6 thg 9, 2009

Hoa Kỳ và VN muốn hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Giữa lúc Trung Quốc chứng tỏ ngày càng ra sức gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và cả trên thế giới về lâu về dài, thì theo nhận định mới đây của cựu đại sứ Mỹ tại VN, ông Raymond Burhardt, HoaKỳ và VN muốn hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á qua việc duy trì thế tương quan lực lượng với những nước khác trong vùng; và VN, dù tránh làm phật lòng Bắc Kinh, nhưng trên thực tế, tìm cách hợp tác với những nước Á Châu khác và nhất là Hoa Kỳ.

Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, nhà báo Bùi Tín, người rất am tường về mối quan hệ Việt-Trung, nhận xét như sau:

Thanh Quang: Thưa ông có ý kiến như thế nào về nhận xét đó của cựu đại sứ Raymond Burghardt?

Vẫn còn dựa vào TQ

Bùi Tín: Theo tôi, ý kiến của ông Raymond Burghardt cũng có một vài cơ sở nhưng chưa thật chính xác bởi vì đường lối chính trị của Bộ Chính trị hiện nay của ĐCSVN thì tôi nghĩ vẫn dựa vào TQ là chính, còn cái gọi là xích gần lại với Hoa Kỳ về các mặt thì đấy vẫn chỉ là biện pháp chiến thuật bởi vì từ đại hội VII (năm 1991), sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì Bộ Chính trị của đại hội VII đã có một quyết định là dựa hẳn vào Trung Quốc. Và cho đến nay qua bốn kỳ đại hội là đại hội VII, VIII, IX, X thì họ vẫn giữ mực về mặt chiến lược là gắn bó với TQ với lập luận đây cùng là hai nước xã hội chủ nghĩa, cùng theo chế độ độc đảng. Và họ tính đến không phải là quyền lợi của dân tộc mà là quyền lợi của phe đảng trước hết. Họ cho rằng quan trọng nhất là giữ vững vị trí lãnh đạo của Đảng cộng sản do đó họ ưu tiên ngã hẳn về phía TQ. Thái độ đó như TQ gọi là “Nhất Biên Đảo”, tức là tuy làm ra vẻ đi dây giữa hai thế lực thế nhưng cho đến nay Bộ Chính trị vẫn giữ nguyên đường lối dựa vào TQ là chính. Còn những cái tỏ ý muốn cải thiện với Mỹ, nhiều lý do là về mặt kinh tế để có thể làm ăn buôn bán có vốn đầu tư nhưng về đường lối chính trị thì tôi nghĩ là họ vẫn giữ mức độ như thế.

Thanh Quang: Nhưng nếu Hà Nội cứ ngã về phía TQ như vậy trong khi thực tế thì TQ ngày càng lấn lướt VN, liệu giới cầm quyền VN có an thân được không, nhất là lại gặp áp lực ngày càng nhiều của dân chúng?

Bùi Tín: Gần đây trước sức ép quần chúng của trí thức ở trong nước, vấn đề Bauxite, vấn đề đường lưỡi bò của TQ, vấn đề TQ tàn sát ngư dân thì họ buộc phải lên tiếng, nhưng cái lên tiếng đó vẫn là yếu ớt và chưa có gì thay đổi về đường lối căn bản cả.

VN cần phải làm gì

Thanh Quang: Trong bối cảnh hiện giờ, nếu không muốn nói là tình cảnh của VN hiện giờ, thì vai trò của những cường quốc Á Châu, như Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ và cả khối ASEAN, cần thiết cho VN ra sao? Hay nói cách khác, VN cần nhanh chóng khai thác những yếu tố nào trong mối quan hệ với những nước đó để khỏi bị Bắc Kinh tiếp tục uy hiếp?

