30 thg 4, 2009

Cảm nghĩ 30-4 : Khi người Cộng sản tự thấy ngây, thơ, ngu, dại…

Bùi Tín

30 tháng 4 lại đến.
Đã 19 năm, tôi là nhà báo tự do trên đất Pháp, đất của Tự do-Bình đẳng-Bác ái, những lẽ đời đẹp đã được vận khá rõ vào cuộc sống, tuy còn phải hoàn thiện mãi.
Dịp này, nhiều người hỏi vui buồn, được mất, tôi trả lời: có vui có buồn, có được có mất. Vui sướng nhất là có tự do nghĩ, viết, nói; mừng nhất là có rất nhiều bạn tốt mới, ở khắp nơi; may nhất là được xã hội chăm sóc, chữa bệnh, nằm bệnh viện, thuốc men, đi lại không mất xu nào (mỗi tháng trung bình tôi dùng 200 Euro = 5 triệu đồng VN thuốc trợ tim; đi métro, bus, xe lửa trong Paris rộng lớn được xã hội bao hết, tính ra chừng 60 Euro = 1 triệu rưỡi đồng/tháng), lại được xã hội trả tiền nhà do chính sách giúp người tỵ nạn chính trị (mỗi tháng 240 Euro = 6 triệu đồng VN nữa).

Bạn bè tôi thường nói : ở đây mới thật là “xã hội chủ nghĩa”. Bình đẳng hầu như tuyệt đối. Vào bệnh viện, không ai hỏi cán bộ cấp gì, lương loại nào, anh clochard (kẻ không nhà) với chủ tư bản, thị trưởng, nghị sỹ đều nằm buồng như nhau, thuốc tốt nhất như nhau.

Cho nên thương bà con ta trong nước bị đánh lừa về tính ưu việt của CNXH, thương 15 nghìn anh chị em đồng nghiệp bị mất tự do, thông cảm với những nhà báo XHCN (!) Tuổi Trẻ, Đại đoàn kết, Thanh niên, Pháp luật, Du lịch … không được tự do nói và viết, còn bị mất việc, đi tù; xót xa cùng các nhà văn, tác phẩm in ra bị thu hồi, bị cấm đoán, treo bút một cách phi lý và phi pháp.

Tôi đặc biệt thương cảm hơn 2 triệu đảng viên CS là đồng chí cũ của tôi, đang sống cảnh “cá chậu chim lồng”, ở lại trong đảng không yên vui, thoát ra không dễ, nhạt nhẽo về lý tưởng, không còn quãng đời lãng mạn cách mạng khi xưa, phơi phới niềm tin, mê say lý tưởng, tự hào về danh nghĩa đảng viên. May cho tôi là quãng đường ảo tưởng ấy đã sớm kết thúc từ gần 20 năm, sớm hơn các bạn, đang còn nặng nợ hôm nay.
Cuộc sống luôn đổi thay, theo lẽ thường tình của muôn loài. Huống gì là những sự vật đã rữa nát từ bên trong do bất công và tội ác. Phe XHCN xưa kia tưởng như sắp bao trùm toàn thế giới, thì bỗng nhiên đổ sập, với bức tường Berlin vỡ nát ngày 9-11-1989, được Liên Minh Châu Âu đánh dấu là Ngày lịch sử của Thế kỷ, ngày mở đầu cuộc Giải phóng Đông Âu khỏi hiểm họa Công sản, ngày lịch sử kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh, ngày mở đầu kỷ nguyên trên trái đất quét sạch chủ nghĩa công sản hiện thực như một lầm lỡ, một quái thai của lịch sử.
Từ ngày lịch sử ấy, đã có bao nhiêu cuộc nghiên cứu khoa học mới mẻ, nhìn lại và đánh giá thấu đáo cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, đánh giá thấu đáo các nhân vật Marx, Lénine, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, uốn nắn những lệch lạc, đính chính những ngộ nhận, xác minh các sự kiện, định vị các nhân vật lịch sử, xác lập hồ sơ công - tội phân minh của mỗi nhân vật.
Bộ chính trị Hànội chúa sợ những ánh sáng chứa sự thật trên đây, ngăn cản lọt vào Việt nam, nhưng thời đại của thông tin quốc tế nhanh nhậy đã chọc thủng màn che cổ lỗ. Cả một mảng trí thức, tuổi trẻ Việt nam biết rõ rằng CNXH hiện thực đang sống những giờ phút hấp hối, dù là CNXH ở Cuba, Bắc Hàn hay là CNXH ở Trung quốc, Việt nam.
Ở trong nước, những đánh giá lại các nhân vật Phan Thanh Giản (yêu nước, không bán nước), Vũ Trọng Phụng (phê phán xã hội chứ không sa đoạ đồi truỵ), Phạm Quỳnh (tiến bộ, dân tộc, hoàn toàn không Việt gian), Nguyễn Văn Vĩnh (canh tân văn hoá chứ không tay sai thực dân Pháp), Phan Chu Trinh (cách mạng dân chủ tiền phong, không phải là kẻ cải lương lạc hậu) …. là những bước đi vững chãi trên con đường trong sáng, minh bạch, công khai và công bằng. Các uỷ viên bộ chính trị cứ việc lườm nguýt, nhưng không ngăn chặn được trào lưu do các trí thức dân tộc (có cả đảng viên vượt rào) dẫn đầu với tinh thần dân tộc và yêu nước, những người đã tỏ ra vượt xa tất cả 15 nhân vật lãnh đạo chóp bu.
Ngay cả ông Hồ Chí Minh cùng những “đồng chí cộng sản” trước và sau ông cũng đang và sẽ được trí thức dân tộc cùng toàn dân thời này đánh giá lại một cách minh bạch, công bằng, chuẩn xác, sau một thời gian lắng đọng, chiêm nghiệm.

Chính những ánh sáng thời đại rọi chiếu vào đảng CS chuyên sống nhờ cậy vào bóng tối mà nhiều đảng viên thức tỉnh, nhận ra mình đã từng ngu tối, dại khờ, sai đường lạc lối, phí cả tuổi thanh xuân. Họ cay đắng nhưng thanh thản phản tỉnh, hoặc công khai, hoặc âm thầm. Không ít người tên tuy còn trong đảng mà tâm trí đã ở ngoài xa, làm cho cả ban tổ chức và ban tuyên huấn trung ương đảng phải kêu trời lên rằng ngày càng có nhiều đảng viên “nhạt đảng”, “nhạt lý tưởng cộng sản”, “từ bỏ sinh hoạt đảng”, “nhiều đảng viên vô kỷ luật, phát ngôn bừa bãi, tự do quá trớn trong lập trường chính trị” !
Họ tìm hiểu tấm gương Trần Độ, trung tướng một thời, tự nhận mù quáng mụ mị hằng mấy chục năm, không nhận ra sự lừa dối có hệ thống của đảng, không sớm thấy chế độ này về tự do báo chí còn kém xa thời thuộc địa Pháp, mụ mị lâu nên sùng bái Staline khi ông ta tàn ác hơn cả Hit-le, mụ mị lâu nên sùng bái Mao khi Mao thật ra còn ác hơn Tần Thuỷ hoàng.
Họ biết tấm gương trong sáng của đảng viên CS kỳ cựu Nguyễn Khắc Viện, con cả Cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm [tôi từng nghe dân Hà Tĩnh kể trong Cải cách ruộng đất cụ tuy từng được ông Hồ Chí Minh phong làm bộ trưởng không bộ của Chính phủ kháng chiến, vẫn bị đội cải cách coi là địa chủ đầu sỏ, giam vào chuồng nuôi hươu, Cụ mất khi phải nằm trên nền đất ẩm không chiếu không chăn] - anh Viện từng là Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp, về nước năm 1963, đến năm 1992, vào cuối đời nghĩ kỹ lại mới ngộ ra là mình đã một thời ngây thơ, “thơ” là đã nhẹ dạ non nớt như trẻ thơ, đặt niềm tin vào đảng CS, “ngây” là đã ngây ngô dớ dẩn đi tin vào CNXH hiện thực! Thương và xót xa cho dân tộc bị quốc nạn CS kéo quá dài!

Nhân ngày 30-4 năm nay, bản kiến nghị về hiểm hoạ bôxít yêu cầu ngưng ngay dự án nguy hiểm này, do 3 trí thức trong nước đề xướng, được sự hưởng ứng tức thời đông đảo của anh chị em trí thức trong, ngoài nước, của cả mọi tầng lớp nhân dân khác nữa, con số người hưởng ứng mỗi ngày một tăng nhanh; 163 chỉ trong 2 ngày, 1.100 sau 5 ngày, nay đã lên 27 ngàn sau nửa tháng. Số lượng đi cùng chất lượng, gồm những trí thức tiêu biểu, có trí tuệ, tâm huyết, những văn nghệ sỹ tài năng, những nhà văn hoá được mến mộ, những đại biểu quốc hội, không ít là đảng viên CS (đều ít nhiều nhận ra mình đã một thời mê muội, ngu dại, ngây thơ).
Con số còn tăng, đến mức phải mở “Website Bauxite” để dung nạp cho kịp. Thật là một sự kiện lớn của năm 2009. Sức công phá của nó đối với cường quyền quay lưng lại với nhân dân thật không nhỏ.
Đúng dịp này, một cuộc trao đổi lý thú giữa các nhà dân chủ trong nước, tôi theo dõi mà bật cười thú vị. Một bạn làm thơ rằng : “tôi tuyệt vọng là tôi tồn tại“, “biết tuyệt vọng là có cơ sống lại “; bạn kia cãi lại : “sao lại tuyệt vọng, trí thức chân chính phải giữ vững niềm tin chứ“. Tôi hiểu và quý mến cả 2 bạn. Một cuộc cãi nhau theo lô-gích hoàn toàn hình thức ! Hai bạn thật ra chung một chí hướng, chỉ có cách thể hiện khác nhau. Một bạn nghĩ rằng con người đôi lúc cần biết bi quan, tuyệt vọng ở giới trí thức Việt nam ngủ mê quá lâu để mà biết quất roi, thét vào tai cho mà bừng tỉnh. Để mà lòng tin trở lại, vững vàng gấp bội. Thì có gì đâu mà trách bạn ấy. Đừng bao giờ vì thế mà nặng lời, mà “quân ta đánh quân mình”, anh em nhà ta cả, hiểu nhau quá mà ! Hôm nay, tôi thật lòng tin yêu trí thức nước ta.
Từ Đàlạt sát Lâm Đồng sặc sụa bụi bôxít nguy hiểm, bạn Hà Sỹ Phu chào mừng các hào kiệt vẫy gọi nhau dấn thân chống bôxít, thật ra là chống bá quyền nước lớn và chống nhóm “lãnh đạo Bắc thuộc” cô đơn, bằng vần thơ hào sảng :

Nhìn đoàn dân Việt ký đông vui
Đã thấy Hồn thiêng gọi giống nòi
Thấp thoáng Diên Hồng loe đỉnh núi
Thước sông, tấc đất giục lòng tôi.

Đúng vào dịp 30-4 năm nay, nhóm 15 kẻ gây Quốc Nạn cũng bị lâm nạn lớn. Họ bị vạch mặt chỉ tên, vuốt mặt không kịp. Họ bị lâm vào thế trên đe dưới búa, trong tình trạng hóc xương bôxít khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào.
Họ buộc phải mở cuộc họp bộ chính trị. Họ buộc phải giở trò xoa dịu, giả vờ như tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, leo lẻo : “mới là thí nghiệm, làm thử từ nhỏ đến lớn”, “sẽ chú ý đến môi trường, đến an ninh-quốc phòng”, “sẽ đưa ra cuộc họp Trung ương đảng, ra Quốc hội “… Nhưng về cơ bản họ cứ lao tới, vì họ đã tự biến thành những con tin, những kẻ thừa hành lệnh của nước lớn, họ đã chui vào bẫy bành trướng, vừa được thưởng, có lợi riêng lớn, vừa bị đe không vâng lời thì nguy khốn đấy ! Họ giả lùi, cần truy kích cho đến khi các dự án phải ngừng cả lại !

Nhân dịp 30-4 năm nay, tôi chỉ có đôi lời nhắn nhủ tâm huyết với các đồng chí cộng sản cũ của tôi, hãy còn lâm vào cảnh “chim lồng cá chậu” ở quê nhà. Hãy tập suy xét bằng đầu óc tỉnh táo, bằng tư duy độc lập của chính mình.
Hãy đọc nhiều, suy nghĩ cho chín, và trung thành với chính mình trên cơ sở thương thật lòng dân mình, yêu thật lòng đất nước mình. Đừng lười biếng theo số đông, theo gậy chỉ huy của ai đó, theo lợi ích tạm thời, riêng tư.
Điều này đòi hỏi những người công sản cũ một tinh thần dũng cảm cần thiết không kém khi xông pha lửa đạn, một khí phách vượt qua ảo tưởng cũ để tiếp cận sự thật thường là phũ phàng, một nghị lực từ bỏ thần tượng ảo cũ, tìm ra lẽ sống và lý tưởng mới chuẩn xác xứng đáng để dấn thân, vì dân tộc mình, vì nhân dân mình, vì một thế giới mới có tự do, dân chủ, tình thương, có môi trường trong lành cho toàn nhân loại. Thoát mọi ràng buộc tệ hại, bạn sẽ có cảm giác sung sướng vô hạn của con người tự do, như được mọc cánh bay cao trong bầu trời tự do bát ngát xanh trong.
Hiện nay, vẫn còn không ít thanh niên, cán bộ, trí thức tự đặt ra yêu cầu gia nhập đảng CS Việt nam, vì mục tiêu lý tưởng thì ít, mà nặng về mục đích lập nghiệp, sinh kế, bởi vì đảng CS vẫn chà đạp hiến pháp không cho phép tự do lập hội, để độc quyền cai trị, một mình một chiếu. Các bạn ấy bị tước quyền chọn lựa.
Nhưng vẫn có nhiều bạn tìm hướng khác. Ngày càng nhiều trí thức, văn nghệ sỹ, nhà báo, nhà giáo, luật sư có lòng tự trọng, không xin vào đảng vì thấy đảng CS ngày nay xuống cấp một cách tệ hại, cả một tầng lớp “cường hào đỏ”, “tham nhũng đỏ”, “địa tặc đỏ”, “địa chủ đỏ”, “tư bản đỏ” lộng hành trong sự “bao dung” tội lỗi của Bộ chính trị 15 người không hề được nhân dân bàu ra. Họ cũng chán ngán khi thấy Bộ chính trị độc quyền vẫn cứ vô cảm trước những thảm hoạ dân tộc như hiểm họa bị nước lớn hiếp đáp, lấn lướt, doạ nạt, như thảm hoạ bôxít hiển nhiên, như tệ nạn xã hội ngày thêm nặng nề : tham nhũng, cướp bóc, giết người, cờ bạc, rượu chè, xì ke ma tuý, mãi dâm, bệnh siđa, tất cả đều “thăng tiến” trong bảng thành tích lãnh đạo ngày càng tối đen của đảng CS.
Những nhân cách nói trên đang mong chờ sự xuất hiện tổ chức mới, đảng mới, có tầm cao về chất chính trị, có tự do dân chủ thật sự để tham gia xứng đáng.
Xin kể các bạn vài chuyện nho nhỏ mà ý nghĩa rất to. Hội đồng châu Âu đã tuyên bố Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội hiện thực do các đảng CS ở Đông âu và Liên Xô chủ trương từ 1945 đến 1991 là phi nhân tính, là thảm hoạ dân tộc và tội ác chống nhân loại. Quốc hội Balan đã thông qua luật đặt chủ nghĩa CS ra ngoài vòng pháp luật, và coi việc tuyên truyền cộng sản là phạm pháp.
Tại các nước Đông Âu, nơi chủ nghĩa CS từng ngư trị, ngày nay, không gì xấu, nhục bằng bị mắng nhiếc : ” nói dối như CS, lừa gạt như CS! “, cũng giống như ở Hoa kỳ, Canađa, Úc … ai bị vu cáo, chụp mũ là “tay sai Việt Cộng”, ” Việt Cộng nằm vùng ” có thể phát đơn kiện kẻ vu khống, và đã có phiên toà xét xử tuyên án phạt kẻ vu cáo gần 100 ngàn đôla, vì quan toà cùng với xã hội đều coi Cộng sản như là một điều gì xấu xa, bẩn thỉu, tệ hại. Thật đáng ngẫm nghĩ cho những ai còn mang danh nghĩa Cộng sản trên thế gian này.
Dịp 30 tháng 4 năm nay, tôi gửi lời thăm hỏi chân thành đến các đảng viên CS bạn bè cũ thân thiết và quen biết, các sỹ quan các cấp từng là đồng đội của tôi, hàng nghìn nhà báo lão thành và trẻ tuổi từng là bạn đồng nghiệp của tôi, các bạn học cũ từ hồi trẻ, tha thiết mong các bạn dấn thân ký vào Kiến nghị do 3 trí thức trong nước Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng đề xướng bằng cách mở Website Bauxite Việtnam, trong đó ngoài phần ký kiến nghị còn có Diễn đàn, tin tức, tư liệu, ảnh liên quan.
Mong rằng các bạn quý mến của tôi cũng đã hoặc rồi sẽ trải qua những bàng hoàng, bẽ bàng, cay đắng khi cảm thấy mình bị lừa dối, lường gạt ra sao, khi nhận ra những ngu si, dại dột, ngây thơ một thời của chính mình, để mà lột xác, từ bỏ mọi ảo tưởng hão huyền tai hại, thanh thoát sung sướng được là một chiến sỹ tự do dấn thân dứt khoát cho quyền sống có nhân phẩm của đồng bào yêu quý.

Bùi Tín
Paris 28-4-2009.

28 thg 4, 2009

VIỆT 001

Nhảy qua viên đá trước mặt

Có một nhà họa sĩ trẻ, lúc chưa thành danh, ở tại một gian phòng nhỏ, sống dựa vào đồng tiền vẽ tranh. Một ngày nọ, có một phú ông đi ngang qua gian phòng của họa sĩ trẻ nhìn thấy họa sĩ chăm chú vẻ tranh thì rất thích, liền nói anh ta vẻ giúp ông ta một bức tranh. Hai bên đã giao ước tiền công là mười ngàn đồng.

Một tuần sau, bức tranh của ông đã hoàn thành, phú ông theo lời giao hẹn đến lấy tranh. Bức tranh rất đẹp và rất giống ông, nhưng lúc này khi nhìn tranh phú ông liền muốn trở mặt. Ông không chịu theo giao hẹn trước để trả tiền vẽ tranh. Trong lòng ông liền nghĩ: “Người trong tranh là ta, bức tranh này nếu ta không lấy thì nhất định không có người khác mua nữa, tội gì phải mất nhiều tiền như vậy để mua nó?”. Thế là phú ông liền lật lọng nói với họa sĩ bức tranh này chỉ muốn trả ba ngàn để lấy nó thôi.

Người họa sĩ trẻ ngạc nhiên đến sửng người, từ trước đến giờ anh ta chưa bao giờ gặp phải trường hợp như vậy, trong lòng hơi hoang mang, ông dùng lý lẽ phải trái để nói với phú ông, hy vọng phú ông thủ ước.

“Tôi chỉ muốn tốn ba ngàn để mua bức tranh này thôi, ông đừng nói nhiều.” Phú ông nói như vậy vì ông đang thắng thế. “Cuối cùng ta hỏi ngươi một câu, ba ngàn bán hay không?”, ông lại hỏi người họa sĩ.

Người họa sĩ biết phú ông muốn quỵt giao ước, trong lòng rất tức giận, nhưng ông ta cũng kiên quyết hùng hổ nói: “Không bán. Tôi thà rằng không bán bức tranh này, cũng không để ông làm nhục. Hôm nay ông thất tín hủy hoại giao ước, ngày sau nhất định ông phải trả gấp hai mươi lần cái giá của ngày hôm nay.”

“Buồn cười thật! Hai mươi lần, là hai trăm ngàn à! Ta chưa ngu gì mà phải tốn hai mươi ngàn để mua bức tranh này. ”

“Thế thì tôi đợi để nhìn xem.” Nói rồi người họa sĩ liền bỏ đi.

Sau khi xảy ra việc này, người họa sĩ cũng đau lòng bèn chuyển nhà đi nơi khác. Sau đó ông lại tìm thầy học thêm, ngày đêm khổ công luyện tập. Trời không phụ người có chí, vì vậy mười mấy năm sau, anh ta trở thành một nhà họa sĩ nổi tiếng khắp trên cả thế giới.

Chỉ có phú ông từ ngày thất tín với họa sĩ xong ông cũng quên đi bức tranh và người họa sĩ. Cho đến một ngày nọ, có một vài người bạn của ông ta đến chơi và nói với ông rằng: “ Ông bạn này, có một điều này rất kỳ lạ! Mấy ngày trước đây, chúng tôi có đi xem một buổi triển lãm của một nhà họa sĩ nổi tiếng, trong đó có một bức tranh vẽ một người rất là giống ông, bức tranh bán với giá 20 ngàn đồng, thú vị hơn là bức tranh này có chủ đề là ‘Giặc’ ”. Phú ông nghe xong cảm giác như bị một người đánh một gậy vào đầu, ông liền nhớ lại câu chuyện với nhà họa sĩ cách đây mười mấy năm. Giờ mới tận mắt thấy sự việc này tổn hại danh dự của mình rất lớn, ông liền vội vàng đến nơi triển lãm tranh của nhà họa sĩ, xin lỗi anh ta, và bỏ ra 200 ngàn để mua bức tranh đó về. Nhà họa sĩ chí khí không chấp nhận thua đã để cho phú ông phải cúi đầu.

