Vietvungvinh
Tập đoàn điện toán Google đã quyết định rút khỏi Trung Quốc nhằm phản đối chính sách kiểm duyệt thông tin của chết độ cộng sản Bắc Kinh. Hệ quả theo sau chuyện này là gì? Các tập đoàn công ty khác có theo chân Google rút ra khỏi Trung Quốc hay không, và liệu có một cuộc chiến tranh thương mại nổ ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tương lai?
Theo chân Google
Google không phải là công ty Internet đầu tiên của Mỹ gặp khó khăn khi làm ăn ở Trung Quốc. Đã có nhiều công ty internet hàng đầu đến làm ăn ở nước này và đã vấp phải các quy định hà khắc từ phía chính quyền để rồi phải thất vọng ra đi, như eBay trước đây.
Mặc dù các quan chức chính phủ Trung Quốc nói rằng quyết định rút lui của Google chỉ là trường hợp ngoại lệ của một công ty và không ảnh hưởng tới các công ty nước ngoài, thế nhưng thực tế cho thấy không phải như vậy.
Go Daddy, công ty cung cấp dịch vụ tên miền lớn nhất thế giới, mới đây loan báo, công ty này ngưng bán tên miền .cn và sẽ rời khỏi Trung Quốc. Go Daddy cho biết, Trung tâm Thông tin mạng Internet của chính phủ Trung Quốc (CNNIC) yêu cầu công ty này cung cấp thông tin chi tiết cá nhân về khách hàng của họ. Chẳng hạn như, ngoài họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email, Go Daddy còn phải lấy ảnh chụp thẳng mặt cả đầu và vai của khách hàng, số đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ khác.
Phát biểu trong buổi điều trần trước ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ tư vừa qua, bà Christine Jones, Phó chủ tịch công ty nói: Vì những lý do đó, chúng tôi quyết định ngừng cung cấp tên miền .cn mới, kể thời điểm này. Go Daddy không muốn trở thành mật vụ cho chính phủ Trung Quốc.
Một công ty cung cấp tên miền khác là Network Solutions cũng cho biết họ sẽ rút khỏi Trung Quốc với cùng lý do. Phát ngôn của công ty, bà Susan Wade nói: dĩ nhiên quyết định đó ảnh hưởng đến công việc làm ăn của chúng tôi, nhưng thật là vô lý khi công ty hoạt động theo các quy định mới của họ.
Tuần trước, ông Michael Dell, Chủ tịch công ty Dell Corporation, tập đoàn máy tính lớn thứ ba trên thế giới về mức tiêu thụ, cũng đã gặp Thủ tướng Ấn Độ để bàn việc chuyển các hoạt động sang nước này. Mặc dù ông Dell chưa cho biết là công ty ông có rút khỏi Trung Quốc hay không, nhưng ông nói với Thủ tướng Ấn Độ rằng, ông muốn dọn sang những khu vực có môi trường an toàn hơn, điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và có một hệ thống luật pháp chặt chẽ hơn.
Các công ty nêu trên cho biết, việc rút lui khỏi Trung Quốc không liên quan gì đến quyết định của Google. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh ở Trung Quốc không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Chiến tranh thương mại?
Sau hành động của Google, nhiều người cho rằng có thể xảy ra một cuộc chiến thương mại về tin học giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mới đây, ông Gil Kaplan, cựu Phụ tá Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã phản ứng mạnh mẽ trên tờ báo Huntington Post trong một bài viết của ông có tựa đề Nếu Trung Quốc đóng cửa các công ty internet của Mỹ, chúng ta cũng nên đóng cửa các công ty máy tính của họ.
Ông Kaplan nói rằng, việc Trung Quốc kiểm duyệt thông tin không chỉ là vấn đề về tự do ngôn luận mà là rào cản thương mại đối với kinh tế Hoa Kỳ. Mỹ đã mở cửa cho thị trường Trung Quốc, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 triệu công nhân Trung Quốc, nhưng nước này đã ngăn chặn việc làm ăn của các công ty Hoa Kỳ. Việc Google cũng như eBay và các công ty khác rút khỏi Trung Quốc trước đây, đã ảnh hưởng tới việc làm của hàng chục ngàn nhân viên các công ty, tức là ảnh hưởng tới nền kinh tế của Mỹ.
