21 thg 4, 2009

30 Tháng 4, Bất Hạnh Cuối Cùng Của Chiến Tuyến Chống Cộng Miền Nam

Hồng Lĩnh
Hàng năm vào cuối tháng Tư, mỗi khi lật lại trang sử đấu tranh chống Cộng của người dân Miền Nam Việt Nam, ta không khỏi uất ức, căm hận trước sự thật tàn nhẫn đã bóp chết nền Cộng Hòa còn non trẻ của miền Nam Việt Nam! Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người lúc đó đang đương cự trong thế một mất một còn với Cộng Sản Việt Nam, đã gục ngã do bàn tay đần độn của người bạn Mỹ, của phe phái đội lốt tôn giáo và sự đốn mạt của nhóm tướng lĩnh phản loạn trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; cộng thêm những chèn ép vô lý, tồi tàn, xuẩn ngốc đã làm tiêu tan cuộc chiến đấu bảo vệ tự do của miền Nam.

Khối Liên Minh Phòng Thủ OTASE (SEATO) Ra Đời

Vào thời điểm Điện Biên Phủ sắp thất thủ, Mỹ rơi vào thế bí và muốn "đi đêm" với Pháp để cứu Việt Nam khỏi sự bành trướng của khối Cộng Sản. Nhưng quyền lợi tư bản Pháp tại Đông Dương còn nhiều và phía Cộng Sản Việt Nam tiếp tục khai triển chiêu bài chống thực dân cứu nước. Khi Mỹ không giúp nữa, thì Pháp phải cuốn gói ra đi; từ đây Mỹ sẽ đơn côi một mình trên trận địa chốn nầy.

Điện Biên Phủ thất thủ vào ngày 07/05/1954, dẫn tới thỏa ước ngừng bắn Genève được ký vào ngày 21/07/1954. Nếu Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản thì cả vùng Đông Nam Á sẽ đổ theo. Chiến lược ngăn chận Cộng Sản (Endiguement) và bảo vệ Việt Nam của Mỹ đã dẫn đến thuyết Domino.

Trong khai triển thuyết Domino tại Nam Thái Bình Dương, Mỹ xây dựng hàng rào phòng thủ bằng Liên Minh OTASE (SEATO, Sud-East Asie Treaty Organisation) vào tháng 09/1954, gián tiếp bảo vệ Đông Dương. Liên Minh Phòng Thủ nầy gồm các thành viên Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Hồi Quốc, và Thái Lan.

Tuy Việt Nam, Lào và Cam Bốt không phải thành viên của tổ chức này, nhưng một văn kiện được thêm vào bản ký kết ghi chú, "Ba quốc gia Việt, Miên, Lào có thể được bảo vệ bởi các thành viên của liên minh OTASE." Chữ ký chưa ráo mực, OTASE đã lăn ra chết vì nhiều lý do.

Các Liên Minh Phòng Thủ Khác Có Trước OTASE

1.- Tại Mỹ Châu, OEA ra đời ngày 30/04/1948 vào dịp đàm phán của khối Mỹ Châu. Liên minh nầy gồm 21 quốc gia cam kết bảo vệ an ninh cho Mỹ Châu.

2.- Tại Âu Châu, Thỏa Ước Liên Minh Phòng Thủ Dunkerque gồm Pháp và Anh được ký vào năm 1947. Một năm sau, Thỏa Ước ấy được nới rộng, thay bằng Thỏa Ước Bruxelles cho các quốc gia Benelux. Từ đó, gọi là Thỏa Ước Phòng Thủ UEO.

3.- Tại Liên Hiệp Mỹ và Âu Châu, 12 quốc gia Âu Châu và Bắc Mỹ ký Thỏa Uớc Bắc Đại Tây Duơng có tên OTAN hay NATO vào ngày 04/04/1949.

4.- Tại Trung Đông, Thỏa Ước Liên Kết Phòng Thủ (Thỏa Uớc Bagdad) được ký kết vào năm 1955 với các thành viên Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Iran, Pakistan và Anh Quốc. Sau đó đổi tên thành CENTO.

5.- Tại Á Châu, Thỏa Ước An Ninh giữa Mỹ và Phi Luật Tân được ký vào năm 1951. Cũng vào năm này, Thỏa Ước An Ninh Mỹ và Nhật, cùng với Thỏa Ước Mỹ, Úc, Tân Tây Lan đã được ký kết, mang tên ANZUS.

