27 thg 2, 2010

“Ảo ảnh chết người” của kinh tế Trung Quốc

Đồng đôla Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc

Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng, thì nền kinh tế Trung Quốc lại đạt tốc độ tăng trưởng cao, thành tích này có dự báo điều bất thường?

Thời gian chuẩn bị đón Xuân Canh Dần, Trung Quốc công bố nhiều chỉ số thống kê ngoạn mục về tốc độ tăng trưởng và, lần thứ hai trong vòng một tháng, lại quyết định nâng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát.

Ảo ảnh

Trong khi thế giới vẫn e sợ suy trầm toàn cầu mà nền kinh tế này lại có triệu chứng nóng máy và có thể đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất trên 10% vào năm 2010 thì tất nhiên là dư luận coi đó là điều đáng chú ý. Nhưng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lại gọi đây là những "ảo ảnh chết người". Ông giải thích như sau, qua phần trao đổi cùng Việt Long trong tạp chí chuyên đề Diễn đàn Kinh tế.

Việt Long: Hôm Thứ Ba mùng hai tháng Hai, Trung Quốc thông báo kết cấu của tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,7% trong năm 2009. Mười ngày sau thì họ quyết định tăng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng nhằm kềm hãm lượng tín dụng và chặn trước nguy cơ lạm phát khi đà tăng trưởng sản xuất trong năm 2010 này có thể sẽ vượt 10%. Giữa bối cảnh suy trầm toàn cầu mà kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng quá 10% và lo ngại lạm phát thì rõ là xứ này đã vượt xa các nước khác. Điều ấy có đúng hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau khi ăn Tết xong và trở lại thực tế kinh tế thì tôi thiển nghĩ rằng các thống kê vừa qua cho thấy những ảo ảnh chết người của kinh tế Trung Quốc và người Việt Nam rất nên tìm hiểu về các ảo ảnh này. Trước khi trình bày chuyện ấy, tôi xin được nói thêm vài chi tiết khác cũng rất đáng chú ý.

Hôm 28 tháng Giêng, Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh loan báo nỗ lực cải cách phương thức thu thập và khai thác thống kê vì trong năm 2009 đã có 13.500 vụ đúc kết thống kê sai lạc. Đây là lần thứ tư mà Trung Quốc muốn cải tổ thống kê mà nhiều phần vẫn không có kết quả vì một lý do chính trị. Đó là vì mọi đảng viên cán bộ chỉ chịu trách nhiệm với thượng cấp ở trên hơn là với thuộc cấp ở dưới hay với dân chúng, cho nên họ đều có xu hướng tô hồng thống kê trong quản hạt trước khi đưa lên trên và ở trên cùng thì tổng kết thành con số ảo. Một thí dụ mà diễn đàn này đã trình bày từ năm ngoái là Tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc vào năm 2007 lên tới ngạch số tương đương với hơn 3.600 tỷ Mỹ kim, trong khi nếu mà cộng lại kết số tổng sản lượng của tất cả các tỉnh và thành phố thì ta có con số khác, là 4.000 tỷ đô la, một mức sai biệt khổng lồ là 340 tỷ đô la, gần 10%. Khi độ sai lệch lại cao như thế thì ta nên trừ bì, là gia giảm, mức độ khả tín của thống kê Trung Quốc.

Thứ hai, mùng hai tháng Hai vừa qua, cơ quan quốc tế thẩm định giá trị tín dụng là hãng Fitch đã hạ thấp mức điểm của hai ngân hàng Trung Quốc và giải thích là trình độ quá bất trắc của các ngân hàng khi ào ạt bơm tín dụng và cho vay theo diện chính sách nên ngân hàng thiếu vốn và rủi ro tín dụng gia tăng. Thực tế thì lượng tín dụng ngân hàng tại Trung Quốc đã tăng hơn 30% trong năm 2009 và xứ này là nơi có bong bóng đầu cơ lớn nhất trong các nước Á châu.

Nhiều tòa nhà được xây dựng mới ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Trái bóng địa ốc có thể sẽ bể, là điều diễn đàn này cũng đã nói tới trong chương trình ngày 13 tháng Giêng.

Thứ ba, hôm mùng một tháng Hai, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu rằng Trung Quốc đang gặp nhiều bất trắc trên các thị trường quốc tế mà ở nhà thì lại bị các vấn đề thất quân bình và phát triển không bền vững. Khi ấy, ta mới để ý đến sự kiện các giới chức lãnh đạo Bắc Kinh đều lên tiếng báo động về nhiều vấn đề trong nội bộ để chuẩn bị thảo luận tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị rồi Đại hội Đại biểu Quốc hội vào các ngày mùng ba và mùng năm của tháng tới. Nói chung thì lãnh đạo xứ này ưu lo về tình hình kinh tế, xã hội và chính trị nhiều hơn là dư luận bên ngoài thường nghĩ vì họ thấy ra những ảo ảnh sinh tử của chế độ.

Xuất khẩu “âm”

Việt Long: Nếu vậy thì xin ông trình bày trước tiên điều ông gọi là ảo ảnh trong đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 8,7% vào năm 2009. Con số này thật ra rất lớn nếu ta so sánh với Hoa Kỳ chẳng hạn, là siêu cường, chỉ đạt tốc độ có 0,8% mà thôi.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tốc độ 8,7% trong một năm suy trầm toàn cầu và nối tiếp tốc độ 9% của năm 2008 thì quả nhiên là con số đầy ấn tượng! Nhưng khi đi vào chi tiết ta thấy ngay sự thật u ám nằm bên dưới. Đà tăng trưởng bình quân 8,7% này là kết số của ba thành tố gồm có đầu tư là 8%, tiêu thụ là 4,6% và xuất khẩu là -3,9%. Nôm na là 8,7% = 8% + 4,6% - 3,9%.

Xưa nay, xuất khẩu vẫn là đầu máy tăng trưởng của Trung Quốc mà bây giờ lại đóng góp một số âm cho đà tăng trưởng, là -3,9%, mà tiêu thụ chỉ có 4,6% nên không bù đắp nổi. Vì vậy, nhà nước nhảy vào cấp cứu như bơm nước biển đề hồi sinh một cơ thể rũ liệt. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng rồng cọp của Trung Quốc thực tế lệ thuộc tới 92% (là 8% của tổng số 8,7%) vào đầu tư của khu vực công. Không có đầu tư của nhà nước là chẳng có tăng trưởng.

Việt Long: Chúng ta đều biết khi kinh tế bị suy trầm thì xứ nào cũng phải tìm cách kích thích. Hoặc là qua hạ lãi suất hay in tiền bơm vào kinh tế, hoặc qua tăng chi hay giảm thuế, chủ yếu là để bù đắp cho sự thiếu hụt tiêu thụ của tư nhân. Nếu vậy thì lãnh đạo Bắc Kinh cũng áp dụng các biện pháp bình thường ấy, thế thì vì sao ông lại gọi là ảo ảnh?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chuyện ấy không bình thường vì nhà nước mà không đẩy là cỗ xe sẽ dừng mà kinh tế Trung Quốc lại như cỗ xe đạp, nếu không lăn bánh là sẽ đổ vì thất nghiệp tăng và động loạn xã hội sẽ bùng nổ.

Đã thế Trung Quốc lại có hệ suất đầu tư rất tệ, tức là phải đầu tư rất nhiều thì mới sản lượng mới tăng được một đơn vị. Người ta hay dùng "chỉ số đầu tư phụ trội" gọi tắt theo Anh ngữ là ICOR để đo lường hệ suất ấy. Thí dụ như nếu xứ nào phải đầu tư ba đơn vị mới gia tăng sản lượng được một đơn vị thì có chỉ số Incremental Capital Output Ratio bằng số ba. Nếu đầu tư bằng 5% của tổng sản lượng với một chỉ số ICOR là 3 chẳng hạn thì sản lượng sẽ tăng được năm chia cho ba, bằng 1,66%. Suy ngược lại, khi sản lượng Trung Quốc tăng 8,7% là nhờ đầu tư tới 92% tổng sản lượng GDP thì chỉ số ICOR của xứ này phải là 10,6, là một hệ suất đầu tư thật tốn kém vì quá lớn!

Chẳng những vậy, nếu nhìn kỹ hơn thì... lượng biến thành phầm, và phẩm chất rất tồi. Trung Quốc thường chủ động bơm tiền qua hai ngả công chi và tín dụng, rồi gọi đó là đầu tư. Nhưng chủ yếu là nhà nước cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước, gọi là thuộc diện chính sách, và cho các dự án xây dựng thuộc phạm vi phân bố và chia chác của địa phương. Tất cả để duy trì khả năng sản xuất và chính yếu là tuyển dụng để tránh nạn thất nghiệp và động loạn xã hội. Nhưng hệ thống ống bơm ấy lại... theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó bơm vào nơi úng thủy và thổi lên bong bóng đầu tư.

Hậu quả xã hội của chế độ kinh tế ấy là hình thức tái phân lợi tức, và lại tái phân phối trước tiên cho một thiểu số có chức có quyền. Người dân lầm than thì chỉ còn một ngả là hỳ hục ráp chế hàng xuất cảng để kiếm được chút tiền vụn ở dưới. Khả năng tiêu thụ rất thấp - chỉ có 4,6% - phản ảnh điều ấy. Vì thế ta cần nhìn ra cái chất ảo của đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Lạm phát?

Bảng hiệu ngân hàng Trung Quốc

Việt Long: Tuy nhiên, vì sao lãnh đạo xứ này lại e sợ lạm phát đến nỗi phải hạn chế tín dụng. Nếu hạn chế tín dụng thì làm sao còn có tăng trưởng theo lối đẩy xe đạp như ông vừa nói?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây lại là một ảo ảnh khác của kinh tế Trung Quốc.

Sau khi tiến hành cải cách từ ba chục năm trước, Trung Quốc quả là đã bị ba trận lạm phát. Đó là vào năm 1985 với vật giá tăng 10%; rồi vào năm 1988-1989 khi vật giá tăng 20% và gây khủng hoảng chính trị với vụ tàn sát Thiên an môn ngày bốn tháng Sáu năm 1989 khiến mấy ngàn người bị giết; rồi vào năm 1993-1994 với giá cả tăng vọt đến 25%. Rút kinh nghiệm kinh tế và chính trị của quá khứ, lãnh đạo Bắc Kinh rất e sợ lạm phát....

Việt Long: Chúng tôi nhớ lại là từ những năm 2003 rồi 2005, ông thường báo động là kinh tế Trung Quốc có thể bị nóng máy và đã có lúc quyết định cấm cho vay trong nhiều tháng liền mà sau đó, lạm phát vẫn không bùng nổ. Dường như là sau đợt lạm phát 1993-1994, cấu trúc kinh tế xứ này có thay đổi nên có khi bị giảm phát chứ hết bị lạm phát rồi. Điều ấy có đúng không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa điều ấy rất đúng vì cơ cấu kinh tế đã có thay đổi.

Thời Mao Trạch Đông, thành phần doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 90% tổng sản lượng GDP. Qua thời cải cách từ năm 1979 về sau, doanh nghiệp nhà nước được giải phóng trong đầu tư và được các ngân hàng cũng của nhà nước tài trợ tín dụng rất dồi dào để bành trướng thị phần và tuyển dụng thêm công nhân viên, từ 78 triệu lên 100 triệu người.

Nhưng, ách tắc trong cơ chế đã khiến số cung bị hạn chế mà số cầu gia tăng nhờ tín dụng và lương bổng nên mới gây nhiều đợt lạm phát. Nạn tham nhũng trong khu vực nhà nước và vật giá gia tăng trên đầu người dân mới dẫn tới khủng hoảng chính trị. Sau đấy, cơ chế sản xuất có thay đổi và thực tế là có cải thiện mới dẫn tới thời kỳ ta có thể gọi là sản xuất thừa và chất vào kho. Vì vậy, đúng là người ta có chứng kiến hiện tượng giảm phát hơn là lạm phát như ông vừa nói. Giảm phát là khi hàng họ giảm giá mà bán vẫn không chạy chính là vì hiện tượng sản xuất thừa và gây ra ấn tượng tăng trưởng cao.

Việt Long: Thế thì vì sao bây giờ lãnh đạo Bắc Kinh lại sợ lạm phát?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì thật ra xứ này vẫn có những lệch lạc trong cơ chế nên lãnh đạo của họ vẫn sợ lạm phát bùng nổ từ ba khu vực, đó là năng lượng, địa ốc và nhất là lương thực.

Thứ nhất về năng lượng thì Trung Quốc áp dụng chế độ kiểm soát giá cả để dân chúng khỏi bị khốn đốn vì giá xăng dầu hay khí đốt, nhất là trong hai năm 2007 và 2008 khi giá năng lượng và thương phẩm tăng vọt trên thế giới. Nhưng chính là chế độ kiểm soát mới gây ra nhiều lệch lạc trên thị trường, thứ nhất là vì doanh nghiệp về năng lượng không muốn bị lỗ khi nhập vào với giá cao và bán ra với giá quy định của nhà nước; và thứ hai là vì giá năng lượng được trợ cấp nên giới tiêu thụ khỏi cần tần tiện. Tình trạng lệch lạc ấy gây rất nhiều tốn kém kinh tế nhưng là cái giá mà nhà nước phải trả để khỏi gặp động loạn và họ canh chừng giá năng lượng rất kỹ.

