22 thg 10, 2009

Hướng đi của đại học

Cao Huy Thuần

Tôi chân thành cảm tạ Đại Học Hoa Sen đã cho tôi vinh dự được góp phần mở đầu năm học với một "bài giảng đầu năm". Điều này nói lên hai ý nghĩa. Một, là uy tín và quan hệ của Đại Học Hoa Sen đang mở rộng ra đón thế giới đại học ở bên ngoài. Hai, là tầm quan trọng của những lễ lược truyền thống trong đại học mà lễ khai giảng là một. Bản thân tôi, khi còn là sinh viên, tôi đặc biệt thích truyền thống mở đầu năm học bằng một bài giảng đầu năm dành cho toàn thề sinh viên, không phân biệt lớp cao lớp thấp. Đến khi đi dạy, tôi lại đặc biệt thích bài nói chuyện cuối năm học, khi cấp phát bằng, trong các đại học Mỹ. Ai học môn dân tộc học đều biết: lễ nghi quan trọng vô cùng trong xã hội, bởi vì đó là cách truyền đạt ý nghĩa và cảm xúc đến đầu và tim của mỗi thành viên, thắt chặt tình liên đới và thắp lên một hoài bão cộng đồng. Bởi vậy, tôi rất hân hạnh và sung sướng được làm sống lại một truyền thống đẹp đẽ của đại học với bài khai giảng đầu năm này.

Tôi sẽ nói chuyện với các bạn sinh viên về đại học. May mắn cho tôi, đề tài đã có sẵn; đó là đề tài của Hội Thảo vừa diễn ra hôm qua, hôm kia, tại Đại Học Hoa Sen : " Hướng đi của Đại học Việt Nam vào thế kỷ 21". Tôi không biết rõ đại học Việt Nam đang đi thế nào và sẽ đến đâu, nhưng tôi biết đại học ở bên ngoài, trên thế giới, đang đi làm sao, đang biến chuyển thế nào, và tôi cũng biết: với thời đại của toàn cầu hóa, những biến chuyển đó sẽ lan rộng ra đến ta, đại học Việt Nam sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng. Vậy nói chuyện bên ngoài cũng là nói chuyện của ta, tranh luận bên ngoài sẽ giúp ta thấy rõ vấn đề hơn để tự mình tìm hướng đi cho chính mình.

Thế thì, đại học Âu Mỹ đang biến chuyển thế nào ? Tại sao đây là những biến chuyển sâu rộng, như đang vượt giai đoạn ? Tôi bắt đầu bằng một tình trạng xảy ra đã khá lâu, hàng chục năm nay, có thể xem như nguyên nhân xa, nhưng lại là nguyên nhân đầu tiên, đầu mối của những biến chuyển tiếp theo sau đó. Tình trạng này xảy ra khắp nơi, ở ta cũng vậy: đó là sự bùng nổ của đại học, từ đại học dành cho một thiểu số ưu tú đến đại học mở ra cho quảng đại quần chúng. Chỉ trong vòng 30 năm thôi, từ 1965 đến 1995, trong các nước đã phát triển, tỷ số sinh viên trong dân chúng đã tăng từ 10 % lên 45 %. Ở Pháp chẳng hạn, năm 1960 chỉ có 310.000 sinh viên ghi danh ; năm 2001 con số ấy tăng lên 2,1 triệu. Như một quả bóng, dân số đại học căng lên như muốn vỡ tung, đặt ra không biết bao nhiêu vấn đề cho Nhà nước, cho xã hội, cho chính trị, cho chính sự quân bình trong lòng đại học, cho chính sự điều hành, quản lý, hoạt động nội bộ của đại học.

Tình trạng ở Việt Nam cũng vậy thôi. Bản thân tôi, khi bước chân vào Đại Học Sài Gòn năm 1955, tưởng như mình đã thay đổi giai cấp, từ một anh học trò quèn nghèo mạt ở tận ngoài Trung, nhảy tót lên mây, rơi xuống thượng đỉnh của quý tộc. Việc đầu tiên mà tôi làm khi đặt chân lên đất Sài Gòn để vào đại học là đến ngay đường Lê Thánh Tôn đóng một đôi giày. Đó là đôi giày đầu tiên trong đời tôi, vì đã là sinh viên thì không thể mang dép. Âm thầm, sâu kín trong lòng, cả thế hệ chúng tôi đều nghĩ rằng tương lai chờ đón chúng tôi là những cô vợ nếu không sánh được với hoa hậu quốc tế Nha Trang thì ít ra cũng không thua gì các á hậu đồng bằng sông Cửu.

Đại học ưu tú đã trở thành đại học quần chúng, hậu quả đầu tiên là không Nhà nước nào đủ tiền để gánh vác toàn thể chi phí cho đại học công. Từ đó, nẩy sinh ra một loạt vấn đề : Đại học công có thể tự kiếm ra tiền để phụ thêm vào ngân quỹ do Nhà nước cấp ? Tiền đó kiếm ra từ đâu ? Từ các xí nghiệp tư khai thác bằng sáng chế của đại học ? Từ tiền học phí của sinh viên được tăng lên gấp đôi, gấp ba, gấp mười ? Hay là từ việc xuất khẩu đại học, bán giáo trình, mở chi nhánh khắp nơi ?

