2 thg 7, 2009

Vì sao Hoa Kỳ sẽ phục hồi sớm nhất?


Nguyễn Xuân Nghĩa

Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một hội nghị quốc tế về kinh tế tại New York trong ba ngày 24-26/6/09 vừa qua mà không gây nổi một chút dư âm trên truyền thông Mỹ, Âu Châu hay Nhật Bản. Lý do không phải vì Michael Jackson bị đột tử.

Liên Hiệp Quốc dự tính tổ chức “thượng đỉnh” quy tụ lãnh đạo của 192 nước hội viên để thảo luận về hậu quả của khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu đối với các nước nghèo và tìm phương cách giải quyết. Kết quả chỉ là một hội nghị cấp cao - cỡ bộ trưởng hoặc đại sứ - vì có quá ít nguyên thủ quốc gia tham dự, chừng một chục người, mà chẳng có đại gia nào đáng kể. Hội nghị kết thúc với 16 trang thông cáo vu vơ mơ hồ mà không có giá trị cưỡng hành. Không có bài báo này, e chừng độc giả cũng chẳng biết là đã có một hội nghị như vậy!
Thật ra, có bốn đại gia đã lên tiếng rất mạnh, và từ trước, về hội nghị ấy.

Phối hợp chống Mỹ

Ðó là bốn nước “tân hưng”, mới nổi, gọi tắt theo tên nước là BRIC: Brazil, Russia, India và China. Họ vừa có thượng đỉnh đầu tiên tại Yekateriburg ở vùng Trung Á của Nga vào ngày 16, cũng tiến hành trước sự thờ ơ của truyền thông Mỹ. Qua hội nghị Liên Hiệp Quốc, đại diện của họ đồng ca bài “ăn vạ”:
1) Các nước đang phát triển bị oan ương kinh tế do tai họa từ các nước đã phát triển gây ra;
2) Nên thế giới phải cùng phối hợp giải quyết;
3) Bằng cách tăng cường vai trò điều hợp của Liên Hiệp Quốc;
4) Theo chiều hướng cải tổ hệ thống tài chánh quốc tế;
5) Trước hết là hai định chế tài chánh thành lập sau Thế Chiến II là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới:
6) Trong tinh thần giảm bớt ảnh hưởng quá nặng của Hoa Kỳ.
Ðiểm sau cùng là kết luận ngầm do người viết ghi lại cho độc giả!

Thật ra, quan điểm này đã được Trung Quốc và Liên Bang Nga liên tục nêu lên từ nhiều năm. Việc tăng cường vai trò Liên Hiệp Quốc là dễ hiểu khi hai quốc gia đó có lá phiếu phủ quyết tại Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và tự xưng là vô địch bảo vệ quyền lợi các nước nghèo. Dĩ nhiên là đại biểu Mỹ - dù là dưới sự lãnh đạo của chính quyền Barack Obama - đã lập tức phản bác tại hội nghị nói trên: Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền gì về chuyện tiền bạc quốc tế (hệ thống tài chánh quốc tế và hai định chế tài chánh nói trên)!
Vốn đã đặt nhiều kỳ vọng vào Tổng Thống Obama, xuất thân… phân nửa từ một nước nghèo là Kenya, các nước nghèo chờ đợi Ðại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là bà Susan Rice tham dự hội nghị với vài lời cổ võ. Chờ đợi hoài công! Ðại Sứ Rice được Tổng Trưởng Ngân Khố (Tài chánh) Timothy Geithner mớm cho vài điều thực tế về tiền bạc nên hôm 26 đó bận việc ở… Utah, để Ðại Sứ John Sammis nói ra sự thật, theo cái nhìn của Hoa Kỳ… Hạ màn!
Hội nghị thất bại một phần vì đưa ra quan điểm thiên tả đầy tính chất bao cấp về sự thể kinh tế toàn cầu và ngầm quy tội cho kinh tế thị trường, hay chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ, để đề ra việc phối hợp quốc tế mà thực tế là giới hạn vai trò của thị trường và của Hoa Kỳ. Hội nghị còn đượm mùi ngụy tín khi nêu kết luận tiên khởi, là thế giới đang bị khủng hoảng nặng như thời Tổng Khủng Hoảng 1929-1933, thời tư bản giẫy chết, nên các nước cần tìm ra giải pháp khác… các nước kỹ nghệ hóa không mấy vui với cách nhìn đó.
Vì giải pháp nào thì cũng quy về một mối là các nước giàu sẽ phải chi thêm tiền viện trợ cho các nước nghèo. Vừa bị kết tội vừa bị vòi tiền thì Hoa Kỳ dưới triều đại Obama cũng thấy khó nuốt! Các quốc gia vốn đều là sinh vật lạ mà quen: chỉ vận hành theo quyền lợi sinh tử của mình (ngoại lệ nếu có là… Việt Nam ngày nay, xin hỏi ngư dân của ta thì biết!)