Ông Thomas Alva Edison (1847-1931) người Mỹ đã từng nói: “Trong cuộc sống có rất nhiều thất bại, chỉ vì mọi người không biết nhận thức thấu đáo, cái lúc mà vất đi sự nỗ lực, chính lúc đó thì sự thành công đã rất gần.”

Sách cổ La Mã từng nói: “Tôi nghĩ, sự khổ sở của hiện tại nếu đem so sánh với tương lai rực rỡ của chúng ta thì không thấm vào đâu.”

Lúc chúng ta đối diện với cái nhục nhã vô danh, có ý nghĩ hay không có ý nghĩ tổn thương, hay lúc bị giày vò trong cuộc sống, chúng ta phải chăng ngã gục không dậy được? Hay chúng ta có thể tạm thời bỏ qua sự chướng ngại trước mắt, nỗ lực nhảy qua hòn đá cản đường.

Thực tế chúng ta không cần thiết chỉ vì một viên đá, mà vứt bỏ tất cả tiền đồ. Nếu chúng ta không nhảy qua viên đá trước mắt, thì chúng ta mãi mãi không bao giờ biết được con đường phía trước có bao nhiêu điều lạ.

Hạnh Giải dịch

Trung Quốc và Nhật Bản trong trật tự mới ở Á châu

Trần Văn Thọ
Đại học Waseda, Tokyo

I. Mở đầu: Thế nào là một trật tự mới tại Á châu?

Từ sau Thế chiến thứ II, kinh tế Nhật Bản hồi phục nhanh chóng và bước vào giai đọan phát triển được xem là thần kỳ (1955-1973). Giai đọan 18 năm sau đó, tốc độ phát triển chậm lại nhưng Nhật duy trì ở mức trung bình năm 6% nhờ thành công trong việc khắc phục hai cuộc khủng hoảng năng lượng (1973 và 1979) và sự kiện đồng yen lên giá đột ngột (1985-87). Nhật cũng thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, hình thành sự phân công mới với các nền kinh tế đang lên ở Đông Á. Do đó, trong thập niên 1980, Nhật vươn lên thành cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhiều mặt trên thế giới (mậu dịch, đầu tư nước ngoài, ODA -viện trợ và vốn vay ưu đãi cho các nước đi sau). Từ đầu thập niên 1990, kinh tế Nhật suy thoái, trì trệ hơn 10 năm nhưng về mặt đối ngoại, nhất là đối với khu vực Đông Á, Nhật vẫn giữ vai trò quan trọng và có chiến lược củng cố vai trò đó như sẽ thấy dưới đây. Từ năm 2003 kinh tế hồi phục càng làm cho Nhật tự tin hơn trong chiến lược đối ngoại. Đặc biệt cũng từ năm 2003 Nhật tích cực vận động để được trở thành uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.


Trong giai đoạn kinh tế Nhật suy sụp cũng là lúc Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ. Suốt hơn 20 năm cải cách, mở của, kinh tế Trung Quốc phát triển trung bình mỗi năm 10%. Bước qua thế kỷ 21, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO (2001), các chỉ tiêu kinh tế chính như tổng sản phẩm trong nước (GDP), kim ngạch xuất khẩu, v.v.. cho thấy Trung Quốc ngày càng tiến vào hàng ngũ những nước lớn. Hiện nay Trung Quốc đứng thứ ba thế giới về ngoại thương và thứ tư về GDP (Trung Quốc sắp vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới) . Trong thời kỳ Giang Trạch Dân cầm quyền (1992-2002),[1] ý thức nước lớn và quyết tâm thực hiện chiến lược “Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” được giương cao.[2] Trước sự cảnh giác của nhiều nước Á châu lân cận, Trung Quốc đưa ra khái niệm “hoà bình quật khởi” để nhấn mạnh là Trung Quốc sẽ vươn lên thành nước lớn nhưng bằng các biện pháp hoà bình như mở rộng ngoại thương, tận dụng tư bản và công nghệ thế giới, v.v.[3]

Tóm lại, có thể nói từ giữa thập niên 1990, Nhật Bản từ một cường quốc kinh tế muốn vươn lên thành một cường quốc nhiều mặt, kể cả chính trị và các quan hệ quốc tế. Còn Trung Quốc từ một nước có tiếng nói mạnh trên chính truờng quốc tế đã vươn lên thành một nước lớn về kinh tế. Trong lịch sử Á châu, đây là lần đầu tiên cả Nhật Bản và Trung Quốc đều trở thành cường quốc và đang tranh nhau củng cố vai trò của mình tại khu vực nầy. Trong trật tự mới nầy, chiến lược, chính sách của hai nước đang dĩễn ra như thế nào và có ý nghĩa nhu thế nào đối với các nước thứ ba ở Á châu? Đây là vấn đề nhiều người đang quan tâm.

Nhưng đây cũng là vấn đề lớn. Bài viết nầy phải đặt tiêu điểm vào một số mặt của vấn đề đó. Dưới đây ta sẽ chọn tiêu điểm là các nước ASEAN, khu vực mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang tranh thủ, và tập trung vào các mặt về kinh tế như cuộc khủng hoảng tài chánh ở Á châu, hợp tác Tiểu vùng lưu vực sông Mê Kông, quá trình chuẩn bị hình thành Cộng đồng Đông Á, v.v.. Đây là những vấn đề kinh tế nhưng có ý nghĩa chiến lược khá toàn diện đối với Trung Quốc và Nhật Bản. Phần lớn các vấn đề nầy cũng xoay quanh các nước ASEAN. Phần kết luận của bài viết sẽ rút ra một vài hàm ý đối với Việt Nam.



II. Vị trí kinh tế của Nhật Bản và Trung Quốc tại ASEAN

Trước khi khảo sát chiến lược của Nhật Bản và Trung Quốc, thử điểm qua vị trí của hai cường quốc nầy tại ASEAN.

Nhật vốn đã có quan hệ kinh tế mật thiết với năm nước thành viên cũ của ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phi-lip-pin và Singapore) từ gần nửa thế kỷ nay, nhất là từ năm 1977 khi Thủ tướng Nhật đương thời Fukuda Takeo công du năm nước và phát biểu chính sách đặc biệt dùng ODA để vừa giúp từng nước thành viên vừa xây những ngành công nghiệp chung cho toàn khối. Quan hệ Nhật ASEAN lại phát triển một bước lớn khi các công ty Nhật ào ạt sang đầu tư trưc tiếp (FDI) tại Thái, Malaysia, Singapore và Indonesia sau khi đồng yen tăng giá đột ngột từ cuối năm 1985. Cùng với mậu dịch, ODA và FDI của Nhật đã tạo ra một sự gắn bó mật thiết giữa Nhật với ASEAN trong mấy thập kỷ qua. Do vậy, hiện nay Nhật vẫn giữ một vị trí quan trọng trong ngoại thương, đầu tư và ODA tại các nước nầy

Tuy nhiên, Trung Quốc, với một nên kinh tế lớn nhanh và có khuynh hướng hướng ngoại,[4] đã theo kịp hoặc vượt qua vị trí của Nhật trong ngoại thương đối với nhiều nước ASEAN. Tại một số nước thành viên mới của ASEAN như Lào, Campuchia và Myanmar, Trung Quốc chiếm vị trí khá cao trong cả ODA và FDI.



Về ngoại thương, như Hình 1 cho thấy, cho đến khoảng năm 1995, Nhật chiếm tới trên 20% trong tổng nhập khẩu của ASEAN trong khi Trung Quốc chỉ có vài phần trăm. Sau đó thị phần của Nhật giảm liên tục trong khi của Trung Quốc tăng nhanh. Đến năm 2006, Trung Quốc đã vượt Mỹ và tiến gần bằng thị phần của Nhật. Tại các nước thành viên mới của ASEAN, vị trí của Trung Quốc vượt Nhật từ nhiều năm truớc và khoảng cách giữa hai nước ngày càng lớn. Tại Việt Nam, Trung Quốc cũng đã vượt Nhật từ năm 2003 trở thành nước lớn nhất trong tổng nhập khẩu của Việt Nam (xem Hình 2).







Về đầu tư nước ngoài (FDI), Trung Quốc phát biểu chính sách nầy lần đầu năm 1998 và chiến lược đẩy mạnh chính sách nầy được ghi rõ trong Kế họach 5 năm lần thứ X (2001-2005). Vào cuối năm 2005, tại ASEAN, tích lượng (stock) FDI của Trung Quốc nhiều nhất là tại Singapore (hơn 300 triệu USD), sau đó tới Malaysia (200 triệu USD) và các nước khác. Tuy nhiên so với Nhật là nước đã đầu tư nhiều tại các nước thành viến cũ của ASEAN từ gần nửa thế kỷ nay, vị trí của Trung Quốc không đáng kể. Tại Việt Nam, từ khỏang năm 2001, Trung Quốc bắt đầu đầu tư nhiều trong ngành xe máy, đồ điện gia dụng, v.v. nhưng so với Nhật vị trí của Trung Quốc còn rất thấp. Vào cuối năm 2006, tích lượng FDI tại Việt Nam theo vốn đăng ký là 60 tỉ USD trong đó Nhật 7,4 tỉ (chiếm 12,3%), Trung Quốc chỉ có hơn 1 tỉ (1,8%), và Mỹ là 2,2 tỉ (3,7%).

Đáng chú ý là vai trò của Trung Quốc tại Lào, Campuchia và Myamar. Mấy năm gần đây, Trung Quốc là nước dẫn đầu FDI tại Campuchia (chủ yếu sản xuất hàng may mặc). Tại Lào, tích lượng FDI (từ năm 2000 đến tháng 3 năm 2007) của Trung Quốc xếp hàng thứ hai, sau Thái Lan, còn Nhật ở vị trí thứ năm. Tại Myanmar, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đầu tư ít, nhưng về ODA thì Trung Quốc độc chiếm vì Nhật và các nước khác tiếp tục chính sách chế tài kinh tế đối với Myanmar, trong khi Trung Quốc muốn thừa cơ nầy củng cố thế lực ở phía tây nam. Từ cuối thập niên 1990, Trung Quốc liên tục viện trợ cho Myanmar, bao gồm nhiều lãnh vực từ xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác năng lượng đến các dự án phát triển công nghiệp. Theo nhiều nhà nghiên cứu về Myanmar như Ebashi Masahiko (2007), số dự án hợp tác mà Trung Quốc triển khai ở nước nầy vừa nhiều vừa có tính chiến lược ở những điểm sau: Thứ nhất, Trung Quốc củng cố được con đường tiến ra Ấn độ dương mà không phải qua eo biển Malacca. Thứ hai, Trung Quốc khai thác được nhiều nguồn năng lượng, nguyên liệu và bảo đảm nguồn cung cấp lúa gạo trong tương lai. Thứ ba, lập quan hệ gắn bó chiến lược với Myanmar (và với Pakistan), Trung Quốc sẽ từng bước hình thành một mặt trận bao vây, kiềm chế Ấn Độ.

Tình hình chính trị ở Myanmar và môi trường quốc tế chung quanh nước nầy đã thay đổi hẵn vị trí của Nhật và Trung Quốc. Cho đến thập niên 1980, Nhật Bản chiếm vị trí áp đảo trong ngoại thương và ODA tại Myanmar. Thời đó, Nhật chiếm tới phân nửa tổng kim ngạch nhập khẩu cung như tổng kim ngạch ODA của nước nầy. Cho đến cuối thập niên 1980, Myanmar là một trong những nước nhận ODA nhiều nhất của Nhật, chỉ sau Indonesia, Thái Lan và Phi-lip-pin.

Nhìn từ phía ASEAN, sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc đã gây ra một số hiệu ứng phức tạp, nhất là trong giai đoạn truớc năm 2000. Vì cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc và nhiều nước ASEAN khá giống nhau, ASEAN chịu sức ép taị các thị trường lớn trước sự phát triển mạnh mẽ và hướng ngoại của Trung Quốc. Tại Mỹ chẳng hạn, thị phần của 5 thành viên cũ của ASEAN từ năm 1992 đến năm 2005 giảm từ 7,3% xuống 5,4% trong khi Trung Quốc tăng từ 5,8% lên 14,4%. Tại thị trường Nhật, ASEAN có được ưu thế nhờ các công ty đa quốc gia Nhật đầu tư tại ASEAN và xuất khẩu trở lại Nhật nên thị phần của ASEAN được duy trì ở vị trí 13% từ 1992 đến 2005, nhưng trong thời gian đó, thị phần của Trung Quốc tăng nhanh, từ 7,3 lên 21%.

Về đầu tư nước ngoài, từ giữa thập niên 1990, trước làn sóng đầu tư đổ dồn vào Trung Quốc, nhiều nước ASEAN rất lo ngại. Trên thực tế, FDI vào Trung Quốc tăng đột biến từ năm 2000, nhất là từ khi nước nầy gia nhập WTO năm 2001. FDI đổ vào Trung Quốc năm 1999 là 40 tỉ USD đã tăng lên gần 160 tỉ năm 2006 trong khi 5 nước ASEAN cũ chỉ tăng từ 24 tỉ lên 28 tỉ USD trong cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, gần đây ASEAN ngày càng nhận thấy sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc cũng đem lại cơ hội thị trường cho mình. Từ năm 1990 đến 2005, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12 lần, từ 621 tỉ lên 7.620 tỉ USD nhưng nhập khẩu cũng tăng cùng tốc độ, từ 534 tỉ lên 6.601 tỉ USD. Nhiều nước ASEAN cũng thành công trong việc xâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn từ năm 1992 đến 2004, xuất khẩu hàng công nghiệp của ASEAN tăng 3 lần, nhưng riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 16 lần. Hiện nay thị phầncủa ASEAN trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm độ 10%, tương đương với Mỹ và Hàn Quốc.

Vì vậy khỏang từ năm 2000, nhiều nước ASEAN đã không còn xem sự trỗi dậy của Trung Quốc là một nhân tố tiêu cực đối với sự phát triển của mình mà ngày càng xem đó là cơ hội để ASEAN phát triển nhanh hơn. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc tích cực mở rộng chiến lược Á châu nhắm vào ASEAN.



III. Tranh chấp giữa Nhật Trung tại một số vũ đài chính

1. Nhật Bản và Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tiền tệ Á châu

Khác với Nhật Bản, một nước đã có quan hệ mật thiết với hầu hết các nước ASEAN từ nửa thế kỷ trước, quan hệ Trung Quốc và ASEAN tuơng đối mới nhưng triển khai rất nhanh từ thập niên 1990. Sau sự cố Thiên An Môn năm 1989, một số nước phương Tây phê phán và áp dụng nhiều biện pháp chế tài với Trung Quốc (kéo dài cho đến năm 1991). Trong thời gian đó Trung Quốc tích cực, chủ động lập lại quan hệ bình thường với nhiều nước ASEAN. Phần lớn việc lập lại quan hệ bình thường nầy được thực hiện năm 1990 trong chuyến công du của Thủ tướng Lý Bằng sang Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Lào.

Cuộc khủng khoảng tiền tệ Á châu (1997-98) trở thành cơ hội cho Trung Quốc bắt đầu chiến lược kinh tế với ASEAN. Trung Quốc giúp ngay 1 tỉ USD cho Thái Lan, nước chịu ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc khủng hoảng nầy. Vào tháng 12/1997, Trung Quốc tuyên bố sẽ không giảm giá đồng nhân dân tệ, một hành động được các nước Á châu hoan nghênh, vì thái độ đó góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình tiền tệ và kinh tế, tránh được một sự cạnh tranh giảm giá đồng tiền để duy trì hoặc đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt nhiều nước ASEAN có cơ cấu xuất khẩu giống Trung Quốc nên thái độ của Trung Quốc được xem là “hào hiệp”. Trung Quốc đã lợi dụng dịp nầy để tỏ ra mình có trách nhiệm của một nước lớn.

Về phía Nhật, cuộc khủng hoảng tiền tệ Á châu cũng là dịp để họ thi thố vai trò của một nước lớn có trách nhiệm tại khu vực nầy. Tuy kinh tế Nhật đang ở trong thời kỳ suy thoái nặng nhưng họ đã đưa ra các chính sách rất tích cực. Ngay sau khi cuộc khủng hỏang xảy ra tại Thái Lan (7/1997), Nhật chủ trì hội nghị quốc tế để giúp nước nầy giải quyết tình trạng thiếu ngoại tệ (8/1997). Tháng 10/1998, Nhật đưa ra Sáng kiến mới Miyazawa cam kết sẽ xuất ra 30 tỉ USD giúp 6 nước Á châu chịu ảnh hưởng nặng trong cuộc khủng hỏang. Ngoài ra, tháng 12/1998, Nhật cam kết lập chương trình Yen cho vay đặc biệt (Special Yen Loan) gồm 650 tỉ yen thực hiện trong 3 năm, giúp các nước Á châu cải thiện, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng kinh tế.[5] Qui mô tài chánh của các chương trình hợp tác của Nhật như vậy là rất lớn, không nước nào hoặc cơ quan quốc tế nào có mức cam kết nhiều như vậy.[6] Đặc biệt khác với IMF hay Ngân hàng thế giới chỉ chú trọng giúp giải quyết khó khăn nhất thời về tài chánh, tiền tệ, Nhật có cái nhìn dài hạn, chú trọng giúp các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp để phục hồi sản xuất, cải thiện sức cạnh tranh. Các công ty đa quốc gia Nhật cũng có chính sách bám trụ tại ASEAN, nỗ lực tái hồi phục sản xuất, củng cố sức cạnh tranh của các công ty con tại vùng nầy. Nhìn chung chính sách của chính phủ và thái độ của xí nghiệp Nhật được các nước ASEAN đánh giá cao. Mahathir, Thủ tướng đương thời của Malaysia, trong cuốn sách xuất bản năm 1999, đã đánh giá cao vai trò của Nhật trong quá trình công nghiệp hóa của ASEAN, và lên tiếng phê phán tư bản tài chính Mỹ mà ông ta cho là thủ phạm của cuộc khủng hỏang tài chánh Á châu.[7]

Một vấn đề đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng tài chánh Á châu là Nhật đã tích cực đưa đề án thành lập Quỹ tiền tệ châu Á (Asian Monetary Fund, AMF) nhưng bị cả Mỹ và Trung Quốc phản đối. Trong đề án nầy, AMF sẽ có một ngân quỹ 100 tỉ USD đủ để đối phó các cuộc khủng hỏang tài chánh tương tự và Nhật hứa sẽ đóng góp phần lớn nếu đề án được thực hiện. Cũng theo lập luận của Nhật, giống như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tuy đã có Ngân hàng thế giới nhưng ở Á châu vẫn cần một tổ chức riêng, thì việc lập AMF ở Á châu dù đã có IMF cũng là chuyện thường. Nhưng Mỹ sợ mất vai trò tại Á châu nên cương quyết phản đối, cho là đã có IMF thì không cần AMF. Trung Quốc cũng phản đối mạnh vì sợ ảnh hưởng của Nhật sẽ mạnh hơn tại Á châu.[8]



2. Nhật Bản và Trung Quốc trong tầm nhìn về Cộng đồng Đông Á

Từ cuối thập niên 1990, các nước Đông Á tích cực trong việc xây dựng một định chế hợp tác khu vực vì hai lý do: Một là, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á cho thấy cần có một định chế hợp tác khu vực để ngăn ngừa những bất ổn tương tự. Hai là, song song với sự bế tắc trong các vòng đàm phán do WTO chủ trương, chủ nghĩa khu vực đã phảt triển mạnh tại nhìều nơi khác trên thế giới và xu thế nầy đã thúc đẩy các nước Đông Á chuyển hướng theo trào lưu chung nầy.[9] Đây là vũ đài sôi động nhất với hai diễn viên chính là Nhật Bản và Trung Quốc.

Vấn đề hợp tác để tiến tới Cộng đồng Đông Á đang được triển khai theo hai hướng: Một là, ký kết các hiệp định tự do thương mại (Free Trade Agreement, FTA) song phương. Song phương ở đây kể cả trường hợp Nhật hay Trung Quốc ký kết với tòan khối ASEAN. Hai là, xây dựng các định chế hợp tác cho tòan vùng Đông Á. Trong cả hai hướng, cạnh tranh giành quyền chủ đạo giữa hai nước lớn ngày càng gay gắt.

Về song phương, FTA được bắt đầu bàn đến từ năm 1999 bằng sự kiện Nhật Bản và Hàn Quốc thoả thuận cùng nghiên cứu khả năng và hiệu quả của một FTA giữa hai nước. Hiện nay hai nước vẫn chưa đi đến một sự thoả thuận cụ thể nhưng sự kiện nầy đã châm ngòi cho những thảo luận, những đề án về FTA rất sôi nổi tại Đông Á. Sau đó, Nhật và Singapore bắt đầu thảo luận từ tháng 11/1999 và đã ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế (Japan-Singapore Economic Partnership Agreement, JSEPA) vào tháng 1/2002. Sau đó, từ năm 2004, Nhật đã xúc tiến thương lượng và cuối cùng đã ký kết FTA song phương với Phi-lip-pin, Malaixia và Thái Lan trong năm 2006 và với Inđonesia năm 2007.

