2 thg 6, 2009

Viết văn - Tạo cho mình một phong cách riêng


(First Steps Toward Style)

Đây là một đoạn ngắn trong sách “Nghệ thuật viết bài luận văn.” Nhận thấy bài này có thể áp dụng vào cách học sáng tác nhạc, tôi dịch thoát để bạn đọc cùng xem.

Giờ thì bạn chắc đã hiểu sơ thế nào là một bài luận văn, ít ra là cấu trúc (mở bài, thân bài, và kết luận) của một bài luận. Hiểu về cấu trúc không thôi thì không đủ để bảo đảm cho bài luận sẽ hay, cũng như một vài nét vẽ thảo của họa sĩ sẽ không bảo đảm ông sẽ vẽ được một họa phẩm đẹp. Bản vẽ thảo có thể rất chắc nét, nhìn lôi cuốn và đầy hứa hẹn, nhưng những đánh giá xem bức họa đẹp xấu khi hoàn tất phụ thuộc nhiều vào cách họa sĩ sử dụng màu và chất liệu vẽ.

Tương tự, thẩm định sau chót về một bài luận phụ thuộc nhiều vào cách nhà văn sử dụng từ ngữ trong bài.

Bạn có thể có một luận đề (thesis) rất kêu. Bạn có thể tạo ra một sườn bài rất “ấn tượng,” rất lô-gíc và khuôn khổ bài thật cân đối. Bạn đã chứng tỏ cho mọi người thấy được là bạn biết suy nghĩ và có đầu óc tổ chức tốt – và đây là hai kỹ năng cần thiết để viết văn cho giỏi. Nhưng giờ thì bạn phải mặt đối mặt với công việc viết văn thực thụ, vì bạn phải chọn từng chữ và trau chuốt từng câu văn để tạo ra những đoạn văn trong đó chúng sẽ diễn tả rõ ràng, mạch lạc và chính xác những gì bạn muốn nói.

Tóm lại, bạn đang trực diện với vấn đề tạo phong cách riêng (style) cho bạn.

Phong cách viết văn (văn phong) thì cũng giống hệt như phong cách trong các thứ khác – là một đặc tính tạo chú ý cũng như tạo sảng khoái, là một cái gì đó làm bạn phải chăm chú theo dõi (“sit up and take notice”.) Phong cách được thể hiện ở mọi nơi chốn, và rất dễ bắt gặp. Trong trận banh bóng rổ chẳng hạn, bạn có thể ngạc nhiên tại sao bạn cứ theo dõi một thể tháo gia suốt trận. Anh ta có thể không phải là người ghi nhiều bàn nhất trong đội, nhưng phong cách của anh làm cho anh nổi bật hẳn lên và làm người xem rất thích thú. Nếu bạn bị gặng hỏi tại sao anh làm bạn thấy thích thú như vậy, bạn có thể sẽ trả lời rằng: “anh ta làm mọi việc trông dễ dàng quá!”

Đấy là phong cách đấy bạn ạ.

Định nghĩa rõ ràng nhất về “phong cách” có lẽ là khả năng làm việc gì rất khó khăn mà như thể rất dễ dàng vậy. Thường thì chúng ta có phản ứng thích thú với một người có “phong cách.” Chúng ta có thể hài lòng khi thấy những thể tháo gia khác ghi bàn bằng cách lăn xả vào từng lần tranh banh một cách gian khổ, nhưng người làm ta hoan hô nhiệt thành lại là người có lối nhồi banh và di chuyển nhẹ nhàng, không một chút khó nhọc.

Điều này thì cũng đúng trong thuật viết văn. Bạn thấy phát chán mỗi khi gặp nhà văn nào viết khổ viết sở, với cách hành văn nghe thật chướng tai. Nhưng bạn lại thích thú khi đọc văn với hệt một ý tưởng nọ, nhưng nhà văn diễn tả quá đỗi dễ dàng, dùng ngôn ngữ rất dễ hiểu.

Cái nghệ thuật làm cho mọi việc trở nên dễ dàng này, chẳng cứ gì trong văn chương hay trong thể thao, (cũng như trong ca hát hay khiêu vũ, trong khi chơi ping-pong hay tung hứng sáu trái cam chín!) thì rất dễ bị lừa (coi zậy chứ hổng phải zậy!) Vì bí quyết là ở chỗ người thực hành có biết làm chủ (control) mình hay không. Mà điều này thì phải qua khổ luyện mới thành. Thể tháo gia trong thí dụ trên nào có được cú ném vào rổ “chết người” kia từ ông trời? Anh ta học hỏi và làm chủ được nó, thông qua hàng trăm, hàng ngàn giờ kiên nhẫn và đều đặn khổ luyện trong phòng tập cô đơn.

Tương tự, không có nhà văn nào sinh ra mà đã biết viết những câu văn trác tuyệt. Anh ta phải học kỹ năng này, học theo đúng cách của nhà thể tháo gia, qua sự tự đưa vào khuôn phép và thực hành đều đặn.

Phong cách, nói cách khác, không phải là một món quà bí hiểm chỉ dành riêng cho một thiểu số may mắn. Nó là một thứ có thể học được. Anh chị có thể cảm thấy là anh chị không có khiếu viết văn hay viết nhạc, rằng anh chị không có một tài năng bẩm sinh nào hết. Anh chị có thể đúng khi nhận định điều này. Anh chị sẽ lý luận rằng không ai có thể học để trở thành người tài năng. Cũng đúng! Nhưng anh chị có thể học cách tạo phong cách riêng cho mình. Vì phong cách không phải là một món quà được ban phát. Nó là một kỹ năng. Nó là chữ “làm thế nào” (how) khi nói về cách viết văn viết nhạc, chứ không phải “là cái gì” (what). Bất cứ điều gì bạn muốn nói, bạn có thể học được cách làm sao để diễn đạt một cách mạch lạc.

Và đó là phong cách.

(Hoctro trích dịch từ sách “The Lively Art of Writing”)

12 THÁNG ANH ĐI