Trước khi khủng hoảng tài chánh bùng nổ tại Mỹ vào Tháng Chín năm ngoái, nhiều người suy luận rằng kinh tế thế giới nay đã tách đôi. Các nước đang phát triển có cái trớn riêng nên không bị trôi vào suy trầm (recession) cùng ba đầu máy kinh tế của thế giới là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Sự thật lại không lạc quan như vậy vì ba khối kinh tế ấy vẫn là nguồn đầu tư và thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các nước kia. Khi kinh tế sa sút thì ai cũng sa sút, nặng hay nhẹ là tùy chiến lược kinh tế của từng quốc gia, để bị lệ thuộc nhiều hay ít vào quốc tế. Chuyện chuyên môn ấy xin tạm gác một bên.
Bây giờ, khối kinh tế nào sẽ đứng dậy trước để leo khỏi vực suy thoái?
Vẫn lại Hoa Kỳ!

Ðịnh mệnh kinh tế

Nhìn từ bên ngoài thì đây là một thực tế phũ phàng khác…
Hoa Kỳ không đụng đáy sớm nhất nhờ kế hoạch kích thích kinh tế, Tổng Thống Obama ban hành ngày 17 Tháng Hai. Kế hoạch này chưa kịp kéo kinh tế ra khỏi suy trầm. Cuộc khủng hoảng tài chánh tạo cơ hội cho ông thắng cử để thực hiện chương trình cải tạo xã hội, đồng ý hay không là quyền mỗi người.
Còn vụ kích thích trị giá 787 tỷ Mỹ kim thì chưa thấm vào kinh tế, vì tiền chưa kịp xài, giỏi lắm thì mới chỉ trăm tỷ suốt năm nay. Trong khi ấy, việc tăng chi quá mạnh sẽ gây bội chi ngân sách và nâng gấp đôi gánh nợ quốc trái trong 10 năm tới. Ðây là kết luận của một cơ quan nghiên cứu kinh tế độc lập của Quốc Hội, Congressional Budget Office - CBO.
Nhưng so với các nước kia, Mỹ có thể đụng đáy và hồi phục sớm hơn cả, như người ta bắt đầu thấy từ Tháng Sáu. Lý do nội tại có thể là một định mệnh nằm sâu trong địa dư hình thể và văn hóa của các quốc gia.

