Việt Long
Khoảng trống quyền lực sau thời Chiến tranh Lạnh có được lấp đầy, tạo sự cân bằng quyền lợi bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác trong khu vực phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của ASEAN và các nước có quyền lợi trên Biển Đông.
Khoảng trống quyền lực và những bất ổn
Biển Đông với ít nhất hơn 1/2 tổng khối lượng hàng hóa giao thương đường biển quốc tế, nơi trung chuyển 70-80% năng lượng dầu khí nhập khẩu cho các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, điểm nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương luôn là tâm điểm quan tâm của các cường quốc. Việc cân bằng quyền lực là điều kiện tiên quyết để giữ cho Biển Đông trong hòa bình, ổn định.
Năm 1973 khi Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam, một khoảng trống quyền lực lớn đã xuất hiện. Trung Quốc đã khôn khéo tận dụng thời cơ để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Vụ đụng độ thứ hai năm 1988 đã lần đầu tiên mang lại cho Trung Quốc một chỗ đứng trên quần đảo Trường Sa. Điều này xảy ra khi nước Nga, do những suy thoái nội bộ, đang tìm cách rút ra khỏi Cam Ranh. Khoảng trống quyền lực do Mỹ, Nga bỏ lại đã tạo thế cho Trung Quốc một mình vươn ra kiểm soát Biển Đông. Sự kiện Vành Khăn 1995 thử thách sự chắc chắn của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippine.
Với sự phát triển nóng của nền kinh tế đòi hỏi những nguồn tài nguyên dầu khi vô tận, sự hiện đại hóa hải quân, tham vọng của nước khổng lồ khu vực ngày càng lộ rõ. Trung Quốc đã chuyển dần từ chính sách "trỗi dậy hòa bình", "quyền lực mềm" sang thể hiện quyền lực cứng rắn hơn trước. Ngày 7/5/2009 Phái đoàn thường trực Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc chính thức cho lưu hành bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò, đường chữ U) "đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng".
Để củng cố yêu sách này, Bắc Kinh đã có hàng loạt các hoạt động gây lo lắng cho các nước trong khu vực. Từ thiết lập căn cứ tàu ngầm nguyên tử tại Hải Nam, tuyên bố thành phố Tam Á bao gồm các quần đảo trong Biển Đông, xây dựng tàu sân bay, tập trận có bắn đạn thật, thông qua Luật sử dụng các đảo không người ở, Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020, tăng cường mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng đường không, đường thủy đến ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 16/5/-31/8 hàng năm, tăng cường lực lượng tàu Ngư Chính xuống Biển Đông, đẩy mạnh thăm dò dầu khí, quy hoạch 180 mỏ dầu khí ở Biển Đông, gây áp lực buộc các công ty nước ngoài phải rút khỏi các dự án dầu khí đang hoạt động hợp pháp trên thềm lục địa các nước ven biển khác.
Hải quân Trung Quốc chọc thủng tuyến đảo phòng ngự thứ nhất ở Thái Bình Dương (Biển Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông), ngạo nghễ đòi phân chia quyền kiểm soát Thái Bình Dương với Hải quân Mỹ. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 78 tỷ US$ trong năm 2010 tức 7,8% so với năm trước. Các nhà quân sự hăng hái chuẩn bị các phương án đánh chiếm Trường Sa bằng vũ lực trong khi các nhà ngoại giao khẳng định tranh chấp chỉ được giải quyết trên cơ sở song phương, phản đối mọi sự quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nhằm dành thế thượng phong cho Trung Quốc trước một ASEAN yếu kém về quân sự, thụ động trong chính trị và kinh tế có phần bị ảnh hưởng bởi hàng hóa Trung Quốc.
Sự tự tin không có đối thủ đã làm Trung Quốc lần đầu tiên, trong tháng 4/2010, tuyên bố không cho phép bất cứ nước nào can thiệp vào vùng Nam Hải, tức Biển Đông, bởi vì vùng biển này đã trở thành một phần trong cái gọi là "quyền lợi cốt lõi về chủ quyền" của Trung Quốc, nghĩa là không nhượng bộ trong việc đòi chủ quyền, tương tự như Đài Loan và Tây Tạng.
Sự trở lại của Mỹ và sự cân bằng ở khu vực
Thái độ cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông đã thách thức các nước có tranh chấp chủ quyền trong khu vực cũng gây ra mâu thuẫn với Mỹ và các nước khác trên thế giới, có tàu bè thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua lại trên biển Đông.
