Hai Người Đàn Bà, Một Sứ Mạng
Nguyễn đạt Thịnh
Xin quý vị một phút tự vấn với câu hỏi
"sứ mạng quý vị phải hoàn thành trong cuộc sống là gì?"
Không biết quý vị trả lời như thế nào,
riêng câu trả lời của riêng tôi không làm tôi hãnh diện.
Ls. Vo Hoang An PhongCô phóng viên Lise Olsen viết trên tờ Houston Chronicle hôm thứ Sáu mùng 10 tháng Sáu: sứ mạng của nữ luật sư Võ An Phong là gánh vác việc chấm dứt tệ trạng nô lệ, một công tác to lớn hơn khả năng của chính phủ Hoa Kỳ.
Dù nhận xét của Olsen đúng hay không đúng, cô cũng bầy tỏ đầy đủ thiện cảm và lòng cô kính phục An Phong.
Tôi cũng kính phục An Phong, người thiếu nữ Huế, trẻ như một sinh viên, mang nét đẹp e ấp, với nụ cười, ánh mắt, duyên dáng, kín đáo, như Núi Ngự, như Sông Hương. Nặng không quá 120 pao, cao chỉ hơn thước rưỡi chút đỉnh, An Phong cho tôi cái cảm tưởng là cô rất yếu đuối, không đủ sức tự vệ, và sẽ chỉ biết khóc nếu cô bị một tên côn đồ nắm chặt hai cổ tay cô vào một bàn tay hắn, mặc cho cô vô vọng vùng vẫy mà không thoát ra được.
Tuy nhiên, tôi không bị lầm vì vẻ ngoài liễu yếu của An Phong, tôi ý thức được sức mạnh ý chí của cô, vì có lần tôi đã chứng kiến cô gay gắt chất vấn ông Michael Michalak cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; bằng nhiều lý luận đanh thép, cô đòi ông giải thích việc ông làm, hay không làm, trên sinh quán của cô. Đối diện với người thiếu nữ Việt Nam chỉ bé nhỏ bằng một nửa cái ngoại hình khá rềnh ràng của ông, và để mua thời gian, hầu tìm cách trả lời cho những câu hỏi hắc búa, Michalak đã xin hưu chiến để khui thêm một chai Heneiken nữa, vì, ông nói, "khí hậu Houston 'nóng' quá."
Rời bỏ Houston an toàn, cô An Phong đến làm việc tại Bangkok đầy cạm bẫy, để khơi thông nguồn tị nạn đang tắc nghẹn trên kênh luật pháp.
Trả lời câu hỏi tại sao cô không mở văn phòng, hành nghề luật sư tại Houston, An Phong bảo tôi, "cháu lúng túng mỗi khi phải nói với thân chủ về lệ phí," nụ cười hóm hỉnh nở trên môi, cô nói tiếp. "Deal với những thân chủ đi tìm tự do, cháu tránh được những phút phải thảo luận về luật sư phí."
Mô tả tính "miễn phí" của việc làm tự nguyện, khéo được đến như vậy cũng chỉ có đàn bà Huế mới biết cách nói. Nhưng tại sao An Phong lại "sợ" tiền? Cô không sợ, Olsen nhận xét: cô chỉ không quên những nguy hiểm, cay cực, của gia đình cô trong chuyến phiêu lưu đi tìm tự do 16 năm trước. Lần này cô tự nguyện đến Bangkok để nhập cuộc, hòa mình vào giữa những khó khăn, đối diện với bế tắc pháp lý, và đối diện với bàn tay nối dài của Việt Cộng khủng bố, hầu tận tụy hoạt động giúp những người tị nạn đang tạm trú trên đất Thái Lan.
Cô bảo tôi, "Ở Thái Lan hiện có trên 500 người Việt đang xin quy chế tị nạn; vì Thái không còn trại tị nạn nữa, nên nhưng người này phải sống chui, sống nhủi, trốn tránh cảnh sát; nếu bị bắt, họ sẽ bị đưa vào trung tâm giam giữ, và sau đó bị trục xuất về Việt Nam.
