29 thg 10, 2009

Quan hệ Hoa Kỳ - Ba Lan: Bài học khi chơi với cường quốc

Lê Diễn Ðức
(Viết riêng cho Người Việt)

Ðêm 20 Tháng Tháng Mười, năm 2009, chiếc máy bay Air Force Two chở Phó tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden hạ cánh xuống sân bay quân sự Okecie, thủ đô Warsaw, mở đầu chuyến công du bốn ngày tại các nước Ba Lan, CH Czech và Romania.

Phó Tổng Thống Joe Biden tới đây mang theo thông điệp mới của chính phủ Hoa Kỳ nhằm trấn an dư luận các nước cựu cộng sản Ðông Âu, sau khi Hoa Kỳ, vào ngày 17 Tháng Chín, 2009, quyết định hủy bỏ kế hoạch lá chắn chống hỏa tiễn tại Ba Lan và CH Czech. Vì vậy chuyến công du mang ý nghĩa lớn trong chính sách đối ngoại của Tổng Thống Obama với khu vực này.

Quyết định kỳ lạ

Vào đúng giữa đêm, giờ Ba Lan, ngày 16 Tháng Chín, 2009, Tổng Thống Obama gọi điện thoại cho thủ tướng CH Czech, sau đó cho thủ tướng Ba Lan, thông báo Hoa Kỳ từ bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn tại hai nước.

Thủ Tướng Donald Tusk đã không nói chuyện với Obama và đề nghị ngày hôm sau. Sau này, ông giải thích rằng, ông không thể tiếp nhận một vấn đề quan trọng như thế khi chưa hội ý với các cố vấn và ngoại trưởng.

Người ta nói, có thể lúc ấy Thủ Tướng Tusk làm động tác trì hoãn, bởi vì 17 Tháng Chín, là ngày lễ kỷ niệm 70 năm quân đội Liên Xô xâm chiếm Ba Lan. Cuộc tấn công vào Ba Lan nằm trong thỏa thuận bí mật giữa Liên Xô và Ðức Quốc Xã theo Hiệp ước Rribbentrop-Molotov, ký ngày 23 Tháng Tám, 1939, hai tuần trước khi Ðức đánh Ba Lan, mở màn Ðệ Nhị Thế Chiến.

Ngày 17 Tháng Chín là điểm mốc của trang sử bi thảm mà dân tộc Ba Lan trải qua với tổn thất gần sáu triệu mạng người, bằng một phần tư dân số. Tiêu biểu nhất là cuộc thảm sát tập thể gần 30 ngàn quân nhân Ba Lan tại rừng Katyn bởi Stalin và chiến dịch tắm máu cuộc khởi nghĩa Warsaw năm 1944 của Hitler làm hơn 200 ngàn thường dân và gần 20 ngàn binh sĩ Ba Lan bị chết và mất tích, thủ đô Warsaw bị hủy hoại gần 90%.

Báo chí Ba Lan và ngay cả Washington Post của Hoa Kỳ đều phê phán cuộc gọi điện thoại gấp gáp vào giữa đêm của Tổng Thống Obama.

Người Ba Lan không tin rằng nội các của Barack Obama không biết đến ngày “nhạy cảm” này, bởi vì mới 17 ngày trước, đại diện của Hoa Kỳ, Tướng Jamse Jones, giám đốc Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia đã tới Ba Lan dự lễ 70 năm ngày bùng nổ Ðệ Nhị Thế Chiến. Chính Jamse Jones đã chứng kiến sự bất đồng về nguyên nhân bùng nổ chiến tranh trong hai bài phát biểu của Tổng Thống Ba Lan Kaczynski và Thủ Tướng Nga Putin.

Ngay ngày 17 Tháng Chín, một loạt báo chí tại Nga khen ngợi hành động của Tổng Thống Obama. Tờ “Pravda” chạy tít lớn: “Cú điện thoại giữa đêm của Obama đã thay đổi thế giới.”

Trên tờ “Wprost,” một trong bốn tuần báo lớn ở Ba Lan, đăng bài “Cái tát cho Ba Lan,” phỏng vấn Paul Kengor, giáo sư của City College từ Pensylvania. Paul Kengor là tác giả của cuốn sách “Ronald Reagan và sự lật đổ chủ nghĩa Cộng Sản”. Ông nói: “Tuyên bố (của Obama) đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm cuộc xâm lăng Ba Lan của Hồng Quân Liên Xô là sự ngu ngốc khủng khiếp, gây nên cú sốc chính trị, ngoại giao và là sự đểu cáng. Ronald Reagan chắc chắn bật dậy dưới mồ.”