Ở đây, tôi phải phân biệt hệ thống đại học ở Mỹ và hệ thống đại học ở Âu châu. Ở Mỹ, các trường đại học danh tiếng có thể là công hoặc tư, thường là tư. Nhưng dù là công hay tư, học phí đều đắt, càng vào trường danh tiếng càng phải trả giá đắt, đắt đến mức báo động. Ở Âu châu, học phí ở đại học công rất ít, ít đến mức không đáng kể so với Mỹ, nhưng chỉ cần tăng lên chút ít là sinh viên xuống đường ngay, bộ trưởng có cơ mất ghế. Một điểm khác biệt nữa giữa Mỹ và Âu châu, là đại học Mỹ đã nằm trong guồng máy vận hành của tư bản chủ nghĩa từ lâu, kinh doanh không phải là vấn đề mới ; trái lại, ở Âu châu, đại học công không có quyền kinh doanh, kinh doanh là trái với chức năng của đại học, bởi vậy nhận đồng tiền từ lĩnh vực tư, giao du với xí nghiệp là những ngoại lệ rất quyến rũ nhưng rất khó vượt qua.

Khác biệt đó tạo thuận lợi cho đại học Mỹ : xuất khẩu đại học để kinh doanh, để kiếm tiền, không đặt vần đề nguyên tắc gì cho đại học Mỹ. Cho nên đại học Mỹ bung ra ở Âu châu, ở khắp thế giới, cùng với làn sống toàn cầu hoá, Việt Nam ta đâu có lạ lùng gì. Mà không phải chỉ các đại học đích thực : các chi nhánh của các hãng lớn cũng tích cực không kém. Microsoft, Motorola lúc đầu cũng chỉ mở lớp để đào tạo nhân viên của họ thôi, nhưng sau lại mở rộng ra, đào tạo cả "khách hàng" không biên giới, kèm thêm một tấm "bằng", mà giá trị trên thị trường lao động có khi cao hơn cả bằng cấp của các đại học quốc gia. Microsoft đẻ ra bao nhiêu chi nhánh con như thế ? 1700 trên khắp thế giới. Cái thị trường xuất khẩu giảng văn trên mạng ấy càng ngày càng bành trướng, các đại học danh tiếng nhất ở Mỹ, như MIT, đóng góp tích cực. Và tiền chui vào túi họ là bao nhiêu ? Từ 97 triệu Mỹ kim năm 1996, con số tăng vọt lên 3,9 tỷ năm 2002.

Như các bạn đều biết, chỗ nào có thị trường, chỗ ấy có cạnh tranh. Thị trường ngày nay đã toàn cầu hoá, cạnh tranh cũng toàn cầu hoá. Đại học Mỹ đã bung ra, đã tấn công, trên toàn thế giới, tất nhiên các đại học khác của các nước tiên tiến, nhất là Âu châu, cũng phải lên gân lên cốt để, hoặc bảo vệ thị trường nội địa, hoặc cạnh tranh trên những thị trường khác. Mà cạnh tranh, đâu phải chỉ mỗi việc xuất khẩu giảng văn ! Còn bao nhiêu hình thức khác. Ví dụ : mở cửa đón nhận sinh viên tứ xứ. Năm 2002, trên thế giới có 2 triệu sinh viên học ở ngoài nước của mình.

Trong số đó, riêng nước Mỹ đã chiêu được 583.000 sinh viên. Ngôn ngữ thông thường của ta gọi đó là đi học. Văn chương hơn chút nữa thì gọi đó là du học. Nhưng cái đầu mua bán của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) phát ra ngay ngôn ngữ mua bán, kinh doanh : họ gọi đó là "tiêu thụ tại ngoại quốc", mà tiêu thụ tại ngoại quốc là một bộ phận của thương mại quốc tế. Đối với người sinh viên đi du học, họ trông chờ được hưởng nhận một vốn liếng giáo dục đầy lợi ích; đại học mà họ đến học cũng sung sướng làm cái nhiệm vụ ấy, nhưng đồng thời cũng nhắm đến một lợi ích khác có thoang thoảng mùi hương của đồng tiền : với những đồng tiền ấy, họ tăng cường ngân sách của họ để phát triển đại học.

Nghĩa là gì ? Nghĩa là, chỉ với một ví dụ đó thôi, các bạn thấy hai mặt của đại học ngày nay ở các nước tiên tiến : một mặt là công ích, phục vụ xã hội ; một mặt là kinh doanh, phục vụ cái túi của mình. Đừng tưởng đại học tư ở Mỹ không biết công ích. Uy tín của Harvard làm ai cũng mến mộ đại học của Mỹ. Và sinh viên thụ giáo ở đâu, khi về lại nước đều có khuynh hướng phát huy văn hoá của nước mà mình đã đến học. Sách vở ngày nay gọi sức thu hút ấy là sức mạnh mềm. Đại học Mỹ là một trong những sức mạnh mềm sáng giá nhất của nước Mỹ. Coi chừng, có một đại cường khác cũng đang phát triển cái sức mạnh mềm ấy một cách quy mô hơn : tôi muốn nói Trung Quốc. Vậy, đừng tưởng các đại học tư ở Mỹ không biết công ích. Thì cũng vậy, đừng tưởng các đại học công ở Mỹ không biết kinh doanh : kinh doanh bây giờ trở thành nghề của chàng.

Vừa rồi, tôi đã đưa ví dụ "tiêu thụ tại ngoại quốc". Bây giờ, một ví dụ khác, và tôi dùng ngôn ngữ cung cầu của thị trường : cung những chương trình áp dụng tại ngoại quốc, tiếng Mỹ gọi là offshore. Hình thức thay đổi từ những dạng thương mại khá thô bạo đến những dạng làm ăn rất nghiêm túc mà Việt Nam ta cũng biết : cấp văn bằng có dấu ấn của hai đại học (twinning) ; mở campus ở ngoại quốc dạy những ngón chơi điệu nghệ của các trường thương mại, như Đại Học Chicago mở ở Barcelone, như INSEAD mở ở Singapore. Lại một con số hùng biện : năm 1996-97, 3/4 các trường đại học Anh đã đảm nhiệm cái dịch vụ chuyển đại học ra ngoại quốc như thế cho 140.000 sinh viên ; năm 1999, 35 đại học Úc đề nghị 750 chương trình cho 32.000 sinh viên. Đồng tiền đi trước, chức tước đi sau.

