiệp thương và hợp tác chính trị, quân sự giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Chú trọng tới trỗi dậy hòa bình của Đại Trung Hoa, liên hợp xây dựng hệ thống phòng ngự quân sự ở biển Hoa Đông và Viễn Đông lớn mạnh, để làm suy yếu khả năng đe doạ và quẫy nhiễm quân sự của Mỹ-Nhật ở khu vực Viên Đông.

- Tăng cường và làm sâu sắc hơn hợp tác chống khủng bố của Trung Quốc, Nga, Tổ chức hợp tác Thượng Hải tại Afghanistan. Ngăn chặn tác động và ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở khu vực, hỗ trợ cho việc hình thành thế cân bằng chiến lược mới và tăng cường ngăn chặn sự quấy phá và mở rộng của thế lực “Đông Thổ” để có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực này. Đồng thời phải đẩy nhanh việc xây dựng đường ống dẫn dầu chiến lược từ Myanma đến Vân Nam.

- Sớm tăng cường xây dựng chiến lược hiện đại hóa lực lượng quân sự và hệ thống phòng ngự quân sự lớn mạnh trên biển để tăng cường quyền khống chế trên biển. Phải phát huy sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước ASEAN, đưa các nước có liên quan trở lại khuôn khổ nguyên tắc “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, để ràng buộc hành vi của các nước này. Đồng thời phải tập trung phát triển lực lượng phòng vệ quân sự biển xa hùng mạnh, nhanh chóng thu hồi lãnh thổ bị chiếm đóng và bảo vệ vững chắc an ninh quốc phòng trên vùng biển rộng lớn của Trung Quốc.

http://anhbasam.wordpress.com

Cambodia và những cuộc xâm nhập bí hiểm của Trung Quốc


Sau một giai đoạn dài bị kiềm chế, sự hiện diện về mọi mặt của Trung Quốc tại Cambodia đang gia tăng, và dấu ấn về cái gọi là “ảnh hưởng Trung Quốc” tại quốc gia nghèo khó này là rất đáng kể. Trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang đổ tiền vào các dự án bất động sản Phnom Penh, thì Trung Quốc lại tìm cách kết hợp một dòng chảy của đầu tư quốc gia và tư nhân với lượng viện trợ khổng lồ hiện đang biến đổi hoàn toàn nhiều vùng nội địa rộng lớn của Cambodia. Trang Newsmekong.org mới đăng tải bài phân tích về sự xâm nhập mạnh mẽ của người Hoa tại Cambodia:

Chem Hout đang ngồi trong quán cafe Maxxi tại một khu phố sầm uất ở Sisophon – thủ phủ tỉnh Banteay Meanchey, miền Tây Cambodia – để đợi chuyến xe buýt chở cậu con trai 9 tuổi đi học sắp về. Rồi thì chiếc xe cũng đỗ xuống, thân xe mang những ký tự tiếng Trung của một trường song ngữ Trung Quốc tại địa phương. Đó là sự lựa chọn đáng ghen tị của Chem và bất cứ ông bố bà mẹ nào có đủ khả năng tài chính gửi con theo học tại đây.

“Nó cũng chẳng tốn hơn học trường công (nơi được học miễn phí)”, Chem – người sở hữu một nhà hàng tại Sisophon – thừa nhận, “Nhưng tôi thích tiếng Trung và muốn con trai mình học ngôn ngữ của họ. Tôi hy vọng một ngày nào đó nó sẽ được đến Trung Quốc.”

Thật khó mà hoài nghi về sự khôn ngoan trong quyết định của Chem, bởi những bệnh viện và phòng mạch tốt nhất tại thành phố này đều do người Trung Quốc điều hành. Tiền bạc của Trung Quốc đã được rót vào cả một số trường ngoại ngữ, nơi không chỉ tiếp nhận một số người Cambodia gốc Hoa, mà còn ngày càng thu hút đông đảo thêm các học sinh Khmer chính gốc.

Lao Mong-hay, một người Cambodia gốc Hoa và nguyên là Giám đốc Viện Dân chủ Khmer tại Phnom Penh, nhận định: “Đó là một hướng đi đặc biệt, nhưng cũng là cách khôi phục truyền thống lâu nay, khi người Hoa cung cấp các dịch vụ cho người Cambodia. Trước đây, các thương nhân Hoa kiều vẫn mua và bán các sản phẩm của nông dân Cambodia”.

Trong ý thức của người Khmer, Trung Quốc có vẻ như là một “Người khổng lồ” xa xôi, nước Lào thì “vô lo”, và cũng vì trong lịch sử chẳng có biến cố chiến tranh, nên trong tâm thức người Khmer chẳng có những tình cảm tiêu cực với người Trung Quốc. Và đa phần sự thù địch chỉ giành cho Việt Nam – quốc gia láng giềng phía Đông của Cambodia.

Nhưng đúng là Trung Quốc đã giữ một vài trò bí hiểm trong quá khứ đau thương của Cambodia. Bắc Kinh từng là người bảo vệ hào phóng và tận tâm cho chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot, từ lúc khởi đầu chỉ là một nhóm du kích nổi dậy trong những năm 60, và cho tới suốt 3 năm cầm quyền ghê rợn từ 1975-1978, đã khiến 1/4 dân số Cambodia bị tiêu diệt. Sự hỗ trợ này thậm chí còn được tiếp tục sau khi Khmer Đỏ bị các lực lượng Việt Nam lật đổ năm 1979, nhưng chúng vẫn dai dẳng tồn tại ngoài rìa của một xã hội đã bị tổn thương và hoạt động ở các trại trong rừng rậm dọc biên giới với Thái Lan.

Lo ngại sự mở rộng trên khắp Đông Dương của một nước Việt Nam được Liên Xô hậu thuẫn, Bắc Kinh đã huấn luyện các du kích Khmer Đỏ, cung cấp vũ khí, lương thực, và hỗ trợ kỹ thuật. Theo Lao Mong-hay, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Ủy ban Nhân quyền châu Á, Trung Quốc đã viện trợ ít nhất 2 tỉ USD cho phong trào này, và phân nửa số này là sau khi quân đội Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ và bằng chứng về chế độ diệt chủng của Pol Pot đã được cả thế giới biết đến.

“Dĩ nhiên chúng tôi hiểu về vai trò của Trung Quốc, nhưng cứ nhắc đi nhắc lại vấn đề đó để làm gì”, Samath Yin – một hướng dẫn viên du lịch ở di tích Anhkor Wat – chất vấn, “Những gì đã xảy ra dưới chế độ Plo Pot chẳng phải hành động của một quốc gia nào, mà chỉ là hành động của một nhà lãnh đạo. Là những người theo đạo Phật, chúng tôi không được phép nghĩ về báo thù, mà chỉ nhắc tới hòa bình.”

Trong suốt mùa du lịch cao điểm, Samath – người rất thạo tiếng phổ thông Trung Quốc – làm hướng dẫn viên cho hàng loạt đoàn du khách Trung Quốc đi thăm di sản thế giới Angkor Wat. Anh ta cho rằng thế hệ người Cambodia trước đây có vẻ rất hiểu các vấn đề của Cambodia, và thương nói tốt về Quốc vương Sihanouk của Cambodia, người vẫn còn có một tư dinh ở Bắc Kinh. Nhưng thế hệ trẻ Cambodia giờ biết quá ít về lịch sử Cambodia, và thậm chí còn ít hơn nữa về vai trò của Trung Quốc trong lịch sử đất nước.

Những cuốn từ điển Trung Quốc đương đại chẳng đề cập tới hai từ “Khmer Đỏ”, thuật ngữ do chính Quốc vương Sihanouk đặt ra để phản ánh đúng phong trào Cộng sản bí mật vốn được khơi cảm hứng và hỗ trợ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.

Từ trước khi lên nắm quyền năm 1975, Pol Pot từng muốn ganh đua với cuộc cải cách ruộng đất không tưởng của Mao, nhưng đi theo những hướng cực đoan mới. Y lùa sạch dân khỏi Phnom Penh, đuổi tất cả dân thành phố và trí thức vào những công xã và trại cưỡng bức lao động mà về sau đã trở thành những cánh đồng chết. Năm 1975 trở thành “Năm số Không” của đất nước này – điểm đầu cho một giai đoạn man rợ và khởi động cho “nền văn minh” mới.

“Con gái bốn tuổi và ông nội tôi đều thiệt mạng trong các cánh đồng chết”, Theary – người làm công trong tiệm kim hoàn của một ông chủ Trung Quốc ở Siemriep – kể lại, “Cô bé chết vì đói, còn ông nội tôi bị đưa đi hành quyết. Lần đầu tiên khi tôi được xem bộ phim Cánh đồng chết, tôi không thể cầm được nước mắt.”

Liệu Theary có cảm thấy bất an không khi giờ đây cô đang làm việc cho một cửa hàng của người Trung Quốc? Những người dân địa phương còn cho biết thêm rằng chính Trung tâm mua sắm Angkor hiện nay được xây dựng trên nền của một trại tra tấn của Khmer Đỏ tại Siemriep, và rằng hàng đống xương người đã được tìm thấy trong lúc thi công.

“Bà chủ Trung Quốc của tôi đã từng nghe những câu chuyện ma, và trước khi khai trương cửa hàng, bà ấy đã cúng bái rất nhiều cho những người chết”, Theary kể, “Tôi cảm thấy hài lòng về điều đó”.

Không một phương tiện truyền thông chính thức nào tại Trung Quốc từng đưa tin về phiên tòa hiện đang xét xử các cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ. Năm nhân vật Khmer Đỏ già nua sẽ bị xét xử về các tội danh giết người và chống lại loài người trong các phiên xét xử được cho là sẽ kéo dài tới năm 2012. Kẻ khét tiếng nhất trong số này, Kaing Guek Eav – còn có biệt danh là Duch – phải chịu trách nhiệm về các vụ tra tấn và sát hại tới 14.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn y làm Trưởng trung tâm giam giữ S-21 của Khmer Đỏ tại Phnom Penh.

Sự lầm lẫn

“Thật sai lầm khi tin rằng chính Trung Quốc đã hậu thuẫn cho Khmer Đỏ trong các vấn đề đối nội của họ”, Zhang Xizhen – nhà nghiên cứu Đông Nam Á thuộc khoa Quốc tế trường Đại học Bắc Kinh – nhận xét, “Thủ tướng Chu Ân Lai khi đó đang nằm viện vì ốm, nhưng vẫn cố thuyết phục họ không lặp lại những sai lầm mà Trung Quốc mắc phải trước đây, nhưng họ không lắng nghe”.

“Mặc dù Trung Quốc không thể chấp nhận những gì họ đã làm, nhưng cũng không thể can thiệp trực tiếp vào những chuyện nội bộ của họ”, nhà nghiên cứu Zhang tiếp tục bào chữa cho quá khứ của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác, ngoài việc hậu thuẫn cho các chính sách đối ngoại của Khmer Đỏ vì họ là “lực lượng duy nhất chống lại sự bành trướng của Việt Nam trên bán đảo Đông Dương”, và điều đó tạo nên một mối đe doạ nghiêm trọng đối với Trung Quốc”.

Nhưng có vô số hồ sơ đã cho biết tường tận rằng trong suốt thời gian Pol Pot cầm quyền tại Cambodia, các cố vấn Trung Quốc – có lẽ khoảng một nghìn người – đã giữ vai trò quan trọng trong nước này. Trớ trêu đến khó tin là họ vẫn đóng vai trò quan trọng ngay cả khi chính sách của chế độ Khmer Đỏ bài xích thiểu số Hoa kiều sống tại Cambodia đã sớm trở thành một cuộc thanh lọc sắc tộc khủng khiếp.

“Người phát ngôn của Bắc Kinh”

Giờ đây, ngay cả khi các phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ đang diễn ra tại Phnom Penh, vai trò của Trung Quốc trong quá khứ của Cambodia cũng hầu như không được đề cập đến một chút nào.

“Chính phủ Cambodia không bao giờ đưa ra chuyện Trung Quốc dính líu vào quá khứ nước này”, Chủ tịch Trung tâm nhân quyền Cambodia – Ou Virak nói, “Trung Quốc là nhà đầu tư và tài trợ lớn nhất của chúng tôi, và cũng đứng đầu về số lượng thu nhận các hợp đồng sang nhượng đất đai. Cả hai nước đều muốn dẹp bỏ quá khứ.”

Theo Uỷ ban đầu tư Cambodia, Trung Quốc luôn đứng đầu trong danh sách nước ngoài đầu tư vào Cambodia suốt 14 năm qua, với tổng trị giá lên tới 5,7 tỉ USD vào cuối năm 2007. Bắc Kinh đã hứa bổ sung thêm 257 triệu USD cho Phnom Penh trong năm viện trợ 2009.

Nhưng ông Ou Virak nhận xét rằng sự hào phóng của Trung Quốc chẳng phải là không có những ràng buộc. “Chính quyền Husen giờ đang hành động hệt như người phát ngôn của Bắc Kinh”, Ou Virak nói, “Họ vẫn luôn nhấn mạnh tới vai trò của Mỹ khi viện trợ cho Khmer Đỏ tiếm quyền, vì điều này giúp Trung Quốc ngăn cản Mỹ tiếp cận vào khu vực các nước ASEAN”.

Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam giai đoạn cuối thập kỷ 60 đầu 70, quân đội Mỹ từng ném bom các vùng “Đất Thánh” của Việt Nam trên đất Cambodia, làm hàng nghìn thường dân thiệt mạng. Chính nước Mỹ đã hỗ trợ Khmer Đỏ tập hợp sự ủng hộ dân tộc dưới chiêu bài chiến đấu chống đế quốc ngoại bang, và mở đường cho lực lượng này leo lên nắm quyền lực.

“Cả Trung Quốc và Mỹ đều có lỗi”, Theary Seng – Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển xã hội Cambodia – kết luận, “Cũng chính những người theo chủ nghĩa xét lại về vai trò của Trung Quốc đã tìm cách phủ nhận vai trò của Trung Quốc trong chế độ Khmer Đỏ, vì điều đó trái ngược với những bằng chứng lịch sử”.

