26 thg 4, 2009

Đông Nam Á trong quan hệ Mỹ, Nhật, Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam

Ngô Vĩnh Long
University of Maine (Orono, Maine, Mỹ)

Theo đánh giá của nhiều phân tích, trong những năm qua không có một khu vực nào trên thế giới mà quan hệ quốc tế đã thay đổi sâu đậm và nhanh chóng như quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.[1] Trong một bài tường trình trước Ủy Ban Đối Ngoại của Thượng Viện Mỹ vào đầu tháng 6 năm 2005 ông Christopher Hill, thứ trưởng ngoại giao đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nói: “Những thành quả ngoại giao, chính trị, và kinh tế gây ấn tượng lớn nhất của Trung Quốc trong vài năm qua là ở khu vực Đông Nam Á.”[2]

Vì những hoạt động của Trung Quốc tại Đông Nam Á đã gây ấn tượng rất lớn đối với Mỹ và nhiều nước khác, trong đó có Nhật, câu hỏi được đặt ra là phía Mỹ và Nhật đã có những thái độ hay phản ứng gì và những thái độ hay phản ứng đó có ảnh hưởng gì đối với Đông Nam Á, nói chung, và với Việt Nam, nói riêng. Để trả lời câu hỏi vừa nêu ra, trong phần đầu của bài nầy chúng tôi xin liệt kê một cách hết sức sơ lược vài nguyên nhân mà nhiều chuyên gia và chính khách nói đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á. Trong phần 2 chúng tôi sẽ trình bày một số chi tiết về quan hệ gần đây giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Phần 3 và phần 4 sẽ lần lượt đề cập đến chính sách, thái độ và hoạt động của Mỹ và Nhật tại Đông Nam Á trong những năm qua. Và cuối cùng, bài nầy sẽ đi đến kết luận là với sự tăng cường họat động của 3 cường quốc Mỹ, Nhật, và Trung Quốc trong khu vực, các nước Đông Nam Á đang đứng trước một thời cơ rất hiếm cho việc xây dựng một thời kỳ ổn định và phát triển mới.

I. Vài nguyên nhân giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ và ảnh hưởng

1. Nguyên nhân thứ nhất là sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc Mỹ chỉ chú ý đến Đông Nam Á đến Đông Nam Á khi nào khu vực nầy gặp khó khăn hay có những sự kiện gì rắc rối xảy ra. Thái độ thờ ơ của Mỹ, nếu không nói là chính sách của Mỹ, dẫn đến cuộc “khủng hoảng tiền tệ” ở Châu Á năm 1997-1998. Thêm vào đó là chính sách của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), mà nhiều người trong các nước bị khủng hoảng cho là chính sách của Mỹ, làm cho cuộc khủng hoảng kéo dài và gây thiệt hại rất lớn cho các nước đó.[3] Do đó nhiều người trong các nước bị khủng hoảng rất oán giận Mỹ và IMF trong khi họ càng ngày càng có thái độ nồng nhiệt hơn với Trung Quốc. Trung Quốc đã khéo léo lợi dụng cơ hội nầy để chứng minh rằng Trung Quốc thực tình muốn giúp đỡ các nước gặp khủng hoảng ở Đông Nam Á như viện trợ kinh tế cho Thái Lan và Indonêsia và không hạ giá đồng nhân dân tệ vì việc nầy sẽ làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Vì thế, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN không những được cải thiện một cách nhanh chóng sau đó mà sự thành công của các hành động của Trung Quốc còn giúp nâng cao tự tin của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc thay đổi và áp dụng các chính sách của họ đối với Á Châu, nói chung, và với Đông Nam Á, nói riêng để bành trướng ảnh hưởng và thế lực của họ trong khu vực.[4]

2. Nguyên nhân thứ hai là tuy sau sự kiện ngày 11 tháng 9 Mỹ có để ý đến Đông Nam Á nhiều hơn trước, Mỹ đã chú trọng quá nhiều đến việc chống khủng bố và không có một chính sách kinh tế, chính trị, và an ninh rõ ràng và mạch lạc đối với khu vực. Morton Abramowitz và Stephen Bosworth có nhận xét như sau:

Đường lối của Mỹ hiện nay trong khu vực rất rời rạc: một vài hành động chống khủng bố ở chỗ nầy, một ít tài trợ cho việc phát triển ở chỗ kia, một vài cuộc thăm viếng của tổng thống, và những tuyên bố thường xuyên về những gặt hái vinh quang của ASEAN trong khi cùng lúc thì thúc đẩy một vài hiệp định thương mại song phương. Hiện nay có một số người càng ngày càng nói rằng ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực đe dọa những quyền lợi của Mỹ và cho rằng Mỹ phải làm sao hoạt động tích cực hơn. Lầu Năm Góc thì đang chú trọng đến sự phát triển quân sự của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với Đài Loan và đối với vấn đề an ninh ở Á Châu nói chung hơn là [các vấn đề kinh tế và chính trị trong khu vực Đông Nam Á].

Chính sách của Mỹ không tương xứng với những quyền lợi của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á đầy biến đổi nầy, một khu vực có 500 triệu người. Một trong những quyền lợi chính [của Mỹ] ở đây là mậu dịch. Trong năm 2003 tổng giá trị mậu dịch của Mỹ với ASEAN là 130 tỷ đô la và tổng số đầu tư đã lên đến 90 tỷ.[5]

Như chúng ta sẽ thấy phía dưới bài nầy, trong phần nói về phản ứng của Mỹ, chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á đã và đang có một số thay đổi từ khi hai vị cựu đại sứ Mỹ viết những dòng trên. Nhưng nói chung thì nhiều nhà phân tích chính sách Mỹ đều đồng ý với nhận xét trên. Ông Ernest Bower, giám đốc Hội Đồng Mậu Dịch Mỹ-ASEAN (US-ASEAN Business Council President), đã phải thốt lên trong một bài diễn văn là chưa có một thời kỳ nào mà “Mỹ rất thiếu tập trung và Trung Quốc lại rất quyết tâm” (when the U.S. has been so distracted and China so focused” như trong hiện tại.[6] Thêm vào đó là việc Mỹ dùng vũ lực, nếu không nói là bạo lực, để “chống khủng bố” Hồi Giáo ở I-rắc và các nơi khác đã làm cho một số nước như Inđônesia và Ma-lai-xi-a – nơi đa số dân chúng theo đạo Hồi – lại càng oán giận Mỹ và, qua đó, càng tạo cơ hội cho Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng và thế lực của mình trong khu vực Đông Nam Á.

3. Nguyên nhân thứ ba giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ và ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á là vì Nhật Bản, do suy thoái kinh tế tại Nhật từ đầu thập kỷ 90 đến gần đây cộng với khủng hoảng Châu Á năm 1997-98, đã phải rút bớt các hoạt động kinh tế và mậu dịch với các nước ASEAN. Việc nầy đã tạo một khoảng trống giúp cho các hoạt động kinh tế và mậu dịch của Trung Quốc có thể tràn vào Đông Nam Á một cách dễ dàng hơn. Sau đây là một vài số liệu cho thấy: 1) sự thay đổi trong quan hệ mậu dịch giữa các nước ASEAN với Nhật và Trung Quốc; và 2) sự thay đổi trong quan hệ đầu tư giữa ASEAN với hai nước trên.

a) Thay đổi trong quan hệ mậu dịch

Theo các con số thống kê của IMF,[7] thì từ năm 1990 đến năm 2002 tổng số xuất khẩu của ASEAN cho toàn cầu tăng 180%. Trong đó xuất khẩu sang Nhật chỉ tăng 85% trong cùng thời kỳ, từ 27,3 tỷ Mỹ kim đến 50,7 tỷ, mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng khoảng 8 lần, từ 2,6 tỷ đến 21,3 tỷ. Do đó, tỷ phần của xuất khẩu sang Nhật tụt xuống từ 18,9% trong khi tỷ phần của xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ 1,8% đến 5,3% trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, đến năm 2002 xuất khẩu của ASEAN sang Nhật vẫn còn lớn hơn 2 lần xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhập khẩu cũng có chiều hướng tương tự. Tổng số nhập khẩu của ASEAN từ các nước trên thế giới tăng 118% từ năm 1990 đến năm 2002. Trong cùng giai đoạn, nhập khẩu từ Nhật chỉ tăng có 54% (từ 37,8 tỷ đô la đến 58,2 tỷ) và nhập khẩu từ Trung Quốc tăng khoảng 5,7 lần (từ 4,8 tỷ đô la dến 27,2 tỷ). Do đó tỷ phần nhập khẩu của ASEAN từ Nhật tụt từ 23,1% xuống đến 16,4% trong khi tỷ phần nhập từ Trung Quốc tăng từ 2,9% đến 7,6%. Tuy nhiên, cũng như phía xuất khẩu, tổng giá trị nhập khẩu từ Nhật đến năm 2002 vẫn còn lớn gấp hai từ Trung Quốc.

Những số liệu của IMF cũng cho biết tỷ phần nhập khẩu của ASEAN từ Nhật tăng đều đặn cho đến cao độ là năm 1997 (16.6%). Đến năm 1998 tỷ phần nầy tụt xuống còn 12% và từ đó đến nay vẫn nằm ỳ ở mức này. Ngược lại, tuy xuất khẩu sang Nhật có tụt chút ít trong giai đoạn khủng hoảng, tỷ phần xuất khẩu sang Nhật đã hồi phục nhanh chóng và đã vượt xa mức độ năm 1997. Trong cùng thời kỳ tỷ phần nhập khẩu từ Trung Quốc và sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng đều đặn.

Ngày 9 tháng Giêng năm 2006 tờ China Daily (Nhật Báo Trung Quốc trên mạng ) có đăng một bay rất dài về những kết quả tích cực trong quan hệ thương mại và kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc. Một trong những điểm bài nầy nhấn mạnh là ASEAN đã trở thành bạn hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc và luồng thương mại hai chiều đã đạt hơn 120 tỷ Mỹ kim trong năm 2005. Xuất siêu của các nước ASEAN đối với Trung Quốc trong năm 2005 lớn hơn 16 tỷ Mỹ kim.

b) Thay đổi trong quan hệ đầu tư

Theo số liệu của Cơ Quan Thư Ký của ASEAN,[8] tổng giá trị của các nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào các nước ASEAN (không kể Campuchia) từ năm 1995 đến năm 2001 là 141,3 tỷ đô la. Các nguồn FDI đổ vào ASEAN tăng đều đều hàng năm cho đến mức cao nhất là 29,6 tỷ đô la năm 1997. Sau đó, vì khủng hoảng, tổng số FDI tụt xuống chỉ còn có 10,2 tỷ năm 2001. Trung Quốc được hưởng lợi nhất vì phần lớn các nguồn FDI thay vì chảy vào ASEAN như trước đã được đưa vào Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng. Năm 2004, chẳng hạn, Trung Quốc nhận được 64 tỷ Mỹ kim FDI và năm 2005 Trung Quốc nhận đựợc 60 tỷ Mỹ kim.

Trong giai đoạn 1995-2001 FDI từ Nhật sang ASEAN chiếm 15,7% tổng số FDI vào ASEAN, tức 22, 2 tỷ đô la. Năm cao nhất (1997) là 6,8 tỷ đô la (23%) và năm thấp nhất (2000) là -135 triệu đô la (-1,59%). Trong cùng thời kỳ, FDI từ Trung Quốc sang ASEAN chỉ chiếm có 0.6% (821 triệu) tổng số FDI chảy vào ASEAN. Nhưng mặc dầu tỷ phần của Nhật đã tụt dần, nhất là trong giai đoạn 1999-2001, tỷ phần của Trung Quốc đã tăng từ 0,2% năm 1999 (44 triệu đô la) đến 1,45% năm 2001 (148 triệu). Theo số liệu của UNCTAD (World Investment Report 2003, trang 46) đến cuối năm 2001 tổng số đầu tư của Trung Quốc vào năm nước ASEAN chủ yếu (cũng gọi là ASEAN-5: Inđônêsia, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, và Thái Lan) là 151 triệu đô. Đây là con số vẫn còn rất nhỏ so với tổng số đầu tư của 5 nước này tại Trung Quốc là 2,97 tỷ đô la năm 2001. Mặc dầu đến đầu năm 2004 tổng số FDI của Trung Quốc ở các nước ASEAN chỉ tối đa khoảng 200 triệu đô la, một số dự đoán cho là con số nầy sẽ lên đến 4 tỷ đô la cuối năm 2005.[9] Trên thực tế thì, theo các số liệu chính thức được công bố trên các báo chí của chính phủ Trung Quốc (kể cả China Daily) vào ngày 24 tháng Giêng năm 2006, tổng số đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc năm 2005 chỉ có 6,9 tỷ Mỹ kim so với 3,6 tỷ năm 2004. Đầu tư trực tiếp của ASEAN ở Trung Quốc cao hơn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc gấp nhiều lần. Một ví dụ, theo tờ China Daily ngày 16 tháng Giêng năm 2006 thì chỉ trong năm 2004 các nhà đầu tư Phi-líp-pin đầu tư khoảng 700 triệu Mỹ kim tại Trung Quốc trong khi tổng số đầu tư của Trung Quốc tại Phi-líp-pin đến cuối năm 2003 chỉ vỏn vẹn dưới 20 triệu Mỹ kim.

