16 thg 11, 2010

Việt Nam và Mỹ, ai cần ai hơn?

Bà Hillary Clinton đã có nhiều chuyến thăm Đông Nam Á trong thời gian gần đây.

Là một nền kinh tế có mức độ tăng trưởng khá cao trong vùng thời gian qua, trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế trên thế giới, song liệu Việt Nam cần tới Mỹ hơn hay là cường quốc kinh tế hàng đầu này phải cần tới Việt Nam hơn tại Đông Nam Á.

Chủ đề này đã được cây viết Jonathan Tepperman dành nhiều thời lượng phân tích ở bài báo mới nhất trong tháng 11 của ông trên tờ báo Mỹ chuyên về nghị luận chính trị và các vấn đề quốc tế The Atlantic có tựa đề "Obama làm bạn với các quốc gia chuyên quyền ở châu Á."

Sau khi cho rằng Tổng thống Mỹ đã ít nhiều tỏ ra 'mềm mỏng' trước các cường quốc như Nga và Trung Quốc, đặc biệt trên địa hạt dân chủ và nhân quyền, phó chủ biên quốc tế của tờ New York Magazine nhận định, chính sách này không nhất quán ở nơi khác, đặc biệt với Việt Nam.

"Việt Nam vẫn là một nước nhỏ và yếu. Dù đây là một đối tác mới của Mỹ cả về kinh tế và chiến lược. Với thu nhập quốc nội tăng chừng 7% vào quý trước, vốn làm cho nước này trở thành một trong các nền kinh tế nóng nhất ở châu Á..." tác giả viết.
"Nhưng mặc dù các cải cách kinh tế của Hà Nội, Việt Nam vẫn còn là một thể chế khá độc tài, thậm chí tổ chức Human Right Watch còn gọi đây là một trong những quốc gia có sự đàn áp sâu sắc nhất ở châu Á."

Cựu phó chủ biên của tờ Foreign Affairs Magazine còn xác nhận qua bài báo rằng trong thời gian hai năm qua, chính phủ Việt Nam đã "tiến hành các vụ đàn áp rộng khắp", o ép và bỏ tù nhiều nông dân phản đối nạn mà ông gọi là 'cướp đất' ở đồng bằng Sông Cửu Long, "chế áp các giáo dân công giáo và các chủ chăn" ở các giáo sứ "phản đối việc tịch biên, quốc hữu hóa đất đai và tài sản của nhà thờ".

"Nhiều nhà hoạt động người Thượng chống lại việc chính phủ kiểm soát các nhà thờ, cũng như hàng trăm nhà hoạt động chính trị ôn hòa đã bị bắt giữ," Tepperman viết.

Sau khi ghi nhận tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo cho các nhà sản xuất Mỹ cơ hội hưởng giá nhân lực lao động thấp trong so sánh với mức giá lao động của Trung Quốc đang nhanh chóng tăng giá, tác giả bài báo trên The Atlantic nhận xét:

"Nhưng đối phó với Việt Nam thì dễ hơn. Mỹ có đủ sức để ép nước này mạnh hơn trên các giá trị cơ bản của tự do chẳng hạn, bằng cách hướng cho các hợp tác làm cho Việt Nam phải nhẹ tay hơn, vì lý do đơn giản là Việt Nam cần Mỹ hơn là Washington cần Hà Nội rất nhiều."

Điều kiện làm bạn


Cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton, vừa tới thăm Việt Nam tuần vừa qua.

Theo hướng nhận định này, tác giả lý giải trước hết rằng trong khi kinh tế Việt Nam đang "nóng và tăng trưởng" thì nền độ lớn của nền kinh tế "vẫn còn nhỏ nhoi" với quy mô còn thấp hơn một nửa so với Thái Lan.

Lý do tiếp theo là do Việt Nam "là quốc gia đặc biệt bị đe dọa bởi hành vi ngày một hiếu chiến của Trung Quốc, nhất là với các tuyên bố đòi chủ quyền với lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông."

"Điều này có nghĩa là Việt Nam đang rất muốn có bạn bè mới tại thời điểm hiện nay và có thể chịu 'ngậm đắng nuốt cay' chấp nhận một số điều kiện, nếu như không có cơ hội nào khác," bài bào khẳng định.
Và nếu Hà Nội từ chối, và đây là lý do thứ ba cần chú ý, thì Washington có rất nhiều các đối tác tiềm năng khác ở khu vực này của thế giới

Ở phần cuối bài viết, Tapperman trích lại ý của tờ New York Times nhận định chính quyền của Tổng thống Obama quan tâm tới việc gây dựng các liên minh trong khu vực châu Á vào thời điểm hiện nay là để "cân bằng trước một Bắc Kinh ngày một gia tăng sức nặng của nó trên trường quốc tế."

Và tác giả cho rằng với toàn bộ những lý do trên, Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton hoàn toàn có đủ tự tin để chuyển một thông điệp như sau tới Hà Nội, trong thời điểm hiện nay:

"Quý vị muốn có bạn phải không? Rất tuyệt vời. Chúng tôi rất vui nhận quý vị làm bạn. Thế nhưng
làm bạn với Hoa Kỳ có nghĩa là quý vị phải tuân theo một số quy tắc cơ bản. Mà đầu tiên là quý vị phải chấm dứt bắt nạt công dân của mình

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101116_obama_asia_vn.shtml

12 THÁNG ANH ĐI