Tôi vừa nói đến đại học Anh và đại học Úc. Tôi sắp nói đến đại học ở Âu châu. Vì đại học đã biến thành một thị trường, và vì sức tấn công của đại học Mỹ quá mạnh, đại học Âu châu phải làm gì để cạnh tranh ? Muốn cạnh tranh phải mạnh như Mỹ, mà muốn mạnh như Mỹ thì phải có tiền. Đâu phải chỉ ở Việt Nam ta tiền đâu là chuyện đầu tiên ? Các đại học Âu châu và các Nhà nước ở Âu châu phải điên cái đầu để cải tổ lại nguyên tắc : làm sao làm một cái đám cưới không giá thú giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư, giữa nguyên tắc công ích của đại học công và nhu cầu móc tiền từ túi của những tài chính tư ? Lại một nguyên tắc nữa cũng phải điên cái đầu để cải tổ : làm sao để cho đại học có thể được quản lý hiệu quả như là một xí nghiệp mà vẫn không mất chức năng giáo dục của mình ?

Tại sao các đại học Âu châu phải điên cái đầu ?

Tại vì các đại học Mỹ đã biến kiến thức thành một món hàng, và kiến thức ngày nay là món hàng quan trọng nhất, quan trọng đến nỗi kinh tế đã chuyển từ kinh tế công nghệ qua kinh tế tri thức. Tri thức trở thành mũi nhọn trong sức mạnh của một nước, là chìa khoá mở cửa thành công cho cạnh tranh. Mà tri thức nằm ở đâu là chính nếu không phải là trong đại học ? Bởi vậy, nói rằng các đại học cạnh tranh là nói ở mức thấp ; phải nói ở mức cao rằng : chính các quốc gia cạnh tranh nhau qua hệ thống đại học của mình. Đại học mạnh thì nước mạnh; đại học yếu thì nước sụm bà chè. Các nước Âu châu biết vậy nên trước hết họ tụ họp đại học của nhau lại, năm 1999, trong một chương trình đào tạo chung gọi là "quá trình Bologne", và sau đó mỗi nước có một chính sách riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường đại học của mình lên sao cho bắt kịp những đại học danh tiếng nhất của Mỹ.

Nhưng, để bắt kịp đại học Mỹ trong thời đại toàn cầu hoá này, khó lòng không đi theo con đường của Mỹ, tức là con đường thị trường hoá kiến thức. Thế nào là thị trường hoá kiến thức?

Để trả lời câu hỏi cụ thể này, lại phải đặt một câu hỏi khác, cắc cớ : thế nào là kiến thức ? Kiến thức là hiểu biết. Học là để biết. Nhưng trong cái biết, có cái biết tổng quát, có cái biết cục bộ. Biết vặn một con ốc là kiến thức cục bộ. Biết cách vận hành của cả bộ máy xe hơi là kiến thức tổng quát. Trong khoa học cũng vậy, lý tưởng của khoa học là biết càng tổng quát càng tốt, một định luật khoa học là một định luật áp dụng cho càng nhiều trường hợp càng tốt, cho tất cả mọi trường hợp lại càng tốt hơn. Nhà khoa học nào đích thực cũng muốn hướng đến cái biết tổng quát như vậy. Và khi biết là vui rồi. Là có thể nhảy cỡn tồng ngồng từ trong buồng tắm ra ngoài đường la hét om sòm "Eurêka !: Eurêka !" như ông Archimède.

Tại sao vui ? Cái gì làm ông vui ? Chân lý. Khoa học là khám phá ra chân lý. Tỷ như trong cái nhà u tối bỗng được thắp lên ánh sáng. Cái biết đó, ta gọi là cái biết vô vị lợi. Người làm khoa học vui với cái biết vô vị lợi đó. Và đại học, chính là chỗ đào tạo, nuôi nấng cái niềm vui vô vị lợi đó ; đại học là chỗ chỉ biết phụng sự một nữ thần mà thôi là nữ thần Chân Lý - tôi nói "nữ thần" không phải vì nịnh phụ nữ mà vì nịnh chữ Pháp, chữ Pháp gọi Chân Lý là La Vérité, giống cái, phái đẹp. Chân Lý là mục đích tối thượng của đại học.

Đến đây, hai quan điểm tách riêng ra, như hai nhánh cây trổ ra từ một thân. Một quan niệm nói : đại học phụng sự "khoa học vì khoa học", phụng sự Chân Lý vì Chân Lý. Chân, cũng như Thiện, cũng như Mỹ, là ba cái đích tự nó đã đem lại ý nghĩa cho cuộc đời rồi, sống với nó là đủ hạnh phúc. Năm tôi học lớp 12, tôi phải bình giảng một câu thơ của thi sĩ Anh John Keats : "Một cái gì Đẹp là một nguồn vui bất tận" (A thing of Beauty is a joy forever). Thú thật cũng hơi khó cho chúng tôi lúc đó, nhưng ít ra ai cũng cảm nhận : Đẹp là nguồn vui bất tận. Hãy nhìn cái miệng cười của em bé trong nôi. Chân Lý cũng vậy, là nguồn vui bất tận.