Xin hãy nói về lá “tử vi kinh tế” ấy

Hoa Kỳ là một “hải đảo” vuông chành chạnh, được bảo vệ bởi hai đại dương lớn nhất địa cầu bên hai lân bang rất yếu. Lãnh thổ Mỹ được trời cho hệ thống giao thông của sông ngòi và các hải cảng tiếp giáp với đại dương trên một khu vực có khả năng canh tác rất cao và chuyển vận rất tiện. Nhờ địa dư hình thể ấy, nước Mỹ từ thời lập quốc đã có thể phát triển theo quy luật “dân đi trước, nhà nước đi sau” mà không cần chính quyền mở đường khai phá, hoặc bảo vệ.
Ngay từ định mệnh, dân Mỹ không chấp nhận chế độ tập trung quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới khi phải dồn sức đầu tư trong giai đoạn kỹ nghệ hóa. Những thành tựu kinh tế lớn lao nhất đều do sáng kiến tư nhân mà ra. Họ lập ra cơ chế tự điều tiết và thanh tra, hoạt động song song cùng guồng máy nhà nước.
Cùng với vốn liếng văn hóa và lịch sử là quốc gia của các di dân chạy trốn sự ngược đãi của chính quyền và tôn giáo, trước là Âu Châu, sau là các xứ khác, Hoa Kỳ trở thành cường quốc kinh tế nhờ quyền tự do độc đáo và hiếm hoi của người dân, hơn hẳn các quốc gia khác. Kinh tế thị trường có phát triển và dân chủ chính trị có được củng cố hơn nhiều xứ khác thì cũng nhờ các yếu tố tiền định đó.
Thể chế liên bang của Hoa Kỳ còn lập ra một định chế điều tiết giá trị đồng bạc, là hệ thống Dự Trữ Liên Bang, tức là Ngân Hàng Trung Ương, một định chế độc lập, không bị chính trường chi phối theo chu kỳ bầu cử, và có thẩm quyền liên bang, trên toàn quốc. Ðịnh chế này có khả năng ứng phó linh động hơn tất cả các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, như ngân hàng Trung Ương Âu Châu, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga hay Anh quốc, v.v… Khi hữu sự thì có quyền hạ lãi suất, thậm chí in bạc bơm vào kinh tế, cả ngàn tỷ, mà khỏi kể công xin phiếu như các chính khách! Là chuyện đã thấy từ năm ngoái.

Bây giờ, hãy so sánh với mấy nơi kia.

Liên Bang Nga hay Liên bang Xô viết (và Ðế Quốc Nga ngày xưa) không được như vậy, trước tiên cũng do địa dư hình thể khắc nghiệt hơn. Với lãnh thổ trải rộng trên đại lục địa Âu-Á, thực ra Nga có nhiều vùng hoang vu bát ngát của sa mạc và thảo nguyên ít thuận lợi cho canh tác và vận chuyển. Hệ thống sông ngòi không tiếp cận với nhau để giải quyết bài toán giao thông và bảo vệ an ninh. Xứ này lại từng bị tấn công nhiều lần từ hướng Tây nên có phản ứng phòng ngự với một lực lượng bộ binh lớn lao, tốn kém.
Với địa dư hình thể ấy, dân Nga trông chờ vào phép lạ của nhà nước, các sa hoàng hay tổng bí thư, tổng thống… Sau khi Liên Xô tan rã, Nga co cụm thành một cường quốc hạng nhì và đang giành lại ảnh hưởng đã mất. Khủng koảng kinh tế và nạn dầu thô sụt giá chỉ giúp Thủ Tướng Vladimir Putin tập trung quyền lực sau nhiều bẽ bàng với kinh tế thị trường kiểu Boris Yeltsin.
Còn hy vọng phục hồi kinh tế thì xa vời vợi vì Nga cũng lệ thuộc vào kinh tế Âu Châu, một thị trường tiêu thụ nguyên nhiên liệu và một nguồn tài trợ cho các ngân hàng tư doanh.

Liên Hiệp Âu Châu chưa đáp ứng được sự trông đợi ấy.

