6 thg 4, 2009

Khủng hoảng kinh tế Mỹ: Hệ thống ngân hàng bên bờ vực thẳm

Giáo Sư Paul Krugman
Dr. Trần chuyển ngữ (Tqvn2004 hiệu đính)
Người Mỹ đòi chính phủ "quốc hữu hóa" các ngân hàng đang trong tình trạng nợ nần chồng chất để tạo điều kiện cho việc khôi phục kinh tế. Liệu "quốc hữu hóa" có đi ngược lại các giá trị tự do và thị trường mà người Mỹ vẫn tôn thờ? Dân Luận xin giới thiệu tới độc giả bài viết của giáo sư Paul Krugman qua bản dịch của Dr. Trần bên diễn đàn X-cafevn.org.

Giáo sư Paul Krugman – người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008 và cũng là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của nền kinh tế học đương đại sẽ đến Việt Nam vào ngày 21/05/2009 theo lời mời của Trường Doanh nhân PACE. Ông sẽ chủ trì một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Tp.HCM với chủ đề “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng”.
Đồng chí Greenspan muốn chúng ta chiếm lấy đỉnh cao của sự chỉ huy của nền kinh tế [1].

O.K., thật ra không chính xác như vậy. Ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang và là một nhà bảo vệ trung thành các thị trường tự do - thật ra đã nói, "Có thể cần phải quốc hữu hóa tạm thời vài ngân hàng để tạo điều kiện cho việc cấu trúc lại [hệ thống ngân hàng] một cách mau chóng và trật tự". Tôi đồng ý.

Lý do quốc hữu hóa [các ngân hàng] dựa trên ba quan sát sau:

Ngân hàng Bank of America
Thứ nhất, một số ngân hàng lớn hiện đang quá gần bờ vực thẳm - thật ra, họ lẽ ra phải sụp đổ rồi nếu các nhà đầu tư không dự đoán là chính phủ sẽ ra tay cứu vớt các ngân hàng này khi cần thiết.

Thứ hai, các ngân hàng phải được cứu giúp. Sự sụp đổ của Lehman Brothers gần như đã tiêu diệt hệ thống tài chính quốc tế, và chúng ta không thể phó thác cho số phận và để yên cho các thể chế lớn hơn như Citigroup (Citi) hay Bank of America (BofA) sụp đổ.

Thứ ba, mặc dù các ngân hàng phải được cứu giúp, chính phủ Hoa kỳ không đủ khả năng cung cấp, cả về tài chánh và chinh trị, những món quà khổng lồ cho các cổ đông ngân hàng.

Chúng ta hãy xem xét vấn đề một cách rõ ràng ở đây. Có một cơ hội tương đối lớn - tuy không chắc chắn - rằng Citi và BofA sẽ lỗ tổng cộng hàng trăm tỉ đô la trong vòng vài năm tới. Và vốn liếng của họ, số thặng dư của tài sản trừ đi số nợ, không thấm tháp vào đâu để chi trả con số lỗ lã tiềm ẩn.

Có thể cho rằng, lý do duy nhất khiến hai ngân hàng này đến nay chưa sụp đổ chỉ là vì chính phủ đang chống lưng cho họ, ngầm bảo đảm các nghĩa vụ trả nợ của họ. Nhưng các ngân hàng này chỉ tồn tại như những xác chết biết đi (zombie), không thể cung cấp lượng tín dụng mà nền kinh tế cần tới.

Để chấm dứt tình trạng chết-chưa-chôn này, các ngân hàng cần thêm vốn. Nhưng họ không thể đào đâu ra thêm vốn từ các nhà đầu tư cá nhân. Do đó chính phủ phải cung cấp các số tiền cần thiết.

Nhưng đây chính là vấn đề: Số tiền cần thiết để đem các ngân hàng này sống trở lại sẽ cao hơn rất nhiều so với giá trị hiện nay của họ. Citi và BofA cộng chung lại có giá trị trên thị trường không tới 30 tỉ đô la, và ngay cả như vậy giá trị này phần lớn - nếu không là tất cả - dựa trên niềm tin rằng các cổ đông sẽ nhận được một phần từ tiền tài trợ do chính phủ cung cấp. Và nếu căn bản là bù đắp toàn bộ số tiền như vậy, chính phủ nên nhận quyền sở hữu để bù lại.

Dù gì thì gì, chẳng phải quốc hữu hóa là đi ngược lại các giá trị căn bản của Hoa Kỳ hay sao? Không, quốc hữu hóa cũng mang đậm nét "Hoa kỳ" không kém gì món bánh táo bỏ đường (apple pie).

Gần đây, Cơ quan Bảo hiểm Tiết kiệm Liên bang (FDIC) đã và đang thâu tóm các ngân hàng bị cho là mất khả năng chi trả theo tỉ lệ vào khoảng hai ngân hàng mỗi tuần. Khi FDIC thu tóm một ngân hàng, họ thu nhận các tài sản xấu, trả một phần các món nợ, và bán lại ngân hàng đã được làm "sạch" này cho các nhà đầu tư cá nhân. Và đó chính xác là điều các người cổ vũ việc quốc hữu hóa tạm thời muốn thấy, không chỉ với các ngân hàng nhỏ mà FDIC đã và đang thâu tóm, mà còn với các ngân hàng khổng lồ đang bị mất khả năng chi trả tương tự.

