10 thg 1, 2013

NGƯỜI TÙ VƯỢT NGỤC


THANH THƯƠNG HOÀNG (12.8.2011)
Về chiều, mặt trời chết chìm trong khối mây chì xám xịt nặng trĩu sà xuống sát mặt đất và một cơn giông làm cát bụi tung bay mù mịt. Cả khu bìa rừng tối sầm lại, một trận mưa bất thần ào ào xối xả trút nước. Bọn tù đang cuốc vỡ mảnh đất hoang thì tiếng còi của viên cai tù, tiếng la hét của tên đội trưởng truyền lệnh thu quân ré lên lanh lảnh xuyên qua màn mưa. Bọn tù vội vã chạy tới chỗ đất trống có một cây lớn tập họp để điểm danh. Từng tia chớp lóe lên liên hồi và tiếng sấm như tiếng đại bác nổ rầm rầm bên tai đám tù nhân. Bỗng một tiếng la thất thanh nổi lên: "trốn trại! trốn trại!".
Một bóng người, hai bóng người, ba bóng người lao vùn vụt vào các luống bắp cao ngập đầu người. Những tiếng súng chát chúa liên tục nổi lên hòa vào với tiếng sấm tiếng la trốn trại. Không phải một nơi mà nhiều nơi nổ súng. Bọn tù còn lại, áo quần uớt sũng, mặt mũi tóc tai nhòa nước, nhớn nhác nhìn nhau, hai hàm răng đánh cầm cập và chân tay run lẩy bẩy không biết vì sợ hay vì lạnh. Họ theo lệnh cai tù ngồi quây lại bên nhau hai tay giơ cao lên trời, cấm nói năng nhúc nhích.

Có đến một trung đội công an võ trang đầy mình lao về hướng ba tên tù chạy. Súng tiếp tục liên hồi nổ thị uy nhức nhối. Một anh tù, tiếng nói còn trẻ lắm, bỗng thốt lên: "lạy trời, lạy Phật, lạy Chúa phù hộ độ trì cho bọn nó chạy thoát". (Chỉ vì câu nói này anh bị một tên ăng ten báo cáo, mấy hôm sau bị biệt giam (nhà cùm) cả tháng và ăn 12 ký (theo công bố nhưng mỗi bữa chỉ một mẩu khoai mì luộc và chút nước lã!)Bỗng một tràng súng nổ giòn dã ngay bìa rừng và tiếp theo tiếng la thảm thiết: "Mẹ ơi con chết mất!". Trong đội có tiếng xì xầm: tiếng thằng Nam! Đúng là Nam, một thanh niên mới 20 tuổi, sau khi đậu tú tài được gọi động viên và mới ra trường đeo lon chuẩn úy ba tháng, đánh nhau mặt trận Long Khánh bị bắt. Long cắm đầu chạy chân vấp phải một rễ cây to trồi ngang mặt con đường mòn nhỏ. Anh ngã té sấp vừa lúc viên công an lao tới. Nam đang định đứng dậy thì một tràng đạn xuyên qua lưng anh, anh chỉ kịp kêu tiếng gọi mẹ rồi ngã vật ra, lưng áo rách tung đẫm máu. Viên công an lấy chân giầy lật ngửa thân Nam lại. Mặt Nam nhăn nhúm sau khi lãnh một tràng đạn căm hờn nữa xuống ngực. Cả thân Nam nẩy lên rồi co quắp dưới làn nước mưa xối xả, máu loang mặt đường đất. Hai công an khác chạy tới. "Chết chưa?". Một anh hỏi. Anh thứ hai đá đá mũi giầy vào thân Nam: "Chắc chết rồi". Họ kéo xác Nam ra khỏi cánh rừng. Còn đám đông công an vẫn tiếp tục truy lùng hai tên tại đào. Súng tiếp tục nổ giòn dã và sấm chớp vẫn ầm ầm xé nát góc trời mưa gió mù mịt.Người trốn trại xấu số được các bạn đồng tù (làm theo lệnh cai tù) đào đất chôn ngay nơi gò đất gần đó. Viên cán bộ quản giáo nói như tuyên án: "tên này tới đây đã không chịu học tập cải tạo lại còn ngoan cố phạm thêm trọng tội vượt ngục, không xứng đáng được chôn như thường lệ!". Một anh tù đưa tay quệt nước mắt "xin phép cán bộ cho đánh dấu cái mả". Bốn khúc cây khoai mì được đóng xuống bốn góc mả. Nghe nói bốn khúc cây khoai mì sau này mọc lên tươi tốt lắm và củ rất to, anh em tù khi qua đó không quên đào bới củ đem nướng ăn tấm tắc khen ngon.