4. Nguyên nhân thứ tư thúc đẩy Trung Quốc tăng cường quan hệ và ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á là từ sau khủng hoảng năm 1997-98 cho đến khi Mỹ đánh vào I-rắc, Trung Quốc dần dần ý thức là các vấn đề an ninh của Trung Quốc cũng như các vấn đề phát triển kinh tế của Trung Quốc buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách với khu vực nầy. Một ví dụ là sự phát triển kinh tế rất nhanh chóng của Trung Quốc làm cho Trung Quốc càng ngày càng phải dựa vào nguyên liệu và nhiên liệu được chuyên chở bằng bằng tàu bè qua các đường biển eo hẹp trong vùng Đông Nam Á. Đến giữa năm 2004 nền kinh tế của Trung Quốc, tính theo GDP, đã được xếp vào hạng thứ sáu trên thế giới.[10] Trung Quốc đã trở thành nước nhập dầu quặng nhiều thứ nhì trên giới (sau Mỹ) và đã tiêu dùng một nửa lượng xi măng sản xuất trên thế giới, một phần ba sắt thép của thế giới, một phần tư đồng của thế giới, và một phần năm nhôm của thế giới.[11] Những số lượng hàng nầy được chuyên chở qua các đường biển hẹp mà tiếng Anh gọi là “choke points” (các điểm kẹt) ở Đông Nam Á như là eo biển Malacca, Sunda, Lombok, và Makasar cũng như các điểm khác ở Biển Đông. Khoảng 50 ngàn chiếc tàu thuyền lớn chuyên chở một phần tư tổng số lượng hàng bằng đường biển của thế giới, trong đó có một nửa lượng dầu quặng chở bằng đường biển của thế giới phải đi qua eo biển Malacca mỗi năm. Đường qua eo biển nầy chỉ rộng khoảng 2,5 cây số giữa Ma-lai-xi-a và đảo Sumatra.[12] Theo bản tường trình hàng năm của Bộ Quốc Phòng Mỹ gởi đến Quốc Hội Mỹ ngày 20 tháng 7 năm 2005 thì trong năm 2004 hơn 80% số lượng dầu nhập vào Trung Quốc phải qua eo biển Malacca và chỉ dưới 2% là qua eo biển Lombok.[13] Khoảng 90% dầu Trung Quốc nhập phải được chuyên chở bằng đường biển.[14] Và vì Trung Quốc chỉ có trữ lượng dầu quặng khoảng 2% trữ lượng dầu quặng đã trên thế giới (mà người ta đã biết được) Trung Quốc càng ngày càng phải nhập nhiều dầu thêm (ước lượng sẽ tăng từ 6,2 triệu thùng mỗi ngày năm 2004 đến 12,7 triệu thùng năm 2020). Vì Trung Quốc cần chuyên chở dầu ngày càng nhiều qua các vùng biển Đông Nam Á, Trung Quốc phải tăng cường quan hệ với các nước ASEAN để đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Hơn thế nữa, vì Trung Quốc ngày càng phải dùng thêm nhiên liệu và nguyên liệu, Trung Quốc càng muốn khai thác và sử dụng các trữ lưỡng dầu trong khu vực Biển Đông cũng như các tài nguyên khác trong khu vực Đông Nam Á. Tăng cường quan hệ với các nước ASEAN sẽ tăng khả năng Trung Quốc có thể khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên trong khu vực.

II. Mục tiêu, thái độ và quan hệ của Trung Quốc trong khu vực

Theo bản tường trình về quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á của Ban Nghiên Cứu Quốc Hội Mỹ thì chính sách của Trung Quốc đối với Đông Nam Á đã dần dần thay đổi từ giữa thập kỷ 90, và rõ ràng nhất là từ sau khủng hoảng năm 1997-98. Chính sách nầy phù hợp với đại chiến lược mới của Trung Quốc và gồm nhưng mục tiêu như sau:[15]

· Duy trì một môi trường chính trị và an ninh ổn định, nhất là trong vùng ngoại biên của Trung Quốc, để tiếp tục phát triển kinh tế.

· Duy trì và bành trướng các tuyến đường hàng hải đi qua khu vực Đông Nam Á.

· Phát triển quan hệ mậu dịch vì những mục đích kinh tế và chính trị.

· Cô lập Đài Loan.

· Phát triển ảnh hưởng trong khu vực để đánh bại những hoạt động mà Trung Quốc cho là bao vây chiến lược hoặc “ngăn đê” Trung Quốc.

Phần lớn các nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc đều cho rằng quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật là để bao vây Trung Quốc, và Đông Nam Á là nơi mà Trung Quốc có thể “đập vỡ chiến lược bao vây của Mỹ” (dapo Meiguo zhanlue weidu) hữu hiệu nhất.[16] Theo David Shambaugh[†], để đạt những mục tiêu trên, Trung Quốc đã có một “thái độ khu vực mới” (new regional posture) ở Á Châu. Thái độ mới này dựa trên 4 cột trụ (pillars) chính:[17]

· Tham gia các tổ chức khu vực.

· Xây dựng các hợp tác chiến lược và tăng cường các quan hệ song phương.

· Bành trướng các liên hệ kinh tế với khu vực.

· Giảm thiểu sự nghi ngờ và lo lắng của khu vực đối với Trung Quốc trong lãnh vực an ninh.

Để xem thái độ mới nầy đã đạt được những kết quả gì, Shambaugh đã dùng 16 trang (trang 73-89) để “đo lường” 4 cột trụ kể trên. Đối với cột “tham gia các tổ chức khu vực” thì Shambaugh cho là hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN trong vài năm qua đã lớn mạnh và có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong khu vực Á Châu. Shambaugh đã dành 4 trang (trang 75-78) để liệt kê và miêu tả các thành quả đã đạt được. Tại hội nghị thượng đỉnh tại Phnom Penh đầu tháng 11 năm 2002 Trung Quốc và ASEAN ký 4 hiệp định then chốt: “Công bố về cách cư xử của các thành phần liên hệ trong khu vực Biển Đông” (Declaration of the Conduct of the Parties in the South China Sea); “Công bố chung của ASEAN và Trung Quốc về hợp tác trong lãnh vực các vấn đề an ninh không truyền thống” (Joint Declaration of ASEAN and China on Cooperation in the Field of Nontraditional Security Issues); “Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc” (Framework Agreement on Comprehensive Economic Cooperation between the Association of Southeast Asian Nations and the People’s Republic of China); và “Bản ghi chép về sự thỏa thuận giữa Ban Bí Thư của Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Bộ Nông Nghiệp của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc về hợp tác nông nghiệp” (Memorandum of Understanding between the Association of Southeast Asian Nations Secretariat and the Ministry of Agriculture of the People’s Republic of China on Agricultural Cooperation). Sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh năm 2003 và 2004 hàng loạt hiệp định khác được ký kết. Theo đánh giá của Shambaugh, có lẽ trong tất cả cái ký kết trong 3 năm kể trên, “Hiệp định khung về hợp tác kinh tế” có ý nghĩa lớn nhất vì nó đã giải tỏa được hầu hết các lo ngại của các nước Đông Nam Á về việc các nền kinh tế và xuất khẩu của họ có thể bị Trung Quốc đè bẹp. Do đó, mậu dịch giữa hai bên đã phát triển nhanh chóng. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã xác định mục tiêu mậu dịch hai chiều là 100 tỷ đô la năm 2005. Ông ta cũng ước đoán rằng đến năm 2020, khi Hiệp định mậu dịch tự do (Free Trade Agreement, FTA) giữa ASEAN và Trung Quốc được thi hành toàn bộ thì các nước thành viên của hiệp định nầy sẽ có khoảng 2 tỷ dân số và một GDP tổng cộng là 3000 tỷ đô la. Shambaugh kết luận rằng chắc chắn là mậu dịch và đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tăng trưởng rất mạnh trong những năm sắp tới vì nền kinh tế của hai bên có rất nhiều điểm bổ xung cho nhau và nhiều điểm tương đồng. Trong phần giải thích cột trụ thứ 2, tức “xây dựng các hợp tác chiến lược và tăng cường các liên hệ song phương,” nước Đông Nam Á độc nhất được ông đề cập đến là Việt Nam. Ông dùng khoảng hơn một trang (cuối trang 80 đến đầu trang 82) tóm tắt liên hệ chính trị, kinh tế, mậu dịch, và quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong phần đo cột trụ thứ 3, tức “bành trướng các liên hệ kinh tế với khu vực” ông Shambaugh có một bản về tổng giá trị về mậu dịch (theo số liệu chính thức của Trung Quốc) giữa Trung Quốc và các nước láng giềng (trang 84) năm 2003, nhưng chỉ nói rằng giá trị mậu dịch năm này tăng 36,5% so với năm 2002. Còn đối với Đông Nam Á thì ông chỉ cho biết mậu dịch song phương với Ma-lai-xi-a tăng 35%, với Thái Lan tăng 38%, với Philípin tăng 47% và với Việt Nam tăng 58% trong cùng thời kỳ (trang 83). Nhưng ông Shambaugh không giải thích tại sao có sự tăng rất nhanh nầy từ năm 2002 và sự tăng trưởng nầy ai ai cũng cùng được lợi (win-win situation) hay có người thắng có người thua, có người được lợi nhiều hơn người khác?

Trong phần đo cột trụ cuối cùng thì ông Shambaugh nói “Bắc Kinh đã sử dụng các biện pháp đơn phương, song phương, và đa phương để xử trí các vấn đề an ninh quốc gia và khu vực mà họ lo ngại” (Beijing has undertaken unilateral, bilateral, and multilateral measures to address both national and regional issues of concern). Đối với Đông Nam Á thì ông chỉ viết một đoạn ngắn (trang 87-88) nói về sự tham gia của Trung Quốc trong Diễn đàn khu vực của ASEAN (ASEAN Regional Forum—ARF) mà kết quả quan trọng nhất là tháng 7 năm 2004 ASEAN chấp thuận đề nghị của Trung Quốc tăng cường trao đổi quân sự trong khu vực và thành lập một cuộc hội thảo hằng năm về các vấn đề an ninh chung.

Ngoài việc sử dụng ARF, Trung Quốc cũng đã sử dụng hết tất cả các cơ chế có liên quan đến các vấn đề an ninh khu vực như “Hội Nghị ASEAN-ÂU CHÂU” (ASEAN Europe Meeting, ASEM), Hội Nghị sau thượng đỉnh ASEAN của các bộ trưởng, và hội nghị của “Hội Đồng về Hợp Tác An Ninh vùng Châu Á Thái Bình Dương (Council for Security Cooperation in the Asia Pacific, CSCAP). Tháng 10 năm 2003, tại một cuộc hội nghị của ASEAN tại Bali, Inđônêsia đưa ra đề nghị thành lập một “Cộng Đồng An Ninh ASEAN” (ASEAN Security Community) bao gồm thêm những lãnh vực hợp tác mới như chống khủng bố và an ninh hải phận. Một số nước ASEAN không ủng hộ đề nghị nầy vì họ sợ vai trò then chốt của Trung Quốc trong tổ chức nầy sẽ dẫn đến việc ASEAN sẽ chuyển dần các hoạt động về các vấn đề an ninh khu vực ra khỏi các diễn đàn hiện có như Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) hay diễn đàn về an ninh của APEC (Asia Pacific Economic Cooperation.)[18]

Sau đó, chính Trung Quốc đã đưa ra một số đề nghị về an ninh khu vực khác và cũng đã hoạt động đắc lực để phát triển tổ chức ASEAN+3 (tức ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc). Những cơ chế và diễn đàn an ninh nầy đều không có sự hiện diện của Mỹ và vì thế sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc giảm thiểu hay giới hạn ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Châu Á, nói chung, và Đông Nam Á, nói riêng.[19] Năm 2003 Trung Quốc cũng ký “Thông cáo chung về hợp tác chiến lược cho hòa binh và thịnh vượng” (Joint Declaration on Strategic Partnership for Peace and Prosperity) với ASEAN. Trong đó, hai bên đồng ý hợp tác và điều phối các hoạt động của hai bên trong các lãnh vực chính sách đối ngoại và an ninh.[20] Thông cáo chung nầy đã được người ta phân tích như là “bước đầu đi đến việc sát nhập Đông Nam Á vào một cộng đồng kinh tế, chính trị, và an ninh Đông Á mà Trung Quốc lãnh đạo (an early step towards incorporating Southeast Asia in an East Asian economic, political and security community led by China.)[21]

Thật vậy, nhiều người đã khẳng định rằng, so với tất cả các thế lực khác từ bên ngoài khu vực, Trung Quốc hiện nay là quốc gia năng động nhất và có ảnh hưởng nhất đối với những chính sách và chương trình hoạt động trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và ngoại giao của Đông Nam Á. Trong một bài diễn văn ngày 9 tháng 6 năm 2005 tại Băng Cốc ông Goh Chok Tong, thủ tướng Xinh-ga-po, nói rằng trong thập niên vừa qua Trung Quốc đã thành công trong việc thiết lập 27 tổ chức khác nhau với ASEAN. Trong khi đó, 28 năm sau khi Mỹ và ASEAN chính thức hóa đối thoại giữa hai bên vào năm 1977 “hiện nay chỉ có 7 hình thức tổ chức Mỹ-ASEAN nhưng chỉ năm khi mười họa mới họp” (there are currently only seven U.S.-ASEAN bodies and they meet only infrequently.)[22]

Một vài ví dụ sau đây về các hoạt động đa phương và song phương của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2004 đến giữa năm 2006 sẽ cho ta thấy rõ thêm nhận định trên đúng đến mức nào:

a) Vài hoạt động đa phương

Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của ASEM tại Hà Nội tháng 10 năm 2004 Trung Quốc đã thành công trong việc dùng hội nghị nầy để chứng tỏ mình là người tích cực lãnh đạo và bảo vệ quyền lợi của Á Châu qua hai hành động có vẻ rất mâu thuẫn với nhau: Một mặt Trung Quốc ủng hộ sự tham gia hội nghị của Mi-an-ma và buộc các nước Âu Châu phải nhượng bộ ASEAN trong việc đòi không cho Mi-an-ma tham gia. Mặt khác thì Trung Quốc chống việc nới rộng sự tham gia ASEAM của các nước “Âu Châu mới” với lý do là sự tham gia của các nước không có hay ít có quyền lợi tại các nước Đông Nam Á sẽ làm loãng đi các liên hệ mà Trung Quốc và ASEAN đã và đang cố gắng xây dựng với Âu Châu.

