21 thg 7, 2010

Chúng ta đang làm gì đây?

Nguyễn Quốc Toàn. Nguyễn Lệ Thúy dịch

LTS: Bài viết dưới đây của ông Nguyễn Quốc Toàn, một người Việt Nam đã từng sống làm việc ở Trung Quốc. Bài viết này được phổ biến trên trang mạng www. biendong.org, một trang web vừa mới hoàn thành, kể từ sau biến cố Trung Cộng sát hại, gây thương tích và bắt giữ một số ngư phủ Việt Nam trong Vịnh Bắc Việt. Chúng tôi đăng tải bài viết này để độc giả được rộng đường dư luận.

Các bạn thân mến,

Trong những ngày vừa qua, tôi không khỏi suy nghĩ về việc tàu hải quân Trung Quốc nổ súng tấn công vào ngư dân Việt Nam cũng như những vấn đề khác của Việt Nam và Trung Quốc.

Cảm giác của tôi bây giờ rất lẫn lộn! Là người đã từng sống và làm việc ở Trung Quốc, đã từng chứng kiến họ phát triển và thực hiện chiến lược ở khắp mọi nơi cho dù đã tốt hay chưa hoàn thiện, tôi không thể không lo lắng cho tương lai của Việt Nam, đất mẹ của tôi.

Ðất nước Trung Hoa có một đội ngũ lãnh đạo rất giỏi với những chiến lược và tầm nhìn rõ ràng cũng như cả những sách lược rất cứng rắn và tàn nhẫn. Mỗi người dân Trung Quốc đều sôi sục trong dòng máu mình một tinh thần dân tộc rất cao và một khát vọng làm giàu ở khắp nơi.

Trong lúc đó, chúng ta đang ở đâu thế này? Tôi chạnh lòng và không khỏi lo ngại cho mảnh đất thân yêu của tôi.

Là một nhà kinh tế học, nhưng từ bấy lâu nay, tôi vẫn chưa thấy có bất cứ một chiến lược phát triển kinh tế nào hợp lý để có thể khẳng định vị thế của Việt Nam trong 20 năm tới và không phải sợ hãi trước cái cái bóng khổng lồ của người “bạn” Trung Quốc.

Trong lúc chúng ta đang hân hoan và tự mãn với tốc độ phát triển GDP chỉ có 6-7% thì người Trung Quốc đang cố gắng để kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế quá nóng 10-12%.của họ.

Khi mà chúng ta tự hào rằng Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ nhất/nhì và ba trên thế giới thì người Trung Quốc đã mua một phần của IBM và đưa người vào vũ trụ.

Những khoản nợ của chúng ta vốn đã tăng rất nhanh về số lượng cũng đã sắp hết hạn vay và Việt Nam sẽ sớm bước vào thời kỳ buộc phải trả nợ. Và trong khi tôi vẫn còn nhiều mơ hồ về hiệu quả của những dự án từ các khoản vay này thì cùng lúc các ngân hàng quốc tế như WB và ADB lại đang van nài Trung Quốc vay thêm tiền của họ.

Khoảng cách về thu nhập giữa những người giàu và người nghèo ở Việt Nam ngày một lớn và tôi rất sợ phải chứng kiến một đất nước châu Mỹ Latinh hay một Phillipines nữa. Hệ thống y tế của chúng ta thì vô cùng méo mó. Bệnh nhân của chúng ta phải trả cho tiền thuốc và một số dịch vụ phí với giá giời ơi. Buồn thay, chính rất nhiều lương y từ mẫu của chúng ta đã lừa bệnh nhân trả những chi phí đó!

Khu vực kinh tế tư nhân, mặc dù đang phát triển rất nhanh, cũng phải chịu đựng sự cạnh tranh không công bằng với khu vực kinh tế nhà nước. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam quá cao không khuyến khích doanh nghiệp mà còn dễ dẫn đến trốn thuế, tham nhũng và những móc ngoặc không rõ ràng giữa các công ty nhà nước và tư nhân.

Cùng lúc đó, khu vực tư nhân của Trung Quốc đang làm ăn phát đạt. Người đàn ông giàu nhất Trung Quốc có tài sản trị giá hơn một tỷ đô la Mỹ. Anh là ông chủ của một công ty trò chơi trực tuyến được lên sàn chứng khoán ở thị trường chứng khoán New York. Anh ấy mới chỉ hơn 30 tuổi.

Chúng ta đang lãng phí hàng triệu đô la vì những dự án thăm dò dầu khí bị tham nhũng. Còn người Trung Quốc bắt đầu mua các mỏ dầu bên ngoài.

Chúng ta xây dựng một sân vận động Mỹ Ðình xập xệ và đầy những lỗi với hàng chục tỉ đồng lãng phí trong khi người Trung Quốc thì đang nhộn nhịp chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic 2008.

Chỉ số tham nhũng của chúng ra nằm trong số những chỉ số tồi tệ nhất thế giới. Vậy mà chúng ta với thái độ tùy hứng, sẵn sàng đưa những người phê phán tham nhũng ra tòa. Cùng lúc ấy, chính phủ Trung Quốc không bỏ phí bất cứ viên đạn nào trong cơn “mưa” đạn xử tử các quan chức cao cấp tham nhũng.