Tình yêu mù quáng?

Năm 1989, sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, Ba Lan xác định chính sách hội nhập Liên Hiệp Châu Âu và xem Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược. Nhờ sự giúp đỡ hiệu quả của Hoa Kỳ, Tháng Ba, 1999, Ba Lan trở thành thành viên chính thức của NATO. Người Ba Lan cảm thấy mình được tách ra khỏi ảnh hưởng truyền kiếp của nước Nga từ nhiều thế kỷ nay. Từ đây bắt đầu giai đoạn mới trong mối tình và sự đam mê của Ba Lan với đất nước cờ hoa.

Ngay sau khi giành được độc lập, chủ quyền, năm 1990, Ba Lan đơn phương hủy bỏ chiếu khán nhập cảnh cho công dân Hoa Kỳ.

Mười ngày sau thảm kịch WTC, Ba Lan là một trong vài nước đầu tiên tuyên bố sát cánh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Khi cuộc chiến Afghanistan và Iraq nổ ra, bỏ qua tranh cãi với nhiều nước Châu Âu, Ba Lan tham chiến cùng Hoa Kỳ với quân số đứng hàng thứ hai, sau Anh Quốc, hơn toàn bộ quân số gộp lại của các nước khác phần Ðông Âu, thậm chí hơn cả những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Ðức...

Trong cuộc đấu thầu mua máy bay, Ba Lan cũng làm ngơ trước các đơn chào hàng hấp dẫn của Anh, Thụy Ðiển, Ðức, Pháp để ký hợp đồng hàng trăm triệu đô la mua F-16 của Hoa Kỳ.

Kế hoạch xây dựng lá chắn chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ từ mấy năm nay đã làm chính phủ Ba Lan phấn chấn. Theo giải thích của Hoa Kỳ, hệ thống lá chắn không nhắm vào Nga mà chỉ để bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ, ngăn chặn sự tấn công của những quốc gia khiêu khích như Iran hay Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, đề tài này luôn là con bài trong cuộc chơi trên sân khấu chính trị của người Nga. Họ cho rằng hệ thống đặt sát biên giới Nga đe dọa an ninh và đối lại sẽ cho triển khai tên lửa Scander trên Kaleningrad, vùng lãnh thổ của Nga giáp Ba Lan.

Trên thực tế, với 10 giàn phóng, hệ thống chống hỏa tiễn nếu được đặt ở Ba Lan cũng khó có khả năng phòng thủ nếu hỏa tiễn từ phía Nga bắn đi hàng loạt. Tuy nhiên, sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ cùng với hệ thống lá chắn mang tính bảo đảm lớn về mặt chính trị, nâng cao vị thế của Ba Lan. Cho nên Ba Lan đã làm tất cả để đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ trước khi Tổng Thống W. Bush kết thúc nhiệm kỳ. Tháng Tám, 2008, tại thủ đô Warsaw, Ngoại Trưởng Condoleezza Rice long trọng ký kết với phía Ba Lan cùng với những lời chúc mừng thân thiện.

Chỉ sáu tháng sau khi nhậm chức, mực ký chưa ráo, Tổng Thống Obama đột ngột hủy bỏ kế hoạch. Người Ba Lan nhận tin này trong sự bàng hoàng và xem đây là sự “phản bội” - như cái tít lớn choán hết trang nhất của nhật báo “Faks.” “Faks” cho rằng, Hoa Kỳ “đã bán đứng Ba Lan cho Nga” và là “Nhát dao đâm sau lưng,” câu nói cay đắng của người Ba Lan nhắm vào Hiệp Ước Ribbentrop-Molotov giữa Stalin và Hitler.

Lech Walesa, cựu thủ lĩnh Công Ðoàn Ðoàn Kết nói, “Người Mỹ chỉ lo cho lợi ích của mình. Tất cả chúng ta bị lợi dụng vào những mục đích của họ.” Và ông nói thêm: “Chúng ta phải xem xét lại cái nhìn đối với Hoa Kỳ và phải quan tâm đến lợi ích riêng của mình.”

“Weekly Standard” cho rằng, quyết định hủy bỏ hệ thống lá chắn là “sự đầu hàng của Hoa Kỳ trước Nga.”