Thứ hai, vì đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý và Trung Quốc là một xứ rất rộng mà lại thiếu đất canh tác, chỉ bằng một phần ba của bình quân của thế giới. Chế độ quản lý của nhà nước dẫn tới nạn bóc lột nông dân và khiếu kiện về đất đai khi ngân sách thuế khóa của các tỉnh lại thu được bình quân là 40% nhờ bán quyền sử dụng đất. Cũng vì mối lợi của đảng viên cán bộ ở địa phương cho nên xứ này cứ hay bị nạn bong bóng đầu cơ về địa ốc. Mặc dù mới đây, Quốc vụ viện tức là Hội đồng Chính phủ vừa rà lại đạo luật về đất đai để tránh nạn cướp đất và không bồi thường thỏa đáng, nhưng bất ổn xã hội vẫn còn nguyên vẹn vì luật lệ sẽ khó được đảng viên cán bộ áp dụng nghiêm chỉnh.

Thứ ba và quan trọng nhất, Trung Quốc là nơi mà người dân thường thiếu ăn vì có diện tích canh tác rất hẹp cho một dân số quá đông nên lương thực là yếu tố thổi bùng chỉ số giá cả. Thiên tai hay dịch bệnh cũng sẵn sàng ảnh hưởng tới sản lượng lương thực mà lương thực lại chiếm tới một phần ba ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình, nên giá mà tăng là dân sẽ khổ và nổi loạn.

Cho nên, nếu có nhìn ra nguy cơ động loạn ấy từ chuyện vật giá và lồng trong khung cảnh của một nền kinh tế không có kích thích là sản xuất đình đọng và thất nghiệp sẽ tăng thì ta mới thấy ra ảo ảnh phồn vinh và phú cường của xứ này.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

26 thg 2, 2010

Trồng cây hay trồng người?

Ngô Nhân Dụng

Hai vị tướng về hưu ở Hà Nội mới đưa ra công khai một bức thư yêu cầu đảng Cộng Sản chấm dứt ngay việc cho người Trung Hoa thuê đất rừng Việt Nam để khai thác trồng cây. Họ viết những lời lên án và cảnh cáo giận dữ nặng nề: Tự sát! Cố tình phá hoại! Gieo tai họa cho dân! Thâm độc và tàn bạo!

Tại sao phải nổi giận như vậy? Hai tác giả bức thư đã nói đến hành động “bán rừng,” “mua rừng” nhưng có thể khiến người đọc nghĩ đến hai chữ “bán nước.” Nếu có quốc gia nào âm mưu “mua rừng” của nước ta thì thâm độc và tàn bạo thật!

Theo lá thư ngỏ trên, mười tỉnh ở khắp ba miền Việt Nam đã cho người ngoại quốc thuê tổng cộng hơn 300 ngàn mẫu (ha) đất rừng, trong dài hạn 50 năm. Trong số đó, gần 90% đất rừng là cho những người thuê đến từ lục địa Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, nói chung là các công ty của người Trung Hoa. Phần lớn các khu đất rừng cho thuê nằm ở vùng biên giới. Riêng trong tỉnh Lạng Sơn, sẽ cho thuê hơn 70 ngàn mẫu tây rừng, bằng một phần tư tổng số rừng cho thuê khắp nước. Lạng Sơn là nơi quân đội Trung Hoa đã phá tan thị xã thành bình địa trong cuộc chiến năm 1979.

Hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh viết: “Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước.” Hai ông cũng ám chỉ đến một âm mưu lâu dài khi viết thêm: “Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia.” Cho nên họ tố cáo, “Các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo.”

Trước những những lời tố cáo của hai ông “tướng về hưu” trên, giới lãnh đạo đảng Cộng Sản và bộ máy chính quyền trung ương, như thường lệ, không ai thèm trả lời. Giống như họ từng bỏ qua không thèm trả lời mấy trăm nhà trí thức phản đối về vụ Bauxite. Họ gần như mặc nhiên coi việc cho người ngoại quốc thuê khai thác rừng là thuộc trách nhiệm của những cán bộ ký hợp đồng cho thuê, tức là các quan chức cấp tỉnh, hay thấp hơn!

Một lần nữa, chúng ta đứng trước một vấn đề luật pháp về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai, mà chế độ hiện nay cố ý giữ chặt di sản từ thời Hồ Chí Minh để lại, sau khi làm cải cách ruộng đất. Nhà nước cộng sản đã tịch thâu tất cả đất đai của toàn dân với quy tắc “nhân dân làm chủ,” tạo cơ hội cho các cán bộ cộng sản mặc sức lạm dụng, tham nhũng vì họ nắm toàn quyền quyết định! Lạm dụng cơ chế để làm giầu là một đặc quyền của các đảng viên cộng sản; nhưng khi đặc quyền đó lại có thể tác hại đến chủ quyền đất nước và gây hại lâu dài thì mọi người dân Việt Nam phải thắc mắc, như hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh.

Luật pháp cộng sản coi tất cả đất đai đều thuộc quyền quản lý của nhà nước, không người dân nào có quyền làm chủ đất. Nhưng ai là người nắm quyền cấp giấy phép cho dân sử dụng đất, theo những điều kiện nào? Luật pháp không rõ ràng đầy đủ, tạo cơ hội cho các quan chức địa phương giải quyết tùy tiện, áp dụng linh động. Một công ty ngoại quốc muốn thuê đất làm trụ sở hoặc dựng nhà máy, cơ xưởng có thể phải chạy chọt với quan chức cấp huyện hay cấp tỉnh, hay phải xin phép từ trung ương, điều này tùy thuộc “mối làm ăn” lớn hay nhỏ. Việc cho thuê đất rừng chắc cũng theo lối này.

Quan chức cộng sản cấp tỉnh tại Lạng Sơn đã bác bỏ lời lên án “bán rừng” của hai vị tướng về hưu. Một viên giám đốc trong tỉnh nói rằng “Không có chuyện mua bán đất đai. Không chuyển nhượng sở hữu, mà chỉ có cho thuê!”

Nói như vậy là đáng bùn sang ao, cũng như không nói gì cả. Tất nhiên là ở trong nước Việt Nam bây giờ không ở đâu có chuyện mua bán đất đai hay chuyển nhượng quyền sở hữu đất đai. Vì theo hiến pháp tất cả đất đai trên toàn quốc là “của tòan dân,” không ai có quyền sở hữu để mà mua hay bán! Nhưng trong thế giới bây giờ, ngay tại những nước tư bản, “quyền sở hữu” không quan trọng bằng “quyền sử dụng.” Ban giám đốc các công ty như IBM, Bank of America, Coca Cola nắm nhiều quyền hơn hầu hết, nếu không nói là tất cả chủ nhân các cổ phần!

Trên nguyên tắc toàn dân Việt Nam chung nhau quyền sở hữu đất đai, nhưng đảng Cộng Sản chiếm độc quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội” quyền hành to lớn hơn tất cả các ban giám đốc của những công ty tư bản, vì không ai có thể thay đổi ban giám đốc như trong các đại hội cổ đông! Cho nên đảng Cộng Sản nắm độc quyền sử dụng và cho phép người khác sử dụng tất cả đất đai trong nước, từ đất xây nhà ở đến đất làm ruộng hay trồng rừng, đào ao thả cá hay dùng làm nghĩa địa!

Như vậy thì các công ty Trung Quốc không cần phải “mua đất” trồng rừng ở Việt Nam! Vì trong chế độ xã hội chủ nghĩa này không có ai “bán đất” cả. Các ông chủ người Tầu chỉ cần “thuê đất” thì họ cũng có quyền hạn không khác gì những nông dân Việt Nam đang được nhà nước cho phép sử dụng đất cầy ruộng! Đất để xây nhà cũng là đất được nhà nước cho phép dân sử dụng, mà quyền sử dụng không có gì bảo đảm là vĩnh viễn, không biết lúc nào nhà nước đòi lại để làm việc khác hay cho người khác dùng. Thời hạn tối đa người nông dân Việt Nam được phép sử dụng đất cũng là 50 năm, không lâu dài hơn các ông chủ Trung Quốc thuê rừng 50 năm! Nếu vậy thì các ông chủ Tầu có quyền sử dụng đất rừng Việt Nam lâu dài không khác gì các nông dân Việt Nam đang làm ruộng. Nếu họ mạnh vì gạo, vì tiền, thì họ còn nắm quyền thuê đất trồng cây lâu hơn nữa!

Cho nên hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh mới cảnh cáo: “Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.” Họ là những người đã trông thấy hàng triệu đồng đội chết vì những lời kêu gọi lòng yêu nước. Bây giờ họ đứng trước mối họa mất nước!

Đó là chưa kể một điều đáng lo khác: Mối nguy trồng người! Bức thư ngỏ của hai ông tướng về hưu đã nói đến “mối nguy di dân” khi các công ty Đài Loan, Hồng Kông hay Trung Quốc đem người Tầu sang làm việc!

Hiện tượng trồng người đang diễn ra. Hiện nay ở Việt Nam đã có những làng của công nhân người Hoa làm trong các dự án do người Trung Quốc đứng thầu. Đã xẩy ra nhiều vụ xung đột với dân bản xứ người Việt. Tháng Sáu năm ngoái, 200 công nhân người Trung Quốc đã tấn công dân chúng một làng ở Thanh Hóa, sau một vụ ẩu đả giữa một công nhân và người chồng của một bà chủ quán.

Cuối năm ngoái, nhật báo New York Times đã viết cả một bài về việc ”xuất cảng lao động” của Trung Quốc tại Việt Nam. Họ lấy thí dụ công trường xây cất nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Trung Sơn, Hải Phòng. Trong bốn năm xây dựng, chỉ có mấy trăm người Việt Nam kiếm được việc làm ở đó, còn hầu hết là người Hoa, có lúc lên đến 1,500 công nhân Tầu. Họ sống trong những cư xá riêng, với các cơ sở cung cấp dịch vụ cho họ cũng do người Trung Hoa trông coi, bốn chung quanh kín cổng cao tường. Có cả một “nhà tắm hơi đấm bóp” mà người ta biết ở trong có những “dịch vụ đen tối” khác, treo bảng chiêu khách bằng chữ Hán! Phóng viên Thời báo New York viết: “Cả một thế giới Trung Hoa mọc lên,” (an entire Chinese world has sprung up). Có cả một con đường treo bảng tên Quảng Tây Lộ! Tiệm ăn Tầu mang tên Quảng Tây treo bảng viết chữ Hán, quảng cáo, thực đơn bằng chữ Hán. Một nhóm công nhân người Hoa ngồi nhậu say sưa trong quán này, một anh họ Lâm nói với phóng viên Edward Wong của báo Times: “Tôi được gửi qua đây làm việc, để tròn bổn phận đối với tổ quốc” (I was sent here, and I am fulfilling my patriotic duty). Tất nhiên, anh ta nói đến tổ quốc Trung Hoa của anh.

Đó là mối họa di dân có thực. Chính quyền cộng sản vẫn mập mờ về chuyện giấy phép làm việc của các công nhân Trung Hoa sang Việt Nam. Phạm Chi Lan, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam nói với nhà báo Mỹ: Hiện nay có những làng hoàn toàn Trung Quốc. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một hiện tượng như vậy trong các dự án của công ty người nước khác.” Trong một nước Việt Nam mà nạn thất nghiệp vẫn trầm trọng khiến phải “xuất cảng” nửa triệu người ra ngoại quốc kiếm ăn, sự có mặt của gần 40,000 công nhân Trung Quốc để làm những công việc không chuyên môn là điều không thể hiểu nổi.

Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn nhẫn nhịn chấp nhận cho tư bản Trung Quốc và lao động Trung Quốc vào khai thác đất đai, hầm mỏ Việt Nam. Trong bài phóng sự trên Thời báo New York ngày 21 tháng 12 năm 2009, ký giả Wong cho biết ban giám đốc nhà máy điện sắp hoàn tất ở Hải Phòng còn kêu gọi chính quyền hãy cho thêm công nhân người Hoa vào làm những công việc không chuyên môn, để “hoàn tất dự án” kịp thời hạn. Đó là kiến thức và quan niệm của các quan chức cộng sản nước ta; họ chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt. Người Trung Hoa thường tính kế lâu dài. Quản Tử nói, “Kế hoạch 10 năm không gì bằng trồng cây; kế hoạch 100 năm không gì bằng trồng người.” Trồng người có thể hiểu theo nghĩa bóng là giáo dục, còn nghĩa đen là đem “cấy người” vào sống trong những vùng đất mới.

Trong lịch sử, người Việt đã từng xâm chiếm đất đai của các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, bằng cách di dân theo lối “tầm ăn dâu.” Giữa hai cuộc chiến tranh, trong lúc hòa hiếu tạm thời, bao nhiêu thế hệ người Việt đã đi qua các nước trên, khai phá đất đai và lập thôn lập xóm, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là một thứ kế “trồng người” theo nghĩa đen. Chúng ta đã biết kết quả của kế hoạch trồng người đó ra sao. Cho nên có thể hiểu tại sao hai ông tướng về hưu Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh lại cảm thấy cay đắng và giận dữ trước một hoàn cảnh tương tự. Vì họ phải lo lắng thấy người Việt Nam có thể sẽ phải đóng vai giống như người Chàm và người Khờ Me đời trước.

25 thg 2, 2010

Vì sao không tên

Rumi

Khi trẻ thơ cất tiếng chào
Bé quên đi ngay cô y tá
Và bắt đầu uống lấy thực phẩm trần gian

Hạt cây ương trên mặt đất trong môt thời gian
Nẩy mầm vút hướng mặt trời
Và bạn thụ hưởng bao ánh sáng cuộc đời
Hướng về minh triết theo cách của bạn
Không một ai che lấp
Đó chính là bạn,giống như một vì sao
Không tên tuổi, chuyển hiện trong trời đêm
Với muôn ngàn vì sao khác

Nguyễn Việt Việt dịch

23 thg 2, 2010

Hòa Giải

Nguyễn quốc Chánh

Hoà giải [1]

Hoà giải có phải là một trạng thái vừa tự đánh lừa vì không chịu nổi tâm lý mặc cảm, vừa tự phụ sở hữu một giá trị nào đó, hoặc phổ quát như tây hoặc đặc thù như An nam mít?