Thế nhưng quan điểm thứ hai nói cũng không sai: biết mà không làm thì cái biết ấy vô dụng. Suy tư mà không hành động thì suy tư để làm gì.

Trong lĩnh vực khoa học, hai quan điểm ấy đều đúng và phải bổ túc cho nhau. Với quan điểm thứ nhất, đại học phải nắm vững và phải đào tạo cho được những người làm khoa học vì say mê khám phá ra những sự thật, những định luật tổng quát. Đó là khoa học cơ bản mà nếu không phát triển thì một nước không thể được gọi là tiên tiến. Với quan điểm thứ hai, một nước có thể áp dụng những khám phá khoa học để phát triển công nghệ. Đó là khoa học ứng dụng.

Ai cũng biết hai quan điểm ấy phải bổ túc cho nhau, nhưng có một kẻ không biết, và kẻ ấy có một cái đầu rất lạnh lùng: kẻ ấy là đồng tiền. Đồng tiền không có chân nhưng nó chạy rất tài, thoắt một cái, chỗ nào có mùi lợi là nó xuất hiện ngay. Làm khoa học cơ bản có lợi chăng ? Lạnh lùng, đồng tiền phán : đầu tư rất nhiều, thời gian rất lâu, mà kết quả thì tơ lơ mơ. Công nghệ ứng dụng thì sao ? Đồng tiền phán : vừa nhanh, vừa chắc, vừa ăn to. Kết luận ? Nó không cần xúi, các xí nghiệp tư cũng biết : đó là miếng mồi ngon móc vào lưỡi câu để câu mấy con cá đại học. Các bạn làm khoa học cơ bản hả ? Tội tình gì vậy ? Sao không hướng nghiên cứu vào ứng dụng, kiếm cái bằng sáng chế, bán lại cho chúng tôi sản xuất, chúng tôi sẽ lì xì cho các bạn hàng triệu, hàng chục triệu đô ? Một ví dụ nhỏ nhỏ : hãng bào chế dược phẩm Novartis của Thụy Điển ký một hợp đồng hiến 25 triệu Mỹ kim trong 5 năm cho phân khoa vi sinh học của Đại Học Berkeley - 1/3 ngân sách của phân khoa - để khai thác những khám phá mới của phân khoa này.

Con cá này đớp, con cá kia đớp. Bởi vì thị trường là cạnh tranh và thị trường kiến thức là cạnh tranh giữa các đại học. Cái nguy cơ của việc cạnh tranh này là gì ? Là các đại học tranh nhau phát triển nghiên cứu ứng dụng để kiếm tiền mà lãng quên nghiên cứu cơ bản.

Cho nên, cho nên ... dù nói là thị trường, dù nói là kinh tế tư bản, dù nói đến nước Mỹ chủ xị của chủ nghĩa tư bản, đại học không thể là thị trường hoàn toàn tự do, đại học là huyết mạch, nghiên cứu là huyết mạch, khoa học là huyết mạch của sức mạnh quốc gia, Nhà nước không thể phó mặc đại học cho những bàn tay vô hình, hoặc mượt mà hoặc lông lá, Nhà nước phải có mặt để khích lệ chỗ này, điều chỉnh chỗ kia, Nhà nước không thể làm thế thị trường nhưng thị trường cũng không thể độc quyền thống soái, sống chết mặc bay.

Trong lĩnh vực khoa học nói chung, nghĩa là có phần cơ bản, Nhà nước liên bang Mỹ phân phối hợp đồng giữa các trường đại học tùy theo tiêu chuẩn duy nhất là tiềm năng nghiên cứu, không phân biệt đại học công hay tư. Bởi vậy, đại học Johns Hopkins, đại học tư, lại nhận được một ngân sách nghiên cứu khổng lồ : 992 triệu Mỹ kim năm 200. Nước Mỹ vẫn là nước tiên tiến nhất về khoa học, tất nhiên là cả khoa học cơ bản, bởi vì nước Mỹ được đánh giá là nước có sức sáng tạo hàng đầu. Nhưng đây không phải là vấn đề của ta hôm nay, vì ta đang nói đến chuyện tiền, mà tiền thì chỉ đến từ công nghệ ứng dụng.

Tuy vậy, ngay cả trong công nghệ ứng dụng, bàn tay của Nhà nước vẫn có thể vừa khuyến khích cạnh tranh giữa các đại học, vừa nâng cao cạnh tranh lên mức quốc tế để chiếm lĩnh hàng đầu trong sản xuất quốc tế. Đó là trường hợp của đạo luật Bayh-Dole ban hành năm 1980. Đạo luật đó thoạt trông tưởng hiền lành thôi, thực chất là làm thay đổi cả lòng ruột đại học. Nó nói gì ? Nó cho phép đại học khai thác bằng sáng chế để kiếm tiền, kể cả việc tạo ra những công ty thương mại để tự khai thác sản phẩm.

Có hai mặt cần làm sáng tỏ trong đạo luật này. Một mặt, thời điểm 1980 là giai đoạn kinh tế Nhật phát triển mãnh liệt, có cơ đè bẹp cả kinh tế Mỹ. Khuyến khích nghiên cứu trong đại học là biện pháp cạnh tranh để vượt qua Nhật. Một lần nữa, đại học là sức mạnh của quốc gia, và Nhà nước không để cho một mình thị trường thống soái sức mạnh đó.