Bà Theary Seng cho rằng một lời xin lỗi và một quỹ khôi phụ niềm tin cho các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ có thể là cách thích hợp nhất để Trung Quốc khép lại trang lịch sử và chuộc lỗi bằng vật chất. Bà kết luận: “Tất cả những dự án đầu tư lớn, cùng các khoản viện trợ hào phóng này, đều là tốt, nhưng người Cambodia cần phải nhận thức rằng họ có quyền được hưởng những điều đó.”

* Nguồn: China Makes Deep Inroads into Cambodia (Antoaneta Bezlova)

Quán bên đường


Quang Dũng

Tôi khách qua đường trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ đây quán lệch bốn tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt, đường xa trưa khách vắng


Em đắp chăn dày, tóc em trĩu nặng
Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan…
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng lên má đỏ

Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp có hoa thêu
Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá

Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư, tôi là khách mười phương
Biệt cố đô cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc đường

Tiền nước trả em rồi trưa nắng gắt
Đường xa xa mờ mờ núi và mây
Hồn khách vương qua vài sợi tóc
Thương em mà em đâu có hay…

27 thg 7, 2009

Tháng 4 của Saburo Sakai


Trần Vũ

1. Kỷ niệm với Hatsuyo và Saburo

Năm 73 khi hiệp định đình chiến Paris ký kết, trong lúc gia đình mừng vui vì nghĩ chiến tranh chấm dứt, tôi khám phá Saburo Sakai. Anh hiện diện bên cạnh Tameichi Hara, “Những trận thủy chiến dữ dội nhất lịch sử Thái Bình dương”.


Thời gian đó, tôi say mê tủ sách chiến tranh của nhà Sông Kiên. Tôi đã biết đến Nagatsuka. Đã biết đến Inoguchi và Nakajima, qua các tập Thần Phong Kamikaze. Nhưng Sakai vượt lên trên tất cả bằng giọng văn thiết tha, sôi động và chân thật. Hồi ký toát ra tinh thần ái quốc gần như một đam mê, một dốc hết sức bảo toàn quốc gia bằng tất cả ruột gan và mạng sống. Samouraï toát ra sức mạnh của dân tộc Nhật dám sống và dám chết.

Ba mươi năm sau tôi gặp lại Sakai trong một chợ sách cũ. Tôi nhận ra thiếu úy Saburo Sakai tức khắc. Vẫn nụ cười tươi, vẫn lá cờ mặt trời mọc sau lưng và cả những dòng chữ sôi sục trong huyết quản của anh, trong các vòng xoáy của các khu trục cơ đang nhào lượn trên không phận Thái Bình dương. Tôi nhận ra cả những hòn đảo Rabaul, Truk, Guadalcanal, căn cứ Lae, căn cứ Salamua, quân cảng Moresby và cả Hatsuyo, người yêu của Sakai. So với bản dịch của Nguyễn Nhược Nghiễm in tại Sài Gòn năm 72, bản Pháp văn của Robert de Marolles dầy hơn nhiều mươi trang. Ngày gặp lại Sakai, mua lại được hồi ký của anh, tôi biết vừa tìm được một mảnh vỡ giữa các miểng chai quá khứ.

Tôi đọc lại những trang sách cũ, lần này bằng tiếng Pháp, dưới nền trời xám lạnh không còn những trận nắng hầm mái tôn như lúc xưa, nhưng cảm giác vẫn nguyên vẹn. Vẫn những trận không chiến ác liệt và mối tình tuyệt đẹp của Sakai với Hatsuyo. Mối tình anh em họ mà Sakai giữ kín trong lòng mà giáo dục nề nếp không cho phép Hatsuyo bày tỏ, chỉ có những lá thư với lời lẽ chừng mực kín đáo. Thời niên thiếu, tôi si mê Hatsuyo, si mê đức tính nhẫn nại của thiếu nữ đã đứng giữa mùa đông buốt giá xin từng mũi thêu cho Sakai. Trong chiến tranh, các phụ nữ Nhật khẩn cầu trời Phật độ trì cho người đàn ông mà họ yêu thương tránh được làn tên mũi đạn. Để chứng lòng thành, Hatsuyo phải xin được một ngàn mũi kim thêu tay của một ngàn phụ nữ qua đường để gửi đến Sakai tấm khăn lụa của tình yêu được chứng giám.

Một lần về phép, Sakai đến thăm chú thím mình, ông bà Hirokawa, với hy vọng trông thấy cô em họ. Buổi tối chỉ còn lại hai người trong phòng khách, Hatsuyo mời Sakai ngồi lại để nghe cô đàn một bản đàn mà qua tiếng dương cầm Hatsuyo hy vọng Sakai sẽ hiểu được lòng mình. Lễ giáo không cho phép cô thổ lộ tình cảm thật, chỉ còn lại tiếng đàn. Trong thâm tâm, Hatsuyo hờn trách Sakai đã không hỏi cưới mình, tuy biết huyết thống quá gần không cho phép hôn nhân. Cả dòng họ không ai hay biết mối tình này. Tiếng đàn của Hatsuyo cất lên, trầm bổng, đôi khi mãnh liệt như Hatsuyo muốn giải bày tình yêu mãnh liệt của lòng mình và muốn phá vỡ sự câm nín của Sakai. “Hãy nói yêu em” là những thanh âm phát lên từ những cung bậc của đàn dương cầm. Và Sakai vụt hiểu.

Nhưng Nhật Bản rơi vào biển lửa của hàng vạn pháo đài bay liên tục trải thảm mà các chiến đấu cơ Mitsubishi A6M Zéro không còn đủ sức nghênh cản khi các đoàn oanh tạc cơ này được hàng đoàn khu trục Grumman F6F Hellcat tối tân, bay nhanh hơn, đông đảo hộ tống. Nhật Bản không còn chọn lựa nào khác ngoài tử chiến đến cùng.

Đảo Lưu huỳnh đi vào lịch sử thế chiến với tên gọi tàn khốc “Địa ngục của địa ngục”. Task Force 58 của đô đốc Mitscher tập trung oanh kích Không đoàn Yokosuka của Sakai trên đảo Iwo Jima. Đến mức hải quân đại tá Mioura quyết định khiển dụng tất cả máy bay còn lại cho trận tấn công quyết tử trước khi Iwo Jima thành bình địa. Mệnh lệnh rõ rệt: Không trở về. Lao xuống các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Bằng mọi giá chặn kẻ thù vào biển Nhật. Chưa phải một đơn vị Thần Phong nhưng Không đoàn lừng danh Yokosuka không còn chọn lựa chiến thuật nào khác. Thiếu úy Saburo Sakai cất cánh tức khắc, với hình ảnh duy nhất: gương mặt của Hatsuyo trên nền biển Thái Bình.


Trận không chiến diễn ra ác liệt, trên tổng số máy bay Nhật, chỉ có mỗi máy bay của Sakai và hai máy bay bên cánh trở về. Khác các Kamikaze, Sakai là một phi công khu trục đã từng bắn hạ nhiều máy bay Mỹ, nên dù mang sứ mệnh tự sát, Sakai vẫn phản xạ bằng phản ứng của một phi công kinh nghiệm. Suốt chuyến bay khi gặp nghênh cản, rồi chiến đấu thoát vòng vây, Sakai bị dằn vặt bởi ý nghĩ phản bội, không hoàn thành nhiệm vụ, vì muốn sống để quay trở về với Hatsuyo, nhưng bay về nửa đường Sakai quyết định quay lại hạm đội Mỹ để đâm xuống lần nữa, rồi tới gần hạm đội này, anh lại quyết định quay về Iwo Jima tìm đường sống, tìm lại Hatsuyo. Sakai bị giằng co như vậy nhiều lần, cho đến lúc màn đêm buông xuống và anh không còn trông thấy gì nữa, đành trở về. Những ngày sau trung tá Nakajima cho Sakai hay Bộ Tư lệnh Tiền phương quyết định cho các phi công kinh nghiệm trở về Nhật Bản làm công tác huấn luyện. Sakai rời Iwo Jima ngay trước ngày đổ bộ của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, với ý nghĩ anh đã phản bội đồng đội.

Ngày phó đô đốc Onishi chính thức thành lập phi đoàn Thần Phong tự sát và Hiroshi Nishizawa, người bạn thiết cuối cùng tử trận, dưới đáy cùng của tuyệt vọng Sakai viết thư cho Hatsuyo để nói anh yêu cô, trước khi quá muộn. Mười hai ngày sau, tại Không đoàn Matsuyama, Sakai được tin có thân nhân đến thăm. Bước ra phòng tiếp tân, Sakai ngỡ ngàng trông thấy thím anh và Hatsuyo. Anh sợ hãi vì bức thư bộc bạch lộ liễu tình yêu của mình đã xúc phạm gia đình chú thím. Nhưng Hatsuyo đã tiến lại và nói: Em đến đây để làm vợ anh, dù ngày mai anh phải chết, em được giáo dục để chết theo một samouraï. Dòng họ chúng ta là một dòng họ samouraï, thì không vì lý do gì mà em không được chết theo anh. Saburo, em đến đây để làm vợ anh.

Sakai hãy còn quá bất ngờ thì thím anh đã lên tiếng: Các con hoàn toàn xứng đáng, huyết thống không còn là một ngăn trở. Ngày 11 tháng 2-1945, Sakai làm lễ thành hôn với Hatsuyo. Thay vì nhẫn cưới, Hatsuyo nhất quyết bắt anh phải tặng cho cô con dao thật bén của võ sĩ đạo để khi hay tin anh chết, cô sẽ tự vẫn. Ðám cưới diễn ra không ban nhạc, trong tiếng còi hụ báo động và trận bom làm rung chuyển tầng hầm. Sakai sẽ là phi công Nhật cất cánh bắn hạ pháo đài bay B-29 cuối cùng rơi trên đất Nhật và sống sót trở về. Khi Thiên hoàng đọc lệnh đầu hàng, Sakai lang thang suốt đêm, đầu óc cùng quẫn vì quẫn trí rồi chạy như điên trong thành phố về nhà vì chợt nhớ Hatsuyo đang đợi anh, nếu nghi anh tự vẫn cô sẽ tự tử chết cùng. Khi Sakai ập vào nhà, Hatsuyo xanh tái ôm chầm lấy chồng: “Khi nghe lệnh đầu hàng, em đã khóc như một đứa trẻ. Có thật chấm dứt rồi không? Chiến tranh, những trận bom, tất cả không còn nữa?” Sakai chỉ biết lập lại: Nhật Bản đã bại trận. Hatsuyo rút lưỡi dao giắt ở đai lưng áo kimono, ném xuống đất: “Nhật Bản đã bại trận nhưng anh đã chiến thắng tất cả những trận đánh của anh. Kể từ bây giờ em không còn cần con dao này nữa.” Lưỡi lam sáng lóa, biếc ngời, lăn trên sàn cho đến khi bất động.

Đó là câu chuyện của Saburo Sakai và Hatsuyo Hirokawa. Câu chuyện có rất nhiều thần chết. Saburo Sakai được xem phi công kỳ tài đã bắn rơi 64 phi cơ Đồng Minh. Hiếm có hồi ký chiến trường nào tường thuật tỉ mỉ chi tiết không chiến với nhiều sôi động tâm tính con người như trong hồi ký của Sakai. Bên cạnh, Bay đêm hay Phi công thời chiến của Saint Exupéry là một vũ trụ im lặng. Bên cạnh, Chuyến săn của Heinz Knoke là một cỗ máy vô tình. Ngay cả hồi ký Phi công đâm bổ Stuka của Hans Rudel cũng không sánh bằng ở mức độ dữ dội, đặc biệt trong chương với một mảnh đạn đại liên ghim vào đầu và một mảnh đạn trong mắt, Sakai mù lòa cố gắng vượt 700 cây số từ Guadalcanal bay về Rabaul, bay trong thiếp ngủ, bay trong khát khao trầm xuống biển xanh để chấm dứt đau đớn thể xác. Những trang sách đậm đặc sống chết, đậm đặc bản năng con người.

Tôi đánh mất Saburo Sakai và Hatsuyo Hirokawa vào một buổi trưa tháng 5-1975 khi gia đình bán đi tủ sách, vì lệnh giao nộp văn hóa phẩm đồi trụy ban hành. Những ngày sau tôi lang thang khắp Chợ Cũ lùng kiếm Sakai, với hy vọng tìm lại anh và Hatsuyo. Rồi tôi cũng tìm được Sakai, Hatsuyo và các bạn anh: hạ sĩ Ota, trung sĩ Takatsuka và trung úy Nishizawa ở một ấn bản ố vàng. Nhưng tôi chỉ giữ được anh thêm ba năm. Ngày vượt biên tôi đem theo Sakai và Hatsuyo vì họ chưa rời tôi ngày nào. Định mệnh đã sắp đặt cách khác.

Chuyến tàu MT-603 khởi đi từ Mỹ Tho chìm ở Biển Đông. Giấc 3 giờ sáng. Sakai và Hatsuyo rớt xuống biển lúc đó. Đến khi trời hừng sáng, mặt nước tím thẫm sáng dần, bãi san hô trồi lên thành một bãi đá ngút ngàn. Tôi chưa biết mình vừa đặt chân lên bãi ngầm của Trường Sa. Tôi chưa biết lòng bàn chân mình đang túa máu xuống Trường Sa từ vết thương đá cắt buốt rát. Bãi san hô ẩn chìm trải dài xa tít mịt mùng mà phía xa là đảo Palawan. 13 ngày ngâm trong nước, với nhiều xác người chết chìm chương phình; khi rời mặt nước, đặt chân lên quân vận hạm Phi Luật Tân quay nhìn lòng đại dương sâu hút, tôi biết, tôi đã trả Sakai về lại biển Thái Bình nơi các đồng đội anh yên nghỉ. Còn thỏi sắt của Hatsuyo, lưỡi dao bén mà Hatsuyo vẫn giắt bên mình, vẫn ở lại nơi cô đã ném vất.

