7 thg 12, 2009

Tiền

Nguyễn văn Huy

Người Việt nói, có tiền mua tiên cũng được. Điều này chứng tỏ tiền bạc có sức mạnh vô song. Người Việt Nam còn có một bài vè về tiền như sau:

Tiền là Tiên, là Phật
Là sức bật con người
Là nụ cười tuổi trẻ
Là sức khỏe người già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý...
Đồng tiền là hết ý !

Chẳng những phản ảnh đúng tình trạng của Việt Nam mà còn đúng boong với xã hội Tây phương. Một chính trị gia Hoa Kỳ, với câu nói dưới đây, đã chẳng cho thấy tiền bạc dồi dào làm lệch lạc cán cân công lý là gì !

"You simply cannot hang a millionaire in America." - Bourke Cockran.

Nói một cách giản dị, cái chuyện treo cổ một nhà triệu phú ở bên Mỹ là không thể có.

Không có tiền thì chẳng làm nên trò trống gì. Cá nhân không tiền mà muốn làm được việc thì phải vay mượn để có vốn mà làm ăn. Chính phủ không tiền mà muốn thực hiện các chương trình cải cách xã hội, y tế, tài chánh, kinh tế và quân sự, thì cũng giống như cá nhân, phải cần vay mượn. Mượn nợ nhiều quá sẽ làm cho những người dân có trách nhiệm sốt vó cả lên, vì lý do là đến cuối cùng mà quốc gia không có khả năng thanh toán các món nợ thì các thế hệ tương lai phải nai lưng ra mà trả.

Cái cách chi xài của chính phủ Mỹ khiến cho dân chúng hồi hộp đến muốn đứng cả tim. Thời ông Tổng Thống Bush, để thúc đẩy kinh tế, chính phủ chi ra 700 tỉ đô la. Dân chúng mỗi người nhận được trung bình 600 đồng, thay vì tiêu xài để cho đồng tiền luân lưu, kiến tạo thêm công ăn việc làm cho kinh tế đi lên thì một số vì không yên tâm đã bỏ tiền vào túi cất kỹ.

Đến thời ông Tổng Thống Obama, chính phủ lại quyết định chi ra gần 800 tỉ trong một chương trình economic stimulus tương tự. Ngoài ra, chính quyền còn chi tiếp 80 tỉ để cứu kỹ nghệ xe hơi và 3 tỉ cho chương trình Cash for Clunkers; cho không những dân chúng có xe cũ hút xăng như uống nước mỗi người xấp xỉ 4 ngàn đồng để đổi xe mới ăn ít xăng hơn. Có lẽ liều lượng thuốc thang chưa đúng cho nên tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc đã tăng lên đến mức 10.2 phần trăm và đang tiếp tục bò lên nữa. Để duy trì mãi lực của giới thất nghiệp, nhà nước vừa quyết định triển hạn thời gian lãnh bảo hiểm thất nghiệp thêm 20 tháng nữa. Lãnh tiền thất nghiệp có tính cách tạm thời lúc đầu từ từ đã biến dạng thành dài hạn như một cái job hiện nay. Vào đầu năm tới, chính phủ Hoa Kỳ trù tính đổ thêm hàng chục tỉ đô la trong chương trình thúc đẩy kinh tế đợt hai; mỗi cá nhân sẽ được lãnh khoảng 250 đồng để tiêu xài thúc đẩy kinh tế quốc gia.

Vào tháng 11 này, một chuyện xảy ra ở tận thành phố Dubai của một nước vùng Trung Đông có tên là United Arab Emirates không khéo lại lôi kéo kinh tế Hoa Kỳ tụt dốc thêm một chút nữa không chừng. Nền kinh tế tài chánh thế giới ngày nay có một sự liên hệ chằng chịt. Một chuyện xảy ra ở một nơi xa xôi nào đó có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của chúng ta. Công ty khổng lồ của Abu Dhabi với sự hậu thuẫn của hệ thống ngân hàng chính phủ nước này đã chi ra quá nhiều tiền đầu tư và phát triển bất động sản. Họ tự hào là có một trung tâm du lịch tân tiến nhất thế giới với những kiến trúc tân kỳ và các tòa nhà chọc trời vừa đưa ra yêu cầu đối với các ngân hàng chủ nợ là cho phép họ ngưng trả tiền lời khoảng 6 tháng. Tổng cộng số nợ đối với các ngân hàng khoảng 60 tỉ đồng. Nước này lại không có tài sản dự phòng là nguồn dầu hỏa như một số các nước khác trong vùng Trung Đông. Họ đang nhờ các lân bang dầu hỏa giàu có ra tay tiếp ứng. Chính phủ Abu Dhabi và các nước trong vùng chưa cho biết là họ có đồng ý và chịu giúp đỡ hàng loạt hay không. Cái hậu quả trước mắt trong tuần nay là giá dầu hỏa bị tụt xuống và giá trị đồng đô la Hoa Kỳ lại tăng lên. Công ty này mà xụm thì cái viễn ảnh u ám của nền kinh tế thế giới vào năm ngoái sẽ có nguy cơ tái xuất hiện thôi. Có nhiều nhà tư bản các nước đã đổ tiền đầu tư vào nơi này. Có nhiều dân chúng các nước làm nhiều ngành nghề tại đây và nay không có lợi tức và phải trở về nguyên quán và ôm theo nợ nần. Tham lam, ham làm giàu nhanh, phát triển quá đà đưa đến hậu quả tai hại cho mình và cho người. Chờ xem các nước giải quyết cái khủng hoảng tài chánh của Abu Dhabi này ra làm sao.