Sự mâu thuẫn giữa phổ quát và đặc thù, giữa lý tưởng đạo đức và cảm xúc vết thương, biến những cuộc gọi là hoà giải thành trò vừa sướt mướt phổ quát, vừa đặc thù dân tộc xôi thịt, kiểu thằng Bờm!

Một cựu binh văn nghệ Mỹ, có phải vừa mặc cảm thua trận, vừa tự phụ vì thuộc về những giá trị phổ quát?

(Và phổ quát ở đây đồng nghĩa với những giá trị dân chủ tự do phương tây cùng sự thịnh vượng của nền kinh tế tư bản).

Một cựu binh văn nghệ Việt cộng, có phải vừa tự hào thắng Mỹ, vừa mặc cảm không thuộc về giá trị phổ quát, mà dính chặt với những hậu quả XHCN đặc thù An nam mít?

Có phải những cựu binh văn nghệ Mỹ trở lại Ấp bắc, Khe sanh, Hỏa lò… vừa để xả xì trét vừa bố thí tình thương, như thể là sứ giả của thượng đế, đồng thời như thể là một tội đồ?

Dưới ánh sáng nhân văn và thiên chúa, tội đồ bị thôi thúc tìm sự tha thứ, và khi giáp mặt với sự tha thứ, mới ngậm ngùi, té ra kẻ tha thứ cho ta, sao trông thảm quá, tội đồ bèn sinh lòng trắc ẩn?!

Có phải những cựu binh văn nghệ Việt cộng, mò đến Boston, New York, Cali… vừa trố mắt với quần bò lơ vít, vừa đinh ninh là quân giải phóng bị lạc giữa rừng cờ “ngụy” khu Phước Lộc Thọ?

Sau 3 tuần, 6 tháng nằm vùng trong lòng địch, những chiến sĩ văn nghệ cách mạng, vừa rít thuốc lào vừa cười ruồi, địt mẹ, sao để quốc nó thần phục ta mà đám “tay sai” lại thù dai thế?!

Ông đéo hoà giải với đám thù dai đâu nhé, chỉ “nối vòng tay lớn” với kẻ thần phục ta thôi!

Có phải mù loà trong tự phụ chiến thắng, cựu binh văn nghệ Việt cộng bám riết vào đó để chống đỡ mặc cảm bị hớp hồn trước cái văn minh rùng mình đế quốc?

Có phải mù loà trong mặc cảm tội lỗi, cựu binh văn nghệ Mỹ cảm thấy cứu rỗi khi kẻ thù cũ tay bắt mặt mừng, và thấy quá khứ của lý tưởng tự do sa lầy được vuốt ve?

Mỗi bên trao nhau những lá bùa mê, những viên thuốc lú, là tinh trạng mị và tự mị của những cuộc gọi là hoà giải, giữa cựu binh văn nghệ Việt-Mỹ và tân binh văn nghệ Kiều-Cộng.

Cơ cấu của thể chế độc tài không có chỗ cho hoà giải.
Cơ cấu của nền cộng hoà hoạ may mới có thể hoà giải.
Những kẻ ngơ ngáo/láu lỉnh đều biến thành con nhồng của độc tài.
Con đẻ của thị trường XHCN ấm cật từ miếng mồi hoà giải.

Hoà giải [2]

Tưởng có thể hoà giải mà Huỳnh Phú Sổ bị chặt làm đôi. Tưởng có thể hoà giải mà Tạ Thu Thâu bị bắn vỡ ngực. Tưởng có thể hoà giải mà Nguyễn Hải Thần phi lạc sang Tàu. Tưởng có thể hoà giải mà Nguyễn Tường Tam cũng sang Tàu phi lạc. Tưởng có thể hoà giải mà Thụy An tự móc một con mắt. Tưởng có thể hoà giải mà mặt trận phỏng dái giải tán. Tưởng có thể hoà giải mà Thanh Tâm Tuyền 13 năm bóc lịch. Tưởng có thể hoà giải mà hàng ngàn người cải tạo biệt tích. Tưởng có thể hoà giải mà Sài Gòn biến thành Hồ Chí Minh. Tưởng có thể hoà giải mà hàng triệu người mất nhà và không thể “phục hồi nhân phẩm”. Tưởng có thể hoà giải mà sợ hãi cắn vào lưỡi. Tưởng có thể hoà giải mà lịch sử vỡ mạch trong óc. Tưởng có thể hoà giải mà hiện tại điện thoại bị kiểm soát và facebook bị chặn. Tưởng có thể hoà giải mà đụ má đéo phải…

Hoà giải [3]

Nói một cách cà chớn: hoà giải là pha nước dãi/giải để sinh lãi.
Nói một cách hống hách: không có lãi đừng hòng hoà giải.
Nói một cách tào lao: cuộc hoà giải bảnh nhất thời đại là của Obama và Hồ Cẩm Đào.
Nói một cách táo bạo: Obama hoà giải bằng cái cười rất đười ươi của một con nợ.
Nói một cách ấm ớ: Hồ Cẩm Đào hoà giải bằng cái mặt bơ bơ của một tay chủ nợ.
Nói một cách mập mờ: Dalai Lama cả đời thiền quán chắc cũng ú ớ.
Nói một cách lãng nhách: Thích Nhất Hạnh ớn lạnh khi các đệ tử rút khỏi chùa Phước Huệ.
Nói một cách u mê: chắc Osho (nếu còn sống) mới có thể hoà nổi chuyện này.
Nói một cách ngất ngây: một khi đã cân bằng nội tạng chắc không cần hoà giải.
Nói một cách tục tĩu: một khi đặt vấn đề hoà giải chắc là đang mắc đái.
Nói một cách trắng trợn: nếu không đủ nước dãi/giải thì đừng mong hoà giải.
Nói một cách dửng dưng: tôi thường hoà giải bằng cách thải vào gốc cây dọc đường

Xực Trung Hoa

Nguyễn quốc Chánh

Người Trung Hoa nghĩ ăn gì bổ nấy
Ăn chân gấu bổ gân
Ăn óc khỉ bổ não
Ăn dái cọp bổ dương
Ăn thai nhi thập toàn đại bổ

Người Việt bắt chước và hay đánh lạc hướng
Thay vì chân gấu là chân gà
Thay vì óc khỉ là óc heo
Thay vì dái cọp là dái chó
Thay vì thai nhi là nhau người

Không biết tiếng Tàu có nhiều biến từ ăn không
Nhưng tiếng Việt có nhiều cách thế lắm
Ngoài ăn ngon và ăn no
Là ăn chắc và ăn tham
Ngoài ăn ngủ và ăn chơi
Là ăn chia và ăn gian
Ngoài ăn bẩn và ăn tục
Là ăn cướp và ăn đạn

Người Tàu khấm khá ăn chân ăn óc ăn dái ăn thai
Người Tàu bần cùng ăn lá khô gỗ mục thậm chí ăn đất
Người Việt rủng rỉnh cũng chân cũng óc cũng dái cũng thai
Người Việt khốn khổ cóc nhái thằn lằn rắn mối ăn qua ngày
(Nghe nói người Việt hồi 1946 ăn lại hạt bắp từ cứt người khác)

Người Đại Hán sau khi ăn óc ăn dái thì ăn thiên hạ
Người Đại Việt sau khi ăn phao câu đầu gà cũng ăn thiên hạ
Đại Hán ăn dài hạn Tây Tạng Việt Nam
Đại Việt ăn tươi Chiêm Thành nuốt sống một phần Khơme
Ăn ngấu nghiến là lịch sử nhãn tiền của chứng nôn oẹ

Nay Đại Hán tái cấu trúc dạ dày sau một thế kỷ sình bụng
Tiếp tục giấc mộng xực thiên hạ biến thành Trung Hoa
Xực từ Đông Nam Á sang tận Châu Phi
Xực từng phần để dần xực Huê Kỳ
Xực trở thành động từ đe doạ hệ thống nhiều ngôn ngữ

Dân thủ đô lo ăn chắc mặc bền
Dân cố đô sợ thiếu hến mà ăn
Dân Sài Gòn dễ đổ nợ vì nhậu

Ăn là bản sắc loài sâu
Ăn là sinh phận muôn thú
Ăn là thủ phận con người
Ăn thủng ozone ăn lòi cả ruột
Bi đát của ăn là ăn bằng được

Đảng (ta) vừa ăn hối lộ vừa hô (to) chống tham nhũng
Đảng (ta) vừa ăn cánh với Tàu vừa hô (lí nhí) chống bành trướng
Ăn & gian là nỗi bất an từ phường lên trung ương

Thực dân Pháp chiếm Đông Dương ăn khế trả vàng
Đồng minh Mỹ vồ Nam Kỳ thì bị ăn đạn
Cộng sản Tàu ăn bôxit nhả quyền lực cho đảng
Quần chúng ăn tùm lum thành ăn xổi ở thì

Vậy mà nhà văn ly khai lại xúi người ta ăn chân lý [*]
Cam đoan đó là món sau ba ngày sẽ bị kiết lị

Có thể ăn gì bổ nấy là độc chiêu của đòn nhất dương chỉ
Chắc trước sau gì Trung Hoa cũng sẽ liếm gót Achilles Huê Kỳ

[*]Bài “Món ăn chân lý” của nhà văn Dương Thu Hương.

Thế nào là yêu nước?

Joyce Anne Nguyen

Tôi 16 tuổi. Có rất nhiều người ngạc nhiên và ko tin khi tôi nói tôi 16 tuổi sau khi đọc phần bài viết và tranh luận của tôi. Nhưng thực sự chuyện tôi 16 tuổi và có quan tâm chút ít đến chính trị cũng ko có gì phi thường lắm. Bạn bè của tôi ở nước ngoài thường đều có ghi gì đó trong mục “quan điểm chính trị” trong profile facebook, và ít nhất họ có quan tâm đến những vấn đề chính trị và xã hội trong đất nước họ.

16 tuổi, tôi nghĩ với tuổi này con người đã đủ khả năng suy nghĩ và phán đoán đúng sai.

16 tuổi, tôi nghĩ với tuổi này con người đã ý thức được mình cần gì, muốn gì và thiếu gì.

16 tuổi, tôi nghĩ với tuổi này con người đã có chút ý kiến và bức xúc với những sai trái diễn ra xung quanh và có thể nói lên quan điểm, cách nhìn của mình.

16 tuổi, tôi nghĩ với tuổi này con người đã biết yêu nước và tự hào dân tộc.

Tôi ko dám huênh hoang khoác lác tôi có hiểu biết nhiều về lịch sử, hay am tường về chính trị. Nói chung khi còn ở VN, tôi cũng chỉ như những người đồng trang lứa, chúi mũi vào hàng núi bài tập ở trường. Rồi khi có thời gian rảnh lại đọc sách, xem film, nghe nhạc, viết lách, vẽ vời… Và nói thật có lẽ trong 1 hoàn cảnh khác tôi cũng sẽ ko quan tâm nhiều đến chính trị. Nói 1 cách nghiêm túc. Có thể tôi cũng sẽ như những người bạn ở đây, có 1 quan điểm, 1 cái đảng để ủng hộ, thế thôi. Nhưng ở VN lại khác.

Tôi mở blog năm 2007. Từ lúc đó tôi đã bắt đầu viết về những chướng tai gai mắt trong xã hội. Sau này nhiều chuyện xảy ra vì 1 lý do đặc biệt, và may mắn gặp điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, và được đọc những tin tức khác, tôi bắt đầu băn khoăn suy nghĩ và đối chiếu với những gì tôi đã được dạy trong trường lớp.

16 tuổi. Khi tôi sinh ra đất nước ko còn chiến tranh. Tôi ko biết gì về chiến tranh. Cũng ko biết gì về VNCH. Điều tôi muốn nói ở đây rằng, có rất nhiều người vội vàng chụp mũ quy kết tôi có giọng điệu “miền Nam tay sai Mỹ- Ngụy” hay “cái thứ nhảm nhí gọi là VNCH” (như tôi tình cờ đọc hôm qua). Ko tôi ko biết gì cả. Tôi ko định nói gì cả. Tôi ko biết gì về VNCH để so sánh với dất nước ta hiện nay, nước CHXNCNVN. Tôi chỉ sống, tôi nhìn những gì diễn ra xung quanh, và nghe những gì nhà nước nói. Tôi so sánh. Và bây giờ khi có điều kiện sống ở 1 đất nước khác, tôi so sánh. Những điều phi lý tôi muốn hỏi, tôi đã viết trong chùm 3 bài viết sau chuyến đi Đông Âu. Tôi ko muốn lặp lại sáo rỗng như 1 cái máy, như cách rất nhiều người lặp đi lặp lại y hệt 1 giọng điệu, bảo rằng tôi là phản quốc, tôi nghe theo bọn phản động lưu vong nước ngoài, ko biết xây dựng đất nước, chỉ biết phá, rằng tôi nên nhìn lại tôi đã làm gì cho đất nước mà có quyền hỏi đất nước đã làm gì cho tôi, rằng đất nước ta đang ngày càng tiến bộ, rằng ở đâu chẳng có vấn đề, ở đâu chẳng có tham nhũng, rằng tôi ko được phép phê bình những người lãnh đạo chỉ vì họ ăn nói thiếu trau chuốt cũng như cách tôi ko được cãi cha mẹ, rằng đất nước ta đang theo con đường định hướng XHCN, v.v… và v.v…

Ở đây tôi chỉ muốn hỏi: Bạn có yêu nước ko? Và bạn yêu nước như thế nào?