2. Tháng 4 của Saburo Sakai

Năm 73, khi đọc Samouraï, tôi không chú ý lắm đến lời mào đầu, ba mươi năm sau cảm thấy số phận của những người lính Nhật với những người lính Nam-Việt tương đồng kỳ lạ. Vào đầu tập hồi ký, trong lá thư thay lời tựa, Sakai viết:

“Hải quân Hoàng gia Nhật dạy cho tôi một nghề nghiệp duy nhất: Phi công khu trục. Hủy diệt những kẻ thù của tổ quốc, bay và bắn. Tôi đã sống như vậy suốt 5 năm, trên những vùng trời Trung Hoa và Thái Bình dương. Tôi không biết đến đời sống nào khác ngoài đời sống của người lính.

Cuộc đầu hàng thảm khốc ném tôi ra khỏi Hải quân. Mang đầy thương tích của những năm chiến tranh nhưng tôi không thể xin bất kỳ một trợ cấp nào. Chúng tôi đã bại trận. Tôi hiểu ra, tiền cấp dưỡng tàn phế dành cho những thương phế binh, cho dù thâm niên quân ngũ, chỉ dành cho binh sĩ của đạo quân chiến thắng.

Chính sách chiếm đóng ngăn cấm tôi làm hoa tiêu, bất kỳ loại phi cơ nào. Trong suốt 7 năm dài, từ 1945 đến 1952, lý lịch phi công khiến tôi bị loại trừ ra khỏi những công việc thuộc phạm vi công chức.

Đối với tôi, hoà bình đồng nghĩa khởi đầu một cuộc chiến mới, dài hơn và tàn bạo hơn nữa. Tôi phải chiến đấu với những kẻ thù mới, tàn khốc bội phần, sự nghèo túng, đói kém, cùng vô số tước đoạt. Thường xuyên, chính quyền chiếm đóng dựng lên trước mặt tôi, một rào cản ngăn cấm tất cả. Lối thoát duy nhất còn lại là lao động tay chân và sinh sống trong ổ chuột.

Cú đấm chót là cái chết của Hatsuyo. Vợ tôi đã sống sót dưới những trận mưa bom và sống sót qua tất cả những hiểm nguy của chiến tranh nhưng cô không thể kháng cự kẻ thù mới, thứ bệnh trầm trọng của đốn mạt vì suy dinh dưỡng.

Sau cùng, sau những năm bị tước đoạt, tôi cũng dành dụm đủ tiền để mở một xưởng in nhỏ. Làm việc từ sáng đến tối, tôi đủ trang trải phí tổn, rồi kiếm thêm chút đỉnh. Không bao lâu sau, tôi tìm ra quả phụ đô đốc Takijiro Onishi qua nhiều tháng lùng kiếm. Phó đô đốc Onishi đã mổ bụng tự sát, ngay ngày đầu hàng đã chọn cái chết thay vì chọn sống; khi các thuộc cấp của ông nhận tử lệnh không bao giờ trở lại, vì chính đô đốc đã xây dựng các Phi đoàn Thần Phong cảm tử lừng danh - đâm bổ tự sát.

Bà Onishi, đối với tôi, hơn một quả phụ đô đốc; bà còn là dì của hải quân trung úy Sasai, một người bạn thiết. Sasai tử vong trên không phận New Guinea trong lúc tôi bị thương nằm bệnh viện. Trong nhiều năm, quả phụ Onishi đã sống khổ cực lây lất, kiếm sống bằng gánh hàng rong. Trông thấy bà quần áo rách rưới kéo lê quang thúng làm dậy lên trong lòng tôi một cơn giận dữ, nhưng lúc đó tôi không có một phương tiện nào để giúp đỡ bà.

Bây giờ, làm chủ một nhà in khiêm tốn, tôi thuyết phục bà làm phụ tá. Không lâu, nhà in phát triển, tôi lại tìm kiếm và thâu nhận thêm nhiều bà goá và thân thuộc của những đồng đội đã hy sinh.

May mắn, thời thế thay đổi. 10 năm đã trôi qua từ khi chấm dứt chiến tranh. Xưởng in chạy việc giúp tất cả chúng tôi tìm lại được một đời sống đầy đủ. Riêng với cá nhân tôi, những năm gần đây đã diễn ra một cách kỳ lạ. Tôi trở thành khách mời danh dự của các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ và nhiều chiến hạm khác. Tôi vô cùng kinh ngạc trước tiến bộ kỹ thuật của những chiến đấu cơ phản lực. Tôi được mời gặp những phi công Đồng Minh. Ngồi cạnh họ, tôi trao đổi tự do và kết bạn. Chính đây mới thật sự là điều ấn tượng: Cũng chính những phi công Hoa Kỳ này mà tôi nhắm bắn, cách đây 10 năm, đã dành cho tôi tình bạn tự nhiên của họ.

Nhiều lần, Tân Không lực Hoàng gia Nhật Bản đề nghị tôi tái ngũ với cấp bậc sĩ quan tại chức. Tôi đều từ chối. Tôi không muốn quay trở lại quân ngũ với quá nhiều quá khứ.

Nhưng lái máy bay cũng giống bơi lội: không thể quên dễ dàng. Tôi đã không rời mặt đất từ 10 năm nay, nhưng chỉ cần tôi nhắm mắt, cần lái của chiến đấu cơ lại nằm trong lòng bàn tay phải, cần ga trong tay trái, và bàn đạp dưới chân. Tôi tìm lại tức khắc cảm giác của sự tự do thuần khiết, của hấp lực mời gọi của vũ trụ đầy mây mà tất cả phi công đều biết đến.

Không, tôi đã chưa bao giờ quên những động tác phi hành. Nếu nước Nhật còn cần đến tôi, nếu một ngày nào đó tổ quốc này bị cộng sản đe dọa, thì tôi sẽ đáp lại lời động viên. Nhưng với tất cả thành tâm, tôi cầu khẩn Trời cho phép tôi cất cánh vì một lý do nào khác.” [1]

Saburo Sakai, Tokyo, 1956

Bản dịch Anh ngữ của Martin Caidin, New York, 1956

Bản dịch Pháp ngữ của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957

Những dòng chữ của Sakai giống những dòng chữ bi phẫn đầy cay đắng của các sĩ quan miền Nam sau 75. Giống nhau đến đập vào mắt. Vì cùng một kết cục bi thảm, tuy ngày 15 tháng 8-1945 của Nhật Bản phải tuyệt vọng hơn ngày 30 tháng 4 của miền Nam. Vì Nhật Bản chưa bao giờ bại trận, vì Nhật Bản vừa hứng chịu bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Vì dân Nhật chờ đợi sự chiếm đóng tàn khốc của Hoa Kỳ, một chiếm đóng của ngoại bang.

Ngược lại, miền Nam không thật sự tuyệt vọng vì muốn tin: một nửa dân tộc không thể hà khắc với một nừa dân tộc còn lại. Có thể chính sách cai quản sẽ nhiều cứng rắn nhưng vẫn là anh em một nhà. Hy vọng này, đã hiện diện ở phút giây đầu hàng. Trong suốt bao nhiêu năm, dân chúng đã trông đợi, khát khao, rồi mừng tủi vì chiến tranh đã thực sự chấm dứt. Nỗi mừng vui trông chờ đằng đẵng một nền hòa bình không bao giờ xảy đến vụt thành hiện thực. Nước mắt lăn dài vì từ đây chồng, cha, anh, em và các con sẽ không chết trận. Hòa bình lấn át nỗi lo sợ trả thù mà trong sâu kín tất cả cùng ý thức rất rõ: vị trí thua thiệt phải trả giá vì thất trận. Tất cả những gì xảy đến sau đó, trong những ngày sau, sẽ khá giống với những gì xảy đến cho gia đình thiếu úy Saburo Sakai, cùng một chính sách lý lịch, cùng một cách phân biệt đối xử, cùng những lầm than nghiệt ngã. Nhưng sau mốc 7 năm 1945-1952 mà Sakai kể lại, không còn gì chung để so sánh. Các phi công Nhật, không phải cải tạo, trở thành khách mời danh dự của các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, hồi ký của họ được xuất bản chính thức, quay thành phim như trường hợp cuốn Samouraï. Các cựu sĩ quan Nhật tìm lại vị trí trong xã hội và khá đông được mời tham gia Tân Quân đội Nhật Bản. Trường hợp miền Nam khác hẳn: Phía bại trận bị xóa tên, tù đày, không có lối thoát nào khác ngoài lìa bỏ tổ quốc.

Chính sách chiếm đóng của ngoại bang như thế, không quá khắc nghiệt đối với giai cấp quân phiệt Nhật. Đối với các sĩ quan Đức Quốc xã cũng tương tự: Cựu thống chế Erich von Manstein trở thành cố vấn tối cao của Tân Quân đội Liên bang Tây Đức Bundeswehr. Hans Speidel, tham mưu trưởng của Guderian rồi Rommel trở thành tư lệnh quân Đức trong khối Minh ước Bắc Đại Tây dương. Erich Hartmann chỉ huy phi đoàn phản lực hậu chiến đầu tiên, Günther Rall trở thành tổng tham mưu trưởng Tân Không lực Liên bang Bundesluftwaffe… Vị trí công dân bình đẳng của các cựu binh nhìn thấy rõ rệt nhất trên mặt báo chí: Vô vàn các hồi ký của các binh sĩ, sĩ quan Đức Quốc xã xuất bản công khai, chính danh, ở Tây Đức. Thậm chí các cựu binh của binh chủng Waffen-SS vẫn được lập hội[2], gia nhập đảng Tân Quốc xã và xuất bản hồi ký. Chỉ cần vào những trang Amazon hay Priceminister là có thể tìm thấy hằng hà sa số các hồi ký của Kurt Meyer[3] tư lệnh Sư đoàn 12 SS Hitlerjugend Tuổi trẻ Adolf Hitler, của Paul Hausser[4] tư lệnh Sư đoàn 2 SS Das Reich Đại Đức, hay của Felix Steiner, nguyên tư lệnh Sư đoàn 5 SS Panzer Wiking[5]… Thái độ của phía Tây Âu có thể xem gương mẫu: Thống chế Pháp Alphonse Juin viết lời tựa cho bút ký Bão Thép của Ernst Jünger trong lần tái bản. Trung tá Hoa Kỳ Martin Caidin tường thuật cuộc đời Saburo Sakai. Chuẩn tướng Anh Desmond Yound[6] viết nguyên một tập sách về sau trở thành best seller ca ngợi công trạng của thống chế Erwin Rommel và Xa đoàn Châu Phi (bản dịch Rommel, Con cáo già sa mạc của Nxb Sông Kiên Sài Gòn trước 75), thiếu tá Bỉ Bernard Dupérier và thiếu tướng Pháp Jacques Andrieux viết lời thiệu cho hồi ký của tư lệnh khu trục Đức Adolf Galland[7], v.v..

Gần 35 năm sau kết thúc nội chiến Nam-Bắc, đã có cuốn hồi ký nào của binh sĩ miền Nam được chính thức xuất bản và giới thiệu trang trọng trên đất nước Việt Nam mà không bị biên tập cắt xén hay vận dụng cho mục đích tuyên truyền như cuốn Hồi ký Tướng lưu vong của Đỗ Mậu? Nhìn trên quầy sách, chỉ tìm thấy những cuốn sách kiểu Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu[8] của Trần Trọng Trung… Hội Nhà văn Chiến thắng cũng không hề có nhu cầu tìm hiểu tâm tình của người miền Nam, thân phận của người Nam không hiện diện trong tác phẩm của Hội Nhà văn. Đây cũng là một trong những lý do vì sao độc giả miền Nam tẩy chay Văn học Thống nhất trong suốt một thời kỳ dài sau 30 tháng 4-1975.

So với Phan Nhật Nam, mà tôi duyên may phỏng vấn anh khi Gặp lại trên quốc lộ 1, Sakai may mắn hơn vì tháng 4 của Sakai đã ngắn hơn rất nhiều. Sakai phải chịu 7 năm lý lịch, còn Phan Nhật Nam mang trong mình vết tích của 14 năm tù đày. Đã 35 năm sau chiến tranh nhưng người lính miền Nam vẫn chưa tìm lại được phẩm giá cùng vị trí của mình trong lòng xã hội.

Điều mà Hội Nhà văn Chiến thắng không muốn nhắc đến: Là khối lượng máu đã đổ ra đều là máu của người Việt. Điều mà Ủy ban Quân quản Vĩnh hằng không lường trước là Đại thắng Mùa Xuân đang dần thành Đại thắng của Trung Quốc. Với bối cảnh Tây Nguyên hiện nay, kỷ niệm làm gì nữa Giải phóng Ban Mê Thuột?

_____________

Về Saburo Sakai có thể tham khảo một chương XV trong hồi ký Saburo Sakai - Samurai! Những trận không chiến dữ dội nhất lịch sử Thái Bình dương trên talawas và các trang web:

http://www.acesofww2.com/japan/Aces/Saburo_Sakai.htm

http://www.cieldegloire.com/010_Sakai _s.php

Gặp lại Phan Nhật Nam trên quốc lộ 1:

http://www.hopluu.net/default.aspx?LangID=38&tabId=466&ArticleID=481

24 tháng 7-2009

24 thg 7, 2009

Quan hệ quân sự Mỹ-Việt tiến thêm một bước mới


23/07/2009
Sự hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lại có thêm một bước tiến mới với cuộc hội đàm giữa các giới chức Lực lượng Không quân Hoa Kỳ và các giới chức binh chủng Không quân Việt Nam.