Đối với các vấn đề khác của ASEM – như nhân quyền, cán cân thăng bằng mâụ dịch giữa Á Châu và Trung Quốc, và hợp tác trong các lãnh vực “an ninh phi truyền thống” (nontraditional security) – Trung Quốc đều có tiếng nói lớn. Tóm lại, Trung Quốc vừa dùng ASEM như là một diễn đàn dùng sức mạnh của Âu Châu để tạo cho mình một vai trò lãnh đạo ở Đông Nam Á và, ngược lại, vừa dùng thế mạnh chung của các nước Đông Nam Á để gây ảnh hưởng và phát triển liên hệ với Âu Châu.

Cuối tháng 11 năm 2004, tại đại hội thượng đỉnh ASEAN thứ 10 tại Lào, Trung Quốc và ASEAN ký “Hiệp định khung” và hiệp định nầy có thể sẽ là hiệp định quan trọng nhất vì trong tương lai nó sẽ tạo ra một thị trường mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. Và tại hội nghị nầy Trung Quốc và ASEAN cũng đồng ý nới rộng “Hiệp định khung” để thiết lập một cộng đồng ASEAN với một thị trường chung và các mục tiêu an ninh chung. Cũng tại hội nghị nầy ASEAN+3 tuyên bố là họ đồng ý hợp “Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á” (East Asia Summit) ở Ma-lai-xi-a vào cuối năm 2005. ASEAN+3 là con đẻ của Trung Quốc và Trung Quốc muốn sử dụng diển đàn nầy để bàn các vấn đề hợp tác cũng như giải quyết các vấn đề đụng chạm và khúc mắc thế nào cũng sẽ xảy ra giữa 3 nước có nền kinh tế lớn nhất Á Châu nầy trong các hoạt động “Nam tiến” của họ.

Năm 2005 là năm Trung Quốc đặc biệt năng động trong việc đẩy mạnh quan hệ song phương với các nước Đông Nam Á cũng như trong việc sử dụng tất cả các tổ chức đa phương của ASEAN để phát huy lợi ích và ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong năm đầu có hàng trăm cuộc gặp gỡ giữa các quan chức cao cấp của Trung Quốc và của các nước Đông Nam Á. Cao điểm là các cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn đông đảo các quan chức cao cấp Trung Quốc do Thủ tướng Ôn Gia Bảo dẫn đầu với các lãnh tụ Đông Nam Á và nhiều nước khác trên thế giới tại ba cuộc hội nghị vào ngày 11-15 tháng 12 năm 2005: hội nghị thứ 9 giữa Trung Quốc và ASEAN, hội nghị thứ 9 của ASEAN+3, và hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á (East Asia Summit, EAS) lần thứ nhất. Tham dự hội nghị EAS có các lãnh tụ của ASEAN+3 và của Ấn Độ, Úc, và Tân Tây Lan. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có mặt.[23]

Tại hội nghị ASEAN-Trung Quốc vào ngày 12 tháng 12 Ôn Gia Bảo đọc một bài diễn văn với tựa đề: Deepen Comprehensive Cooperation and Enhance China-ASEAN Strategic Partnership (Đào sâu sự hợp tác toàn diện và nâng cao sự cộng tác chiến lược giữa Trung Quốc và ASEAN). Trong bài nầy Ôn Gia Bảo hứa sẽ làm cho tình bạn hữu giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sâu đậm hơn, sẽ dựng lên một cái khung cho quan hệ đôi bên, sẽ xây dựng một hiệp ước mậu dịch tự do với ASEAN, sẽ nhận dạng những lãnh vực hợp tác, và sẽ đẩy mạnh việc trao đổi nhân sự.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 trong cùng ngày Ôn Gia Bảo đọc một bài diễn văn với tựa đề: Working Together for a Better Future Through Stronger Cooperation (Cùng hoạt động cho một tương lai tốt hơn qua sự hợp tác mạnh hơn). Bài diễn văn nầy kêu gọi đẩy mạnh việc phát triển cũng như việc thực hiện những nghiên cứu khả thi của một Khu Vực Mậu Dich Tự Do Châu Á; nới rộng Chiangmai Initiative (sáng kiến Chiang Mai) và xây dựng một cái khung cho việc hợp tác tài chính khu vực; hợp tác chặt chẽ hơn trong việc sử dụng năng lượng; và tăng cường các nỗ lực quản lý các tình trạng y tế khẩn cấp và những thiên tai lớn. Trong bài nầy Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố rõ rằng Trung Quốc không có tham vọng muốn giữ một địa vị lãnh đạo trong các tổ chức khu vực vì Trung Quốc trân trọng việc ASEAN đã là người gầy dựng các tổ chức nầy và làm cho sự hợp tác trong các tổ chức nầy lớn mạnh. Ôn Gia Bảo hứa là Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ ASEAN trong vai trò lãnh đạo các tổ chức đó.

Tại hội nghị thượng đỉnh Châu Á (EAS) ngày 14 tháng 12 thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh rằng Trung Quốc chống một tổ chức khu vực “khép kín và riêng biệt.” Ông ta nói rằng Trung Quốc ủng hộ một tổ chức mở cửa cho tất cả các nước ngoài Châu Á đến dự và khuyên các nước thành viên nên tăng cường quan hệ với Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu và các nước khác. Ông ta nhấn mạnh sự quan trọng của Trung Quốc như là một nước có nền mậu dịch quốc tế lớn thứ ba trên thế giới và là một nước nhập khẩu nhiều nhất Châu Á. Ông ta cũng quả quyết rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi một cuộc “phát triển hòa bình,” sẽ không bao giờ tìm cách để chế ngự Châu Á, và sẽ không làm cho các nước khác thua thiệt trên con đường phát triển của mình.

Ngoài việc dự ba hội nghị kể trên, Ôn Gia Bảo cũng có buổi họp thượng đỉnh song phương với Thủ tướng Ma-lai-xi-a và những cuộc gặp mặt chính thức với hầu hết các trưởng đoàn của các nước đến dự 3 hội nghị vừa đề cập đến. Nhưng Ôn Gia Bảo đã không chịu gặp thủ tướng Koizumi Junichiro của Nhật như thông lệ sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3. Trước đó, ngày 4 tháng 12, Bắc Kinh đã đơn phương công bố là lãnh tụ 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật sẽ không có cuộc gặp mặt như thường lệ vì lý do “khí hậu và điều kiện” không tốt.[24] Về sự kiện nầy Willy Lam, một nhà nghiên cứu và một nhà báo ở Hồng Kông, đã viết rằng Trung Quốc cố tình chơi nổi để cho Hàn Quốc và một số nước khác ở Châu Á biết rằng Trung Quốc không bằng lòng với chính sách hữu khuynh và bán quân phiệt của chính quyền Junichiro Koizumi. Sau khi Koizumi đi thăm đền thờ Yasukuni (nơi có nghĩa trang của một số quân phiệt đánh chiếm Trung Quốc và Hàn Quốc trong thập kỷ 30 và đến giữa thập kỷ 40) thì Trung Quốc và Hàn Quốc đã quyết định ngưng hết các cuộc gặp mặt với các lãnh tụ cấp cao của Nhật. Tại hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation) vào tháng 11 năm 2005 tại Hàn Quốc, các nhà bình luận của các hãng thông tấn Trung Quốc đã hể hả rằng Koizumi đã bị các lãnh tụ Châu Á ruồng bỏ.[25]

Suốt trong thời gian hội nghị tại Ma-lai-xi-a các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc nói rõ rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục tẩy chay thủ tướng Koizumi. Những cơ quan nầy còn nêu việc Ôn Gia Bảo từ chối không cho thủ tướng Koizumi mượn cây bút để ký bản công bố của EAS trong một buổi nghi lể trước công chúng ngày 14 tháng 12 và nói rằng đấy là một hành động tẩy chay cố ‎tình của Ôn Gia Bảo. Sau nghi lễ ký công bố vừa kết thúc, Ôn Gia Bảo lập tức họp báo giải thích hành động của mình và đưa ra nhiều lý do tại sao Trung Quốc chống Nhật. Ngoài ra, khi các cuộc hội nghị tại Kuala Lumpur vừa bắt đầu tờ nhật báo Trung Quốc (China Daily) đã có bài xã luận đả kích Nhật với lập luận là Nhật muốn tìm một vai trò lãnh đạo ở Châu Á mà Trung Quốc cho rằng không có lý do chính đáng vì chính phủ Nhật thiếu “tín nhiệm.”[26]

b) Vài liên hệ song phương

Một trong những mục tiêu chính của Trung Quốc trong việc tham gia các hoạt động đa phương là để gây ảnh hưởng hay phát triển quan hệ song phương. ASEAN gồm 10 quốc gia rất đa dạng trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Khó có thể nói rõ được những thành tựu hay những cải thiện trong quan hệ giữa từng nước một với Trung Quốc trong vài tháng qua hay vài năm qua mà không đề cập đến các vấn đề lịch sử và văn hóa. Và cũng không có thể đi vào chi tiết về vấn đề gì trong liên hệ của từng nước một với Trung Quốc dù chỉ trong vài tháng vừa qua trong một bài ngắn như thế nầy. Vậy sau đây chúng tôi chỉ đề cập một cách hết sức khái quát về quan hệ với Trung Quốc của một vài nước tiêu biểu trong khu vực.

Nước thứ nhất là Inđônêsia. Nước nầy lớn nhất trong khu vực, đông dân nhất, có nhiều tài nguyên nhất, và cũng có nhiều vấn đề với Trung Quốc nhất trong quá khứ. Ví dụ như trong năm 1965 khi chính quyền Suharto tàn sát hơn nửa triệu người trong cuộc đảo chính mà Suharto cho là những người cầm đầu là cộng sản gốc Hoa, thì nhiều người gốc Hoa bị giết chết. Từ năm 1967-1990 Trung Quốc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Inđônêsia. Năm 1998 nhiều người gốc Hoa bị đánh đập, hãm hiếp, và giết chết trong các cuộc bạo loạn do khủng hoảng năm 1997-98 gây nên. Năm 1999 tổng thống Wahid của Inđônêsia tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc vì chính sách của ông ấy lúc đó là muốn dùng Trung Quốc để cân bằng thế mạnh của Mỹ. Sau đó, quan hệ ngoại giao giữa Inđônêsia và Trung Quốc được củng cố thêm khi tổng thống Megawati sang thăm Trung Quốc năm 2002. Chính sách của bà Megawati là thiết lập quan hệ kinh tế này càng gần với Trung Quốc. Năm 2002 một bản ghi nhớ về hiểu biết của đôi bên (Memorandum of Understanding, MOU) đã được ký để thiết lập một “Diễn đàn nhiên liệu giữa Indonesia và Trung Quốc” (Indonesia-China Energy Forum). Các hãng dầu của Trung Quốc lập tức nhảy vào Inđônêsia khai thác dầu quặng và khí. Đầu tư của Trung Quốc ở Inđônêsia tăng từ 282 triệu đô la năm 1999 đến 6,8 tỷ năm 2003. Mậu dịch hai chiều tăng từ 2 tỷ đô la năm 1992 đến 8 tỷ năm 2002.[27]

Mặc dầu giá trị mậu dịch hai chiều tăng nhanh, quan hệ mậu dịch giữa hai bên có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai vì theo nhiều nguồn thông tin hơn 80% các hàng xuất nhập của hai nước nầy là trùng hợp với nhau và không tương đồng. Hai nước ý thức được đều nầy nên đều cố gắng củng cố quan hệ ngoại giao. Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2004 ông Tang Jiaxuan—cựu ngoại trưởng và đặc sứ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong quan hệ với ASEAN—chính thức viếng thăm Đông Nam Á. Trong chuyến công du nầy ông đã gặp ngoại trưởng Hassan Wirajuda của Inđônêsia tại Jakarta để bàn việc phát triển quan hệ song phương. Sau khi phía bên Inđônêsia bắt buộc phải tuyên bố công khai là họ ủng hộ chính sách chỉ có một nước Trung Quốc, phía Trung Quốc tuyên bố là họ sẽ ủng hộ việc Inđônêsia muốn làm chủ nhà cuộc hợp Hội Nghị Thượng Đỉnh Phi Châu-Á Châu và việc cử hành lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tổ chức nầy. Tang Jiaxuan tuyên bố thêm là quan hệ giữa hai nước đã bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn thiết lập một quan hệ song phương. Có thể đây là lối ăn to nói lớn của một anh nước bự. Nhưng tuyên bố nầy có ít nhất là hai hàm ý quan trọng. Thứ nhất là mặc dầu Inđônêsia đã bị yếu đi sau khủng hoảng 1997-98 và đang còn rẩt nhiều khó khăn, tiếng nói của Inđônêsia vẫn còn nhiều trọng lượng vì anh là nước lớn nhất trong khu vực và từng là lãnh đạo của khối ASEAN. Cho nên việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng đối với Inđônêsia sẽ giúp Trung Quốc bắt các nước khác thừa nhận địa vị và ảnh hưởng của mình trong khu vực. Thứ hai là vì lúc trước, khi còn là lãnh tụ của ASEAN, Inđônesia đã đẩy mạnh quan niệm kinh tế mở và ổn định trong khu vực để phát triển. Nay, trong việc Trung Quốc bắt Inđônêsia cúi đầu, Trung Quốc có hàm ý là “quan hệ chiến lược mới” của Trung Quốc sẽ thay thế chiến lược cũ của Inđônêsia trong việc chỉ đạo khu vực trong tương lai.