Chiến Tuyến Chống Cộng Của Miền Nam Và Tổng Thống Diệm

Tổng Thống Diệm (và Tổng Thống Eisenhower) cùng với toàn dân Miền Nam cương quyết chận mưu đồ của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản cũng như sự xâm lăng của Cộng Sản Việt Nam tại Nam Việt Nam. Có thể nói đây là hai con người (Tổng Thống Diệm và Tổng Thống Eisenhower) đã tạo ra huyền thoại Miền Nam Tự Do Dân Chủ, tuyến đầu chống sự bành trướng Cộng Sản trong vùng Đông Nam Á của khối Tự Do.

Sau khi hiệp định Genève được ký kết giữa Pháp và Cộng Sản Việt Nam, Chính Phủ Eisenhower muốn đạt "mục tiêu Việt Nam," liền xác nhận Miền Nam Việt Nam trên tất cả các địa bàn quốc gia, quốc tế, kinh tế, chính trị và quân sự.

Để thực hiện mục tiêu nầy, Tòa Bạch Ốc (dưới áp lực của nhóm Lobby Friends of Vietnam) đặt tin tưởng vào người hùng Ngô Đình Diệm. Mỹ đánh giá cao ý thức phản Thực và chống Cộng của ông Diệm. Để khích lệ dân chủ hóa Việt Nam cũng như thuyết phục các nhà yếm thế, Tổng Thống Eisenhower phái Tướng J.L. Collins và các cố vấn sang Việt Nam để yểm trợ Chiến Tuyến Chống Cộng Miền Nam cùng với Tổng Thống Diệm. Điển hình là sau khi nền Cộng Hòa đuợc thành lập, dân chúng Mỹ và Tổng Thống Eisenhower dành cho Tổng Thống Diệm một cuộc đón tiếp tưng bừng trên đường phố và tại phi trường Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1957.

Vào dịp ấy, trong buổi thuyết trình tại Lưỡng Viện Hoa Kỳ, Tổng Thống Diệm không biết bao lần đã được tất cả Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ đứng dậy vỗ tay hoan hô gần như sập mái nhà. Sự kiện này đã tạo thêm hào quang cho vị Nguyên Thủ Dân Chủ Việt Nam đầu tiên, và làm nức lòng Chiến Tuyến Chống Cộng Miền Nam.

Việc ổn định cho gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, và xây xong thể chế dân chủ đầu tiên tại Việt Nam đã tạo cho Việt Nam một trang sử huy hoàng đáng ghi nhớ trong các thế hệ mai sau, đây là công lao của Tổng Thống Diệm.

Để xây dựng lại quốc gia Việt Nam, Mỹ và Tổng Thống Diệm đã dự trù một tiến trình như sau:

1.- Một Liên Minh Quốc Tế đe dọa trực tiếp Cộng Sản với mục đích làm nản lòng các lực lượng của chúng trong mưu đồ xâm lăng; Liên Minh này có lực lượng từ Mỹ yểm trợ.

2.- Yểm trợ kinh tế các quốc gia bị đe dọa.

3.- Gửi các cố vấn Mỹ tới để giúp các đơn vị quân sự ở Đông Dương.

Tổng Thống Kennedy Không Nghe Lời Khuyến Cáo Của Tổng Thống Eisenhower Và Thay Đổi Chiến Lược

Tại Mỹ, Tổng Thống Kennedy chấp chánh vào tháng 01/1961 với một chính phủ do dự và đầy dẫy trái ngược, nặng mùi tả phái với các đặc trưng như sau:

1.- Không chịu theo kinh nghiệm của Tổng Thống Eisenhower.

2.- Tổng Thống Kennedy và các viên chức xuất thân từ Harvard không hiểu biết sự phức tạp về quân sự và chính trị của cuộc chiến Việt Nam. Sự thiếu tin tức chính xác, việc lấy quyết định có tính cách trí thức giảng đường đã làm việc chống Cộng trở thành vô hiệu nghiệm.

3.- Chính sách của chính phủ Kennedy đối với Việt Nam Cộng Hòa là một chính sách ngắn hạn, không có mục tiêu hẳn hoi. Các quyết định làm trầm trọng thêm vấn đề thay vì giải quyết, để lại cho Tổng Thống Johnson một di sản nặng trĩu và bắt buộc Tổng Thống Johnson phải dùng tới giải pháp quân sự.