Bản tin hôm thứ Năm của hãng thông tấn Pháp – AFP - trích thuật một thông cáo báo chí của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho hay các giới chức cấp cao của lực lượng không quân hai nước đang mở các cuộc họp kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 21/7 và kết thúc vào ngày 24/ 7 để chia sẻ thông tin và chuẩn bị cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Trung tướng Chip Utterback, Tư lệnh Không đoàn 13 của Hoa Kỳ, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ, nói rằng mối quan tâm của Hoa Kỳ trong các cuộc hội đàm là nhằm xây dựng một mối quan hệ hữu ích trong tương lai.

Ông Utterback nói thêm rằng qua các cuộc gặp trực tiếp với các giới chức không quân trong khu vực và đối thoại với cùng một ngôn ngữ của không quân, hai bên có thể tìm thấy nền tảng chung và các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Cũng theo thông cáo báo chí này thì các giới chức không quân Hoa Kỳ đã giới thiệu cho các thành viên của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân Việt Nam tại Hà Nội về Không quân Hoa Kỳ và các chương trình đào tạo phi công của không quân Mỹ.

Phần giới thiệu về đào tạo do thiếu tá Nate Flint, phi công lái máy bay C-17 thuộc Không đoàn 13, trình bày.

Thiếu tá Flint phát biểu rằng điều thực sự thú vị về chuyến thăm lần này là bất kể những gì đã diễn ra trong lịch sử giữa hai nước, hai bên đã có thể trao đổi với nhau với tư cách là những quân nhân không quân trong quân phục của quốc gia mình. Ông nói rằng giới thiệu với phía Việt Nam về Không quân Hoa Kỳ đồng thời lắng nghe những chia sẻ từ phía họ là điều rất tuyệt vời.

Các giới chức không quân Việt Nam sẽ mời phái đoàn Hoa Kỳ thăm quan Trường đào tạo Sỹ quan Không quân Nha Trang, và các giới chức Hoa Kỳ sẽ tham gia phần hỏi đáp với sinh viên của trường. Họ cũng sẽ thăm Sư đoàn 370 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể nói đây là một hoạt động mới nhất trong hàng loạt các hoạt động hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam kể từ khi hai nươc bình thường hoá quan hệ vào năm 1995.

Các hoạt động trước đó có thể kể đến một số chuyến thăm của hải quân Hoa Kỳ đến Việt Nam. Hồi tháng 6/2008, Việt Nam đã đón tàu USNS Mercy ghé thăm Nha Trang. Trước đó Việt Nam đã đón tiếp 5 tàu hải quân Mỹ trong năm 2007, trong đó có chuyến ghé thăm cảng Đà Nẵng của tàu cứu trợ nhân đạo USS Peleliu.

Tàu này thực hiện nhiều dự án kỹ thuật và y tế khác nhau. Cũng trong tháng 6/2008, các quan sát viên Việt Nam tham dự các cuộc tập trận hải quân đa phương Hợp tác và Huấn luyện trên biển (CARAT), do Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiến hành.

Gần đây nhất vào tháng 6/2009, Việt Nam đã cho phép tàu khảo sát đại dương USNS Bruce Heezen thực hiện các hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích ngoài khơi Việt Nam.
http://www.voanews.com

Hiệp ước bất tương xâm : Lá bài mới của Hoa Kỳ trên bàn cờ khu vực Đông Nam Á


Bảo Thạch
22/07/2009
Nhận định về sự kiện Washington ký Hiệp ước bất tương xâm với ASEAN, các chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng : ‘’trong lúc mà Trung Quốc đang trỗi dậy tại khu vực này, Hoa Kỳ có lợi khi tạo được tư thế một cường quốc mà các nước châu Á có thể lựa chọn để dựa vào’’

Hôm qua, nhân cuộc họp báo tại Bangkok, ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố : ‘’Tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng là Hoa Kỳ đã trở lại’’.

Tăng cường quan hệ với Đông Nam Á để làm đối trọng với Trung Quốc

Ngày hôm nay, tại Phuket, ngoại trưởng Mỹ đặt bút ký Hiệp ước bất tương xâm với ASEAN. Sự kiện này xảy ra 6 năm sau khi Trung Quốc ký kết văn bản kể trên. Theo các viên chức Mỹ, Washington ngày hôm nay muốn đánh động dư luận về quyết tâm tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc đang lặng lẽ thách thức Hoa Kỳ, cả về kinh tế lẫn quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton muốn lật sang một trang sử mới với ASEAN, bởi vì trong quá khứ bà Condoleeza Rice đã hai lần vắng bóng tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực của Đông Nam Á. Thái độ của chính quyền Mỹ, trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Bush đã bị xem là lơ là đối với ASEAN, không quan tâm đến Đông Nam Á.

Bây giờ thì đã khác. Chính quyền Obama muốn chứng tỏ rằng Hoa Kỳ sẽ không để cho hồ sơ Afghanistan và Irak gây xao nhãng, mà trái lại, muốn mở rộng cũng như thắt chặt thêm quan hệ đối tác với khu vực Đông Nam Á. Do đó, việc ký kết với ASEAN Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác, tên gọi chính thức của Hiệp ước bất tương xâm, sẽ mở đường cho Washington hiện diện trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á. Mặt khác, điều này minh họa cho chính sách mới của Hoa Kỳ, theo đó, từ nay, Trung Quốc sẽ không còn cơ hội múa gậy vườn hoang.

Xin nhắc lại việc ký Hiệp ước bất tương xâm là điều kiện để có thể tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, diễn đàn tập hợp 10 nước ASEAN, cùng với 3 nước là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cộng thêm 3 thành viên "mới" là Ấn Độ, Úc và New Zealand. Đây là khuôn khổ được xem là thích hợp nhất cho công cuộc hợp tác tại Châu Á. Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á nhóm họp lần đầu tiên tại Kuala Lumpur năm 2005, trong khi Hoa Kỳ hoàn toàn vắng bóng, đã tạo ra nhiều cuộc tranh cãi. Người ta đã đặt câu hỏi về sự việc chính quyền Bush không ký Hiệp ước bất tương xâm, để mặc cho Bắc Kinh chiếm lĩnh ngôi vị bá chủ tại diễn đàn mới này.

Ngày nay, việc Washington ký Hiệp ước bất tương xâm đánh dấu chặng đường mới. Từ nay, sự hiện diện của Hoa Kỳ sẽ được xem là đối trọng với sức mạnh không ngừng được khẳng định của Trung Quốc.

Trung Quốc phủ bóng xuống Đông Nam Á

Thế và lực của Trung Quốc đã biến Bắc Kinh thành đối tác của Đông Nam Á, trong lãnh vực kinh tế. Nhưng song song với việc này, tiềm lực quân sự của Trung Quốc, và đặc biệt là tranh chấp chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông, gây nhiều lo ngại cho Đông Nam Á.

Trong khi đó, Hoa Kỳ thời gian qua đã mất dần ảnh hưởng. Thậm chí, Washington đã bị nghi ngờ rằng không còn chú ý đến Đông Nam Á. Theo Reuters, năm ngoái mậu dịch giữa Mỹ và Đông Nam Á trị giá 178 tỷ đôla, trong khi đầu tư của Mỹ trong khu vực được ước lượng lên đến 100 tỷ. Mậu dịch song phương giữa Trung Quốc và ASEAN quan trọng hơn, đạt 231,1 tỷ đôla với đầu tư hai chiều là 60 tỷ.

Nhận định về sự kiện Washington ký Hiệp ước bất tương xâm với ASEAN hôm nay, giáo sư Donald Weatherbee, thuộc đại học South Carolina , tuyên bố với hãng tin Bloomberg rằng : ‘’trong lúc mà Trung Quốc đang trỗi dậy tại khu vực này, Hoa Kỳ có lợi khi tạo được tư thế một cường quốc mà các nước châu Á có thể lựa chọn để dựa vào’’.

Không phải ngẫu nhiên, mà tuần trước, vào ngày 15/7, nhiều chuyên gia và Thượng nghị sĩ Mỹ đã báo động về nguy cơ căng thẳng leo thang tại biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo họ, Washington nếu không kịp trở tay, sẽ để mất lợi thế tại khu vực này.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb còn lên tiếng chỉ trích thái độ thụ động của Hoa Kỳ tại châu Á, mà theo ông có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc rảnh tay lấn lướt các nước lân cận. Ông Jim Webb lo ngại sức mạnh quân sự của Bắc Kinh đặc biệt là của hải quân Trung Quốc có khả năng làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực, nếu Washington không duy trì một lực lượng trên biển mang tính răn đe, đủ để thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ thái độ kẻ cả, ăn hiếp các nước khác.

Việc này diễn ra sau khi Thượng Viện Mỹ nghe ông Scott Marciel, phó trợ lý ngọai trưởng, khẳng định, trong hai năm qua, Trung Quốc đã gây nhiều áp lực trên các tập đoàn Mỹ, buộc họ ngừng hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò dầu khí tại biển Đông. Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đã kết luận và thúc giục Washington hành động. Ông nói : ‘‘chúng ta có bổn phận duy trì sự cân bằng địa lý chiến lược trong khu vực này’’.

Cân bằng hóa ảnh hưởng của Trung Quốc, điều này không chỉ Việt Nam mà có lẽ toàn Đông Nam Á đều mong muốn. Đầu tháng 7, một báo cáo của Viện Nghiên Cứu các vấn đề Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies), đặt trụ sở tại Washington, đã cho thấy Đông Nam Á hoan nghênh những cơ hội hợp tác và trao đổi với Trung Quốc, nhưng rất e dè trước các hệ quả có thể xảy ra, đặc biệt trong lãnh vực quân sự.

Bản báo cáo này viết : ‘‘các quốc gia trong khu vực đánh giá cao những mối lợi mang đến do sự lớn mạnh của Trung Quốc, nhưng họ lo ngại trước những thách thức mà Trung Quốc gây ra đối với quyền lợi quốc gia của họ, đặc biệt là trên biển Đông, và về toàn diện cán cân lực lượng khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại hóa quân đội’’.

Bởi lẽ đó, câu nói của ngọai trưởng Mỹ Hillary Clinton ‘’Hoa Kỳ đã trở lại’’ – United States is back đã được ASEAN hoan nghênh.

23 thg 7, 2009

Hydra tiền tệ trên trường quốc tế.


B.S.Nguyễn Lưu Viên

Lời nói đầu:
Trong bài “Lần theo mê-lộ có đường hầm của Hệ Thống Tiền Tệ Mỹ, chúng ta đã thấy con hydra tiền tệ Mỹ có tên là Federal Reserve [FED] hoạt động như thế nào trên đất Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ [HCQHK] . Hôm nay chúng ta sẽ cố găng tìm xem có con Hydra tiền tệ nào hoạt động như thế trên trường quốc tế hay không?

------------------------------------------

Nhắc lại một sự kiện lịch sử:

Ngày 18-th.6-1815, cuộc chiến tại Waterloo đang diển tiến, ông Nathan Rothschild, lúc đó đang là một trong số những chủ ngân hàng lớn nhứt của London, nắm được tin Hoàng Đế Napoléon sẽ đại bại trước nhà cầm quyền Anh 24 tiếng đồng hồ. Ông Rothschild liền tung tin nói rằng Napoléon sẽ đại thắng. Giá cổ phiếu trên tòan bộ thị trường chứng khóan lập tức tuột xuống tận dáy. Thì Ông Nathan Rothschild liền tay mua gom, vét hết, các cổ phiếu với giá rẻ mạt. Cuối cùng khi chiến thắng của Tướng Wellington được lan truyền khắp thủ đô London thì giá các cổ phiếu lại tăng vọt lên. Thỉ trong vài giờ, Ông Nathan Rothschild lại tung các cổ phiếu này bán lại, và thu được những khoản chênh lệch kếch xù.

Đó là chuyện thời xưa. Bây giờ chúng ta hãy xem xét chuyện thời nay.

Thỏa Hiệp Bretton Woods. [The Bretton Woods Accords]

Báo chí thường hay nhắc tới cụm từ Bretton Woods. Vậy nó là gì, ở đâu? Tra Từ-điển Webster mới biết đó là tên của một nơi nghĩ mát [resort] trong núi White Mountains ở Tiểu-Bang New Hampshire. Xem bản đồ Tiểu Bang mới thấy nò nhõ xíu nằm trên đường 320 ở giữa hai thành phố nhỏ Twin Mountain và Crawford House. Thế mà năm 1944, trước khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt năm 1945, nó được chọn [theo ý của Ô. David Rockefeller] làm địa điểm hội họp cho một Hội Nghị Quốc Tế về Tiền Tệ. Hai người đóng vai chánh trong Hội Nghị là kinh-tế-gia Anh danh tiếng quốc tế John Maynard Keynes và Thứ Trưởng Tài Chánh Mỹ Harry Dexter White.

Hội nghị đưa đến một thỏa hiệp được gọi là Thỏa Hiệp Bretton Woods [the Bretton Woods Accords] Theo Thỏa Hiệp này thì bản-vị vàng [the gold standard] vẫn được giữ và được đồng dollar yểm trợ [backed by the US dollar] vì đồng dollar được coi là “tốt như vàng” [as good as gold ] và Mỹ cam kết sự có thể đổi [convertibility] dồng dollar ra vàng theo giá $35 dollars một ounce vàng. Bản vị vàng của Bretton Woods [the Bretton Woods gold standard] “chạy đều” được một thời gian, vì ít có nước nào đổi dollars của mình ra vàng, và người ta còn tin tưởng nơi khả năng trả được [solvency] của Hoa Kỳ.

Nhưng kể từ năm 1965 chiến tranh ViệtNam đã kéo nước Mỹ vào vòng xoắn của nợ nần [the spiral of debt] thì T.T. De Gaulle của Pháp, nhận thấy Mỹ tiêu xài quá cái mức vàng được dự trữ, nên đòi Mỹ phải trả lại cho Pháp số vàng tương đương với $300 triệu dollars mà Pháp đang có. Mỹ làm đúng theo lời yêu cầu của De Gaulle. Nhưng kho dự trữ vàng của Mỹ bị “xẹp” đến nỗi mà năm 1971 T.T.Nixon phải rút dollar ra khỏi bản-vị vàng [took the dollar off the gold standard] và hủy bỏ luôn việc đổi dollar ra vàng. Thì các ngân hàng tư nhân và FED lại có dịp dở lại cái trò ảo-thuật “loan” để “create money out of nothing”.