Khi tôi sang Tiệp Khắc, 1 người VN ở đó đã nói, nhiều người mở nhà hàng chỉ phục vụ món Việt, nhưng họ ghi tên là nhà hàng Châu Á, cũng có nhiều người nói với người nước ngoài là mình là người Nhật Bản, HQ, TQ… Nhưng tới khi ta nói ta day dứt nhiều vấn nạn trong nước, ta hy vọng 1 tương lai tốt đẹp hơn, 1 tự do dân chủ thực sự cho đất nước, khi người dân được phép nói lên ý kiến của mình, họ bảo ta là những kẻ phản động, phản quốc.

Thế nào là phản động? Thế nào là phản quốc?

Trên facebook theo tôi biết có 2 trang chống phản động. Nhưng 1 cách mỉa mai, 2 trang này hoàn toàn trái ngược nhau. 1 trang chống lại những người mong muốn sự thay đổi, đấu tranh cho tự do dân chủ. 1 trang chống lại bất kỳ cái gì làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, và với quan điểm này, chống phản động là chống tham nhũng, chống bưng bít thông tin (chống chặn facebook chẳng hạn), chống bán nước cũng như những dự án ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và an ninh quốc phòng đất nước (cụ thể đã mất ải Nam Quan, thác Bản Giốc, 10 000 km vuông biển, và gần đây là dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, và vụ cho TQ thuê rừng đầu nguồn ở 1 số tỉnh miền Bắc, do 2 vị tướng thuộc hàng “công thần” của Đảng CS, là Nguyễn Trọng Vĩnh và Đồng Sĩ Nguyên…)

Định nghĩa phản động còn tùy vào định nghĩa yêu nước.

Thế nào là yêu nước?

Yêu nước là né tránh những khuyết điểm của đất nước và huyễn hoặc bản thân rằng ở đâu cũng có vấn đề?

Yêu nước là thuyết phục bản thân rằng đất nước đang phát triển?

Yêu nước là ko so sánh nước ta với nước ngoài và bảo so sánh là vọng ngoại?

Yêu nước là làm 1 công dân gương mẫu, mỗi ngày đi học hoặc đi làm và chấp nhận?

Yêu nước là răm rắp vâng lời, ko bao giờ phản kháng và đòi hỏi và ko bao giờ cười người lãnh đạo, kể cả khi họ có những phát biểu như “VN và Cuba thay nhau canh giữ hòa bình thế giới” hoặc “Quyết tâm đưa giáo dục VN lên đỉnh cao thế giới”?

Yêu nước là để nhà nước làm bất kỳ cái gì, kể cả việc tiến hành những dự án ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, con người, vấn đề an ninh và lãnh thổ đất nước?

Yêu nước là an ủi bản thân rằng nhà nước luôn có giải pháp?

Yêu nước là tuyệt đối tin tưởng, ngay cả khi thấy những điều phi lý, ngay cả khi thấy những người lãnh đạo ko thực hiện những điều họ đã tuyên bố?

Yêu nước là ngồi nhà và cười giễu những người biểu tình chuyện đất nước ta mất biển đảo?

Yêu nước là lôi sách Giáo dục công dân ra và lặp lại cho người khác?

Yêu nước là bắt bẻ và chống lại tất cả những gì trái ngược với gì nhà nước nói, kể cả những câu như “Chống phản động là chống tất cả những gì đi ngược với sự phát triển của đất nước, thế có nghĩa, chống tham nhũng là chống phản động, chống bưng bít thông tin là chống phản động…”?

Yêu nước là hình thành 1 lòng tin tuyệt đối với Đảng và nghi ngờ tất cả những gì ngược lại?

Yêu nước là thấy 1 dự án nguy hiểm cho đất nước, cùng ký kiến nghị phản đối, rồi ngồi đó nhìn nhà nước bỏ mặc bản kiến nghị, tiếp tục tiến hành, và tự an ủi bản thân họ luôn biết họ đang làm gì?

Yêu nước là lơ đi những vấn nạn của đất nước vì sợ loạn, là hoàn toàn ko quan tâm đến chính trị, an ninh, chủ quyền, nhưng khi thấy ai đó lên tiếng thì phản ứng và kết tội?

Yêu nước là yêu chế độ, yêu nhà nước, yêu Đảng?

20 thg 2, 2010

Đôi dép

Nguyễn Trung Kiên

Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng biến thành thơ

Hai chiếc dép gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu


Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia

Hào khí ca


Đặng Phú Phong.

Từ buổi nắng cao mây lũng thấp
Ai người dựng mộ lấp trăm năm
Trăng xưa rụng mãi không đầy biển
Nên sóng hòang hôn lụy nhỏ thầm

Tóc rối áo nhàu người giữ mộ
Giơ cao chén đá cụng thời gian
Nước ơi vận nước sao hiu hắt
Cho đám dân đen hận ngút ngàn.

Tráng sỉ khi xưa chân đạp đất
Thân tù đâu ngại áo sờn vai
Chỉ e đất lở bồi không kịp
Ngửa mặt kêu trời ai khóc ai.

Đêm tối bít bung đời tứ cố
Cau mày thế sự tỏ lời riêng
Người ơi xin chút hương ngày Tết
Phả nhẹ vào mưa sau mái hiên

Cái nằng đầu xuân nghe nhạt thếch
Đôi bàn tay vỗ lệch bàn tay
Thoáng nghe mắt đỏ màu xanh ngọc
Vời vợi nhìn theo mây trắng bay.

Xin bẻ dùm ta cây trí tuệ
Cúi thêm chút nữa lá tình thương
Tự do ơi đến cùng ta nhé
“Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương”

Cô gái quá giang trong đêm mồng một Tết

Phạm tín an Ninh

Chiếc thuyền nhỏ mang theo hơn năm mươi người, một nửa là đàn bà và con nít, ra khơi hai ngày thì gặp bão. Chúng tôi may mắn được một chiếc tàu chuyên chở dầu hỏa của Nauy trên đường từ Nhật sang Singapore cứu vớt. Hai ngày sống trên tàu chúng tôi có cảm giác như đang ở trên một thiên đàng. Tất cả đều được tận tình hỏi han chăm sóc. Chúng tôi cảm thấy vừa mừng vừa xót xa khi nhận ra thế gian này vẫn còn có đầy ấp tình người.

Họ là những kẻ xa lạ, không cùng màu da, màu tóc, không cùng ngôn ngữ, mà lòng thông cảm yêu thương họ đã dành cho chúng tôi lớn lao biết đến dường nào. Trong lúc những “người anh em” cùng một nhà thì lại hành hạ đuổi xô chúng tôi đến bước đường cùng để phải đành lòng bỏ nước mà đi. Với ân tình đó chúng tôi chọn Vương quốc Nauy là quê hương thứ hai để gởi gấm phần đời còn lại của mình và vun đắp tương lai cho mấy đứa con nhỏ dại.

Sau gần một năm ở trại tị nạn, gia đình chúng tôi được đi định cư. Khi bầu đoàn thê tử như một bầy nai vàng ngơ ngác bước xuống phi trường Oslo, được nhiều người đón tiếp, trong đó lại có cả mấy ông nhà báo và đài truyền hình nhà nước phỏng vấn, quay phim. Gốc nhà quê, nên tôi cũng chẳng biết họ quay phim để làm cái gì. Trước khi về nhà, chúng tôi còn được mời vào một nhà hàng Tàu, và tha hồ gọi bất cứ thức ăn nào mình thích.

Đến khi bước vào ngôi nhà, được bà trưởng phòng xã hội trao cho một chùm chìa khóa, dẫn đi một vòng xem phòng ốc đã được trang trí xong nội thất, cái bếp và cả cái tủ lạnh có sẵn đầy đủ thức ăn nước uống, một cái TV màu. Mọi thứ đều mới tinh. Sáu đứa con và hai đứa cháu họ của tôi thì ngồi mân mê mấy cái bàn học, và mấy cái ba lô có đầy đủ sách vở trong đó. Trước khi ra về bà giới thiệu chúng tôi một cô nhân viên của bà, và một cô giáo ở lại hướng dẫn chúng tôi xử dụng mọi thứ tiện nghi trong nhà, và mỗi ngày sẽ đến đưa gia đình chúng tôi đi mua sắm, khám bệnh, làm răng, còn cô giáo thì đặc trách lo việc học hành cho mấy đứa nhỏ. Khi tất cả ra về, tôi nằm dài dưới sàn nhà và chợt khám phá ra rằng mình quả là may mắn được đến định cư ở một nước Bắc Âu xa lạ nhưng thơ mộng và có quá rộng tấm lòng này, mà lúc xuống biển ra đi chắc chẳng có ai bao giờ nghĩ tới.

Buổi tối, cơm nước xong, cả nhà quây quần trước cái TV. Thằng con trai lớn ra điều mới học được văn minh, bấm tới bấm lui tìm đài. Cả đám bất ngờ nhìn thấy dung nhan của mình trên màn ảnh. Thì ra chương trình phóng sự. Họ đang kể về gia đình chúng tôi: “những công dân mới của Nauy, mà ông bố đã từng ở tù nhiều năm, giống nhiều người Nauy bị nhốt trong các trại cải tạo của Đức quốc xã, cái thời Hitler làm mưa làm gió ở Âu châu, và đã can đảm dắt theo sáu đứa con và hai đứa cháu nhỏ vượt đại dương trên một chiếc thuyền đánh cá mong manh”. Nghe họ ca ngợi mình mà tôi xấu hổ. Dù gì tôi cũng là kẻ bỏ nước tha phương, với họ, ít nhiều gì cũng là một cành tầm gởi. Còn chuyện vượt biển, vượt biên, đến bước đường cùng thì ai cũng phải liều mạng thế thôi, chứ có hàng triệu người còn can đảm gấp vạn lần tôi. Nhiều người đi bằng đường bộ, trèo núi, băng rừng, lội suối, bơi sông, qua Cam Bốt, Thái Lan, để vài năm sau mới đến được Singapore. Và dĩ nhiên đã có biết bao nhiêu người chẳng bao giờ tới bến.

Cũng vì cái chương trình phóng sự bất ngờ này, mà sau đó, mỗi ngày gia đình chúng tôi phải tiếp nhiều người khách không mời, và nhận đủ thứ quà. Trong số đó, đặc biệt có một người đàn bà Việt Nam, mà lúc bà mới bước vào nhà, chúng tôi cứ tưởng là người Nhật, hay là người Tàu gì đó, khi nhìn thấy cái vẻ quí phái đặc biệt của bà. Tôi nghĩ có lẽ không có người Việt Nam nào sống ở cái xứ Bắc Âu xa lạ này từ lâu để có được nét đẹp của một người con gái đông phương pha lẫn âu tây ở cái tuổi còn trẻ như bà. Sau đó tôi bất ngờ thú vị khi bà tự giới thiệu tên là Huyền-Trân Thomassen, hiện là giảng sư môn nhân chủng xã hội học tại trường đại học Oslo, chồng bà là người Nauy, hiện đang làm đại sứ tại Mexico. Bà không muốn bỏ nghề bà yêu thích, hơn nữa bà vẫn còn tiếp tục nghiên cứu về ngành này, nên không theo chồng mà ở lại Nauy với hai đứa con. Lúc nhỏ bà theo cha sang sống ở Thụy Sĩ, khi cha bà là đại sứ của VNCH tại đó. Người chồng của bà, cũng thuộc một gia đình có truyền thống ngoại giao. Cha của ông cũng một thời là đại sứ của Nauy tại Thụy Sĩ. Hai người con của hai ông đại sứ quen nhau từ khi học chung một trường trung học và làm đám cưới sau khi tốt nghiệp đại học tại thủ đô Bern, một năm trước khi miền Nam Việt Nam thất thủ.

Tôi rất ngưỡng mộ người đàn bà trẻ này. Rời Việt nam từ lúc 12 tuổi, nhưng bà nói tiếng Việt rất lưu loát, hiểu biết rất nhiều về văn học Việt nam, từ truyện Kiều của Nguyễn Du, đến bài thơ Hai Sắc Hoa TyGôn của TTKH. Điều đặc biệt hơn hết là bà rất quí mến và giúp đỡ tận tình người đồng hương. Gia đình tôi cũng mang nặng khá nhiều ơn nghĩa của bà.

Những ngày sống hạnh phúc ở quê người, nhìn con cái ngày một lớn lên và đang có cả một bầu trời xanh bao la trước mặt, lúc nào tôi cũng chạnh lòng nhớ lại cái thời mình khốn khó và những bạn bè xưa. Tôi thấy mình nợ nần nhiều người mà không biết làm sao trả được. Trong số này, người mà tôi thường nghĩ tới nhiều nhất và ân hận chẳng giúp được điều gì là Nguyễn Thượng Tâm, người đồng đội và cũng là đứa em kết nghĩa của tôi.
* * *
Tâm ra trường sau tết Mậu Thân. Về trình diện đơn vị tôi khi vừa tròn 18 tuổi. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng được đào tạo từ lúc còn nhỏ tại trường Thiếu Sinh Quân nổi tiếng ở Vũng Tàu nên Tâm là một hạ sĩ quan gương mẫu trong kỷ luật và gan dạ trong chiến trường. Tâm hiền lành và rất ít nói. Nhưng không phải vì vậy mà tôi trở thành thân thiết với Tâm và hai thằng kết nghĩa anh em, nếu không có buổi sáng mồng một Tết năm 1969, khi đơn vị chúng tôi tạm dừng quân trong một ngôi làng hoang đổ nát nằm sâu giữa những động cát nơi giáp ranh hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy lúc trước.