Phê phán nghiêm khắc nhất mà các quan sát viên dành cho các quyết định của Tổng Thống Kennedy:

4.- Ứng biến bất nhất, kiểu nhát gừng (theo các công văn trao đổi giữa Hoa Thịnh Đốn và Đại Sứ Carbot Lodge)!

5.- Nay thế nầy, mai thế nọ (đặc biệt là các quyết định vào năm 1963), tất cả đã làm trái ngược một sách lược chính trị có suy nghĩ và cương quyết.

6.- Chính phủ Kennedy với thuyết Nhị Nguyên (dualisme persiste): "Their War-Our War" (Cuộc chiến của chúng nó - Cuộc chiến của chúng ta).

Tại Việt Nam, Cộng Sản Bắc Việt bắt đầu công khai xâm lăng (1959) miền Nam với hỗ trợ vô giới hạn của khối Cộng Sản Quốc Tế, từ tinh thần, quân viện tới truyền thông tuyên truyền xuyên tạc.

Hai sự kiện vừa kể đã đẩy những ngày vinh quang và bình an của Chiến Tuyến Chống Cộng Miền Nam ra đi quá sớm.

Tổng Thống Eisenhower chủ trương bảo vệ Việt Nam từ Lào, nên trước lúc hết nhiệm kỳ, Tổng Thống Eisenhover đã để lại cho Tổng Thống Kennedy di chúc(?) sau đây:

"Lào là vòm trời cho hòa bình tại Việt Nam. Có thể quân lực Mỹ phải tham chiến tại đó để bảo vệ Miền Nam Việt Nam."

Nhưng Tổng Thống Kennedy không những đã không nghe theo mà còn chủ trương quái gở là trung lập hóa Lào và bảo vệ Việt Nam ngay tại Việt Nam. Từ đó tuyến chống Cộng miền Nam liên tiếp lãnh 5 nhát dao tàn bạo đầy oan nghiệt của hành pháp Mỹ.

Nhát Dao Thứ Nhất: Trung Lập Lào

Khi Kennedy trao cho Harriman chịu trách nhiệm soạn thảo chiến lược Đông Nam Thái Bình Dương, đáng lý phải làm theo lời khuyến cáo của Tổng Thống Eisenhower, nhưng lại tìm giải pháp trung lập Lào. Tại hội nghị quốc tế nhóm họp tại Genève, các nước sau đây: Gia Nã Đại, Mỹ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Pháp, Ấn Độ, Trung Cộng, Ba Lan, Việt Nam Cộng Hòa, Cam Bốt, Thái Lan, Anh Quốc, Miến Điện, Nga Xô (Liên Sô), đã trân trọng tuyên bố "Lào Trung Lập" qua thoả ước ký ngày 23/07/1962.

Tổng Thống Diệm thấy nguy cơ qua vụ Mỹ ép buộc trung lập Lào đã đập bàn phải đối, cương quyết chống lại sự quyết định ngoan cố và ngớ ngẫn của Harriman. Tuy là chuyện quốc sự giữa hai nước Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, nhưng Harriman phạm phải sai lầm chiến lược, và lòng thù địch cá nhân đối với Tổng Thống Diệm đã khiến các quyết định của ông ta càng thêm tai hại. Cộng Sản Việt Nam, tuy có ký thỏa ước, nhưng lại dùng đất Lào để chuyển quân và vũ khí vào xâm lăng miền Nam.

Bước đầu sai lầm chết người của Tổng Thống Kennedy sau biến cố Vịnh Con Heo đã làm tan nát kháng chiến quân Cuba.

Tình chiến hữu giữa hai Tổng Thống Eisenhower và Ngô Đình Diệm nay được thay thế bởi cái ngạo mạn kẻ cả của Tổng Thống Kennedy và nhóm chiến lược thao túng ngớ ngẩn tại Bộ Ngoại Giao, dẫn đầu là Harriman đối với Tổng Thống Diệm.

Nhát Dao Thứ Hai: Sát Hại Tổng Thống Diệm Và Cho Tan Nát Đệ Nhất Công Hòa:

Không quan tâm tới sự cương quyết xâm lăng của Cộng Sản Việt Nam. Suốt chiều dài của nhiệm kỳ, Tổng Thống Kennedy dậm chận tại chỗ vì có ba điều do dự:

1.- Có nên nhúng tay vào Việt Nam để tránh Cộng Sản chiến thắng không?