Rồi lại thêm một trò ảo-thuật mới nữa được gọi là “short selling” là một thứ “mượn đầu heo nấu cháo” dựa trên hai nguyên tắc căn bản của “Kinh Tế Thị Trường” là:
1- Luật cung cầu: Hể cung [offre] mà nhiều hơn cầu [demande] thì giá hàng xuống, và hể cung mà ít hơn cầu thì giá hàng tăng lên.
2- mục đích hoạt động của một công-ty là làm sao cho có lợi có lời cho người có cổ phần [shareholder] và ý muốn của người [hay của nhóm người] nắm đa số cổ phần là “ý muốn của vua” giám đốc công ty phải tuân theo.

Và đây là lối hành động của “short selling”. Thí dụ như tôi đã nghiên cứu và khám phá ra được một lối chế tạo một món hàng mà tôi cho rằng sẽ được dân chúng thích, thì tôi phải dựng lên một công ty để sản xuất món hàng đó; nhưng vì không có đủ tiền nên tôi phải kêu gọi người ngoài hùn vốn bằng cách “bán cổ phần” thí dụ như tung ra một triệu cổ phần, mỗi cổ phần giá là $50 dollars. Nhờ có nhiều người hưởng ứng vì thấy món hàng tốt sẽ được dân mua dùng, nên người thì mua vài chục, kẽ thì mua vài trăm, có khi một mhóm kinh doanh mua vài ngàn cổ phần. nên tôi có được 50 triệu dollars để dựng lên “Công ty V”có nhà máy sản xuất, có cơ sở giao dịch, có văn phòng, v.v… Nhờ hàng tốt dân chúng thích, mua nhiều, nên “Công-ty V” phát đạt. Giá trị của cổ phần công ty mỗi ngày một tăng. lên tới thí dụ như $70 dollars mỗi cổ phần. Thường thường người muốn mua cổ phần là mua qua một môi-giới [“broker”] và gởi giấy số cổ phần đó cho “broker” giữ, chớ đâu có đem về nhà. Một ông chủ nhà bank B, thấy “Công ty V” phát đạt nên muốn chiếm lấy nó. Thì ổng [là “bồ tèo”có khi là chủ nhân thật của tên broker] đến “mượn” một số X cổ phần của “Công ty V” và tung số đó ra càng ngày càng nhiều vào thị trường... Thì trên thị trường số cung [của cổ phần “Công ty V”] càng ngày càng tăng, mà số cầu thì có hạn, nên giá của cổ phần càng ngày càng xuống. Những người ở nơi khác có cổ phần “Công ty V” thấy giá cổ phần xuống liền liền, thị vội vã biểu broker của mình bán mau mau cổ phần “Công ty V” của mình, thì trên thị trường tràng ngập cổ phần “Công ty V” với giá rẻ, thí dụ như chĩ còn có $25 dollars mỗi cổ phần. Thì Ông B lấy tiền của nhà bank mình quơ [rafler] hết các cổ phần “Công ty V” có trên thị trường. Ông trả lại cho broker “bồ tèo” của ổng số X cổ phần mà ổng đã “mượn”. Còn phần Y còn lại thì ổng giữ như là của. riêng của ngân hàng B.

Bây giờ ông B có thể có hai quyết định: Một là để cho “Công ty V” vẩn sống, thì ổng bớt hẳn số cung [bán ra] cổ phần Công ty V trên thị trường làm cho giá của nó tăng lên trở lại để đem cái lời cái lợi về cho các chủ cổ phần [mà chính ngân hàng B được hưởng thụ nhiều nhứt vì là nắm đa số cổ phần ]

Hai là ổng có thể giết chết luôn Công ty V, vì trong hội nghị hằng năm, hay hằng tam cá nguyệt của công ty, “ý muốn của người có đa số cổ phần là ý muốn của vua” nên ổng quyết định dẹp bỏ công ty vì quá lỗ lã. bán mau mau với giá rẽ, tất cả máy móc cơ sở của công ty [không còn tên trong danh sách các cơ sở], thì một “bồ tèo” hay một “tay sai” của ổng mua hết máy móc dụng cụ cơ sở đó, để dựng lên một Công ty mới có tên khác, sản xuất cùng một thứ hàng mà dân đã thích mua. Còn tôi, người tìm ra phương pháp chế tạo hàng thì được mướn ở lại làm công như một kỷ-sư chuyên môn, hay là bị đuổi đi. Thế là “Công ty V” mà trong bao nhiêu năm tôi đã tốn không biết bao nhiêu thì giờ và công khó nhọc để nghiên cứu, suy nghĩ, thử đi thử lại mới chế tạo ra được món hàng được dân ưa thích và tạo dựng lên được một cơ sở mà tôi lấy làm hãnh diện, trong chốc lát, đã bị nhà bank B nuốt hết, nhờ cái trò ảo thuật “short selling”

Trên bình diện quốc tế, nếu có một tổ chức nào mạnh và giàu, đem áp dụng trò ảo-thuật “short selling” đó vào một quốc gia yếu và nghèo, thì cả hệ thống kinh tế và hệ thống kỷ nghệ còn non nớt của quốc gia ấy, sẽ bị “nuốt” mất hết ……….Mà tổ chức mạnh và giàu đó đã có rồi ……..Đấy là :.

IMF & World Bank. Ngoài việc đưa đến một Thỏa Hiệp, hội nghị ở Bretton Woods nói trên còn đẽ ra được hai con hydra khổng lồ là:

IMF [the International Monetary Fund Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế] và World Bank [the International Bank for Reconstruction and Development Ngân Hàng Quốc Tế] Nói là để giúp Đệ Tam Thế Giới [the Third World] và các quốc gia đã bị chiến tranh tàn phá. Nhưng trên thực tế thì khác hẳn, vì IMF và World Bank sẽ áp dụng cho Đệ tam Thế Giới hai trò ảo-thuật “loan” và “short selling” cộng với hai quan niệm “cho chắc ăn” rất đặc biệt như sau:

1- Để “cho chắc ăn”, các nhà bank thích “chơi” với các chánh phủ “vững chắc”, nghĩa thông thường là các chánh phủ độc tài [The banks preferred “stable” governments for clients. Generally that meant governments controlled by dictators. Theo sách: “The Web of Debt” tr.215]]. Còn từ đâu các nhà độc tài đó có được quyền hành và họ làm gì với tiền, thì không phải là mối lo của các ngân hàng. Cho nên một số quốc gia ở Nam-Mỹ dược thí nghiệm. Ở ChíLợi, ngày 11-th.9-1973 TT... Salvador Allende, một vị tổng thống được dân bầu một cách dân chủ, bị Tướng Augusto Pinochet đảo chánh. Ở Peru chánh phủ bình dân [populist] của T.T. Alan Garcia bị cho vào “sổ đen”[black list] của IMF, nên ngày 28-th.7-1990 thì bị chánh phủ của T.T. Alberto Fujimori thay thế để áp dụng cái gọi là “economic shock therapy” của IMF. Rồi đến Argentina, các cuộc đảo chánh do bọn “Chicago Boys” gây ra.

2- Để “cho chằc ăn” các thứ tiền viện trợ cho y-tế, cho giáo-dục, cho sức khỏe trong các quốc gia mắc nợ phải bị bỏ đi, theo lệnh của IMF, để cho các nhà bank được trả nợ đúng kỳ [Public spending for health, education and welfare in debtor countries was slashed, following IMF orders to ensure that the banks got timely debt service on their petrodollars..Theo sách:”The Web of Debt” tr.215.] Cho nên trong các quốc gia có nhận viện trợ của IMF,[như Bengladesh, Bolivia, Brazil, Peru Ethiopia, Somalia, Uganda, Việt Nam và một số quốc gia trong khối Liên Bang Soviet URSS củ], con nít đi học phải trả tiền, người đau ốm vào bệnh viện phải trả tiên, chớ không còn được miển phí như trước. Kết quả là ở trong đa số các quốc gia ấy [trong đó có VN thời “bao cấp”] nền giáo dục bị phá tan [Destruction of Education], hệ thống bảo vệ sức khỏe bị sụp đổ [Collapse of the Health System ], thì các bệnh nhiễm trùng tái phát [Resurgence of Infectious Diseases].

Riêng ở Việt Nam còn có một chuyện lạ nữa mà mình không biết là: sau khi CS Bắc Việt chiến thắng, thì IMF đòi Hànội phải trả một số tiền $140 triệu dollars mà Chánh Phủ Saigon [VNCH] hồi trước còn nợ IMF, rồi IMF mới giúp. Thì Hànội phải chịu và may cho Hànội, là Pháp với Nhựt lập lên một “Ủy Ban Bạn của VN” [Friends of VN Committee] cho Hànội mượn số tiền đó để trả cho IMF.

Ngoài các tai hại về y tế và giáo dục nói trên, IMF còn gây ra nhiều tai họa khác độc ác hơn nữa, như đem nước sông vào ruộng để cày cấy mà phải trả tiền nước [ở Bolivia Nam Mỹ] nạn đói [như ở Somalia, Ethiopia] nạn thiếu dinh dưởng [ở cùng hêt] nạn thiếu an ninh, lọan vì biểu tình chống đối và đàn áp [ở cùng hết], nạn nội chiến vì chủng tộc [như ở Uganda] có thể đưa đến nạn diệt chủng [như ở Rwanda] ,v.v. mà các sách tôi đã tham khảo diễn tả rất đầy đủ trong vài ba trăm trang. Tất cả việc đó xẩy ra sau khi áp dụng cái được gọi là “ IMF shock therapy” với “privatization” [tư-hửu-hóa], với “deregulation” [bỏ luật lệ ràng buộc] để “giúp đở”, để “khuyến khích” để “chỉ dẩn” cho dân địa phương. Luôn luôn, dưới chiêu bài là “để thực hiện dân chủ”, “ để gia nhập kinh tế thị trường” và để xây dụng một “Nền Trật Tự Mới”[a New World Order].

Riêng Việt Nam thì không bị những tai họa ấy, nhờ chính sách “Đổi Mới” biến hơn hai triệu “thằng ngụy” đã hèn nhát bỏ trốn ra nước ngoài, trở thành những kiều bào hải ngoại yêu quý, “khúc ruột xa ngàn dậm” của dân tộc, được ân cần mời đi nhũng tours du lịch về VN, để đổ vào nền kinh tế của quê hương hằng năm một hai tỷ, rồi ba bốn tỷ, rồi năm sáu tỷ dollars. Nhờ số tiền đó, vì không phải của IMF cho mượn, thì không bị luật lệ của chủ nợ ràng buộc, cho nên tất cả các cơ quan nghiên cứu quốc tế độc lập đều công khai công nhận là VN tiến bộ, có một nền kinh tế vững chắc, một hệ thống cơ sở căn bản [infrastructure] tốt, đứng hàng đầu trong việc chống nạn nghèo [against poverty ], trong việc chống nạn thất học [against illiteracy] và trong số 20 quốc gia có số lượng Internet nhièu nhứt trên thế giới VN đứng hàng thứ 16 với số 16,500,000 máy [trên Turkey thứ 17 với 16,000,000 máy, trên Australia thứ 18, với 15,085,000 máy,trên Taiwan thứ 19 với14.500.000 máy và Philippines thứ 20 với 14,000,000 máy]. VN có một dân số hơn 83 triệu người, tức là tỷ lệ người dùmg Internet ở VN là 19,40% cũng là đứng hàng thứ 16 [trước PhiLuậtTân thứ 17 với 16,00%, trước Trung Quốc thứ 18 với 12,30%, trước Indonesia thứ 19 với 8,90% và trước India thứ 20 /3.70%]

B.S. Nguyễn Lưu Viên

Lần theo mê-lộ có đường hầm của Hệ Thống Tiền Tệ Mỹ


B.S. Nguyễn Lưu Viên
13/07/2009
Lời nói đầu
Cả năm qua báo chí Mỹ thường hay nói tới việc mất giá của đồng dollar, tới việc mắc nợ của chánh phủ Mỹ, rồi hay nhắc tới Federal Reserve, và tới tên của Ông Greenspan. Tôi không có học ÉcoPo của Pháp, không có học MBA của Mỹ nên mù tịt. Nhưng vì tò mò muốn hiểu biết, nên tôi đã cố gắng tìm tòi, học hỏi đó đây. Thì mới thấy rằng vấn đề tiền tệ của Mỹ là cả một mê-lộ có đường hầm, [a real maze with undergounds / un vrai labyrinthe avec des souterrains] một con đường máng dện chằng chịt mà nếu đi không có bản chỉ dẫn thì sẽ dể bị lạc.

Rồi tôi nghĩ rằng trong số độc giả của Y Tế Nguyệt San chắc cũng có một ít bạn đọc mù tịt như tôi, nhưng không có thì giờ để nghiên cứu đó đây như tôi, nên tôi viết bài này tóm lược và giản-dị -hóa tối đa một vấn đề vô cùng phức tạp đã kéo dài theo lịch sử của Hoa-kỳ, để giúp phần nào các bạn ấy hiểu sơ sơ vấn đề về đồng dollar là một thực thể mà mình phải đ6í phó hằng ngày. Tôi sẽ dùng phương pháp hõi và đáp [H & Đ] để dẫn đường quý bạn đi trên mê lộ và trong đường hầm ấy.

Tôi xin lưu ý quý bạn: Vì trong bài có vài ba cụm-từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nên tôi sẽ viết tắt các cụm từ ấy như sau: FED là Federal Reserve, CPLB là Chánh Phủ Liên Bang, HCQHK là Hiệp Chủng Quốc Hoa-Kỳ USA và T.T. là Tổng Thống.

------------------------------------------------------

I- Tạo ra tiền [create money].