Dù đang hành quân, nhưng biết hôm đó là mồng một Tết, tôi thức dậy thật sớm, thay bộ đồ trận mới, đi một vòng chúc tết anh em. Ngày đầu năm, nằm giữa một khu hoang tàn không một bóng người, chắc ai cũng chạnh lòng nhớ tới gia đình. Chiếc radio từ một căn lều poncho nào đó đang phát ra tiếng hát nỉ non của ca sĩ Duy Khánh, trong bản nhạc Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân, làm lòng tôi càng thêm lắng xuống. Đến cuối ngôi làng, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng sụt sùi. Lại gần tôi mới nhận ra Tâm. Anh ta đang quì lạy trước một cái bàn thờ được kê bằng cánh cửa sổ của căn nhà nào sập xuống. Trên bàn thờ dã chiến, tôi thấy có mấy cái hoa rừng cấm trong cái bi đông nước, hai bát cơm bằng gạo sấy và một lon guigoz có lẽ chứa nước trà hay canh nấu bằng lá giang hay lá tàu bay gì đó. Tâm khấn vái một lúc, quay lại bất ngờ nhận ra tôi. Tâm đưa tay chào và cũng như mọi khi, không nói một lời nào. Có lẽ Tâm biết là tôi đã đứng im lặng ở đây từ lâu lắm. Tôi bước tới nắm chặt tay Tâm, kéo anh đứng lên. Tâm vội rút tay ra lau nước mắt. Tôi đến trước bàn thờ vái một vái, rồi vỗ vai Tâm:

- Em cúng bố mẹ à. Sao đầu năm mà buồn quá vậy em.
- Không, bố em còn ở ngoài Bắc, em không biết là còn sống hay đã chết. Mẹ em thì đã qua đời lúc em còn bé lắm. Nhà em ở tận Ý Yên, nhưng bố em đi làm xa, nên phải gởi hai anh em em xuống nhà ông chú ở Hà Nội học, rồi theo gia đình chú ấy xuống tàu há mồm vào Nam luôn.
- Còn anh của em bây giờ ở đâu? Tôi hỏi
- Anh ấy chết rồi. Anh là sĩ quan thủy quân lục chiến, tử trận đúng ngày mồng một tết Mậu Thân ở ngay Sài gòn. Hôm nay là giổ đầu của anh ấy.
- Anh em tên gì?
- Nguyễn thượng Minh, khi chết anh vừa mới lên trung úy.

Tôi giật mình. Cái tên Nguyễn thượng Minh làm tôi nhớ ngay đến một thằng bạn cùng tên hồi còn tiểu học. Tôi hỏi Tâm:

- Vậy có phải em là cháu của thầy giáo Nguyễn Thượng Cầu?
- Dạ phải, nhưng chú Cầu đã chết lâu rồi. Tâm trả lời rồi nhìn tôi ngạc nhiên.

Năm 1954, tôi đang học lớp nhì trường huyện Vạn Ninh. Nhập học được vài tháng, thì thầy hiệu trưởng Nguyễn công Tố dắt ba đứa học trò lạ vào lớp giới thiệu với cô giáo Kiệt rồi dặn dò đám học trò chúng tôi:

- Hôm nay trường nhận thêm những em học trò mới, trong đó có ba em vào lớp này. Tất cả các em phải biết yêu thương và giúp đỡ những người bạn này, vì họ đã vừa phải bỏ quê hương, gia đình ngoài miền Bắc, di cư vào đây. Đó cũng là lời kêu gọi của Ngô Thủ Tướng.

Hai thằng con trai và một đứa con gái cúi đầu chào cô giáo rồi quay xuống chào chúng tôi bằng thứ tiếng lạ hoắc khó nghe. Thằng lớn con nhất được cô Kiệt chỉ cho ngồi dãy bàn cuối lớp, ngay phía sau tôi.

Đến giờ ra chơi, bọn tôi bu quanh “phỏng vấn” nó đủ điều. Tên nó là Nguyễn Thượng Minh. Nó và thằng em nhỏ hơn bốn tuổi, nhà ở quê, mẹ chết sớm, ông bố đi làm xa, nên phải gởi anh em nó xuống Hà Nội ở nhà ông chú để học hành, hơn nữa ông lại là thầy giáo. Khi có lệnh di cư, ông chú không liên lạc được bố nó, nên dắt hai anh em nó xuống tàu há mồm vào Nam luôn, rồi được chính quyền phân phối đến định cư ở quê tôi, Vạn Giã, cùng với hơn mười gia đình khác. Nó bảo vài hôm nữa ông chú nó cũng sẽ được sắp xếp cho vào dạy lớp ba trường này, thay cho một ông thầy thuyên chuyển đi nơi khác.

Nó lầm lì ít nói, chắc ngại cái tiếng Bắc Kỳ xa lạ của nó. Nhưng không phải vì điều đó mà làm cho tôi ghét nó, và đã có nhiều lần đánh lộn với nó nữa. Lý do chính là nó đánh bi rất giỏi, giành mất giải quán quân của tôi trong lớp. Nó đánh bi khác với chúng tôi. Chúng tôi để viên bi lên đầu ngón tay giữa rồi bắn đi, còn nó đặt viên bi trong lòng bàn tay và bắn đi bằng ngón tay cái. Vậy mà nó ăn tôi sạch túi. Bọn tôi bảo là nó ăn gian, không được chơi kiểu bắc kỳ của nó mà phải chơi theo kiểu trung kỳ của bọn tôi. Nhập gia phải tùy tục. Nó cô đơn một mình nên chịu thua, phải trả lại cho tôi tất cả viên bi nó thắng ngày hôm đó. Vậy mà hai hôm sau nó chơi trở lại, dĩ nhiên với cái kiểu hoàn toàn mới lạ với nó, nhưng nó vẫn thắng tôi oanh liệt. Cuộc đấu bi này bây giờ không phải chỉ giữa cá nhân hai thằng: tôi với nó, mà giữa hai miền nam-bắc, cho nên học trò trai gái cả trường bu quanh làm khán giả. Tôi thua trắng tay, mất luôn chức vô địch từ lớp năm đến bây giờ. Dĩ nhiên là tôi ức lắm. Điều ghê gớm hơn nữa, là chỉ có cuối tháng đầu tiên nó đứng hạng ba trong lớp, lên nhận bảng danh dự sau tôi, nhưng kể từ tháng thứ nhì trở đi nó đều chiếm hạng nhất. Tôi đâm ra hận nó, có nó là tôi mất tất cả. Mấy lần tôi nhại tiếng Bắc chọc quê nó, nó cũng chỉ cười, tôi nghe lời xúi của lũ bạn, bảo nó rờ sau “đít” coi có còn tòn ten cọng rau muống nào không, nó chỉ im lặng. Có lần bọn tôi xô nó ngã, nó chỉ cười, đứng dậy rồi phủi bụi trên áo quần. Tôi thua nó, nhưng cố làm ra vẻ tự mãn: “nó vẫn chỉ là một anh hùng cô đơn, không có ai chơi với nó”.

Đùng một cái nó nghỉ học. Chẳng có ai biết lý do. Nhưng rồi vài ngày sau nó tới trường, nhưng không phải để học mà để bán bánh mì và cà rem. Cô giáo và bạn bè hỏi, nó khóc và bảo là bà thím, sau khi cãi vã với chú nó một trận, không nuôi hai anh em nó nữa, nó phải tự “khắc phục” để còn nuôi một thằng em nhỏ. Hôm đó bọn tôi nhiều thằng cũng khóc theo với nó. Chờ cho tất cả vào lớp, tôi ở nán lại chỉ để ôm nó và nói một lời xin lỗi về những điều đã qua. Nó nhìn tôi thân thiện, và bảo là nó chưa hề để tâm tới điều ấy. Tôi “tâm phục khẩu phục” nó. Nó còn nhỏ mà thông minh và thánh thiện hơn tôi nhiều.

Tôi bèn làm ngay một cuộc “quảng cáo” cho bánh mì và cà rem của nó, vì vậy hôm nào nó mang mọi thứ tới trường là bán sạch ngay trong giờ ra chơi buổi sáng. Sau đó tôi còn kêu gọi một cuộc lạc quyên giúp nó: gạo, tiền xu, tiền cắc, áo quần, có thằng còn mang tới cho nó cả buồng chuối và một trái mít nữa.

Rồi nó cũng được chính quyền giúp đỡ, tôi nghĩ như thế, nên vài tuần sau nó trở lại lớp học, và chỉ bán bánh mì trong giờ ra chơi. Nó vẫn học giỏi, vẫn đứng đầu lớp, nhưng lần này nó không còn là anh hùng cô đơn nữa mà nó có đông đảo bạn bè, mà thằng thân nhất chính là tôi.

Ông chú nó, thầy giáo Nguyễn thượng Cầu, cũng đã vào trường dạy lớp ba, nhưng bây giờ anh em nó không còn ở chung với ông chú nữa, mà chỉ đến thăm ông vào những cuối tuần. Có khi nó dắt tôi đi theo. Vì vậy tôi mới bíết ông thầy, chú nó sợ bà vợ Bắc kỳ còn hơn sư tử, nên chẳng dám bênh vực nhiều anh em nó, mặc dù ông rất đau lòng xót xa khi bọn nó phải dọn ra ở ké nhà một gia đình người di cư khác.

Tôi mất mẹ, cha tôi cũng đi làm xa, nên tôi thông cảm hoàn cảnh của Minh, nên thường đưa anh em nó về nhà ông bà nội tôi và chơi với đám anh em họ hàng của tôi.

Khi xong tiểu học, tôi vào Nha Trang học trung học, cũng là lúc phải chia tay nó. Bởi Minh cũng vừa theo một số người di cư vào tận khu định cư Phước Tỉnh nào đó ở trong nam, người ta bảo trong ấy làm ăn khấm khá hơn ở quê tôi nhiều lắm. Từ đó, tôi không gặp lại nó, mặc dù trong ký ức tuổi ấu thơ của tôi, lúc nào hình ảnh nó cũng in lên đậm nét.

Không ngờ hôm nay, giữa chiến trường xa xôi này tôi lại bất ngờ gặp lại thằng em duy nhất của Minh, và lòng tôi lắng xuồng khi biết nó cũng từng là lính đánh giặc và đã hy sinh đúng ngày này năm trước: ngày mồng một Tết. Cái ngày mà lời chúc Tết của ông Hồ Chí Minh trên đài phát thanh Hà Nội chính là cái mật lệnh “Tổng Công Kích Tết Mậu Thân” để giết hại bao nhiêu người vô tội, đặc biệt hàng vạn người ở Huế bị chôn sống. Cũng là cái ngày người ta nhận diện được bọn trí thức, sinh viên phản trắc, đã giết hại bao nhiêu thầy, bạn của chính mình.

Sau đó, tôi rút Tâm về làm việc bên cạnh tôi, phụ tránh toán quân báo gồm toàn những người lính trẻ. Chúng tôi yêu thương nhau như anh em. Rồi vào một đêm trăng sáng, dưới sự chứng giám của đất trời, tôi đã nhận Tâm là đứa em kết nghĩa, sau lần Tâm liều mình cứu tôi thoát chết trong một cuộc phục kích ở Thiện Giáo. Đổi lấy sự an toàn cho tôi, Tâm phải mất hai ngón tay của bàn tay trái và nằm bệnh viện hơn một tháng để được giải phẩu lấy một mãnh đạn nằm trong sâu trong thanh quản. Sau khi xuất viện, Tâm phát âm tương đối khó khăn. Được hội đồng giám định y khoa xếp vào loại không còn khả năng chiến đấu, Tâm có thể chọn về một đơn vị hành chánh hay tiếp vận nào mà Tâm thích, nhưng Tâm một mực chối từ và nằng nặc đòi trở lại đơn vị cũ. Tâm xác nhận là mình vẫn còn khả năng chiến đấu, hai ngón tay của bàn tay trái và giọng nói khó khăn một chút không gây trở ngại nhiều cho một người lính chiến trường. Cuối cùng Tâm được toại nguyện.

Tôi vừa vui mừng vừa cảm động khi Tâm trở về trình diện. Tâm bảo sống chết gì em cũng muốn ở bên anh. Vì gia đình em có còn ai nữa đâu. Đơn vị này là gia đình của em. Tôi sắp xếp cho Tâm một công việc tạm thời ở hậu cứ để tiếp tục chửa bệnh. Chỉ sau vài tháng giọng nói của Tâm gần trở lại bình thường. Tâm nghe lời tôi xin vào khóa Sĩ Quan Đặc Biệt ở Thủ Đức. Tâm được ưu tiên thu nhận vì gốc TSQ.

Ra trường đúng vào mùa hè đỏ lửa 1972, Tâm lại xin trở về đơn vị cũ, lúc này đang ngày đêm nằm trong lửa đạn ở mặt trận Kontum. Năm tháng sau, tôi bị thương, được tản thương về Quân y viện Pleiku nằm điều trị gần một tháng. Xuất viện, được điều về Phòng Hành Quân. Cả tháng tôi không gặp lại Tâm, nhưng ngày nào chúng tôi cũng liên lạc trên hệ thống vô tuyến.

Cuối năm 1973, chiến trường lắng dịu. Tâm xin phép về Sài gòn cưới vợ. Vợ Tâm là cô bạn nhỏ ngày xưa trong cùng một viện mồ côi. Bây giờ là cô giáo. Hai người gặp lại và tình yêu nẩy nở trong thời gian Tâm học ở trường Thủ Đức. Cả vợ chồng tôi đều có mặt trong ngày cưới, và làm chủ hôn bên họ nhà trai. Đám cưới xong, tôi vận động xin cho vợ Tâm được chuyển lên dạy tại một trường tiểu học nằm trong thành phố Pleiku, để vợ chồng được gần gũi nhau hơn.