Mặt thứ hai, liên quan đến đề tài của chúng ta: cho phép đại học khai thác thương mại bằng sáng chế tức là đưa hoạt động tư, phương pháp tư, quản lý tư, chức năng tư vào chức năng cổ điển của đại học là chức năng giáo dục. Nói một cách khác, đại học bị xí nghiệp hoá. Hay nói một cách khác nữa, đại học bị thương mại hoá. Hay lại nói một cách khác nữa, đại học bị công ty hoá, University biến thành University Inc.

Đó là cái bước chân mà đại học Âu châu chưa muốn bước theo. Ừ, phải đành lòng bắt chước Mỹ thôi, nhưng đi đến cái mức biến đại học thành công ty thì Âu châu hãy còn nhất quyết không. Mà trong lòng đại học Mỹ cũng vậy, tư hay công, đại học Mỹ đều nhắm phục vụ công ích và hoạt động vô vị lợi. Tư hay công, tranh luận cũng đang diễn ra trong đại học, cảnh cáo cái mức quá đà mà đại học Mỹ có thể sa chân vào, đánh mất linh hồn của mình cho luận lý của xí nghiệp.

Nhưng, có thật đại học Mỹ đã bán linh hồn cho mụ Tú Bà xí nghiệp rồi chăng ? Đây là phần thứ hai trong bài nói chuyện hôm nay, và câu trả lời của tôi là không. Đại học, dù ở Âu châu hay ở Mỹ, đều mọc rễ rất sâu trong lịch sử, đều dính chặt với sự thành hình của quốc gia, đều hút hơi sống của xã hội và nhả hơi sống cho xã hội, không dễ gì đại học có thể cắt đứt truyền thống của mình, mạch máu của mình. Vậy truyền thống đó là gì ?

Tôi bắt đầu ngay từ chỗ bắt đầu, từ chữ University. University lấy gốc từ chữ la tinh Universitas, và universitas có nghĩa là một cộng đồng gồm thầy và trò. Cộng đồng đó được thành lập rất xưa, tại Pháp, tại Ý, tại Bồ Đào Nha, từ thế kỷ thứ 12, tự thành lập, lúc mà các quốc gia ở Âu châu bắt đầu thành hình. Thành hình, các quốc gia đó xác nhận uy quyền của mình bằng cách chống lại đế chế và uy quyền của Nhà thờ. Thành hình, đại học xác nhận thế đứng của mình bằng cách phản biện độc quyền tri thức mà Nhà thờ chiếm giữ. Cùng chống lại thần quyền, các quốc gia măng sữa nâng đỡ đại học măng sữa, nhưng cộng đồng thầy trò đó vẫn giữ được vị thế tự lập của mình, theo đuổi một lý tưởng riêng, tuân thủ những phép tắc riêng. Mô hình đó lan rộng ra khắp Âu châu từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 16, và "đại học" được hiểu khắp nơi như là một cộng đồng gồm hàng trăm ông thầy phối hợp nhau để cùng tổ chức một nền học vấn cho hàng ngàn học trò. Ý tưởng đó được tiếp diễn và duy trì cho đến nay : cho đến nay, đại học vẫn được xem như một cộng đồng, một tập thể riêng trong lòng xã hội, có những tập tục riêng và nhất là những lễ nghi riêng. Lễ nghi đặc biệt của đại học được tổ chức long trọng nhất là lúc phong chức tiến sĩ cho người xứng đáng. "Digmus est intrare" : đó là câu nói danh tiếng bằng chữ la tinh để cắt nghĩa lễ phong tiến sĩ.

Nghĩa của nó là : vị này xứng đáng để đi vào. Câu nói này đúc kết tất cả tinh tuýy của định chế đại học. Đại học có thứ bậc, đẳng cấp. Muốn được "xứng đáng để đi vào" chức cao nhất ấy, sĩ tử phải bước qua những cấp bậc trước tiến sĩ. Nhưng chính trong ý nghĩa đẳng cấp ấy lại hàm chứa một hứa hẹn bình đẳng giữa các thành viên trong cộng đồng : ngay từ năm học đầu tiên, người học trò phải biết rằng mình đã là thành viên của một đoàn thể và đoàn thể ấy đang sửa soạn cho mình trở thành ông tiến sĩ nay mai. Mỗi giáo sư là một người học trò đã thành ; mỗi người học trò là một giáo sư sẽ thành và phải được đối đãi như thế. Cái chức tiến sĩ, không phải một ông thầy hay vài ông thầy nào đó phong cho : cái chức ấy, cũng như chức giáo sư, là do toàn thể cộng đồng giáo sư phong. Ngày nay, có hàng trăm đại học trong một nước, nhưng hàng trăm đại học đó vẫn giữ ý thức cộng đồng, vui buồn vinh nhục cùng nhau san sẻ. Bởi vậy, cách đây mấy năm, khi có một đại học ở Pháp chấp nhận cấp bằng tiến sĩ cho một ứng viên, chuyên gia về chiêm tinh học, tác giả một luận văn tiến sĩ về chiêm tinh, tất cả cộng đồng đại học ở Pháp đều cảm thấy nhục. Luận văn ấy không phải là một luận văn khoa học, ngài không "xứng đáng để đi vào".

Cùng với ý thức cộng đồng ấy, ý thức tự lập vẫn còn duy trì cho đến nay. Tôi nhắc lại : universitas khởi thuỷ là một cộng đồng tự thành lập. Quá trình tự mình xác nhận mình, trước là chống lại uy quyền của Nhà thờ, sau là để độc lập với uy quyền của Nhà nước, đã mang lại cho đại học một quy chế đặc biệt còn tồn tại cho đến nay, tuy chỉ là tương đối nhưng ý nghĩa không phải là nhỏ : đó là quy chế tự trị. Rất nhanh, đại học Âu châu thời trung cổ tạo được cho mình một chức năng suy tư về những giá trị nào của quá khứ cần truyền thừa, những giá trị nào, kiến thức nào của đương thời cần làm tổng hợp. Chức năng đó không rời khỏi ý nghĩ quen thuộc về sự hiện hữu của một thế giới trí óc, một thế giới tri thức, một thế giới văn hoá vượt lên trên thế giới vật chất cơm áo hàng ngày.