Như nhiều người khác trên thế giới, lãnh đạo Liên Âu đã trước tiên quy tội cho Mỹ là gây ra khủng hoảng tài chánh. Thật ra, các nước Âu Châu cũng có những sai lầm nội tại như Hoa Kỳ, mà còn nặng hơn. Và khó giải quyết hơn vì yếu tố địa dư hình thể và chính trị!
Lãnh thổ Âu Châu có điều kiện canh tác thuận lợi hơn Nga, cũng có mạng lưới giao thông sông ngòi tiện lợi hơn Nga nhưng lại không tiếp giáp với nhau như hệ thống Hoa Kỳ. Các hải cảng lớn lại phân tán ở nhiều nơi, nhiều nước, khiến từng quốc gia có thể trở thành cường quốc, đế quốc và gây chiến với nhau trong nhiều thế kỷ. Vì chuyện sông nước và lịch sử ấy mà tiến trình thống nhất chính trị tại Âu Châu mới khó thực hiện hơn, trong khi chế độ quản trị kinh tế cũng lại mỗi nơi mỗi khác.
Sau khi Liên Xô tan rã, Âu Châu có thu hồi lại phân nửa còn lại là Trung Âu và Ðông Âu, và mất cả chục năm hội nhập để chung sống… Tiến trình hội nhập ấy có gây phản ứng hồ hởi sảng và thổi lên nhiều trái bóng đầu cơ về gia cư hay tín dụng. Các trái bóng ấy đã bể, như tại Hoa Kỳ mà không hoàn toàn vì Hoa Kỳ.
Ngày nay, Liên Hiệp Âu Châu gồm 27 quốc gia, hoặc khối tiền tệ Euro gồm 16 quốc gia, đang phối hợp giải quyết theo hai hướng là cấp cứu hệ thống tài chánh ngân hàng và kích thích sinh hoạt kinh tế, nhưng họ khó đạt quan điểm thống nhất. Phương pháp kích thích bằng ngân sách (thuế vụ) bị giới hạn bởi những quy định chung của Liên Âu, phương pháp tiền tệ như điều chỉnh lãi suất thì phải có sự đồng ý của cả 16 thành viên trong hệ thống Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu. Quyền lợi riêng tư của từng nước trong gánh nặng cấp cứu là một nguyên nhân của tình trạng thiếu thống nhất đó. Và nói chung, hệ thống ngân hàng Âu Châu bị suy sụp nặng hơn Hoa Kỳ mà các nước không dám có quyết định táo bạo, thậm chí tàn bạo, như Hoa Kỳ…
Vì vậy, trong ngần ấy đầu máy kinh tế lớn của thế giới, Âu Châu bị sâu và nặng nhất, nên chậm phục hồi nhất.

Nhật Bản có sản lượng kinh tế thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ, nhưng là con bệnh kinh tế từ… hai chục năm trước, khi trái bóng gia cư và cổ phiếu bị bể. Từ gần 35,000 điểm năm 1990, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của họ đã sụt phân nửa sau vụ bể bóng và nay sụp thêm phân nửa nữa, chỉ còn quanh quẩn chín/mười ngàn điểm. Suối hai chục năm, thời hoàng kim rất vàng vọt chỉ có khi ông Junichiro Koizumi làm thủ tướng, từ 2001 đến 2006.
Sau đó là sự suy sụp không liên hệ gì đến khủng hoảng tại Mỹ mà vì thương phẩm (nguyên nhiên vật liệu và nông sản mà Nhật phải nhập cảng) vọt tăng giá. Bây giờ, đầu máy kinh tế ấy còn thoi thóp vì các thị trường nhập cảng lớn trên thế giới, như Âu, Mỹ, Tàu, đều co cụm.
Ðịnh mệnh kinh tế Nhật Bản? Khác hẳn các đại gia kia, Nhật thiếu tài nguyên thiên nhiên nên phải sống nhờ xuất nhập cảng dưới sự điều tiết của nhà nước trong cái thế liên kết của ba thế lực là ngân hàng, doanh nghiệp và hành chánh công quyền. Khả năng điều hợp ban đầu giúp Nhật trở thành cường quốc Châu Á đầu tiên đã thách đố và tấn công Tây phương sau khi ra khỏi chế độ phong kiến của nền kinh tế nông nghiệp. Sau khi bại trận, Nhật cũng lại vươn thành cường quốc kinh tế và một quốc gia tiên tiến về kỹ thuật hiện đại trong có ba chục năm.
Nhưng, có liên kết cũng là dễ có toa rập, tham nhũng, và khó có quyết định nhặm lẹ trong hoàn cảnh toàn cầu hóa. Vì vụ khủng hoảng trước, đảng Tự Do Dân Chủ LDP theo xu hướng trung hữu bị đổ năm 1993 sau khi cầm quyền gần như liên tục từ năm 1955. Từ đấy, Nhật có nội các kiểu Ý, hay kiểu Pháp thời Ðệ Tứ Cộng Hòa: mỗi năm lại đổ một lần. Từ 1993 đến nay đã có 15 thủ tướng, lên xuống như đèn kéo quân!
Nguy ngập hơn vậy, Nhật còn có định mệnh khác là nhân khẩu. Với nét văn hóa thuần chủng, và hạn chế di dân vì diện tích quá hẹp, Nhật Bản có dân số giảm dần, 127 triệu hiện nay sẽ chỉ còn 100 trong 40 năm tới, lại bị lão hóa với tỷ lệ ngày một lớn của giới cao niên: sống thọ hơn mà hết khả năng sản xuất như xưa. Ngần ấy vấn đề khiến quốc gia chủ nợ và chủ đầu tư số một của thế giới nay đang mắc nợ nhiều nhất, ít ra là 180% của tổng sản lượng nội địa GDP!