H-: Dollar là tiền chính thức của HCQHK. Vây ở bên Mỹ cơ quan nào có quiyền phát hành dollar?

Đ-: Câu trả lời tự nhiên và thông thường mà cũng hợp lý là Bộ Tài Chánh của CPLB. Nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy. Bộ Tài Chánh của CPLB chỉ có quyền phát hành “coins” nghĩa là đúc [mint] các dồng tiền One Cent, Five Cents, One Dime, One Quarter, và một số đồng tiền One Dollar.

H-: Vậy thì cơ quan nào có quyền phát hành giấy xanh dollar?

Đ-: Chỉ có Federal Reserve [FED] mới có quyền phát hành giấy xanh dollar.

H-: Tôi thấy trên giấy xanh dollar nào cũng có hình của một ông Tổng Thống Mỹ, cũng có chữ ký tên của “Treasurer of the United States”, và của “Secretary of the Treasury” mà không phải do Department of Treasury của CPLB phát hành là gì ?

Đ-: Vâng, coi vậy mà không phải vậy. Trên giấy xanh dollar nào cũng có in hàng chữ “Federal Reserve Note” mà chữ note ở đây có nghĩa là “ a paper acknowledging a debt and promising payment; promissory note”. Tức là tờ giấy xanh dollar nào cũng là một tờ giấy nợ.

H-: Ai nợ ai?

Đ-: Chánh Phủ Liên Bang nợ FED.

H-: Sao lại có chuyện đó?

Đ-: Số tiên CPLB cần luôn luôn nhiều hơn số tiền thuế của dân đóng góp, nên CPLB phải mượn. Mượn ai? Mượn FED là cơ quan duy nhứt có quyền phát hành tiền dollar. Mượn bằng cách nào? Bằng cách cho phép Bộ Tài Chánh [The Treasury Department] in giấy nợ dưới hình thức “Federal Bonds” [là giấy IOU (I Owe You) trong đó chánh phủ cam kết sẽ trả lại với tiền lời] [mà bách-phân lời (% interest) là do FED. chủ nợ, quyết định]. FED chấp nhận và in [thí dụ như một tỷ dollars $1 billion] đưa cho chánh phủ. Thế là chánh phủ [tức là quốc gia, là dân Mỹ] nợ FED một tỷ dollars với tiền lời. Rồi mỗi năm tiền nợ đó chồng chất lên nên đến năm 1995 số tiền nợ là $5 trillion [1 trillion là 1 ngàn tỷ] và đến ngày 16-th.3-2006 là hơn $8,21 trillion.

H-: FED là một cơ quan của Liên Bang, vậy CPLB mà nợ FED thì có khác gì là “Tôi nợ Tôi”.

Đ-: Khác, vì FED là một cơ quan mang tên là “Liên Bang” [Federal] nhưng không phải của Liên Bang. FED là một công-ty độc lập của tư-nhân [a corporation independent privately owned].

H-: Privately owned thì ai own nó?

Đ-: Federal Reserve [FED] gồm có 12 cái Fed bank địa phương [twelve regional federal reserve banks] mỗi cái là sở-hữu của những nhà bank buôn bán tư thành viên của cái Fed địa phương đó Các Fed địa phương có trụ sở ở: 1- Boston, 2-New York, 3-Philadelphia, 4-Cleveland, 5-St Louis, 6-San Francisco, 7-Richmond, 8-Atlanta, 9-Chicago, 10- Minneapolis, 11- Kansas City và 12-Dallas.

Fed Bank của New York có đa số cổ phần [53% of shares]. Mà trong Fed bank của New York, Citibank và J.P.Morgan Chase Co nắm đa số cổ phần. Citibank là của gia-đình Rockefeller và J.P. Morgan Chase Co là của gia-đình Morgan. Hai gia đình này và gia đình Carnegie với gia đình Rothschild là thành phấn quan trọng nhứt của một nhóm người mà hoc giả Mỹ gọi là “the Robber Barons” [những Nam-tước Trộm Cắp].

H-: Nhưng trong Ban Quản Trị [Board] của FED ở Washington có Ông Tổng Trưởng Tài Chánh [the Treasury Secretary] và Ông Giám Sát Ngân Khố [the Comptroller of Treasury] là nhân viên chánh phủ.

Đ-: Vâng, vì vậy mà trên các giấy xanh dollar có chữ ký tên của hai ông này. Và T.T. Mỹ cũng bổ nhiệm [với sự chấp thuận của Senat] ông Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị [Chairman of The Governing Board] của FED, cho nên FED được coi như là một cơ-quan “gần như chính thức” [ quasi-governmental]. Hội Đồng này gồm có 7 người, với nhiệm kỳ là 14 năm, mà Tổng Thống chỉ có quyền thay thế một người mỗi hai năm.

Như vậy, thí dụ như có một ông T.T. muốn sữa đổi FED theo ý của ông, thì trong nhiệm kỳ 4 năm của T. T, ông chỉ thay thế được có 2 người [vì ông chỉ có quyền thay thế một người mỗi 2 năm.] Thôi thì cho rằng ông ấy là một ông T. T. tài ba lổi lạc, vượt qua được những khó khăn và những chống đối mà ông đã gây ra [vì quan niệm muốn sửa đổi FED], trong hàng ngũ dân-biểu và nghị sĩ của cả hai đảng, trong chính trường và trong media, để ông được đắc cử một nhiệm kỳ thứ hai, thì ông sẽ bổ nhiệm được 2 người nữa trong Governing Board (nếu được the Senate chấp thuận) thì cho đến gần cuối nhiệm kỳ 2, ông mới đưa ra được một dự luật sữa đổi, mà chưa chắc dự luật ấy sẽ có được số phiếu cần thiết ở hai viện để trở thành một đạo luật trước khi ông phải rời khỏi Nhà Trắng.

Mặt khác ban Quản Trị [Board] không kiểm soát được cả 12 Fed bank địa phương và các Fed bank địa phương phải theo chánh sách của Fed Bank New York nắm đa số cổ phần. Vã lại FED kể từ khi thành lập cho tới nay, chưa bao giờ bị chánh phủ “audit”[ soát xét ] vì năm 1975 dự luật [bill] H.R.4316 cho phép chánh phủ “audit” FED, được đưa ra Congress, nhưng dự luật không qua được vì không đủ phiếu.

Hảy xem như ông Alan Greenspan đang làm giám đốc công ty [corporate director] cho J.P. Morgan, thì được T.T. Reagan bổ nhiệm năm 1987 làm Chủ Tịch của FED, giử chức đó gần 19 năm, đến năm 2006 dưới thời T.T.George W. Bush mới về hưu. Nghỉa là đã làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị FED với bốn T.T. Mà trong lúc tại chức Ông không bao giờ có hợp báo, không bao giờ cho phỏng vấn, tức là không có việc hỏi han chất vấn lôi thôi.

H-: Trở lại đồng dollar. Bây giờ tôi mới biết rằng CPLB chỉ có quyền đúc coins, còn quyền phát hành giấy xanh là của FED, mà FED thì bị các nhà bank tư nắm. Vậy trong tổng số tiền của Mỹ, tỹ-lệ của mổi thứ tiền là bao nhiêu?

Đ-: Tiền coin của CPLB đúc chỉ là lối một phần ngàn tổng số tiền của Mỹ, cộng với tổng số tiền giấy xanh của FED phát hành, thành ra cái được gọi là “tiền sờ thấy được” [tangible currency] chỉ có lối 10% tổng số tiền được cung cấp [American Money Supply]

H-: Sao kỳ vậy? Còn 90% kia là tiền gì ở đâu ra?

Đ-: Phần 90% còn lại là tiền ma [phantom money].

H-: Tiền ma là tiền gì?

Đ-: Là tiền không có thật, là tiền được tạo ra từ chổ không có gì hết [money created from nothing], do cái trò ảo-thuật cho vay [gọi là “loan”] tạo ra.

H-: Thật sự tôi không hiểu được.

Đ-: Thực ra thì cũng không có gì khó hiểu cho lắm. Trò ảo thuật tạo ra tiền từ con số không [create money out of nothing] dựa trên cái gọi là “fractional reserve banking” do đao-luật tạo ra FED [Federal Reserve Act] cho phép. Theo đó thì khi mà nhà bank có trong kho của nó một số tiền X là tiền thật [hồi xưa là vàng, bây giờ là giấy xanh] được coi như là để dự-trữ [reserve], thì nó có quyền phát ra 10 X [tức là có 9 X tiền ma, không có bảo đảm reserve].

Thí dụ như tôi gởi vào nhà bank trong checking account của tôi $ 10,000 thì nhà bank để số tiền đó trong kho của nó như reserve, và nó có quyền phát ra $100,000 [tức là trong đó có $ 90,000 là tiền ma, vì không có reserve bảo đảm] Cũng như thế, Anh B để vào bank trong saving account $ 20,000, thì nhà bank có quyền phát ra $200,000 [tức có $180,000 là tiền ma]. Tổng cộng nhà bank có quyền phát ra $300,000 mà trong đó có $270.000 là tiền ma. Rồi khi Anh C đến mượn nhà bank $300,000 [để mua nhà, sửa nhà hay làm gì khác] thì nhà bank cho ảnh mượn [dưới hình thức loan] $300,000 đó. Anh C sẽ trả cho nhà bank số tiền đó cộng với lời [x %] dưới hình thức mortgage hằng tháng, trong 15 hoac 30 năm chẳng hạn, bằng tiền dollar thật, mà Anh C có được nhờ lương của Anh C, hoặc nhờ việc làm [như phòng mạch] của Anh. Tức là nhà bank, nhờ cái ảo-thuật của “loan” đã “create money out of nothing”.

Thí dụ trên là lấy cá nhân A, B, C làm mẩu, nên chỉ nói tới tiền với con số ngàn, nếu là nhà buôn, là nhà hàng, là hãng, là cơ sở sản xuất, thì tiền phải là tới số triệu. Mà cả HCQHK có hằng bao nhiêu triệu cá nhân, nhà buôn, hãng, xưởng v.v. cân tiền và phải vay tiền của nhà bank dưới hình thức “loan” thì không có gì lạ khi thấy rằng trong tổng số tiền cung cấp cho nền kinh tế Mỹ [american money supply] năm 2005 là $9.7 trillion trong đó tiền thật [tangible currency] chỉ có $ 1.4 trillion, còn $8.3 trillion là tiền ma. Và sau này nguyên tắc đó cũng được áp dụng cho việc dùng credit card [Visa, Master Card, American Express v.v.] với một lải xụất [% interest] còn cao hơn gắp bội.


II- Một chút lịch sử.

H-: Từ đâu, tại sao, và từ hồi nào mới có cái quái thai đó?

Đ-: Anh nói là “quái thai” thì cũng đúng, nhưng học giả Mỹ thường ví FED như một con
"Hydra". Theo từ-điển Hydra là một con rắn có chín đầu [trong thần thoại] hể chặt đầu này thì nó mọc đầu khác, và nó có nhiều cái vòi [tentacles] rất dài để bắt mồi từ xa. FED [con hydra dưới hình thức hiện tại] sanh ra nhờ cái Federal Reserve Act năm 1913 do Tổng Thống Woodrow Wilson ký [về sau ông hối tiếc]. Còn từ đâu và tại sao có nó, thì phải xem lại hết cái lịch sử của HCQHK vì trong dĩ vãng nó cũng đã bị chặt đầu nhiều lần, mổi lần lại sống lại với một tên khác.

H-: Anh có thể tóm tắt cho chúng tôi biết một chút không?

Đ-: Tôi sẽ cố gắng tóm lược tối đa một câu chuyện dài mấy thế kỷ và chiếm vài trăm trang trong mỗi sách nói đến chuyện ấy mà tôi có dịp đọc.

Ở Trung học chúng ta học trong sách rằng HCQHK hồi xưa là 13 thuộc địa của Anh-quốc. Đến năm 1774, để phản đối việc mẫu-quốc Anh đánh thuế vào trà [tea tax] một buổi tiêc trà được tổ chức ở Boston [Boston Tea Party]. Trong dịp đó một số người Mỹ giả làm người Da-đỏ nhảy lên tàu chở trà và vất các thùng trà xuống biển. Bị chánh quyền cai trị đàn áp, những đòan dân quân được thành lập để chống trả lại, và Ông Benjamin Franklin triệu tập một Hội Nghị gọi là Congress ở Philadelphia để đưa ra “Bản Tuyên Ngôn Quyền Của Người Mỹ Có Đống Thuế” [Delaration des Droits du Contribuable Americain] năm 1774. Sau đó, với sự chiến thắng của đoàn dân quân của Massachusetts, Congress cho ra Bản Tuyên Ngôn Độc Lâp [Déclaration d’Indépendance ngày 4-th7-1776.] Rồi dưới sự chỉ huy của Tướng George Washington, quân Mỹ đánh thắng quân Anh dưới quyền Tướng Cornallis ở Georgetown năm 1781, và theo Hòa Ước Versailles năm 1785 Anh-Quốc công nhận cho HCQHK độc lập.

Nhưng sau này một số học giả, sau khi đọc kỹ lại những tác phẩm của chính ông Benjamin Franklin viết hồi thời ấy, mới thấy là sự thật phức tạp hơn nhiều.

