23 thg 3, 2009

Diệt Sợ Hãi

Hè vừa qua về thăm quê hương tôi có dịp tiếp xúc với nhóm người được cho là có ăn có học, là một trong hai cột trụ nâng đỡ xã hội xưa nay, và được nhắc nhớ trong dân gian “nhất sĩ nhì nông”… Nhưng mỗi khi tôi luận bàn đến vấn đề áp bức bất công của xã hội hiện hành, thì nhiều người đã hoảng hốt và tránh né trả lời những điều thành thật phát xuất tận đáy lòng của tôi nêu ra. Họ vô cảm, hay đã bị mắc chứng bệnh “liệt kháng trước bất công?”

Sợ là đối lực của tự tin.

Sợ là kẻ thù của thành công.

Sợ là chướng ngại trên con đường cứu nước.

Sợ làm ta bỏ lỡ cơ hội tiến thân. Sợ khiến ta mệt mỏi chán chường. Sợ nhắc ta im lặng mỗi khi muốn nói… Sợ cản bước ta đấu tranh để xây dựng và phát triển đời sống hạnh phúc làm người. Sợ cho ta an phận thủ thường. Sợ biến ta thành kẻ bại liệt trước bất công!

Tất cả mọi nỗi sợ hãi của con người chúng ta đều khởi nguồn từ sự lo lắng hoảng hốt và tưởng tượng ra. Sợ bắt đầu từ phút thoáng qua trong trí óc. Sợ lan dần ra ngoài chân tay. Sợ giết chết niềm tự tin tự hào dân tộc.

Muốn có thành công, chúng ta phải diệt trừ sợ hãi, và xây dựng niềm tin. Muốn Diệt Sợ Hãi, chúng ta phải tìm ra căn bệnh sợ sệt và những phương pháp trị liệu.

Diệt Sợ Hãi, xây đắp niềm tin, chúng ta cần thực thi hai điều sau đây:

- Phân loại sợ hãi và tìm hiểu xem ta đang sợ cái gì

- Phương pháp chữa trị và dùng những hoạt động thích ứng với cái loại ta đang sợ đó

Mỗi khi chúng ta chạm trán với thử thách, đối diện với khó khăn, hay đứng trước công việc dù lớn dù nhỏ, đơn giản hay phức tạp… mỗi người đều có những phản ứng riêng. Có người nhìn công việc khó khăn và to lớn đó, lại có vẻ ung dung nhàn hạ… rồi tiến tới quả quyết “Tôi làm được.”

Nhưng có người lại nhìn công việc đó với một thoáng do dự tần ngần rồi đứng yên bất động. Lại có người vừa khi thấy công việc đó thì họ sợ hãi và khủng hoảng tinh thần.

Như thế, người ung dung nhàn hạ và có niềm tin tỏa sáng kia, có phải vì họ sinh ra là có sẵn niềm tự tin chăng?

Chắc là không. Không ai sinh ra mà có sẵn niềm tin. Người ấy đã phải tự chinh phục lo âu, xóa tan mặc cảm lo sợ, và họ thâu đạt tự tin mỗi lần một ít, “tích tiểu thành đa, tích đa thành sự” mà tới lúc chính họ sống tràn đầy niềm tin.

Mọi người chúng ta cũng thế, cũng có cùng tiến trình phát triển, nhưng chỉ khác chăng, là chúng ta đang sống trong môi trường thuận lợi hoặc bất lợi mà ra.

Hai em bé cùng vóc dáng, cùng lứa tuổi, và được hai mẹ chở tới trường học. Một em vừa tới lớp học là em đã nhập bạn và chơi đùa vui vẻ. Nhưng em kia thì ôm ghì chân mẹ, em sợ hãi khóc thét mỗi khi nhìn thấy chúng bạn lại gần... Mặc cho mẹ em vỗ về “Không sao đâu con?” “Có chi mà sợ?” Mẹ đã cố tình tách em ra xa, nhưng càng xa thì em càng sợ, và níu chặt lấy mẹ. Mẹ nhắc nhở “đừng sợ” thì em lại “càng sợ”… Nỗi sợ hãi tăng trưởng, tồn tại, hiện hữu trong em.

Vậy có phải vì bẩm sinh mà có em bạo dạn hay có em nhút nhát?