Cũng vào thời điểm Nhật và Singapore ký kết JSEPA, Thủ tướng Nhật Koizumi Jun-ichiro đề xướng lập Quan hệ đối tác toàn diện Nhật ASEAN (Japan-ASEAN Comprehensive Economic Partnership) và tháng 11/2002 lãnh đạo 10 nước ASEAN đã đồng ý sẽ bàn thảo về đề án nầy. Đặc biệt Nhật Bản tỏ ra tích cực trong hoạt động nầy sau khi Trung Quốc bắt đầu đưa ra đề án lập FTA với 10 nước ASEAN vào tháng 11/2001, như sẽ bàn dưới đây. Tuy nhiên, mặc dù đã được đề xướng từ năm 2002, đến năm 2005 mới bắt đầu thương lượng và cho đến nay chưa thấy tiến triển cụ thể. Lý do chính một phần do Nhật muốn xây dựng một thể chế hợp tác tòan diện với các nước ASEAN, không chỉ riêng trong lãnh vực ngoại thương, và một phần do áp lực trong nước muốn tiếp tục bảo hộ nông phẩm.

Trong lúc Nhật còn lúng túng, chậm chạp trong quá trình triển khai hợp tác nầy thì Trung Quốc đưa ra và thúc đẩy tiến hành nhanh chóng một chiến lược rất dứt khóat, rõ ràng và hấp dẫn đối với ASEAN. Đó là Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). Trung Quốc và 10 nước ASEAN qua các Hội nghị thượng đỉnh ở Brunei (2001), Pnom Penh (2002), Bali (2003) và Vientiane (2004) đã lần lượt thoả thuận các bước chuẩn bị để cuối cùng đi đến ký kết các hiệp ước liên quan đến FTA.

Điểm nổi bật của Hiệp định nầy là Trung Quốc đã nhượng bộ tối đa, đưa ra một đề án với nội dung hấp dẫn để các nước ASEAN dễ chấp nhận. Ngoài kế hoạch giảm thuế nói chung, hiệp định bao gồm một chương trình gọi là Thu hoạch sớm (Early Harvest) để giảm thuế ngay (từ đầu năm 2004) những mặt hàng nông phẩm mà đa số các nước ASEAN đặc biệt quan tâm. Trong hiệp định, Trung Quốc cũng đặc biệt chiếu cố các thành viên mới của ASEAN (Việt Nam, Lào, Myanmar và Cambodia): Trung Quốc dành sự đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) cho cả các nước chưa gia nhập WTO, trì hoãn nghĩa vụ thực hiện FTA đối với các thành viên mới, viện trợ 5 triệu USD cho chương trình phát triển lưu vực sông Mê Kông, phụ đảm 1/3 phí tổn xây đường cao tốc nối Côn Minh với Bangkok. Tóm lại, Trung Quốc đơn phương mở cửa thị trường trước cho hàng hoá của ASEAN và chịu phụ đảm nhiều hơn cho các chương trình xây dựng hạ tầng kinh tế khu vực.

Có nhiều yếu tố giải thích thái độ tích cực của Trung Quốc: Thứ nhất, trong ý thức cạnh tranh với Nhật, Trung Quốc muốn tạo sẵn vị trí chủ đạo trong quá trình hình thành cộng đồng hợp tác Đông Á trong tương lai. Cho đến cuối thập niên 1990, Trung Quốc bận tâm trong việc chuẩn bị gia nhập WTO, chưa rảnh tay nghĩ về cơ chế hợp tác khu vực Đông Á. Sau khi đạt được thoả thuận tay đôi với Mỹ vào tháng 11 năm 1999, Trung Quốc xem như việc gia nhập WTO chỉ còn là vấn đề thời gian (thực tế Trung Quốc gia nhập năm 2001), Trung Quốc bắt đầu triển khai chiến lược Đông Á mà điểm đột phá được chọn là ASEAN vì ở đây Nhật và Mỹ cũng đang chú trọng, Trung Quốc thấy cần tạo ngay ảnh hưởng. Ngoài ra, quá trình hình thành cộng đồng hợp tác Đông Á sẽ phải bắt đầu từ ASEAN, không thể từ Nhật, Trung Quốc hay Hàn Quốc vì các quan hệ phức tạp về lịch sử đương tồn tại. Thứ hai, từ thập niên 1990, kinh tế Trung Quốc phát triển quá nhanh, cạnh tranh với ASEAN trên khắp các thị truờng lớn trên thế giới, tạo ra mối lo ngại tại các nước nầy. Để xoa dịu mối lo nầy ở ASEAN, Trung Quốc thấy cần gây ấn tượng là kinh tế Trung Quốc lớn mạnh cũng đưa lại cơ hội phát triển cho các nước ASEAN. Khái niệm quật khởi hòa bình đã được đề cập ở trên cũng ra đời trong bối cảnh nầy. Có thể có thêm một số lý do khác nữa làm cho Trung Quốc tích cực trong chiến lược FTA với ASEAN,[10] nhưng nhìn trên tổng thể và xét các diễn tiến khác ta thấy ý thức cạnh tranh của Trung Quốc đối với Nhật để xác lập quyền chủ đạo tại vùng Đông Á là quan trọng nhất. Có thể nói, trong việc thỏa thuận ký kết ACFTA, ASEAN nhắm cái lợi kinh tế, còn Trung Quốc nhắm cái lợi về chính trị.[11]

Chính sự kiện nầy đã làm cho Nhật tỉnh ngộ, thấy cần phải đặt lại chiến lược ASEAN để vừa duy trì ảnh hưởng tại vùng nầy, vừa giữ thế chủ động trong quá trình hình thành cộng đồng kinh tế Đông Á trong tương lai. Đây là bối cảnh ra đời của Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Nhật ASEAN vào tháng 12 năm 2003 tại Tokyo. Gọi là “đặc biệt” vì đây là lần đầu tiên một hội nghị như vậy được tổ chức tại một nước không phải thành viên ASEAN. Hai ngày của hội nghị thượng đỉnh được kết thúc bằng Tuyên ngôn Tokyo và Kế hoạch hành động cho giai đoạn trung và dài hạn sắp tới. Theo Tuyên ngôn Tokyo, Nhật và các nước ASEAN quyết tâm tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh hợp tác trên tinh thần đối tác chiến lược (strategic partnership). Nhật sẽ đặt ưu tiên cao cho nỗ lực giúp các nước ASEAN phát triển và hội nhập (integration) với nhau hơn nữa. Trong phương châm đó, Nhật sẽ ưu tiên cấp tiền viện trợ và vốn vay ưu đãi (ODA) cho ASEAN, đặc biệt trong lãnh vực đào tạo nhân tài, phát triển xí nghiệp nhỏ và vừa, và giúp phát triển các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông để rút ngắn khoảng cách giữa 2 nhóm nước (6 nước thành viên cũ và 4 nước thành viên mới) trong khối nầy.[12] Mặt khác, Nhật và ASEAN sẽ tăng cường sự liên kết kinh tế về mọi mặt. Cho đến năm 2012, hai bên sẽ cụ thể hoá ý tưởng nầy bằng việc ký Hiệp định liên kết kinh tế toàn diện Nhật ASEAN (JACEP) mà Thủ tướng Koizumi đề xướng tại Singapore tháng 1 năm 2002. Sự liên kết nầy có phạm vi rộng, từ trao đổi hàng hoá, dịch vụ, đến hợp tác đầu tư, tài chánh, tiền tệ, công nghệ thông tin, năng lượng, v.v.. Trên quan hệ đặc biệt nầy, Nhật và ASEAN sẽ hợp tác trong các vấn đề của khu vực và thế giới.

Một số nội dung cụ thể trong Kế hoạch hành động là quyết định lấy năm 2005 làm thời điểm bắt đầu thương lượng để tiến tới việc ký kết Hiệp định JACEP. Nhật cũng đã cam kết trong 5 năm tới sẽ đưa 1 vạn sinh viên và thực tập sinh ASEAN sang Nhật học hoặc tu nghiệp, trong 3 năm tới sẽ chi ra 1,5 tỉ USD để giúp ASEAN đào tạo nhân tài và 1,5 tỉ USD để giúp phát triển khu vực sông Mê Kông.Nhật cũng sẽ giúp tăng cường cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân tài để phát triển công nghệ thông tin, xe hơi, điện tử,..., tại ASEAN và xúc tiến FDI từ Nhật sang các nước nầy.

Đặc điểm của Tuyên ngôn Tokyo và Kế hoạch hành động là sự cam kết cao độ của Nhật trong việc giúp các nước ASEAN hơn nữa. Đây là chiến lược của Nhật nhằm tranh dành ảnh hưởng với Trung Quốc tại vùng Đông Nam Á.

Về việc xây dựng cơ chế hợp tác cho toàn vùng Đông Á để tiến tới việc thiết lập một cộng đồng ở vùng nầy, ta cũng thấy có sự cạnh tranh giằng co giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ở đây có thêm sự hiện diện của Hàn Quốc, và ba nước Đông Bắc Á nầy bắt đầu gặp định kỳ từ năm 1999 trong dịp các nước ASEAN họp hội nghị thượng đỉnh để trao đổi về khả năng hợp tác trong vùng. Do bối cảnh nầy, các cuộc thảo luận và quyết định về sự hợp tác trong vùng được thực hiện trong khuôn khổ 3 nước Đông Bắc Á và ASEAN, thường được gọi là thể chế ASEAN+3.[13]

Vấn đề Cộng đồng Đông Á lần đầu tiên được chính thức bàn đến là vào năm 2001 khi Nhóm bàn thảo về tầm nhìn Đông Á (East Asian Vision Group) được thành lập gồm các thức giả trong vùng, theo sự gợi ý của Tổng thống Hàn Quốc đương thời Kim Dae Jung. Từ đó vấn đề được bàn thảo từ nhiều góc độ, bao gồm nhiều lãnh vực, kể cả kinh tế, chính trị, an ninh khu vực, văn hoá,... Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 ở Vientiane vào tháng 11/2004, các nước đã quyết định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (kết cuộc, vào tháng 12 năm 2005, lần đầu tiên Hội nghị nầy đã được thực hiện tại Kuala Lumpur). Từ thời điểm nầy tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc biểu hiện rõ nét hơn. Trước hết là tranh chấp về thanh phần tham dự Hội nghị thượng đỉnh. Thành phần tham dự mặc nhiên sẽ là thành viên của Cộng đồng Đông Á một khi được thiết lập. Nhật muốn đưa Ấn Độ và Úc (cùng với New Zealand) vào để kìm chế Trung Quốc. Nhật cũng chủ trương mời Mỹ làm quan sát viên. Thêm Ấn Độ, Úc và New Zealand (những nước có quan hệ thân thiết với Nhật) vào, lập thành thể chế ASEAN+3+3 hoặc ASEAN+6 rõ ràng có lợi cho Nhật hơn là thể chế ASEAN+3. Trung Quốc cũng biết vậy nên cương quyết chủ truơng tiếp tục duy trì thể chế ASEAN+3 vì trong thể chế nầy tương quan lực lượng nghiêng về Trung Quốc hơn, nhất là trong 3 nước có nền kinh tế lớn ở Đông Bắc Á, có tới hai nước phê phán Nhật về quan điểm lịch sử và không ủng hộ Nhật trong các quan hệ quốc tế (như phản đối Nhật trong vận động để trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ).

Cuối cùng hai bên thoả hiệp với kết luận không mời Mỹ làm quan sát viên nhưng mời Ấn Độ và hai nước ở Úc châu tham gia. Thật ra, vị trí của Ấn Độ trong các quan hệ mậu dịch và đầu tư với Nhật cũng như các nước khác ở Đông Á quá nhỏ. Chẳng hạn vào năm 2005, Ấn Độ chỉ chiếm 0,6% trong tổng xuất khẩu hàng công nghiệp của Nhật. Con số tương ứng của Trung Quốc và ASEAN cao hơn nhưng cũng chỉ trên dưới 2% (Biểu 1). Như Biểu 1 cho thấy, ASEAN+3 ngày càng phụ thuộc vào thị trường của nhau (từ 1992 đến 2005 xuất khẩu từ ASEAN+3 sang ASEAN+3 tăng từ 23% đến 35%) nên việc thiết lập một thể chế hợp tác để duy trì, xúc tiến sự phân công trong vùng là có ý nghĩa. Ngược lại, về ý nghĩa kinh tế, sức hút của Ấn Độ vào vùng Đông Á quá yếu. Do đó có thể nói, kéo Ấn Độ vào vũ đài xây dựng cộng đồng Đông Á, Nhật có ý thức về lợi ích chính trị hơn là kinh tế.[14]



Biểu 1: Ma trận thị trường xuất khẩu hàng công nghiệp của các nước Á Châu (1992-2005)
(tỉ lệ trong tổng xuất khẩu hàng công nghiệp, %)

Nước
Năm ASEAN Nhật Bản Trung Quốc Hàn Quốc ASEAN+3 Đài Loan Hồng Kông Ấn Độ Mỹ Thế giới
Thái Lan 1992 14.42 14.11 0.34 0.82 29.69 - 5.18 - 25.98 100.00
2005 19.54 13.65 8.30 2.04 43.52 2.45 5.57 1.38 15.46 100.00
Ma-lai-xia 1992 29.67 7.73 0.99 1.13 39.52 - 5.06 - 26.24 100.00
2005 25.58 9.35 6.60 3.36 44.89 2.78 5.85 2.81 19.69 100.00
Sing-ga-po 1992 18.77 5.74 1.32 1.93 27.75 - 6.80 - 25.72 100.00
2005 30.70 5.46 8.60 3.51 48.26 3.91 9.37 2.57 10.39 100.00
In-đô-nê-xia 1992 17.10 13.43 4.13 3.34 38.00 - 3.61 - 17.75 100.00
2005 18.23 21.07 7.78 8.27 55.35 2.89 1.74 3.36 11.54 100.00
Phi-líp-pin 1992 5.84 12.66 1.06 1.24 20.80 - 4.95 - 43.70 100.00
2005 17.27 17.47 9.89 3.37 48.01 4.58 8.10 0.21 18.02 100.00
Việt Nam 1992 - - - - - - - - - -
2003 8.92 16.58 2.72 3.19 31.41 7.09 1.79 0.10 17.07 100.00
ASEAN 1992 19.39 9.10 1.42 1.69 31.59 - 5.60 - 25.94 100.00
2005 24.82 10.86 8.05 3.87 47.60 3.28 6.70 2.36 14.15 100.00
Nhật Bản 1992 11.86 - 3.44 5.09 20.40 6.08 5.98 - 28.70 100.00
2005 12.65 - 13.46 7.84 33.95 7.32 6.04 0.59 22.85 100.00
Trung Quốc 1992 3.61 9.30 - 1.67 14.59 - 51.21 - 10.93 100.00
2005 7.05 11.02 - 4.61 22.68 2.17 16.34 1.17 21.42 100.00
Hàn Quốc 1992 10.94 12.75 3.54 - 27.23 - 7.57 - 24.87 100.00
2005 9.53 8.45 21.77 - 39.74 3.82 5.46 1.62 14.59 100.00
ASEAN+3 1992 12.36 4.46 2.64 3.39 22.85 3.41 11.25 - 25.65 100.00
2005 13.65 7.74 8.49 4.68 34.55 4.04 9.64 1.40 18.97 100.00
Ấn Độ 1992 - - - - - - - - - -
2005 9.93 2.41 6.56 1.77 20.67 0.61 4.34 - 16.87 100.00



Nguồn: Tính từ thống kê mậu dịch của Liên Hợp Quốc



Dư luận nói chung ở Nhật ngày càng cảnh giác phương thức ASEAN+3 vì không những lo ngại Trung Quốc sẽ năm quyền chủ đạo mà còn sợ ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh với Mỹ. Watanabe Toshio, giáo sư nổi tiếng trong nghiên cứu và bình luận về kinh tế và chính trị Á châu, cho rằng ASEAN+3 là chiến lược ly gián đồng minh Nhật Mỹ của Trung Quốc. Cũng theo Watanabe, đồng minh Nhật Mỹ hiện nay giống như đồng minh Nhật Anh ký kết năm 1902, và trong các thập niên đầu thế kỷ 20, Mỹ đã dần dần ly gián được Nhật Anh, phá vỡ đồng minh Nhật Anh, cuối cùng Nhật thua Mỹ trong thế chiến thứ hai. Watanabe lập luận rằng qua việc lập Cộng đồng Đông Á chỉ gồm ASEAN+3, đồng minh Nhật Mỹ sẽ bị phá vỡ và hậu quả sẽ không lường được đối với Nhật. Watanabe cũng chủ trương từng bước tạo ra một liên minh Nhật Mỹ Ấn Úc là tốt nhất.[15]

Kojima Tomoyuki, một nhà Trung-quốc-học Nhật Bản chuyên về quan hệ quốc tế, cho rằng Trung Quốc có ý đồ biến Đông Á thành “Thế giới Trung Hoa” nhưng Nhật Bản không yếu đến nỗi bị Trung Quốc nuốt chửng, trừ trường hợp Nhật không có chíến lược đúng đắn.[16] Nhiều ý kiến khác cho rằng, với Trung Quốc, Nhật chỉ có thể hợp tác trong khuôn khổ mậu dịch và đầu tư chứ không thể đi xa hơn, vì thể chế chính trị hai nước quá khác nhau. Nhưng chỉ giới hạn trong mậu dịch và đầu tư thì lại không có lý do để loại trừ Mỹ. Như Biểu 1 cho thấy, các nước Đông Á vẫn còn phụ thuộc phần khá lớn vào thị truờng Mỹ. Cũng vì lý do nầy, không ít người trong giới lãnh đạo chính trị và kinh tế Nhật chủ trương xúc tiến trở lại thể chế hợp tác của Diễn đàn kinh tế châu Á Thái bình dương (APEC). Điều nầy lại phù hợp với chiến lược của Mỹ (tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Hà Nội tháng 11/2006, tổng thống Bush đã đề xướng việc thiết lập FTA cho tòan thành viên của tổ chức nầy).

Do các lý do trên, tầm nhìn về Cộng đồng Đông Á sẽ ngày càng phức tạp hơn vì tranh chấp giữa hai nước lớn tiếp tục gay gắt.



IV. Thay lời kết: Vài hàm ý đối với Việt Nam



Bàn về một trật tự mới ở Á châu mà chủ yếu nói về kinh tế thì không đủ. Nói về chiến lược, chính sách của các cường quốc đang diễn ra tại Á châu mà không cho Mỹ lên vũ đài thì cũng không thực tế. Trên nhiều phương diện, đặc biệt là quân sự và chính trị, đối thủ chính của Trung Quốc ở Á châu là Mỹ chứ không phải Nhật.[17] Tuy biết vậy, tôi vẫn cho rằng một khảo sát về chiến lược của Nhật và Trung Quốc về các vấn đề kinh tế tại Á châu vẫn hữu ích, vì, như đã thấy ở các phần trên, các chính sách đối ngoại kinh tế thường phản ảnh chiến lược tổng hợp của các nước lớn, và ở Á châu, Nhật Bản lại là nước có lợi thế trong các công cụ kinh tế như ODA, FDI, công nghệ,... qua đó họ có thể phát huy các lợi thế khác.

Riêng đối với Việt Nam, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay và những bài học ngày xưa, chiến lược trước mắt và lâu dài là phải phát triển, phải thật sự mạnh lên về mọi mặt, trong đó nếu mạnh lên về kinh tế sẽ kéo theo những cái mạnh khác. Trong ý nghĩa đó, lợi dụng sự cạnh tranh của hai cường quốc ở Á châu, Việt Nam có thể tranh thủ công nghệ, FDI, ODA, v.v.. của Nhật, một nước công nghiệp tiên tiến, để phát triển nhanh và mạnh hơn. Điều nầy cũng đúng trong trường hợp Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc: Tận dụng tối đa thành quả khoa học, công nghệ, giáo dục, v.v.. của Mỹ để phát triển nhanh và mạnh hơn.

Việt Nam cần tận dụng thời cơ hiếm có hiện nay để phát triển nhanh và mạnh hơn, tạo tiền đề xác lập, duy trì quan hệ bình đẳng với Trung Quốc, bảo đảm cho quan hệ biểu hiện bằng 16 chữ Láng giềng hữu nghị, hợp tác tòan diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai thực sự có ý nghĩa.[18]



Tham khảo

Ba, Alice D. (2003), China and ASEAN, Asian Survey, 43:4, July/August, pp. 622-647.

Cao Huy Thuần (2005), Vạn đại dung thân, Thời Đại Mới, số 6, tháng 11, http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai6/200506_CHThuan.htm

Ebashi Masahiko (2007), Quan hệ kinh tế Trung Quốc-Myanmar, Ch. 9 trong Trần Văn Thọ và Matsumoto Kunichika, chủ biên (2007).

Green, Michael (2007), Japan Is Back: Why Tokyo’s New Assertiveness is Good for Washington?, Foreign Affairs, March/April, pp. 142-7.

Watanabe Toshio (2007), Kaiyou seiryoku to tairiku seiryoku: Higashi Ajia Gaikou no Kiso Gainen (Thế lực hải dương và thế lực đại lục: Khái niệm cơ bản trong ngoại giao Đông Á), RIM, Vol. 7 No.24, pp. 5-10.

Japan Forum on International Relation (JFIR) 2006, Henyou suru Ajia no naka no Taichukankei (Quan hệ Nhật Trung trong sự thay đổi ở Á châu), Bản kiến nghị chính sách thứ 28, Tokyo.

Maddison, Angus (2001), The World Economy: A Millennial Perspective, OECD.

Mahathir, Mohamad (1999), A New Deal for Asia, Pelanduk Publications (M) Sdn Bhd, Malaysia.

Matsunaga Nobuo and Watanabe Toshio (2007), Nichibei Gaikou no Kyoukun to Chousen (Ngoại giao Nhật Mỹ: Những bài học và thách thức), Sekai Keizai Hyouron, July, pp. 6-21 (Tokyo).