Minh cứ thế cắm đầu chạy trong mưa tầm tã. Anh không biết đã chạy bao xa. Chỉ nghe những tràng đạn nổ đuổi theo mình thưa dần thưa dần rồi lát sau tắt hẳn. Anh đưa tay lên mặt xoá đi những làn nước mưa làm mờ mắt. Máu dính nơi bàn tay, Minh không biết mình bị thương ở mặt hay ở tay. Anh đưa mắt nhìn quanh. Không thấy người bạn chạy cùng. Có lẽ nó bị hạ rồi. Minh nghĩ. Nghĩ vậy nhưng Minh vẫn hy vọng gặp lại bạn đang ẩn nấp quanh quẩn đâu đây. Minh không dám hú mật hiệu, sợ lộ. Trước mặt, chung quanh Minh là rừng rậm với những cây le lớn nhỏ chằng chịt chen khít nhau với cỏ gai, không lối đi. Minh ngồi bệt xuống đất thở từng hơi dài và lắng tai nghe ngóng động tĩnh. Bây giờ tim anh mới bớt đập thình thịch như muốn vỡ lồng ngực cách đây ít phút. Rừng trở nên âm u nặng nề với những làn mưa trút xuống cây cối như những mũi tên bắn vào da thịt đau buốt. Bóng đêm bắt đầu mờ mờ buông phủ. Đây là đâu? Cách trại tù bao xa? Ít ra cũng được vài ba cây số. Có tiếng động mạnh gần đó. Minh giật mình đứng vụt lên phòng thủ. Một con chim cú cất cánh, chắc nó vừa vồ được con mồi. Mình cũng đang là con mồi bọn cán bộ tìm mọi cách vồ bắt đây. Trời bắt đầu tối hẳn, mịt mùng đen đặc. Mưa nhẹ hạt rồi ít phút ngưng. Sau cơn sợ hãi hoảng loạn bây giờ Minh càng thấy hoảng sợ hơn: một mình đơn độc nơi chốn rừng núi hoang vu - trong túi chỉ một con dao găm nhỏ bằng nhôm tự làm - không định hướng được để đi đến nơi muốn đến. Nhưng cứ đi miễn là càng xa trại giam càng tốt rồi sẽ liệu sau. Lúc còn trong trại, khi âm mưu trốn trại mới chớm mở, Minh quá chủ quan thấy mọi sự như ở trong tầm tay của mình và tin tưởng muốn là được. Hơn nữa Minh nguyên là lính biệt kích dù nên anh rất tin tưởng vào kinh nghiệm về rừng núi của mình. Và hai thằng bạn anh cũng vậy, tuy không là lính biệt kích dù nhưng có nhiều can đảm, mưu lược. Bây giờ Minh mới thấy mọi sự việc đều ngoài tầm tay vì thiếu phương tiện cần thiết phải có khi "lội" trong rừng. Tất cả nguy hiểm đang bủa vây quanh mình. Nhưng phải đi, phải liều thôi. Thần chết đang đuổi phía sau. Thần chết đang rình rập đâu đây. Giá bây giờ gặp lại thằng bạn cùng trốn trại nhỉ? Cứ thế Minh quờ quạng dò dẫm đạp lên những bụi gai góc lần bước. Đêm tối quá. Có tiếng chó sói tru rùng rợn từ xa vọng lại. Rồi những con vật nhỏ rượt đuổi nhau, cây lá chuyển động xào xạc. Sự sợ hãi làm Minh quên đói. Có gói cơm nguội phơi khô và ít muối dấu được để đem đi thì thằng bạn bị bắn chết giữ. Có lẽ không chết vì bị giết cũng chết vì đói mất. Nhưng thôi, một liều ba bẩy cũng liều. Minh tự an ủi và động viên. Có tiếng động nhẹ đang tiến gần lại phía Minh. Anh mừng thầm cầu trời đây là thằng bạn. Minh hồi hộp chờ. Nhưng không phải. Một con chồn sục sạo kiếm ăn. Cứ thế, chẳng biết đi được bao lâu bao xa, Minh mệt quá lả gục thiếp đi lúc nào không hay bên một gốc cây lớn. Cùng lúc, một trận bão muỗi ào ào lao tới phủ kín thân thể Minh và thi nhau hút máu anh.

Khi ánh mặt trời rọi vào mắt Minh bừng tỉnh. Anh đứng lên vươn vai đưa mắt nhìn quanh định phương hướng. Rừng cây rậm rì với những tia ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá rất khó định phương hướng, địa thế. Bây giờ Minh mới thấm mệt và nhất là đói. Nhìn quanh chẳng thấy một loại cây nào có trái ăn được. Có tiếng sột soạt của cây lá. Minh rút con dao găm tự chế phòng thủ. Một con rắn dài hơn thước đang bò tới. Có đồ ăn đây rồi. Minh như reo trong lòng. Với kinh nghiệm từng trải nhiều phen tự mưu sinh trong rừng rậm, Minh bắt con rắn dễ như trở bàn tay. Anh đập chết nó rồi lấy hai thanh nứa cọ sát vào nhau lấy lửa nướng con rắn và xé ra từng miếng ăn ngấu nghiến. Ăn xong Minh vội vã cất bước, cứ theo hướng mặt trời mà đi. Anh biết bọn cán bộ trại vẫn chưa chịu buông tha anh nên càng thận trọng trong đường đi nước bước, không để lại một dấu ấn. Cứ ngày đi đêm ngủ, đói ăn trái cây rừng và chim chuột rắn bắt được. Khát uống nước suối hay những thân cây leo mà Minh biết có nước ở trong không độc. Minh lần bước về hướng ba biên giới Việt Miên Lào.