Bởi vậy, đại học cổ truyền ở Âu châu phát triển dưới sự bảo trợ nhất quán của môn học chủ yếu, đó là triết học, qua đó, từ đó, chức năng tổng hợp tôi vừa nói được thực hiện, và được thực hiện bằng cách luôn luôn đổi mới. Và cũng bởi vậy, tất cả các môn học khác có dính dáng đến lý thuyết đều được quy tụ vào triết học, như vào một nhuỵ hoa, từ đó phấn hương bay ra. Đó là hình ảnh của kiến thức : kiến thức là một, nguyên thuỷ là một, bởi vì tất cả những kiến thức cục bộ đều hướng về một nguồn gốc lý thuyết duy nhất là chân lý. Do đó, các bạn hiểu tại sao ở Mỹ, học vị cao nhất, bất cứ ngành nào, cũng đều mang tên là Ph.D - Doctor of Philosophy.

Tôi vừa nhấn mạnh trên hai điểm trong nguồn gốc đại học ở Âu châu: một là vị thế tự trị ; hai là chức năng suy tư. Nguồn gốc tự trị đó còn duy trì cho đến nay, dù lắm khi chỉ là hình thức, nhưng cụ thể vẫn thấy, ít nhất là qua quy chế tự trị của đại học, khác với quy chế của các cơ quan công quyền khác. Tôi chỉ kể một ví dụ cụ thể thôi, về một chi tiết nhỏ nhưng không nhỏ.

Năm 1968, sinh viên ở Pháp nổi dậy như một cơn sóng trong hàng chục cơn sóng làm điên đảo thế giới đại học Âu Mỹ hồi đó, khởi đầu bằng hành động chiếm đại học Sorbonne. Giữa bạo loạn có cơ nguy làm sụp đổ chế độ vững như núi của tổng thống De Gaulle, cảnh sát vẫn không được quyền xông vào khuôn viên của Sorbonne. Lãnh thổ của đại học là của đại học, quy chế tự trị của đại học không cho phép cảnh sát bước vào nếu không có yêu cầu chính thức của hiệu trưởng - nghĩa là của hội đồng đại học. Đừng tưởng đây chỉ là một chi tiết hình thức : không có cái gì thiêng liêng mà không có hình thức tượng trưng. Tự trị là bản chất của đại học. Đại học mà không có tự trị thì đại học không còn là đại học.

Tất nhiên, tôi nói ở đây là nói trong bối cảnh Âu Mỹ, và tôi biết phân biệt một cách có ý thức hoàn cảnh của họ và hoàn cảnh của ta, hai hoàn cảnh khác nhau. Nhưng, về mặt lý tưởng mà tất cả chúng ta ở đây, cũng như mọi đồng nghiệp của tôi và của các bạn trong khắp đại học trên thế giới đều nhắm đến, tự trị về đầu óc là bài học đầu tiên của người bước chân vào đại học. Cho nên, dù ở Đông hay Tây, Nam hay Bắc, xưa hay nay, cũ hay mới, bảo thủ hay cấp tiến, không ai có thể và có quyền nói rằng đại học không có chức năng suy tư. Với lý tưởng tự trị, với chức năng suy tư, đại học Âu châu trong lịch sử đã vượt ra khỏi uy quyền của Nhà thờ, uy quyền của chính trị, không có lý gì họ không biết cách vượt lên trên uy quyền của thị trường.

Đó là tôi nói về đại học Âu châu. Bây giờ, tôi nói về đại học Mỹ, và tôi cũng bắt đầu đi từ chỗ khởi thuỷ

Đại học Mỹ có cái hay mà tôi nghĩ ta có thể bắt chước, là học kiến thức tổng quát trong bốn năm đầu ở undergraduate. Trong những kiến thức tổng quát đó, có kiến thức về khoa học, tất nhiên, nhưng quan trọng không kém là kiến thức mà họ gọi là humanities mà ta tạm dịch là nhân văn. Kiến thức khoa học đào tạo một cái đầu chính xác, điều đó ai cũng biết. Còn kiến thức nhân văn đào tạo một cái đầu gì ?

Tôi khởi đi từ nguồn, nghĩa là từ văn minh Hy Lạp - La Mã, bởi vì đại học Mỹ uống nước cùng một nguồn với đại học Âu châu. Tôi bắt đầu với những môn học của thời Platon, Aristote mà ảnh hưởng còn vang vọng âm ba trong đại học Mỹ ngày nay. Platon dạy gì trong trường của ông hồi thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch ? Siêu hình, toán, biện chứng. Aristote thêm gì sau Platon ? Luận lý, đạo đức, sinh học, vật lý, chính trị và tu từ học, nghĩa là cách nói, cách diễn giảng. Tôi nhấn mạnh tu từ học, vì đó là gia tài mà văn minh Hy Lạp truyền lại cho văn minh La Mã và văn minh La Mã để lại dấu ấn trên đại học Mỹ. Tu từ học là gì ? Là văn phạm, là lời nói, là những khôn khéo, tinh tế trong cách vận dụng, diễn đạt, phân tích một diễn văn. Người La Mã có biệt tài về luật, về hành chánh, về chính trị ; họ là những người xây dựng đế chế. Cho nên họ hiểu sự cần thiết của thuyết phục, của một giáo dục biết khai triển khả năng nói trước công chúng, khả năng biện luận phân minh, rạch ròi của ngôn ngữ luật và chính trị, tô điểm thêm với những kiến thức và ngôn ngữ tinh tế của văn chương.