Zheng Bijian, China’s “Peaceful Rise” to Great-Power Status, Foreign Affairs, Volume 84 No. 5, Sept./Oct. 2005, pp. 18-24.

Trần Văn Thọ (2005, 2006), Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2005 (Hà Nội), và Nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2006 (TP Hồ Chí Minh).

Trần Văn Thọ (2006), Cộng đồng kinh tế Đông Á nhìn từ các nước đi sau, Thời Đại Mới, số 8, tháng 7, http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai8/200608_TranVanTho.htm.

Trần Văn Thọ và Matsumoto Kunichika chủ biên (2007), ASEAN to Chugoku no FTA (FTA giữa ASEAN và Trung Quốc), Bunshindo, Tokyo.


Chú thích


[1] Đây là tính theo thời gian Giang Trạch Dân làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, nếu tính theo thời gian làm Chủ tịch nước thì là 1993-2003.   

[2] Theo tính toán của Maddison (2001), từ đầu thế kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ 19, Trung Quốc luôn là nền kinh tế lớn nhất và chiếm trên 20% GDP thế giới. Nhưng từ giữa thế kỷ 19 trở đi, Trung Quốc suy sụp hoặc trì trệ hơn một trăm năm. Vào giũa thế kỷ 20 Trung Quốc chỉ chiếm độ 5% GDP thế giới. Chiến lược đại phục hưng nhằm đưa Trung Quốc trở lại thời truớc thế kỷ 19.

[3] Khái niệm hoà bình quật khởi chính thức được đưa ra vào tháng 11 năm 2003. Zheng (2005) phân tích vấn đề từ lập trường Trung Quốc. JFIR (2007), một bản khuyến nghị về chính sách của Nhật đối với Trung Quốc, do Kojima Tomoyuki và một số nhà Trung-quốc-học khác của Nhật soạn thảo, thì có cái nhìn cảnh giác hơn.

[4] Kinh tế Trung Quốc không những phát triển với tốc độ cao mà ngày càng có đặc tính là nghiêng về xuất khẩu hàng công nghiệp. Xem Trần Văn Thọ (2005, 2006), Ch. 3.

[5] Sáng kiến mới Miyazawa lấy theo tên của Bộ trưởng Tài chánh Miyazawa Kiichi lúc đó. Yen Loan của Nhật vốn là một bộ phận trong ODA, từ lâu đã được áp dụng theo phương thức nước nhận ODA không bị ràng buộc (untied) vào điều kiện phải chi dùng vào việc mua hàng hóa và dịch vụ của Nhật. Nhưng Yen Loan lần này là đặc biệt vì có bị ràng buộc (tied), xem như là phần cho vay ưu đãi ngoài các chương trình ODA đã có, và vì kinh tế Nhật đang gặp khó khăn nên chuyện ràng buộc được xem là hợp lý. ,

[6] Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ Á châu, 3 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất (Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc) được IMF giúp tổng cộng là 35 tỉ, và Ngân hàng thế giới là 16 tỉ USD.

Cùng thời điểm với IMF và Ngân hàng thế giới, Nhật Bản cũng giúp ngay cho 3 nước 19 tỉ USD. (Theo Nihon Keizai Shinbun, 2/7/2007). Sau đó Nhật phát biểu Sáng kiến mới Miyazawa và Yen Loan đặc biệt để giúp Á châu trong dài hạn.

[7] Xem Mahathir (1999), đặc biệt là Chương 5.

[8] Theo Sakakibara Eisuke, Thứ truởng đương thời của Bộ Tài chánh Nhật, và là người phụ trách vận động thành lập AMF, Nhật không được Trung Quốc ủng hộ là vì họ không biết cách vận động truớc. Theo ông ta thì Nhật đã thất bại vì đã tiếp xúc với bộ Tài chánh và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong khi đáng lẽ phải vận động trực tiếp Bộ Chính trị là nơi có quyền quyết định cuối cùng. Theo phát biểu gần đây của Sakakibara trên báo Nhon Keizai Shinbun, 9/7/2007. Tuy nhiên theo tôi, dù Nhật có vận động bộ Chính trị, Trung Quốc cũng phản đối việc thành lập AMF do Nhật chủ xướng.

[9] Chi tiết về Cộng đồng Đông Á, xem Trần Văn Thọ (2006).

[10] Có ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn dùng ACFTA để đẩy mạnh phát triển các tỉnh phía Tây nam Trung Quốc. Xem, chẳng hạn, Zha (2002). Ý kiến khác cho rằng Trung Quốc muốn ngăn chặn làn sóng Nam tiến của Đài Loan (tư bản Đài Loan đầu tư ngày càng nhiều ở Đông Nam Á). Xem Maie (2004). Ngoài ra, Ba (2006) tr. 641 thì cho rằng với chiến lược ACFTA, Trung Quốc muốn làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại Á châu.

[11] Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore George Yao, Trung Quốc nhượng bộ ASEAN, hy sinh cái lợi về kinh tế, đến nỗi lúc đầu nhiều nước ASEAN chóang ván (shock) trước đề án ACFTA. Dẫn theo Ba (2003), tr. 641-2.

[12] Từ năm 1992, dưới sự phối hợp, tổ chức của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) mà Nhật Bản nắm quyền chủ đạo (Nhật là nước góp vốn nhiều nhất, Tổng giám đốc luôn luôn là người Nhật), việc hợp tác Tiểu vùng Mê Kông (Greater Mê Kông Sub-region, GMS) được xúc tiến. Năm 1998, khái niệm hành lang kinh tế được đưa ra nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông gắn liền với sản xuất và mậu dịch trong vùng. Năm 2000, khái niệm đó được cụ thể hóa bằng kế họach xây dựng 3 hành lang kinh tế: Hành lang Kinh tế Đông Tây chạy dài từ Đà Nẵng qua Savanakhet của Lào, qua miền Trung của Thái và đến Myanmar. Hành lang Kinh tế Nam Bắc gồm 3 đường giao thông: một đường nối từ Bangkok qua Lào và Myanmar rồi đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, đường thứ hai đi từ Côn Minh qua Hà Nội rồi đến Hải Phòng, đường thứ ba từ Hà Nội đến Nam Ninh (thủ phủ tỉnh Quảng Tây). Hành lang Kinh tế Nam bộ có 2 đường, một đường đi từ Bangkok qua Pnom Penh và Thành phố HCM rồi đến Vũng Tàu, một đường khác theo đường ven biển từ Bangkok đến Thành phố HCM. Nhật đặc biệt quan tâm Hành lang Kinh tế Đông Tây còn Trung Quốc thì chủ yếu chi viện cho Hành Lang Kinh tế Nam Bắc.

[13] Chẳng hạn Sáng kiến Chiangmai (Chiangmai Initiative), ra đời vào tháng 5 năm 2000, cũng là một thoả ước của ASEAN+3 trong đó các nước đồng ý sẽ hợp tác trong việc cung ứng ngoại tệ để đối phó với trường hợp một nước nào đó lâm vào nguy cơ mất giá đồng tiền của mình.

[14] Quan hệ ngoại giao Nhật Ấn từ đầu thế kỷ 21 được triển khai tích cực và có tính cách chiến lược và ý thức đến nước thứ ba. Năm 2002, hai bên ký kết thỏa ước hợp tác từ quan điểm tòan cầu (global partnership), và tháng 1/2007, Nhật xác nhận phương châm hợp tác với Ấn trong việc sử dụng nguyên tử lực cho mục đích dân dụng.

[15] Theo Watanabe (2007). Trong cuộc thảo luận với Matsunaga Nobuo, cựu Đại sứ Nhật tại Mỹ, về quan hệ Nhật Mỹ, Watanabe cũng nhấn mạnh lại bài học lịch sử liên minh Nhật Anh năm 1902 và chứng minh sự cần thiết phải củng cố đồng minh Nhật Mỹ, không xây dựng cộng đồng Đông Á theo phương thức ASEAN+3. Xem Matsunaga and Watanabe (2007). Michael Green (2007) đứng trên lập trường của Mỹ cũng cho rằng Mỹ không nên tiếp cận quá tích cực với Trung Quốc và không được hy sinh quan hệ đồng minh Nhật Mỹ. .

[16] Kojima phát biểu ý kiến trên mục Hyakka Soumei (Bách gia tranh minh) của Hội đồng nghiên cứu về Cộng đồng Đông Á, ngày 11/4/2006.

[17] Chẳng hạn xem phân tích của Cao Huy Thuần (2005) phát biểu tại Hội thảo Hè 2005 (Đà Nẵng). Cao Huy Thuần xem Trung Quốc là cường quốc đất và Mỹ là cường quốc biển và cho rằng Việt Nam phải tiến ra biển mới thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Tôi rất đồng tình với quan điểm nầy. Watanabe (2007) cũng nói đến thế lực hải dương và thế lực đại lục và cho rằng Nhật phải tránh xa thế lực đại lục, tích cực hoà nhập vào thế lực hải dương mới duy trì được lợi ích lâu dài.

[18] Có lẽ cần nói thêm một điểm là nếu Việt Nam cho báo chí tự do phát biểu, bình luận về các vấn đề quan hệ quốc tế hơn nữa sẽ dễ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước trong việc bang giao với Trung Quốc. Vào tháng 8 và tháng 9/2007, báo chí thế giới, kể cả Việt Nam và Nhật Bản, đăng tải nhiều thông tin và bình luận về hàng giả của Trung Quốc làm giảm uy tín của nước nầy. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi Đại sứ Việt Nam đến để kháng nghị. Nhưng Trung Quốc đã không làm như vậy đối với Nhật và nhiều nước khác vì họ biết là báo chí tại Nhật và nhiều nước khác hoàn toàn tự do, nhà nước không thể can thiệp.
Thời Đại Mới

Quan hệ hợp tác cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong thế giới đa cực

Đỗ Tuyết Khanh

Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của châu Á. Đó là câu thường gặp trong các bài phân tích tình hình kinh tế và chính trị quốc tế hiện nay. Và cũng thường đi kèm với câu này là một nhận định cụ thể hơn và dựa trên một cái nhìn rộng hơn: chúng ta đang đi đến một thế giới đa cực, trong đó Tây phương, đặc biệt là Mỹ, sẽ không còn đương nhiên thống trị thế giới như trong những thế kỷ qua mà sẽ phải tranh giành (thậm chí có thể mất) vị trí ấy với những nước mới nổi lên (emerging countries), đặc biệt là hai ông khổng lồ của châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ. Đã xa lắm rồi thế giới lưỡng cực của thời chiến tranh lạnh, chia đôi giữa hai khối, tư bản chủ nghĩa, do Mỹ dẫn đầu, và xã hội chủ nghĩa, dưới sự chỉ huy của Liên Xô. Hình ảnh một thế giới "đơn cực", với một siêu cường quốc duy nhất chế ngự toàn cầu (Mỹ) sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, cũng dần dà tan biến với sự thất bại và sa lầy của Mỹ ở Iraq. Lịch sử không chấm dứt như Francis Fukuyama đã vội vàng tuyên bố mà trái lại còn dành cho mọi người trên trái đất nhiều ngỡ ngàng trước những chuyển biến bất ngờ, đặt ra lắm câu hỏi và cho phép đủ loại tiên đoán khác nhau.


Song những phân tích hay tiên đoán đều thống nhất trên một điểm: sự phát triển mãnh liệt và vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ và đã bắt đầu thay đổi cục diện thế giới và tương quan lực lượng giữa các nước. Với tầm vóc ngang ngửa nhau về bề thế và tiềm năng kinh tế, hai nước này vừa giống nhau ở một số điểm chung vừa bổ sung cho nhau ở những điểm khác biệt. Cả hai đều có truyền thống văn hoá lâu đời, cùng có tham vọng trở thành siêu cường quốc hay đúng hơn, theo họ, là trở lại với vị trí độc tôn ngày trước mà lịch sử cận đại đã "lấy" mất của họ. Là láng giềng, họ từ lâu có một quan hệ phức tạp, lúc hoà dịu lúc căng thẳng theo diễn tiến của tinh hình thế giới. Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh thế giới đa cực đang hình thành: hai ông khổng lồ này là bạn hay là đối thủ nhiều hơn, quan hệ giữa họ ngả về hợp tác nhiều hơn hay cạnh tranh là chính?

Trong cuộc chạy đua kinh tế, Trung Quốc và Ấn Độ là hai "hiện tượng" thu hút dư luận, và tất nhiên có sự so sánh: hai nước này giống nhau, khác nhau thế nào, ai mạnh hơn ai, và nếu họ liên kết thì ảnh hưởng lên các nước khác thế nào ?

Những điểm chung của con voi Ấn Độ và con rồng Trung Quốc

Điểm chung đầu tiên tất nhiên là số dân: Trung Quốc với 1,3 tỉ người và Ấn Độ với 1,1 tỉ là hai nước đông dân nhất thế giới. Cộng lại, họ chiếm 37% , tức hơn một phần ba, dân số thế giới. Song, trong cả hai nước, tăng trưởng dân số đã chậm lại; theo các dự đoán, dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh cao nhất vào năm 2032 và sẽ giảm đi sau đó. Chiều hướng này cũng đã rõ nét ở Ấn Độ và sẽ tiếp tục cho đến năm 2040, lúc ấy Ấn Độ sẽ đông dân hơn Trung Quốc.

Điểm chung khác, và cũng hay được nhắc đến nhiều nhất, là đà phát triển vượt bực của hai nước trong những thập niên gần đây, khiến cả hai đi đôi trong những lo lắng của các nước khác trước viễn tượng bị lấn áp trong cuộc chạy đua kinh tế toàn cầu. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong suốt thập niên 1995-2004, khi mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của thế giới là 3% và Mỹ, với tỉ lệ cao nhất của các nước phát triển phương Tây, cũng chỉ đạt 3,3%, không nói đến Nhật (1,2%) và Đức (1,5%), Trung Quốc tăng nhanh gấp ba lần (9,1%) và Ấn Độ gấp hai lần (6,1%). Song, hơn cả các thành quả hiện nay, cái làm thế giới đặc biệt e dè là tiềm năng to lớn cho phép hai nước này tiếp tục trên đà ấy để tiến tới mục tiêu không cần che dấu là thống lĩnh trên nhiều mặt, không những kinh tế mà cả chính trị, quân sự. Một thí dụ thôi đủ cho thấy lý do của sự e ngại đó: Trung Quốc như Ấn Độ không chỉ hài lòng với lợi thế cạnh tranh cố hữu (nhân công dồi dào và rẻ) mà còn nhắm đi xa hơn, để sản xuất những mặt hàng cao cấp và thâm nhập những hoạt động có giá trị gia tăng. Trong 20 năm qua, Trung Quốc và Ấn Độ dồn nỗ lực cải tiến giáo dục cơ sở và đào tạo chuyên môn. Năm 2005, số người tốt nghiệp đại học lên đến 2,5 triệu ở Ấn Độ (trong đó 10% là kỹ sư) và 3,4 triệu ở Trung Quốc. Tuy chưa đến 10% con số này ở Trung Quốc là có đủ trình độ đáp ứng những đòi hỏi của các công ti quốc tế lớn, nhưng sự phát triển liên tục cả về phẩm lẫn lượng của đội ngũ lao động là một trong những công cụ phục vụ tham vọng trung và dài hạn của hai nước.

Song cũng có những yếu tố có thể là trở lực cho tham vọng này và những yếu tố ấy cũng chung cho Trung Quốc và Ấn Độ. Ba vấn đề chính thường được nêu lên ở đây là: các nhu cầu khổng lồ về nguyên liệu và năng lượng để tiếp tục phát triển, vấn đề môi trường, và nguy cơ khủng hoảng xã hội và chính trị do sự phân hoá ngày càng sâu đậm giữa các tầng lớp xã hội và các địa phương (nông thôn/thành thị, và ở Trung Quốc vùng ven biển trải dài từ bắc Kinh tới Quảng Đông/các vùng xa xôi trong lục địa.
Trung Quốc hiện chiếm khoảng 12% tổng số năng lượng tiêu thụ trên thế giới, là nước thứ nhì sau Mỹ. Ấn Độ, với khoảng 5%, đứng hàng thứ sáu. Trước viễn tượng trữ lượng dầu hoả đang cạn dần, các nguồn năng lượng khác chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thế giới, năng lượng trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi nước, riêng đối với Trung Quốc và Ấn Độ là cả vấn đề sống còn và mục tiêu chiến lược. Gắn liền với năng lượng là ảnh hưởng lên môi sinh của sự phát triển ồ ạt của Trung Quốc và Ấn Độ, không chỉ tác hại lên môi trường nội địa mà còn có hậu quả xuyên biên giới. Tại một số nơi ở California (Mỹ) đã có dấu vết của những trận mưa a-xít xuất phát từ Trung Quốc, bên kia Thái Bình Dương. Mỹ là nước thải ra nhiều khí carbon dioxide nhất trong khí quyển, Trung Quốc hiện đang đứng hạng nhì nhưng sẽ qua mặt Mỹ trong 10 năm nữa nếu cứ tiếp tục gia tăng tiêu thụ than đá như hiện nay. Lượng thán khí thải ra ở Ấn Độ chỉ bằng một phần tư ở Trung Quốc nhưng cũng trên đà tăng nhanh. Trung Quốc hiện "đóng góp" 17% và Ấn Độ 5% vào lượng thán khí thải là nguyên nhân chính của sự kiện hâm nóng địa cầu. Song tỉ lệ cộng chung của hai nước này sẽ lên đến 50% năm 2050, nếu không có những biện pháp làm sạch nhà máy và tiết kiệm năng lượng.

Một vấn đề môi sinh cấp bách khác là nước. Ở Trung Quốc có tới 400 trên 660 thành phố lớn nhất bị thiếu nước, trong đó hơn một phần ba là thiếu trầm trọng. Hơn nửa các hồ lớn bị ô nhiễm, chỉ 20% dân số cả nước là được uống nước sạch, và hơn một phần tư dân số phải dùng nước bị nhiễm nặng. Ở Ấn Độ vấn đề nhẹ hơn (một phần vì mức kỹ nghệ hoá và đô thị hoá thấp hơn) nhưng trong nhiều vùng, kể cả các thành phố lớn, sự khan hiếm nước đã bắt đầu đáng lo và độ ô nhiễm các luồng nước ngầm và sông rạch do thuốc trừ sâu và phân hoá học cũng gia tăng.

Ô nhiễm môi trường không chỉ là một vấn nạn xã hội và y tế công cộng (theo ước đoán, số người chết hàng năm ở Trung Quốc vì ô nhiễm không khí là 400 000 người – thậm chí 750 000 người theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố đầu tháng 7 năm nay và bị Bộ Y tế Trung Quốc cực lực phản đối - và hơn 100 000 người ở Ấn Độ), mà còn có thể cản trở hoạt động kinh tế. Đã có một số công ti quốc tế quyết định chọn nước khác để đầu tư thay vì Trung Quốc vì lý do chính là cần một môi trường sạch cho nhân viên và sản phẩm của mình.

Những vấn đề xã hội và chính trị cũng có thể là một trở lực quan trọng: sự phân hoá giàu nghèo và giữa các địa phương đe dọa trật tự xã hội, nạn tham nhũng và những mâu thuẫn trong bộ máy cai trị (ở Trung Quốc các chính quyền địa phương bất phục tùng luật lệ của cả nước và chỉ thị của trung ương, ở Ấn Độ chính sách kinh tế ít nhất quán vì có thể thay đổi theo đảng cầm quyền và bị chi phối bởi các thế lực đối lập nhau) cũng gây nhiều khó khăn phải giải quyết.

So sánh thực lực và tiềm năng kinh tế của mỗi bên

Nhìn chung, Ấn Độ hiện nay còn thua xa Trung Quốc: ngoài tốc độ tăng trưởng (6%) chỉ bằng hai phần ba Trung Quốc (9-10%), GDP per capita ( tính theo đầu người) của Ấn Độ cũng chỉ đạt 640 USD so với 1 490 USD của Trung Quốc trong năm 2005, tuy rằng tính theo sức mua tương đương (purchasing power parity - PPP) thì khoảng cách nhỏ hơn nhiều: 3 139 USD cho Ấn Độ so với 4 101 USD cho Trung Quốc trong năm 2004. Về mặt thương mại, Trung Quốc cũng bỏ xa Ấn Độ: theo thống kê của Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) cho các luồng trao đổi hàng hoá năm 2005, Trung Quốc đứng hạng ba trên thế giới về cả nhập khẩu (với 660 tỉ USD) lẫn xuất khẩu (762 tỉ USD), trong khi Ấn Độ đứng hạng 17 cho nhập khẩu (134,8 tỉ USD) và 29 cho xuất khẩu (95,1 tỉ USD). Nói cách khác, Trung Quốc xuất gấp 8 lần Ấn Độ và nhập gấp 5 lần. Thị phần của Trung Quốc (7,3% thị trường hàng hoá thế giới) cũng gấp 8 lần thị phần của Ấn Độ (0,9%).

Về dịch vụ, khoảng cách nhỏ hơn tuy Trung Quốc cũng dẫn đầu cả cho xuất khẩu (hạng 9 trên thế giới và 73,9 tỉ USD) lẫn nhập khẩu (hạng 7 và 83,2 tỉ USD) so với Ấn Độ, hạng 11 và 56 tỉ USD cho xuất khẩu, hạng 13 và 52 tỉ USD cho nhập khẩu.

