Jonathan Head
BBC News, Bangkok
Sân bay mới ở Bangkok đã nhiều lần gây tranh cãi.
Mất bốn năm từ 2002 tới 2006 mới xây xong dưới thời Thaksin Shinawatra, sân bay này mãi mới mở cửa được.Đã có nhiều cáo buộc tham nhũng trong thi công, chất lượng công trình và thiết kế cũng bị chê là kém.Cuối năm ngoái thì sân bay này lại bị đóng cửa tới một tuần vì các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Nay cáo buộc mới xuất hiện là nhiều hành khách bị bắt trong khu vực bán hàng miễn thuế vì nghi ngờ ăn trộm hàng, và phải trả rất nhiều tiền để được tự do.
Chuyện xảy ra với Stephen Ingram và Xi Lin, hai chuyên gia về công nghệ thông tin sống tại Cambridge, Anh quốc, khi họ đang chờ lên máy bay trở lại London tối 25/04 năm nay.
Họ tha thẩn trong cửa hàng miễn thuế ở sân bay và bị các nhân viên bảo vệ tới hai lần đòi khám xét túi của họ.
Người ta giải thích rằng một chiếc ví biến mất và cô Lin bị thu hình trên máy quay an ninh trong lúc lấy chiếc ví này.
Công ty sở hữu cửa hàng miễn thuế King Power sau đó đã đăng tải clip thu từ máy quay CCTV trên website của mình, trong đó cô Lin có vẻ đang cho cái gì đó vào trong túi. Thế nhưng cảnh vệ không hề tìm thấy gì trong túi của cả hai người.
Dù vậy, họ vẫn bị dẫn quay trở lại trạm kiểm tra xuất nhập cảnh và bị giam trong đồn cảnh sát sân bay. Bắt đầu một khoảng thời gian kinh hoàng.
Thông dịch viên
Ông Ingram nói: "Chúng tôi bị thẩm vấn trong hai phòng khác nhau. Chúng tôi cảm thấy thực sự bị sách nhiễu".
"Họ soát túi của chúng tôi và bắt chúng tôi khai chiếc ví nằm ở đâu."
Sau đó hai người bị tống vào một gian phòng mà ông Ingram mô tả là "vừa nóng ẩm, vừa bốc mùi, trên tường đầy hình vẽ nguệch ngoạc và cả máu".
Ông Ingram tìm cách gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Ngoại giao Anh mà ông thấy trong sách hướng dẫn du lịch, và được hứa rằng sứ quán Anh ở Bangkok sẽ tìm cách giúp họ.
Sáng hôm sau hai người được cấp một thông dịch viên người Sri Lanka tên là Tony, được nói là làm việc bán thời gian cho cảnh sát.
Tony dẫn họ đi gặp chỉ huy cảnh sát địa phương và ông Ingram cho biết, trong suốt ba tiếng đồng hồ họ chỉ nói chuyện cần trả bảo nhiêu tiền để có thể được trả tự do.
Ông Ingram và cô Lin được bảo rằng cáo buộc đối với họ là rất nghiêm trọng. Nếu không chịu chi tiền, họ sẽ bị chuyển tới nhà tù nổi tiếng ghê sợ là Bangkok Hilton, và sẽ phải chờ hai tháng cho tới khi được mang ra xử.
Ông Ingram nói những người kia đòi 7.500 bảng Anh (12.250 đôla Mỹ) để cảnh sát cho ông được về Anh cho kịp đám tang mẹ ông ngày 28/04.
Thế nhưng ông nói không thể thu xếp chuyển số tiền ấy đúng hạn.
Tony dẫn họ tới chiếc máy rút tiền ATM tại đồn cảnh sát và bảo cô Lin rút tất cả số tiền cô có thể rút từ tài khoản của cô, tổng cộng 600 bảng Anh - còn ông Ingram rút 3.400 bảng từ tài khoản của ông.
Số tiền này được đưa cho cảnh sát coi như "phí tại ngoại", và hai người phải ký một lô giấy tờ.
Rồi họ được phép chuyển tới một khách sạn tồi tàn gần sân bay nhưng không được trả hộ chiếu và bị cảnh báo là không nên tìm cách rời Thái Lan hay liên lạc với luật sư hoặc sứ quán.
Tony nói: "Tôi sẽ để mắt đến ông bà đấy", và dặn rằng họ sẽ phải ở đó cho tới khi số tiền 7.500 bảng được chuyển vào tài khoản của ông ta.
Lừa khách du lịch
Tới thứ Hai, hai người trốn ra khỏi khách sạn, đi taxi tới Bangkok và tiếp xúc với một quan chức của sứ quán Anh.
Bà này cho họ tên của một luật sư người Thái và nói với họ rằng đây là một trường hợp tiêu biểu của trò lừa khách du lịch có tên là "zig-zag".
Luật sư của họ khuyến cáo hai người nên khai báo về thông dịch viên Tony - nhưng cũng nói nếu họ muốn theo đuổi kiện cáo thì quá trình này có thể mất nhiều tháng trời và họ có thể đối diện nguy cơ ngồi tù lâu dài nếu có tội.
Sau năm ngày, tiền được chuyển vào tài khoản của Tony, và họ được phép xuất cảnh.
Ông Ingram lỡ đám tang của mẹ, nhưng họ được cấp giấy của tòa nói không đủ chứng cứ chống lại họ và không có cáo buộc tội gì.
Nay hai người muốn tìm cách kiện để lấy lại tiền.
BBC đã nói chuyện với Tony và chỉ huy cảnh sát địa phương, đại tá Teeradej Phanuphan.
Cả hai vị này cùng nói Tony chỉ giúp thông dịch và quyên tiền để cho hai người khách có thể tại ngoại.
Tony cho hay một nửa số tiền 7.500 bảng là để tại ngoại, và phần còn lại là phí phiên dịch và tham vấn luật sư mà ông ta làm thay cho họ.
Ông ta cũng nói về nguyên tắc, hai người có thể tìm cách lấy lại số tiền phí tại ngoại.
Đại tá Teeradej thì nói ông sẽ điều tra xem hai người có bị ngược đãi gì không. Nhưng ông nói mọi dàn xếp giữa họ và Tony là chuyện riêng, cảnh sát không dính dáng gì hết.
Các báo Thái Lan đã đăng nhiều thư độc giả nói về việc du khách hay bị chặn lại sân bay vì cáo buộc trộm cắp và phải trả tiền để được tha.
Sứ quán Đan Mạch cũng cho hay một công dân của họ mới rồi cũng bị lừa kiểu như vậy, và hồi đầu tháng Bảy, một khoa học gia Ireland đã phải cùng chồng con trốn khỏi Thái Lan sau khi bị bắt tại sân bay và cáo buộc ăn trộm một chiếc bút kẻ mắt giá khoảng 17 bảng Anh.
Tony nói với BBC rằng năm nay ông ta đã "giúp" khoảng 150 khách nước ngoài làm việc với cảnh sát.
Đại sứ quán Anh thì cảnh báo du khách tại sân bay Bangkok không nên di chuyển hàng trong khu mua sắm miễn thuế trước khi trả tiền, vì có thể bị̣ bắt và giam giữ.
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...