13 thg 7, 2009

Trung Quốc tam phân


RFA / Nguyễn Xuân Nghĩa

Ba chục năm sau khi mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới, Trung Quốc vẫn còn gặp một bài toán nan giải là dị biệt quá lớn giữa ba khu vực kinh tế bên trong

Nạn suy thoái kinh tế toàn cầu đang xảy ra lại tác động mạnh vào khác biệt ấy, hiện tượng mà nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa gọi là “nhất quốc tam kinh” qua phần trao đổi do Việt Long (RFA) thực hiện sau đây.


Nhất Quốc Tam Kinh: bất lợi của địa dư hình thể

Việt Long: Chương trình kỳ này, đề nghị ta cùng tìm hiểu về tình hình kinh tế Trung Quốc với đặc tính riêng trong cơ cấu và những tác động hiện tại của nạn suy thoái toàn cầu.

Trong nhiều lần trước, mới nhất là chương trình phát thanh hôm 11 tháng Ba, ông có nói đến nguy cơ động loạn và phân hóa của xứ này. Ông phân tích thế nào để dự đoán vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, mọi xã hội con người đều bị chi phối trước tiên và nặng nhất bởi địa dư hình thể của địa bàn sinh hoạt, kế đó mới là các chuyển động chậm như văn hoá hay dân số.

Trung Quốc không ra khỏi quy luật ấy mà lãnh đạo hiện nay lại không giải quyết được các bài toán trong cơ cấu nên mới gặp hiện tượng một quốc gia có ba nền kinh tế, hay “nhất quốc tam kinh”.

Mải lo hội nhập với thế giới bên ngoài, họ không hội nhập được các khu vực với nhau nên mới dễ bị phân hoá, là chuyện thường xảy ra trong lịch sử của xứ này.

Việt Long: Nếu vậy xin đề nghị là ta đi từ đầu, từ yếu tố địa dư hình thể đã chi phối Trung Quốc.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Là quốc gia có diện tích đất đai đứng thứ nhì thế giới với dân số gần một tỷ 400 triệu sống trên chín triệu 600 ngàn cây số vuông, Trung Quốc thực ra là một nước nghèo! Mà một phần cũng vì địa dư hình thể đã chia ba xứ này.

- Nếu vẽ một đường tuyến từ đỉnh cao nhất của biên giới với Miến Điện qua thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên lên tới Bắc Kinh và thủ phủ Cáp Nhĩ Tân của Hắc Long Giang thì ta có một “đẳng cao tuyến” về khí hậu.

Bên hướng Đông của đường tuyến ra tới biển là khu vực có độ ẩm đủ cao, bình quân trên 36 cm nước mưa một năm, nên trồng trọt được.

Khu vực này cũng có ba son sông lớn là Hoàng hà, Dương tử và Châu giang giúp ích cho tiêu tưới và vận tải nên là cái nôi của Hán tộc và là nơi có mật độ dân số cao nhất. Nhưng thật ra, với dân số cả tỷ người thì diện tích canh tác nơi đây lại rất hẹp, chỉ bằng 1/3 diện tích trung bình của thế giới mà lại đang bị thu hẹp dần.

Đấy là khu vực thứ nhất, xin tạm gọi là “miền Đông.”

- Ở hướng Tây và Nam của đường tuyến ấy là một khu vực khô cằn, khó chuyển vận và chậm phát triển hơn miền Đông. Có thể gọi đấy là khu vực “nội địa”, bị khóa trong đất liền, nơi mà người dân đói khổ thường tiến về hướng Đông trù phú để kiếm ăn.

Trong lịch sử, tộc Hán không thích sinh sống tại vùng đất mà họ coi là của các dị tộc man rợ, nhưng nhiều biến động lịch sử lại xuất phát từ đấy khi dân chúng nổi dậy tiến về trung nguyên làm cách mạng.

Tần Thủy Hoàng hay Vạn lý Trường chinh của Mao cũng làm nên lịch sử nhờ đoàn người chân đất ấy. Chuyện này, lãnh đạo Bắc Kinh tất không quên và rất sợ.

- Nhân đây, xin nói thêm là ngoài tính khoa trương nói phét, sự sợ hãi cũng là một thuộc tính của nền văn hoá Trung Quốc, với kỳ tích là các đợt xây dựng Vạn lý Trường thành, bắt đầu từ thời Chiến Quốc qua đời Tần và nhất là đời Minh sau đó.Đấy là một sự sợ hãi vĩ đại, nổi danh kim cổ và có thể nhìn thấy từ mặt trăng!

Việt Long: Ông vẫn phân tích với nghịch lý khi nói đến sự khoa trương và sợ hãi trong khi thế giới và riêng Việt Nam lại có vẻ như đang hãi sợ khả năng bành trướng của Trung Quốc. Nhưng còn khu vực thứ ba là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thật ra, lãnh đạo Trung Quốc còn sợ mối nguy xuất phát từ biên ngoại. Đó là theo chiều kim đồng hồ, Cao nguyên Thanh Tạng, Tây Tạng đến Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu, nơi tiếp giáp với các lân bang Ấn Độ, Trung Á, Mông Cổ hay Liên bang Nga.