Chắc là không. Em dạn dĩ thì chính em cũng đã trải qua bao nỗi kinh hoàng khiếp sợ. Nhưng giờ này em có can đảm và tự tin để chạy đến làm quen với nhóm bạn trong trường, là bởi vì em đã đi chơi, đã gặp mặt với những trò chơi giao tế và tiếp xúc chúng bạn. Em đã quen, không còn sợ hãi.

Để phân bệnh sợ hãi, chúng ta có thể xem bộ óc con người như một ngân hàng trí nhớ. Mỗi ngày thâu thập nhiều dữ kiện từ điều tai nghe mắt thấy… qua những hình ảnh các em cô nhi ốm yếu chìa xương, các cụ quả phụ lang thang rách rưới… Các cảnh thương tâm đau lòng đó càng ngày càng lớn dần trong ngân hàng trí nhớ của chúng ta. Cho tới một lúc, chính chúng ta đối diện với trở ngại và suy nghĩ, thì ngân hàng trí nhớ lại hiện ra với câu hỏi, “Liệu ta có gặp trở ngại này chưa?”

Ngân hàng trí nhớ của chúng ta cũng tiếp tục cung cấp tin tức hay dữ kiện liên quan tới vấn đề chúng ta đang gặp, rồi tự động đào sâu, phân tích, lượng định, tổng hợp, đúc kết… cuối cùng là ta đề ra biện pháp giải quyết trở ngại theo một chiều hướng tốt hoặc xấu, can đảm tự tin hay yếu đuối hèn nhát. Tất cả đều do ngân hàng trí nhớ tích lũy của chúng ta mà ra.

Vì thế chúng ta muốn Diệt Sợ Hãi thì cần thực hiện hai điều như sau:

- Thâu vào ngân hàng trí nhớ của mình hình ảnh tốt đẹp, hăng hái và thành công

- Loại bỏ những hình xấu, mặc cảm và thất bại ra khỏi ngân hàng trí nhớ của mình

Hãy tập thói quen mỗi đêm trước giấc ngủ, chúng ta ôn lại trong trí nhớ của mình trong ngày về những điều tốt việc đẹp mà mình đã thấy, đã làm... Từ đó, chúng ta tìm kiếm ra nguyên nhân giúp mình sống vui và làm việc một cách thoải mái; không cho mầm mống bi quan, đen tối có cơ hội tồn tại hoặc tỏa lan trong tâm trí của mình.

Vẫn biết bệnh sợ là phát sinh do tâm lý. Muốn chữa bệnh tâm thần thì chúng ta phải dùng tâm lý trị liệu. Nhưng nhà tâm lý học, cũng đành bó tay, nếu người nhiễm bệnh không thực hiện một điều mà chỉ chính người sợ đó mới có khả năng chữa lành bệnh. Đó là diệt trừ “tư tưởng bi quan chán nản và tuyệt vọng.”

Hầu hết những con bệnh sợ, đều bắt nguồn từ tư tưởng bi quan chán nản, tuyệt vọng và công cuộc thất bại khởi đầu từ bệnh sợ mà ra mà có.

Có nhiều gia đình đổ vỡ vì do bệnh sợ. Họ sợ nên không dám đối diện với sự thật. Họ sợ nên không dám nói ra những điều mình không vừa ý. Họ sợ nên chính họ lại bị rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng.

Cũng bởi bệnh sợ đã tạo nên những thiên tình sử đẫm lệ, những khúc bi ai khôn tả… Cũng vì sợ, mà khi ta yêu nhau đã không dám tỏ tình. Cũng vì sợ, mà ta lại để cho người yêu bước lên xe hoa về nhà chồng, để khiến ta âm thầm đau khổ, ôm mối tình sầu và oán trách cao xanh sao nỡ gây cảnh thương tâm éo le, phân ly bẽ bàng. Tất cả vì sợ mà không dám nói ra.

Có nhiều người sợ nên bỏ lỡ cơ hội tiến thân. Trong nghề nghiệp, hoặc ngoài xã hội, có nhiều người sợ mình kém khả năng, không dám đương đầu với vai trò được giao phó. Có nhiều người sợ bạo quyền đến nỗi từ bỏ cả bạn bè thân thiết, không dám đến tiếp xúc, không dám nghe điều hay lẽ phải… Với chính sách đấu tố “trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” của Cộng Sản, thì nông dân Việt Nam lâm vào “Con Bệnh Sợ Hãi,” phó mặc cho đảng CSVN chém giết cướp đoạt ruộng đất mà dựng nông trường… Đang khi xưa nay nuôi sống con người là do nông dân, chớ nước ta chưa có kỹ nghệ hay máy móc thay thế.