2.- Có nên ủy thác quân bộ chiến Mỹ hoàn thành nhiệm vụ ấy không?

3.- Có nên dành ưu tiên cho giải pháp quân sự chống Cộng Sản hay cho giải pháp cải thiện chính trị cần thiết hầu được sự ủng hộ của dân chúng Miền Nam không?

Trong suốt 34 tháng của nhiệm kỳ, về phía quân sự, Tổng Thống Kennedy trả lời bằng tăng con số cố vấn từ 685 người lên tới 16000 người.

Về phía chính trị, chính phủ Kennedy, với nhóm tả phái tại Bộ Ngoại Giao gồm các vai chính như Harriman, Hilsman, Georges Balls, dẫn Mỹ nhập cuộc vào các mưu đồ đen tối của tên Cộng Sản đội lốt thầy tu Thích Trí Quang, của bọn trí thức phản chiến và của đảng phái có hành vi bất chính tại Nam Việt Nam cũng như bọn xôi thịt Việt Nam múa rối tại Hoa Thịnh Đốn.

Chính bọn chính trị “xa lông” sau này đã tạo ra sự nghi ngờ lớn cho chính quyền Kennedy đối với Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.

Trong khi các cố vấn quân sự tại Tòa Bạch Ốc nghĩ rằng chỉ cần gửi 250.000 quân bộ chiến vào tham chiến để miền Nam Việt Nam có khả năng chiến thắng Cộng Sản. Ngoài ra còn đe dọa oanh tạc để đặt Hà Nội vào thế khó tiềp tục cuộc xâm lăng Miền Nam! Trong khi đó, thì Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara đang run sợ về việc Bắc Kinh công khai can thiệp vào một cuộc chiến xem như trường kỳ mà Mỹ không quen.

Nhưng tạm thời Tổng Thống Kennedy không đồng ý gửi quân bộ chiến với số lượng ấy tới Việt Nam Cộng Hòa và đòi Tổng Thống Diệm phải cải tổ chính phủ và đuổi ông cố vấn Ngô Đình Nhu đi ra khỏi nước. Chính quyền Mỹ cấm ngặt việc Tổng Thống Diệm không được "mưu đồ" tự chế một số đạn dược hầu có một ít độc lập đối với quân viện Mỹ.

Thêm vào đó thái độ lộng hành và ngạo mạn của Đại Sứ Cabot Lodge và các cố vấn Mỹ, cũng như các lời tuyên bố vô trách nhiệm của Tổng Thống Kennedy tại nghị trường.

Tất cả các sự kiện kể trên va chạm đến tự ái dân tộc và bắt Tổng Thống Diệm phải cương quyết chống đối vì chủ quyền quốc gia.

Lợi dụng vụ cờ quạt tại miền Trung và ngấm ngầm xui khiến nhóm Phật Giáo làm loạn có bàn tay Cộng Sản nhúng vào, các thành phần từ Harvard về như Harriman, Hilsman, Balls, Forrestal âm mưu với Cabot Lodge mua chuộc được một đám tuớng lãnh đần độn nhưng tham lam tiền bạc và danh vọng, làm đảo chánh.

Đảo chánh một chính phủ dân cử đã là một vi hiến nặng nề. Sau tới việc nhất quyết hạ sát cho được Tổng Thống Diệm, và hai Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. Một hành động của loài lang sói. Để rồi từ Tổng Thống Kennedy và bọn đảo chánh, trong cái tồi tàn đốn mạt và hèn hạ, không một ai dám nhận trách nhiệm đã ra lệnh giết người một cách tàn ác.

Từ đó, Chiến Tuyến Chống Cộng Miền Nam mất tướng tiên phong và lãnh tụ có khả năng đối đầu với Hồ Chí Minh. Bộ máy hành chánh của Việt Nam Cộng Hòa tan nát. Miền Nam rối loạn như vô chủ. Chia rẽ tôn giáo với hậu quả lâu dài khó hàn gắn. Bọn tướng tá bất tài và vô luân tự phong tước cho nhau rồi làm theo lệnh của Cabot Lodge và tên Cộng Sản Thích Trí Quang đội lốt nhà tu đấu tranh “đòi nợ máu,” phải diệt cho được “bọn” Thiên Chúa Giáo.