"Cháu hy vọng qua Thời Báo, và qua một vài cơ quan truyền thông khác sẽ có nhiều luật sư biết việc BPSOS, việc luật sư Nina, và cháu đang làm -loại công việc đội đá vá trời- mà tình nguyện chung lung gánh cùng với cháu để giúp người Việt tị nạn khốn khổ.
"Nina là hiện thân của một luật sư tài năng, có lòng nhân ái, đã đến gánh vác sứ mạng này, và đang có mặt tại Thái Lan.
Càng có nhiều bàn tay giúp đỡ thì số người xin tị nạn được định cư càng nhiều. Ngày còn nhỏ, sống trong trại tị nạn, cháu từng biết về một số luật sư thiện nguyện làm việc tại các trại tị nạn Phi Luật Tân. Cháu tiếc mình chưa lớn, chưa làm luật sư để cùng đi giúp người như các luật sư đó."
An Phong bảo tôi là tối thứ Bẩy 6/11, cô tham dự buổi trình diễn thời trang quốc tế gây quỹ cho hoạt động của CAMSA (Liên Minh Phòng Chống Nạn Nô Lệ Mới Ở Châu Á); mặc dù việc quyên góp, gây quỹ tại chỗ không thực hiện được, nhưng một luật sư và một dược sĩ đã tự nguyện đóng góp trước để cô có ngân khoản hoạt động. Những người khác sẽ gửi tiền tặng về thẳng Boat People SOS.
Trả lời câu tôi hỏi "Lo việc thiên hạ hoài sao? Bao giờ cô lống chầy?", An Phong bảo tôi, "hiện giờ thì chưa, và 'bao giờ' thì cháu chưa biết; bà cố ngoại cháu bảo 'tới thời hoa, thì hoa nở' nên cháu chờ thời thôi.
Bà cố rất đặc biệt; má cháu kể lại là bà cố có đủ ngạn ngữ, ca dao, để giải thích mọi diễn biến xã hội, như câu 'tới thời hoa, thì hoa nở' giải thích hiện tượng lập gia đình muộn.
Đem chuyện bà cố và ca dao ra trả lời tôi về việc cô chưa lập gia đình, An Phong còn viện dẫn mẹ cô để giải thích việc cô thiện nguyện qua Thái Lan, "bước chân lên trại tị nạn chẳng được bao lâu, mẹ đã lao vào làm việc thiện nguyện cho trung tâm sinh hoạt phụ nữ -làm 7 ngày mỗi tuần. Việc mẹ làm không thể không để dấu ấn trong cuộc sống của cháu."
Tránh nói về cô, An Phong nói về những người khác, cô giới thiệu cho tôi gặp một người nô lệ mới điển hình: cô Vũ Phương Anh.
Từ ngạc nhiên về người chiến sĩ chống nô lệ An Phong, xinh đẹp, ẻo lả; tôi tìm đến gặp nhân vật thứ nhì, và cũng ngạc nhiên không kém.
Cô Vũ Phương Anh, mới 29 tuổi, người sắc tộc HMong, cư ngụ trong một chung cư nghèo nàn trên đường Clarewood; cô bảo tôi, "cháu share phòng với một chị bạn để nhẹ bớt tiền nhà;" căn nhà nhỏ nhưng không nghèo tí nào, nếu mức giầu, nghèo được đánh giá trên những tiện nghi Phương Anh cần có.
Cô có đủ 2 cái ghế cần đặt bên chiếc bàn ăn nho nhỏ để cô và cô bạn share phòng ngồi ăn mỗi tối, bữa trưa hai cô ăn ngoài, cô cũng có một chiếc xe mà cô cần để đi làm, vì nơi cô làm cách chỗ cô ở đến 50 phút lái xe.
"Toàn lái freeway, khiếp lắm," cô gái sơn cước nói. Cô mua một chiếc KIA cũ, giá $2,000, "hư hoài, nhưng vẫn còn tốt chán."