Ngày hôm nay, Dec 1, Tổng Thống Hoa Kỳ Obama sẽ thông báo cho toàn dân biết cái chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan. Được biết, ông Tổng Thống sau hơn 3 tháng vừa quyết định tăng quân số Hoa Kỳ tại nước này thêm 35 ngàn, tổng cộng nâng số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tại đây vượt quá 100 ngàn. Đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tăng viện đầu tiên sẽ xuất phát vào Giáng Sinh năm nay. Trong chuyến công du Á châu của ông Obama mới đây, phóng viên Chuck Todd của đài NBC hỏi ông rằng có phải đây là kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc chiến Afghanistan hay không thì Tổng Thống nói rằng, chiến lược này đặt chúng ta vào con đường hướng đến mục tiêu chấm dứt chiến tranh (put us on a path toward ending the war). Anh quốc hiện có 10 ngàn binh sĩ tại nước này. Pháp có 3 ngàn. Tổng Thống Pháp nói rằng quân lực Pháp sẽ tiếp tục trấn đóng tại đây cho đến khi nào tình hình ổn định. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ nói rằng, "Chúng ta có mặt tại nơi ấy là để hợp tác với người dân A Phú Hãn, huấn luyện các lực lượng an ninh quốc gia, quân đội và cảnh sát để họ có thể tự cung cấp an ninh cho xứ sở của họ và tham gia chống trả các nhóm du kích không được hậu thuẫn bởi quần chúng." Chi phí cho việc tăng quân lần này được ước tính vào khoảng 30 tỉ đô la, và không biết đến bao giờ Mỹ mới có thể rút quân ra khỏi Afghanistan, mặc dù phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc gần đây đã nói rằng, "Chúng ta sẽ không ở tại đó thêm tám hay chín năm nữa."

Trong thời gian gần đây, các ông bà dân cử thuộc hai đảng đã du hành qua A Phú Hãn và sau khi về đến Hoa Kỳ họ tỏ ra dè dặt, không bày tỏ mạnh mẽ sự ủng hộ cho việc tăng cường quân lực. Trước khi nghe được diễn văn trình bày chiến lược của ông Obama tối nay, các nhà lãnh đạo của hai nước Afghanistan và Pakistan chỉ sợ là Mỹ quyết định rút quân khỏi A Phú Hãn. Phe Taliban mà nghe được như thế là họ mở cờ trong bụng và dám vùng lên để dành chính quyền lắm đây. Mục tiêu chính của Hoa Kỳ là nhóm khủng bố al Qaeda. Cái nhóm này hiện đã di chuyển qua bên kia biên giới thuộc vùng rừng núi an toàn Pakistan. Muốn giải quyết rốt ráo tình hình Afghanistan nếu chỉ dùng biện pháp quân sự là không xong; Hoa Kỳ đang nghĩ tới việc chia chác quyền hành tại Afghanistan của chính phủ Kazai với các nhóm Taliban này. Tình trạng hối lộ tham nhũng tại A Phú Hãn coi bộ khó trị, chưa muốn nói là hết thuốc chữa. Tình trạng trồng nha phiến cũng khó giải quyết. Các biện pháp của Hoa Kỳ nhằm hạn chế việc trồng opium tại đây vừa tốn kém lại vừa không có giá trị lâu dài. Từ năm 2007, tính ra Hoa Kỳ đã chi ra 80 triệu Mỹ kim, trong đó gồm có 38.7 triệu đồng chi cho 27 trên tổng số 34 tỉnh của nước này chỉ là để cho họ giảm trồng trọt nha phiến được hơn 10 phần trăm hoặc không còn nha phiến năm nay. Giám đốc chương trình phát triển viện trợ Mỹ tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Kabul là ông E. Anthony Wayne đã nói rằng, "Việc buôn lậu ma túy là một vấn đề nghiêm trọng với sự xuất cảng khắp thế giới, nhưng chúng ta cần phải nhận rằng ma túy cũng còn làm hại cả xã hội A Phú Hãn nữa. Buôn bán ma túy còn nuôi dưỡng tham nhũng, cản trở khả năng của nước này trong việc xây dựng các định chế dân chủ mạnh mẽ." (Illicit narcotics is a very serious problem with export around the world, but we need to recognize that they do grave harm to Afghan society as well. The narcotics trade also feeds corruption, hindering Afghanistan's ability to build strong, democratic institutions) Source: Daily Breeze, 11/24/09.

