22 thg 9, 2009

Đi Tìm Động Cơ Của Một Án Mạng - Annie Le

Sơn Tùng

Trong một đất nước mà án mạng xảy ra mỗi ngày, cái chết của Cô Annie Le ngày 8.9 vừa qua có những yếu tố khiến dư luận tại Mỹ đặc biệt chú ý: vụ giết người đã xảy ra tại một trường đại học danh tiếng, nạn nhân là một nữ sinh viên đã chết thương tâm trước khi lấy chồng vài ngày, án mạng đã xảy ra gần như “không duyên cớ”.

Nghi can đã bị bắt và bị giam giữ chờ ngày ra tòa, nhưng không nhận tội và không tiết lộ những gì đã thực sự xảy ra đưa đến cái chết của cô sinh viên. Cảnh sát chỉ khẳng định không có quan hệ tình cảm giữa nạn nhân và nghi can, và nạn nhân đã không bị cưỡng dâm, và coi đây là một trường hợp “bạo động tại nơi làm việc” (work place violence) mà “có thể không bao giờ biết động cơ của vụ án mạng”.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ đặc biệt quan tâm đến vụ án mạng này vì nạn nhân là một người Việt, hay người Mỹ gốc Việt. Cô Annie Le, 24 tuổi, sinh viên ban tiến sĩ dược khoa tại Đại học Yale, dự định làm lễ thành hôn vào ngày Chủ nhật 13.9.2009 với Jonathan Widawsky, tốt nghiệp cao học Đại học Columbia ở New York . Nhưng hôn lễ đã không bao giờ diễn ra vì cô dâu tương lai đã biến mất từ ngày 8.9 và xác được tìm thấy vào ngày 13.9, đúng ngày cưới. Xác cô được giấu bên trong một bức tường phía dưới phòng thí nghiệm nơi cô làm việc trong khuôn viên đại học.

Với những phương tiện khoa học ngày nay, các thám tử không khó khăn lắm để tìm ra kẻ tình nghi của vụ án mạng thương tâm này. Hơn 70 máy thu hình tự động đặt chung quanh tòa nhà trong khu đại học ghi hình tất cả những người ra vào cho thấy Annie Le đã đi vào cửa sáng ngày 8.9 nhưng không thấy đi ra, và sau đó cảnh sát đã tìm thấy những vật dụng cá nhân của cô bỏ lại trong phòng thí nghiệm, rồi chiếc áo dính máu và nhiều tang vật khác. Các thám tử cũng kiểm tra các thẻ điện tử từ tính được dùng để ra vào các phòng trong khu thí nghiệm để biết những ai đã có mặt tại đâu và vào giờ phút nào. Sau khi điều tra, thẩm vấn, và với kết quả của thử nghiệm DNA, cảnh sát đã bắt giữ Raymond Clark III, kỹ thuật viên phụ trách phòng thí nghiệm. Phúc trình của cảnh sát cho rằng đã có sự xô xát trước khi nạn nhân bị bóp cổ đến chết.

Đó là những gì được biết cho đến khi bài này được viết.

Trừ khi có những diễn biến bất ngờ trong các phiên xử trước tòa, tôi tin nhận định của cảnh sát là chính xác: án mạng thương tâm này là hậu quả của một vụ “bạo động nơi làm việc”.

Dựa theo những dữ kiện của cuộc điều tra tư pháp và lời khai của một số nhân chứng, diễn biến của vụ bạo động này có thể đã xảy ra như sau: sáng ngày 8.9, cô sinh viên tiến sĩ Annie Le, một thiếu nữ gốc Việt lớn lên và được giáo dục tại Mỹ, đầy tự tin và Mỹ hóa, đã vào phòng thí nghiệm vắng vẻ làm việc một mình trong tâm trạng yêu đời trước cuộc hôn nhân sắp tới với một thanh niên da trắng đẹp trai có học. Trong khi làm việc cô gặp điều gì đó không vừa ý và đã có những lời qua tiếng lại giữa cô và Raymond Clark, một nhân viên phụ trách phòng thí nghiệm được một số sinh viên nhận xét là tính tình “khó chịu”. Việc tranh cãi giữa đôi bên tăng dần cường độ, không bên nào nhịn bên nào. Raymond muốn chứng tỏ là kẻ có quyền trong phòng thí nghiệm, phần nào đó mang mặc cảm thua kém trước cô gái da vàng nhỏ bé và học giỏi. Ngược lại, Annie lại nghĩ rằng mình là một cô gái Mỹ một trăm phần trăm, tân tiến và thông minh, phần nào mang mặc cảm tự tôn trước anh nhân viên da trắng thua kém địa vị xã hội. Những lời lẽ trao đổi tới một lúc nào đó đã vượt khỏi sự kiểm soát của đôi bên, và Raymond đã sử dụng bạo lực để đàn áp cô gái nhỏ bé cao 1.5 mét, nặng khoảng 41 ki-lô. Annie đã chống cự lại để tự vệ, và Raymond đã hoàn toàn không còn tự chủ, biến thành một con thú dữ, bóp cổ đối thủ yếu thế cho đến chết.