Đứng trên ngọn đồi Minh phóng tầm mắt nhin xuống phía dưới. Lúc ấy trời đã về chiều. Minh nhìn thấy vệt nắng vàng nhạt phủ trên một cánh rừng thưa. Nhìn kỹ thì ra đấy là rừng khoai mì. Minh như reo thầm trong lòng. Hai ngày nay trong bụng chỉ có một con sóc nhỏ nướng. Cái đói cái mệt và hai bàn chân bị sưng tấy, Minh lả người, với cái gậy le chống tay lê từng bước, lúc nào cũng như muốn sụp đổ. Đang chán nản thất vọng thì Minh nhìn thấy rừng khoai mì trong tầm mắt, khác gì liều thuốc hồi sinh, khác gì đại hạn gặp cơn mưa rào. Một sức mạnh nổi bừng trong thân thể Minh. Có sự sống đây rồi. Đúng là trời còn thương kẻ khốn cùng. Nhưng, vốn đã được học tập cảnh giác cao, Minh quan sát khắp vùng. Đây là đâu? Chẳng lẽ đã tới vùng biên giới Lào hay Miên? Trồng khoai mì trên đồi núi thì chỉ có ở miền rừng núi Việt Nam và Lào. Hay đây là cánh rừng khoai mì bọn lính cộng sản trồng trên con đường mòn Trường Sơn để lấy lương thực cho quân lính chuyển quân vào miền Nam? Dù thế nào chăng nữa Minh cũng phải liều mò mẫm tới đó kiếm cái ăn đã rồi tính sau. Minh lê từng bước về phiá cánh rừng khoai mì. Minh biết quanh vùng có người ở, mong là di dân kinh tế mới, nhưng dù sao cũng phải thận trọng phòng ngừa.
Tới nơi trời ngả tối. Những cây khoai mì cao hơn đầu người chạy dài xuống tận chân đồi. Nghe ngóng hồi lâu thấy tất cả đều im lìm vắng lặng, Minh yên tâm ngồi bệt xuống giữa những khóm khoai mì. Chờ khi lại sức một chút, Minh bới một gốc khoai mì. Củ mì khá lớn. Đói quá Minh bóc vỏ ngoài và ăn ngấu nghiến ngay. Ăn hết củ khoai mì Minh mới chợt nhớ ra là ăn sống nó rất có thể bị "say" và có thể làm chết người. Quả đúng vậy. Ít phút sau Minh thấy mặt mũi nóng bừng đỏ gay và sưng lên rồi xây xẩm choáng váng. Tiếp theo là nôn ọe ra cả mật xanh mật vàng, ruột gan như quặn lại và sau đó Minh ngất đi.

Minh tỉnh lại thấy mình nằm trên nền đất ẩm lạnh trong một cái buồng nhỏ có bốn bức tường đất loang lổ cũ kỹ, tỏa mùi hôi mốc. Hai tay Minh bị trói quặt ra sau lưng bằng một loại giây rừng. Con dao nhỏ trong túi anh đã bị lấy mất. Thì ra anh bị bắt trong lúc say khoai mì. Không biết đây là đâu và bọn nào bắt mình đây? Cộng sản Việt Nam, Pathét Lào hay bọn Pôn Pốt? Dù bọn nào thì mình cũng sa vào bước đường cùng rồi, chỉ còn cái chết với sự tra tấn tàn bạo chờ đợi trước mắt. Cửa địa ngục đang rộng mở chờ đón. Minh rùng mình thấy kết cục bi thảm của đời mình. Anh không hối hận về việc vượt ngục, chỉ thấy tội nghiệp cho mình và thương hai tên bạn xấu số. Số phận anh và các bạn anh khác gì số phận hàng triệu người Việt miền Nam muốn vượt thoát địa ngục trần gian, bất chấp hiểm nguy nhưng trời chẳng chiều lòng người bị bắt nhốt trong các nhà tù khắp nước hay bị bắn chết ngoài biển khơi. Phen này Minh cầm chắc cái chết trong tay khó mà vượt thoát. Bỗng Minh cất lên một tràng cười rộn rã có đủ đắng cay oán hận, có đủ thê thiết bi ai, có đủ hùng tráng và tuyệt vọng. Tiếng cười của Minh bay ra khỏi buồng khiến hai, ba người xô cửa bước vào. Họ mặc bộ đồ xanh nhạt cũ kỹ của quân lính Việt Nam cộng hòa xưa, vai khoác súng. Chẳng lẽ đây là anh em