25 thg 6, 2009

Nguyễn An Ninh


Những bài viết trong những năm 1920

N.T.B. Dịch

Những người đại diện xứng đáng của dân tộc An Nam ở đâu rồi? Những người đại diện xứng đáng của dân tộc An Nam là ai? Có bao nhiêu người đại diện xứng đáng của dân tộc An Nam, tức là những người biết những nguyện vọng, những yêu cầu và những đau khổ của dân tộc An Nam và có thể hi sinh vì dân tộc này?

Thực tế suy cho cùng, chính quyền có lý khi cấm người An Nam nói đến chính trị, bởi vì tại cái đất này không có chính trị. Ở đây chỉ có nhà cầm quyền làm vua mà thôi:

- Đó là duy trì ở đất nước này sự sợ hãi và cuộn mình lại của những người chiến bại trước những người đi chinh phục. Sự sợ hãi và sự cuộn mình lại được người ta gọi là trật tự.

- Đó là nắm đấm thực dân, được đặt tên là chính quyền để giữ gìn trật tự.

Thật vậy, từ lâu người ta đã nói đến chính sách đồng hóa; rồi khi xuất hiện một số tham vọng nơi người bản xứ, người ta lại nói đến chính sách hợp tác. Từ khi ra mắt, một tờ báo địa phương của An Nam chỉ làm công việc nịnh hót ông đốc tơ Cognacq và tên Darles và những người giống họ, dầu sao cũng đã dám định nghĩa chính sách hợp tác này là: thỏa mãn những tham vọng của anh và... của tôi. Chỉ có định nghĩa ngắn gọn này thôi cũng đáng giá so với những bài diễn văn dài.

Liên kết! Hợp tác! Người ta muốn liên kết với ai? Người ta muốn hợp tác với ai?... Thái độ của những người cai trị cho tới nay đã chẳng tạo thuận lợi cho việc sản sinh những nhân vật có thể hợp tác với họ sao? Hoặc họ chỉ nuôi dưỡng những tên tay sai được trang sức lòe loẹt bằng những mề đay và băng lụa danh dự để làm cho những tên ngu xuẩn hoặc một số tên cảnh sát vừa mới đổ bộ tin rằng người ta không chỉ hứa suông tại xứ sở này mà thôi đâu.

Nhưng hãy thôi, bởi vì chúng ta sẽ có những dịp khác để bàn sâu vấn đề những người cộng tác với chính sách “đề huề”, vấn đề dân tộc An Nam với những người đại diện thật sự và những người đại diện chính thức của dân tộc, tóm lại, về vấn đề chứng tỏ rằng cái mà người ta gọi là chính sách “đề huề” cũng chỉ là cái mẹo để lừa.

Bởi vì để có sự “đề huề” phải có hai yếu tố, thế mà một trong hai yếu tố này không có tại xứ sở này, hay đúng hơn yếu tố này không đáng kể và là yếu tố ma. Vào những dịp khác chúng ta sẽ nói về chủ nghĩa quốc gia là gì đối với người An Nam và khi chúng ta nói về vấn đề này và phơi bày thái độ của chính quyền đối với nó, độc giả của chúng tôi sẽ không cần ai chứng minh để được thuyết phục rằng người ta đã nói dối để giấu giếm những điều mà nước Pháp sẽ xấu hổ khi biết sự thật.
Bí mật của mọi nền chính trị tồi có lẽ là nói dối cho hay.

Ở xứ hạnh phúc

N.M.H. Dịch

Có một cái xứ hiền khô chỉ biết ngồi yên không cựa quậy nhúc nhích tới nỗi người ta tưởng là nó giả chết. Nó cũng là một cái xứ dễ thương, một cái xứ sung sướng nhất trong cái đám những xứ sung sướng.

Công dân ở xứ đó ra sức làm lụng quần quật, quần quật không biết mệt, không biết cho ai hưởng. Cả đời nai lưng trong một công việc không thấy kết quả, chẳng khác gì kẻ múc nước đổ vô một cái thùng lủng lỗ, đổ hoài, đổ bao nhiêu nước cũng chảy ra hết không thấy đầy.

