29 thg 7, 2009

Cambodia và những cuộc xâm nhập bí hiểm của Trung Quốc


Sau một giai đoạn dài bị kiềm chế, sự hiện diện về mọi mặt của Trung Quốc tại Cambodia đang gia tăng, và dấu ấn về cái gọi là “ảnh hưởng Trung Quốc” tại quốc gia nghèo khó này là rất đáng kể. Trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang đổ tiền vào các dự án bất động sản Phnom Penh, thì Trung Quốc lại tìm cách kết hợp một dòng chảy của đầu tư quốc gia và tư nhân với lượng viện trợ khổng lồ hiện đang biến đổi hoàn toàn nhiều vùng nội địa rộng lớn của Cambodia. Trang Newsmekong.org mới đăng tải bài phân tích về sự xâm nhập mạnh mẽ của người Hoa tại Cambodia:

Chem Hout đang ngồi trong quán cafe Maxxi tại một khu phố sầm uất ở Sisophon – thủ phủ tỉnh Banteay Meanchey, miền Tây Cambodia – để đợi chuyến xe buýt chở cậu con trai 9 tuổi đi học sắp về. Rồi thì chiếc xe cũng đỗ xuống, thân xe mang những ký tự tiếng Trung của một trường song ngữ Trung Quốc tại địa phương. Đó là sự lựa chọn đáng ghen tị của Chem và bất cứ ông bố bà mẹ nào có đủ khả năng tài chính gửi con theo học tại đây.

“Nó cũng chẳng tốn hơn học trường công (nơi được học miễn phí)”, Chem – người sở hữu một nhà hàng tại Sisophon – thừa nhận, “Nhưng tôi thích tiếng Trung và muốn con trai mình học ngôn ngữ của họ. Tôi hy vọng một ngày nào đó nó sẽ được đến Trung Quốc.”

Thật khó mà hoài nghi về sự khôn ngoan trong quyết định của Chem, bởi những bệnh viện và phòng mạch tốt nhất tại thành phố này đều do người Trung Quốc điều hành. Tiền bạc của Trung Quốc đã được rót vào cả một số trường ngoại ngữ, nơi không chỉ tiếp nhận một số người Cambodia gốc Hoa, mà còn ngày càng thu hút đông đảo thêm các học sinh Khmer chính gốc.

Lao Mong-hay, một người Cambodia gốc Hoa và nguyên là Giám đốc Viện Dân chủ Khmer tại Phnom Penh, nhận định: “Đó là một hướng đi đặc biệt, nhưng cũng là cách khôi phục truyền thống lâu nay, khi người Hoa cung cấp các dịch vụ cho người Cambodia. Trước đây, các thương nhân Hoa kiều vẫn mua và bán các sản phẩm của nông dân Cambodia”.

Trong ý thức của người Khmer, Trung Quốc có vẻ như là một “Người khổng lồ” xa xôi, nước Lào thì “vô lo”, và cũng vì trong lịch sử chẳng có biến cố chiến tranh, nên trong tâm thức người Khmer chẳng có những tình cảm tiêu cực với người Trung Quốc. Và đa phần sự thù địch chỉ giành cho Việt Nam – quốc gia láng giềng phía Đông của Cambodia.

Nhưng đúng là Trung Quốc đã giữ một vài trò bí hiểm trong quá khứ đau thương của Cambodia. Bắc Kinh từng là người bảo vệ hào phóng và tận tâm cho chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot, từ lúc khởi đầu chỉ là một nhóm du kích nổi dậy trong những năm 60, và cho tới suốt 3 năm cầm quyền ghê rợn từ 1975-1978, đã khiến 1/4 dân số Cambodia bị tiêu diệt. Sự hỗ trợ này thậm chí còn được tiếp tục sau khi Khmer Đỏ bị các lực lượng Việt Nam lật đổ năm 1979, nhưng chúng vẫn dai dẳng tồn tại ngoài rìa của một xã hội đã bị tổn thương và hoạt động ở các trại trong rừng rậm dọc biên giới với Thái Lan.

Lo ngại sự mở rộng trên khắp Đông Dương của một nước Việt Nam được Liên Xô hậu thuẫn, Bắc Kinh đã huấn luyện các du kích Khmer Đỏ, cung cấp vũ khí, lương thực, và hỗ trợ kỹ thuật. Theo Lao Mong-hay, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Ủy ban Nhân quyền châu Á, Trung Quốc đã viện trợ ít nhất 2 tỉ USD cho phong trào này, và phân nửa số này là sau khi quân đội Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ và bằng chứng về chế độ diệt chủng của Pol Pot đã được cả thế giới biết đến.