Trong chuyến công du vừa kể trên ông Tang Jiaxuan cũng ghé Thái Lan và Ma-lai-xi-a. Tại Bangkok ông ta dùng dịp lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Thái Lan sắp được tổ chức tại đây để kêu gọi việc “đưa hợp tác chiến lược hiện có lên đến đỉnh cao hơn.” Mặc dầu không có ký kết một hiệp định nào cả trong dịp nầy, hai bên đồng ý cải thiện hợp tác trong các lãnh vực phát triển nguyên liệu và nhiên liệu và truyền thông cũng như tăng cường các hình thức trao đổi giữa nhân dân hai nước. Dân chúng Thái có vẻ rất bằng lòng với việc mở rộng quan hệ với Trung Quốc. Theo một cuộc thăm dò dân ý, 76% người Thái cho rằng Trung Quốc là nước bạn gần gủi nhất so với chỉ có 9% nói Mỹ là nước thân thiện nhất.[28] Có nhiều lý do để giải thích cho việc nầy. Thứ nhất là sau khi Thái Lan bị khủng hoảng năm 1997 Trung Quốc lập tức giúp đỡ trong khi Mỹ có thái độ chần chờ. Thứ hai là Thái Lan có một cộng đồng người gốc Hoa khá lớn và khá thành công trong mọi lãnh vực. Cộng đồng nầy là giai cấp thống trị tại Thái Lan mà tiêu biểu là thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Có thể nói là Thái Lan và Trung Quốc đã thiết lập một liên minh không chính thức. Trung Quốc và Thái Lan đã ký một hiệp định “Liên Hiệp Chiến Lược” (Strategic Partnership) bao gồm trao đổi quân sự thường xuyên cũng như tập trận thường xuyên. Thái Lan đã mua vũ khí từ Trung Quốc từ đầu thập kỷ 80 trong chương trình hợp tác nầy với giá đặc biệt dành cho “anh em bầu bạn.” Phần lớn những vũ khí bán giá đặc biệt nầy là viện trợ quân sự trá hình. Gần đây Thái Lan và Trung Quốc công bố hàng loạt các biện pháp và chương trình để ăn mừng lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Thaksin muốn dùng Trung Quốc để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ. Ngoài ra gần đây 2 nước đều có vấn đề với thiểu số Hồi giáo (ở vùng Patani bên Thái và vùng Tân Cương bên Trung Quốc). Vì thế hai nước ủng hộ nhau trong việc chống khủng bố và chống các phong trào ly khai. Trong tất cả các nước Đông Nam Á, Thái Lan là nước ủng hộ Trung Quốc mạnh nhất trong việc đe dọa Đài Loan.[29]

Vì lý do chính trị và kinh tế, Thái Lan cũng đã đề nghị dự án dùng Thái Lan làm một “Cầu nối nhiên liệu trên đất liền” (Energy Land Bridge) để gắn liền vùng biển Audaman với Vịnh Thái Lan ở phía nam vùng eo biển gọi là “Isthmus of Kra” để việc chuyên chở dầu sang Trung Quốc có thể nhanh hơn và để tránh dùng eo biển Malacca khi có biến cố. Dự án nầy bắt đầu năm 2005 và sẽ hoàn thành năm 2008.[30]

Trong lãnh vực kinh tế thì mậu dịch 2 chiều giữa Trung Quốc và Thái Lan tăng từ 8,6 tỷ đô la năm 2002 đến 12 tỷ năm 2003. Nhưng trong việc trao đổi nầy Trung Quốc được lợi hơn Thái Lan rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp Thái đã và đang bị đẩy vào tình trạng khốn đốn. Lẽ dĩ nhiên là trong khi dó thì nhiều nhà đầu tư và xuất nhập khẩu Thái được lãi lớn. Vì thế, mặc dầu trong liên hệ giữa hai nước cũng có nhiều vấn đề khó khăn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mãi cho đến khi Trung Quốc bỏ túi Mi-an-ma gần đây quan hệ Thái-Trung là quan hệ gần gũi nhất trong tất cả các nước Đông Nam Á.[31]

Tuy chưa khắng khít bằng quan hệ với Thái Lan, quan hệ của Trung Quốc với Ma-lai-xi-a cũng đã được hai bên đẩy mạnh. Ông Tang Jiaxuan tuyên bố trong khi thăm Ma-lai-xi-a đầu tháng 11 năm 2004 là quan hệ giữa hai nước đã phát triển rất tốt. Ông cho biết thêm rằng ông ủng hộ việc Ma-lai-xi-a muốn làm nước chủ nhà cho cuộc họp đầu tiên của “Hội nghị thượng đỉnh Á Châu” (East Asian Summit) vào tháng 12 năm 2005 tại Kuala Lumpua. Tháng 2 năm 2005 quan hệ giữa hai nước lại được củng cố với cuộc viếng thăm “chủ tịch nước tối cao” Syed Sirajauddin. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố trong dịp nầy là quan hệ song phương hai nước đã phát triển rất cao và rất mạnh, đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế. Phát triển kinh tế của Trung Quốc đã giúp phát triển kinh tế Ma-lai-xi-a nhiều nhất nhì trong các nước Đông Nam Á. Một trong những lý do là vì 25% dân chúng Ma-lai-xi-a là người Hoa và họ có quan hệ kinh tế và gia đình rất gắn bó với Trung Quốc. Trong thập kỷ trước Ma-lai-xi-a chỉ xuất hàng năm có 1,2 tỷ Mỹ kim hàng hóa sang Trung Quốc. Con số nầy đã lên đến 6 tỷ Mỹ kim năm 2003 và 6,4 tỷ Mỹ kim trong 10 tháng đầu năm 2004.[32] Năm 2003 Ma-lai-xi-a vượt Xinh-ga-po và trở thành bạn hàng trao đổi mậu dịch lớn nhất với Trung Quốc trong các nước ASEAN.

Về mặt đầu tư thì đến năm 2003 Ma-lai-xi-a là nước có đầu tư lớn thứ 16 trên thế giới ở Trung Quốc. Năm 2002 Ma-lai-xi-a đã có tổng giá trị FDI ở Trung Quốc là 367,99 tỷ Mỹ kim. Trung Quốc trở thành nước xếp hạng thứ 10 trong các nước nhận được FDI của Ma-lai-xi-a trên thế giới. Theo nhiều phân tích, con số nầy sẽ lớn rất nhanh trong những năm tới. Hầu hết các công ty Ma-lai-xi-a đầu tư ở Trung Quốc là của người Hoa.[33] Ngược lại, theo số liệu của ASEAN Statistical Yearbook (năm 2003, trang 148-149) đầu tư của Trung Quốc chỉ khoảng 60 triệu. Tuy thế hướng đang lên của Trung Quốc cũng đã giúp Trung Quốc tạo được uy thế và ảnh hưởng tại Ma-lai-xi-a cũng như trong cả khu vực Đông Nam Á. Theo lời của ông Abdul Razak Baginda tại “Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược” của Ma-lai-xi-a thì: “Hiện nay chúng tôi [các nước Đông Nam Á] phải chấp nhận đến mức nào đó sự lãnh đạo của Trung Quốc, đặc biệt là vì đang thiếu sự lãnh đạo từ nguồn khác [Mỹ?].”[34] Và theo một vài phân tích thì Hội Nghị Thượng Đỉnh Châu Á là để chính thức hóa vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong khu vực.[35] Nhưng việc nầy đã không xãy ra vì có sự chống đối của Xinh-ga-po, Inđônêsia, và một vài nước khác với sự hỗ trợ của Nhật. Cuối cùng các nước nầy đã thành công trong việc mở cửa hội nghị Thượng Đỉnh Châu Á cho Ấn Độ, Úc, Tân Tây Lan và Nga tham gia. Các nước nầy vui lòng đóng những vai trò năng động và vì thế đã làm cho ảnh hưởng của Trung Quốc bị loãng đi. Hội nghị Thượng Đỉnh Châu Á cũng để cửa mở cho sự tham gia của Mỹ trong tương lai. Một việc rất đặc biệt đã xãy ra là ngay từ khi hội nghị bắt đầu ASEAN đã khẳng định vai trò lãnh đạo của mình bằng cách chọn Manila, thay vì Bắc Kinh như Trung Quốc và Ma-lai-xi-a đã dàn xếp với nhau, để làm địa điểm cho hội nghị EAS lần thứ hai vào cuối năm 2006. Vì thế, Ôn Gia Bảo đã phải bắt buộc phải phản ứng một cách lịch lãm là Trung Quốc ủng hộ sự lãnh đạo của ASEAN trong tất cả các tổ chức khu vực; nhưng sau đó ông ta đã bày tỏ sự bực tức của mình bằng thái độ khiếm nhã với thủ tướng Nhật. Các cơ quan truyền thông của Trung Quốc cũng đã tố cáo Nhật có tham vọng không chính đáng để làm một lãnh tụ tại Châu Á như đã đề cập đến phía trên.[36]

Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Ma-lai-xi-a ngày 15 tháng 12 năm 2005 đưa ra một thông cáo chung là hai bên đã đồng ý tăng gia tăng mậu dịch song phương từ 26 tỷ Mỹ kim năm 2004 lên đến 50 tỷ Mỹ kim năm 2010; thực hiện một nghiên cứu khả thi về một Hiệp định Đối tác Kinh tế (Economic Partnership Agreement, hiệp định nầy là một phần của Hiệp định Mậu dịch Tự do giữa ASEAN và Trung Quốc); trao đổi thông tin về nhưng vấn đề an ninh không truyền thống (nontraditional security areas); và mở rộng các trao đổi quân sự giữa hai nước. Thông cáo nầy nói rằng Ma-lai-xi-a rất phấn khởi trước các đóng góp của Trung Quốc, một nước chủ yếu dùng eo biển Malacca, để tăng cường an ninh trên eo biển nầy.[37]

Trong 6 tháng đầu năm 2006 các phái đoàn cao cấp vẫn tiếp tục sang thăm các nước Đông Nam Á, nhưng ít hơn 6 tháng cuối của năm 2005. Hai phái đoàn được dư luận chú ý đến nhất là phái đoàn do đại tướng Cao Gangchuan, bộ trưởng quốc phòng, dẫn đầu đến thăm Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po và Việt Nam (ngày 13-15 tháng 4) và phái đoàn do Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến thăm Campuchia (ngày 7-8 tháng 4) và sau đó đến Úc, Fiji và Tân Tây Lan. Trong các cuộc trao đổi giữa đoàn của bộ trưởng quốc phòng Cao Gangchuan với các đối tác tại ba nước nói trên Trung Quốc đặc biệt muốn các nước nầy giải thích quan hệ quân sự với Mỹ và sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Mỹ trong khu vực. Tại Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po phái đoàn của tướng Cao nhấn mạnh việc Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác với hai nước nầy để bảo vệ an ninh trên vùng eo biển Malacca. Tại Xinh-ga-po Bộ Trưởng Cao và bộ trưởng quốc phòng Xinh-ga-po, ông Teo Chee Hean, nhấn mạnh rằng hai nước có khả năng rất lớn để tăng cường hợp tác quân sự. Ông Lee Kuan Yew, cựu thủ tướng Xinh-ga-po và là người có uy quyền bậc nhất tại nước nầy, đã nói trong một cuộc gặp mặt với tướng Cao là ông ta tin chắc rằng quan hệ song phương giữa hai nước sẽ được tăng cường. Tại Việt Nam phái đoàn tướng Cao nêu lên một số vấn đề, trong đó có vấn đề sử dụng vịnh Cam Ranh mà Trung Quốc cho là tối quan trọng đối với vấn các vấn đề an ninh cho đảo Hải Nam và các tỉnh đông nam Trung Quốc. Phái đoàn tướng Cao không có thông cáo chung sau cuộc viếng thăm ba nước trên. Nhưng trước đó, ngày 7 tháng 4, tướng Cao đã đến thăm Việt Nam và gặp Bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà và hai bên đã tuyên bố là hai nước nên tăng cường quan hệ song phương, kể cả quan hệ quân sự.[38]

Cuôc đi thăm bốn nước của phái đoàn Ôn Gia Bảo liên quan đến các vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Trong cuộc viếng thăm nầy phái đoàn Trung Quốc đã ký 60 hiệp định song phương. Riêng trong cuộc gặp gỡ ngày 7-8 tháng 4 giữa Ôn Gia Bảo với Thủ tướng Hun Sen hai bên đã ký 10 hiệp định. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng tham dự lễ khánh thành khu các dinh thự và văn phòng làm việc mà Trung Quốc đã viện trợ xây cất cho Thủ tướng Hun Sen và các trợ lý của ông ta. Ông Hun Sen tuyên bố là cuộc viếng thăm của Ôn Gia Bảo sẽ đem đến rất nhiều lợi ích cho Campuchia và nói thêm rằng Trung Quốc là “bạn đáng tin cậy nhất” của Campuchia. Cuối cùng hai bên đưa ra một thông cáo chung rất dài kể lại một cách rất chi tiết sự cảm kích của Campuchia đối với những sự ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc cũng như sự đánh giá cao của Trung Quốc về sự ủng hộ của Campuchia đối với quan hệ gần gủi hơn giữa Trung Quốc và ASEAN và việc Campuchia chống Đài Loan.[39]

Nói chung thì phần lớn các hoạt động của Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2006, với mấy chục phái đoàn viếng thăm qua lại mà bài nầy không thể nào đề cập đến (dù chỉ qua loa) ở đây được, phần lớn là để củng cố và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng như Mi-an-ma, Việt Nam, Lào và Campuchia.

III. Mục tiêu, phản ứng, và chính sách hiện nay của Hoa Kỳ

Theo một nghiên cứu năm 2005 của Quốc Hội Mỹ, mục tiêu chiến lược lâu dài của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á như sau:[40]

· Ổn định khu vực và cân bằng lực lượng với mục tiêu chiến lược là không cho ai làm bá chủ tại Đông Nam Á.

· Không để bị loại ra khỏi khu vực bởi một cường quốc hay một liên minh nào.

· Tư do lưu thông hàng hải và bảo vệ các đường biển.

· Bảo vệ quyền lợi mậu dịch và đầu tư của Mỹ.

· Ủng hộ đồng minh và các nước bạn.

· Truyền bá dân chủ, chủ nghĩa pháp quyền, nhân quyền, và tự do tín ngưỡng.

· Không để khu vực trở thành căn cứ địa của bọn khủng bố.

