4 thg 8, 2009

Quê mẹ

Tưởng Năng Tiến

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Ca dao

Tôi sinh trưởng ở thành thị nên không hình dung được cái “ngõ sau” (nơi có thể đứng “ngó về quê mẹ”) hình dạng ra sao. Tôi cũng không hiểu tại sao, đang sống ở nơi này, lại cứ trông ngóng về nơi khác (làm chi) để bị “ruột đau chín chiều” dữ vậy!

Chiều chiều, thay vì “ngó về quê mẹ,” tôi vô quán nhậu, lai rai ba sợi cho nó quên đời. Thỉnh thoảng, hết tiền, tôi mới ngó vô màn hình của computer chút xíu.

Và cứ mười lần vô net là lãnh đủ cả mười. Cũng cả đống chuyện phiền ở trỏng chớ chả chơi đâu. Tuy ruột không đau tới cỡ “chín chiều” nhưng rẻ ra thì cũng tám hay tám rưỡi.

Cách đây chưa lâu, vào ngày 26 tháng 6 năm 2009, trên vietnamnet có đăng mấy bức thư của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - “về hiện thực cần báo động trong đời sống của những người nông dân” - xin được trích dẫn (vài câu) đọc chơi cho biết:

“54 năm qua, những người nông dân không một ngày ngừng cày cuốc, gieo trồng với tất cả những đức tính cần cù trên cánh đồng của họ. Họ đã lao động không hề than thở, họ đã hy sinh không hề than thở. Nhưng sau 54 năm, họ ngẩng đầu lên nhìn lại con đường của họ đã đi. Và họ kinh hãi nhận ra: họ đã đang đi theo một vòng tròn. Họ đang có nguy cơ trở lại điểm xuất phát… Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió.”

Ối làng nước ơi, nếu được “bỏ mặc trên những cánh đồng đầy nắng mưa” để “cần cù cầy cuốc gieo trồng” thì may mắn và quí hoá biết chừng nào. Từ thưở lập quốc đến nay, người nông dân Việt Nam có bao giờ dám than thở hay mong mỏi điều gì khác nữa đâu.

Chỉ sợ lại bị bắt xỉa xói đấu đá lẫn nhau cho đến chết, hay vào hợp tác xã nông nghiệp (thay trời làm mưa, nghiêng đồng cho nước chẩy ra ngoài) rồi nay phải trồng lúa thần kỳ, mai trồng cây cao lương … - những nông phẩm mà sản lượng chỉ thu hoạch được … trên báo Nhân Dân - thì lôi thôi lắm, và lôi thôi lớn.

Hơn nữa, vấn đề không chỉ giới hạn trong cái vòng tròn của đám nông dân Việt Nam mà còn tùy thuộc vào một cái vòng (chung) liên quan đến cả bàn dân thiên hạ nữa:

“Tôi hình dung ra một cảnh tượng như sau: Cả đoàn người đang đi trên một con đường lớn gập ghềnh thì một tốp người tách ra, đi quay trở lại, vào rừng tìm hướng đi mới, vì nghe nói phía ấy có ‘rừng mơ’ bạt ngàn. Tốp này tuyên bố ly khai thành một ‘phe’ riêng, thách thức ‘Ai thắng ai’ vì tin rằng mình có sứ mệnh phá con đường cũ để mọi người phải giác ngộ mà đi cả về phía ‘rừng mơ’. Nhưng đường mới càng đi càng mờ mịt, càng đi về miền hoang vu. Biết mình lầm đường, những người da trắng trong ‘tốp ly khai’ này bảo nhau làm động tác ‘Đằng sau, quay!’ để trở lại đường cũ, và đương nhiên phải chấp nhận sự ‘xáo trộn’ là người đi đầu trở thành người đi cuối.”

Nhóm da vàng của ‘tốp ly khai’ không chấp nhận sự ‘xáo trộn’ ấy, ban lãnh đạo nhóm nghĩ ra một kế: Cứ coi như đường vẫn đúng, phải giữ hàng ngũ và tiếp tục đi ‘thẳng’, nhưng mỗi ngày lượn cong thêm một chút, cuối cùng quỹ đạo vẫn thành vòng tròn, vẫn trở về đường cũ mà không cần ‘Đằng sau, quay!’ Tóm lại, ‘Phương thức đổi mới kiểu châu Á’ là ý muốn trở về với quy luật mà nội bộ vẫn giữ nguyên trật tự cũ, người dẫn đường trên đoạn đường đúng vẫn là người dẫn đường trên đoạn đường sai” (Đôi điều suy nghĩ của một công dân).