Tháng trước, chúng ta suýt đóng cửa Vnexpress và khiển trách nghiêm khắc ông Trương Ðinh Anh, tổng biên tập tờ báo trực tuyến này, vì họ đã dũng cảm chất vấn vụ mua xe Mercedes. Tuần trước, chúng ta đã bắt giữ phóng viên Lan Anh của báo Tuổi Trẻ vì cô viết bài theo dõi một vụ bê bối về phân phối thuốc. Vài ngày trước, chúng ta cũng đóng cửa Tintucvietnam vì những lý do mà tôi không thể hiểu nổi.

Trong khi hệ thống giáo dục của chúng ta như một mớ bòng bong thì Trung Quốc bắt đầu thu nhận sinh viên quốc tế từ khắp nơi trên thế giới và xây dựng những trường đại học tầm cỡ thế giới như đại hoc Thanh Hoa, Bắc Kinh và Thượng Hải.

Với bao nhiêu là tiến sỹ, thạc sỹ, giáo sư, tiến sỹ khoa học ở bộ Giáo Dục kính mến của chúng ta nhưng chúng ta vẫn không thể hoàn thiện được thậm chí hệ thống giáo dục tiểu học. Giáo viên của chúng ta sẵn sàng đánh đập những đứa trẻ non nớt không thương tiếc. Khốn khổ thay, những đứa trẻ này lại không biết là không ai có quyền đánh chúng.

Những sinh viên tài năng của chúng ta được gửi sang Mỹ du học với một “Chương trình học bổng ngân sách quốc gia” vẻn vẹn $700-900 đạm bạc một tháng. Tệ hơn, họ còn không được trả đúng kỳ. Khoản học bổng này xấp xỉ mức thấp nhất cho phép mà người dân vô gia cư của Mỹ được nhận.

Trong khi đó, sinh viên và giáo sư người Trung Quốc có mặt ở khắp các ngõ ngách của các trường đại học hàng đầu của Mỹ và gửi về nước những thông tin tiến bộ nhất từ sinh hóa, công nghệ sinh học, đến cả những thông tin về công nghệ hạt nhân.

Còn bộ giáo dục của chúng ta với vô vàn bất cập trong hệ thống giáo dục khiến cho sinh viên Việt Nam gặp không biết bao là rắc rối trong việc du học và nghiên cứu tại các nền giáo dục tiên tiến.

Tại sao chúng ta lại khiến cho việc du học của nghiên cứu sinh lại khó khăn như vây?

Chỉ để có một bảng điểm được in tử tế thôi cũng khó. Ðến giờ tôi vẫn thấy những bảng điểm được dịch một cách vụng về và đánh bằng máy đánh chữ. Tôi vẫn thấy sinh viên phải van xin thầy cô giáo để có được một bảng điểm thứ hai.

Các giảng viên ở các trường đại học của chúng ta hiếm khi cho sinh viên điểm 9 và 10 vì họ có một lý do rất ngớ ngẩn rằng điểm 9,10 không phải giành cho sinh viên. Và điều đó khiến sinh viên Việt Nam vô cùng bất lợi khi nộp đơn xin học vào các trường đại học lớn của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, vô vàn các trung tâm mở ra để giúp đỡ sinh viên chuẩn bị điều kiện du học và tư vấn hồ sơ xin học.

Các chiến lược phát triển con người của chúng ta gần như không có. Vài lần chúng ta cũng có nói về việc sử dụng nhân tài nhưng đó chỉ là lời nói suông. Ðâu là sự minh bạch trong việc sử dụng và bồi dưỡng nhân tài? Cuối cùng thì thâm niên và “tài ngoại giao” vẫn có trọng lượng hơn là sự uyên bác và cách làm việc hiệu quả.

Tôi có một người bạn đã tốt nghiệp tiến sỹ ở nước ngoài, mới ngoài 30 nhưng có rất nhiều kinh nghiệm tuyệt vời. Anh ấy có đủ năng lực và phẩm chất để đảm nhận những cương vị khá cao. Anh ấy vượt qua được tất cả các điều kiện nhưng cuối cùng bị rớt chỉ vì “quá trẻ” và phải đợi thêm một thời gian nữa.

Còn trong khi đó, người Trung Quốc thì đang tuyển những chuyên gia nước ngoài và Hoa Kiều về làm các nhà quản lý, tổng giám các công ty quốc doanh hàng đầu của mình.

Và bây giờ chúng ta đang làm gì?

Nhìn đồng bào của mình bị thảm sát ngay trên vùng biển của đất nước mình, chúng ta lại không thể đoàn kết nói được một câu nào. Hãy nhớ đến vụ Mỹ ném bom vào đại sứ quán Trung Quốc vài năm trước, khi đó một làm sóng phản đối của người Trung Quốc nổ ra trên khắp thế giới.

Tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ rằng nếu chúng ta cũng làm như vậy, liệu chúng ta có gặp rắc rối với chính người của mình vì chúng ta sợ “rạn nứt tình cảm” với người đồng chí Trung Quốc này hay không.

Chúng ta đã bị phong kiến Trung Quốc đô hộ hàng ngàn năm. Trong những năm khổ ải ấy, chúng ta bị nô dịch cả về kinh tế, thể xác, lẫn tinh thần.

Nếu chúng ta không có một tầm nhìn và chiến lược rõ ràng để phát triển kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực, cải tiến và hoàn chỉnh hệ thống giáo dục, ngăn chặn tham nhũng và học hỏi kiến thức tiên tiến, tôi sợ rằng quá khứ đen tối trên của Việt Nam sẽ quay trở lại.

Một người Việt Nam rất đỗi bình thường

Nguyễn Quốc Toàn

12 THÁNG ANH ĐI