Fulro? Trong tù Minh nghe nói người Thượng theo phong trào Fulro nổi lên chống quân cộng sản nhiều lắm. Họ đóng trong rừng sâu thỉnh thoảng đột kích các đơn vị cộng sản hay ngược lại bị binh lính cộng sản truy lùng. Nếu đúng vậy đây quả là cơ hội quá tốt đẹp cho Minh. Anh sẽ gia nhập bọn họ cầm súng chiến đấu với cộng sản. Minh khấp khởi mừng thầm với nhiều hy vọng. Ba người Thượng cất tiếng nói với nhau. Một người cất tiếng Việt lơ lớ hỏi Minh: "Ở đâu tới đây? Tù trốn trại hả?". Minh im lặng dò xét. Ba người Thượng có vẻ như bàn cãi rồi họ rời khỏi buồng. Cánh cửa buồng đóng lại, tiếng gài then. Minh hồi hộp chờ đợi một sự bất thường tốt nhiều hơn xấu. Thân thể anh ê ẩm mỏi nhừ rã rời. Anh gượng gạo ngồi dậy. Nhìn qua khe cửa anh thấy phía trước có một căn nhà, thỉnh thoảng người qua lại. Lúc ấy có lẽ đã quá trưa, trời nắng gắt. Lát sau một anh người Thượng mặt mũi dữ tợn, mình trần đóng khố, mở cửa vào buồng, tay cầm một sợi mây dài và khúc khoai mì. Không nói năng gã trói hai chân Minh rồi cởi trói tay phía sau, trói lại về phiá trước, xong gã quẳng cho Minh khúc khoai mì luộc và bước ra ngoài đóng cửa lại ngay. Qua việc này Minh biết mình gặp chuyện dữ, có lẽ anh sa vào tay bọn Thượng cộng. Thế là hết. Minh thở dài chán nản tuyệt vọng. Nuốt khúc khoai mì xong, Minh nằm vật xuống nền đất ẩm ngẫm nghĩ.
Mãi tới chiều tối cửa buồng giam mới mở, một anh người Thượng còn khá trẻ, mặc bộ đồ xanh lá cây như bộ đội cộng sản đã bạc mầu, bước vào. Minh nhắm mắt vờ ngủ. Người này đưa tay lay Minh dậy, cất tiếng nói - bằng tiếng Việt khá sành sỏi: "Anh là tù trốn trại?". Minh im lặng dò xét kẻ đối diện. Có đến bẩy, tám phần mười là thù, chỉ một chút xíu hy vọng. "Anh ở trại nào? Nói đi sẽ được ăn. Tôi không muốn dùng tới roi gậy". Thế là rõ ràng rồi. Minh cất tiếng hỏi: "Anh có thể cho tôi biết anh là ai và đây là đâu?". Người Thượng cười gằn: "Đây là đồn công an xã, anh chỉ cần biết thế. Còn đây là đâu tôi không nói". Ngưng chút gã tiếp: "Nếu anh không khai tôi cũng biết anh ở trại cải tạo nào trốn rồi. Khai ra thì được ăn, uống nước". Minh im lặng. Gã thanh niên Thượng trừng mắt nhìn Minh mấy phút mới quay lưng bước ra ngoài đóng cửa buồng lại. Đêm đó Minh bị bỏ đói và làm mồi cho đàn muỗi. Trong lúc đang mơ màng nửa thức nửa ngủ, một con chuột bò tới gặm ngón chân Minh, bị nhột và đau anh mới biết.
Sáng sau Minh lại bị gã thanh niên Thượng hôm qua vào buồng cật vấn. Gã đưa cho Minh một điếu thuốc rê, nói: "Hút đi! Tôi biết anh ở trại Z 50 trốn rồi. Cấp trên vừa báo cho biết. Ngày mai chúng tôi sẽ giải giao anh về trại. Nhà nước đã khoan hồng cho anh sống, cho anh đi cải tạo mà vẫn ngoan cố, tội càng nặng thêm đó!". Tuy đã biết số phận mình sẽ ra sao nhưng khi nghe gã Thượng nói anh vẫn choáng váng, rã rời. Con đường tù ngục đang mở ra trước mắt và tất cả sự bạo hành chờ đợi anh. Trừng phạt và đòn thù khủng khiếp với kẻ trốn trại Minh đã từng chứng kiến. Chẳng khác gì bọn quỷ sứ dưới chín tầng địa ngục tra tấn tội nhân mà Minh thường được nghe bà nội kể hồi nhỏ. Chỉ còn thiếu nước họ quẳng tội nhân vào vạc dầu đang sôi sùng sục.