Các hoạt động quyết liệt của Bắc Kinh dường như đem đến một kết quả không mong muốn. Dưới thời Tổng thống Obama, chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ chuyển trọng tâm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Bắt đầu từ các vụ đụng độ về quyền tự do hàng hải trong Biển Đông giữa tàu Impeccable và John McCain''''s với các tàu chiến Trung Quốc tới quyết định việc tàu sân bay USS Nimitz tham dự tập trận Mỹ-Hàn trong biển Nhật Bản.
Một năm sau khi ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) với ASEAN, Ngoại trưởng Hilary Clinton trên diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) tháng 7/2010 tại Hà Nội tuyên bố "Mỹ phản đối bất kỳ sự sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào". Bà nhấn mạnh Mỹ cũng như các quốc gia khác có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định. "Tất cả các nước trong khu vực đều có thể chia sẻ lợi ích ở vùng biển chung này".
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đã trực tiếp bác bỏ yêu sách đường chữ U của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Ngoại trưởng Mỹ, các tuyên bố quyền tài phán đối với vùng biển trên Biển Đông phải được tách bạch khỏi các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, quần đảo. Chúng "phải phù hợp với công ước LHQ về luật Biển năm 1982".
Mỹ "không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông", nhưng "sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với DOC".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, ít nhất 12/27 nước có mặt tại Diễn đàn ARF đã bày tỏ tin tưởng cần phải có một cơ chế đa phương để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp quan điểm của Bắc Kinh mọi tranh chấp trong Biển Đông chỉ có thể giải quyết trên cơ sở song phương, không có sự tham gia của cộng đồng quốc tế.
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 tại Hà Nội tháng 7/2010 cũng ra Thông cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của DOC và mong muốn cùng với Trung Quốc hướng tới việc thảo luận một bộ luật ứng xử mang tính ràng buộc giữa các bên (COC). Lần đầu tiên sau Tuyên bố ASEAN 1992, ASEAN đã thể hiện một quan điểm chung trước sự đe dọa an ninh trong khu vực. Các nước ASEAN "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không bên trên Biển Đông như đã được qui định trong các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế."
Tuyên bố của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 về vấn đề Biển Đông góp phần tạo thuận lợi cho Mỹ quay trở lại khu vực này. Mỹ mong muốn tìm thêm những đối tác chiến lược mới như Indonesia trong phối hợp chống khủng bố. Mỹ sẵn sàng tiến lên giai đoạn hợp tác mới với Việt Nam, xem nước này.quan trọng như "một phần trong chính sách tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á -Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á".
Các nước Đông Á và Đông Nam Á cần đến vai trò điều phối của Mỹ trong giữ gìn an ninh Biển Đông và Thái Bình Dương. Song ASEAN cũng hiểu rằng tranh chấp chủ quyền đảo và các vùng biển trong Biển Đông không thể giải quyết chỉ trên cơ sở can thiệp từ bên ngoài.
Tiếp sau việc Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo riêng và báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý, ngày 8/7/2010 lại đến lượt Indonesia ra Công hàm kết luận bản đồ đường chữ U của Trung Quốc tại Biển Đông hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước luật biển 1982. Các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở, hoặc không có đời sống kinh tế riêng, không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. ASEAN đã thể hiện được vai trò gắn kết khu vực của mình trong việc tạo điều kiện để Nga và Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trong thời gian tới và Tổng thống Obama sẽ tham gia EAS năm 2011 tại Indonesia.
Một lẽ tự nhiên các hoạt động gây căng thẳng của Trung Quốc tại Hoàng Hải và Biển Đông đang làm phần còn lại của thế giới xích lại gần nhau nhằm mục tiêu hạn chế độc quyền, vì sự tự do hàng hải, hàng không, ổn định và hòa bình của khu vực.
Thông điệp của Hội nghị AMM lần thứ 43 và ARF lần thứ 17 tại Hà Nội rất rõ ràng: Biển Đông là của chung. Giải pháp cho tranh chấp Biển Đông đã trở thành mối quan tâm vượt ra khỏi tầm khu vực. ASEAN đang vươn lên đóng một vai trò trung tâm trong điều hành một cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương hợp lý mà mục tiêu là duy trì DOC, tiến tới thông qua COC cho khu vực.
Khoảng trống quyền lực sau thời Chiến tranh Lạnh có được lấp đầy, tạo sự cân bằng quyền lợi bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác trong khu vực phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của ASEAN và các nước có quyền lợi trên Biển Đông.
Việt Long