Đầu tháng 3/1975 Ban Mê Thuột thất thủ, bản doanh Bộ Tư lệnh SĐ 23 BB bị tràn ngập sau một phi vụ bắn nhầm. Ông Tư Lệnh Phó cùng ông tỉnh trưởng Đắc Lắc bị bắt. Hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 44 được trực thăng vận nhảy xuống đầu tiên ở Phước An, quận duy nhất còn lại của tỉnh Đắc Lắc, nhằm vừa ngăn chặn địch quân tràn xuống Khánh Dương theo Quốc lộ 21, vừa tái chiếm thị xã Ban Mê Thuột khi tình hình cho phép. Tâm có mặt trong toán quân đầu tiên này. Tôi không gặp được Tâm nhưng có liên lạc nói chuyện vài lần trong máy vô tuyến. Tâm rất đau lòng khi phải bỏ vợ và đứa con gái ba tuổi trên Pleiku, trước khi gởi gấm cho anh trung sĩ tiếp liệu đại đội cố dắt theo cùng đoàn quân triệt thoái về tỉnh lộ 7, bây giờ không biết ra sao. Tâm khẩn khoản nhờ tôi tìm mọi cách liên lạc và giúp vợ con mình. Tôi lấy cái tình anh em kết nghĩa mà thề với Tâm là tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Không ngờ, đó là một kế hoạch triệt thoái tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đã làm mất biết bao nhiêu sinh mạng, kéo theo sự sụp đổ cả miền Nam. Ra tận Tuy Hòa, đứng đón dòng người tả tơi, nét mặt còn đậm nỗi kinh hoàng, họ vừa trải qua và chứng kiến biết bao nhiêu cái chết thê thảm để được đến bên này bờ con sông Ba nhuộm máu, tôi nghĩ là tôi chẳng còn có cơ hội nào gặp lại vợ con Tâm. Trở lại Khánh Dương, đúng lúc Phước An thất thủ và đơn vị của Tâm đã phải tan hàng, tôi gặp lại vị chỉ huy của Tâm ở Dục Mỹ, ông xác nhận là trung úy Nguyễn Thượng Tâm đã nằm lại trên đỉnh đồi Chu Cúc, khi chiến đấu tới viên đạn cuối cùng rồi tự sát trước một biển người của địch quân tràn lên chiếm giữ.
* * *
Hơn sáu tháng định cư ở Nauy, cả nhà tôi lúc nào cũng miệt mài để sớm hội nhập vào quê hương mới. Thời gian qua nhanh quá. Mới đây mà chúng tôi cũng đã tập tành tổ chức ngày lễ Giáng Sinh và ăn cái tết Tây đầu tiên theo truyền thống của Nauy. Sau đó bận bịu đi học đi làm, và cũng chẳng có cuốn lịch Âm lịch nào để biết ngày nào là Tết Ta, Nguyên Đán. Một buổi tối vợ chồng tôi đang ngồi cãi nhau về thời điểm giao thừa để thắp một nén hương tưởng nhớ ông bà, thì điện thoại reo. Bà Huyền-Trân Thomassen gọi, mời cả nhà chúng tôi tối mai lên ăn tết với gia đình, chồng bà từ Mexixo cũng mới trở về. Bà cho biết bây giờ đã là sáng mồng một Tết bên Việt Nam. Thì ra, chúng tôi tệ quá, mới rời khỏi Việt Nam hai năm mà không còn nhớ ngày tết và tổ chức mừng Tết như bà. Tôi cám ơn và nhận lời bà xong, vội vàng thắp mấy nén hương tạ tội ông bà. May mắn ngày mai là thứ bảy.

Bà biết gia đình chúng tôi có tới mười người mà chỉ có một cái xe Ford vừa nhỏ vừa cũ, nên bà đặt một chiếc taxi tám chỗ ngồi lại đón chúng tôi. Bà xã tôi chỉ huy bầy con gái trên chiếc taxi, còn tôi lái xe chở đám con trai chạy theo sau. Trời thật lạnh, tuyết rơi trắng cả bầu trời. Chúng tôi phải chạy gần một tiếng đồng hồ mới tới nhà bà. Bà ở trong một ngôi biệt thự khá xinh, cách trường đại học Oslo, nơi bà dạy, chừng năm phút lái xe. Trong phòng khách bà trang trí giống như tết ở Việt Nam, đặc biệt có cả một cành mai thật to (một loài hoa Bắc Âu nở hoa vào mùa đông, nhìn giống như hoa mai) trong một cái bình sứ lớn, nằm ở giữa nhà. Chồng bà rất phúc hậu, và nói được một ít tiếng Việt. Khi giới thiệu ông với chúng tôi bà đùa:

- Hoàng đế Chế Mân của tôi đây.
- Không, tôi là Trần Khắc Chung. Ông vừa đưa tay bắt tay tôi vừa đùa.

Ông ta khá am tường về lịch sử Việt nam. Ông cũng biết khá nhiều và có những nhận định khá công bình về cuộc chiến Việt nam. Ông cho biết là lúc cuộc chiến Việt Nam đang ác liệt, khi ấy ông là trưởng ban ngoại giao của Quốc Hội Nauy, đã phản đối kịch liệt những nhóm tả khuynh và đặc biệt là những nhận định và việc làm của ông Olaf Palma, thủ tướng Thụy Điển, người đã hô hào ủng hộ Bắc Việt và tuyên bố sẵn sàng chấp nhận cho binh lính Mỹ đào ngũ đến dung thân ở nước ông. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhìn hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, ông vừa kịp phản tỉnh thì cũng bị ám sát chết.

Bữa ăn còn có cả dưa hành, thịt kho và bánh chưng. Tôi phục bà và thấy xốn xang nhớ những ngày tết lúc tôi còn nhỏ ở quê nhà.

Ăn uống xong, bà còn lì xì bì thơ màu đỏ cho mấy đứa con và mấy đứa cháu của tôi. Tôi đành phải ngượng ngùng xin lỗi vì không chuẩn bị kịp quà cáp cho hai đứa con của bà. Nhưng bà rất khéo léo, khi bảo sự có mặt của gia đình chúng tôi trong thời khắc đặc biệt này đã là một món quà vô giá, rất có ý nghĩa cho mẹ con bà.

Tôi thay mặt gia đình cám ơn, chúc tết ông bà và gia đình. Tôi cũng nói lên lòng ngưỡng mộ của chúng tôi đối với một người đã xa quê hương lâu ngày và lập gia đình với một người ngoại quốc mà vẫn còn giữ được truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam, trong lúc một số người mới chân ướt chân ráo sang đây đã vội tập tành thành người bản xứ, muốn quên hết nguồn cội của mình.

Chia tay bà lúc gần mười hai giờ đêm. Đường sá vắng tanh. Tuyết vẫn rơi kín bầu trời. Không quen lái xe trên tuyết, tôi chạy thật chậm. Khi đến trước khu đại học Blindern, tôi thấy có một người đứng dưới tàng cây thông, đưa tay đón. Tôi dừng xe lại. Một cô gái chạy tới xin quá giang về nhà, vì cô dự tiệc tối ra, đã gọi taxi khá lâu mà không thấy tới. Tôi bảo đứa con trai lớn của tôi ra ngồi ở băng sau, nhường ghế trước cho cô gái. Khi cô lễ phép chào tôi, và bắt tay mấy cậu con và cháu của tôi ngồi ở băng sau, tự giới thiệu tên Anita rồi ngồi lên ghế, tôi mới nhận ra cô gái gốc Á đông, nhưng phát âm tiếng Nauy và điệu bộ hoàn toàn như người bản xứ. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô đang run vì lạnh. Cô chỉ mặc một cái áo khoác mỏng. Tôi dừng xe, cởi cái áo choàng bằng lông cừu choàng qua vai cô. Gương mặt cô bé xinh xắn dễ thương, nhưng phảng phất buồn. Tôi hỏi cô bé đến từ nước nào. Cô cho biết cô được cha mẹ nuôi người Nauy nhận mang về đây lúc chưa tròn ba tuổi, nên cô chẳng biết gì. Sau này lớn lên, cô mới được cha mẹ nuôi kể lại là cô được Cơ quan Bảo Trợ Nhi Đồng LHQ nhận từ một viện mồ côi ở Việt Nam vào năm 1975. Ông bà xin nhận cô làm con nuôi từ Cơ quan này. Cô bé rất mong muốn được trở lại Việt nam một lần, để biết nơi mình sinh ra và nhờ người tìm lại tông tích, mồ mả của cha mẹ ruột. Cô sẽ xây mộ cho ông bà. Cha mẹ nuôi có hứa sẽ đưa cô về sau khi cô học xong trung học, và khi nào việc xin visa vào Việt Nam dễ dàng hơn. Nhà cô không xa nơi tôi ở, có lẽ không quá hai mươi phút lái xe. Khi qua hết mấy khu rừng thông thanh vắng, cô chỉ ngôi nhà lớn nằm lưng chừng trên một ngọn đồi, bảo tôi dừng lại phía dưới. Cô sẽ đi lên bằng con đường tắc. Cô cám ơn tôi, cởi trả lại tôi cái áo choàng. Cô hỏi xin tôi một mảnh giấy, viết địa chỉ xong rồi đưa lại cho tôi. Cô mời tôi đến Lễ Phục Sinh ghé lại nhà cô chơi. Vì chỉ còn một ngày nữa cô phải đi London tiếp tục theo học một năm chương trình trao đổi học sinh. Cha mẹ nuôi của cô rất thích nói chuyện với người Việt Nam, nhất là những người đã từng tham gia cuộc chiến. Tôi hứa với cô là thế nào tôi cũng đến thăm cô cùng ông bà cha mẹ nuôi tốt bụng.

Về nhà, khi kể lại chuyện cô bé quá giang cho vợ và mấy cô con gái nghe, tôi mới nhận ra một điều: sao tôi lại có duyên với những người mồ côi đến thế. Suốt cả đêm hôm ấy tôi nằm trằn trọc nghĩ đến thân phận mình và nhớ thật nhiều đến Nguyễn Thượng Tâm, người mà tôi đã từng nhận làm đứa em kết nghĩa, nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa làm tròn được lời thệ ước của mình.
* * *
Ðến Lễ Phục Sinh, nhớ lời hẹn, tôi rủ bà xã và hai cô con gái lớn đến thăm cô Anita. Bây giờ là đầu tháng tư mà tuyết vẫn còn rơi trắng cả bầu trời. Nhờ ban ngày nên tôi thấy rõ nhà cô hơn. Ngôi nhà có dáng của một lâu đài, cổ kính, sang trọng. Chung quanh là một hàng thông. Chủ ngôi nhà chắc đã trọng tuổi và giàu có. Ngần ngừ một lúc, tôi bấm chuông. Đúng như tôi nghĩ, người mở cửa là một bà già khoảng trên bảy mươi, nhưng còn khỏe mạnh và nói năng vui vẻ lịch thiệp. Bà ngạc nhiên nhìn tôi, và hỏi tôi đến có việc gì bất ngờ mà bà không đuợc báo trước. Tôi xin lỗi, giới thiệu tên mình và cho bà biết là tôi có hẹn với cô Anita, con gái của bà, đến thăm cô ấy và vợ chồng bà. Có lẽ cô Anita quên, không kể chuyện lại với bà. Bà tròn mắt ngạc nhiên:

- Anita nào ? vì đứa con gái duy nhất của chúng tôi đã chết rồi mà.

Bây giờ đến lượt tôi ngơ ngác. Tôi kể cho bà nghe chuyện tôi gặp cô Anita trước cổng trường đại học hồi tháng hai, và cho cô quá giang về đây lúc nửa đêm. Bà mời tôi vào nhà, chỉ cho tôi tấm ảnh treo trên vách.

- Đây chính là cô Anita mà tôi đã gặp, trước khi cô trở lại London để tiếp tục học. Tôi nói to như để xác nhận với bà.

Bà nhìn tôi sụt sùi hai dòng nước mắt.

- Ðúng rồi, sau lần về thăm nhà và cũng để khám bệnh ấy, thay vì trở lại trường, con tôi phải vào bệnh viện, do một mảnh đạn nằm sâu trong tim từ lúc cháu ba tuổi, và cháu qua đời sau đó một tuần. Trước đây, bác sĩ có khám và chụp hình, nhưng bảo mảnh đạn nằm ở một vị trí khá an toàn, và rất nguy hiểm nếu phải giải phẩu. Không ngờ cháu lại chết vì chính mảnh đạn từ thời chiến tranh này.

Bà ra nhà sau lên tiếng gọi ông chồng, kể cho ông nghe câu chuyện tự nãy giờ. Ông đến chào tôi, và bảo tôi chờ ông bà mặc áo lạnh rồi sẽ dẫn tôi ra nghĩa trang, nằm không xa ở phía sau nhà, thăm ngôi mộ cô con gái.

Ngôi mộ phủ đầy tuyết trắng. Bà đưa tay phủi lớp tuyết trên tấm bia, hàng chử khắc sâu trên bia: ANITA NGUYEN HILDE. Nhìn tấm ảnh trên mộ bia, tôi có cảm giác dường như cô cũng đang nhìn tôi mỉm cười. Tôi đứng trước mộ, chấp hai tay khấn nguyện một đôi điều. Ông bà chủ nhà sụt sùi, bảo với tôi đó là cô con gái duy nhất mà ông bà hết lòng thương quí. Từ khi cô ta qua đời, ông bà chẳng còn thiết tha bất cứ thứ gì trên cõi đời này nữa. Đưa tôi trở lại nhà, ông châm củi thêm vào lò sưởi, rót mời tôi một tách cà phê nóng. Ông bảo nếu cô không chết thì mùa hè này ông bà sẽ đưa cô về thăm quê hương nguồn cội ở Việt Nam. Riêng cha mẹ ruột của cô thật sự đã chết trong chiến tranh rồi.