Cả bầy tớ lẫn chủ đã đi vào con đường soạn thảo và ban hành một đạo luật man rợ số 4/64 ngày 28/02/1964 với tòa án “cách mạng” để giết Cố Vấn Ngô Đình Cẩn và Phan Quang Đông cũng như một số chiến sĩ chống Cộng liên hệ đến Đệ Nhất Cộng Hòa mà chúng chưa giết được trong cuộc nổi loạn 1/11/1963.

Đám lâu la ấy qua Sắc Lệnh số 120-CP đã tạo ra đám lâu la khác gồm những tên đốn mạt như Trần Văn Chương, Nguyễn Văn Chuân, Đặng Văn Quang, Dương Hiếu Nghĩa để tạo ra cảnh nồi da xáo thịt giữa người cùng chiến tuyến. Trong lúc Cộng Sản Việt Nam nhân thế trà trộn vào các cơ quan và tấn công tới tấp. (xem thêm bài "Yêu cầu Tướng Khánh trả lời" của Lữ Giang, đăng tải trên cùng diễn đàn Ba Cây Trúc và Vietcatholic)

Một nhát dao nên xem là dứt điểm cho sự tồn tại trên phạm trù mất chính nghiã và tàn sát lẫn nhau, cũng như sự khinh bỉ của các nước dân chủ với sự hợp lực và chủ động của chính phủ Kennedy, Cộng Sản Việt Nam qua Thích Trí Quang, đám loạn tướng sát nhân và đám xôi thịt đảng phái, Võ Nguyên Giáp tuyên bố "Miền Nam đã mất từ ngày ấy."

Nhát Dao Thứ Ba: Tổng Thống Johnson Bắt Việt Nam Cộng Hòa Ngồi Chung Với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Tại Hội Đàm Ba Lê

Tại miền Nam sau khi Tổng Thống Diệm bị giết ngày 01/11/1963, thì tình hình từ chính trị tới quân sự đâm ra rối loạn. Cộng Sản lợi dụng đánh phá khắp nơi. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chếnh vếnh. Tình thế hết sức nguy ngập. Tại Mỹ, Tổng Thống Kennedy bị ám sát vào ngày 22/11/1963 sau khi đã làm tan nát từ Cuba tới Lào và Việt Nam.

Tổng Thống Johnson lên thay thế với một lỗ hổng chiến lược cho tuyến chống cộng miền Nam. Quân bộ chiến Mỹ được cấp tốc gửi tới Việt Nam, nhưng không có chiến lược cho cuộc chiến. Tổng Thống Johnson phải lo vừa cho chiến tranh tại Việt Nam và vừa lo cho chính trị "Đại Xã Hội" Mỹ. Trận tấn công Mậu Thân 68 làm cho Tổng Thống Johnson mất tinh thần, đơn phương ngừng ném bom Bắc Việt và chuẩn bị cho hội đàm Ba Lê.

Phái đoàn Mỹ do Harriman cầm đầu họp tại Ba Lê ngày 13/05/1968, tên gốc Do Thái quốc tịch Mỹ này đã chủ trương giết Tổng Thống Diệm với bất cứ giá nào, hắn mở các cuộc thương thảo thăm dò với Xuân Thủy cho hội đàm Ba Lê sắp tới. Giết bạn (Tổng Thống Diệm) để rồi không biết phải làm gì nữa. Chỉ có kẻ mù mờ như con gà mắc cửi, ngơ ngác như con nai, mới đi nói chuyện lén lút với kẻ thù để tìm đường tháo chạy riêng cho mình. Sau nầy bị Nguyễn Thị Bình mắng nhiếc thậm tệ tại bàn hội nghị Ba Lê.

Ngày 18/01/1969 tại hội đàm Paris bắt đầu. Mỹ đã ép buộc Việt Nam Cộng Hòa tới bàn hội nghị và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là một trong bốn thành phần tham gia: Mỹ, Hà Nội, Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Một thất thế mà Việt Nam Cộng Hòa phải gánh chịu do ý chí của Mỹ sau khi đã làm tan nát miền Nam qua cú đảo chánh, làm chia rẽ và làm mất chính nghĩa của cuộc chiến đấu cho Tự Do. Trong khi đó kẻ xâm lăng chính là Bắc Việt, chính Bắc Việt phải đối đầu với Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Nhát Dao Thứ Tư: Mỹ Bắt Việt Nam Cộng Hòa Ký Hiệp Định Đầu Hàng Trá Hình Tại Paris Năm 1973