Trong lúc vùng vẫy để cố bám lấy sự sống và trước khi thở hơi cuối cùng, có lẽ Annie Le đã nghĩ đến gia đình, đến những người thân yêu giờ phút ấy đang ở quá xa, không còn cứu giúp gì được cô, và cô đã nhận thấy sự sai lầm của cô: đã quá tự tin và nghĩ rằng lẽ phải luôn luôn được tôn trọng trong xã hội rất văn minh này, nhất là trong khuôn viên một trường đại học.

Annie Le nhận ra sai lầm ấy khi đã quá muộn và đã phải trả giá bằng mạng sống. Cuộc đời đầy tương lai hứa hẹn đã đột ngột chấm dứt mà không một dấu hiệu báo trước.

Theo tin tức được cung cấp, Annie Le được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình người Việt bình thường tại Placerville , một thành phố nhỏ với khoảng 10,000 dân tại phía bắc California . Trong truyền thống hiếu học và yểm trợ con em ăn học của hầu hết các gia đình người Việt ở hải ngoại, cùng với tư chất thông minh, Annie Le đã là một học sinh xuất sắc ở bậc trung học. Tại trường Union Mine High School ở phía đông Sacramento , thủ phủ tiểu bang California , Annie Le cùng một học sinh ưu tú khác đã được tặng danh hiệu “Most likely to be the next Einstein”. Lên bậc đại học, Annie Le tốt nghiệp khoa sinh học tại Đại học Rochester ở New York năm 2007 và làm việc mùa hè tại Viện Y Tế Quốc Gia (National Institute of Health) trước khi ghi danh học tại Yale để lấy bằng tiến sĩ với mộng làm giáo sư hay nhà nghiêu cứu.

Tất cả tương lai rực rỡ ấy sau những năm tháng học hành chuyên cần đã vụt tắt một cách phi lý và đau thương. Vẫn biết phi lý và đau thương là định mệnh không báo trước của kiếp người vô thường, nhưng phải chăng thảm kịch đã có thể tránh được với một chút nhận thức khôn ngoan trên bước đường hội nhập vào xã hội mới?

“Bi kịch Annie Le” đã nhắc tôi nhớ tới cái chết thương tâm của một người trẻ khác cách nay hơn 15 năm tại Florida : Nguyễn Phan Luyện.

Năm 1992, Nguyễn Phan Luyện 19 tuổi, một sinh viên y khoa, nuôi mộng theo nghề cha: Bác sĩ Nguyễn Đạt. Thời Việt Nam Cộng Hòa, Ông Đạt là một quân y sĩ và đã bị đi “cải tạo” ba năm sau biến cố tháng 4.1975. Sau khi ra tù, Ông Đạt cùng bà vợ đã đưa hai con trai đi vượt biên, may mắn đến được Malaysia và được định cư tại Mỹ. Gia đình ông Đạt khởi sự làm lại cuộc đời tại Houston, Texas. Bà Đạt, một nhà giáo tại Việt Nam, đã làm việc tại một tiệm gà chiên Kentucky để giúp chồng có điều kiện đi học lại để lấy bằng hành nghề y sĩ tại Mỹ. Năm 1982, Ông Đạt tốt nghiệp y khoa và trở thành bác sĩ tại Mỹ và làm việc trong một bệnh viện ở Buffalo. Vài năm sau, gia đình Bác sĩ Đạt di chuyển về Coral Spring , Florida .

Coral Spring được cư dân địa phương tự hào gọi là “ America ’s Best Hometown” với những câu lạc bộ dành cho thành phần khá giả trong xã hội, với những trường công phẩm chất cao và tỉ số tội ác thấp. Tại trường trung học, Nguyễn Phan Luyện là một học sinh xuất sắc với toàn điểm A và cũng nổi bật trong những hoạt động xã hội và thể thao. Sau khi tốt nghiệp trung học, Luyện theo học y khoa tại trường Đại học Miami .

Mọi sự có vẻ đều tốt đẹp đối với gia đình Bs Đạt. Một sự hội nhập toàn hảo của những “thuyền nhân” Việt Nam đã bỏ lại tất cả để ra đi vì tự do. Một câu chuyện “mộng thành sự thật”.


Nhưng, tất cả đã tan vỡ vào tối 15.8.1992. Theo biên bản điều tra của cảnh sát và theo các nhân chứng, Luyện đã tới tham dự một “party” với một số bạn cùng lứa tại một chung cư ở Coral Spring vào lúc 11 giờ đêm. Tại đây, Luyện đã tham dự vào một cuộc tranh cãi giữa đám thanh thiếu niên da trắng về tính “chì” giữa hai binh chủng Thủy quân Lục chiến và Bộ binh Hoa Kỳ, trong đó anh đứng về phía một người bạn vừa mãn khóa huấn luyện “boot camp” TQLC về phép. Những người khác bênh vực Bộ binh. Cuộc tranh cãi mỗi lúc một thêm gay gắt, tăng dần sức nóng, lôi kéo thêm nhiều người. Bất ngờ, một đứa đứng dậy chửi thề, gọi Luyện là “chink” (thằng chệt). Nhiều tên khác tham gia cuộc sỉ nhục chủng tộc với những lời lẽ lỗ mãng, dơ bẩn, trong đó có đứa chửi “thằng Việt Cộng, đáng lẽ tao phải giết mày tại VN”!