Thấy vẻ ái ngại của anh Trần Trí và tôi, cô trấn an chúng tôi, "xe cháu hư, cháu đi nhờ xe bạn." Cô đến Houston tháng Bẩy năm ngoái; mới đến là đã đi tìm job làm, tìm trường học."
Cô buồn bã bảo tôi, "điều khổ tâm là mãi đến giờ này mà cháu mới học ESL, thì năm nào cháu mới đủ chữ nghĩa để thực hiện đấu tranh."
"Đấu tranh? Cháu đấu tranh chống ai?" tôi hỏi Phương Anh.
"Đấu tranh chống những người lừa gạt bán chúng cháu sang Jordan, làm thợ may; đấu tranh để cứu 275 người bạn thợ may mà cháu quen biết tại xưởng may Jordan, đang bị bắt về Việt Nam để trị tội, và đấu tranh để cứu nhiều triệu người đàn bà khác đang bị lường công, dù họ làm việc trong nước hay ở nước ngoài."
"Lường công như thế nào?"
Các hãng trung gian tuyển mộ bảo chúng cháu là công nhân qua Jordan làm việc được hưởng quy chế rất tốt, một ngày tám tiếng, mức lương hai trăm hai mươi mỹ kim. Nếu cộng thêm tiền chuyên cần và tiền trợ cấp xa nhà thì tổng cộng vào khoảng ba trăm mỹ kim.
“Khi sang Jordan rồi thì ngay lập tức chủ xưởng may thu giữ toàn bộ hộ chiếu của bọn cháu và phải đi làm dài giờ đến mức không tưởng tượng nổi, là từ 7 giờ 30 sáng tới 12 giờ đêm. Những ngày giáp Tết, làm cứ tới một hai giờ sáng là bình thường, ngày nào cũng như vậy," Phương Anh kể lại; nhưng sau 10 ngày làm việc trong quy chế khổ sai lao động, mỗi cô thợ may chỉ được lãnh có 10 mỹ kim.
Phương Anh cùng các bạn viết đơn xin chủ hãng, ông Chen Sen, trả lương họ theo đúng mức lương đã hứa để công nhân yên tâm làm việc trong suốt thời gian khế ước ba năm.
Chen Sen nói ông đã làm đúng hợp đồng, công nhân muốn hỏi thì gọi về Việt Nam mà hỏi. Phương Anh gọi điện thoại về tổng công ty Da Giầy Việt Nam, công ty môi giới cho cô sang Jordan làm việc, và được chính bà La Thanh Phương và ông Trịnh Quang Trung, những người làm trong Tổng Công Ty Da Giày Việt Nam, nói là các bạn cứ đi làm đi rồi công ty sẽ thương lượng sau.”
Vì tiền lương không được giải quyết thỏa đáng trong lúc giờ làm việc quá nhiều, 276 nữ công nhân quyết định đình công để phản đối. Phương Anh kể, "Nghỉ hết Tết rồi bọn cháu bảo nhau không đi làm nữa. Đến ngày 18 hay 19 tháng Hai, cháu không nhớ chính xác, những người cảnh sát, bảo vệ, rồi có cô thông dịch viên tên Vũ Thu Hà nữa đến gặp chúng cháu. Họ xịt hơi cay vào mặt mũi bọn cháu. Nhiều người chạy hoảng loạn. Chính mắt cháu và các bạn nhìn thấy nhiều cảnh sát viên Jordan, to lớn, nắm tóc của Ánh và Vang, lôi và đập xuống thành giường, xuống nền nhà, hộc máu mồm máu mũi ra. Cháu lấy điện thoại quay lại cuộc đàn áp bạo ngược đó. Nhiều người vừa chạy, vừa la khóc, cảnh sát nắm tóc kéo Vang lên, nhìn thấy máu mồm máu mũi khiếp đảm như vậy, họ thả bịch xuống một cái.