“Dĩ nhiên chúng tôi hiểu về vai trò của Trung Quốc, nhưng cứ nhắc đi nhắc lại vấn đề đó để làm gì”, Samath Yin – một hướng dẫn viên du lịch ở di tích Anhkor Wat – chất vấn, “Những gì đã xảy ra dưới chế độ Plo Pot chẳng phải hành động của một quốc gia nào, mà chỉ là hành động của một nhà lãnh đạo. Là những người theo đạo Phật, chúng tôi không được phép nghĩ về báo thù, mà chỉ nhắc tới hòa bình.”

Trong suốt mùa du lịch cao điểm, Samath – người rất thạo tiếng phổ thông Trung Quốc – làm hướng dẫn viên cho hàng loạt đoàn du khách Trung Quốc đi thăm di sản thế giới Angkor Wat. Anh ta cho rằng thế hệ người Cambodia trước đây có vẻ rất hiểu các vấn đề của Cambodia, và thương nói tốt về Quốc vương Sihanouk của Cambodia, người vẫn còn có một tư dinh ở Bắc Kinh. Nhưng thế hệ trẻ Cambodia giờ biết quá ít về lịch sử Cambodia, và thậm chí còn ít hơn nữa về vai trò của Trung Quốc trong lịch sử đất nước.

Những cuốn từ điển Trung Quốc đương đại chẳng đề cập tới hai từ “Khmer Đỏ”, thuật ngữ do chính Quốc vương Sihanouk đặt ra để phản ánh đúng phong trào Cộng sản bí mật vốn được khơi cảm hứng và hỗ trợ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.

Từ trước khi lên nắm quyền năm 1975, Pol Pot từng muốn ganh đua với cuộc cải cách ruộng đất không tưởng của Mao, nhưng đi theo những hướng cực đoan mới. Y lùa sạch dân khỏi Phnom Penh, đuổi tất cả dân thành phố và trí thức vào những công xã và trại cưỡng bức lao động mà về sau đã trở thành những cánh đồng chết. Năm 1975 trở thành “Năm số Không” của đất nước này – điểm đầu cho một giai đoạn man rợ và khởi động cho “nền văn minh” mới.

“Con gái bốn tuổi và ông nội tôi đều thiệt mạng trong các cánh đồng chết”, Theary – người làm công trong tiệm kim hoàn của một ông chủ Trung Quốc ở Siemriep – kể lại, “Cô bé chết vì đói, còn ông nội tôi bị đưa đi hành quyết. Lần đầu tiên khi tôi được xem bộ phim Cánh đồng chết, tôi không thể cầm được nước mắt.”

Liệu Theary có cảm thấy bất an không khi giờ đây cô đang làm việc cho một cửa hàng của người Trung Quốc? Những người dân địa phương còn cho biết thêm rằng chính Trung tâm mua sắm Angkor hiện nay được xây dựng trên nền của một trại tra tấn của Khmer Đỏ tại Siemriep, và rằng hàng đống xương người đã được tìm thấy trong lúc thi công.

“Bà chủ Trung Quốc của tôi đã từng nghe những câu chuyện ma, và trước khi khai trương cửa hàng, bà ấy đã cúng bái rất nhiều cho những người chết”, Theary kể, “Tôi cảm thấy hài lòng về điều đó”.

Không một phương tiện truyền thông chính thức nào tại Trung Quốc từng đưa tin về phiên tòa hiện đang xét xử các cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ. Năm nhân vật Khmer Đỏ già nua sẽ bị xét xử về các tội danh giết người và chống lại loài người trong các phiên xét xử được cho là sẽ kéo dài tới năm 2012. Kẻ khét tiếng nhất trong số này, Kaing Guek Eav – còn có biệt danh là Duch – phải chịu trách nhiệm về các vụ tra tấn và sát hại tới 14.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn y làm Trưởng trung tâm giam giữ S-21 của Khmer Đỏ tại Phnom Penh.

Sự lầm lẫn

“Thật sai lầm khi tin rằng chính Trung Quốc đã hậu thuẫn cho Khmer Đỏ trong các vấn đề đối nội của họ”, Zhang Xizhen – nhà nghiên cứu Đông Nam Á thuộc khoa Quốc tế trường Đại học Bắc Kinh – nhận xét, “Thủ tướng Chu Ân Lai khi đó đang nằm viện vì ốm, nhưng vẫn cố thuyết phục họ không lặp lại những sai lầm mà Trung Quốc mắc phải trước đây, nhưng họ không lắng nghe”.