Dường như vừa nhớ lại một điều gì, ông đứng lên bước tới kệ sách, quay lại nói vói tôi:

- Trong hồ sơ của con tôi, người ta có ghi chú: Khi hấp hối, mẹ cháu có trăn trối nhờ người mang nó về một viện mồ côi mà bà quen. Bà có để trong túi áo quần của đứa con một tấm hình khi vợ chồng bà làm đám cưới. Sau tấm hình có ghi tên và đơn vị của ba cháu. Đó cũng là dấu tích duy nhất về gốc gác của cô con gái nuôi yêu dấu của chúng tôi.

Tôi chưa kịp hỏi, ông đã đưa cho tôi tập album, và chỉ cho tôi một tấm ảnh đen trắng ngã màu vàng sậm, được dán ngay ở trang đầu. Nhìn tấm ảnh, tôi giật thót cả người, như đang bị mộng du vào một cõi xa xăm nào đó: hai người trong tấm ảnh chính là vợ chồng Nguyễn Thượng Tâm, người em mồ côi kết nghĩa mà chúng tôi đã lạc mất nhau trong những ngày cuối của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

16 thg 2, 2010

Việt Nam: Quân bài domino đầu tiên của châu Á

Shawn W Crispin, Asia Times (Hoàng Quân chuyển ngữ)
10.02.2010

BANGKOK – Trong khi thị trường thế giới đang lo lắng về những món nợ tiền của châu Âu, liệu Việt Nam có trở thành quân cờ domino kinh tế sẽ sụp đổ do chi tiêu kích thích kinh tế quá trớn đầu tiên của châu Á hay không? Với đồng tiền đồng bất ổn, nạn cho vay tín dụng lỏng lẽo và ồ ạt của ngân hàng, cùng với sự bất tín nhiệm vào khả năng điều hành kinh tế của chính phủ, Việt Nam nổi lên như là một ứng cử viên chính trong vùng cho việc bất ngờ tái định giá thị trường do tác động tài chánh gây ra bởi việc chi tiêu tài khóa ào ạt nhưng thường xuyên phân bổ không hợp lý mới đây.

Đằng sau việc bơm một lượng tiền khổng lồ vào thị trường để kích thích kinh tế của chính phủ, năm ngoái Việt Nam đã vượt xa nhiều quốc gia trong vùng với 5.5% GDP tăng trưởng. Để ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, chính phủ đã hứa chi nhiều gói kích thích kinh tế với tổng trị giá lên đến 8% của GDP. Mặc dù chưa tới một nửa số đó đã thực sự được giải ngân, việc chi tiêu theo ngân sách và việc cho vay ngoài ngân sách của ngân hàng nhà nước đã giúp đẩy nền kinh tế vượt qua được cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Trước những dấu hiệu hồi phục trên toàn cầu, chính phủ do đảng Cộng Sản lãnh đạo đã phát đi tín hiệu sẽ ghìm lại những gói kích thích và sẽ đưa kinh tế trở lại phát triền bằng định hướng xuất khẩu. Nhưng do thiếu sự kết hợp đồng bộ giữa những cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nên đã làm xói mòn thêm niềm tin của dân chúng vào khả năng kiểm soát lạm phát của chính phủ trong tương lai và đã làm yếu đi đến một mức đáng kể những nổ lực của trung ương muốn kìm hãm những áp lực đối với đồng nội tệ và thị trường bất động sản đang trở nên quá nóng.

Tình trạng đoạn giao giữa mệnh lệnh của trung ương với phản ứng bất tuân của địa phương đã hiện rõ lên từ năm ngoái khi những ngành công nghiệp xuất khẩu đã từ chối đổi ra tiền mặt số tiền đô mà họ thu về từ hoạt động xuất khẩu theo tỉ giá hối đoái chính thức qui định giữa tiền đồng đối với tiền đô la Mỹ. Vào tháng Mười, khoảng cách sai biệt giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá chợ đen là 9%, hiện trạng này đã buộc chính phủ vào tháng Mười Một phải phá giá 5% đồng tiền đồng bằng cách nới rộng biên độ giao dịch cho phép của nó. Mặc dù với mức phá giá như thế, những nhà phân tích tài chánh theo dõi sát tình hình cho rằng vẫn còn 5% chênh lệch giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá chợ đen.

Một yếu tố làm nảy sinh ra tình trạng méo mó này chính là do chính sách hỗ trợ lãi xuất của chính phủ, mà đã được triển khai từ năm ngoái như là một phần trong gói kích thích nhằm thúc đẩy hơn nữa việc cho vay ở trong nước. Chính sách này đã làm giảm một cách hiệu quả lãi xuất cho vay từ 10% xuống còn 6.5%, và đã thúc đẩy một đợt cho vay mới có trị giá rất lớn lên tới khoảng 24 tỷ USD, hoặc bằng khoảng 23% của GDP. Theo Standard & Poor’s, một cơ quan tính toán định mức tín dụng, mức tăng trưởng tín dụng cho vay của Việt Nam tăng 37% so với năm trước.

Những nhà phân tích tài chính nói rằng vì lý do hầu như không có nhu cầu sử dụng vốn lưu chuyển giữa những doanh nghiệp nhà nước và những công ty xuất khẩu tư nhân mà đã nhận được những khoản tín dụng mới với giá trị rất lớn, nên phần lớn nguồn tiền đã được xoay vòng ở thị trường chứng khoán trong nước. Nguồn thanh khoản tiền mặt quá lỏng lẽo không được kiểm soát đã giúp thị trường chứng khoán của Việt Nam trở thành một trong những thị trường hoạt động sôi nổi nhất trên thế giới suốt nửa đầu năm 2009; nhưng rồi đã tuột dốc thảm hại trong nửa năm về sau.

Những nhà phân tích tiền tệ và tài chánh không biết rõ là đã có bao nhiêu trong số 24 tỷ USD từ đợt cho vay năm ngoái đã bị thua lỗ vào trò may rủi trên thị trường chứng khoán. Kim Eng Tan, một nhà phân tích tài chánh và tiền tệ của Standard & Poor’s, ban đầu đã bày tỏ quan ngại của mình về tốc độ tăng 37% của các khoản nợ vay hồi năm ngoái. Ông Tan nói rằng bản cân bằng kế toán của những ngân hàng chính của Việt Nam ở “tình trạng tương đối hợp lý” tại thời điểm cuối năm 2008, nhưng nói thêm rằng “chúng ta cần theo dõi xem những gì đã thay đổi kể từ sau đợt sóng cho vay mới.”

Từ quan điểm của chính phủ, đợt cho vay tiền dễ dãi đó là nhằm để ngăn ngừa trước một đợt thất nghiệp tăng cao vào ngay thời điểm những công nghiệp xuất khẩu có sử dụng số lượng đông nhân công đang phải đối mặt với tình trạng gần như sụp đổ trong nền mậu dịch toàn cầu. Giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản không muốn để tái diễn tình trạng bất ổn xã hội như đã xảy ra vào năm 2008, khi mà nạn lạm phát tăng lên đỉnh điểm vượt hơn mức 25% và tình trạng công nhân gây bất ổn xã hội xảy ra tràn lan trong những xí nghiệp do địa phương cũng như ngoại quốc làm chủ trên khắp cả nước.

Nạn lạm phát phi mã cũng góp phần vào hiện trạng khiếm hụt thanh khoản đang nổi bong bóng do những công ty hùa nhau tích trữ một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu để hưởng lợi do dự đoán giá cả và nhu cầu ngày càng tăng cao. Việc mất quyền kiểm soát kinh tế được cho là đã làm suy yếu vị thế của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có khuynh hướng cải cách tự do mà một số nhà phân tích đánh giá là đã tránh được khỏi cơn lạm phát lớn cực độ của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụp đổ giá cả hàng hóa tiêu dùng liên đới. Một số nhà phân tích tin tưởng rằng cánh bảo thủ trong đảng sẽ dành lại ưu thế trong kì đại hội Đảng lần thứ 11 sẽ nhóm họp vào tháng Một năm 2011.

Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, đã chỉ ra trong những báo cáo rằng cánh bảo thủ trong đảng trong một phiên họp ban chấp hành trung ương năm 2008 đã đòi Nguyễn Tấn Dũng từ chức vì bị cho là đã điều hành kinh tế sai lầm. Sự chia rẻ trong chính sách chính giữa cánh bảo thủ và cánh tự do trong đảng khiến sẽ ảnh hưởng đến tốc độ cũng như phạm vi hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của nó đối với sự ổn định trong nước và khả năng kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, theo lời của giáo sư Thayer.

“Cánh bảo thủ muốn duy trì quyền cai trị độc đảng, bảo đảm ổn định và trật tự và quyền kiểm soát của nhà nước trong những thành phần mấu chốt của nền kinh tế, mà họ bảo là “những con bò sữa” của họ, giáo sư Thayer viết trong một điện thư trao đổi với Asian Times Online. “Rõ ràng là việc cải cách những doanh nghiệp nhà nước đã lâm vào bế tắc, đó là một minh chứng. Những ai [giống như ông Dũng] muốn thúc đẩy gia tăng hội nhập toàn cầu đều muốn thấy những lực lượng thị trường đóng một vai trò lớn hơn.”

Giữa lúc chương trình tự do hóa tài chánh và kinh tế mở rộng của ông Dũng vẫn còn vận hành, có những dấu hiệu cho thấy những thành phần bảo thủ đang ra sức gây ảnh hưởng lên việc điều hành kinh tế. Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam yêu cầu những ngân hàng nhỏ, mà đã góp sức tao ra cuộc lạm phát thông qua đợt cho vay đại trà vào năm 2008, phải tăng gấp ba nguồn vốn căn bản trước cuối năm, nếu không thì sẽ bị cho đóng cửa. Chính phủ cũng đã ra lệnh đóng cửa những sàn trao đổi vàng trên toàn quốc – một qui định hạn chế sẽ có hiệu lực vào tháng ba trong nổ lực nhằm ngăn chặn người dân bán tống đồng tiền đồng để đổi lấy vàng.

Áp Lực và Biến Dạng

Những thử nghiệm mang tính chất kỷ trị mới đang nổi lên với những dấu hiệu của nạn lạm phát, thâm hụt mậu dịch gia tăng và áp lực đè nặng kéo dài lên đồng tiền đồng trong thế mặt đối mặt với với đồng đô Mỹ đang yếu đi trên khắp toàn cầu. Cho dù với đợt phá giá 5% của đồng tiền đồng vào tháng Mười Một năm ngoái và việc tăng lãi xuất căn bản từ 10% lên 12%, những công ty quốc doang và tư nhân vẫn tiếp tục đầu cơ vào đồng tiền đô chứ không phải tiền đồng, chứng tỏ sự mất tin tưởng của người dân vào khả năng hay ý chí muốn kiểm soát lạm phát của Ngân Hàng Nhà Nước.

“Ngân hàng trung ương cần phát đi một tín hiệu khá kiên quyết tới thị trường rằng họ sẽ sẵn sàng bảo vệ biên độ dao động của đồng tiền, có lẽ bằng việc nâng lãi xuất cao hơn nữa,” Sriyan Pietersz, trưởng nhóm nghiên cứu của J P Morgan ở Bangkok. Nếu không làm được như thế, họ phải đối mặt với rủi ro có thể mất đi nguồn vốn FDI [Đầu Tư Trực Tiếp Ngoại Quốc] tiềm năng đang đổ vào vì lý do đồng nội tệ không ổn định.”

Hôm tháng Giêng, Chính phủ đã bán được 1 tỷ Mỹ Kim trái phiếu cho những nhà đầu tư ngoại quốc, nhưng những nhà phân tích lại cho rằng như thế vẫn chưa đủ để làm giảm áp lực đang đè năng lên đồng nội tệ. Trong tháng này, đồng nội tệ chắc sẽ hưởng được một đợt giảm áp lực ngắn nhờ vào việc thanh toán tiền trả vào nhân dịp nghỉ lễ Tết, nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng Ngân Hàng Nhà Nước cần nâng lãi xuất lên ít nhất 3% nữa để áp một mức thuế trừng phạt đối với những ai muốn chuyển đổi tiền đồng để lấy tiền đô.

Trong lúc Ngân Hàng Nhà Nước chỉ là nguồn chính thức duy nhất cho việc chuyển đổi ngoại hối trong nước, chính phủ vẫn duy trì những biện pháp kiểm soát về vốn thật gắt gao nhằm để bảo vệ đồng tiền đồng. Theo luật định, những công ty và những xí nghiệp chỉ được phép giữ lại một lượng ngoại tệ vừa đủ để trả nợ và chi trả những thương vụ hiện hành. Tuy vậy, cho đến quí ba năm ngoái, có tới 27% lượng thanh khoản thuộc hệ thống lài chánh nội địa đã được lén đổi qua thành tiền đô Mỹ, theo báo cáo của JP Morgan.

Bất chấp những biện pháp kiểm soát đồng nội tệ đã ban hành, theo ước tính những doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ khoảng 10 tỷ trị giá bằng ngoại tệ mà phần lớn là đồng đô Mỹ. Đáng chú ý, mới đây, họ đã quyết liệt phản đối một thông tư do chính phủ ban hành đặc biệt nhắm vào 10 doanh nghiệp nhà nước lớn, gồm Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, Tập Đoàn Than Khoán Sản Việt Nam, và Tổng Công Ty Hóa Chất Quốc Gia Việt Nam, và yêu cầu những doanh nghiệp này phải chuyển đổi đồng đô họ đang nắm giữ để lấy tiền đồng.

Theo thông tư này, các doanh nghiệp nhà nước đáng ra đã phải nộp vào hơn 3 tỉ đô trong số ngoại hối mà họ đang nắm giữ cho Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam trước cuối năm ngoái; nhưng mãi đến đầu tháng Hai, họ chỉ mới chuyển vào 300 triệu đô, các nhà phân tích theo dõi tình hình cho biết. Việc bất tuân chỉ thị này, cùng những nhà phân tích đó cho biết, đã khiến cho Ngân Hàng Nhà Nước lần khân không muốn bơm thêm thanh khoản cho thị trường nhằm để bảo vệ đồng nội tệ. Theo các thống kê chính thức thì Ngân Hàng Nhà Nước hiện giữ một lượng dự trữ ngoại tệ trị giá khoảng 16 tỉ đô.

