18 thg 8, 2009

Mạng xã hội và những lợi ích cho chăm sóc sức khỏe


Annabel McGilvray

Trong thế giới tương tác của các cộng đồng trực tuyến, mọi sự kiện, từ những vụ tai tiếng tới các câu chuyện khoa học giả tưởng, các nhóm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đã giữ một vị trí nhỏ nhưng quan trọng trong những trang web mọi người đánh dấu lưu lại trên máy tính.

Hiện nay, có những mạng lưới trực tuyến cho phép bạn chia sẻ thông tin, chỉ dẫn và thậm chí đăng tải cả những mẩu tin cực ngắn (đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter) về căn bệnh của bạn và những triệu chứng.

Trong số những trang web nổi bật có trang patientslikeme.com của Mỹ. Trang web này cung cấp nhiều ‘cộng đồng’ trực tuyến giúp bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm về những căn bệnh như đa xơ cứng tế bào thần kinh, HIV/AIDS và trầm cảm. Ở các trang khác bạn có thể tìm thấy những diễn đàn thảo luận về các căn bệnh như tiểu đường, bệnh tim, eczema, hen suyễn và nhiều căn bệnh khác.

Tại một số ‘cộng đồng trực tuyến’ về chăm sóc sức khỏe đã xuất hiện một ‘blogger’ hoặc một bác sỹ nổi tiếng. Đôi khi những nhóm sinh hoạt này được lập ra bởi một tổ chức thương mại hay một nhóm người vận động quyên góp cho một căn bệnh nào đó. Có lúc những cộng đồng này tự phát xuất hiện từ những mạng xã hội hiện có.

Từ lâu người ta đã biết rằng những mạng xã hội trong thế giới thực có thể giúp cho sức khỏe của chúng ta tốt hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng đã nghe nói đến những cảnh báo về việc tìm kiếm những thông tin y tế trên Internet và tầm quan trọng của việc tránh những những lời khuyên điều trị lừa đảo đăng trên mạng bởi những ‘chuyên gia’ tư vấn tới từ một nơi xa xôi hẻo lánh lạc hậu nào đó.

Thêm nữa, tác động của những người cùng mắc một căn bệnh không phải bao giờ cũng có ích. Ví dụ, bác sỹ và các chuyên gia y tế đã kêu gọi những trang mạng xã hội cấm những nhóm ‘chán ăn quá mức’ đưa ra những chỉ dẫn ăn kiêng cực đoan khuyến khích người sử dụng phát triển những hành vi bất lợi cho sức khỏe.

Như vậy, những mạng xã hội này có mức độ an toàn như thế nào? Chúng ta cần đề phòng gì khi sử dụng chúng? Việc chỉ ngồi bên máy tính và tham gia những mạng xã hội như vậy có thực sự mang lại những lợi ích cho sức khỏe hay không?

Yếu tố tạo cảm giác yên ổn

Trong khi mạng xã hội trực tuyến còn khá mới mẻ với dân chúng, một nghiên cứu đầu tiên đang tìm hiểu liệu chúng có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của người tham gia.

Một nghiên cứu của Mỹ đã phát hiện thấy, với những bệnh nhân bị bệnh vẩy nến, sử dụng những trang hỗ trợ trực tuyến đã cải thiện chất lượng cuộc sống rõ rệt. Tuy nhiên, mức độ trầm trọng của căn bệnh này lại không có cải thiện đáng kể.

Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Kết nối Sức khỏe (Center for Connected Health) và bệnh viên đa khoa Massachusetts ở Boston cho biết, những trang web hỗ trợ sức khỏe có thể cung cấp nguồn thông tin hữu ích cũng như hỗ trợ về mặt tâm lý và xã hội. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng nếu các bác sỹ tham gia vào những trang web này thì có thể giúp cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt hơn nữa.

Các bác sỹ đã tham gia vào mạng chăm sóc sức khỏe của Úc mang tên Livewire.org.au. Livewire được sáng lập bởi Quỹ Trẻ em Sao sáng (Starlight Children's Foundation) và trang web đã tạo một môi trường trực tuyến an toàn cho giới trẻ, độ tuổi từ 12 đến 21, mắc phải những căn bệnh trầm trọng hoặc tàn phế.

Tamaryn Stevens, 17 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh thận khi lên 10 và được ghép thận 4 năm trước đây. Cô đã đăng nhập trên trang web Livewire mỗi ngày sau giờ học để chia sẻ những suy nghĩ, giao tiếp với những người bạn trên mạng và đôi khi đăng tải những bài thơ do cô sáng tác.

“Trang web cực kỳ có ích, đặc biệt vào những hôm bạn cảm thấy thất vọng vì một số tình huống ở trường hay trong những tình huống tương tự. Bạn về nhà và đăng nhập trang web Livewire. Ở đó có những người bạn để nói chuyện và điều đó làm cho một ngày của bạn trở nên tốt đẹp hơn.”

Trang web được giám sát chặt chẽ, tất cả thành viên được kiểm tra và các cuộc hội thoại được kiểm soát chặt. Mặc dù các bác sỹ không trực tiếp tham gia các cuộc hội thoại, họ đưa ra những gợi ý những trang web để tìm kiếm thông tin về một số những căn bệnh hoặc dị tật. Họ cũng điều khiển những buổi thảo luận trực tuyến thuộc nhiều chủ đề khác nhau.

Tiến sỹ Stephen Williams, bác sỹ chuyên khoa dạ dày ở bệnh viện Westmead thuộc Sydney, đã giới thiệu trang web này cho hàng chục bệnh nhân kể từ khi trang web ra đời hồi tháng Ba. Theo ông, việc có thể liên hệ với những đứa trẻ khác cùng độ tuổi để thảo luận các vấn đề là một lợi thế lớn. Ông cũng tin rằng những mối quan hệ trực tuyến đóng vai trò quan trọng cho những người gặp khó khăn cá nhân thực sự trong đời thực. Việc ẩn danh có thể làm cho việc thảo luận các vấn đề dễ dàng hơn, chẳng hạn như nếu mắc phải chứng bệnh đường ruột khó chịu, bạn vẫn có thể trò chuyện về buổi hẹn hò đầu tiên với mọi người.

Phù hợp với mạng trực tuyến

Ngoài những hệ thống mạng có điều kiện đặc biệt, thế giới tương tác thực tiễn này được gán với cái tên ấn tượng “Sức khỏe 2.0” (Health 2.0) có những công cụ mạng rất phát triển giúp mọi người sử dụng để cải thiện sức khỏe.

Một trang web truyền thông xã hội chuyên ngành, mashable.com, cho rằng nên sử dụng những trang mạng xã hội để đăng tải những mục tiêu chăm sóc sức khỏe như giảm cân hay bỏ thuốc lá. Về lý thuyết, bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu và tiến bộ nhanh hơn nếu bạn chia sẻ với những người bạn.

Bạn cũng cần chú ý không nên tiết lộ những thông tin cá nhân mà những người khác có thể dùng để nhận ra bạn trong thế giới thực và cần nhớ rằng những lời khuyên trực tuyến không thể thay thế cho những chỉ dẫn khi khám bệnh trực tiếp.

Cuối cùng, khi những điều này không có tác dụng, đơn giản là bạn nên tắt máy tính và tận dụng thời gian hít thở không khí trong lành.

The health benefits of social networking

12 THÁNG ANH ĐI