Tổng Thống Johnson ra đi và cặp Nixon-Kissinger bắt đầu đi đêm với Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam. Màn phản bội các người bạn chống Cộng tại Á Châu bắt đầu. Tổng Thống Nixon của năm 1971 không còn là Nixon của những năm 60 nữa và quay đúng 180 độ với các luận điệu như sau:

1.- Trung Cộng có thể giúp Mỹ bỏ chạy khỏi Việt Nam

2.- Trong một diễn văn tại luỡng viện vào năm 1971, Tổng Thống Nixon tuyên bố, "Cho Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc. Phải hy sinh Trung Hoa Dân Quốc. Sự việc Mỹ nhìn nhận chính phủ Tưởng Giới Thạch và sự kiện Mỹ ủng hộ chính phủ nầy cho tới thời điểm ấy là một chướng ngại to lớn cho Mỹ Hoa nối liền."

Năm 1972 Tổng Thống Nixon sang gặp Mao Trạch Đông và đã "hồ hởi" một màn trình diễn mang mùi tuyên truyền Cộng Sản của một gánh hát Trung Cộng. Trong thông cáo chung, Tổng Thống Nixon xác nhận Đài Loan thuộc về Trung Cộng và không ủng hộ Đài Loan tuyên bố độc lập với Trung Cộng. Với liên hệ mới nầy, Mỹ tháo gỡ chiến lược Domino và thí Chiến Tuyến Chống Cộng Miền Nam xem đã rõ. Mỹ tháo chạy để tập trung lực luợng vào Trung Đông, cũng như chuyển quân viện dành cho Việt Nam lúc trước, nay phải dành cho Do Thái. Nên Mỹ sẽ chấm dứt quân viện cho tuyến chống cộng Miền Nam. Bản án tử hình cho Tự Do Việt Nam đã viết sẵn. Nhưng chưa ký.

Sau nhiều lần đi đêm với Lê Đức Thọ và áp đảo Việt Nam Cộng Hòa hay hứa cuội, Kissinger đi tới thỏa hiệp đầu hàng Cộng Sản Việt Nam bất chấp người bạn Việt Nam Cộng Hòa. Hiệp định Paris được ký vào ngày 27/01/1973, gồm hai phần, quân sự và chính trị:

Phần quân sự: Cho Cộng Sản Việt Nam tự do hành động

1.- Ngừng bắn tại chỗ.

2.- Mỹ rút lui hoàn toàn và chấm dứt hiện diện tại Đông Dương.

3.- Tù binh trở về sau hai tháng.

4.- Quân Bắc Việt ở lại Miền Nam.

Phần chính trị: Tiêu diệt chính phủ hợp pháp Miền Nam:

1.- Xác nhận thành lập tại Miền Nam một tổ chức lâm thời (Organization), gọi là Hội Đồng Hòa Giải và Thuận Thảo chịu trách nhiệm tổ chức tuyển cử tự do để lập chính phủ mới. Ai hòa giải với ai? Không lẽ quân Bắc Việt tới bỏ phiếu với súng AK 47?

2.- Tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế.

3.- Các quân ngoại quốc rút khỏi Lào và Campuchia.

4.- Mỹ và Hà Nội có liên lạc mới.

5.- Tái xác nhận quyền lãnh thổ của Miền Nam. Nhưng quân Bắc Việt đâu có rút lui về Bắc.

Ngoại Trưởng Dean Rusk tuyên bố, “As I saw it, ‘The accords were in effect a surrender. An agreement that left North Vietnamese troops in South Viet Nam meant the eventual takeover of South Veitnam.’"

Hành pháp phản bội và bắt Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng chưa đủ. Lập pháp Mỹ nhảy vào trói tay Việt Nam Cộng Hòa, làm tiêu tan các "mầm mống" chống cự tới cùng của Việt Nam Cộng Hòa đối với Cộng Sản Việt Nam, Luỡng Viện Mỹ vào cuối tháng 06/1973 biểu quyết một số đạo luật cấm giúp đỡ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa. Cấm chỉ các chi phí cho các hoạt động quân sự tại Cam Bốt, Lào, Bắc và Nam Việt Nam. Mở màn cho trò chơi cắt toàn diện quân viện vào năm 1975.