Trong lịch sử, Trung Quốc đã bị tấn công từ hướng đó và dị tộc nhiều lần vào làm chủ Trung Nguyên, từ Hung Nô thời Tần Hán đến Tây Tạng đời Đường, Kim, Liêu, Mông Cổ đời Tống và Mãn Thanh vào đời Minh, cho đến 1911 mới hết.

Vì thế, lãnh đạo Trung Quốc hay có phản ứng phòng thủ, thường xua quân tiến chiếm khu vực này để dựng thành vùng trái độn quân sự nhằm bảo vệ văn minh Hán tộc. Có thể gọi đó là khu “biên trấn” mà họ coi là “phiên trấn”, nơi có giá trị kinh tế rất thấp mà vai trò an ninh rất cao.

- Bây giờ, bài toán muôn thuở là thống nhất cai trị và phát triển ba khu vực ấy đang thành vấn đề sinh tử vì Trung Quốc mở ra thế giới bên ngoài mà bên trong vẫn thiếu thống nhất.

Về kinh tế, mức tăng trưởng không đều của ba khu vực ấy là đáng nói vì khi Bắc Kinh uy hiếp lân bang và khống chế Đông hải thì họ bị mầm loạn bên trong, cứ nghe nói đến tự trị hay ly khai là lại sợ.

Đây là ta chưa đề cập đến dị biệt và thậm chí phân hoá Bắc-Nam ở miền Đông là điều đã từng xảy ra trong lịch sử và nay cũng đã manh nha. Có thể là trong một dịp khác….

Ba nền kinh tế khác biệt

Việt-Long: Nói “Đông Hải” là ông muốn nói đến biển Đông của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là Nam Hải?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đúng vậy. Tôi nói đến biển Đông, mà họ gọi là Trung Nam Hải…

Việt Long: Nói về mức tăng trưởng không đều thì ta đã có được dữ kiện gì về sự khác biệt đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Từ cả chục năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh đã thấy vấn đề phát tác mạnh vì các tỉnh duyên hải tại miền Đông thì bung ra ngoài và tăng trưởng ngoạn mục trong khi nội địa vẫn lạc hậu.

Khi lên cầm quyền kể từ năm 2003, thế hệ lãnh đạo thứ tư, như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, đã lập kế hoạch hội nhập để san bằng dị biệt mà không xong, và không thể xong với hệ thống chính trị hiện nay vì không là chế độ dân chủ theo thể chế liên bang.

Đến bây giờ thì họ vẫn có ba nền kinh tế khác nhau, ít nhiều trùng hợp với ba khu vực chúng ta vừa đề cập tới.

Việt Long: Nếu vậy, xin ông trước tiên trình bày cho thính giả về khu vực miền Đông. Gồm những địa phương nào và sản xuất được bao nhiêu, với loại vấn đề gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Xin tạm ghi rằng Trung Quốc có bốn thành phố lớn được dựng thành khu vực hành chính trực thuộc trung ương.

Kể về dân số từ cao đến thấp là Trùng Khánh với 31 triệu dân, rồi Thượng Hải 18 triệu rưởi, Bắc Kinh 16 triệu và Thiên Tân 11 triệu rưởi.

Sau đó là các tỉnh và khu tự trị. Nếu có một tấm bản đồ tô màu thì ta sẽ rõ hơn dị biệt Đông Tây của họ.

- Khu vực miền Đông gồm có 11 tỉnh và thành với dân số 500 triệu rưởi thì đóng góp 64% sản lượng toàn quốc, với sản lượng GDP bình quân một người khoảng 4.800 đô la.

Đó là ba thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân và tám tỉnh duyên hải, từ Bắc xuống Nam là Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam.

Đây là khu vực buôn bán với bên ngoài nên tương đối trù phú nhất, nay cũng bị hiệu ứng nặng nhất của nạn suy thoái kinh tế từ bên ngoài dội vào.

- Khu vực nội địa quy tụ cỡ 450 triệu dân của tám tỉnh, từ Bắc xuống Nam là Hắc Long Giang và Cát Lâm tiếp giáp với Nga và Bắc Hàn, rồi Sơn Tây, Hà Nam, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc và Hồ Nam, thì sản xuất có 26% sản lượng toàn quốc.

Sản lượng bình quân một người nơi đây chỉ bằng 60% dân miền Đông, khoảng gần 3.000 đô la một năm.

- Khu vực thứ ba nằm sâu hơn bên trong và bao trùm lên vùng biên trấn mình vừa nói, gồm có 11 tỉnh từ Bắc xuống Nam là Nội Mông, Ninh Hạ, Tân Cương, Thanh Hải, Cam Túc, khu tự trị Tây Tạng, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây và thành phố Trùng Khánh.

