Việt Hoàng
“…Phương án “đu dây” giữa các cường quốc đang được Việt Nam thực thi. Thế nhưng để giữ cho thăng bằng mãi e là điều không thể được vì tình hình và cục diện thế giới thay đổi liên tục và rất nhanh chóng …”
Biển Đông đã và đang dậy sóng bởi việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc. Có nghĩa là không phải tranh cãi gì nữa, toàn bộ khu vực Biển Đông là của Trung Quốc, nếu cần thiết Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để bảo vệ “lợi ích” của mình.
Sự việc được “hâm nóng” bởi tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ cũng có quyền lợi ở Biển Đông và Hoa Kỳ phản đối việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong việc tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia liên quan. Hoa Kỳ chủ trương giải quyết tranh chấp bằng con đường đa phương và Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hiện diện tại khu vực này để bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển.
Sau tuyên bố này thì tàu sân bay và chiếm hạm của Hoa Kỳ đã ghé thăm Việt Nam. Trung Quốc đùng đùng nổi giận và Việt Nam phải cử Thứ trưởng Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, sang Bắc Kinh để “thanh minh” rằng Việt Nam không có ý định “liên minh với Mỹ” để chống Trung Quốc.
Xung quanh sự kiện này đã có rất nhiều nhận định và phân tích của nhiều người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước. Câu hỏi lớn đặt ra là: Sau những diễn biến bất ngờ và dồn dập sẽ là gì? Việt Nam sẽ đi về đâu? Bài viết này mong muốn góp một cái nhìn vào bức tranh toàn cảnh đang và sẽ xảy ra mà chưa có lời giải.
1. Sự phụ thuộc quá lớn của Việt Nam với Trung Quốc
Sau khi “phe xã hội chủ nghĩa” sụp đổ vào thập niên 1990 để tìm cách duy trì chế độ cộng sản tại Việt Nam, Hà Nội đã chọn Trung Quốc làm chỗ dựa. Hai mươi năm qua, Việt Nam đã có được sự “ổn định” để không rơi vào khủng hoảng, thế nhưng bù lại Việt Nam đã phải nhún nhường Trung Quốc rất nhiều, nhất là trong việc phân định lãnh thổ. Chính sự “nhún nhường” quá mức của Việt Nam đã khiến Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố Biển Đông, bao gồm toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là của Trung Quốc.
Trước sức ép ngày càng lớn của Trung Quốc, Việt Nam đã đi một nước cờ là “xích lại” gần với Hoa Kỳ để chuyển tới Trung Quốc một thông điệp: “Nếu anh ép tôi quá đáng tôi sẽ chơi với người khác”. Mục đích nữa (có thể là mục đích chính) đó là nhằm xoa dịu sự bất mãn ngày càng lớn trong dư luận người Việt Nam và ngay cả trong nội bộ đảng về việc chính quyền ngày càng nhu nhược trước Trung Quốc.
Chính quyền cộng sản Việt Nam không ưa gì Mỹ và cũng không quí gì Trung Quốc. Ưu tư thường trực của chế độ là làm sao duy trì được sự lãnh đạo của đảng. Nếu chống Trung Quốc mà cứu được đảng thì Hà Nội cũng làm ngay mà không hề do dự, thế nhưng có chống được hay không lại là chuyện khác.
2. Thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam
Trung Quốc cũng không ưa gì Việt Nam, dư âm cuộc chiến năm 1979 còn đó. Trung Quốc không lạ gì bản tính cơ hội, gió chiều nào xoay chiều ấy của Việt Nam. Thế nhưng Việt Nam là quốc gia hàng xóm phía nam của Trung Quốc nên phải bằng mọi cách duy trì ảnh hưởng của Trung Quốc lên Việt Nam để phục vụ cho mưu đồ bành trướng ra khu vực và thế giới. Dưới con mắt nhà cầm quyền Trung Quốc, Việt Nam chỉ là một tên đàn em, một tên chư hầu nên nói gì phải nghe nấy. Bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc là tiểu nông nên có tham vọng về lãnh thổ đất đai của nước khác.
Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh nên tinh thần Đại Hán cũng trỗi dậy theo. Trung Quốc chưa đủ sức đương đầu với Mỹ nhưng mong muốn có một vai trò và ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế. Việc “thôn tính Biển Đông” là bước đi đầu tiên để thăm dò công luận thế giới và khẳng định địa vị bá chủ trong khu vực. Vì vậy khu vực Biển Đông chỉ có nóng lên trong thời gian tới chứ không thể nguội đi được. Người ta có thể hiểu được sự tức tối đến nhường nào khi Hoa Kỳ nhảy vào ngăn cản tham vọng đó của Trung Quốc.
Một giả thiết đặt ra là nếu chính quyền Việt Nam “cứng rắn” trong vấn đề Biển Đông thì liệu Trung Quốc có tấn công Việt Nam hay không?
Nếu khách quan mà phân tích thì tôi tin là Trung Quốc sẽ không làm việc đó. Lý do: Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, một cuộc chiến với Việt Nam sẽ làm hình ảnh Trung Quốc xấu đi. Báo chí và dư luận phương Tây (vốn không ưa gì Trung Quốc) sẽ tấn công Trung Quốc và sau đó là sự rút chạy của giới tư bản, hàng hóa xuất khẩu sẽ chậm lại gây khủng hoảng cho nội địa Trung Quốc. Bài học của nước Nga trong cuộc chiến chớp nhoáng với Grugia mới đây vẫn còn đó, quân đội Nga chỉ còn cách thủ đô Tbilixi của Grugia vài chục cây số mà buộc phải dừng lại, sau một tháng thị trường chứng khoán Nga mất đi 200 tỉ đô la từ các nhà đầu tư phương Tây. Đấy là thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về chính trị còn lớn hơn nhiều, một cuộc chiến với Việt Nam sẽ đẩy Việt Nam khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc ngay lập tức. Cả Đông Nam Á sẽ đoàn kết lại để chống “nguy cơ Trung Quốc”, học thuyết Trung Quốc vẫn thường quảng bá với thế giới là “trỗi dậy trong hòa bình” sẽ bị phá sản. Trung Quốc sẽ bị cô lập ngay tại khu vực Đông Á, Đông Nam Á và cả trên thế giới. Cũng đừng quên rằng trên thế giới hiện nay chỉ có Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có thể đem quân đánh một nước nào đó mà không bị dư luận thế giới phản đối.
Với vấn đề Biển Đông Trung Quốc sẽ gây sức ép mọi mặt lên chính quyền Việt Nam, nhất là về kinh tế, chính trị để giành quyền kiểm soát Biển Đông. Trung Quốc có thể sẽ rất to tiếng thế nhưng để tấn công Việt Nam là điều chưa thể xảy ra trong lúc này.
3. Thái độ của Mỹ với vấn đề Biển Đông
Việc Hoa Kỳ tuyên bố quay lại Đông Nam Á đã được chào đón nồng nhiệt, tạo nên một niềm “phấn khởi” trong dư luận khu vực, đặc biệt là dư luận Việt Nam. Nhiều hy vọng về một sự đổi thay bề ngoài theo hướng dân chủ có thể hóa giải công luận ở Mỹ và đồng thời khiến chính quyền Mỹ mạnh mẽ ngăn đỡ sự lấn át của Trung Quốc đối với chính quyền Việt Nam hiện tại. Tôi e rằng hy vọng này quá lạc quan.
Người Mỹ có lý do để quay lại Đông Nam Á, và đó là vì quyền lợi của họ chứ không vì quyền lợi của ai khác, nhất là Việt Nam. Hoa Kỳ đang là bá chủ thế giới cho nên họ phải làm mọi cách để duy trì ngôi vị đó. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn khiến Hoa Kỳ không thể không lo ngại. Việc Hoa Kỳ chìa tay ra cho Việt Nam cũng vì lý do đó. Tại Đông Á và Đông Nam Á, Hoa Kỳ đã có các đồng minh truyền thống và hùng mạnh trong khu vực như Úc, Nhật, Hàn Quốc và các quốc gia “thân Mỹ” như Singapore, Thái Lan, Indonesia… Nếu có thêm một hàng xóm của Trung Quốc thân với Mỹ thì càng tốt hơn.