Sáng sớm hôm sau, được một khúc nhỏ khoai mì lót dạ, Minh bị trói hai tay ra đằng trước bằng sợi giây mây rất chặt, khẽ cựa giây siết như cắt da thịt.
Một anh dân quân Thượng đeo súng AK dẫn Minh đi. Vượt rừng lội suối, theo đường mòn bị cỏ dại che lấp, ngày đi được khoảng 10 cây số. Buổi chiều hay tối họ tới một bản Thượng và anh dân quân "bàn giao" tù nhân cho địa phương rồi ra về. Trò "trao tay" tù nhân cứ diễn ra như thế từ bản này tới bản khác, cho tới ngày thứ tư. Khi mặt trời khuất sau cánh rừng thì anh du kích Thượng giải giao anh tù vượt ngục tới một ngôi nhà sàn khá lớn, có treo biển: TRỤ SỞ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ Y...". Anh dân quân Thượng nói gì với anh bảo vệ (gác cổng, cũng người Thượng) rồi nhận một tờ giấy biên nhận ra về. Trước khi đi anh ta còn nhìn Minh một lần cuối, Minh không hiểu ý nghĩa cái nhìn này nhưng Minh công nhận hắn đối xử với anh tương đối khá hơn mấy người trước: không mắng chửi, nện báng súng vào lưng vào vai còn cho uống nước đầy đủ cũng như nghỉ ngơi thỏa mái.

Người tiếp nhận tù vượt ngục lần này khác hẳn mấy lần trước và Minh suýt kêu lên vì kinh ngạc. Đó là viên quản giáo trong đội của Minh nơi nhà tù anh vừa trốn khỏi cách nay mấy ngày. Gã quắc mắt nhìn Minh cười gằn nói: "Thế nào? Tôi tưởng giờ này anh đang ở Mỹ rồi chứ!". Minh im lặng cúi nhìn hai bàn chân mình sưng tấy. Quả là bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của Minh, trại tù đã quyết liệt bắt bằng được người tù trốn trại và bắt viên quản giáo chịu trách nhiệm tìm bắt, giải giao. "Anh có biết tôi đã "vất" như thế nào khi mấy anh trốn trại không? Lãnh "búa" nặng lắm đấy vì lý do "quản lý" các anh không "chặt". Đảng đã khoan hồng không giết những tên nợ máu như anh, cho đi học tập cải tạo để trở thành người công dân mới xã hội chủ nghĩa. Vậy mà vẫn ù lỳ ngoan cố trốn trại làm khổ anh, khổ tôi, khổ mọi người. Nếu anh bị bắn chết rồi thì có phải làm khổ vợ con anh không? Lần này thì tù mọt gông thôi. Tránh trời không khỏi nắng". Minh vẫn im lặng, khi mới bị đưa vào tù anh đã biết đời mình hết rồi, sống cũng như chết thôi.
Buối tối đó họ trói cả hai tay hai chân Minh quẳng vào cái chuồng trâu cũ, vì trụ sở ủy ban chưa làm xong gian nhà giam. Mặc cho muỗi đốt khắp người, vì đói vì mệt vì đau đớn vì tuyệt vọng Minh lại thiếp đi. Anh thấy mình bị trói vào một cái cột gỗ trước sân trại tù, sáu viên công an cầm súng đứng dàn hàng ngang cách anh mười mét, sau tiếng hô cùng lúc nổ súng, Minh dẫy dụa đau đớn gục xuống trên vũng máu. Anh hét lên, bừng tỉnh, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo rách. Một cơn ác mộng. Minh thở dài. Có lẽ giờ phút tận thế thê thảm đã được báo trước. Ngoài kia, qua khe cửa, Minh nhìn thấy mặt trời đang cố ngoi lên giữa đám mây đen dầy đặc. Viên quản giáo tới, tay cầm một khúc khoai mì luộc đưa Minh: "Ăn đi rồi sửa soạn lên đường về trại!"