1-Vì không có tiền vàng hay bạc, nên kể từ năm 1691, các thuộc địa của Anh trên đất Mỹ phát hành tiền giấy gọi là “Colonial Scrip” để trả lương cho công chức và để cho dân xài trong việc mua bán trao đổi hàng hóa trả tiền công v.v. Mà người chủ nhà in lại chính là Ông Benjamin Franklin, người làm việc cho dân, vì dân, không tìm cái lời cái lợi trong việc in giấy bạc nên chỉ phát hành đúng theo nhu cầu, cần bao nhiêu thì phát hành bấy nhiêu, nên không cần lấy thuế của dân để chánh phủ có tiền, mà không tạo ra sự lạm phát [inflation] hay sự kém phát [deflation] nên giá vật và giá công [product and service] vẫn được đều hòa và thăng bằng Nhờ vậy mà các thuộc địa trở nên rất phồn thịnh, không có thất nghiệp, không có ăn mày, trong lúc mà ở London của mẫu-quốc ngoài đường có đầy ăn mày và người đi lang thang lêu lổng [The streets are covered with beggars and tramps]. Thì các chủ nhà bank Anh [the British bankers] lobby triều đình, nên năm 1751, vua George II ra lệnh cấm các thuộc địa phát hành tiền giấy, mà phải dùng tiền “coins” của mẩu-quốc [do các nhà bank Anh đã hợp thành một thể dưới tên là Bank of England phát hành]. Vua George III kế vị vua cha từ năm 1752 giữ nguyên lênh ấy. Thì các thuộc địa bị ảnh hưởng tai hại. Vì thiếu tiền coins [do mẩu quốc siết để tạo sự kém phát deflation], người làm ruộng hay trồng tỉa không có đủ tiền mướn người làm nên lúa không ai gặt, trái không ai hái. Người có hảng xưởng không đủ tiền mướn thợ, hàng hóa không được sản xuất. Cả dân trong một vùng đất rộng lớn của 13 thuộc địa bị nghèo đói không gia đình nào không bị ảnh hưởng, nên họ đứng lên chống đối chánh quyền và đó là nguyên do sâu xa của cuộc Cách Mạng Mỹ năm 1774. Cái”Boston Tea Party” chỉ là giọt nước làm tràn cái bình.

2- Việc đầu tiên Congress làm là phát hành tiền giấy được gọi là “the Continental” dưới hình thức IOU [I owe you.] nghĩa là giấy nợ mà Chánh Phủ Cách Mạng cam kết sẽ trả lại bằng tiền coins [vàng hay bạc] sau này. Lối chừng 200 triệu dollars dưới hình thức “continental scrip” được phát hành để chi phí cho cuộc chiến giành độc lập. Thì mẫu quốc phản ứng bằng cách in tiền giả để đổ ào ạt vào thị trường các thuộc địa, gây ra môt cuộc đại-lạm-phát, làm cho đến ngày độc lập tiền “the Continental” hầu như không còn giá trị gì hết. Thế là mẫu-quốc thua trên chiến trường, nhưng thắng trên mặt trận kinh tế [dính liền với tài chánh].

3- Vì thấy tiền Continental gần như không còn giá trị, nên các nhà “Quốc Phụ Lập Quốc [the Founding Fathers], không còn tin tưởng nơi giấy bạc, nên trong Hiến Pháp được viết ra, các ngài không nói tới tiền giấy mà ghi rằng Congress có quyền “coin money” [thay vì “create money”] và có quyền vay tiền dựa trên uy tín của chánh phủ [“and to borrow money on the credit of the United States]. Thì các nhà bank của mẫu-quốc Anh củ, là các ngân hàng Anh quốc tư nhân; xâm nhập vào HCQHK tạo dựng US Bank theo mẫu của England Bank. Mà England Bank từ thời thành lập cho đến ngày hôm nay là do các nhóm tài phiệt tư nhân gốc gác Hòa-lan [Amsterdam] nắm và chính các nhóm này xâm nhập vào hệ thống US Bank, khai thác lỗ hở to tát đó [the enormous loophole] mà nói rằng chiếu theo Hiến Pháp chánh phủ chỉ có quyền phát hành coins, và nhà bank có quyền phát hành tiền giấy. Vì tiền coins thì cồng kềng và quá nặng khi cần tới nhiều, nên nhà bank in giấy cam két sẽ trả lại đúng số coins [bằng vàng hay bạc] ghi trên giấy, thì dân chấp nhận coi những giấy ấy như là tiền.

4- Rồi với thời gian qua, các nhà bank để ý rằng rất ít người trở lại nhà bank để đòi lấy lại đồng tiền coins. Trung bình hằng năm chỉ có độ 10% người làm việc đó, còn 90% người còn lại thì không bao giờ thấy đến đòi lấy lại tiền coins. Thì nhà bank nghĩ rằng mình có thể phát hành thêm 90% nữa mà không sao. Đó là nguồn gốc của cái gọi là “fractional reserve” dẫn tới việc phát hành tiền ma.

5- Tổng Thống Thomas Jefferson (1801-1809) vị T.T. thứ ba của Mỹ thấy cái nguy hại cho đất nước và gọi liên đòan các nhà bank [the banking cartel] là ”một con quái vật ăn thịt ngưởi có cái đầu của con hydra” và Ông nói rằng “Nếu dân Mỹ để cho nhà bank kiểm soát việc phát hành tiền tệ của mình, thì trước hết bằng sự lạm phát [inflation] rồi bằng sự kém phát [deflation] các nhà bank và các công ty [corrporations] sẽ phát triển và tước đoạt hết tài sản của dân, thì con cháu chúng ta sẽ thức dậy vô gia-cư, trên cái lục địa mà cha mẹ của chúng đã chiếm được.” Nên năm 1811 Congress không chấp nhận tái ban cho đặc quyền [renew the charter] cho First U.S.Bank. Thì chiến tranh với Anh quốc [the War of 1812] bùng nổ. Chiến tranh đưa quốc gia đến sự lạm phát [inflation] và nợ nần [debt]. Vì những lý do đó, Tổng Thống James Madison (1809-1817) vị T.T. thứ tư của Mỹ, phải ký một đặc quyền 20 năm [a twenty year charter] cho Second Bank of The United States vào năm 1816.

6- Tổng Thống Andrew Jacksaon (1829-1837) vị T.T. thứ 7 của Mỹ veto dự luật của Congress cho phép tiép tục ban đặc quyền cho Second Bank of the United States. Trong bản veto Ông viết:” Không có cái gì nguy hại cho sự tự do và độc lập của chúng ta hơn là khi mà hệ thống nhà bank nằm trong tay của người ngoại quốc. Kiểm soát tiền tệ của chúng ta, lấy tiền của dân ta, và bắt giữ cả ngàn công dân của chúng ta phải lệ thuộc, thì còn đáng sợ hơn và nguy hiểm hơn là một thủy binh hay một quân đội của địch”.

Nhưng Ông cũng biết cái veto chỉ là bước đầu của cuộc chiến với nhà bank nên Ông nói: “ Con hydra của sự đồi bại mới bị chận lại chớ chưa chết”. Ông ra lệnh cho Ông Tổng Trưởng Tài Chánh [Treasury Secretary] mới của Ông, chuyển hết tiền deposits của chánh phủ từ Second US Bank qua các nhà bank của Tiểu Bang [state banks] thì ông này từ chối không làm. Ông T.T. cách chức ông ấy, và bổ nhiệm một người khác Ông này cũng từ chối không làm thì T.T. Jackson bổ nhiệm người thứ ba, Ông này thi hành lệnh nên T.T. Jackson vui mứng mà nói: “ Tôi đã trói được con quái vật rồi” Nhưng ông chủ nhà Bank, lobby được Senat không chấp thuận người được Tổng Thống bổ nhiệm và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế với việc siết chặt sự cung cấp tiền, để tạo ra một sự kém phát [deflation] bằng cách hồi [call in] các “loan” cũ, không cho thêm “loan” mới, nên một sự hoảng hốt tài chánh [a financial panic] xẩy ra trong dân chúng, thì báo chí lại đổ tội vào đầu Tổng Thống Jackson. Nhưng may thay Ông Governor của Pennsylvania [là nơi có trụ sở của nhà bank] xuất hiện để ủng hộ T. T. Jackson và phê bình nhà bank rất gắt gao và kế hoạch làm lũng đọan kinh tế của nhà bank bị phơi bày trước công chúng.

Cho nên đến tháng 4- 1834 Hạ Viện [House of Representatives] với 134 phiéu thuân và 82 phiéu chống, đã hủy bỏ việc tái ban đặc quyền [rechartering] cho Second U.S.Bank. Đến tháng 1- 1835 thì T.T. Jackson trả được hết các nợ của chánh phủ. Rồi ngày 30-th.1- 1835, khi T.T. Jackson đến Capitol để dự tang lể của Dân-biểu Warren R. Davis của South Carolina thì ông bị mưu sát bởi một tên thợ sơn “điên”(?) núp trong rotunda cách Ông có sáu feet bắn hai phát đều trật. Nhưng sau khi T.T. Jackson đóng cửa nhà bank trung ương [Central Bank] thì tiền giấy được dùng là những banknotes của của các nhà banks tư của các Tiểu Bang, hứa sẽ trả lại bằng vàng hay bạc chớ không phải là tiền của quốc gia [national currency].

7- Sau T.T. Jackson, ông tổng thống dám đánh con hydra tiền tệ là T.T. Abraham Lincoln (1861-1865), vị T.T. thứ 16 của Mỹ. Liền sau khi Ông đắc cử và trước khi Ông nhậm chức thì Nội Chiến Nam-Bắc [The Civil War] bùng nổ (1860) vì vấn đề “Nô-lệ” [Slavery]. Các nhà bank của vủng Đông [tức là thuộc về Union] đề nghi cho chánh phủ vay $150 triệu với bách phân lời quá nặng từ 24 tới 26%. T. T. Lincoln từ chối và quyết định chánh phủ sẽ in tiền lấy. Tiền in ra có tên chính thức là “United Note’ nhưng dân chúng quen gọi là “Greenback” vì phía sau in bằng mực màu xanh lá cây. Tiền được quan niệm không phải là một giấy nợ [IOU] với cam kết trả lại bằng vàng hay bạc, mà là một tờ giấy chứng nhận công lao cho xã hội. Công lao sản xuất [product] từ lúa gạo, trái cây cho tới vải sồ và vật dụng, công lao dịch vụ [service] từ thợ, cai, đến giám đốc, công lao bảo vệ an ninh trật tự, và gìn giữ đất nước, từ lính cảnh sát đến lính và quan trong quân đội, công lao điều khiển bộ máy cai trị, từ thơ ký đến giam đốc đến nguyên thủ quốc gia. Lãnh lương là lãnh giấy chứng nhận công lao, để mua thức ăn đồ dùng là trao giấy chứng nhận công lao của mình để nhận lấy món hàng được sản xuất với công lao tương đương của người bán.

Vì tiền được in ra vừa đúng nhu cầu của dân, cho dân, và vì dân, chớ không phải cho hay vì tư lợi nào hết, cũng như hồi thời Ông Benjamin Franklin lúc Hoa kỳ còn là 13 thuôc địa phồn thịnh, nên trong có bốn năm tại chức mà ngoài việc chiến thắng lọan Miền Nam được Anh giúp tiền, và việc giải phóng bốn triệu người nô lệ, T.T. Lincoln đã thực hiện cho nước Mỹ những công tác vĩ đại như: xây dựng và võ trang một quân đội lớn nhứt thế giới lúc bấy giờ, biến Hoa-kỳ thành một nước kỹ-nghệ khổng lồ [industrial giant], kỹ nghệ thép [steel industry] được thành lập, một hệ thống hỏa-xa xuyên luc-địa dược xây dựng, Bộ Canh Nông được thành lập để thúc đẩy viêc chế tạo máy và dụng cụ làm ruộng rẻ tiền, một hệ thống đại học miễn phí được thành lập nhờ Land Grant College System, lập lên những bộ máy hành chánh cho các vùng Miền Tây, tăng múc sản xuất lao động [labor productivity] lên từ 50 đến 75 %. Tất cả những viêc ấy thục hiện được là nhờ có một việc rất giản dị là chính chánh phủ phát hành tiền. Tức là cái đầu của con hydra tiền tệ đã bị T.T.Lincoln chặt.

Nhưng đến ngày 14-th.4-1865, thì một kịch-sĩ tên là John Wilkes Booth ám sát T.T. Lincoln trong lúc Ông đang xem tuồng hát Our American Cousin trong rạp hát Ford’s Theatre ở Washington. Thế là con hydra lại có cơ mọc đầu lại. Và đầu nó mọc lại thật, vì dân vẩn thích có tiền vàng nên tiền greenback mất giá dần dần đối với đồng tiền dollar vàng. Thì các nhà bank phát hành banknotes bảo đảm trả lại bằng vàng. Dân chúng tin nên dùng những banknotes đó như tiền thật, cho tới năm 1913 thì một con hydra mới xuất hiện nhờ luật Federal Reserve Act 1913.

III- Tân hydra chào đời.

H- : Tai sao có Luật đó?

Đ-: Vì năm 1907 xẩy ra một cuộc “Kinh Khủmg Tài Chánh” [a Financial Panic] nên năm 1908 T.T.Theodore Roosevelt (1901-1909), vị T.T. thứ26 của Mỹ, cho thành lập cái National Monetary Commission để chỉnh đốn vấn đề tài chánh. Chủ tịch của Commission đó là Ông Nghị Sĩ Nelson Aldrich [bên ngoại của David Rockefeller Sr.]. Ông Aldrich dẫn cả commission đi tour sang Âu-châu để nghiên cứu trong vòng hai năm. Rồi khi trở về, Ông lập lên, một cách hòan tòan bí mật, một nhóm bị gọi là “The First Name Club” vì cấm triệt để không được nhắc tới Last Name để cho đầy tớ và người làm, dù có nghe trộm được cũng không biết là ai, để nói lại cho người ngoài và báo chí biết là có những ai. Nhóm đó gồm có một số người được chọn lọc rất cẩn thận trong giới tài chánh và ngân hàng. Trong số đó người sẽ đống vai quan trọng nhất là Ông Paul Warburg (1868-1932) người gốc Đức di cư sang Mỹ năm 1904, được quốc tịch Mỹ năm 1911, và là thành viên của ngân hàng Kuhn, Loeb and Company Bankers ở New york [thuộc vào tài sản của Rothschild].

“First Name Club” được triệu tâp đến một hòn đảo nhỏ bé, riêng biệt và vắng vẻ có tên là đảo Jekyll Island, ở Georgia, hợp trong chín ngày liên tiếp, để viết một dự luật cải tổ hệ thống nhà bank và luật pháp tiền tệ [the banking and currency legislation] sẽ trình cho Congress.