“Mặc dù Trung Quốc không thể chấp nhận những gì họ đã làm, nhưng cũng không thể can thiệp trực tiếp vào những chuyện nội bộ của họ”, nhà nghiên cứu Zhang tiếp tục bào chữa cho quá khứ của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác, ngoài việc hậu thuẫn cho các chính sách đối ngoại của Khmer Đỏ vì họ là “lực lượng duy nhất chống lại sự bành trướng của Việt Nam trên bán đảo Đông Dương”, và điều đó tạo nên một mối đe doạ nghiêm trọng đối với Trung Quốc”.

Nhưng có vô số hồ sơ đã cho biết tường tận rằng trong suốt thời gian Pol Pot cầm quyền tại Cambodia, các cố vấn Trung Quốc – có lẽ khoảng một nghìn người – đã giữ vai trò quan trọng trong nước này. Trớ trêu đến khó tin là họ vẫn đóng vai trò quan trọng ngay cả khi chính sách của chế độ Khmer Đỏ bài xích thiểu số Hoa kiều sống tại Cambodia đã sớm trở thành một cuộc thanh lọc sắc tộc khủng khiếp.

“Người phát ngôn của Bắc Kinh”

Giờ đây, ngay cả khi các phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ đang diễn ra tại Phnom Penh, vai trò của Trung Quốc trong quá khứ của Cambodia cũng hầu như không được đề cập đến một chút nào.

“Chính phủ Cambodia không bao giờ đưa ra chuyện Trung Quốc dính líu vào quá khứ nước này”, Chủ tịch Trung tâm nhân quyền Cambodia – Ou Virak nói, “Trung Quốc là nhà đầu tư và tài trợ lớn nhất của chúng tôi, và cũng đứng đầu về số lượng thu nhận các hợp đồng sang nhượng đất đai. Cả hai nước đều muốn dẹp bỏ quá khứ.”

Theo Uỷ ban đầu tư Cambodia, Trung Quốc luôn đứng đầu trong danh sách nước ngoài đầu tư vào Cambodia suốt 14 năm qua, với tổng trị giá lên tới 5,7 tỉ USD vào cuối năm 2007. Bắc Kinh đã hứa bổ sung thêm 257 triệu USD cho Phnom Penh trong năm viện trợ 2009.

Nhưng ông Ou Virak nhận xét rằng sự hào phóng của Trung Quốc chẳng phải là không có những ràng buộc. “Chính quyền Husen giờ đang hành động hệt như người phát ngôn của Bắc Kinh”, Ou Virak nói, “Họ vẫn luôn nhấn mạnh tới vai trò của Mỹ khi viện trợ cho Khmer Đỏ tiếm quyền, vì điều này giúp Trung Quốc ngăn cản Mỹ tiếp cận vào khu vực các nước ASEAN”.

Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam giai đoạn cuối thập kỷ 60 đầu 70, quân đội Mỹ từng ném bom các vùng “Đất Thánh” của Việt Nam trên đất Cambodia, làm hàng nghìn thường dân thiệt mạng. Chính nước Mỹ đã hỗ trợ Khmer Đỏ tập hợp sự ủng hộ dân tộc dưới chiêu bài chiến đấu chống đế quốc ngoại bang, và mở đường cho lực lượng này leo lên nắm quyền lực.

“Cả Trung Quốc và Mỹ đều có lỗi”, Theary Seng – Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển xã hội Cambodia – kết luận, “Cũng chính những người theo chủ nghĩa xét lại về vai trò của Trung Quốc đã tìm cách phủ nhận vai trò của Trung Quốc trong chế độ Khmer Đỏ, vì điều đó trái ngược với những bằng chứng lịch sử”.

Bà Theary Seng cho rằng một lời xin lỗi và một quỹ khôi phụ niềm tin cho các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ có thể là cách thích hợp nhất để Trung Quốc khép lại trang lịch sử và chuộc lỗi bằng vật chất. Bà kết luận: “Tất cả những dự án đầu tư lớn, cùng các khoản viện trợ hào phóng này, đều là tốt, nhưng người Cambodia cần phải nhận thức rằng họ có quyền được hưởng những điều đó.”

* Nguồn: China Makes Deep Inroads into Cambodia (Antoaneta Bezlova)

12 THÁNG ANH ĐI