Cột trụ xã hội đầu tiên nâng đỡ là nông dân, thì người nông dân lại đã bị CSVN cưa đổ. Tiếp đến trụ cột nâng đỡ xã hội thứ hai, và làm cho xã hội văn minh là người trí thức thì lại đã bị CSVN đồng hóa với lớp người “ăn trên ngồi trốc,” mà chúng ra tay tiêu diệt.

Hai cột trụ nâng đỡ xã hội: “Nhất Sĩ Nhì Nông,” nay bị CSVN cưa đổ, thì hậu quả mang lại là làm cho cả nước trở thành nghèo đói, lạc hậu… và làm cho “Con Bệnh Sợ Hãi” phát sinh. Cái nghịch lý của CSVN là họ phá tan xã hội, rồi họ lại tạo ra ngục tù u tối. Để từ ngục tù u tối đó, họ lại bắt đầu mò mẫm đi tìm đầu mối để dựng lại các cột khói của thời đại kỹ nghệ, đang khi chính họ lại không phải là trí thức hay chuyên viên kỹ thuật. Đó là hai nguyên nhân “người sợ người,” và “sợ kém khả năng” đang tràn ngập trong xã hội Việt Nam hôm nay.

1. Tại sao ta “sợ kém khả năng?” - Vì ta thiếu tự tin.

2. Tại sao “người sợ người?” - Vì ta thiếu tự chủ.

Bởi vì điều kiện của “tự do” là tự chủ. Điều kiện của “tự chủ” là tự quyết, là cái quyền được tự mình quyết định. Điều kiện của “tự quyết” là khả năng nhận định và ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, và do đó chúng ta phải “Diệt Sợ Hãi.”

Xin đơn cử một mẫu người Diệt Sợ Hãi để thành công, đó là nhân vật lịch sử Lý Quang Diệu, Thủ Tướng của đất nước Tân Gia Ba. Muốn tìm hiểu ông Diệu đã xóa tan nỗi sợ ra sao, chúng ta hãy xem lại một phần cuộc đời sinh hoạt chính trị của ông.

Lý Quang Diệu mở mắt chào đời và nhìn ra thế giới bên ngoài, từ một buổi sáng giông tố của ngày Thứ Hai, Tháng Hai, năm 1942, khi thiết đoàn chiến xa Nhật Bản nghiền nát mộng xâm lăng của thực dân Anh trên bán đảo Tân Gia Ba, một vùng vốn sẵn an toàn với bao hứa hẹn về tương lai kinh tế, thì nay bỗng dưng xảy ra với những cảnh chiến tranh đau thương và người dân đói nghèo sợ hãi.

Quân đội Nhật đã rắc gieo bao nỗi kinh hoàng vào tháng ngày cuối cùng của Thế Giới Đại Chiến năm ấy. Từng đoàn người bị bắt tải lên xe với bao kinh hoàng khiếp sợ. Trong nhóm những người bị bắt ngày ấy có người thanh niên Lý Quang Diệu đang nghĩ rằng nếu mình khuất phục quân Nhật, thì sẽ không còn cơ hội có ngày trở về hoạt động để phục vụ cho dân ông… Đang lúc lo âu bối rối thì anh chàng họ Lý quyết định “vượt ngục,”… và tất cả những người Tân Gia Ba bị bắt hôm ấy đã bị quân đội Nhật Bản tàn sát ngay sau đó, không còn kẻ nào sống sót.

Lý Quang Diệu đã trốn thoát. Từ đó ông Diệu không quên bao nỗi kinh hoàng khiếp sợ của ông và những người đồng hương với ông… trước những họng súng tàn sát dã man của đám lính Nhật.

Sau chiến tranh Lý Quang Diệu xin vào học trường Đại Học Cambridge Anh Quốc. Ông tốt nghiệp và trở về Tân Gia Ba năm 1950, từ một thành viên bình thường của Đảng Quốc Gia (Nationalist Party), ông “Diệt Sợ Hãi,” nhiệt tình tham gia hoạt động để tự tạo cho mình thành một người lãnh đạo tên tuổi.