Có lẽ cảm thấy không thể ngồi lại, Luyện bỏ ra về. Đám thanh thiếu niếu da trắng đuổi theo trong lúc tiếp tục tuôn ra những lời lăng mạ chủng tộc và khởi sự hành hung Luyện trên một bãi cỏ trước mắt khoảng 20 người điềm nhiên đứng làm khán giả.

Theo biên bản cảnh sát, trong lúc Luyện cố chạy trốn “như một con nai bị thương”, đám thanh thiếu niên da trắng đã đuổi theo đánh đập cho đến khi anh nằm bất tỉnh trên bãi bỏ. Người quản lý khu chung cư nghe tiếng ồn chạy ra thì thấy một đám đông đứng nhìn Luyện nằm chết mà không ai thốt một lời “Oh, my God!”

Tôi không nhớ sáu can phạm trong vụ án mạng đã bị tòa phạt ra sao, nhưng vụ giết người dã man này đã gây “sốc” cho cư dân tại cái “tỉnh nhà tốt đẹp nhất nước Mỹ”. Bà thị trưởng Coral Spring đã chỉ trích những kẻ điềm nhiên đứng xem trong khi một đồng loại bị đám đông vô cớ đánh đập tàn nhẫn và gọi đó là một sự “phi nhân” (inhumanity). Còn Bà Đạt, người mẹ đau khổ, đã nói với báo chí Mỹ: “Chúng tôi tới đây để tìm tự do ... Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến cách người ta giết con tôi, tôi không tin là đang sống trên đất Mỹ, chúng tôi đang sống ở địa ngục.”

Thiên đàng đã biến thành địa ngục mà không một dấu hiệu báo trước. Và, phải chăng đó cũng là trường hợp của Annie Le.

Tôi không muốn làm một sự suy đoán vì khác với Nguyễn Phan Luyện, Annie Le đã bị giết trong một căn phòng khóa kín, không một nhân chứng. Tuy nhiên, có lẽ hai nạn nhân đã giống nhau một điểm: họ đã Mỹ hóa, đã quá tự tin, đã tưởng rằng mọi người sống trên Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ đều như nhau trong cái “melting pot”.

Một hiện tượng không thể chối cãi trong cộng đồng người Việt tại Mỹ là có một số người chọn lối sống cách biệt với đồng hương, mua nhà dọn vào những khu không có người Việt, tránh tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam. Những người này thường là đã có đời sống ổn định, thành công trong xã hội Mỹ, kể cả một số người trở nên giàu có nhờ làm ăn với cộng đồng người Việt. Việc Bác sĩ Đạt dọn vào sống trong cái “tỉnh nhà tốt đẹp nhất nước Mỹ” là một thí dụ. Có lẽ ông bà Đạt nghĩ rằng sống như thế an toàn hơn, và ít phiền hà hơn là chung đụng với đồng hương.

Một hiện tượng khác là người Việt, hay Mỹ gốc Việt, ít quan tâm tới việc nhắc nhở con em tới nguồn gốc của chúng để giới trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Mỹ có ý thức rằng dù họ làm gì hay thành công đến đâu, cộng đồng Việt Nam vẫn là chỗ dựa của họ. Hãy nhìn những người Mỹ gốc Do Thái, gốc Ý, gốc Ái Nhĩ Lan, gốc Cuba , Triều Tiên... Họ vẫn là người Mỹ, vẫn yêu nước Mỹ, và phục vụ nước Mỹ, nhưng vẫn gắn bó với nguồn gốc của họ, đóng góp xây dựng cộng đồng của họ. Họ không quay lưng lại cộng đồng của họ vì họ khôn ngoan biết rằng đó là chỗ dựa của họ, về tinh thần cũng như sức mạnh của họ trong xã hội. Cộng đồng của họ càng vững mạnh, địa vị của họ trong xã hội càng lớn, và càng được kính nể.

Nhìn lại cộng đồng người Việt, người ta không thể không lo ngại khi thấy giới trẻ rất thưa thớt trong những sinh hoạt cộng đồng, ít người nói được tiếng Việt trôi chảy, biết đọc biết viết tiếng Việt càng ít hơn. Họ nghĩ rằng họ đã Mỹ hóa, và dường như cha mẹ cũng nghĩ như vậy. Đó là một sai lầm cần sửa chữa.

Trường hợp của Nguyễn Phan Luyện và Annie Le chỉ là những thảm kịch rất hiếm và mọi người sẽ dễ quên đi, nhưng có thể xảy ra cho bất cứ ai, bất cứ lúc nào, bất cứ tại đâu, nếu ta quá tự tin và tưởng rằng an toàn trong “nồi xúp tạp chủng”.

Sơn Tùng

12 THÁNG ANH ĐI