"Sau đó, trong lúc họ kéo Hà Thị Ngoãn và Đỗ Thị Thuý Hà ra phòng ăn, cháu gọi điện thoại về cho công ty môi giới bên Việt Nam, thì được người quản lý ở đó bảo bây giờ cứ đi làm đi rồi công ty sẽ sang giàn hòa với công ty bên đó. Quay trở lại nhà ăn, nơi mọi người đang kêu khóc, cháu thấy ông chủ Chen Sen cười rất vui vẻ và bắt tay những người cảnh sát vừa mới đánh những người lao động xong.”
Sau trận đòn dằn mặt, Chen Sen cắt khẩu phần, bỏ đói công nhân; ông ta cũng không buồn đưa người bị đánh trọng thương đi bệnh viện. Bị bỏ đói, chúng cháu phải gom từng cái băng vệ sinh, từng cái áo lót bán đi. Nhưng một gói băng vệ sinh chỉ mua được một gói mì tôm thôi vì mì tôm ở Jordan rất đắt.”
Cô Tuyết, một cô thợ may gọi về cho bà chị, một ký giả báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội; sau đó tin công nhân bị ngược đãi được loan trên báo, và lọt vào mắt tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người chủ trương tổ chức BPSOS, ông này tìm cách liên lạc với những người thợ may ở Jordan, rồi gửi tặng họ 3,000 mỹ kim.
Người chị cô Tuyết làm trong tòa soạn Tuổi Trẻ, sau đó, báo cho cô biết vì loan bản tin công nhân bị ngược đãi mà cô chị bị đuổi việc.
Việt Cộng gửi Trương Xuân Thanh thuộc Bộ Ngoại Giao, sang Jordan, hợp tác với Trần Việt Tú, thuộc Lãnh Sự Quán tại Cairo, Ai Cập, và hơn mười người nữa để giải quyết cuộc đình công. Những viên chức này chỉ nhìn chúng cháu mà không hỏi han một lời.
Họ quyết định đưa nữ công nhân Việt đình công trở về nước. Trong chuyến bay trở về, lúc phi cơ đáp xuống BangKok, Phương Anh, vào trốn trong một nhà vệ sinh dành cho đàn ông.
"Nhờ là người HMông, hiểu và nói được Hoa ngữ," Phương Anh kể lại, "cháu lén nghe hai người đàn ông bảo nhau ra ngoài phi trường chơi, vì máy bay còn ngừng khá lâu tại phi trường BangKok; cháu bảo họ là cháu đang gặp một nguy hiểm rất lớn, và xin họ cho cháu theo họ ra khỏi phi trường."
Hai người đàn ông Trung Hoa đồng ý; Phương Anh cổi bớt một lớp áo, bên trong có sẵn một chiếc áo mầu khác, rồi sánh vai hai người không quen ra khỏi phi trường. Ngoài cổng, một người gọi tên cô, cô quay lại tìm thì được người này nhét vội cô vào một chiếc taxi đang chờ sẵn.
Phương Anh còn một bà mẹ 51 tuổi đang sống tại Lào Kay bằng số tiền 200 mỹ kim cô gửi về hàng tháng, "100 tiền ăn, một trăm tiền thuốc," cô bảo tôi. Cô còn nói cô hoàn toàn ý thức được là có thể học nghề để kiếm tiền nhiều hơn, nhưng cô muốn học chữ để có khả năng thực hiện kiến hiệu sứ mạng giải phóng nô lệ ở Việt Nam.
"Cháu mới học được một tam cá nguyện tại trường đại học Houston," cô nói.
An Phong nhắc đến 2 trong nhiều người đã giúp đỡ Phương Anh: cô Janet Thuy Hằng Nguyễn, và bạn trai của Janet là nha sĩ Tuấn Trần (All Stars Dental).
Cả hai người đàn bà, An Phong và Phương Anh, đều biết rất rõ sứ mạng khó khăn và khả năng khiêm tốn của họ. Cô An Phong còn đối đầu với cái nguy hiểm bị bắt cóc, hay bị ám sát nữa, nhưng cô vẫn cương quyết "nhẩy xuống xoáy nước", không chỉ để lội thôi, mà còn để vớt nhiều người đang chết đuối trong vòng xoáy nguy hiểm đó.
Nguyễn đạt Thịnh