Minxin Pei - Tạp chí Foreign Affairs
Diên Vỹ chuyển ngữ
Nền kinh tế đang đi xuống của Bắc Kinh có thể đe doạ chế độ độc đảng
Cho đến gần đây những nhà quan sát hàng đầu về Trung Quốc vẫn cho rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên vô cùng bền vững. Qua việc rút kinh nghiệm và thích nghi, dường như chính thể độc đảng vững mạnh nhất thế giới này đã trở nên khéo léo và nhanh nhạy về chính trị để đủ sức vượt qua những trở ngại dữ dội mà những chính thể ít độc tài hơn sẽ không đứng vững. Trong suốt hai thập niên, đảng này đã gặt hái được hàng loạt thành công đầy ấn tượng: nó đã giữ nền kinh tế nội địa phát triển ở mức chóng mặt với tỉ lệ lên đến 2 chữ số trong khi theo đuổi một chính sách đối ngoại thực dụng, tránh đối đầu với Hoa Kỳ và từng bước chiếm được uy thế cũng như ảnh hưởng trên thế giới.
Nhưng Bắc Kinh đang gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Có muôn vàn khó khăn: Tỉ ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đang đi xuống, hàng chục triệu dân lao động nhập cư đã bị mất việc, hàng triệu sinh viên vừa ra trường không có việc làm, nền công nghiệp quá tải đang đe doạ việc giảm lạm phát và thị trường bất động sản vốn từng rất nóng trước đây đã tụt dốc. Đà phát triển đang bị chững lại của đất nước đang là một thử thách lớn nhất đối với sự trường tồn của ĐCSTQ.
Thật ra, hiện tình kinh tế của Trung Quốc cũng không quá tồi tệ so với nhiều quốc gia khác. Hệ thống ngân hàng quốc gia được cách ly nên vẫn không bị ảnh hưởng. Thật vậy, tổng kết tài chính của chính quyền vẫn đủ lớn để chi dùng cho gói kích cầu trị giá 580 tỉ (mặc dù chỉ có khoảng 1/4 giá trị thực sự nằm trong ngân sách chi dùng mới). Quĩ dự trữ ngoại hối khổng lồ đến 1,9 nghìn tỉ của Trung Quốc đã tạo ra một khoản bảo hiểm an toàn trước sự rối loạn của nền tài chính thế giới, giúp quốc gia này có thể tránh được một cuộc khủng hoảng toàn bộ.
Nhưng tỉ lệ tăng trưởng hàng năm đang đi xuống -- hiện đang còn khoảng 7% so với 11% vào hai năm trước -- sẽ đem đến không ít khó khăn. Mỗi năm thị trường lao động Trung Quốc tăng hơn 10 triệu nhân công, đa số những người này đã rời bỏ vùng nông thôn lên thành phố để tìm việc làm. Mỗi phần trăm tăng trưởng của Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) tương đương với gần 1 triệu việc làm mới mỗi năm, có nghĩa là Trung Quốc phải cần tăng GDP ít nhất là 10% mỗi năm để có thể hấp thụ hết lưu lượng lao động.
Với nền khủng hoảng toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhiều người đang tự hỏi rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn đình trệ đến bao lâu và hệ quả chính trị sẽ trầm trọng như thế nào. Theo nhận định chung thì việc chậm tăng trưởng sẽ làm mờ nhạt chính danh của đảng và sẽ châm ngòi cho sự bất ổn xã hội khi những người nhập cư thất nghiệp và sinh viên ra trường muốn giải toả bất mãn của mình bằng cách biểu tình hoặc nổi loạn. Mặc dù dự đoán này không nhất thiết là sai lầm nhưng nó không hoàn toàn đầy đủ.
Hiệu năng kinh tế cao là nguyên nhân quan trọng duy nhất cho sự chính danh của ĐCSTQ, vì thế tình trạng trì trệ của kinh tế nếu kéo dài sẽ dẫn đến hiểm hoạ về việc làm tan vỡ ảo tưởng của giới trung lưu, đã có cảm tình với nền chính trị đương thời vì nền thịnh vượng của giai đoạn hậu Thiên An Môn. Và những chính sách kinh tế ưu tiên cho giới giàu có đã làm phật lòng tầng lớp công nhân và nông dân, vốn là nền tảng xã hội của đảng. Ngay cả trong những năm bùng nổ kinh tế gần đây, những rối loạn hạ tầng đang tăng mạnh, với gần 90.000 vụ nổi loạn, đình công, biểu tình và tổng biểu tình được báo cáo hàng năm. Những bất mãn này sẽ còn trầm trọng hơn trong thời buổi khó khăn.