Nói tóm lại, quan hệ Việt Mỹ chỉ dừng ở đấy mà thôi chứ chưa tiến tới “đồng minh quân sự”. Một hiệp ước như vậy đối với một nước cộng sản và độc tài như Việt Nam là điều không thể xảy ra. Giả sử chính quyền Mỹ có muốn thì quốc hội Mỹ cũng phải bác bỏ. Danh dự của nước Mỹ lớn hơn hiệp ước quân sự Việt-Mỹ, nếu có. Độc tài và dân chủ không thể đi chung một đường vì vậy hy vọng Mỹ “cứu” Việt Nam XHCN khi “lâm sự” là một hy vọng hão huyền.
Nên nhớ Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam. Chỉ có một sự lựa chọn thành tâm và dứt khoát thay đổi thì Việt Nam mới có thể trở thành người bạn tin cậy của Mỹ. Và sự lựa chọn này là một bài toán nan giải cho đảng và nhà nước, đòi hỏi sự quyết tâm và sáng suốt.
4. Việt Nam và chính sách “đu dây” giữa các cường quốc
Chưa bao giờ chính quyền Việt Nam bối rối như lúc này, đi với Trung Quốc thì bị lấn lướt và bắt chẹt đủ điều khiến cho người dân Việt Nam ngày càng phẫn nộ. Đi với Mỹ thì phải thực thi dân chủ, phải tôn trọng nhân quyền, phải chấp nhận đa đảng, chấp nhận cạnh tranh trong chính trị… Và đây là những điều mâu thuẫn với cơ sở nền tảng toàn trị của mọi chế độ cộng sản. Phương án “đu dây” giữa các cường quốc đang được Việt Nam thực thi. Thế nhưng để giữ cho thăng bằng mãi e là điều không thể được vì tình hình và cục diện thế giới thay đổi liên tục và rất nhanh chóng.
Đối tác được Việt Nam chèo kéo nhiều nhất là Nga. Nhiều người ủng hộ sự lựa chọn này vì Nga là đối tác truyền thống, là một cường quốc trên thế giới, lại có quan hệ hữu hảo với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam chọn mua tàu chiến, máy bay Nga và sắp tới để Nga xây nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận… Nghe qua thì phương án này có vẻ hay, thế nhưng nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô trước đó.
Chính quyền Nga đúng là không ưa gì Mỹ lẫn Trung Quốc cho nên luôn tìm cách “phá bĩnh”, bất cứ ai chống Mỹ đều được nhận được sự “quan tâm” của Nga. Nga bán vũ khí để đổi lại các quyền lợi về kinh tế chứ không có ý định kết nghĩa “anh em” với bất cứ ai. Tinh thần “quốc tế vô sản” của Nga chỉ còn lại trong ký ức xa xưa. Ví dụ, Nga là chỗ dựa cho quốc gia Hồi giáo độc tài Iran thế nhưng sau khi đạt được các thỏa thuận với Mỹ về quyền lợi kinh tế thì Nga đã không bàn giao các tổ hợp tên lửa hiện đại S300 cho Iran như hợp đồng đã ký, khiến nước này chỉ trích Nga không tiếc lời. Cho nên nếu Việt Nam trông chờ vào Nga thì sẽ là điều hão huyền. Nước Nga không có lợi ích gì khi bảo vệ Việt Nam bởi một lẽ đơn giản nước Nga không (hoặc chưa) có ý định và năng lực để thay Mỹ làm bá chủ thế giới.
