5 thg 2, 2011

Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua

Câu chuyện về bài thơ
“Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua”

Trần Trung Ðạo

Sáng nay tôi nhận nhiều email từ thân hữu và độc giả. Tất cả đều kèm theo bài thơ tôi viết gần 20 năm trước, bài thơ Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua và một mẫu tin Ðể nhớ Mãnh sư Nguyễn Mạnh Tường. Là một trong những người quan tâm đến sức khỏe của đại tá và nhận được tin cập nhật mỗi ngày từ một người bạn ở DC, anh Bùi Mạnh Hùng, tôi biết đó là tin không đúng. Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường còn sống và đang phục hồi sức khỏe.

Internet như một vết dầu loang nhanh chóng. Một cây diêm nhỏ có khả năng tạo thành cơn bão lửa. Giờ phút này, nhiều người biết sức khỏe của Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường đang có những dấu hiệu khả quan, nhưng cùng lúc nhiều người khác lại rưng rưng nước mắt nhớ đến những ngày chiến đấu dưới quyền đại tá. Giờ phút này, nhiều thân hữu của ông đang vui mừng vì sáng nay khi vào thăm, thấy đại tá đã nhận ra mình, nhưng đồng thời cũng có những bạn tù đã một thời chia từng củ khoai lang thối, từng chén cháo lỏng với ông ở Hoàng Liên Sơn đang dõi mắt hướng về California xa xôi trong ngậm ngùi chua xót vì nghĩ rằng sẽ vỉnh viễn không còn có ngày gặp lại nhau.

Tôi không biết ai là người đầu tiên gởi bài thơ ra kèm theo tin không đúng nhưng chắc chắn vị đó đã gởi ra với một tấm lòng chân thành. Bài thơ thay cho tiếng than của số phận lạc loài, thay cho lời phân ưu tưởng tiếc, thay cho những giọt nước mắt từ những đôi mắt tưởng đã khô, nhỏ xuống để tiễn đưa một người lính Việt Nam Cộng Hòa vừa mờ đi theo bóng thời gian.

Hoàn cảnh của đại tá và của người lính già trong bài thơ rất giống nhau. Cả hai cựu tù nhân Cộng Sản đều ở San Jose và cả hai đều không có thân nhân trong giờ phút qúa cần một bàn tay ấm của các con, một lời an ủi của người vợ cũ dù vì một lý do nào đó phải chia tay nhau. Điều khác nhau trong câu chuyện của hai người lính là Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường còn sống nhưng người lính già kia đã chết, chết thật, chết cô đơn trong một chiều mưa trên freeway 101 San Jose.

Tôi không nhớ chính xác ngày tháng nhưng khoảng cuối năm 1993. Một buổi chiều, bạn tôi, lúc đó đang sinh hoạt trong Tổng Hội Sinh Viên Bắc California gọi thăm. Cậu ta kể tôi nghe một câu chuyện cảm động vừa xảy ra ở San Jose. Một anh HO bị xe cán chết khi vô tình tìm cách băng qua freeway 101. Anh đến Mỹ chưa được bao lâu và tưởng xa lộ ở Mỹ giống như quốc lộ ở Việt Nam. Cảnh sát đưa xác anh vào nhà khám nghiệm và sau đó tìm cách thông báo thân nhân. Anh không có thân nhân. Anh sang Mỹ một mình theo diện HO. Vài người quen của anh đến nhà xác để xin được nhận về chôn cất. Tất cả đều bị từ chối vì không ai có đủ thẩm quyền trực hệ. Gần một tháng sau, vợ của anh từ Việt Nam ký giấy ủy quyền cho một người bạn của anh ở San Jose. Xác của người lính già đó cuối cùng mới được đem ra và an táng.