Tình trạng Iraq cũng không khá gì hơn. Luật bầu cử do Quốc Hội nước này soạn thảo cho đến nay chỉ mới xong được phần qui định bầu cử trong vùng của nhóm thiểu số Kurd, còn phần liên quan đến nhóm Sunni thì chưa xong vì họ chưa đồng ý. Luật bầu cử mà không được quốc hội biểu quyết và ban hành đúng kỳ hạn thì cuộc bầu cử dự trù vào đầu năm tới sẽ không thể thực hiện được. Không có bầu cử thì Hoa Kỳ chưa thể rút quân. Mà chưa rút quân thì Hoa Kỳ còn tốn tiền và còn thâm thủng ngân sách và còn nợ.

Nay mai Thượng Viện Hoa Kỳ sẽ bầu cho luật Y Tế. Nước Mỹ sẽ cần đến 1 trillion để đài thọ cho việc thi hành luật này. Ông Tổng Thống phải đối phó cùng một lúc với quá nhiều vấn đề to tát. Ngay cả cuộc chiến Afghanistan, ông ấy không muốn để lại dây dưa cho chính quyền kế tiếp (Obama has said that he prefers not to hand off anything to the next president). Nhìn đâu cũng thấy tốn tiền và thấy nợ nần đến phát sợ.

Ở địa vị dân quèn, chẳng cần phải tài cao học rộng rồi nghĩ ngợi nhức đầu để tìm ra strategy, chiến lược này, chiến lược kia cho mất công. Cứ xem cái nào quan trọng thì đặt thứ tự ưu tiên giải quyết trước, tuần tự từng cái một, one at a time, theo kiểu ăn chắc mặc bền.

Kinh tế là số một: tập trung sức lực giải quyết vấn đề công ăn việc làm trước đã. Có job là giải quyết hết mọi thứ, kể cả bảo hiểm sức khỏe. Khi nào ngân sách cân bằng hay thặng dư thì lo vụ y tế cũng chưa muộn.

Còn Iraq và Afghanistan là hai cái cục nợ. Hoa Kỳ cho chính phủ hai nước này một thời gian, 2 hay 3 năm chẳng hạn, để giải quyết vấn đề. Trong lúc chờ đợi, Mỹ cứ rút hết bộ binh về, giải quyết vấn đề chiến phí. Đánh nhau với quân khủng bố và quân du kích cần gì phải duy trì một lực lượng lớn kiểu chiến tranh qui ước như hiện nay ? Chỉ cần giữ lại những lực lượng lưu động tinh nhuệ trang bị nhẹ, phản ứng nhanh, đóng quân tại vài vùng giới hạn với sự yểm trợ tích cực của trực thăng võ trang, chiến đấu và vận tải, với sự tiếp ứng nhanh chóng của các phản lực cơ chiến đấu có căn cứ đặt tại các vùng an toàn hay đồng minh của Mỹ. Nếu tình hình không tiến triển, nội bộ của hai nước này không bảo được nhau và vẫn thối nát tham nhũng tiếp tục thì Hoa Kỳ sẽ dứt khoát rút quân toàn bộ, để cho họ mạnh ai nấy lo lấy thân thôi. Mỹ cần phải để dành sức để đương đầu với Nga Hoa và đàn em của họ là Ba Tư và Bắc Hàn có nguy cơ lớn hơn gấp bội. Đừng có để cho Iraq và Afghanistan làm tiêu hao tiềm lực và cột chân cột cẳng Hoa Kỳ làm trò cười cho Nga Hoa.

Chứ còn không có tiền, kinh tế nội bộ không phất lên được, mà lại đi đổ quân, đổ tiền vào cái xứ đó, rồi mỗi ngày con số binh sĩ Hoa Kỳ bị thiệt mạng cứ tăng lên, nợ nần ngập cả đầu, đến lúc đó chỉ có ôm đầu máu mà chạy thoát thân e rằng không còn kịp nữa vậy.

"No matter what you've done for yourself or for humanity, if you can't look back on having given love and attention to your own family, what have you really accomplished." - Lee Iacocca.

Bất kể bạn đã làm được việc gì cho bản thân hay nhân loại, nếu bạn không thể nhìn lại xem đã tỏ ra yêu thương và quan tâm đến chính gia đình của bạn, thử hỏi bạn đã thực sự hoàn thành điều gì đáng kể ?

"There are two kinds of people in the world: those who put their shopping carts away and those who don't." - Anonymous

Có hai loại người trên thế giới: một loại trả xe đẩy về chỗ cũ và một loại không.

Nguyễn văn Huy

12 THÁNG ANH ĐI