Việt Nam có thể là đối tác tốt của Mỹ nếu Việt Nam trở thành một nước dân chủ. Nhưng cho dù là một nước Việt Nam dân chủ thì một liên minh quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng không có tính cấp bách hay hiện thực. Mỹ chưa có ý định “so găng” với Trung Quốc, dù rằng điều này trước sau gì rồi cũng xảy ra nếu một ngày nào đó Trung Quốc đủ mạnh và đủ tự tin để giành ngôi vị bá chủ thế giới từ tay Hoa Kỳ. Hơn nữa một nước Việt Nam khủng hoảng toàn diện như bây giờ cũng không nên liên minh với Mỹ chỉ để chọc giận Trung Quốc.
Nếu có dân chủ, Việt Nam sẽ hội nhập đầy đủ với thế giới văn minh, chúng ta không liên minh quân sự nhưng sẽ hợp tác toàn diện với Mỹ và Châu Âu về kinh tế, văn hóa, giáo dục, xây dựng hạ tầng… Chúng ta sẽ chung tay xây dựng lại đất nước để Việt Nam trở nên hùng mạnh và có thực lực. Chỉ khi đó Việt Nam mới có thể bảo vệ được chủ quyền và đàm phán với các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nguyện vọng của nhân dân và quyền lợi của nước Việt Nam.
Nếu Việt Nam chọn con đường đi theo quỹ đạo của Trung Quốc thì chắc chắn Việt Nam sẽ mất Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế Việt Nam sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc như Bắc Triều Tiên, và như thế sự chống đối của người dân Việt Nam ngày càng tăng lên. Tội tham nhũng là rất nghiêm trọng; người dân Việt Nam tạm thời có thể khoanh lại khi tổ quốc lâm nguy, nhưng “bán nước” là một tội trên cả nghiêm trọng mà không một người dân Việt Nam nào có thể chấp nhận ở bất cứ tình huống nào. Tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước vẫn chảy trong huyết mạch mỗi người Việt Nam.
“Chính quyền cộng sản Việt Nam đang đùa với lửa”, nhưng lửa đây không đến từ Trung Quốc (như lời bà Khương Du, phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc dọa) mà đến từ chính người dân Việt Nam. Đến một lúc nào đó ngọn lửa sẽ bùng cháy, một sự thay đổi theo kiểu “cách mạng đường phố” hoàn toàn có thể xảy ra và khi đó hậu quả sẽ là không lường.
Chính quyền Việt Nam vì không chịu đặt quyền lợi của nhân dân và tổ quốc lên trên quyền lợi của đảng nên đã chọn phương án đu dây. Xin mượn ý của giáo sư Ngô Bảo Châu để bình luận sự lựa chọn này: “Đu dây không phải là hành động của những con người có tư cách và trí tuệ, đu dây là hành động của những con khỉ”.
5. Phải làm gì trong giai đoạn này?
Việc mất dần lãnh thổ, lãnh hải vào tay Trung Quốc đang trở thành hiện thực. Chính quyền thì nhu nhược và ngày càng phụ thuộc vào ngoại bang. Cứu nước là việc làm của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước.
Việc phân tích và trình bày rõ ràng cho mọi người dân Việt Nam hiểu rõ từng đường đi nước bước của chính quyền Việt Nam trong mọi việc làm và hành động là rất cần thiết để người dân Việt hiểu rõ việc làm đó có phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của đất nước, của dân tộc hay không? Nếu đúng thì lên tiếng ủng hộ và hậu thuẫn, nếu sai và khuất tất thì kịp thời đưa ra công luận để ngăn lại.
Chính quyền cộng sản Việt Nam nếu thực lòng với đất nước và còn nghĩ đến tương lai của chính mình thì không còn con đường nào khác ngoài việc phải đồng hành cùng dân tộc. Phải trả lại các quyền tự do căn bản cho người dân, phóng thích tất cả các tù nhân chính trị đang bị giam giữ. Tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân. Hãy để người dân nói lên chính kiến của mình về các vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước. Đất nước là của chung chứ không của riêng gì đảng cộng sản.