Có lý do để cho rằng những thử thách từ sự vỡ mộng và bất bình từ tầng lớp trung lưu thành thị, giới sinh viên đã tốt nghiệp và dân nhập cư thất nghiệp sẽ là mối đe doạ chính cho quyền lực lãnh đạo của đảng. Nếu những nhóm người này thực sự hợp lực với nhau để tạo thành một liên minh mạnh mẽ thì số phận của đảng chính trị cầm quyền lâu nhất thế giới sẽ thật sự đối diện với một nguy cơ nghiêm trọng. Nhưng điều này sẽ không xảy ra. Kịch bản về một cuộc cách mạng như trên đã bỏ qua hai lực lượng quan yếu đang ngăn cản việc thay đổi chính trị ở Trung Quốc cũng như những hệ thống chính trị độc tài tương tự: khả năng đàn áp của chính quyền và sự đoàn kết của những người lãnh đạo.
Khủng hoảng kinh tế và bất an xã hội có thể làm cho việc cầm quyền của ĐCSTQ khó khăn hơn, nhưng chúng sẽ không làm cho đảng nới lỏng quyền lực đang có. Điểm qua các nước như Zimbabwe, Bắc Triều Tiên, Cuba và Miến Điện, ta thấy rằng lớp lãnh đạo đang kiểm soát quân đội và cảnh sát nếu tương đối đoàn kết sẽ có thể bám giữ được quyền lực qua việc sử dụng bạo lực, ngay cả khi phải đối diện với thất bại kinh tế trầm trọng. Trong khi ấy, việc mất đoàn kết trong giới ưu tú đang nắm quyền sẽ làm giảm thiểu khả năng áp chế và thường dẫn đến sự tận diệt của những kẻ cầm quyền.
ĐCSTQ đã chứng minh được khả năng tài tình của mình trong việc kiềm chế và đàn áp những chống đối xã hội triền miên và những phong trào phản kháng nhỏ. Chính quyền nắm trong tay nghành Công An Nhân Dân Vũ Trang, một lực lượng chống bạo động được huấn luyện đầy đủ và trang bị tận răng với quân số 250.000. Bên cạnh đó, ngành công an chìm của Trung Quốc là một trong những lực lượng có hiệu quả nhất trên thế giới, được hỗ trợ bằng một mạng lưới chỉ điểm khổng lồ. Và mặc dù mạng Internet có thể làm cho việc kiểm soát thông tin khó khăn, giới kiểm duyệt Trung Quốc vẫn phản ứng nhanh nhạy và rốt ráo để ngăn chận việc truyền tải những tin tức nguy hiểm.
Kể từ sau vụ đàn áp Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc đã tái chỉnh rất nhiều khả năng áp chế của mình. Việc phải đối phó với hàng chục nghìn vụ nổi loạn hàng năm đã làm ngành công an Trung Quốc trở thành một trong những lực lượng có kinh nghiệm nhất trên thế giới trong việc trấn áp và giải tán đám đông. Bộ phận an ninh quốc gia Trung Quốc đã dùng chiến thuật "triệt phá chính trị" vô cùng hiệu quả, nhanh chóng bắt giữ những người cầm đầu biểu tình và làm cho những người tham gia bị mất tổ chức, mất tinh thần và bất lực. Nếu điều kiện kinh tế xấu đi, dẫn đến tiềm năng bùng nổ chính trị, đảng sẽ tiếp tục dùng những biện pháp thử-và-áp-dụng để ngăn chặn những phong trào có tổ chức chống lại chính quyền.
Nếu bất an dân sự không phải là nguyên nhân thì điều gì sẽ là mối đe doạ thực sự cho việc tiếp tục cầm quyền của đảng? Câu trả lời rất có thể là việc mất đoàn kết trong thành phần ưu tú của quốc gia. Những người quan tâm đến nền "độc tài vững chắc" của Trung Quốc cho rằng việc đoàn kết trong giới đứng đầu là một trong những thành công lớn nhất của ĐCSTQ trong những thập niên gần đây, xem nó như là bằng chứng của ưu thế kỹ trị, không có những mâu thuẫn về tư tưởng, việc thiết lập một hệ thống đề bạt và hưu trí cho những nhân vật cao cấp, cũng như việc chuyển giao quyền hành êm ả từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào.