H-: Trong dự luật có cái gì là đặc biệt?

Đ-: Có rất nhiều cái đặc biệt. Trước hết là cái tên: vì dân đã quá ghét. nên phải tránh cho kỳ được cụm-từ “Central Bank “ rồi phải làm sao cho dân tưởng rằng cơ quan này là của chánh phủ, do nhân viên chánh phủ điều khiển vì vậy mà có danh từ “Federal” và “Reserve“ [chớ không phải là Central Bank] và có Governing Board mà ông chủ tịch là do T.T. bổ nhiệm, và trong đó có hai nhân viên chánh phủ, mà trong thực tế thì Governing Board không có điều khiển được chánh sách của cơ quan. Rồi phải dùng những danh từ mờ ám khó hiểu để che giấu thực ý: như trong Lời Mở Đầu [Preamble] của dự luật nói: Mục đích của luật là để cho FED có thể “cung cấp một thứ tiền co dãn” [to furnish an elastic currency] nghĩa là gì?

Trong thực tế nghĩa là tiền mà nhà bank đã có thì nhà bank có thể, tùy nghi, thổi phồng lên. Rồi như danh từ “tái chiết khấu “[rediscounting] nghỉa là gì? Trong thực tế nghĩa là: một kỹ thuật cho phép nhà bank dùng để tăng gia tiền hiện có trong quỹ của nó, bằng cách cho vay thêm mà không cần chờ cho tới khi các loan trước hết hạn. Kết quả là Luật cho phép một nhà bank trung ương tư [a private central bank] tạo ra tiền từ chô không có gì hết [create money out of nothing] rồi cho chánh phủ vay số tiền đó để lấy lời và kiểm soát sự cung cấp tiền cho quốc gia bằng cách bôm phòng nó lên hay hút bớt nó xuống tùy theo ý muốn [control the national money supply, expanding or contracting it at will.]

H-: Thế mà không có Ông Nghị sĩ hay Dân biểu nào thấy sao?

Đ-: Có chớ. một số thấy và la làng lên .Như ở Hạ Viện Dân Biểu Charles Lindbergh Sr. [bố của phi công trứ danh Lindbergh] nói:” Luật tạo ra FED là một cái tội pháp luật tệ hại nhứt của mọi thời đại Hệ thống tài chánh đã bị lật lại cho một nhóm ngừơi chỉ có biết lợi dụng Hệ thống là của tư-nhân, được hướng dẫn về muc tiêu duy nhứt là lấy cho được những cái lợi tối đa từ việc xử dụng tiền của người khác “.

Và cũng còn một số dân biểu và nghị sĩ khác nữa la làng lên nhưng họ không đủ để đánh bại số dân biểu và nghị sĩ đã bị mua chuộc, đúng như lời của một người trong nhóm Rothschild ở London nói với một hội-viên của nhà bank ở New York ngày 25-th.6-1863 rằng: “Số nhỏ người hiểu cái hệ thống là gì, thì, hoặc là vì thấy có lợi cho mình, hoặc là vì đã tùy thuộc vào những ân huệ đang được hưởng, nên sẽ không có sự chống đối từ những hạng người đó. Còn nhóm đa số người không có đủ trí khôn để hiểu, thì sẽ chịu cái gánh nặng mà không than phiền”

Bởi vậy cho nên ngày 18-th.9-1913, dự luật được Hạ Viện chấp thuận với 287 phiếu thuận và 85 phiếu chống, rồi lên Thượng Viện thì ngày 19-th.12-1913, dự luật được chấp thuận với nhiều sửa đổi bằng 54 phiếu thuận và 34 phiếu chống. Đến đây lại có một việc lạ nhứt chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử của HCQHK, là trong cái bản văn của dự luật ở Hạ Viện có cho tới 40 điểm mà Thượng Viên không đồng ý nên đã sửa lại. Thì sau khi Thượng Viên biẻu vquyết, hai Viện phải ngồi chung lại để sữa lại sao cho cả hai bên đều đồng ý. Thế mà việc đó được thực hiện chỉ có trong một weelend. .Cho nên ngày Thứ Hai 22-th.12-1913 dự luật được biểu quyết ở Hạ Viện với 282 phiếu thuận và 60 phiếu chống rồi, cùng ngày, sang Thượng Viện được chấp thuận luôn với 43 phiếu thuận và 23 phiếu chống. Và T.T. Woodrow Wilson (1913-1921), vị T.T.thứ 28 của Mỹ ký thành Luật ngày hôm sau Thứ Ba 23 th.12-1913.

Tất cả những việc ấy xẩy ra một cách hết sức mau lẹ và trái ngược với tục lệ và truyền thống của Quốc Hội và của Chánh Phủ Mỹ là không bao giờ Lập Pháp Congress [Thượng và Hạ Viện] thảo luân và biểu quyết một Dự Luật vào lúc gần Noel, để cho Congress “recess” [thường thường là kể từ 15, 17 Dec.] và các Nghị Sĩ và Dân Biểu về quê của mình ăn mừng Christmas và New Year, và không bao giờ Hành Pháp [Chánh Phủ] ký một Đạo Luật vào Noel để cho T.T. về nhà riêng hay “ranch” của mình ăn mừng Christmas và New Year. Thế mà kỳ này Thượng Viên hợp lại, thảo luận, và biểu quyết ngày Thứ Sáu 19 Dec. Rồi cả hai viện làm việc với nhau weekend 20-21 Dec, để ngày Thứ Hai 22-Dec cả hai viện, hơp lại, thảo luận và biểu quyết dự luật, và ngày Thứ Ba 23 Dec. T.T. ký thành Luật.

Dân Biểu Lindbergh nói ở Hạ Viện: “Dự luật này thành lâp cái “trust” khổng lồ nhất trên thế giới. Khi mà T.T. ký cái dự luật này (thành Luật), thì cái chánh phủ vô hình của Mãnh Lực Tiền Tệ sẽ được hơp-pháp-hóa. Dân chúng có thể không biết chuyện đó ngay, nhưng mà rồi sự biết được chuyện chỉ được dời lại vài năm sau mà thôi”. Trong lúc đó thì báo chí [đã ở trong tay của “Mãnh Lưc Tiền Tệ”] thì ca tụng hết lời. Báo New York Times viết bằng chữ lớn ở trang đầu: “Tổng Thống Wilson ký Dự Luật Tiền Tệ Sự phồn thịnh được tự do và sẽ giúp mọi giai câp.

H-: Thế là con hydra được khai sanh là đứa con hơp pháp của HCQHK để lớn lên với đất nước?

Đ-: Hay đúng hơn thì phải nói “để lớn lên với đứa em song thai”.

H-: Nói gì lạ vây, đứa em song-thai nào?

Đ-: Khi nhóm của Nghị Sĩ Nelson Aldrich có Ông Paul Warburg chuẩn bị viết dự luật FED để trình cho Congress, họ đã tiên đóan rằng với sự áp dụng luật này thì CPLB sẽ mắc nợ FED càng ngày càng nhiều nên phải tím cách làm sao cho phép chánh phủ đánh thuế vào dân để có tiền trả nợ cho FED. thì họ kèm theo dự luật FED một Tu-Chỉnh Hiến Pháp [là the Sixteenth Amendment] cho phép CPLB đánh thuế income tax vào dân. Lúc ấy bản văn của Tu-Chỉnh chỉ có một trang giấy và nguyên Bộ Luật về thuế má chỉ có14 trang mà bây giờ thì nó dày đến 17,000 trang, cũng như nợ của chánh phủ do FED gây ra lớn lên từ số không cho tới bây giờ là $8.5 trillion.

H-: Bộ trước đó dân không phải đóng income tax cho CPLB sao?

Đ-: Không, trước 1913, dân chỉ đóng thuế income cho Tiểu Bang của mình mà thôi.

H-: Đã được hơp-pháp-hóa rồi, con hydra còn phá phách gì nữa không?

Đ-: Nói là phá phách thì không hẳn là phá phách, nhưng khi được hơp-pháp-hóa rồi thì FED hoạt động tích cực hơn, nên gây tai nạn cho dân.

H-: Tai nạn gì?

Đ-: Cuộc Đại Khủng Hoảng [The Great Depression] năm 1930.

H-: Bằng cách nào?

Đ-: Bằng cách tạo ra tiền “out of nothing” qua trò ảo-thuật “loan”. Để khuyến khích dân vay tiền, nên FED hạ thấp bách phân lời [% interest] thì dân ùn ùn vay loan và loan để có tiền tiêu xài thả ga. Thì nhà bank thảy vào nền kinh tế quốc gia một số tiền khổng lồ, tạo ra một cuộc lạm phát [inflation]. Rồi nói là để kềm hảm sự lạm phát, thì lại siết chặt việc cung cấp tiền, thu hồi các loan đả phát ra, không cho vay loan mới, thì dân thiếu nợ phải vội vàng bán nhà cửa ruộng đất để trả nợ, nên những người có liên hệ với “Mãnh Lực Tiền Tệ [Monetary Power] có tiền mua những bất động sản ấy với giá rẻ mạt. Còn con cháu những người thiếu nợ thì trở nên vô gia cư vô nghề nghiệp đi lang thang thất thểu ngoài đường như hồi Mỹ còn là 13 thuộc địa dưới thời các vua George II và vua George III, trước ngày Cách Mạng Mỹ [American Revolution] năm 1774. Nhưng nhờ chánh sách “New Deal” của T.T.Franklin D.Roosevelt (1933-1945) vị T.T. thứ 32 của Mỹ, và việc lập lên cái FDIC [Federal Deposit Insurance Corporation] mà tình thế trở lại yên ổn. Giáo sư Milton Friedman, Nobel Prize về kinh tế, viết: “Nhứt định là FED đã gây ra cuộc Đại Khủng Hoảng vì thu rút lại một phần ba [1/3] số tiền đang lưu hành.từ năm 1929 tới năm 1930”.

Còn Ông Louis T. McFadden Chủ tịch The House Banking and Currency Commttee, thì nói: “Cuộc khủng hoảng không phải là bất ngờ ngẫu nhiên mà là một việc được trù liệu rất cẩn thận … Những chủ nhà bank quốc tế tìm cách đem đến đây sự thất vọng để rồi họ có thể trở thành nhưng kẻ ra lệnh cho tất cả chúng ta”

H-: Thế rồi kể từ đó không có Ông T.T. nào dám đụng tới FED nữa?

Đ-: Có chớ, T.T. John F. Kennedy, (1961-1963) vị T.T. thứ 35 của Mỹ. Ngày 4-th.6-1963 T.T. Kennedy ký một Hành Pháp Lệnh [an Executive Order số 11110] cho phép CPLB phát hành tiền mà không phải qua FED bằng cách cho phép Bộ Tài Chành The Treasury phát hành những giấy chứng nhận bạc đối với mọi thoi bạc, bạc, hay là mọi dollar dựa trên bản vị bạc của Bộ [the power to issue silver certificates against any silver bullion, silver or standard silver dollars in the Treasury] Nghĩa là một khi Bộ Tài Chánh có trong kho một ounce bạc nào, thì Bộ có quyền phát hành ra một giấy bạc để lưu hành trong nền kinh tế. Như vậy T.T.Kennedy đã tung ra $4.3 tỷ dollars cho lưu hành. Thì FED bank của New York sẽ phá sản, vì dân chúng biết rằng các giấy chứng nhận bạc [silver certificates] của Chánh Phủ được bạc yểm trợ [backed by silver] chớ giấy bạc của FED [Federal Reserve Notes] không có cái gì yểm trợ hết. Lệnh số 11110 nói trên còn giúp chánh phủ trả hết nợ của mình mà không phải qua FED để trả tiền lời, do FED tạo ra tiền out of nothing. Tức là trên thực tế Lệnh sô 11110 cho CPLB quyền tạo ra tiền của mình có bạc yểm trợ, đúng theo Điều I, Phần 8 của Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Năm tháng sau, ngày 22-th.11-1963, T.T.Kennedy bị tên Lee Harvey Oswald ám sát và tên này hai ngày sau bị Jack Ruby (Rubenstein) giết chết trong Dallas Police Station.

H-: Như thế thì phải chăng là một nhóm tài phiệt cai trị xứ này vì người ta hay nói: “Ai nắm được tiền là nắm được quyền” phải không?

Đ-: Tôi không dám trả lời là phải hay là không [yes or no] vì tôi không đọc được sách nào nói rõ là đã có một tòa án nào kết án một người nào trong giới Mãnh Lực Tiền Tệ [the Monetary Power] hay một vị nào trong nhóm những Nam Tước Trộm Cắp [the Robber Barons] về tội dùng tiền của mình mua được quyền thế. Cho nên tôi xin để cho quý bạn đọc mỗi người kết luận theo ý kiến của mình.

Tôi chỉ xin phép nhắc lại lời nói của Ông Nathan Rothschild hồi năm 1838: “Để cho tôi phát hành và kiểm soát tiền của một quốc gia, thì tôi cóc cần biết ai viết luật pháp”, và tôi cũng xin phép nhắc lại số phận của những vị Tổng Thống đã có gan dám chặt đầu con hydra tiền tệ: T.T.Andrew Jackson bị mưu sát, T.T.Abraham Lincoln và T.T.John F.Kennedy bị ám sát.

Tài liệu được tham khảo:

The Web of Debt by Ellen Hodgson Brown, nxb Third Millennium, Baton Rouge, 2007

http://www.webofdebt.com

The Secrets of the Federal Reserve by Eustace Mullins nxb Bankers Research Institute Staunton, 1993

Modern Money Mechanics published by the Federal Reserve Bank of Chicago, now out of print: http://landru.i-link-2.net

The Federal Reserve is a privately owned corporation by Thomas D. Schauf. 11-28-98 in http://www.apfn.org/

B.S. Nguyễn Lưu Viên

12 THÁNG ANH ĐI