Đối với Trung Quốc và vai trò của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương nói chung thì “Công bố chiến lược an ninh quốc gia” (U. S. National Security Strategy Statement) ngày 17 tháng 3 năm 2004 cho biết “một phần quan trọng trong chiến lược của chúng ta là thiết lập một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ổn định, thái bình, và thịnh vượng…. Chúng ta chào đón sự ra đời của một nước Trung Quốc hùng mạnh, hòa bình, và thịnh vượng.” Công bố chiến lược nầy cho biết thêm là, để phát huy quyền lợi của Mỹ trong quan hệ Mỹ-Trung tại Đông Nam Á, Mỹ thường thi hành chiến lược “cân bằng lực lượng trong khu vực qua các liên minh và qua sự hiện diện quân sự” cũng như qua việc đưa Trung Quốc vào hợp tác để “cùng lúc khuyến khích sự tham gia có trách nhiệm [của Trung Quốc] vào các hoạt động quốc tế.”

Nhưng việc Trung Quốc tăng cường hoạt động tại Đông Nam Á trong những năm gần đây, như đã tóm lược trong phần trên của bài nầy, đã làm nhiều nhà nghiên cứu chiến lược của Mỹ cũng như nhiều chính khách Mỹ lo ngại. Trong một bài về Trung Quốc và ASEAN đăng trên một tập san của một viện nghiên cứu chiến lược, Mỹ hai tác giả Dana R. Dillon và John J. Tkacik, Jr. đã đi đến kết luận rằng Trung Quốc đang trở thành một cường quốc đầu đàn ở Đông Nam Á và sẽ làm tổn hại đến vị trí của Mỹ cũng như sẽ gây nhiều khó khăn cho các nước bạn tại khu vực nầy nếu Mỹ không cố gắng tăng gấp đôi, gấp ba, các hoạt động của mình đối với ASEAN.[41]

Một số các nhà nghiên cứu khác của Mỹ lạc quan hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trong một bài về vai trò của Trung Quốc trong khu vực nầy và ý nghĩa của nó đối với Mỹ và Nhật, Elizabeth Economy, giám đốc chương trình nghiên cứu Châu Á tại Hội Đồng Đối Ngoại của Mỹ (The Council on Foreign Relations) viết rằng mặc dầu vai trò kinh tế của Trung Quốc tại Đông Nam Á là quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong những năm vừa qua, mậu dịch hai chiều giữa Trung Quốc với ASEAN năm 2004 chỉ mới có khoảng 100 tỷ Mỹ kim. Tức là thua xa Nhật (135,9 tỷ Mỹ kim) và Mỹ (trên 136 tỷ Mỹ kim) trong cùng năm. Hơn thế nữa, sự phát triển mậu dịch hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN không có nghĩa là hai bên cùng có lợi. Hàng nhập từ Trung Quốc như là đồ điện tử, đồ mộc (bàn, ghế, tủ, gường), xe gắn máy, và hoa quả chỉ là một vài ví dụ hàng nội địa của các nước Đông Nam Á đang gặp khó khăn cạnh tranh, nếu không nói là có thể bị hàng Trung Quốc đè bẹp. Ở Inđônêsia và Ma-lai-xi-a nhiều người phàn nàn là có quá nhiều việc làm đã bị Trung Quốc chiếm mất. Việc tăng cường xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc đã có ảnh hưởng xấu đối với một số nước như Campuchia và Việt Nam. Và sự hiện diện càng ngày càng lớn trên bình diện kinh tế của Trung Quốc tại Đông Nam Á đang khuấy lên sự bất bình sẵn có nhưng trầm lặng trong quần chúng tại các nước trong khu vực đối với các tầng lớp Hoa kiều giàu có ở đấy.[42]

Trên bình diện giúp đỡ các nước Đông Nam Á thì bà Economy nói rằng Trung Quốc đã được mọi người chú ý trong lúc Châu Á đang bị khủng hoảng tài chính vì Trung Quốc không chịu hạ giá thêm đồng nhân tệ và vì Trung Quốc đã cho Thái Lan mượn một tỷ Mỹ kim. Nhưng Nhật là nước cho ASEAN nhiều viện trợ nhất. Năm 1977 Nhật hứa sẽ viện trợ 30 tỷ Mỹ kim để tăng cường các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á; và đến năm 2001 60% của toàn thể viện trợ phát triển cho khu vực là từ Nhật. Bà Economy kết luận rằng trong khi Trung Quốc rất năng động trong việc đẩy mạnh quan hệ mậu dịch với ASEAN và muốn đóng vai trò lãnh đạo kinh tế trong khu vực với các hiệp định như Hiệp Định Mậu Dịch Tự Do ASEAN-Trung Quốc, Nhật vẫn đóng vai trò quan trọng nhất nhì đối với ASEAN trong các lãnh vực đầu tư, mậu dịch, và tài chính. Mỹ vẫn là nước có trao đổi mậu dịch lớn nhất với khu vực. Nhưng vì Mỹ đang chú ý đến các thị trường khác, như Trung Quốc, nên Mỹ có thể đánh mất vị trí chủ chốt của mình nếu Mỹ không để ý thêm đến các nước ASEAN và không giúp các nước nầy tiếp tục phát triển kinh tế.[43]

Gần 2 phần 3 bài của bà Economy được dùng để phân tích vai trò của Trung Quốc trong lãnh vực an ninh và “an ninh không truyền thống” như môi trường, ma túy, y tế và quyền chính (governance). Bà Economy đi đến kết luận rằng mặc dầu Trung Quốc rất khôn khéo trong mặt trận ngoại giao, nhiều nước trong khu vực vẫn chưa hẳn tin tưởng Trung Quốc vì Trung Quốc thường nói một đằng nhưng làm một nẻo. Bà đưa ra một số ví dụ chứng minh như là việc Trung Quốc làm đập trên thượng lưu sông Mê Công và gây rất nhiều hậu quả nặng nề cho các nước hạ lưu như Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Thế nhưng Trung Quốc vẫn khăng khăng từ chối yêu cầu của Hội Đồng Sông Mê Công (Mekong River Commission) gặp để thảo luận việc nầy hay ít nhất là để nghe các nước láng giềng để bày tỏ những lo âu của họ. Bà Economy cho rằng, nếu Trung Quốc muốn trở thành một nước lãnh đạo ở Đông Nam Á, Trung Quốc phải thật sự đóng những vai trò tích cực hơn trong các lãnh vực an ninh được đề cập đến. Cuối cùng bà Economy kết luận rằng Mỹ và Nhật vẫn đóng vai trò then chốt các lãnh vực mậu dịch, an ninh và phát triển kinh tế ở Đông Nam Á; và mặc dầu Trung Quốc không có thể đẩy Mỹ và Nhật ra khỏi khu vực, Mỹ không nên ỷ lại vào những thành tích trong quá khứ mà phải năng động hơn. Đặc biệt là nên đưa Trung Quốc vào hợp tác với Mỹ và Nhật trong khu vực vì việc nầy, tuy sẽ gặp rất nhiều thử thách, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho mọi bên.[44]

Hai nghiên cứu trên phản ánh hầu hết các phản ứng của các nhà phân tích và các chính khách Mỹ, dù bi quan hay lạc quan đối với thái độ và hoạt động của Trung Quốc tại Đông Nam Á: hầu hết đều cho rằng Mỹ phải năng động hơn trong quan hệ với các nước ASEAN. Vì bị áp lực từ nhiều phía, bắt đầu từ giữa năm 2005 chính quyền Bush đã đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông Nam Á, trừ Mi-an-ma. Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội Mỹ ngày 21 tháng 9 năm 2005 ông Eric G. John, trợ lý thứ trưởng ngoại giao phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh rằng vì Đông Nam Á là vùng quan trọng bật nhất đối với Mỹ (“Southeast Asia is – and will remain – of the greatest importance to the United States”), Mỹ đã và đang cải thiện quan hệ với các quốc gia trong khu vực (trừ Mi-an-ma) và tăng cường hợp tác với các tổ chức đa phương như ASEAN, APEC, và Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF). Đối với ASEAN ông John nói rằng tăng cường quan hệ với tổ chức nầy là việc làm tối quan trọng vì ASEAN là một động cơ để phát triển ổn định và thịnh vượng trong khu vực Châu Á-Thái Binh Dương. Ông ta nói Mỹ và ASEAN đã và đang tăng cường hợp tác trong mọi lãnh vực, mặc dầu đối với Mỹ ASEAN chưa hợp tác đủ với Mỹ trong việc thúc đẩy dân chủ tại Mi-an-ma. Tuy thế, ông John nói rằng trong năm 2006, dựa trên quan hệ rất vững chắc đã đạt được, ASEAN và Mỹ sẽ phát triển toàn diện chương trình Enhanced Partnership (Đối tác nâng cao) mà ASEAN đã đề nghị vào tháng giêng năm 2004. Đây là một chương trình mà các nước ASEAN muốn Mỹ tham dự như là một thành viên ngang hàng với Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, và Ấn Độ để tránh cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực ngõ hầu đem lại ổn định lâu dài tại đây. Về vai trò Trung Quốc ở Đông Nam Á ông John tuyên bố:

Trung Quốc tập trung phát triển quan hệ mậu dịch và đầu tư mạnh mẻ trong khu vực để nuôi dưỡng phát triển nội bộ nước mình. Trong cùng lúc thì Trung Quốc rõ ràng muốn nâng cao ảnh hưởng chính trị ngang tầm với sức mạnh kinh tế của mình, và từ đó có cơ hội để khuếch trương các quyền lợi của mình trong khu vực. Mục tiêu của chúng ta (Hoa kỳ) là giúp Trung Quốc ngày càng nhận định rõ những quyền lợi nầy nên phát triển theo cùng chiều hướng với những mục đích của chúng ta. Đây đúng chính là việc mà thứ trường ngoại giao Zoellick đang làm trong chương trình Senior Dialogue (Đối thoại Cấp cao) đã được ký kết giữa Tổng thống (Mỹ) và Chủ tịch Hu (Trung Quốc) tại cuộc hợp APEC năm ngoái. Chương trình Diễn đàn các Vấn đề Toàn Cầu Dobriansky của Hoa Kỳ (U.S. Dobriansky’s Global Issues Forum) cũng tìm cách đối phó với sự xuất hiện của Trung Quốc như là một tay chơi toàn cầu bằng cách chứng tỏ sự hợp tác trong hàng loạt các vấn đề đa quốc gia. Phải nên nhớ rằng trong bối cảnh nầy vai trò của Mỹ ở trong khu vực đã tăng cùng lúc với việc Trung Quốc tìm cách tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á. Chúng ta đang, và sẽ tiếp tục, đóng vai trò cần thiết trong khu vực, vai trò đã được xây dựng trên những quan hệ đồng minh của chúng ta, sự tham gia năng động của chúng ta trong các tổ chức ASEAN và APEC, và phương tiện thâm nhập thị trường mở rộng và thông suốt của chúng ta mà chúng ta đã cung cấp để giúp phát triển các nền kinh tế của Trung Quốc và của các nước trong khu vực.[45]

Trong một bài phát biểu ngày 22 tháng 5 năm 2006 tại Xinh-ga-po về quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á ông Christopher Hill, thứ trưởng ngoại giao phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh sự quan trọng của Đông Nam Á đối với tương lai của Mỹ và của hệ thống quốc tế. Ông Hill nói rằng, trên lãnh vực kinh tế, Đông Nam Á là khu vực đầu đàn của nền kinh tế thế giới và là một trong những bạn hàng trao đổi mậu dịch quan trọng nhất của Mỹ. Năm 2005 Mỹ nhập 100 tỷ Mỹ kim hàng từ Đông Nam Á và xuất gần 50 tỷ Mỹ kim sang các nước trong khu vực nầy. Như thế, Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 5 trên thế giới cho xuất khẩu của Mỹ; và đầu tư trực tiếp của Mỹ tại ASEAN lớn hơn đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc và Hồng Kông cộng lại. Ông Hill nói tiếp như sau: “Chúng tôi (Mỹ) hiện nay hoạt động cật lực để đưa quan hệ với ASEAN lên một nấc cao hơn” (We are now actively working on taking our relationship with ASEAN to the next level.) Thêm vào đó ông Hill cũng cho biết là Mỹ rất quan tâm đến việc phát huy cấu trúc của ASEAN cũng như tăng cường quan hệ với ASEAN là vì Mỹ muốn nới rộng những quan hệ song phương rất sâu đậm và năng động giữa Mỹ với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Để chứng minh quan hệ song phương quan trọng như thế nào đối với Mỹ, ông Hill tóm tắt quan hệ của Mỹ với từng nước một trong khu vực Đông Nam Á. Đối với Xinh-ga-po, chẳn hạn, ông Hill nói Xinh-ga-po là bạn hàng mậu dịch lớn thứ 10 trên toàn cầu. Xuất khẩu của Mỹ sang Xinh-ga-po, một nước chỉ có 4,3 triệu người, bằng một nửa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, một nước có hơn 1,3 tỷ người. Mậu dịch giữa Mỹ và Xinh-ga-po đã tăng hơn 10% sau khi hai nước ký Hiệp định Tự do Mậu dịch năm 2004. Sau khi liệt kê quan hệ song phương với từng nước Đông Nam Á, ông Hill nói rằng chỉ có một quan hệ song phương với Mỹ có tác động đến hết các quan hệ song phương đã được đề cập đến là quan hệ song phương với Trung Quốc. Ông Hill nói ông muốn bày tỏ rõ ràng rằng không phải có thêm nhiều sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực là sẽ có bớt sự hiện diện của Mỹ. Mỹ nghĩ là Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc trên toàn cầu, kể cả trong khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển kinh tế rất nhanh chóng của Trung Quốc và ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc đã và đang đem đến nhiều thách thức và cơ hội cho các nước Châu Á và cho Mỹ. Nhưng, như tổng thống Bush đã nói hồi tháng 4 năm 2006, Mỹ chào đón sự xuất hiện của một nước Trung Quốc giàu có và hòa bình và ủng hộ các cơ chế quốc tế. Ông Hill nói tiếp là bảy nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đã ủng hộ việc Trung Quốc hòa nhập với hệ thống toàn cầu và Mỹ đã thành công trong việc nầy. Bây giờ, như thứ trưởng ngoại giao Robert Zoellick đã nói trong một bài diễn văn hồi tháng 9 năm 2005, “đã đến lúc mọi người trong chúng ta khuyến khích Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn như là một cổ đông viên có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế, một hệ thống đã giúp Trung Quốc gặt được rất nhiều lợi ích” (it is time for all of us to encourage China to take on a greater role as a responsible stakeholder in the international system, a system from which China has benefited greatly.)[46]