Văn học, vì vậy, cũng có mục tiêu xã hội và chính trị. Chức năng của văn học là chuyển tải một ngôn từ có tính thu hút bao gồm lời lẽ thẩm mỹ, lý luận đanh thép, đạo đức vững chắc, tô bồi bằng những biện giải lịch sử. Giáo dục, dưới thời La Mã, gồm : huấn luyện về văn học và ngôn ngữ, toán, thiên văn, luận lý, biện chứng, và trên hết, trên hết, nghệ thuật thuyết phục, tức là tu từ học. Đó là các môn học mà tiếng la tinh gọi là artes liberales, ngày nay được du nhập vào đại học Mỹ dưới tên gọi liberal arts. Liberare, tiếng la tinh là tự do ; đó là giáo dục để làm người tự do - tất nhiên là trái với "giáo dục" để làm người nô lệ. Chương trình học đó của người La Mã được truyền qua đại học thời trung cổ, tạo thành 7 môn học của liberal arts : văn phạm, luận lý, tu từ, số học, hình học, thiên văn và âm nhạc.

Tại sao văn phạm ? Tại vì văn phạm là nghệ thuật dùng ngôn ngữ cho đúng. Tại sao biện chứng ? Tại vì biện chứng là nghệ thuật dùng lý luận cho giỏi. Tại sao tu từ ? Tại vì tu từ là nghệ thuật nói cho hay. Dưới sức nặng của Thiên chúa giáo thời trung cổ, tu từ và văn học còn mang thêm sắc thái đạo đức của tôn giáo, pha lẫn những tập tục hiệp sĩ của thời đại. Mô hình giáo dục đó, du nhập vào đại học Anh từ thế kỷ 16, 17, được truyền qua thuộc địa Mỹ, đi thẳng vào đại học Harvard, sáng lập năm 1636, cùng 8 trường đại học khác. Giáo dục để đào tạo một "người có học vấn" gồm : tu từ và văn phạm, đọc, nhớ và diễn dịch những trang sách về văn học và thần học định nghĩa thế nào là đạo đức của một công dân "trong cộng đồng của Thiên chúa".

Tại sao ở đâu cũng đặt nặng tu từ học như vậy ? Tại sao ở đâu văn chương cũng khoác chức năng xã hội, chính trị ? Tại vì nói năng, phân tích, biện luận thế nào cho phân minh, khúc chiết, hoa gấm, để thuyết phục trong mỗi vấn đề đặt ra trước công chúng là vô cùng cần thiết trong một nền dân chủ, dù là dân chủ trong tiểu quốc Athènes ở cổ Hy Lạp, trong Cộng Hòa của cổ La Mã, hay trong xã hội nước Mỹ ngày nay. Dân chủ cai trị bằng thuyết phục. Độc tài cai trị bằng mệnh lệnh.

Thế nhưng dân chủ không phải là không có những nguy cơ rình rập bên hông để làm biến chất. Một trong những nguy cơ đó là chính sách mị dân, và mị dân cũng bằng lời nói. Ôi, cái lưỡi ! Chắc các bạn biết chuyện ngụ ngôn về cái lưỡi của Esope. Một hôm, chủ nhà bảo Esope ra chợ mua cái gì ngon nhất về ăn. Esope mua về cái lưỡi. Hôm sau, chủ nhà bảo mua cái gì dở nhất về nhậu. Esope lại mua cái lưỡi. Không cần phải hỏi Esope, tất cả chúng ta đều có thể kết luận : giáo dục là gì nếu không phải là giáo dục cái lưỡi ? Trong thời đại của chúng ta ngày nay, cái đầu của chúng ta bị đập chan chát hàng ngày vì cái lưỡi, từ cái lưỡi quảng cáo đến cái lưỡi lang băm. Đừng tưởng trong các nước tiên tiến không có lang băm : tràn đầy ! nhan nhản ! trong mọi lĩnh vực, kể cả tín ngưỡng, nhất là tín ngưỡng. Do đó, tương quan giữa lời nói và sự thật là vấn đề hệ trọng nhất của người đi học, và vì vậy, tôi kính phục Đại Học Hoa Sen đã đưa môn critical thinking vào chương trình học của nhà trường.

Đây cũng là vấn đề đặt ra từ khởi thuỷ. Trong quan niệm về lời nói, mà tiếng Hy Lạp gọi là logos, có hai khuynh hướng. Một khuynh hướng đặt nặng trên tu từ, trên hùng biện như tôi vừa nói. Một khuynh hướng xem tu từ như không chính xác, như chỉ là một khí cụ thực tiễn, như cái bóng của sự thật chứ không phải sự thật. Bởi vậy, Aristote mới đưa toán học và luận lý học vào chương trình. Và cũng bởi vậy, Platon là kẻ thù số một của các ông thi sĩ, hay nói cho đúng hơn, các ông thi sĩ là kẻ thù số một của Platon. Khắp trong các tác phẩm của ông, Platon lên án thơ. Ông nói : muốn công lý ngự trị, tiểu quốc của ông không nên dành chỗ nào cho thi sĩ, nhất là thi sĩ giỏi, bởi vì chính bản chất của thơ là nói láo, là bóp méo sự thật, nghĩa là bóp méo công lý. Vậy thì ai là kẻ đối đầu, là địch thủ, là tay cạnh tranh quyết liệt nhất với các ông thi sĩ tài ba nhất kia ? Triết gia ! Thơ (và kịch), dưới mắt Platon, vi phạm triết lý, vi phạm đời sống công dân vốn hợp với lý tính.