Bùi Tín: Để khỏi bị Bắc Kinh uy hiếp thì tôi lưu ý ông là cách đây bốn ngày, trung tướng Đặng Quốc Bảo là trung tướng về hưu, trong phần trả lời phỏng vấn của hai đại tá quân đội nhân dân có nói rõ rằng Bộ Chính trị hiện nay cần giải quyết vấn đề phát triển theo hướng dân chủ hóa, và trên cơ sở đối ngoại thì phải tìm cách liên kết trước hết với các nước Đông Nam Á, và bước tới liên minh với các nước lớn ở châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ. Nếu thực hiện điều đó thì phải có điều kiện dân chủ hóa và trên một mức độ nào đó là liên minh cả với Mỹ nữa. Ông nhấn mạnh và tôi nghĩ ý kiến đó rất chính xác. Nó phản ảnh ý kiến của một số đảng viên lão thành không còn gắn bó với quyền lợi phe đảng nữa và một số ý kiến của khá đông đảo trí thức thấy rõ nguy cơ TQ là nguy cơ cực lớn và do đó yêu cầu Bộ Chính trị hiện nay phải thay đổi hẳn đường lối đối ngoại dựa vào liên kết với các nước Đông Nam Á thậm chí trong cái liên minh đó có một vị trí nổi bật với các nước Đông Nam Á, cải thiện một cách mạnh mẽ trong liên minh với Nhận Bản và Ấn Độ - đều là hai nước dân chủ. Thế nhưng muốn như vậy, Bộ Chính trị của ĐCS hiện nay phải dân chủ hóa trong nội bộ và nhất là thực hiện dân chủ trong xã hội. Tôi nghĩ đấy là một ý kiến rất tốt nhưng tôi không tin vì hiện nay chưa có gì tỏ ra là Bộ Chính trị chuẩn bị cho đại hội XI (hơn 1 năm nữa) có thể thực hiện được đường lối đó.

Thanh Quang: Việc Hoa Kỳ vừa rồi đã gia nhập hiệp ước hữu nghị với ASEAN, với lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là Hoa Kỳ giờ chú trọng trở lại khu vực này. Theo ông thì diễn tiến đó có ý nghĩa ra sao trong việc góp phần ngăn chận tham vọng bành trướng của TQ?

Bùi Tín: Mong muốn của Mỹ thì rõ lắm rồi, họ thấy nguy cơ của TQ rất rõ và phải ngăn chặn bành trướng cả về chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế tràn ra khắp thế giới như thế. Và nguy cơ này thì Nhật Bản cũng nhận ra, Ấn Độ cũng nhận ra thế nhưng chỉ có Bộ Chính trị của ĐCSVN chưa nhận ra một cách rõ ràng chuyện đó cho nên tôi nghĩ họ đã đi quá sâu và bị TQ ém nhẹm hết. Nó khống chế quan hệ đó rồi cho nên muốn thay đổi thì tôi nghĩ phải có một quyết tâm lớn, có một nghị lực lớn của người đứng đầu trong bộ chính trị của ĐCSVN từ ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Minh Triết cho đến cả ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt là những tay tư tưởng về an ninh như là Tô Huy Dứa đều gắn bó với Bắc Kinh là chính, ngả hẳn về phía TQ, chưa có một dấu hiệu gì tỏ ra tỉnh táo, tỏ ra sáng suốt. Họ chưa nhận thấy khi còn quỵ lụy Bắc Kinh, còn yếu đuối dựa vào Bắc Kinh thì Bắc Kinh là một nước rất kiêu ngạo. Và khi vào tròng rồi thì nó khống chế có khi nó làm nhục chứ không nương rẻ gì nữa. Tôi nghĩ cho đến nay tuyệt đại đa số trong Bộ Chính trị chưa có ai thức tỉnh và chưa thấy nguy cơ an ninh đến từ TQ là chủ yếu để có sự thay đổi một cách mạnh mẽ.

Thanh Quang: Xin cám ơn ký giả Bùi Tín rất nhiều ạ.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Beijing-expansion-prompts-vietnam-to-seek-closer-cooperation-with-us-and-asian-powers-tquang-09062009123322.html

12 THÁNG ANH ĐI