16 thg 4, 2009

Giới trẻ và sự hữu dụng của Internet

Giới trẻ dùng công nghệ thông tin để huy động lực lượng chống đảng Cộng sản đương quyền

Thanh Phương



Thanh niên là thành phần chủ lực trong các cuộc biểu tình tại Moldova thượng tuần tháng tư 2009.
(Ảnh ghép : Reuters/RFI)
Sau thắng lợi áp đảo của Đảng Cộng Sản trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 04/04/2009, thanh niên Moldova đã rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối. Họ đã biết sử dụng những công nghệ thông tin hiện đại để huy động lực

Phong trào biểu tình phản đối kết quả bầu cử Quốc hội Moldova đã bắt đầu từ thứ hai sau khi những người chống đối chính phủ khởi xướng một chiến dịch thông tin bằng SMS, tức là tin nhắn qua điện thoại di động. Không phải vô cớ mà báo chí nước ngoài đã gọi phong trào biểu tình tại Moldova là cuộc '' Cách mạng Twitter''. Thật vậy, chính những dịch vụ công nghệ thông tin như Twitter, Facebook và SMS đã đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc biểu tình rầm rộ của giới trẻ Moldova những ngày qua.

Bất mãn vì đất nước thuộc diện nghèo nhất châu Âu

Moldova là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, giành độc lập từ năm 1991, nhưng cho tới nay vẫn là quốc gia nghèo nhất châu Âu. Đa số dân Moldova là người nói tiếng Rumani, nhưng tại nước này có một thiểu số nói tiếng Nga khá đông đảo. Hiện nay, Moldova đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đưa quốc gia này trở thành một đầu mối của các đường dây buôn bán phụ nữ sang châu Âu.

Tình hình này càng khiến giới trẻ Moldova thêm bất mãn và họ đã xuống đường biểu tình rầm rộ sau thắng lợi áp đảo của Đảng Cộng Sản trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày Chủ nhật vừa qua. Như nhận định của ông Mihai Fusu, một nhà đạo diễn sân khấu nổi tiếng ở Moldova: '' Đây trước hết là một phong trào phản kháng xã hội. Giới trẻ đã quá chán ngán với tình trạng nghèo đói và cảm thấy bế tắc khi nhìn về tương lai. Họ rất ý thức về những gì đang diễn ra ở nước ngoài, về nỗi nhục khi thấy đất nước mình vẫn thuộc loại nghèo nhất châu Âu. Và họ dồn mọi bất mãn vào Đảng Cộng sản''.

Ông Fusu cũng ghi nhận sự cách biệt giữa thế hệ cha ông, mà đa số vẫn ủng hộ đảng Cộng sản, và thế hệ trẻ, đang khao khát hướng về châu Âu và đặc biệt là hướng về Rumani, một thành viên mới của Liên hiệp châu Âu. Theo lời đạo diễn Fusu: '' Giới trẻ ở đây chỉ muốn có cùng mức sống , cùng những cơ hội tiến thân như những người cùng trang lứa ở Rumani; muốn được sống một cách văn minh hơn, theo phong cách châu Âu hơn. Tâm lý của họ hoàn toàn khác với thế hệ cha anh''.

Do đa số các báo ở Moldova là do chính phủ quản lý, tức là bị kiểm duyệt gắt gao, cho nên giới trẻ Moldova đã sử dụng những phương tiện thông tin qua mạng như blog, Twitter hay Facebook để phổ biến tin tức về các cuộc biểu tình. Trên mạng Facebook, một nhóm thanh niên Moldova đã lập hẳn một trang mang tên '' Đả đảo Cộng Sản'', quy tụ 500 thành viên. Các cuộc biểu tình đã được khởi xướng bởi một nhóm thanh niên mang tên '' Tôi là người chống Cộng ''.

Internet giúp huy động cả chục ngàn người trong vài phút

Quy mô của nhóm này đã gây ngạc nhiên không chỉ đối với chính phủ, mà với cả các đảng đối lập chủ chốt ở Moldova. Một trong những người đứng đầu nhóm này là Natalya Morar đã tự hào nói với các phóng viên rằng: '' Qua mạng internet, chúng tôi đã huy động được 15 ngàn người biểu tình chỉ trong vài phút. Không một đảng nào có thể làm được như vậy.''. Một lãnh đạo của Đảng Dân chủ, đảng đối lập, cho biết là ngay chính nhóm thanh niên nói trên cũng không ngờ là có hàng chục ngàn người hưởng ứng lời kêu gọi của họ.

Sáng kiến của giới trẻ không chỉ dừng ở đó. Họ còn mở một chiến dịch mang tên khá buồn cườ là '' Hãy giấu passeport của bà ngoại'', tức là họ gởi tin nhắn SMS cho nhau để kêu gọi giấu hộ chiếu của những người lớn tuổi nhằm ngăn họ bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản.

Tóm lại, trong phong trào biểu tình này, giới trẻ Moldova đã tận dụng mọi phương tiện công nghệ thông tin để huy động lực lượng và phong trào này càng làm nỗi rõ sự cách biệt giữa thế hệ trẻ và thế hệ lớn tuổi ở Moldova

12 THÁNG ANH ĐI