Câu hỏi thực sự là, tại sao chính quyền Obama cứ tiếp tục đưa ra các lời đề nghị khác, nghe như thể các phương án thay thế cho việc quốc hữu hóa, nhưng thật ra chỉ là cung cấp những khoản tiền khổng lồ cho các cổ đông ngân hàng?

Thí dụ, chính phủ ban đầu đưa ra ý kiến rằng nên đảm bảo cho các ngân hàng không bị lỗ trong các tài sản có vấn đề. Điều này chỉ đem lại một áp-phe quá hời cho các cổ đông ngân hàng, nhưng không ích lợi gì cho phần còn lại của xã hội: nếu đồng tiền ngửa mặt thì các cổ đông thắng, còn sấp mặt thì người trả thuế thua.

Giờ đây chính phủ đang nói về một "đối tác công - tư" nhằm thu mua các tài sản có vấn đề từ các ngân hàng, theo đó chính phủ sẽ cho các nhà đầu tư cá nhân mượn tiền để làm việc này. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cá nhân thực hiện cuộc đánh cá một chiều: nếu giá trị các tài sản tăng cao, các nhà đầu tư thắng; nếu giá trị xuống thấp đáng kể, các nhà đầu tư sẽ phủi tay bỏ đi và chính phủ lãnh đủ. Lại một lần nữa, nếu đồng tiền ngửa mặt thì họ thắng, còn sấp mặt thì người trả thuế thua.

Tại sao không mạnh dạn thực hiện quốc hữu hóa các ngân hàng? Nên nhớ là, càng kéo dài tình trạng chết-chưa-trôn của các ngân hàng, càng khó để chúng ta chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế.

Quốc hữu hóa ngân hàng cách thế nào đây? Tất cả điều chính phủ cần làm là hãy thực hiện những bài "kiểm tra sức khỏe" mà nó đã lên kế hoạch cho các ngân hàng lớn, và không được che dấu kết quả khi một ngân hàng nào đó rớt, để tạo điều kiện cho một cuộc thu mua cần thiết. Đúng vậy, mọi việc sẽ có cảm giác như đoạn phim do Claude Rains đóng [2], khi một chính phủ từng cứu vớt nhiều ngân hàng trong nhiều tháng nay tự dưng tuyên bố bị sốc, sốc vì tình trạng thê thảm của các bản báo cáo tài sản các ngân hàng. Nhưng điều đó là hoàn toàn bình thường.

Và một lần nữa, quyền công hữu dài hạn [đối với các ngân hàng bị quốc hữu hóa] không phải là mục đích: cũng như các ngân hàng nhỏ bị FDIC thu tóm hàng tuần, các ngân hàng lớn sẽ được đưa trở lại cho tư nhân kiểm soát càng sớm càng tốt. Blog tài chánh có tên "Calculated Risk" đề nghị thay vì gọi đây là một quá trình quốc hữu hóa, chúng ta nên gọi là "tiền tư hữu hóa".

Chính phủ Obama, theo lời Phát Ngôn viên Nhà trắng Robert Gibbs, tin rằng "một hệ thống ngân hàng do tư nhân sở hữu là một đường lối đúng đắn cần theo đuổi". Tất cả chúng ta cũng tin như vậy. Nhưng điều chúng ta có hiện nay không còn là hệ thốnh kinh doanh tư nhân. Đó là một loại chủ nghĩa xã hội chanh chua: ngân hàng chiếm thượng phong trong khi người dân đóng thuế gánh nặng các nguy cơ. Và điều này kéo dài sự tồn tại của các ngân hàng chết-chưa-chôn, ngăn chặn sự hồi phục kinh tế.

Điều chúng ta muốn là một hệ thống [hai chiều] trong đó ngân hàng phải đón nhận với cả lợi ích lẫn sự trừng phạt. Và con đường đi đến hệ thống đó phải đi xuyên qua quốc hữu hóa tạm thời - hay còn gọi là "tiền tái tư hữu hóa" - các ngân hàng.

____________________________________________

[1] Một cách nói đùa, xuất phát từ cuốn sách "Những đỉnh cao chỉ huy" của Daniel Yergin và Joseph Stanislaw, nói về sự giằng co giữa hai quan điểm: nhà nước nên kiểm soát thị trường (đỉnh cao chỉ huy), hay để thị trường tự điều tiết?

[2] Tài tử người Anh chuyên đóng vai chính trong loại phim rùng rợn. Ý nói việc công bố tình trạng thực của các ngân hàng lớn sẽ làm công chúng vầ chính phủ sợ hãi, sốc.

Nguồn: The New York Times

12 THÁNG ANH ĐI