Minh lần này hai tay không bị trói bằng giây mây nữa mà bằng cái còng số 8. Viên quản giáo vai đeo khẩu AK đi sau, cách ba thước. Trời nóng nực, đường mòn nhỏ hẹp hai bên lề toàn cây nhỏ và cỏ dại mọc đầy gai góc cứa nát da thịt. Họ lần từng bước, rẽ cây cỏ mà đi, nhất là với những cây mắc cỡ. Hai chân Minh càng lúc sưng to nên anh khó nhọc từng bước đi. Viên quản giáo đi sau luôn tỏ ra cáu gắt bực tức, mặc dầu luôn mồm hối thúc và đôi lúc nặng lời chửi bới, nhưng xem ra gã cũng thấm mệt. Minh tỉnh như không. Anh nhớ lời một nhà văn bị nhốt cùng trại nói với anh: hãy nghe những lời mắng nhiếc chửi bới của bọn cán bộ như nghe một bài hát dở". Minh nghĩ: nhưng nếu chết được trong giờ phút này thì hay hơn vì cái thân thể rã rời mệt nhừ đau nhức đến tột cùng, nó không chịu theo sự điều khiển của anh nữa. Nó chỉ muốn lăn đùng ra nằm bất động. Minh nói với viên quản giáo: "Cán bộ thương tôi, làm ơn ban cho tôi một phát đạn đi. Tôi chịu hết nổi rồi". Viên quản giáo lừ mắt: "Muốn chết thì khó gì nhưng tôi có bổn phận phải bắt sống và đưa anh về trại nộp cho ban giám thị. Vả lại mới đi có ít dậm đường đã thấm thoát gì mà kêu ca than thở". Và gã động viên: "Thôi ráng đi. Trưa tới trạm giao liên này sẽ có phần ăn khá hơn. Có khi có cả thịt chuột nướng đấy!".
Hai người, một trước một sau, một bị còng hai tay, một đeo súng nơi vai cứ thế vạch cỏ cây rừng kiếm đường mòn đi. Đi miết từ sáng tới tối, không biết bao xa vẫn chưa thoát khỏi cánh rừng âm u hoang dã của dẫy Trường sơn như chưa bao giờ có dấu chân người đặt tới. Trưa họ ngồi nghỉ bên gốc cây lớn hay bên bờ suối giở đồ ra ăn. Viên cán bộ ăn cơm nắm chấm với muối, còn Minh tiếp tục khoai mì luộc. Ăn xong nghỉ ngơi chút đỉnh họ lại đi. Hai người cắm cúi đi mãi. Viên quản giáo đe dọa: "Anh mà chạy tôi bắn bỏ đấy!". Minh cười nhạt chỉ vào cái gậy le cầm nơi tay: "Hai tay bị còng chống gậy đi còn không nổi làm sao tôi trốn chạy được. Cán bộ cứ thử tháo còng xem tôi có chạy được không". "Đừng hòng xui dại thằng này". Bỗng cây rừng ào ào chuyển động mạnh, một mùi hôi khó chịu theo gió ùa tới, viên quản giáo hít hít nghe ngóng rồi kêu lên: "Cọp! Cọp tới!". "Vậy thì phải nấp!". "Có nấp đằng trời!". "Tôi sẵn sàng để Cọp ăn thịt, vì sớm muộn gì khi về trại tù tôi cũng bị xẻo từng miếng thịt tới chêt. Còn anh, anh còn sức lực ráng mà chạy...". "Nhưng...". "Chẳng nhưng gì hết, chạy mau không chết cả hai bây giờ!". Gã quản giáo cắm đầu chạy một quãng thật xa tới cái khe sâu chắn ngang mới ngừng ngó lại. Minh đứng nấp sau một cây to hồi hộp chờ Cọp tới vồ. Anh nghĩ: "Thà chết vì Cọp còn hơn chết về tay cộng sản". Rất may con Cọp mải đuổi theo con mồi phóng về hướng khác. Gã quản giáo chừng như hoàn hồn cất tiếng hú gọi Minh. Lần theo tiếng hú, Minh lết tới chỗ viên quản giáo. Gã thấy bóng Minh, đưa tay vẫy vẫy và cười nói: "May quá nhỉ? Tôi tưởng nó vồ anh rồi". Tới bên gã, Minh thấy chỉ cần bất thần đẩy nhẹ một cái là tên này lăn xuống khe sâu hết đường sống". Trong cơn hiểm nghèo người ta thường quên đi nhiều thứ và cần tới đồng hành, đồng minh, chung sức chung lo. Gã quản giáo nhìn trời nhìn đất nhìn cảnh vật chung quanh, thở dài nói: "Có lẽ lạc hướng rồi"