Nhưng cũng có những lý do để hoài nghi về mối quan hệ quá hài hoà này -- những sắp xếp quyền lực được thực hiện trong giai đoạn kinh tế thịnh vượng thường bị đổ vỡ khi gặp khủng hoảng.
Tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc hiện thời là một mối quân bình mỏng manh giữa những liên minh khu vực, thành phần, và những nhóm lợi ích, và điều này sẽ dễ gây ra bất đồng. Dưới con mắt của đa số phương Tây, Trung Quốc đã may mắn có được những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng và kiên quyết. Nhưng đối với bản thân các nhà lãnh đạo Trung Quốc thì hiện tình có vẻ không như thế. Họ có lý lịch và quá trình lãnh đạo vô cùng giống nhau. Không có cá nhân nào nổi bật so với những người khác trong việc thể hiện tài lãnh đạo, tầm nhìn hoặc khả năng làm việc -- có nghĩa là không ai vượt quá giới hạn thử thách, trong khi hậu trường chính trị được dành cho việc thi đua để chiếm thế thượng phong.
Cho đến nay, chất keo thật sự dùng để kết nối ĐCSTQ là một hệ thống ban phát khổng lồ được bảo đảm bởi một giai đoạn dài khi kinh tế phát triển. Chính quyền đã dùng nguồn tài chính của mình để cân bằng những quyền lợi trong nước, làm hài lòng những tầng lớp khác nhau và mua chuộc những thành phần ưu tú trong xã hội Trung Quốc. Nhưng hệ thống ban phát này thì quá tốn kém -- chỉ riêng chi phí hành chính cũng đã chiếm hơn 20% ngân sách của chính phủ Trung Quốc, và hơn 40% GDP của Trung Quốc có từ những đầu tư vào tài sản cố định như kho bãi và công xưởng -- một lĩnh vực chủ yếu do nhà nước quản lý và chứa đầy rẫy những ưu tiên. Nói một cách khác, thành phần lãnh đạo ưu tú thiếu lập trường tư tưởng của Trung Quốc đã gắn bó với đảng chỉ vì nó đã chịu chi trả cho họ. Nhưng khi tình hình kinh tế khó khăn làm chấm dứt việc ban phát dễ dãi này thì không thể tiếp tục ỷ lại vào sự ủng hộ và trung thành của thành phần ưu tú đối với chính quyền.
Hiện tượng bất ổn trong xã hội đang lên cao có thể chưa đủ để đánh đổ quyền lực của đảng, nhưng có thể đủ để hấp dẫn một số thành viên của tầng lớp ưu tú lợi dụng tình hình để chiếm lấy ưu thế chính trị riêng cho mình. Việc mặc cả chính trị này có thể dùng yếu tố dân tuý để làm suy yếu đối thủ của họ và trong quá trình ấy, tạo ra những chia rẽ trong mối đoàn kết của nội bộ lãnh đạo cao cấp của đảng.
Những phản đối từ thành phần ưu tú có thể dẫn đến tình trạng bối rối và suy sụp ngay bên trong bộ máy áp chế của nhà nước Trung Quốc, làm giảm thiểu khả năng quản chế bất an xã hội và từ đó tạo ra một quá trình tuần hoàn dữ dội với những sự kiện có thể dẫn đến quá trình phát triển bị tê liệt.
Điều này có nghĩa là ĐCSTQ sẽ bị diệt vong? Vẫn chưa. Chính quyền đã thành công khi trải qua những giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, và ngay cả những căng thẳng bên trong giới lãnh đạo cao cấp cũng chỉ có thể đưa đến những hệ quả ít hơn là việc thay đổi chính quyền. Nhưng khi sự trì trệ kinh tế vẫn đang tiếp tục thì ảnh hưởng chính trị ở Trung Quốc rất có thể xảy ra -- và những thay đổi ấy đều có khuynh hướng xảy ra từ bên trên hơn là từ phía dưới.
Nguồn: www.foreignaffairs.com
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...