Lý Quang Diệu tự tin vào khả năng chính trị của mình, nên đã đứng ra tố cáo chế độ theo chủ nghĩa xã hội (socialism) và chủ nghĩa thực dân (colonialism) đã làm cho nước ông nghèo nàn và chậm tiến.

Sau 9 năm tranh đấu cho độc lập của xứ sở, năm 1959, Lý Quang Diệu đã chiếm được vai trò Thủ Tướng, thành lập Đảng Nhân Dân Hành Động (People’s Action Party) để hoạt động và phục vụ cho xứ sở của ông. Rồi từ đó, ông đã liên tiếp thành công trong trách nhiệm của một nhà lãnh đạo Tân Gia Ba, làm cho nước này trở thành giàu đẹp, tiếng tăm vang dội trong khu vực Châu Á và lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới.

Thủ tướng Lý Quang Diệu về hưu năm 1990, sau 31 năm cầm quyền lãnh đạo đất nước. Ông còn đó để chứng kiến tương lai rực rỡ của Tân Gia Ba, với niềm tự tin tự hào mà ông hành xử bài học Diệt Sợ Hãi của ông, một bài học hiếm quý!

* * * *

Tại sao “Người Sợ Người?” Có phải vì ta mắc cở, thiếu tự tin tự chủ mỗi khi đứng trước đám đông?

Chúng ta không thể từ chối hiện tượng “sợ người/ sợ Vi Xi” đang xảy ra nhan nhản trước mắt. Muốn chinh phục, muốn điều trị căn bệnh sợ người, thiết tưởng có cách là người ấy cần đặt mình vào trường hợp như câu chuyện người cháu tôi dưới đây:

Cháu cũng Diệt Sợ Hãi. Nhớ lại ngày mới đi nghĩa vụ, cháu rất nhút nhát và mắc cở. Cháu sợ người, sợ hết mọi người, sợ cán bộ cấp trên, vì cháu sinh ra trong nghịch cảnh thất trận của cha bác… Bởi thế sau năm 1975, cháu không được đi học như lớp bạn cùng tuổi với cháu là con cán bộ trong làng xã này. Và cái học của cháu, thực ra cháu chỉ được bố cháu cho học chuyển nghề, nhưng lớp thợ tiện của cháu lại chỉ học “chủ thuyết Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh.” Nhìn vào thế giới bao quanh, cháu cảm nhận vô cùng nhục nhã và thua kém mọi người. Cháu thấy ai cũng thông minh, ai cũng giỏi hơn cháu. Cháu sợ người vì cháu sinh ra trong thất bại.

Cho tới một hôm, cơ duyên may đến với cháu và giúp cháu giảm bớt nỗi sợ hãi. Cháu được chuyển về làm việc ở một cấp nhỏ trong Viện Quân Y 121, nơi đây, cháu được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều loại người: người cấp cao cấp thấp, người hàm bé hàm to... Rồi nguồn gốc và nghề nghiệp của họ cũng khác biệt. Người là sinh viên; Người là nông dân; Người làm kinh doanh buôn bán… Cháu thấy họ ai cũng giống nhau. Ai cũng thích ăn ngon mặc đẹp, ai mà chẳng muốn học hành, ai mà chẳng nhớ vợ nhớ con… Nhìn chung thì họ cũng giống như cháu, họ chẳng có điểm nào khác lạ khiến cháu phải khiếp sợ... Nếu là người thất học thì cháu sẽ tự học, cháu mất dần cảm giác sợ người, lúc đó cháu nhớ ra lời Bác Hai, viên sĩ quan phi công Việt Nam Cộng Hòa, đã dày kinh nghiệm và khuyên nhủ cháu: “Tự học tự thắng để chỉ huy cháu ạ!” Cháu cảm nghiệm bài học “Diệt Sợ Hãi” của Bác Hai, mà bố cháu ghi nhớ để kể về ngày Bác Hai và gia đình xuống thuyền tam bản vượt biên năm xưa. Cuộc đời “vượt ngục” của Bác Hai cũng tương tự câu chuyện Thủ Tướng Lý Quang Diệu!