Trên bình diện kinh tế, con voi Ấn Độ như thế còn bé lắm so với con rồng Trung Quốc. Lý do chính là Ấn Độ đã chậm 13 năm so với Trung Quốc trong việc mở cửa và cải cách kinh tế là động cơ cho sự phát triển của hai nước. Ấn Độ chỉ mới từ bỏ chính sách tự lực tự cường, phát triển sản xuất nội địa để thay thế nhập khẩu, vào đầu thập niên 1990, khi lâm vào khủng hoảng vì mất đối tác chính là Liên Xô với sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu cải tổ kinh tế từ năm 1978 với chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, và liên tục phát triển mãnh liệt từ lúc đó.

Nhìn rộng hơn, một vài tham số khác cũng cho thấy Ấn Độ còn thua Trung Quốc nhiều. Theo báo cáo của tổ chức United Nations Development Programme (UNDP) về phát triển con người (Human Development Report 2006), trên 177 nước sắp hạng theo chỉ số phát triển con người (human development index - HDI), dựa trên các số liệu về tuổi thọ, tỉ lệ biết chữ và đến trường, cả hai nước thuộc loại trung bình nhưng Trung Quốc (hạng 81) đứng trên Ấn Độ (hạng 126). So với 2 năm trước đó thì khoảng cách giữa hai nước đã sâu thêm, Trung Quốc nhảy từ hạng 94 lên 81, trong khi Ấn Độ chỉ nhích được một bậc (127 lên 126). Theo chỉ số nghèo về con người (human poverty index –HPI) thì Trung Quốc (hạng 34) cũng trội hơn Ấn Độ (hạng 48). Trong khoảng thời gian 1990-2002, trung bình tỉ lệ dân số có thu nhập hàng ngày dưới 1 USD là 16,6% ở Trung Quốc và 34,7% ở Ấn Độ, tức là Ấn Độ không những nghèo hơn Trung Quốc mà còn đi chậm hơn trong việc xoá đói giảm nghèo. Điều đáng để ý là Việt Nam, với hạng 109 cho chỉ số HDI và 80 cho chỉ số HPI và tỉ lệ nghèo 20%, đứng giữa hai nước, sau Trung Quốc nhưng trước Ấn Độ.

Tuy nói chung Ấn Độ còn kém Trung Quốc về nhiều mặt, có nhiều dự đoán là Ấn Độ sẽ bắt kịp Trung Quốc trong chỉ vài chục năm nữa hay sớm hơn, nhờ một số lợi điểm.

Ấn Độ là một nước có truyền thống dân chủ, dựa trên nhà nước pháp quyền, và dẫu bộ máy hành pháp còn chậm chạp và khiếm khuyết, đối với các nhà đầu tư bên ngoài là một khung pháp lý ổn định hơn, một môi trường hoạt động đáng tin cậy hơn, đặc biệt là về mặt bảo vệ quyền sở hữu của cải và tri thức. Một thí dụ: công ti Timken, một trong những công ti sản xuất dây chuyền kỹ nghệ lớn nhất thế giới, có bốn phân xưởng tại Trung Quốc với doanh số hàng năm là 100 triệu USD, nhưng lại chọn Ấn Độ để thiết lập trung tâm kỹ thuật, vì cảm thấy yên tâm hơn trong việc bảo vệ tri thức.

Ngược lại, Trung Quốc vẫn là một chế độ độc tài, đảng trị và đối với bên ngoài mang hình ảnh bất lợi của một chính quyền chuyên chế và sẳn sàng phá vỡ các qui tắc, giao ước nếu cảm thấy quyền lợi hoặc quyền lực của mình bị đe doạ.

Khác với Trung Quốc, nơi sự chuyển biến của chính sách kinh tế xuất phát từ giới lãnh đạo chính trị, ở Ấn Độ khu vực tư nhân là lực đẩy các cải cách và phát triển kinh tế. Có thể nói ở Trung Quốc cuộc "cách mạng" kinh tế là từ trên xuống, còn ở Ấn Độ là từ dưới đưa lên. Qua truyền thống đó, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng năng động và linh hoạt trên thị trường quốc tế hơn.

Hệ thống ngân hàng của Ấn Độ cũng vững chắc và lành mạnh hơn. Tỉ lệ nợ xấu (non-performing loans) của các ngân hàng Ấn khoảng 10%, trong khi ở Trung Quốc chính thức là 20% nhưng theo nhiều người quan sát chắc chắn là cao hơn và ít ra là gấp đôi. Theo một nghiên cứu hàng năm của công ti kiểm toán Ernst & Young công bố đầu tháng 5.2006, số nợ xấu của riêng bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là 358 tỉ USD, tức là gấp đôi con số chính thức. Cộng với nợ xấu của các công ti đầu tư và cơ sở tín dụng khác, tổng số lên đến 911 tỉ USD, tuy đã có giảm so với trước đây. Ersnt & Young đã phải công nhận bản nghiên cứu này có sai sót và rút lại sau khi bị Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phản đối, nhưng sự thật chắc ít nhất cũng nằm đâu đó giữa những con số chính thức của Trung Quốc và ước tính của quan sát viên bên ngoài.

Vấn đề nhân lực cũng là một yếu tố quan trọng. Chính sách một con khiến vấn đề tỉ lệ người già trong dân số tăng lên đã đặt ra từ năm 1999, tức là Trung Quốc sẽ già trước khi giàu, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử. Tỉ lệ người trên 65 tuổi hiện nay là 7,7% so với 4,9% cách đây 20 năm, và theo dự đoán sẽ lên đến 24% vào năm 2050 nếu vẫn giữ chính sách này. Ngay từ bây giờ đã có hiện tượng thiếu nhân lực tại vùng châu thổ các sông Trường Giang và Châu Giang, nơi tập trung những hoạt động kỹ nghệ quan trọng nhất. Năm 2004, tỉnh Quảng Đông đã phải tăng 20% mức lương tối thiểu bắt buộc để thu hút công nhân từ các vùng khác. Lương công nhân cao hơn làm giảm lợi thế cạnh tranh, và đã có những công ti nước ngoài chuyển sang các quốc gia khác như Việt Nam, nơi lương tháng một công nhân chỉ khoảng 50-60 USD, bằng một nửa ở Trung Quốc. Mặt khác, số lao động giảm sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Ngược lại, với một nửa dân số dưới 25 tuổi, Ấn Độ có thể tiếp tục dựa vào một lực lượng lao động trẻ và năng động trong nhiều năm tới. Tuy thua kém về chỉ số học vấn nói chung (chỉ 61% dân chúng biết đọc viết so với 90,9% tại Trung Quốc, tỉ lệ nhập học tiểu và trung học cũng thấp hơn (62% so với 72%) nhưng trình độ giáo dục đại học và cao đẳng ở Ấn Độ cao hơn, nhất là trong các ngành kỹ thuật và quản lý. Mặt khác con số 300 triệu người Ấn, giai cấp trung lưu, thành thạo tiếng Anh cũng là lợi thế lớn của Ấn Độ so với Trung Quốc. Song Ấn Độ chỉ có thể khai thác những lợi điểm này nếu phát triển giáo dục cơ sở và phổ thông, và nhất là khắc phục nạn mù chữ còn tồn tại ở gần 40% dân chúng.

Mặt khác, cũng vì bắt đầu muộn hơn, Ấn Độ còn có một giới hạn phát triển dài hơn, trong khi Trung Quốc đã bắt đầu tiến gần đến giai đoạn một nền kinh tế thành thục. Chính vì Ấn Độ còn một tiềm năng khổng lồ và Trung Quốc đã và tiếp tục đạt những thành quả khổng lồ nên dư luận hay gắn liền hai nước, vừa nể sợ sự phát triển mãnh liệt này vừa băn khoăn về sức mạnh và những ý đồ của họ nếu họ liên kết chặt chẽ với nhau.

Khi con voi và con rồng "bắt tay" nhau

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn, cùng có quá khứ hiển hách, cùng tự hào là có mấy ngàn năm văn hiến, là hai cái nôi của nhân loại. Hai thí dụ thường được nêu lên cho mối giao bang của họ từ những thế kỷ xa xưa là sự loan truyền của đạo Phật từ Ấn Độ sang Trung Hoa và con Đường Tơ lụa. Đây cũng là những điểm hay được nhắc đến, nhất là từ phía Trung Quốc, trong các tuyên bố cổ vũ cho sự hợp tác giữa hai nước. Trong chuyến đi thăm chính thức Ấn Độ tháng 11.2006, cao điểm của "Năm hữu nghị Ấn-Trung 2006", chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố: "Nếu Ấn Độ và Trung Quốc cùng làm việc với nhau, thế kỷ 21 sẽ thực sự là thế kỷ của châu Á". Trước đó, ngày 6.7.2006, Trung Quốc và Ấn Độ đã long trọng tổ chức buổi lễ tái lập giao thông hàng hoá qua đèo Nathu La trên dãy Himalaya, ở biên giới giữa Tây Tạng và địa phương Sikkim của Ấn Độ. Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Yuxi nói: "Chúng tôi hi vọng việc mở lại con Đường Tơ lụa sẽ cải thiện hơn nữa quan hệ giữa hai nước". Đèo Nathu La, ở toạ độ 4 545 mét, nằm trên con Đường Tơ lụa ngày xưa và đã bị bế tỏa trong suốt 44 năm, từ lúc xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Ấn-Trung năm 1962, khiến cho khu vực Đông Bắc của Ấn Độ và Tây Nam của Trung Quốc này, xa xôi và lọt thỏm giữa núi non hiểm trở, đã trở thành vùng kém phát triển nhất của hai nước. Theo hãng tin kinh tế Bloomberg, khu vực này thật ra đầy hứa hẹn vì có trong lòng đất hơn 200 tỉ mét khối khí đốt, 1,5 tỉ tấn dầu thô và 900 triệu tấn than. Địa thế cũng thuận lợi cho việc xây cất nhà máy thuỷ điện. Quyết định mở lại cửa khẩu Nathu La do đó không chỉ nằm trong bối cảnh tăng cường hợp tác hiện nay mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của hai nước.

Quan hệ kinh tế thương mại Ấn-Trung tất nhiên bị chi phối bởi tình hình chính trị và ngoại giao lúc lên lúc xuống giữa hai nước. Cho đến thập niên 1990, các luồng thương mại giữa hai nước rất khiêm tốn, chỉ quanh quẩn 250 triệu USD một năm. Sau khi Ấn Độ cũng bắt đầu mở cửa và đẩy mạnh các quan hệ kinh tế với bên ngoài, trao đổi hàng hoá với Trung Quốc bắt đầu tăng nhưng cũng chưa tương xứng với tầm cỡ của mỗi bên. Chỉ từ năm 2000 trở đi thương mại Ấn-Trung mới phát triển mạnh, từ khoảng 3 tỉ USD năm 2000 lên đến 20 tỉ năm 2006, nhanh hơn dự tính của cả hai nước. Nhân chuyến thăm Ấn Độ tháng 4.2005 của thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai nước đã tuyên bố đặt mục tiêu đưa thương mại song phương lên 20 tỉ USD năm 2008 và 30 tỉ năm 2010. Tuy thế, cán cân thương mại thuận lợi hơn cho Trung Quốc, và doanh nhân Ấn Độ than phiền là hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường và cạnh tranh bất chính với hàng Ấn Độ không kể là chất lượng xấu hơn cùng loại hàng Trung Quốc bán cho các nước Tây phương. Nên không ngạc nhiên là trên 188 vụ kiện về bán phá giá (dumping) khởi tố ở Ấn Độ từ 1992, 89 vụ là nhắm các công ti Trung Quốc. Cũng vì thế Ấn Độ vẫn cương quyết không ban cho Trung Quốc quy chế kinh tế thị trường (market economy status) vì không muốn bị bó buộc phải dùng giá cả do Trung Quốc đưa ra để tính các biên độ phá giá.

Ấn Độ và Trung Quốc xích lại gần nhau cũng là vì cả hai nhận ra những lợi ích của hợp tác và những điểm họ bổ sung nhau. Trên một số mặt, cái mạnh của anh này là chỗ yếu của anh kia và ngược lại. Kết hợp lại, họ sẽ tăng sức mạnh cho nhau. Trong chuyến viếng thăm tháng 4.2005, thủ tướng Ôn Gia Bảo nói tại Bangalore: "Nếu Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác trong ngành tin học, chúng ta sẽ dẫn đầu thế giới". Hoạ lại, thủ tướng Manmohan Singh cũng hồ hởi: "Sát cánh với nhau, Ấn Độ và Trung Quốc có thể thay đổi cục diện thế giới". Mỗi bên đều thấy ở bên kia những yếu tố thuận lợi cho cho tham vọng bá chủ thiên hạ của mình, dầu là trong thâm tâm vẫn còn nghi kỵ và gườm nhau, chính vì biết rõ ý đồ của nhau.

Hai nền kinh tế Ấn-Trung đặc biệt bổ sung nhau ở những mặt sau đây: Trung Quốc mạnh về sản xuất hàng hoá và hạ tầng cơ sở, trong khi Ấn Độ rất kém về hạ tầng cơ sở nhưng lại mạnh về dịch vụ và công nghệ thông tin. Trung Quốc mạnh về phần cứng (máy móc, linh kiện), Ấn Độ mạnh về phần mềm. Trung Quốc mạnh hơn trên thị trường sản phẩm, còn Ấn Độ mạnh hơn trên thị trường tài chính. Nói tóm lại, "phân xưởng của thế giới" liên kết với "văn phòng của thế giới" sẽ là một khối vừa to vừa nặng, rất đáng ngại đối với các nước khác.

Cũng vì thế mà Ấn Độ và Trung Quốc, nhận rõ lợi ích của hoà hoãn thay vì xung đột, đã tuyên bố trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Vaipayee tháng 6.2003 là hai nước sẽ hợp tác với nhau thay vì tranh giành để đến với những nguồn nguyên liệu và năng lượng cần thiết cho phát triển kinh tế. Gần đây hơn, tháng 11.2006, thủ tướng Manmohan Singh nói "Thế giới đủ rộng để đáp ứng những khát vọng phát triển của Ấn Độ và Trung Quốc". Trong tinh thần đó, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác thương mại, kinh tế, tài chính, giáo dục, và trao đổi văn hoá, khoa học kỹ thuật. Họ cũng đồng ý cố gắng tích cực hơn để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới vẫn còn để ngỏ cho tới nay.

Hợp tác khoa học kỹ thuật

Cho tới giữa thập niên 1990, hợp tác khoa học kỹ thuật giữa hai nước rất hạn chế, chỉ lồng trong quan hệ song phương và đóng vai trò rất nhỏ. Ngoài lý do chung là cũng bị chi phối như mọi lãnh vực khác bởi những thăng trầm của mối bang giao, còn vì cho tới lúc ấy, trình độ khoa học kỹ thuật của cả hai nước còn thấp nên đối tượng hợp tác của họ là những nước khác, tiên tiến hơn.

Một điểm đáng để ý khác là cho đến cuối thập niên 1980, mọi hợp tác đều ở cấp nhà nước, và chỉ từ những năm 1990, khi các công ti tư nhân Ấn Độ thâm nhập thị trường Trung Quốc và đem vào kỹ thuật cùng với đầu tư, sự hợp tác khoa học kỹ thuật mới thật sự nảy nở và tiếp tục phát triển hiện nay. Có thể nói chuyến đi thăm Trung Quốc năm 1988 của thủ tướng Rajiv Gandhi là cái mốc khởi đầu. Ngoài giải toả một số hiểu lầm giữa hai nước, chuyến đi này cũng đánh dấu một sự chuyển hướng trong giới lãnh đạo Ấn Độ thời đó. Ông Gandhi rất thán phục những tiến bộ đạt được nhờ chính sách của Đặng Tiểu Bình,và mong muốn không những giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước mà còn hợp tác để Ấn Độ cũng phát triển như vậy. Có thể nói ý niệm này đặt nền tảng cho quan hệ giữa hai nước sau đó, dẫu những vị lãnh đạo kế tiếp không quyết tâm bằng ông Gandhi. Một hiệp định đầu tiên dành riêng cho hợp tác khoa học kỹ thuật được ký kết năm 1989, tiếp theo là một số văn kiện những năm sau đó, đặc biệt là thoả thuận ký kết năm 1994 để hợp tác trong ngành dầu hoả, qua đó Ấn Độ cung cấp cho Trung Quốc những kỹ thuật chế biến dầu, ông dẫn dầu và giàn khoan ngoài khơi.

Vai trò của khu vực tư nhân cũng đáng nêu lên. Hiện có hơn 80 công ti Ấn lớn nhỏ hoạt động ở Trung Quốc, với doanh số ngày càng tăng, đa số thuộc về lãnh vực tin học và tập trung ở Bắc Kinh, Thượng Hải, tỉnh Quảng Đông, một số rải rác ở các tỉnh Zheijiang (Chiết Giang), Jiangsu (Giang Tô) và Shaanxi (Thiểm Tây). Gần đây, dự án đầu tư 65 triệu USD của đại công ti dịch vụ phầm mềm Infosys để thành lập cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Thượng Hải và Hangzhou (Hàng Châu) đã gây nhiều chấn động. Các công ti Trung Quốc cũng thâm nhập thị trường Ấn, đáng kể nhất là Huawei, Haier và Zhongxing Telecom Enterprise (ZTE), công ti truyền thông lớn nhất Trung Quốc. Yếu tố bổ sung giữa hai nền kinh tế Ấn-Trung thể hiện cụ thể ở đây: các phần mềm của Ấn tương ứng với máy móc của Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có một sự khác biệt: các công ti Ấn vào Trung Quốc để phục vụ khách hàng địa phương, trong khi các công ti Trung Quốc vào Ấn để học hỏi kỹ thuật và bán dịch vụ trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy trong sự hợp tác cũng đã manh nha có sự cạnh tranh: Trung Quốc không chỉ dừng lại ở sản xuất máy móc linh kiện mà dự tính thâm nhập (và chiếm lĩnh) cả lãnh vực phần mềm. Hợp tác với Ấn Độ chính là bàn đạp để vươn lên cho mục tiêu ấy. Ngược lại, Ấn Độ cũng sẽ phải phát triển các công nghiệp sản phẩm, là những hoạt động cần nhiều nhân công, để giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lao động đông đảo. Vì mục tiêu của hai bên cuối cùng tụ về một điểm, nên yếu tố bổ sung cho phép hợp tác vui vẻ hôm nay cũng sẽ nhường chỗ cho đụng chạm quyền lợi và cạnh tranh ráo riết ngày mai.

Công nghệ sinh học là một lãnh vực khác trong đó Trung Quốc và Ấn Độ cũng có những lợi thế khác nhau. Chẳng hạn cho hai áp dụng của công nghệ sinh học, Trung Quốc mạnh về nông nghiệp còn Ấn Độ mạnh về y học. Năm 2002, Trung Quốc đã thành công trong việc phân tách gen gạo và các nghiên cứu khoa học của Trung Quốc về gạo đạt trình độ của các nước phát triển. Trung Quốc hợp tác với những công ti sinh học quốc tế lớn như Monsanto, Amgen, Ecogen, Hoffmann-La Roche, và cũng đã thâm nhập thị trường Ấn Độ. Ngược lại, trong lãnh vực y học Ấn Độ vượt xa Trung Quốc, các công ti dược phẩm Ấn đã bắt đầu vào thị trường Trung Quốc để cạnh tranh với các đại công ti Tây phương: chi nhánh của Ranbaxy ở Quảng Đông có doanh số đạt 12,3 triệu USD năm 2003 và Reddy's Lab hoạt động ở Trung Quốc dưới tên Kushan Rotam Reddy Pharmaceutical.

So sánh thế mạnh của hai bên trong 7 lãnh vực khoa học kỹ thuật cho thấy Trung Quốc dẫn đầu trong 5 (máy móc điện tử, nghiên cứu gen gạo, công nghệ nông nghiệp, kỹ thuật không gian và kỹ thuật năng lượng) trong khi Ấn Độ chỉ mạnh hơn trong hai ngành tin học phần mềm và dược phẩm. So sánh 15 chỉ báo về lợi thế cạnh tranh (sáng tạo, đầu tư, thiết kế sản phẩm, hợp tác với các đại học, v.v), thì hai bên ngang ngửa nhau, Trung Quốc dẫn đầu cho 8 chỉ báo và Ấn Độ cho 7.

Với đà tiến triển hiện nay và trong tương lai về mặt khoa học kỹ thuật của Trung Quốc và Ấn Độ, các cơ hội hợp tác cũng sẽ tăng lên, tuy rằng sự cạnh tranh vẫn là một yếu tố lúc tiềm tàng lúc thể hiện ở đây.

Hợp tác trong khuôn khổ WTO

Một điểm đáng ngạc nhiên là Trung Quốc mạnh gấp mấy lần Ấn Độ về thương mại nhưng lại lu mờ so với Ấn Độ trong khuôn khổ WTO. Nhóm G-4, gồm 4 thành viên quan trọng nhất của WTO thường họp riêng để giải quyết bế tắc của vòng đàm phán Doha, qui tụ Mỹ và Liên hiệp châu Âu (đại diện cho các nước phát triển), Brasil và Ấn Độ (đại diện cho G-20, nhóm các nước đang phát triển), chứ không phải là Trung Quốc. Bộ trưởng thương mại và kỹ nghệ Kamal Nath của Ấn Độ xuất hiện hàng ngày trong báo chí chuyên môn, thường xuyên họp báo, tỏ thái độ. Trong khi đó, tuy hay được nêu như một trong những nước dẫn đầu G-20, ngoài một vài tuyên bố chung với Ấn Độ, Trung Quốc rất ít khi lên tiếng.

