5 thg 8, 2009

Tiếng nói của nhà lãnh đạo

Ông Clinton lại một lần nữa bất ngờ tỏa sáng.

Hóa ra không cần nắm chức vụ gì cụ thể, mà chỉ bằng uy tín cá nhân và sức hấp dẫn với dư luận, ông đã tạo một bước đột phá trong quan hệ với Bắc Hàn.

Như một chàng hiệp sĩ, cựu tổng thống Bill Clinton đã bay vào đất nước cộng sản bí hiểm vùng Đông Bắc Á cứu hai nữ nhà báo khỏi phận ngục tù.

Sáng dậy, xem trên TV thấy hình ông Bill tóc trắng phau đưa tay mời Laura Ling và Euan Lee bước vào khoang máy tay tôi thấy ông 'oách' quá.

Truyền hình quốc tế cũng chiếu đi chiếu lại cảnh hai nữ nhà báo Mỹ gốc châu Á bước ra chiếc phi cơ đón họ trước con mắt của báo chí và giới ngoại giao.

Trời Bắc Triều Tiên thế mà ấm áp, nắng trong, gió mát, ít ra là ngoài sân bay, khiến không ai nghĩ nếu không có chuyến thăm đó, hai nữ nhà báo còn ngồi tù 12 năm.

Nhìn Laura Ling và Euna Lee người nhỏ bé, tóc bím lại đằng sau, vai khoác túi xách to màu đen tôi cho thấy họ không khác gì những cô công nhân lao động Việt Nam đi sang vùng Vịnh hay Malaysia thường gặp ở các phi trường châu Á.

Nhưng cũng là số phận mà sao khác nhau thế.

Cũng là người châu Á nhưng trưởng thành ở xã hội Mỹ, họ thành những ngôi sao của truyền thông, của chính trị tòa cầu.

Kể cả khi là nạn nhân thì hai nữ nhà báo, một gốc Hoa, một gốc Hàn cũng có hẳn một cựu tổng thống nỗ lực cứu giúp.

Khi trở về họ chắc sẽ còn nhiều chuyện để nói, thậm chí có thể viết sách để nổi tiếng hơn nữa ở Phương Tây sau khi đã trở thành tâm điểm của báo chí quốc tế vừa qua.

Nước Mỹ của ông Clinton kỳ lạ vậy đó.

Đây là đất nước chấp nhận cá nhân có tính cách nhưng thượng tôn pháp luật, một xã hội sáng tạo với tinh thần vì sự nghiệp chung nhưng tính riêng tư cũng rất mạnh.

Chính trị Mỹ, nhìn qua giai đoạn đã rời Bạch Cung của ông Clinton cũng hết sức lạ.

Nhiều người quý ông than rằng sau hai nhiệm kỳ tổng thống, ông sẽ chỉ còn là"phu quân bộ trưởng" mà thôi.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tôi đọc được, ông cũng nói bà Hillary vì công việc quá bận nên khi ở Mỹ cũng chỉ có thể về nhà với ông một hai kỳ weekend trong một tháng.

Ông cũng nói ông nhiều khi thấy bà trên truyền hình rồi mới biết bà nói gì, làm gì, vì Bộ Ngoại giao Mỹ không có trách nhiệm thông báo lịch trình Bộ trưởng cho ông chồng.

Nhưng ông Clinton cũng vẫn đầy năng lượng và năng lực ngoại giao để hoạt động từ thiện, với tiền từ các nhà hảo tâm, bạn bè.

Ông cũng giảng hòa được với Tổng thống Bush con và được mời cùng ông Bush cha tham gia chương trình giúp nạn nhân tsunami châu Á mấy năm trước.

Nhưng như các cựu tổng thống khác, ông cũng lo việc nước khi được nhờ và vụ bay vào Bình Nhưỡng tuần này cho thấy ông vẫn còn có tiếng nói đầy trọng lượng.

Buồn cười nhất là các tờ báo đều nhấn mạnh, chắc theo cách giải thích của Hoa Kỳ, rằng đây chỉ là "một chuyến đi riêng tư".

Nhưng theo như bình luận của John Vause trên CNN, chỉ hơn 10 tiếng tại Bắc Hàn, ông Clinton đã làm mối quan hệ đầy bế tắc "tan băng".

Nhưng kể công cả cho ông Clinton cũng không được vì đằng sau ông là bà Clinton và Tổng thống Obama, người tin rằng ngoại giao cởi mở, mời gọi tốt hơn là đe dọa.

Và cũng phải nói ông Kim của Bắc Triều Tiên cũng rất mong có lối thoái khỏi vòng tay "ôm chặt" của người anh lớn Trung Quốc.

Tôi đọc thấy trên tờ FEER hồi gần đây tin chưa được kiểm chứng rằng có quan chức cao cấp Bắc Hàn tìm đến ông Henry Kissinger để "môi giới" giúp Bình Nhưỡng nói chuyện thẳng với Washington.

Theo đó, các lãnh đạo Bắc Triều Tiên cảm thấy Trung Quốc dùng họ như một lá bài để mặc cả với Phương Tây.

CNN sáng nay cũng chú ý rằng Bắc Kinh không hề bình luận gì về chuyến thăm Bắc Hàn bất ngờ của ông Clinton và luôn nói tìm ra giải pháp cho vấn đề Bắc Triều Tiên là rất khó, rất lâu dài.

Riêng với châu Á, kể cả Việt Nam, ông bà Clinton được nhớ đến với nhiều ấn tượng rất tốt.

Nay nhìn lại, ta thử hỏi nếu ông không bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 thì đất nước sẽ như thế nào?

Tôi nhớ một lần đi làm bài về nghề lụa ở Hà Nội và Hà Đông, vào một cửa hàng ngay khu Phố Cũ thấy có bức hình bà Clinton đi shopping trong chính tiệm đó.

Dù đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi bà đến mua mấy bộ đồ lụa, cô bán hàng và bà chủ vẫn hồ hởi kể chuyện và khoe ảnh với niềm vui thích hiện ra trong ánh mắt.

Thời xưa được hoàng hậu hay bà chúa nào tới thăm chắc cũng chỉ vui và vinh dự đến như vậy.

Hôm qua, khi làm tin tại văn phòng BBC ở London, tôi nghe một đồng nghiệp bình rằng hai vợ chồng ông bà Clinton quả là độc đáo, chiếm lĩnh dư luận toàn cầu trong cả một ngày.

Ông đi Bắc Hàn trong lúc bà công cán ở châu Phi lo chống khủng bố, chống Aids và tìm giải pháp cho các vấn đề khu vực.

Kết luận lại, tôi nghĩ khen nước Mỹ có ông bà Clinton cũng bằng thừa mà nên thử hỏi xem, những chính trị gia đã nghỉ hưu, như ở Việt Nam chẳng hạn, nên làm gì cho xã hội.

Ví dụ của ông Clinton cho thấy uy tín cá nhân và sức thuyết phục không bạo lực vẫn là một vốn quý cho những ai muốn đóng góp.

Tiếng nói của nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu, không còn lợi ích gắn liền với chức quyền sẽ tự do hơn, thật hơn và vì thế có khi còn có trọng lượng hơn lúc ngồi trong 'cơ chế'.

Cứ từ ông Clinton mà suy ra thì điều các vị hoàn toàn có thể làm là giúp các nhà báo Việt Nam khi họ bị sa cơ lỡ bước.

Nguyễn Giang

12 THÁNG ANH ĐI