Mỗi ngày trên nước Mỹ này có hàng trăm người bị xe cán chết. Chỉ riêng trong năm 2009, gần 34 ngàn người chết có liên hệ đến tai nạn xe hơi. Anh ra đi như một chiếc lá rơi, rất vội vàng như anh đã đến. Xác anh nằm chơ vơ như một con sóc nhỏ chết bên đường. Không ai dừng lại. Không ai tiếc thương. Nhưng với tôi, anh là hình ảnh của dân tộc Việt Nam, một dân tộc cô đơn và chịu đựng, một dân tộc có nhiều cách chết hơn cách sống. Tôi khóc cho anh bởi vì sẽ không ai khóc cho người Việt ngoài người Việt và cũng sẽ không ai cứu vớt dân tộc Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam. Và tôi tin sự sống sẽ nẫy mầm từ nỗi đau thương, cũng như hy vọng sẽ lớn lên từ tận cùng thống khổ mà dân tộc chúng ta đã và đang phải trải qua.

Dưới đây là nhạc và thơ:

Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua, Nhạc sĩ Phan Ni Tấn phổ, ca sĩ Duy Hùng live from Toronto, Canada

NGƯỜI LÍNH GIÀ VỪA CHẾT ÐÊM QUA

Người lính già Việt Nam
Vừa mới chết đêm qua
Trên đường phố San Jose bụi bặm
Anh đã đi bao nhiêu nghìn dặm
Ðến nơi đây chỉ để chết âm thầm
Không một phát súng chào
Không cả một người thân
Không ai nói với anh một lời tiễn biệt.

Người lính già Việt Nam
Như con thú hoang lạc loài
Trên freeway nhộn nhịp
Một tiếng rên thảng thốt chảy trong mưa
Một chiếc lá cuốn đi theo cơn gió cuối mùa
Một tiếng nấc rã rời trong đêm vắng.

Vợ anh đâu?
Sao không về đây vuốt mắt
Con anh đâu?
Sao không đến vấn khăn tang
Anh ra đi như anh đến
Rất vội vàng
Chẳng còn ai trên đời để khóc.

Nhân loại văn minh có nhiều cách sống
Nhưng đồng bào tôi có những kiểu chết rất lạ đời
Người vợ mang thai
Ôm lấy chồng cùng nhảy xuống biển khơi
Ðể khỏi phải rơi vào tay giặc Thái
Cho sóng biển Ðông nghìn năm còn ru mãi
Một bài ca chung thủy vọng về Nam
Ðể mỗi sớm chiều khi thủy triều dâng
Tổ quốc sẽ được bồi thêm
Bằng máu anh thịt chị.

Có những bà mẹ nửa đêm thức dậy
Ði bán máu mình mua gạo nuôi con
Ðường về chưa tới đầu thôn
Bà gục chết không kịp nhìn mặt con lần cuối
Ðứa con út cũng chết dần trong cơn đói
Miệng còn thì thào hai tiếng “Mẹ ơi !”
Những giọt máu tươi đã giết chết hai người
Sẽ đọng lại trong nghìn trang lịch sử
Cho nước sông Hồng bao giờ cũng đỏ
Như màu máu Mẹ Việt Nam.

Ðêm qua thêm một đứa con
Vừa mới chết trên đường phố San Jose nhộn nhịp
Anh không chết ở Hạ Lào, Bình Long, Cửa Việt
Anh không chết ở Hàm Tân, Suối Máu, Hoàng
Liên Sơn
Chết ở đây đất lạ sẽ thêm buồn
Trên mộ bia anh thêm một dòng chữ Mỹ.

Một người Việt Nam sinh nhầm thế kỷ
Và chết cũng nhầm nơi
Ðêm nay bên kia bờ trái đất xa xôi
Quê hương anh vẫn còn chìm trong lửa đỏ.

Tôi gởi anh đôi dòng thơ
Từ trái tim của một thằng em nhỏ
Cũng lạc loài lưu lạc như anh
Chúng ta, hai chiếc lá chung cành
Bay phơ phất trước từng cơn bão tố
Ngủ đi anh bình yên nơi chín suối
Ðau thương nầy em sẽ viết thay anh.


Trần Trung Ðạo

12 THÁNG ANH ĐI