Những dòng chữ thượng dẫn được viết bởi ông Nguyễn Xuân Tụ, vào tháng 5 năm 1993. Gần hai mươi năm đã trôi qua, thời gian trải nghiệm cho thấy “đôi điều suy nghĩ” của vị sĩ phu Bắc Hà này (hoàn toàn và rõ ràng) không trật!

Những kẻ đã dẫn dắt cả dân tộc Việt bước vào tuyệt lộ nay vẫn là “kẻ dẫn đường,” và vẫn cương quyết giữ địa vị này bằng mọi giá. Như thế, nửa thế kỷ tới, nông dân Việt Nam “dám” tiếp tục đi thêm… một vòng tròn nữa và sẽ “có nguy cơ trở lại điểm xuất phát” - theo như cách nói của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Và dù như thế chăng nữa, tôi trộm nghĩ, cũng vẫn còn… may mắn chán!

Sự thể (e) không được thế đâu. Cả nước, xem chừng, đang trên đường bước vào một vòng tròn lớn hơn, và phức tạp hơn nhiều: vòng Bắc thuộc! Theo nguyên văn lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trong cuộc họp báo vào chiều ngày 4 tháng 2 năm 2009) “đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước!”

Chủ trương (khó hiểu) này, cùng với thái độ khiếp nhược của Đảng và nhà Nước trước những sự việc xẩy ra ở biển Đông, khiến cho toàn dân bỗng … nóng như hơ . Thư ngỏ, Đề nghị, Kiến nghị … được ký tên lia lịa và gửi đi tới tấp - với cùng một nội dung, y hệt như nhau: STOP it!

Cùng lúc, cũng không thiếu tiếng nhiếc móc hay thoá mạ:

“Nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên nhật báo Người Việt ở California, sau khi so sánh với cách hành xử của các nước trong khu vực trong những trường hợp tương tự, đã đi đến kết luận: thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam là hèn yếu. Nhà báo Huy Đức, hiện sống trong nước, trên Osin blog của anh, bày tỏ quan điểm của mình ngay trên nhan đề bài viết “Tàu thì lạ sự hèn hạ thì quen“. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, sống tại Úc nhưng có nhiều quan hệ gần gũi với Việt Nam, nhận định thẳng thừng: “Chưa thấy trong lịch sử Việt Nam, có thời nào mà Việt Nam khiếp nhược như thế.”

“Từ ba vị thế khác nhau với những lập trường chính trị có khi khác hẳn nhau, cả Ngô Nhân Dụng, Huy Đức và Nguyễn Văn Tuấn đều có nhận định giống nhau về giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay: Hèn! Hình như chưa bao giờ trí thức Việt Nam, trong và ngoài nước, lại đồng ý với nhau như thế! Hình như mọi người đều đồng thanh: Giới lãnh đạo Việt Nam hèn!” (Nguyễn Hưng Quốc, “Sao tự dưng họ lại đâm hèn đến vậy?“).

Tôi thực lòng không muốn đụng chuyện với ông Nguyễn Hưng Quốc, nhân vật mà ai cũng biết là một tay miệng lưỡi (vô cùng) đáo để. Tuy vậy, vì tôi nghĩ khác nên đành phải nói khác thôi. Theo tôi thì chưa bao giờ giới trí thức Việt Nam, trong và ngoài nước, lại thiếu kiên nhẫn và thiếu thông cảm với tình trạng khó khăn chung của Đảng (ta) như thế.

Đây là chuyện “lực bất tòng tâm,” chứ có cái Đảng (thổ tả) nào mà lại có chủ trương xấu xa và ngu xuẩn đến vậy - mấy cha? Coi: hồi tháng 6 năm 1992, ông Lê Phước Thọ (một trong mười ba vị ủy viên chính thức của BCHTƯĐCSVN khoá VII) đã nói rằng: “Đảng ta đang suy yếu nghiêm trọng và chưa bao giờ suy yếu như hiện nay.”

Bây giờ là tháng 8 năm 2009. Giai đoạn “suy yếu nghiêm trọng” đã qua. Đảng (ta) đã bước vào thời kỳ cuối, hết thuốc chữa rồi. Nói theo nguyên văn Lời bộc bạch Của một đảng viên (đọc được vào ngày 2 tháng 5 năm 2009) là “Đảng đang đi vào ngõ cụt!” Điều duy nhất Đảng còn có thể làm được là trấn áp những thường dân vô tội mà thôi.

