12 thg 9, 2009

Sức mạnh của Trung Hoa tan vỡ khi đụng phải hòn đá Việt Nam

Triệu Phong/Người Việt

(Phỏng theo bài viết 'Enmeshing the dragon in a web of ties' của William Choong, chủ biên báo The Straits Times)

Cũng như nhiều thanh niên khác lớn lên ở Singapore vào thập niên 1980, tôi mang hai hình ảnh trái ngược về xứ Việt Nam.

Một đằng là một đạo quân quần áo tả tơi mà thắng được một đạo quân hùng hậu của Hoa Kỳ. Một đằng chính sách đổi mới của Việt Nam bắt đầu từ năm 1986 đã nhanh chóng đưa xứ này vào nền kinh tế toàn cầu. Trong khi hiện tại của Việt Nam khác biệt đáng kể so với quá khứ, thì quan hệ với Trung Hoa, quốc gia láng giềng hùng mạnh và cũng là thách thức về chính sách ngoại giao lớn nhất của Việt Nam, lại vẫn còn mắc kẹt với quá khứ.

Trong tác phẩm viết năm 2006, “China and Vietnam: The Politics of Symmetry”, Giáo Sư Brantly Womack nhận xét rằng Trung Hoa và Việt Nam có một mối quan hệ chặt chẽ trong hơn 3000 năm. Hai mươi năm trước, họ là kẻ thù không đội trời chung khiến dẫn đến cuộc xung đột biên giới năm 1979. Cách đây năm mươi năm, họ là đồng chí hữu nghị thắm thiết khi cùng theo lý tưởng cách mạng Cộng Sản.

Năm trăm năm trước, cả hai đều là vương quốc phong kiến. Và cách đây 1500 năm, Việt Nam là một phần của Trung Hoa. Qua những quá trình lịch sử này, GS Womack tìm ra một hằng số, “Dù rằng Trung Hoa quá lớn mạnh và Việt Nam thì quá bé nhỏ trong tương quan bất đối xứng này, nhưng nước lớn ấy hiếm khi thống trị được quốc gia bé nhỏ kia.”

Bởi thế, trong khi quả không sai khi nói rằng quan hệ Việt-Trung đã cải thiện đáng kể, thì cũng đúng khi nói rằng các giới chức Việt Nam không nuôi mấy ảo tưởng về quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh. Một nhà ngoại giao Á Châu nói, “Ký ức về trận chiến năm 1979 vẫn chưa phai mờ. Và phía Việt Nam đặc biệt khá thận trọng trong khi Trung Hoa càng mạnh tay hơn nơi khu vực tranh chấp quần đảo Trường Sa.”

Từ khi bình thường hóa quan hệ vào nằm 1991, Việt Nam và Trung Hoa đã tạo nên một cơ chế để điều hành mối giao hảo. Hiện nay, mỗi năm hai bên trao đổi với nhau hơn 100 phái đoàn đại biểu ở mọi đẳng cấp. Trên bình diện kinh tế, cả hai lại càng tương thuộc lẫn nhau hơn. Trước hiện trạng suy giảm mức đầu tư của quốc tế, Hà Nội tập trung vào việc thu hút hầu bao của Trung Hoa. Ví dụ gần đây, nhà cầm quyền có bắt giữ một phóng viên và một blogger sau khi họ phản đối chống lại việc Hà Nội chấp thuận một kế hoạch trị giá 1.6 tỉ Mỹ kim, cho phép một công ty Trung Hoa khai thác mỏ bauxite ở cao nguyên Trung Phần.

Mới đây, đại sứ Trung Hoa ở Á Châu Xue Hanqin trả lời phỏng vấn của tờ The Straits Times khi nói rằng, cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều “nhìn về phía trước” trong mối tương tác của hai nước. Ông Xue nói, “Nếu những mâu thuẫn của quá khứ vẫn còn vướng mắc thì làm sao chúng tôi lại có thể có được một mối liên hệ song phương tốt đẹp như thế?”