Bởi đó, cháu khám phá ra, truy cứu ra nguồn gốc của căn bệnh sợ người, cháu sợ vì thiếu văn hóa trường lớp. Và diệt sợ hãi, cháu tự học, học lớp bổ túc, học được chút nào hay chút ấy. Cháu học thuộc lòng và luôn suy nghĩ về những ý tưởng trong bài viết của Bác Hai. Sau ngày phục viên, cháu về làm việc ở xã nhà, cháu muốn có cơ hội phục vụ cho bà con họ hàng nhà mình, và được bầu làm chủ tịch xã như hôm nay.

Tương tự diệt sợ hãi của người cháu trong câu chuyện nêu trên, và để chữa trị chúng ta cần khởi đầu với hai nguyên tắc căn bản:

(1) Tự đặt mình vào hoàn cảnh, vào cùng vị trí ngang hàng với người tiếp xúc. Khi tiếp xúc, ta nghĩ họ – người tiếp xúc là – quan trọng, thì ta cũng là người quan trọng. Ta và họ là hai con người, hai nhân vật quan trọng gặp nhau để bàn bạc, thảo luận về những gì mà hai bên cùng có lợi, cùng hữu ích.

(2) Phát huy phong cách hiểu biết đúng đắn của mình. Trong thảo luận chúng ta cần biểu lộ một thái độ biết lắng nghe, thành thật lắng nghe những ý kiến đúng. Tuyệt đối tránh ý tưởng manh động là kẻ đối diện với mình, là người ấy chẳng biết gì!

Ngoài bệnh sợ người, ta còn nỗi sợ hãi tiềm ẩn từ trong tâm khảm, từ trong trạng huống bất an như trường hợp của người cháu nói trên. Từ tinh thần bất hạnh trong cuộc sống, suy nhược bởi thời thế, thất bại nơi trường ốc, thua thiệt ngoài trường đời… đã làm gia tăng bệnh sợ hãi. Những nỗi sợ hãi ấy đã hình thành do tâm lý, phương pháp chữa trị cũng cần có một nhà tâm lý học như câu chuyện sau đây:

- Có người mẹ trẻ 30 tuổi hai đứa con đang rơi vào tuyệt vọng. Bà nhìn lại cuộc sống đã qua chỉ thấy những điều đau khổ và bất hạnh. Những năm tháng cắp sách đi học, những tháng năm lo gánh vác giang sơn nhà chồng… rồi nhu cầu các con với những tháng năm ở nơi mà bà cư ngụ, thì bà chẳng thấy niềm vui mà chỉ tràn ngập bóng tối, khiếm khuyết hạnh phúc. Những sự kiện buồn nản đã in sâu vào trong ký ức của bà… nhà tâm lý học, giờ đây không thể xóa hết những hình ảnh đau khổ trong thâm tâm của bà ngay cùng một lúc. Ông phân ra từng phần nhỏ, do kinh nghiệm của ông, để chữa trị cho bệnh nhân này. Ông chứng minh cho bà thấy cơ hội chuyển mình vươn lên thay vì ngồi than thở, ngắm nhìn và nguyền rủa bóng tối tuyệt vọng. Ông yêu cầu bà mỗi ngày hãy viết xuống trang giấy với ba việc trong ngày đã làm cho bà vui. Đến hẹn, ông đọc lại hết những điều bà vừa ý. Ông giữ phương pháp chữa trị đó liên tiếp ba tháng, thì có kết qủa. Bà đã loại bỏ tư tưởng bi quan trong trí óc, và bà đã thấy niềm vui. Từ đó bà ngẩng cao đầu bước đi với cuộc sống có niềm tin sáng lạng.

Xem xét câu chuyện trên, chúng ta thấy nhà tâm lý học này đã thực sự giúp người mẹ trẻ kia xóa tan sợ hãi, làm lại cuộc đời bằng cách thay thế dần những hình ảnh bi quan, đen tối, tuyệt vọng bằng những hình ảnh lạc quan, tươi sáng, tràn đầy hy vọng, và ông đã thành công.

Ở đời có một nỗi sợ đã giết dần giết mòn niềm tự tin, đó là việc làm sai trái. Và làm sao mà ta phân định được việc làm nào đúng, việc làm nào sai? Khách quan mà xét, thì không ai có thể khẳng định được việc làm đúng hoặc sai, trừ khi đương sự có tham dự, có nhìn nhận, có tự xét việc làm đó khi hoàn tất.