Sau bài phát biểu chính thức ông Hill có trả lời một số câu hỏi. Và trong khi ông trả lời câu hỏi cuối cùng của ông Kishore Mahbubani, giám đốc Cao học Lý Quang Diệu về Chính sách Công cộng (Lee Kuan Yew School of Public Policy) và nguyên ngoại trưởng Xinh-ga-po, ông Hill đã thố lộ rất rõ chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á và với vai trò của Trung Quốc trong khu vực nầy: Mỹ sẽ tiếp tục phát triển quan hệ lâu dài với các nước trong khu vực vì những quan hệ nầy rất quan trong và rất đặc biệt đối với Mỹ. Nhưng việc nầy không có nghĩa là Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc để lấy lòng các nước Đông Nam Á. Mỹ muốn Đông Nam Á có quan hệ tốt với Trung Quốc vì Trung Quốc là một đầu tàu cho sự phát triển trong khu vực. Đông Nam Á là một trong những khu vực trên thế giới mà Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích chung. Chỉ có một vấn đề nổi cộm là trong quan hệ của Trung Quốc với Mi-an-ma Trung Quốc không chịu cho các nước khác trong ASEAN và trong Liên Hiệp Quốc hợp tác để đem đến những thay đổi tích cực cho Mi-an-ma và giúp đưa Mi-an-ma vào con đường phát triển.[47]

Ông Hill đã lập lại hai lần trong câu trả lời trên là Mỹ không muốn cạnh tranh với Trung Quốc, chỉ muốn đưa Trung Quốc vào con đường hợp tác. Như sẽ trình bày ở phần cuối của bài nầy, đây là một chính sách rất quan trọng cho việc phát triển ổn định trong khu vực.

IV. Chính sách, thái độ và hoạt động của Nhật

Nếu Mỹ không muốn cạnh tranh với Trung Quốc và chỉ muốn đưa Trung Quốc vào hợp tác thì Trung Quốc có muốn cạnh tranh với Mỹ hay với ai khác không? Như đã trình bày ở trên trong phần về Trung Quốc, Trung Quốc bắt buộc phải tỏ ra có thiện chí trong ba cuộc họp thượng đỉnh vào trung tuần tháng 12 năm 2005 tại Ma-lai-xi-a, một phần vì áp lực của các hoạt động tích cực của các nước Đông Nam Á. Nhưng qua các thái độ khiếm nhã của Ôn Gia bảo đối với thủ tướng Nhật và qua việc Ôn Gia Bảo họp báo tố cáo Nhật có tham vọng làm lãnh tụ trong khu vực người ta có thể thấy được khá rõ ràng là Trung Quốc cố ý dằn mặt Nhật để cho mọi người thấy rằng Trung Quốc không bằng lòng với địa vị của Nhật trong khu vực. Còn Nhật thì sao? Có muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc không? Và có thể cạnh tranh không?

Trong một bài đăng trong tạp chí China Brief vào đầu tháng giêng năm 2004 với tựa đề “Nhật có thể phản công lại ảnh hưởng đang lớn dần của Trung Quốc tại Đông Nam Á không?” tác giả cho biết rằng các hoạt động của chính phủ Nhật để khẳng định lại ảnh hưởng của Nhật tại Đông Nam Á gặp nhiều cản trở chính trị trong nước Nhật. Một ví dụ tác giả đưa ra là trong việc thương thuyết các hiệp định mậu dịch tự do với một số nước Đông Nam Á chính phủ Nhật đã phải đương đầu với một phong trào vận động hành lang về nông nghiệp (argricultural lobby) và vì thế đã đi sau Trung Quốc rất xa trong việc thiết lập các hiệp định mậu dịch tự do với các nước ASEAN. Nhưng dầu sao đi nữa thì Nhật có một số lợi thế sẵn có. Lợi thế thứ nhất là mặc dầu ảnh hưởng của hơn 10 năm kinh tế suy thoái và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-98 đã buộc Nhật phải rút bớt đầu tư trong khu vực Đông Nam Á để đầu tư vào Trung Quốc (và vì thế đã kéo các nhà đầu tư nước ngoài khác bỏ Đông Nam Á chạy theo Nhật vào Trung Quốc luôn), đến năm 2001 đầu tư của Nhật tại ASEAN vẫn lớn hơn 14 lần nếu tính theo dòng chảy (flow) hay hơn 56 lần nếu tính theo lượng (stock). Lợi thế thứ hai là Liên Minh Mỹ-Nhật ngày càng được củng cố và vì thế nếu các nước ASEAN muốn tranh thủ Mỹ có thêm sự hiện diện trong khu vực hòng không cho một cường quốc nào làm bá chủ để an ninh khu vực được đãm bảo lâu dài, thì các nước Đông Nam Á phải khuyến khích Nhật đóng những vai trò tích cực hơn. Áp lực của các nước ASEAN đã đem lại một số hiệu quả tích cực như là việc Nhật, vào trung tuần tháng 12 năm 2003, đã ký “Hiệp Định Hữu Nghị và Thương Mại” (Treaty of Amity and Commerce) mà ASEAN đã thiết lập năm 1976 mặc dầu có sự phản đối của Mỹ và mặc dầu sự phản đối nầy đã làm cho Úc và Tân Tây Lan sợ và không dám ký. Sự phản đối của Mỹ dựa trên nguyên tắc Nhật là đồng minh của Mỹ và được Mỹ bảo vệ, đặc biệt là với vũ khí hạt nhân, trong khi qua việc ký hiệp định trên Nhật chấp nhận ASEAN là một “khu vực phi vũ khí hạt nhân” (nuclear-weapons-free zone.)[48]

Ngược lại hiệp định trên với Nhật, năm 2004 ASEAN bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc gia nhập hiệp định khu vực phi vũ khí hạt nhân (Southeast Asia Nuclear Weapons Free Zone) với lý do là tổ chức nầy muốn tất cả các cường quốc có vũ khí nguyên tử đều gia nhập cùng một lúc. Hành động nầy được người ta phân tích là ASEAN không muốn Trung Quốc có một vai trò quá nổi trên bình diện an ninh nếu không có sự tham gia cùng lúc của các cường quốc trong khu vực.[49]

Mặc dầu trên bình diện an ninh Nhật chủ yếu dựa vào liên minh với Mỹ, chính sách lâu dài của Nhật là đưa Trung Quốc vào hợp tác trên nhiều bình diện và ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Đông Nam Á vì Nhật cho đây là cách hữu hiệu nhất và rẻ nhất để làm cho thái độ và chính sách của Trung Quốc ôn hòa hơn. Đó là lý do tại sao Nhật đã âm thầm khuyến khích các nước ASEAN mở rộng hội nghị thượng đỉnh Châu Á (EAS) ngày 14 tháng 12 năm 2005 tại Ma-lai-xi-a. Như đã nói trên, việc nầy đã làm cho Trung Quốc rất tức giận và đã phản ứng rất mạnh đối với Nhật. Nhưng đằng khác thì Ôn Gia Bảo đã phải tuyên bố là Trung Quốc chống một tổ chức khu vực “khép kín và riêng biệt” và ủng hộ một tổ chức mở cửa cho tất cả các nước ngoài Châu Á đến dự. Sở dĩ Nhật đã có thể âm thầm khuyến khích các nước ASEAN chận bớt tham vọng chính trị của Trung Quốc là vì, ngoài liên minh với Mỹ, Nhật vẫn còn có sự hiện diện kinh tế khá lớn trong khu vực.

Đầu tư trực tiếp của Nhật tại các nước ASEAN tụt với mức độ rất nhanh sau khủng hoảng năm 1997 và đầu tư vào Trung Quốc tăng nhanh từ năm 2000, tức là từ khi Trung Quốc sắp vào Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO). Trong năm tài chính 2003 tổng số đầu tư của Nhật vào ASEAN là 263,1 tỷ Yên, tức là khoảng 6,4% của tổng số đầu tư của Nhật trên thế giới (4090 tỷ Yên). Theo Tổ Chức Kinh Tế Đối Ngoại Nhật (JETRO, Japan External Trade Organization) thì bắt đầu từ năm 2004 đầu tư của Nhật tại ASEAN (tính bằng triệu Mỹ kim) đã tăng rất nhanh ở Việt Nam, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po và Thái Lan.

Tuy đầu tư của Nhật tại Inđônêsia năm 2004 tụt xuống so với năm 2003, ông Aburizal Bakrie, bộ trưởng kinh tế Inđônêsia, cho biết trong một thông báo vào trung tuần tháng 10 năm 2005 tại Jakarta là đến năm 2009 đầu tư của Nhật sẽ tăng đến 22 tỷ Mỹ kim, tức là gấp đôi mức đầu tư năm 2005. Ông Bakrie cho biết là đến năm 2005 có 900 công ty Nhật hoạt động ở Inđônêsia với tổng số đầu tư là 11 tỷ Mỹ kim và tạo công ăn việc làm cho 282 nghìn người. Giá trị hàng xuất của các công ty nầy năm 2004 bằng 19,06% của tổng giá trị hàng xuất của Inđônêsia, và giá trị hàng nhập của các công ty nầy bằng 13,07% của tổng giá trị hàng nhập của Inđônêsia. Đến năm 2009 tổng giá trị hàng xuất của các công ty Nhật tại Inđônêsia sẽ tăng gấp đôi. Ông Bakrie cũng cho biết thêm là đầu tư của Nhật tại Inđônêsia từ năm 1967 đến năm 2004 tương đương với 19,5% của tổng số đầu tư nước ngoài tại Inđônêsia. Do đó, Nhật là nước có đầu tư lớn nhất tại đây.[50]

Theo phát biểu vào cuối tháng 2 năm 2005 của ông Osamu Watanabe, chủ tịch và tổng giám đốc tổ chức JETRO (Japan External Trade Organization), tổng số đầu tư của Nhật tại Đông Nam Á đã lớn hơn gấp 3 lần tổng giá trị đầu tư của Nhật tại Trung Quốc và có xu hướng tăng càng nhanh hơn nữa sau khi Nhật ký kết một số hiệp định mậu dịch tự do với các nước trong vùng.[51]

Quan hệ mậu dịch giữa ASEAN có thể còn quan trong hơn đầu tư của Nhật tại khu vực Đông Nam Á. Mậu dịch giữa Nhật với ASEAN (xuất khẩu và nhập khẩu) năm 2003 là 13.860,8 tỷ Yên, tức là khoảng 14% tổng giá trị của mậu dịch của Nhật với toàn thế giới. Mậu dịch với ASEAN tương đương với Cộng đồng Châu Âu và chỉ thua Trung Quốc có 1,5%.

Từ năm 2003 đến nay Nhật đã thúc đẩy rất mạnh việc thiết lập các hiệp định thương mại tự do song phương với các nước ASEAN, mặc dầu vì lý do chính trị trong nước chính phủ Nhật không công khai hô hào các nổ lực của mình về vấn đề nầy như Trung Quốc. Khi phải đề cập đến các cuộc thương lượng hiệp định mậu dịch tự do và lợi ích của nó thì chính phủ Nhật thường nói đến lợi ích đem về được cho nhân dân Nhật chứ không phải các lợi ích sẽ đem lại được cho các nước trong khu vực. Chính phủ Nhật cho biết là một hiệp định mậu dịch tự do với ASEAN sẽ đem lại khoảng 18 tỷ Mỹ kim cho GDP của Nhật và sẽ tạo 260 nghìn việc làm cho người Nhật.[52]

Qua các con số trên ta có thể thấy là quyền lợi kinh tế của Nhật ở Đông Nam Á rất lớn và ngang ngửa với quyền lợi kinh tế của Nhật ở Trung Quốc. Vì thế, tuy trong vài năm qua giữa Nhật và Trung Quốc có vài hục hặc về một số vấn đề chính trị và địa lý, lợi ích lâu dài của Nhật buộc Nhật phải chọn chính sách tối ưu, tức là đưa Trung Quốc vào hợp tác với Nhật tại Đông Nam Á và Bắc Á. Sự phát triển kinh tế của cả ba vùng cần nhau và bổ sung cho nhau. Đây cũng là lý do tại sao phần lớn các viện trợ phát triển (ODA) của Nhật đã được đưa vào Trung Quốc, Đông Nam Á và các nước khác ở Châu Á.

Phải chú thích ở đây để biết thêm sự quan hệ của viện trợ Nhật là mặc dầu Trung Quốc ăn to nói lớn, Trung Quốc cho rất ít viện trợ. Các báo chí Trung Quốc đưa tin ngày 7 tháng giêng năm 2006 là trong năm 2005 Trung Quốc chỉ viện trợ có 33 triệu Mỹ kim và cho Inđônêsia mượn một số tiền lớn hơn để xây dựng các công trình hạ tầng. Báo China Development Brief, số tháng 12, cho biết là mặc dầu viện trợ của Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình ở Lào, tổng số viện trợ của Trung Quốc ở Lào từ năm 1988 đến năm 2004 chỉ có khoảng 200 triệu Mỹ kim. Trong khi đó thì chỉ riêng trong hai năm 2001-2002 Lào nhận được 198 triệu viện trợ từ các nước, với 100 triệu từ Nhật và 20 triệu từ Trung Quốc. Nhật là nước cho viện trợ nhiều nhất. Về viện trợ nhân đạo thì báo China Daily ngày 19 tháng giêng năm 2006 cho biết là viện trợ của Trung Quốc cho các nạn nhân của sóng thần năm 2004, “vừa bằng tiền vừa bằng hiện vật,” tổng cộng là 22 triệu Mỹ kim. Trong khi đó thì nhiều nguồn tin khác cho biết Mỹ và Nhật viện trợ vài tỷ Mỹ kim và những nước kinh tế bật trung (như Đức, Úc và Na Uy) mỗi nước hứa viện trợ vài trăm triệu Mỹ kim.