Họ lạc hướng thật. Tiếp đó hai ngày sau họ vẫn cứ loanh quanh mãi trong khu rừng rậm hoang vu, không định được phương hướng. Đói họ nhặt lá cây quả rừng và măng nấm ăn. Có khi bắt được con sóc hay chuột, rắn rết, nướng họ chia đôi. Khát chặt giây leo lấy nước uống. Minh và viên quản giáo bị sốt rét. Bệnh bớt một chút họ lại đi. Từ lúc Minh tỏ ý sẵn sàng cho Cọp ăn thịt mình để viên quản giáo chạy thoát đã tạo chút cảm tình trong gã. Gã không còn nhìn Minh cái nhìn hằn học căm hờn như trước nữa, tuy nhiên vẫn đề cao cảnh giác. Tới một khu rừng le rậm rì bát ngát, thân cây le nằm rạp trải dài trên các triền núi gập ghềnh. Không còn đường đi, hai người phải bước trên những thân cây le mà lần bước. Đi được khoảng hai ba cây số bỗng Minh nghe tiếng kêu thất thanh của viên quản giáo phía sau: "Chết tôi rồi". Minh nhìn lại. Viên quản giáo bước hụt vào chỗ trống, rơi tụt xuống mặt đất khá xa. Minh dừng chân ngẫm nghĩ. Đây là cơ hội bằng vàng để anh thoát thân. Viên quản giáo rớt mạnh xuống đất không chết cũng què tay hay gẫy chân. Và sớm muộn sẽ bỏ thây nơi chốn rừng hoang này làm mồi cho thú dữ. Minh ngồi xuống ôm trán suy nghĩ. Với hai bàn chân sưng vù, với bộ quần áo tù, nhất là với hai bàn tay bị còng thì chạy đâu cho thoát. Minh đứng lên, lưỡng lự một chút anh lặng lẽ mò mẫm tìm đường lần xuống chỗ viên quản giáo rớt. Kinh nghiêm học được trong những năm tháng làm lính biệt kích, Minh giải quyết sự việc dễ dàng. Tới đất, anh nhìn thấy khẩu súng AK của viên quản giáo văng ra xa nằm chổng trơ trên bãi cỏ. Minh cầm lên xem xét. Băng đạn còn nguyên. Minh khoác lên vai bước tới phía viên quản giáo đang nằm co quắp quằn quại rên rỉ đau đớn. Bỗng Minh thấy cơ thể mình như có thêm sức mạnh, mặc dầu chân tay vẫn còn mệt mỏi nhức nhối. Tới chỗ viên quản giáo khoảng 10 mét, Minh đặt khẩu súng lên vai chĩa về phía gã và lên đạn. Đây là cơ hội để Minh trả thù và thoát thân. Trong Minh nổi lên sự giằng co mãnh liệt giữa oán thù và khoan thứ. "Nó cũng như mình là nạn nhân của bọn chóp bu thôi. Phận sự, cơm áo, đời sống bắt nó phải hành xử như vậy. Nơi trại tù nó chỉ hơn mình tí chút kẻ ở trong phòng giam kẻ ở ngoài". Thấy họng súng chĩa vào mình viên quản giáo hoảng sợ kêu ầm lên: "Đừng! Đừng! Anh có bắn chết tôi cũng chẳng giải quyết được gì, vì anh không thể trốn thoát được mà tội lại nặng thêm. Bị xử bắn là cái chắc! Tha tôi, tôi sẽ cố nói giúp xin giảm án cho anh". Minh cười nhạt: "Đùa anh vậy thôi. Bây giờ tôi có giết anh cũng chẳng ích gì". Minh đặt súng xuống, bước lại bên viên quản giáo, vạch ống quần ống tay áo nhìn vết thương gã, nói: "Chân anh có thể bị gẫy. Để tôi đi kiếm ít lá cây thuốc đắp vết thương". "Anh không bỏ đi đấy chứ?". "Nếu bỏ đi thì tôi đã làm từ lúc anh ngã xuống đây. Có súng trong tay tôi còn ngán gì nữa. Yên chí đi "đồng chí quản giáo". "Hãy kiếm cho tôi miếng nước". Minh trước khi bước đi còn xé ống tay áo của mình băng bó vết thương nơi chân cho viên quản giáo.
Mấy giờ sau Minh xốc vai viên quản giáo, mỗi người một cái gậy le, lê từng bước. Anh đã khoác khẩu AK lên vai gã cho gã yên tâm hẳn. Nhìn mặt trời lọt qua kẽ lá, Minh tìm phương hướng để lần lối ra khỏi khu rừng. Đêm họ tìm một cái hốc cây lớn hay cái hang nghỉ ngơi. Họ lấy cành cây khô nhóm lửa và nướng đồ ăn kiếm được từ những con thú nhỏ. Nhưng no bụng vẫn không nhắm mắt ngủ nổi vì trăm mối ngổn ngang trong đầu họ. Họ lên tiếng chuyện trò gần như quên vai trò của mỗi người. Mới đầu họ còn giữ gìn ý tứ, sau giãi bầy hết tâm sự từ hoàn cảnh cá nhân, gia đình tới ý hướng. Minh biết viên quản giáo có vợ và một con nhỏ ở miền Bắc, làm ruộng. Còn viên quản giáo biết Minh độc thân, cha sĩ quan cộng hòa tử trận, mẹ bị chết vì pháo kích vụ tết Mậu Thân. Trong hoàn cảnh khốn cùng, họ trở thành thân thiết cởi mở lúc nào không hay. Viên quản giáo hỏi Minh: "Thấy tôi lâm nạn