Ðây có thể là một lối diễn giải mộc mạc, đơn sơ. Việt Nam không ước ao được ràng buộc với đại cường nào như Trung Hoa, Hoa Kỳ, và Nga. Theo truyền thống, các đại cường thường dùng Việt Nam như một con chốt để đối chọi nhau. Bằng cách theo đuổi một sự giao hảo tốt với tất cả, khả năng bị đem ra đổi chác hy vọng sẽ nhỏ bớt đi.

Sự tránh không để bị ràng buộc ấy cũng là chứng cớ trong cố gắng của Hà Nội, cho Trung Hoa mắc kẹt ở diễn đàn các nước trong vùng cũng như quốc tế. Lôi kéo được Trung Hoa sa vào mạng lưới ấy, Trung Hoa sẽ phải gia tăng tham dự vào với diễn đàn khu vực và quốc tế. Do vậy, nếu có phải lập lại vụ 1979 một lần nữa ắt Trung Hoa sẽ phải đắn đo kỹ hơn.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam phải chạy nước rút. Năm 1993, lập lại bang giao với Hoa Kỳ. Hai năm sau, gia nhập Asean, tổ chức các nước Ðông Nam Á. Năm 2006, gia nhập WTO, tổ chức mậu dịch thế giới, và chủ trì khối Apec. Năm ngoái, Việt Nam giành được chiếc ghế không thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Từ đây, Singapore có thể đóng một vai trò nhỏ nhưng không phải không quan trọng, trong việc giúp Việt Nam dứt bỏ được căn nguyên Mác-Xít Lê-Nin-Nít của mình, và trở nên xã hội hóa hơn qua mạng lưới của diễn đàn khu vực và quốc tế của Á Châu.

Singapore nay là nhà đầu tư ngoại quốc đứng hàng thứ năm và đối tác thương mãi của Việt Nam. Một Thỏa Ước Liên Kết dẫn đạo cho sự hợp tác kinh tế ở sáu khu vực gồm giáo dục, tài chánh, đầu tư và giao thông. Ðầu tuần này, hai nước cũng đã ký kết một Thỏa Ước Hợp Tác Quốc Phòng để gia tăng mối liên hệ phòng thủ.

Quan trọng hơn nữa, Singapore vốn đã có một kinh nghiệm lâu dài trong diễn đàn khu vực và quốc tế như Asean, Apec và WTO. Ông Simon Wong, Ðại Sứ Singapore ở Việt Nam nói, “Chúng tôi như một cuốn sách mở sẵn cho Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với họ bằng đường lối hỗ tương, hay từ một góc độ quốc tế.

Giáo Sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc trường University of New South Wales nói, “Từ một tổng quan rộng hơn, Singapore có giá trị đối với Việt Nam vì chính sách ngoại giao thực tiễn của mình và sự duy trì mối bang giao của nó với hai nước Trung Hoa và Hoa Kỳ. Việt Nam muốn học kinh nghiệm từ Singapore vì quốc gia này đã thành công nhờ biết dùng nguồn nhân lực để phát triển, tạo được uy danh trên trường quốc tế và có tác động lớn hơn so với tầm vóc của mình đối với các vấn đề quốc tế.

Như ghi nhận của Giáo Sư Womack, người khổng lồ Trung Hoa vừa mới đá vào Việt Nam, một 'hòn đá ở biên giới phía Nam' của Trung Hoa, nói theo ý niệm tự cho mình là to lớn của Trung Hoa. Ðá không ngừng, tuy nhiên, sức mạnh của Trung Hoa bị tan vỡ khi đụng phải hòn đá Việt Nam, và tuy Việt Nam có bị thương tổn thật nhưng Bắc Kinh phải hiểu rằng nước Trung Hoa nhỏ hơn họ tưởng nhiều. Với chính sách liên kết lưỡng cực của Việt Nam và gài Trung Hoa vào mạng lưới, người khổng lồ Trung Hoa vấp phải hòn đá Việt Nam đang là một hiện thực về lâu về dài. (T.P)

(*) Tựa do Người Việt đặt

12 THÁNG ANH ĐI