V. Hàm ý cho Đông Nam Á và Việt Nam

Qua trình bày phía trên ta thấy rằng bối cảnh kinh tế và ngoại giao tại Đông Nam Á chưa bao giờ thuận tiện cho các nước trong khu vực như hiện nay. Sự xuất hiện của Trung Quốc như là một cường quốc chính trị và kinh tế và những hoạt động ráo riết cũng như những thái độ không rõ ràng của Trung Quốc đã gây nhiều quan tâm. Một số nước Bắc Á và Đông Nam Á, một phần vì suy thoái kinh tế và vì các ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng năm 1997-98 và một phần vì sợ không cạnh tranh nổi với Trung Quốc sau khi Trung Quốc vào WTO, đã tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc. Đầu tư của các nước Châu Á, đặc biệt là từ Nhật và Đông Nam Á, đã giúp Trung Quốc rất nhiều trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, và Úc có vẻ thận trọng trong việc đầu tư tại Trung Quốc, một phần là vì họ sợ sự phát triển của Trung Quốc không bền vững. Nói chung, mãi đến sau khi Trung Quốc vào WTO rồi mà đầu tư của các nước nầy không tăng gì mấy; và đến năm 2004 tổng cộng chưa bằng một nửa tiền đầu tư của các nước Châu Á tại Trung Quốc. FDI của Châu Âu và Bắc Mỹ tuy nhỏ hơn đầu tư của Châu Á, đầu tư của hai khu vực nầy rất quan trọng một là vì nó sản xuất những hàng có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Thêm vào đó, đây là hai trị trường lớn nhất cho các hàng xuất của Trung Quốc. Riêng thị trường Mỹ mỗi năm đã tiêu thụ trên 40% tổng xuất khẩu của Trung Quốc. Phần lớn đầu tư từ các nước Đông Nam Á và tiền đem ra ngoài rửa rồi đem về Trung Quốc lại được đầu tư vào các xí nghiệp hương trấn hay các công nghiệp ít có giá trị gia tăng và vì thế ít lãi hơn các loại hàng sản xuất tại các xí nghiệp FDI Âu-Mỹ, mặc dầu nhiều mặt hàng hương trấn cũng được xuất sang các thị trường Âu Mỹ. Vấn đề được đặt ra ở đây là nếu kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn (vì mất ổn định trong nước hay trong khu vực hay vì giá nguyên liệu và nhiên liệu trên thế giới tăng cao) thì tiền đầu tư của nhiều nước Châu Á tại Trung Quốc sẽ gặp nhiều rủi ro nhất và không biết có thể tháo chạy kịp thời không.

Hiện nay, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính/ngân hàng cũng như nhiều vấn đề xã hội rất lớn (như mỗi năm có hàng trăm ngàn cuộc biểu tình của nông dân và nông dân mà chính quyền Trung Quốc phải dùng vũ lực để đàn áp) và vì thế nhiều nước đã bắt đầu rút bớt tiền đầu tư ở Trung Quốc để đem vào một số nước khác ít rủi ro hơn. Theo các số liệu chính thức, trong 6 tháng đầu năm 2006 FDI vào Trung Quốc đã tụt 0,7 so với 6 tháng đầu năm 2005. Trong nửa đầu năm 2006 FDI từ Hàn Quốc vào Trung Quốc đã giảm 39,49%, từ Nhật đã giảm 31,37%, và từ Mỹ đã giảm 18,27%. Ngược lại, đầu tư từ Hồng Kông tăng 9,75% và từ Virgin Islands (tiền rửa) tăng 12,42%. Trong hiện tại tiền FDI sản xuất 60% tất cả các hàng xuất khẩu của Trung Quốc và đã giúp Trung Quốc phát triển một cách “thần kỳ.” Nếu FDI tiếp tục tụt xuống và nếu những nhà đầu tư bắt đầu kéo ra khỏi Trung Quốc thì ảnh hưởng là số người thất nghiệp lại càng đông (hiện nay đã có khoảng 150 triệu) và việc nầy sẽ gây thêm mất ổn định xã hội và chính trị tại Trung Quốc.

Ngược lại, vì sợ nạn thất nghiệp quá trầm trọng, Trung Quốc đã bôm quá nhiều tiền vào sản xuất và vì thế đã hâm nóng nền kinh tế đến độ đáng lo ngại. Theo các nguồn tin chính thức của Trung Quốc, ngày 14 tháng 6 năm 2006 chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố là sản xuất trong tháng 5 tăng 17,9% so với tháng 5 năm 2005. Xuất khẩu tăng 25,1% và hàng bán lẻ trong nước tăng 14,2%. Trong cùng ngày, Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc (People’s Bank of China) cho biết là số tiền lưu hành (M2) tại Trung Quốc đã tăng 19,1% trong một năm, tức là cao hơn các chỉ tiêu của chính phủ rất nhiều. Quan trọng hơn nữa là các ngân hàng ở Trung Quốc đã cho vay hơn 2 phần 3 chỉ tiêu cho cả năm chỉ trong 5 tháng đầu, gây nên tình trạng hâm nóng kinh tế mà chính phủ Trung ương chưa có biện pháp gì để kìm hãm được.

Mục đích các đoạn trên không phải để phân tích các khó khăn kinh tế và xã hội của Trung Quốc nhưng để cho thấy rằng, nếu muốn tiếp tục phát triển, Trung Quốc cần có ổn định trong nước cũng như trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương – nơi mà Đông Nam Á là khâu quan trọng hàng đầu. Một trong những lý do giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước Châu Á, nói chung, và Đông Nam Á, nói riêng, là Trung Quốc thường rêu rao rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ có lợi cho tất cả (win-win, thắng-thắng) và sẽ vực tất cả các nền kinh tế khác cùng lên. Trung Quốc trong những năm qua đã tự ví mình là đầu tàu cho toàn khu vực và lấy cái thế đang lên của nền kinh tế mình để tăng cường ảnh hưởng chính trị và quan hệ quân sự trong khu vực. Nhưng nếu kinh tế Trung Quốc xuống cấp và quan hệ kinh tế với Trung Quốc không còn có lợi cho các nước Đông Nam Á như đã tưởng nữa thì Trung Quốc có còn sức hấp dẫn không?

Đằng khác, mặc dầu Trung Quốc đã khéo léo dùng các thủ thuật “sức mạnh mềm” (soft power) và thường lập đi lập lại hai chữ thắng-thắng như là một câu thần chú, thái độ và cách cư xử của các lãnh tụ Trung Quốc (như của Ôn Gia Bảo) đã làm cho nhiều người nghi ngờ sự thật tình của Trung Quốc. Thêm vào đó là có nhiều bài viết của các chuyên gia Trung Quốc trong các tập san nghiên cứu tấn công Mỹ và Nhật trong quan hệ với Đông Nam Á. Một ví dụ là một số chuyên gia Trung Quốc đã cho rằng những cải thiện trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam gần đây là để ngăn đê (ezhi) Trung Quốc.[53] Một ví dụ khác là các chuyên gia Trung Quốc cho rằng các nổ lực chống khủng bố của Mỹ ở Đông Nam Á hay cứu trợ các nạn nhân sóng thần chỉ là các hình thức trá hình cho việc đưa quân đội Mỹ trở lại khu vực. Họ cũng chỉ trích sự giúp đỡ các nạn nhân sóng thần của Nhật như là một hình thức trá hình để giúp Nhật đạt tham vọng vào Hội đồng An ninh của Liên Hiệp Quốc.[54] Ai cũng có quyền nghi ngờ động cơ của người khác. Nhưng nếu Trung Quốc cho rằng quan hệ của Mỹ và Nhật và các cường quốc khác với các nước Đông Nam Á là không có lợi cho Trung Quốc trong khi những quan hệ nầy thật sự có lợi cho Đông Nam Á thì đến lúc nào đó các nước Đông Nam Á sẽ bị đưa vào tình thế bắt buộc phải chọn lựa. Vì thế, không biết việc nầy sẽ có lợi cho Trung Quốc, nói riêng, và cho các nước khác không?

Mong rằng hành động của các nước ASEAN trung tuần tháng 12 năm 2005 đã dạy cho Trung Quốc một bài học là các nước nầy – cũng như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc – không muốn có cạnh tranh trong khu vực, nhưng muốn có sự hợp tác thật sự vì lợi ích chung. Ôn Gia Bảo bắt buộc phải tuyên bố là Trung Quốc muốn các nước ASEAN lãnh đạo các tổ chức trong khu vực, rằng Trung Quốc không muốn cạnh tranh, chỉ muốn hợp tác. Phát biểu nầy, thật tình hay không, cho biết là Trung Quốc đã có một nhận thức thực tế về thái độ của các nước trong khu vực cũng như của Mỹ và Nhật. Vấn đề còn lại là làm sao các nước Đông Nam Á có thể đoàn kết với nhau hơn nữa để có tiếng nói chung mạnh hơn và hiệu lực hơn. Sự chú tâm của các cường quốc đối với khu vực trong giai đoạn hiện nay tạo cơ hội chưa từng có cho ASEAN nói chung. Và vì Việt Nam một nước ASEAN lớn nhất kề cận Trung Quốc, vai trò và ảnh hưởng của Việt Nam trong tương lai sẽ rất lớn nếu Việt Nam có chính sách khôn ngoan, minh bạch và có thái độ cương quyết chứng tỏ rằng “không có gì quí hơn độc lập tự do.”

* Bản duyệt lại của bài phát biểu tại Hội Thảo Hè 2005 “Tiếp Tục Đổi Mới Kinh Tế và Xã Hội để Phát Triển”, tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28-30/7/2005 với sự hỗ trợ của VAPEC, Vietnamese Heritage Institute và Đại học Đà Nẵng.

** Vì lý do kỹ thuật, bản trên mạng (mà bạn đang đọc) không có các biểu đồ (tiếng Anh) mà tác giả kèm theo bài. Muốn đọc bản dưới dạng PDF, có đầy đủ các biểu đồ kèm theo, xin bấm đây.

[†] Trong bài viết nầy chúng tôi cố ý trích ông Shambaugh hơi nhiều vì ông là một trong số ít học giả và các nhà phân tích tình hình Á Châu chú tâm nhiều nhất đến sự kiện xảy ra trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ông đặc biệt chỉ trích hai trường phái học thuật và lý thuyết gia chính thống về liên hệ quốc tế (international relations) ở Âu Tây: 1) Trường phái “duy thực” (Realism), tức trường phái bảo thủ, nhấn mạnh vấn đề cân bằng lực lượng,. 2) Trường phái “tiến bộ duy thể chế” (Liberal Institutionalism), tức trường phái nhấn mạnh các cơ chế đa phương, mà trường phái “duy thực” gọi là trường phái “duy lý tưởng” (Idealism). Ông Shambaugh viết (trang 99): “Asia is a region undergoing fundamental change…. Realist theory seems particularly incapable of explaining such a complex and dynamic environment, and it thus tends to offer oversimplified (and sometimes dangerous) policy prescriptions. Nor does liberal institutionalism fully suffice as an analytic paradigm. There are phenomena in Asia today that neither realist nor liberal international relations theory is able to capture, thus requiring deep grounding in area studies to be comprehended.”

[1] “China-Southeast Asia Relations: Trends, Issues and Implications for the United States,” Congressional Research Service Report for Congress, February 8, 2005, trang 4-5; “China and Southeast Asia,” Policy Bulletin, 44th Strategy for Peace Conference, October 16-18, 2003, có thể tải được từ mạng: api.stanleyfoundation.org; Alice Ba, “China and ASEAN: Renavigating Relations for a 21st Century,” Asian Survey, July-August 2003; Denny Roy, “China and Southeast Asia: ASEAN Makes the Best of the Inevitable,” Asia-Pacific Center for Security Studies, Volume 1, Number 4, November 2002, www.apcss.org.

[2] Nguyên văn: “China’s most dramatic diplomatic, political, and economic gains of the past few years have been in Southeast Asia.” Xem: Statement by Christopher R. Hill, Assistant Secretary of State for East Asian and Pacific Affairs, “Emergence of China in the Asia-Pacific: Economic and Security Consequences for the United States,” Senate Foreign Relations Committee, June 7, 2005. Toàn thể bài nầy có thể tải về được từ mạng sau đây: http://www.foreign.senate.gov/testimony/2005/HillTestimony050607.pdf.

[3] Morton Abramowitz và Stephen Bosworth, “Rethinking Southeast Asia,” The Century Foundation, www.tcf.org, ngày 21 tháng 4 năm 2005. Bài này đã đăng trong Jakarta Post ngày 20 tháng 4. Abramwitz là Senior Fellow của The Century Foundation và Bosworth là giám đốc của The Fletcher School of Diplomacy tại Tutfs University. Cả hai ông nầy đều đã làm đại sứ của Mỹ ở Châu Á. Mark Beeson, “Southeast Asia and the Major Powers,” in Mark Beeson ed. Contemporary Southeast Asia, (Basingstoke: Palgrave Macmillan, 2004), trang 203.

[4] Alice Ba, như trên, trang 636. David Shambaugh, “China Engages Asia: Reshaping the Regional Order,” International Security, Vol. 29, No. 3 (Winter 2004/2005), trang 68.

[5] Morton Abramowits và Stephen Bosworth, “Rethinking Southeast Asia,” như trên. Nguyên văn:

The current U.S. approach to the area has been spasmodic: some counter-terrorism effort here, a bit of development financing there, an occasional presidential visit, and frequent statements about the glories of ASEAN, while pursuing a few bilateral free trade agreements on the side. Increasingly some now argue that growing Chinese influence in the region threatens American interests and that the U.S. should somehow be doing more. The Pentagon is more fixated on China's growing military capabilities and its impact on Taiwan and Asian security in general.