Còn mọi vấn đề khác, vẫn theo như lời bộc bạch thượng dẫn, “không tùy thuộc vào Đảng, vào Chính quyền nữa, cái này ngoài khả năng của họ rồi.” Nói cách khác, “họ’ đang như những kẻ hối hả trên một chuyến tầu (vét) tốc hành. Bây giờ mà còn đặt vấn để tồn vong của dân tộc ra với Đảng là (kể như) trật lất.

“Chân lý muôn đời là chỉ có Dân mới cứu được nước.” Đó là ý của ông Hà Sĩ Phu, qua bài viết Từ vụ Beauxite nghĩ về vận nước, đọc được vào ngày 26 tháng 7 năm 2009. Hai ngày trước đó, tại buổi Toạ đàm Khoa học Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc cũng nói đến “sức mạnh của nhân dân” như là yếu tố quan trọng nhất trước hiểm hoạ ngoại xâm.

Hai vị trí thức có tâm và có tầm nhất nước đều đã nói như thế thì bà nội (mẹ) tui cũng không dám cãi cọ lôi thôi gì nữa, làm bộ cãi vã (qua loa) cho vui cửa vui nhà cũng không luôn. Tôi chỉ xin qúi vị, bỏ chút thì giờ vàng ngọc, nhìn qua về sức dân một tí.

Trong bức thứ hai của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (viết về Tổng thu nhập một tháng của người nông dân) có đoạn như sau:

“Khi tiếp xúc với những người nông dân, tôi thường xuyên hỏi về tổng thu nhập mỗi tháng của một khẩu trong một gia đình họ là bao nhiêu. Dù rằng tôi biết họ đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả nhưng tôi vẫn kinh ngạc khi nghe một con số cụ thể: ‘ Tổng thu nhập một tháng trên một khẩu của chúng tôi là 40.000 đồng …’

“40.000 đồng có giá trị như thế nào lúc này. Đó là giá của 2 bát phở, giá của 4 lít xăng, giá của hai xuất cơm trưa văn phòng, giá của một cuốc xe ôm trên đoạn đường 10km, giá của hơn một bao thuốc lá 555, giá của 3 ly cà phê…”

Sức dân từ hai bát phở hay hai xuất cơm trưa (mỗi tháng) e không mạnh gì cho lắm. Dù vậy, người dân ở miền xuôi vẫn khỏe hơn là những kẻ ở Tây Nguyên (địa điểm chiến lược của cả Đông Dương) đang sống bằng lá mì hay Mưu sinh trên rác - theo như tường thuật của Hoài Văn và K’ Sor, đọc được trên Tiền Phong Online, vào ngày 17 tháng 7 năm 2009:

“Bảy chị em PleiMlong bới rác ở đây được năm năm. Bố mẹ là người dân tộc Gia Jai, làm thuê nhưng không đủ nuôi chín miệng ăn. Đứa em út của em hai tuổi nhưng để ở nhà cũng chẳng có ai chăm nên đưa nó theo kiếm thêm được cái gì hay cái đó.”- MLong tâm sự.”

“Rim mới học lớp một, nhưng nhà nghèo không có tiền nộp học lại không có sách vở nên cũng theo bạn lên đây nhặt rác. Rim khoe: “Đi nhặt rác như ri nhiều lúc còn thích hơn đi học. Có tiền mua gạo khỏi phải ăn lá mì..”

Sau hai cuộc kháng chiến rất thần thánh (dù sự cần thiết vẫn còn là chuyện tồn nghi) và sau hơn một phần tư thế kỷ sống bằng rác hay bằng ba ly cà phê (mỗi tháng) sức mạnh của toàn dân (chắc) không có bao nhiêu đâu.

Trước hiểm hoạ đất nước bị thôn tính mà tôi ăn nói yếu xìu như thế (rõ ràng) nghe không “nức” lòng người. Tôi ước ao là mình có thể nói khác đi mà không biết nói sao. Tôi cũng ước ao, từ nay - chiều chiều - đừng cứ phải ngóng về quê mẹ, cũng đừng ngó vào computer làm chi (nữa) để ruột… đỡ đau - chút đỉnh.

Tưởng Năng Tiến

12 THÁNG ANH ĐI