Ông Kaplan phàn nàn rằng, hầu hết các hardware về máy vi tính đều được sản xuất ở Trung Quốc và được tự do vào thị trường Hoa Kỳ, trong khi các software về internet được sản xuất và phát triển ở Hoa Kỳ thì lại bị cấm vào Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc đã tạo ra được nhiều công ăn việc làm, phát triển kinh tế nên không bị khủng hoảng. Trong khi kinh tế Hoa Kỳ thì bị thu hẹp lại, các hãng sản xuất bị đóng cửa và các doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi vì bị từ chối làm ăn ở thị trường Internet lớn nhất thế giới.
Ông viết: chính phủ Trung Quốc chỉ muốn làm ăn hoàn toàn một chiều, theo cách mà Trung Quốc phát triển kiến thức, công nghiệp và dự trữ thương mại, trong khi chúng tôi chẳng được gì cả.
Mới đây, khi được hỏi về hành động của Google và các công ty Hoa Kỳ muốn rút lui khỏi đất nước đông dân nhất này, ông Sander Levin, Dân biểu Hoa Kỳ thuộc đảng Dân chủ, trả lời:
Tôi hỗ trợ những điều mà các công ty Hoa Kỳ đang làm. Cần phải gây sức ép lên Trung Quốc bởi vì không dễ dàng gì để họ thay đổi. Họ nói về tự do thương mại, không thể có tự do thương mại khi họ không cho tự do trao đổi thông tin và vấn đề nằm ở đây. Cũng có vấn đề về quyền con người ở Trung Quốc, nhưng cả hai vấn đề thương mại và quyền con người, chính sách của Trung Quốc không phù hợp cho các doanh nghiệp Mỹ và tôi nghĩ rằng nó cũng không phù hợp cho quyền con người.
Nhiều người cho rằng Trung Quốc đang mạo hiểm khi đẩy các công ty internet hàng đầu thế giới ra khỏi nước này. Mặc dù điều đó có thể giúp đảng Cộng sản Trung Quốc giữ vững vị trí độc quyền lãnh đạo, nhưng ngược lại nó gây nguy hiểm cho việc mở rộng kinh tế, đã giúp nước này phát triển rất nhanh trong thời gian qua.
Liên quan tới vấn đề này, ông James Fallows, phóng viên tờ Atlantic trả lời phỏng vấn trên đài BBC, nói rằng: Gần đây Google được xếp hạng là thương hiệu số một trên thế giới. Họ cảm thấy đủ ảnh hưởng để đưa ra một nguyên tắc cũng như đủ mạnh để gây ảnh hưởng tớiTrung Quốc. Một cuộc tranh luận quan trọng giữa các sinh viên và trí thức rằng, nó có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc khi tạo ra môi trường làm ăn mà Google cảm thấy không còn có thể làm ăn được nữa. Tôi nghĩ rằng sẽ có hậu quả quanh vấn đề này.
Thứ năm tuần qua, ông John Bolton, biên tập viên tờ Wall Street Journal và là cựu Đại diện Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi chính phủ Obama hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Google để "họ không phải hành động một mình".
Trong khi đó, dân biểu đảng Cộng hòa, ông Chris Smith nói rằng, chính phủ nên đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thách thức các nước ngăn chặn truy cập vào các trang web. Bốn năm trước đây, ông Smith đã soạn thảo Dự luật Tự do mạng Toàn cầu, dự luật đòi hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ lên danh sách hàng năm về "các quốc gia hạn chế internet" và yêu cầu các công ty Mỹ thông báo cho Bộ Ngoại giao trước khi tuân theo yêu cầu của các chính phủ nước ngoài.
Liệu các công ty nước ngoài có đồng loạt rút ra khỏi Trung Quốc, cũng như sẽ một cuộc chiến thương mại về tin học nổ ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không?
Theo www.vietvungvinh.org
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...