Khu vực rộng lớn mà hoang vu này quy tụ cỡ 400 triệu người, có sản lượng chỉ bằng 19% sản lượng cả nước, bình quân thì GDP của một người chỉ bằng phân nửa dân miền Đông.

Khác biệt về lợi tức dân cư quá lớn

Việt Long: Qua sự trình bày vừa rồi thì ta thấy ngay vấn đề dị biệt về lợi tức của người dân. Hẳn là bên dưới còn nhiều vấn đề khác nữa, xin đề nghị ông phân tích thêm cho rõ hơn.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trên đại thể thì khác biệt về lợi tức dân cư tại Trung Quốc thuộc loại cao nhất trong các nước tân hưng Đông Á, còn hơn các nước công nghiệp phương Tây vốn mang tiếng là cạnh tranh và đào thải quá mạnh.

Thứ nữa, sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị hay xảy ra ở các nước thì tại Trung Quốc lại còn nặng hơn nữa. Thứ ba, vì đặc tính địa dư hình thể ta nói từ đầu, các tỉnh miền Đông đã đô thị hoá nhanh hơn miền Tây và hướng ra ngoài nhiều hơn nên càng đào sâu dị biệt giữa thành thị và thôn quê và giữa khu vực hướng ngoại với bên trong.

Thí dụ như lợi tức dân Thượng Hải - là thành thị và buôn bán với bên ngoài nên giàu có nhất - lên tới hơn 10.000 đô la một năm, gấp tám người dân Quý Châu bị khoá trong đất liền. Mà dân Quý Châu, Cam Túc hay Ninh Hạ nay đã hiểu ra điều ấy và tất nhiên là họ không vui.

- Kết cuộc từ địa dư hình thể qua kinh tế thì các tỉnh bên ngoài chú trọng vào dịch vụ và công nghiệp chế biến trong khi các tỉnh nội địa thì xuất cảng lao động qua tỉnh khác hoặc khai thác tài nguyên khoáng sản, là sản xuất ra sản phẩm sơ đẳng hay thương phẩm.

Và trong khi cả nền kinh tế lệ thuộc mạnh vào thị trường bên ngoài vì chiến lược hiện hành thì các tỉnh miền Đông lệ thuộc hơn các tỉnh nội địa khoảng hai chục lần.

Khi thương phẩm lại sụt giá nặng từ năm ngoái thì trong ngoài gì đều cùng thấy khổ và ở trên thì sợ bị loạn!

Việt Long: Câu hỏi cuối cho đề tài ly kỳ này là lãnh đạo Bắc Kinh xử trí ra sao trước vấn đề ấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Từ năm năm nay, Bắc Kinh cố san bằng dị biệt như tái phân đầu tư và lợi tức cho các tỉnh nội địa mà gặp sự cản trở của đảng bộ các tỉnh thành duyên hải.

Họ đòi duy trì đà tăng trưởng cao và tỷ giá đồng bạc thấp để xuất khẩu bằng mọi giá trong khi lãnh đạo ở trên thì chú trọng đến thị trường nội địa và vấn đề xã hội, nhất là khi phong trào ly khai Hồi giáo bùng nổ tại Tân Cương.

Vì vậy mà lãnh đạo đòi tập trung quyền lực về trung ương, biểu dương khí thế Hán tộc nhuốm mùi bài ngoại, và mâu thuẫn “trong-ngoài” về kinh tế dẫn tới mâu thuẫn “trên-dưới” về chính trị.

- Đúng lúc đó thì kinh tế Trung Quốc bị suy trầm, rồi nạn suy thoái toàn cầu làm thị trường xuất khẩu co rút nên các tỉnh miền Đông sống nhờ bán hàng ra ngoài càng khó san xẻ với bên trong.

Còn các tỉnh bên trong sống nhờ tài nguyên khoáng sản thì cũng bị nạn vì thương phẩm sụt giá toàn cầu. Khoảng 150 triệu người dân từ tỉnh này đi kiếm sống ở tỉnh khác nay sợ thất nghiệp nên phải về quê và nơi nơi bùng nổ động loạn.

- Với dự trữ ngoại tệ trị giá 2.000 tỷ đô la, Bắc Kinh không thể có giải pháp đồng dạng áp dụng chung cho toàn quốc mà lại có biện pháp bất thường.

Thí dụ như họ vừa quyết định dùng 1/4 ngân khoản kích cầu trị giá tương đương 585 tỳ đô la cho riêng tỉnh Tứ Xuyên.

Việc kích thích kinh tế đã tính từ tháng 11 mà nay mới lật đật rót vào Tứ Xuyên vì xứ này bị động đất từ năm ngoái và có khi bị loạn, mà lại là tỉnh tiếp cận với khu vực phiên trấn ở hướng Tây và có một cộng đồng Tây Tạng rất đông, đang đòi quyền tự trị nên bị đàn áp rất nặng.

Chúng ta sẽ còn có dịp trở lại đối sách kinh tế của Bắc Kinh và sự sợ hãi truyền thống của Trung Quốc…
RFI

12 THÁNG ANH ĐI