Ấn Độ là một thành viên sáng lập của WTO và Trung Quốc mới chỉ gia nhập cách đây 6 năm, nhưng đấy không phải là lý do, tuy Trung Quốc vẫn nhún nhường nói mình là lính mới, còn phải quan sát và học hỏi thêm, để trả lời khi các tổng Giám Đốc WTO hay các đại diện thương mại Mỹ và Liên Hiệp châu Âu thỉnh thoảng vẫn kêu gọi Trung Quốc tham gia tích cực hơn, thậm chí đóng vai trò lãnh đạo trong các cuộc đàm phán, để nhận trách nhiệm tương xứng với vị thế thương mại của mình.
Để hiểu lý do sự "thờ ơ" ấy phải nhắc lại sơ qua quan hệ của Trung Quốc với một tổ chức quốc tế lớn khác. Bắc Kinh mới chỉ tham gia Liên Hiệp Quốc từ năm 1971, sau khi "hất" Taiwan ra khỏi tổ chức. Cộng Hoà Trung Hoa là một trong những thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc và thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an từ năm 1945. Khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm chính quyền và tướng Tưởng Giới Thạch rút về Taiwan, Bắc Kinh tuyên bố mình chứ không phải Cộng Hoà Trung Hoa là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Nhưng Taiwan vẫn là đại diện của Trung Hoa ở Liên Hiệp Quốc vì những nỗ lực của Bắc Kinh để đòi lại ghế này đều bị Mỹ ngăn chận. Từ thập niên 1960 trở đi các nước bạn của Trung Quốc hàng năm trình nghị quyết lên Đại hội đồng nhằm chuyển ghế của Taiwan cho Bắc Kinh, và mỗi năm Mỹ vẫn chặn được cho đến khi các nước mới độc lập gia nhập Liên Hiệp Quốc ngày càng đông khiến đa số Đại hội đồng không còn ngả sang Tây phương mà ngả về các nước bạn của Bắc Kinh. Cùng lúc, sau chuyến đi Bắc Kinh của tổng thống Nixon, Mỹ cũng xích lại gần Trung Quốc hơn. Kết quả là tháng 10.1971, Đại hội đồng thông qua nghị quyết 2758 công nhận Bắc Kinh là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và trục xuất Taiwan ra khỏi tất cả các bộ phận của Liên Hiệp Quốc.
Tuy các nước bạn Trung Quốc chờ đợi là sau khi gia nhập Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh sẽ tích cực ủng hộ thế giới thứ ba, nhưng trong nhiều năm, Trung Quốc vẫn tương đối thụ động và chỉ lên tiếng khi thấy quyền lợi của mình bị đụng chạm: chẳng hạn trong những năm 1990, Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết để ngăn cản các hoạt động gìn giữ hoà bình ở Macedonia (năm 1999) và Guatemala (1996) vì các nước này vẫn còn giữ liên hệ với Taiwan. Thật ra Trung Quốc vẫn thích làm việc tay đôi với các nước khác, để dùng sức ép to lớn của mình, hơn là thấy uy thế phần nào bị loãng đi trong một tập thể các thành viên bình đẳng. Tham gia Liên Hiệp Quốc và WTO là điều tất yếu, để khẳng định vị trí của mình (và cho Taiwan ra chỗ khác chơi), nhưng có tính cách thực dụng (khai thác lợi ích) chứ không phải vì những lý tưởng cao cả, những triết lý cao siêu.
Ngược lại, triết lý và lý tưởng là lăng kính qua đó Ấn Độ nhận định vị thế và vai trò của mình. Ấn Độ cũng muốn, như Trung Quốc, làm bá chủ thế giới hay ít ra là đàn anh của một số nước, nhưng nhìn đó như một sứ mệnh cao cả. Ấn Độ lãnh đạo nhóm G-20 ở WTO ngày nay cũng như thủ tướng Jawaharlal Nehru khởi xướng và lãnh đạo phong trào các nước không liên kết trong những năm 1950-1960. Ông Nehru là người lý tưởng, kêu gọi sống chung hoà bình, giải quyết những vấn đề của thế giới bằng bất bạo lực, trong truyền thống của một Đức Mahatma Gandhi được cả thế giới nể phục như lương tâm của một thời đại. Ngay từ khi giành được độc lập, Ấn Độ đã có hoài bão đóng vai trò chủ chốt tại châu Á và trên thế giới. Hoài bão này, oái oăm thay, bắt nguồn từ tư tưởng của một viên toàn quyền và phó vương, Lord Curzon, cai trị Ấn Độ khi nước này còn là thuộc địa của đế quốc Anh. Lord Curzon bị phê phán trong các sách sử của Ấn Độ vì đã quyết định cắt vùng Bengal khỏi lãnh thổ Ấn Độ, nhưng lại là cơ sở lý luận của những người mong muốn cho Ấn Độ một vị trí chóp bu ở châu Á. Ông đề cao các lợi thế của Ấn Độ: vị trí trung tâm, tài nguyên dồi dào, dân cư đông đảo, hải cảng sầm uất và sức mạnh quân sự. Lord Curzon gán cho Ấn Độ một tầm quan trọng chiến lược nhưng trong khuôn khổ quyền lợi của đế quốc Anh, song tư tưởng của ông phù hợp với quan điểm coi cả vùng Nam Á và Đông Nam Á như xoay quanh Ấn Độ. Quan điểm này vẫn thể hiện mạnh mẽ và rộng rãi trong nhiều giới ở Ấn Độ.

Như thế có thể hiểu tại sao hai nước lớn nhất châu Á, cùng kiêu ngạo như nhau, dẫu có khác trong phong cách, cùng nung nấu những khát vọng vượt xa bờ cõi lãnh thổ, cứ quay cuồng từ mấy chục năm nay trong một mối bang giao phức tạp, lúc bạn lúc thù. Thế giới đủ rộng để mỗi nước có thể sống nhưng rất nhỏ khi cả con voi lẫn con rồng đều muốn là mặt trời. Vì thế họ có bắt tay nhau thật đấy, và cũng thành thật muốn dựa vào nhau để lớn mạnh hơn nữa, nhưng chìa một tay thì vẫn không quên thủ tay kia để phòng vệ hay tấn công.

Khi con voi và con rồng đá chân nhau

Những chấn thương của lịch sử để lại

Mọi quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đều bị chi phối bởi vấn đề biên giới vẫn chưa giải quyết từ hơn 50 năm nay. Trung Quốc và Ấn Độ giáp nhau trên 3 550 cây số, được phân cách bởi dãy núi Himalaya hiểm trở và vùng cao nguyên Tây Tạng. Trong nhiều thế kỷ, Tây Tạng là vùng đệm giữa hai nước. Sau khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng năm 1950, hai vùng đệm hiện nay là hai nước Nepal và Bhutan, nằm ở phía nam dãy Himalaya. Ba khu vực ngày nay vẫn là điểm nóng của sự xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc: Aksai Chin ở tụ điểm của biên giới ba nước Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc, Arunachal Pradesh, ở sát biên giới Đông Bắc của Ấn Độ và Kashmir, ở Tây Bắc Ấn Độ.

Aksai Chin hiện thuộc quyền quản lý của Trung Quốc nhưng Ấn Độ coi như thuộc về mình và đòi lại. Ngược lại, Arunachal Pradesh là một tiểu bang của Ấn Độ nhưng Trung Quốc lại coi là thuộc về Tây Tạng và đòi Ấn Độ trả lại. Kashmir là vùng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, mỗi bên chiếm một nửa và đòi bên kia phải trả phần còn lại. Mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Kashmir là vì Trung Quốc ủng hộ Pakistan.

Trong những thế kỷ trước Trung Quốc và Ấn Độ rất ít quan hệ vì địa lý cản trở. Khi hai nước giành độc lập và thoát khỏi ách ngoại bang vào cùng thời điểm, những đường biên giới do các nước thực dân ấn định trở thành đầu mối cho những xung đột có khi dẫn đến chiến tranh. Bản tuyên ngôn độc lập năm 1947 cũng chia cắt lãnh thổ Ấn Độ thành hai nước Pakistan và Liên bang Ấn Độ. Một sự phân chia đẫm máu: từ 300 000 đến 500 000 người bị thảm sát trong các cuộc chém giết lẫn nhau của hai cộng đồng hồi giáo và ấn độ giáo, và từ 10 đến 15 triệu người di cư từ vùng này sang vùng kia. Sự chia cắt đất nước và ba cuộc chiến tranh Ấn Độ- Pakistan tiếp nối nhau (1947-1948, 1965, 1971) để giành giựt vùng Kashmir vẫn là vết thương nhức nhối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tại Ấn Độ. Việc Trung Quốc ngay từ đầu và cho đến ngày nay luôn là đồng minh đắc lực của Pakistan chỉ có thể thêm một ung nhọt cho quan hệ đã căng thẳng giữa hai nước. Trung Quốc cũng không ngần ngại dùng Pakistan để cảnh báo Ấn Độ ngay cả những lúc hai bên vui vẻ với nhau nhất: ngay sau khi viếng thăm Ấn Độ tháng 11.2006, chủ tịch Hồ Cẩm Đào bay sang Pakistan, như để nhắc lại một trong những điểm bất di bất dịch của đường lối ngoại giao mình. Chính sách "tay đấm tay xoa" này cũng thể hiện qua việc đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Yuxi , chỉ một tuần trước khi ông Hồ Cẩm Đào sang, tuyên bố: "Quan điểm của chúng tôi là toàn bộ tiểu bang Arunachal Pradesh thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi đòi lại tất cả." Khiến cho bộ trưởng ngoại giao Ấn Pranab Mukherjee phải đối đáp lại: " Arunachal là một bộ phận của Ấn Độ".

Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong vùng Kashmir cũng không chỉ vì Pakistan mà còn vì một khu vực hai bên trực tiếp tranh giành nhau. Aksai Chin là một vùng đất rộng 38 000 cây số vuông, ở độ cao 5 000 thước, hoang vu và khô cằn, rất ít dân cư nhưng ở vị trí chiến lược giữa ba nước Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Aksai Chin ngày xưa thuộc về vương quốc Ladakh nhưng được sát nhập vào Ấn Độ thuộc đế quốc Anh khi Anh và Tây Tạng (lúc ấy còn độc lập) ký hiệp ước năm 1904, ấn định biên giới giữa Tây Tạng và Ấn Độ theo đường ranh giới Mac Mahon. Trung Quốc lúc ấy không công nhận Tây Tạng là nước độc lập nên cũng không công nhận đường Mac Mahon. Vì vị trí chiến lược của Aksai Chin, nằm trên quốc lộ 219 của Ấn Độ nối Tây Tạng và tỉnh Sinkiang (Tân Cương), Trung Quốc nhất định giữ quyền kiểm soát khu vực này.

Trung Quốc cũng đòi lại một khu vực rộng khoảng 82 000 cây số vuông ở Đông Bắc Ấn Độ hiện là tiểu bang Arunachal Pradesh nhưng Trung Quốc thường gọi là Zangnan (Tạng Nam). Arunachal Pradesh có hơn 1 triệu dân, đại đa số gốc Tây Tạng, Miến Điện và Thái, chỉ khoảng 15% là di dân từ các vùng khác của Ấn Độ, đặc biệt là hai tiểu bang lân cận Assam và Nagaland. Tại hội nghị Simla năm 1913-1914, thống đốc Anh Sir Henry Mac Mahon ấn định biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng theo một đường ranh giới mệnh danh là "đường Mac Mahon" (Mac Mahon Line) nhằm nới rộng vùng kiểm soát của Anh và tạo ra một số vùng đệm. Các đại diện Anh và Tây Tạng tại hội nghị thông qua đường ranh giới này nhưng Trung Quốc chối từ ký hiệp định vì khẳng định Tây Tạng thuộc chủ quyền của mình và đường Mac Mahon vô giá trị. Năm 1950, thấy Trung Quốc sửa soạn chiếm Tây Tạng, Ấn Độ đơn phương ấn định biên giới theo đường Mac Mahon tuy Trung Quốc phản đối. Trong hơn 10 năm sau đó, vấn đề lắng dịu nhờ không khí hoà hoãn giữa hai nước, nhưng bùng lên trở lại với cuộc chiến tranh biên giới Ấn-Trung năm 1962. Trung Quốc kéo quân sang chiếm đa số khu vực này nhưng sau khi tuyên bố chiến thắng, rút trở lại sau đường Mac Mahon.

Vấn đề Tây Tạng và chiến tranh biên giới năm 1962

Sau khi lên nắm chính quyền, Mao Trạch Đông tuyên bố Tây Tạng thuộc về Trung Quốc và quyết tâm đặt Tây Tạng dưới quyền kiểm soát hành chánh và quân sự của mình. Đối với Bắc Kinh, sự quan tâm của Ấn Độ đến vùng này là can thiệp vào nội bộ Trung Quốc. Tuy Ấn Độ thừa kế một số đặc quyền tại Tây Tạng từ thời còn thuộc về Anh Quốc, thủ tướng Nehru, để trấn an Trung Quốc, khẳng định Ấn Độ không có tham vọng chính trị hay đất đai gì ở Tây Tạng, và cũng không đòi hỏi đặc quyền gì ở đó, nhưng mong muốn duy trì các quyền lợi thương mại cố hữu. Trước thái độ mềm mỏng ấy, Trung Quốc yên tâm tiến hành mưu đồ của mình và tháng 10. 1950 đem 40 000 quân tấn công Tây Tạng cùng lúc ở 6 nơi. Chỉ trong hai ngày, quân đội Trung Quốc đã giết hơn một nửa quân đội nhỏ nhoi và non nớt của Tây Tạng, chỉ có 8 000 người. Ấn Độ tuy bàng hoàng và phẫn nộ cũng không làm được gì để ngăn cản bước tiến của Trung Quốc. Chính quyền Tây Tạng cầu cứu đến cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc nhưng rồi cũng bị ép buộc ký với Bắc Kinh, tháng 5.1951, một hiệp định "17 điểm" trong đó Tây Tạng công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên lãnh thổ nhưng được duy trì hệ thống chính trị và xã hội của mình. Ngày 9.9.1951, 23 000 quân Trung Quốc tiến vào thủ đô Lhassa, mở đầu cho bi kịch của người dân Tây Tạng, còn kéo dài đến ngày nay. Chưa đầy một năm sau, Bắc Kinh bắt đầu siết chặt sự kiểm soát, áp đặt những biện pháp xoá bỏ các truyền thống văn hoá và xã hội của Tây Tạng và tăng cường đàn áp sự kháng cự. Tháng 3.1959, sau một cuộc nổi dậy thất bại ở Lhassa, Đức Đà Lai Lạt Ma và hàng ngàn người Tây Tạng phải bỏ xứ đến nương náu tại những vùng Tây Bắc của Ấn Độ, tập trung ở tiểu bang Himachal Pradesh. Giòng chảy những người từ Tây Tạng đến tị nạn ở Ấn Độ không còn ào ạt như trong những năm đầu nhưng vẫn tiếp tục. Sự hiện diện của Đức Đà Lai Lạt Ma và một cộng đồng Tây Tạng ở Ấn Độ vẫn là một điều làm Trung Quốc khó chịu, dẫu là tháng 6.2003, Ấn Độ đã chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Tây Tạng và tuyên bố không hỗ trợ những hoạt động chống lại Trung Quốc của cộng đồng Tây Tạng tại Ấn Độ.

Việc Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng bằng vũ lực cũng là một đòn nặng đối với bản thân thủ tướng Nehru và thuyết sống chung hoà bình của ông. Tuy bị chỉ trích trong nội bộ là ngây thơ và yếu hèn, ông Nehru vẫn gắng gượng dĩ hoà vi quí vì tin rằng Ấn Độ cần phải hoà hảo với Trung Quốc để rảnh tay xây dựng kinh tế. Sau khi lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh tháng 4.1950, Ấn Độ ký với Trung Quốc tháng 4.1954 một hiệp định về Tây Tạng và đặt nền tảng cho quan hệ giữa hai nước, trên cơ sở 5 nguyên tắc sống chung hoà bình (Panchsheel). Câu khẩu hiệu quen thuộc thời đó là "Hindi-Chini bhai-bhai" tức "Ấn Độ và Trung Quốc là anh em". Nhưng tình huynh đệ này cũng chỉ kéo dài được vài năm trước khi vỡ tan với cuộc chiến tranh biên giới năm 1962.

Cho đến ngày nay Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn bất đồng ngay cả về những lý do đưa tới chiến tranh và đổ lỗi cho nhau. Một điều chắc chắn là ở đây có nhiều yếu tố: tình hình Tây Tạng, vai trò Trung Quốc gán cho Ấn Độ trong cuộc nổi dậy ở Lhassa và nhất là việc Đức Đà Lai Lạt Ma chạy sang Ấn Độ; những đụng độ liên tiếp giữa các đội biên phòng của hai nước, và chính sách "tiến tới" (Forward Policy) của Ấn Độ thực hiện qua việc xây cất khoảng 60 tiền đồn trong đó 43 là ở phía bắc đường Mac Mahon, đối với Trung Quốc là bằng chứng của một mưu đồ bành trướng. Từ tháng 6.1962, các cuộc chạm súng leo thang thành chiến tranh thực thụ ngày 10.10.1962 khi quân đội Trung Quốc tràn sang Aksai Chin và Arunachal Pradesh, đánh bại các đội phòng vệ và tiến sâu vào lãnh thổ Ấn Độ. Cuộc chiến bất quân bình giữa bên Trung Quốc, đông đảo và dạn dày hơn, và bên Ấn ít kinh nghiệm và thiếu chuẩn bị, kết thúc chớp nhoáng, chỉ hơn một tháng sau, khi Trung Quốc tuyên bố chiến thắng và đơn phương ngừng bắn. Số tử trận và tù binh phía Trung Quốc không được thông báo còn phía Ấn Độ chết 1 383 người, bị bắt làm tù binh 3 968 người và mất tích 1 696 người. Chiến tranh chính thức chấm dứt khi Trung Quốc trả tù binh rồi rút về phía bên kia đường Mac Mahon. Một lý do tại sao Trung Quốc không "thừa thắng xông lên" mà tỏ ra rộng lượng biết điều là vì cùng lúc ấy, thế giới đang rúng động về vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba, khiến cuộc chiến tranh Ấn-Trung bị các nước Tây phương xem như một hành động gây hấn khác của khối Cộng sản. Tuy thắng thế dễ dàng nhưng Trung Quốc khôn ngoan hiểu là nên dừng lại ở đó và nhanh chóng giải quyết tranh chấp.

Cuộc chiến tranh biên giới đánh dấu một sự chuyển hướng triệt để trong đường lối ngoại giao và quân sự của Ấn Độ. Ông Nehru bị chỉ trích nặng nề là đã không đo lường được tình thế, chính sách hoà hảo với Trung Quốc và các lý thuyết sống chung hoà bình trên cơ sở bất bạo lực do ông đề xướng bị thực tế phủ nhận phũ phàng, và giấc mơ của ông xây dựng một trục Ấn Độ-Trung Quốc cùng nhau chế ngự châu Á tan như bong bóng. Ấn Độ rút ra cho mình bài học là phải xây dựng sức mạnh quân sự và tự bảo vệ nếu muốn có chỗ đứng trên thế giới, quay sang Liên Xô và bắt đầu ra sức trang bị vũ khí. Trung Quốc và Ấn Độ bước vào một thời kỳ lạnh nhạt và đối nghịch kéo dài cho đến cuối thập niên 1980.

Sự bại trận năm 1962 cũng là nỗi tủi hổ của người Ấn cho tới ngày nay và tiếp tục chi phối cái nhìn của Ấn Độ về Trung Quốc, nuôi dưỡng một tâm trạng phức tạp: mặc cảm, tự ái, nghi ngại và tị hiềm pha lẫn nể phục và thèm muốn. Nhiều nhà phân tích, kể cả người Ấn, nhận xét: "Trung Quốc là nỗi ám ảnh của Ấn Độ". Một ám ảnh đi đôi với một nỗi day dứt thường kỳ khác: được xem như một cường quốc, ít ra là trong khu vực, nếu không trên toàn thế giới. Đáp lại khát vọng này là thái độ kẻ cả, có khi khinh thường của Trung Quốc khiến cho Ấn Độ càng bức bối. Một thí dụ: khi ông Atal Bihari Vajpayee, lúc đó là bộ trưởng ngoại giao, đến thăm Trung Quốc tháng 2.1979, ông đã phải hấp tấp về sớm hơn một hôm vì Trung Quốc tấn công biên giới bắc của Việt Nam ngay lúc ấy và còn tuyên bố "sẽ cho Việt Nam một bài học như đã cho Ấn Độ một bài học năm 1962"! Một câu nói vừa gây căm phẫn trong dư luận Ấn Độ, vốn có nhiều cảm tình với Việt Nam và đã nhớ ngay đến kinh nghiệm của chính mình, vừa cho thấy Trung Quốc sẵn sàng "chơi cha" Ấn Độ, chả coi anh ta ra gì.

Cũng vì mong muốn xác định cương vị của mình trên thế giới nên Ấn Độ đòi hỏi tham gia Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách thành viên thường trực. Tuy Trung Quốc tuyên bố chính thức ủng hộ nguyện vọng này nhưng cho tới nay hồ sơ của Ấn Độ bị gắn liền với yêu cầu cùng mục đích của Nhật, mà Trung Quốc thì nhất định không cho Nhật tăng cường vai trò của mình, khiến Ấn Độ rất sốt ruột và bất bình.