U.S. policy is not commensurate with its interests in a changing Southeast Asia, an area of half a billion people. Central among them is commerce. In 2003 U.S. total trade with ASEAN was 130 billion dollars and investment reached some 90 billion.

[6] John McBeth, “Taking the Helm,” Far Eastern Economic Review, October 16, 2004.

[7] International Monetary Fund, Direction of Trade Statistics (DOT) Yearbook, năm 1997 và 2003. Cuốn sách năm 1997 cho các số liệu từ năm 1990 đến 1995 và cuốn năm 2003 cho số liệu từ năm 1996 đến 2002.

[8] ASEAN Secretariat, ASEAN Statistical Yearbook, 2003, trang 138-140.

[9] Stuart Grudgings, “China Shows Asia it can Give as Well as Take,” Reuters, ngày 5 tháng 10 năm 2004.

[10] Ted Fishman, “The Chinese Century,” The New York Times, July 4, 2004.

[11] “China-Southeast Asia Relations: Trends, Issues and Implications for the United States,” Congressional Research Service Report for Congress, February 8, 2005, trang 12. Peter Goodman, “Booming China Devouring Raw Materials,” The Washington Post, ngày 21 tháng 5 năm 2004.

[12] “China-Southeast Asia Relations…”, trang 12. “Shipping in Southeast Asia,” The Economist, June 12, 2004.

[13] “Annual Report to Congress: The Military Power of the People Republic of China 2005,” Department of Defense, Office of the Secretary of Defense, trang 41.

[14] “China Sails Troubled Waters Over Oil,” South China Morning Post, ngày 17 tháng 7 năm 2004.

[15] “China-Southeast Asia Relations: Trends, Issues and Implications for the United States,” Congressional Research Service Report for Congress, February 8, 2005, trang 7-8.

[16] Chen Fengjun, “Jiaqiang Zhongguo yu Dongmeng Hezuo de Zhanlüe Yiyi” [Gia tăng ‎ ý nghĩa của sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN], Guoji Zhengzhi Yanjiu [Nghiên cứu chính trị quốc tế] Tập. 1 (tháng 2 năm 2004), trang 24–28; và Lu Jianren, “Shijizhijiao: Zhongguo dui Dongmeng de Waijiao Zhanlüe” [Thế kỷ chuyển giao: Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc đối với ASEAN], Taipingyang Xuebao [Đại Bình Dương Học báo] Tập. 1 (1998), trang 42–47.

[17] David Shambaugh, “China Engages Asia: Reshaping the Regional Order,” trang 72.

[18] “Regionallly Challenged, Asian Security,” The Economist, ngày 10 tháng 7 năm 2004.

[19] Jane Perlez, “Across Asia, Beijing’s Star is Rising,” The New York Times, ngày 28 tháng 8 năm 2004.

[20] “Peaceful Rise,” The Economist, ngày 24 tháng 6 năm 2004.

[21] Trích trong “China-Southeast Asia Relations: Trends, Issues and Implications for the United States,” Congressional Research Service Report for Congress, February 8, 2005, trang 26.

[22] Goh Chok Tong, “Constructing a New East Asia,” diễn văn tại Asia Society Conference tại Bangkok ngày 9 tháng 6 năm2005. Xem: The Straít Times (Xinh-ga-po) ngày 10 tháng 6 năm 2005, trang A16 và trang 19. app.sprinter.gov.sg/data/20050609995.htm (ngày 11 tháng 10 năm 2005).

[23] Để biết thêm chi tiết về 3 hội nghị nầy và quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong 3 tháng cuối năm 2005 xem: Robert Sutter, “China-Southeast Asia Relations: Emphasizing the Positive; Continued Wariness”, Comparative Connections: A Quarterly E-Journal on East Asian Bilateral Relations, số cuối năm 2005. Báo nầy có thể tải về từ: http//www.csis.org/pacfor/ccejournal.html.

[24] Willy Lam, “Beijing’s Strategy to Counter U.S. Influence in Asia,” China Brief, Volume 5, Issue 25 (ngày 6 tháng 12 năm 2005), trang 3. The Jamestown Foundation. Đây là một tờ bán nguyệt san và có thể tải về từ: http//www.jamestown.org.

[25] Như trên.

[26] Robert Sutter, “China-Southeast Asia Relations: Emphasizing the Positive; Continued Wariness.”

[27] Diễn văn của Goh Chok Tong đã trích ở trên , trang 19.

[28] Phillip Pau, “China’s Improving Image Challenges U.S. in Asia,” The Washington Post, ngày 15 tháng 11 năm 2003.

[29] Anthony Smith, “Thailand’s Security and the Sino-Thai Relationship,” China Brief, Volume 5, Issue 3 (ngày 1 tháng 2 năm 2005). The Jamestown Foundation.

[30] Chatrudder Therapat, “Thailand’s Energy Land Bridge Project to Proceed Despite New Pipeline,” Bangkok Post, ngày 12 tháng 10 năm 2004.

[31] Anthony Smith, “Thailand’s Security and the Sino-Thai Relationship,” như trên.

[32] Edward Cody, “China’s Quiet Rise Casts Wide Shadow,” The Washington Post, ngày 26 tháng 2 năm 2005.

[33] The Edge, ngày 10 tháng 3 năm 2003.

[34] Trích trong Edward Cody, “China’s Quiet Rise Casts Wide Shadow,” như trên.

[35] Như trên.

[36] Robert Sutter, “China-Southeast Asia Relations: Emphasizing the Positive; Continued Wariness.”

[37] Như trên.

[38] Robert Sutter, Chin-Hao Huang, “China-Southeast Asia Relations: Military Diplomacy and China’s Soft Power,” Comparative Connections: A Quarterly E-Journal on East Asian Bilateral Relations, số 2 năm 2006. Báo nầy có thể tải về từ: http//www.csis.org/pacfor/ccejournal.html.

[39] Như trên.

[40] “China-Southeast Asia Relations: Trends, Issues and Implications for the United States,”Congressional Research Service Report for Congress,February 8, 2005, trang 4.

[41] Dana R. Dillon và John J. Tkacik, Jr., “China and ASEAN: Endangered American Primacy in Southeast Asia,” Backgrounder, ngày 19 tháng 10 năm 2005, trang 1-6. The Heritage Foundation, Washington DC. Toàn thể bài nầy có thể tải về từ mạng: www.heritage.org/research/asiaandthepacific/bj 1886.cfm. Một phần của kết luận bài nầy như sau:

In summary, China has demonstrated a remarkably deft ability to use its policy tools, literally maneuvering the United States out of its seat at a growing number of international fora. Furthermore, China has become an important provider of assistance, and the presence of its military far from home is becoming commonplace. If Beijing has its way and Washington continues to neglect Southeast Asia, American military and security guarantees will soon be redundant to the Chinese presence.

The U.S. must redouble its political, economic, and security efforts in Southeast Asia to thwart the Chinese juggernaut. …

ASEAN is the most important multilateral organization in Asia. An economically strong ASEAN, sure of American support for its member countries’ independence, can stand up to China and preserve their economic, security, and political independence. American foreign policy should make strengthening engagement with ASEAN a priority….

Gaining lost ground will require cultivating alliances, establishing new relationships, and strengthening trade and investment commitments in the region. It is not too late to regain the trust and confidence of Southeast Asia and reaffirm U.S. commitment to its security and economic development, but that trust must be earned through a comprehensive, consistent, and determined foreign policy in the region.

[42] Elizabeth Economy, “China’s Rise in Southeast Asia: Implications for Japan and the United States,” Japan Focus, ngày 6 tháng 10 năm 2005. Bài nầy là bài có sửa chữa và bổ xung của bài “China’s Rise in Southeast Asia: implications for the United States,” đăng trong Journal of Contemporary China (2005), 14(44), tháng 8, trang 409–425. Bài trong Japan Focus có thể tải về từ: http://japanfocus.org/article.asp?id=414.

[43] Nguyên văn tiếng Anh của câu chót là (Japan Focus, trang 5):

The United States continues to be the region’s most important trading partner, but the stagnant trade suggests that the U.S. may be finding other markets, such as China, more attractive; unless greater attention is paid to contributing to Southeast Asia’s continued economic growth, the U.S. will rapidly lose its stature as the region’s key trading partner.

[44] Nguyên văn như sau (Japan Focus, trang 10):

At least in the initial phase of what appears to be a long-term trajectory of growing Chinese influence in Southeast Asia, the United States remains the region’s most important trade partner; force for regional security; and proponent of greater political transparency and human rights protection. Japan, in turn, is overwhelmingly the dominant source of development assistance and architect of new regional currency practices and institutions. While China is in no position to displace either the United States or Japan—nor is the region as a whole necessarily interested in seeing this come to pass—China’s greater presence and activism suggest at the very least that the United States and Japan cannot remain complacent about the status quo that has governed political, economic and security relations for the past few decades. Shared leadership within Southeast Asia will likely include China in the near future, with all the potential benefits and challenges that such leadership will entail.

[45] “The United States and Southeast Asia: Developments, Trends, and Policy Choices,” Eric G. John, Deputy Assistant Secretary, East Asian and Pacific Affairs, Statement before the House International Relations Committee, Subcommittee on Asia and the Pacific, Washington, DC, September 21, 2005. Toàn bộ bài nầy có thể tải về từ: http://www.state.gov/p/eap/rls/rm. Nguyên văn của đoạn dịch như sau:

China has focused on developing robust trade and investment relationships in the region to fuel its own domestic development. At the same time, China is also clearly interested in matching its economic power with political influence, thereby giving it an opportunity to advance its own interests in the region. Our goal is to help China increasingly identify these interests in ways that support and advance U.S. objectives. Deputy Secretary Zoellick is doing just that in his ongoing Senior Dialogue, established by agreement between the President and President Hu at APEC last year. U/S Dobriansky’s Global Issues Forum also seeks to respond to China’s emergence as a global player by demonstrating cooperation on a host of transnational issues. It is important to remember in this context that America's role in the region has increased at the same time China has sought to invest further in Southeast Asia. We play, and will continue to play, an essential role in the region, built on our alliance relationships, our active participation in ASEAN and APEC fora, and the access we provide to our open and transparent markets that helps drive both China’s and the region’s economies.

[46] “The U.S. and Southeast Asia,” Christopher Hill, Assistant Secretary for East Asian and Pacific Affairs
Remarks to the Lee Kuan Yew School of Public Policy, Xinh-ga-po, May 22, 2006. Toàn bộ bài nầy có thể tải về từ : http://www.state.gov/p/eap/rls/rm/66646.htm.

[47] Nguyên văn như sau:

So, I think what you see from us is that we are prepared to work on a long-term basis in Southeast Asia to ensure that we continue to have what I think has been a very special relationship with Southeast Asia. But, what I want to caution against is an implication that somehow we are in some sort of competition with China for the hearts and souls of Southeast Asia. In fact, we want Southeast Asia to have a good relationship with China. We do not see this at all as opposed to our interests. China is an engine of development for Southeast Asia. I think a very welcome engine of development. And much of the good economic news in Southeast Asia can in fact be traced to the strong Chinese growth. So we have no problem with this. And, as I said, I think having more China does not mean less U.S. in Southeast Asia. So, I don’t look at it as a competition, rather, I think we look at as an area of the world where we work on together. The one area I must say is of concern deals with the previous question in Burma. Because we see a lot of problems in Burma. And we see a China willing to deal with Burma without maybe seeking to work with other countries in the world, without working with countries in the United Nations or countries in ASEAN on trying to affect some sort of change for the better in Burma’s political situation. And by the way, it’s entirely appropriate that China have a good relationship with its neighbor Burma. But we’d like to see some effort by China to work more with us in trying to effect positive change in Burma to put Burma on a stronger platform for growth in the future.

[48] Robyn Lim, “Can Japan Counter China’s Growing Influence in Southeast Asia?” China Brief, Volume 4, Issue 1, January 6, 2004. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.jamestown.org.

[49] “Regional Perspective: The growth and limits of China’s reach in Southeast Asia,” The Nation, ngày 4 tháng 10 năm 2004.

[50] Asia Times, ngày 19 tháng 10 năm 2005.

[51] “Japan seeks bilateral deals with Southeast Asia,” Daily Times, ngày 27 tháng 2 năm 2005. Đây là một nhật báo của Xinh-ga-po và có thể tìm được trên mạng.

[52] Audrey McAvoy, “Fearing rivalry with China, free Trade agreements are suddenly the rage in Japan,”

Associate Press (ngày 2 tháng 4 năm 2004).

[53] Xem: “MeiYue Hezuo Yiweizhe Shenme” [Hợp tác Mỹ-Việt có nghĩa gỉ?], Huanqiu Shibao

[Hoàn cầu Thời báo], ngày 27 tháng 6 năm 2005.

[54] Về cách nhìn đối với các hoạt động chống khủng bố của Mỹ, xem: Yao Jianguo, “Mei Jie Fankong Jiakuai zai Dongnanya Junshi Chongfan” [Mỹ lấy cơ hội phản công khủng bố tại Đông Nam Á dể tăng cường hiện diện quân sư.], Shijie Zongheng [Thế giới đương thời] Tập 8, tháng 8 năm 2002), trang 19–20; and Xia Liping, “Meiguo ‘Chongfan Dongnanya’ jiqi dui Yatai Anquan de Yingxiang” [Mỹ quốc ‘Quay lại Đông Nam Á’ và ảnh hưởng của nó đến an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương], cùng số Shijie Zongheng vừa trích, trang 18–22. Về phản ứng đối với việc cứu trợ nạn nhân sóng thần, xem: “Haixiao Jiuyuan gei Shijie yi ge Jihui” [Cứu trợ sóng thần cho thế giới một cơ hội], Huanqiu Shibao [Hoàn cầu thời báo], ngày 26 tháng giêng năm 2005; và Xiao Ding, “Politics Surrounding the Tsunami,” Beijing Review, February 24, 2005.

Thời Đại Mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

Số 8 - Tháng 7/2006

12 THÁNG ANH ĐI