Ngày nay, các học giả xem đối chọi giữa triết và thơ trong tư tưởng của Platon như là tiền thân của đối chọi giữa nhân văn và khoa học, thậm chí như chiến tranh giữa hai văn hoá. Ta tạm gác qua một bên tranh luận lý thú đó, và cũng tạm gác qua một bên quan điểm có phần quá khích của Platon. Còn lại, ta nhận xét gì ? Thì cũng là critical thinking !

Học thuyết phục, học phê phán, đó là cái đầu mà liberal arts trong đại học Mỹ nhắm đào tạo. Dù cho lĩnh vực khoa học ngày nay có lấn lướt lĩnh vực nhân văn, dù cho việc đào tạo ngành nghề ngày nay được chú trọng hơn bao giờ cả, đại học Mỹ không để mất ý thức rằng liberal arts là cơ sở phải duy trì. Họ biết : nếu nhân văn bay mất về trời, ký ức cộng đồng cũng sẽ bay mất, ngôn ngữ cũng bay mất, thế giới của tưởng tượng cũng bay mất, thần linh cũng bay mất, ý nghĩa cũng bay mất, liên đới xã hội cũng bay mất, bản sắc cũng bay mất, cả phần hồn của dân tộc cũng bay mất về trời luôn.

Để dẫn chứng, tôi trích một câu trong bài diễn văn nổi tiếng của bà Drew Faust đọc trong lễ nhậm chức hiệu trưởng Đại Học Harvard cách đây hai năm :

"Ta, như là người, luôn luôn đi tìm ý nghĩa. Ta cố hiểu cho được ta là ai, từ đâu đến, đi về đâu và tại sao. Đối với rất nhiều người, bốn năm học ở undergraduate là dịp ngắt quãng duy nhất trong đời cho phép ta tự do khám phá những câu hỏi căn bản đó. Nhưng câu hỏi về ý nghĩa là một hành trình đi tìm không bao giờ dứt, luôn luôn phải diễn giảng, luôn luôn phải ngừng để định nghĩa lại hiện trạng, luôn luôn nhìn, không bao giờ bằng lòng với cái đã tìm ra. Một câu trả lời chỉ là để đặt lại câu hỏi kế tiếp. Đó là chân lý của học vấn, của khoa học tự nhiên cũng như của khoa học xã hội và nhân văn, và đó chính là cốt lõi mà đại học nhắm đến".

Đại học, trước hết là nơi chuyển tải, từ thế hệ này qua thế hệ khác, một tài sản văn hoá, nơi mà tuổi trẻ có thể sống với kiến thức và tìm trong kiến thức ý nghĩa và nguồn vui, nơi mà tuổi trẻ khám phá ra nhiều không gian khác, nhiều thời đại khác, nhiều chiều rộng, chiều sâu của thế giới. Đại học cũng là nơi mà người dạy có thể có cái tự hào mình không phải làm một nghề giống như những nghề khác mà làm một sứ mạng, sứ mạng cao quý của người khai mở những cái đầu. Nếu nghĩ rằng mình chỉ làm một cái nghề thôi thì quả tình kiến thức là một món hàng mua bán. Nếu nghĩ rằng mình làm một sứ mạng thì bao nhiêu vàng cũng không mua nổi được mình.

Các bạn sinh viên thân mến, để trả lời câu hỏi mà tôi đặt ra cho bài khai giảng hôm nay, "đâu là hướng đi của đại học", tôi đã nói trong phần đầu : dù muốn dù không, đại học khó cưỡng lại những bức bách của thị trường, những đòi hỏi của "kinh tế tri thức". Nhưng tôi vừa nói trong phần sau : đại học không thể đồng hoá với xí nghiệp tư bản, buôn bán kiến thức. Những cái đầu mà đại học đào tạo nhắm đến những chân trời khác, không phải chỉ ngành nghề.

Ngay ở Mỹ, nơi mà thị trường là vua, đại học có phận sự gì ? Phát triển kiến thức là một ; phát triển con người của mỗi cá nhân là hai ; phát triển những giá trị xã hội và văn hoá là ba ; thứ tư mới là huấn luyện nghề nghiệp. Hỏi đại học nào, họ cũng đều nói : đó là bốn mục tiêu căn bản truyền thừa trong đại học Mỹ từ trăm năm trước đây. Dù cao, dù thấp, dù danh tiếng, dù tầm thường, đại học nào cũng nhất trí với nhau trên một quan niệm căn bản : mô hình liberal arts đặc biệt của Mỹ là quan trọng trong bốn năm đầu. Mục đích của liberal arts, tôi nhắc lại, là giáo dục một con người tự do. Tự do đối với tất cả mọi thế lực. Điều đó cũng có nghĩa là người sinh viên không để cho cái đầu của mình làm nô lệ cho một thứ kiến thức duy nhất là kiến thức của cái nghề. Lý tưởng của giáo dục, nhất là giáo dục đại học, bất cứ ở đâu, và nhất là trong văn hoá cổ của ta, là đào tạo người học trò thành người trí thức chứ không phải chỉ thành chuyên viên.

Các bạn thân mến, đó là lời nhắn nhủ nhỏ bé mà tôi gửi đến các bạn hôm nay.
Cao Huy Thuần

NGUỒN : Bài nói với sinh viên Trường Đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh)
21.10.2009

12 THÁNG ANH ĐI