Chừng nào chính quyền Việt Nam chưa trả lại quyền làm chủ cho nhân dân thì ngày đó những người Việt Nam yêu nước phải tiếp tục cuộc tranh đấu của mình. Hãy tập hợp lại với những tổ chức chính trị đối lập có uy tín để hình thành một đối lập dân chủ hùng mạnh, sẵn sàng gánh vác trọng trách khi tổ quốc cần đến. Tuyệt đối tránh xa các tổ chức mới thành lập mà không rõ ràng về thân thế, những kẻ cơ hội, những nhân sĩ chính trị, những kẻ làm vấy bẩn hình ảnh của các tổ chức đối lập chân chính và yêu nước.
Chúng ta phải lựa chọn dứt khoát phương pháp đấu tranh có tổ chức thay vì những phản kháng cá nhân. Đấu tranh chính trị bằng phương pháp bất bạo động là sự đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với chính quyền. Mọi phản ứng đơn lẻ và bột phát của một vài cá nhân chỉ làm tình hình xấu đi thay vì tốt lên và sẽ không bao giờ có kết quả.
6. Nhận xét về nhân vật Nguyễn Chí Vịnh
Với việc xuất hiện như là nhân vật chính trên sân khấu chính trị Việt Nam thời gian vừa qua, tướng Vịnh như là một ngôi sao đang lên trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam.
Dù rằng tướng Nguyễn Chí Vịnh được biết đến như một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong nội bộ đảng và dư luận nhưng với những gì đã xảy ra thì tướng Vịnh hình như đã làm hai việc lớn cho đảng: Đó là việc cụ thể hóa lập trường đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông với sự hậu thuẫn của Mỹ. Việc thứ hai là tướng Vịnh đã xoa dịu được cơn thịnh nộ của Trung Quốc với tuyên bố “ba không” trong quan hệ quân sự giữa Việt Nam và các cường quốc. Tôi đồng tình với quan điểm “ba không” của tướng Vịnh. Trong hoàn cảnh khó khăn này, đấy là một hành động khôn ngoan để tránh (phật lòng và) khiêu khích lòng hãnh tiến của ông hàng xóm khổng lồ Trung Quốc.
Đi xa hơn nữa, đáng lẽ nhà nước và đảng nên cho phép ông Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố rằng chủ trương của Việt Nam là “trung lập”, Việt Nam chỉ ưu tiên phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục với mọi quốc gia. Vấn đề Biển Đông cần giải quyết ôn hòa và công bằng trên căn bản các thỏa hiệp quốc tế. Việt Nam nên tăng cường phòng thủ ở các đảo lớn mà Việt Nam đang đóng quân để bảo vệ ngư dân hành nghề trong khu vực đánh cá đã phân định, nếu có thể, bằng giải pháp tuần tra hỗn hợp với Hải quân Trung Quốc để ngăn ngừa mọi va chạm đáng tiếc.
Sức mạnh và sự hậu thuẫn lớn nhất giúp tướng Nguyễn Chí Vịnh hay bất cứ một nhà ngoại giao nào cũng như nhà nước và đảng trên bàn đàm phán với các nước không đến từ bất kỳ một cường quốc nào, dù là Hoa Kỳ hay Nga, mà là từ sự đoàn kết của hơn 80 triệu người dân đất Việt. “Lòng Dân” sẽ là sức mạnh vô địch và duy nhất để bảo vệ tổ quốc và chống lại bất cứ một cuộc xâm lăng nào của ngoại bang.
Nguyễn Chí Vịnh hiện nay tiếp nhận những chức vụ và trọng trách trong bộ máy chính quyền. Điều mong muốn và hy vọng lớn nhất của riêng tôi đối với ông, đó là hãy đồng hành cùng dân tộc. Tên tuổi của ông sẽ được lưu vào sử sách nếu sự lựa chọn của ông là dân tộc và tổ quốc.
Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
© Thông Luận 2010
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...