Do đó không ngạc nhiên khi thấy đối với Ấn Độ, Trung Quốc là một sự nhức đầu kinh niên. Ngay cả việc chọn thái độ, cách đối xử với Trung Quốc cũng là một đề tài tranh cãi trong nội bộ Ấn Độ.

Chọn thế đứng trước con rồng

Theo vài nhà phân tích, ở Ấn Độ có ba cách cảm nhận và phản ứng trước sự vươn lên và sức mạnh của Trung Quốc: một là thán phục và khiếp sợ và do đó nghĩ rằng cần phải cầu an với Trung Quốc; hai là coi Trung Quốc như mối đe doạ nhưng trong tương lai xa, cho nên phải tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự của để giao lưu với Trung Quốc hầu kềm chế và cân bằng ảnh hưởng (check and balance), và ba là coi Trung Quốc như mối đe dọa lớn và ngay trước mắt, và vì thế phải đối xử như Trung Quốc đã đối xử với Ấn Độ: áp dụng chính sách ngăn cản và bao vây (containment–cum-encirclement).

Trường phái thứ nhất là nhóm lobby ủng hộ Trung Quốc: các đảng viên đảng cộng sản, trí thức thiên tả, một số nhà báo, những người chống chiến tranh, chống hạt nhân, chống Mỹ và những người lý tưởng. Ngoài ra còn có một số doanh nhân làm ăn với Trung Quốc và những người cảm thấy gần gũi với Trung Quốc về chính trị hay ý thức hệ. Có lẽ tiêu biểu cho nhóm này là quốc vụ khanh đặc trách thương mại Jairam Ramesh, người đã chế ra từ "Chindia" để miêu tả viễn tượng một sự hợp tác khăng khít giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trong dịp chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm Ấn Độ tháng 11.2006, ông Ramesh tuyên bố trước Hiệp hội các công nghiệp Ấn Độ: "Chúng ta có còn chạy đua gì nữa đâu. Họ đã ăn đứt chúng ta rồi".

Trường phái thứ ba là nhóm diều hâu chống Trung Quốc, qui tụ một số trí thức dân tộc chủ nghĩa cực đoan và giới lãnh đạo quân sự. Không ít người Ấn, ngay cả giới trẻ, hoặc có thành kiến hoặc không biết mấy gì về Trung Quốc. Đối với họ Trung Quốc là đồng nghĩa với chiếm đóng Tây Tạng, xâm lăng Ấn Độ năm 1962, đồng loã với kẻ thù truyền kiếp là Pakistan, mưu toan thôn tính nước họ.

Song đại đa số người Ấn thuộc vào trường phái thứ hai, họ là các viên chức nhà nước, đa số giới nhà báo và trí thức, các doanh nhân, và những người có cái nhìn thực tế và ôn hoà. Họ nhận thức được ảnh hưởng thuận lợi của các cải cách và bước tiến kinh tế của Trung Quốc trên châu Á và Ấn Độ nhưng cũng chia sẻ những quan tâm về chính sách quân sự của Trung Quốc. Họ hiểu là đối với Trung Quốc không thể cầu an mà cũng chẳng thể ngăn cản. Phần nào họ tiêu biểu cho thái độ chung của Ấn Độ trước Trung Quốc: hoan nghênh về kinh tế và băn khoăn về quốc phòng. Những thăng trầm trong quan hệ giữa hai nước là tuỳ theo khuynh hướng ngả về phía này hay phía kia, ưu tiên cho kinh tế hay ưu tiên cho quốc phòng.

Con voi, con rồng và thế giới còn lại

Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc tất nhiên không thể tách rời khỏi bối cảnh tình hình chung của thế giới và những quan hệ của mỗi bên với những nước khác. Sự cạnh tranh giữa họ không chỉ thể hiện trong mối bang giao trực tiếp mà còn tiềm tàng hay rõ nét trong các quan hệ khác, song phương hoặc đa phương, của mỗi nước, biến thành quan hệ tay ba: các quan hệ Mỹ-Trung, Nhật-Trung, Nga-Trung, chẳng hạn, đều có yếu tố Ấn Độ lấp ló đâu đó và ngược lại trong các quan hệ Mỹ-Ấn, Nhật-Ấn, Việt-Ấn, v.v., yếu tố Trung Quốc cũng không xa. Các quan hệ Mỹ-Trung-Ấn, Nga-Trung-Ấn, Nhật-Trung-Ấn dĩ nhiên rất quan trọng nhưng quá phức tạp để có thể đề cập trong phạm vi bài này. Ở đây, chỉ có thể nêu lên một vài điểm về ba địa bàn chính: vùng Nam Á và Đông Nam Á, là hai sân chơi truyền thống của Ấn Độ và Trung Quốc, và hai "trận địa" mới: miền Trung Á và châu Phi.

Hai điểm đáng được nêu lên trong bối cảnh chung các quan hệ tay ba của Ấn Độ và Trung Quốc: thứ nhất, ngay cả những lúc sát gần với Mỹ, Nga, Nhật hay nước khác hầu cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ cũng từ chối để nước ấy dùng mình như con bài chống lại Trung Quốc. Thứ nhì, Ấn Độ cũng như Trung Quốc đều muốn lấn sân chơi của nhau, và nếu mỗi bên tranh thủ được các "chư hầu" của bên kia thì chính vì cả hai đều bị chư hầu của mình cảm nhận như một thế lực đe doạ, cần phải có đối trọng.

Con rồng trong sân chơi của con voi

Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu tranh giành ảnh hưởng trong vùng Nam Á. Do vị trí địa lý của mình, Ấn Độ coi đây như sân chơi tự nhiên của mình và Trung Quốc chỉ là kẻ đứng ngoài. Song, sức mạnh và tầm vóc khổng lồ của Ấn Độ so với các nước nhỏ bé lân cận cũng làm họ e ngại và tìm cách tập hợp lại để có một hình thức đối trọng. Tổ chức Nam Á hợp tác khu vực (South Asian Association for Regional Coperation – SAARC) được thành lập ngày 8. 12.1985, qui tụ Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan, và Sri Lanka. Năm 2005, Afghanistan được mời tham gia theo đề nghị của Ấn Độ và chính thức là thành viên từ tháng 4.2007. Ngay từ đầu Trung Quốc chú ý đến SAARC và ngỏ ý muốn được có qui chế quan sát viên. Pakistan và Bangladesh ủng hộ, Ấn Độ không mặn mà lắm nhưng rồi cũng phải chấp thuận để Trung Quốc tham gia với tư cách quan sát viên cuốn năm 2005. Tuy SAARC chỉ còn là nơi gặp gỡ và trao đổi hàng năm giữa các nước thành viên, vì bị vô hiệu hoá bởi sự đối nghịch giữa Ấn Độ và Pakistan, nhưng đối với Trung Quốc điều quan trọng là khẳng định sự hiện diện của mình trong khu vực và ảnh hưởng lên các nước Nam Á. Cùng lúc với các đầu tư của Trung Quốc ở Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Nepal, thương mại của Trung Quốc với các nước ấy cũng phát triển, và đạt 20 tỉ USD năm 2005, tương đương với thương mại giữa Ấn Độ và họ. Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka cũng ký kết với Trung Quốc những hiệp định hợp tác quốc phòng và chiến lược.

Song mối liên hệ giữa Trung Quốc và Myanmar mới làm Ấn Độ quan tâm nhất. Sau thời Mao, Trung Quốc bắt đầu sát gần lại với Myanmar, hai nước chính thức viếng thăm nhau, Ne Win đến Bắc Kinh tháng 4.1977 và Đặng Tiểu Bình đến Yangon tháng 1.1978. Myanmar cũng rút khỏi phong trào không liên kết tháng 9.1979, với lý do phong trào này ngày càng ngả về Liên Xô. Về mặt chiến lược, điều này có lợi cho Trung Quốc. Cùng lúc, quan hệ giữa Ấn Độ và Myanmar xấu đi, nhất là khi Ấn Độ ủng hộ sự can thiệp của Việt Nam vào Kampuchia năm 1979, trong khi Myanmar và Trung Quốc ủng hộ Khờ Me đỏ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường quan hệ với Myanmar: tân trang các cảng quân sự, giúp Myanmar lập căn cứ hải quân trên đảo Hianggyi và các đảo Coco, gần các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, và tại cảng Thiwala ở châu thổ sông Irrawaddy. Đáp lại, Yangon cho phép hải quân Trung Quốc xây dựng hệ thống Signal Intelligence (SIGINT) trên đảo Great Coco, chỉ cách Andaman vài dặm để kiểm soát tàu bè qua lại trong eo biển Malacca. Các hệ thống SIGINT và radar ở đấy cũng cho phép Trung Quốc theo dõi các hoạt động hàng hải và thử nghiệm tên lửa của Ấn Độ ở bờ biển phía Tây. Ngoài ra, Trung Quốc xây một con đường nối Yangon với miền nam Vân Nam, mở ra cho mình một con đường bộ trực tiếp đến Vịnh Bengal. Về mặt chiến lược, như thế Myanmar đã nới rộng vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trung Quốc càng có mặt ở Myanmar và Nam Á, Ấn Độ càng lo và sự quan tâm này cũng đuợc các nước ASEAN chia sẻ. Trong thời buổi toàn cầu hoá, việc kết bạn tránh thù trên các đường hàng hải là tất yếu, không chỉ để bảo đảm thương mại mà còn để cùng ngăn ngừa các hoạt động buôn lậu, cướp biển hay buôn bán vũ khí, ma tuý. Đó là lý do chính ASEAN đồng ý cho Myanmar gia nhập năm 1997, để chặn bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong cùng mục đích, Ấn Độ cũng xích lại gẩn Myanmar: năm 1992, Ấn Độ quyết định áp dụng đường lối "giao lưu xây dựng" của ASEAN đối với chính quyền quân phiệt ở Yangon, không chống lại việc Myanmar xin trở lại phong trào không liên kết, và nhất là ký với Myanmar năm 2002 một dự án quan trọng nhằm xây một con đường xuyên qua Myanmar, nối liền Ấn Độ bằng đường bộ đến Thái Lan,và qua đó đến cả vùng biển Đông. Ngoài con đường dài 1 400 cây số này, Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan còn có nhiều dự án khác, như xây cảng sâu ở Dawei ở Myanmar để phục vụ cả ba nước.

Myanmar là một thí dụ cụ thể của chiến lược cân bằng: Trung Quốc xây cảng ở Thiwala thì Ấn Độ xây cảng ở Dawei. Trung Quốc xây đường để đâm thẳng ra Ấn Độ Dương ư ? Ấn Độ cũng xây đường để đâm thẳng ra biển Đông, tức Nam Trung Quốc Hải như theo tên gọi quốc tế, một vùng Trung Quốc coi như sân chơi riêng của mình.

Con voi trong sân chơi của con rồng

Các nước Nam Á e ngại Ấn Độ bao nhiêu thì các nước Đông Nam Á cũng gờm Trung Quốc bấy nhiêu, nếu không muốn nói là còn hơn thế. Do đó, khi Ấn Độ khởi đầu chiến lược "Hướng Đông" (Look East Strategy) năm 1992 vừa để phát triển quan hệ kinh tế với Đông Nam Á, vừa để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng, họ sẵn sàng chào đón, nhất là từ khi Ấn Độ vươn lên vị trí một cường quốc kinh tế và quân sự. Ấn Độ đến với ASEAN cũng như Trung Quốc đến với SAARC, vì những động cơ kinh tế và chiến lược. Về mặt kinh tế, tất nhiên Ấn Độ không thể so sánh với Trung Quốc: cuối năm 2005, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 130,4 tỉ USD trong khi con số tương đương của Ấn Độ chỉ là 18 tỉ, tuy là theo dự kiến sẽ tăng lên 30 tỉ năm 2007. Về mặt chiến lược, Ấn Độ khai thác sự nghi ngại cố hữu của các nước Đông Nam Á trước sức mạnh ngày càng lớn, sự tăng cường quân sự và những ý đồ bành trướng không che dấu của Trung Quốc. Nhiều nước trong vùng, đặc biệt là Indonesia, Phi Luật Tân và Việt Nam, vẫn còn tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Khác với những xung đột giữa Ấn Độ và các nước Nam Á, xoay quanh các biên giới trên đất liền, sự tranh chấp giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc liên quan đến lãnh hải, như vấn đề Trường Sa và Hoàng sa trong trường hợp Việt Nam, nên còn lồng thêm yếu tố chiến lược hàng hải đã nêu trên.

Cho đến đầu thập niên 1990, Ấn Độ và các nước ASEAN đối nghịch nhau trên nhiều điểm: quan hệ mật thiết với Liên Xô, việc Ấn Độ ủng hộ Việt Nam can thiệp ở Kampuchia tháng 12.1978 và Liên Xô đem quân vào Afghanistan tháng 12.1979, đều làm ASEAN bất bình. Song, từ sau khi Việt Nam rút quân khỏi Kampuchia và chiến tranh lạnh nói chung chấm dứt, không khí giữa Ấn Độ và ASEAN hoà dịu hơn. Cùng lúc, sự chuyển biến của tương quan lực lượng giữa các cường quốc cũng làm các nước Đông Nam Á lo âu: Liên Xô tan rã, Mỹ chuyển trọng tâm sang vùng khác, cục diện chiến lược trong vùng thay đổi, ai sẽ nhảy ra lấp chỗ trống và chiếm ưu thế? Diễn đàn khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum – ARF) được thành lập năm 1994, qui tụ 10 nước ASEAN và một số đối tác khác, như một phản ứng trước tình thế này. Một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore, quan niệm cách tốt nhất để bảo vệ an ninh trong khu vực là khuyến khích các cường quốc tham gia tích cực để họ cân bằng nhau và không ai nổi trội quá. Diễn đàn ARF phục vụ cho mục đích đó. Năm 1996, Ấn Độ gia nhập ARF, sau khi đã được qui chế "đối tác đối thoại bộ phận" (sectoral dialogue partner) năm 1992 rồi "nâng cấp" lên "đối tác đối thoại toàn diện" (full dialogue partner) năm 1995, cho thấy quá trình sát gần rất nhanh của Ấn Độ và ASEAN. Gia nhập ARF, Ấn Độ gặp lại Trung Quốc, Mỹ, Nga, Liên hiệp châu Âu, đã tham gia ARF từ đầu với qui chế đối tác đối thoại, khẳng định chỗ đứng của mình giữa các cường quốc và như thầm bảo với Trung Quốc "ở đâu có anh, ở đó có tôi!".

Quan hệ Ấn Độ-ASEAN ngày càng khắng khít, với những buổi họp thượng đỉnh hàng năm giữa hai bên. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký kết một hiệp định hợp tác kinh tế khung, bước đầu xây dựng một vùng tự do thương mại (FTA) cho năm 2010, thì Ấn Độ cũng ký với ASEAN cuối năm 2003 một hiệp ước khung để xây dựng một vùng FTA cho năm 2011.

Trong khuôn khổ chiến lược Hướng Đông, Ấn Độ cũng đề nghị thành lập một diễn đàn chung của các nước ven sông Cửu Long. Diễn đàn Hợp Tác Cửu Long-Ganga (Mekong – Ganga Cooperation Forum – MGC) được sáu nước Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam, Lào, Căm Bốt và Thái Lan thông qua tại hội nghị ASEAN họp ở Bangkok tháng 7.2000 và ra đời với bản Tuyên bố Vientiane ngày 10.11.2000. Trước mắt, các nước tham gia sẽ hợp tác về du lịch, văn hóa và giáo dục, sau đó trong các lãnh vực giao thông, truyền thông và hạ tầng cơ sở. Đối với Ấn Độ, một lợi ích của MGC là tạo liên hệ giữa vùng Đông Bắc của Ấn Độ còn kém phát triển và các nước ven sông Cửu Long. Nhưng quan trọng nhất là các nước này là cửa ngõ đến với cả vùng Thái Bình Dương. Do đó không ngạc nhiên khi vài tháng trước khi bản Tuyên bố Vientiane được ký kết, Trung Quốc cũng ký tháng 4.2000 với Lào, Thái Lan và Myanmar một "Thỏa hiệp thủy vận trên sông Lan Thương-Cửu Long". Việt Nam, Căm Bốt và Ấn Độ không được mời tham gia. Trung Quốc cũng quan tâm như Ấn Độ đến sự phát triển của vùng lưu vực sông Cửu Long. Hơn thế nữa, vì ở thượng nguồn của con sông (gọi là Lancang tức Lan Thương), Trung Quốc coi cả vùng này như sân sau của mình.

Ở đây có thể nói thêm riêng về quan hệ Ấn-Việt, một trong những yếu tố quan trọng của chiến lược cân bằng ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Trung Quốc.

Con voi và con rồng (con) Việt Nam

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã quá rõ không cần phải nhắc lại ở đây, song yếu tố Việt Nam trong sự tranh đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng đáng nêu lên.
Quan hệ Ấn-Việt đã có những năm 1950, đảng Quốc đại (Congress Party) nắm quyền khi Ấn Độ giành độc lập dần dà hình thành một chính sách ngoại giao chủ trương chống lại chủ nghĩa đế quốc, kinh tế và chính trị, ở mọi nơi và do đó ngay từ đầu đã có thiện cảm với Việt Nam. Tuy nhiên sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Việt Minh không đi xa hơn các lời tuyên bố. Bằng việc mời hai phái đoàn từ Đông Dương sang dự Hội nghị quan hệ châu Á (Asian Relations Conference) tổ chức tại New Delhi tháng 4.1947, ông Nehru đã kín đáo phủ nhận khẳng định của ông Hồ Chí Minh là ông đại diện cho tất cả những người Việt Nam. Ấn Độ không chính thức công nhận chính quyền nào ở Đông Dương và giữ thái độ dè dặt vì chủ trương không liên kết với khối nào. Nhưng trước sự quốc tế hóa của cuộc chiến, Ấn Độ bỏ thế trung lập để tích cực vận động hoà bình. Ấn Độ không chính thức tham dự Hội nghị Genève về Đông Dương, họp từ 9.5 đến 21.7.1954, vì sự chống đối của Mỹ nhưng tích cực trong hậu trường đến nỗi thủ tướng Pháp Pierre Mendès-France nói "hội nghị 10 nước này – 9 tại bàn họp cộng với Ấn Độ...". Ấn Độ cũng tự hào là các hiệp định Genève lấy lại các nguyên tắc của Panchsheel: độc lập, trung lập, và không can thiệp từ bên ngoài. Hiệp định Genève vì thế phải thành công vì nếu không Panchsheel và ý đồ xây dựng một vùng hoà bình ở châu Á cũng sẽ thất bại. Ấn Độ cũng coi đây như một thành công vẻ vang của đường lối ngoại giao của mình vì từ một nước phải đứng chầu rìa ở hội nghị đã trở thành nhân vật chủ chốt trong việc thi hành hiệp định. Một Ủy ban kiểm soát đình chiến (International Control Commission – ICC) được thành lập năm 1954, gồm 4 nước, Hungary và Ba Lan (đại diện cho khối xã hội chủ nghĩa), Canada và Indonesia (đại diện cho các nước chống cộng), dưới quyền chủ toạ của Ấn Độ. Nhiệm vụ của Uỷ ban là giám sát sự thi hành hiệp định và báo cáo những vi phạm qui định ngừng bắn.

Ủy ban ICC trên nguyên tắc là trung lập nhưng cũng ngả về bên này hay bên kia tuỳ thời điểm. Từ 1954 đến 1959 (những năm Ấn Độ và Trung Quốc còn vui vẻ với nhau), ICC khiển trách Sài Gòn nhiều hơn Hà Nội rất nhiều: chẳng hạn từ ngày 11.8.1954 đến 31.1.1959, phái đoàn Ấn Độ chủ trì các buổi họp biểu quyết thuận lợi cho Bắc Việt trong 72% trường hợp. Ngoài khuôn khổ ICC, quan hệ của Ấn Độ với hai miền cũng rất khác nhau. Ngày 14.10.1954, ông Nehru viếng thăm Hà Nội, gặp gỡ ông Hồ Chí Minh trong không khí hồ hởi. Hai tuần sau, khi ông đến Sàigòn, đón tiếp ông là những đoàn biểu tình chống lại chính sách sống chung hoà bình. Ngày kỷ niệm một năm ký kết hiệp định Genève trở thành "ngày quốc nhục" ở Nam Việt, dân chúng tấn công vào trụ sở ICC và hành hung các nhân viên, nhất là những người Ấn và Ba Lan, khiến dư luận ở Ấn Độ rất phẫn nộ.

Từ 1959 trở đi, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc ngày càng xấu đi, và khuynh hướng biểu quyết tại ICC cũng đảo ngược. Sau cuộc chiến tranh biên giới 1962, mọi hoạt động của Ấn Độ tại ICC đều bị chi phối bởi sự xung đột với Trung Quốc. Trong thời điểm ấy, đường lối của Ấn Độ cũng xê dịch tuỳ theo những lúc sát gần lại với Liên Xô (nguồn cung cấp vũ khí) hay cần phải gượng nhẹ với Mỹ vì cần viện trợ trong những năm đói kém. Song từ năm 1971 trở đi, Ấn Độ ngả hẳn sang phía Liên Xô, nhất là sau khi tổng thống Nixon đến thăm Trung Quốc, và cũng chỉ trích quyết liệt hơn sự tham chiến của Mỹ. Tháng 1.1972, New Delhi và Hà Nội nâng cấp quan hệ ngoại giao của mình lên hàng đại sứ, trong khi Ấn Độ vẫn giữ quan hệ với Sàigòn ở mức lãnh sự. Phản ứng của miền Nam rất dữ dội: biểu tình, đập phá trụ sở, chính quyền Sài gòn từ chối gia hạn chiếu khán của phái đoàn Ấn Độ. Hai ngày trước khi chiếu khán hết hiệu lực, Ủy ban ICC nhất trí quyết định dời phái đoàn Ấn Độ (tức là kể cả chủ tịch và tổng thư ký) ra Hà Nội. Một uỷ ban ICC thứ nhì, gọi là ICCS (International Commission of Control and Supervision) được thành lập năm 1973, không có Ấn Độ.