Bình luận viên Kwiecien của nhật báo “Dziennik” trong bài “Chúng ta trả giá cho tình yêu mù quáng” viết: “Người Mỹ là vậy! Chúng ta trao cho họ con tim, còn họ... trao cho chúng ta hóa đơn thanh toán tiền mua F-16. Chúng ta đã dâng hiến cho tình yêu này bất chấp ngăn cản của bạn bè Châu Âu về kế hoạch lá chắn. Chúng ta dám chấp nhận quan hệ căng thẳng với Sa Hoàng Putin. Còn người Mỹ? Họ không muốn tiếp tục, chỉ hứa suông và bây giờ làm tất cả để quay ngược lại. Ðây là mối tình bệnh hoạn của Ba Lan trước nước Mỹ.” Rồi ông kết luận, “Chúng ta đã có bài học lịch sử cho tương lai. Chúng ta phải làm tất cả để thế hệ mai sau không bị tổn hại vì chúng ta lãng quên sai lầm và có thái độ ngớ ngẩn trước lịch sử bi thảm. Chúng ta phải biết cân đối lại quan hệ của mình trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. Tìm kiếm sự an ninh bằng thiện chí của Washington qua những nụ cười và cái bắt tay chẳng mang lại ý nghĩa gì.”

Nhật báo “Polska The Times” với bài “Người Mỹ sẽ phải thay đổi thái độ” của Agaton Kozinski dẫn lời của Michael Codner, giám đốc Viện Nghiên Cưú Quốc Phòng Hoàng Gia Anh (RUSI), “Obama không muốn hệ thống lá chắn với lý do đơn giản: bởi vì W. Bush thích nó.”

Trong khi đó, cũng trên “Polska The Times,” Tổng Biên Tập Pawel Fafara với bài “Sai lầm to lớn của Hoa Kỳ” nhận định, “Với một nước Nga sẵn sàng xâm chiếm nước láng giềng có chủ quyền (Georgia Tháng Tám, 2008), các nhà báo bị bắn vào đầu không tìm ra thủ phạm, luôn mang ý chí tái lập đế chế và bành trướng khu vực, làm sao Obama có thể cùng xây dựng được hòa bình thế giới. Thế giới hôm nay khác hẳn sau cuộc khủng bố World Trade Center, nhân nhượng trước chủ nghĩa đế quốc Nga sẽ đưa lại những hậu quả đau xót.”

Cựu Thủ Tướng CH Czech Topolanek nói trên tờ “Lidove Noviny”, “Sự thay đổi thái độ của Washington là bước chuyển đưa CH Czech và Ba Lan về lại vị trí được biết từ 100 năm qua, có nghĩa rằng, thiếu sự bảo đảm an ninh, đồng minh và đối tác, cũng như tạo nên những mối hiểm nguy.”

So sánh hệ thống lá chắn với “Chiến tranh giữa các vì sao” của Ronald Reagan, “The New York Times” cho rằng, quyết định của Tổng Thống Obama là đứng đắn, nhưng Obama phải bảo đảm cho Ba Lan và CH Czech sự bảo hộ về an ninh.

Hoa Kỳ sửa sai

Phản ứng mạnh mẽ của Ba Lan đã làm Washington lúng túng và thúc đẩy chính phủ Obama lên tiếng.

Ron Asmus, giám đốc Trung Tâm Ðại Tây Dương của “German Mashall Fund” nói, “Chúng tôi đã phạm sai lầm. Chúng tôi phải sửa chữa nó.” Khi hỏi về bài “Chấm dứt một cuộc tình” trên báo “The Economist” rằng, quan hệ Ba Lan-Hoa Kỳ đã bị xấu đi, ông nói nhận định này bị phóng đại và “Quan hệ giữa chúng tôi ở giai đoạn quá độ. Chúng tôi đang trong tiến trình xây dựng điều gì đó mới hơn.”

Ba ngày sau quyết định của Obama, Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã trấn an Ba Lan. Bà khẳng định Hoa Kỳ không hề “cất vào tủ” hệ thống lá chắn mà sẽ triển khai hệ thống khác, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn. Bà nói Ba Lan và Hoa Kỳ “kết nối với nhau bằng trách nhiệm chung của đồng minh NATO và những liên hệ lịch sử, kinh tế, văn hóa”. Nhắc lại điều 5 của Hiệp Ước Washington, bà tuyên bố, “Tấn công London hay Warsaw đồng nghĩa với tấn công New York hay Washington.”