Trung Quốc là niềm hy vọng cuối, là con cưng của các định chế tài chánh quốc tế lẫn giới đầu tư tài chánh láu cá của Wall Street. Cùng giai điệu Bắc Kinh, họ thường xuyên quảng cáo cho sự phục hồi của kinh tế Hoa lục, một chủ nợ của nước Mỹ!
Thật ra, vì địa dư hình thể, Trung Quốc có ba nền kinh tế cho ba khu vực địa dư với ba tốc độ tăng trưởng nhanh chậm khác nhau mà thiên hạ lại cứ nhìn vào nơi trù phú nhất là vùng duyên hải chật hẹp ở miền Ðông. Bên trong, khu vực nội địa và các phiên trấn vùng biên ngoại là đất lạc hậu, mà vẫn phải nuôi cả tỷ người trên một sự khô cằn mênh mang, giao thông khó khăn vì địa dư hiểm trở.
Ngoài đặc tính thiên nhiên đó, Trung Quốc cũng theo đuổi chiến lược xuất cảng như Nhật Bản, và kinh tế lệ thuộc tới phân nửa vào xuất cảng, mà lại có hệ thống chính trị lạc hậu cho một xứ quá rộng và có quá nhiều dị biệt. Ðây là chế độ chính trị độc tài mà bất lực vì trung ương khó điều động được các đảng bộ địa phương và dị biệt giàu nghèo đang bị đào sâu vì khủng hoảng. Các tỉnh duyên hải mất thị trường xuất cảng không muốn san sẻ lợi tức cho các tỉnh bên trong, và đoàn người thất nghiệp cứ đi từ tỉnh này qua tỉnh khác kiếm việc mà không ra.
Trung Quốc có chừng 150 triệu “dân công” xiêu tán như vậy và mỏi chân đi mãi thì họ xuống đường biểu tình, bạo động… Giải pháp cấp cứu của Bắc Kinh là cho ngân hàng bơm tiền vào kinh tế nên đang bơm lên một núi nợ xấu… Trung Quốc sẽ giống Nhật Bản mấy chục năm trước là chìm sâu dưới núi nợ thối. Nhưng sẽ khác là bị động loạn xã hội dội lên thượng tầng chính trị.

Khi nghe nói Hoa Kỳ sẽ sớm phục hồi hơn cả, có người cho rằng đấy là lý luận của… “Chủ nghĩa phục Mỹ!” Sự thật phũ phàng của địa cầu lại không đơn giản như vậy. Và dù chửi Mỹ cho vui, xứ nào cũng mong dân Mỹ sẽ lại tiêu xài như Mỹ, để kéo họ ra khỏi suy trầm.
Chưa chắc đâu: nhờ công cuộc cải tạo xã hội và tăng chi của Obama, dân Mỹ sẽ tằn tiện hơn trong cơn hồi phục rất mong manh hiện tại. Và sẽ lại bị kết án là bần tiện.
Như đã được nghe thấy trong hội nghị tuần qua của Liên Hiệp Quốc!

12 THÁNG ANH ĐI