Ấn Độ chào mừng các hiệp định Paris năm 1973, hoan nghênh Mỹ rút quân sau đó, và càng bày tỏ vui mừng trước chiến thắng của miền Bắc năm 1975. Từ đó đến nay, quan hệ Ấn-Việt càng thân tình nhất là vì Ấn Độ luôn luôn ủng hộ Việt Nam trong những lúc Hà Nội và Bắc Kinh căng thẳng, như khi Việt Nam can thiệp vào Kampuchia. Từ khi hoà nhập thế giới và phát triển mạnh mẽ, Việt Nam lại càng là một nước bạn đáng trân trọng đối với Ấn Độ. Quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển nhanh, nhất là trong những năm gần đây, từ chỉ 72 triệu USD năm 1995 lên hơn 1 tỉ USD năm 2006, và Ấn Độ là nước thứ 10 đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Tháng 10.2004, hai nước tổ chức trọng thể kỷ niệm 50 năm ngày gặp gỡ giữa ông Nehru và ông Hồ Chí Minh. Đầu tháng 7 vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm chính thức Ấn Độ cùng với một đoàn doanh nhân, ký kết 8 văn kiện hợp tác trong nhiều lãnh vực: vận tải đường biển, năng lượng hạt nhân, trao đổi văn hoá và giáo dục, nông nghiệp và hải thuỷ sản. Hai bên thoả thuận tăng cường hợp tác trong lãnh vực an ninh quốc phòng, chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, "đưa quan hệ hữu nghị truyền thống lên một tầm cao mới".

Ngoài hai địa bàn truyền thống là Nam Á và Đông Nam Á, sự tan rã của Liên Xô cũng mở ra cho Ấn Độ và Trung Quốc một "trận địa" mới để cạnh tranh.

Con voi và con rồng trong sân chơi của con gấu
Miền Trung Á, giàu có tài nguyên và nguồn năng lượng, rất hấp dẫn đối với cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc. Ở đây Ấn Độ có lợi thế: các nước Trung Á, sau khi thoát khỏi bàn tay lông lá của con gấu Nga, chấp nhận Trung Quốc như một thế lực đối trọng nhưng cũng gờm các "thành tích" chiếm đóng Tây Tạng và Tân Cương của Bắc Kinh. Họ thấy Ấn Độ, với truyền thống không liên kết, là một đối tác ít vấn đề hơn và uy thế ngày càng tăng của Ấn Độ cũng cho phép cân bằng ảnh hưởng của cả Nga lẫn Trung Quốc. Mặt khác, họ chia sẻ những yếu tố địa lý, tiếng nói, đạo giáo, văn hoá và cả giống nòi của các cộng đồng hồi giáo Uyghur và Kazakh ở Tân Cương, vẫn tiếp tục bị Bắc Kinh đàn áp. Trong khi đó, Ấn Độ còn được thiện cảm của họ vì là đồng minh của Afghanistan chống lại các Taliban (được Pakistan giúp đỡ) và đã giới thiệu nước này vào SAARC.

Để đối lại lợi thế của Ấn Độ, Trung Quốc xây trong vùng Baluchistan một cảng ở Gwadar, ven biển Ả Rập, giúp phương tiện giao thông cho các nước không có đường ra biển, kể cả Afghanistan. Ấn Độ trả đũa bằng cách xây cảng Chahbahar ở Iran để Afghanistan và các nước Trung Á có một hành lang hàng hải đến Vịnh Persia.

Trò chơi tấn công/phản công này còn vui hơn khi có Nga tham gia. Để loại các nước khác khỏi vùng Trung Á, Trung Quốc thành lập tháng 6.2001 Tổ chức hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO), với sự tham gia của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Nga. Không hài lòng lắm khi thấy Trung Quốc lấn sân của mình, tháng 5.2005, Nga mời Ấn Độ tham gia SCO với tư cách quan sát viên. Ngay lập tức, Trung Quốc kết nạp Pakistan làm quan sát viên, và bồi thêm một cú nữa, kéo luôn cả Iran vào để "quậy" còn xa hơn cả vùng Trung Á!

Song đối với Trung Quốc và Ấn Độ, nơi quan trọng nhất, cần phải tranh thủ và kéo vể phần mình nhất, ở xa hơn một chút nữa: châu Phi.

Khi con voi và con rồng đi safari
Châu Phi là nơi thể hiện rõ nhất xu thế tiến đến một thế giới đa cực trong đó một cực mới, Trung Quốc, đã bắt đầu thay thế các cường quốc truyền thống trong vai trò kinh tế và ảnh hưởng chính trị.

Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đã có từ lâu lắm, theo sách vở từ thế kỷ 6, khi các nhà buôn Ả Rập đưa nô lệ da đen đến bán tại Quảng Đông. Từ thế kỷ 12 trở đi đã có những người từ các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến đến lập nghiệp ven bờ biển phía Đông của châu Phi. Trong thời nhà Minh, đô đốc thái giám Zheng He (Trịnh Hoà), sau các cuộc thám hiểm năm 1413-1415, đem về Trung Quốc, ngoài nô lệ, các con thú lạ như hươu cao cổ và ngựa vằn. Nhưng phải đợi đến sau khi đảng cộng sản lên nắm chính quyền mới thật sự có bang giao giữa Trung Quốc và châu Phi. Mao Trạch Đông đứng lên hô hào ủng hộ thế giới thứ ba ở châu Phi sau thời thuộc địa, nhân danh phong trào không liên kết để cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Xô. Đó là thời điểm Chu Ân Lai đưa khẩu hiệu "đoàn kết Á-Phi chống lại chủ nghĩa đế quốc". Trung Quốc đưa sang châu Phi hàng ngàn bác sĩ, đón nhận sinh viên Phi, xây dựng hệ thống đường sắt dài 1 860 cấy số nối liền thủ đô Lusaka của Zambia với cảng Dar-es-Salaam của Tanzania. Trong những năm sau đó, châu Phi là nơi tranh đua với Liên Xô, nhất là từ sau chuyến đi của Nixon đến Bắc Kinh năm 1972 mở đầu một giai đoạn hoà dịu với Mỹ, cho phép Trung Quốc rảnh tay tăng cường quan hệ kinh tế với châu Phi.

Trong thời của Đặng Tiểu Bình và sau đó, Trung Quốc tập trung phát triển nội lực, quan hệ với châu Phi phần nào khựng lại. Song sự tan rã của khối Đông Âu và Liên Xô và sự tăng trưởng vũ bão của nền kinh tế Trung Quốc mở ra một thời kỳ mới. Châu Phi không còn chỉ là một mục tiêu địa lý chính trị mà là một kho tài nguyên khổng lồ cho cơn khát nguyên liệu và năng lượng của Trung Quốc. Quan hệ thương mại tăng rất nhanh: chỉ trong hơn 10 năm, các trao đổi hàng hoá giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng gấp 17 lần, từ 3 tỉ USD năm 1995 lên đến hơn 50 tỉ USD năm 2006 và theo tuyên bố của thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ đạt 100 tỉ USD năm 2010. Châu Phi cung cấp 30% lượng dầu hỏa nhập vào Trung Quốc, với 38,4 triệu tấn dầu năm 2005, tức khoảng 771 000 thùng một ngày. Sức nặng của Trung Quốc trong nền kinh tế của nhiều nước rất đáng kể: 70% số lượng dầu sản xuất tại Sudan là dành cho Trung Quốc, so với khoảng 10% năm 1995. Từ một con số gần với số không năm 1995, xuất khẩu của Burkina sang Trung Quốc, chủ yếu là sợi bông, hiện chiếm một phần ba tổng số xuất khẩu của nước này. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu thứ nhì của Angola, sau Mỹ.

Bị chỉ trích, nhất là từ phía Tây phương, là chỉ muốn lợi dụng châu Phi như một nguồn tài nguyên dồi dào và một thị trường to lớn để xuất khẩu ồ ạt hàng hoá của mình, Trung Quốc khẳng định là không hề có thái độ hay mưu đồ đế quốc hay thực dân mới gì, mà xây dựng mọi quan hệ trên cơ sở hai bên cùng có lợi, không can thiệp vào nội bộ nhau, để cùng phát triển. Trong chuyến đi thăm nhiều nhiều nước châu Phi tháng 2 năm nay, ông Hồ Cẩm Đào cũng trấn an: "Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ áp đặt ý chí của mình hay những cách làm bất công lên các nước khác" và nhắc lại là những hợp tác, giúp đỡ của Trung Quốc là vô điều kiện và tôn trọng độc lập chủ quyền của các nước khác. Ông quên không nói là muốn được gì của Trung Quốc đều phải tuân theo một điều kiện: cắt đứt liên hệ ngoại giao với Taiwan!

Trong ba ngày 3 -5.11.2006, Trung Quốc tổ chức trọng thể "Diễn đàn hợp tác Trung-Phi" (Forum on China-Africa Cooperation) với sự tham dự của 48 trên 53 nước châu Phi, 5 nước kia là những nước cuối cùng ở châu Phi còn công nhận Taiwan - Burkina Faso, Gambia, Malawi, Sao Tome-and-Principe và Swaziland – không tham dự tuy cũng được mời. Con số 48 nước này đủ cho thấy vai trò và ảnh hưởng ngày càng nổi trội của Bắc Kinh trên lục địa, so sánh với lèo tèo 17 nước châu Phi tham dự các "Ngày châu Âu cho phát triển" (European Development Days) tổ chức tại Bruxelles hai tuần sau đó, từ 13 đến 17.11.2006. Về nội dung, sự so sánh cũng rõ ràng thuận lợi cho Trung Quốc: trong khi, như các hội nghị thượng đỉnh Âu-Phi khác, cuộc hội họp ở Bruxelles chỉ kết thúc bằng những câu tuyên bố rầm rộ, những lời hứa suông hoặc kèm theo những điều kiện khó khăn đụng chạm đến quyền tự chủ của các nước châu Phi, ở Bắc Kinh các nước ra về với kết quả cụ thể. Các doanh nghiệp Trung Quốc và Phi châu ký kết 16 thoả thuận, trị giá tổng cộng 1,9 tỉ USD, trong đó có các dự án xây dựng hế thống điện thoại cho nông thôn ở Ghana, xây dựng nhà máy aluminium ở Egypt và xa lộ ở Nigeria. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng tuyên bố nhân đôi viện trợ cho châu Phi từ nay đến 2009, cho vay 5 tỉ USD với điều kiện ưu đãi trong ba năm sắp đến, và xoá nợ cho các nước nghèo nhất. Trung quốc cũng hứa đào tạo 15 000 chuyên gia Phi và thành lập 10 trung tâm kỹ thuật trong lãnh vực nông nghiệp, xây 30 bệnh viện và thành lập một quỹ bài trừ bệnh sốt rét với ngân sách khoảng 25 triệu USD.

Song diễn đàn này thật ra không phải là một buổi họp thượng đỉnh ở cấp lục địa mà là một số gặp gỡ riêng giữa Trung Quốc và các nước này. Theo đúng truyền thống của Trung Quốc, ưu tiên cho quan hệ tay đôi để khai thác tối đa vị thế của mình, mọi thương thuyết bàn bạc đều ở mức song phương và hoàn toàn không trong suốt, không nước nào được Trung Quốc cho biết đã đồng ý với các nước kia những gì, với điều kiện ra sao. Các con số của ông Hồ cẩm Đào đưa ra đều là những tổng số và không cho thấy rõ chia cụ thể ra sao, và những nước nào được hưởng.

Tuy thế, những hào phóng này cũng đủ để nhiều nước châu Phi đặt mọi kỳ vọng vào Trung Quốc. Nhiều lãnh tụ Phi tuyên bố Trung Quốc mới là mô hình phát triển lý tưởng và thích hợp với họ, thay vì những nguyên tắc các nước Tây phương, đặc biệt Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, đã áp đặt lên họ lâu nay. Họ so sánh cách làm thực tiễn của Trung Quốc, quyết định nhanh, thực hiện ngay, không bắt bẻ rắc rối, với thái độ kẻ cả, lên lớp dạy đời của các chính khách và chuyên gia Tây phương, những tính toán chi li, đòi hỏi về tôn trọng nhân quyền, chống tham nhũng, quản trị tốt (good governance) v.v. họ phải chấp nhận trước khi có được cứu trợ hay tín dụng được từ Tây phương. Họ sẵn sàng thay thế "Đồng thuận Washington" (Washington Consensus) bằng một "đồng thuận Bắc Kinh"!

Cũng vì thế mà các nước Tây phương và các tổ chức như Ngân hàng Thế giới chỉ trích cách làm của Trung Quốc ở châu Phi và báo động về những hậu quả có thể rất tai hại lên nền kinh tế các nước này. Họ trách Trung Quốc vô trách nhiệm khi cho vay dễ dãi để các nước châu Phi tha hồ nhập khẩu (hàng Trung Quốc) và trả lại bằng dầu, khiến một số nước còn quen lãng phí, quản lý tồi, sẽ bị đè bẹp trở lại bởi những món nợ họ không có khả năng chi trả. Những nỗ lực để giúp các nước nghèo thoát khỏi vòng nợ nần làm họ kiệt quệ như thế sẽ thành công cốc. Trung Quốc cũng cho vay với thế chân là tài nguyên, ngược lại với luật lệ quốc tế. Và nhất là khi núp sau khẩu hiệu "không can thiệp vào nội bộ nước khác", Trung quốc bất chấp mọi nguyên tắc, mọi cố gắng của cộng đồng quốc tế để trong sạch hoá môi trường quốc tế và bảo vệ nhân quyền. Những chế độ độc tài và dã man như Sudan, thối nát và bất tài như Zimbabwe, nhờ Trung Quốc vẫn tồn tại và giữ được một cái thế bề ngoài.

Ngoài những quan tâm chính đáng vừa nêu, phản ứng của các nước Tây phương và các tổ chức quốc tế lớn ấy cũng thể hiện một sự lo âu trước viễn tượng ngày càng lu mờ và yếu thế trên một địa bàn vốn là sân chơi riêng của mình. Đây có thể là một ưu điểm cho Ấn Độ, còn hiện diện một cách kín đáo ở châu Phi, nên có thể lẳng lặng tăng cường các hoạt động và mối quan hệ mà ít ai để ý đến. Với thị phần còn thấp, tham vọng ít lộ liễu hơn, và uy tín của một nước dám đối đầu, mặc cả tay đôi với các cường quốc thương mại ở WTO, Ấn Độ cũng có vẻ là một đối tác dễ chịu hơn. So với Trung Quốc, quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và châu Phi còn rất khiêm tốn , tổng số nhập và xuất khẩu chỉ đạt 11,6 tỉ USD năm 2005 (Trung Quốc là 39,8 tỉ), nhưng cũng đã tăng lên so với con số 7,7 tỉ năm 1995, tuy rằng tăng chậm hơn Trung Quốc rất nhiều.

Cũng như Trung Quốc, Ấn Độ đến với châu Phi trước tiên là vì dầu hoả. Công ti quốc doanh Oil and Natural Gas Company (ONGC) đã ký kết trong những năm gần đây nhiều hợp đồng thăm dò mỏ dầu và dự án năng lượng khác tại Nigeria và Sudan. Các công ti khác như Indian Oil Corporation (IOC) và National Thermal Power Corporation (NTPC) cũng đầu tư vào các dự án thăm dò và lọc dầu ở Nigeria, Sudan và Côte d'Ivoire. Ngoài dầu hoả, Ấn Độ cũng chú ý đến các tài nguyên khác: các công ti Vendanta Resources đầu tư 750 triệu USD trong một dự án khai thác chì, Arcelor Mittal đầu tư 900 triệu USD vào một dự án quản lý hầm mỏ quặng sắt ở Liberia và 30 triệu USD vào một nhà máy luyện thép.

Các công ti Ấn Độ cũng tham gia đấu thầu các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, cung cấp trang thiết bị, xây đường xá, đường sắt, và mạng lưới điện. Nhưng điểm mạnh nhất của Ấn Độ là đào tạo kỹ thuật và cung cấp dược phẩm. Châu Phi là nơi có số người bị HIV/AIDS cao nhất thế giới không kể rất nhiều người mắc các bệnh truyền nhiễm khác, các công ti dược phẩm lớn của Ấn Độ có ở đây một thị trường lớn cho các thuốc chủng loại (generic) là sở trường của họ, để cạnh tranh với các đại công ti Tây phương, và những khả năng hợp tác nghiên cứu để chế tạo vacxin và tìm ra các phát minh khác.

Tuy còn bị Trung quốc bỏ xa trên địa bàn này, nhưng vì nhắm cùng mục đích, với cùng đối tượng, để giành cho mình quyền lợi giống nhau, đến lúc nào đó Ấn Độ và Trung quốc cũng sẽ đụng độ nhau như ở các địa bàn khác.

Tạm kết luận

Tuy Trung quốc và Ấn Độ đang ở trong một chu kỳ giao hảo và hợp tác nhiều hơn là đối đầu, nhưng qua phân tích ở trên, có thể nghĩ rằng sự tranh đua giữa hai nước là điều tất yếu, thậm chí thuộc về bản chất của quan hệ giữa họ. Tuy họ nhận thức rất rõ tại sao họ nên chung sức, ở đâu và thế nào, để lớn mạnh hơn nữa, song tham vọng của mỗi bên, di sản phức tạp và nặng nề của quá khứ, và cả những yếu tố tâm lý, mặc cảm tự tôn của bên này và tự ti của bên kia, khiến cho quan hệ của họ vẫn bị vẩn đục bởi tính toán và ngờ vực. Một điều chắc chắn là diễn tiến của quan hệ này, tất nhiên với sự tác động của các mối quan hệ với và giữa các nước khác, sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện châu Á và phần nào của cả thế giới.

Đỗ Tuyết Khanh
Tháng 7.2007

Tham khảo
Batabyal,Anindya, "Balancing China in Asia: A Realist Assessment of India's Look East Strategy", China Report, 2006.

Bộ ngoại giao Việt Nam, "Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ lên tầm cao mới", 12.7.2007, http://www.mofa.gov.vn

Gnesotto, Nicole and Grevi, Giovanni (eds), "The New Global Puzzle, What World for the EU in 2025?", Institute for Security (ISS), www.iss.europa.eu, Paris 2006.

Guihong, Zhang, "Sino-Indian Security Relations: Bilateral Issues, External Factors and Regional Implications", South Asian Survey, 2005.

Guihong, Zhang, "The Rise of China: India's Perceptions and Responses, South Asian Survey, 2006.

Higueras, Georgina, "India reta a China – Dos modelos de desarollo diferentes para un propósito común: convertirse en las superpotencias del siglo XXI", El Pais, 23.4.2006.

Hong, Zhao, "India and China: Rivals or Partners in Southeast Asia? " Contemporary South East Asia, vol. 29, No 1, 2007.

Kochak, Anjani K., "Development Indices: A Comparative Study of India and China", China Report, 2006.

Malik, J. Mohan, "China-India Relations in the Post-Soviet Era: The Continuing Rivalry", The China Quaterly, 1995.

Mwega, Francis M., "China, India and Africa: Prospects and Challenges", paper presented at the AERC-AFDB International Conference on Accelerating Africa’s Development Five Years into the Twenty-First Century, November 22-24, 2006, Tunis, Tunisia.

Naidu, Sanusha, "India's African Relations: Playing Catch-up with the Dragon", www.globalization-africa.org/papers/84.pdf

Nanga, Jean, "L'Afrique à l'heure du Forum social", Inprecor, décembre 2006-janvier 2007.

Niazi,Tarique, "Sino-Indian Rivalry for Pan-Asian Leadership", China Brief, Vol.6, No.4, 15.2.2006

Saint-Mezard, Isabelle, "Les relations sino-indiennes depuis la fin des années 1990: entre coopération et rivalité en Asie", 2003, www.reseau-asie.com

Sekhar, D.Varaprasad, "Science and Technology Cooperation between India and China", International Studies, 2005.

Thakur, Ramesh, "India's Vietnam Policy, 1946-1979", Asian Survey, vol. 19, No 10, 1979.

United Nations Development Programme, Human Development Report 2006, New York 2006.

Winters, L. Alan and Yusuf, Shahid (eds) , "Dancing with Giants - China, India and the Global Economy", copublication of the World Bank and the Institute of Poliy Studies (Singapore), 2007.

World Trade Organization, International Trade Statistics 2006, Geneva, 2006.

Yuan, Jing-Dong, "Building Trust between Asia's Rising Powers: Sino-Indian Relations after Hu's Visit", www.cap.lmu.de/download/2006/2006_Yuan.pdf.

Và các bản tin của AsiaTimes Online, BBC News, Bloomberg, DailyIndia.com, The International Herald Tribune, Les Echos, The Economist, The Financial Times, Khaleej Times.com, The Hindu, The Indian Express, el Pais, People's Daily Online, Le Monde, Le Temps, La Tribune, The Wall Street Journal, Washingtonpost.com, Xinhua News Agency, v.v.

Thời Đại Mới

12 THÁNG ANH ĐI