Sau phản ứng của phía Hoa Kỳ, chính phủ Ba Lan tìm cách làm lắng dịu dư luận. Các nhà chính trị khuyên dân chúng bình tĩnh, tự chế và không nên làm tổn thương người Mỹ. Sếp Ủy BAN AN NINH Quốc Gia Szczyglo có cái nhìn thực tế. Ông nói, “Thậm chí mối tình không được đáp lại tương xứng, chẳng ai muốn ôm âu yếm chúng ta. Chúng ta cần Mỹ hơn là Mỹ cần chúng ta.”

Một số nhà phân tích nói rằng, Ba Lan vẫn phải tiếp tục giữ quan hệ hợp tác gần gũi với Hoa Kỳ. Ba Lan không có lựa chọn nào khác từ bối cảnh lịch sử. Họ không tin rằng Hoa Kỳ hoàn toàn từ bỏ kế hoạch phòng thủ mà chỉ tạm “treo” để nhận được sự hỗ trợ của Nga trong vấn đề vận chuyển hậu cần cho mặt trận Afghanistan hay hồ sơ hạt nhân với Iran và Bắc Triều Tiên.

Lời kết

Tại Warsaw trong ngày 21 Tháng Mười, 2009, Phó Tổng Thống Joe Biden đã cam kết hợp tác với Ba Lan, CH Czech trong kế hoạch phòng thủ mới thay cho hệ thống “Ground Based Interceptor” của cựu Tổng Thống Bush. Ðây là hệ thống bao gồm các tên lửa SM-3 1B (Standard Missile 3) sẽ đặt trên lãnh thổ Ba Lan cho đến năm 2015, phối hợp với hệ thống di dộng Aegis trên các chiến hạm tại biển Ðịa Trung Hải và biển Bắc. Như vậy, hệ thống mới có hiệu quả tác chiến hơn nhiều so với hệ thống cũ, không những chỉ ngăn chặn tên lửa tầm xa mà còn cả tên lửa tầm ngắn và trung bình, bảo vệ được Hoa Kỳ cũng như tất cả các thành viên NATO. Bộ Ngoại Giao Ba Lan còn tiết lộ rằng, Hoa Kỳ và Ba Lan đã “gần điểm kết” của thỏa thuận SOFA-Supplement (Status of Forces Agreement) cho phép quân đội Hoa Kỳ có mặt trên lãnh thổ Ba Lan.

Mặc dù chưa thể đưa ra những chi tiết cụ thể về thời hạn triển khai, kỹ thuật, nhưng mọi đổ vỡ từ hôm 17 Tháng Chín đến nay dường như được hàn gắn lại bằng chuyến công du của Phó Tổng Thống Joe Biden.

Tỏ lòng biết ơn với Joe Biden, Thủ Tướng Ba Lan nói, “Chúng tôi đánh giá rất cao nhận định của vị khách Hoa Kỳ rằng, Ba Lan cần thiết trong kế hoạch toàn cầu, không phải chỉ với tư cách một nhà nước cần được giúp đỡ. Chúng tôi cố gắng trong con mắt của người Mỹ là đối tác năng động và cùng chung trách nhiệm.”

Joe Biden đáp lại, “Tôi tin tưởng rằng, việc cải thiện quan hệ với Nga không đánh đổi bằng cái giá phải trả của Ðông Âu. Ba Lan là đồng minh chủ chốt và là người bạn của chúng tôi. Người Mỹ gốc Ba Lan là một trong những bộ phận của cộng đồng dân tộc Mỹ. Trong gia đình tôi ở Delawere, tôi là người mang món nợ với họ - năm 1972, khi tôi 29 tuổi và lần đầu tranh cử vào Thượng Nghị Viện trong một cuộc đọ sức ngang ngửa, họ đã giúp tôi giành được chiếc ghế thượng nghị sĩ. Không bao giờ tôi quên điều này.”

Trong một cuộc gặp mặt chính thức mà Phó Tổng Thống Joe Biden nói ra những lời như trên chứng tỏ sự trung thực từ phía mình. Hy vọng rằng, quan hệ Ba Lan và Mỹ sau những ngày dậy sóng sẽ lại yên lành và là cuộc tình vừa bằng tình yêu, vừa bằng sự sáng suốt của cả hai bên.

Warsaw, ngày 22 Tháng Mười, 2009

12 THÁNG ANH ĐI