Thành thử chẳng bao giờ họ được đi dạ hội, được bước vô rạp hát, được nghe hòa nhạc, được coi xinêma, được lai vãng tới chốn lầu xanh. Thiệt là cái xứ có nhiều đức hạnh. Như có điều độ: ở đó người ta chỉ ăn cơm với một chút rau luộc và chỉ uống nước ao. Như cần kiệm: ở đó người ta tiêu xài rất ít bởi vì trong túi có xu teng nào đâu mà tiêu xài. Như an phận thủ thường và bằng lòng với số phận: bởi vì hình như ở xứ đó người sung sướng hơn ai hết là người ăn mặc quần áo rách rưới tả tơi. Như biết vâng lời, phục tùng, biết cố sức chịu đựng như mấy con lừa, bị người ta mang giày tây đá đít hay lấy baton đánh vô đầu mà không dám hó hé một câu. Và lúc nào cũng chạy theo củ cà rốt của tên cưỡi ngựa ở phía trước đưa ra nhử để giễu cợt.

Ở đó đức hạnh, đức hạnh nhiều vô số kể! Làm như khoa học là nguồn gốc của mọi tội lỗi và tiền bạc là nguyên nhân của mọi tật xấu, nên ở đó các loại tri thức đều bị cấm và của cải trong công quỹ thì đem ra phung phí tự do. Ở xứ đó những thằng đại bợm ăn cắp được nhiều nhất là những thằng giỏi xoay xở và khôn khéo trong công việc nhà nước...

...Bạn đọc đừng tưởng đó là một xã hội thụt lùi, quá lạc hậu. Theo lời của các quan chức cai trị thì ở đó có nào là bọn bônsơvit, bọn phát xít, bọn bảo hoàng, bọn chủ trương dân chủ, bọn đòi thống nhất, bọn theo đường lối phân ly, bọn cực đoan..., bọn xăng phú bất cần và các đảng phái nhiều vô số kể, nhiều như những cái tên có cái đuôi “it” (*) ở đằng sau, tới nỗi người ta phải duy trì cả một đạo quân thám tử và điềm chỉ viên rất là tốn kém.

Và phải nói rõ là như vậy cũng chưa đủ. Tôi đã được nhìn thấy những người làm cái nghề cao quý đó hành sự một cách cần mẫn, rất có lương tâm ở các góc đường. Thí dụ có ai vừa đọc tới mấy tiếng Moscou hay Petrograd là bị luôn mấy tay này lấy tên và ghi, bạn đọc cũng biết là ghi những gì rồi. Nếu có người nào giơ cao cánh tay quơ quơ gì đó là anh ta liền lấy tên lập tức và ghi thêm là phát-xít, mặc kệ cho người đó hết hơi cải chính, nói là chỉ giơ tay ngoắc chiếc xe kéo thôi nhưng anh ta vẫn không tin, cứ đề quyết là nói láo.

Bạn sẽ nói: “Chuyện như vậy thiệt là ngốc nghếch, ngốc nghếch tới mức làm mình thương hại phát khóc được”. Sai rồi, sai rồi, không phải đâu bạn ơi, tất cả cái đó chỉ là một cách giống như bao nhiêu cách khác để tự làm cho mình cảm thấy sung sướng, bởi vì sung sướng thay là kẻ có thể sống bằng ảo tưởng và có nhiều ảo tưởng...; sung sướng thay là dân tộc nào có thể tự cho mình cái ảo tưởng đạt được trình độ văn minh tiên tiến mà không bị bắt buộc phải trả bằng một cái giá; sung sướng thay là vị quan chức nào đang hò hét la lối những hình nộm bằng rơm mà cứ ảo tưởng mình đang điều khiển chỉ huy những con người siêu hạng.

Bạn lại nói: “Sống bằng ảo tưởng, chỉ bằng ảo tưởng! Như vậy lại càng ngốc nghếch hơn, ngốc nghếch tới mức làm mình thương hại khóc hu hu lên được”.

Này, anh bạn thân mến kia ơi! Quỷ bắt anh cho rồi, bắt anh luôn với cái tật thù ghét ảo tưởng của anh! Hãy để cho người dân được sống yên trong cái xứ đó, cái xứ mà chỉ với một chút xíu khoa học họ đã trở thành nhà thông thái, với hai xu trong túi họ đã trở thành những nhà giàu. Họ cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều. Họ bị áp bức mà không khổ sở và nhất là - nhất là họ bị lừa gạt, bị hăm dọa đòi tiền, bị ăn cắp bóc lột mà vẫn không dè.

Nguyễn An Ninh

12 THÁNG ANH ĐI