Trong khi Việt Nam rõ ràng là rập khuôn theo lề lối chi tiêu tài khóa khác thường của Trung Quốc trong chính sách ứng phó đối với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, Hà Nội so với Bắc Kinh tỏ ra thiếu khả năng kiểm soát từ thượng tầng xuống, điều mà đã cho phép Bắc Kinh có nhiều thẩm quyền kiểm soát hãm đà hơn đối với những chương trình kích thích kinh tế của họ. Như cuộc chiến giằng co về ngoại hối gần đây đã chỉ ra cho thấy, thì các Doanh Nghiệp Nhà Nước lớn của Việt Nam vẫn được điều hành như những lãnh địa riêng của các đảng viên Đảng Cộng Sản đầy quyền lực chính trị với đầy đủ sức mạnh để thẳng thừng bất tuân những chỉ thị của trung ương.

Một số nhà phân tích tin chắc rằng các doanh nghiệp nhà nước của VN vốn bấy lâu nay luôn làm ăn thua lỗ, rốt cuộc lại lại giành được ưu tiên hưởng lợi từ chính sách của nhà nước. Đối với những thành phần khác, thực tế rõ ràng là tình trạng thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm từ phía những doanh nghiệp nhà nước lớn vẫn còn kéo dài, và làm dấy lên những lo ngại đối với một loạt thắc mắc mới không rõ số tiền nhiều tỉ đô la từ các khoản vay của ngân hàng mà họ nhận được từ năm ngoái đã được sử dụng như thế nào. Số tiền cho vay theo thúc đẩy của chính phủ hồi năm ngoái mà đã được điều phối cho chảy vào các hoạt động đầu cơ trên thị trường chứng khoán, giờ đây rõ ràng là đang đẩy giá bất động sản tăng cao, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều hiển nhiên hơn là Việt Nam vẫn thiếu sự phối hợp chính sách có hiệu quả xuyên suốt giữa những cơ quan nhà nước và những doanh nghiệp vào thời điểm mà các giới thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế cần chứng tỏ cho thị trường thấy một cam kết mới được củng cố nhằm duy trì sự ổn định giá cả và kinh tế vĩ mô. Việc thiếu kiểm soát cũng làm dấy lên những thắc mắc về cách giải quyết chắp vá của ngân hàng trung ương đối với làn sóng lạm phát năm 2008 và năng lực kỹ trị của cơ quan này trong việc ngăn chặn những áp lực mới nổi lên làm gia tăng lạm phát, kể cả trong thị trường bất động sản.

Ông Pietersz thuộc JP Morgan cho biết, các giới chức liên đới đều “rất thông minh và tận tụy”, song vẫn còn “vừa làm vừa học” trong khi điều hành nền kinh tế. Các nhà phân tích khác thì nói rằng không rõ là chính phủ với nội bộ đang chia rẻ có đủ quyết tâm chính trị để thu gọn lại những giải pháp kích thích kinh tế mà đã ban hành từ năm ngoái trước hiện trạng các phe cánh trong đảng đang tranh đua dành dựt quyền lực chính trị chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc vào năm tới.

“Hiển nhiên, chính phủ không thể đóng cửa toàn bộ nền kinh tế … song những dự đoán về lạm phát chắc chắn sẽ xảy ra không thể tránh khỏi theo cách này hay cách khác,” ông Tan thuộc Standard & Poor’s nhận xét. “Nếu như lạm phát xảy ra ở mức cao kéo dài trong một thời gian dài, thì sẽ gây ra mối nguy làm tổn thương trầm trọng”.

Một nhà phân tích làm việc cho một ngân hàng đầu tư châu Âu ước đoán rằng “cái ngày tính sổ” của Việt Nam là “không thể tránh khỏi do tình trạng bất lực của chính phủ trong việc nâng cao nguồn thu nhập của quốc gia” và rằng đất nước này sẽ phải đối mặt nhiều hơn với “những đợt phá giá đồng bạc gây chấn động” cho tới khi nào ngân hàng trung ương được độc lập hơn, thoát ra khỏi tay của những tên ngoáo ộp trong đảng.

Bất chấp những áp lực gần đây lên đồng nội tệ, ông Tan cho hay là Việt Nam chưa bộc lộ những triệu chứng của một “cuộc khủng hoảng tiền tệ cổ điển” bởi vì “mức vay bên ngoài phần lớn vẫn nằm trong tầm kiểm soát” và “FDI vẫn duy trì được ở mức cao”. Không giống như các quốc gia ngập chìm trong nợ nần bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, ông lưu ý, gánh nặng nợ nần của Việt Nam tương đối khiêm tốn bởi vì đa phần nợ của Việt nam thuộc về nhóm có nguy cơ thấp, và thuộc loại nợ ưu đãi dài hạn.

Nhưng khi việc kiểm soát thị trường đối với khu vực tài chánh công gia tăng mạnh ở châu Âu, mức độ rủi ro từng quốc gia riêng rẻ ở châu Á sẽ ngày càng được lượng định bởi quan điểm, nhận thức của các nhà đầu tư về cách thể chính quyền quản lý và chi tiêu ra sao qua các giải pháp chi tiêu tài khóa được thực hiện mạnh mẽ mới đây. Các địa phương ở Việt Nam đã tỏ rõ sự bất tín nhiệm đối với khả năng điều hành kinh tế của chính phủ và lịch sử cho thấy thái độ bén nhạy của ngoại quốc thường lùi chậm lại nhưng rốt cục lại cũng chạy theo những đầu dẫn bản năng hướng tới những thị trường mới nổi nhưng có mức rủi ro cao.
Khi những nỗi lo sợ trước căn bệnh truyền nhiễm về chi tiêu tài chính do nhà nước gây ra càng tăng cao ở châu Âu, Việt Nam có vẻ như là ứng viên hàng đầu cho một cuộc khủng hoảng lòng tin tương tự song hành tại châu Á.
Nguồn: Asia Times

14 thg 2, 2010

Việt Nam - Trung Quốc, những quân bài chiến lược trên biển Đông

Bút Sắt

Trong bối cảnh tranh chấp vùng đảo Hoàng Sa – Trường Sa, Việt Nam và Trung Quốc đều có những lý lẽ và lập luận của riêng mình. Và tất cả lý lẽ của Trung Quốc chỉ là ngụy biện cho sự xâm chiếm trái phép trên chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Sau khi xâm chiếm Hoàng Sa từ năm 1974 và cho đến nay Trung Quốc đã kịp thời xây dựng một sân bay chiến lược ở quần đảo Woody mà chúng ta được biết với tên Phú Lâm. Và tương lai của Woody sẽ được Trung Quốc biến thành như thế này.
Mục đích của Trung Quốc muốn biến Hoàng Sa từ khu vực quân sự thành dân sự và dựa vào đó làm cơ sở cho tiến trình khai thác vùng biển Đông lâu dài. Và sau này nếu có sự kiện chiến tranh ở đây thì Trung Quốc vẫn “chính ngôn” chống trả, sử dụng vũ lực tối đa để bảo vệ vùng đất phi quân sự “của mình”. Một cơ sở từ quân sự sang phi quân sự cho thấy Việt Nam muốn đánh cũng rất khó, vì sẽ mang tiếng là “xâm lược” và bị lên án do hành động đánh vào nơi dân sự.


Cơ sở hành chính nhà cầm quyền Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, của Việt Nam.

Ngoài việc xây dựng căn cứ tàu ngầm chiến lược ở Hải Nam nhằm mục đích kiểm soát toàn bộ vùng biển Đông thì sân bay ở đảo Woody là một miếng ghép hoàn hảo về quân sự. Dưới đường thủy – trên đường không, tàu ngầm và máy bay thì là tuyệt vời nếu như xảy ra chiến tranh trên biển.
Từ đảo Woody đến quần đảo Trường Sa chỉ mất 700km là cự ly vừa tầm máy bay tác chiến và quay về tiếp nhiên liệu. Sâu xa hơn sân bay trên đảo Woody không chỉ xây như thế mà thực sự nó là đối trọng với sân bay quân sự Thành Sơn ở Ninh Thuận. Sân bay Thành Sơn là một trong những sân bay chiến lược của không lực Mỹ ở đây. Nơi đây có thể đáp được những máy bay cỡ lớn như C-130s.


Một góc nhìn từ sân bay quân sự Thành Sơn

Cơ sở vật chất của sân bay Thành Sơn sau 1975 thì hầu như không bị thiệt hại nhiều và cho đến nay thì Quân Đội Nhân Dân Việt Nam sử dụng nó như là căn cứ không quân chiến lược. Có sự yểm trợ nào nhanh nhất ngoài việc sử dụng máy bay chiến lược?

Khoảng cách từ sân bay Woody đến quần đảo Trường Sa là 700 km và từ sân bay Thành Sơn đến Trường Sa là 600 km. Nói đến đây thì bạn cũng hiểu được sự quan trọng của sân bay Woody là như thế nào. Nếu xảy xung đột ở thì từ Woody các tiêm kích của Trung Quốc sẵn sàng từ đây bay ra nghênh chiến với không quân Việt Nam chỉ với khoảng thời gian gần bằng nhau. Và có thể qua bay về đảo để tiếp thêm nhiên liệu mà tiếp tục chiến đấu.


Sân bay Thành Sơn và Woody cự ly đến Trường Sa

Trong số 150 Mig-21, 53 Su-22, 12 Su-27, 4 Su-30MK2VS, hầu như những máy bay chiến lược của không quân Việt Nam phần lớn tập trung ở sân bay Thành Sơn . Những chiếc Su 22 cải tiến này có khả năng mang được tên lửa chống hạm hiện đại nhất, sẽ là “con bài chiến lược” của ta trong tác chiến bảo vệ Trường Sa.

SU-30MK2 niềm tự hào của không quân Việt Nam. Chụp từ Biên Hòa Airbase

Thêm vào đó lực lượng phòng không cũng được trang bị thêm các dàn hỏa tiễn địa đối không S-300 PMU1 và hiện đại thêm hải quân. Đọc thêm về lực lượng hải quân Việt Nam

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã khiến Mỹ và các cường quốc phương Tây phải e dè thì nói chi Việt Nam mỗi năm từ 1 đến 2 tỷ dollars (số liệu theo sách trắng quốc phòng) thì khó có khả năng đương đầu được với Trung Quốc trong một cuộc hải chiến.

Sở dĩ Việt Nam mua vũ khí Nga mà không mua vũ khí của Mỹ bởi vì bạn hàng vũ khí lớn nhất của Trung Quốc là Nga (Mỹ cấm vận vũ khí với Trung Quốc). Qua đó chúng ta biết được ít nhiều về những “tính năng bí mật” của những vũ khí đó để tìm ra điểm yếu. Việt Nam và Nga luôn có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp từ thời Liên Bang Xô Viết và cho đến nay thì Việt - Nga vẫn còn duy trì tình đồng chí tốt đẹp. Nếu không may xảy ra chiến tranh thì Nga sẽ cung cấp cho Việt Nam những tính năng của vũ khí Trung Quốc. Chính vì vậy mối quan hệ Nga – Việt là mang tầm chiến lược lâu dài.

Trong những chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam vào những năm 2002 – 2003, đây không đơn thuần chỉ là cuộc thăm viếng xã giao mà là là sự hội đàm mua những thiết bị mới để thay thế cho số vũ khí mà Mỹ đã trang bị cho quân đội Sài Gòn sau chiến tranh còn để lại. Ví dụ như những chiếc trực thăng UH-1 cho đến nay vẫn được không quân Việt Nam sử dụng tốt hay những chiếc C-130 được mệnh danh là những conma bóng đêm...

Việt Nam – Trung Quốc hơn thua nhau không chỉ là vũ khí hay sức mạnh quân sự, mà còn là chiến lược ngoại giao.

Thanh Sắc


Ðinh Hùng

Đầu xuân có rừng xuân đẹp,
Suối bạc, ngấn vàng long lanh.
Con hươu sao quỳ khép nép,
Uống ngọc bên hòn đá xanh.

Đầu xuân có dòng sông trắng,
Thuyền ai chờ khách nằm đây .
Con chim nhạn biếc theo mây
Trên bến cát hồng xa vắng.

Đầu xuân có hội đua hồng,
Có cuộc thi tà áo lá .
Đầu xuân này cỏ thêu nhung,
Bướm với hoa đồng lơi lả .

Đầu xuân có tiệc xuân tình,
Núi xanh và trời xanh biếc.
Mây đào có má đào xinh,
Em chớ để tình xưa chết.

9 thg 2, 2010

Portable Vietnamese Unicode WritePad

Mit
(KH Kỹ thuật & Computer Việt báo.com)

Portable webpage dùng để viết tiếng Việt (IE, Firefox & Safari compatible) mà không cần đến Vietnamese keyboard driver như Unikey, VPSkey, etc.

Lý do tôi làm cái writepad nầy là vì hầu hết quý vị đi làm và dùng computer của sở, phần nhiều policy của sở nào cũng không cho dùng third party software dù rằng software ấy là freeware.Những javascript tôi dùng trong portagle webpage nầy, các websites khác cũng đang sử dụng. Ngoài các javascripts nầy ra, tất cả chỉ là simple HTML codes.

Dùng trên win7, vista chạy rất tuyệt, mở browser đề lôi nó ra, đánh chữ Việt trong trang đó, xong chỉ cần copy and paste vào chỗ muốn lưu là you're done.

Download it to your computer, open it, bookmark it. Later, just run it from your bookmarks/favorites.

  • 12 THÁNG ANH ĐI