- Một gia đình đang sống hạnh phúc, bỗng dưng một trong hai người vợ hoặc chồng đã tạo cuộc tình bí mật với người khác. Mặc dù hành động phản bội chưa ai biết, nhưng người gây ra trong một lúc nào đó cũng ân hận và cảm thấy mình có lỗi, khiến cho họ thường hốt hoảng, mất dần mất mòn niềm tin trong người.

- Vì tham vọng cá nhân bất chính, có người dùng thủ đoạn gian manh, tàn ác mà ám hại người ngay thẳng liêm chính. Cho tới khi đạt được mục đích thì lương tâm của họ lại bị cắn rứt, khiến cho họ tinh thần căng thẳng và giảm dần niềm tự tin.

- Trong thương trường có người dùng mưu kế mà lường gạt kẻ khác, rồi dần dà không còn ai tin nữa. Từ đó họ trở thành kẻ cô đơn và mất tự tin.

Bởi thế trong việc xây dựng niềm tự tin cho thanh niên Việt Nam ngày nay, chúng ta cần làm là, “Suy nghĩ đúng, hành động đúng, mới giúp ta thêm tự tin.” Ngoài việc Diệt Sợ Hãi chúng ta cần phải hành xử đúng đắn, vì chính việc hành xử đúng đắn mới gíup cho tâm ta bình, trí ta sáng, người ta an nhàn thảnh thơi. Ngược lại, người làm sai thường bị lương tâm cắn rứt, và họ tự giết chết niềm tự tin, hơn thế nữa, kẻ gian dối lường gạt, sớm muộn thì người ta cũng sẽ phát giác, và không còn ai tin tưởng người ấy nữa.

Những nguyên tắc xây niềm tự tin:

Ngồi phía trước. Trong các cuộc hội họp, lớp học, cơ quan, hãng xưởng, nhà thờ, chùa chiền… muốn tạo được sự tự tin người thanh niên Việt chúng ta nên hiên ngang bước vào những hàng ghế đầu, bởi vì những người ngồi ở hàng ghế sau thường là những người sợ diễn giả hay chủ tọa chú ý, thấy mặt. Họ thiếu tự tin.

Nhìn thẳng: “Mắt là cửa sổ tâm hồn.” Khi chúng ta nhìn thẳng vào con mắt của người đối diện, ánh mắt của chúng ta sẽ cho họ biết con người của chúng ta, và ngược lại. Nếu chúng ta không dám nhìn thẳng, tức là chúng ta vẫn còn cảm thấy mình nhỏ bé, thua kém và sợ người. Nhìn thẳng là tự tin, là chúng ta chinh phục được sợ người.

Bước nhanh hơn bình thường: Tôi về Việt Nam thấy mọi người đều chậm chạp, và chúng ta cần sửa lại. Bước nhanh khiến chúng ta cảm nhận rằng mình tự tin, bước nhanh để nói với thế giới bao quanh: “Tôi có việc quan trọng phải làm, tôi có chỗ quan trọng phải tới. Tôi sẽ thành công và tôi bắt đầu ngay từ bây giờ.”

Tập phát biểu ý kiến: Chúng ta cần tập góp ý, phê bình, đặt câu hỏi trong mỗi cuộc hội họp ở bất cứ nơi đâu. Đừng sợ người khác ganh tị, ghen ghét, hay chê bai… vì nếu họ không đồng ý với lập luận đúng đắn mà chúng ta đề ra, thì cũng còn nhiều người muốn nghe và đồng ý với chúng ta. Phát biểu là điều kiện xây dựng niềm tự tin.

Cười lớn: Chúng ta cảm thấy như thế nào khi mình cười lớn trong lúc thất bại. Cười lớn giúp chúng ta thêm tự tin, cười lớn phá tan sợ hãi, cuốn trôi bận tâm thất bại, để ta xắn tay áo lên mà làm tiếp, dựng lại cuộc sống an lạc thanh bình hạnh phúc. Cười là liều thuốc tuyệt hảo của tự tin. Ngược lại vẫn có ít người cố gắng cười trong lúc mình gặp sợ hãi hay thất bại.

Bạn hãy cười để thấy được sức mạnh trong tiếng cười của bạn!

Tóm lại người Thanh Niên Việt Nam chúng ta hãy Diệt Sợ Hãi, xây dựng niềm tin hôm nay để có thành công ngày mai.
Phạm Văn Bản
23.03.2009

12 THÁNG ANH ĐI