Vì cố cột tay chân Việt Nam Cộng Hòa và giao cho Cộng Sản Việt Nam nên bạn Mỹ đã không dự trù một giải pháp cho quân dân Việt Nam Cộng Hòa khi cần rút lui, tối thiểu rút quân và cứu dân Miền Nam một cách nào đó. Sự việc này là điều thường xem như là tối thiểu trong các cuộc chiến, nếu có vấn đề rút lui, kẻ có trách nhiệm bắt buộc phải có kế hoạch bảo toàn lực lượng.

Nhưng Việt Nam Cộng Hòa đã gặp một người có lương tâm tồi tàn. Lương tâm của tên Kissinger (và có thể là của cả Nixon). Thắng tuyển cử của ông quan trọng hơn cái chết của 17 triệu sinh linh Miền Nam Việt Nam. Cái chết của những kẻ bao lần vào sinh ra tử với quân đội Mỹ tại Việt Nam !

Nhát Dao Thứ Năm: Nhát Ân Huệ Cho Chiến Tuyến Chống Cộng Miền Nam.

Ngày 10/03/1975, 18 sư đoàn Cộng Sản Việt Nam, với số đại bác và chiến xa Liên Sô rất dồi dào, bắt đầu chiến dịch “Hồ Chi Minh" chiếm Ban Mê Thuột. Tổng Thống Ford xin 722.000.000 đô la quân viện cho Miền Nam. Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ từ chối với tại nghị trường vào dịp Lễ Phục Sinh hầu cắt quân viện vào lúc dầu sôi lửa bỏng, sau khi hết lời chê bai quân dân Miền Nam. Lưỡng Viện Mỹ chối bỏ ngay các văn kiện ghi các lời hứa của Tổng Thống Nixon gửi cho Việt Nam Cộng Hòa khi Cộng Sản Việt Nam vi phạm Hiệp Định Paris.

Mỹ bắt ép Tổng Thống Thiệu phải ra đi. Chỉ huy Miền Nam chấm dứt trên thực tế. Đem Dương Văn Minh, một tên hèn tướng đã ra lệnh hạ sát Tổng Thống Diệm và hai cố vấn họ Ngô, cũng như Đô Đốc Hồ Tấn Quyền, để đầu hàng Cộng Sản Việt Nam và "ra lệnh" cho Mỹ phải ra đi để cho Mỹ bớt mất mặt. Một cuộc tháo chạy nhục nhã, nhưng luôn ngang tàng tuyển chọn một số người để đem đi. Rốt cuộc mọi việc cũng tan hoang trong rối loạn.

Lời Kết:

Từ năm 1975 tới nay, tuy đã hơn 34 năm rồi nhưng luôn vẫn là một uất hận và một niềm đau. Uất hận của 17 triệu người đã bị ép buộc đầu hàng bọn xâm lăng Cộng Sản Việt Nam, sau khi đã chiến đấu với can truờng để bảo vệ tự do; sau khi đã phải đối đầu cả khối Quốc Tế Cộng Sản họp lại.

Đầu hàng không phải vì thiếu ý chí hay quá dở. Quân dân Miền Nam đã đổ ra không biết bao máu xương trên khắp các chiến truờng từ 1959 tới 1975. Nhưng quân dân Miền Nam Việt Nam làm sao có thể sống còn được sau năm nhát dao thấu cáy và sợi dây chính trị trói chặt tay mà người bạn Mỹ đã dành cho một đồng minh nhỏ bé, phải đương đầu với cả đàn sói Cộng Sản Quốc Tế?

Một Tổng Thống tiên khởi của Miền Nam Chống Cộng đã bị bạn Mỹ mưu đồ dùng bọn vô luân đâm gục ngã khi ngọn cờ tiên phong đang còn trong tay. Một triệu quân phải căm hận bỏ súng và xé chiến bào sau khi đã tống táng 245.000 xác bạn. Miền Nam tan nát trong lệ nhòa. Miền Bắc mất đi hy vọng được giải phóng.

Chiến Tuyến Chống Cộng Miền Nam chỉ thua một trận vào năm 75.

Cuộc chiến đấu cho tự do còn tiếp tục. Ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ nay tiếp tục tung bay trong gió trên khắp địa bàn hải ngoại và đợi ngày trở lại chốn xưa. Sau trên hai mươi năm trấn giữ Miền Nam Tự Do, bất hạnh đã ập xuống, nên phải tạm triệt thoái ra đi vào tháng 4/1975 với đoàn con của Mẹ Việt Nam trên bước đường di tản.

12 THÁNG ANH ĐI