sao anh không bỏ đi?". "Tôi không nỡ bỏ anh một mình nơi chốn rừng hoang với vết thương nặng nề. Lương tâm tôi không cho phép, mặc dầu vẫn nhớ anh là kẻ thù. Nếu ở vào trường hợp anh, chắc anh nện cho tôi một phát súng rồi, đúng không? Lãnh tụ các anh đã dạy các anh không khoan nhượng và phải quyết liệt với kẻ thù mà! Còn tôi từ nhỏ ông bà cha mẹ đã dạy là phãi đối xử nhân đạo độ lượng với tất cả mọi người, dù là kẻ thù". Viên quản giáo nhìn Minh chớp chớp mắt, dò xét. Qua ánh lửa gã nhìn thấy trong đôi mắt Minh tỏa ra một sự chân thật trong sáng và tràn đầy nhân tính. Từ nhỏ tới lớn trừ đôi mắt mẹ gã ra, gã chưa nhìn thấy đôi mắt thứ hai như vậy. Một lát lâu gã cất tiếng hỏi Minh: "Anh đi lính biệt kích chắc giết chết bọn tôi nhiều lắm?". "Chúng tôi chủ trương bắt sống hơn là giết, trừ trường hợp bất khả kháng mới phải nổ súng". "Bắt để làm gì? Đem về trị tội hay khai thác xong bắn bỏ?". "Đúng, chúng tôi bắt đem về khai thác xong cho vào trại chiêu hồi nuôi nấng tử tế rồi chỉ dẫn cho biết đâu là chánh nghĩa đâu là phi nghĩa. Thời gian sau nếu thực tâm giác ngộ, chính phủ giúp tiền bạc thả về làm công dân lo công việc làm ăn như tất cả mọi người". "Thật thế à? Hay lại định tuyên truyền nhau nữa!". "Thì trong trại có mấy chục anh cán binh chiêu hồi đấy, anh cứ hỏi họ sẽ biết". Viên quản giáo nuốt nước bọt như cố dằn nén tiếng thở dài và từ đó gã im lặng không nói năng hỏi han thêm nữa. Gã có vẻ đang suy nghĩ một điều gì. Mãi gã mới khẽ khàng nói: "Anh đưa tay tôi mở khóa còng cho nhưng khi đến gần trại tôi sẽ còng lại đó".
Mấy ngày sau trải bao gian nan vất và nguy hiểm đói khát họ mới tới được cuối khu rừng thưa phía nam day Trường Sơn. Theo lời viên quản giáo còn khoảng hơn nửa ngày đường nữa tới trại giam. Minh nói: "Bây giờ tôi phải chia tay anh ở đây, chắc anh không phản đối và cũng không nỡ bắn hạ tôi chứ! Tôi chỉ yêu cầu anh một việc". "Anh không về trại?". "Không, tôi không thể trở về cái địa ngục trần gian ấy được nữa". Ngần ngừ một lúc viên quản giáo nói: "Anh có thể cho tôi đi cùng?". "Anh nói đi đâu?". "Thì trốn ra ngoại quốc chớ còn đi đâu". Nghĩ ngợi khá lâu Minh trả lời dứt khoát: "Không, anh không thể đi được đâu. Anh còn mẹ già, còn vợ còn con nhỏ. Anh bỏ đi những người này sẽ bị hành hạ khốn khổ lắm, không sống yên với họ được đâu. Còn anh nếu không thoát được thì số phận chắc thê thảm chẳng kém gì tôi. Bây giờ thế này nhé. Anh cởi bộ đồ của anh cho tôi mặc. Anh mặc bộ đồ của tôi và cứ nói với cấp lãnh đạo của anh là bị tôi bất thần đánh gẫy tay chân và lột quần áo đổi, như vậy anh sẽ vô tội. Nếu còn chút cảm tình với tôi anh chỉ hướng ngược lại để họ đi tìm tôi". Viên quản giáo mặt buồn rười rượi: "Thế nghĩa là...". "Phải, chúng ta chia tay nhau ở đây. Tôi đi không biết có thoát được không nhưng dù sao có chết trên đường tìm tự do vẫn còn hơn chết trong ngục tù đầy đọa nhục nhã. Vĩnh biệt anh bạn cán bộ trại tù. Anh nhớ chữa trị cẩn thận cái chân nhé, không mang tật suốt đời khổ lắm". Dứt lời Minh cúi đầu chống gậy lê từng bước đi. Trời đã ngả về chiều, không gian vàng vọt u ám, Viên quản giáo sau khi ném cái còng vào bụi rậm, nhìn theo bước chân Minh xa dần trên con đường mòn nhỏ cỏ dại che lấp, bất thần kêu lên:"Anh Minh, anh Minh...". Gã ngập ngừng rồi bước theo Minh đưa cho anh cái bi đông đựng nước, nói: "Anh cầm lấy... Anh cần có nước". Minh cám ơn cầm bi đông nước đeo lên vai và tiếp tục chống gậy lê bước, không quay lại. Anh biết gã quản giáo vẫn đang đứng nhìn theo anh.

12 THÁNG ANH ĐI